Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 50 (1336 - 1350)

09/05/201312:23(Xem: 12923)
Tạp A-hàm quyển 50 (1336 - 1350)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 50 (1336 - 1350)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 1336. A-NA-LUẬT[52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật-đà ở nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng. Bấy giờ có Thiên thần tên là Xà-lân-ni[53] là thiện tri thức trước kia của Tôn giả A-na-luật, đến chỗ Tôn giả A-na-luật. Sau khi đến chỗ A-na-luật rồi nói kệ:

Nay ngài hãy phát nguyện,
Nguyện sanh về chốn cũ;
Lên trời Tam thập tam,
Vui ngũ dục đầy đủ.
Hàng trăm thứ âm nhạc,
Thường dùng để tự vui;
Mỗi khi đến giờ ngủ,
Âm nhạc báo thức giấc.
Hàng chư Thiên ngọc nữ,
Hầu hai bên ngày đêm.
Tôn giả A-na-luật nói kệ đáp:
Hàng chư Thiên ngọc nữ,
Chúng là khối khổ lớn.
Vì tưởng điên đảo kia,
Bị trói hữu thân kiến.
Người cầu sanh nơi đó,
Đây cũng là khổ lớn.
Xà-lân-ni, nên biết,
Ta không nguyện sanh kia.
Sanh tử đã hết hẳn,
Không còn tái sanh nữa.

Sau khi Tôn giả A-na-luật nói những lời này, Thiên tử Xà-lân-ni nghe những gì Tôn giả A-na-luật nói, hoan hỷ, tùy hỷ liền biến mất.

KINH 1337. TỤNG KINH[54]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng, siêng tụng kinh, siêng giảng thuyết, tinh tấn tư duy, đắc quả A-la-hán. Sau khi chứng quả rồi, không còn siêng tụng kinh, giảng thuyết nữa. Khi ấy có vị Thiên thần đang ở trong rừng đó, nói kệ:

Tỳ-kheo! Ngài trước kia,
Ngày đêm siêng tụng tập;
Luôn vì các Tỳ-kheo,
Cùng luận nghĩa quyết định,
Nay, ngài đối pháp cú,
Im lặng không mở lời;
Không vì các Tỳ-kheo,
Cùng luận nghĩa quyết định.
Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nói kệ đáp:
Xưa, vì chưa lìa dục,
Tâm thường ưa pháp cú;
Nay, vì đã lìa dục,
Việc tụng thuyết đã xong.
Trước, biết đạo đã đủ,
Thấy, nghe đạo làm gì?
Các thấy, nghe thế gian,

Bằng chánh trí[55] buông hết.

Sau khi Thiên thần nghe những gì Tỳ-kheo nói, hoan hỷ, tùy hỷ, liền biến mất.

KINH 1338. BÁT-ĐÀM-MA[56]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng. Tỳ-kheo này bị bệnh mắt, vâng lời thầy thuốc dạy phải ngửi hoa bát-đàm-ma. Sau khi Tỳ-kheo kia nhận lời dạy của thầy rồi, liền đến bờ ao hoa bát-đàm-ma, ngồi theo chiều gió bên bờ ao và theo gió mà ngửi hương. Khi đó có vị Thiên thần chủ hồ này nói với Tỳ-kheo:

“Vì sao ngài trộm hoa? Ngài nay là giặc trộm hương!”

Bấy giờ, Tỳ-kheo nói kệ đáp:

Không phá cũng không đoạt,
Đứng xa ngửi hương bay.
Tại sao nay ông nói,
Ta là giặc trộm hương?
Lúc ấy, Thiên thần nói kệ:
Không xin mà tự lấy,
Thế gian gọi là giặc.
Ông, nay người không cho,
Mà tự đến ngửi lấy;
Thì thế gian gọi là,
Giặc trộm hương thật sự.

