Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Điều kiện đến với kinh Pháp Hoa

20/05/201319:49(Xem: 13595)
Điều kiện đến với kinh Pháp Hoa

Kinh Pháp Hoa Lược Giải

Điều kiện đến với kinh Pháp Hoa

Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Nguồn: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Người Phật tử khi đã phát tâm nghiên cứu và trì tụng kinh Pháp Hoa, luôn luôn tinh tấn, giữ ý niệm như vậy, nhờ đó mà trong cuộc sống hằng ngày họ có thể tránh được nhiều ý nghĩ, lời nói, việc làm không hay, thay vào đó những ý nghĩ tốt đẹp, lời nói và việc làm hợp với Chánh pháp thường ứng hiện với họ.
Công đức nghiên cứu và trì tụng như vậy thật là to lớn và nó un đúc cho người Phật tử tăng trưởng đạo tâm, Bồ-đề tâm và nhất là tăng trưởng trí tuệ Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm đầu tiên là phẩm Tựa, và phẩm cuối cùng là phẩm Chúc lụy. Sau phẩm Chúc lụy có phẩm Phổ Hiền khuyến phát. Tuần tự theo từng phẩm, mỗi phẩm có một ý nghĩa riêng để nói lên tác dụng và công năng của mỗi phẩm Kinh. Trong giáo pháp Đại thừa của đức Phật Thích Ca, luôn luôn có hai vị đại Bồ-tát thượng thủ đứng hai bên để hổ trợ cho việc giáo hóa của Ngài, đó là Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát Phổ Hiền.
Lời mở đầu trong phẩm Tựa, Bồ-tát Văn-Thù là một vị tiêu biểu cho cái trí tuệ đầu tiên. Trong phẩm này có một điểm đặc biệt đáng chú ý là : Đức Phật phóng hào quang đến phương Đông chiếu khắp mười ngàn thế giới, chúng sanh nhờ hào quang đó mà được thấy lẫn nhau, được thấy người nào phát tâm, chưa phát tâm, hành Bồ-tát hạnh, xây tháp cúng dường, trì kinh, bố thí, giữ giới và thấy đức Phật thuyết pháp, giáo hóa, Thành đạo và nhập Niết-bàn... Trước một cảnh giới lạ lùng như vậy, cả hội chúng bấy giờ hết sức thắc mắc không biết đức Phật phóng hào quang như vậy có ý nghĩa gì? Đức Di-lặc cũng không hiểu ý nghĩa đó như thế nào, nên mới đại diện cho hội chúng để hỏi Bồ-tát Văn-thù, có biết cái điềm mà đức Phật phóng hào quang thuyết pháp, hiện rõ các cảnh giới như thế là ý nghĩa gì không ? Lúc ấy, Bồ-tát Văn-thù trả lời rằng : "Thưa Tôn giả, tôi nhớ đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh Quang Như Lai đã từng phóng hào quang hiện các tướng lạ như vậy, rồi sau đó Ngài thuyết kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Tôi chắc rằng ngày hôm nay, đức Phật Thích-ca phóng hào quang hiện rõ cảnh giới như thế cũng là điềm báo trước rằng ; Ngài sẽ thuyết kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa chăng?" Khi Bồ-tát Văn-thù giải đáp được thắc mắc của hội chúng, cho nên hội chúng mới biết rằng : Chính đức Phật sắp sửa thuyết kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Ngài thuyết kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa là nói đến cảnh giới Đại thừa thậm thâm vi diệu, cảnh giới cần phải có trí tuệ rộng lớn, đó là phát cái tâm Bồ-đề dõng mãnh, một cái chí nguyện cao siêu thì mới có thể thân cận, mới có thể nghe được và thể nhập được. Đức Phật phóng hào quang là cốt để cho chúng sanh sửa soạn tâm tư nguyện vọng của mình mà nghe lời dạy của đức Phật. Đó là Phẩm mở đầu bằng sự hiện hữu của đại trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát.
