Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: NGHỆ THUẬT ẤN ĐỘ

20/05/201314:13(Xem: 37156)
Chương 8: NGHỆ THUẬT ẤN ĐỘ

Lịch sử văn minh Ấn Độ

Tác giả:WILL DURANT

Người dịch:Nguyễn Hiến Lê
---o0o---

CHƯƠNG VIII
NGHỆ THUẬT ẤN ĐỘ


I. TIỂU CÔNG NGHỆ

Thời phát đạt của nghệ thuật Ấn Độ - Tính cách đặc biệt của nghệ thuật Ấn – Mối liên quan với kĩ nghệ - Đồ gốm – Nghệ thuật kim thuộc – Đồ gỗ - Đồ ngà – Đồ châu bảo – Vải vóc. 

Khi xét nghệ thuật Ấn Độ, cũng như xét mọi khía cạnh của văn minh Ấn Độ, ta không thể nào không khâm phục dân tộc đó: nghệ thuật của họ phát hiện rất sớm mà lại tiến hoá đều đều. Những đồ cổ đào được ở Mohenjodaro không phải chỉ toàn là những đồ cần thiết thường dùng hằng ngày, mà còn có những tượng đàn ông bằng đá vôi, râu ria xồm xoàm, giống người Sumérien lạ lùng, những hình đàn bà và hình loài vật bằng đất nung; những hạt trai và các đồ trang sức khác bằng hồng-mã-não (cornaline), bằng vàng đánh rất bóng. Một con dấu khắc nổi một con bò mộng, nét rất mạnh mẽ, làm cho ta phải kết luận rằng nghệ thuật ngày nay của chúng ta không tiến bộ hơn cổ nhân mà chỉ thay đổi cách biểu thị thôi.

Từ thời đó tới nay, trải qua năm chục thế kỉ, biết bao cuộc biến thiên, hưng phế, nghệ thuật Ấn đã thay đổi cả trăm lần kĩ thuật mà vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của nó. Đôi khi sự tiến triển có vẻ đứt quãng, ta thấy mất vài cái khoen trong sợi dây, nhưng như vậy không phải là vì người Ấn đã ngưng chế tạo, xây cất trong những thời đó mà chỉ vì người Hồi xâm lăng đã cuồng nhiệt phá huỷ biết bao nhiêu công trình kiến trúc và điêu khắc của Ấn, và vì thiếu ngân quĩ, các triều đại sau không đủ sức bảo tồn những công trình may mà thoát khỏi cảnh tàn phá đó.

Mới tiếp xúc lần đầu với nghệ thuật Ấn, chúng ta khó mà thưởng thức được hết cái hay, cái đẹp của nó: nhạc thì có vẻ kì cục, hoạ thì tối tăm, kiến trúc thì hỗn độn mà điêu khắc thì kì quá. Mỗi lúc ta phải nhớ lại rằng giám thức của mình là cái gì không vững, không chắc chắn, do truyền thống cùng ảnh hưởng của xã hội chung quanh gây nên, mà xã hội này luôn luôn hẹp hòi, có thiên kiến, như vậy khi phán đoán các dân tộc khác hoặc phê bình nghệ thuật của họ theo tiêu chuẩn, thành kiến của mình luôn luôn khác hẳn của họ, thì làm sao khỏi bất công với họ được.

Ở xứ nào cũng vậy, mới đầu một thợ thủ công cũng là một nghệ sĩ, rồi mãi sau tinh thần mới thay đổi, thợ thủ công không sản xuất một nghệ phẩm nữa, chỉ chế tạo những đồ dùng tầm thường, coi công việc của mình là một cực hình. Sau trận Plassey[1], xứ Ấn thoi thóp, nhưng trước kia, ở Ấn cũng như ở châu Âu thời Trung cổ, mỗi người thợ thủ công là một nghệ sĩ, món vật nào cũng có nét khéo riêng của người chế tạo. Ngày nay cũng vậy, tuy đâu đâu nhà máy cũng mọc lên thay thế các xưởng công nghệ, mà địa vị của thợ thủ công tụt xuống hàng lao công, nhưng tại các châu thành Ấn vẫn còn vô số cửa hàng nhỏ đầy nghẹt các thợ cặm cụi chạm trổ, làm các đồ trang sức, vẽ, thêu, dệt, hoặc làm các đồ bằng gỗ, bằng ngà. Có lẽ không có một dân tộc nào khác mà các nghệ thuật thủ công phồn thịnh bằng Ấn Độ.

Có điều này hơi lạ là đồ gốm ở Ấn chưa bao giờ đạt tới mức nghệ thuật; chế độ tập cấp cấm dùng hai lần một món đồ để chứa (bát, chén, bình…) trừ vài trường hợp đặc biệt vì vậy mà thợ làm gốm chỉ làm qua loa dùng tạm được thì thôi, tô điểm làm chi cho uổng công. Chỉ khi nào đồ dùng vàng hay bạc, như chiếc bình bạc ở Tanjore, hiện nay bày ở Victoria Institute tại Madras, hoặc cái khay đựng trầu bằng vàng ở Kandy, thì thợ thủ công mới chịu gắng sức làm cho có mĩ thuật. Có vô số đồ dùng làm bằng đồng đập[2]: cây đèn, chén, các thứ bình; một hợp kim màu xám đen tên là bidri, mà phần chính là kẽm, dùng để làm các hộp, chậu lớn, khay; người ta đắp nhiều lớp kim thuộc lên nhau, hoặc nhận, chạm vàng, bạc lên một vật bằng đồng. Người ta đục đẽo gỗ thành hình cây lá, loài vật đủ các hình thù. Ngà voi dùng để làm mọi đồ vật, từ những tượng thần thánh tới các con thò lò; hoặc để khảm vào các cánh cửa, các đồ bằng gỗ, các hộp, tráp chứa dầu thơm, son phấn. Người nghèo cũng như người giàu đều thích đồ trang sức, để đeo mà cũng để cất, chứa, thành thử nghề kim hoàn thịnh vào bậc nhất: thành phố Jaipur nổi tiếng về thứ men đỏ như lửa trên nền bằng vàng: móc trâm, châu, ngọc, dây đeo, dao, lược, thứ nào cũng rất nhiều kiểu, chạm hình hoa, loài vật hoặc thần thánh; trên một miếng bảo thạch nhỏ xíu để cho một Bà La Môn đeo, mà người ta chạm được hình năm chục vị thần khác nhau.

Còn về vải vóc thì chưa nước nào hơn được Ấn Độ và từ thời César tới nay, khắp thế giới đều quí các hàng Ấn[3]. Đôi khi họ tính toán tỉ mỉ và khéo léo lạ lùng, nhuộm trước các sợi đường dọc và đường canh từng đoạn dài ngắn bao nhiêu đó, để khi dệt xong không phân biệt được bề mặt và bề trái. Từ thứ hàng len gọi là Khaddar tới thứ hàng gấm mịn thêu kim tuyến, từ thứ pyjama[4]rất đẹp tới những khăn “san” (châle) Cachemire[5]mà nhìn kĩ cũng không thấy đường khâu[6], thứ nào cũng rất đẹp, tỏ rằng nghệ thuật đã có từ lâu đời lắm, tinh vi lắm mà người thợ Ấn cơ hồ bẩm sinh là một nghệ sĩ.

II. ÂM NHẠC

Một buổi hoà nhạc ở Ấn - Nhạc và vũ – Nhạc công – Các âm giai – Các đề tài – Âm nhạc và triết học.

Một du khách Mĩ được mời tới dự một buổi hoà nhạc ở Madras. Ông ta ở giữa một đám thính giả gồm khoảng hai trăm người Ấn coi bề ngoài thì có vẻ đều ở trong tập cấp Bà La Môn, người ngồi trên ghế dài, người ngồi trên thảm, hết thảy chăm chú nghe một ban hoà tấu nhỏ; họ thấy các ban hoà tấu ở phương Tây thì chắc cho rằng chúng ta tấu nhạc cho chị Hằng ở cung trăng nghe, nếu không thì sao mà đông đảo, nhiều nhạc khí đến vậy. Du khách mới chân ướt chân ráo tới Ấn Độ, nhìn các nhạc khí của họ, thấy kì cục như vào một khu vườn bỏ hoang từ lâu. Có những cái trống đủ hình, đủ cỡ, những ống sáo, ống tiêu trang sức tỉ mỉ, những cái kèn hình rắn uốn khúc, và rất nhiều thứ đàn. Phần nhiều các nhạc khí đó đều trạm trổ rất tỉ mỉ, có cây nhận ngọc thạch, kim cương nữa. Một chiếc trống gọi là mridangacoi như một thùng rượu nhỏ, hai đầu bịt da cừu, mà nhạc công dùng một cái dây da làm cho mặt trống căng ra hay thun lại tuỳ ý; một mặt trống đã ngâm vào nước cơm, nước trái me và bột man-gan (manganèse) để cho nó phát ra một thanh âm riêng. Nhạc công không dùng dùi trống mà vỗ bằng lòng bàn tay hoặc bằng ngón tay, có khi chỉ gõ bằng đầu ngón tay thôi. Một nghệ sĩ khác chơi cây tanbura, tựa như cây “luth”[7]mà muốn lên dây thì phải co một miếng da lại hoặc thả cho giãn ra. Một cây đàn tên là vinarất du dương và coi bộ chơi rất khó: dây đàn căng trên một tấm kim thuộc mỏng, một đầu cột vào một chiếc trống bằng gỗ mặt bằng da cừu, đầu kia cột vào một quả bầu dùng làm thùng đàn; nhạc công tay phải dùng cái bát (cái móng) để gẫy, còn các ngón tay trái vuốt nhẹ và mau trên các sợi dây. Du khách thành kính ngồi nghe mà chẳng hiểu gì cả.

Âm nhạc của Ấn Độ đã có một lịch sử dài ít nhất là ba ngàn năm. Các thánh ca trong kinh Vedamà ngay cả thơ Ấn cũng là để hát lên; theo nghi thức cổ thì thi và ca, nhạc và vũ chỉ là một. Một người Âu cho vũ Ấn Độ là có vẻ dâm dật, mà người Ấn xét vũ Tây phương thì cũng có cảm giác đó. Trong lịch sử Ấn, rất nhiều thời đại cho vũ là một hình thức sùng bái thần linh, biểu diễn các cử động đẹp đẽ, uyển chuyển, nhịp nhàng để tỏ niềm tôn kính và làm thoả ý các thần linh. Chỉ trong thời Cận đại, các vũ nữ devadasimới ra khỏi các đền chùa mà muá cho hạng thế tục coi. Đối với người Ấn, vũ không phải chỉ nhắm mục đích để hở da thịt cho khán giả coi, mà đôi khi còn là diễn các tiết điệu, vận hành của vũ trụ. Chính Shiva là thần vũ, và vũ khúc Shiva tượng trưng sự vận hành của vũ trụ[8].
Các người tấu nhạc, múa, hát cũng như mọi nghệ sĩ ở Ấn, đều thuộc những tập cấp thấp nhất. Một người Bà La Môn ở nhà có thể vừa ca hát vừa gẫy cây vinahoặc một cây đàn nào khác, nhưng không khi nào chịu chơi nhạc vì tiền hoặc đưa một ống sáo, một chiếc kèn lên miệng mà thổi. Cho tới thời mới đây, các buổi hoà nhạc còn rất hiếm ở Ấn Độ; ai thích nhạc thế tục, thì có thể cao hứng hát lên hoặc gẩy một cây đàn; một vài gia đình giàu có hội họp một ít người sành nhạc để nghe nhạc trong nhà cũng như ở châu Âu. Chính vua Akbar cũng giỏi nhạc, và triều đình ông có một ban nhạc trong đó kép hát Tansen nổi tiếng và giàu nhất, chết yểu hồi ba mươi bốn tuổi vì uống rượu quá. Không có hạng tài tử, chỉ có hạng nhà nghề; người ta cho giỏi nhạc không phải là một cái tài và không cha mẹ nào khuyến khích trẻ thành một Beethoven. Công chúng không cần biết chơi nhạc mà chỉ cần biết nghe nhạc thôi.

Vì ở Ấn Độ, biết nghe nhạc là cả một nghệ thuật cần phải luyện tâm hồn và luyện tai rất lâu. Người Âu có thể không hiểu lời ca của Ấn; cũng như ở các xứ khác, chỉ có hai đề tài chính: tôn giáo và ái tình, nhưng trong âm nhạc Ấn, lời ca không quan trọng và kép hát Ấn đôi khi có thể thay bằng những âm vô nghĩa, cũng như các văn sĩ cực kì tân thời của chúng ta[9]. Còn nhạc Ấn thì dùng những âm giai tế vi, rắc rối hơn nhạc Âu. Âm giai châu Âu có mười hai âm (ton), người Ấn thêm vào mười “vi âm” (microton) nữa. Người Ấn có thể dùng chữ sanscrit để ghi “nốt” nhạc, nhưng thường thường người soạn nhạc không chép lại cho người diễn tấu đọc, chỉ gẩy cho môn đệ nghe rồi cứ theo cách đó mà chuyền tai nhau từ thế hệ này tới thế hệ sau. Một câu nhạc không chia ra nhiều nhịp mà kéo dài thành một legato[10]bất tuyệt làm cho người phương Tây bỡ ngỡ. Không có hài âm mà cũng bất chấp cả luật hoà âm, miễn sao cho êm tai thì thôi, có thể là có một thứ bối cảnh âm điệu nào đó. Về điểm đó, nhạc Ấn giản dị, thô sơ hơn nhạc Âu nhiều, nhưng về phương diện âm giai và âm tiết thì lại phức tạp hơn. Số khúc điệu (mélodie) vừa hạn chế mà lại vừa vô hạn; hạn chế vì phải theo một trong ba mươi sáu nhạc chỉ chính; nhưng đồng thời lại vô hạn định vì từ các nhạc chỉ chính đó, nhạc sĩ có thể tạo ra bao nhiêu biến điệu (variation) cũng được, tới vô cùng. Mỗi nhạc chỉ đó, gọi là raga[11],gồm năm, sáu hay bảy “nốt” nhạc và nhạc sĩ phải dùng đi dùng lại hoài một trong những “nốt” nhạc đó. Tùy tình cảm hay cảnh tượng được diễn trong mỗi raga, mà ragamang tên là “Bình minh”, “Xuân cảnh”, “Cảnh đẹp hoàng hôn” hay “Say rượu” vân vân, mỗi ragaliên hệ tới một tháng nào trong năm hay một giờ nào trong ngày. Theo các truyền kì Ấn Độ, các ragađó có một năng lực huyền bí; chẳng hạn người ta kể rằng một vũ nữ trẻ miền Bengale hát bản đảo vũ Megh mallar ragamà làm cho trời đổ mưa. Các ragacó từ lâu đời nên mang tính cách linh thiêng; tương truyền chính thần Shiva đã qui định hình thức các raganên nhạc sĩ nào cũng phải theo đúng. Một nhạc sĩ tên là Narada vì không thận trọng khi diễn các raga, bị thần Vichnou đày xuống địa ngục để thấy cảnh đàn ông đàn bà khóc lóc thảm thiết vì gẫy chân gẫy tay; Vichmou bảo Narada rằng những ragamà Narada đã diễn bậy cũng như các chân tay gẫy đó. Từ đó Narada thận trọng hơn mỗi khi chơi nhạc.