Lúc đó có một người nhổ ngó sen kia, vác cả đi. Bấy giờ Tỳ-kheo nói kệ cho Thiên thần kia:

Hiện tại, như người kia,
Bẻ gãy phân-đà-lợi,
Nhổ rễ vác cả đi,
Mới là người gian xảo.
Vì sao ông không ngăn,
Mà nói ta trộm hương?
Lúc ấy, Thiên thần kia nói kệ đáp:
Người gian xảo cuồng loạn,
Giống như áo nhũ mẫu;
Đủ thiếu gì nói thêm![57]
Nên mới nói cùng ngài.
Ca-sa, không thấy bẩn,
Áo đen, mực chẳng dơ.
Người hung ác gian xảo,
Thế gian không nói tới.
Chân ruồi dơ lụa trắng;
Kẻ sáng, thấy vết nhỏ.
Như mực dính hạt châu,
Tuy nhỏ nhưng thấy hết.
Thường theo kia cầu tịnh,
Không kết, lìa phiền não,
Ác tuy như lông tóc,
Người thấy như thái sơn.
Lúc ấy, Tỳ-kheo kia lại nói kệ:
Nói hay thay! Hay thay!
Dùng nghĩa an ủi tôi.
Ông hãy thường vì tôi,
Luôn luôn nói kệ này.
Lúc ấy, Thiên thần kia lại nói kệ:
Tôi chẳng phải nô lệ
Ngài mua, hay người cho;
Làm sao luôn theo ngài,
Lúc nào cũng nhắc nhở?
Nay ngài nên tự biết,
Mọi việc lợi ích kia.

Sau khi Thiên thần kia nói rồi, Tỳ-kheo này nghe những gì người ấy nói, hoan hỷ, tùy hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy ra về, một mình nơi chỗ thanh vắng, chuyên tinh tư duy, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán.

KINH 1339. THỢ SĂN[58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả Thập Lực Ca-diếp[59] đang ở trong hang Tiên nhân[60], thành Vương xá. Lúc đó, có người thợ săn tên là Xích Chỉ,[61] cách Tôn giả Thập Lực Ca-diếp không xa, giăng lưới bắt nai. Bấy giờ, Tôn giả Thập Lực Ca-diếp vì thương xót người thợ săn kia nên thuyết pháp. Nhưng lúc đó người thợ săn kia không hiểu những gì ngài nói. Lúc bấy giờ, Tôn giả Thập Lực Ca-diếp bèn dùng thần lực làm lửa cháy đầu ngón tay, nhưng ông vẫn không hiểu. Bấy giờ, Thiên thần đang ở trong hang Tiên nhân, nói kệ:

Thợ săn trong núi sâu,
Ít trí, mù không mắt.
Sao nói không đúng thời,
Đức mỏng, không tuệ biện?
Đã nghe cũng không hiểu,
Trong sáng cũng không thấy;
Đối mọi pháp thiện thắng,
Ngu si chẳng thể tỏ.
Dù đốt mười ngón tay,
Chúng trọn không kiến đế.

Sau khi Thiên thần nói kệ này xong, Tôn giả Thập Lực Ca-diếp liền im lặng.

KINH 1340. KIÊU-MÂU-NI[62]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tôn giả Kim Cương Tử[63] ở một nơi trong rừng, tại ấp Ba-liên-phất[64]. Lúc đó dân chúng ấp Ba-liên-phất qua bốn tháng mùa hạ, mở đại hội Kiêu-mâu-ni[65]. Bấy giờ, Tôn giả Kim Cương Tử nghe dân chúng mở đại hội, sanh tâm không vui, nói kệ:

Một mình ở rừng vắng,
Giống cây khô bị bỏ.
Mùa hạ cuối tháng tư,
Thế gian ưa trang nghiêm.
Xem khắp các thế gian,
Không ai khổ hơn ta.
Khi ấy vị Thiên thần ở trong rừng liền nói kệ:
Một mình ở rừng vắng,
Giống cây khô bị bỏ.
Làm trời Tam thập tam,
Tâm thường mong an vui.
Giống như trong địa ngục,
Mong tưởng sanh cõi người.

Lúc đó Kim Cương Tử được vị Thiên thần khuyến khích rồi, chuyên tinh tư duy, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán.