Sau khi đức Phật nói 27 phẩm Kinh, tiếp đến phẩm thứ 28; Ngài nói đến phẩm Phổ Hiền khuyến phát. Nói "Phổ Hiền khuyến phát" là nói đến cái hạnh của đại Bồ-tát cần đến, mà tiêu biểu là đại hạnh Phổ Hiền Bồ-tát. Trong kinh Pháp Hoa, Văn-thù đại sĩ là tiêu biểu cho đại trí, thì Phổ Hiền đại sĩ là tiêu biểu cho đại hạnh. Đại trí ví dụ như con mắt, đại hạnh ví dụ như hai chân, Đại trí ví dụ cho sự hiểu biết, đại hạnh ví dụ cho sự thật hành. Có con mắt nhìn thấy mà không có chân bước đi thì cũng chỉ ngồi một chỗ. Có trí hiểu biết mà không có thực hành thì cái trí đó cũng chỉ là một cái trí suông không đạt kết quả. Cho nên, Văn-thù đại sĩ luôn luôn tiêu biểu cho trí tuệ, cho sự hiểu biết. Phổ Hiền Bồ-tát tiêu biểu cho hai chân đi, cho sự hành động sáng suốt. Có hành động sáng suốt thì mới thành tựu quả vị Vô thượng bồ-đề. Cho nên trong kinh Pháp Hoa, mở đầu với Bồ-tát Văn-thù và kết thúc với Bồ-tát Phổ Hiền là có ý nghĩa lớn lao và sâu xa như vậy.
Ở Việt Nam chúng ta, nếu các Phật tử đi đến chùa nhất là các chùa miền Bắc hiện giờ, thì thấy các chùa thờ Phật rất nhiều. Phía trên có ba dòng Phật. Dòng trên hết có ba vị gọi là tam thế Phật, tức là đức Phật ba đời : (Đức Phật Di-đà, đức Phật Thích-ca và đức Di-lặc). Đức Di-đà chỉ Phật quá khứ, đức Thích-ca là Phật hiện tại và đức Di-lặc là Phật vị lai. Chúng ta thường gọi là thờ Tam Thế Phật. Dòng thứ hai cũng thấy có thờ ba vị : Chính giữa là đức Phật Di-đà, bên hữu là Quán Thế Âm, bên tả là đức Đại Thế Chí. Đức Quán Thế Âm, đức Đại Thế Chí là hai vị Bồ-tát thượng thủ, trợ thủ cho việc tiếp dẫn chúng sanh với đức Phật Di-đà. Cho nên đức Quán Thế Âm, đức Đại Thế Chí luôn luôn ở bên tả và bên hữu của đức Phật A-di-đà. Dòng thứ hai nầy gọi là thờ Tịnh độ tam Thánh. Tịnh độ tam Thánh tức là đức Phật Di-đà ở giữa, đức Quán Thế Âm bên tả, đức Đại Thế Chí bên hữu gọi là ba vị Thánh ở cõi Tịnh độ, ba vị Thánh tiếp dẫn chúng sanh về cõi Tịnh độ. Xuống dòng thứ ba cũng có ba vị : Chính giữa là đức Phật Thích-ca, bên hữu là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và bên tả là Bồ-tát Phổ Hiền. Đó là hai vị đại Bồ-tát làm trợ thủ cho đức Phật Thích-ca giáo hóa chúng sanh, cho nên, hai vị đó luôn luôn ở bên cạnh Ngài - tức là ở bên tay phải và ở bên tay trái của đức Phật Thích-ca. Ba vị nầy gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Bởi vì trong kinh Hoa Nghiêm lấy đức Phật Thích-ca, Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát Phổ Hiền là ba vị tiêu biểu nhất ở trong Pháp hội Hoa Nghiêm của đức Phật, cho nên gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Có trường hợp khác người ta không thờ Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát Phổ Hiền mà thờ Tôn giả A-nan và Tôn giả Ca-diếp. Tôn giả A-nan và Tôn giả Ca-diếp cũng là hai vị thượng thủ trong hàng Thanh văn, trợ hóa hai bên giúp đỡ đức Phật Thích-ca trong việc giáo hóa của Ngài. Nói như vậy để cho những ai có đi ra miền Bắc thăm các di tích thấy trong chùa mà thờ như vậy thì cũng biết được trên hết là thờ Tam Thế Phật, thứ hai là thờ Tịnh độ Tam Thánh hoặc là nhiều khi để Hoa Nghiêm Tam Thánh, tầng thứ ba là thờ đức Thích-ca, Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát Phổ Hiền vậy.
