Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3: Phụ Trang

13/05/201311:44(Xem: 12526)
Phần 3: Phụ Trang

Chú Giải Kinh Kim Cang & Chánh Pháp Chưa Từng Có

Phần 3: Phụ Trang

Thích Huyền Vi

Nguồn: Thích Huyền Vi

LƯỢC SỬ ĐỨC THẾ TÔN

I. GIÁNG SINH

Hai chữ Thích Ca (Sakya), Trung Hoa dịch là Năng Nhân: hay làm nhân đức, rộng giúp ba cõi. Hai chữ Mâu Ni (Muni) dịch là Tịnh Mặc = vắng lặng hằng còn, tự nhiên như nhiên. Thân phụ của Ngài là một vị quốc vương của nước Ca Tỳ La Vệ (Kaplilavastu) Ấn Độ. Ấy là Hoàng Đế Tịnh Phạn (Suddhodana). Thân mẫu của Ngài là Hoàng Hậu Ma Gia (Mayadevi). Bà là bậc mẫu nghi thiên hà, cần kiệm trong sáng, không thích xa hoa, ưa nghe chánh pháp. Năm bà 44 tuổi, một đêm nọ nằm mộng, bà thấy một vị khôi ngô, tuấn tú, cởi voi trắng sáu ngà, khai hông bên hữu, vị ấy đi vào thai tạng. Đến ngày trăng tròn tháng Vesak, Hoàng Hậu đến vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), trong thời gian ấy, mùa xuấn nắng ấm, hoa Vô Ưu (Asoka) nở tròn, tay bà vói hai, Thái Tử giáng sinh. Về sau, người đời tôn xưng Ngài là Phật Thích Ca Mâu Ni. (Sakyamuni Buddha). Theo lược sử Trung Quốc, đã từng có một đoạn nói rõ: "Mùng 8 tháng tư (lịch Trung Hoa) ở Trung Quốc, núi sông chấn động, năm sắc hào quang chiếu đến trời xanh, quan Thái Tử Tô Điền tâu Vua rằng: Có bậc Đại Thánh nhơn giáng sinh ở phương Tây, sau 500 năm giáo hóa Pháp của Ngài sẽ truyến đến nước nầy".
Sau khi Thái Tử giáng sinh, Hoàng Hậu Ma Gia được hoàng tộc rước về kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kaphilavastu), Vua Tịnh Phạn thấy Thái Tử tướng mạo khôi ngô, trong lòng vô cùng hoan hỷ, lập tức hội hợp quần thần lại, đặt tên cho Thái Tử là Tất Đạt Đa (Sidhartha). Ý nghĩa ba chữ Tất Đạt Đa là tất cả mọi viêc đều được thành tựu. Hoàng Hậu Ma Gia (Magadevi) sau khi hạ sanh Thái Tử bảy ngày, nhờ phước đức ấy hồn thần của bà rời khỏi xác thân, sinh lên cung Trời Đao Lợi. Từ đó, em Hoàng Hậu là bà Ma Ha Pa Xà Pa Đề (Mahaprajapati) dưỡng nuôi Thái Tử cho đến lúc trưởng thành.
Năm lên bảy tuổi, Vua cho mời học giả Bà La Môn (Brahma) tên là Bạt Đà La Ni (Bradravani) dạy về văn chương, thi phú …v.v…nhưng vì lãnh thổ của nước Ca Tỳ La (Kapila), chỉ vuông vức có hơn 500 dặm, là một tiểu quốc, đối với các nước lớn về vấn đề đối lập, thật là đáng lo ngại! Thế nên, Vua Tịnh Phạn mời vị võ sư tên là Sằn Đề Đề Bà (Ksantisi), để dạy võ nghệ cho Thái Tử. Thái Tử Tất Đạt Đa thiên tính rất thông minh, văn võ song toàn, thanh danh của Ngài chấn động cả trong lẫn ngoài nước.
Giáng sinh ngày ấy, muôn nơi rõ,
Là một tin vui khắp mọi miền,
Chiếu rạng tưng bừng xua bóng tối,
Rồi đây sẽ có đạo vàng thiên!

