Cho Trọn Mùa Xuân
Ngày Xuân Khuyến Chúng
HT. Thích Đức Niệm
Nguồn: www.quangduc.com
Nguồn: www.quangduc.com
Hôm nay nhân ngày đầu xuân Quý-Dậu 1993, thầy có đôi lời khuyến lệ các huynh đệ:
Cứ mỗi lần tết đến, người đời nô nức chưng diện ăn mặc đồ mới, trên môi nở nụ cười, chúc cho nhau bằng những lời may mắn tốt đẹp. Người ta chúc tết, mừng tuổi, tiệc tùng, chè chén, đủ thứ trò chơi trong những ngày xuân tết, để rồi sau đó đâu lại vào đấy, lại tiếp tục những ngày tháng dài bươn chải mưu kế sanh nhai. Có kẻ miệt mài đuổi bắt lợi danh, có kẻ tự giam mình trong sòng bài canh bạc đỏ đen, có kẻ mải mê đắm chìm trong ái dục tình trường. Cứ thế thời gian phủ lên người họ lớp phong sương nhan sắc suy tàn, ngũ dục thế gian đục khoét tâm hồn họ loang lổ đến khô cằn không còn chất nước tình thương nhân nghĩa đạo đức, nhưng họ nào có biết! Dục vọng lợi danh âm thầm bao phủ xiết chặt trái tim họ để rồi từ đó dần dần họ trở nên chật hẹp cằn cỗi không còn quả tim rung động của tâm đức vị tha. Ngũ dục thế gian cuốn lôi họ đến gần kề hố thẳm đọa đày già chết, nhưng họ đâu có hay biết! Ngũ dục thế gian hấp dẫn cuốn lôi người đời chẳng khác nào cậu bé mê thích những cây kẹo cần sa, những mảnh nha phiến vụn được bọc lớp đường bên ngoài, để rồi nhận chịu sự mỏi mòn quằn quại đau nhức với những chiếc kẹo kia, như cá cắn câu!
Người đệ tử Phật, nhất là hàng xuất gia, khi đã chọn con đường giác ngộ vị tha giải thoát, tức là con đường đức Phật đã đi thì không thể như người đời vướng mắc lợi danh dục tình, mà nên kiên tâm quyết chí theo đuổi lý tưởng của mình với ý chí tinh tấn không ngừng. Đừng do dự, dù gặp phải chướng duyên nghịch cảnh trên đường hành đạo, các huynh đệ phải tinh tấn nhẫn nhục khắc phục để tiến bước như lúc ban đầu sơ phát tâm. Trên con đường hành đạo để đạt đến đạo quả giác ngộ giải thoát không phải lúc nào cũng có hoa thơm cỏ lạ bướm lượn đón chào, không phải lúc nào cũng bước đi trên con đường bằng phẳng, trong cảnh bình minh muôn chim ca hót đón đưa, mà phải ý thức rằng, trên con đường hành đạo giác ngộ tiến đến đạo quả giải thoát Niết-Bàn, dẫy đầy chướng duyên nghịch cảnh, hành giả phải quyết tâm trì chí kiên nhẫn tiến đều bước trên đá sỏi chông gai. Trước khi đạt đến đạo quả giải thoát, phải bước lên gai đá, vượt qua bao hầm hố quanh co với dẫy đầy những yêu tinh rình rập đợi chờ sơ hở, tức là phải luôn tỉnh thức biết rằng, khi nào tâm chí hành giả giải đãi là chúng ma liền nhân cơ hội xen vào quấy phá làm cho tâm trí loạn động thối chí nản lòng bỏ cuộc trên đường chân lý. Các huynh đệ nhìn thấy cảnh cực nhọc khó khổ của kẻ chèo thuyền ngược dòng thác lũ, họ phải kiên trì vững chí khắc phục gian nguy, tiếp tục ra sức chống chèo cố vượt qua bao ghềnh thác để rồi mới đến được bến bờ cao sáng quang đãng, lúc đó tha hồ an vui thưởng thức hoa thơm cỏ lạ của rừng núi suối nguồn và trời cao trăng sáng. Kẻ tu hành theo Phật cũng thế, lúc hành đạo gặp đầy gian nan cực khổ, sống đời cô liêu quạnh quẽ tịch mịch, ngày ngày trong cảnh thanh đạm tĩnh vắng chốn chùa viện am tranh, không cơm ngon áo đẹp, khi đau bịnh thiếu thuốc thang, trải qua tháng ngày bằng đời sống đơn giản đạm bạc, nhưng cõi lòng thanh thản sáng ngời với lý tưởng vị tha xả thân cầu đạo vời vợi siêu thoát, với ý chí bền bỉ sắt son để tất cả cho lý tưởng giác ngộ giải thoát. Ngoài mục đích đạt đạo giác ngộ giải thoát, hoằng pháp lợi sanh, người xuất gia tu học
Phật không còn ý nghĩ nào khác.
Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, bậc Đạo-Sư của chúng ta, thọ hưởng đời sống vật chất thế gian và danh vọng quyền uy cung vàng điện ngọc không ai hơn, tại sao Ngài lại dứt khoát vứt bỏ, xem danh lợi quyền uy như rác dính trong con mắt, như gai nhọn đâm vào mặt, để rồi chọn lấy cuộc đời của người tăng sĩ thanh đạm nâu sồng trong rừng sâu núi tuyết cô liêu, thiếu ăn thiếu mặc mà ngày nay nhân loại kính mộ tôn thờ nguyện theo? Nếu Ngài cũng tham dục lợi danh, ham quyền uy vua chúa như bao nhiêu Thái-tử khác, thì thử hỏi ngày nay có ai còn nhớ đến Ngài, có ai tôn thờ Ngài là bậc vĩ nhân đại-hùng đại-lực đại-từ-bi, có còn ai xưng tụng là Thế Tôn, là Phật, là bậc đại-giác-ngộ-giải-thoát, là bậc đại Đạo-Sư của trời người, là cha lành trong bốn loại không? Vậy nhân loại quy ngưỡng tôn thờ Ngài là bởi tại sao? Có phải do đức từ bi, trí giác ngộ, hạnh giải thoát không? Ba đức tánh nầy chính là kết quả của tâm chí hành đạo kiên trì nhẫn nhục mà được. Nay chúng ta nguyện theo gót chân Ngài tiến bước trên con đường giải thoát mà
Ngài đã đi, thì điều cần thiết duy nhất là chúng ta nên dứt khoát vứt bỏ hết tâm danh lợi dục tình phù phiếm thế gian, nguyện nhẫn nhục chịu đựng gian nan an bần lạc đạo, lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy hạnh Phật làm hạnh mình, lấy nguyện Phật làm nguyện mình, và luôn luôn nhớ mình là đệ tử Phật, tập sống theo lời dạy, ý nghĩ, tâm hạnh như Phật.
Là đệ tử Phật, nhất là người xuất gia đang ở nhà Phật, ăn cơm Phật, mặc áo Phật, sống và trưởng thành đều nhờ ân đức Phật, mà tâm hạnh không giống Phật chút nào thì đó là điều bất xứng làm người đệ tử Phật, cũng là bất hạnh cho đạo pháp, nếu không muốn nói là phản hại Phật. Chẳng khác nào như con từ nơi cha mẹ sanh dưỡng, nhờ cha mẹ mà no ấm lớn khôn, lại không như lời cha mẹ khuyên dạy thì gọi là đứa con gì?