Thấy rõ, biết rõ rằng các vị Bồ-tát nầy luôn luôn có cái công hạnh lớn lao là giúp đỡ cho công việc giáo hóa của Phật được thành tựu, cho nên khi thờ Phật chúng ta cũng thờ luôn các vị Bồ-tát đó, huống gì các Ngài đã phát đại nguyện Bồ-đề cứu độ tất cả chúng sanh. Với hạnh nguyện lớn lao của các Ngài như thế, cho nên chúng ta thờ các Ngài, một mặt nhớ ơn cao siêu của các Ngài đồng thời học lấy cái hạnh Bồ-tát của các Ngài để tu hành. Trong phẩm Phổ Hiền khuyến phát cuối cùng, chúng ta thường hay đọc, nhớ rõ trong đó Bồ-tát Phổ Hiền hỏi đức Phật Thích-ca, làm thế nào để chúng sanh trong thời mạt pháp có được kinh Pháp Hoa, gần gũi được kinh Pháp Hoa, tụng được kinh Pháp Hoa, thâm nhập được kinh Pháp Hoa ? Đức Phật Thích-ca trả lời phải hội đủ bốn điều. Bốn điều đó là gì ? Điều thứ nhất : Được chư Phật hộ niệm. Điều thứ hai : Gieo trồng căn lành. Điều thứ ba : Vào trong chánh định. Điều thứ tư : Phát đại bi tâm. Chúng sinh có được bốn điều đó, hội đủ bốn điều đó là có kinh Pháp Hoa, gần gũi, trì tụng, thâm nhập, thực hành kinh Pháp Hoa. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu thêm bốn điều trên :
Điều thứ nhất : Chư Phật hộ niệm : Điều này đối với tất cả chúng ta là hết sức cần thiết. Đức Phật với tâm từ bi rộng lớn, thương yêu tất cả chúng sinh, luôn luôn hộ niệm cho tất cả chúng sinh, mong mõi tất cả chúng sinh được thành tựu : Ly khổ đắc lạc, thoát mê đắc ngộ, luôn luôn hộ niệm cho tất cả chúng sinh, nhưng nếu chúng sinh quay lưng lại thì tất nhiên, sự hộ niệm đó không thành được. Ví như chúng ta tìm một người mà người đó cố tình tránh chúng ta mãi, thì dầu chúng ta có tìm mấy đi nữa cũng không thể gặp được. Cho nên khi được đức Phật hộ niệm, tức là khi chúng ta có phát tâm hướng về đức Phật, cũng ví như một người tìm về với chúng ta thì chúng ta tìm họ mới bắt gặp, nếu không, chúng ta cứ tìm mãi mà họ cứ tránh mãi thì dầu có tìm bao nhiêu đi nữa cũng không thể gặp được. Cho nên muốn được đức Phật hộ niệm thì điều cần thiết là phải hướng tâm về với Phật, mà lẽ tất nhiên khi chúng ta hướng tâm đến Phật thì sẽ có một sự cảm ứng lớn lao "đạo giao" tức nhiên đức Phật hộ niệm cho chúng ta. Ngài hộ niệm cho chúng ta bằng tâm từ bi, bằng trí tuệ, bằng lời giáo hóa và bằng sự cảm ứng bất tư nghì. Nhờ sự hộ niệm của chư Phật, chúng ta mới được yên ổn để nghe pháp, tụng kinh, hành thiền và nghiên cứu. Sự hộ niệm đó rất thiêng liêng, rất nhiệm mầu không thể cắt nghĩa hết được. Ai có được cảm ứng thì được nhìn thấy. Phật hộ niệm chúng sinh bằng nhiều cách. Khi thì hiện cho chúng ta thấy, khi thì hộ niệm cho chúng ta bằng cách khác mà chúng ta không thấy được. Nhưng chúng ta luôn luôn sống được an lành là nhờ sự hộ niệm của chư Phật.
