Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2. Tình thầy trò

21/06/201317:45(Xem: 8568)
Chương 2. Tình thầy trò

Hòa Thượng và giai nhân

Chương 2. Tình thầy trò

Hòa Thượng Thích Như Điển

Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Người mẹ rất đau khổ đặt đứa con mới sinh được mấy ngày trước cửa chùa Sắc Tứ Hưng Phước Tự rồi thì thầm khấn:
Kính lạy Bồ Tát Quan Thế Âm! Con là người mẹ bạc phước vô duyên, sinh con mà không dám nuôi. Vì lỗi lầm tự tạo và vì miệng đời chanh chua, dèm pha muôn nẻo. Nên con đã cắt núm ruột của con để lại nơi cửa Thiền, mong Ngài từ bi độ trì cho đứa trẻ. Xin ngài đoái thương và cứu vớt cho một người mẹ đã lỗi lầm.
Sương mù vẫn còn dày đặc, giăng tận xuống cổng tam quan. Sư Cụ Trụ Trì khoan thai từng bước một xuống thềm chánh điện và tiến ra phía trước cổng chùa để mở cửa. Bỗng nhiên, Sư Cụ nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh và nhìn chiếc nôi, trong ấy có một tờ giấy ghi mấy chữ ngoạch ngoạc như thế nầy:
“Kính lạy Ngài hoan hỷ nuôi dùm đứa bé. Vì lý do gì thì xin Ngài đừng tra hỏi, xin hẹn lại một ngày sau. Nếu nhân duyên hội ngộ xin bày tỏ hết các ngọn ngành - người mẹ đau khổ ký tên”
Cửa chùa Hưng Phước bây giờ ngoài hồi chuông triêu mộ sớm chiều của các Tịnh Hạnh Nhơn hô canh ngày hai buổi, còn thêm tiếng khóc của trẻ thơ nữa. Đứa bé ấy thay vì nghe lời mẹ ru với võng đưa kẻo kẹt hằng ngày thì được Hoà Thượng và các Tịnh Hạnh Nhơn cho bé nghe lời kinh tiếng kệ cùng mõ sớm chuông mai như thế nầy.
“Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”
Nguyện tiếng chuông nầy vượt ngoài pháp giới
Núi thiết vi u ám thảy đều nghe
Nghe chuông lòng thanh tịnh chứng viên thông
Hết thảy chúng sanh đạt thành Chánh Giác
Nghe chuông ngân lòng nhẹ lâng
Trí huệ phát Bồ Đề Tâm
Lìa địa ngục thoát hầm lửa
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh
Phá Địa Ngục chân ngôn:
Án Dà Ra Đế Da Ta Bà Ha
Chuông gióng lên đợt đầu
Niệm kệ báu nâng cao
Trên thông vào thiên đường
Dưới thấu trường địa ngục
Nam mô Bồ Tát Địa Tạng Vương
Giáo chủ cõi U minh,
Cứu bạt khổ chúng sinh
Đại nguyện Ngài rộng thênh
Chuông gióng lên đợt hai
Niệm kệ báu nâng cao
Trên thông vào thiên đường
Dưới thấu trường địa ngục
Nam mô Bồ Tát Địa Tạng Vương
Giáo chủ cõi U minh,
Cứu bạt khổ chúng sinh
Đại nguyện Ngài rộng thênh
Chuông gióng lên đợt ba
Niệm kệ báu nâng cao
Trên thông vào thiên đường
Dưới thấu trường địa ngục
Nam mô Bồ Tát Địa Tạng Vương
Giáo chủ cõi U minh,
Cứu bạt khổ chúng sinh
Đại nguyện Ngài viên thành.
Ngưỡng chúc Phật pháp mãi rạng ngời
Bánh xe pháp đời đời chuyển vận
Gió hòa, mưa thuận thấm nhuần
Dân an, nước thịnh, khắp cùng nơi nơi. O
Trong ba cõi, bốn loài
Mỗi mỗi thoát luân hồi
Trong mười loại hữu tình
Ắt lìa khổ ngục hình. O
Năm tháng thuận gió mưa
Khỏi gặp năm đói khát
Đông nam sống hòa lạc
Thời Nghiêu Thuấn thái bình. O
Thôi chấm dứt chiến tranh.
