Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Môn Thư Giản

21/06/201314:19(Xem: 8789)
Thiền Môn Thư Giản

Góp nhặt lá Bồ Đề.

Thiền Môn Thư Giản

Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm

Nguồn: Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm

Ai Tra Cái Cán Vào

Xưa, có hai thầy trò. Một hôm thầy tỳ kheo đi cúng. Thầy viết sớ tên thí chủ tên Tròn. Chữ Hán không có chữ tròn nên thầy mới vẽ một vòng tròn.
Chú đệ tử coi sớ lại thấy vòng tròn tưởng thầy viết chữ chữ trung thiếu sổ giữa, chú liền viết thêm sổ giữa.
Đến lúc khai kinh đọc sớ, thầy đọc tên trai chủ Nguyễn Thị Gáo. Cô trai chủ nói, "Tên con là Tròn chứ không phải Gáo."
Thầy nói, "Mới đây mà ai tra cái cán gáo vào?"
Chú đệ tử ngồi sau bụm miệng mà cười.

Lộn Sớ

Thầy trụ trì cùng các Phật tử đi cúng thất cầu siêu. Tụng chú Đại Bi xong thầy xướng sớ.
Phật tử nam quỳ xuống đọc hai câu rồi ngừng, mồ hôi ra nhuễ nhoại. Thầy trụ trì mới biết chuyện xướng rằng, "Lộn sớ … Đợi một chú …"
Quý Phật tử hộ niệm quỳ ở sau tức cười quá chịu không được đành lạy xuống úp mặt cười rung cả vai.
Do Thầy trụ trì xướng lộn sớ nên ai cũng cười.

Quên Tán

Tới ngày cúng thất thứ 49 của ông thầy cúng, quý thầy quen thân đến cúng dùm.
Đến khi làm lễ khai kinh, chuông mõ, nhịp tán đã đánh lên nhưng thầy chủ sám lại quên không biết bắt bài gì.
Cô tín chủ thấy lâu quá bèn khóc lóc và kể rằng, "Thầy tôi khi còn sống, mỗi khi làm lễ thì mặc áo, đắp y, đội mũ và tán bài Dương Chi …" Quý thầy ấy liền bắt ấn tịnh thủy rồi "ý a ý a" tán theo.
Cô tín chủ lanh trí đã gỡ dùm cho thầy chủ sám.

Chứng Minh Cho Chồng Chị

Một cô thí chủ có chồng đã chết. Đến tuần thất thứ 49 ngày, cô rước thầy về cúng cầu siêu cho chồng.
Đến khi làm lễ khai kinh, quý thầy tán, "Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát."
Cô thí chủ quỳ ở sau khóc kể, "Chồng con chết, con sắm sửa lễ vật hoa quả để Phật chứng minh tiếp độ cho linh hồn chồng con, sao quý thầy cầu Phật chứng minh cho quý thầy? Chồng con làm sao siêu độ. Hu hu hu …"
Quý thầy lanh trí liền tán, "Nam Mô chứng minh cho chồng chị …"
Cúng xong quý thầy về chùa thuật lại cho quý thầy khác nghe, ai cũng cười.

Tây An Tiếp Độ Vong Hồn

Ngày xưa, ở miền Nam có một gia đình hai chị em. Bà mẹ mới qua đời nên hai cô rước thầy và mỗi tuần đều rước thầy về cúng như vậy. Bà chị biết lễ nghĩa nên mỗi lần thỉnh thầy làm lễ khai kinh, bà đều có làm khay lễ để một lư trầm và 50 đồng tiền lễ.
Hôm cúng thất thứ ba, bà chị bận công việc đi khỏi không có ở nhà. Bà dặn người em ở nhà thỉnh thầy cúng thất. Bà em không biết nghi lễ nên không có làm khay lễ.
Tới chừng thầy làm lễ cúng, thầy đọc, "Nam mô Tay An tiếp độ vong hồn."
Bà em nói, "Thưa thầy, Tây Phương tiếp độ vong hồn chớ sao lại Tây An tiếp độ vong hồn hở thầy?"
Thầy cúng nói, "Đi Tây An còn có tiền mới đi được, huống chi là Tây Phương."
Bà em hiểu ra xin sám hối. Thầy mới đọc lại, "Nam Mô Tây Phương tiếp độ vong hồn."

Thầy Để Con Ở, Thầy Trở Con Đi

Xưa kia có một vị thầy thường ăn mặn. Mỗi khi thầy ăn thì có chú thị giả đứng sau quạt hầu thầy. Chú thị giả ăn cái mâm thầy ăn còn lại.
Hôm ấy, bà cô ở chùa dọn lên chỉ có một con cá vừa vừa. Thầy ăn hết một phía rồi muốn trở phía kia. Chú thị giả đứng sau nói, "Thầy để con ở, thầy trở con đi."
Ngày xưa, phàm làm thầy thì không ăn hết mà phải để lại cho thị giả.