II – XUẤT GIA

Khi Thái Tử Tất Đạt Đa (Sidhartha) giáng sinh, Vua Tịnh Phạn (Suddhodana), có được một vị tiên tên là A Tư Đà (Asitarsi) đến xin phép xem tướng Thái Tử. Ông tiên ấy khi nhìn tướng Thái Tử rồi, chảy nước mắt, than một câu rằng: "Tôn dung của Thái Tử thật là vĩ đại, đẩy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, không phải là người phàm. Nếu Ngài không xuất gia thì sẽ là một vị Chuyển Luân Thánh Vương, thống lãnh năm xứ Thiên Trúc (5 xứ Thiên Trúc chính là 5 xứ Ấn Độ: Đông, Tây, Nam, Bắc, và Trung Ương), ý nói thống lãnh toàn xứ Ấn Độ. Nếu là xuất gia, chắc chắn làm một vị Đạo Sư trong ba cõi. Tôi than, tôi khóc vì tôi tuổi đã già, không thể đích thân nghe được những lời vàng ngọc của Ngài thuyết pháp".
Vua Tịnh Phạn nghe qua các tiên đoán của ông tiên, nửa mừng nửa lo. Vua luôn khấn nguyện cho Thái Tử sẽ trở thành Chuyển Luân Thánh Vương, không một mảy may muốn sự xuất gia đến với con của Ngài. Từ đó, Vua Tịnh Phạn cố ý muốn ngăn cản sự xuất trần của vị Hoàng Tử ưu tú. Vua tưởng những sự khoái lạc đầy đủ trong thế gian sẽ cầm chân được Thái Tử, nên Vua ra lệnh xây thêm ba tòa lâu đài, cho ba mùa, có nơi đặc biệt để Thái Tử hưởng thụ, cũng cấp thêm rất nhiều cung phi, mỹ nữ, kẻ hầu người hạ. Vua Tịnh Phạn đối với Thái Tử rất là chân tình, hết mực săn sóc thương yêu. Vua đổ hết của cải của một tiểu quốc cho Thái Tử cũng không bao giờ tiếc hận.
Năm Thái Tử lên 17 tuổi, Vua Tịnh Phạn làm lễ thành hôn cho Thái Tử với công chúa Gia Du Đà La (Yasodhara), con gái độc nhất của Vua Thiện Giác (Kusalabuddha). Lễ thành hôn yến tiệc linh đình, đờn ca hát xướng, tận dụng mọi thứ khóa lạc ở trần gian, nhưng trong lòng Thái Tử lúc nào cũng nghĩ đến cảnh vô thường: Sanh, già, bịnh, chết trong nhân gian mà chúng sinh đang gánh chịu. Sự suy nghĩ tìm chân lý cầu giải thoát cho chúng sinh càng tăng thêm trong lòng Ngài. Mặc dù nhiều khoái lạc trong cung đã mang đến cho Ngài, nhưng lòng Ngài không mảy may xúc động.
Một hôm, Thái Tử bạo dạn đến trước Phụ Vương, tỏ bảy chí hướng muốn được xuất gia. Vua Tịnh Phạn nghe qua trong lòng sợ hãi. Vua phán, "nếu con muốn thành đạo, độ tất cả chúng sinh, nên trước cứu giúp sự khổ não của cha già. Ta muốn sớm nhường ngôi lại cho con, để thật hành phạm hạnh. Đây là ước nguyện của ta". Tuy lời phán của phụ vương Ngài như thế, nhưng chí nguyện xuất gia của Thái Tử không có chi lay động.
Năm Thái Tử đúng 19 tuổi, công chúa sinh được một hoàng nam, ấy là La Hầu La (Rahula), nhân dân trong thành và cả nước ai cũng đều khánh hỷ, chào mừng ngày sanh ra của một vị vương tôn. Nhưng trong thân tâm của Thái Tử giờ phút nào cũng nghĩ đến việc xuất gia là đếu trọng yếu. Ngài suy đi nghĩ lại, nghĩ quanh nghĩ quẩn, có lúc Ngài tưởng hiện tại sinh được một vương tôn, nếu ta trái ý của phụ vương xuất gia, chắc chắn sẽ giảm bớt sự lo rầu của phụ hoàng. Thái Tử quyết định giờ tý ngài mùng 8 tháng 2, lúc mà mọi người đều yên giấc điệp, sẽ cùng Xa Nặc (Chandaka) vượt thành Ca Tỳ La Vệ, quyết chí xuất gia tầm đạo để lợi mình và cứu độ muôn loài chúng sinh thoát khỏi bánh xe luân hồi sinh tử.
Ngài ra đi vì chúng sinh; ra đi vì từ ly vợ hiền con yêu dấu, ra đi biệt cách ngai vàng cùng bóng cha già kính yêu…