Nhạc sĩ Ấn phải giữ đúng cái ragađã lựa làm nhạc chỉ thì chẳng qua cũng như nhạc sĩ Âu khi soạn một bản so-nat (sonate) hay một bản hoà âm (symphonie) phải giữ đúng ý chính của bản nhạc, chứ không bị câu thúc gì hơn; cả hai tuy mất một chút tự do thì bù lại, bố cục được liên tục hơn, hình thức đăng đối hơn. Nhạc sĩ Ấn cùng ở trong một hoàn cảnh với triết gia Ấn; cũng khởi đầu từ cái hữu hạn để cho “tinh thần bổng lên chỗ vô cùng” nhờ âm tiết, khúc nhạc uyển chuyển tới rồi lui, lui rồi tới, xoắn lấy nhạc chỉ, mà cũng nhờ sự đơn điệu của khúc nhạc nó như thôi miên người nghe, nhạc sĩ riết rồi đạt tới một tâm trạng gần như người tu hành yoga, mất cả ý chí, quên cả bản ngã, quên cả vật thể, không gian và thời gian; tâm thần lần lần chìm vào một cõi hoà hợp bí ẩn và thâm thuý với một Bản thể mênh mông và tĩnh, coi thường mọi ý muốn, mọi sự biến đổi, ngay cả sự chết nữa.

Chắc chắn là người phương Tây chúng ta không bao giờ mê được nhạc Ấn, và muốn hiểu nổi nó thì trước hết phải từ bỏ sự gắng sức, sự tấn bộ, sự ham muốn, sự hoạt động để tìm cái thực thể, sự bất biến, sự an phận, sự nghỉ ngơi rồi.

III. HOẠ

Môn hoạ thời tiền sử - Các bức hoạ ở Ajanta – Các tế hoạ Rajpute – Hoạ phái Mông Cổ - Hoạ sĩ – Lí thuyết gia.

Con người quê mùa là con người phán đoán theo quan niệm hẹp hòi trong miền mình ở, thấy cái gì hơi là lạ thì cho là dã man. Người ta kể chuyện rằng hoàng đế Jehangir – một người sành và sáng suốt về nghệ thuật – lần đầu tiên nhìn một bức tranh của châu Âu, tuyên bố ngay rằng “không thích chỉ vì vẽ bằng sơn dầu”. Câu chuyện đó tỏ rằng một ông vua cũng có thể quê mùa như ai, và Jehangir khó mà thích được một bức tranh sơn dầu cũng như chúng ta khó mà thích được các tế hoạ (bức hoạ nhỏ xíu) của Ấn.

Các bức tranh vẽ loài vật bằng thổ hoàng (ocre) đó, nhất là bức vẽ một cuộc đi săn con tê[12], người ta thấy trong các hang thời tiền sử ở Singanpour và Mirzapua[13], chứng tỏ rằng môn hoạ đã có ở Ấn từ mấy ngàn năm trước. Đào những lớp đất đá thời tân thạch khí, người ta còn thấy nhiều bàn để pha màu, ở trên còn dính nhiều thứ đất màu. Nhưng lịch sử ngành hoạ ở Ấn còn nhiều chỗ sót, chúng ta chỉ biết lờ mờ thôi, một phần vì thời tiết nóng nực, ẩm thấp đã làm hư hại nhiều tài liệu cổ, một phần nữa vì bọn Hồi “đập phá ngẫu tượng” từ thời Mahmud tới thời Aureng-Zeb đã huỷ hoại gần hết những bức hoạ còn giữ lại được tới khi họ xâm lăng Ấn Độ. Cuốn Vinaya Pitaka(khoảng 300 trước Công nguyên) có chép rằng cung điện vua Pasenada có treo hàng dãy các bức hoạ dọc các hành lang; Pháp Hiển và Huyền Trang cũng tả nhiều lâu đài, đền chùa nổi tiếng về giá trị mĩ thuật của các bức hoạ trên tường; nhưng ngày nay những bức hoạ đó tiêu huỷ hết rồi, không còn gì cả. Một trong những bức bích hoạ cổ nhất của Tây Tạng vẽ một hoạ sĩ đương vẽ hình Phật Tổ; nhiều người cho rằng tới thời Phật Tổ thì ngành hoạ Ấn Độ xuất hiện từ lâu rồi và đương ở giai đoạn toàn thịnh.

Những bức hoạ cổ nhất hiện nay chúng ta có thể định được thời đại, là một loạt bích hoạ đạo Phật (khoảng 100 trước Công nguyên) tìm thấy trên vách một cái hang ở Sirguya, thuộc Trung bộ Ấn. Từ hồi đó, nghệ thuật bích hoạ - vẽ lên mặt phẳng bằng thạch cao mới đắp lên tường và còn ướt – mỗi ngày mỗi tiến, và tới giai đoạn các bích hoạ ở trong các hang Ajanta[14]thì đạt tới mức hoàn hảo mà Giotto và Léonard de Vinci[15]cũng không hơn được. Các đền đó đục ngay trong đá trên sườn một ngọn núi, trong khoảng từ thế kỉ thứ nhất tới thế kỉ thứ VII. Sau khi đạo Phật miền đó suy tàn, đền chùa bị bỏ hoang thành rừng; dơi, rắn, và các loài thú vào đó làm hang, cứt chim chóc và sâu bọ làm dơ hết các bức hoạ. Năm 1819 một số người Âu vô tình tìm ra được những cảnh hoang tàn đó, ngạc nhiên thấy những bức bích hoạ hiện nay được coi là những bức đẹp nhất của nhân loại.

Người ta thường gọi các đền chùa đó là hang vì đục ngay trong đá. Hang số XVI chẳng hạn đục vô đá, vuông vức mỗi bề hai mươi mét; có hai mươi cây cột, chung quanh gian giữa có mười sáu phòng nhỏ cho các vị sư, mặt trước có một cái cổng như cái hiên, phía trong cùng là điện thờ. Bức tường nào cũng đầy bích hoạ. Năm 1879, trong số hai mươi chín đền, mười sáu đền còn giữ được bích hoạ; năm 1910, trong số mười sáu đền đó, mười đền đã mất hết bích hoạ, còn những bích hoạ trong sáu đền kia thì hư hại vì người ta đã vụng về muốn trùng tu lại. Trước kia, những màu đỏ, xanh và lam trên các bức hoạ thật rực rỡ; ngày nay người ta tô bậy lên những màu chết hoặc xám xịt. Vài bức bị thời gian huỷ hoại rồi còn bị sửa lại một cách vụng về nữa, khiến cho những người như chúng ta có cái tâm hiểu được những truyền thuyết hoang đường về Phật giáo, nhìn vào thấy thô bỉ và lố bịch; có những bức khác trái lại, còn giữ được nét vẽ mạnh mẽ, duyên dáng hồi xưa, chỉ nhìn qua cũng thấy nghệ thuật của những nghệ sĩ vô danh đó cao tới mức nào.

103lichsuvanminhando-08a

Một bức bích hoạ trong hang số XVII ở Ajanta vẽ cảnh Đức Phật đang khất thực tại của nhà mình, đứng trước Ngài là Da Du Ðà La và La Hầu La, tức vợ và con của Ngài

Mặc dầu bị huỷ hoại như vậy, hang số I còn giữ được nhiều bức rất đẹp. Trên một bức tường, ta thấy hình có lẽ của một vị Bồ Tát, nghĩa là một vị đắc đạo, được lên Niết Bàn nhưng không lên mà tự ý đầu thai hoài để cứu vớt nhân loại. Chưa bao giờ cái vẻ u sầu của sự giác ngộ lại được vẽ bằng những nét mạnh mẽ như vậy, nhìn tranh ta phải tự hỏi bức hoạ đó so với bức phác hoạ đầu Chúa Ki Tô trong công việc dự bị cho bức tranh La Cène[16]của Léonard de Vinci, bức nào đẹp hơn. Trên một bức vách khác cũng trong đền đó, vẽ Shiva với vợ là Parvati, cả hai đều đeo đầy châu báu. Gần đó là bốn con hoẵng, trông nét vẽ cũng thấy lòng các Phật tử yêu loài vật ra sao; trên trần là một bức tranh hoa điểu, nét rất khéo. Trên một bức vách trong hang XVII, là một bức nay đã mất một nửa, vẽ thần Vichnou và đám tuỳ tùng từ trên trời bay xuống dự một đại sự nào đó trong đời Phật Tổ; trên một bức vách khác, là bức chân dung một công chúa với các thị nữ, tuy có màu nhưng sơ lược. Lẫn lộn với các danh phẩm đó, là những bức lộn xộn, tầm thường vẽ tuổi xuân của Phật Tổ với lúc Ngài bỏ gia đình ra đi, lúc Ngài bị Ma vương quyến dỗ mà chống lại được.

Vì hiện nay chỉ còn lại một số ít hoạ phẩm, nên chúng ta khó mà phê phán một cách công bình được, không thể đoán đúng được hồi xưa công trình đó ra sao; nhất là một người ngoại quốc thì thế nào cũng thiếu ít nhiều yếu tố để nhận định cho đúng. Nhưng một người phương Tây dù ít kiến thức tới mấy, cũng không thể nào không xúc động trước tính cách cao thượng của đề tài, vẻ tôn nghiêm của chí hướng nghệ sĩ, sự nhất trí trong bố cục, sự sáng sủa, giản dị, rõ ràng của nét vẽ, nhất là cái tài vẽ các bàn tay thì khéo léo lạ lùng, mà bàn tay là cái khó vẽ nhất, đã làm cho bao nhiêu hoạ sĩ vấp váp. Ta thử tưởng tượng một vị sư nghệ sĩ nào đó[17], đã quán tưởng trong các trai phòng đó rồi vẽ lên các bức vách và các bức trần kia, lòng tràn ngập một niềm mộ đạo ra sao, vào cái thời mà châu Âu đương chìm đắm trong cảnh tối tăm ở đầu thời Trung cổ. Ở Ajanta, quả là tinh thần tôn giáo đã phối hợp được với kiến trúc, điêu khắc và hoạ một cách rất điều hoà, mà thực hiện được một công trình nghệ thuật đa dạng và nhất trí, đẹp đẽ nhất của Ấn Độ.

Khi các đền chùa bị người Hung Nô và người Hồi phá huỷ hoặc bắt đóng cửa rồi, các hoạ sĩ Ấn đổi hướng, xoay qua một hình thức nghệ thuật khiêm tốn hơn. Ở xứ Rajputana, một hoạ phái được thành lập, chuyên vẽ những hình nhỏ xíu (tế hoạ) về các hồi trong các anh hùng ca MahabharataRamayana, hoặc ghi lại các chiến công oanh liệt của các vua chúa trong xứ, nhiều khi họ chỉ vẽ phác vài nét sơ sài thôi, nhưng nét vẽ luôn luôn hoàn hảo, linh động. Ở Viện tàng cổ mĩ thuật tại Boston, còn trưng bày một bức đẹp vẽ các phụ nữ, một cái tháp cao và một nền trời thấp tượng trưng một cái raga (ý chỉ của bản nhạc) mà chúng tôi đã nói ở trên. Ở Detroit có một bức khác rất tinh tế vẽ một hoạt cảnh trong cuốn Gita-Govinda. Người ta cảm thấy rằng trên những bức tế hoạ đó cũng như trên hầu hết các bức hoạ của Ấn, nghệ sĩ khi vẽ người, không theo mẫu thực, mà chỉ tưởng tượng hoặc nhớ lại hình ảnh cũ thôi. Họ thường dùng thuốc màu hoà bằng nước hồ và lòng trắng trứng, những cây bút bằng lông sóc, lông lạc đà, lông dê, lông chồn đèn, thứ lông cực mịn; và những bức hoạ của họ từ nét vẽ đến cảnh sắc đều tinh xảo lạ lùng, làm cho người ngoại quốc dù không quen nhìn cũng phải thích thú.

Tại các xứ khác ở Ấn, đặc biệt là tại tiểu quốc Kangra, cũng có những tác phẩm như vậy. Ở Delhi, dưới triều đại Mông Cổ, một kĩ thuật tương tự cũng thịnh hành. Hoạ phái Delhi mới đầu phát sinh từ nghệ thuật viết chữ Ba Tư và nghệ thuật tô màu, đồ hình các thủ bản (manuscrit), chẳng bao lâu thành một phái vẽ chân dung các người trong giới quí phái; phái đó không thu nhận nhiều người, lại có khuynh hướng phong nhã, cho nên có thể so sánh với loại nhạc trong phòng các tư gia cũng rất thịnh hành dưới triều đại các vua Mông Cổ. Cũng như các nghệ sĩ Rajpute, hoạ sĩ Mông Cổ thích những nét vẽ rất tinh tế, cho nên có khi họ dùng một ngọn bút chỉ có mỗi một chiếc lông và cũng cố vẽ bàn tay cho thật giống, thật đẹp. Các bức hoạ của họ nhiều màu sắc hơn nhưng thiếu cái vẻ huyền bí; ít khi họ tìm hứng trong tôn giáo hoặc thần thoại; họ thực tế và vẽ đúng cảnh thực trên cõi trần nhưng thận trọng, không muốn làm phật ý ai. Họ vẽ nhiều nhất là chân dung các nhà quí phái mà đức khiêm tốn không phải là đức chính; các vị đại thần đều ngồi cho họ vẽ, tới nỗi Jehangir, ông vua ham chơi tranh, một hôm nhận ra rằng các phòng tranh của mình đầy những chân dung của các vua chúa, các đại thần trong triều ông và triều các tiên vương từ Akbar trở xuống. Chính Akbar là ông vua đầu tiên khuyến khích các hoạ sĩ; theo Abu-I-Fazl thì cuối đời ông, ở Delhi có cả trăm hoạ sĩ và cả ngàn người chơi tranh. Nhờ sự bảo trợ sáng suốt của Jehangir, nguồn hứng mở rộng ra, hoạ sĩ chẳng vẽ riêng chân dung nữa mà còn vẽ thêm phong cảnh, các cuộc săn bắn, nếu vẽ người thì cũng vẽ thêm thiên nhiên làm bối cảnh. Chẳng hạn một bức vẽ nhà vua đi săn, một con sư tử nhảy chồm lên mông con voi, móng suýt quào vào da thịt vua, trong khi một vệ sĩ co giò chạy. Dưới triều vua Jehan, nghệ thuật lên tới tột đỉnh rồi bắt đầu suy; cũng như trường hợp ấn hoạ ở Nhật, nghệ thuật khi đã phổ biến trong dân chúng, số người chơi tranh tăng lên nhiều, hoạ sĩ muốn thoã mãn nhu cầu đó, phải vẽ vội và chiều thị hiếu của khách hàng nên nghệ thuật kém sút. Rồi tới thời Aureng-Zeb, nhà vua lại bắt phải tôn trọng luật Hồi giáo, cấm vẽ hình người và loài vật, thì ngành hoạ tàn tạ.

