Hư hư lục
Phần 4
Nguồn: Thích Nữ Như Thủy
Chiếc Áo Kỳ Diệu
Ngày xưa có một vị hoàng đế thích quần áo mới đến nỗi suốt ngày Ngài chỉ làm một việc duy nhất là thay quần áo mới. Ngài chẳng ngó ngàng gì đến binh sĩ, triều chính. Người ta thường nói: "Hoàng đế đang lâm triều" nhưng đối với vị vua này người ta phải nói "Hoàng đế đang mặc quần áo."
Một hôm có hai người lạ đến hoàng cung, tự xưng là thợ dệt và khoe rằng: Họ có thể dệt ra thứ vải tuyệt đẹp, quần áo may bằng thứ vải ấy có một đặt tính kỳ lạ. Ai không làm tròn bổn phận hoặc ngu xuẩn thì không thể nhìn thấy quần áo, dù đứng rất gần. Hoàng đế tự nhủ: "Ðấy mới là bộ quần áo quý nhất. Ta chỉ cần mặc vào là biết ngay trong đám quan lại của ta đứa nào không làm tròn bổn phận. Ta phải may một bộ mới được."
Hai người lạ bày ra hai khung cửi rồi ngồi vào làm như đang dệt thật, nhưng tuyệt nhiên trên khung chẳng có gì. Họ đòi bằng được thứ sợi tơ đẹp nhất, thứ vàng quý nhất, đem bỏ túi, rồi giả vờ làm việc trên khung cửi rỗng tuếch. Hoàng đế nóng lòng muốn đến xem họ làm việc nhưng lại nhớ đến đặc tính kỳ lạ của thứ vải ấy, tự nhiên Ngài đâm ngại. Ngài bèn sai quan thừa tướng đến xem.
Quan thừa tướng vừa gương to đôi mắt tự nhủ: "Lạy Chúa! Ta chẳng nhìn thấy gì cả." Nhưng may mà ngài nén lại được, không nói ra điều ấy. Hai người lạ đến gần và hỏi ngài xem vải có đẹp không?
- Thật là tuyệt! Hoa văn màu sắc không thứ vải nào sánh nổi.
Quan tể tướng trả lời nhưng trong bụng lo ngay ngáy. Họ bắt đầu ngờ mình trở nên ngu ngốc và trể nãi với công việc.
Hai người lạ lợi dụng dịp may lại kỳ kèo xin thêm vàng để thiêu vào vải. Họ lại thủ vàng vào túi và say sưa làm việc trên khung cửi rỗng không.
Chẳng bao lâu hoàng đế lại cử một viên đại thần khác đến xem vải. Hai người này chỉ vào tấm vải tưởng tượng và chứng minh cho quan đại thần đây là tấm vải không đâu có. Quan đại thần tự nhủ: "Mình đâu phải là thằng ngu hay là mình không làm tròn phận sự. Dầu sao cứ giấu biến đi là hơn cả." Nghĩ vậy, ngài bèn vờ ngắm nghía và quả quyết với hai người kia là ngài "chưa thấy vải nào đẹp bằng, và cũng như quan thừa tướng lần trước, ngài lại trở về và kính cẩn tâu với hoàng đế: "Muôn tâu bệ hạ, không có gì đẹp bằng."
Khắp kinh thành nô nức bàn tán về thứ vải kỳ lạ ấy.
Không thể dằn lòng được, hoàng đế đành phải đến xem vải. Ngài không quyên dắt theo một kẻ nịnh thần. "Quái ta chẳng nhìn thấy gì cả. Chẳng lẽ một vị hoàng đế lại ngu ư?" Ngài bèn gật đầu lia lịa: "Ðẹp lắm! Ðẹp lắm!" Ngài ra vẻ hài lòng ngắm nghía hai chiếc khung cửi, không dám thú nhận là chẳng nhìn thấy gì.
Lũ nịnh thần suýt soa phụ họa: "Thật là tuyệt vời!" Và chúng khuyên hoàng đế nên mặc bộ quần áo vô song đó trong ngày lễ rước thần sắp tới.
Hoàng đế ban cho hai thợ dệt mỗi người một tấm bội tinh với danh hiệu "thợ dệt của nhà vua". Suốt hôm trước ngày lễ rước thần, hai thợ dệt ngồi làm việc "cật lực dưới ánh sáng mười sáu ngọn đèn." Họ cắt may, khâu, đính suốt đêm… Cuối cùng bộ quần áo coi như may xong, kịp cho ngày lễ rước thần. Hoàng đế và các vị đại thần tới. Hai ông thợ dệt của nhà vua vờ giơ tay lên trời nâng vật gì và tâu:
- Ðây là quần, còn đây là áo thưa bệ hạ, quần áo này nhẹ như mạng nhện, mặc vào mà tưởng như không và đây cũng là một trong những đặc tính quý báu của thứ vải này.
- Ðúng đấy ạ!
Bọn nịnh thần phụ họa, tuy chẳng đứa nào thấy gì.
Hai ông thợ may lại nói:
- Muôn tâu thánh thượng, cúi in Ngài cởi quần áo ra và đứng trước gương lớn, chúng thần xin mặc quần áo mới cho bệ hạ.
Hoàng đế cởi sạch quần áo, hai ông thợ dệt của nhà vua làm bộ như mặc từng cái quần, cái áo mới vào người hoàng đế, rồi quàng tay quanh thân Ngài như khoác đai lưng. Hoàng đế quay đi quay lại ngắm nghía trước gương. Bọn nịnh thần đồng thanh hô to:
- Trời! Bộ quần áo sao mà đẹp quá chừng!
Quan trưởng lễ báo tin:
- Long tấn đã đến chờ hoàng thượng đi rước thần.
Nhà vua đáp: "Ta đã sẵn sàng."
Rồi ngài lại nhìn vào gương mà ngắm nghía Các quan thị vệ có nhiệm vụ dở đuôi áo, thò tay sát đất giả đò như cầm vật gì đó, rồi vừa đi vừa đỡ cái vật vô hình ấy trên không, chẳng dám nói là mình không nhìn thấy gì.