KINH 1341. CHỈ TRÌ GIỚI[66]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng, vì chỉ thích trì giới, nên công đức không thể tăng tiến lên được. Lúc đó vị Thiên thần trong rừng tự nghĩ: ‘Đây không phải là pháp Tỳ-kheo trụ ở trong rừng, vì chỉ thích trì giới, nên công đức không thể tăng tiến lên được. Nay ta phải dùng phương tiện làm tỉnh ngộ vị ấy.’ Liền nói kệ:

Chẳng phải chỉ trì giới,
Cùng tu tập đa văn;
Độc tĩnh thiền tam-muội,
Nhàn cư tu viễn ly.
Tỳ-kheo thiên khinh an,
Trọn không hết lậu được.
Vui chánh giác bình đẳng,
Xa lìa bọn phàm phu.

Tỳ-kheo được Thiên thần khuyên tinh tấn, chuyên tinh tư duy, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán.

KINH 1342. NA-CA-ĐẠT-ĐA[67]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Na-ca-đạt-đa[68] ở nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng. Lúc ấy, có người tại gia xuất gia, thường gần gũi nhau[69]. Thiên thần ở trong rừng kia tự nghĩ: ‘Đây không phải là pháp Tỳ-kheo ở trong rừng, người xuất gia và tại gia cùng nhau thân cận, nay ta phải đến dùng phương tiện cảnh tỉnh.’ Thiên thần liền nói kệ:

Tỳ-kheo sớm ra đi,
Gần tối trở về rừng.
Đạo tục gần gũi nhau,
Khổ vui cùng chia xẻ.
E buông thói tục gia,
Để cho ma lung lạc.

Khi Tỳ-kheo Na-ca-đạt-đa được Thiên thần kia nhắc nhở như vậy rồi, chuyên tinh tư duy như vậy như vậy, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán.

KINH 1343. PHÓNG TÚNG[70]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng, nói năng cười giỡn suốt ngày, tâm tán loạn không định được, buông thả các căn, chạy theo sáu cảnh. Lúc ấy Thiên thần ở trong rừng này thấy những Tỳ-kheo này không thu nhiếp oai nghi, tâm không vui nói kệ:

Trước đây chúng đệ tử
Chánh mạng của Cù-đàm,
Tâm vô thường[71], khất thực,
Vô thường, dùng giường chõng.
Quán thế gian vô thường,
Nên cứu cánh thoát khổ.
Nay có chúng khó nuôi,
Sống ở chỗ Sa-môn.
Xin ăn uống mọi nơi,
Dạo khắp hết mọi nhà;
Mong của mà xuất gia,
Không phải nguyện Sa-môn.
Tăng-già-lê lết phết,
Như trâu già kéo đuôi.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nói với Thiên thần:
“Ông chán ghét chúng tôi chăng?”
Lúc ấy, Thiên thần kia lại nói kệ:
Không chỉ tên dòng họ,
Không nêu đích danh ai,
Mà nói chung chúng này,
Nêu rõ điều bất thiện.
Tướng lậu hoặc mới bày,
Phương tiện chỉ lỗi lầm.
Ai siêng năng tu tập,
Tôi quy y kính lễ.

Sau khi được Thiên thần nhắc nhở rồi, các Tỳ-kheo kia đều chuyên tinh tư duy, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán.

KINH 1344. GIA PHỤ[72]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng. Lúc ấy, Tỳ-kheo kia đùa giỡn với vợ con của gia chủ, bị mang tiếng xấu. Lúc đó Tỳ-kheo tự nghĩ: ‘Nay ta hỏng mất, mang tiếng xấu chung đụng vợ con người. Nay ta muốn tự sát ở trong rừng này.’

Lúc ấy Thiên thần ở trong rừng kia tự nghĩ: ‘Không tốt, hỏng mất rồi! Tỳ-kheo này không hư hỏng, không lỗi lầm, mà muốn tự sát ở trong rừng. Bây giờ, ta hãy đến đó tìm cách khai ngộ.’