Tử nạn những thương vong
Đều siêu sanh tịnh độ
Đất lành, người hoàn hảo. O
Loài chim bay, thú chạy
Không bị lưới, bẩy giăng
Kẻ lưu lãng cô thân
Sớm quay về hương quán O
Vô biên thế giới
Đất rộng trời cao
Tín thí gần xa
Phước thọ dồi dào O
Thiền môn hưng thịnh
Phật pháp phát huy
Thổ địa long thần
Hộ Tăng an tịnh O
Cha mẹ cùng thầy học
Còn, mất đều lợi lạc
Tổ tiên bao đời trước
Cùng nhau được siêu thoát. O
Nam mô Đức Phật Tỳ Lô Giá Na O
Nam mô Đức Phật Tỳ Lô Xá Na O
Nam mô Đức Phật Thích Ca Mâu Ni O
Nam mô Đức Phật Di Lặc Từ Tôn O
Nam mô Đức Phật A Di Đà cõi Cực Lạc O
Nam mô mười phương ba đời các Đức Phật O
Nam mô Đức Bồ tát Đại Trí Văn Thù O
Nam mô ĐứcBồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền O
Nam Mô Đức Bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm O
Nam mô Đức Bồ tát Đại thế Chí. O
Nam mô Đức Bồ tát Già Lam Thánh Chúng O
Mười Phương ba đời bảy đức Như Lai
Cùng tám mươi tám Phật trên liên đài
Chúng sanh sáu đường mong thoát khổ
Chín cõi mười loài khỏi trần ai O
Chuông ngân dồn dập lại gióng lên
Chùa viện chúng Tăng hãy nhớ ghi
Tu tập bốn thời tuân qui chế
Xuống giường cất bước giữ oai nghi. O
Tụng: Đại Bi, Kinh Di Đà, Bát Nhã, Niệm Phật, Hồi hướng, Phục Nguyện, Tự quy y và cuối cùng là đọc bài Kệ dứt chuông:
Trăm tám tiếng chuông hướng Phật tiền O
Trên thông dưới thấu thảy an nhiên O
Sáu đường chúng sanh mong thoát khổ O
Chín cõi mười loài hết lụy phiền. O
Nam mô siêu lạc độ Bồ Tát Ma Ha Tát O-OO-O.[2]
Sư Cụ Hoà Thượng Từ Tâm, Phương Trượng Chùa Sắc Tứ Hưng Phước là một bậc thâm nho kỳ cựu, Trước khi đi xuất gia, Ngài đã là một vị quan văn tại chốn triều đình, xuất thân từ một gia đình vọng tộc. Tuy không giàu có, do của bất chánh nhưng ruộng đất cha mẹ để lại cũng như bằng cấp và chỗ đứng trong xã hội, đã làm cho vị quan văn ấy không hổ phận khi xuất hiện trước bàng dân thiên hạ hay ở chốn quan trường đối với các quan trên dưới. Tuy nhiên đứng trên bàng dân để xử kiện hay giao dịch với các nước lân bang và những lần đi kinh lý, vị quan ấy thấy dẫy đầy những kịch tính mà mình phải đóng như trong phim trường, cốt cho xong một bổn phận là “cha mẹ của dân”. Cứ mỗi lần xét xử một vụ kiện như thế, vị quan nầy chẳng yên tâm chút nào, dẫu cho luật pháp đương thời của triều đình có nghiêm minh bao nhiêu đi chăng nữa, thì đa phần kẻ thắng vẫn là kẻ có tiền, và có quyền do vậy mà Ngài đã chán ngấy cảnh nầy nên đã giũ áo từ quan, tìm vào chốn am thiền để tìm lại con người chân thật của mình, đôi khi Ngài tự nhủ. Không biết trong đời này có ai nói thật những thói hư tật xấu của mình cho người khác biết để tránh không? Hay cũng chỉ là tốt khoe xấu che. Có ai sợ sám hối ăn năn những lỗi lầm của mình khi vấp phải hay cũng chỉ là vá víu tạm thời.
Chỉ chừng đó câu hỏi, và chỉ chừng đó suy tư cũng đã làm cho vị quan văn nầy tỉnh ngộ và chỉ có chốn thiền môn, mới có thể giải quyết được những thắc mắc nầy. Nhất là giáo lý thậm thâm vi diệu của Hoa Nghiêm, của Bát Nhã, của Tánh Không, của Duy Thức, giúp Ngài tỉnh giấc mộng Nam Kha, mà chốn quan trường cũng giống như:
“Xá chi một quả chuối xanh
Ba bảy người dành cho mũ dính tay”
Ngài đọc tiểu sử của Thiền Sư Huyền Quang đời Trần tức Lý Đạo Tái, vị nầy cũng xuất thân từ chốn quan trường, đã đổ bằng tiến sĩ, ra làm quan một thời gian nhưng lại về hưu non và quyết chí tu hành cho đến ngày đắc đạo. Hai câu thơ mà Huyền Quang để lại vào thời ấy nay vẫn còn có ý nghĩa như thường. Đó là:
“Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đổ trạng tám nghìn nhân duyên”
Thói đời vốn đen bạc, lòng người thay trắng đổi đen, nhưng khi vào chùa cũng chưa phải là hết nợ. Ví như hôm nay đó, tự dưng thằng bé kháu khỉnh lại bị bỏ trước chùa. Ta lại phải cưu mang. Có lẽ họ nghĩ rằng: “Cửa chùa là cửa từ bi và vị thầy cưu mang đứa trẻ chắc cũng là chuyện bình thường như của Vua Lý Công Uẩn năm xưa chăng?”
Con ai đem bỏ chùa nầy
A Di Đà Phật con thầy thầy nuôi
Chưa hẳn là vậy. Đã là người xuất gia thì làm gì có con riêng, trừ phi vị ấy lập gia đình, có con cái rồi mới đi tu. Còn đây ta vốn trinh nguyên từ chốn quan trường cho đến khi được sắc phong Hoà Thượng, biết đâu ta nuôi đứa bé nầy để ngày sau nó sẽ giống như Công Uẩn là:
“Nửa đêm chẳng dám dang chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà xã tắc xiêu”
Biết đâu nhưng trong dáng điệu đứa bé nầy sao ta thấy nó kháu khỉnh quá, chắc rằng nghiệp lực của nó, còn nặng nợ trần duyên lắm; chứ chưa hẳn đã là một đứa bé “xuất trần thượng sĩ” đâu.
Hòa Thượng Từ Tâm nhìn đứa bé một cách chăm chú và nó cũng đáp lại Hoà Thượng bằng tiếng khóc o oe...và đôi khi lại càng khóc to hơn nữa, khiến cho các vị Tịnh Hạnh Nhân trong chùa phải lo đi khuấy cháo sữa cho nó. Quả thật chùa đã bận rộn, lại càng thêm bận rộn hơn nữa.