Điều thứ hai : Gieo trồng căn lành : Nếu chư Phật hộ niệm mà chúng ta không gieo trồng căn lành thì cũng không gần được kinh Pháp Hoa, đọc được kinh Pháp Hoa. Cho nên gieo trồng căn lành lại là một điều cần thiết thứ hai. Gieo trồng căn lành nghĩa là : Đối với đức Phật, chúng ta phát một tâm kính lễ, tán thán công đức của Ngài, cúng dường Tam Bảo, trì tụng kinh chú, thực hành lời dạy của đức Phật áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày của mình qua ngôn ngữ, qua hành động, qua ý nghĩ của mình, đó là gieo trồng căn lành. Bởi vì tâm của chúng ta như một đám ruộng để cho các hạt giống gieo xuống, nếu chúng ta không biết gieo vào đó những hạt giống lành, giống phước mà ngược lại gieo trồng giống ác, giống bất thiện thì tự nhiên cái đám ruộng của chúng ta không mọc lên những cây lúa tốt mà lại mọc lên những cây cỏ dại, những cây độc dược, những cây xấu xa, không thể mọc lên cây tươi đẹp được. Ngược lại, nếu chúng ta gieo trồng vào đám ruộng tâm của mình những hạt giống tốt, chẳng hạn, hạt giống cúng dường, lễ kính, tán dương Tam Bảo, thọ trì kinh chú, bố thí, trì giới, thì chính cái hạt giống đó được gieo vào trong tâm điền của chúng ta, nó sẽ mọc lên cây Bồ-đề, cây phước đức, quả báo lớn lao tốt đẹp. Cho nên gieo trồng công đức là điều thứ hai để cho chúng ta có được kinh Pháp Hoa. Tuy sự gieo trồng này có nhiều cách hoặc bằng cách tu phước hoặc bằng cách tu huệ. Có người có căn cơ tu huệ mà nhẹ phần tu phước, nghĩa là ưa học kinh, ưa nghe giảng, ưa đọc giáo lý, ưa tìm hiểu mà ít làm phước. Những vị này tìm hiểu thì được, học giáo lý thì được, nhưng nói tới sự giữ giới hay bố thí thì hơi khó khăn, ngược lại, có những người có căn cơ ưa tu phước nhiều hơn tu huệ. Họ ưa cúng chùa, ưa xây tháp, ưa tụng kinh, ưa lễ bái, ưa đọc kinh, ưa bố thí ... nhưng nói đến chuyện đi nghe giảng hay nói đến chuyện học hỏi, tìm hiểu giáo lý của đức Phật thì có vẻ hơi khó khăn. Đức Phật dạy nếu chỉ riêng tu phước không thì cũng không thể thành Phật được. Nếu ai chỉ riêng tu phước thì họ chỉ đạt được cảnh giới tốt đẹp trong hàng nhơn thiên, không thể đạt tới cái đạo lý giải thoát tối hậu. Nếu riêng tu huệ thì chỉ đưa đến cái trí tuệ giải thoát, không thể có được cái phước báo trong hàng nhơn thiên, phước báo an lạc. Cho nên, có thể có những người hết sức thông minh mà có thân hình rất xấu xí, vì sao vậy ? Vì họ chỉ tu huệ chứ không tu phước. Có người rất giàu mà lại kém thông minh là vì sao ? Vì họ chỉ tu phước mà thiếu tu huệ. Cho nên muốn được cái phước đức và trí tuệ song song cần phải tu cả hai mặt. Muốn được một thân hình tốt đẹp và có trí tuệ thì phải tu cả phước lẫn huệ.
Ngày xưa có bốn người, mà cả bốn người ngày chỉ ưa tu phước chứ không ưa tu huệ. Họ nghe rằng, người nào làm phước thì được sanh lên cõi trời hưởng phúc báo sống lâu vô tận : Muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc, sung sướng đủ mặt, có vàng có bạc, có nhà cao cửa tốt, đầy đủ tiện nghi. Nghe như vậy, họ sung sướng vô cùng, Cho nên, cả bốn người bàn bạc cùng nhau, muốn đến cúng dường đức Phật để cầu được phước, hưởng giàu sang chứ không muốn nghe đức Phật thuyết pháp. Họ ước nguyện với nhau, hễ cúng rồi thì đi