- Khóa tu học Phật pháp Úc châu kỳ I - năm 2000-2001
- Khóa tu học Phật pháp kỳ II - tổ chức tại Otford, vùng Wollonggong, tiểu bang New South Wales từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 1 năm 2003
- Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ III
- Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ IV tại Tu viện Quảng Đức
- Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ V
- Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ VI
- Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ VII
- Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ VIII
- Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ IX
- Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ X
- Khoá tu học Phật pháp Úc châu kỳ thứ XI
- Thông báo chuẩn bị tổ chức khoá tu học Phật pháp tại Úc châu kỳ thứ XII
Các Khóa Tu Học Tổ Chức Tại Úc Châu
Khoá Tu Học Phật Pháp Úc Châu Kỳ Thứ X
Tu viện Quảng Đức
Nguồn: Tu viện Quảng Đức
Nguồn: Tu viện Quảng Đức
THÔNG BÁO SỐ 02
KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP ÚC CHÂU KỲ 10
Kính gởi:Chư Tôn Đức Tăng Ni Trú Trì các Tự Viện, Tu Viện, Thiền Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường khắp liên bang Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan.
Quý thiện nam, tín nữ Phật tử, cư sĩ các giới.
Sau khi gởi Thông Báo Số 1 đến chư Tôn Đức qua Email, cũng như phổ biến trên các website Phật giáo là địa điểm tổ chức cho KTH kỳ 10 là Longwood Camp Stirling , nhưng sau đó BTC chúng con/tôi đã tìm thấy một nơi lý tưởng hơn rất nhiều, xứng đáng là nơi để tổ chức KTH kỳ 10, đánh dấu một bước đi thành công lớn của Giáo Hội, nên chúng con/tôi đã quyết định thay đổi địa điểm tổ chức. Tuy nhiên thời gian tổ chức, tiền trại phí… vẫn giữ nguyên như Thông Báo Số 1.
Địa điểm trại mới này thuộc hướng Bắc Nam Úc, cách thành phố Adelaide gần 80km, gọi là BAROSSA VALLY. Khu trại đầy đủ mọi tiện nghi. Có thể cung cấp cho 400 người ăn ở, sinh hoạt rộng rãi thoải mái. Tất cả các phòng ngủ, trai đường, giảng đường đều có hệ thống máy lạnh. Đặt biệt, các phòng ngủ được thiết kế theo từng ngôi nhà khác nhau (cabin). Mỗi cabin có từ 4 đến 8 giường ngủ. Đa số có toilet, phòng tắm, bồn rửa tay… riêng bên trong, rất tiện lợi cho việc sinh hoạt cá nhân, hoặc giữ yên lặng khi ngủ nghỉ. Ngoài ra khu trại còn có sân vận động thể thao, có khu rừng thông mát mẻ khi thiền hành, có trò chơi cho trẻ em, điện thoại công cộng và khu cắm trại dưới rừng cây thật mát mẻ. Nếu các học viên đi tham dự cả gia đình từ 4 người trở lên có thể đăng ký riêng 1 cabin.
Đặt biệt năm nay, trong khóa tu học, Giáo hội sẽ tổ chức Chu Niên Khóa Tu Học Lần Thứ 10. BTC dự định sẽ tổ chức vào tối 31/12/10 với nhiều chương trình phong phú như cắt bánh Chu niên được thiết kế công phu 10 tầng, múa lân, đốt pháo,… và đón giao thừa năm 2011.
BTC chúng con rất mong chư tôn đức khuyến khích phật tử tham dự đông đảo để phật sự này được viên thành. Rất mong quý Phật tử xa gần bỏ thời gian quý báu về tham dự khóa học để trưởng dưỡng đạo tâm, góp phần duy trì và phát huy Phật Pháp.
Nay Thông báo
TM. Hòa Thượng Phương trượng và Ban Tổ Chức
Trưởng Ban
Tỳ Kheo THÍCH VIÊN TRÍ
KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP ÚC CHÂU KỲ 10 Được Tổ Chức Tại Vùng Barossa Vally, Tiểu Bang South Australia (Từ Ngày 30/12/2010 Đến Ngày 03/01/2011)
BAN ĐIỀU HÀNH KHÓA TU HỌC
Ban Chứng Minh:HT Huyền Tôn, HT Như Huệ, HT Bảo Lạc.
Ban Giáo Thọ:HT Bảo Lạc, TT Quảng Ba, HT Minh Hiếu
Ban Giảng Huấn:HT Thích Huyền Tôn, HT Thích Bảo Lạc, HT Thích Như Điển, TT Thích Quảng Ba, HT Thích Minh Hiếu, TT Thích Nhật Tân, TT Thích Tịnh Đạo, TT Thích Tâm Minh, TT Thích Tâm Phương, TT Thích Thiện Hiền, TT Thích Nguyên Tạng, ĐĐ Thích Giác Tín, ĐĐ Thích Nhuận Chơn, ĐĐ Thích Đồng Thanh, ĐĐ Thích Đạo Hiển, ĐĐ Thích Hạnh Hiếu, ĐĐ Thích Hạnh Tri, NS Thích nữ Như Trí, NS Thích nữ Như Tuyết , SC Thích nữ Viên Thông, SC Thích Nữ Nguyên Khai, SC Thích nữ Thể Viên,
Giảng Huấn lớp Thiếu Nhi:TT Quảng Ba, TT Nguyên Tạng, ĐĐ Đồng Thanh, ĐĐ Nhuận Chơn, ĐĐ Đạo Hiển, ĐĐ Viên Trí, ĐĐ Hạnh Tri, ĐĐ Hạnh Bảo, ĐĐThanh Lương, SC Thể Viên, SC Nguyên Khai, SC Huệ Nghiêm.
Trưởng Ban Tổ chức:ĐĐ Thích Viên Trí
Phó Ban Tổ chức:ĐĐ Thích Viên Thành, ĐĐ Thích Nhuận Chơn, ĐĐ Thích Đồng Thanh
Ban Thư ký & hành chánh:TT Thích Nguyên Tạng, ĐĐ Giác Tín, Sa Di Thông Thắng, Đh Thiện Quốc
Ban Thông tin Báo chí:Đh Thiện Thanh, Đh Diệu Ngọc
Ban Thủ quỹ:SC Thích Nữ Huệ Nghiêm, Đh Chơn Ngọc, Đh Ngọc Duyên
Ban Nghi lễ:TT Thích Phổ Hương
Ban Quản chúng:TT Thích Thiện Hiền, ĐĐ Thích Hạnh Tri, ĐĐ Thích Thông Hiếu; Trưởng chúng Ưu Bà Tắc: Đh Thiện Huệ; Trưởng chúng Ưu Bà Di: ĐhTâm Huệ
Ban Giám thị (Tuần liêu):TT Thích Tâm Thích Đạo Hiển, Hiếu Minh, ĐĐ Thích Giác Tín, ĐĐ Thích Đồng Thanh, Sư Cô Thích Nữ Thể Viên,
Ban Tri hiệu lệnh:ĐĐ Thích Thanh Lương, Sa Di Thông Lễ, Điệu Huệ Trí
Ban Thiết trí Trang hoàng:ĐĐ Thông Tuệ, SC Thích Nữ Viên Thường, Đh Thiện Thanh
Ban Cư Trú:Đh Nguyên Hảo, Đh Thiện Quốc
Ban Hương đăng:ĐĐ Thích Viên Từ, ĐĐ Thích Viên Thành
Ban Y tế:Bác Sĩ Lê Công Phước, Đh Ds Chúc Đạm
Ban Âm thanh, Ánh sáng:Đh Thiện Anh
Ban Phụ trách Văn nghệ Thiền trà:ĐĐ Đồng Thanh, ĐĐ Thông Tuệ, SC Viên Thường, Đh Thiện Tâm
Ban Vận chuyển:Đh Đồng Khiết, Đh Nguyên Chánh,
Ban Nhiếp ảnh & quay phim: Đh Thiện Hưng, Đh Hoàng Lan, Đh Nguyên Nhật Khánh, Đh Đức Hoa, Danny Bùi, Điệu Đồng Công
Ban Trai soạn:Đh Thiện Tịnh (Lý) Đh Đồng Hạnh, Đh Đồng Phúc, Đh Đồng Thuận Thủy
Ban Hành đường:Đh Ngộ Ngọc và Phật tử học viên
Ban Thị giả:Sa Di Thông Lễ, Sa Di Thông Nhựt, Chú Huệ Trí, Sa Di Ni Đạo Hiếu
Ban Trà nước & Ban vệ sinh:Đh Minh Thành, Đh Thanh Phi, Đh Huệ Định, Đh Quảng Trí Tánh (Mến)
Ban Phụ trách thiếu nhi:SC Nguyên Khai, Đh Chúc Đạm, Đh Thiện Đức, Đh Thiện Lạc, Đh Trí Chánh, Giang, Trang
CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ KỶ NIỆM 10 NĂM KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP ÚC CHÂU
1. Hợp ca: Phật Giáo Việt nam ca (Thơ: TT Thích Nhật Tân, Nhạc: Kiều Tấn Minh) và Thầy là niềm tin (Vũ Ngọc Toản) do Nhóm hợp ca Khoá tu trình bày
2. Đơn ca vọng cổ: Hoa Bất Diệt - TT Thích Phổ Hương
3. Đọc thơ: Khuyên người Niệm Phật do Cụ Tâm Thái diễn đọc
4. Múa: Từ Đàm quê hương tôi do các em thiếu nữ GDPT Pháp Hoa trình bày
5. Đơn ca: Ngày xưa Phật nói - PT Thiện Tâm
6. Hoạt cảnh: Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia do các em thiếu nhi khóa tu trình bày
7. Đơn ca: Chân Như (Thơ: Tuệ Kiên, Nhạc: Võ Tá Hân) – PT Quảng Tịnh
8. Hợp ca: Phật về và The Four Sights do các em thiếu nhi Khóa tu trình bày
9. Múa: Chiếc thuyền nan do các em Oanh Vũ GDPTPH trình bày
10. Đơn ca: Đời tôi đi tu – ĐĐ Thích Thanh Lương
11. Hài kịch: Lan và Điệp do ĐĐ Đồng Thanh và Hạnh Tri trình diễn
12. Song ca: Niềm an vui – PT Viên Hương và Nhật Hoa
13. Ngâm thơ: Trầm Hương (Thơ: Song Thu) – PT Tâm Huệ
14. Hài Kịch: Một ông bốn bà (Tác giả và đạo diễn: TT Thích Thiện Hiền) do Nhóm kịch khóa tu trình diễn
15. Song ca vọng cổ: Tìm cha nơi đâu – PT Thiện Tâm và Thiện Tịnh
16. Đơn ca: Phật là ánh từ quang – Bé Jessica
17. Múa: Duyên dáng áo lam – GDPTPH
18. Đơn ca: Dấu chấm hỏi – PT Minh Trí
19. Đơn ca vọng cổ: Tình Mẹ - PT Huệ Xuân
20. Hợp ca: Sống không hận thù - Nhóm hợp ca Khóa tu
Ghi Nhanh Về Đêm Văn Nghệ Thiền Trà
Mừng Đệ Thập Chu Niên
Những con số tròn trịa 10, 20, 30……vẫn luôn được dùng như cái mốc thời gian để đánh dấu một kỷ niệm, một sự kiện …….. trong cuộc đời chúng ta, trong lịch sử của dân tộc……..Đêm nay cũng không ngoại lệ, là một đêm văn nghệ có giá trị đặc biệt để đánh dấu kỷ niệm đêm văn nghệ thiền trà lần thứ 10 của khoá tu học Phật pháp Úc Châu, Tân Tây Lan được tổ chức tại Barossa, Nam Úc.
Chiều nay, ngày chủ nhật 02/01/2011, tất cả quý Ôn, quý Thầy, quý Cô và toàn thể Phật tử học viên khoá tu chúng tôi sau khi đã được gia đình Phật tử Đồng Ngọc Minh (Chủ Nhà hàng Việt Nam, Adelaide) hảo tâm đãi ăn chiều với món ăn đặc sản của nước Ý, Pizza, thì dường như ai ai trong chúng tôi cũng nao nức chờ đợi đón xem chương trình Văn nghệ "Cây nhà lá vườn" mà họ nghĩ sẽ thật đặc sắc của nhạc công Phật tử Đồng Vân, của các ca sĩ, diễn viên……. không phải chuyên nghiệp, cũng chẳng phải nghiệp dư mà vẫn hoàn thành vai diễn của mình một các xuất sắc như thường!
Dưới bàn tay vô cùng khéo léo, thẩm mỹ của Thầy Thông Tuệ và sự giúp đỡ tận tình của các học viên, trong chớp nhoáng vài tiếng đồng hồ, một sân khấu gọn gàng mang dáng vẻ của nét đẹp thật nhẹ nhàng, trang nhã nhưng rất nghệ thuật tính được ra đời.
Chương trình lại được điều khiển với hai "nhà dẫn chương trình" thật hài hước, dí dỏm đó là MC Đại Đức Thích Đồng Thanh và vô cùng hồn nhiên nhưng đầy duyên dáng của MC Phật tử Giác Quý.
Trước hết Đại Đức với giọng điệu khôi hài đã giới thiệu thành phần tham dự chương trình văn nghệ "đệ thập chu niên" này cùng với những tràng vỗ tay vui cười rộn rã đã là điều báo hiệu một điềm tốt đẹp cho buổi Văn nghệ đầy hứa hẹn đêm hôm nay.
Kế đến là Ôn Bảo Lạc, tuy Ngài không được khỏe trong người vì bị thời tiết gắt gao, bất thường "hành hạ" nhưng vẫn hoan hỷ tham dự với đôi lời đầy cảm động mà lại vui tươi. Ôn đã bùi ngùi kể lại một vài kỷ niệm vô cùng khó khăn, gian khổ mà các khoá tu đầu tiên cũng như trước đây đã gặp phải.
"Mười năm kỷ niệm chu niên
Mười năm Phật tử tinh chuyên tu hành".
Câu thơ lục bát do MC ĐĐ Đồng Thanh xuất khẩu thành thơ tại chổ để hân hoan cung thỉnh Ôn HT Hội Chủ Thích Như Huệ, Ôn HT chứng minh Thích Huyền Tôn, Ôn HT phó hội chủ Thích Bảo Lạc, TT Thích Quảng Ba, TT Thích Nhật Tân, ĐĐ Trưởng ban tổ chức Thích Thích Viên Trí cùng hai Phật tử "lão làng" đại diện cho toàn thể học viên khóa tu là Cụ bà Diệu Tâm vừa tròn 90 xuân xanh và Bác trai Hồng Hoàng cũng như hai Phật tử thiếu nhi là Bé trai Jordan Ngộ Đại Hạnh và Bé gái Hạnh Ngọc. Bài hát "Happy birthday 10 years" được toàn thể hội trường hân hoan cất lên trong khi các Vị đại diện đồng loạt cùng nhau cắt chiếc bánh kem mừng kỷ niệm đệ thập chu niên của khóa tu học lần thứ 10 này.