Nhờ sự bảo trợ rộng rãi và thông minh của các vua Mông Cổ, các hoạ sĩ ở Delhi được biết một thời vàng son mà suốt mấy thế kỉ, những người đi trước họ không được hưởng. Hiệp hội hoạ sĩ có từ thời Phật giáo, lúc đó hồi xuân lại, và một số hoạ sĩ lưu danh lại được, chứ không bị coi thường nữa, vì người Ấn có tục khinh cá thể, chỉ chú ý tới tác phẩm chứ không cần biết tác giả. Trong số mười bảy hoạ sĩ mà mọi người cho là có tài nhất ở triều đại Akbar, thì mười ba nhà gốc Ấn. Hoạ sĩ vẽ cho triều đình Đại đế Mogol, được nhà vua mến nhất, là Dasvanth. Ông vốn thuộc dòng ti tiện, cha làm phu khiêng kiệu, nhưng nhà vua không vì vậy mà không trọng đãi. Hồi trẻ, tính tình ông kì cục: bất kì ở đâu cũng vẽ, hễ có mặt phẳng nào là vẽ lên. Akbar nhận thấy thiên tài của ông, đem về cung, bảo hoạ sư của mình dạy vẽ cho. Chẳng bao lâu ông nổi danh nhất trong nước, nhưng đương khi danh ông lên đến tột đỉnh thì ông tự đâm cổ chết.

Bao giờ cũng vậy, hễ có một số người làm được một nghệ phẩm nào rồi thì luôn luôn có những kẻ khác chẳng làm cái quái gì cả mà nhảy ra giảng giải cho những nghệ sĩ kia, bảo phải làm như vầy, như vầy mới phải. Triết lí Ấn chẳng liên quan gì tới môn “lô-gích” cả, vậy mà người Ấn lại thích “lô-gích”, thích phân tích, tìm những phương pháp tế nhị của mọi nghệ thuật rồi đặt thành những công thức nghiêm nhặt, hợp lí. Vì vậy mà ở đầu Công nguyên, cuốn Sandaga(Ấn hoạ lục chỉ), định sáu “tiêu chuẩn” dưới đây cho môn hoạ (cũng như sau này ở Trung Hoa):

1. Biết rõ hình dáng mỗi vật;

2. Thấy cho đúng, có chừng mực và cấu tạo cho đúng;

3. Tác động của tình cảm tới hình thức;

4. Trình bày, miêu tả cho nghệ thuật;

5. Phải giống;

6. Phải biết dùng ngọn bút và màu sao cho khéo.

Tới thời sau, xuất hiện một bộ qui luật về mĩ học rất tỉ mỉ, tức bộ Shilpa-shastra, trong đó tác giả ghi lại tất cả các luật lệ và truyền thống cho mỗi ngành nghệ thuật, chủ ý là qui định một lần cho vạn đại. Tác giả bảo: nghệ sĩ phải hiểu kĩ các kinh Veda, phải “thích thờ phụng Thượng Đế, trung tín với vợ, tránh đừng giao thiệp với những phụ nữ kì cục và thành kính mở mang kiến thức về mọi ngành”.

Muốn hiểu ngành hoạ ở phương Đông thì chúng ta phải nhớ rằng trước hết nó không chủ trương vẽ đúng cảnh vật, mà chủ trương diễn tình cảm, vì vậy chỉ cần gợi ý thôi; rằng nó chú trọng tới đường nét hơn là màu sắc, tới “tâm hồn” hoặc “tinh thần” của người và vật hơn là hình dáng bề ngoài. Chúng tôi đã rán tìm mà không thấy trong môn hoạ của Ấn sự hiểu biết về nghề, sự đa dạng và thâm thuý về quan điểm và cách phô diễn, như trong môn hoạ của Trung Hoa và Nhật Bản. Một số người Ấn đưa ra cách giải thích khó tin này: theo họ, sở dĩ môn hoạ của Ấn suy đồi vì nghệ thuật đó dễ dàng quá, không phải tốn công, không xứng để dâng các thần linh. Có thể rằng môn hoạ chỉ tạo những nghệ phẩm dễ bị huỷ hoại, tạm thời thôi, nên không làm thoả mãn dân tộc Ấn, một dân tộc muốn biểu hiện các thần linh của họ một cách lâu bền kia. Lần lần, đạo Phật càng chịu thờ các hình tượng, và các đền thờ Bà La Môn càng tăng, thì môn hoạ nhường chỗ cho môn đục tượng, màu sắc và nét vẽ nhường chỗ cho nét đục trong đá.

IV. ĐIÊU KHẮC

Điêu khắc thời Thượng cổ - Điêu khắc thời Phật giáo – Phái Gandhara – Thời đại Gupta – Thời đại “thuộc địa” – Phán đoán tổng quát.

Chúng ta không thể nào chép lại lịch sử liên tục của ngành điêu khắc Ấn Độ, từ thời các tượng nhỏ ở Mohenjo-daro tới thời Açoka vì thiếu nhiều tài liệu, nhưng như vậy không có nghĩa rằng nghệ thuật đã có hồi ngưng phát triển. Có lẽ Ấn Độ bị dân tộc Aryen xâm lăng, hoá nghèo trong một thời gian, không đục tượng đá nữa mà đục tượng gỗ; cũng có thể rằng dân tộc Aryen mãi lo chiến tranh, chiếm đất mà không quan tâm tới nghệ thuật. Dù sao thì những tượng đá đầu tiên hiện nay chúng ta được biết, đều xuất hiện khá trễ, vào thời đại vua Açoka; nhưng thấy những nét đục rất khéo, ta không thể không ngờ rằng trước thời đại đó, môn điêu khắc đã tiến bộ được mấy thế kỉ rồi. Đạo Phật vốn ghét sự thờ phụng ngẫu tượng và mọi hình ảnh, đã làm cản trở sự phát triển của ngành hoạ và ngành đục tượng. Phật Tổ đã “cấm vẽ hình đàn ông và đàn bà”, và sự cấm đoán đó nghiêm khắc gần như luật của Moïse, làm cho hai ngành đó bị thiệt hại nặng cũng như ở Judée và các nước Hồi giáo. Nhưng lần lần đạo Phật bớt tính cách khắc khổ, thì sự cấm đoán đó cũng được cởi mở và tín đồ cũng ham mê các biểu tượng, các huyền thoại như dân tộc Dravidien. Khi nghệ thuật điêu khắc xuất hiện trở lại (khoảng 200 trước Công nguyên), thì mới đầu chỉ là các phiến đá chạm nổi làm hàng rào chung quanh các stupa(tháp) Phật, hoặc các nấm mộ ở Bodh-gaya và Bharhut; nghĩa là lúc đó ngành điêu khắc chỉ là một ngành phụ của nghệ thuật kiến trúc, chứ không thành một nghệ thuật riêng. Ngành điêu khắc Ấn giữ địa vị phụ thuộc đó trong suốt lịch sử của nó, và ưa kĩ thuật chạm nổi hơn là kĩ thuật đục thành tượng (ronde-bosse)[18]. Trong các đền Jaïn ở Mathura, các điện Phật ở Amaravati và Ajanta, nghệ thuật chạm nổi đó đã đạt tới tột đỉnh. Một nhà chuyên môn rất sành bảo rằng bức tường rào ở Amaravati là “đoá hoa đẹp nhất, có xuân tình nhất của ngành điêu khắc Ấn”.

Cũng vào thời đại đó, nhờ sự bảo trợ của các vua Kushan, một phái điêu khắc khác phát triển trong tỉnh Gandhara, tại Bắc Ấn. Triều đại bí mật này xuất hiện thình lình ở phương Bắc – có lẽ là gốc Bactriane – Hi Lạp – đem vào ngành điêu khắc Ấn một chút khuynh hướng Hi Lạp, bắt chước các hình dáng Hi Lạp. Phái Đại Thặng thắng ở hội nghị Kanisha rồi bãi bỏ sự cấm đoán thờ hình tượng, mở rộng cửa cho ngành điêu khắc. Dưới sự chỉ huy của các bậc thầy Hi Lạp, ngành điêu khắc Ấn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hi Lạp; Phật Tổ có hình dáng, nét mặt gần giống thần Apollon và có vẻ muốn leo lên đỉnh Olympe, tức nơi ngự trị của các vị thần Hi Lạp; các vị thần và thánh Ấn Độ cũng quấn những áo, khăn lướt thướt như trên các hiên đền thờ của nhà điêu khắc Phidias và ta thấy những vị Bồ tát nghiêm trang, mộ đạo chen vai thích cánh với bọn Silène (thần sông, suối Hi Lạp) say rượu. Người ta đục cho Phật Tổ và môn đồ của Ngài những bức tượng mà hình dung đã được lí tưởng hoá, có vẻ gần như đàn bà nữa, ấy là chưa kể những bức tượng gớm ghiếc theo chủ trương hiện thực thời Hi Lạp suy đồi, chẳng hạn bức tượng Phật Tổ ở Lahore, chỉ còn da với xương, đếm được từng chiếc xương sườn và từng đường gân. tóc bới như đàn bà, nét mặt cũng như đàn bà mà lại râu ria xồm xoàm. Nghệ thuật nửa Phật giáo nửa Hi Lạp đó đã gây một ấn tượng mạnh cho Huyền Trang và có lẽ chính ông với các nhà sư hành hương qua Ấn sau ông đã du nhập nghệ thuật đó vô Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản; nhưng ảnh hưởng của nó tới ngành điêu khắc, ngay cả ở Ấn, cũng không được bền. Thịnh được vài thế kỉ, phái Gandhara mất hẳn và nghệ thuật thuần tuý Ấn xuất hiện trở lại dưới các triều đại bản xứ, lại theo các truyền thống do các nghệ sĩ Bharhut, Amaravati và Mathura để lại, không còn lưu tâm chút gì tới phái Gandhara lai Hi Lạp nữa.

Dưới các triều đại Gupta, ngành điêu khắc cũng thịnh như mọi ngành khác. Đạo Phật lúc đó không còn ghét các hình tượng nữa, một phái Tân Bà La Môn khuyến khích thuật tượng trưng và thuật tô điểm tôn giáo bằng mọi hình thức nghệ thuật. Tàng cổ viện Mathura hiện nay còn giữ được một bức tượng Phật bằng đá rất đẹp, cặp mắt trầm lặng, suy tư, môi dày, hình dáng hơi kiều diễm quá, chân vuông bè bè, to lớn. Tại tàng cổ viện Sarnath có một tượng Phật khác cũng bằng đá, ngồi theo một tư thế đã thành cổ điển; nghệ sĩ đã diễn được vẻ từ bi và vẻ an tĩnh khi nhập định. Ở Karachi có một tượng Brahma nhỏ bằng đồng đỏ sao mà giống Voltaire lạ lùng.

Ở Ấn Độ, trong một ngàn năm trước khi bị dân tộc Hồi giáo xâm lăng, bất kì nơi nào cũng thấy có nhiều nghệ phẩm điêu khắc. Ngành đó tuy bị lệ thuộc vào tôn giáo và ngành kiến trúc, nhưng đã tìm được nguồn hứng trong sự lệ thuộc đó. Bức tượng rất đẹp tạc thần Vichnou, ở Sultanpur, bức tượng Padmapani đục đẽo rất tinh vi, bức tượng khổng lồ tạc thần Shiva ba mặt (gọi là Trimurti) ở trong hang Elephanta, tượng đá nữ thần Rukmini được dân chúng thờ ở Nokkas, và làm cho ta nhớ tới Praxitèle, nhà điêu khắc Hi Lạp ở thế kỉ IV trước Công nguyên; tượng thần Shiva múa rất duyên dáng, có tên là Natadaja, do các thợ thủ-công-nghệ-sĩ ở Tanjore đúc bằng đồng đỏ, con hoẵng bằng đá ở Mamallapuram, và tượng thần Shiva uy nghi ở Perur; tất cả những nghệ phẩm ở khắp nơi đó chứng tỏ rằng nghệ thuật điêu khắc được truyền bá trên toàn cõi Ấn Độ.

Nó còn vượt khỏi biên giới Ấn nữa, và do những kích thích tương tự, bằng những phương pháp y hệt, nó sản xuất được nhiều nghệ phẩm ở Turkestan, ở Cao Miên, tới cả Java và Tích Lan. Chúng tôi xin kể làm thí dụ tượng đá tạc cái đầu hình như là của một em trai mà đoàn thám hiểm của ông Aurien Stein đã đào được trong lớp cát ở Khotan; đầu một tượng Phật ở Thái Lan; những tượng “Harihara” ở Cao Miên làm cho ta nhớ tới nghệ thuật Ai Cập; những tượng đồng đỏ rất đẹp ở Java; đầu thần Shiva ở Prambanam[19]như còn chịu chút ảnh hưởng của phái Gandhara; tượng một người đàn bà tuyệt mĩ ở Tàng cổ viện Leyde; tượng Bồ tát ở viện Tàng điêu khắc phẩm Copenhague; tượng Phật Tổ bình tĩnh mà mạnh mẽ, với tượng Avalokiteshvara (vị thần từ bi ngó xuống nhân loại)[20]chạm trổ rất tinh vi ở đền Borobudur (Java), hoặc tượng Phật Tổ to lớn, cổ kính ở Anuradhapura (Tích Lan). Bảng liệt kê các công trình điêu khắc đã làm tốn biết bao huyết hãn trong bao nhiêu thế kỉ đó, tuy khô khan thật nhưng cho độc giả thấy ảnh hưởng của Ấn Độ tới những quốc gia trong khối văn minh Ấn.