Ngoài phố mọi người cũng trầm trồ khen ngợi bộ quần áo mới của hoàng đế vì không ai muốn mang tiếng là ngu xuẩn hoặc không làm tròn trách nhiệm. Nhưng rồi, từ một góc nào đó, một đứa bé thốt lên:
- Kìa! Hoàng đế cởi truồng kìa!
Mọi người chung quanh đều nghe rõ câu nói của cu Tèo, nhưng ai cũng giả bộ như chẳng nghe. Chỉ biết là đương không đức vua truyền lệnh quay về lập tức. Có lẽ Ngài cảm thấy choáng váng, một chiếc kiệu vàng được vời đến, bốn chiếc rèm ngọc được buông xuống và đoàn quân nhạc cất cao bản "hồi cung."
PC: Cái bản ngả của mỗi người chúng ta có lẽ cũng huyền ảo và kỳ diệu như chiếc áo của đức vua này chăng?
Em thân mến!
Ðây là một câu chuyện cổ nước ngoài mà tôi đã đọc đâu đó thật lâu rồi. Câu chuyện chấm dứt khi nhà vua hồi cung. Nhưng để câu chuyện có hậu hơn, tôi xin kể rằng: "Khi đức vua trở về, mười hai tên ngự lâm quân chực sẵn trước thềm để nâng cái đuôi áo kỳ diệu, mười hai cô quậy xà phòng bột sẵn để giặc áo cho vua, mười hai cô chực phơi, mười hai cô quạt bàn là để sẵn v.v…
Sau khi thay đổi thường phục hàng ngày, ngự một ly sâm lạnh, đức vua của chúng ta nằm duỗi chân giữa mười hai chiếc quạt lông ngỗng xoa trán thầm nhủ: "Có thế mà mình lại sợ bở vúa. Rồi đâu lại vào đấy… Chả nhẽ thằng nhóc con đó lại khôn ngoan hơn cả bàng dân thiên hạ. Hừm! Con cái nhà ai mà mất dạy thế, báo hại mình thót cả tim!
Nàng Lọ Lem
Ngày xửa ngày xưa, có một thiếu nữ mồ côi mồ cút nhà lại nghèo khó, phải đi làm thuê cho người ta. Quần quật suốt ngày trong bếp, đầu tắt mặt tối, người thiếu nữ có nhan sắc khá mặn mà này biến thành một cô gái lọ lem. Và người ta gọi nàng là "Nàng lọ lem."
Thời xa xưa, khi cánh cổng nhà trời còn mở rộng, chư tiên hay xuống trần dạo chơi và làm phúc, thấy hoàn cảnh của cô bé đáng thương, một bà tiên động mối từ tâm, bà hiện ra và dặn dò cô hãy tìm cho được một trái dưa gang còn xanh, bốn con chuột bạch và một chú cào cào thật to, nàng lọ lem y lời.
Một đêm trăng sáng, hoàng thái tử mở hội hoa đăng để kén vợ, các cô gái đẹp nhất, đẹp nhì, đẹp ba, đẹp tư, đẹp năm... trong nước đều được mời đến, các cô gái đẹp nhất xứ được khiêu vũ cùng hoàng tử, còn các cô gái khác thì đã có các vương tôn công tử con nhà danh gia vọng tộc thù tiếp. Chỉ có nàng Lọ Lem hiền hậu đáng thương của chúng ta là nước mắt đoanh tròng đang loay hoay với hàng tá nồi niêu, soong chảo.
Bà tiên nhân hậu liền vung chiếc đũa thần lên. Trái dưa gang hóa thành một cỗ xe kết đầy hoa hồng đỏ, trắng, bốn con chuột bạch biến thành bốn con ngựa hùng dũng, chú cào cào trở nên một anh chàng kỵ mã hầu cận rất ư là oai phong... Bộ y phục hôi hám dính đầy dầu mỡ của nàng Lọ Lem hóa thành một bộ y phục khiêu vũ rất hợp thời trang, sực nức mùi hoa lài, hoa bưởi, hoa dạ lý... Người đẹp "Lọ Lem" của chúng ta bèn lên đường tiến thẳng đến hoàng cung. Cả đại hội đều ngây ngất và sững sốt trước sự xuất hiện của Lọ Lem, các chàng trai nhìn nàng với vẻ trìu mến chiêm ngưỡng, các cô gái tức tối ganh tỵ. Hoàng thái tử nghiêng mình trước xe tứ mã, đưa tay xin phép được dìu người ngọc xuống. Và Lọ Lem cùng chàng khiêu vũ cho đến khi chuông đồng hồ gõ mười hai tiếng. Sực nhớ lời bà tiên dặn, Lọ Lem hối hả từ giả hoàng tử leo lên xe và cho phi nước đại giữa ánh mắt nuối tiếc của hoàng tử. Chiếc xe vừa khuất sau một khúc quanh, thì Lọ Lem "mèo lại hoàn mèo." Nàng Lọ Lem của chúng ta đứng bơ vơ giữa đường dưới ánh trăng... tay trái cầm một cái lồng nhốt bốn con chuột bạch, tay phải ôm trái dưa gang và chú cào cào thì nhảy choi choi trong túi áo...
Em thân mến!
Câu chuyện cổ trên đây là một câu chuyện tình có hậu đẹp như mơ... Nàng Lọ Lem được kết duyên cùng hoàng tử, bà tiên chúc lành cho họ rồi trở về thượng giới với một nụ cười thật tươi trên đôi môi nhân hậu. Ðôi vợ chồng xinh đẹp và giàu sang này sống bên nhau cho đến ngày đầu bạc răng long. Họ sanh ra những đứa con kháu khỉnh như tiên đồng ngọc nữ. Hoàng tử yêu nàng Lọ Lem say đắm nên không có một cuộc đánh đập gây gổ nào xản ra trong đời sống lứa đôi của họ. Khi nào gặp phải một chuyện rắc rối, nàng Lọ Lem chỉ cần ngồi ôm mặt khóc thì bà tiên nhân ái đã vội vã vén mây bay xuống với chiếc đũa thần lấp lánh trên tay. Và đó cũng là tất cả kết cấu của các câu chuyện đời xưa.