III – KHỔ HẠNH

Thái Tử rởi khỏi hoàng cung của Ca Tỳ La Vệ (Kapalivastu) hơn 17 dặm, đến thành phố Lam Ma (Ramagrama), rồi tiến về hướng đông qua sông A Nô Ma (Anoma) vào rừng sâu chọn lựa một địa điểm yên tĩnh, làm nơi tu tiến. Lúc bấy giờ Ngài cạo bỏ râu tóc, đổi áo cẩm bào mặc phục cà sa (Kasaya). Bảo Xa Nặc cùng ngựa Kiền Trắc trở lại hoàng cung tâu lên Thánh Thượng, cùng bào tin cho triều đình qua liêu được rõ. Thái Tử gói trọn chí nguyện trong hai câu gởi về cho toàn thể:
"Tôi sẽ trở về khi thấy đạo, giải thoát nhân gian vạn thảm sầu…"
Từ đấy, Ngài hướng về phương Đông hỏi đạo với các vị đạo sĩ, trong số ấy có ông Bạt Ca Tiên (Bahargava), vị nầy là người Bà La Môn, thật hành khổ hạnh. Ông ấy nói:
- "Không khổ hạnh thì không thể nào giải thoát".
Thái Tử sau khi mục kích sư tu ép xác của ông Tiên Bạt Ca, liền đến hỏi rằng:
- "Vì sao ông tu khổ hạnh như thế?"
Tiên Bạt Ca trả lời:
- "Vì muốn sanh lên cõi Trời, vì muốn hưởng phước lạc trên cõi trời đời sau, nên phải ép xác khổ hạnh, không khổ hạnh không được".
Thái Tử thưa rằng:
- "Ông cầu hưởng phước lạc trên cõi Trời, việc ấy không rốt ráo. Ông nên biết rằng các cõi Trời tuy vui thú thật, song phước báo có hạn lượng, khi phước báo hết lại phải chịu khổ báo luân hồi trong sáu nẻo. Thế nên ông nói phước lạc, nhưng rốt cuộc chỉ là khổ não mà thôi."
Thái Tử liền rời ông Tiên Bạt Ca mà đi phương khác. Sau đêm Thái Tử rời khỏi kinh thành Ca Tỳ La Vệ, Vua Tịnh Phạn biết được việc ấy trong lòng muôn phần kinh ngạc, lập tức phái các đại thần tìm kiếm khắp bốn phương trời. Trong lúc cả hoàng cung bối rối, nhất là công chúa Gia Du Đà La vô cùng đau khổ, bỗng nhiên Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc về lại Vương thành, Xa Nặc trình tấu mọi việc đến Thánh Thượng cùng Hoàng tộc. Vua Tịnh Phạn lập tức đặc phái hai vị đại thần tài trí cao cường đi rước Thái Tử trở về cung nội.
Tuân lệnh Vua, hai sứ giả đến chỗ vị Tiên Bạt Ca. Tiên ông nói rằng Thái Tử đã rời chốn nầy rồi, vừa đi về phương Bắc. Hai vị đại thần bôn ba nhắm về hướng Bắc, hy vọng gặp được Thái Tử, xa xa nhìn thấy Thái Tử an tọa nơi gốc cây Bồ Đề. Hai đại thần hớn hở vui mừng, thưa lên bao nhiêu lời tâm huyết của Vua Tịnh Phạn và công chúa Gia Du. Xin thỉnh Thái Tử trở về hoàng cung.
Nghe qua những lời thông thiết cua hai vị sứ giả cao minh, song Thái Tử vẫn cương quyết theo chí nguyện tìm chân lý, cứu độ chúng sinh. Ngài bèn từ giả hai vị đại thần tìm đến chỗ của các đạo sĩ danh tiếng đương thời. Ấy là các ông A La Lạ (Aradakalama), ông Uất Đầu Lam Phất (Udraka-Ramaputra), ông Ca Lan (Karanda) v.v…trong lúc ấy, hai vị đại thần, rõ biết sự quyết tâm của Thái Tử, không bao giờ trở về Hoàng cung. Họ thương lượng với đoàn tùy tùng trong số được chọn là ngài Kiều Trần Như (Kaundinya), Bạt Đề (Bhadrika), Bà Sa Ba (Kaysyapa), Ma Ha Nam (Mahanama) và A Thắp Bà (Asvajit) thường theo hộ vệ Thái Tử. Hai vị đại thần đành chịu thất vọng trở về tâu hết mọi việc cho Vua nghe.