Với dung nhan khá tiều tụy, ốm và đen đi nhiều vì những lo toan tất bật, bận rôn để dồn hết công sức chuẩn bị cho khóa tu học được viên mãn, Thầy Trưởng ban tổ chức bước lên sân khấu để chính thức khai mạc Đêm văn nghệ Thiền trà với nụ cười thật tươi tắn và đầy mãn nguyện.
Toàn ban hợp ca "không phân biệt tuổi tác" của khóa tu đã mở màn với nhạc phẩm "Phât giáo Việt Nam" được phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Mặc Giang (TT Thích Nhật Tân) thật trầm hùng để rồi sau đó với giai điệu đầy réo rắc, du dương họ lại như đang thủ thỉ thổ lộ cho chúng tôi biết "Thầy là niềm tin" của chúng tôi trong cuộc đời tu hành của chúng tôi đó!
Thông thường ngoài đời thì chúng ta chỉ được thưởng thức hương vị của chiếc bánh kem bên cạnh những bài nhạc giao hưởng, nhạc hòa tấu, nhạc trẻ mới đúng điệu nhưng chỉ có ai được tham dự khóa tu học này mới được hữu duyên để được ngồi vừa nhâm nhi bánh kem mà lại được nghe những câu vọng cổ ngọt như mía lùi "Hoa Bất Diệt" của TT Thích Phổ Hương mà thôi.
Đặc biệt đến với chương trình văn nghệ năm nay là tiết mục đọc thơ "Niệm Phật" của Cụ bà Tâm Thái (thân mẫu của hai Thầy Tâm Phương v�� Thầy Nguyên Tạng) đến từ Việt Nam. Cụ Bà lúc đầu với giọng đọc còn hơi run run nhưng có lẽ sau khi đã được "warm up" cẩn thận thì Cụ Bà đã yêu cầu xin được đọc thêm một bài nữa!!!
Và kế đến tiết mục múa "Từ Đàm quê hương tôi" đã được các em Thiếu nữ gia đình Phật tử Pháp Hoa thướt tha trong những tà áo dài, uyển chuyển bên cạnh những chiếc nón lá trông thật duyên dáng làm sao!.
Chị Thiện Tâm với gương mặt xinh xắn cùng với giọng ca ngọt ngào cũng đã cho chúng tôi biết "Phật nói" gì với chúng tôi.
Đã là Phật tử thì chúng ta phải hiểu và biết tại sao Đức Phật Thích Ca của mình xuất hiện và vì lẽ đó mà các em Thiếu nhi khóa tu dưới sự đạo diễn của Sư Cô Nguyên Khai đã đưa chúng tôi đi ngược dòng thời gian của những ngày tháng "Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia" như thế nào, các em đã diễn thật sinh động và dễ thương để lại những nụ cười vui rộn rã không kém.
Tiếp nối chương trình, Ưu Bà Di Hoa Khôi Quảng Tịnh với nhạc phẩm "Chân Như" đã cho chúng tôi thưởng thức không khí của dòng nhạc thính phòng mà chúng ta không cần phải đi đâu xa cả, cũng chẳng tốn đồng xu nào mà chỉ cần tham dự khóa tu học là có ngay!
Lại một lần nữa các em Thiếu nhi gia đình Phật tử Pháp Hoa đã đưa chúng tôi sang nước Nhật lúc nào không hay với vũ khúc "Chiếc thuyền nan" đầy thú vị. Tiết mục tuy có "bễ dĩa, bể chén" chút đỉnh vì lý do kỹ thuật âm thanh nhưng vẫn thành công như thường điều này được thể hiện qua những tràng vỗ tay vang dội của các khán thính giả chất chứa đầy lòng từ bi trong hội trường.
Chúng tôi ngồi bên dưới mà cứ nơm nớp lo sợ cho cái thân liễu yếu đào tơ của sân khấu nhỏ bé này phải chịu đựng toàn bộ học viên "Tí hon" của khóa tu bước lên để trình bày hai tác phẩm "Phật về" và "The Four Sights" vô cùng hào hứng không thua chi các ca sĩ điêu luyên mặc dù các em chỉ được luyện có vài giờ đồng hồ trước khi diễn.
Năm nay, khóa tu chúng tôi lại có cơ may được thường thức một giọng ca "Quảng Trị chay" của ĐĐ Thanh Lương với nhạc phẩm "Đời tôi đi tu", Thầy gây bất ngờ cho chúng tôi vì hát hay đến nỗi khán thính giả vỗ tay yêu cầu hát thêm dữ dội nhưng có lẽ vì để "giữ giá" nên Thầy đã e lệ từ chối.
Đối với "Lan và Điệp" tuy mười năm tình đã cũ thiệt nhưng đối với học viên chúng tôi thì thấy mới mẻ hoài hoài vì chúng tôi đã được cười những trận cười sắp bể bụng đến chảy cả nước mắt qua phần trình bày của ĐĐ Thích Hạnh Tri và ĐĐ Thích Đồng Thanh. Không có tiết mục nào mà hái ra tiền ngon lành như màn kịch này, chắc tối đó hai Ngài đếm tiền thù lao cũng mệt xĩu???
Kế đến là hai Phật tử Viên Hương và Nhật Hoa qua bài song ca "Niềm an vui" đã cho chúng tôi những niềm an lạc thật sự với những lời lẽ trong bài ca ấy!.
Không khí lại được thay đổi với giọng ngâm thơ của dì Tâm Huệ qua bài thơ "Trầm Hương" của nhà thơ Sông Thu (HT Thích Bảo Lạc). Tôi thầm nghĩ mùaThu là mùa biểu hiện cho sự lãng mạn mà Ôn ni có một bút hiệu nguyên một dòng sông mùa thu thì răng hè???
TT Thích Thiện Hiện, tác giả của vở kịch "Một ông bốn bà" do các em Thiếu nhi khóa tu chỉ tập dợt trong thời gian rất ngắn ngủi nhưng diễn rất đạt, đã cho chúng tôi những trận cười no đầy ý nghĩa.
"T��m cha nơi đâu" bài ca vọng cổ với lời lẽ đầy cảm động và sâu sắc này đã được dì Thiện Tịnh và chị Thiện Tâm trình bày có hồn lắm. Hai người một già một trẻ nhưng hát rất ăn rơ với nhau.
Chúng tôi lại được thưởng thức thêm một tiết mục múa lụa "Chiếc áo lam" cuả các em Thiếu nhi thật hay với sự dàn dựng khá công phu và kỹ lưởng.
Kế đến là Bé Jessica mặc dù được sinh ra ở xứ sở Kangaroo này nhưng em với chất giọng cao nhưng lại ấm, em hát nhạc Việt Nam hay ghê, rất truyền cảm. Em đã gởi đến chúng tôi bài hát "Phật là ánh từ quang", nếu em mà đi thi hát thì tôi sẽ là vị giám khảo khó tánh dám cho em 101 điểm ngay!
Sau đó là hai Tỷ Nhật An và Thiện quốc lên song ca một liên khúc "Lên non quẩy mộng" với điệu Valse thật nhẹ nhàng, lôi cuốn người nghe.
Em Minh Trí và em trai của em ấy cũng đã cho chúng tôi sự ngạc nhiên là vì không dợt trước, cầm tờ giấy hát mà ca qúa hay, hai em như đang thả hết hồn mình vào bài hát "Dấu chấm hỏi?" vậy.
Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, tiết mục hợp ca "Sống không hận thù" là tiết mục cuối cùng để khép lại cuộc vui đó và kết thúc chương trình văn nghệ đầy hào hứng đêm nay. Tuy đêm đã khuya, tuy chúng tôi rất buồn ngủ vì thấm mệt sau mấy ngày thức khuya dậy sớm lo học hành, tụng kinh niệm Phật cũng như vui chơi nhưng làm như chúng tôi vẫn còn thòm thèm muốn được xem tiếp nữa.
Thật sự "Nhân nào thì quả nấy", do các học viên khóa tu lần này tu hành quá giỏi giang, tinh tấn cho nên đêm nay mọi người đã gặt hái được toàn là những "Cây thơm", "Trái ngọt" trong "Vườn hoa âm nhạc nghệ thuật" của khóa tu học lần thứ 10 này. Điểm qua từng tiết mục, từ đầu cho đến cuối, mỗi một tiết mục đều đưa chúng tôi vào một thế giới đầy thi vị của riêng nó, không hổ danh "mỗi bài một nét, mười phân vẹn mười", thật không chê vô đâu được! Đêm nay, chắc chắn mỗi chúng tôi sẽ đem những nụ cười không bao giờ tắt ấy vào giấc ngủ của mình thật an vui và đầy an lạc.
Barossa, Nam Úc đêm 2-1-2011
Quảng Hương ghi nhanh
Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu Kỳ 10
Tại Barossa, Nam Úc,
Thành Tựu Viên Mãn
Như thông lệ hàng năm, mùa nghỉ lễ Tết Tây, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc-Đại-Lợi và Tân Tây Lan tổ chức Khóa Tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ thứ 10 từ ngày 30/12/2010 đến ngày 03/01/2011, địa điểm khóa tu năm nay được tổ chức tại thung lũng Barossa, cách trung tâm thành phố Adelaide 80 cây số.
Trước ngày tu học, chư Tôn Đức Tăng Ni và các học viên từ các tiểu bang lần lượt vân tập về chùa Pháp Hoa, Adelaide, để chuẩn bị vào trại. Sáng ngày 30/12/2010, bầu trời xanh trong điểm từng áng mây trắng, đoàn xe dần xa thành phố, qua những cánh đồng vàng, qua những vườn nho xanh mướt rộng mênh mông tiến dần vào khu trại nằm giữa rừng thông.
Barossa ngàn năm, ngàn năm trong giấc ngủ
Có hay chăng tiếng sấm giác ngộ, giác ngộ đại từ bi
Nhổ cho kỳ được tận gốc rễ ngu si
Mang ánh sáng, sáng ngời vô lượng giới
Khắp cõi tam thiên, trời người đều ca ngợi
Chấp tay đón chào, giờ linh thiêng đã tới.
(lời thơ của HT Thích Huyền Tôn, viết tại khóa tu)
Lễ cung đón chư Tôn Đức quang lâm Hội trường để cử hành lễ khai mạc khóa tu, các em Phật tử chùa Pháp Hoa thướt tha trong tà áo dài Việt nam t���p trung vào sân vận động, bãi cỏ rộng của sân vận động tại khu trại này xanh mượt đã làm dịu ánh nắng gắt ban trưa. Dưới sự hướng dẫn tài tình của các thiện nguyện viên chùa Pháp Hoa, các học viên trẻ xếp thành hai hàng cung kính trong chiếc áo dài Việt Nam nâng Phật kỳ, tà áo lam của học viên bay nhẹ trong gió, quyện cùng nếp y vàng của hàng xuất gia thanh tịnh. Trong tiếng niệm danh hiệu Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, các hành giả tiến vào Hội trường để bắt đầu Lễ Khai mạc.
Khóa mười Phật Pháp năm nay
Adelaide lại lần hai tựu về
Barossa thung lũng đồng quê
Trời xanh mây tạnh đề huề vui thay.
(thơ của HT Thích Bảo Lạc)
Bắt đầu buổi lễ, chư Tôn Đức và toàn thể học viên trang nghiêm chào Phật kỳ và nhập một phút từ bi quán. Tiếp theo, Thượng Tọa xướng ngôn Thích Nguyên Tạng giới thiệu 30 chư Tôn Đức về chứng minh tham dự: Hòa Thượng Chứng Minh Thích Huyền Tôn, HT Hội Chủ Thích Như Huệ, HT Thích Bảo Lạc, HT Thích Như Điển, TT Thích Quảng Ba, HT Thích Minh Hiếu, TT Thích Tịnh Đạo, TT Thích Tâm Minh, TT Thích Tâm Phương,TT Thích Thiện Hiền, TT Thích Phổ Hương, ĐĐ Thích Giác Tín, ĐĐ Thích Hạnh Hiếu, ĐĐ Thích Viên Trí, ĐĐ Thích Hạnh Bảo, ĐĐ Thích Đồng Thanh, ĐĐ Thích Nhuận Chơn, ĐĐ Thích Hạnh Tri, ĐĐ Thích Đạo Hiển, ĐĐ Thích Thông Hiếu, ĐĐ Thích Thanh Lương, ĐĐ Thích Hạnh Thuần, ĐĐ Thích Viên Thành, ĐĐ Thích Thông Tuệ, ĐĐ Thích Viên Từ, Ni Sư Thích Nữ Như Trí, Ni Sư Thích Nữ Như Tuyết, Sư Cô Thích Nữ Viên Thông, SC Thích Nữ Nguyên Khai, SC Thích Nữ Thể Viên, SC Thích Nữ Huệ Nghiêm, SC Thích Nữ Giác Duyên, Ni Cô Thích Nữ Giác Niệm và quý Sư Chú Chùa Pháp Hoa.
Về số lượng học viên, ĐĐ Thích Giác Tín trong Ban Thư Ký báo cáo tổng số có mặt tham dự đã lên đến trên 365 học viên Phật tử thuộc 19 tự viện thành viên của Giáo Hội trên toàn liên bang Úc, gồm có: chùa Pháp Hoa lên đến khoảng 130 vị, Tu Viện Quảng Đức vẫn hùng hậu như năm nào với trên 80 học viên. Chùa Bảo Vương: 15; Chùa Thiên Bình: 6; Chùa Kim Cang: 7; Chùa Huệ Quang: 14; Chùa Diệu Âm: 8; Niệm Phật Đường An Lạc Hạnh: 16; Chùa Quan Âm: 3; Tu Viện Vạn Hạnh: 5; Chùa Pháp Bảo: 14; Chùa Trúc Lâm: 3; Chùa Huyền Quang: 13; thiền Viện Minh Quang (Sydney):10; Thiền Viện Minh Quang (Adelaide): 5; Tu Viện Nguyên Thiều: 8 ; Tu Viện Minh Giác: 13; Chùa Hưng Long: 4; Chùa Pháp Quang: 5; Chùa Giác Nhiên: 1; Thật cảm động khi thấy những em bé rất dễ thương trên dưới 6 tuổi, đầu xanh bên cạnh những mái tóc màu thời gian của quý bác cao niên trên dưới 80, 90 tuổi, đặc biệt có 3 Phật tử đến từ Việt Nam và 1 Phật tử đến từ Tân Tây Lan.
Tiếp theo là diễn văn khai mạc của ĐĐ Trưởng Ban Tổ Chức Thích Viên Trí, Thầy đã ngỏ lời tán thán công đức của chư Tôn Đức đã có mặt để hướng dẫn khóa tu, Thầy cũng có lời khuyến tấn các học viên tận dụng thời gian nơi khóa tu để trưởng dưỡng đạo tâm, trau giồi giới đức.