Viết lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn hỏi nhỏ với em, những cô bé Lọ Lem đáng thương đang loay hoay trong bếp, tất tả ngược xuôi bán hàng ngoài đường phố, hoặc nhễ nhại mồ hôi trên ruộng lúa nương khoai, có phải chăng trong một đời người ít nhất cũng có một lần, tôi và em, những cô bé lọ lem bỗng trở thành xinh đẹp, rực rỡ rất ư là cần thiết đối với một người khác nào đó khi mà thần ái tình đã vung đôi đũa ngọc? Chúng ta sẽ trở thành một nàng công chúa kiều diễm đẹp nhất xứ cho đến lúc đồng hồ điểm 12 tiếng... Ðó là lúc chúng ta rơi tỏm vào chiếc bẫy của thượng đế, như một tư tưởng gia tây phương đã nói: "Tình yêu là một chiếc bẫy mà thượng đế đã gài ra để bắt con người truyền giống." Cái giờ phút định mệnh này thật là bi thảm biết bao. Hôm qua ta còn là một bà chúa đầy quyền uy, nghiêng thành đổ nước... thì hôm nay ta đã biết thành một con mụ bán mắm, con mẹ bán hột vịt lộn nào đó. Cánh cửa nhà trời đã đóng nên mặc tình cho các nàng Lo Lem của thời đại chúng ta ôm mặt khóc, hoàng thái tử vẫn thẳng tay nện củi, búa cuốc, cán rựa hay bất cứ thứ gì mà chàng vớ được vào người ngọc. Những đứa con "tiên đồng", "ngọc nữ" của họ thì đang bò lê trên mặt đất đầy ruồi. Vậy thì nên cao bay xa chạy, leo lên ngựa phi nước đại trước đôi mắt thẫn thờ tiếc nuối của hoàng thái tử trước khi đồng hồ điểm 12 tiếng hay là nán lại để chàng cùng ta đồng chứng kiến cái giây phút "mèo lại hoàn mèo."
Em tính sao đây?
Dải Áo Ðứt
Xưa, một vì vua Trung Hoa mở dạ tiệc thiết đãi trăm quan. Yến tiệc đang linh đình thì một cơn gió mạnh ập đến, tất cả đèn đuốc đều phụt tắt. Trong bóng tối một cung nữ đến tâu với nhà vua:
- Muôn tâu bệ hạ, thừa dịp tối lửa tắt đèn, một tên vô lại đã cợt nhã với thần thiếp. Thiếp đã bứt được dải áo của hắn... xin bệ hạ cho truy tầm tội phạm ngay lập tức ạ!
Nghe xong vua liền truyền lệnh:
- Hỡi bá quan! Ðể tỏ dạ trung thành và hết lòng vui say với trẫm đêm nay, các khanh hãy bứt hết dải áo đi!
Mọi người y lời. Tiệc tan, nàng cung nữ đến nũng nịu trách nhà vua đã không chịu bắt tội phạm mà còn tạo cơ hội cho hắn phi tang.
Nhà vua mỉm cười đáp:
- Tửu sắc là những điều mà thường nhân khó ai tránh khỏi. Cho ta uống rượu say chuếnh choáng, cận kề bên nữ sắc, gặp cơ hội thuận tiện thì chính ngay bản thân trẫm cũng khó mà tự chủ. Còn như biết được tội phạm mà không trừng trị thì phép nước hết nghiêm minh... Lòng trẫm chưa được vô tư như thánh nhân khi biết rõ người phạm lỗi thì thà rằng chẳng biết còn hơn.
Về sau, nhà vua lâm nạn mọi người đều bỏ chạy, duy chỉ có một viên quan trẻ liều mình cứu giá. Nhà vua thoát chết, hỏi tên họ ân nhân. Chàng trẻ tuổi cung kính thưa:
- Muôn tâu thần chính là người bị bứt dải áo trong buổi dạ yến năm xưa.
Hai vui tôi đều xúc động.
Em thân mến!
Vị vua này xử sự thật thông minh và tế nhị biết là bao. Ðọc đến câu chuyện này, tôi và em đều bồi hồi cảm động. Vậy mà trong chuyện tương giao hằng ngày, chúng ta lại cư xử hết sức thô tháo và khờ khạo. Có lẽ vì thế mà chúng ta đã làm tổn thương cho chính mình và bạn bè không ít. "Nếu biết lỗi người mà lòng mình chưa thể vô tư như thánh nhân thì thà rằng không biết còn hơn." Chúng ta có nên ghi đậm nét câu này vào trong lòng không đây?
Thân Giáo
Thuở xưa có một nhà sư sống ẩn dật tại một triền núi, được mọi người xem là đạo cao đức trọng.
Một hôm nhà sư tiếp một bà lão cùng cậu con trai của bà.
Bà lão thưa:
- Bạch sư thằng bé này mắc phải cái tật là ưa sưu tầm hoa kiểng. Nó đã làm cho tôi tốn hao không biết bao nhiêu là tiền của trong cái thời củi quế gạo châu này... Xin sư làm ơn chữa trị hoặc răn dạy giùm kẻo tội nghiệp cho tôi cùng vợ con nó.
Nhà sư ngẫm nghĩ giây lâu nói:
- Bà hãy dắt nó về khoảng nửa tháng sau trở lại tôi sẽ giúp cho.
Bà lão y lời. Ðến ngày hạn nhà sư chỉ thốt một câu đơn giản:
- Ðó là một thú vui hao tài tốn của con hãy bỏ đi, để tiền mà thờ mẹ nuôi con.
Bà lão bất bình:
- Tưởng thầy có phương cách gì té ra chỉ có bao nhiêu lời đó. Thế sao thầy không làm ơn nói giùm ngay bữa trước mà còn hẹn đến hôm nay? Ðường xá xa xôi biết là bao!