Mới lần đầu thì khó mà yêu được nghệ thuật điêu khắc đó; chỉ những người tinh thần vừa rất thâm thuý vừa rất khiêm tốn mới bỏ thành kiến của mình đi khi ra nước ngoài. Chúng ta phải là người Ấn hoặc là dân những nước đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn minh Ấn, cho nghệ thuật Ấn là cao hơn cả, mới nhận được ý nghĩa tượng trưng của các tượng đó, các sứ mệnh và quyền năng siêu nhiên của các vị thần có hàng chục tay và chân đó mà mới hiểu được tính cách hiện thực của các hình thù kì quái đó, nó tượng trưng những năng lực siêu nhiên phong phú mà hỗn độn, vô cớ sáng tạo ra hết thảy rồi lại vô cớ huỷ diệt hết thảy. Ta lấy làm lạ, sao dân chúng trong làng xóm Ấn gầy ốm làm vậy mà tượng thần nào cũng mập mạp; nguyên do là đa số các thần đó đều ở vào cái thời sơ khai, trái đất lúc đó còn phì nhiêu. Chúng ta cũng ngạc nhiên rằng sao người Ấn lại tô màu các tượng, như vậy là chúng ta không biết hồi xưa Hi Lạp cũng có tục đó, mà các tượng thần do Phidias và môn đệ của ông đục đẽo, nay để lộ những nét cao quí cổ điển, là vì lớp sơn ở ngoài đã mất từ lâu rồi. Chúng ta tiếc rằng trong môn điêu khắc Ấn, rất hiếm thấy hình phụ nữ, chúng ta cho như vậy là dấu hiệu chứng tỏ địa vị phụ thuộc của họ trong gia đình, xã hội; nhưng xét cho cùng hình đàn bà khoả thân đâu phải là căn bản cần thiết cho nghệ thuật tạo hình, mà đàn bà khi làm mẹ có lẽ còn đẹp hơn khi là con gái, nữ thần Demeter cao quí hơn nữ thần Aphrodite[21]. Hoặc giả tại chúng ta quên rằng các nghệ sĩ không được theo cảm hứng của mình mà phải theo lời chỉ bảo của các tu sĩ, vì nghệ thuật ở Ấn Độ chỉ là để phục vụ tôn giáo và thần học. Tôi muốn nói thêm rằng chúng ta quá nghiêm trang khi phê phán các tượng mà người thợ đã cố ý đục cho thành hình xấu xí, kì quái, hoặc thành những con quỉ nhát kẻ ác; chúng ta ghê tởm quay mặt đi, như vậy tỏ rằng nghệ sĩ đã đạt được mục đích đấy.

Tuy nhiên phải nhận rằng ngành điêu khắc ở Ấn không thể so sánh với ngành văn thơ được về phương diện cao nhã, với ngành kiến trúc về phương diện vĩ đại, hùng tráng, và với ngành triết học về phương diện thâm thuý, nó chỉ phản ánh được những quan niệm mơ hồ, hỗn độn của các giáo phái từng miền thôi. Nó hơn môn điêu khắc Trung Hoa và Nhật Bản đấy nhưng không sao đạt được cái hoàn thiện lãnh đạm của nghệ thuật điêu khắc Ai Cập, và cái vẻ đẹp linh động mà dễ cảm lòng người của các tượng đá Hi Lạp. Muốn hiểu được bản tính và nguyện vọng của nó, ta phải có cái lòng mộ đạo kính tín, nồng nhiệt của thời Trung cổ. Sự thực, chúng ta đòi hỏi quá nhiều ở ngành điêu khắc và ngành hoạ Ấn; chúng ta phê phán chúng cơ hồ như coi chúng là những hình thức nghệ thuật được hoạt động tự do như ở nước ta; và chúng tôi có lẽ đã lầm, theo truyền thống tư tưởng của phương Tây, tách các ngành đó riêng ra. Giá chúng ta, như người Ấn, đặt chúng chung với ngành kiến trúc, coi chúng là những bộ phận của môn kiến trúc vô song Ấn Độ, thì chúng ta có thể tự hào là đã tiến bộ được một chút trong việc tìm hiểu nghệ thuật Ấn.

V. KIẾN TRÚC

1. KIẾN TRÚC ẤN ĐỘ

Trước Açoka – Thời đại Açoka – Kiến trúc Phật giáo – Kiến trúc Jaïn – Các đền đài phương Bắc – Các đền đài đó bị tàn phá – Kiến trúc phương Nam – Các đền đục trong một khối đá – Các đền xây cất.

Các công trình kiến trúc trước thời đại Açoka, nay không còn gì cả. Ở Mohenjo-daro chỉ còn những đống gạch vụn, mà các nhà cửa, đền chùa ở thời Veda và thời Phật giáo có lẽ cất toàn bằng gỗ. Có lẽ Açoka là ông vua đầu tiên dùng đá để xây cất. Trong cổ thư có nói tới những ngôi nhà bảy từng và những lâu đài rất đẹp, nhưng nay không còn chút di tích nào cả. Mégasthènes tả cung điện của Chandragupta, khen là đẹp hơn cả những cung điện Ba Tư thời đó, trừ cung điện ở Persépolis, mà người Ấn đã coi là kiểu mẫu. Cho tới thời Açoka, Ấn Độ còn chịu ảnh hưởng đó của Ba Tư; coi bản đồ cung điện Açoka, ta thấy nó giống bản đồ điện Trăm Cột ở Persépolis; cột trụ Açoka ở Lauriya trên đỉnh có một đầu cột hình đầu sư tử, cũng là chịu ảnh hưởng kiến trúc Ba Tư.

Khi Açoka cải giáo, theo đạo Phật rồi thì kiến trúc Ấn trút bỏ hết ảnh hưởng ngoại lai mà lần lần mượn các tượng trưng và nguồn hứng của tôn giáo mới. Sự thay đổi đó thấy rõ trên cái đầu cột lớn, di tích duy nhất còn lại của một cột trụ khác ở Sarnath, trong thời đại Açoka, kĩ thuật bố trí đã hoàn hảo và ông John Marshall khen là không kém các công trình thời cổ đẹp nhất trong loại đó; chúng ta thấy bốn con sư tử đâu lưng vào nhau trong thế tự vệ; dáng điệu thì chịu ảnh hưởng của Ba Tư, nhưng ở dưới bốn con sư tử đó, có một trụ ngạch dài trạm trổ rất khéo, và ta nhận ra được một con vật hoàn toàn ở Ấn Độ, như con voi, với hình bánh xe luân hồi, tiêu biểu cho Ấn Độ; ở phía dưới trụ ngạch có một bông sen lớn bằng đá mà mới đầu người ta tưởng là một kiểu trang sức của Ba Tư, bây giờ ai cũng nhận rằng đó là kiểu cổ nhất, lưu hành nhất, đặt biệt nhất trong mọi kiểu tượng trưng của nghệ sĩ Ấn. Bông sen đó hướng lên trên, nhưng cánh rủ xuống đất, nhuỵ hiện rõ ràng, có vẻ như cái rốn của vũ trụ, hoặc được dùng làm cái ngai cho một vị thần vì người Ấn cho nó là hình đẹp nhất trong thiên nhiên. Cách dùng bông sen với ý nghĩa tượng trưng đó lan qua Trung Hoa và Nhật Bản. Một hình tương tự dùng để vẽ các kiểu cửa và cửa sổ, lần lần biến thành hình “móng sắt ngựa” của các khung vòm và mái tròn thời Açoka; hình này có lẽ mới đầu là hình các mái nhà lợp rạ khum khum như mui vải các xe bò mà người Bengali căng lên trên một cái sườn bằng tre uốn cong.

Kiến trúc tôn giáo thời Phật giáo, nay chỉ còn lại vài ngôi đền hoang tàn, nhưng trái lại người Ấn còn giữ được vô số “topa” và tường rào. Thời khai thuỷ, từ ngữ “topa” hoặc “stupa” trỏ một nắm mồ; tới thời Phật giáo nó trỏ một cái tháp, phần nhiều để chứa hài cốt một vị thánh. Thường thường một “topa” cất theo hình một mái tròn bằng gạch trên đỉnh có một chóp nhọn chung quanh có tường rào bằng đá chạm nổi. Một trong những cái topa cổ nhất chúng ta được biết là topa Bharhut, nhưng hình chạm nổi thô lậu quá. Bức tường rào đẹp nhất còn giữ được là bức tường Amaravati, mà bề mặt những chỗ chạm nổi tới một ngàn sáu trăm mét vuông, đục rất khéo, rất có nghệ thuật, tới nỗi Fergusson khen là “có lẽ Ấn Độ không có công trình nào đẹp hơn nữa”. Stupa nổi danh nhất là stupa Sanchi, nó là một bộ phận trong một toàn thể mà du khách có thể lại coi ở Bhilsa, miền Bhopal. Những cổng bằng đá của nó có lẽ bắt chước kiểu các cổng bằng gỗ, giống những pailuturiimà ở Viễn Đông ta thường thấy khi lại gần các ngôi đền. Mỗi cái cột, mỗi cái đầu cột, mỗi cái cây tréo, mỗi cây chống đỡ đều đầy hình chạm nổi hỗn tạp đủ các thảo mộc, thú vật, người và thần thánh. Trên một cái cột ở cổng phía Đông, có một mặt đá chạm rất khéo hình tượng trưng đạo Phật – tức gốc Bồ Đề nơi mà Phật đã giác đạo; cũng trên cổng đó, ta còn thấy một nữ thần điệu bộ dâm đãng (nữ thần Yakshi) chân tay nặng nề, mông đầy, bụng thon, vú nhô ra đồ sộ.

Trong khi hài cốt các vị thánh nằm trong các topa, thì các tu sĩ đục đá, chạm trổ trong các ngôi đền, tránh mưa tránh nắng, mà lại được an tĩnh nhàn nhã. Muốn nhận định được sức mạnh của tinh thần tôn giáo ở Ấn, chúng ta chỉ cần nhớ rằng ngày nay còn khoảng trên một ngàn hai trăm cái đền-hang trong số mấy ngàn cái đục vào các thế kỉ đầu tiên của Công nguyên, một số là đền Jaïn, đền Bà La Môn, đa số là chùa Phật. Xét chung thì cửa vô các Vihara (tu viện) đó chỉ là một cái cổng hình móng sắt ngựa hoặc hình bông sen; đôi khi, như ở Nasik, cổng là cả một mặt tiền gồm nhiều cột trụ to lớn, đầu cột đục hình loài vật; nhiều tu viện được trang hoàng bằng cột, cổng, hàng rào trạm trỗ rất đẹp. Phía trong có một cái chaitya, tức phòng họp, với các hàng cột để ngăn cách gian giữa với gian các bên, lại có những trai phòng nhỏ cho các tu sĩ, và ở phía trong cùng, đối diện với cửa, là một bàn thờ treo các thánh tích[22]. Một đền-hang vào hàng cổ nhất mà cũng đẹp nhất trong số các đền-hang còn lại là đền Karleở vào khoảng từ Bombay tới Poona; người ta có thể nói rằng Phật giáo Tiểu Thặng đã tạo được ở đó công trình kiến trúc danh tiếng nhất.

Các hang ở Ajanta, như chúng ta đã nói, chứa những bức hoạ đẹp nhất của Phật giáo, với đền-hang Karle, đáng nói là những kiểu mẫu của nghệ thuật hỗn hợp, nửa kiến trúc, nửa điêu khắc, đặc điểm của các ngôi đền Ấn Độ. Hang số I và II có những phòng hội họp mênh mông, trần trạm trổ và vẽ sơ sài nhưng rất có nghệ thuật, có những cột lớn đục đường xoi (cannelé), chân vuông, phía trên tròn, trang hoàng hình tràng hoa, đầu cột rất lớn; hang XIX có đặc điểm này là mặt tiền trang hoàng nhiều tượng bụng phệ và nhiều hình chạm nổi rắc rối; trong hang XXVI có những cột trụ vĩ đại chống một cái ngạch đầy hình chạm trổ mà chỉ những nghệ sĩ nhiệt tâm lắm với tôn giáo mới có thể kiên nhẫn đục đẽo kĩ lưỡng như vậy được. Không thể nào không nhận rằng các hang Ajanta là những công trình đẹp nhất trong lịch sử nghệ thuật.

Trong số các chùa Phật khác chưa bị phá huỷ ở Ấn, có tính cách kích động ta nhất là ngôi tháp lớn Bodh-gaya, kiến trúc lạ lùng, có những hình vòng cung kiểu gô-tích (gothique)[23]mà xét ra thì có vẻ là xây cất từ đầu kỉ nguyên. Xét kĩ thì về kiến trúc Phật giáo, ngày nay chỉ còn lại rất ít mà giá trị của nó thuộc về phần điêu khắc hơn là phần kiến trúc; vì tinh thần nghiêm khắc trong mấy thế kỉ của đạo đó, mà đền chùa đều cực đơn giản, bề ngoài không có gì đẹp mắt, quyến rũ. Tín đồ đạo Jaïn chú ý tới kiến trúc hơn, ở thế kỉ XI và XII đền của họ đẹp nhất Ấn Độ. Họ không tạo ra một kiểu thức nào mới, mới đầu chỉ bắt chước đạo Phật, mà đục trong núi thành một cái đền (như ở Ellora), rồi sau cóp kiểu đền thờ Vichnou và Shiva nhô lên giữa một đám công trình xây cất chung quanh có tường rào, ở trên đỉnh một ngọn đồi. Những đền đó bề ngoài cũng rất đơn giản, phía trong trang hoàng rực rỡ, cách đó tượng trưng một tinh thần nhũn nhặn. Các tín đồ đua nhau đem bày trong điện những tượng nhỏ tạc hình các anh hùng Jaïn; ông Fergusson đã đếm được 6.449 tượng trong khu đền Shatrunjaya.

Đền Jaïn ở Aihole kiến trúc gần như theo kiểu Hi Lạp, hình chữ nhật, có những hàng cột ở ngoài, một cửa vô và một phòng giữa. Ở Khajuraho, các phái Jaïn, Vaishnavisme và Shivaisme, như muốn tỏ rằng ở Ấn Độ, tín ngưỡng được hoàn toàn tự do, xây cất hai mươi tám ngôi đền sát nhau, trong số đó ngôi đền Parshwanath gần đạt tới mức toàn mĩ; trên nóc, có những chóp lầu hình nón chồng chất lên nhau rất cao, trong đền có biết bao nhiêu tượng tạc các thần thánh Jaïn. Trên núi Abu, cao một ngàn hai trăm thước, ở giữa bãi sa mạc, các tín đồ Jaïn đã xây cất nhiều ngôi đền mà hai ngôi hiện còn đứng vững và được coi là công trình kiến trúc đẹp nhất của giáo phái đó, tức đền Vimala và đền Tejahpala. Mái tròn che đền thờ của đền Tejahpala là một trong những công trình làm cho ta ngộp, không thể nào tả nổi. Còn đền Vimala thì cất toàn bằng đá hoa trắng, có biết bao cột không đều nhau, nối nhau bằng những lan can (console) rất kì cục, mà đầu cột thì chạm trổ giản dị; trùm lên hết thảy là một mái tròn bằng đá hoa, ở trên chất đầy những tượng đá, chằng chịt, rực rỡ lạ lùng, mà Fergusson khen là “chi tiết chạm trổ rất đẹp, cách trang hoàng lựa chọn rất khéo, chưa có một đền đài nào bất kì ở xứ nào mà hơn được. Nếu so sánh thì thấy cách trang hoàng và chạm trổ của các nghệ sĩ Gô-tích ở các đền đài Oxford hoặc ở điện Henri VII trong nhà thờ Westminster hoá ra thô và nặng nề”.

