- 1. Mừng ngày Phật Đản
- 2. Luận về tiền
- 3. Hội họa
- 4. Bồ Tát giới
- 5. Cúng dường
- 6. Thiền định
- 7. Thời trang
- 8. Kinh điển
- 9. Tại sao tu?
- 10. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
- 11. Giải công án
- 12. Trà hoa
- 13. Âm nhạc
- 14. Xuất gia
- 15. Ái dục
- 16. Khổ đế
- 17. Động tịnh
- 18. Khẩu nghiệp
- 19. Nhập thế
- 20. Nghi
- 21. Tuyệt đối
- 22. Nhân đạo
- 23. Dục giới
- 24. Hạnh phúc
- 25. Hoa
- 26. Địa ngục
- 27. Bệnh khổ
Dòng pháp Quán Thế Âm
17. Động tịnh
Nguồn: Ngọc Nữ (ghi chép)
Xúc động trước vẻ đẹp của một áng mây trôi, hay một chiều vàng rực nắng; xúc động trước một vẻ kiều diễm của một con người, có gì khác nhau không? Và có phải là Ðộng tâm? Nếu là động thì làm sao sống giữa đời mà không động?
Ðang khi phiền muộn, con có bao giờ thấy cảm hết vẻ tươi tắn của một đóa hoa vừa nở, lắm khi lại thấy hoa lạc lỏng nở chẳng hợp thời. Và lúc vui, thì hình như gió cũng biết hát, không trung nở hoa. Thế thì tâm động có cảnh, chẳng phải ngoại vật khiến con sinh tâm, tức Ðộng, mà tâm đã có tướng Ðộng tự bao giờ.
Ngoại vật theo tâm mà góp phần làm mờ Tri Kiến.
Vậy phải chăng lúc không vui, không buồn? là lúc Tâm không động? Chẳng phải đâu con. Nhân của động đã ngự nơi Tâm từ bao kiếp và hiện mang tướng giả không động. Người học Ðạo nên e sợ trạng thái này của Tâm. Tưởng chừng như yên ả, nhưng chỉ cần ngoại vật đủ lực là châm ngòi cho sự bùng nố của Tâm chúng sanh. Vì đã tạm lắng một thời gian, nên con dễ lầm lẫn sự dộng tâm này là ứng tâm, theo sự vật mà hiển lộ và đổ lỗi hoàn toàn cho ngoại vật. Thật nguy hiểm vô cùng.
Như thế thì sự kềm chế Thân tâm không đưa đến giải thoát và chưa là Phật thì sẽ mãi động tâm ư?
Vạn vật theo tướng Tâm mà hình thành, Tâm lành, thấy cảnh lành, Tâm ác thấy cảnh ác, Tâm tịch liêu thấy cảnh bôn ba, Tâm tham đắm thấy cuộc đời đáng sống và muôn vàn tướng khác của Tâm tạo nên muôn vàn sai biệt của cuộc đời. Hoá hiện vô cùng, Tâm bao trùm vạn vật. Vậy thật tướng của Tâm là gì? Thật tướng của Tâm là không tướng. Cho nên (sự ham thích) thế gian, theo cảm thọ của mắt, hay tai, hay mũi, hay xúc, ... chuyển tướng không của Tâm thành có. Nghiệp theo đấy mà thành.
Ðể ngăn ngừa sự biến động này, giới được hình thành. Nhưng con chớ nghĩ giới là kiềm chế Thân, Tâm; giới là cấm ngăn. Thật ra giới chính là luật tồn tại của Tâm vô tướng. Giới là điều con lẽ ra đã hành mà con chưa hành. Giải thoát không có tướng, nên giới không có tướng nhất định.
Tâm không có tướng, nên Bồ Tát dùng Đại Bi tâm mà tu tại thế gian. Nói thế gian, thật ra cũng chẳng phải thế gian. Mọi sự vật cứ theo duyên hình thành và hoạt diệt, chẳng có thật tướng, Tâm Ðại bi thì hiện thế giới từ bi. Chỉ có Tâm Bồ Tát và Tâm Phật mới có thể vào viên tịch, thật chứng tánh không của Tâm nên Ðại Bi Tâm là Tịnh Tâm.
Trong Tịnh tâm, đối cảnh có vui, buồn, yêu, ghét, cũng chỉ là động giả mà thôi. Ðộng trong cảnh tịnh thật ra chẳng phải động nếu không nghe thấy các cảnh động này thì đâu có Quán Thế Âm Bồ Tát.
Này con, cầu vòng ngũ sắc có tội gì mà con không được thấy đó là cảnh đẹp của Trời Ðất, vì e sợ động tâm? Thấy vẻ đẹp của một người và tán thán phước báo của họ, mong cầu họ hành thiện để được thêm hạnh phúc trong đời này và đời sau thì có phải động tâm đâu? Cảm mến một hành động đẹp trong đời, trân trọng một tâm hồn hướng thiện, đó không phải động tâm hay bất bình đẳng, tâm hồn ấy được quả lành của thiện nghiệp.
Mở Tâm Ðại bi, gây lấy đạo nghịệp, con sẽ thấy mở ra một thế giới huyền diệu, an lành, vĩnh viễn xa lìa dau khổ, vì đã xa lìa ích kỷ, bản ngã, hờn ghen. Nắng sẽ thật sự là nắng, ngày cứ đến, đêm cứ đi, trăng sao cứ xoay vần hiện diện, vạn vật cứ tự nhiên biến chuyển và con; con sẽ hạnh phúc tự nhiên.