Các huynh đệ thấy, nước sông cuồn cuộn chảy cuốn theo đất đá cỏ cây. Cũng giống như thế đó, ngũ dục thế gian cũng cuốn lôi người đời như dòng sông cuốn trôi cây đá hoa lá kia. Kẻ trên thuyền không kiên tâm bền chí ra sức chống chèo vượt ngược dòng nước để trở về bến cũ, thì sẽ phải bị dòng thác lũ ngũ dục cuốn trôi nhận chìm. Người đời cũng vậy, bởi do buông tình thả ý chạy theo lợi danh giả huyễn thế gian, say đắm dục vọng không biết phản tỉnh cố gắng tu tâm sửa tánh làm lành bồi phước thì cũng như cây cỏ trên dòng nước, thuyền xuôi theo ghềnh thác cuốn trôi. Rượt đuổi chụp bắt danh vọng ái tình ở đời chẳng khác nào con dã tràng se cát biển đông, như ong ngày ngày bay khắp nơi tìm nhụy hoa làm mật, mà thật sự không hưởng được gì. Thấy rõ thế sự phù hoa mộng huyễn, mà người đời vô minh mê muội mải miết đeo đuổi để phải lưu chuyển trầm mình trong ngũ dục, nên thi nhân diễn tả kiếp người dong ruổi chụp bắt lợi danh:
Sáng chạy tây, rồi tối chạy đông
Người đời dong ruổi tợ như ong
Trăm hoa hút nhụy về làm mật
Rốt cuộc thân tàn một kiếp không
Một khi thấu rõ danh lợi thế gian là huyễn mộng, con người khi ra đời cũng như lúc từ giã cõi đời với hai bàn tay không, thì chúng ta nên tập sống đời tỉnh thức tri túc, tức là sống biết đủ, dừng bước tham đắm ngũ dục. Người biết sống tri túc dứt đường ngũ dục thì đời sống thanh thản an vui thủ thường hành đạo, để tạo tư lương tiến bước trên đường giác ngộ giải thoát. Ngược lại, kẻ không biết sống tỉnh thức tri túc thì suốt đời đua đòi ngược xuôi cho đến khi mỏi gối chùn chân, mắt lờ, tai điếc, đầu bạc, hơi thở hấp hối, lúc đó họa hoằn mới có cơ hội dừng chân. Nhưng than ôi! Người như thế không còn năng lực và thời gian để tạo tư lương phước đức cho mình trên con đường thánh thiện giác ngộ giải thoát nữa!
Bằng cách nào để tạo tư lương trên đường giác ngộ giải thoát? Đó là, ta phải lập cho chính ta chương trình tu tập. Tu là sửa đổi thói hư tật xấu thành tánh tốt. Tập là luyện tập những đức tánh tốt, thâu thập điều lành, ngày ngày ghi nhớ để thấm nhuần thành thói quen. Vậy tu tập có nghĩa là sửa đổi luyện tập để cho tâm tánh được tốt, huân tập thành thói quen lành thiện tiến bộ, làm cho thói hư tật xấu không có cơ hội phát triển, rồi từ đó những tánh xấu tự nó thoái hóa tiêu diệt. Thói xấu tật hư tiêu diệt, tức là phàm tánh thiện hiển lộ. Như mây mù tan biến thì mặt trời hiển bày chiếu quang sáng ấm đầy khắp đại địa. Cảnh giới chơn tâm hiển lộ nầy, thiền-tông gọi là minh tâm kiến tánh, Tịnh-độ-tông gọi là nhất tâm bất loạn, Mật-tông gọi là đoạn hoặc chứng chơ. Danh từ xưng gọi tuy có khác, nhưng cùng đồng ý nghĩa là thể đạt bản tánh chơn như, tức là người sống trong tỉnh thức giác ngộ.
Muốn chuyển phàm tánh thành Phật tánh, muốn bỏ phàm tâm để thành Phật tâm, thì hằng ngày, ngay trong đời sống nhứt cử nhứt động phải nhứt tâm nhứt niệm, ý thức mình đang làm gì. Đọc sách, biết ta đang đọc sách; tưới hoa, biết ta đang tưới hoa; tụng kinh niệm Phật, biết ta đang tụng kinh niệm Phật; nói chuyện, biết ta đang nói chuyện. Nghĩa là chính mình phải để tâm quán chiếu vào đời sống thực của mình trong mỗi hành động cử chỉ tâm niệm. Thế nên, bất cứ ai thuộc hạng người nào, khi đã vào chùa viện chọn đời sống xuất gia tu hành, trước nhất phải học thuộc lòng quyển Tỳ-Ni-Nhật-Dụng. Nội dung quyển nầy dạy hành giả phương cách nhất tâm quán niệm nhiếp nhục ba căn thân miệng ý khắp trong mỗi hành vi cử chỉ đời sống hằng ngày. Nghĩa là tập sống đời tỉnh thức quán chiếu thân tâm trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Người tu thiền quán sổ tức, thực hành quán niệm cũng là phương cách thực tập sống lại với chính mình. Người tu niệm Phật, mắt nhìn tượng Phật, miệng niệm danh hiệu Phật, tâm quán đức tướng trang nghiêm của
Phật, thời thời niệm Phật, đi đứng ngồi nằm đều tưởng nhớ Phật, đó cũng là phương cách điều phục lục căn để nhiếp niệm nhất tâm.
