Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Nội dung chủ yếu

21/05/201311:37(Xem: 9339)
2. Nội dung chủ yếu

Kinh Phổ Môn Chú Giảng

2. Nội dung chủ yếu

Thượng tọa Thích Thái Hòa

Nguồn: Thượng tọa Thích Thái Hòa

Nội dung của phẩm nầy là nói về Hạnh Môn và uy lực hóa độ của Bồ Tát Quán Thế Âm. Hạnh Môn và uy lực hóa độ của Ngài gồm có:

1.Vượt thoát bảy tai nạn:

1.1 Vượt Thoát Tai Nạn Của Lửa:

Kinh nói: "Nếu có người chấp trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì vị ấy vào trong lửa dữ, lửa ấy không thể đốt cháy, đó là do oai lực của Bồ Tát vậy".
Lửa ở đây có ba loại:
Thứ nhất là lửa thuần về vật lý. Thứ hai là lửa thuộc về hỏa đại ở trong các sinh thể và thứ ba là lửa thuộc về phiền não của tâm. Ba thứ lửa nầy có thể đốt cháy ta bất cứ lúc nào và ở đâu.
Do uy lực trì niệm Bồ Tát Quán Thế Âm của ta, nên ba loại lửa ấy không thể đốt cháy được phước đức của ta. Mỗi khi đối diện với tai nạn, mà ta có phước đức, là ta có điều kiện để thoát khỏi.
Tại sao? Do khi nhất tâm trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, ta niệm như vậy đúng với định lực và nguyện lực của Bồ Tát nầy, nên định lực từ bi, trí tuệ và phước đức trong ta phát khởi tiếp xúc và giao cảm được với định lực và nguyện lực từ bi, trí tuệ và phước đức vốn châu biến cả pháp giới của vị Bồ Tát ấy, tạo ra một nguồn năng lượng nhân duyên sinh động cực thiện, khiến thay đổi tình trạng của tai nạn. Lửa không thể cháy, vì nhân duyên của lửa cháy đã bị thay đổi. Nên, các loại lửa vật lý, lửa sinh thể, lửa phiền não của tâm đều bị dập tắt khiến cho thân tâm và hoàn cảnh của ta không bị đốt cháy bởi các thứ lửa ấy.

1.2 Vượt Khỏi Tai Nạn Của Nước:

Kinh nói: "Nếu bị nước lớn cuốn trôi, mà trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, tức khắc liền được chỗ nước cạn".
Nước ở đây cũng có ba loại:
Thứ nhất, nước thuần vật lý. Thứ hai, nước thuộc về thủy đại ở trong các sinh thể. Thứ ba, nước là những chất liệu tham ái của tâm.
Ba thứ nước nầy có thể nhận chìm và cuốn trôi ta bất cứ lúc nào và ở đâu.
Nước vật lý có thể nhận chìm và cuốn trôi ta ở nơi mưa lũ, thác ghềnh, sông biển.
Nước ở trong sinh thể có thể nhận chìm và cuốn trôi ta vào 101 tai họa bệnh khổ của thân.
Và nước tham ái của tâm cuốn trôi tất cả phước đức của ta, nhận chìm ta trong biển cả sinh tử.
Khi bị những tai nạn thuộc về nước như vậy, ta nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, khiến cho các loại nước ấy không thể nhận chìm và cuốn trôi phước đức của ta.
Tại sao? Tại vì ta nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, niệm như vậy là đúng với định lực và nguyện lực từ bi, trí tuệ và phước đức của vị Bồ Tát nầy, nên định lực từ bi, trí tuệ và phước đức trong ta sinh khởi, tiếp xúc và giao cảm được với định lực và nguyện lực từ bi, trí tuệ và phước đức vốn châu biến cả pháp giới của vị Bồ Tát ấy, tạo ra một nguồn năng lượng nhân duyên sinh động cực thiện, khiến thay đổi tình trạng tai nạn của ta. Bấy giờ nước không thể cuốn trôi và nhận chìm ta được, vì nhân duyên tai nạn do nước gây nên đã hoàn toàn thay đổi. Nên, các loại nước gây tai nạn thuộc về vật lý, sinh học và tham ái của tâm đều bị khô kiệt, khiến cho thân tâm và hoàn cảnh của ta không bị cuốn trôi và nhận chìm bởi các thứ nước ấy.