Ngày lại tháng qua đứa trẻ ấy lớn lên như thổi, được Sư Cụ Từ Tâm đặt cho Pháp Danh là Ngộ Đạo, lấy họ của mình làm chỗ dựa cho bé, kể từ đó, chùa như rạng rỡ hơn, vì có tiếng khóc của trẻ thơ. Có người hiểu chuyện giúp Sư Cụ việc nầy việc nọ, như thay tả khuấy sữa cho bé, hoặc ru cho bé ngủ, nhưng cũng thật là lạ. Bé chỉ thích nghe chuông, ít thích những lời ru ngọt ngào, vì thế cho nên nhiều người nói rằng: “Bé đúng là có căn tu nên mới gặp được Hoà Thượng.”
Cũng có nhiều người không hiểu chuyện, buộc miệng bảo rằng: “thấy đứa bé giống Hoà Thượng như đúc”
- Thế ấy đừng có nói đùa, Ngài là người quan lại Mỹ nhân chỗ quyền quý còn không thích, thích gì những chuyện vụng trộm như thế nầy. Chẳng qua vì mối từ tâm, đúng như đạo hiệu của Ngài cho nên Ngài chỉ muốn nuôi đứa bé nầy thôi.
Ai nói gì, Ngài cũng chẳng phân trần, mà cũng chẳng giải thích. Chỉ có điều lúc nào Ngài cũng hoan hỷ mĩm cười và bảo rằng như thị, như thị…như thế đó, như thế đó.
Cái tên Ngộ Đạo, hay Đạo Ngộ nghe cũng hay hay, vì đọc theo kiểu nào cũng đều xuôi tai cả. Vì đạo mà gặp Ngài hay gặp được đạo qua Ngài cũng hay thôi. Cha mẹ chắc gì đặt được cái tên hay như thế.
- Quả thật người mẹ ấy khôn đấy chứ! một vị Tịnh Hạnh Nhân nói thế. Trong khi đó người khác chen vào:
- Khôn gì mà khôn. Niềm vui ai hưởng chứ sự cực nhọc thì khiến cho những già nầy mang, mà còn làm liên luỵ, phiền đến Hoà Thượng nữa.
- Vậy thì chữ từ bi nơi cửa Phật để ở đâu?
- Để ở đâu cũng được, nhưng cũng nhiều lúc cần phải đóng cửa từ bi lại, chứ như trường hợp nầy, thì Sư Cụ quá từ bi.
- Vậy thì phải giải quyết sao đây?
- Đã phát nguyện làm và tu theo hạnh Bồ Tát thì chấp nhận thôi. Cái gì mình bỏ chạy, trốn tránh việc ấy cứ theo hoài. Việc gì mình sẵn sàng đối diện thì mình sẽ vượt qua.
- Già không thấy trong luận Bảo Vương Tam Muội nói sao
- Nói như thế nào?
- Oan trái không cần biện bạch, vì còn biện bạch thì nhân quả chưa xả.
- Nhưng thầy mình đâu có mắc nợ ai đâu? Suốt đời từ khi làm quan cho đến khi tu hành cũng đều làm việc “thi ân chẳng cầu báo” Sao hôm nay chùa mình lại phải cưu mang thêm thằng bé nầy nữa?
- Biết đâu là Lý Công Uẩn tái sinh, hay Chu Nguyên Chương nhập thế chăng?
- Việc ấy xin miễn bàn.
Lời qua tiếng lại đối đáp với nhau của hai vị Tịnh Hạnh Nhân trong chùa, khiến Sư Cụ nghe được và từ tốn bảo rằng:
- Phàm làm người chúng ta phải có lượng từ bi, ngay cả khi chúng ta, những người tu theo Bồ Tát Hạnh bị oan ức, bị xẻ thịt phanh thây còn không giận người, trách đời, huống gì đây mới chỉ là một thử thách nhỏ. Các vị nghĩ như thế, vì họ đem bỏ con trước chùa. Nếu đem ba ký lô gram vàng ròng và hột xoàn, kim cương bỏ đó, chắc quý vị không trách cứ. Nhưng chắc gì hột xoàn kim cương, đã là một điềm lành. Thôi hãy chấp nhận vậy. Vả lại “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”xưa nay việc ấy vẫn thường, chúng sanh gây ra bao nhiêu tội lỗi chẳng cần biết, chỉ khi nghiệp đến rồi mới sợ mới lo. Còn Bồ Tát phải biết ngay từ lúc gây nhân thì quả ấy đã nắm chắc trong tay rồi. Cũng ví như nếu ta nhặt được quả cam non đem dùng thì chắc rằng đắng lắm chẳng ăn được; nhưng qua thời gian năm tháng quả cam ấy chín, ta hái để ăn. Lúc ấy ta thấy ngọt. Vậy vị ngọt nầy từ đâu đến. Nếu chẳng phải từ cái chua kia mà có, vì thế mà Phật dạy rằng: “Phiền não tức Bồ Đề là vậy” Sự giải thoát giác ngộ quyết không ngoài những phiền não khổ đau trong đời nầy mà có được. Trong cái nhân đắng ấy đã hàm chứa chất ngọt rồi, chỉ vì chúng ta không biết chuyển hoá khổ đau tục luỵ thành Niết Bàn An Lạc đấy thôi, chứ nếu chúng ta biết áp dụng, đúng tinh thần Bồ Tát Đạo, thì làm sao chúng