Trong các đền Jaïn đó và các đền xây cất cùng một thời đại, ta thấy kiến trúc chuyển từ hình thức tròn của các điện thờ Phật qua hình thức tháp của thời Trung cổ Ấn. Gian giữa, chung quanh có các hàng cột và dùng làm chỗ hội họp, nay dời ra phía ngoài thành một thứ cổng mandapam[24]; điện đặt ở phía sau và ở phía trên điện xây một cái tháp gồm nhiều tầng, càng lên cao càng nhỏ, rất phức tạp mà ở chỗ nào cũng chạm trổ hết. Các đền ở Bắc Ấn xây cất theo kiểu đó. Những ngôi kích động ta nhất là những ngôi trong khu Bhuvaneshwara, thuộc tỉnh Orissa, mà ngôi đẹp nhất trong khu đó là ngôi đền Rajarani để thờ thần Vichnou, xây cất vào thế kỉ XI. Thật là một cái tháp vĩ đại, gồm những cột bán nguyệt chắp vào với nhau, chạm trổ đầy tượng, đỡ những từng tháp bằng đá, càng lên cao càng nhỏ, toàn thể là một cái tháp có những cạnh lõm vào, trên cùng là một cái vành tròn và một cái chóp nhọn. Bên cạnh đó là đền Lingaraja lớn hơn nhưng không đẹp bằng; nhưng trên vách và trên cái tháp, không có một phân vuông nào mà không chạm trổ, tới nỗi công trình điêu khắc tốn gấp ba công trình xây cất. Người Ấn tỏ lòng mộ đạo, sùng bái thần linh chẳng những trong việc xây cất những ngôi đền to lớn mà cả trong việc chạm trổ, trang hoàng tỉ mĩ nữa; để thờ thần thì làm cho đẹp tới đâu cũng vẫn là chưa đủ.

Chúng tôi biết rằng chỉ liệt kê các công trình kiến trúc khác ở Bắc Ấn, mà không tả rành rọt và không phụ thêm hình thì sẽ làm cho độc giả chán ngắt. Nhưng viết về văn minh Ấn Độ, thì làm sao có thể bỏ qua, không nhắc tới các ngôi đền Surya ở Kanarak và Mudhera, ngôi tháp Jagannath Puri, cái cửa Vadnagar tuyệt đẹp, các đền Sas-Bahu và Teli-ka-Mandir đục ngay trong núi đá ở Gwalior, cung điện của vua Man Sing, cũng ở Gwalior, và tháp Thắng trận ở Chitor. Cũng phải kể riêng các đền thờ ở Khajuraho của giáo phái Shivaite nữa. Cũng tại nơi đó, mái tròn của cổng đền Khanwar Math là một kiểu mẫu rất quí cho ta thấy tính cách hùng mạnh của kiến trúc Ấn với tinh thần kiên nhẫn, tưởng tượng dồi dào của các nhà điêu khắc Ấn. Đền thờ thần Shiva ở Eléphanta có những cột lớn đục đường xoi, những đầu cột hình nấm, những hình chạm nổi khéo vô song, những tượng đá rất đẹp, ngày nay đã hoang tàn rồi mà cũng còn cho ta được cái cảm giác về một thời cường thịnh, nghệ thuật phát đạt của Ấn.
Chúng ta không thể nào đánh giá được đúng nghệ thuật Ấn Độ vì sự ngu xuẩn và óc tín ngưỡng cuồng nhiệt của bọn xâm lăng đã phá huỷ hết các công trình đẹp nhất của Ấn, còn lại bao nhiêu thì cũng hư hại tới một nửa. Ở Eléphanta, bọn Bồ Đào Nha để tỏ rằng mình tận tâm phụng sự Chúa, đã đập phá một cách dã man các tượng và hình đục nổi trong đá, còn ở miền Bắc, gần như khắp nơi, bọn Hồi giáo đã san phẳng những kì quan của kiến trúc Ấn Độ ở thế kỉ thứ V và thứ VI, mà theo truyền thuyết, đẹp gấp mấy các đền đài hiện nay làm cho ta thán phục. Bọn Hồi giáo chặt đầu, đập bể chân bể tay các pho tượng, chở các cột trụ đẹp đẽ trong các đền Jaïn về xây các thánh đường của họ và bắt chước kiểu mẫu các cột đó. Thêm sức tàn phá của thời gian nữa, vì người Ấn theo chính giáo bỏ hẳn các ngôi đền bị phá, không chịu tu bổ, cho rằng đền đã bị bàn tay ngoại nhân làm dơ bẩn rồi.

Tuy nhiên, ngắm những công trình kiến trúc còn lại ở miền Nam, chúng ta cũng có được một ý niệm về sự hùng tráng trang nghiêm đã mất của kiến trúc miền Bắc. Tại miền Nam, ảnh hưởng của Hồi giáo nhẹ hơn, vả lại khi bọn Hồi tiến tới đó thì họ đã quen phong tục Ấn, bớt thâm oán người Ấn, không còn dã man như hồi họ mới xâm lăng. Thêm điểm này nữa là mãi tới thế kỉ XVI và XVII, kiến trúc tôn giáo ở phương Nam mới phát triển đẹp đẽ, mà thời đó, vua Akbar đã làm cho người Hồi thuần tính hơn, đã dạy cho họ biết thưởng thức nghệ thuật Ấn. Vì vậy mà miền Nam có nhiều đền đài đa số đẹp hơn các đền đài còn bảo tồn được ở miền Bắc, ít nhất thì cũng đồ sộ hơn, làm cho ta ngộp hơn. Fergusson đã đếm được ở miền đó khoảng ba chục ngôi đền của người Dravidien, mà mỗi ngôi xây cất tốn không kém một giáo đường Anh. Phương Nam đã thay đổi kiểu thức phương Bắc, phía trước cái mandapam(cổng) còn xây thêm một cửa chính gọi là gopuram, mà cái cổng gồm một hàng cột chống đỡ. Họ lại tạo ra nhiều biểu hiệu đủ thứ, như cái Swastika[25], biểu hiệu mặt trời, hình ảnh của bánh xe luân hồi, và bày ở trong đền vô số tượng các loài vật linh thiêng. Con rắn vì lột xác, nên dùng để tượng trưng sự đầu thai; con bò mộng mạnh mẽ tượng trưng sức sinh thực, ai cũng ham; cái linga, tức dương vật, tượng trưng quyền tối thượng của thần Shiva trong sự sinh thành, nhiều khi người ta xây cất ngôi đền theo hình cái linganữa.

Các đền phương Nam gồm ba yếu tố: trụ quan (portique), cổng có nhiều cột và cái tháp (vivana), ở trong có điện, tức phòng hội họp chính. Trừ ít lệ ngoại, như lâu đài Tirumala Nayyak ở Madura, kiến trúc phương Nam gồm toàn những đền chùa, những nơi thờ phụng. Người Ấn xây nhà để ở thì qua loa, sao cũng được, nhưng hễ làm gì cho tu sĩ và cho thần thánh thì họ dùng hết tài năng, không tiếc công. Điều đó cho ta thấy rõ hơn điều nào hết rằng chế độ thần quyền là chế độ phổ thông ở Ấn. Trong số bao nhiêu công trình kiến trúc xây cất dưới triều đại các vua Chalukyan, ngày nay chỉ còn lại các ngôi đền. Chỉ một người Ấn mộ đạo, học rộng mới có đủ dụng ngữ phong phú để miêu tả, tán thưởng sự cân đối tuyệt đẹp của chính điện Ittagi ở Hyderabad[26], hoặc đền Somnathpur (tiểu quốc Mysore) trong đó ta thấy những khối đá vĩ đại chạm trổ như hàng ren (đăng-ten: dentelle), hoặc đền Hoyshaleshwara ở Halebid, cũng trong tiểu quốc Mysore, mà Fergusson khen là “ai muốn biện hộ cho môn kiến trúc Ấn thì có thể kể ngôi đền đó để dẫn chứng mà thuyết phục”. Ông lại nói thêm: “Chúng ta thấy ở đó các đường thẳng đứng và bình hành phối hợp với nhau một cách rất đẹp, thấy chỗ sáng và chỗ tối được phân phối một cách tài tình, tới nỗi toàn thể hơn hẳn tất cả những công trình đẹp nhất của nghệ thuật gô-tích. Các kiến trúc sư châu Âu thời Trung cổ cũng muốn đạt được kết quả đó, gây cho ta ấn tượng đó, nhưng không bao giờ họ thành công hoàn toàn như ở Halebid”.

Chúng ta phải phục lòng mộ đạo của các người thợ đã đục một trăm bảy chục mét vuông trụ ngạch (frise) trong đền Halebid thành hình hai ngàn con voi, không con nào giống con nào. Rồi sự kiên nhẫn, hùng tâm để đục cả một ngôi đền trong lòng núi, mới đáng sợ chứ! Mà đó là công việc thường làm của các thợ thủ công Ấn. Ở Mamallapuram, trên bờ biển phía Đông, gần Madras, họ đã “đục đẽo” như vậy nhiều ratha, tức ngôi chùa, đẹp nhất là chùa Dharma-raja-ratha, tức tu viện Kỉ luật tối cao. Ở Ellora, nơi hành hương danh tiếng của tiểu quốc Hyderabad, các tín đồ đạo Phật, đạo Jaïn và Ấn giáo chính thống đã ganh đua nhau đục ngay trong núi thành những đền lớn bằng nguyên một khối đá, đẹp nhất là chánh điện đền Ấn giáo Kailasha; Kailasha là tên trỏ thiên đường trong thần thoại về Shiva, mà người Ấn đặt ở trên núi Hymalaya. Ở đây, các thợ Ấn quả là không biết mệt, đã chặt ba mươi mét đá trong núi để tách riêng khối ở giữa ra, khối này dọc bảy mươi hai mét, ngang bốn mươi tám mét, tức là ngôi đền; rồi họ đục ở phía ngoài cho thành những cột lớn, những pho tượng, những hình chạm nổi; ở phía trong, họ chạm trổ một cách phóng túng lạ lùng: tôi chỉ xin kể làm thí dụ cái “bích hoạ”[27]rất táo bạo, gọi là “Tình nhân”[28]. Làm xong các việc đó rồi, lòng đam mê kiến trúc của họ vẫn chưa được thoả, ở ba mặt hầm đá[29], họ đục sâu trong núi thành một dãy điện thờ và trai phòng. Vài nhà phê bình Ấn Độ bảo rằng đền Kailasha có thể so sánh với bất kì công trình mĩ thuật nào khác mà không sợ thua.

103lichsuvanminhando-08b
Ảnh hai bức điêu khắc trong đền Kailasha (Nguồn: http://www.loupiote.com)

Những công trình như vậy làm đổ biết bao huyết hãn của dân chúng. Nhưng các nghiệp hội và các nhà chỉ huy có bao giờ biết mệt đâu, họ dựng lên biết bao đền thờ vĩ đại rải rác trên khắp miền Nam Ấn Độ, tới nỗi nhà chuyên môn hay du khách đứng trước những khối vĩ đại, nhiều như nấm đó, không làm sao nhớ được những nét đặc biệt của mỗi ngôi đền nữa.

Ở Pattadakal, hoàng hậu Lokamahadevi, một trong số các bà vợ của vua Chalukyan Vikramaditya II, xây cất ngôi đền Virupaksha để thờ thần Shiva, đền đó vào hàng lớn nhất của Ấn. Ở Tanjore, phía Nam Madras, Đại vương Chola Rajaraja, sau khi chiếm được hết miền Nam Ấn và đảo Tích Lan, chia phần với thần Shiva, dựng cho thần một ngôi đền đẹp đẽ để tượng trưng quyền năng sáng tạo của thần[30]. Gần Trichinopoly, phía Tây Tanjore, trên một ngọn đồi cao, tín đồ giáo phái Vichnou đã xây cất đền Shri Rangam mà nét đặc biệt là có một madapamgồm rất nhiều cột, như một “phòng ngàn cột”; mỗi cây cột là một phiến đá nguyên khối chạm trổ rất kĩ, các thợ Ấn đương làm việc thì phải chạy tán loạn vì bọn xâm lăng Anh và Pháp bắn xả vào nhau để tranh nhau đất Ấn. Gần đó, ở Madura, hai anh em Muttu và Trirumala Nayyak đã dựng một đền rộng rãi để thờ thần Shiva, đền này cũng có một “phòng ngàn cột”, một hồ nước thiêng, và mười cái cửa gopurammà bốn cái rất cao, trang hoàng đầy tượng, không hở một chỗ. Tất cả các công trình kiến trúc đó làm cho chúng ta thực tình là phải ngộp; chỉ xét những ngôi hiện nay còn đứng vững, chúng ta cũng có thể tưởng tượng được nghệ thuật kiến trúc dưới triều các vua Vijayanagar phong phú, đồ sộ ra sao. Sau cùng, ở Rameshvaram, giữa quần đảo người ta gọi là “Cầu Adam” nối Ấn Độ với Tích Lan, các người Bà La Môn đã bỏ ra sáu trăm năm (1.200 tới 1.769) để xây một ngôi đền chung quanh là một trụ quan (portique) vĩ đại dài một ngàn hai trăm thước có hai hàng cột chạm trổ cực đẹp; đi dọc hành lang đó, không bị nắng dọi, cả triệu khách hành hương có thể ngắm cảnh rực rỡ thay đổi từng lúc của biển, từ bao nhiêu thế kỉ nay, họ từ mọi nơi lại để kể lể nỗi khổ và tỏ niềm hi vọng với các thần linh thản nhiên trên toà.

2. KIẾN TRÚC “THUỘC ĐỊA”

Tích Lan – Java – Cao Miên – Dân tộc Khmer – Tôn giáo của họ - Angkor – Đế quốc Khmer sụp đổ – Xiêm – Miến Điện.