1.3 Vượt Thoát Khỏi Tai Nạn Gió Và Quỷ La Sát:

Kinh nói: "Nếu có trăm ngàn vạn ức người, vì tìm cầu vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, và những thứ quý báu cùng loại, khi đi vào biển cả, giả sử bị trận gió u ám, thổi thuyền tàu tấp vào đảo quốc quỷ La Sát, trong những người ấy, dẫu đến chỉ có môt người trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì những người ấy vẫn thoát khỏi được tai họa quỷ La Sát. Vì những nhân duyên như vậy, nên gọi là Quán Thế Âm".
Gió u ám: Hán gọi là hắc phong. Hắc phong là gió chướng, gió thổi mất bình thường, làm mờ mịt trời đất, khiến người đi bộ, đi trên tàu, trên biển, đi trên máy bay, không còn có khả năng định hướng để đi, nên rất dễ gặp tai nạn.
Gió cũng có nhiều loại:
Gió là do thay đổi áp suất không khí, khiến cho không khí có sự chuyển động. Nên, gió là do sự chuyển động của không khí tạo nên. Gió nầy là gió thuộc về vật lý.
Gió nghiệp là gió do ác nghiệp của chúng sanh tạo nên. Gió ấy đẩy chúng sanh trôi dạt vào các ác đạo như địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.
Gió phiền não là gió khởi lên từ tâm tham lam, sân hận, si mê, kiêu ngạo, tà kiến và chấp ngã. Gió ấy thổi lên và nhận chìm chúng sanh trong biển cả sinh tử.
Gió danh lợi là gió thổi và bứng gốc rễ đạo đức, nhân ái của chúng ta.
Nhưng, ở trong phẩm kinh nầy, nói gió đen thổi mạnh và đẩy thuyền tàu của những người đi vào biển tìm châu ngọc tấp vào đảo quốc La Sát, mà nếu trong đó, có một người niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tất cả người trong thuyền đều thoát khỏi tai nạn quỷ La Sát.
Quỷ La Sát: là loài quỷ chuyên ăn thịt người, chúng có mặt khắp nơi, nhưng thường trú ngay ở hải đảo. Những người đi biển gặp phải gió xoáy đen làm mù mịt cả trời đất, biển cả, thuyền tàu trôi dạt vào đảo quốc La Sát như vậy, mà trong đó có một người nhất tâm trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm, thì tất cả mọi người trong thuyền đều thoát khỏi tai nạn quỷ La Sát.
Niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm trong lúc ấy, làm sinh khởi từ bi và định lực nơi ta và từ bi, định lực nơi loài La Sát, khiến phước đức và lòng từ bi nơi ta sinh khởi mãnh liệt, tác động vào hạt giống từ bi và trí tuệ nơi quỷ La Sát, khiến cho trong giờ phút ấy, ác tâm của họ không đủ điều kiện để sinh khởi; mà chỉ sinh khởi thiện tâm, khiến cho quỷ La Sát đã không ăn thịt người mà còn khởi lên từ tâm cứu giúp người thoát khỏi tai nạn.
Điều nầy chứng tỏ rằng, thiện tánh hay ác tánh ở nơi hết thảy chúng sanh không có nhất định, không có tự tánh. Nếu gặp thiện duyên, thì thiện tánh sinh khởi, nếu gặp ác duyên thì ác tánh phát sinh. Nên, khi đi vào biển cả bị gió xoáy, gió chướng làm thuyền tàu tấp vào đảo quốc La Sát, ta phải nhất tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, là tạo nhân duyên tốt đẹp để thiện tánh nơi loài La Sát sinh khởi, và để cho từ bi tâm nơi loài La Sát khởi sinh. Một khi thiện tâm và từ bi tâm của quỷ La Sát sinh khởi qua danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, do ta nhất tâm xưng niệm, thì loài quỷ La Sát không khởi tâm hại ta, mà khởi tâm cứu ta là điều chúng ta có thể hiểu được. Quỷ La Sát có thể là những hạt giống bất như ý ở trong tâm thức ta khởi lên, hay nộ khí xung thiên trong ta nổi dậy, ta muốn ăn tươi nuốt sống người mà đã gây ra cho ta những bất như ý, chính lúc đó ta không còn là ta, mà ta là quỷ La Sát.
Lại nữa, quỷ La Sát là loài thích ăn thịt chúng sanh, nhất là thịt người. Vì trong tâm thức của loài nầy chứa đầy những hạt giống về nghiệp sát và hạt giống ấy luôn biểu hiện thường trực trong đời sống của chúng.
Nên, những loài thích ăn thịt chúng sanh, dù là ăn thịt bằng bất cứ cách nào, cũng đều có hạt giống của loài quỷ La Sát cả. Nếu những hạt giống ấy, khi có điều kiện mà biểu hiện quá mạnh, thì giây phút đó, ta không còn là người; ta là quỷ La Sát. Và nếu hạt giống ăn thịt của ta không biểu hiện đủ mạnh như quỷ, để thành quỷ La Sát, thì nó cũng biểu hiện sự thèm khát ăn thịt của loài chúng sanh như chó sói, cọp, beo, mèo, chồn, và giây phút ấy ta là những loài ấy.
Bởi vậy, đối với quỷ La Sát chính hiệu hay là quỷ La Sát trá hình, hoặc thuộc về dòng họ quỷ La Sát, thì những hạt giống sát hại, nhân duyên sát hại, hành động sát hại, quả báo sát hại nơi những người ấy là những môi trường hoạt động thường trực của họ. Trong môi trường ấy, rất cần sự có mặt của Bồ Tát Quán Thế Âm, qua hình tướng, qua danh hiệu và nguyện lực từ bi của Ngài để làm thay đổi nhân duyên của nghiệp sát, khiến cho nghiệp sát trở thành hành động từ bi, chủng tử sát trở thành chủng tử nhân từ, khiêm ái, khi ta niệm tiếng Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm, bằng tất cả tấm lòng tha thiết đầy từ bi và nguyện lực của ta.

