Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1

04/04/201314:48(Xem: 10317)
Phần 1
Vi Tiếu

Phần 1

Huyền Không Tử
Nguồn: Huyền Không Tử

Vi Tiếu là gì ?

Phải chăng là "niêm hoa vi tiếu" hay những nghịch lý khôi hài?
Là nụ cười bao dung hỷ xả hay những lời châm biếm chua cay?
Là tiếng cười vang tự đáy lòng hay chỉ là cái nhếch môi vô tâm vô sự?
Là công án Thiền của thời đại hay chỉ là những chuyện tiếu thường tình?
Là dụng tâm chỉ trích phá hoại hay thiện ý khai thị mạch nguồn?
...
Là gì cũng được, xin tùy các bạn!


Cá Rô Cây

Lão hành khất vào ngồi trong hiên chùa bắt đầu bữa ăn xin được trong ngày: Ít vắt cơm, muối và... một con cá rô cây.

Người gác chùa quan sát bữa ăn, thấy con cá rô cây, ông châm biếm:
- Này ông lão, ông làm gì với con cá gỗ ấy, hay cuối cùng cũng chỉ cơm với muối?

Lão hành khất đưa tay chỉ tượng Phật bằng đá trên tòa sen giữa Chánh điện, trả đũa:
-Này ông bạn, còn bạn làm gì với tượng Phật đá kia, hay cuối cùng cũng chỉ vô minh với ái dục?

Buôn Bán.
Mỗi ngày hai thời Kinh, không lần nào Sư vắng mặt, dù khi mưa gió, nóng bức, khi tụng cùng chúng hay lẫn một mình.

Trong viện có vị Tăng ưa thích phóng khoáng, bất chấp nghi lễ, rất ít tụng kinh lễ Phật. Một hôm gặp Sư, Vị Tăng nói:
- Ðược lợi ích gì mà Thầy tụng kinh?

Sư đáp:
- Lại thêm một gã Thầy chùa buôn bán.


Tiếng Hét

Sư đang giảng thao thao trước thính chúng. Có người đứng dậy hét lớn:
-Xưa Lâm Tế chỉ với một tiếng hét đủ khai được đạo,đau cần lắm lời như vậy.

Sư hét!

Người kia ôm tai chuồn mất. Sư nói:
- Tưởng là con cháu Lâm Tế, té ra chỉ là loài mọt sách.


Lặng Lẽ

Gã thanh niên xin thọ giáo Thiền Sư chỉ cửa sổ thiền đường bảo:
- Hãy nhìn cảnh vật bên ngoài với tâm lặng lẽ.

Từ đó mỗi ngày anh đến thiền đường thực hành lời dạy, quả nhiên tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng ; một đám mây trôi qua trên bầu trời, những giọt sương long lanh đầu ngọn cỏ, con chim hót trên cành, đóa hoa vàng mới nở, gió thoảng, lá bay... nhất nhất đều hiện ra trước cái nhìn trong sáng hồn nhiên và lặng lẽ. Anh sung sướng nhủ thầm: "Thế là mình đã thể nhập vạn pháp".

Rồi một buổi sáng mùa xuân, bên cửa sổ thiên đường bỗng hiện bóng dáng một giai nhân tuyệt sắc. Giữa muôn hoa rực rỡ, giữa ánh nắng bình minh, nàng xuất hiện như một tác phẩm nghệ thuật toàn bích và sống động.

Tim anh đập mạnh, trí anh bàng hoàng, tâm anh giao động đến nỗi thiếu nữ đã đi qua tự bao giờ mà tưởng chừng như bóng dáng vẫn còn lảng vảng đâu đây, khi ẩn khi hiện, khi còn khi mất...

Mây, nắng, cỏ, cây ngoài cửa sổ đều trở nên mờ ảo, chừng như chỉ còn lại đâu đó một bóng hình như hư như thực.

Chợt nhớ lời Thầy dạy. Anh giật mình định thần nhìn ra cửa sổ. Cảnh vật lại hiện ra, nhưng chẳng bao lâu lại chìm đi sau một bóng hình mờ ảo. Anh buồn bực, nhủ thầm: "Thế là mình đã đánh mất tâm thể vạn pháp".

Không sao giải quyết được sự xung đột nội tâm này, anh quyết định gặp Sư để trình bày tâm bệnh, xin lời chỉ dẫn.

Sư nói:
- Hãy nhìn hình bóng bên trong với tâm lặng lẽ.