Hai Cái Bánh Ít

Có một ông thầy đi cúng đám cho thí chủ, dắt ông điệu đi theo.
Bà thí chủ thấy chú thị giả dễ thương, lúc cúng xong cho chú hai cái bánh ít, bỏ vào túi áo.
Ông thầy muốn lấy hai cái bánh ít này nên khi đi về trên đường ông kiếm chuyện kiếm chuyện bắt lỗi. Ông nói với ông điệu, "Tao là tù phạm hay sao mà mầy đi sau mầy giữ?" Ông điệu liền đi trước.
Ông thầy lại nói, "Mầy là thầy tao hay sao mà mầy đi trước?" Ông điệu lại đi ngang thầy.
Ông thầy lại bảo, "Mầy là bạn tao hay sao mà đi ngang tao?" Ông điệu không biết làm sao bèn đứng khóc.
Ông thầy nói, "Không khóc gì hết, đưa hai cái bánh ít đây rồi đi cách nào cũng được."
Không lẽ ông thầy mà còn láu ăn với đệ tử vậy sao?

Ông Phật Có Râu

Ngày xưa thí chủ thỉnh thầy cúng cũng có tụng Kinh Quan Thánh và Kinh Ông Táo nên có tượng Quan Thánh và tượng ông Táo.
Hôm ấy ông thầy sai chú điệu lấy chuông, mõ, kinh, tượng để đi cúng đám cho thí chủ. Ông điệu liền lấy kinh, tượng, chuông, mõ bỏ vào trong một cái xách. Hai thầy trò lên đường.
Khi đến nhà thí chủ soạn ra, mới biết chú điệu đem lộn tượng ông Táo mặt đen và có râu dài. Ông thầy biết lỡ rồi nên ông đành phải dùng tượng ông Táo. Khi thầy lấy tượng ông Táo bỏ lên bàn cúng, bà thí chủ thấy vậy hỏi, "Thưa thầy, kỳ trước ông Phật đẹp, sao kỳ này ông Phật mặt đen hở thầy?"
Ông thầy trả lời, "Kỳ trước ông Phật còn trẻ nên đẹp. Kỳ này ông Phật già đi nắng nên đen, và già thì phải có râu."
Khi khai kinh xong, ông thầy lấy kinh ra xướng lễ để lạy Phật sám hối. Nhưng chú điệu đem lộn cuốn kinh lịch đại chữ Hán. Ông thầy cũng vẫn xướng lễ, sám hối. Thầy lạy, "Nam mô tháng Giêng Phật, Nam Mô tháng Hai Phật. Nam mô tháng Ba Phật, Nam mô tháng Tư Phật …" Ông điệu nghe tức cười quá liền bỏ ra ngoài cười.
Ông thầy lạy một hồi nóng nực, xoay lại bảo "Ông điệu đâu, sao không quạt, nóng quá!"
Bà thí chủ lạy ở sau nói "Ông điệu đi ra hồi tháng Tư, bây giờ đến tháng Tám thầy mới hỏi."

Con Mèo Niệm Phật

Ngày xưa, có một ông thầy nuôi hai cô đệ tử. Một hôm thầy phải đi xa nhập hạ ba tháng.
Trước khi đi, thầy dặn hai cô đệ tử, "Ở nhà lo công việc chùa, hai thời công phu bái sám. Đừng ngủ, bỏ tụng kinh mà có tội."
Thầy lại đưa cho mỗi cô một xâu chuỗi trường và dạy rằng, "Các con ở nhà siêng niệm Phật, khi thầy về chuỗi đứa nào bóng láng sẽ được thưởng, chuỗi đứa nào không bóng sẽ bị quở phạt."
Một cô vâng lời thầy, siêng năng niệm Phật nên chuỗi láng. Còn một cô ăn rồi đi chơi nhưng sợ chuỗi không láng khi thầy về la rầy nên cô thường lấy dầu bôi vào chuỗi, vuốt chuỗi cho láng.
Con mèo đánh hơi thấy dầu liền tha vào xó liếm. Mấy con chuột thấy vậy nói với nhau rằng: "Chị mèo kỳ này tu rồi, chị niệm Phật coi dễ thương lắm, chúng ta lại gần chơi với chị.
Khi các con chuột đến gần, con mèo bỏ chuỗi chụp chuột. Chuột vừa chạy vừa la, "Chị mèo tu giả! Chị mèo tu giả!"

Niệm Phật Bị Đánh

Có một cô tín nữ tin Phật nên thường tụng kinh niệm Phật. Cô có đứa bé gái độ mười tuổi, thường theo cô vui chơi. Khi cô tụng kinh niệm Phật, nó không biết chơi với ai, thường đứng bên ngoài nhìn vô. Khi cô tụng kinh xong rồi niệm Phật. "Nam Mô A Di Đà Phật." Nó đứng ngoài nó kêu, "Má!" Cô xoay lại nguýt nó.
Rồi cô trở vô tiếp tục niệm Phật. Nó lại kêu "Má!" một tiếng nữa. Cô xoay lại lườm nó!
Một lát nó lại kêu, "Má!" lần nữa. Cô đứng dậy tát nó một tát. Nó ra ngoài vừa khóc vừa nói, "Má kêu Phật không biết bao nhiêu tiếng nhưng không sao. Còn con kêu má có ba tiếng, má lại đánh con!"
Vì thế có người nói, "Niệm Phật nhiều Phật sẽ giận. Như mình kêu tên ai, kêu hoài họ sẽ giận.
Xin thưa, Phật đã chứng Phật quả nên không còn phiền não, không còn giận. Niệm Phật càng nhiều càng tốt. Hơn nữa, chữ "Nam Mô" là cung kính đảnh lễ, và chữ "A Di Đà" là tên của Phật A Di Đà. Niệm danh hiệu Phật với tâm thành, cung kính đảnh lễ thì được phước vô lượng.