1.4 Vượt Thoát Khỏi Nạn Hình Sự:

Kinh nói: "Nếu có người sắp sửa bị đem ra hành hình mà trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì dao gậy trong tay đao phủ tức khắc gãy ra từng đoạn và người bị hành hình liền được thoát khỏi".
Nạn hình sự, cũng gọi là vương nạn, là tai nạn do quyền lực của vua quan đem lại cho người dân và đem dân ra xử ở pháp đình theo vương pháp, qua những khí cụ như đao, gậy, hoặc để đâm chém cho chết, hoặc để đánh đập cho bị thương tích, nên cũng gọi là Đao trượng nạn.
Hoặc do oan mà rơi vào tai nạn hình sự, hoặc do tạo nhân hình sự mà rơi vào hậu quả của hình sự, hoặc bị pháp đình tuyên bố xử bắn, hoặc làm thương tích, hoặc bị kêu án tù tội, trong những trường hợp ấy, người bị nạn trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm với tâm chí thành đều có hiệu quả tốt đẹp.
Tại sao? Tại do năng lực trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, khiến cho năng lực từ bi và trí tuệ châu biến cả pháp giới của Ngài, tự xâm nhập vào tâm chí của người niệm, tạo thành năng lực trí tuệ, từ bi có khả năng gia trì, khiến cho người xử án đủ năng lực sáng suốt, để xét xử vấn đề một cách phân minh. Nếu người bị xử bị oan, thì sẽ được minh oan; Nếu người bị xử đúng tội danh, đúng tội chủng, đúng tội tướng và tội hình, thì tức thời được giáo huấn đạo đức, sớm phục thiện và được giảm án hoặc được bồi thường bằng tài vật, mà không bị tổn hại đến thân thể hoặc được tha bỗng, tùy theo những trường hợp của vấn đề.
Nhưng, chắc chắn khi bị đem ra xét xử, mà người bị xét xử do niệm trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì không thể bị gia hình, hoặc bị gia oan. Trái lại, tội nặng sẽ biến thành tội nhẹ và tội nhẹ chuyển thành vô tội. Dù vậy, nhưng công lý vẫn được tôn trọng. Tại tội do tâm, khi tâm đã hối hận và thay đổi bằng cách chí thành niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tội danh, tội chủng, tội tướng và tội hình đều tùy thuộc theo sự thay đổi của tâm người phạm, mà tự thay đổi, và tâm của quan tòa cũng duyên theo tâm đổi thay của phạm nhân mà thay đổi cách xét xử và mức độ của bản án.
Nên, niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm mà vượt thoát khỏi tai nạn hình sự là điều có thể xẩy ra và chúng ta có thể kiểm nghiệm từ nơi các phạm nhân và phiên tòa, dù rằng phạm nhân do niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm mà thoát khỏi nạn hình sự, nhưng công pháp vẫn được tôn trọng và công lý vẫn được bảo toàn.

1.5 Vượt Thoát Nạn Quỷ Dạ Xoa:

Kinh nói: "Nếu giả sử cả thế giới tam thiên và đại thiên, đầy cả quỷ Dạ Xoa, La Sát, những loài ấy muốn đến não hại người nào, mà nghe người ấy, xưng danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì các loài quỷ dữ ấy, còn không thể dùng mắt để nhìn người ấy, huống nữa làm hại".
Không những La Sát là loài quỷ dữ mà Dạ Xoa cũng là loài quỷ dữ. Quỷ Dạ Xoa là loài quỷ hay gây bệnh cho chúng sanh và thích hút tinh khí của người và chúng sanh.
Tại sao niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì các loài quỷ dữ nầy không thể dùng mắt dữ để nhìn người niệm, huống là có hành động làm hại?
Tại vì Bồ Tát Quán Thế Âm đối với hết thảy các loài thiên nhân, thánh phàm, quỷ thần …, không những Bồ Tát có ân đức cứu độ lớn đối với họ, mà còn có uy đức nhiếp phục lớn đối với hết thảy chúng sanh nữa.
Đối với chúng sanh nào, loài nào cần dùng ân đức để nhiếp phục, thì Bồ Tát Quán Thế Âm sử dụng ân đức để nhiếp phục và đối với những loài nào cần dùng uy đức để nhiếp phục, thì Bồ Tát liền dùng uy đức để nhiếp phục, và trong danh hiệu của Bồ Tát có chuyển tải đầy đủ cả hai chất liệu ân đức và uy đức ấy, nên khi nghe, niệm trì danh hiệu của Ngài, thì các loài quỷ nầy đã từng thọ ân giáo hóa, hoặc sợ hãi uy đức, khiến cho các loài quỷ ấy không dám đưa mắt dữ mà nhìn người đang trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Và, vì người trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm là làm cho ân đức và uy đức của vị Bồ Tát nầy, đang có mặt một cách đích thực ở nơi thân tâm của người đang niệm, do uy đức đó, khiến cho các loài quỷ ấy, không thể nào đưa mắt dữ mà nhìn người đó, huống nữa là có hành động ám hại.