Ít nhất mỗi tối trước khi đi ngủ, các huynh đệ nên thành tâm lạy danh hiệu bảy đức Phật ở nghi thức sám hối trong quyền Nghi-Thức-Tụng-Niệm, rồi ngồi tĩnh tọa lắng đọng tâm tư kiểm điểm lại hành vi tâm niệm của mình từ sáng thức dậy bước xuống giường cho đến giờ phút nầy lên giường ngủ, một ngày qua ta đã làm gì, nói gì, nghĩ gì. Nếu làm điều lành thiện, nói điều hay lẽ tốt hợp với Phật pháp, làm cho người an vui thì ta nên tiếp tục phát triển điều đó. Ngược lại, nếu hành vi tâm niệm lời nói của mình làm cho người buồn, tổn hại đến chúng sanh, bất lợi cho Phật pháp thì ta nên khởi tâm hối hận, tự trách mình tại sao lại có cử chỉ ý niệm lời nói tổn thương đến tha nhơn, đến loài vật như vậy. Rồi tiếp tục quán sát kiểm điểm ý niệm một ngày qua ta đã suy nghĩ những gì và tự hỏi tại sao ta lại suy nghĩ như vậy. Phương pháp hằng ngày kiểm điểm ba nghiệp thân miệng ý nầy rất quan trọng và thực tế hữu ích cho đời sống thăng hoa thánh thiện của người hành đạo giác ngộ giải thoát.
Không kiểm điểm hành vi tự thân, không quán sát diễn biến tâm ý thì sẽ không biết một ngày qua ta đã làm gì, tâm ta ra sao cứ để ngày trôi qua ngày như thế thì khó mà gột rửa tam nghiệp để tịnh hóa thân tâm. Thế nên, muốn cải thiện đời sống thì trước phải cải thiện tâm và thân. Những tâm niệm hành vi ngôn ngữ lành thiện thì ta nên duy trì phát triển. Ngược lại, nếu là tâm niệm hành vi ngôn ngữ bất thiện lợi mình hại người thì quyết trừ bỏ. Ngày ngày tháng tháng năm năm giờ giờ khắc khắc, nếu ta áp dụng phương pháp kiểm điểm hành hoạt ba nghiệp thân miệng ý, có lỗi lầm thì khẩn thiết ăn năn trừ bỏ, đồng thời phát nguyện cố gắng giữ gìn để không tái phạm. Làm được như thế thì lo gì ta không trở nên người đạo hạnh?
Xong phần kiểm điểm ba nghiệp, tiếp theo quán hình ảnh Phật với lòng ngưỡng mộ ước mong cho mình được đức tướng như Phật và thầm niệm danh hiệu Phật theo hơi thở. Phương pháp niệm Phật theo hơi thở, khi hít vào tưởng niệm Nam-Mô A, khi thở ra tưởng niệm Di-Đà-Phật. Phương pháp niệm nầy là tâm niệm danh hiệu Phật theo hơi thở ra vào, chứ không phải miệng niệm. Nếu phương pháp nầy mà vẫn không nhất tâm khó thực hành thì ngồi tịnh tâm định thần nhớ hình ảnh Phật đến khi nhất tâm bất loạn. Nếu hai phương pháp trên cảm thấy không thích hợp thì phương pháp thứ ba là niệm ra tiếng, niệm theo tay lần tràng chuỗi. Tiếng niệm Phật rõ ràng, miệng niệm, tai nghe tiếng niệm, mắt nhìn tượng Phật, tâm quán sát theo dõi tiếng niệm. Cứ tiếp tục như thế thì sẽ nhứt tâm. Một khi nhứt tâm bất loạn thì thân an, trí huệ theo đó phát quang, định huệ phát triển song toàn, phiền não triệt dứt. Để kết thúc thời niệm Phật, nên tụng bài Đại-Bi và Bát-Nhã rồi phát nguyện hồi hướng trong trạng thái an nhiên tự tại. Bằng cách thong thả cử động nhẹ chân tay, đứng dậy lạy Phật, rồi đi ngủ.