Lúc ấy, Thiên thần kia hóa thân thành con gái của gia chủ, nói với Tỳ-kheo rằng: ‘Nơi các đường làng, giữa các ngã tư đường, mọi người đều đồn tiếng xấu về tôi và ngài rằng đã gần gũi nhau, làm những việc bất chính. Vốn đã mang tiếng xấu rồi, bây giờ có thể hoàn tục để cùng nhau hưởng lạc.’ Tỳ-kheo đáp:

‘Nơi các đường làng, giữa các ngã tư đường, mọi người đều đồn tiếng xấu về tôi và các cô đã cùng gần gũi nhau, làm những việc bất chính. Hôm nay tôi chỉ còn tự sát.’ Lúc ấy, Thiên thần kia liền hiện lại thân Trời, nói kệ:

Tuy mang nhiều tiếng xấu,
Người khổ hạnh nên nhẫn;
Không vì khổ, tự hại,
Cũng không nên sanh phiền.
Nghe tiếng mà sợ hãi,
Ấy là thú trong rừng;
Là chúng sanh khinh tháo,
Không thành pháp xuất gia.
Nhân giả nên nhẫn nại,
Không vướng vào tiếng xấu;
Giữ tâm, trụ vững chắc,
Đó là pháp xuất gia.
Không vì người ta nói,
Mà mình thành giặc cướp;
Cũng không vì người nói,
Mà mình đắc La-hán.
Như ngài đã tự biết,
Chư Thiên cũng biết vậy.

Sau khi được Thiên thần kia khai ngộ rồi, chuyên tinh tư duy, đoạn trừ các phiền não, đắc A-la-hán.

KINH 1345. KIẾN-ĐA[73]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Tỳ-kheo Kiến-đa[74], ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng, trì y phấn tảo. Lúc đó, Phạm thiên vương cùng với bảy trăm vị trời Phạm thiên từ cung điện của họ đến chỗ Tôn giả Tỳ-kheo Kiến-đa, cung kính lễ bái. Lúc ấy có Thiên thần ở trong rừng ấy nói kệ:

Thấy kia các căn lặng,
Cảm đến, thiện cúng dường;
Đạt ba minh đầy đủ,
Được pháp không lay động.
Độ tất cả phương tiện,
Y phấn tảo, ít việc.
Bảy trăm vị Phạm thiên,
Nương cung điện đến đây.
Thấy sanh tử hữu biên,
Lễ vị vượt bờ hữu.

Sau khi Thiên thần kia nói kệ tán thán Tỳ-kheo Kiến-đa xong, liền biến mất.

KINH 1346. HAM NGỦ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng. Lúc này, thân thể Tỳ-kheo ấy mỏi mệt, ban đêm đến ngủ say. Lúc đó, có Thiên thần ở trong rừng này đến nhắc nhở, liền nói kệ:

Hãy tỉnh dậy Tỳ-kheo!
Vì sao lại ngủ mê?
Ngủ nghỉ có nghĩa gì?
Tu thiền chớ ngủ nghỉ.
Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nói kệ đáp:
Không khứng, nên làm sao?
Lười biếng ít phương tiện;
Duyên hết, thân thể suy,
Nên đêm đến ngủ mê.
Lúc ấy, Thiên thần kia lại nói kệ:
Ông cần nên giữ gìn,
Vật có tiếng, kêu lớn;
Ông đã được tu nhàn,
Chớ để cho thoái thất.
Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nói kệ đáp:
Tôi sẽ theo lời ông,
Tinh cần tu phương tiện;
Không vì mê ngủ kia,
Luôn bao phủ tâm mình.
Sau khi Thiên thần kia cảnh tỉnh Tỳ-kheo này như vậy như vậy, thì Tỳ-kheo ấy chuyên tinh phương tiện, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán.
Lúc ấy, Thiên thần lại nói kệ:
Ông hãy tự thức tỉnh,
Chuyên tinh cần phương tiện;
Không bị bọn quân ma,
Bắt ông phải ngủ nghỉ.
Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nói kệ đáp:
Từ nay đến bảy đêm,
Thường ngồi chánh tư duy;
Thân này sanh hỷ lạc,
Không điều gì thiếu sót.
Đầu đêm quán túc mệnh,
Giữa đêm thiên nhãn tịnh;
Cuối đêm trừ vô minh.
Thấy khổ vui chúng sanh.
Hình loại thượng trung hạ,
Biết nhân duyên nghiệp gì,
Mà thọ quả báo này.
Nếu những gì người tạo,
Tự thấy điều đã làm;
Thiện, tự thấy là thiện;
Ác tự thấy là ác.
Lúc ấy, Thiên thần kia lại nói kệ:
Tôi biết trước tất cả,
Mười bốn người Tỳ-kheo;
Đều là Tu-đà-hoàn,
Thảy được thiền chánh thọ.
Đi đến trong rừng này,
Sẽ đắc A-la-hán.
Thấy ông chỉ giải đãi,
Nằm ngửa ham ngủ nghỉ.
Chớ sống như phàm phu,
Nên phương tiện giác ngộ.
Bấy giờ, Tỳ-kheo lại nói kệ:
Lành thay, này Thiên thần!
Dùng nghĩa an ủi tôi;
Chí thành đến khai ngộ,
Khiến tôi hết các lậu.
Lúc ấy, Thiên thần kia lại nói kệ:
Tỳ-kheo nên như vậy,
Tin, xuất gia, không nhà;
Ôm ngu mà xuất gia,
Chóng được kiến thanh tịnh.
Nay tôi hộ trì ông,
Trọn cả một đời này;
Khi nào ông ốm đau,
Tôi sẽ cúng thuốc hay.