Thái Tử cùng năm vị trên , vượt qua sông Hằng, đến nước Ma Kiệt Đà (Magadha) qua thành Vương Xá (Rajagrha). Nhân dân trong thành nầy, hầu hết mỗi người đều đến chào mừng Thái Tử. Trong thời gian ấy, Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara), từ trên vọng lầu xa xa nhìn thấy dân chúng lũ lượt kéo về nơi Thái Tử ở, Vua biết Thái Tử Tất Đạt Đa đã đến, khuyên nhắc các vị đại thần chuẩn bị nghin đón Thái Tử tại núi Bàn Trà Bà (Pandaka). Vua Tần Bà Sa La đích thân ngự giá đến thăm viếng Thái Tử và bàn với Thái Tử rằng:
- Nhơn giả tại sao xuất gia? Nếu vì không được sớm lên ngôi Vua mà xuất gia, ta sẽ chia cắt nữa quốc gia nầy mời Nhơn Giả thống trị; nếu Nhơn Giả thấy không đủ đất dụng võ ta sẵn sàng biếu hết cả nước. Ta nguyện thoái vị làm dân và hết lòng giúp nước. Còn nếu Thái Tử thấy không đủ đất đai, ta sẽ hạ lệnh cử đại binh mà xâm lược các nước lân bang đem về một mối để Nhơn Giả thống trị.
- Xin đa tạ hảo ý, Thái Tử thưa. Chí nguyện của tôi muốn chấm dứt bốn khổ: Sanh, Già, Binh, Chết, đặng giải thoát Vô Thượng Bồ Đề. Tôi đâu có muốn cầu ngũ dục (Tài, sắc, danh, thực, thùy), trong thế gian mà xuất gia. Tôi chỉ có một điều là mong đại vương dùng nhân đức mà trị nước giúp dân, không nên đãi ngược dân chúng.
Vua Tần Bà Sa La nghe Thái Tử nói những lời cao quý trên, trong lòng hết sức cảm động và kính phục vô cùng, phát tâm cao khiết, quỳ xuống đất thưa rằng:
- Khi Nhơn Giả được giải thoát, trước xin nhớ độ cho tôi với.
Thái Tử ghi nhớ lời cầu xin và cảm tạ hậu ý của nhà Vua, rồi xin cáo biệt. Thái Tử lội qua sông Ni Liên Thiền (Nairanjana) hướng về hướng Bắc núi Di Lâu (Menu), để hỏi đạo với các vị đạo sĩ danh tiếng đương thời như Ưu Lâu Tần La Ca Diếp (Uruvilva Kaasyapa), Già Da Ca Diếp (Gayakasyapa) và Na Đề Ca Diếp (Nadikasyapa); Thái Tử nghe ba bị nầy nói đạo của họ, biết chẳng đi đến đâu, chưa phải là con đường giải thoát sinh tử luân hồi. Sau đó Ngài xuống núi Di Lâu mong gặp các đạo sĩ sanh tiếng khác, ấy là A la La Ca Lam (Arada-kalama), ông Uất Đầu La Ma (Usraka-Ramaputra), Thái Tử cũng hết lòng nghe giáo pháp của hai vị nầy, nhưng xét cho kỹ cũng chưa được giải thoát. Duy nhất là phải tự tu, tự giác. Lúc bấy giờ, Thái Tử lên núi Chánh Giác, phía Đông gần bờ sông Ni Liên Thiền, tìm một nơi thích ứng làm đạo tràng tu tập, chấm dứt lương thực cung cấp từ Phụ Vương, ở đấy một đường tu hành khổ hạnh sáu năm trường:
Sáu năm tu tập chốn rừng già,
Khổ hạnh ai bì Đức Thích Ca…
Chim hót trên vai, sương phủ áo,
Hưu kề dưới gối, tuyết đơm hoa…Suy cơ…