Nhà sư mỉm cười:
- Chẳng giấu gì bà... tôi cũng mắc phải cái tật như cậu nhà đây. Nửa tháng gia hạn là thời gian để tôi bỏ cái cố tật đó. Nay mọi việc đã xong tôi mới dám mở miệng khuyên can cậu em này.
Chàng trai từ đó ăn ở rất vừa lòng mẹ.
Em thân mến!
Trong một quyển kinh A Hàm, Ðức Phật đã giải thích vì sao Ngài được gọi là Như Lai. "Như Lai là làm sao thì nói vậy, lời nói và việc làm đi đôi với nhau nên gọi là Như Lai." Và chúng ta có thể gọi vị sư này là Như Lai theo nghĩa ấy.
Người xưa có thể chỉ với một câu nói giản dị mà cảm hóa được lòng người là do thân giáo. Còn chúng ta, nói ra rả suốt ngày mà chẳng ai chịu nghe là vì miệng nói một đàng mà hành động một nẻo, chứ không phải tại chúng sanh đời mạt pháp cang cường khó dạy đâu nghe!
Ðạo Sĩ Am Mây
Xưa có một đạo sĩ sống ẩn dật tại một thâm sơn cùng cốc đầy mây phủ nọ. Rau rừng, nước suối, quạt gió, đèn trăng tuy đạm bạc nhưng khá đầy đủ đạo vị đối với con người tri túc cắt đứt duyên trần như đạo sĩ.
Trở ngại duy nhất của nhà tu là các chú chuột nhắt trong hang động, thường quấy phá gậm nhấm bất kể đêm ngày.
Ngày lại tháng qua bọn chuột cứ sinh sôi nảy nở đông đúc và ngày một lộng hành chịu hết nổi. Ðạo sĩ đành mang một chú mèo về ở chung, nhờ sự cảm hóa của đạo sĩ, chú mèo chỉ hăm he lũ chuột nhắt chứ riêng chú hoàn toàn trường chay khổ hạnh. Lâu ngày mèo chỉ còn da bọc xương. Chạnh lòng, đạo sĩ phải hạ sơn đi xin sữa bò về bồi dưỡng cho ân nhân, cũng là bạn đồng hành trên đường cầu đạo.
Ðể tránh tối thiểu chuyện đi lại thường làm gián đoạn công phu tu tập, đạo sĩ xin một con bò sữa về nuôi để lấy sữa cho mèo uống. Nhân vật mới này thật là ngu như bò... ả ta cứ nhởn nhơ đi dạo khắp vùng núi ẩn cư và thường quên lối về... Một chú mục đồng được vời đến để trông nom con bò và vắt sữa mỗi ngày. Rừng núi hoang sơ xem chừng không mấy thích hợp lắm với một chàng trai mới lớn và nặng lòng trần tục... Ðạo sĩ đành mượn sợi tóc nữ nhi cột chân chàng trai trẻ... Bằng cách đó chẳng bao lâu vùng núi ẩn dật biến thành một thôn trang trù phú với đông đảo những tập đoàn chuột, mèo, bò, đàn ông, đàn bà và con nít...
Không ai biết đạo sĩ đắc đạo khi nào, tịch ở đâu và truyền pháp cho ai... Lâu dần người ta cũng quên mất tên tuổi ông và chỉ gọi nhà tu là "Ðạo sĩ am mây."
Em thân mến!
Như vậy không phải là khi không khi khổng mà đức Phật dặn hàng tu sĩ chúng ta nên tu hạnh "thiểu dục tri túc" tức là hãy bằng lòng với tình trạng vật chất hiện có của mình... Lâu lâu có lẽ chúng ta nên kiểm kê tài sản một lần xem nó đã sinh sôi nảy nở đến đâu rồi, kẻo mà "cái sẩy nó nảy cái ung" biết đâu chừng, có phải thế không?
Hóa Thân Bồ Tát
Pháp sư Ðỗ Thuận, sư tổ của tông Hoa Nghiêm ở Trung Hoa, có nuôi một chú đệ tử thân cận rất lâu. Một hôm chú thị giả này xin phép Ngài đi núi Ngũ Ðài để đảnh lễ Ðức Văn Thù vì nghe đâu Bồ Tát thường hiện thân xuống chốn đó. Ngài Ðỗ Thuận không bằng lòng và đọc một bài kệ:
"Du tử mạn ba ba
Ðài sơn lễ thổ pha
Văn thù chỉ giá thị
Hà xứ mích Di Ðà."
Tạm dịch:
Những chàng du tử lênh đênh
Ðến Ðài Sơn lễ những ghềnh đất thô
Di Ðà tìm ở chốn mô
Văn Thù kề cận hồ đồ không nghe."
Chú đệ tử vẫn ra đi... băng ngàn vượt suối một thời gian mới đến núi Ngũ Ðài. Chú tha thiết đảnh lễ cầu mong được thấy hóa thân của Bồ Tát, lòng thành được đáp ứng, một ông già hiện ra bảo chú:
- Ðức Văn Thù nay ở núi Chung Nam, tên Ngài là Ðỗ Thuận.
Chú thị giả hối hả quay về. Ðến cố hương Ngài Ðỗ Thuận đã thị tịch.
Em thân mến!
Chỉ cần giản dị một chút thôi là chúng ta có thể gặp không biết cơ man nào là thiện hữu tri thức trên khắp nẻo đường đời. Ngược lại chỉ cần một tí ti kiêu mạn thì dù ở kề cận bên Phật và Bồ Tát, chúng ta vẫn lâm vào tình trạng "Vô duyên đối diện bất tương phùng" như chú thị giả trên đây.
Những Ðiều Vô Lý
Thiền sư Triệu Châu nói:
- Lúc ở Thanh Châu ta có may một cái áo bằng lông rùa nặng đến bảy cân.
Câu nói này vô lý đến bốn lần:
1. Rùa làm gì có lông?
2. Lông đã không thì làm sao dệt thành vải được?
3. Vải không làm sao may thành áo?
4. Áo đã không thì làm sao cân nặng đến 7 cân?