Theo sau bài diễn văn là nhạc phẩm " Kính Mến Thầy" trang trọng cất lên, nói lên tấm lòng cảm đức tri ân chư Tôn Đức Tăng Ni của toàn thể học viên do nhóm Phật tử trẻ của khóa tu trình bày. Sau đó, HT Phó Hội chủ Điều Hành Thích Bảo Lạc công bố thành phần Ban Điều hành Khóa Tu.
TT Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Thích Quảng Ba tán thán Ban Tổ Chức đã thiết trí trang hoàng Hội Trường đầy thiền vị cho lễ khai mạc và ngợi khen các học viên đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở nhà để đến với Khóa tu "ăn chay nằm đất". Thượng tọa đã công bố thành phần Ban Giảng Huấn cho các lớp 'người lớn' và lớp song ngữ cho các thanh thiếu niên. Thượng tọa cũng cho biết chương trình giảng dạy chủ yếu là Kinh Di Giáo, để học lại và hành trì những lời dạy cuối cùng của Đức Thế Tôn trước khi Ngài vào Niết Bàn cách đây đúng 2554 năm. Ban Giáo Thọ giảng dạy gồm có: HT Thích Bảo Lạc, HT Thích Như Điển, TT Thích Quảng Ba, TT Thích Nhật Tân, TT Thích Tịnh Đạo, TT Thích Tâm Minh, TT Thích Tâm Phương, TT Thích Thiện Hiền, TT Thích Nguyên Tạng, ĐĐ Thích Giác Tín, ĐĐ Thích Đạo Hiển, ĐĐ Thích Nhuận Chơn, ĐĐ Thích Đồng Thanh, ĐĐ Thích Hạnh Tri, SC Thích Nữ Viên Thông, SC Thích Nữ Nguyên Khai, cùng với quý Thầy Cô hướng dẫn lớp thiếu nhi: ĐĐ Viên Trí, ĐĐ Thanh Lương, SC Nguyên Khai, SC Huệ Nghiêm… (nghe bài giảng:mp3)
Thượng Tọa Ban Quản Chúng Thích Thiện Hiền công bố hiệu lệnh và thời khóa biểu. Theo sau, TT Thích Tâm Minh, Trưởng Ban Giám Thị đã công bố Nội Quy áp dụng tại Khóa tu: Học viên tuân thủ thời biểu và tham dự các sinh hoạt tu học đúng giờ theo hiệu lệnh; - Học viên cư xử thân thiện, đạo tình, luôn giữ lời nói hòa ái, trang nhã, quý kính nhau; - Học viên tôn trọng giờ ngủ nghỉ an ổn, giữ đúng giờ chỉ tịnh và giữ tuyệt đối yên lặng sau 10.30giờ tối;- Học viên đến lớp học, Điện Phật và trai đường 5 phút trước giờ quy định và tắt điện thoại di động trong các giờ sinh hoạt chung; - Học viên không được hút thuốc bên trong các phòng nghỉ, Phật đường, phòng học, và trai đường; - Học viên luôn giữ chánh niệm và tinh tấn để cảm nhận niềm pháp lạc trong suốt khoá tu học Phật Pháp Úc Châu.
Cuối cùng là lời đạo từ của HT Hội chủ Thích Như Huệ, HT tán thán chư Tôn Đức Tăng Ni, mặc dù đa đoan Phật sự nơi bổn tự, nhưng vì Đạo Pháp, vì thương chúng sanh mà vẫn nhín chút thì giờ quý báu đến giảng dạy cho Khóa tu. HT cũng khuyến tấn tinh thần của các học viên đến tham dự Khóa tu và nhắc nhở nếu tất cả thấm nhuần Phật Pháp thì sẽ đem đến an lạc cho muôn loài.
Buổi lễ kết thúc lúc 12 giờ trưa trong lời cầu nguyện với Tứ Hoằng Thệ Nguyện trong tiếng chuông trống trầm hùng. Mặc dù nắng đã lên cao, nhưng các học viên, nhất là các học viên mới tham dự khóa tu lần đầu, vẫn háo hức chờ đợi những ngày an vui tu học sắp tới. Dưới ánh nắng thiêu đốt của mùa hè Nam Úc, Thầy trò ra sân chụp hình kỷ niệm trước khi thọ trai.
Buổi học đầu tiên bắt đầu bằng lời khai thị của Hòa Thượng Chứng Minh Thích Huyền Tôn. Mở bày pháp yếu, pháp môn Phật dạy, HT đặt nghi vấn Phật tử phải làm gì cho trọn bổn phận người Phật tử trong thời mạt pháp? HT giải thích tường tận thế nào là thời mạt pháp, và phân giải rõ ràng Hữu Dư Y Niết-bàn và Vô Dư Y Niết-bàn. HT răn nhắc Phật tử tâm niệm quy y Tam Bảo không rời, thường thường sám hối và ghi nhớ Tứ trọng ân. HT lại thùy từ lân mẫn dạy bảo các thần chú của chư Phật Bồ-tát cho Phật tử hành trì. Thời gian trôi nhanh, chúng Phật tử chỉ kịp nghe HT kể phần duyên khởi Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia Thiền Sư đời Đường thì đã đến thời khóa khác. HT đã gởi tặng cho mỗi học viên bản photocopy bản dịch Chứng Đạo Ca để nghiên cứu học hỏi.
Sau phút giải lao ngắn ngủi, các học viên lại vân tập vào Hội trường để học bài đầu tiên của Kinh Di Giáo do HT Bảo Lạc và TT Tâm Phương phụ trách. HT chỉ bày chỗ cốt lõi của Kinh Di Giáo, nêu rõ tâm đại từ đại bi của Đức Bổn Sư trước khi nhập Niết-bàn ân cần nhắn nhủ hàng đệ tử đường lối tu hành theo ý Như Lai. Tiếp theo, TT Tâm Phương làm sôi nổi hội trường với 3 đoạn đầu của Kinh Di Giáo, giải rõ chỗ phương tiện tùy duyên nhưng bất biến của hàng trưởng tử Như Lai trong thời hiện tại.
Buổi vãng thực trôi qua trang nghiêm yên lặng với món phở do Ban Trai soạn ân cần chuẩn bị.Thời khóa khít khao, các học viên lại tề tựu vào Hội trường để dự buổi học cuối cùng trong ngày do TT Thiện Hiền và ĐĐ Nhuận Chơn phụ trách. ĐĐ Nhuận Chơn giảng giải đoạn 4, 5 và 6, chỉ rõ giới là nguồn gốc mọi công đức và răn nhắc hành giả không đắm nhiễm ngũ dục lạc. Kế đó, TT Thiện Hiền giải rõ đoạn 7 và 8 về cách chiết phục tâm và cách nhận cúng dường với những thí dụ thiết thực.
Bóng đêm lan dần, chư Tôn Đức hồi quy hậu liêu, các học viên cũng lần lượt về nơi cư trú đã được Ban Tổ chức sắp xếp chu đáo. Ban Trai soạn vẫn còn thức để chuẩn bị cho ngày hôm sau cho đến giờ chỉ tịnh mới bắt đầu nghỉ ngơi.
Một ngày tu học đã trôi qua, bình minh hừng sáng, Ban Quản chúng lại thức chúng theo giờ Sydney, tức là sớm hơn ½ giờ Adelaide. Như thế, các học viên được thong thả chuẩn bị một ngày tu học an vui. Các học viên mới dự buổi hô canh tọa thiền đầu tiên, tiếp theo là thời công phu sáng với tiếng tán tụng trầm bổng hòa trong tiếng chuông trống trầm hùng.
Như thường lệ, HT Chứng minh có lời khai thị cho đại chúng. HT răn nhắc đại chúng phải biết làm thinh như chánh pháp, và nói năng như chánh pháp. Như thế nào là như chánh pháp? Khi khởi tâm động niệm, khi nói năng, khi hành động, nếu có lợi cho sự tu tiến, cho tha nhân thì hãy làm, bằng không thì nên ngưng ngay. HT khuyên người học Đạo nên dè dặt, cẩn thận tinh tấn và có trí tuệ để nhận lãnh và thực hành lời Phật dạy.
Ánh nắng đẹp, bầu trời xanh, bãi cỏ êm mượt mà vui đón bước chân chư Tôn Đức và quý học viên trong buổi kinh hành. Hàng thông cao vút tượng trưng hình bóng Tăng-già:
Như tùng bách vươn cao mặc gió bão
Thầy dắt dìu muôn loại đến bờ vui.
Ban Nhiếp ảnh làm việc không ngừng, leo lên những chỗ thuận tiện nhất để ghi lại những hình ảnh "nóng hổi" của khóa tu. Ban Tổ chức dự định ghi lại hình ảnh chư Tôn Đức và toàn thể học viên xếp thành chữ "Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu Kỳ 10", nhưng tiếc là "mộng không thành" vì hàng chữ quá nhỏ …
Sau khi kinh hành, buổi tiểu thực đã sẵn sàng với món xôi thơm dẽo, giúp hành giả no lòng đi vào một ngày tu học miên mật. Buổi Hội thảo Phật Pháp đầu tiên của Khóa học được hướng dẫn bởi HT Bảo Lạc, HT Minh Hiếu, TT Tịnh Đạo, TT Thiện Hiền, ĐĐ Hạnh Hiếu, ĐĐ Đạo Hiển, SC Viên Thông và SC Nguyên Khai. Ba mươi câu hỏi thắc mắc về Kinh Di Giáo đang học và những pháp môn hành trì được chư Tôn Đức giải đáp thỏa đáng.
Buổi cúng quá đường đầu tiên của Khóa tu được chư Tôn Đức hướng dẫn hành giả nghi lễ cúng Phật, tam đề ngũ quán và ăn trong Chánh niệm. Điều này thực mới mẻ với những vị mới đi dự lần đầu.
Giờ chỉ tịnh trôi qua trong cái nóng trên 40 độ của núi rừng Nam Úc. Tuy nhiên, chư Tôn Đức và các học viên vẫn tề tựu đông đủ vào Chánh Điện để tụng thời khóa Tịnh Độ đầu tiên của khóa tu. Tiếng tụng kinh của hàng trăm hành giả vang lên uy nghiêm, vọng vào thiên nhiên có lẽ lần đầu tiên đón tiếp sinh hoạt Phật giáo ở nơi này.
Thời học Kinh Di Giáo thứ ba của khóa tu do TT Nguyên Tạng và TT Tịnh Đạo chủ giảng. TT Nguyên Tạng nhắc lại thời khóa sinh hoạt của Đức Thế Tôn khi Ngài còn tại thế, Ngài chỉ ngủ một giờ mỗi ngày, thời gian 23 tiếng đồng hồ còn lại Đức Phật dành để kinh hành, thiền định, thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Thời khóa này do Đại Sư Narada thuật lại trong quyển "The Buddha and His Teachings" để quý học viên nhìn vào tấm gương sáng của đấng cha lành mà tinh tấn tu học. TT cũng nhắc lại gương nhẫn nhục của Ngài Quan Âm Th��� Kính và nêu lên tám công đức của hạnh nhẫn nhục trong Kinh Thập Thiện.Tiếp theo, TT Tịnh Đạo làm sôi nổi lớp học với những phương pháp đạt được pháp lạc chẳng những trong khóa tu mà trong đời thường. TT nhắc nhở hành giả phòng hộ ngũ căn, tập thiền quán và luôn luôn tinh tấn.
Sau buổi dược thực đầy màu sắc hương vị của bún xào rau cải, và món chè ngọt ngào, các học viên lại vào lớp dự thời Kinh Di Giáo thứ tư do ĐĐ Hạnh Tri và ĐĐ Đạo Hiển phụ trách. Bằng nhiều thí dụ sinh động, hai vị ĐĐ giải rõ các hạnh không kiêu ngạo, trực tâm, thiểu dục, tri túc, viễn ly và tinh tấn tương ứng với các đoạn 11 – 16 trong Kinh.
Đêm đã buông xuống, nhưng các học viên vẫn đi dạo dưới ánh trăng non của đêm cuối năm dương lịch. Các em thiếu nhi được HT Bảo Lạc thưởng pizza vui chơi dưới ánh đèn pha do chủ trại thương mến thắp sáng. Hôm nay vì là đêm giao thừa nên Ban Quản chúng dời giờ chỉ tịnh vào đến giữa khuya.
Buổi sáng đầu năm dương lịch, cũng là ngày thứ ba của khóa tu, sương mù che phủ núi rừng, làm thành một bức màn trắng thơ mộng. Buổi hô canh toạ thiền diễn ra trang nghiêm, tiếp theo là thời công phu khuya trầm hùng với những pháp khí tạo nên âm thanh hòa hợp đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Lời khai thị đầu năm do HT Bảo Lạc nhắc bảo. HT khuyên các hành giả nên đổi mới nhân sinh quan trong ngày đặc biệt mùng Một tháng Một năm Một Một này. HT nhấn mạnh sự quan trọng của việc bảo vệ môi trường bằng cách tự chịu trách nhiệm và nên giảm thiểu nhu cầu, sống thanh tịnh hòa hợp với thiên nhiên, dũng mãnh tiến tu để thoát khỏi luân hồi khổ hải.
Buổi kinh hành trang nghiêm thanh tịnh trong nắng mai xua dần sương sớm, hàng y vàng của chư Tăng Ni dẫn đầu đoàn áo lam vòng theo bãi cỏ xanh, kéo dài trên con đường cát trắng.
Đến thời tiểu thực, Thầy Đồng Thanh cảm xúc thốt lên:
"Về đây học Đạo Từ Bi
Sáng nay có món cà-ri đỡ lòng"
Sau khi niệm Phật thì ra là:
"Về đây tham dự Khóa tu
Điểm tâm có món la-gu bánh mì".
Các học viên hăng hái vào Hội trường dự buổi Hội thảo Phật Pháp thứ nhì của Khóa tu, cũng là buổi đầu tiên của năm mới. TT Quảng Ba, TT Tâm Minh, TT Nguyên Tạng, ĐĐ Nhuận Chơn, ĐĐ Thông Hiếu, ĐĐ Viên Thành và ĐĐ Đồng Thanh, làm buổi hội thảo sôi nổi với những câu hỏi về những đề tài nóng hổi của Giáo hội và trên ba mươi câu hỏi về giáo lý.
Sau thời ngọ trai và thời Tịnh Độ, các học viên lại vân tập vào giảng đường để dự buổi học thứ năm Kinh Di Giáo do SC Viên Thông và ĐĐ Giác Tín phụ trách. SC Viên Thông giảng rõ về Tứ Diệu Đế và lời nhắn nhủ sau cùng của Đức Từ Phụ trong ba đoạn sau cùng của quyển Kinh. ĐĐ Giác Tín đi vào lịch sử các Khóa tu với lần đầu tiên sử dụng power point để minh họa bài pháp để học viên hiểu rõ hơn những ý nghĩa cao sâu của lời Phật dạy. Buổi học sôi nổi đến nỗi ĐĐ bị "cháy giáo án" trong sự hoan hỷ của toàn thể học viên.