1.6 Vượt Thoát Khỏi Nạn Gông Cùm:

Kinh nói: "Giả sử, lại có người có tội, hoặc không có tội, mà thân thể của họ bị gông cùm, trói buộc, xiềng xích, người ấy xưng trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì những dụng cụ trói buộc, gông cùm, xiềng xích ấy, đều bị đứt rã và người ấy liền được giải thoát".
Đây là thần lực giải cứu người đang bị bắt tù, dù người đó là có tội hay không có tội. Người tù bị bắt trói nơi tay gọi là nữu (杻), bị trói nơi chân gọi là giới (械); bị trói ở cổ gọi là giā (枷); bị trói ở thân gọi là tỏa (鎖).
Người bị bắt tù dù có tội, không có tội, bị bắt trói bằng bất cứ cách gì, người tù ấy biết khởi tâm giải thoát đối với ái nghiệp, đối với ái kiến, đối với sự chấp thủ ngã và khởi tâm sám hối đối với những tác nghiệp hiện tại và dư báo từ đời trước, rồi nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm một cách chí thành, làm cho tự thân phát sinh định lực giải thoát và định lực giải thoát ấy, lại tiếp xúc và hội nhập được với định lực giải thoát châu biến pháp giới của Bồ Tát Quán Thế Âm, khiến cho cai tù sinh khởi từ tâm và tự tháo gỡ cho kẻ bị tù, hay làm cho người giám đốc nhà tù sinh khởi từ tâm, mà ra lệnh phóng thích cho người ở tù, hoặc làm cho cảnh nhà tù thay đổi, khiến hết thảy mọi sự gông cùm tự nhiên đứt rã.
Bồ Tát Quán Thế Âm còn gọi là Bồ Tát Quán Tự Tại, nên khi bị gông cùm, tù đày, ta niệm danh hiệu của Ngài, khiến cho những hạt giống tự tại phát khởi và lớn mạnh trong tâm ta, trong mọi suy nghĩ của ta, trong lời nói và hành động của ta, nên khi nhân duyên hội đủ, thì ta có sự tự do, sự tự tại và ta thoát khỏi lao ngục, xiềng xích, gông cùm một cách tự nhiên.
Và trong khi trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm như vậy, thân ta tuy đang bị gông cùm mà tâm ta đã bắt đầu có sự tự do. Ta càng trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sự tự do trong tâm ta càng mở rộng. Và mỗi khi tâm đã có được sự tự do lớn, tâm sẽ giúp cho thân có tự do và tâm sẽ có khả năng tháo gỡ mọi sự hệ luỵ và gông cùm cho thân.
Mỗi khi tâm ta đã có sự tự do, đã có giải thoát, thì việc thân thể bị gông cùm, bị xiềng xích không còn là quan trọng nữa. Trước sau gì thân cũng được tự do, giải thoát, bởi vì mọi sự tự do và giải thoát của thân hoàn toàn tùy thuộc vào sự tự do và giải thoát của tâm.
Đây là một sự thật mà ta có thể thực tập để chứng nghiệm lời dạy của Kinh.