Khi các tôn giáo Ấn Độ vượt biên giới và các eo biển mà truyền qua Tích Lan, Java, Cao Miên, Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Khotan, Turkestan, Mông Cổ, Trung Hoa, thì nghệ thuật Ấn cũng lan tràn theo vào các xứ đó[31]. “Ở châu Á, con đường nào cũng xuất phát từ Ấn Độ”[32]. Người Ấn từ thung lũng sông Gange tiến xuống chiếm đảo Tích Lan ở thế kỉ thứ V trước Công nguyên. Hai trăm năm sau, vua Açoka sai một hoàng tử và một công chúa qua đó truyền bá đạo Phật. Mặc dầu phải chống cuộc xâm lăng của dân tộc Tamil[33], trong mười lăm thế kỉ mà dân Tích Lan vẫn bảo tồn được nền văn minh phong phú của họ cho tới khi bị người Anh chiếm năm 1815.
Về kiến trúc Tích Lan, mới đầu xây cất những dagoba, tức những điện thờ mái tròn như các stupaở phương Bắc, sau họ mới dựng những ngôi đền lớn như các đền hoang tàn tại cố đô của họ, Anuradhapura; họ cũng đục được những tượng Phật đẹp nhất và vô số nghệ phẩm khác. Sau công cuộc xây cất “Đền Răng Phật” ở Kandy, dưới triều đại vương cuối cùng của Tích Lan, vua Kirti Shri Raja Singha, họ không tạo được công trình nào lớn lao nữa. Kế đó họ mất độc lập, giới quí tộc suy tàn và không còn bọn người giàu có, hiểu nghệ thuật, khuyến khích, bảo hộ nghệ sĩ nữa.



*

Thật đáng lấy làm lạ, ngôi chùa Phật lớn nhất – có vài nhà chuyên môn còn cho là ngôi đền lớn nhất thế giới nữa – không phải ở trên đất Ấn mà ở trên đảo Java. Thế kỉ thứ VIII, triều đại Shailendra ở Sumatra chiếm được đảo Java, đưa đạo Phật lên thành quốc giáo, bỏ tiền ra xây cất ngôi chùa vĩ đại Borobudur (nghĩa là Chùa Nhiều Phật)[34]. Ngôi chùa chính nhỏ thôi, có một cách bố trí khá đặc biệt - ở giữa là một stupanhỏ mái tròn, chung quanh có bảy mươi hai cái topasắp theo hình những vòng tròn đồng tâm. Nếu chỉ có bấy nhiêu thì chùa Borobudur đã có gì là đáng kể? Nó vĩ đại là vì có cái bệ mênh mông (mastaba), vuông vức, mỗi chiều một trăm hai chục thước, cao bảy từng, càng lên cao càng hẹp lại. Đi tới mỗi góc lại thấy những tượng mới; có hết thảy 436 tượng Phật, mỗi tượng có những nét khác nhau. Rồi thấy như vậy là chưa đủ, người Java còn đục trong vách đá của bảy từng, hết thảy được năm cây số hình chạm nổi ghi lại đời Phật Tổ, từ khi Ngài sanh đến khi Ngài đắc đạo, nét đục rất tinh vi, khắp châu Á không nơi nào đẹp bằng. Ngôi chùa đó và các ngôi đền Bà La Môn ở Prambanam cũng gần đó, đánh dấu sự tiến bộ tột đỉnh của môn kiến trúc Java, sau đó bắt đầu ngay thời kì suy vi. Trong một thời gian, Java là một hải quốc hùng cường, sống trong cảnh giàu có, xa hoa, có cả một thi phái nữa. Nhưng năm 1479, người Hồi chiếm cảnh thiên đường ở miền nhiệt đới đó, và Java không còn sản xuất được một công trình nghệ thuật nào cả. Năm 1595, người Hoà Lan ghé vào bờ biển họ, và trong thế kỉ sau, bọn xâm lăng đó lần lần chiếm hết tỉnh này tới tỉnh khác, rồi thống trị được toàn đảo.

*

Chỉ có mỗi một đền Ấn là vĩ đại hơn chùa Borobudur mà đền đó cũng ở xa Ấn Độ, bị rừng rậm bao phủ, che lấp trong mấy thế kỉ. Năm 1858, một nhà thám hiểm Pháp ngược thung lũng sông Cửu Long, bỗng thấy lấp ló sau đám cây trong một khu rừng, một ngôi đền vĩ đại, uy nghi lạ lùng, bị cây cối và dây leo che phủ hết; y như một ảo ảnh thần kì vậy. Cũng ngày hôm đó, ông ta tìm thấy được nhiều ngôi đền nữa, có ngôi đã bị rễ cây len lõi vô, làm cho các phiến đá rời ra, đổ xuống; ông ta có cảm tưởng tới đúng lúc để nhìn cái cảnh sức mạnh man rợ của thiên nhiên thắng công trình của loài người. Phải đợi sau có nhiều du khách khác xác nhận, người ta mới tin lời của nhà thám hiểm Henri Mouhot đó; kế đó, có nhiều phái đoàn khoa học lại xem xét các đền đài hẻo lánh giữa rừng, rồi trường Viễn Đông của Pháp trụ sở ở Hà Nội bắt đầu nghiên cứu cổ tích đó một cách có hệ thống. Bây giờ đền Angkor Wat được coi là một kì quan trên thế giới[35].

Đầu kỉ nguyên, miền của bán đảo Đông Dương mà ngày nay người ta gọi là Cao Miên, gồm những thổ dân Khambuja (hoặc Khmer), gốc gác phần lớn là Trung Hoa, phần nhỏ là Tây Tạng. Khi Chu Đạt Quan (Tcheou-Ta-Kouan), sứ thần Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) lại kinh đô Khmer, tức Angkor Thom, thì thấy chính quyền xứ đó vững vàng, dân chúng sung túc nhờ siêng năng và nhờ trồng lúa.

Ông ta kể rằng vua Khmer có năm bà hoàng hậu: “một bà chính cung và bốn bà ở bốn cung: đông tây nam bắc”, thêm bốn ngàn cung tần mĩ nữ nữa hầu hạ trong các công việc khác. Vàng bạc, châu báu rất nhiều; du thuyền qua lại trên hồ; phố xá ở kinh đô đầy xe cộ, kiệu phủ rèm, voi cưỡi trang sức rực rỡ, dân số tới một triệu. Đền nào cũng có nhà thương đủ y sĩ và nữ y tá.
Mặc dầu dân gốc Trung Hoa mà văn minh lại gốc Ấn Độ. Mới đầu họ thờ rắn thần Naga đầu bạnh ra như cái quạt, hình rắn đó, ở đền chùa, cung điện nào cũng thấy, rồi sau họ thờ ba vị thần Brahma, Vichnou, Shiva ở Ấn Độ do Miến Điện truyền qua; cũng gần như đồng thời, đạo Phật xuất hiện và Phật Tổ với Vichnou, Shiva được người Khmer tôn sùng nhất. Trên đá còn ghi những số lượng vĩ đại gạo, bơ, và các thứ dầu quí mà dân chúng mỗi ngày cúng dường các tu sĩ.

Cuối thế kỉ thứ IX, người Khmer xây cất đền Bayon để thờ thần Shiva, đền đó là một trong những ngôi cổ nhất còn lại, nhưng nay đã bị cây cối bao phủ và thành hoang tàn[36]. Trong một ngàn năm, các phiến đá chỉ chồng lên nhau chứ không có hồ, rời rã, nghiêng đổ, mà hình Brahma và Shiva ở trên các tháp, chỉ còn là những bộ mặt to lớn, nhăn nhó, không còn một nét thần linh nào cả. Ba thế kỉ sau, bọn nô lệ của nhà vua và tù binh xây dựng đền Angkor Wat, một công trình kiến trúc có thể so sánh được với công trình đẹp nhất của Ai Cập, Hi Lạp, và những giáo đường đẹp nhất thời Trung cổ. Chung quanh ngôi đền là một cái hào vĩ đại, dài gần hai chục cây số, có một cái cầu lát đá bắc qua hào, hai bên là những hình rắn Naga coi thấy ghê, qua cầu rồi thì tới một bức tường thành trang hoàng rất đẹp, rồi tới những dãy hành lang rộng chạm nổi những chuyện kể trong anh hùng ca MahabharataKamayana; sau cùng tới ngôi đền, uy nghi trên một cái bệ rộng có những bậc thang đưa lên, càng lên cao bệ càng hẹp lại, như hình kim tư tháp, lên tới chót vót, ở trên cao sáu chục mét, là vô điện thờ. Ngôi đền kích thước đồ sộ như vậy mà không thô, trái lại vẫn đẹp, có một vẻ lộng lẫy mà uy nghi, làm cho du khách phương Tây tưởng tượng được một phần nào – rất nhỏ thôi – tính cách hùng tráng của văn minh cổ phương Đông. Ta tưởng tượng đám dân chúng trong kinh đô, đám nô lệ tập hợp lại, kẻ đẽo, đập, người kéo, bứng những phiến đá nặng, và bọn thợ chạm nổi, đục thành tượng, thủng thẳng, kiên nhẫn như thể có cả một thời gian vô cùng để sống; các tu sĩ đi qua đi lại, rầy mắng, an ủi; các devadasi(còn hình trên các phiến đá hoa cương) an ủi lại các tu sĩ; giới quí tộc xây những cung điện có bệ rộng mênh mông rực rỡ, như điện Phinean-Akas; và ở trên cả đám người đó, do công lao của họ, các ông vua hùng cường, tàn nhẫn được đề cao, quyền uy lớn thêm, ngang với thần thánh.

Các ông vua đó, cần dùng nhiều nô lệ, tất thích gây chiến. Họ thường chiến thắng, nhưng vào cuối thế kỉ XIII – khoảng “giữa đường đời” của Dante[37]– đạo quân Xiêm thắng quân Khmer, tàn phá châu thành của họ và các đền đài, cung điện rực rỡ của họ hoá ra hoang tàn. Ngày nay, thỉnh thoảng có vài du khách thơ thẩn giữa những đống đá ngổn ngang đó, ngạc nhiên rằng sức cây cối sao mà mạnh thế, cành và rễ nó len lỏi vào những khe đá, những chỗ rạn nứt trên tường mà làm cho các phiến đá rã rời ra, đổ sụp. Có gì đâu? Chỉ vì đá không có thị dục và không thể lớn lên được.

Chu Đạt Quan nhắc tới nhiều cuốn sách do người Angkor viết, nhưng ngày nay thất lạc hết, không còn lấy một trang; cũng như chúng ta, các văn sĩ thời đó viết những tư tưởng có thể bị huỷ diệt trên một chất cũng dễ bị huỷ diệt, và tất cả những vị “bất tử” của họ nay đã chết hết rồi. Những hình chạm nổi rất đẹp ở đền Angkor cho ta biết dân thời đó trùm khăn voan và lưới để muỗi mòng, rắn rết khỏi cắn. Những người đó, đàn ông và đàn bà, chút tàn cốt còn không, hay chỉ còn hình ảnh ở trên đá? Nhưng muỗi và rắn mối thì còn đó.



*

Ở Xiêm, một xứ sát nách, một dân tộc gốc nửa Trung Hoa, nửa Tây Tạng, lần lần đuổi được bọn xâm lăng Khmer và dựng được một nền văn minh chịu ảnh hưởng nghệ thuật và tôn giáo Ấn. Sau khi thắng người Cao Miên rồi, họ dựng một kinh đô mới, Ayuthia, trên nền cũ của một thị trấn Khmer. Họ mở mang lần lần đất đai và khoảng 1.600, đế quốc của họ gồm miền Nam Miến Điện, Cao Miên và bán đảo Mã Lai. Họ thông thương với Trung Hoa ở phía Đông và tới cả châu Âu ở phía Tây. Nghệ sĩ của họ tô điểm các sách chép tay, tô màu bằng sơn vẽ lên gỗ, nung các đồ sứ theo cách Trung Hoa, thêu trên lụa rất khéo, và đôi khi tạc những tượng rất đẹp nữa. Rồi theo cái luật tuần hoàn rất vô tư của lịch sử, người Miến Điện lại qua chiếm kinh đô Ayuthia của Xiêm, tàn phá hết, không còn lưu lại một công trình mĩ thuật nào cả. Tại kinh đô mới ở Bangkok, người Xiêm xây một ngôi chùa lớn trang sức quá nhiều, nhưng không che lấp hết các nét đẹp của kiến trúc.


*

Người Miến Điện đáng được coi là một trong những dân tộc giỏi xây cất nhất ở châu Á. Từ Mông Cổ và Tây Tạng tới, họ gặp ngay một miền phì nhiêu, định cư, định quốc danh là Miến Điện, chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, và từ thế kỉ thứ V sản xuất được nhiều bức tượng thờ Phật, thờ Vichnou, thờ Shiva, xây cất được nhiều stupa, đẹp nhất là ngôi đền uy nghi Ananda – một trong năm ngàn ngôi đền ở Pagan, cố đô của họ.

Pagan bị Kublai Khan cướp phá, vơ vét, và trong năm trăm năm, chính quyền Miến Điện lang thang từ kinh đô này tới kinh đô khác. Có một thời gian, Mandalay là trung tâm của dân tộc Miến và một phong trào nghệ thuật sản xuất được nhiều thứ rất đẹp, từ đồ thêu, đồ nữ trang, tới những đồ gỗ chạm trổ rất khéo léo trong hoàng cung, mà ai cũng biết rằng đục gỗ phải nhẹ tay lắm, nó dễ nứt, dễ bể, chứ không như đá. Người Anh lấy cớ rằng các nhà truyền giáo và thương nhân của họ bị ngược đãi, xâm chiếm Miến Điện năm 1886 và dời kinh đô lại Rangoon ở gần biển để cho Hải quân Anh dễ làm cái nhiệm vụ bình định hơn. Người Miến đã xây cất ở đó một trong những điện thờ đẹp nhất của họ, tức ngôi chùa danh tiếng Shwe Dagon, dát toàn vàng, thu hút mỗi năm hàng triệu phật tử hành hương trong nước. Chùa chẳng chứa tóc của chính Đức Thích Ca Mâu Ni đấy ư?

3. KIẾN TRÚC HỒI

Kiểu thức A Phú Hãn – Kiểu thức Mông Cổ - Delhi – Agra – Lăng Taj Mahal.