ta có thể tìm niềm vui riêng biêt, khi chúng sanh còn đau khổ nơi chốn hồng trần nầy. Vả lại đứa bé nầy biết đâu sẽ tốt về sau, mà cũng có thể sẽ xấu về sau. Như trong kinh Kim Cang Phật dạy rằng: “Tất cả các pháp đều không có tính nhất định. Cái đúng của ngày hôm qua, cũng có thể là cái sai của ngày hôm nay, và cái sai của ngày hôm nay, có thể vẫn là cái đúng của ngày mai, vì tất cả pháp đều là Phật Pháp cả. Dầu cho pháp ấy là pháp của thế gian hay xuất thế gian. Biết đâu người mẹ đau khổ của đứa bé nầy đang hối hận mà cũng đang hạnh phúc. Hạnh Phúc vì được nhà chùa nuôi nấng tử tế và được huấn luyện học hỏi hằng ngày nơi chốn thiền môn; nên người mẹ rất an lòng. Có người mẹ nào mà chẳng thương con. Biết đâu bà ta mỗi ngày đang dõi mắt trông vào chùa để xem hành hoạt của con mình vì thế mà hạnh phúc. Nhưng cũng biết đâu người mẹ đau khổ ấy rất khổ tâm, vì muốn chuộc lại con mình, nhưng sợ miệng đời đen bạc dèm pha. Do vậy mà vẫn âm thầm chịu đựng khổ đau và biết đâu Bồ Tát Quan Thế Âm thử lòng những kẻ tu hành như chúng ta có thật sự cứu khổ khi kẻ lâm nguy đến kêu cầu với mình chăng. Vả thật có nhiều lý do để mà suy đoán; nhưng nghĩ suy làm gì cho mệt trí. Hãy xem đây là một niềm vui là hạnh phúc rồi. Vì ta đã làm an lòng cho một người mẹ khổ đau như thế”
Mới đó mà đã tròn ba tuổi, bé Ngộ Đạo lúc nào cũng quấn quít bên Sư Cụ như thầy trò, như cha con và cũng như ông cháu. Người ngoài nhìn vào một già một trẻ lúc nào cũng bên cạnh nhau ra điều tâm đắc lắm.
Một hôm Sư Cụ Từ Tâm bảo rằng:
- Ngày mai là mồng một, chiều nay chúng ta sám hối
- Sám hối là gì vậy ông?
- Sám hối là sám hối. Bây giờ con còn nhỏ chưa hiểu đâu. Lớn thêm một chút nữa ông sẽ giải thích cho.
Bé vâng lời lên chánh điện vào giờ lễ sám hối. Bây giờ ai trông thấy bé cũng muốn gần. Kẻ xoa đầu, người vuốt tóc, trên ba cái chỏm trái đào còn lại. Hiện lên trên đôi má ửng hồng, giống như một hoa sen đang kỳ nở hương thơm ngát. Có người thì trêu cháu hỏi mẹ cha ở đâu. Người thì kín đáo hơn cho bé trái đào, trái ổi để được bồng ẵm và nâng niu bé. Ai làm cách nào bé cũng thuận theo và vì thế Hoà Thượng được khen là người mát tay nuôi dạy trẻ. Có người bảo:
- Từ nhỏ đến giờ Sư Cụ đâu có bao giờ chăm sóc tuổi thơ đâu mà Ngài tài tình quá nhỉ.
- Thì chăm lo cho chốn quan trường cũng là một hình thức chăm sóc không phải sao? Ấy là người lớn. Còn ở đây là trẻ thơ, khó dạy khó bảo lắm. Có người lại tò mò muốn biết mẹ cháu là ai, biết đâu trong những người đi lễ chùa vào những lễ sám hối hay những ngày lễ lớn trong năm lại chẳng có mẹ cháu. Hãy để ý xem hành động của một người mẹ thật và một người bàng quan thì sẽ rõ.
- Đâu có ai dại gì mà nhận con lại trong lúc nầy. Vì Sư Cụ chăm sóc kỹ quá mà! Một người đàn bà nói thế.
- Đã là con thì hùm dữ chẳng ăn thịt con. Sao người mẹ nào lại đành đoạn thế?
Một bà khác nói:
- Theo tôi cứ để yên như thế là xong, lớn lên biết đâu tiểu sẽ đi tu. Vì ngày xưa người ta vẫn thường ví:
“Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa phải quét lá đa”
- Nhưng sư phụ mình đâu phải là người thường. Đó là bậc quan lại của triều đình. Đã bỏ chốn quan trường vào cửa Phật xuất gia, thì chắc rằng Ngài cũng phải cho tiểu nầy học đến nơi đến chốn chứ.
- Ừ tuỳ theo thằng bé nếu nó thông minh.
- Trông dáng nó kìa vừa xinh vừa hồng hào, trông như quả đào chín mộng ấy!
- Ấy đừng khen con trẻ ở tuổi nầy
Sau lễ sám hối hôm đó, bé Ngộ Đạo được vào liêu phòng của Hoà Thượng Phương Trượng và bé cất tiếng hỏi “Bạch sư ông, mẹ cha của con sao chẳng thấy đến chùa lễ Phật?
Câu hỏi của bé khiến sư ông suy nghĩ hồi lâu mới trả lời.
- Chắc là bận lắm!