Sau thời dược thực với món mì thanh lương, là buổi học kinh thứ sáu do ĐĐ Đồng Thanh và HT Như Điển chủ giảng. ĐĐ Đồng Thanh khuyên Phật tử nên nỗ lực hành trì, chiêm nghiệm Chánh Pháp một cách thường trực miên mật. HT Như Điển hướng dẫn chỗ cốt yếu của Kinh Di Giáo với phong cách phóng khoáng thường lệ của Ngài.
Thấm thoát mà ba ngày tu học đã trôi qua nhanh chóng. Buổi sáng ngày 02/01/2011, trời nắng đẹp. Sau thời hô canh, tọa thiền, công phu thường lệ, là lời khai thị của TT Nhật Tân. TT khuyên đại chúng nên thấy được mình, thấy được tâm mình, tánh mình. Đó chính là phản quang tự kỷ, thấy được bản lai diện mục của mình, để biết đuờng tu tập, làm hành trang vào ra sanh tử để cứu độ chúng sanh. Như thế chắc chắn là trên quá trình từ Linh Sơn đến Long Hoa sẽ có chúng ta.
Toàn thể chư Tôn Đức và quý học viên lại cất buớc thiền hành. Cơn gió lạnh se da chỉ rõ vô thường của thời tiết, vô thường của mọi sự mọi vật. Chén cháo nóng của buổi điểm tâm làm ấm lòng hành giả.
Buổi Hội thảo Ph��t Pháp cuối cùng của Khóa tu được HT Như Điển, TT Phổ Hương, ĐĐ Hạnh Tri và ĐĐ Giác Tín hướng dẫn. Với cách làm việc hiệu quả, gần bảy mươi câu hỏi về Phật Pháp cả giáo lý và ứng dụng được giải đáp.
Buổi thọ trai cuối cùng của Khóa tu diễn ra cảm động với lời tác bạch chân thành của đại diện học viên nói lên tấm lòng cảm đức tri ân đến chư Tôn Đức đã đem lời dạy của Đấng Cha Lành xuyên qua mấy ngàn năm đến nay vẫn truyền lưu lại, và nguyện y giáo phụng hành để đáp đền ơn sâu trong muôn một.
Thời Tịnh Độ cuối cùng cũng vang lên với pháp âm trầm hùng lan vào núi rừng Nam Úc. Sau thời giải lao ngắn ngủi, buổi học cuối cùng do TT Quảng Ba, TT Tâm Minh và TT Nhật Tân hướng dẫn. TT Quảng Ba khuyên học viên chọn những câu tâm đắc trong Kinh Di Giáo để làm hành trang tu tập. TT Tâm Minh nhắc lại Tứ Diệu Đế trong đoạn 22 và 23. Cuối cùng, TT Nhật Tân nói lên ý nghĩa thâm trầm của quyển kinh đúc kết lời cuối cùng của Đức Phật nói lên bản hoài của đấng cha lành. TT cũng nhắc nhở Phật tử nên hành trì sao cho Phật Pháp được trường tồn, cho đến khi không còn chúng sanh nào còn lầm lạc si mê nữa.
Sự việc gì rồi cũng qua và kết thúc, chắc chắn ai cũng nhớ đến đêm cuối cùng trên đất trại, một đêm sôi nổi và trầm lắng qua buổi Thiền trà văn nghệ do sự sắp xếp tài tình của ĐĐ Đồng Thanh, ĐĐ Thông Tuệ cùng Đh Quảng Tịnh & Đh Giác Quý, đã làm cho chương trình "đại nhạc hội" Mừng Chu Niên 10 năm mãi mãi khắc ghi vào lòng người xem, với những bản hợp ca hào hùng, những bài đơn ca thắm tình đạo vị, những màn ca vũ của các em thiếu nhi, hài kịch Lan và Điệp nhiều tập, và có lẽ nổi bật nhất là bi hài kịch " Bốn Bà Vợ" do TT Thiện Hiền biên soạn, đã làm nức lòng khán giả.
Sau đêm thiền trà thân mật, cơn gió lạnh thổi các em ngủ trong lều vào trong hội trường tìm hơi ấm đêm cuối cùng nơi đất trại. Sau giấc ngủ sâu và buổi tiểu thực thanh trai, các hành giả chuẩn bị ra về với tâm trạng tiếc nuối sao thời gian trôi qua mau quá! Mới ngày nào háo hức kéo hành lý vào đất trại mà nay đã thu dọn hành trang để trở về với cuộc sống bận rộn hàng ngày.
Lễ Bế Mạc bắt đầu với phút nhập từ bi quán trang nghiêm. TT Nhật Tân, trong vai trò hướng dẫn chương trình, giới thiệu thành phần tham dự. ĐĐ Viên Trí, đại diện Ban Tổ chức, trình bày từng bước gian nan trong chặng đường hình thành khóa học. TT Nguyên Tạng, đại diện Ban Thư ký, đúc kết số lượng học viên và tự viện tham dự khóa học và nhận bằng chứng chỉ. Tiếp theo, TT Tâm Minh, đại diện Ban Giám thị, tán thán tinh thần tôn trọng Thanh quy của toàn thể học viên. Kế đó, TT Thiện Hiền, Trưởng ban Quản chúng, khen ngợi tinh thần lục hòa của các hành giả. Đạo hữu Chơn Ngọc, Phó Ban Thủ Quỹ về ngân sách báo cáo chi thu, mọi người nhẹ nhõm vỗ tay hoan hỷ vì số chi không vượt qua số thu: Tổng thu (tiền lệ phí, gây quỹ và cúng dường): $73,090,40; Tổng chi phí cho khóa tu: $68,887,10; còn dư lại: $4,203,30 (số tiền này sẽ được chi dùng trong kỳ Đại Hội Khoáng Đại kỳ 4 tại Nam Úc vào tháng 3-2011). Sau đó, hai em Mỹ Tiên & Mỹ An, đại diện lớp thiếu nhi phát biểu cảm tưởng rất dễ thương bằng tiếng Việt và Anh.
Tiếp nối chương trình là Chúc từ của HT Hội chủ. HT khuyên nhắc nên học Kinh Di Giáo để làm hành trang trên bước đường tu học và giáo hóa chúng sanh. Đây là những lời phú chúc tha thiết của vị cha lành trước khi nhập Niết-bàn, là chơn ngữ, là thành ngữ, Phật ngữ không bao giờ sai. HT khuyến khích Phật tử sống trong ánh đạo vàng, học để hiểu và dần tiến đến giải thoát.
Vâng lời Phật dạy, Phật tử luôn luôn ghi nhớ ơn những người đã giúp đỡ mình. HT Phó Hội chủ Điều hành tán dương công đức ban trai soạn, ban chuyên chở và các tiểu ban khác đã dâng cúng rất nhiều thời gian, công sức, tài vật cho khóa tu hoàn thành viên mãn. Phật tử Tâm Huệ đại diện học viên nói lên cảm niệm tri ơn chư Tôn Đức, nhất là các vị Trưởng lão Hòa thượng, đã bất từ bì quyện đồng trụ với các học viên để đem những lời vàng chư Phật đến với chúng sanh.
HT Chứng minh ban lời Đạo từ, hoan hỷ rằng tất cả chúng ta có đủ duyên lành mới nhóm họp ở đây để tu học. Chúng ta là con Đức Phật, ngợi ca vị cha lành có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, mà chúng ta đã học hết vẻ đẹp của Đức Phật chưa? HT khuyến tấn hành giả luôn trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm để ��óng góp cho Giáo Hội.
Sau đó, ĐĐ Viên Trí, ĐĐ Viên Thành, ĐĐ Viên Từ cùng TT Nguyên Tạng, ĐĐ Đồng Thanh, ĐĐ Nhuận Chơn, ĐĐ Thông Hiếu, SC Nguyên Khai và SC Thể Viên được mời lên để nghe Quyết định của Giáo hội về việc tổ chức Khóa tu học kỳ thứ 11 tại Melbourne vào cuối năm 2011 này. Trong bầu không khí trang nghiêm, HT Phó hội chủ Điều hành truyền trao dấu ấn cho tân ban tổ chức, thể hiện tinh thần tục diệm truyền đăng qua bao thế hệ tu hành và hoằng pháp lợi sanh.
Sau khi chụp hình lưu niệm là phần phát quà mừng thọ cho Phật tử Ưu-bà-di Diệu Tâm, 90 tuổi, là vị cao tuổi nhất và dâng phẩm vật cúng dường lên chư Tôn Đức Tăng Ni. Sau đó ĐĐ Viên Trí hướng dẫn các em thiếu nhi lên nhận phần thưởng do TT Quảng Ba, SC Nguyên Khai và SC Huệ Nghiêm phát thưởng.
Tiếp theo là phần trao chứng nhận tu học do TT Quảng Ba phụ trách. Trước khi trao chứng nhận tu học, TT có đôi lời bộc bạch tâm huyết. TT nhắc lại mục đích khóa tu học là để tu trì, thực hành, giữ oai nghi tế hạnh, hành trì như một đạo tràng. TT khuyến tấn học viên nên giữ chánh niệm, phong cách người tu trì để tăng đạo niệm, đạo lực, duy trì tình đạo hữu, nghĩa Bồ Đề quyến thuộc, hầu tiến bộ tâm linh. Trong năm ngày tu học, ngoài những thời khóa hô canh, tọa thiền, công phu, tụng kinh, niệm Phật, còn có 3 buổi hội thảo Phật Pháp dành cho 2 lớp thiếu nhi và người lớn, 8 lớp học Kinh Di Giáo và 8 lớp học giáo lý dành cho thiếu nhi. Các buổi hội thảo và giảng kinh đều có truyền qua paltalk cho nên số lượng thính chúng nhiều hơn số 365 học viên tham dự khóa tu (chưa kể những hàng Chư thiên, Atula, Dược xoa, Long Thần Hộ Pháp v.v.). Ngoài những bài giảng, chư Tôn Đức như HT Huyền Tôn, HT Bảo Lạc, HT Như Điển, TT Tâm Phương, TT Nguyên Tạng, TT Quảng Ba, v.v. còn đem những, CD, DVD, kinh sách tự mình trước thuật hay do các nhà xuất bản khác ấn tống đem đến tặng học viên món quà pháp bảo. TT mong mỏi học viên tiếp nhận và áp dụng giáo lý vào đời sống, vì ban thư ký và ban nhiếp ảnh đã làm việc tận tình để thu âm, thu hình khóa học, burn ra dĩa để học viên về nghe lại nhiều lần và thấm nhuần sâu sắc. TT cũng nhắc rằng khóa tu học giáo lý hàng năm thật sự ít ỏi, mỗi học viên cần phải có thời khóa tu trì tại gia và thường xuyên đi lễ Phật, nghe Pháp, tụng kinh, và tham dự những khóa tu Bát quan trai hay tịnh niệm tại chùa nơi địa phương.
Kế đến là phần phát chứng nhận tu học cho 365 Phật tử học viên đã được TT hướng dẫn trang nghiêm trật tự theo từng tự viện. Quà lưu niệm khóa tu do chùa Pháp Hoa và SC Huệ Khiết chùa Huyền Quang trao tặng, và dĩa hình ảnh do Ban Tổ chức khóa tu trao tặng.
Trước khi kết thúc phần của Ban Giáo thọ, TT Quảng Ba cũng nói lên tâm huyết của Tổng vụ Hoằng Pháp để Phật tử phát tâm. Có 3 trọng điểm: Mời quý Phật tử phát tâm tham gia để phát huy trang mạng phatgiaoucchau.com; Phát thanh Đạo Phật tiếng Việt toàn liên bang, mời thiện nguyện viên làm việc tại gia 2giờ/tuần; Tổ chức khóa tu dành riêng cho thiếu niên vào dịp Easter 2011. Đặc biệt năm nay có khoảng trên 120 học viên trẻ tham dự khóa tu học song ngữ Anh Việt do quý Thư���ng Tọa Quảng Ba, TT Nguyên Tạng, ĐĐ Viên Trí, ĐĐ Thanh Lương, ĐĐ Đồng Thanh, ĐĐ Hạnh Tri, Sư Cô Nguyên Khai, SC Huệ Nghiệm hướng dẫn cùng sự trợ lực của quý anh chị Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử như Đạo hữu Trí Chánh, Đh Chúc Đạm.... nên các em đã được tu, được học, được vui đùa và làm quen với nhau trong tinh thần học Phật. Đây là năm đầu tiên có số lượng học viên trẻ đông như vậy. Hy vọng các khóa tu học kế tiếp số lượng người trẻ tham gia sẽ đông hơn năm nay.
Phần hồi hướng công đức kết thúc khóa tu, đoàn xe đưa hành giả rời đất trại, đem theo chút an vui trong năm ngày ngắn ngủi làm hành trang cho một năm mới nhiều hứa hẹn. Khóa tu học kỳ 10 đã khép lại trong niềm luyến tiếc, nhưng Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 11 lại mở ra và sẽ được tổ chức tại Melbourne, tiểu bang Victoria. Giáo Hội đã thỉnh cử TT Thích Nguyên Tạng, Phó Tổng Thư Ký của Giáo Hội, làm Trưởng Ban. Phó Trưởng ban đặc trách Ban Thư ký và Hành Chánh : Đại Đức Thích Viên Tịnh; Phó Trưởng ban đặc trách Ban Tài Chánh : Đại Đức Thích Nhuận Chơn; Phó Trưởng ban đặc trách Ban Thiết Trí Trang Hoàng : Đại Đức Thích Đồng Thanh; Phó Trưởng ban đặc trách Ban Vận Chuyển : Đại Đức Thích Thông Hiếu; Phó Trưởng ban đặc trách Ban Thủ Quỹ : Sư Cô Thích Nữ Thể Viên; Phó Trưởng ban đặc trách Ban Ẩm Thực: Sư Cô Thích Nữ Nguyên Khai...Nhưng trước mắt, xin hẹn tất cả hành giả ham tu hiếu học về tham dự Khóa An Cư Kiết Đông của Giáo Hội sẽ tổ chức tại Tu Viện Quảng Đức (do TT Thích Tâm Phương làm Hóa chủ) từ ngày thứ ba: 5-7 đến thứ sáu: 15-7-2011. Quý Phật tử tại gia xa gần có thể ghi danh để tùng chúng tu học, để có cơ hội nghe pháp, tụng kinh, hành thiền, làm công quả trong 10 ngày hoặc những ngày rảnh theo khả năng và điều kiện của mình. Xin liên lạc trực tiếp Tu Viện Quảng Đức, 03. 9357 3544 hoặc ghi danh trực tiếp ngay tại tự viện địa phương của mình. Chúc nguyện tất cả vô lượng an lạc trong niềm tin yêu thương của Chánh Pháp.