Dưới các triều đại Mông Cổ, kiến trúc Ấn thành công nhất. Các tín đồ Mahomet, bất kì ở đâu: Grenade, Le Caire, Jérusalem hay Bagdad, cũng đã tỏ ra là những nhà xây cất cừ khôi; vì vậy ta không lấy làm lạ rằng khi đã làm chủ nhân ông ở Ấn rồi, họ dựng ngay trên đất họ mới xâm chiếm, những thánh đường Hồi giáo đẹp không thua thánh đường Omar ở Jérusalem, đồ sộ không thua thánh đường Hassan ở Le Caire, thanh nhã không thua thánh đường Alhambra ở Grenade. Phải nhận rằng mới đầu họ dùng thợ thủ công Ấn Độ, phỏng theo các chủ đề Ấn, bắt chước cả kiểu cột trụ Ấn nữa, cho nên nhiều thánh đường Hồi giáo, trong buổi đầu chỉ như những đền Ấn xây cất lại làm chỗ cầu nguyện cho tín đồ Hồi. Nhưng chẳng bao lâu họ[38]bỏ khuynh hướng mô phỏng đó đi và ta thấy xuất hiện một kiểu thức hoàn toàn Hồi, tới nỗi du khách phải ngạc nhiên sao mà lăng Taj Mahal lại xây cất trên Ấn Độ, nó ở Ba Tư, Bắc Phi hay Y Pha Nho mới hợp chỗ chứ.

Ngôi tháp diễm lệ Kutb-Minar[39]đánh dấu sự chuyển tiếp giữa hai phái đó. Nó là một bộ phận của một thánh đường do Kutbu-d-Din Aibak cho xây cất ở cựu Delhi để ghi công thắng Ấn của ông vua Hồi khát máu đó; người Hồi đã lấy những thành phần rời rạc của hai mươi bảy ngôi đền Ấn, ráp lại mà dựng nên. Sau bảy thế kỉ dãi dầu mưa nắng, ngôi tháp vĩ đại cao bảy mươi sáu mét đó – xây dựng bằng một thứ sa thạch (grès) đỏ rất đẹp, kích thước rất cân đối, tầng trên cùng toàn bằng cẩm thạch trắng – hiện nay vẫn được coi là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật bất hủ của Ấn. Thường thường các vua Hồi ở Delhi chỉ mãi tàn sát dân Ấn, ít có thì giờ nghĩ tới kiến trúc, và hầu hết những công trình còn lại đều là những lăng tẩm họ cho xây cất từ hồi họ còn sống để rán quen cái thân phận có-sinh-thì-có-tử như ai của họ. Một trong số những kiến trúc đẹp nhất còn lại là lăng vua Shershah ở Sasseram, miền Bijaz; to lớn, nặng nề, lăng đó đánh dấu giai đoạn cuối cùng của kiểu thức hùng tráng của người Maure [tức Hồi ở Bắc Phi, Y Pha Nho…], khác xa cái kiểu thức chạm trổ tỉ mỉ như đồ châu báu của thời các vua Mông Cổ.

Vua Akbar có tinh thần chiết trung, khuyến khích sự dung hoà kiến trúc Hồi với kiến trúc Ấn, và các công trình mà các kiến trúc sư xây cất cho ông dung hoà các phương pháp và các kiểu Ba Tư và Ấn Độ, thành một toàn thể điều hoà, đẹp đẽ tượng trưng cho sự hoà đồng – không được lâu bền – các tín ngưỡng Hồi và Ấn, đúng theo tinh thần của thứ tôn giáo tổng hợp của Akbar. Công trình kiến trúc đầu tiên trong triều đại ông, tức cái lăng ông bảo xây ở gần Delhi cho phụ vương Humayun, đã có một kiểu đặc biệt, ít đường nét, ít trang hoàng, có cái vẻ thanh nhã trong các cung điện của vua Jehan. Ở Fathpur Sikri, các kiến trúc sư của ông xây cất một châu thành dung hoà được sự mạnh mẽ của các vua Mongol đầu tiên với sự phong nhã của các vua cuối cùng. Những bực thang lớn đưa tới một cửa chính đồ sộ bằng sa thạch đỏ, thông với một dãy tường vây quanh đầy những công trình mĩ thuật. Phần quan trọng nhất là một điện thờ nóc tròn, nhưng đẹp nhất thì phải kể ba cái đình (pavillon), nhà vua dựng cho ba bà sủng phi, với ngôi mộ bằng cẩm thạch trắng xây cho bạn thân của ông, hiền triết Salim Chisti; ở đó ta thấy lần đầu tiên sự khéo léo của nghệ thuật chạm trổ làm cho ta nhìn vào đá mà tưởng như một tấm ren; nghệ thuật đó đạt tới tuyệt đỉnh ở lăng Taj Mahal.

Vua Jehangir không làm cho ngành kiến trúc của dân tộc ông tiến thêm được bước nào, nhưng con của ông, vua Jehan vì mê xây cất các cung điện đẹp mà nổi danh cũng gần bằng Akbar. Jehangir rộng rãi với các sủng phi bao nhiêu thì Jehan rộng rãi với các nghệ sĩ bấy nhiêu. Cũng như các vua ở Bắc Âu, ông cho vời các nghệ sĩ ở Ý tới dạy cho thợ thủ công Ấn nghệ thuật nhận bảo thạch vào đá hoa cương thành một thứ đồ khảm nhiều màu, đó là kiểu trang hoàng chính yếu dưới triều đại ông. Jehan không có tinh thần tôn giáo, vậy mà ông cũng sai xây cất những thánh đường đẹp nhất của Ấn Độ, thánh đường Juma Masjid, tức thánh đường Ngày thứ sáu (trong tuần) ở Delhi, và thánh đường Moti Masjid, tức thánh đường Trân Châu ở Agra.

Ở Delhi và Agra, Jehan cũng xây cất những “thành” tức những cung điện chung quanh có thành luỹ che chở. Ở Delhi ông sai phá các cung điện màu hồng của Akbar, chê là xấu xí, và cất những cung điện khác mà một số coi gớm ghiếc, lộn xộn, một số khác lại vào hàng đẹp nhất thế giới.

Đây là chính điện, chỗ nhà vua thiết triều, rực rỡ những bức khảm theo kiểu Florence trên một nền cẩm thạch đen; trần, cột và cửa tò vò đều chạm trổ như một bức ren, có một vẻ đẹp mảnh mai không sao bắt chước nổi; đây là điện riêng của nhà vua mà trần dát vàng và bạc, cột chạy những đường chỉ cẩm thạch, cửa tò vò hình bán nguyệt hơi nhọn ở trên và gồm nhiều bán nguyệt nhỏ coi như bông hoa; ngai vàng trang hoàng hình con công, nổi tiếng khắp thế giới; tường nhận bảo thạch thành những chữ ghi những lời tự đắc này của một thi sĩ Hồi: “Nếu có một cảnh thiên đường ở cõi trần này thì cảnh đó ở đây, ở đây, ở đây!”. Ta có thể có một ý niệm phỏng chừng về sự phong phú của “Ấn Độ dưới triều các Mogol”, khi nghĩ rằng, theo lời sử gia lớn nhất về kiến trúc[40]thì cung điện ở Delhi chiếm một diện tích rộng gấp hai lâu đài vĩ đại Escurial[41], và đương thời rực rỡ, nó được coi là “cung điện đẹp nhất phương Đông, có lẽ nhất thế giới nữa”[42].

Thành Agra nay đã đổ nát[43]và chúng ta chỉ có thể đoán phỏng chừng thời huy hoàng nó ra sao thôi. Hồi xưa, ở giữa vườn ngự uyển, có điện (mái tròn) Trân Châu, điện Bảo Ngọc, chính điện và điện riêng của nhà vua, ngọc điện (nơi bày ngai vàng), các phòng tắm nước ấm, phòng Gương, cung của vua Jehangir và vua Jehan, cung Hoa Lài của Nur Jehan và tháp Hoa Lài mà Jehan, khi bị giam, ngày ngày đứng ngó ngôi lăng của Mumtaz Mahal, bà hậu yêu quí của ông, lúc đó yên giấc ngủ ngàn thu ở bờ bên kia sông Jumna.

Không ai không biết tiếng ngôi lăng đó, gọi tắt là Taj Mahal. Nhiều kiến trúc sư danh tiếng cho nó là công trình kiến trúc hoàn toàn nhất hiện còn bảo tồn được. Ba nghệ sĩ cùng nhau vẽ bản đồ: một người Ba Tư, Ustad Isa; một người Ý, Gieronimo Veroneo và một người Pháp, Austin de Bordeaux. Cơ hồ không có một người Ấn nào dự vào việc đó, hoàn toàn là một kiến trúc Hồi, phiẤn; ngay các thợ chuyên môn cũng đưa từ nơi khác qua, như từ Bagdad, Constantinople và các đô thị Hồi giáo khác. Liên tiếp hai mươi hai năm, hai mươi hai ngàn người bị ép buộc xây cất Taj, và mặc dầu cẩm thạch do đại vương Jeypore tặng, mà công trình xây cất cũng tốn kém 230 triệu Mĩ kim[44], một số tiền vĩ đại vào thời đó.


103lichsuvanminhando-08c


Lăng Taj Mahal (http://www.indembsdn.com/images/Taj-Mahal.jpg)

Không có một công trình kiến trúc nào, trừ giáo đường Saint Pierre ở La Mã, mà đứng xa xa một chút, thấy một cảnh sắc đẹp như vậy. Khi đã qua một vòng tường có đục lỗ, ta bỗng thấy Taj hiện lên, trên một cái bệ bằng cẩm thạch, bên phải và bên trái có một hàng giáo đường và tháp đẹp đẽ uy nghi. Phía trước, ở giữa một khu vườn rộng là một hồ nước chiếu ngược bóng của cái lăng, coi thật mê hồn. Toàn thể kiến trúc đó đều bằng cẩm thạch, vàng bạc, châu báu. Có mười hai mặt mà bốn mặt có cửa; ở mỗi góc có một cái tháp cao vút lên; mái tròn một khối. Cửa chính xưa có những cánh bằng bạc rất vững chắc; đây là mê cung bằng cẩm thạch chạm trổ y như một bức thêu; trên tường dát những bảo ngọc thành những câu thơ trong Thánh kinh Coran, một câu khuyên những người nào “có tấm lòng trong sạch” vô “lạc viên ở Thiên Đường”. Phía trong trang hoàng giản dị, và có lẽ ta không nên quá hận rằng tụi ăn cắp Ấn và Âu đã gỡ các bảo vật quá nhiều trong đền và trên tường rào bằng vàng nạm ngọc thạch hồi xưa bao chung quanh ngôi mộ của vua Jehan và hoàng hậu. Aureng-Zeb đã thay vào một thứ như bình phong bát giác bằng cẩm thạch gần trong suốt chạm trổ như một tấm ren bằng tuyết hoa thạch (albâtre). Một du khách sau khi ngắm nghía hàng rào đó rồi, nhận rằng, về công nghệ, công trình đó quả là vô song trong lịch sử nhân loại.

Lăng Taj Mahal không phải là kiến trúc vĩ đại nhất, nhưng phải nhận là đẹp nhất thế giới. Khi đứng xa xa một chút để không thấy các chi tiết thì ngôi đền có vẻ đẹp hơn là đồ sộ; có lại gần rồi mới thấy sự hoàn hảo của nghệ thuật đáng kể hơn kích thước của đền. Sống cái thời hăm hở, vội vàng này, thấy chỉ trong một hai năm cất xong được những ngôi nhà vĩ đại cao cả trăm từng, chúng ta nên nhớ rằng hai mươi hai ngàn người đã phải làm trong hai mươi hai năm mới xây xong được cái lăng kích thước tương đối nhỏ đó, nhớ như vậy rồi mới thấy được nghệ thuật và kỹ thuật khác nhau ra sao. Để hoài bảo rồi thực hiện một công trình kiến trúc như Taj Mahal, có lẽ cần có một nghị lực, một chí cương quyết cao hơn nghị lực và chí cương quyết của nhà chinh phục lớn nhất thế giới nữa. Thời gian nếu có trí khôn thì nên tàn phá hết những cái khác đi rồi hãy tàn phá Taj Mahal, để cho người cuối cùng còn sống sót được niềm an ủi này là trước khi nhắm mắt được thấy chứng tích lòng cao thượng của loài người.

4. KIẾN TRÚC VÀ VĂN MINH ẤN

Nghệ thuật Ấn suy vi – So sánh kiến trúc Ấn với kiến trúc Hồi – Tổng quan về văn minh Ấn.

Mặc dầu đã cho xây một tấm bình phong bằng cẩm thạch ở Taj Mahal, Aureng-Zeb là một tai hoạ cho nghệ thuật Mông Cổ và nghệ thuật Ấn. Ông cuồng nhiệt chủ trương một tôn giáo chấp nhất, nghiêm khắc, cho nghệ thuật là sùng bái bậy bạ, là phù phiếm. Ngay thời vua Jehan, đã có lệnh cấm xây cất đền Ấn, tới thời Aureng-Zeb, đã không bãi bỏ lệnh đó mà còn không bảo trợ khuyến khích công việc xây giáo đường Hồi, thành thử nghệ thuật Hồi cũng khô héo lần, rồi khi ông ta mất thì nghệ thuật cũng chết theo.

Khi chúng ta rán bao quát toàn thể lịch sử kiến trúc Ấn và sự biến chuyển của nó, thì chúng ta thấy hai chủ đề rõ rệt: một dương, cương, tức Ấn, một âm, nhu, tức Hồi; và cả khúc hoà âm dựng trên hai chủ đề đó. Bao giờ cũng vậy, trong các tác phẩm nổi danh nhất về loại đó, mới đầu, sự hoà âm còn chát chúa, thình lình, rồi sau mới có những âm điệu tế nhị, cho nên trong lịch sử kiến trúc Ấn, sau các công trình hùng tráng mà thiên tài của dân tộc Ấn đã dựng nên ở Bodh-Gaya, ở Bhuvaneshwar, ở Mudra và Tanjore, chúng ta thấy xuất hiện sự duyên dáng, điều hoà của kiểu thức Mông Cổ ở Fathpur-Sikri, ở Delhi, ở Agra, và sau cùng hai chủ đề đó lẫn lộn với nhau. Có người bảo rằng người Mông Cổ xây cất đồ sộ rồi trang hoàng tỉ mỉ như thợ kim hoàn; câu đó áp dụng vào toàn thể kiến trúc Ấn thì có phần đúng hơn: người Ấn đã khởi công đồ sộ rồi người Mông Cổ hoàn thành một cách tỉ mỉ. Kiến trúc Ấn làm cho ta ngộp vì khối vĩ đại của nó, kiến trúc Hồi làm cho ta phục vì chi tiết của nó : kiến trúc Ấn biểu hiện sức mạnh, kiến trúc Hồi biểu hiện sự toàn mĩ: người Ấn ưa sự hăng say và sự phong phú, người Hồi thích sự thanh nhã, từ tốn. Người Ấn đắp, đục đầy tượng trên đền đài của họ tới nỗi ta không biết đó là công trình kiến trúc hay công trình điêu khắc nữa; người Hồi trái lại, ghét hình người, hình vật mà chỉ trang sức bằng hình hoa và đường nét hình học. Người Ấn là những nhà kiến trúc-điêu khắc gô-tích của một thời Trung cổ Ấn; người Hồi là những nghệ sĩ một thời Phục hưng đưa ra ngoại quốc[45]. Xét chung thì kiến trúc Ấn đã đạt những đỉnh cao về phương diện hùng tráng hơn là đẹp; suy nghĩ kĩ thì ta thấy thành Delhi và lăng Taj Mahal, so với Angkor và Borobudur, cũng như những bài thơ trữ tình so với những ca kịch thâm thuý, cũng như Pétrarque so với Dante, Keats so với Shakespeare, Sappho so với Sophocle. Nghệ thuật Hồi diễn một cách duyên dáng và phiến diện tâm trạng những cá nhân sung sướng, nghệ thuật Ấn diễn một cách hùng tráng và toàn thể tâm hồn cả một dân tộc.