- Nhưng con chưa bao giờ gặp
- À! chuyện nầy thì dài dòng lắm, làm sao con hiểu hết được đây. Nếu ông có nói cho con nghe bây giờ, thì sau nầy chắc gì con còn nhớ. Vì con còn quá nhỏ, thôi để từ từ khi con lớn lên năm, bảy tuổi ông sẽ kể cho con nghe. Lúc ấy, con sẽ có được sự nhận định rõ ràng hơn. Còn bây giờ thì …
- …. con muốn nghe
- Nhưng ở tuổi này con nghe đâu có ích gì. Con hãy trở lại phòng mình đi ngủ sớm, ngày mai còn phải cùng ông ra vườn tưới cây kiểng và xem bướm hay hoa nở nữa.
Con nít khi bị dụ vào mục tiêu khác, nhất là mục tiêu nào chúng thích thì chúng sẽ sớm quên ngay những gì chúng đang đòi hỏi. Dầu cho việc đòi hỏi ấy, có quan trọng đi nữa cũng sẽ dễ quên đi. Sáng hôm sau cả hai ông cháu đều ra vườn và họ thủ thỉ với nhau ra chiều tâm đắc lắm.
Đây là bụi hoa mai, đây là giàn hoa thiên lý, đây là hoa cẩm chướng, đây là hoa anh đào.
- Nhưng tại sao gọi là Hoa, thưa ông?
- Thì tại nó là hoa. Nhưng sau nầy con lớn khôn lên, con học chữ Hán để biết thì ý nghĩa kỳ diệu lắm! Chữ Hán là một loại chữ tượng hình, từ đời ông Bành Tổ bên Tàu đã hơn năm ngàn năm nay, họ dùng chữ tượng hình để viết và gọi tên con người, con vật, cây cỏ v.v..Ví dụ như chữ Hoa viết bên trên là bộ Thảo có nghĩa là loài cây cỏ. Bên dưới là chữ Hoá có nghĩa là sự biến đổi của đất trời vạn vật. Nếu chiết tự thêm ra nữa thì một bên có bộ nhân đứng tức là người, còn bên kia là bộ Trĩ ví như cuộc đời nầy yên lặng. Mọi việc đều vô sự mà có đầy đủ việc ăn uống an lành. Như thế cả ba bộ ghép lại thành chữ Hoa. Hoa là kết tinh của cuộc đời, của con người và của sự vật. Hoa mang hương sắc đến cho đời, điểm tô cho đời thêm lộng lẫy nên thơ và chính hoa cũng làm cho đời khổ lụy. …
- Tại sao vậy ông?
- Thì cũng như trường hợp của mẹ con đó. Người ta khi nghĩ đến một người đàn bà còn trẻ mà bạc phước thì người ta nói uổng một đời hoa,
- Vậy mẹ con đã chết hay còn sống?
- Chắc rằng …..
- Mẹ con đã chết hả ông?
- Điều đó không chắc lắm, vì con là đứa con rơi, mẹ con đem bỏ trước cửa chùa vào một ngày mùa đông mưa gió, mới đó mà cũng bốn, năm năm rồi. Quả thật thời gian trôi nhanh thật, đâu có ai ngờ….
- Ngờ gì thưa ông?
- Biết đâu mẹ con đã vào chùa tu niệm
- Mà cũng chưa chắc; hay là mẹ con đã lấy chồng khác.
- Hoặc giả mẹ con đã biệt xứ ra đi, mà cũng chưa chắc nữa. Biết đâu mẹ con đang ở gần đây để xem sự trưởng thành của con nữa. Đâu có người mẹ nào mà chẳng thương con….
- Nhưng còn ba của con…?
- Đó là điều bí hiểm nữa, chỉ có mẹ con là người biết rõ thôi.
- Thôi! Con đừng hỏi nữa, hãy lo học và cầu nguyện, biết đâu một ngày nào đó, sẽ có ngày hội ngộ, và lúc trùng phùng con sẽ rõ biết hơn. Còn ông, ông chỉ biết đến đó và ông cũng biết cuộc đời của con người vốn gốc của nó là Khổ đau tục luỵ mà thôi
- Đây là cây Uất Kim Hương nầy
- Uất Kim Hương là gì vậy ông?
- Là cây nghệ đó
- Cây nầy nên thuốc lắm. Nếu bị thương mà không có thuốc gì đắp lên vết thương thì cứ giả nhỏ Uất Kim Hương rồi đắp lên vết thương và ràn lại cho kỹ, trước sau vết thương cũng sẽ lành.
- Vậy con lấy lá đắp lên chân con nghe?
- Không phải vậy. Vả lại con có bị thương đâu. Lại nữa củ của Uất Kim Hương mới có tác dụng, chứ lá thì chẳng công hiệu gì đâu.
- Đây là trà hoa nữ, đó là hoa Tý Ngọ, hoa Phù Dung,
- Tại sao gọi là trà hoa nữa, Tý Ngọ cũng như Phù Dung thưa ông?
- Thì loại nào sớm nở chiều tàn người ta gọi là Phù Dung. Vì nó đẹp, nhưng nó phù du lắm. Có đó rồi mất đó. Đẹp đó rồi xấu đó. Tất cả chỉ là phù du mộng ảo, như chốn quan trường vậy thôi.
- Ông nói gì con không hiểu?
- À chuyện nầy dài dòng lắm, nếu có nói con cũng chẳng hiểu đâu. Chuyện ngày xưa ấy mà, khi ông còn là một quan văn của chốn triều đình, mà bây giờ thôi không bàn đến chuyện ấy nữa.
