Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần mở đầu

13/05/201316:24(Xem: 13437)
Phần mở đầu

Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Phần mở đầu

Pháp Sư Thích Từ Thông

Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông

LỜI TỰA TẬP I

Kinh Duy Ma Cật là bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Đại thừa Viên đốn, là thứ giáo lý mãn tự. Giáo lý kinh Duy Ma Cật dạy cho mọi người về pháp môn giải thoát bất tư nghì. Hành giả thực hiện được là thành Phật như đức Phật Thích Ca và thập phương chư Phật đã thành. Ai có khả năng đoạn sạch vô minh, trừ hết phiền não thì tức thân thành Phật và cõi nước Phật hiển hiện ngay cõi đời này. Giáo lý kinh Duy Ma Cật dạy rằng: Quả vô thượng Bồ Đề không phải là cái hứa hẹn để cho mọi người mõi mòn hy vọng ước mơ. Mà mọi người ai cũng có khả năng đạt đến bằng nghị lực và trí tuệ của mình.

Trưởng giả Duy Ma Cật là người bất tư nghì. Ngài thuyết bất tư nghì pháp, trình diễn bất tư nghì cảnh, tập họp bất tư nghì chúng, khiến mọi người phát bất tư nghì tâm, chung qui tán thán bất tư nghì công đức của Phật. Quả vô thượng Bồ Đề, Phật là mục đích đến, mà Bồ tát Duy Ma Cật vận dụng vô số bất tư nghì sự để hướng dẫn cho mọi người.

Giáo lý Tiểu thừa có đề cập, phước báo nhơn thiên có nói đến, nhưng nói nhơn thiên để phủ định phước báo nhơn thiên. Đề cập Tiểu thừa để khiển trách họ về Niết Bàn sở đắc.

Ba lần hiện Tịnh độ nhằm phổ cáo với đại chúng về thần lực bất tư nghì:

- Với sức thần bất tư nghì của Phật nhãn, đại chúng trông thấy cõi Tịnh độ ở ngay nơi Ta bà uế độ.

- Với sức thần bất tư nghì của tuệ nhãn, đại chúng trông thấy, ngoài Ta bà uế độ, còn có Tịnh- độ của Phật Hương Tích rực rỡ trang nghiêm và xa thẳm.

- Với sức thần bất tư nghì của tuệ nhãn họp cùng Phật nhãn, đại chúng trông thấy Tịnh độ của đức Vô Động Như Lai sáp nhập với uế độ Ta bà mà không có tướng rộng hẹp, khiến cho đại chúng bừng tỉnh ngộ: Uế độ và tịnh độ không rời cảnh giới này.

Bộ kinh Duy Ma Cật, từ Tây vức truyền sang Trung quốc, trước sau có sáu nhà dịch:

1.- Đời Hậu Hán (25-220 TL) Ngài Nghiêm Phật Điều dịch, nhan đề: Cổ Duy Ma Kinh.

2.- Đời nhà Ngô (221-280) cư sĩ Chí Khiêm dịch, nhan đề: Duy Ma Cật Sở Thuyết Bất Tư Nghì Pháp Môn.

3.- Đời Tây Tấn (265-317) Ngài Trúc Pháp Hộ dịch, nhan đề: Duy Ma Cật Sở Thuyết Pháp Môn Kinh.

4.- Ngài Trúc Pháp Lan dịch, nhan đề: Tỳ La Cật Kinh.

5.- Đời Diêu Tần (344-413) Ngài Cưu Ma La Thập dịch, nhan đề: Phật Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh.

6.- Nội dung tư tưởng các bản dịch đại thể không khác nhau nhiều, nhưng ý nhị uyên thâm thì có sâu có cạn. Do vậy, suốt quá trình dịch sử cho đến ngày nay, các tòng lâm Phật học đều ái mộ bản dịch với nhan đề: "DUY MA CẬT SỞ THUYẾT KINH" của Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập.

Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, ở Trung Hoa xưa nay tiền bối sớ giải rất nhiều. Ở Việt Nam ta, người dịch và giải trước sau cũng không ít. Tuy nhiên, do tư-duy nhận thức khác nhau và góc độ nhìn ngắm không đồng. Cho nên công trình phiên dịch và sớ giải kinh điển Phật, có lẽ là công trình sáng tạo không ngừng, mới có thể đáp ứng yêu cầu cho nhiều căn cơ đối tượng.