IV – THÀNH ĐẠO

Thái Tử ở trong rừng cây tại núi Chánh Giác, thời gian sáu năm chuyên tu khổ hạnh. Mỗi ngày chỉ dùng một ít vừng (mè), một ít bắp, còn da bọc lấy xương, thân hình không khác gì cây khô, hết nhựa sống. Sau đó chính tự Thái Tử suy nghĩ:
"Đạo là nhơn huệ giải mà thành, huệ giải nhờ căn tính mà được, căn tính do ăn uống mới sung mãn. Đoạn thực không phải là nhơn đắc đạo. Ta phải thọ thực để chứng thành đạo quả".
Nghĩ như thế rồi Ngài bèn đứng dậy xuống sông Ni Liên Thiền tắm rửa; nhưng vì tiết thực đã sáu năm qua, nên thân thể Ngài quá ốm yếu, chỉ còn da bọc xương, đi đứng rất là khó khăn.
Lúc bấy giờ bên bờ sông, gần rừng cây rậm rạp, có hai chi em nàng Sưu Già Ta (Sujata) hướng về vì Bồ Tát tu khổ hạnh lễ một lạy, dâng lên Ngài một bát sữa bột. Bồ Tát tiếp nhận uống qua, thân thể dần dần phục hồi sức khỏe. Năm anh em của A Nhã Kiều Trần Như thường theo phò trì Thái Tử, thấy Thái Tử dùng sữa, cùng hoàn cảnh đã hạn san, rất lấy làm bất mãn. Năm vị nầy nghĩ rằng, đạo tâm của Thái Tử đã thoái chuyển. Họ không đồng ý ở chung với Thái Tử nữa, bèn ly khai hướng về phương Tây, trực chỉ đến địa phương Ba La Nại (Varanasi). Còn lại một mình Thái Tử, độc hành xuống núi, qua sông Ni Liên Thiền, đến chốn Già Gia (Gaya), tọa thiền dưới gốc cây Tất Bát La (Pippala), phát tâm dũng mãnh, thề quyết rằng:
- "Ta nay nếu không chứng được Vô Thượng Đại Bồ Đề, thà rằng thịt nát xương tan, không bao giờ đứng dậy chỗ ngồi nầy".
Với chí hùng dũng cương quyết ấy, chắc chắn đắc đạo.
Trong thời gian ấy, có một vị đồng tử, mang một bó cỏ xanh dâng lên Thái Tử để trải lại chỗ ngồi, Lúc bấy giờ Thái Tử tự mình chuyên tu, tĩnh tọa thiền quán, trong khi nhập chánh định, sách nói Ngài trai qua vô số cảnh giới. Năm ấy Ngài 35 tuổi, mùng 8 tháng 12 (tính theo lịch Hoa), nữa đêm Ngài quán sát yết sáng trến hư không, toàn thắng với nội chướng, ngoại chướng, Ngài hoát nhiên đại triệt ngộ, thành bậc Vô Thương Chánh Đẳng Chánh Giác (Anuttara Samyakam Buddha).
Ánh đạo từ nay dọi sáng,
Thôi rồi hết ngày đớn đau!
Cầu thành đạo quả, đế.
Trên đền đáp bốn ơn sâu,
Dưới cứu vớt ba đường khổ.