- Vậy những loại hoa kia?
- À, Tý Ngọ là hoa nầy mỗi ngày chỉ nở một lần, và mỗi lần chỉ nở vào giờ Tý, tức giữa đêm đến giờ Ngọ tức 13 giờ trưa thì tàn, cho nên người ta gọi là Hoa Tý Ngọ.
- Còn trà hoa nữ?
- Có lẽ người con gái hái hoa nầy để ướp trà nên người xưa họ gọi như vậy chăng. Điều ấy ông chẳng biết.
- Nhưng tại sao, chùa mình trồng nhiều hoa thế hở ông?
- Như con biết đó, cây cỏ, hoa lá vốn vô tình, nhưng nó mang lại niềm vui cho đời. Nhất là chùa mình nằm trên triền núi nầy mà không trồng hoa, thi chẳng đẹp mắt chút nào. Chỉ toàn là đá và cây cỏ thì khách thập phương khi vãng lai không có nơi dạo chơi thưởng ngoạn. Do vậy mà ông cho trồng nhiều hoa và cây ăn trái đó. Con thấy đó, cây cỏ tuy vô tình, nhưng nếu mình thương nó, chăm sóc thì nó cũng vui tươi hớn hở đón chào mình, như người khách quý đi xa vừa trở lại cố hương. Còn nếu mình hất hủi nó, không lo bón phân tưới nước cho nó, chẳng khác nào mình đem con bỏ chợ vậy.
- Như thế ba mẹ của con không thương con phải không ông?
- Ấy! chẳng phải thế, ông lỡ lời vậy thôi, chứ ông và các vị Tịnh Hạnh Nhân ở chùa, chăm sóc cho con còn hơn cha mẹ của con nữa đó. Con thấy đúng không?
- Tại sao con thấy nhớ ba mẹ con quá!
- Ai cũng vậy thôi. Nhưng con hãy nghe ta nói tiếp đây. Ở đây có cây chanh, kia có cây bưởi, gần đó có cây cam và cây lựu. Lúc nào những cây nầy cũng có trái quanh năm suốt tháng và nhờ như vậy mà chùa mình có cây trái xanh tươi cúng Phật khỏi phải đi chợ. Hoa cũng vậy, quanh vườn chùa mình dư để cúng Phật. Mà con nhớ khi nào có cúng Phật phải lựa những hoa đẹp, hoa tươi, trái cây xanh tốt để cúng nghen. Và đó là thể hiện lòng của mình đối với Phật Tổ vậy.
- Con xin vâng lời ông, khi nào được phép của ông con sẽ làm điều đó.
Nhìn lên bầu trời quang đãng vào buổi sớm mai, sư ông Từ Tâm muốn dạy tiếp cho điệu Ngộ Đạo những bài học vở lòng nơi chốn thiền môn nên ông ôn tồn bảo:
- Con có biết rằng những con chim ấy bay đi đâu không?
- Chắc là về quê của nó.
- Quê của nó ở đâu vậy?
- Chắc là ở bên núi kia.
- Nhưng núi kia chắc gì có tổ của nó! Mỗi sáng chim đi kiếm mồi và mỗi chiều chim bay về tổ. Con chim nó vẫn có cội có nguồn, và lòng người cũng thế.
- Nhưng nguồn gốc của con, con không rõ
- Rồi một ngày con sẽ biết
Đoạn Sư Cụ Từ Tâm quay sang chuyện khác để bày cho điệu Ngộ Đạo trong bước sơ cơ chập chững ở cửa Thiền.
- Con hãy nhìn ra ngoài đi. Phía trước có cái gì đó?
- Đó là cửa Tam Quan mà ông vẫn thường hay nói.
- Nhưng chắc rằng con không hiểu chữ Tam Quan là gì? Bây giờ ông giải nghĩa đây: Tam là ba, Quan là cái cửa. Cái cửa ấy có ba chứ không phải có một. Phía giữa gọi là Trung Quan, Phía trái gọi là Không Quan, và phía phải gọi là Giả quan.
- Chữ Nho nhiều quá phải không ông?
- Ừ, thì xưa đến nay ta vẫn dùng vậy. Con hãy nghe tiếp đây. Chữ Không có nghĩa là tất cả mọi việc, mọi vật trên đời nầy tuy có hình tướng đấy; nhưng những hình tướng ấy đều do sự giả hợp mà thành. Tất cả các hợp tướng ấy được cấu tạo bởi đất nước gió lửa, rồi khi tàn suy cái gì của đất trả về cho đất, cái gì của lửa trả về cho lửa, cái gì của gió trả về cho gió, cái gì của nước lại trở về với nước. Do vậy mà nói “Không” là như thế. Còn một cái “Không” vượt lên trên cái có nữa kia. Nhưng bây giờ con còn nhỏ chưa hiểu đâu. Từ từ thủng thẳng năm ba năm nữa, ông sẽ dạy cho con, ráng chờ nghe. Còn chữ Giả có nghĩa là không có thật tướng, tuy chúng ta thấy có cung vàng điện ngọc nhà cửa lầu đài con người, sự vật v.v…, nhưng dưới con mắt của người hiểu đạo, thì chẳng có gì là thật hết. Tuy có đó nhưng là giả tướng. Do đó gọi là “giả quan”. Có nghĩa là cái cửa đi vào chỗ không tướng. Ừ mà cái nầy khó lắm chắc chừng ba bốn chục năm nữa con mới hiểu được. Còn cái cửa giữa ấy gọi là Trung Quan. Trung có nghĩa là ở giữa. Có nghĩa là không thật mà cũng chẳng hư; không chơn mà cũng chẳng giả là con đường vượt lên mọi sự đối đãi trong cuộc đời, trong thế gian phiền não nầy. Do vậy đi vào chùa là đi vào con đường ở giữa là vậy. Con đường này không phải là con đường không có bên mặt, không có bên trái; mà là con đường vượt lên trên bên mặt và vượt lên cả trên bên trái. Do vậy gọi là Trung Đạo hay Trung Quan là thế.