ngay chứ đừng ngồi nghe đức Phật thuyết pháp. Người thứ nhất tới cúng dường đức Phật, khi cúng dường đức Phật xong, Ngài định nói pháp cho họ nghe. Ngài mới mở miệng nói được một câu "Chư hạnh vô thường" thì anh ta bịt tai mà nói : "Xin Ngài cho tôi đi". Qua đến anh thứ hai vào cúng dường xong định bụng, nhắm mắt bịt tai mà đi, chứ không chịu nghe, nhưng rồi Phật cũng cứ nói tiếp : "Thị sanh diệt pháp", nghe xong anh ta bịt tai mà nói : "Xin Ngài cho tôi đi". Rồi đến anh thứ ba cũng vào cúng dường, định bụng chỉ cúng dường để được phước chứ anh không muốn giải thoát, đức Phật vừa mới nói câu thứ ba "Sanh diệt diệc dĩ", anh cũng nghe rồi bịt tai vùng chạy. Rồi anh thứ tư cũng vào cúng dường, định bụng cúng dường rồi thì đi chứ không ưa nghe pháp. Nhưng Phật nói tiếp "Tịch diệt vi lạc" cho anh nghe. Bốn câu đó có nghĩa là : Các pháp vô thường, khôngcó cái gì là không vô thường, thân quí cái thân của chúng ta, trau tria thế nào đi nữa rồi cũng vô thường, chứ chúng ta không giữ yên được. Vấn đề là làm sao đừng ôm lấy cái ngu đối đãi với cái vô thường sanh diệt của các pháp, làm sao để tiêu diệt, để phá bỏ cái ý niệm sanh diệt để chỉ còn lại sự tịch tĩnh viên mãn ; đấy là niềm an lạc tuyệt đối vậy. Người nào ngộ được lẽ vô thường đó mà sống với một tinh thần giải thoát, không chấp nê, không đắm trước, thì người đó sẽ được an vui. Ý nghĩa của 4 câu kệ đó là như vậy. Mỗi anh nghe một câu, nó không có ý nghĩa gì hết, nhưng sau khi cúng Phật về rồi, bốn anh ngồi xúm lại với nhau để bàn bạc, hỏi nhau khi tới cúng Phật : "Ông Phật có làm cái gì, nói cái gì, khi Ông nhận cúng dường không ?"
Anh thứ nhất trả lời : "Có, tôi vào cúng rồi, Ông nói : "Chư hành vô thường", khi nghe, tôi bịt tai tôi chạy. Anh thứ hai nói : "Tôi cúng dường xong, Ông nói : "Thị sanh diệt pháp". Nghe xong, tôi bịt tai tôi chạy. Anh thứ ba nói : "Tôi cúng xong, Ông nói rằng: "Sanh diệt diệc dĩ". Ông nói xong, tôi cũng bịt tai tôi chạy. Rồi anh thứ tư nói : Ôi chao! tôi cúng xong ông cũng nói : "Tịch diệt vi lạc". Tôi cũng bịt tai tôi chạy. Bốn người ngồi ráp lại 4 câu đó thấy hay quá. Đó là :
"Chư hành vô thường,
Thị sanh diệt pháp,
Sanh diệt diệc dĩ,
Tịch diệt vi lạc".
Tam dịch :
"Các hành vô thường
Là pháp sanh diệt
Sanh diệt diệt rồi
Tịch diệt an vui".
Trước kia nghe từng câu thì nó không có y nghĩa gì cả, bây giờ đây nghe suốt cả 4 câu thấy chúng có ý nghĩa là một bài thuyết pháp tuyệt diệu. Ngài dạy hết cả chân lý của cuộc đời, hay quá cho nên các anh mới thâm nhập được, mới đến xin đức Phật : "Bạch Phật, hôm nay chúng con hiểu rồi, tu phước phải tu huệ mới giải thoát, tu phước không mà không tu huệ thì không được giải thoát, cho nên chúng con xin theo Ngài để tu".
Nói như vậy để cho chúng ta biết rằng : Trong khi chúng ta tụng kinh, chúng ta thấy có hai ý nghĩa : Vừa được cả phước lẫn cả huệ. Vậy, tu phước là gì ? Tu phước là đến trước đức Phật tụng kinh, tán dương, ca ngợi, lễ bái đức Phật... Tu huệ là nghe lời của Phật dạy, thâm nhập đạo lý của đức Phật dạy, làm cho trí tuệ của mình được tăng trưởng, những điều vô minh, đen tối của mình được phai mờ đi, đó là huệ. Nên việc tụng kinh là việc gieo trồng thiện căn rất lớn lao.