Ló Ðuôi Mèo

Khách đến viếng Sư, hỏi:
- Yếu nghĩa chuyện Nam Tuyền trả miêu là gì?

Sư rót trà nói:
- Dùng trà đi tất gặp Nam Tuyền.

Ðứng hầu sau lưng, Vô Văn nói nhỏ với Ða Văn:
- Mèo của ông ấy mới ló đuôi đã bị Thầy chặt rồi.


Cũng Sẽ Quyên Sinh.

Một chàng thanh niên thất thểu leo lên núi, định nhảy xuống vực sâu tự tử. Bỗng Ðạo Sĩ Cầu Ðắc ở trong núi xuất hiện kịp thời ngăn cản:
- Sao con lại quyên sinh?
- Thưa vì con chán đàn bà. Không người đàn bà nào trung thành cả.

Ðạo Sĩ nói:
- Nhưng nếu có người đàn bà trung thành với con mãi mãi thì con cũng sẽ quyên sinh.


Thể Nhập Vạn Pháp.

Ðạo Sĩ Cầu Ðắc đến yết kiến Sư, hỏi:
- Thể nhập với vạn pháp làm một có được chăng?

Sư nói:
- Chứ ông tưởng vạn pháp với ông là hai được sao?


Hành Chưa Hết.

Hai chú tiểu đang quét sân, Thức bỏ chổi buồn rầu tâm sự:
- Có lẽ tôi phải từ giã chú đi tìm Thầy học đạo. Ở đây suốt ngày chỉ quét với tước, không được học cũng chẳng được hành. Thầy mình có dạy gì đâu.

Tâm nói:
- Sao Thầy lại không dạy?
- Thầy dạy gì?
- Từ khi nhập viện, Thầy đã ân cần giao cây chổi này cho Ðệ và dạy: "Con hãy quét sân".

Thức hỏi:
- Chỉ thế thôi sao?
- Vâng, chỉ có thế mà Ðệ hành chưa hết còn phải học hành thêm gì nữa.


Học Ðạo

Ða Văn đến học đạo. Sư hỏi:
- Ngươi định học bằng tâm hay bằng trí?

Thường nghe Sư giảng đừng đem trí phân biệt mà học đạo nên Ða Văn thưa:
- Dạ, bằng tâm.

Sư nói:
- Không được.

Hôm sau Ða Văn lại đến hỏi Sư:
- Vậy Thầy học đạo bằng tâm hay bằng trí?

Lúc ấy Sư đang ăn táo. Gọi:
- Này!

Ða Văn nhìn lên. Sư đưa trái táo Ða Văn vừa đón lấy. Sư hỏi:
- Bằng tâm, hay bằng trí?


Không Phải Ðể Bực Mình

Chú Trí rất bực mình về việc chú Thân và chú Tâm thường hay bất hòa không chịu nổi, chú đến bạch Sư:
- Hai chú ấy gây gỗ nhau hoài sao Thầy không khuyên răn hòa giải?

Sư chỉ cười. Trí càng bực mình:
- Sao Thầy lại cười?
- Còn con, sao con lại bực mình?

Trí nói:
- Hai chú ấy gây gỗ nhau hoài mà con không bực mình sao được.

Sư nói:
- Còn ta cười vì thấy hai chú ấy đâu có gây gổ cốt để con bực mình.


Dễ Quá Mà!

Ða Trí đang ngồi lẩm bẩm:
- Khó thật, khó thật!

Vô Văn đi qua hỏi:
- Gì mà khó giữ vậy?

Ða Trí liền nói:
- Này Ðệ, làm sao biết được gà sinh trước hay trứng sinh trước?
- À, chuyện đó thì dễ quá mà.

Ða Trí ngạc nhiên:
- Thật vậy sao?

Vô Văn bật cười:
- Có gì đâu, ý Huynh sinh ra trước đấy.


Ðược Cứ Gieo

Sư ra vườn thấy Vô Ðắc đang cuốc đất, hỏi:
- Nghĩ thì gặp sở tri chướng, làm thì gặp phiền não chướng. Phải như thế nào?

Vô Ðắc ngưng cuốc đáp:
- Thưa Thầy, đất đã cuốc xong, chỉ chờ hạt giống.

Sư đưa gói hạt giống nói:
- Ðược, cứ gieo đi!


Thấy Từ Xa


Hỏi:
- Chân lý chỉ có một, sao đạo Phật có quá nhiều môn phái, mỗi phái mỗi khác, tất trong đó chỉ có một phái đúng mà thôi.