Nếu mỗi tối trước khi đi ngủ các huynh đệ đều thực hành như vậy, thì khi ngủ không chiêm bao ác, giấc ngủ an lành, tự nhiên nơi lòng cảm thấy thanh thản an vui, niềm tin vững chắc thiết tha với đạo, tâm hỷ xả vị tha ngày thêm rộng mở, đạo hạnh cũng theo đó mà tăng trưởng. Các huynh đệ cũng nên biết, đạo không tìm ở đâu xa, mà ngay hành vi cử chỉ tâm niệm trong đời sống hằng ngày của mình. Biết nhiếp nhục ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh là thấy đạo. Thầy đã phát nguyện thực hành phương pháp nầy thời còn là chú điệu, trước ngày thọ giới Sa-Di. Nhớ ngày thấy đi du học Đài-Loan, Hòa-Thượng Thiện-Hòa đưa ra cổng chùa dặn dò: “Thầy Đức-Niệm! Dù bận học đến đâu, mỗi tối trước khi đi ngủ nên nhớ tĩnh tọa niệm Phật, tụng bài Đại Bi, Bát-Nhã.” Và sau nầy thỉnh thoảng Hòa-Thượng gửi thư sang thăm cũng chỉ khuyến nhắc bấy nhiêu. Phương pháp thật đơn giản, mà công hiệu quả thật vô cùng. Vì vậy, cho dù sống trong hoàn cảnh nào, ở đâu, thầy cũng vẫn giữ như thế thực hành không gián đoạn. Hằng tâm trì chú và thực hành phương pháp niệm Phật đơn giản nầy, về lâu về dài thấy có kết quả tốt trên bước đường thanh tịnh hóa nhân cách, đạo hạnh cũng từ đây được tô bồi, tâm Bồ-đề phát triển, niềm tin càng được kiên cố hơn và khắc phục được chướng duyên nghịch cảnh trên đường hành đạo.
Sách sử còn ghi, ngày xưa có lần vua Lê-Dụ-Tôn hỏi Hương-Hải thiền sư làm thế nào để được kiến tánh, làm thế nào để được thấy Phật? Hương-Hải thiền sư trả lời:
Phản văn tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế khan
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức
Đương lai điện thượng đỗ sư nhan.
Tạm dịch:
Nghe lại điều mình thấy mỗi ngày
Suy đi nghĩ lại kỹ càng hay
Chớ tìm tri thức trong cơn mộng
Như thế mới hay gặp được Thầy
Đại ý Hòa-Thượng Hương-Hải khuyên nhà vua hằng ngày nên quán sát kiểm điểm lại hành vi tâm niệm của mình. Phải quán chiếu xét xem dòng tâm thức chuyển biến chớ đế dính mắc trôi theo cảnh trần. Tâm phân biệt chạy theo ngoại cảnh đến đi thịnh suy thăng trầm còn mất hơn thua thì phiền não theo đó phát sanh. Tâm thanh tịnh thì cảnh trôi theo thời gian, tâm vẫn tự tại thản nhiên. Tâm dính mắc theo cảnh trần là vọng tâm. Tâm cảnh đều là mộng huyễn. Một khi nhận chân các pháp mộng huyễn, ly huyễn thì tuyệt dứt vọng tâm vọng niệm, ấy là chứng chơn kiến tánh. Một khi đã kiến tánh thì thấy được Phật tâm. Tâm, Phật, chúng sanh không hai không khác. Mê là chúng sanh, ngộ là Phật. Vọng niệm là phàm phu, chánh niệm là Phật. Ý nghĩa nầy như Kinh Hoa-Nghiêm nói: “Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt, mê thị chúng sanh, ngộ tức Phật.” Tâm ác, thì miệng nói lời ác, thân làm việc ác. Tâm tà, thì miệng nói lời tà, thân làm việc tà. Tâm chánh thiện, thì miệng nói điều chánh thiện, thân làm việc chánh thiện. Tất cả chánh tà khổ vui thịnh suy vinh nhục đều do tâm. Bởi thế nên Phật pháp nói: “Nhứt thiết duy tâm tạo.” Thiện ác do ba nghiệp thân, miệng, ý tạo. Thánh phàm do thân miệng ý làm nên. Người tu học Phật phải ghi sâu nhớ kỹ điều nầy, chớ tìm cầu đua đòi nơi nào ở đâu ngoài tâm. Tâm tịnh thì độ tịnh, an lạc thanh bình. Tâm tịnh thì ánh sáng bình minh giác ngộ giải thoát hiển lộ hiện tiền.
