Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

I. Duyên-khởi Niết-bàn

17/05/201313:10(Xem: 10522)
I. Duyên-khởi Niết-bàn

Kinh Đại Bát Niết Bàn

I. Duyên-khởi Niết-bàn

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Tâm Châu

Nguồn: Hán dịch: Đông Tấn, Sa Môn Thích Pháp Hiển

Chính tôi (A-Nan) được nghe: Một thời kia đức Phật ở Trùng-Các giảng-đường, trong khu rừng lớn Tỳ-Da-Ly (Vaisàli), cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Tỳ-Khưu.
Khi ấy, đức Thế-Tôn cùng ông A-Nan, một buổi sáng nọ, mặc áo, mang bát vào thành khất-thực. Khất-thực rồi, trở về nơi cũ.
Khi ăn cơm xong, súc miệng, rửa thực-dụng, thu xếp áo, bát, đức Phật bảo ông A-Nan: “Ông cầm giúp tôi cái ngọa-cụ. Nay tôi muốn đến nơi tháp Già-Ba-La, nhập-định tư-duy”. Đức Phật nói lời ấy rồi, Ngài liền cùng ông A-Nan đi đến nơi kia.
Đến nơi kia, ông A-Nan trải ngọa-cụ, đức Phật ngồi. Lúc đó, đức Thế-Tôn ngồi kết gia-phu[2], im lặng suy-nghĩ. Khi ấy ông A-Nan cũng ở riêng một nơi, đoan-tọa nhập-định, nhưng cách nơi Phật ngồi không mấy.
Trong giây lát, đức Thế-Tôn từ trong thiền-định tỉnh dậy, Ngài gọi ông A-Nan, bảo: “Nơi Tỳ-Da-Ly đây, có nhiều tháp rất yêu quý, như tháp Ưu-Đà-Diên, tháp Cồ-Đàm, tháp Am-La, tháp Đa-Tử, tháp Sa-La, tháp Già-Bà-La”.
Ông A-Nan! Người được bốn phép Thần-túc[3] còn có thể ở trong cõi thọ trọn một kiếp hay non một kiếp, huống là Như-Lai nay có sức thần-thông lớn-lao, há lại không thể ở trong cõi thọ được một kiếp hay non một kiếp?”
Đức Thế-Tôn đã mở ra cái cửa: “Có thể thỉnh đức Thế-Tôn lưu lại thế-gian” như thế, để dạy ông A-Nan, nhưng, khi ấy ông A-Nan vẫn im-lặng, không hiểu biết chi cả.
Đức Thế-Tôn ân-cần nói đến ba lần, ông A-Nan vẫn bâng-khuâng không giải-ngộ được và không thỉnh đức Như-Lai ở lại cõi thọ trong một kiếp hay non một kiếp, đem lại lợi-ích cho chư Thiên và nhân-dân trong thế-gian. Sao vậy? Ông A-Nan bị Ma-Vương mê-hoặc.
Đức Thế-Tôn nói lời ấy đến ba lần, thấy tâm ông A-Nan vẫn không khai-ngộ, Ngài liền im-lặng.
Bấy giờ, Ma-Vương[4] đến nơi đức Phật, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn! Nay đấng Thiện-Thệ[5] nên nhập Niết-Bàn! Sao vậy? Trước khi Thế-Tôn ở bên bờ sông Ni-Liên-Thiền (Nairanjana) con khuyến-thỉnh Thế-Tôn nhập Niết-Bàn, nhưng, lúc ấy Thế-Tôn thấy con khuyến-thỉnh như thế, Ngài đáp: “Nay bốn bộ-chúng của Tôi là Tỳ-Khưu (Bhiksu), Tỳ-Khưu-Ni (Bhiksuni), Ưu-bà-tắc (Upàsaka), Ưu-bà-di (Upàsikà) chưa được đầy đủ và chưa hàng-phục được các ngoại-đạo, nên Tôi chưa nhập Niết-Bàn”. Lạy đức Thế-Tôn! Nay bốn bộ-chúng của đức Thế-Tôn đã đầy đủ, đã hàng-phục được các ngoại-đạo và những sự đáng làm, đều đã làm xong, vậy đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn!”
Khi Ma-Vương thỉnh ba lần như thế, đức Như-Lai liền đáp: “Quý hóa thay! Trước kia bên bờ sông Ni-Liên-Thiền, Tôi đã hứa với ông là bốn bộ-chúng của Tôi chưa được đầy đủ; cho tới nay, nay đầy đủ rồi, sau đây ba tháng Tôi sẽ nhập Niết-Bàn!”
Ma-Vương nghe đức Phật nói lời ấy rồi, vui mừng hớn-hở, trở về Thiên-cung.
Ngay khi ấy đức Thế-Tôn liền xả tuổi thọ thế-gian, dùng sức thần-thông, trụ lại nơi thân-mệnh trong ba tháng.
Lúc đó, trên cõi đất này có mười tám tướng rung-động, trống cõi trời tự nhiên kêu và do sức thần-thông của Phật, tự-nhiên trong không có lời xướng lên rằng: “Đức Như-Lai không bao lâu nữa sẽ nhập Niết-Bàn.” Chư Thiên, nhân-dân, chợt nghe tiếng nói ấy, tâm rất buồn rầu, khắp mình ửng huyết.
Đức Thế-Tôn, ngay tại nơi kia, nói bài kệ rằng:
Hết thảy mọi chúng-sinh,
Theo “hữu” (có) mà sinh-tử.
Ta nay cũng sinh-tử,
Nhưng không theo nơi “hữu”.
Mọi hành-tướng tạo-tác,
Ta nay muốn vứt bỏ.[6]
Đức Thế-Tôn nói bài kệ ấy rồi, Ngài lại ngồi im-lặng.