Sư nói:
- Chân lý chỉ có một, nhưng đó là đứng từ xa.
- Như vậy đến gần thì có nhiều sao?
- Phải, như đứng từ xa anh thấy núi chỉ một màu xanh duy nhất, nhưng lại gần mới thấy rõ muôn sai ngàn khác. Anh nghĩ thế nào nếu người đi chơi núi chỉ thấy toàn một khối màu xanh?
- Tất nhiên là chán.

Sư nói:
- Cũng vậy, Chân lý chỉ có một thì chán biết là bao?!


Sửa Ðổi Thiên Nhiên.

Ngồi dưới gốc cây Bồ Ðề Ða Văn nói:
- Thiên nhiên có những điều bất cân xứng cần phải sửa chữa lại.

Vô Văn hỏi:
- Cái gì bất cân xứng?

Ða Văn ví dụ:
- Như bên kia, cây dưa hấu nhỏ như vậy mà trái thật to tướng, còn cây Bồ Ðề này to tướng mà trái lại nhỏ xíu!

Ngay khi đó một trái Bồ Ðề rơi trên đầu Ða Văn. Vô Văn nhân cơ hội nói:
- May chú chưa kịp sửa lại, chứ nếu trái Bồ Ðề to bằng trái dưa hấu thì còn gì là cái đầu của chú nữa!


Toàn Thiện Toàn Năng.

Hai chú tiểu lại bàn cãi:
- Chú có tin Thượng Ðế toàn diện toàn năng không?
- Sao lại không?
- Nếu Thượng Ðế toàn thiện sao thế gian đầy cả bất công, còn nếu toàn năng sao thế gian lại bất toàn.

Theo chú thì làm sao cho công bình và toàn bích?
- Công bình thì ai ai cũng phải hạnh phúc như nhau. Toàn bích thì mọi loài phải tốt đẹp không bị hư hoại.
- À, hèn gì ngày nay người ta ưa thích tượng đá và hoa nylon.

Ða Văn Bác Học.

Ða Văn hỏi:
- Làm sao để trở thành người nghe nhiều học rộng?

Sư đáp:
- Không bị bọn đa ngôn lường gạt.


Phật Hay Ma?

Sư đến viếng xưởng đắp tượng thấy pho tượng quái dị, hỏi chủ nhân:
- Ðây là tượng gì?
- Tượng Phật.

Sư nói:
- Phật sao giống như ma vậy?
- Phải thấy "chư tướng phi tướng" mới thấy Như Lai.

Sư nói:
- Ta e rằng phi tướng tức ma!


Nguyện Ði Theo

Sau buổi lao tác mệt mỏi, hai chú tiểu ngồi nghỉ dưới gốc cây đa. Vô Văn chợt hỏi Ða Văn:
- Nếu được chọn tái sinh, chú chọn cảnh giới nào?

Ða Văn nói ngay:
- Chỗ nào ăn ngon, mặc đẹp, vui chơi khỏi làm gì cả, tôi xin vào đó.
- Nếu vậy, tôi nguyện theo chú.
- Ủa, bộ chú cũng thích du hí hả?

Vô Văn nói:
- Không, tôi phải theo để chữa bệnh cho chú.


Cầu Ðắc Với Vô Ðắc

Từ khi Ðạo Sĩ Cầu Ðắc đến nhập viện đã trở thành bạn thân với chú tiểu Vô Ðắc. Một già, một trẻ quấn quít bên nhau. Vô Ðắc rất thích Ðạo sĩ biểu diễn thần thông. Có lần Vô Ðắc xin học pháp thuật. Ðạo Sĩ nói:
- Cháu đổi tên với ta đi đã.


Cũng Tiên Ðoán.

Một nhà tiên tri nói rằng thế giới sau này sẽ là một bình minh tươi sáng trong đó con người được sống tự do không có luật lệ ai muốn ở đâu thì ở, làm gì thì làm, đi đâu cũng được không ai ràng buộc.

Nghe vậy, Vô Ðắc thưa:
- Cháu cũng tiên tri về một thế giới tương lai khác.
- Thế giới nào?
- Thưa, thế giới đó sau thế giới mà bác vừa tiên đoán. Nhà tiên tri ngạc nhiên hỏi:
- Thế giới đó ra sao?
- Thưa, bây giờ người ta lại thích sống khuôn khổ, luật lệ sau khi đã mệt mỏi rong chơi, chán chường phóng túng.


Tinh Tấn Hay Làm Biếng.