THUYẾT PHÁP

Sau khi Thái Tử thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha), trước Ngài muốn đến núi Di Lâu (Menu) để độ cho hai vị đạo sĩ, ấy là A La La Ka Lam và Uất Đầu Lam Phất, nhưng khi đến nơi dân chúng cho biết tin là hai vị đạo sĩ ấy đã qua đời. Ngài mới chuyển hướng đến vườn Lộc Giả (Sanarath) gần thành Ba La Nại (Varanasi) để độ cho năm anh em Kiều Trần Như, trở thành năm vị kỳ kheo (Bhiksu), Ngài thuyết pháp Tứ Thánh Đế (Catvariaya-Satyani). Đức Phật ở tại vượn Lộc Giả chỉ trong ba tháng, độ được 56 người đệ tử; rồi Đức Phật đến Linh Sơn, gần thành Vương Xá (Rajagraha) để độ cho Vua Tần Bà Sa La (Bimbasara), vì đã có lời ước hẹn lúc ra đi. Vua đã thưa trước nếu đắc thành chánh quả xin nhớ độ Vua.
Sau khi thành đạo, năm thứ 2, thứ 3, Đức Phật ở tại kinh thành Vương Xá (gần Linh Sơn hội thượng) từ quan đến dân bỏ Bà La Môn Giáo, quy y với Phật, và học đạo giải thoát với Ngài.
Sau khi thành đạo, năm thứ 4, Đức Phật chuyển về tịnh xá Đại Lâm (Mahavanavihara), gần thành Tỳ Xá Ly (Vaisali).
Sau khi thành đạo, năm thứ 5, Đức Phật ở tịnh xá Đại Lâm, giảng nói giới luật, và hướng dẫn các đệ tử từ tịnh xá Đại Lâm, đến Linh Sơn hội thượng. Trong lúc ở đây, nghe tin Phụ Vương đau nặng, Ngài liền về nước Ca Tỳ La (Kapila) để thăm, đồng thời giảng nói pháp yếu cho Vua cha nghe. Vua Tinh Phạn thấm nhuần đạo lý, linh tánh của Ngài hoàn toàn siêu thoát. Vua Tịnh Phạn băng hà, đám tang cử hành đúng theo nghi lễ cổ truyền, và long trọng số một.
Sau khi thành đạo, năm thứ 6, Đức Phật vẫn trở lại thành Vương Xá thuyết pháp.
Sau khi thành đạo, năm thứ 7, Đức Phật ngự tại thủ đô nước Kiều Tát La (Kausambi), giáo hóa tại kinh thành Xá Vệ (Sravastinagar). Năm nầy Vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) và Thái Tử Jeta kiến lập Kỳ Hoàn tịnh xá.
Sau khi thành đạo, năm thứ 9, Đức Phật khai đàn thuyết pháp tại Kỳ Viên Tịnh Xá; nhiều bộ Kinh quan trọng được Đức Phật thuyết tại đây.
Sau khi thành đạo, năm thứ 12, Đức Phật đến chốn Ma Hê Thắp La (Mahasvara), Ba La Nại (Varanasi) và Tỳ Xá Ly (Vaisali) cùng các quận, các ấp để hành hóa chúng sanh.
Sau khi thành đạo, năm thứ 13, 14, đức Phật trú tại nước Kiều Tát La (Kausambi) cùng các nơi trong quốc độ nầy để chuyển mê khai ngộ chúng sinh.
Sau khi thành đạo, năm thứ 15, đức Phật trở về nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) để thuyết pháp cho hoàng tộc, cùng đi các vùng lân cận kinh thành để giáo hóa chúng sinh.
Sau khi thành đạo, nam thứ 17, Đức Phật ngụ tại Trúc Lâm tịnh xá (Venuvana) để giáo hóa nhân sinh và các vùng lân cận, dân chúng trở về nghe pháp tu hành.
Sau khi thành đạo, năm thứ 18, Đức Phật thuyết pháp giáo hóa tại kinh thành Xá Vệ (Sravasti), độ vô số chúng sanh.
Sau khi thành đạo, năm thứ 19, Đức Phật về lại Trúc Lâm tịnh xá rồi đi hoằng hóa toàn cõi Ma Kiệt Đà (Magadha) đi đến hang cùng ngõ hẽm để thuyết giáo.
Sau khi thành đạo, năm thứ 20, đức Phật an cư kiết hạ tại Kỳ Hoàn tịnh xá, và thuyết pháp giáo hóa độ chúng sanh tại quốc độ nầy.
Sau khi thành đạo, năm thứ 21, từ trong các hàng đệ tử, Đức Phật cho Ngài A Nan làm thị giả, hầu cận hai bên, đồng thời Đức Phật thuyết pháp cho các hàng đệ tử khác.
Từ đây về sau, trong 25 năm, A Nan học rộng nghe nhiều, thâu thập hết những lời Phật dạy, như nước bình nầy rót vào bình khác không rơi ra ngoài một giọt. Ngày nay chúng sanh được nghe giáo pháp của Phật, đều là nhờ công lao vĩ đại của tôn giả A Nan.
Sau khi thành đạo, năm thứ 22 đến năm thứ 36, các phương cung thỉnh Đức Phật, nhất là ba pháp hội đạo tràng, Đức Thế Tôn thường trú: Ấy là tịnh xá Đại Lâm, tịnh xá Kỳ Hoàn và Linh Sơn hội thượng. Ngài thuyết nhiều bộ Kinh quan trọng tại các đạo trang nầy.
Sau khi thành đạo, năm thứ 37, Đức Phật ngự tại Linh sơn để thuyết kinh Pháp Hoa, đến năm thứ 44, thuyết 8 năm trường mới xong.
Sau khi thành đạo, năm thứ 45, Đức Phật đến thành Câu Thi Na (Kushinagar) gần con sông Hê Lan Nhã (Hiddalanka) và nhập Niết Bàn tại rừng Sa La. Lúc bấy giờ là ngày 15 tháng 2 năm 950 trước kỷ nguyên Tây lịch.
Đức Thích Tôn từ khi giáng sinh, xuất gia, tu khổ hạnh, thành đạo, thuyết pháp cho đến nhập Niết Bàn, cọng tất cả là 80 năm. Ngày chót là ngày trăng tròn tháng 2, năm thứ 52, đời Châu Mục Vương, Trung Quốc.
Thuyết ra chân lý nhiệm mầu,
Pháp dùng phương tiện ngõ hầu khai thông,
Nhập vào bản tánh chân không,
Diệt bao phiền não cõi lòng NHƯ NHƯ!