Nam Mô A Di Đà Phật
Tâm Quang-Tịnh Tuệ (ghi nhanh)
Hình ảnh: Thiện Hưng - Hoàng Lan
Cảm Niệm Tri Ân
Khóa Tu Học Phật Pháp Năm 2011 Tại Adelaide
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Con là Phật tử Tâm Huệ, xin thay mặt toàn thể học viên Khóa Tu Phật Pháp, có duyên sự xin đầu thành đảnh lễ tác bạch.
A Di Đà Phật
Ngưỡng bái bạch Hòa Thượng Chứng Minh
Ngưỡng bái bạch Hòa Thượng Hội Chủ
Ngưỡng bái bạch Hòa Thượng Phó Hội Chủ,
Ngưỡng bái bạch Đại Đức Trưởng Ban Tổ Chức,
Ngưỡng bái bạch chư Tôn Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni,
Kính thưa quí Đạo hữu Học viên,
Hôm nay trong không khí trang nghiêm thanh tịnh của buổi lễ Bế Mạc Khóa tu học Phật Pháp Úc Châu lần thứ 10, con vô cùng xúc động được bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân của hàng Phật tử tại gia được duyên lành tham dự khóa tu học do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, tổ chức tại vùng Barrossa Valley êm ả của tiểu bang Nam Úc.
Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức,
Khóa tu học Phật Pháp đã được tổ chức tại Adelaide tiểu bang Nam Úc thay vì tại tiểu bang Victoria như dự định, đã được thành công tốt đẹp, viên mãn.
Dưới sự hỗ trợ tinh thần của Sư Ông chùa Pháp Hoa, Đại Đức trụ trì hợp cùng quí Thầy Viên Thành, Viên Từ, Sư Cô Viên Thường cùng các Sư chú tại bổn tự và những Phật tử trung kiên tinh tấn của Tổ đình Pháp Hoa đã tận tâm tận lực tổ chức và điều hành mọi Phật sự để khóa tu được hình thành một cách tốt đẹp, hoàn mãn…
Do ý chí vượt khó, hạnh nhẫn nhục tinh tấn với đạo tâm vững bền và lòng từ bi vô hạn, chư Tăng Ni và Phật tử Tổ đình Pháp Hoa đã không ngại gian nan vất vả, đã tích cực làm việc không ngừng nghỉ để hoàn thành tất cả mọi công tác từ A đến Z để sắp xếp, trang hoàng ngội trại tại vùng Barossa Valley xanh tươi đẹp đẽ và tiện nghi cho Chư Tôn Đức và đại chúng suốt 5 ngày tu học an ổn.
Thật cảm động một cách sâu xa khi học viên khóa tu được nghe lại, được nhắc nhở lại tâm tình thắm thiết qua những lời di giáo vàng ngọc của đức Thế Tôn trước giờ phút nhập vào Vô Dư Niết Bàn.
Đức Thế Tôn đã dặn dò chư vị Tỳ Kheo cũng như tất cả những người còn Phật phải giữ giới thanh tịnh, trưỡng dưỡng đạo tâm, tinh tiến nỗ lực chiết phục tâm, tiết độ ăn uống, răn việc ngủ nghĩ, thiểu dục tri túc, ngăn lòng kiêu mạn, siểm khúc, không hý luận, thực hành viễn ly, thiền định, trí tuệ, hành trì lục độ Ba La Mật.
Tất cả tâm tình thiết tha của Đấng Cha Lành trao gởi trọn vẹn cho đàn con dại, thật cảm động vô cùng, chúng con xin quỳ trước kim tượng của Ngài mà tâm nguyện "y giáo phụng hành".
Chúng con xin ghi tâm khắc cốt lời dạy bảo hòa hợp để vượt khó khăn của Hòa Thượng Phương Trượng tổ đình Pháp Hoa; việc thực hành như chánh pháp, nói năng như chánh pháp của Ngài Hòa Thượng Chứng Minh khai thị và tự biến đổi mình thành con người mới trong một năm mới đang trãi rộng trước mặt, sửa đổi những tập khí xấu ác để được tốt đẹp hơn như Hòa Thượng Phương Trượng Pháp Bảo đã nhắc nhở, cũng như tự quán xét, hành trì để không cô phụ tấm lòng đại từ đại bi của Đấng Đại Giác đã tha thiết dành cho những chúng sanh dại khờ đang còn ngụp lặn giữa biển đời sanh tử.
Trong 5 ngày tu học, học viên được lắng nghe những lời tán, lời tụng kinh trầm hùng, được học hỏi bản Kinh Di Giáo từ các Trưởng tử Như Lai. Đặc biệt, học viên được mở rộng kiến thức Phật Pháp qua các buổi Hội thảo bổ ích, vui tươi, sôi động qua những lời pháp nhũ rành mạch, lưu loát, dí dỏm của chư Tôn Đức.
Mỗi sáng sớm, thung lũng rừng nho sáng lên với hình ảnh một đoàn dài đi thong thả an nhiên trong màu áo vàng rực rỡ của chư Tôn Đức và màu lam dịu hiền thư thả nối bước theo sau.
Chư Tôn Đức luôn lưu tâm đến những mầm non đầy hứa hẹn nên khóa tu học nào các các cháu thiếu nhi cũng được quí Thầy Cô giảng dạy Phật Pháp bằng song ngữ và có những sinh hoạt vui chơi lành mạnh. Các cháu còn được quí Thầy Cô thương yêu, cưng chìu, được vui chơi trong kỷ luật trong đêm New Year's Eve để mừng phút giao hòa của trời đất. Một tiết mục vô cùng đặc sắc mà tất cả mọi người đều mong đợi, đó là đêm Văn Nghệ Thiền Trà vô cùng sống động, phong phú và tuyệt vời đã đem lại cho toàn thể hội trường những nụ cười vô cùng hoan hỷ.
Chúng con vô cùng thâm tạ ân điền của Chư Tôn Đức đã mở rộng kiến thức Phật Pháp cho chúng con qua bộ Kinh ghi lại những lời nhắn nhũ cao quý thiết tha của đấng Từ Phụ trước giờ phút linh thiêng khi Ngài thị hiện cho chúng sanh nhận thức rõ định luật Vô Thường khiến chúng con không khỏi bùi ngùi thổn thức hướng vọng đến hình ảnh bi thương trầm lắng của một quốc độ xa xưa như còn vang vọng lại.
Chúng con thành tâm cúi đầu đảnh lễ tri ân công đức cao cả và lòng từ bi đại lượng của chư tôn đức - đặc biệt chư tôn đức Tổ đình Pháp Hoa Nam Úc đã cho chúng con được hòa minh vào sòng suối thanh lương, được tu tập giới định huệ để gội rữa tội lỗi nhiều đời nhiều kiếp.
Chúng con thành tâm kính chúc chư tôn thiền đức Tăng Ni pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, phước trí nhị nghiêm, mãi mãi là bóng đại thọ tỏa bóng mát từ bi cho chúng con được nương nhờ.
Xin kính chúc tất cả quí đạo hữu thân tâm an lạc, bồ đề tâm kiên cố, tinh tấn hành trì để được thăng tiến mãi trên bước đường tu học.
Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát
Nam mô A Di Đà Phật
Phật tử Tâm Huệ
Cảm Nhận Của Người Mới Đến
(Viết Từ Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu Kỳ 10)
Thích Thanh Lương
Thấm thoát vậy mà đã 5 tháng trôi qua. Những cảm giác nhớ thương về quê hương Việt Nam cứ vậy theo thời gian lắng dịu dần. Có lẻ đúng, thời gian là liều thuốc thần tiên giúp cho con người chữa lành những nỗi đau quá khứ, và cùng là mụ phù thủy ác độc làm mờ đi những kỷ niệm đẹp của một thời. Tuy nhiên, kỷ niệm của một đời làm điệu, một khoảng thời gian ngắn ngủi làm thầy giáo, và cả những năm tháng được làm anh để hướng dẫn các sư đệ của mình … tất cả nó vẫn như còn nguyên vẹn trong sâu thẳm tâm tư, chỉ chờ cơ hội để vùng dậy giống như một con mèo rìn tìm con chuột, kiên nhẫn và thèm thuồng!
Quả đúng như vậy! những trạng thái tâm lý rất con người trong tôi hôm nay lại trở về và trỗi dậy mãnh liệt khi tôi tham dự khóa tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ 10 do Giáo hội Úc châu tổ chức.
Chỉ năm ngày ở nam Úc, trên một khu nghỉ mát nỗi tiếng mang tên Barossa kiêu hãnh, tại thành phố nỗi tiếng Adelaide, Nam Úc đã để lại trong tôi những ấn tượng thật khó tả. Không biết đó là sự hoài vọng về quá khứ hay là một hiện tại đẹp đến ngỡ ngàng mà tôi chưa định hình được. Dù hoài vọng hay sự thật thì mọi thứ vẫn cứ nhẹ nhàng đi vào ký ức tôi một cách sâu lắng.
Tôi đến với khóa tu chỉ là tư cách của một Tăng sĩ tình nguyện. Với suy nghĩ đó, tôi hoàn toàn không có một chút bận rộn gì. Có lẻ nhờ đó mà tôi rất rảnh rang, lại có thời giờ để làm thơ hay viết nhật ký, và tận hưởng những điều mới lạ ở đây. Thế rồi, sự bất ngờ đã đến sau buổi họp báo đầu tiên của giáo hội, tôi được đề cử trong ban giáo thọ, ban giảng huấn cho lớp thiều nhi dưới mười tám tuổi, nói đúng hơn đây là lớp song ngữ dành cho các em không giỏi tiếng Việt. Lúc đầu tôi đã từ chối cái nhiệm vụ lớn lao ấy với lý do chưa có kinh nghiệm giảng dạy trong môi trường mới. Nhưng có lẻ là không phải vậy? Tôi từ chối chỉ là một phản ứng thường tình, tôi quá bất ngờ chưa chuẩn bị đủ tâm lý để đón nhận nhiệm vụ này. Tôi cũng không biết phải nói thế nào? Quá hạnh phúc! Quá sung sướng! hay quá lo lắng vì sợ sẽ không làm nỗi, lại làm cho quý Ngài trong ban tổ chức phải thất vọng.
Đúng thế! tất cả những trạng thái cảm xúc đó tôi đều có cả. Vừa mừng lại vừa lo! Tôi mừng vì nhớ lại khoảng thời gian ngắn ngủi được đứng trên bục giảng không chính thức hồi còn ở Đà Nẵng, Việt Nam. Học trò của tôi lúc đó cũng chỉ khoảng độ tuổi dưới 18. Tôi nói là chưa chính thức làm thầy giáo, vì những lớp học đó là do chính tôi tổ chức dạy Anh ngữ cho các em có hoàn cảnh khó khăn, có duyên học với tôi. Các em đến với tôi không biết có phải là vì thích phương pháp giảng dạy mới lạ, vì tôi là một tu sĩ mà giảng dạy ngoại ngữ, hay cũng chỉ vì bố mẹ các em không đủ chi phí để trang trải cho việc học tiếng Anh ở các trung tâm khác… Tất cả, tôi đều xem như là một phước duyên từ vô lượng kiếp mà tôi đã vun đắp mà nay đưa đẩy tôi làm một thầy giáo không chính thức như vậy. Tôi thầm cảm ơn họ, cảm ơn những thiện tri thức đã chỉ cho tôi biết gieo phước từ đời trước để đời này mang đến cho tôi một thiên chức làm thầy giáo, dù có chính thức hay không?
Trước mặt tôi giờ cũng là những đứa học trò ở v��o độ tuổi dễ thương và đáng yêu như vậy. Ở độ tuổi trên dưới mười tám, tôi quan niệm rằng đây là khoảng thời gian khó quên nhất của một đời người. Những điều gì vui buồn đều có thể từ độ tuổi ấy mà ra. Qua những năm tháng làm thầy giáo, tôi cũng nhận ra rằng, các em như là những trang giấy trắng tinh mà ở đó chúng tôi có thể vẽ lên bản đồ của một đời người. Nhận thức như thế, tôi luôn tự định hướng cho mình, đặc biệt là cho khóa tu trước mắt những gì cần nói, cần chia sẻ với các em từ những hiểu biết của một người tu sĩ và từ những kinh nghiệm cá nhân của một sinh viên được tiếp cận hai hệ thống giáo dục Việt và Úc. Tôi đã suy nghĩ và đắn đo rất nhiều lần!
Bài giảng đầu tiên của tôi mang tựa đề "Deep understanding and insightful love, the two main factors to build a good relationship with other people" (Hiểu biết và thương yêu, hai yếu tố để xây dựng mối quan hệ tốt với người khác). Tôi chọn đề tài này vì trong những ngày đầu dự hội thảo của các em, tôi hiểu ra, các em không chỉ hỏi những điều về đạo Phật, tò mò về các hiện tượng lạ như thần thông, về các khái niệm mới mẻ đối với các em như luân hồi, nghiệp báo, vô thường…; mà các em còn hỏi cả những vấn đề rất riêng, rất ngây ngô, trong sáng và dễ thương đến lạ lùng!
Tôi có nhận được một câu hỏi thật là thú vị: "How can I do for my Mom to understand me?" (Con có thể làm như thế nào để mẹ con hiểu con?). Câu hỏi nghe có vẽ đơn giản như những gì quanh quẩn trong cuộc sống hằng ngày, nhưng quả thực đó là một điều thật khó làm và nó có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các em nói riêng và tất cả mọi người trong chúng ta nói chung.
Làm sao để mọi người hiểu mình? Câu hỏi mà mỗi chúng ta đã phải mất cả cuộc đời truy tìm câu trả lời. Tôi còn nhớ về câu chuyện của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni từ mấy ngàn năm trước. Sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài cũng đã tự hỏi mình rằng: "Làm sao ta có thể đưa giáo pháp nhiệm mầu này đến với chúng sanh?" Từ câu hỏi đó, chúng ta ngầm hiểu rằng, tất cả chúng sanh đang chìm ngập trong biển khổ sanh lão bệnh tử với căn cơ cao thấp không đồng thì lào sao tiếp nhận được giáo Pháp thượng thừa của đức Thế Tôn? Làm sao chúng sanh có thể hiểu thấu được những tâm nguyện và ưu tư khắc khoải của Ngài?
Làm sao để người khác hiểu mình? Hay làm sao để mình có thể hiểu được người khác? Đó là những điều mà bất kỳ ai cũng khao khát một đáp án, bởi đáp án đó chính là chất liệu nhằm xây dựng nên một cuộc sống hạnh phúc thật sự, là nhịp cầu để mọi người kết nối với nhau, là phương tiện để cho chúng ta có thể nghe và cảm nhận được nhịp đập trái tim của người xung quanh.