Vậy Thầy ước mong các huynh đệ đừng nhiễm thói đời để tánh hiếu kỳ lôi kéo chạy theo phương pháp tu nầy, ông sư nọ, bà thầy kia bịa đặt cách nầy cách nọ dụ hoặc, mà luống công mất thời giờ vô ích. Đệ tử Phật nên y theo lời Phật dạy trong kinh điển mà tu hành thì thành Phật. Một điều quan trọng Thầy cũng lưu ý các huynh đệ nên ghi nhớ kỹ là, đừng lầm lẫn việc học hiểu giáo lý chỉ để thỏa mãn kiến thức, lý thuyết suông. Nếu tu học Phật chỉ nhắm vào thỏa mãn hiểu biết, mở rộng kiến thức, lý thuyết suông cho người nghe, mừng vui tự mãn với những lời khen ngợi thì nhất định sẽ rơi vào một trong bán nạn, đó là thế-trí-biện-thông, vô tình tự tạo nên cống cao ngã mạn. Cho nên giá trị của người học hiểu giáo lý Phật-Đà chính là để chánh tâm thành ý thực hành, thể hiện giáo lý bằng đời sống hành hoạt hằng ngày qua ba nghiệp thân miệng ý, như thế mới thật sự tu bồi đạo hạnh, thanh tịnh hóa thân tâm. Học hiểu giáo lý để trau dồi thân tâm, tránh lầm lẫn tà pháp mê hoặc, khuyên người cùng phát tâm tu, đó là tâm nguyện của
Phật. Học hiểu giáo lý của Phật để đối chiếu với chính mình, để minh sát ba nghiệp thân miệng ý, chứ không phải lý thuyết suông, như thế mới đích thực chân chánh là người tu học Phật.
Hôm nay ngày đầu xuân, người đời vui mừng tặng quà cáp lễ vật cho nhau. Người xuất gia tu học Phật không giống như thế. Mà trái lại, mỗi lần xuân tết đến, người đệ tử Phật phải ý thức rằng, tết đến là chất chồng thêm một tuổi, nên tự tra vấn lòng mình, một năm qua ta đã làm được gì lợi ích cho người cho mình. Đạo nghiệp tu hành có tiến bộ phần nào không? Nếu không thì thật đáng buồn đáng hổ thẹn rằng mình đã vô tình giải đãi để thời gian quý giá trôi qua một cách luống uổng vô ích. Thêm một năm là tăng một tuổi chồng chất trên đời mình, là bước gần đến bến bờ già chết. Phải biết tự trách, tự cảnh giác thầm than rằng, thôi rồi, gần hết một đời mà đường tu niệm vẫn còn yếu kém thì làm sao có thể trên báo đền bốn ân nặng. Mình không được giác ngộ giải thoát thì làm sao dưới cứu giúp chúng sanh trong ba đường khổ. Ơn nặng không trả xong thì ba đường khổ không mong gì thực hiện cứu giúp. Chẳng những bốn ơn k hông trả xong, ba đường không cứu giúp được, mà chính bản thân cũng không giác ngộ, tâm đức đạo hạnh không tiến bộ thì thật là cô phụ một đời tu hành. Vậy là đã tự đem mình làm ký sinh trùng trong vườn hoa Phật pháp. Người xuất gia mà không tự sách tấn phản tỉnh, nghiêm chỉnh hành trì giới luật, không nỗ lực niệm Phật, tham thiền, bái sám, tụng kinh, chuyên tâm quyết chí dứt bỏ phàm tâm danh lợi tham vọng dục tình, thì đã tự biến mình làm mối mọt trong ngôi nhà Phật pháp.