Em có đồng ý như thế không? Vậy mà, có một chuyện này càng vô lý hơn nữa, nhưng chúng ta vẫn chấp nhận.
1- Ta khởi lên những vọng tưởng, nhìn cho kỹ thì chúng biến mất, tìm không ra tung tích, cũng hư ảo như là lông rùa vậy.
2- Những vọng tưởng hư ảo đó được nối kết với nhau thành một cái "tâm của ta."
3- Cái tâm này khác cái tâm kia nên dường như có những bản ngã cá biệt nhau, cái xấu cái tốt, thánh phàm lộn xộn.
4- Và chúng ta than thở "Cái nghiệp của tui nó nặng quá chời" (thế là hơn 7 kí lô của Ngài Triệu Châu rồi đấy).
Ông Thầy Kỳ Lạ
Xưa có một vị sư già nuôi một đồng tử nhưng không dạy phép tắc qui củ gì cả.
Một hôm, có vị tăng hành cước đến thấy tình trạng đó liền dạy cho đồng tử những nghi lễ thông thường của một chú tiểu sơ cơ.
Chiều đến, khi vị sư già trở về, đồng tử liền ra chào hỏi. Vị sư già lấy làm lạ gạn hỏi nguyên do. Xong, sư gọi vị khách tăng đến bảo:
- Thượng tọa đi hành cước là thực hành cái tâm gì? Tôi nuôi thằng bé này đã hơn ba năm nay rồi. May mắn là nó có thể tự thương xót nó. Ai bảo thượng tọa làm hư hoại nó. Thôi! Mời thượng tọa đem hành lý đi chỗ khác.
Vị khách tăng đành phải ra đi giữa lúc trời đang đổ mưa.
Thiền sư Pháp Nhãn bình rằng:
"Người xưa làm sao hiển lộ cái gia phong của chùa mình ra rất là quái lạ, hãy nói ý tại chỗ nào? Một khi đã có động tác thi vi liền chẳng phải là Bổn lai diện mục. Thánh đã chẳng thể được thì làm gì có phàm. "An nhiên mặc cho nó động tĩnh vô tâm, thánh hay phàm, năng hay sở, trí hay ngu, phiền não hay bồ đề đều là đạo như như bất động."
Em thân mến!
Chúng ta có thể bắc chước rập khuôn theo Thánh hiền, tiên Phật, Bồ Tát về các khoản oai nghi đi đứng nằm ngồi, ăn mặc, nói năng, cúi ngước, ho hen, tằng hắng... nhưng không thể bắt chước các ngài về khoản giác ngộ và thái độ tự tại trước bát phong. Không thể bắt chước nhưng không phải là chúng ta vô phần. Có điều hâm mộ và bắt chước người khác đôi khi cũng có nghĩa là tự khinh khả năng của chính mình. Có lẽ vì thế mà vị sư này không chịu dạy dỗ đồng tử về những oai nghi phép tắc chăng?
Mạng Ðền Mạng
Xưa có bác thợ hồ đang lúi húi xây một bức tường cao thì bỗng trợt chân té nhàu. Sau khi quay lộn đi mấy vòng, bác rơi trúng một khách bộ hành đang đi phía dưới. Kết cuộc là bác thợ hồ bình an vô sự còn người bộ hành thì gãy cổ chết. Gia đình nạn nhân liền đâm đơn kiện. Quan huyện xử bác thợ hồ phải bỏ tiền ra mai táng nạn nhân. Thân nhân người chết không bằng lòng, nhất định bắt đương sự phải "mạng đền mạng." Quan huyện liền phán:
- Thế thì gã thợ hồ phải chết theo cách thức mà hắn đã giết người. Lần này chính hắn phải đứng dưới đường, gia đình nạn nhân cử một người leo lên bức tường và nhảy xuống đầu hắn để hắn gãy cổ chết mà đền tội.
Thân nhân người chết liền bãi nại.
Em thân mến!
Nên tạ ân thượng đế những gì mà ngài không chuẩn nguyện cho ta.
Chum Vàng Bắt Ðược
Xưa có anh nông dân mua được thửa đất mới. Một hôm, đang cày đất anh bắt được chum vàng. Vốn thật thà, anh ngẫm nghĩ:
"Chum vàng này chắc của người chủ cũ."
Anh liền mang đi trả. Người chủ cũ cũng đáp rất vô tư.
- Tôi không có vàng để chôn nên chum vàng đó không phải là của tôi.
Anh nông dân cãi lại:
- Khi tôi mua thửa đất, không hề nói là có chum vàng. Vì vậy nên tôi xin trả lại cho bác.
Lúc tôi bán đất tôi cũng không biết là có chum vàng. Vậy thì bác cứ lấy.
Hai người cứ nhượng qua nhượng lại mãi cho đến lúc trời sụp tối, đành phải chia tay. Sau một đêm suy nghĩ cặn kẽ, cả hai đều hối hả đi tìm nhau. Gặp nhau ở giữa đường, hai người cùng nói:
- Bác dạy thật chí lý! Chum vàng ấy là của tôi.
Hai người lại tranh cãi cố chứng minh chum vàng là của mình... Cuối cùng nội vụ phải đưa lên quan.
Em thân mến!
Hóa ra càng suy đi ngẫm lại, chúng ta càng bóp méo sự thật, càng làm cho sự việc rắc rối thêm lên có lẽ vì thế mà chư tổ thường dạy chúng ta nên tiếp ứng với ngoại vật bằng bản tâm bình thường không bị những tính toán lo toan làm xao động. Mảnh tâm ấy đã có đủ khả năng làm lành lánh dữ (giới), sáng suốt (huệ) và không bị dao động vì những tư dục cá nhân (định). Ðó là lúc mà cả hai bác nông dân đều thấy rõ mồn một rằng: "Chum vàng ấy không phải là của tôi."
Tri Dị Hành Nan
Ngày xửa ngày xưa, có một lũ chuột đang sống rất hạnh phúc tại một xóm nhà lá nọ.