Trong buổi học đó, tôi đã hướng dẫn các em thực tập hạnh lắng nghe, tập tính nhẫn nại để có thể hiểu được những người trong gia đình, rồi rộng ra nữa là bạn bè trong cộng đồng và ngoài xã hội. Tôi đã nhắc nhở các em phải biết nghe bằng cả con tim chân thành, bằng sự cảm thông sâu sắc chứ không phải nghe bằng một sự tò mò khám phá, hay kiếm tìm những lỗi lầm của người khác. Tôi độc lại cho các em nghe hạnh nguyện của đức Bồ tát Quán Thế Âm, vị Bồ tát có một hành trạng gọi là "nhĩ căn viên thông"
Lạy đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi. (Nhật Tụng Thiền Môn Năm 2000)
Nghe để thấu hiểu tận nguồn nỗi đau của người khác. Muốn vậy, chúng ta cũng cần tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu một cách sâu sắc. Từ đó, chúng ta mới có thể hiểu được những điều mình muốn cũng là những gì người khác muốn; những gì mình không muốn thì người khác cũng không muốn. Chúng ta đừng làm khổ đau cho nhau nữa, bởi làm như vậy, chính chúng ta là người phải đau khổ trước. Thay vì vậy, chúng ta phải biết mang lại hạnh phúc cho nhau bằng một nụ cười cảm thông và chia sẻ, bằng một nụ cười hoan hỉ, bằng cả những con tim đập cùng một nhịp thở. Đây chính là thông điệp mà tôi muốn nhắn gửi để các em trong giờ học đó.
Ngược lại, để cho người khác hiểu được mình, tôi đã khuyên các em hãy mở cửa lòng của mình ra, hãy nói lên những suy tư và chia sẻ những niềm vui cũng như nỗi buồn mà mình đã, đang và sẽ gặp trong cuộc sống. Trong một gia đình, để cho mọi người hiểu biết và thương, bản thân mỗi thành viên phải biết dành thời gian cho nhau. Cùng nhau cảm nhận và chia sẽ những hạnh phúc và đắng cay trong cuộc sống gia đình là liều thuốc có thể chữa lành nỗi đau của chính mình cũng như của người khác.
Cuối giờ giảng tôi đã khẳng định hiểu biết và thương yêu phải theo một trật tự có thứ bậc (hierarchical). Điều đó có nghĩa là chúng ta phải hiểu một cách sâu sắc, sau đó mới mong có được một tình yêu chân thành đúng nghĩa. Tôi đã nhấn mạnh với các em rằng, muốn nói yêu thương một ai thì điều trước tiên là phải hiểu. Ý nghĩa này được minh chứng qua cách tỏ tình khôi hài của một người con trai với một người con gái mà tôi đã kể cho các em nghe như phương tiện giúp các em hiểu và thích thú với bài giảng hơn:
"Baby, I want you, I need you, I love you so much."
(Em yêu, anh thích em, anh cần em, anh rất yêu em)
Tôi cho rằng đây là một suy nghĩ sai lầm, một tình thương mù quáng. Là một người Phật tử hiểu biết Phật pháp, tôi khuyên các em nên tỏ tình như sau:
"Baby, I understand you, I need you, I love you so much"
(Em yêu! Anh hiểu em lắm, anh cần em, anh yêu em rất nhiều!)
Theo tôi, hiểu biết như là cái chìa khóa vạn năng có thể mở được cánh cửa của yêu thương. Nó cũng là nhịp cầu mầu nhiệm để hàn gắn những đỗ vỡ, những đau thương trong gia đình và xã hội.
Năm ngày của khóa tu thế rồi cũng trôi qua nhanh chóng, cái còn động lại trong tôi, trong các em và tất cả mọi người là một niềm lưu luyến khó phai. Đến đây tôi chợt nhớ lại một câu thơ rất hay, rất nổi tiếng:
Mỗi người mỗi nước mỗi non
Bước vào cửa Phật như con một nhà
Quả đúng như thế! Không biết tự bao giờ, tôi lại có một cảm giác như đang sống trong một gia đình, một gia đình tâm linh cao cả. Đến với gia đình này, tôi được gặp các bậc Tôn túc, dầu có một khoảng cách thế hệ khá xa, nhưng tôi vẫn có cảm giác gần như những người cha thân thương vô cùng, những người đã trao truyền cho tôi một tài sản tâm linh, một cách sống chuẩn mực mà bản thân quý Ngài là những bài pháp sống động. Tôi lại được sống và làm việc với những người anh, người chị đầy nhiệt huyết, đã giúp tôi định hướng được con đường mà mình sắp sửa tiến bước, đấy chính là "hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp" (lấy việc hoằng pháp làm gia sản, lấy việc lợi sanh làm sự nghiệp). Cuối cùng và không kém phần quan trọng đó là những người trẻ tuổi đã ngồi hằng giờ lắng nghe những lời chia sẻ của tôi. Trong lòng mình, tôi chỉ luôn xem họ là những người em, những người bạn biết lắng nghe và cảm thông cho những suy tư và khắc khoải của tôi!
Chia tay Barossa, tôi vương vấn với một buồn khó tả. Một cái gì đó trĩu nặng vô hình cứ bám lấy bước đi của tôi cho đến lúc ngồi trên xe. Đúng là:
Có cái gì thoảng qua mà nhớ mãi
Có cái gì đọng lại chẳng sao quên
Một chút nắng một chút màu xa vắng.
Vẫy chào Barossa, nơi ươm mầm đạo pháp, vẫn còn đó một màu xanh thẳm đầy sức sống. Ước mong một ngày trở lại Barossa lại thoáng hiện trong tâm tưởng. Ngồi trên xe nhìn xa, Barossa mang một nét đẹp kiều diễm. Tôi lại lắng lòng với những kỷ niệm từ vùng đất ấy, rồi lại nhiếp đi trong giấc ngủ mơ màng như thoảng nghe tiếng gió rít lên từ rừng thông xa xa, tiếng niệm Phật trầm hùng của đạo tràng trong những giờ công phu, và cả tiếng vỗ tay của các học viên trong những buổi thảo luận Phật pháp sôi nổi.
Tạm biệt Barossa! Mến tặng em một nụ hôn thầm kín! Barossa! Barossa!
Viết tại chùa Pháp Hoa Nam Úc, đêm mồng 03 tháng 01 năm 2011,
Thích Thanh Lương
Những Ngày Thân Thương
Trong Khóa Tu Học Lần Thứ 10
Quảng Hương luôn nhắc tôi: Sao Dì không viết bài cho khoá tu? Thật tâm mà nói những ý nghĩ, cảm tưởng của tôi đã được một vài đạo hữu viết lên trong cuốn Kỷ Yếu 10 năm rồi, chỉ toàn những kỷ niệm của 10 khóa tu của hàng Phật tử chúng tôi hay những lời tri ân, thành kính tới những chư Tôn đức v.v... nên tôi không biết viết gì, suy nghĩ mãi thôi thì viết về những ngày học vừa qua vậy.
Năm nay, Giáo hội tổ chức lớp học tu cho hàng Phật tử tại gia ở Nam Úc (Adelaide), do Chùa Pháp Hoa đảm nhận. Cũng như mọi năm, chị em chúng tôi lại lục đục theo Thầy ra phi trường Melbourne, sau khoảng 1giờ bay chúng tôi tới nơi và sau đó được các Phật tử chùa Pháp Hoa ra đón về chùa (không như dự tính là đến thẳng trại). Chúng tôi được đãi một bửa ăn đơn giản mà ngon rồi nghỉ ngơi và chúng tôi lại lên xe buýt về trại lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Xe chạy khoảng một tiếng, trong thời gian đó có một số các bạn được ngắm cảnh hai bên đường, một số mệt mõi lim dim ngủ gục. Phần nhiều dân chúng ở Nam Úc sống bằng ngành Nông cho nên chúng tôi được nhìn thấy những nông trại nho và những cánh đồng lúa mì bát ngát. Năm nay thấy châu chấu nhiều, trên đường đi nó bay tạt vào cửa kính chết nhiều. Tuy biết nó chuyên ăn lúa, hại mùa màng, nhưng những người Phật tử như chúng tôi cảm thấy áy náy và niệm A Di Đà Phật cũng như thầm niệm chú vãng sanh cho nó.
Kỳ học này Thầy trụ trì Chùa Pháp Hoa (trưởng ban tổ chức) chọn cho chúng tôi chỗ tu học là ở Barossa, trại thật yên tịnh, sạch sẽ, có những hàng cây mát mẻ, có sân cỏ rộng lớn … Sau khi rời xe buýt chị em chúng tôi có chút trở ngại ban đầu là: Trại này có những "nhà" rời xa nhau, không ở liền như mọi lần và chúng tôi không biết mình ở đâu? Rồi lại nghe nói thiếu chỗ vì Phật tử quá đông, đồng thời chúng tôi cũng thấy một vài gia đình người Úc ở đó nữa…..may sao Thầy trụ trì Chùa Pháp Hoa đã dàn xếp sẵn cho chúng tôi, nhưng vì chúng tôi già cả nên đi tìm cũng không ra, cuối cùng nhờ có đạo hữu Thiện Hưng dẫn chúng tôi tìm đến phòng. Sau khi ổn định phòng ốc xong, nói sơ qua thì phòng hay "nhà nhỏ" rất riêng biệt trong đó có tivi, tủ lạnh, tủ treo quần áo, bàn ghế, bồn rửa tay, có ly, muỗng, nĩa, bình nấu nước v.v... nghĩa là tạm đầy đủ cho chị em chúng tôi trong những ngày tu học ở đây và ấm cúng nữa. Chúng con cám ơn Thầy Viên Trí nhiều lắm, đi tu mà được như vậy còn gì hơn? Nhà vệ sinh và phòng tắm, phòng giặt thì riêng biệt, nói chung là xài chung, xa xa có một cái cho mỗi khu vực người ở. Tuy nhiên, chúng tôi có một rắc rối nhỏ là phải bấm số, số dãy chúng tôi là C- 7683 khi nhìn vào con số chúng tôi không biết bấm làm sao, báo hại những vị muốn đi vệ sinh ban đêm mắt nhắm, mắt mở cũng không sao mở được cho có đèn trước phòng tắm. Sau tôi viết thẳng c-7683 mở dễ dàng, thiệt là "nhà quê mới ra tỉnh"!
Sau khi ổn định chỗ ở xong, tắm rửa nghỉ ngơi một chút, chúng tôi tới hội trường để tham quan. Chúng tôi không ăn chiều vì trước khi đi lên trại chùa đã phát cho chị em tôi mỗi người một ổ bánh mì và một chai nước lọc. Từ chỗ chúng tôi ở đến hội trường đi bộ mất khoảng 2,3 phút. Hai ngày đầu chúng tôi khá mệt mõi vì nhiệt độ lên đến ngoài 40 độ nhưng sau đó thì mọi việc ổn định. À quên còn một số các em thiếu nhi ngủ ngoài trại và một số đạo hữu ngủ tại hội trường luôn. Các vị đó đúng là những người đi tu đúng nghĩa "ăn chay nằm đất", còn chúng tôi được ở phòng là đi du lịch!
Năm nay đặc biệt 10 năm, quý Chư Tôn Đức cho chị em chúng tôi học Kinh Di Giáo. Đó là những lời dạy sau cùng của Đức Phật khi Ngài sắp nhập Niết Bàn. Trong bài kinh này nội dung chỉ dành cho những vị Tỳ Kheo xuất gia để làm hành trang cho sự nghiệp tu hành của mình. Nay quý Thầy thấy các hàng Phật tử tại gia chúng tôi có chút chuyên cần, ham học Phật pháp nên các Ngài đem ra giảng dạy cho chúng tôi, mong chúng tôi hành được việc nào hay việc đó. Trong lời Kinh này nó "khổ" và "xúc động" quá nhưng nhờ sự uyển chuyển lèo lái trong cách dạy của các Pháp sư nên chị em chúng tôi cười vui vẻ, hân hoan đón nhận và cũng tự thẹn cho mình vì những lời Phật dạy mình ít nhiều chi cũng có vi phạm.
Một năm có 365 ngày mà chỉ có 5 ngày tu cuối năm và 12 ngày ở chùa (1 tháng tu 1 ngày Bát Quan Trai), ngoài ra, nếu đủ phước duyên có vị còn được theo Trường Hạ với quý Thầy, Cô 10 ngày (vào tháng 7 mỗi năm). Vậy những ngày còn lại thì làm gì ngoài việc tạo thêm nghiệp! Thật là:
Áo trần con lỡ mặc vào
Nợ trần con biết ngày nào cởi ra!
Cho nên chúng con cứ mãi miết tìm học và quý Thầy Cô vẫn dùng lòng từ bi dẫn dắt chúng con ra khỏi bùn lầy, không chút mõi mệt nản lòng.
Thế rồi buổi học cuối cùng chấm dứt, khóa học nào cũng có một buổi "Thiền trà"riêng tôi chẳng thấy Thiền gì hết mà vui và quậy dữ quá! Vui vì những bài kịch, hát, còn quậy là những chị già như tôi nhưng cũng bon chen lên hát cho vui. Quảng Tịnh nói:"Không sao, kỷ niệm 10 năm mà".
Ngày bế mạc cũng chấm dứt, chúng tôi được phát một chứng chỉ như mọi năm và một món quà kỷ niệm do Ban tổ chức tặng. Nhìn món quà chúng tôi thấy xúc động vô cùng vì món quà đầy thân thương và ý nghĩa "Thầy đã trao ngọn đuốc trí tuệ cho các vị, các vị tiếp tục thắp lên mà đi".
Chúng con nguyện y giáo phụng hành, cũng nguyện mười phương chư Phật phù hộ cho quý Chư Tôn Đức cùng toàn thể gia quyến quý Ngài thân tâm luôn an lạc, trí tuệ thường đăng để còn dắt dẫn chúng con ra khỏi bùn lầy, cho dù ngọn đuốc Thầy đã trao nhưng đường đời còn lắm chông gai, chúng con vẫn cần quý Thầy dẫn dắt để khỏi đi sai đường lạc lối.
Nam Mô A Di Đà Phật
Melbourne, 16-01-2011
Nguyên Như
Cảm Nghĩ Về Khóa Tu Học Phật Pháp Lần Thứ 10 Tại Adelaide
Được sự thông báo về khóa tu học của Thầy trú trì chùa Huệ Quang, ĐĐ Thích Thông Hiếu, Phật tử chúng tôi nôn nao mong đến ngày để đi tu học.
Chúng tôi gồm 10 người, chuẩn bị hành lý trực chỉ Adelaide lúc 4:30 am ngày 28/12/2010 trong bầu không khí yên tĩnh và se lạnh của sáng sớm ban mai nhưng chứa chan tình ấm áp giữa Thầy trò lần đầu tiên cùng nhau đi tu học.
Chúng tôi lái xe mất 9 tiếng đồng hồ thì đến Chùa Pháp Hoa – Nam Úc lúc 4:30pm với nhiệt độ lên đến 30 độ C, rất nóng đối với Phật tử Melbourne đã quen với khí hậu mát lạnh.