TOÁT-YẾU [7]


Một thời kia đức Phật cùng ông A-Nan và 1,250 vị Tỳ-Khưu, ở nơi Trùng-Các giảng-đường, trong khu rừng Tỳ-da-ly.
Theo lệ thường, một sáng nọ đức Thế-Tôn cùng ông A-Nan vào thành khất-thực.
Trở về, ăn xong, thu xếp bình-bát, Ngài bảo ông A-Nan cầm ngọa-cụ cho Ngài, đi đến tháp Già-ba-la, để nhập-định tư-duy.
Đến nơi đức Thế-Tôn ngồi kết gia-phu, im-lặng suy-nghĩ. Ông A-Nan cũng nhập-định riêng một nơi, gần Phật.
Ra Định, đức Phật gọi ông A-Nan, bảo: “Nơi Tỳ-da-ly đây có nhiều tháp đáng quý!”
Ngài dạy tiếp: “Người được bốn phép Thần-túc còn có thể ở trong cõi thọ được một kiếp hay non một kiếp, há rằng Như-Lai có thần-lực, lại không ở lại được một kiếp hay non một kiếp ư?”
Sở dĩ đức Phật nói thế là vạch đường cho ông A-Nan thỉnh Phật lưu lại thế-gian. Nhưng, Ngài nói đến ba lần, ông A-Nan vẫn im-lặng. Ông bị Ma-vương mê-hoặc. Ngài im-lặng.
Liền đó, Ma-vương tới thỉnh Ngài vào Niết-Bàn, theo lời hứa của Ngài ở bờ sông Ni-liên-thiền xưa kia. Ngài nhận thấy lời hứa của Ngài trước kia, nay đã đến lúc thực-hiện. Ngài ưng-thuận: Sau ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết-Bàn. Ma-vương vui mừng trở về Thiên-cung.
Ngài tự nói: “Hết thảy chúng sinh bị luân-hồi sinh-tử, đều do nghiệp hữu-lậu theo dõi. Ta tuy ở trong cảnh ấy, nhưng không bị nghiệp kia theo nữa. Nay Ta bỏ thân giả-tạm này!”



Chú thích


[1] Kinh Đại Bát-Niết-Bàn là cuốn kinh số 7 trong Đại-Tạng kinh.
Đại Bát-Niết-Bàn (Mahàparinirvàna): Tàu dịch là “Đại nhập-diệt tức”; “Đại-diệt-độ”; “Đại-viên-tịch nhập”… “Đại” là lời khen đức “tịch-diệt”, có tính cách sâu, rộng lớn; “Diệt” là diệt phiền-não nơi thân tâm; “Tức” là yên nghỉ, “Độ” là vượt qua bể sinh-tử, “Viên-tịch” là công-đức viên-mãn, tịch-diệt phiền-não và “Nhập” có nghĩa là hướng về nơi tịch-diệt. Tóm lại, là đức-trí đầy đủ, phiền-não dứt sạch, chứng nhập nơi yên-tịnh sáng-suốt cao-sâu, rộng lớn.
Kinh này gồm 3 quyển: Thượng, trung, hạ. Nhận thấy ý văn trong kinh liên-tục, nên khi dịch chúng tôi không theo sự phân chia thành từng quyển như cũ. Song, đến cuối mỗi quyển cũ chúng tôi có ghi nơi chú-thích để lưu lại dấu xưa. Và, muốn cho dễ nhận-định và ký-ức, chúng tôi ghi thêm đề-mục và toát-yếu từng đoạn trong kinh. (lời dịch-giả)
[2] Gia-phu: Ngồi xếp bằng, hai bàn chân để chéo lên hai vế .
[3] Bốn phép thần-túc: Còn gọi là 4 như-ý-túc: Dục, niệm, tinh-tiến và tuệ.
[4] Ma-Vương: Vị chúa trong loài Thiên-ma, tức vị Thiên-chúa ở cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên, là cõi trời thứ 6 thuộc Dục-giới. Ma-vương kia thường đốc-xuất quyến-thuộc hướng về nhân-gian, làm chướng-ngại đạo Phật, nên còn gọi là Ba-tuần. Nhưng, Đại-thừa là cho đó là vị Bồ-tát, dùng đại phương-tiện, hiện Ma-vương để giáo-hóa chúng-sinh.
[5] Thiện-Thệ: (Tu-già-đà: Sugata): Một hiệu trong 10 hiệu của Phật và có nghĩa là đi tốt. Ý nói: Dùng nhất thiết trí làm xe, đi trên đường bát-chính, rảo tới nơi Niết-Bàn, nên gọi là “Thiện-Thệ”.
[6] Hữu: Tức là hữu-lậu-nghiệp. Ý nói: Chúng-sinh bị sinh-tử luân hồi, đều do những hành-vi tạo-tác bất thiện huân-tập và hấp-dẫn. Đức Thế-Tôn cũng có thân ở trong sinh-tử nhưng, vì độ sinh mà có và Ngài đã đạt tới chỗ vô-lậu rồi. Nay tấm thân giả-tạm do tứ-đại hợp-thành này Ngài muốn trả về bản-hữu của nó.
[7] Đây là phần chọn lựa những ý yếu-ước trong chính-văn, hầu giúp quí Phật-tử dễ hiểu, dễ nhớ, khi xem xong từng đoạn. Vì là, những toát-yếu, nếu Phật-tử nào muốn tụng, xin tụng chính-văn, mà dành phần này lại. (Lời dịch-giả).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]