Dân chúng đang an cư lạc nghiệp thì một chú mèo xuất hiện.
Ðể đối phó với tai họa mới này, một đại hội nhà chuột liền được triệu tập khẩn cấp.
Các nhà đại biểu nhà chuột lục đục kéo về dự đại hội.
Hội nghị kéo dài ba ngày, toàn thể đại biểu đều nhất trí đồng ý ở đề nghị: "Phải treo một cái chuông nơi có chú mèo để đồng bào nhà chuột biết hung thần sẽ đi đến đâu mà chạy cho lẹ."
Hội trường vang dội tiếng vỗ tay. Giòng họ nhà chuột cũng thông minh đấy chứ!
Nhưng... ai là kẻ dám đi treo chuông nơi cổ chú mèo?
Té ra biết thì dễ nhưng làm thì khó biết bao!
Chấp Chỉ Vọng Nguyệt
Lía là tên tớ của ông Bảy mập, nó thật thà giỏi dắn chỉ phải cái hơi ngu.
Một hôm ông Bảy có việc đi vắng, dặn Lía ở nhà rằng:
- Phải con chừng cửa nẻo kẻo ăn trộm!
Ông Bảy đi rồi có một đoàn cải lương đi về làng.
Lía rất khoái coi cải lương... nhưng nhớ lại lời dặn của ông Bảy.
Nó đứng ngồi không yên mãi đến lúc tìm ra một diệu kế.
Và Lía thực hành liền.
Lía tháo hết mấy cánh cửa, chất lên xe đạp chở đi xem hát.
Tan hát, Lía chở cửa về nhà lắp lại như cũ.
Khi ông Bảy về nhà ông thấy cả gia sản chỉ còn mấy cánh cửa, chiếc xe đạp và cậu tớ quý.
Em thân mến!
Nếu chúng ta chỉ cho rằng khi đi bất cứ nơi nào, chỉ cần mang theo đầy đủ ba y, bình bát là sẽ làm xong lời Phật dạy... thì coi chừng! Chúng ta sẽ giống thằng Lía này đấy!
Lý Do Giản Dị
Xưa có một tòa lâu đài rất nguy nga tráng lệ bỗng dưng sụp đổ. Mọi người đều đổ xô đến xem và xôn xao bàn tán.
Một người ra vẻ hiểu biết, hắng giọng kết luận:
- Khi nãy, đang ở đầu ngõ, tôi thấy một con ruồi xanh bay qua... Và sau đó thì "ầm" một cái ngôi nhà này sụp đổ. Chính hắn là thủ phạm chứ ai trồng khoai đất này nữa... thưa bà con cô bác.
PC: Dường như những lời kết luận vội vã của chúng ta khi giải thích cho các sự kiện hàng ngày đều giống hệt như anh chàng thông thái trên cả.
Em nghĩ sao?
Tên Cướp Ðộc Ðoán
Ngày xửa ngày xưa, có một tên tướng cướp hùng cứ ở một sơn trại hiểm trở. Hắn có rất nhiều lâu la bộ hạ cùng vô số ngọc ngà châu báu, nhưng tướng chỉ quý nhất là một chiếc giường bằng vàng giát ngọc bích. Tướng cướp rất hãnh diện về chiếc giường này và hắn tìm được một cách quảng cáo tên tuổi mình cùng chiếc giường được nổi danh ngang nhau.
Mỗi khi bắt gặp người lạ mặt lai vãng đến gần sơn trại, tướng cướp cho lâu la áp đặt nạn nhân lên chiếc giường quý. Ba trường hợp có thể xảy ra:
1- Nếu tầm thước nạn nhân dài hơn chiếc giường, bọn cướp sẽ cắt phần đầu hoặc chân thừa ra.
2- Nếu nạn nhân có khổ người ngắn hơn chiếc giường, bọn cướp sẽ kéo dài người bị nạn cho đến lúc y nằm vừa vặn trên giường mới thôi.
3- Nếu tầm thước nạn nhân vừa vặn với chiếc giường, bọn cướp sẽ không tha cho y được trở về quê quán.
Bằng cách quảng cáo này, bọn cướp và chiếc giường nổi danh ngang nhau.
Em thân mến!
Loài người chúng ta ai cũng có sẵn một cái giường như thế và chúng ta cũng độc đoán không thua gì tên cướp nọ. Khuôn theo những vọng tưởng điên đảo của riêng mình, chúng ta cũng lập nên những khuôn vàng thước ngọc để đo lường thiên hạ. Vì vậy mà trong cuộc tương giao với nhau, chúng ta thường bực bội khó chịu khi thấy sao mà chẳng có ai làm vừa bụng mình hết.
Chiếc giường của tướng cướp còn có một tấm mức cố định, trong khi thước đo của mỗi người chúng ta thì lại được cấu tạo bằng những vọng tưởng sinh diệt vô thường nên rốt cuộc, chúng ta chỉ tự làm khổ mình và khổ người mà thôi.
Em có thấy như thế không?
Con Chó Vô Ơn
Thầy kể chuyện:
"Tu viện có nuôi một con chó tên là Tiểu Bạch, nó bị xà mâu ăn lỡ loét cùng mình. Sư khám bệnh thấy vậy động lòng trắc ẩn, chế thuốc bôi cho nó, thuốc thật công hiệu nên chỉ mới xức có một lần mà ghẻ đã khô mặt. Nhưng cũng từ dạo đó, mỗi lần thấy bóng "ân nhân" Tiểu Bạch bèn hậm hực bỏ đi nơi khác."
Xong, thầy kết luận:
"Mấy đứa tụi con, khi có lỗi được huynh đệ nhắc nhở, đâm ra tức tối, tìm cách trả đũa lại... thì coi chừng giống con Tiểu Bạch."
PC: Chúng sanh trong cõi này dù là nhân đạo hay súc sanh đạo cũng giống nhau chỗ này. Nhớ ân và đáp ân là một điều thật khó, trong khi đem oán trả ân là một chuyện dễ ợt. Có lẽ vì thế mà chúng thường thắp hương đảnh lễ những kẻ biết ghi ân chăng? Và trong kinh, Ðức Phật cũng thường tán thán tôn giả Xá Lợi Phất là người mà "một chút ân nhỏ xíu cũng không quên!"