Điều thứ ba : Vào trong chánh định : Thiền định là một môn thực hành tu tập trong 3 môn học của Phật là Giới-Định-Tuệ. Định là một pháp môn tu tập hết sức quan trọng. Ví như ngọn đèn muốn sáng, ngọn đèn đó phải đứng yên, nếu như ngọn đèn chao qua chao lại thì ngọn đèn sẽ không sáng được. Tâm của chúng ta muốn được sáng, tâm của chúng ta cũng phải đứng yên, nếu tâm của chúng ta chao qua chao lại thì sẽ không sáng được. Cho nên có nhập vào Thiền định thì tâm mới đứng yên ; tâm có đứng yên như ngọn đèn thì tâm mới sáng. Cho nên khi tụng kinh, nếu chúng ta không có định tâm, không một chút định tâm vào trong kinh thì lúc bấy giờ câu kinh đó không lọt vào đầu mình, không lọt vào tai mình, khi đó tâm mình như ngọn đèn chao, ngọn đèn chao như thế đó thì câu kinh cũng chỉ lờ mờ đến với mình mà thôi, nó không sáng sủa gì hết, như ngọn đèn chao qua chao lại, nó không sáng rõ một vật gì hết. Cho nên cần phải có điều kiện thứ ba vào trong chánh định là như vậy. Định tâm trong khi tụng kinh, định tâm trong khi ngồi trước Phật, định tâm trong khi đến chùa. Thay vì nói chuyện lao xao, thay vì nghĩ lung tung, nghĩ bậy bạ, thì định tâm trong khi tụng kinh đó gọi là vào trong Thiền định. Vào trong Thiền định trong khi tụng kinh, Thiền định trong khi về nhà, Thiền định trong khi đi đường ; nghĩa là luôn luôn tâm mình được định tỉnh chứ không bị sự chi phối bên ngoài làm cho tâm mình như ngọn đèn chao mà không đứng vững, không sáng được. Đó là vào trong Thiền định.
Điều thứ tư : Phát đại bi tâm : Là phát một tâm từ, một tâm thương tất cả mọi người, tất cả chúng sanh. Vẫn biết giữa đời này chúng ta cũng có điều tốt, có điều xấu, nhưng thường tâm bịnh của chúng sanh ưa thấy cái xấu của người khác hơn là thấy cái tốt của người khác, mà khi thấy cái xấu của người khác thì dễ sinh phiền não. Khi đã thấy cái xấu của người khác tức cái tâm của mình cũng không được tốt cho lắm. Tại sao người ta có cái tốt mà mình không ưa thấy, mà chỉ ưa thấy cái xấu, phải chăng cái tâm của mình không quảng đại, không từ bi, cho nên có tâm quảng đại, từ bi là một người có tâm lớn lao thương yêu tất cả, phát một cái tâm thấy cái tốt của người khác thay vì thấy cái xấu của người khác, đó là tâm đại bi.
Hội đủ được bốn điều đó tự nhiên chúng ta đến được với kinh Pháp Hoa, nghĩa là chúng ta gần gũi kinh Pháp Hoa, trì tụng, thâm nhập kinh Pháp Hoa để chứng ngộ được kinh Pháp Hoa. Nên Ngài Phổ Hiền Bồ-tát nói rằng : "Như vậy tương lai, nếu người nào thọ trì kinh Pháp Hoa thì trong khi đứng, ngồi, nằm, khi đi, con đều hiện ra trước họ, khuyến khích họ, tán thán họ, hộ trì họ được giữ mãi tâm Bồ-đề, tâm thọ trì kinh điển không bị thối chuyển". Ở phẩm cuối cùng, ngài Phổ Hiền Bồ-tát đến trước đức Phật Thích-ca sau khi đã nói kinh Pháp Hoa xong phát đại nguyện hộ trì cho những người thọ trì kinh Pháp Hoa, cho nên phẩm đó được để sau hết. Trước phẩm đó, thì đến phẩm Chúc Lụy, tức là phẩm kết thúc bộ kinh Pháp Hoa.
Như vậy, chúng ta thấy rõ rằng mở đầu kinh Pháp Hoa là lấy ngài Văn-thù tiêu biểu cho trí tuệ, có trí tuệ mới thâm nhập được kinh Pháp Hoa. Kết thúc kinh Pháp Hoa là phẩm Phổ Hiền khuyến phát tức là nói về sự tu hành, có tu hành mới thành đạt được trí tuệ.
Cầu mong cho tất cả chúng ta luôn luôn thọ trì kinh Pháp Hoa, luôn hun đúc phước huệ trang nghiêm để viên thành Phật đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]