TÂM KINH
MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

TÂM KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
(PRAJNAPARAMITAHRIDAYA SUTRA)
CHÚ GIẢI:
v Bát Nhã: là Trí Tuệ.
v Ba La Mật: là đến bờ bên kia.
v Đa: là định tĩnh.
v Kinh: là chơn lý, đường tắt. Kinh nay chỉ con đường tắt định tâm vậy.
Đức Bồ Tát Quán Tự Tại khi Ngài thật hành sâu xa về trí tuệ Bát Nhã, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua tất cả khổ ách.
Nầy Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác với không, không chẳng khác với sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.
Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng thêm, chẳng bớt…thế nên trong cái không đó, nó không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có hành, không có thức, (và nó cũng) không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. (Nó cũng) không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giớ cho đến không có ý thức giới (tức là không có 18 giới). Không có cái vô minh mà cũng không có cái hết vô minh. Cho đến nó không có lão tử mà cũng không có cái hết lão tử; không có khổ, tập, diệt, đạo, cái trí cũng không có và cái được cũng không, (không như vậy) là vì nó không có chỗ được.
Bồ Tát nương nơi trí huệ cứu cánh nầy, tâm không ngăn ngại, không có sợ hãi, xa lìa tất cả những điều điên đảo, các mộng tưởng, được Niết Bàn rốt ráo.
Các Đức Phật trong ba đời đều nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy, mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thế nên biết rằng, trí tuệ rốt ráo nầy là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thiệt không giả dối. Cho nên nói chú Bát Nhã Ba La Mật Đa, liền nói chú rằng: Yết Đế, Yết Đế, Ba La Yết Đế, Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha.
CHÚ GIẢI:
• Quán Tự Tại là thế nào? (Avalokitesvara), biến hóa từ tâm, thông suốt quán sát tự đặng.
• Bồ Tát (Boddhisattva) - nghĩa là giác hữu tình. Nghĩa lý dã giảng giải đầy đủ ở trước. Có nghĩa là thường giác ngộ tất cả chúng hữu tình.
• Chữ Uẩn là chứa nhóm; sắc, thọ, tưởng, hành, thức, gọi đó là năm uẩn. Toàn Kinh chú trong một câu nầy.
• Độ tất cả khổ ách, gồm cả tự độ, độ tha mà nói.
• Xá Lợi Tử (Sariputra) là tên người.
• Nhơn sắc mà có thọ, nhơn thọ mà có tưởng, nhơn tưởng mà có hành, hành mà không được thì hiểu biết cùng tâm tánh khó quên, năm thứ nầy nó nương tựa cùng nhau.
• Các pháp tướng không là thế nào? Tức là chân tánh có mà chẳng có, không nhưng chẳng không. Ấy là tướng không của các pháp. Chân tánh nhiều kiếp không hư hoại, cho nên nó không sinh không diệt. Chân tánh xưa nay không nhiễm, cho nên nó không cấu không tịnh; chân tánh không trụ trước một vật gì, nên nó không tăng không giảm.
• Nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý – gọi là sáu căn
• Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – gọi là sáu trần.
• Mọi sự vật đều vin nơi ý mà phát khởi, cho nên sự vật thuôc về ý. Hoặc nói sự vật cùng ý pháp khởi đồng thời, tức là phát động vậy, cung chung liên quan mật thiết với nhau về phần vọng động.
• Chỗ thấy của mắt là nhãn giới, chỗ biết của vọng tâm là ý thức giới.
• Vô lão tử là sao? Là thường còn không hoại diệt.
• Khổ tức là các phiền não.
• Tập là chứa nhóm, là nguyên nhân, chứa nhóm muôn tội nghìn lỗi ỏ trong thân thế người ta.
• Hai cái khổ - tập là quả khổ và nhân khổ.
• Diệt – là tịch diệt, Niết Bàn.
• Đạo là con đường, cung như nói con đường tu hành để đạt đạo.
• Hai cái nầy gọi là quả vui vào nhân vui. Tiếng Phạn gọi là Bodhisattva. Trung hoa dịch la Giác hữu tình.
• Chữ Niết (nir) là không sanh;
• Chữ Bàn (vana) là không tử.
• Chữ A là không; chữ Nậu Đa La (Nuttara) là thượng có nghĩa là cao nhất.
• Chữ tam (sam) là chánh, chữ miệu (yak) là đẳng.
• Tam Bồ Đề (Sambodhi0 là chánh giác.
• Yết đế, yết đế (gate, gate) là chơn lý nhiệm mầu để độ chúng sinh. Nói Yết Đế hai lần, ý nói độ mình và độ người.
• Tăng là tăng tiếng.
• Tát bà ha – có nghĩa là nhanh chóng. Nghĩa là việc làm nhanh chóng thành tựu cứu độ cho tất cả chúng sanh.

MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách.
Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị. Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô- minh, diệc vô vô-minh tận. Nãi chí vô lão tử; diệc vô lão tử tận. Vô khổ tập diệt đạo; vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố; Bồ Đề tát đỏa, y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố; tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn. Tam thế chư Phật, y Bát Nhã Ba La Mật Đa, cố đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú; năng trừ nhất thiết khổ, chơn thiệt bất hư. Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha (3 lần).
GIẢNG RỘNG: Tôn giả A Nan nói: Đức Thế Tôn chỉ dạy chúng ta có đức Quán Tự Tại Bồ Tát công hạnh tu hành rất sâu, đầy đủ đại trí tuệ, tạo căn bản đến bờ bên kia, soi thấy năm uẩn chính mình cùng năm uẩn chúng sinh đều không có thật. Đối với mình thì tu đến Vô Thượng Bồ Đề, đối với người thì nhiều phương tiếp dẫn, khiến qua tất cả khổ não, được về con đường giải thoát. Đệ tử thượng túc của Phật là Ngài Xá Lợi Phất chính là muốn lìa khổ ách, Bồ Tát gọi danh Ngài mà bảo rằng:
- Xá Lợi Tử, ông biết trong thế gian những gì có hình là sắc, vô hình là không, không biết sắc kia chính là mộng, huyễn, bào, ảnh, chẳng khác gì với không; không là nhất chân hiển lộ, chẳng khác gì với sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Luận về nhơn sắc mà có thọ, nhơn thọ mà có tưởng, nhơn tưởng mà có hành, hành đó không thông thì thức đối với tâm không quên. Năm cái nầy nhơn nhau mà sinh ra vọng kiến. Nay sắc đã là không thì thọ tưởng hành thức, cũng lài như vậy. Do đó, chân tánh thường thanh thường tịnh, mảy may không pháp tướng có thể xưng gọi, không thật là tướng không trong các pháp ư? Luận về chỗ mầu nhiệm kia thì thường còn bất biến, không sinh không diệt, trạm nhiên trong sáng, không nhơ không sạch; tự nhiên tốt đẹp không tăng không giảm. Vì thế, cho nên trong tánh chơn không đã không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thì sáu căn đều thanh tịnh, không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Sáu trần không nhiễu loạn, không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đầu mối khổ lụy của sáu căn, do nhãn căn đứng đầu, nay nhãn giới đã không thì muôn trần duyên đều dứt, rồi ý giới cũng quên luôn. Các việc nhận định đều do định mà được yên tĩnh, do yên tĩnh mà phát sanh trí tuệ; không có vô minh, cũng không có sự hết vô minh. Nhờ lâu mà bền chắc, do bền chắc mà an nhiên; không có lão tử, cũng không có hết lão tử. Quả khổ của phiền não là do nhân khổ tác nghiệp; quả vui của Niết Bàn do nhờ nhân vui tu trì, một thời đều dứt! Trong tính chân không, vốn không có danh từ trí tuệ, đến bờ bên kia cũng thuộc về hư giả, thì lại đâu có đắc ư? Song mà không trí không đắc, từ đâu đã đặng bồ đề mà nói ra. Trước khi chưa được, đâu có thể nào không pháp ư? Sở dĩ nói Bồ Đề tát đỏa là vì trí tuệ đến bờ bên kia, nhờ phương pháp tu hành, giữ gìn sáu căn, dứt hẳn sáu trần, nên tâm không trệ ngại, xa lìa các sự điên đảo thần thức, vọng tưởng mộng mị, đến chỗ bất sinh bất tử mới thôi. Chẳng những Bồ Tát làm như thế, mà các Đức Phật trong ba đời, muốn đặng Vô Thượng Bồ Đề, cũng phải y nơi trí tuệ đến bờ bên kia. Thế nên biết rằng trí tuệ đến bờ bên kia là mật ngữ biến hóa không lường, là mật ngữ thần quan phổ chiếu, mà mật ngữ chí cực vô thượng, là mật ngữ độc tuyệt vô luân.
Tôn Giả A Nan đã nói:
- Hay trừ tất cả khổ ách, lời nói ấy chân thật không hư dối. Lại nữa có mật chú các ông mỗi thời phải trì tụng, có thể được phát sanh trí tuệ, được đến bờ giải thoát bên kia. Thần chú nói: Gate, gate, lưu xuất chân lý nhiệm mầu để độ chung sinh. Lời lập lại có ý nghĩa độ mình độ người. Ba la yết đế, muốn đến bờ kia, cần phải nhờ chân lý nhiệm mầu nầy. Chữ tăng ở đây lá chúng, là đông, là thêm vậy. Tát bà ha là nhanh chóng, nghĩa là tu hành nhanh chóng để thành tựu cho tất cả chúng sinh.
Tóm lại, mật chú dù là con đường tắt tu hành, nhưng không ngoài tâm niệm mỗi người; Ai hay không vướng, không chấp năm uẩn kia, thì chủ nhân ông thường định, rồi dũng cảm tự thanh, làm gì mà không được Bồ Đề ư?

HẾT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]