Cách Làm Một Hạt Ngọc Trai
Em có biết người Nhật Bản họ làm một hạt ngọc trai như thế nào không?
- Họ lấy một con dao nhỏ thật sắc, rạch bụng con trai ra, bỏ vào đấy một hạt cát và khâu lại. Xong, họ thả con trai ấy vào một cái hồ chứa đầy nước biển.
Những con trai sau khi lãnh một hạt cát vào trong bụng như thế, có thể lâm vào hai trường hợp sau:
1- Những con trai yếu đuối sẽ chết vì vết thương làm độc.
2- Những con còn lại, sau một thời gian đau đớn oằn oại vì vết thương, sẽ tiết ra một chất nhờn để bao bọc hạt cát đang nằm sâu trong da thịt.
Hạt ngọc trai được thành hình từ đó.
Còn chúng ta, cuộc đời cũng đã mổ bụng ta và nhét vào đấy những niềm sầu nỗi khổ.
Nếu chúng ta cứ than van hờn trách thì ta sẽ chết lần chết mòn như những con trai yếu đuối nọ.
Ngược lại, nếu ngay trong những nghịch cảnh oái ăm ấy mà chúng ta biết tiết ra một chất thức tỉnh thì một vị Phật được bắt đầu như thế đó em ạ!
Ðạt Ý Vong Ngôn
Tý cắp sách đến trường học.
Một hôm cô giáo kể chuyện rằng bản cửu chương của bọn Tý chưa học thuộc đó là kết quả của một nhà toán học đại tài. Ông đã mất hết 13 năm dài nghiên cứu ròng rã mới tìm ra được.
Kể xong, cô giáo kết luận:
"Các em phải gắng học cho thuộc kẻo phụ công khó của người xưa!"
Tý nghe xong đâm ngán. Thông minh cỡ ông toán học đó mà phải mất 13 năm. Ngu cỡ mình chắc phải 1300 năm mới học thuộc nổi... chết cha rồi!
Tý bèn trốn học, trong khi bạn Tý đều học thuộc lòng cửu chương và ứng dụng nó để làm toán nhân chia rất dễ dàng.
Em thân mến!
Nếu em nghe kể rằng Ðức Phật của chúng ta phải trải qua vô số kiếp tinh cần khổ nhọc mới được giác ngộ, chư tổ phải mất ba bốn chục năm mới xong việc... rồi em đâm ngán mà thối tâm đâu có khác gì thằng cu này!
Có phải thế không nào?
Bản Kinh Kỳ Lạ
Vào thời đương lại, cách đây hằng sa số A tăng kỳ kiếp, có một vị Phật ra đời tên là Hạnh Ð.
Một hôm Ðức Phật đang ngự giữa rừng trúc cùng 1250 vị tỳ kheo doanh vây thì có một tên vô lại đến dùng đủ lời bất nhã thóa mạ Phật. Phật Hạnh Ð. bèn dậm chân mếu máo:
- Này chư tỳ kheo! Tên Bà La Môn này vô cớ đến mạ nhục Như Lai!
Chúng tỳ kheo đồng thưa:
- Bạch Thế Tôn, chúng con nghe rằng chư Phật đều bất động trước lời khen tiếng chê...
Phật Hạnh Ð. liền òa lên khóc:
- Hu hu! Như Lai không thích ức ức... Như Lai không muốn hắn nói những lời khó nghe như thế đối với Như Lai... ức ức... Như Lai sẽ nhập Niết Bàn cho mà coi... ức ức!
- Bạch Thế Tôn, xin ngài hãy bình tĩnh, tên vô lại đã đi... xa rồi ạ!
Nhưng Phật Hạnh Ð. vẫn còn tấm tức...
- Mà Như Lai vẫn chưa hết tủi thân... ức ức!
Lúc bấy giờ 1250 vị tỳ kheo bèn vội vã "thiên đản hữu kiên, hiệp chưởng hướng Phật, nhi tác thị ngôn."1
1. "Kéo áo bày vai mặt, chắp tay hướng Phật mà thưa thế này."
"Hạnh Ð. vô thượng tôn
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loài..."
Khi ấy rừng tre cười nghiêng ngả, ông trăng đỏ ké mặt.
Phật Hạnh Ð. bèn đưa cánh tay Ðâu La Miên thò vào túi, móc lấy chiếc khăn mù soa bằng vải tấm ra hỉ mũi, quẹt nước mắt và nhoẻn miệng cười.
1250 vị tỳ kheo cũng bật cười theo.
(Trích Ðương Lai hạ sanh Phật)
PC: Coi chừng bản kinh này sẽ được kèm vào hồ sơ lý lịch của mình đấy... Thưa chư Phật đương lai!
Thuận Nghịch
Cu Bi là con trai một của ông Cả. Ông rất cưng chìu nên suốt ngày nó chỉ biết ăn chơi và khóc nhè.
Một hôm rong bờ ruổi bụi thế nào mà cu Bi lọt phải một bụi tre gai. Bi la khóc ầm ĩ, chó Vá chạy quanh tìm cách cứu bạn như vô ích.
Vá đành chạy về nhà báo cho ông Cả hay.
Ðược tin, ông Cả tức tối đi ngay đến bụi tre. Nhưng ông cũng đành bó tay vì hễ vừa động đậy mấy cành tre là cu Bi ré khóc inh ỏi.
Ông Cả chỉ còn cách xách cà mèn ngày ba bữa đến bụi tre nuôi cu Bi.
Thời mai, hôm ấy có chú Tư ở Saigon về thăm nhà.
Chú liền đi với ông Cả đến thăm cu Bi. Gặp nó chú Tư liền nảy ra một kế. Chú Tư bảo ông Cả về trước, còn chú ở lại để kể chuyện cho cu Bi nghe vì nó rất khoái mục này.