Nam Mô Xa Cạ Phật

Một bà già đến chùa lễ Phật. Khi bà đứng trước bàn Phật, bà thấy Phật nhiều quá, làm sao vái lạy cho hết đây?
Bà mới chắp tay và vái, "Nam mô Phật đồng, Phật gỗ, Phật thổ, Phật xi măng, và Nam mô xa cạ Phật." (Xa cạ nghĩa là tất cả) Chú điệu đứng đánh chuông liền bụm miệng mà cười.
Một lần khác, bà già đến chùa mang theo một nải chuối chín. Bà thấy nhiều Phật quá. Nếu để một chỗ thì các Phật khác ở xa không có nên bà đến trước mỗi đức Phật, bà xá một cái và để một trái chuối.
Bà để chuối hết các đức Phật nhưng khi đến bàn Phật sơ sanh thì hết chuối. Bà nói, "Ba thiếu phần của cháu rồi! Hẹn kỳ sau nhé."
Chú điệu nói, "Đó là Phật sơ sanh."
Bà nói, "Vậy hả, tôi đâu có biết."

Anh Ba Tàu Hủ

Có một ngôi chùa ở đầu làng. Trụ trì ngôi chùa này là một vị đại đức trung niên xuất gia.
Thầy xuất gia với lòng tính kính Tam Bảo. Vì đi tu lớn tuổi nên không được học trường lớp Phật pháp, sự hiểu biết của thầy có giới hạn.
Gần chùa có ông cư sĩ học Phật thường tới chùa gạn hỏi Phật pháp. Thầy không trả lời thì không được, nhưng trả lời thì không vừa ý ông ta. Vì vậy mỗi khi thấy ông cư sĩ đến thì thầy lánh mặt.
Trước chùa có anh Ba bán tàu hủ. Một hôm thầy đến nói chuyện cho anh Ba tàu hủ nghe về vấn đề ông cư sĩ cứ đến nạn vấn làm thầy phiền phức. Anh Ba tàu hủ nói, "Thầy để cho con. Bữa nay ông cư sĩ có đến không?" Vừa nói xong, xa xa thấy ông cư sĩ đến.
Anh Ba tàu hủ liền mượn áo, y, mũ của thầy khoác vào, lên chánh điện ngồi thiền, xoay mặt qua một bên. Ông cư sĩ đến, liền lên chánh điện lạy Phật. Thấy có vị tăng đang ngồi thiền, tướng mạo trang nghiêm, ông liền đảnh lễ hỏi đạo.
Ông cư sĩ đưa một ngón tay. Vị thiền sư đưa ra ba ngón tay. Ông cư sĩ đưa ba ngón tay. Vị thiền sư liền đưa năm ngón tay. Ông cư sĩ cúi đầu bái phục ra về. Gặp thầy trụ trì, ông nói, "Hôm nay chùa mình có cao tăng. Con hỏi đạo, ngài trả lời thật xác thực.
Thầy trụ trì hỏi, "Thiền sư trả lời thế nào?"
Ông cư sĩ nói, "Con hỏi phải làm sao được nhất tâm, Thiền sư trả lời phải quy y Tam Bảo."
Con hỏi, "Làm sao phát huy ngôi Tam Bảo? Thiền sư dạy phải giữ ngũ giới. Như thế ngài trả lời xác thật quá. Chùa mình từ nay có cao tăng, con không dám quấy rầy thầy nữa." Nói xong, ông chào thầy ra về.
Anh Ba tàu hủ cởi y, hậu, mũ trả cho thầy trụ trì và nói, "Ông cư sĩ thua con rồi, từ nay ông không đến quấy rầy thầy nữa."
Thầy trụ trì hỏi, "Anh Ba tàu hủ trả lời sao mà ông cư sĩ phục anh vậy?"
Anh Ba tàu hủ nói, "Có gì đâu. Ông cư sĩ hỏi mua một miếng tàu hủ là bao nhiêu? Con trả lời giá ba đồng.
Ông hỏi nếu mua ba miếng thì bao nhiêu? Con nói, nếu là Phật tử con bán rẻ năm đồng. Thế nên ông bằng lòng ra về, bữa sau sẽ mua."
Thầy trụ trì ngạc nhiên nghe anh Ba tàu hủ nói vậy, ôm bụng mà cười.
~ HẾT ~



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]