1.7 Vượt Khỏi Nạn Giặc Cướp:

Kinh nói: "Nếu trong tam thiên đại thiên thế giới đầy cả giặc cướp, có một thương chủ cầm đầu đoàn đi buôn, mang cầm vàng bạc quý trọng đi qua con đường hiểm; trong đoàn có một người xướng lên rằng: Hỡi các thiện nam tử, đừng sợ hãi, chúng ta hãy cùng nhau hết lòng xưng trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm! Vị Bồ Tát nầy có khả năng ban cho chúng sanh sự không sợ hãi. Chúng ta chấp trì danh hiệu của Ngài, thì sẽ thoát khỏi giặc cướp trên con đường hiểm nầy. Đoàn người đi buôn nghe nói, tất cả đồng thanh phát lên lời trì niệm Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm. Do xưng trì danh hiệu của vị Bồ Tát nầy mà tức khắc vượt thoát được nạn giặc cướp".
Nạn giặc cướp là nạn cướp của, giết người. Con đường hiểm là trên con đường ấy, thường xẩy ra tai nạn giết người, cướp của. Trong tình trạng đường hiểm, giặc cướp đón đường mà trong đoàn có một người xướng lên rằng, đừng sợ hãi, chúng ta cùng nhau xưng niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, thì chúng ta sẽ thoát khỏi hiểm nạn nầy. Và tất cả mọi người đều đồng thanh niệm danh hiệu Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm, tức thời họ đều thoát nạn.
Ở đây, con đường hiểm là bóng đêm, giặc cướp là những người thường hoạt động trong bóng đêm, chúng ta đi trong bóng đêm mà có dụng cụ của ánh sáng, lại cùng nhau có sức mạnh của đức Tin, có Niệm lực, có Tuệ lực và cùng nhau biểu hiện đức tin, biểu hiện niệm lực, biểu hiện tuệ lực, xưng niệm danh hiệu của đức Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chẳng khác nào, đi trong bóng đêm lại có ánh sáng bảo hộ, đối diện với giặc cướp lại có thiện pháp và thiện thần bảo hộ, làm cho giặc cướp tự nó rút lui không dám tung hoành, đây là điều mà chúng ta có thể lý giải được.
Ở mặt đạo lý, con đường hiểm là con đường sinh tử, giặc cướp là những tâm sở bất thiện ngày đêm hoạt động một cách tự do ở nơi tâm thức của mỗi chúng ta, chúng cướp hết thảy thiện pháp nơi tâm ta và giết chết giới thân tuệ mạng của mỗi chúng ta, khiến cho chúng ta không đi đến nơi an lạc của Niết Bàn. Trong tình trạng ấy, ta có bậc Thầy với Giới Định Tuệ vững chãi, khuyên ta nên niệm trì danh hiệu của đức Bồ Tát Quán Thế Âm, thì ta có thể thoát khỏi sự quấy phá của đám giặc phiền não trên con đường hiểm sinh tử ấy, để bảo toàn giới thân tuệ mạng mà đi đến bờ bến Niết bàn.
Bậc Đạo Sư dạy ta niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm là giúp ta đưa chủ thể năng niệm nhập vào đối tượng sở niệm, tức là nhập vào đại bi và đại trí của Bồ Tát Quán Thế Âm, khiến cho chất liệu đại bi và đại trí của Bồ Tát Quán Thế Âm có mặt trong tâm trí của ta, soi chiếu vào tâm thức ta, khiến đám giặc phiền não trong tâm thức ta tự tan biến, trả lại sự yên tĩnh và tự do cho tâm hồn ta, khiến ta vượt qua được con đường hiểm của sinh tử mà đi về quê hương Niết Bàn một cách như ý.
Như vậy, niệm danh hiệu của đức Bồ Tát Quán Thế Âm, không những giúp ta vượt thoát được những tình trạng tệ nạn của xã hội, mà còn vượt thoát khỏi tệ nạn của tâm thức chúng ta nữa. Những tệ nạn của xã hội, chúng luôn luôn gắn liền với những tệ nạn của tâm thức. Những tệ nạn xã hội, chúng sinh khởi từ những tệ nạn của tâm thức, nếu tâm thức cá nhân và cộng động hoạt động trong sự yên tịnh và thương yêu, thì mọi sinh hoạt xã hội tự nó đi về hướng tốt đẹp, và nhất định những tệ nạn của xã hội càng ngày càng giảm thiểu và sẽ chấm dứt.