Ðạo sĩ Cầu Ðắc kể với Vô Ðắc: Sau khi luyện được phép thần thông ngồi trên mây bay từ nơi này qua nơi khác như ý muốn, ta hãnh diện khuyên một người bạn:
- Này bạn! Hãy cố gắng luyện pháp môn này chỉ cần trì chỉ ít năm là thành công.

Bạn ta hỏi:
- Thành công để làm gì?

Ta giải thích:
- Bạn không thấy sao, với sở đắc này, Tôi có thể đi đây đó dễ dàng, không mệt nhọc gì cả.

Bạn ta nói:
- À, thì ra Huynh tinh tấn chỉ để được làm biếng.


Ngoài Da

Sư gặp Vị Tăng nổi tiếng về Thiền định.

Hỏi:
- Ông ta như vậy có được gì không?

Vị Tăng thưa:
- Tâm tôi đã định tĩnh không còn ham muốn dục lạc nữa.
- Thế thì ông chỉ mới được ngoài da.
- Vậy phải làm sao để được giải thoát hoàn toàn?
- Ấy, ông lại tính chuyện ngoài da nữa?


Thế Là Thế Nào?

Thị giả của Phật Tổ xuống trần xem thời mạt pháp. Ði qua một nơi chuyên phát hành Kinh sách, Ngài thấy vô số cuốn nói về Thiền định, giải thoát về tâm vương, tâm sở, các tướng Niết bàn, về Phật tính, Pháp thân, Chân như, Tịnh độ...

Cuối cùng, Ngài chú ý đến một cuốn nhan đề "Ðức Phật". Lật ra xem thấy giới thiệu tác giả là một vị Luận sư nổi tiếng, tinh thông Tam Tạng. Ngài liền vận dụng thần thông xem một mạch hết cuốn sách dày cả ngàn trang, trong đó mô tả hình tướng, cách lập hạnh, giới luật, thiền định, thần thông, trí huệ, sở đắc, sở chứng, giác ngộ, giải thoát... của Phật - Tổ Thích Ca.

Ðọc xong vị thị giả của Phật Tổ đứng ngơ ngác một hồi lâu rồi cau mày than thở:

- Vị luận sư này nói gì sao ta không hiểu kìa, hay là còn có vị Phật Thích Ca nào khác?


Cha Và Con

Ông lão hàng xóm kể cho Vô Văn nghe câu chuyện.

Tôi có bốn đứa con. Ðứa thứ nhất bảo: "Mọi việc đều đã được an bài" và nó sống buông theo định mệnh.

Ðứa thứ hai bảo: "Anh cứ ngồi đó mà định với mệnh, còn tôi, tôi sẽ tạo lấy tương lai". Và suốt ngày nó toan với tính.

Ðứa thứ ba bảo: "Chẳng cần biết quá khứ đã an bài hay tương lai đầy tính toán, tôi chỉ biết có hiện tại mà thôi". Và nó sống tận hưởng cái gọi là hiện tại của nó.

Thằng thứ tư ít nói, ít cười, không màng mọi sự. Hỏi ra nó mới nói: "Quá khứ đã qua rồi, tương lai ai biết được, hiện tại chỉ vô thường, chẳng có gì được cả". Và nó sống chẳng khác nào một nhà Ẩn sĩ thâm sơn.

Thấy chúng bất hòa, ai theo ý nấy, không ai nhường nhịn, tôi gọi chúng la rầy.

Chúng hỏi:
- Thế còn Ba chủ trương làm sao?

Tôi nói:
- Tao hả? Tao là cha tụi bay chứ làm sao!


Muốn Ðắc Gì?

Sư đăng đàn bảo tăng chúng ngồi tĩnh tọa. Lát sau Sư nói:
- Hôm nay tọa thiền có ai được gì không?

Một vị Tăng thưa:
- Con chỉ bị muỗi chích đau muốn chết.

Sư nói:
- Chứ ngươi muốn đắc gì?


Sợ Thành A-La-Hán

Trong khóa thiền Tứ niệm xứ, Thiền sinh được giảng là nếu tinh tấn niệm, tỉnh giác hành giả có thể đắc quả A La Hán trong vòng 7 ngày. Nên sau người ta thấy một Thiền sinh đâm ra đùa giỡn vui chơi. Ðạo bạn trách:

- Sao không tinh tấn tu niệm mà lại đùa giỡn vậy?