Bước vào chánh điện của ngôi chùa rất trang nghiêm, phong cảnh bao phủ bởi những làn cây với bóng một thiên nhiên.
Chúng tôi bước vào khóa tu học với buổi lễ khai mạc vào ngày 30/12/2010, tại thung lũng Barossa, dưới sự chứng minh của HT Huyền Tôn và các Chư Tăng Ni đoàn Úc Châu tụ về.
Buổi khai mạc đầy trang nghiêm với câu kinh tiếng kệ hoà cùng tiếng chuông mõ tạo nên một cảnh Niết bàn thật sự tại trần thế làm cho lòng chúng tôi tăng thêm sự hăng say học tập và hăng say tu tập dưới sự hướng dẫn của quý Thầy.
Bài học cho khóa tu học lần thứ 10 này là "Kinh Di giáo", di chúc của Đức Phật truyền lại cho các vị Tỳ kheo trước khi Ngài nhập Niết bàn.
Các chư Tôn Đức, các vị Hòa Thượng thay phiên nhau giảng dạy từng đoạn kinh này, với hình thức giảng dạy dí dỏm, đem đạo vào đời khiến cho những buổi học rất hào hứng, sinh động khiến cho những học viên đều lắng lòng, lắng tâm hưởng trọn những lời giảng của các vị giáo thọ và thời gian gần như ngừng trôi, không gian gần như lắng đọng và kim đồng hồ gần như ngừng quay, tất cả các học viên đã hoàn toàn bị chìm đắm trong những lời giảng dạy mà quên đi khí hậu bên ngoài lúc đó lên đến hơn 40 độ.
Sau những buổi học tập là những buổi hội thảo rất hào hứng, sinh động qua những câu hỏi muôn màu muôn vẻ xoay quanh "Giới, Định, Tuệ" và "Tứ Diệu Đế" tạo nên những trận cười giòn tan thoải mái và tiếng vỗ tay gần như không chấm dứt.
Để tăng thêm không khí sinh động quý Thầy đã hoà mình với học viên bằng lời ca tiếng hát mang âm hưởng của giọng tụng kinh hơn là giọng ca sĩ chuyên nghiệp làm cho học viên được dịp cười lên vui vẻ.
Ngày cuối của khoá tu học là những màn trình diễn văn nghệ do các Phật tử của toàn liên bang không phân biệt tuổi tác, nam nữ, được tập dợt chớp nhoáng chỉ vài tiếng đồng hồ bao gồm hợp ca, đơn ca, múa, kịch.v…v…. Văn nghệ nghiệp dư cũng để lại những ấn tượng trong tâm khảm mọi người.
Giờ chia tay lưu luyến, bịn rịn, vấn vương giữa quý Thầy và các Phật tử chỉ còn vài tiếng nữa thì 'ai về chùa nấy" trả lại sự yên lặng của núi rừng. Đúng là có hợp rồi có tan, tan hợp là chuyện vô thường nhưng chắc là sau khi bế mạc khóa học này, trong lòng mọi người đều có "một chút gì để nhớ", "một chút gì lưu lại" trong lòng mỗi người và hứa hẹn cho lần tu học Phật pháp lần thứ 11.
Kính chúc quý Chư Tôn Đức thân tâm an lạc.
Mến chúc quý học viên tràn đầy sức khỏe.
QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI CUỘC SỐNG
Qua năm ngày tham dự khóa tu học tại Nam Úc (từ 30-12-2010 đến 3-1-2011) và được nghe những lời thuyết giảng kinh điển của quý Thầy, Cô, tôi nhận rõ ra một điều rằng chúng ta là Phật tử không nên nhầm lẫn rằng: Đạo nào cũng giống nhau".
Thực vậy, có tìm hiểu chúng ta mới phân định được sự khác nhau hoàn toàn của đạo Phật với các tôn giáo khác, trên mọi phương diện từ tư tưởng, triết lý, vũ trụ quan, kinh điển, giới luật đến các pháp tu trì v.v…và quan điểm sống hằng ngày.
Một cách khái quát ta thấy rằng: Đạo Phật tôn trọng thế gian bình đẳng. Phật dạy rằng tất cả chúng sanh đều có chủng tử Phật như nhau và tất cả đều có khả năng thành tựu Phật quả như nhau nếu tu hành đúng cách. Đức Phật đã minh xác " Ta là Phật đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành". Đức Thế Tôn cũng không phải là vị Phật duy nhất mà có đến hằng sa chư Phật khắp mười phương pháp giới.
Đức Phật cũng không phải là vị thần linh để vui thì ban ơn phước và giận thì trừng trị kẻ khác. Ngài cũng không phải là vị thiên sứ được mặc cả để xuống trần gian theo lệnh của ai mà hoàn toàn là một con người, chỉ khác biệt hơn chúng ta ở sự tu tập và giác ngộ được đạo giải thoát. Phật giáo đặt trọng tâm trên giá trị nhân bản.
Vũ trụ quan Phật giáo xem cảnh giới chúng ta đang sống là một thế giới nhỏ, hiện hữu trong hằng sa thế giới của tam thiên đại thiên thế giới. Trái đất không phải là hành tinh duy nhất của vũ trụ này…
Nói rõ hơn một chút thì cảnh giới mà chúng ta đang ở thuộc về cõi dục giới (bao gồm: Trời, Người, A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh). Vượt cao hơn cõi người; các cõi trời cao thấp cũng tùy thuộc nằm vào cõi sắc giới hay vô sắc giới khác nhau. Thứ bậc của từng cõi trời trong cõi sắc hay vô sắc giới cũng được phân chia cao thấp khác biệt tùy thuộc vào trình độ khai mở của tâm thức và phúc lành do tác nghiệp của thân, khẩu, ý chúng sanh gây nên.
Tuy nhiên, dù tu tập nhiều và đạt được đến cảnh giới trời phi tưởng phi phi tưởng xứ, cao nhất trong tất cả các bậc trời, tuổi thọ của các vị trời ở đây rất dài và sung sướng tột bật nhưng theo Phật giáo thì đây cũng chỉ là cõi bồng lai, nơi hưởng phước hữu lậu và vẫn còn phải trầm luân trong sanh tử khổ đau của tam giới; Vẫn chưa phải là mục tiêu tu tập của Phật giáo.
Triết học Phật giáo được ẩn tàng cứng cỏi trong tam tạng Kinh, Luật, Luận bất di bất dịch. Kinh được tuyên thuyết từ kim ngôn của Đức Thế Tôn, chứ không phải chỉ là những lời sấm, tự ý diễn giải và đổi thay theo thời gian tuỳ tiện.
Các bài giảng về chân lý Tứ Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Thuyết Ngũ Uẩn, Luật Luân hồi, Duy Thức Học và r���t nhiều bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, A Di Đà, Trường A Hàm…cùng trên tám chục ngàn pháp tu từ Thiền đến Tịnh hay sám hối hành trì mật chú…là một kho tàng vô biên đồ sộ để chúng ta thỏa thích chọn lựa, tìm được cho mình phương pháp tốt nhất, thích hợp nhất để vào nhà Như Lai.
Về phương diện tâm lý học, khả năng khoa tâm lý học hiện đại của chúng ta ngày nay chỉ đơn giản phân tích tâm lý con người trên sáu thức căn bản nhưng với Phật giáo từ trước 2600 năm phân tâm học Phật giáo đã tinh vi hơn phân định rõ được mọi tâm lý của con người bằng tám thức (thêm hai thức Mạt Na và A Lại Da) và có khả năng nhìn rõ được mọi dạng tâm lý của con người.
Đạo Phật luôn đề cao khả năng tư duy. Đức Phật khuyến khích đệ tử của Ngài phải dùng trí tuệ để tu hành đạt đạo. Đó là lý do tại sao chúng ta nói đạo Phật chủ trương " Duy tuệ thị nghiệp".
Đức Phật không đồng ý với những người tu mù quáng, chỉ bằng đức tin mà không có sự hiểu biết. Ngài khuyến khích chúng ta phải biết dùng trí tuệ, phải dựa vào khả năng tư duy và kinh nghiệm để thẩm định mới chấp nhận; Ngài dạy chúng ta không nên nghe và tin theo bất cứ điều gì nếu những điều ấy không hợp chánh pháp và không mang được lợi ích cho bản thân cũng như cho tất cả những người chung quanh; Bất chấp rằng những điều trên là từ lời dạy của người có địa vị tôn quý, là quan điểm hay những quy định ràng buộc do văn hóa gia đình, xã hội hay cho dù đó là bút tích của thánh nhân… Có lẽ không có một vị giáo chủ nào có sự phóng khoáng và tôn trọng tính độc lập suy nghĩ của con người đến như vậy.
Trong phương diện khoa học và trí tuệ hiểu biết, cách nay trên 26 thế kỷ (2600 năm) lúc mà khoa học chưa biết tí gì về thuyết vi trùng mà đức Thế tôn với trí huệ siêu việt Người đã dạy rằng trong từng hạt bụi, từng giọt nước có vô số chúng sanh, vô số chúng sanh li ti khác đang có sự sống trong đó…Sự sống của con người với các chủng loại khác có rất nhiều mối tương quan, chằng chịt ảnh hưởng lên nhau trùng trùng. Ý thức và tôn trọng những mối quan hệ đó; Phật giáo không lầm lạc để chỉ nhìn thế gian bằng con mắt thô sơ là thế giới này chỉ có mỗi mình ta tồn tại và xem mọi chủng loại khác như là vật thực để bồi dưỡng cho thân xác của ta, với lý luận "Vật dưỡng nhân"
Lòng từ bi, sự hiểu biết trí tuệ và tính kiên cường siêng năng được xem là đạo nghiệp của người tu Phật. Đức độ luôn là khuôn thước để thể hiện và định hình tính cao, thấp trong giới phẩm. Sát giới là điều cấm đầu tiên cho mọi người Phật tử dù cơ sơ hay đã lâu; Trọng giới đầu tiên này luôn luôn được nhắc nhở vì đây là việc làm thiết thực thể hiện lòng từ bi, bình đẳng và tôn trọng đức hiếu sinh đối với muôn loài của Phật giáo. Do vậy, lịch sử của Phât giáo không có sự cổ vũ cho chiến tranh hoặc bạo động để giải quyết mâu thuẫn.
Và điều quan trọng hơn hết đó là mục tiêu tu tập của đạo Phật trên căn bản xây dựng con người cách sống chan hòa, hiểu biết và tự bản thân đến xã hội muôn loài chung quanh được an lạc. Cõi hạnh phúc được tìm thấy ngay trong hiện tại chứ không phải mục đích dụng công của Phật giáo là cầu tìm những thần thông linh ứng lạ mắt.
Thực tế xã hội cho thấy trong gia đình nào có sự khác biệt quan điểm về chính trị hoặc về tôn giáo thì đời sống hạnh phúc của gia đình ấy không bao giờ trọn vẹn vui vẻ như ý. Niềm tin khác biệt, quan điểm không đồng thì làm sao có được sự nhất tâm nhất ý giữa vợ chồng? Vậy để tránh tình trạng trên xảy ra, là người Phật tử có học Phật chúng ta nên tự sáng tỏ và dạy dỗ con cái cẩn thận để đời sống bản thân và gia đình mình hiện tại cũng như gia đình con cái mai sau được hòa vui trong chánh niệm. Hiểu được những khác biệt trên, chúng ta sẽ tự hướng tương lai con em mình tránh không bị rơi vào tình trạng cơm không lành, canh không ngọt, than thân trách phận sau này.
Phật tử KIM CANG TỰ
ÂM HƯỞNG TỪ KHÓA TU HỌC KỲ 10.
Mấy hôm nay các con tôi sau khóa tu học trở về cứ ngân nga hát bài kinh Pháp Cú, do thầy Thanh Lương, một tu sĩ hãy còn rất trẻ ở tu viện Vạn Hạnh, đang học Master về nghành giáo duc tại đại học ANU Canberra, thầy hát và dạy chúng
"Ai nói gì thì mình cứ nghe,
Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều.
Buồn chi mà ba bốn bửa,
Cho tâm tư héo sầu.
Ta cười, ta thở thật sâu.
Đau buồn chuyển hóa thật mau
Tang tình, tang tính, tình tang…"
Nghe giọng hát ngây thơ của các con, trong lòng tôi bất giác cảm lấy một niềm vui nhè nhẹ; Nhớ lại mấy ngày tu học vừa rồi ở Nam Úc và có vài cảm niệm nên xin viết lên đây để chia xẻ cùng các bạn.
Trước nhất, tôi chân thành cám ơn thầy Thanh Lương đã cấy một hạt giống đức hạnh, hạnh biết lắng nghe, một nét rất nhỏ trong đời sống làm người. Bài học tuy đơn sơ nhưng hiệu năng vô song sẽ đạt được cho người biết tu tập công hạnh này. Thầy đã hướng dẫn cho chúng mom mem bước vào đạo lý an vui, Phật hóa chính bản thân của mình một cách rất giản dị. Hạt giống đức hạnh ấy đơn giản, dễ hiểu và rất thích hợp để giới thiệu cho lứa tuổi của các em. Hạnh biết lắng nghe này khi đã thực tập đầy đủ thì đó chính là miếng đất màu mỡ cho muôn vạn nhân cách cao quý và thành tựu khác nẩy sanh.
Được biết khóa tu học kỳ 10 năm 2010 lẽ ra được tổ chức tại Victoria nhưng vì không có túc duyên thực hiện ở đây nên cuối cùng giáo hội đã phải ủy nhiệm cho đại đức Thích Viên Trí, trụ trì chùa Pháp Hoa Nam Úc đảm trách và làm trưởng ban tổ chức. Kết quả ghi nhận là khóa tu đã có trên 350 khóa sinh tham dự và số lượng các em thanh thiếu tuổi từ 20 trở xuống đã đạt lên đến con số120 em.
Một vài vấn đề mà ban tổ chức đã phải xác định đó là số lượng người tham dự nhiều như trên thì trại tu học là một tập thể không nhỏ. Các khóa sinh dĩ nhiên trình độ không đồng đều nhau và sẽ có nhiều khác biệt về giới tính, tuổi tác, trình độ, đẳng cấp, nghề nghiệp, địa phương, sức khỏe, ngoại hình, sở thích cá nhân, tánh tình…
Điều khó khăn nhất cần ghi nhận cho kỳ này là số lượng phòng ở không đủ cung cấp cho các khóa sinh; Do có quá nhiều phật tử đăng ký trễ nhưng khẩn khoản xin tham dự tu học nên gây khó khăn cho việc ngủ nghỉ của nhiều phật tử trung và thanh niên vì họ phải nhường lại chỗ ở tiện nghi hơn cho các cô, bác trọng tuổi, yếu đuối .