2. Chuyển Hóa Ba Căn Bản Phiền Não:

Kinh nói: "Nếu có chúng sanh tính nhiều dâm dục mà thường xuyên niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm một cách cung kính, thì liền thoát được tính ấy.
Nếu có chúng sanh tính nhiều sân hận, mà thường xuyên niệm trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm một cách cung kính, thì liền thoát được tính ấy.
Nếu có chúng sanh tính nhiều ngu si, mà thường xuyên niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm một cách cung kính, thì liền thoát được tính ấy".
Tham dục, sân hận và ngu si là ba thứ phiền não căn bản, liên hệ trực tiếp với ý nghiệp và qua ý nghiệp tác động lên thân nghiệp và ngữ nghiệp để tạo ra muôn ngàn tội lỗi dẫn đến khổ báo.
Dâm dục là một năng lực hoạt động sinh tồn của hết thảy chúng sanh ở trong dục giới. Năng lực ấy hoạt động không phải chúng do tác động và sinh khởi bởi những yếu tố thuần sinh học, mà chính chúng được tác động bởi những năng lượng hay ý chí sinh tồn, thèm khát và hưởng thụ có nội dung tâm lý.
Chính ý chí sinh tồn, thèm khát và hưởng thụ là tác nhân và những năng lượng vật lý hay sinh học là tác duyên làm điều kiện cho tác nhân sinh khởi.
Do đó, ta phải biết quản lý khả năng sinh tồn của chúng ta, ta không đẩy khả năng sinh tồn ấy đi về phía thấp kém, mà phải biết cách chuyển hóa khả năng sinh tồn ấy đi lên với những sinh hoạt cấp cao.
Ta phải biết đưa khả năng sinh tồn trong ta đi lên theo lý tưởng, bản hạnh và bản nguyện của Bồ Tát Quán thế Âm. Ta niệm trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm một cách cung kính, là ta có khả năng quản lý nguồn năng lượng sinh tồn của ta, và đẩy nguồn năng lượng sinh tồn ấy, đi lên với lý tưởng Từ bi, với bản nguyện cứu khổ, với bản hạnh độ đời của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì năng lượng sinh tồn ấy, không còn là năng lượng bức bách và não hại ta, mà nó giúp ta thăng hoa trong cuộc sống.
Do đó, ta phải biết chăm sóc năng lượng sinh tồn trong ta bằng chất liệu Từ bi và Trí tuệ của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chắc chắn tính dục, hay nguồn năng lượng sinh tồn trong ta sẽ được chuyển hóa và sẽ nhập vào nguồn năng lượng của đại bi và đại trí của Bồ Tát Quán Thế Âm. Vấn đề nầy, không phải là lý luận hay lý thuyết mà là vấn đề của thực tập, thực nghiệm, chứng nghiệm và tự tri.
Nguồn năng lượng dâm dục vốn không có tự tính, chúng sinh khởi theo duyên, thì chúng tùy diệt hay chuyển hóa cũng theo duyên. Niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, khiến cho các duyên đại bi và đại trí, đại nguyện và đại hạnh sinh khởi trong ta, làm thay đổi và chuyển hóa nguồn năng lượng sinh học thấp kém trong ta là điều có thể nhìn thấy, tiếp xúc và thực tập.
Sân hận cũng là một nguồn năng lượng thuộc về những hạt giống bất mãn đang vận hành trong tâm thức của mỗi chúng ta. Người nào có nhiều năng lượng nầy, người đó trong đời sống của họ có rất nhiều bất mãn và khổ đau. Và chỉ có nguồn năng lượng của thương yêu, hỷ xả và bao dung mới có thể dập tắt và hóa giải nguồn năng lượng giận dữ của tâm thức nầy.
Sự chấp ngã càng lớn, thì sự kiêu mạn và giận dữ càng nhiều. Do đó, khi giận dữ khởi lên trong tâm thức ta, ta phải nhớ ngay đến Bồ Tát Quán Thế Âm và niệm danh hiệu của Ngài một cách cẩn trọng, để cho năng lượng Từ Bi, Hỷ Xả và Bao Dung của Ngài xâm nhập vào tâm ta, tác động hạt giống Từ Bi, Hỷ Xả và Bao Dung vốn có nơi tâm ta khởi dậy, để chúng hóa giải nguồn năng lượng giận dữ đang hoạt động và biểu hiện nơi tâm thức ta, khiến cho nguồn năng lượng giận dữ ấy lắng yên và từ từ tan biến.
Tâm ta không còn giận dữ, thì lời nói và hành động của ta không còn tạo nên những oán kết và đổ vỡ cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nguồn năng lượng giận dữ trong tâm ta, chúng vốn không có tự tánh, chúng biểu hiện do sự liên hệ giữa những tác nhân và tác duyên chấp ngã mà sinh khởi, do đó chúng sinh khởi do duyên, thì chúng tùy diệt hay chuyển hóa cũng theo duyên và do duyên.
Bởi vậy, khi trong ta có quá nhiều tính sân hận, thì phải thường xuyên niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát có nguồn năng lượng Trí tuệ và Từ bi bao trùm cả pháp giới, khiến cho nguồn năng lượng ấy của Ngài, có cơ hội đi vào tâm thức ta và chuyển hóa những hạt giống giận dữ, sân hận trong tâm thức ta, thành Từ bi và Trí tuệ.
Năng lượng Trí tuệ và Từ bi của Bồ Tát Quán Thế Âm châu biến cả pháp giới là tha lực, là ngoại duyên, ta chấp trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm một cách thành khẩn để hạt giống Trí tuệ và Từ bi trong tâm thức ta phát khởi là tự lực, là nội nhân và nội duyên.