Trong đoạn kết thúc chương sử đại cương này, cũng như trong đoạn mở, chúng tôi xin khiêm tốn nhận rằng chỉ một người Ấn mới có thể nhận định được đầy đủ nghệ thuật Ấn và phê phán nó một cách công bằng. Đối với một người Âu đã quen những tiêu chuẩn của nghệ thuật Hi Lạp: đơn sơ, giản dị, từ tốn, quí phái, thì nghệ thuật Ấn có vẻ bình dân, chất phát mà lại phức tạp, dùng quá nhiều trang sức đôi khi man rợ. Nhưng chúng ta đừng nên quên rằng chính thi hào cổ điển Goethe đã dùng tiếng “man rợ” đó để chê giáo đường Strasbourg, chê kiến trúc gô-tích; chẳng qua chỉ là lí trí phản ứng lại tình cảm, tinh thần duy lí phản ứng lại tinh thần tôn giáo mà thôi. Chỉ một người Ấn mộ đạo mới cảm được cái uy nghi của các ngôi đền Ấn xây cất không phải là để gợi mĩ cảm mà để kích thích tinh thần tôn giáo và dựng một cơ sở cho tín ngưỡng. Chỉ những người Trung cổ chúng ta như Giotto hoặc Dante mới hiểu được Ấn Độ.

Phải đứng vào quan điểm đó để nhận định toàn thể văn minh Ấn nó biểu hiện tâm hồn một dân tộc “trung cổ”, coi trọng tôn giáo hơn khoa học vì tôn giáo cho ta thấy cái vô minh của loài người không bao giờ hết mà quyền năng của loài người chỉ là hư ảo. Đó là nhược điểm mà cũng là sức mạnh của dân tộc Ấn; vì có tâm hồn đó mà họ mộ đạo, hiền từ, có thói quen phản tỉnh; chính vì vậy mà họ lạc hậu và thâm thuý, không hiếu chiến mà rất nghệ sĩ. Chắc chắn rằng tôn giáo của họ đã chịu ảnh hưởng của khí hậu, và cả tôn giáo lẫn khí hậu đã làm cho họ suy nhược. Vì vậy mà họ đã an phận chịu sự đô hộ của người Aryen, người Hung Nô, người Hồi và người Âu. Vì coi thường khoa học nên họ bị cái thân phận đó, và khi đội pháo binh của Clive đè bẹp đạo quân Ấn ở Plassey (1757), thì tiếng đại bác của Anh đã báo hiệu cuộc cách mạng kĩ nghệ. Chúng ta thấy cuộc cách mạng đó sắp tác động tới Ấn như trước kia nó tác động tới Anh, Mĩ, Đức, Nga và Nhật; rồi đây Ấn cũng sẽ biết chế độ tư bản và chế độ xã hội: Ấn cũng sẽ có những nhà triệu phú và những ổ chuột. Cổ văn minh của Ấn đương tiêu trầm. Nó đã bắt đầu hoi hóp từ khi người Anh đặt chân lên đất Ấn. 



[1]Ngày mùng 3 tháng 6 năm 1757, tướng Anh Clive thắng viên thái thú Hồi Siradj-out-Daoula ở Plassey (một làng ở xứ Bengale) và từ đó Ấn bị Anh thống trị, mà nền văn minh của Ấn suy lần. (ND).

[2]Bản tiếng Anh chép là: brass, nghĩa là đồng thau. (Goldfish)

[3]Có lẽ Ấn Độ là xứ đầu tiên sản xuất các thứ vải, lụa in, nhưng nghệ thuật ấn loát không phát đạt, mặc dầu kĩ thuật cũng giống nhau.

[4]Do danh từ Ấn paijama, có nghĩa là “để che các ống chân”.

[5]Vốn là tên một tiểu quốc ở trong dãy núi Himalaya, nơi đó dệt một thứ hàng lông dê rất mịn. Và thứ hàng đó cũng gọi là Cachemire. 

[6]Thứ khăn “san” bằng len này rất mịn, gồm nhiều miếng nối với nhau khéo tới nỗi tưởng như là một miếng một.

[7]Nhạc khí cổ của phương Tây, tựa như cây tì bà. 

[8]Các vũ phàm tục Ấn Độ mà Âu và Mĩ được biết, là một hình thức nghệ thuật Shankar mà nghệ thuật này không có tính cách chính thống; các cử động như uốn mình, mua tay, đưa mắt đều có một ý nghĩa tế vi, nhất định đối với người sành điệu. Thân thể uyển chuyển như làn sóng, gợi thi tình, thi ý mà môn vũ ở châu Âu không còn nữa từ khi các chế độ dân chủ, về nghệ thuật, bắt chước các trường phái châu Phi. [Ở trên, có lẽ sách in thiếu. Bản tiếng Anh chép là: To the Hindu these dances were no mere display of flesh; they were, in one aspect, an imitation of the rhythms and processes of the universe.Shiva himself was the god of the dance, and the dance of Shiva symbolized the very movement of the world. Tạm dịch: Đối với người Ấn, vũ không chỉ là phơi bày da thịt, ở một khía cạnh nào đó, nó mô phỏng nhịp điệu và tiến trình của vũ trụ. Shiva chính là thần của vũ, và vũ của Shiva tượng trưng cho sự rất chuyển động của thế giới. (Goldfish)].

[9]Tác giả ám chỉ phái dada, lettrisme… ở châu Âu sau thế chiến thứ nhất. (ND).

[10]Danh từ âm nhạc trỏ rằng các âm phải nối liền nhau không dứt. (ND). 

[11]Thực ra có sáu ragatức nhạc chỉ chính, rồi mỗi ragalại biến thành năm nhạc chỉ phụ nữa, gọi là ragini ragacó nghĩa là màu sắc, đam mê, tâm trạng; raginilà thể âm (trái với dương) của raga

[12]Ta quen gọi là tê giáclà sai, tê giác là cái sừng con tê. (ND).

[13]Mirzapua: bảng tiếng Anh chép là Mirzapur. (Goldfish).

[14]Gần làng Fadapur, tại tiểu quốc Hyderabad.

[15]Giotto là hoạ sĩ ở thế kỉ XIX, Léonard de Vinci là hoạ sĩ ở thế kỉ XV. (ND).

[16]Bức này vẽ Chúa Ki Tô ăn bữa tối với các môn đồ.

[17]Chúng tôi chỉ phỏng đoán như vậy thôi, vì có biết tác giả các hoạ phẩm đó là ai đâu.

[18]Tuy nhiên, cũng có lệ ngoại, chẳng hạn bức tượng khổng lồ Phật Tổ bằng đồng, cao hai mươi lăm mét mà Huyền Trang thấy ở Pataliputra; có lẽ do Huyền Trang mà các vị sư khác từ Viễn Đông qua hành hương bên Ấn Độ, trở về nước, kể chuyện lại, nên ở Nhật Bản thời sau mới có những tượng Phật lớn ở Nara và Kamakura. [Cả hai tượng Phật đó đều bằng đồng, tượng ở Nara cao 15 mét, tượng ở Kamakura cao 11,4 mét. Ở Trung Hoa cũng có những tượng Phật rất lớn, lớn nhất là tượng Phật Di Lạc ở Tứ Xuyên, tượng bằng đá, đục trong núi, cao khoảng 71 mét. (Goldfish)].

[19]Cũng ở Java. (Goldfish).

[20]Cũng là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong Phật giáo. (Goldfish).

[21]Đều là nữ thần trong thần thoại Hi Lạp: Demeter tượng trưng trái đất sinh ra mùa màng, cây cối, nuôi vạn vật, cũng tượng trưng người mẹ; Aphrodite là nữ thần sắc đẹp và ái tình. (ND).

[22]Cách bố trí đó giống với các giáo đường đạo Ki Tô, làm cho người ta ngờ rằng nơi thờ phụng đầu tiên của Ki Tô giáo đã chịu ảnh hưởng của kiến trúc Ấn Độ.

[23]Kiểu này xuất hiện ở châu Âu vào thế kỉ XII. Người ta gọi tên như vậy vì tưởng lầm rằng dân tộc Goth đã tạo ra nó.

[24]Tức cổng vòm. Bản tiếng Anh chép là: mandapam or porch. Sách in là Man-dapan. (Goldfish).

[25]Swastikalà một từ ngữ sanscrit có nghĩa là sung sướng, an lạc. Biểu hiệu đó được rất nhiều dân tộc mọi thời, từ những thời bán khai, dùng để tượng trưng hạnh phúc hoặc vận may. [Biểu hiệu này ta thường gọi là chữ vạn hoặc dấu thập ngoặc. (Goldfish)].

[26]Meadows Taylor bảo: “Không thể nào mô tả được nghệ thuật chạm trổ các cột các mí cửa các đầu cửa ở đền nầy. Dù là đồ vàng bạc cũng không tinh vi, khéo léo được như vậy. Đá cứng như vậy, họ dùng những khí cụ nào mà đục đẽo, mài chuốt đẹp tới mức đó, điều ấy ngày nay chúng ta không sao hiểu nổi”.

[27]Có lẽ nên gọi là “bích điêu”, vì ở đây họ không vẽ (hoạ) mà họ chạm trổ (điêu khắc). (ND).

[28]Bản tiếng Anh chép là: The Lovers. Hai bức điêu khắc trong ảnh trên, tôi chụp lại từ trang http://www.loupiote.com/photos/3711010203.shtmlvà trang

http://www.loupiote.com/photos/3711821774.shtml, đều được gọi là Kissing Lovers. (Goldfish).

[29]Tức ở phía sau và hai bên hông ngôi đền. (ND).

[30]Đỉnh ngôi đền đó là một khối đá nguyên, bề mặt rộng hai mét vuông rưỡi, nặng hai mươi tấn. Theo truyền thuyết, muốn đưa khối đá đó lên đỉnh, người ta phải đắp một mặt phẳng nghiêng dài sáu cây số. Vì thời đó người ta chưa có những máy móc “nó làm cho loài người thành nô lệ”, chắc người ta đã dùng chính sách “lao động cưỡng chế”.

[31]Tôn giáo và nghệ thuật Ấn cũng tràn vào Lào, Chiêm Thành và Phù Nam? (Goldfish).

[32]Của Coomaraswamy trong cuốn History.

[33]Ở Nam Ấn. (ND).

[34]Bản tiếng Anh chép là: Borobudur (i.e., “Many Buddhas”). Theo Wikipedia thì Tên Borobudur có gốc từ Vihara Buddha Ur trong tiếng Phạn, có nghĩa là “đền thờ Phật trên ngọn núi”. (Goldfish)

[35]Năm 1604, một nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã kể rằng theo lời vài người thợ săn thì có những đền đài hoang tàn ở một nơi nào đó trong rừng, năm 1672; một tu sĩ khác cũng bảo vậy, nhưng không ai quan tâm tới cả. [Coi cuốn du kí Đế Thiên Đế Thíchcủa Nguyễn Hiến Lê. (ND)].

[36]Trường Viễn Đông đã chặt cây cối và trùng tu lại ngôi đền. (ND).

[37]Thi hào Ý (1265-1321), tác giả tập thơ bất hủ Divine Comedie. (ND).
[“giữa đường đời”: bản tiếng Anh chép là: “in the middle of the way”. Trong bản dịch ra tiếng Anh tập thơ La Divina Commedia(Thần Khúc) đăng trên trang http://www2.eng.cam.ac.uk/~tpl/texts/dante.htmlcó câu: In the middle of the road of my life. (Goldfish)].

[38]Họ: bản tiếng Anh chép là: the “Afghan” dynasty, nghĩa là triều đại “Afghan”. Người Mông Cổ từ Afganistan (A Phú Hãn) tràn xuống chiếm Ấn Độ và lập nên triều đại “Afghan”, còn gọi là triều đại Mông Cổ (Mogul – tiếng Pháp là Mogol) ở Ấn Độ. (Goldfish).

[39]Minartức miranet (tháp ở thánh đường Hồi giáo) mà miranet do từ ngữ Ả Rập maranat, có nghĩa là đèn, đèn pha.

[40]Tức Fergusson. (ND).

[41]Ở I Pha Nho, xây cất trong thế kỉ XVI. (ND).

[42]Mới đầu thành Delhi gồm năm mươi hai cung điện, bây giờ chỉ còn hai mươi bảy cung điện là đứng vững. Năm 1857, trong một cuộc khởi nghĩa Cipaye (coi chương sau), một đạo quân Anh lâm nguy phải trốn vào đó và phá một số cung điện đề làm kho chứa quân nhu.

[43]Vua Jehan đã tính sai khi rào các cung điện diễm lệ đó thành một đồn luỹ. Khi quân Anh bao vây Agra, năm 1803, dĩ nhiên họ nã súng vào thành. Thấy đạn rơi trúng điện Khass Mahal của các vua trước, người Ấn xin đầu hàng; họ đành phải thua trận để bảo vệ một công trình mĩ thuật. Ít lâu sau, Warren Hastings sai phá phòng tắm trong cung điện để dâng Anh Hoàng George IV; sau cùng Huân tước William Bentinck bán một số cung điện khác để lấy tiền cho vào ngân quỹ Ấn Độ.

[44]William Bentinck, một trong số Thống đốc tốt nhất của Ấn, đã có hồi định bán điện đó cho một nhà thầu Ấn lấy ba triệu quan, và nhà thầu đó tính ra, chỉ bán vật liệu thôi cũng đã lời nhiều lắm rồi. Nhưng từ khi Huân tước Curzon lên làm Phó vương Ấn Độ thì chính quyền lo bảo tồn tất cả các cổ tích Mông Cổ ở Ấn.

[45]Tác giả chỉ muốn nói: kiến trúc Ấn so với kiến trúc Hồi, cũng tựa như kiến trúc gô-tích thời Trung cổ so với kiến trúc thời Phục hưng ở Âu. (ND).

---o0o---

Nguồn: vnthuquan.net

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]