Sau khi Thiên thần kia nói kệ xong, liền biến mất.

KINH 1347. BÌNH RƯỢU

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại bên mé ruộng của một tụ lạc. Sáng sớm, Tôn giả Xa-lợi-phất đắp y ôm bát vào làng khất thực. Lúc đó có một Ni-kiền Tử uống rượu say cuồng, cầm bình rượu từ tụ lạc ra, thấy Tôn giả Xá-lợi-phất, bèn nói kệ:

Mỡ gạo ướp thân tôi,
Cầm một bình mỡ gạo;
Núi, đất và cỏ cây,
Thấy chúng toàn màu vàng.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất tự nghĩ: ‘Những ác thanh này được nói ra trong bài kệ, là do ác vật kia, ta há không thể dùng kệ đáp sao?’ Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói kệ:

Được ướp vị vô tưởng,
Cầm bình Không tam-muội;
Núi, đất và cỏ cây,
Thấy chúng như đờm giải.

KINH 1348. DÃ CAN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng, tuy đã đắc tha tâm trí nhưng phiền não vẫn còn. Cách rừng không xa có cái giếng. Có dã can uống nước, cổ bị mắc kẹt trong cái gàu. Lúc đó dã can kia tìm đủ cách để thoát và tự nghĩ: ‘Trời sắp muốn sáng rồi, người nông dân nếu ra, sẽ khủng bố ta. Ngươi, cái gàu múc nước, làm ta sợ đã lâu, hãy để cho ta thoát ra.’ Lúc đó, Tỳ-kheo kia biết được tâm niệm con dã can này, liền nói kệ:

Mặt trời tuệ Phật chiếu,
Lìa rừng nói pháp Không;
Từ lâu tâm sợ ngã,
Nay nên buông xả đi.

Sau khi Tỳ-kheo tự nhắc nhở mình rồi, tất cả phiền não sạch hết, đắc A-la-hán.

KINH 1349. CHIM ƯU-LÂU

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại ở trong một khu rừng. Bấy giờ, có một Thiên thần nương ở rừng này, thấy dấu chân đi của Phật, cúi xuống xem kỹ, liền nhớ đến Phật. Lúc đó có con chim ưu-lâu[75] đứng giữa đường, muốn bước lên dấu chân Phật. Bấy giờ, Thiên thần kia liền nói kệ:

Nay, ngươi, chim ưu-lâu,
Mắt tròn đậu trên cây;
Chớ xóa vết Như Lai,
Hoại cảnh ta nhớ Phật.

Sau khi Thiên thần nói kệ xong, im lặng niệm Phật.

KINH 1350. HOA BA-TRA-LỢI

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian, ở trong một khu rừng; dừng nghỉ dưới bóng cây ba-tra-lợi[76]. Khi ấy có Thiên thần ở trong rừng này, liền nói kệ:

Hôm nay gió chợt khởi,
Thổi cây ba-tra-lợi;
Hoa tra-lợi rơi đầy,
Cúng dường Đức Như Lai.
Sau khi Thiên thần nói kệ xong, đứng im lặng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]