Tự lực và tha lực, nội nhân và ngoại duyên tác động lên nhau, phối hợp cùng nhau, chắc chắn những hạt giống giận dữ, sân hận trong tâm thức ta sẽ được thay thế và hóa giải bởi năng lượng Từ bi cao đẹp ấy.
Ngu si cũng là một nguồn năng lượng ô nhiễm căn bản của tâm thức. Tự mình sai lầm, không phân định được chánh tà, thiện ác, chân vọng, người như vậy gọi là ngu. Làm cho người khác mê lầm, không biết thế nào là chánh tà, thiện ác, chân vọng, đúng sai, người như vậy gọi là si. Ngu mà cọng với si, thì chỉ lao đầu vào bóng tối, rớt xuống vực thẳm, nhảy vào vạc dầu sôi, sa vào lò lửa lớn để tự thiêu, tự đốt, tự hại lấy mình.
Sống với thân trâu ngựa, bị kéo cày, chở nặng, chết bị phanh thây, chưa phải là khổ, cái khổ đích thực là do ngu si vô trí đem lại.
Với người nhiều ngu si như vậy, nếu chấp trì danh hiệu Bồ Tát Quán thế Âm một cách thành khẩn, thì sự ngu và si ấy cũng từ từ được chuyển hóa.
Tại sao? Do ta tha thiết trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, nên tâm ta từ từ có định, và mỗi khi tâm ta đã có định lực, thì tuệ sẽ có cơ sở để sinh khởi. Ánh sáng trí tuệ trong tâm ta phát sinh, thì sự ngu si trong tâm ta từ từ xóa sạch.
Do đó, nếu ta có quá nhiều ngu si, ta chỉ cần chấp trì danh hiệu của vị Bồ Tát nầy, thì ta cũng phát sinh được trí tuệ. Niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm là tác duyên để cho tâm ta được đi vào thiền định và dẫn khởi trí tuệ.
Như vậy, chúng ta thấy, chấp trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, không những giúp cho ta chuyển hóa khổ quả mà còn chuyển hóa khổ nhân, không những giúp ta làm thay đổi Khổ đế mà còn thay đổi Tập đế.
Bảy tai nạn được đề cập ở trước là khổ quả hay Khổ đế, ba căn bản phiền não gồm tham dục, sân hận, ngu si là khổ nhân hay Tập đế.
Biết khổ và muốn vượt thoát khổ đau là phải đoạn trừ nhân duyên sinh khởi chúng. Biết bảy tai nạn gồm lửa, nước, gió, quỷ La Sát, hình sự, quỷ Dạ Xoa, gông cùm tù tội, oán tặc, là những tai nạn của sinh tử, thì ta phải nỗ lực tu tập để đoạn trừ những độc tố căn bản của tâm là tham, sân, và si, chính từ nơi ba độc tố nầy, mà gây ra bảy tai nạn ở trên và có thể gây ra vô số tai nạn khác nữa.
Bởi vậy, ở phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa nầy, Bồ Tát Quán Thế Âm không những mở rộng cánh cửa, đưa ta đi vào thế giới của Khổ đế để thấy đủ thứ tai nạn, mà cũng còn mở rộng cánh cửa của Tập đế, để giúp ta thấy rõ những tập khởi của khổ đau, và cũng giúp ta thấy rõ con đường diệt khổ tức là Đạo đế qua Tín căn và Tín lực, Tấn căn và Tấn lực, Niệm căn và Niệm lực, Định căn và Định lực, Tuệ căn và Tuệ lực.
Hãy tin vào uy lực và bản nguyện hóa độ của Bồ Tát Quán Thế Âm, đó là Tín căn và Tín lực; hãy nỗ lực nắm lấy danh hiệu của Ngài để trì niệm, khiến cho những điều ác trong ta chưa sanh, thì không thể sanh; khiến cho những điều ác trong ta đã sanh liền bị hủy diệt; khiến cho những điều thiện trong ta chưa phát sanh liền phát sanh và những điều thiện trong ta đã phát sanh liền tăng trưởng liên tục, đó là Tấn căn và Tấn lực; hãy nắm lấy danh hiệu của Ngài, khiến danh hiệu ấy càng lúc càng hiện rõ và duy trì vững chãi trong sự trong sáng của ý thức và biểu hiện cụ thể qua các quan năng, và hãy duy trì nó qua các động tác đi đứng nằm ngồi hay mọi phong thái hoạt động, đó là Niệm căn và Niệm lực. Niệm căn và niệm lực như vậy, cho đến khi tâm ta không còn bị hôn trầm, dao động, nghi ngờ và sợ hãi, đó là Định căn và Định lực. Định căn và Định lực như vậy, cho đến khi những khát ái, những chấp thủ, những tạo tác, những chủng tử luân chuyển tử sinh không còn hiện khởi, những vô minh và bóng dáng của nó đều bị xóa sạch, bấy giờ thấy rõ tự thân của thực tại, ấy là Tuệ căn và Tuệ lực. Và ngay khi đó, Thánh đạo vô lậu sinh khởi, liền thoát khỏi tai nạn sinh tử và được giải thoát, đó là thành tựu Diệt đế, bấy giờ Khổ đế và Tập đế hoàn toàn vắng bặt.
Cho nên, phẩm Phổ môn của kinh Pháp Hoa đã giúp cho ta có cách nhìn từ cạn tới sâu, từ thấp tới cao, từ thô đến tế, từ tinh đến diệu, và từ một điểm cho đến châu biến cả pháp giới. Nên, ở trong pháp giới, ai cũng có thể thọ trì đọc tụng thực tập kinh Pháp Hoa và ai cũng có thể trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm cả, vì danh hiệu ấy là danh hiệu của mọi pháp môn và là danh hiệu của Đại Bi và Đại Trí, có năng lực nắm giữ và duy trì hết thảy thiện pháp.