Thiền sinh giải thích:
- Tôi biết chứ, nhưng nếu sau bảy ngày mà tôi đắc quả A La Hán thì làm sao còn đùa giỡn được nữa.

Ngã Mạn.
Sư không ăn chay. Một tín đồ tỏ vẻ không phục không chịu đảnh lễ.

Sư nói:
- Chỉ mới được một bụng rau cải mà đã ngã mạn như thế, huống nữa được "Làm Phật" thì ngã mạn biết chừng nào.


Ðấng Brahman Bất Ðộng

Thiên sứ xuống trần thấy một đạo sĩ đang tuyệt thực, ngồi ngay ngắn trong trong tịnh thất kín đáo yên tĩnh, thân tâm bất động. Thiên sứ hỏi:
- Ðạo sĩ ngồi như vậy để làm gì?
- Ðể thể nhập Ðấng Brahman

Thiên sứ ngơ ngác nhủ thầm:
- Ðấng chí tôn ban cho hắn uống, ăn, đi, đứng, hoạt động, hiểu biết, tư duy, ngủ nghỉ... có cái nào ngăn trở hắn thể nhập với Ngài đâu. Hay là hắn muốn Ngài phải bất động theo hắn?


Kỳ Thị Pháp Môn

Một hành giả nhờ tu theo pháp môn niệm Phật "BUDDHA" của truyền thống Nam Tông (Theravàda) sau khi chết được sinh về Thiên đàng với chức gác cổng.

Ít lâu sau lại có một người từ hạ giới được siêu thăng. Vừa bước vào cổng người ấy đã bị chặn lại:
- Ông từ đâu đến?
- Dạ, từ cõi người.
- Tu pháp môn nào?
- Dạ, niệm Phật "Di Ðà".

Vị gác cổng Thiên đàng liền đóng cửa nói:
- Vậy thì không được vào, xuống đi.


Minh Sát Tuệ

Người lãnh trách nhiệm quét dọn Thiên đường đang làm việc. Sư bước vào. Người ấy hỏi:
- Hành minh sát tuệ có khó không?

Sư nói:
- Từ lâu Ta có nghe ngươi than van gì về việc quét tước đâu.


Ma Ba-Lị

Có ông Tăng du học về nước.
Ðể chứng tỏ mình có bằng cấp văn học Phật Giáo, ông đọc cho Sư nghe nhiều tràng tiếng Pàli và Sanskrit

Vô Văn thất kinh nói với Ða Văn:
- Chắc là ổng bị Ma Ba-lị nhập rồi!


Nghe Pháp Thuyết

Một nhóm tín đồ đến thỉnh Sư thuyết pháp.

Sư nói:
- Quý vị nghe thuyết pháp đã nhiều bây giờ phải lo nghe pháp thuyết đi chứ.
Thiên Mệnh Hoặc Tự Do.

Sư giảng:
- Chớ vọng động theo tư dục mà tạo tác nghiệp chướng, hãy sống thuận theo pháp. Thuận Pháp là thuận Chân như, là "Vâng ý cha" là "thuận thiên lập mệnh" cũng là "huyền chi hựu huyền" vậy.

Hỏi:
- Thuận thiên mệnh thì còn gì là tự do?

Sư đáp:
- Tự do của ngươi đâu?


Mất 32 Thân

Hỏi:
- Vì sao Ðức Quán Thế AÂm không dùng thần thông để loại trừ tà ác, khổ nạn và ngoại đạo tà giáo cho chúng sinh đồng vào cảnh giới Cực lạc?

Sư nói:
-Ui cha! Nếu ngươi được như ý thì Bồ Tát mất hết 32 thân.


Mục Ðích Phạm Hạnh

Thấy tu viện của Sư tổ chức tốt đẹp có người hỏi:
-Phải chăng mục đích đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Thầy là đào tạo tăng tài cho Giáo Hội.

Sư nói:
- Không, bản nguyện của Ta là giúp họ có khả năng "ra đời".


Thượng Ðế Nói.

Một đệ tử xuống núi đến từ giã Sư với tâm trạng bất an:
- Xin Thầy ban cho một lời tối hậu.

Sư nói:
- Ta chẳng có gì để khuyên dạy. Hãy lắng nghe, Thượng Ðế sẽ nói với con những gì Ngài muốn nơi con và trả lời những gì con muốn ở Ngài.
Người đệ tử lạy tạ ra đi.

Ít lâu sau Y trở về với vẻ phờ phạc:
- Bạch Thầy, Thượng Ðế nói với con quá nhiều.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]