Mong các huynh đệ phải hết lòng giữ giới luật như giữ con mắt của mình. Phải nhiệt tình hiến đời mình cho đạo pháp và chúng sanh. Phải coi mình như một chiến sĩ diệt trừ giặc tham sân si của chính mình. Đem hết tâm tình và khả năng phục vụ cho đạo pháp cao siêu để cho tinh thần từ bi rộng khắp vô lượng, cho tình thương trang trải đến muôn loài. Nên vận dụng hết khả năng đem ánh sáng Phật pháp trang trải khắp mọi nơi mọi người. Như thế mới đúng là đệ tử Phật, mới thể hiện được tâm-hạnh-nguyện của Phật.
Đức Phổ-Hiền Bồ-Tát đã tu hành theo Mười-Đại-Nguyện-Vương mà được thành đạo quả. Xưa nay các bậc tiên thánh liệt hiền thầy tổ cũng đã y theo Mười-Đại-Nguyện-Vương Phổ-Hiền mà tu hành đã thành tổ, thành Bồ-Tát, thành Phật. Bây giờ ngày ngày Thầy cũng hành trì theo Mười-Đại-Nguyện-Vương ấy. Nghiêm chỉnh thực hiện Mười-Đại-Nguyện-Vương Phổ-Hiền là hành Đại-thừa đạo, tận diệt phiền não, sẽ thành đạo Bồ-đề Vô-thượng. Thiện-Tài đồng-tử trong kinh Hoa-Nghiêm đã khắp nơi tham cầu học đạo hơn năm mươi vị thiện-tri-thức Bồ-Tát, thế mà cuối cùng rồi cũng đến cầu học với Bồ-Tát Phổ-Hiền và được trao pháp môn Mười-Đại-Nguyện-Vương. Thế thì đủ thấy Mười-Đại-Nguyện-Vương quan trọng với người tu hành đến chừng nào!
Thầy mong các huynh đệ nên triệt để y theo Mười-Đại-Nguyện-Vương Phổ-Hiền, nghiền ngẫm về ý nghĩa thâm sâu từng đại nguyện một, thành tâm thiết ý lấy Mười-Đại-Nguyện-Vương Phổ-Hiền làm phương pháp tu, cố gắng thực hành trọn đời thì nhất định đường tu hành sẽ đến nơi đến chốn. Tu Phật thì phải thành tâm học Phật, phải ghi nhớ lời Phật dạy để mà hành trì thì nhất định sẽ thấy Phật. Các bậc Bồ-Tát đã làm như vậy mà đạt thành đạo quả. Ngày nay các huynh đệ muốn thành đạo quả thì Thầy tha thiết khuyến lệ các huynh đệ chớ nên đua đòi a dua mua vui tu theo bất cứ phương pháp mới lạ nào khác, để tránh rơi vào cạm bẫy của những kẻ tà ngụy lạm xưng chứng thánh, là Bồ-Tát hiện hình, mà thật ra là họ đang thực hành phương họ tự tạo, phương pháp ma đạo theo vọng tưởng tà tâm tạo ra. Chúng ta cách Phật lâu xa, tà ngụy dẫy đầy, chơn gaỉ khó phân, chỉ cần tu theo kinh điển Phật dạy qua sự hướng dẫn của các bậc chân tăng giới hạnh trang nghiêm. Các huynh đệ phải đem hết lòng thành theo như lời Phật dạy mà hành trì, chuyên tâm tu tập với lòng thành tha thiết thì nhứt định có được đời sống chánh kiến, chánh niệm, chánh tâm, tất nhiên đưa đến đạo đạo như sở nguyện.
Trên đây, Thầy có mấy lời chân tình khuyến lệ trao đến các huynh đệ làm quà tết trong ngày đầu xuân.
Thực hành giáo pháp đức Phật vào đời sống là người có trí huệ, chắc chắn được hạnh phúc. Tìm hiểu giáo pháp đức Phật để thỏa mãn kiến thức, lý luận thấp cao là rơi vào không tưởng, chẳng khác người không tắm gội mà mặc áo mới, kẻ say rượu mà luận bàn đạo lý.
Gửi ý kiến của bạn