3. Thỏa Mãn Hai Ước Nguyện:

Kinh nói: "Giả sử, nếu có người nữ nào muốn cầu con trai mà lễ bái cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì liền sanh con trai, vừa có phước đức và vừa có trí tuệ.
Giả sử, nếu có người nữ nào muốn cầu con gái mà lễ bái cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì liền sanh con gái đẹp, đoan chánh, có gốc rễ phước đức đã gieo trồng từ trước và đều được mọi người thương quý".
Một trong những nỗi khổ của người nữ là khi lập gia đình mà không có con, hoặc có con mà chỉ là trai, hoặc chỉ là gái, hoặc trai và gái đều không có phước đức, trí tuệ, tướng hảo và đoan chính.
Như vậy, dù có sinh con hay không sinh con vẫn không được như ý muốn, vẫn đau khổ cả.
Bất như ý là một trong tám nỗi khổ đau thuộc về Khổ đế.
Để giải quyết Khổ đế nầy, phẩm Phổ môn kinh Pháp Hoa giúp cho người nữ sinh con theo ý muốn, qua đức tin cúng dường và lễ bái đối với Bồ Tát Quán Thế Âm.
Tín và Kính là hai chất liệu quý báu vốn có nơi tâm thức của mỗi chúng ta, nhưng do vọng niệm, do không có chánh niệm, khiến cho hai chất liệu ấy không thể biểu hiện.
Nên, khi người nữ tín và kính Bồ Tát Quán Thế Âm, biểu lộ và nuôi dưỡng sự tín kính ấy của họ, qua sự lễ bái và cúng dường đối với Ngài, thì phước đức, trí tuệ, tướng hảo và sự đoan chánh của người nữ sẽ phát sinh và lớn mạnh, cọng thêm sự gia trì lực của Bồ Tát Quán Thế Âm, khiến cho người nữ ấy, có khả năng sinh con trai hoặc con gái theo ý muốn.
Lại nữa, từ nơi chất liệu tín và kính qua sự lễ bái, cúng dường đối với Bồ Tát Quán Thế Âm của người nữ, khiến cho phước đức, trí tuệ, tướng hảo và sự đoan chánh của họ sinh khởi phối hợp với sức Từ bi và nguyện lực của Bồ Tát Quán Thế Âm đang châu biến pháp giới làm tác duyên, khiến cho trung ấm thân của những Thánh giả Nhất lai, hoặc Thất lai, hoặc của những vị Bồ Tát muốn thác hóa vào thân thể nhân loại để độ sinh, thì những vị ấy liền thác sinh vào làm con trai phước đức, trí tuệ hoặc là con gái tướng hảo đoan chánh của những người nữ có lòng tín kính đối với Bồ Tát Quán Thế Âm ấy.
Đây là điều không phải chỉ giải thích bằng đức tin mà ta cũng có thể giải thích nó về mặt tâm học và khoa học nữa.
Như vậy, việc sinh con theo ý muốn đã được kinh Pháp hoa đề xuất và có phương pháp thực hiện, nhưng với việc sinh con theo ý muốn, gần đây khoa học mới đề xuất và đã có những công trình thực nghiệm.

4. Ba Mươi Ba Ứng Thân:

Phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa có nêu ra Bồ Tát Quán Thế Âm biểu hiện ba mươi ba ứng thân thích hợp với căn cơ, nghiệp chủng, y báo, chánh báo của từng chủng loại trong mười pháp giới chúng sanh để thuyết pháp, nhằm biểu thị rằng, Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát đã đạt đến Lý, Sự tương dung. Nên đối với Lý tánh, hết thảy chúng sanh nương nơi Ngài mà thể nhập và đối với sự tướng, thì hết thảy chúng sanh nương nơi Ngài mà biểu hiện. Tuy, biểu hiện sự tướng mà không làm trở ngại bất cứ một sự tướng nào của chúng sanh trong toàn thể vũ trụ.
Kinh nêu rõ ba mươi ba ứng thân thích hợp là chỉ tiêu biểu, chứ thật ra chúng sanh trong mười phương pháp giới có bao nhiêu thể loại, có bao nhiêu tánh chất, có bao nhiêu sắc tướng, có bao nhiêu năng lực, có bao nhiêu nhân, có bao nhiêu duyên, có bao nhiêu quả, có bao nhiêu nghiệp báo, thì Bồ Tát Quán Thế Âm có khả năng biểu hiện bấy nhiêu thân thể để diễn thuyết diệu pháp nhằm khai, thị, ngộ, nhập phật tri kiến cho hết thảy họ.
Nên, ở phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Vô Tận Ý đã hỏi đức Thế Tôn, việc du hóa của Bồ Tát Quán thế Âm nơi cõi Ta Bà là như thế nào, và Bồ Tát Vô Tận Ý đã được đức Phật nêu ra cụ thể ba mươi ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm du hóa trong cõi Ta Bà.
Đức Phật nêu rõ các ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm như vậy, là nhằm biểu thị khả năng hoằng truyền kinh Pháp Hoa một cách phổ cập và sinh động của vị Bồ Tát nầy. Đồng thời không những giúp cho Bồ Tát Vô Tận Ý thấy rằng, chúng sanh có bao nhiêu ý niệm thì Bồ Tát Quán Thế Âm có bấy nhiêu hình thể thiền định để nhiếp phục ý niệm ấy. Và nếu chúng sanh có vô tận ý, thì bản nguyện độ sinh của Bồ Tát cũng vô cùng, mà ứng thân của Bồ Tát cũng vô tận.
Nên, trong bài học ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã giúp ta hiểu thêm các mặt như sau:
1. Bất cứ hình thức nào ta cũng có thể giảng kinh Pháp Hoa.
2. Bất cứ hình thức nào ta cũng có thể nghe kinh Pháp Hoa.
3. Bất cứ hình thức nào ta cũng có thể sống và thực hành kinh Pháp Hoa.
Vì sao? Vì kinh Pháp Hoa là kinh chỉ rõ diệu pháp ở nơi các pháp để cho chúng sanh thấy, biết mà ngộ nhập, nên kinh Pháp Hoa là kinh của tất cả pháp và là kinh đem lại quyền lợi cao nhất cho hết thảy chúng sanh, nên kinh ấy là kinh của chúng sanh, và hết thảy chúng sanh đều có bổn phận phải giữ gìn, đọc tụng, hành trì, tuyên thuyết và truyền bá cùng khắp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567