Khóa tu kéo dài liên tiếp 5 ngày trong điều kiện khóa sinh sinh hoạt chung với nhau hầu như suốt ngày: Từ canh lệnh thức chúng 5 giờ sáng mãi đến 10 giờ tối là giờ tan lớp học sau cùng trong ngày. Thậm chí việc làm vệ sinh ban tối trước khi đi ngủ họ cũng phải sinh hoạt chung trong từng khu tập thể nhỏ. Mỗi ngày khóa sinh ăn chung ba lần, rồi cùng ngồi thiền, tụng kinh, nghe giảng và thảo luận phật pháp bên nhau ở phòng ăn và hội trường. Phòng ăn và hội trường do diện tích khiêm nhường nên mỗi người chỉ có một diện tích sử dụng vừa đủ của một chiếc ghế nhỏ và sát liền nhau. Ấy vậy mà suốt khóa tu 5 ngày dài tất cả mọi người đã ẩn nhẫn, chia xẻ với nhau những khổ, vui, nóng, lạnh…mà không có một tranh chấp ồn ào nào!
Đối với sinh hoạt của các em thanh thiếu niên mặc dù nhiều em không hề biết nhau trước đó, các em hội tụ về từ nhiều nơi khác nhau trên khắp liên bang rộng lớn và cũng có khác biệt trên nhiều lĩnh vực như tánh tình, cung cách, tuổi tác, học lực, thành phần gia đình …
Tuy nhiên, điều hay nhất tôi nhận thấy là đã không có một sự xích mích nào. Các em sinh hoạt bên nhau không hề có cải vã, giành giựt, chọc lộn hay đánh nhau. Lớp trẻ đã chơi đùa bên nhau vui vẻ, cùng hát ca, cùng trao đổi học tập, cùng chia xẻ đồng đều những món ăn, thức uống và vui vẻ góp tay nhau giúp sức trong các công việc khi được giao phó.
Đáng lưu ý là các em biết giữ lễ độ và thân thiện. Việc chơi giỡn cũng không thái quá để phiền lòng người khác. Vấn đề ngôn ngữ sử dụng cũng không nghe có sự vi phạm khó nghe nào. Các điều lệnh trong bản nội quy sinh hoạt toàn trại cũng không có sự vi phạm nào bị ghi nhận.
Tổng quát hơn nhìn cả đến các khóa sinh lớn tuổi dù với số lượng đông đảo với tập thể trên 350 người, không tính đến quý thầy, quý cô trong ban giáo thọ và nhân sự trong ban tổ chức của chùa, tuy phải sinh hoạt chung nhưng đã không có tiếng than phiền bị mất cắp. Có nhiều trường hợp vật dụng, tiền bạc bị đánh rơi hay bỏ quên xảy ra trong khóa tu nhưng tất cả đều được các khóa sinh khác khi tìm thấy thì đã giúp hoàn trả đàng hoàn.
Một tập thể đông đảo không đồng nhất về các yếu tố xã hội, điều kiện sống chung đụng nhưng không có một vụ mất cắp, của rơi nhặt được được trao gởi lại cho người mất. Con người đã sống trong một cộng đồng tương trợ vui vẻ và an toàn tốt đẹp. Mọi người đều sống với ý thức giữ gìn sinh hoạt chung rất cao.
Tất cả những kết quả đẹp đẽ đạt được trên đây đã chứng minh rằng việc áp dụng cách sống đạo hạnh và triết lý mầu nhiệm của Phật giáo vào đời sống con người là cần thiết. Nhất định cá nhân hay tập thể nào biết sống áp dụng tư tưởng và đức hạnh của Phật giáo thì nhất định được hưởng lấy lợi lạc, an vui ngay trong hiện kiếp.
Tham dự khóa tu học lần này mọi người có cơ hội học và thực hành tu tập. Khóa sinh đã có thời gian cho riêng mình vì nhờ tách hẳn đời sống sinh hoạt bận rộn, lo lắng hằng ngày ở gia đình. Tham dự khóa tu chúng tôi được thực hành cách ăn uống trong chánh niệm, yên lặng và trang trọng; Biết thọ dụng thực phẩm vừa đủ và biết cúng dường, biết phát nguyện hồi hướng công đức cho kẻ khác qua từng công việc mình làm. Khóa sinh cũng có nhiều cơ hội gặp gỡ chư tăng ni và suốt ngày được nghe quý thầy diễn giảng Phật Pháp. Khóa sinh tập sống trong cung cách khiêm tốn, giữ gìn cung cách từ lời nói đến hành động, biết tôn trọng người chung quanh, giảm hạ bản ngã, tập tành cách suy nghĩ sống biết phụng sự vì đại chúng và lấy đó làm hương thơm cúng dường chư Phật y như lời tuyên thệ của hiền giả A nan trong phẩm kinh Lăng Nghiêm.
Bây giờ xin đươc viết đôi cảm nghĩ về chùa Pháp Hoa.
Chúng tôi đến từ Melbourne và đây là lần đầu tiên tôi đến xứ Nam Úc. Vì không quen biết thầy hay phật tử nào ở đây nên chúng tôi có cảm giác rất bở ngỡ. Tuy nhiên vừa ra khỏi phi cơ chúng tôi đã được mấy anh chị phật tử chùa Pháp Hoa, mặc áo đồng phục màu vàng cam, huy hiệu hoa sen trên áo, vui vẻ đứng đón tiếp ngay bên trong phi trường. Rồi nhanh nhẹn họ đã bố trí nhiều xe và đưa chúng tôi về chùa liền sau đó.Về đến chùa rửa mặt, được hướng dẫn nghỉ ngơi, ăn uống xong thoải mái một chút thì cả đoàn phật tử được bố trí lên xe bus đưa về trung tâm của khóa tu học.
Khóa tu 5 ngày thời gian không dài nhưng nhìn chung trên khía cạnh tổ chức và chăm lo cho trên 350 khóa sinh và cung kính phục vụ cho trên ba mươi vị là hòa thượng, thượng tọa và đại đức tăng ni, thật sự là một việc làm không đơn giản.
Tôi đã thấy những người con Phật ở đây đã hy sinh công sức chăm sóc cho khóa tu một cách rất đáng mến, đáng phục. Từ quý thầy, các chú, các em trong gia đình phật tử đến các anh chị em phật tử trong ban tổ chức của chùa Pháp Hoa đều thể hiện thái độ nhiệt tình, lịch sự và vui vẻ. Vì vậy họ đã tạo những ấn tượng đẹp đẽ, dễ mến trong suy nghĩ của chúng tôi.
Tôi đã chứng kiến và cảm phục sự cống hiến của họ. Họ làm việc liên tục ở phòng bếp và ở khu chái trống ngoài trời. Có nhiều ngày họ phải làm việc trong cái nắng gay gắt của xứ Adelaide nhiệt độ lên đến 43 độ bách phân, âm thầm nhưng công việc vẫn nhịp nhàng, hiệu quả và lúc nào cũng vui vẻ, giữ một thái độ nhẹ nhàng đối với người chung quanh. Tôi quý trọng sự hy sinh của họ. Có nhiều lúc trời oi ả, chúng tôi các khóa sinh đang ngồi bên trong hội trường mát mẻ, đang được nghe giảng pháp thì cùng lúc họ phải đang dang mình đi tới, đi lui dưới nắng để nấu nướng, chùi rửa chuẩn bị cho bữa ăn sắp tới cho đại chúng.
Tôi có thói quen dậy sớm và nhiều lần tôi đã dậy sớm, nhưng khi bước ra ngoài tôi đã trông thấy họ tất bật với công việc rồi! Nghĩa là họ đã dậy từ rất sớm để lo toan công việc cho bữa ăn sáng của đại chúng.
Tôi không biết gì nhiều về thầy trụ trì chùa Pháp Hoa Nam Úc nhưng nhìn cách bố trí công việc, tổ chức và điều động nhân sự nhịp nhàng hiệu quả; Nhìn vào số lượng phật tử tham gia giúp việc và sự hiện diện đông đảo của đoàn sinh gia đình phật tử nhiệt tình ủng hộ quý thầy gánh vác công việc một cách trôi chảy; Tất nhiên là tôi có biết sự trưởng thành dày dạn của tổ đình Pháp Hoa trước đây và một phần rất lớn đã do ân đức của sư ông Như Huệ, nhưng nhìn vào khả năng điều hành và sự gắn bó ủng hộ hiện tại của đông đảo phật tử, tôi cũng đoán biết được khả năng hoạt động, công hạnh tu tập và tâm huyết của thầy trụ trì đã cống hiến như thế nào mới bảo vệ sức sống tốt đẹp được như vậy. Xin được tán thán công đức của quý thầy và tất cả phật tử đáng mến của chùa Pháp Hoa.
Ở những buổi lễ sáng của khóa tu học, cạnh bên nét từ hòa, trang nghiêm của đấng từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni; Tôi thích chiêm ngưỡng nét đẹp trầm hùng, trang nghiêm của chư tăng ni, uy nghi trên mình với những chiếc y vàng mỗi sáng vân tập đi vào chánh điện lễ Phật. Những thời khắc ấy tôi đã có những cảm giác thật vui và lạc quan khi nhìn thấy hình ảnh của một đoàn thể Phật giáo Việt nam đang phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh các vị trưởng lão như ôn Huyền Tôn, ôn Như Huệ, hòa thượng Bảo Lạc, hòa thượng Như Điển, hòa thượng Minh Hiếu và thượng tọa Quảng Ba, thượng tọa Nhật Tân, thượng tọa Tâm Phương… quý chư tôn đức kỳ cựu này còn hiện tiền phục vụ, số đếm không tròn đủ đến mười vị mà nay tuổi của tất cả quý ngài đã từ từ đi vào hành trình của già yếu, bệnh tật (Dị, Diệt) là sự thật phải đối diện của giáo hội.
Sự có mặt của một lực lượng trẻ, những tăng, ni mới được định cư vào Úc trong khoảng trên dưới 10 năm trở lại đây; Có kiến thức Phật học uyên áo, nhiều năng lực, xuất thân từ những tổ đình lớn, có trải qua thời gian tu tập quy củ ở quê nhà đã cùng góp mặt, chung sức gánh vác trách nhiệm của giáo hội.
Tuổi tác tuy có khác nhau nhưng tâm nguyện độ sinh của các ngài không khác biệt, cùng chung sức xây đắp hạnh phúc cho nhân gian dưới một ngọn cờ ngũ sắc Phật giáo đã là duyên lành cho sự tiếp nối mạng mạch Phật giáo tại hải ngoại, khiến đạo pháp được trường tồn. Thế gian khổ đau vì thế được thừa hưởng ân triêm của chư Phật mà được hạnh phúc, an ổn nên tôi rất vui mừng.
Khóa tu cuối cùng cũng kết thúc trong không khí thật vui và trang trọng. Quý thầy và phật tử Chùa Pháp Hoa một lần nữa phải đảm trách công việc cung tiễn chư tăng ni và phật tử từ các tiểu bang khác. Nhiều chuyến tốc hành ra phi trường đã được bố trí cho kịp các chuyến bay. Một số lớn các phật tử khác còn ở lại chùa, thầy trù trì cũng đã ân cần lo lắng cho họ; Thầy lo chỗ ăn, ngủ; bố trí nhân sự lo việc xe cộ đưa họ ra phi trường đúng ngày giờ, và còn đích thân chở họ viếng nhiều cảnh trí tại Adelaide trong những ngày còn lưu lại chùa.
Phải chăng cái đẹp của Adelaide đã ẩn tàng từ nhiều góc độ, trong địa dư phong cảnh, trong cả thân tình của chư tăng, ni và phật tử ?
Tóm lại, khóa tu học kỳ 10, dù thời gian chỉ kéo dài vỏn vẹn 5 ngày tại Adelaide đã cho gia đình chúng tôi có dịp tham dự những ngày học Phật thật vui vẻ và một mùa holiday dạo chơi biết ít nhiều về những cảnh đẹp thiên nhiên và con người Nam úc, thật sự là có ý nghĩa.
Qua bài viết này tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và tán thán công đức đối với quý thầy trong hội đồng giáo phẩm và ban điều hành Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất-Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan, cùng tất cả quý thầy, quý cô có mặt tham dự trong khóa tu học kỳ 10 vừa rồi đã tạo thắng duyên cho hàng phật tử gần xa, có cơ hội gần gũi chánh pháp; Được học về những lời dạy quý giá cuối cùng của đấng từ tôn qua bổn kinh Di Giáo.
Tôi cũng xin tỏ lòng ngưỡng mộ và chân thành biết ơn đến những người con Phật ở Nam Úc, những hy sinh nhọc nhằn từ thầy trụ trì đến chúng phật tử chùa Pháp Hoa Nam Úc đã âm thầm cống hiến công lao, tiền bạc cùng nhiều phương tiện và nhất là những nụ cười thân tình quý báu cho đại chúng của khóa học mà trong đó có gia đình tôi được thọ dụng.
Tôi xin chúc các bạn đồng tu những tháng ngày sắp đến an vui và tinh tấn. Thầm nghĩ cuộc sống của chúng ta luôn phải đối diện với nhiều gian nan và đạo Phật cũng vẫn thường hay bị ngập tràn trong lửa dữ của các thế lực ác tâm. Xin chúc các bạn giữ vững niềm tin chánh pháp, nên tham gia và ủng hộ cho những người tham gia các hoạt động do giáo hội tổ chức; Vì có thực học, thực tu với sự hướng dẫn đúng đắn các pháp hành trì thì chúng ta mới đạt được hiệu quả an lạc.
Nương tựa vào nơi đúng đắn đáng nương tựa để được học tu đúng cách là vấn đề nên thiết tha đặt lên hàng đầu. Ngược lại, nếu hiểu sai, tu sai thì thật uổng công cho chúng ta vì một đời lầm lạc.
Nếu tri thức không đủ thì cần nên chân thật phát tâm tin tưởng vào sự hướng dẫn trực tiếp của chư tôn đức thiện nhơn trong giáo hội. Không nên đặt quá nhiều niềm tin vào các hiện tượng thần thông lạ mắt chỉ để vui thích.
Tự mỗi chúng ta có tin tưởng và tu hành đúng cách; Theo sự hướng dẫn của giáo hội, một tập thể tăng già có kiến thức Phật học uyên thâm, giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh và nhất là có chiều dày tu tập PHẬT PHÁP nhiều năm, tức là một phần nào chúng ta đã làm sáng mạnh giáo lý của chư Phật; Vô hình chung chánh pháp sẽ được trường tồn.
Giáo pháp, tự mỗi chúng ta có góp phần xiển dương thì Phật pháp mới được lan tỏa mạnh mẽ khắp cùng nhân gian; Có như vậy chúng ta mới vô hiệu hóa được tất cả những ma chướng đảo điên, lừa dối của ác ma; Và có thực tu chúng ta mới làm cho vườn sen Phật giáo tươi thắm; Thực sự góp phần biến lửa dữ thành sen vàng xinh đẹp cho đời.
Phật tử Kim Cang Tự
Gửi ý kiến của bạn