- Nghe ông giảng thật là hay; nhưng con không nhớ hết. Thôi để dành lúc khác vậy. Nhưng thưa ông tại sao trời có mưa và có nắng. Tại sao trời không mưa hoài để ông cháu mình khỏi tưới cây hả ông?
- Ấy thế! Chẳng phải vậy đâu! Mưa hoài cũng thối đất, mà nắng hoài cũng cháy rừng. Vì vậy thiên nhiên tuy vô hình nhưng hay lắm đó. Như con thấy kìa trên khoảng không ấy có một cụm mây đang là đà bay đó, không phải không có nguyên do đâu. Nước biển hay nước sông khi gặp gió rồi bốc hơi bay lên trên, rồi hơi biến thành mây. Mây gặp lạnh thành mưa. Cứ thế và cứ thế. Trong cõi tử sanh nầy luôn luôn hoán chuyển và tồn tại đã bao nhiêu triệu năm như thế. Còn nơi nào không có gió, không có điều kiện thuận lợi, thì nước không bốc hơi được. Cho nên không có mưa; mà không có mưa thì ông bà ta gọi là hạn hán. Mùa màng sẽ mất mác, thu hoạch kém, lúa thóc không có, người ta phải đói kém. Do vậy mà có nhiều hệ lụy trong cuộc đời, như chiến tranh, đói nghèo, lụt lội, cháy rừng v.v…Thật ra, tất cả cũng đều do lỗi con người gây ra cả. Vì lẽ ai cũng muốn phần thắng về mình. Lo đi chinh phục thiên nhiên, để có nước nhiều hơn, hay để có năng lượng nhiều hơn, cho nên thiên nhiên mất quân bình, rồi từ đó sinh ra không biết bao nhiêu là hệ luỵ của cuộc đời. Con ráng lớn lên một chút nữa sẽ hiểu được nhiều sự việc hơn. Như ở trong rừng nầy, tuy chim chóc và côn trùng ta thấy dường như vô tích sự. Có con còn phá hoại mùa màng nữa và cũng có con giết hại những con trùng ấy để nuôi sống bản thân chúng. Nhờ thế mà mọi việc được quân bình. Cũng như trong thế gian, có đàn ông thì phải có đàn bà, có nam, phải có nữ để bổ sung cho nhau. Chỉ những thế giới giải thoát bên trên mình, mới không cần hai thân như ở cõi nầy. Mà chỉ cần một thân là đủ, vì nơi đó chỉ có biến hoá mà thôi, ai muốn cái gì thì biến ra hình tướng ấy.
- Hay quá là hay, có lẽ vì vậy con thấy Quan Thế Âm ở chùa mình có nhiều tay nhiều mắt và nhiều đầu phải không ông? Chứ bình thường con đâu thấy ai nhiều tay như vậy. Lúc đầu con thấy hình tượng ấy con sợ; nhưng bây giờ thì không, vì con thấy nhiều người hay đến cầu nguyện trước hình tượng của Ngài, chắc là Bồ Tát linh thiêng lắm?
- Ừ đúng vậy! Bồ Tát ấy không phải đàn ông mà cũng chẳng phải đàn bà; mà Bồ Tát muốn độ cho người đàn ông thì hiện ra thân đàn ông để độ. Ngài muốn độ cho người nữ thì hiện ra người nữ để độ. Thậm chí hình thể của vua quan, hay người ở cõi âm kia, Quan Âm cũng có thể hiện thân được tất cả. Nếu kẻ nào có lòng tin và xưng dương tán thán danh hiệu của Ngài, thì sẽ được Ngài độ trì. Ví dụ như con muốn học giỏi, hiểu đạo nhanh v.v…, thường ngày nên lễ lạy Ngài và xưng danh hiệu của Ngài thì con sẽ được toại ý.
- Con chỉ muốn gặp được ba mẹ con thôi. Không biết Bồ Tát có gia hộ không?
- Dĩ nhiên là có. Nhưng phải tuỳ duyên, con cứ việc cầu nguyện. Chắc chắn việc ấy sẽ đến. Nhưng thế gian nầy tất cả đều bị ràng buộc, dễ gì cởi trói được đâu con. Con người, cuộc đời, sự vật, tiền tài, danh vọng, tình yêu, sự cảm thông, lòng từ bi, sự hận thù, hơn thua, được mất, giàu nghèo, ôi thôi là mộng ảo và thật tướng lại đan lẫn với nhau, làm sao con người có thể thoát ra khỏi chỗ vô minh nầy
- Ông nói gì con không hiểu. Con chỉ nhớ lờ mờ thôi. Nhưng ba mẹ con là một con người có thật mà ông?
- Đúng thế! Là con người bằng da bằng thịt, nhưng bằng dục vọng họ đã sinh con ra và không có trách nhiệm nuôi dưỡng. Nhưng thôi, việc ấy còn hạ hồi phân giải. Nói làm chi cho thêm đau lòng trong lúc nầy, mà dẫu cho có phân tích rõ ràng, con cũng khó hiểu và chấp nhận đâu, sẽ hẹn một ngày.