Chuyện rằng: "Có một con ma cà rồng mắt đỏ lưỡi xanh, nanh dài... chuyên môn ăn thịt con nít. Mỗi khi bắt được đứa nào, nó liền bỏ ba hột muối lên đầu đứa bé và nhai rạo rạo.
Chú Tư còn kể thêm: Nghe đâu nó mới xuất hiện và nhai hơn một chục đứa ở xóm trên.
Kể xong, chú Tư bỏ về, mặc cho cu Bi ré khóc inh ỏi.
Vừa được vài bước, chú Tư đã nghe tiếng chân cu Bi rượt theo.
Hai chú cháu cùng về. Chó Vá mừng vô kể.
Em thân mến!
Chúng ta đã hiện diện trên cõi đời này chẳng khác nào thằng cu Bi lọt phải bụi tre gai.
Ông Cả, con chó Vá và ngăn cà mèn tốt bụng quả là những thuận cảnh rất cần thiết cho bọn mình, nhưng những nghịch cảnh như chú Tư và con ma cà rồng thì cũng chẳng hẳn là vô ích.
Vậy thì, bọn mình có nên vòng tay cám ơn tất cả những điều trái tai gai mắt, rối trí, khổ lòng mà cuộc đời không ngớt dồn dập trao tặng hay không?
Chàng Rể Ða Sự
Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai nọ, chúng ta cứ tạm gọi anh chàng là An cho tiện.
An được cha mẹ hứa hôn với một cô gái láng giềng đồng trang lứa. Hai đàng chưa hề giáp mặt nhau. An chỉ nghe phong phanh rằng vị hôn thê của mình là một thiếu nữ khá diễm lệ, tam tòng tứ đức đều đầy đủ. Và các bạn chàng vẫn thường kín đáo tỏ bày niềm ao ước được một người bạn đường tốt đẹp như chàng.
Ðể chứng tỏ cho cô dâu và mọi người biết rằng đàng gái đã không lầm khi chọn mình làm rễ đông sàng. An cương quyết sẽ không bao giờ rước vợ nếu chưa lập được công danh với đời.
Từ đó người ta thấy An ngày đêm sôi kinh nấu sử, luyện võ ôn văn.
Ngày tháng dần qua, biết bao lần đàng gái bắn tin cho An biết rằng họ không đòi hỏi nơi chàng gì hết, rằng tân nương sẽ được đưa đến vô điều kiện như lời giao ước năm xưa.
Nhưng lòng tự tôn của An đã không cho phép chàng hành động như bao nhiêu con người tầm thường khác… Chàng vẫn thường hình dung đến nhan sắc diễm lệ của nàng để tự an ủi và sách tấn mình trong những lúc thất chí sa cơ… Tất cả những gian truân khó nhọc mà chàng đã vượt qua há chẳng là vì nàng đó sao? Người thiếu nữ mà dung nhan còn mơ hồ dần dần trở thành một điểm tựa, một lý tưởng, một hải đăng định hướng cho đời chàng.
Mười năm trôi qua, An tạm hài lòng với con đường công danh của mình. Và một hôm hôn lễ được cử hành rất tưng bừng. Cô dâu được đưa về nhà chồng với vô số đồ trang sức và một tấm khăn voan che kín mặt.
Và trước mặt rất đông quan khách, An đưa tay giở tấm khăn che mặt tân nương. Bỗng nhiên người ta nghe tiếng kêu thảng thốt của An:
- Chèn ơi! Tưởng ai đâu xa lạ. Té ra nàng chính là người vẫn thường xắt chuối cho heo ăn và vớt bèo nuôi vịt mà tôi thường thấy thường ngày qua song cửa đó ư?
Người ta không đồng ý với nhau về đoạn kết của câu chuyện. Có người cho rằng sau đó An bỏ nhà đi biền biệt vì tân nương đã làm cho chàng quá sức thất vọng. Nàng đã không chịu ăn hoa uống sương và thêu vàng giác ngọc như chàng hằng mơ tưởng… mà lại là một thiếu nữ hoàn toàn bình thường và đảm đang như bao nhiêu người vợ hiền khác.
Nhưng lại cũng có kẻ quả quyết rằng sau ngày hôn lễ, An đã tuyên bố rằng tân nương tuy không giống như người trong mộng của chàng nhưng mà nàng cũng không đến nỗi xấu xí… Và chàng kết luận rằng chỉ vì tánh khí cao ngạo ngông cuồng mà chàng đã phí mất mười năm dài lao nhọc trong khi lúc nào nàng cũng ở bên cạnh chàng…
Nhưng nơi đây người kể không cốt ý trình bày một câu chuyện tình có hậu trong thế gian, mà chỉ thừa hứng nghĩ lan man về tu hành giới, về chuyện hạ thủ công phu của nhà thiền… cũng như lao tâm khổ trí, những niềm sầu nỗi chán trên đường tầm đạo… Chân lý là một cái gì khi ẩn khi hiện như thực như hư. Hành giả thường không biết mình đang làm gì và ở nơi đâu trên đường tìm kiếm, đang đi hay sắp đến. Ðạo ở nơi đâu, ra sao mà thiền sư Nam Tuyền lại khẳng định rằng: "Tâm bình thường là đạo." Và tổ Ðạt Ma lại dạy "Càng cố tâm tìm càng chẳng biết." Nhất là câu nói sau đây của Cổ Ðức "Ðáo xứ phùng nhân mạch diện khinh" có nghĩa nôm na rằng "Sau khi lội suối trèo non mất bao nhiêu năm cần cù tìm kiếm, rốt cuộc ta sẽ gặp lại người mà ta vẫn thường khinh dễ mỗi khi ta gặp mặt hàng ngày… giống hệt như anh chàng An trên đây. Sau mười năm khó nhọc tìm sính lễ đã rước về một vị tân nương khác xa người trong mộng của chàng… Là người mà chàng thường thấy thấp thoáng qua song cửa mỗi ngày, khi xắt chuối cho heo, lúc vớt bèo nuôi vịt.