Phát xuất từ quan điểm nhận thức đó, nhìn qua các bản dịch tại nước ta, tôi thấy cần tham dự đóng góp kiến giải Phật học của mình. Trước là "Ôn cố tri tân" đồng thời cung ứng cho hàng Phật tử hữu duyên cùng đi trên con đường đạo.

Kinh "Duy Ma Cật Sở Thuyết" của Ngài Cưu Ma La Thập, sau khi dịch ra tiếng Việt, tôi viết thêm phần "TRỰC CHỈ" ở sau mỗi chương hoặc sau mỗi đoạn, thay vì lời sớ giải mà các tiền bối cổ kim thường làm.

TRỰC CHỈ có nghĩa là chỉ thẳng, ý tứ tiềm ẩn, phân tích rõ ràng nghĩa lý sâu xa bàng bạc ở kinh văn, nhằm hướng dẫn cho người đọc nắm được trọng tâm, biết rõ chủ đích từng bài pháp của mỗi vấn đề.

Nhưng than ôi!

Ý Phật nhiệm mầu trông như mây phủ ở đầu non, đến được đầu non mây xa tít.

Cơ thiền bảng lảng tưởng chừng trăng trôi mặt nước, hớt tan mặt nước trăng sâu mù.

Do vậy, không thể nào TRỰC CHỈ hết mọi mặt của ý kinh. Cho nên tôi chọn nhan đề của công trình nho nhỏ này là: "DUY MA CẬT SỞ THUYẾT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG".

Tôi hy vọng giáo án này, - tôi gọi là giáo án, vì những kinh luận của tôi biên soạn nhằm để triển khai hướng dẫn mọi người đệ tử Phật, học chánh pháp, hành chánh pháp, sống theo chánh pháp và truyền bá chánh pháp chớ không chủ trương đem tụng trước bàn thờ Phật. Giáo án này được đến tay Tăng, Ni sinh trung cao Phật học các trường, tôi xem đó là một cơ hội đóng góp phần nho nhỏ của mình trong sự nghiệp tục diệm truyền đăng.

Đối với hàng Phật tử tại gia tín tâm đã phát khởi với chủng tánh Đại thừa vốn có của mình, đọc học được kinh này thì đường tu tập vững bước tiến lên, không một thế lực ma quân tà đạo nào dám lấy mắt mà nhìn, đừng nói chi chuyện manh tâm mê hoặc.

"Học, học nữa và học mãi"

Học cho đến khi:

- Bồ-Đề quả thục, nhất chân phi sắc phi không.

- Bát Nhã hoa khai, vạn pháp tức Tâm tức Phật.

Viết tại HUỲNH MAI TỊNH THẤT
Ngày 16 tháng 12 năm 1991
Pháp Sư : Thích Từ Thông
Kính đề.

PHÀM LỆ

Bộ kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết gồm cả thảy mười bốn chương, được chia thành hai tập. Tập Một có năm chương và tập Hai có chín chương. Khi nghiên cứu bộ kinh này, kính mong quý đọc giả lưu ý:

1.- Phần nguyên văn được in chữ đứng. Đó là phần dịch đúng nguyên bản của kinh văn.

2.- Phần Trực chỉ in chữ nghiêng để cho đọc giả dễ phân biệt. Phần này do tôi đóng góp bằng kiến giải của riêng mình. Hy vọng phần Trực chỉ sẽ giúp cho đọc giả manh mối để tư duy, gợi trí nhận xét khi các Ngài thiền tọa.

3.- Đoạn kinh văn dài, có nhiều ý, tôi đánh số 1, 2, 3 v.v... Đoạn có đánh số là có tiềm ẩn ý nghĩa sâu xa. Tôi phân tích diễn giải phần ý nghĩa tiềm ẩn đó trong phần Trực chỉ sau chương hoặc sau đoạn kinh văn đó.

Mấy lời kính cáo, mong chư đọc giả lưu tâm. Việc tác phẩm hoàn bị hay chưa, giúp ích cho đời được nhiều hay ít, thiết tưởng không có gì đáng nói.

Tôi cho rằng tất cả chúng ta ngày nào còn sống trên cõi đời, thì còn phải: "Học, học nữa và học mãi"

Pháp Sư : Thích Từ Thông
Cẩn chí.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]