Họ hai người một già một trẻ, một ông một cháu như ra chìu tâm đắc lắm, có những lúc Sư Cụ Từ Tâm hình như chỉ nói hay thuyết giảng cho đất trời vạn vật nghe, cho cỏ cây hoa lá vui mừng, cho chim xanh bay trên trời cao, đừng mõi cánh, cho suối chảy êm tai hơn, chứ thật ra với tuổi lên năm, lên bảy điệu Ngộ Đạo có hiểu gì đâu. Có thể đó là nỗi niềm của Sư Cụ đã vào ra chốn quan trường, đã bao lần ngao ngán và cũng có thể vì hiểu đạo và luật vô thường nên mới chôn chặt đời mình nơi núi thẳm rừng sâu như thế nầy. May mà có điệu Ngộ Đạo, lúc nào cũng lủi đủi theo sau ông, và nhân cơ hội ấy mới nghe được những nỗi niềm nầy. Tuy chẳng có người bên cạnh lắng nghe Sư Cụ nhưng có lẽ Hộ Pháp và chư vị Thiện Thần đi tuần đâu đó sẽ dừng công việc lại để lắng nghe ông. Trong luật ở chùa ở dạy rằng:
“Cần tảo già lam địa
Thời thời phước huệ sanh
Tuy vô tân khách chí
Diệc nãi thánh nhân hành”
Dịch nghĩa:
“Siêng quét đất già lam
Trí huệ sanh liền liền
Tuy chẳng người khách đến
Thánh nhân mãi đi tuần”
Dịch thơ:
„Siêng năng quét đất vườn chùa
Ươm mầm tuệ giác bốn mùa nở hoa
Tuy dù vắng khách lại qua
Thánh nhân luôn vẫn đoái hoài tới lui“
Như thế ấy, có nghĩa là chung quanh ta vẫn có bậc khuất mặt khuất mày, người trên kẻ dưới đủ đầy cả, nếu ta có lòng tin, có lòng cầu nguyện, thì tiếng nói nầy có thể bay bổng đến 10 phương vô biên thế giới và biết đâu, lúc ấy sẽ có loài hữu tình hay vô tình nghe được. Rồi phát tâm tu hành giác ngộ. Như vậy ta cũng có công đức lắm đấy chứ.
Có lần một vị đại sư nào bên Trung Quốc giảng kinh Hoa Nghiêm, mà chẳng ai hiểu cả vì đây là một hiện thực siêu thế giới, chỉ có Phật với Phật mới hiểu còn Bồ Tát có nghe cũng ngẫn ngơ thôi. Sau đó vị đạo sư nầy không nản, ông ta ra vườn chùa dựng tất cả những hòn đá lên ngay thẳng và ông ta bắt đầu giảng về diệu lý kinh Hoa Nghiêm, sau khi Ngài giảng Ngài hỏi lại có hiểu không thì tất cả những hòn đá đều gật đầu, như thế dầu cho loài vô tình đi chăng nữa, chúng cũng có một sự cảm nhận đó chứ. Cho nên đừng cho là sự vật không hiểu mình, mà chỉ lo rằng chính con người không thể hiểu hết sự vật mà thôi. Từ kinh nghiệm bản thân, sau bao nhiêu năm tu hành; nên Sư Cụ lúc nào cũng nói cho cháu mình nghe, nói cho cỏ cây và nói với chim ngàn, gió núi. Nói cho thú rừng hay nói cho chính mình nghe. Nói xong tự mình giải thích và cũng tự mình đồng ý hay phản đối lại tư tưởng của mình. Khi tư tưởng nào đó lập luận không đúng với Chánh Pháp.
Chùa Hưng Phước bây giờ trông như đẹp hẳn hơn xưa, vì nơi đó có sức hồi sinh, có mầm non đang được phát triển. Thế hệ người lớn tuổi, một ngày nào đó rồi phải ra đi, trở về với đất trời vạn vật. Còn tuổi trẻ, tuổi còn mộng mơ, của cuộc đời thanh xuân đầy hứa hẹn, tràn đầy nhựa sống ở một tương lai khá dài. Do vậy mà cảnh vật cũng tươi hơn, để đón chào một tâm hồn như thế. Dường như Sư Cụ Từ Tâm cũng đã đoán biết được hết những vấn đề nầy, nên đã cố công chuyển hết năng lực vào thế hệ kế thừa ấy- Tuy tuổi tác khác nhau xa; nhưng việc hiểu đạo chẳng cần nơi tuổi. Chẳng nhớ ông Tô Đà Di, mới bảy tuổi đến cầu Phật xuất gia. Phật hỏi rằng:
- Ông từ đâu tới?
- Ba cõi chẳng có nơi nào là nhà của con cả. Ông đáp như thế
Nghe trả lời như thế cả đại chúng đều giật mình và Phật cho người nầy thọ giới Tỳ Kheo lúc 7 tuổi, mặc dù theo Luật định thì phải đến tuổi 20, mới là tuổi đầy đủ oai nghi tế hạnh, để làm một bậc sa môn đi vào đời để tế độ quần sanh.
Dường như Sư Cụ Từ Tâm có được Thiên Nhãn nên đã thấy được việc nầy chăng hay chú bé nầy là thần đồng? Hoặc có một lý do gì đó mà Sư Cụ vẫn canh cánh bên lòng.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]