Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ăn chay (Hòa thượng Sri Dhammananda)

05/04/201317:52(Xem: 9122)
Ăn chay (Hòa thượng Sri Dhammananda)
Vấn Đề Ăn Chay, Ăn Mặn Trong Đạo Phật


Ăn Chay

Hòa thượng Sri Dhammananda
Nguồn: Nhiều tác giả


Giới thiệu:Hòa thượng K. Sri Dhammananda là một tu sĩ người Tích Lan. Ngài đã đến hoằng pháp tại Mã Lai trong 50 năm qua, và hiện nay là Tăng trưởng Tăng đoàn Phật giáo Mã Lai.

Ta không nên phán đoán sự thanh tịnh hay bất tịnh của một người đơn giản bằng cách chỉ nhìn xem người ấy ăn gì.

Trong kinh Amagandha, Đức Phật nói:

"Chẳng phải thịt, chẳng phải nhịn ăn, chẳng phải lõa thể,
Chẳng phải cạo đầu, chẳng phải bện tóc, chẳng phải trát đất,
Chẳng phải da xù xì, chẳng phải thờ thần lửa
Chẳng phải tự hành xác nơi đây trong thế giới này
Chẳng phải thánh ca, chẳng phải hiến cúng, chẳng phải tế thần
Chẳng phải hội mừng mùa màng
Có thể làm một kẻ tâm đầy hoài nghi trở thành trong sạch."

Ăn cá hay ăn thịt tự nó không làm cho một người trở thành bất tịnh. Một người tự làm mình không trong sạch bởi niềm tin mù quáng, gian dối, thèm muốn, tự đề cao, ô danh và những dụng ý tội lỗi. Do những tư tưởng và hành động xấu xa của mình tự làm mình bất tịnh. Không có một giới luật khắt khe nào trong Phật Giáo nói là tín đồ của Đức Phật không nên ăn cá thịt. Đức Phật chỉ khuyên là không nên liên quan vào việc giết chóc có dụng ý hoặc không nên yêu cầu người khác giết bất cứ chúng sanh nào cho mình. Tuy nhiên những ai ăn chay và không ăn thịt của thú vật đáng được ca ngợi.

Mặc dù không chủ trương các thầy tu phải ăn chay, Đức Phật vẫn khuyên các thầy không nên ăn mười loại thịt vì sự tôn trọng và bảo vệ cho chính các thầy. Mười loại thịt ấy là: người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, hổ, báo, gấu, linh cẩu. Một số các thú vật tấn công người khi chúng ngửi mùi thịt sống cùng loại với chúng. (Vinaya Pitaka - Tạng Luật)

Một đệ tử của Ngài là Đề Bà Đạt Đa yêu cầu Đức Phật bắt các đệ tử của Ngài ăn chay, nhưng Ngài từ chối. Vì Đạo Phật là một tôn giáo tự do, nên Ngài khuyên là để cá nhân các đệ tử tự mình quyết định việc ăn chay. Rõ ràng Đức Phật không coi việc ấy là một luật lệ đạo lý quan trọng. Đức Phật cũng không đả động gì về vấn đề ăn chay của các cư sĩ Phật Giáo trong giáo lý của Ngài.

Jivaka Komarabhacca, một vị lương y, bàn thảo về vấn đề tranh luận này với Đức Phật:

- "Bạch Đức Thế Tôn, con có nghe thấy rằng thú vật bị giết để dành cho Ẩn Sĩ Cồ Đàm, và Ẩn Sĩ Cồ Đàm cố ý ăn thịt thú vật bị giết để dành cho Ngài. Thưa Thế Tôn, có phải người ta nói thú vật bị giết là để cho Ẩn Sĩ Cồ Đàm, và Ẩn Sĩ Cồ Đàm cố ý ăn thịt thú vật bị giết vì mục đích để dâng cho Ngài Cồ Đàm. Họ buộc tội sai cho Đức Phật phải không? Hay đó là họ nói sự thật? Những lời tuyên bố và những lời giải thích thêm của Ngài phải chăng là đề tài bị người khác báng nhạo bằng một thái độ nào đó?"

- "Này Jivaka, những ai nói: 'Thú vật bị giết là để cho Ẩn Sĩ Cồ Đàm, và Ẩn Sĩ Cồ Đàm cố ý ăn thịt thú vật bị giết để dâng cho mình', không nói đúng điều ta nói, họ đã buộc tội ta không đúng. Này Jivaka, ta đã nói là không nên ăn thịt, nếu nhìn thấy, nghe thấy hay nghi ngờ thịt đó do thú vật bị giết để dâng cho các thầy tỳ kheo. Ta cho phép các thầy tỳ kheo dùng thịt trong ba điều kiện: Nếu không nhìn thấy, không nghe và không nghi ngờ thịt do thú vật bị giết để cung cấp cho các thầy tỳ kheo" (Kinh Jivaka).

Trong một số quốc gia, một số các Phật tử trường phái Đại Thừa chỉ ăn chay. Sự tuân hành này dưới danh nghĩa tôn giáo đáng tán dương nhưng chúng ta phải nhấn mạnh là họ cũng không nên buộc tội những người không ăn chay. Họ phải hiểu rằng không có giới luật trong Giáo Lý nguyên thủy của Đức Phật bắt tất cả người Phật tử phải ăn chay. Chúng ta phải nhận thức Phật Giáo là con đuờng Trung Đạo. Phật Giáo là một tôn giáo tự do, và lời khuyên của Đức Phật là không cần thiết đi đến cực đoan để thực hành lời Ngài dạy.

Ăn chay không thôi không thể giúp cho một người trau dồi nhân phẩm. Có những người mộ đạo thuần thành khả ái, nhũn nhặn và lễ phép giữa những người không ăn chay. Cho nên ta không nên bỏ qua quan điểm là một người trong sạch, mộ đạo là phải ăn chay.

Mặt khác, nếu bất cứ ai nghĩ rằng con người nếu không ăn thịt cá thì không thể sống khỏe mạnh, không cần thiết phải theo điều đó vì không đúng: hàng triệu người ăn chay trên khắp thế giới mạnh hơn và có sức khỏe hơn những người ăn thịt.

Những ai chỉ phê bình Phật Tử ăn thịt là không hiểu thái độ của đạo Phật về thực phẩm. Mỗi chúng sanh cần có thực phẩm. Chúng ta ăn để sống. Như vậy con người cần phải cung cấp cho thân xác thực phẩm cần thiết để giữ cho được khỏe mạnh và có đủ năng lực làm việc. Tuy nhiên, do kết quả của sự gia tăng của cải, càng ngày càng nhiều người, nhất là trong các quốc gia phát triển, đơn giản ăn để thỏa mãn khẩu vị của họ. Nếu ta tham đắm vào bất cứ loại thực phẩm nào, hay giết thú vật để thỏa mãn thói tham ăn thịt của mình thì điều đó là sai quấy. Nhưng nếu một người ăn thịt chẳng phải vì tham lam, và không trực tiếp liên can vào hành động giết mà chỉ là để trợ sức cho xác thân vật chất, người đó thực hành hạnh tự chế.

Trích: "Vì sao tin Phật" (What Buddhists believe),
Tỳ kheo Thích Tâm Quang dịch.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]