Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Phẩm hủy hoại thứ hai mươi sáu

03/05/201313:05(Xem: 11417)
4. Phẩm hủy hoại thứ hai mươi sáu

Kinh Hoa Thủ

4. Phẩm hủy hoại thứ hai mươi sáu

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Xá Lợi Phất bạch Phật rằng, bạch Thế Tôn: nếu có người vì Bồ Tát mà thuyết một bài kệ bốn câu để chỉ dạy sự lợi lạc, giúp đạt đến thành Phật được phước đức vô lượng. Nếu có người vì muốn phá hoại tâm Bồ Tát, ngăn cản làm trở ngại phải nói cho người ấy biết có bao nhiêu tội. Tại sao thế? Vì cố ý phá hoại nên loạn động dấy lên, nghe tội như thế phải sửa đổi ngay

Phật bảo Xá Lợi Phất, nếu người nào phá hoại tâm Bồ Tát thì bị vô số tội. Như người muốn phá viên ngọc vô giá, chính kẻ ấy đã mất vô số tài lợi. Như thế thì, này Xá Lợi Phất, nếu người phá hoại tâm Bồ Tát thì làm hủy diệt luôn vô lượng pháp bảo. Này Xá Lợi Phất, ví như trồng cây thuốc rồi có kẻ đốn chặt làm cho cây không lớn nổi, kẻ ấy cũng phá luôn những cách trị liệu bịnh cho vô số chúng sanh, làm cho phần nhiều chúng sanh bịnh tình càng thêm nguy kịch. Như thế, Xá Lợi Phất, nếu người muốn phá hoại tâm Bồ Tát - tâm đại an lạc - thì diệt luôn tâm phương thuốc đại trí của vô số chúng sanh mang bịnh khổ. Người ấy cũng làm cho vô lượng vô số chúng sanh vì những món tham-sân-si-kiêu mạn, keo kiệt, ghét ganh, dèm pha, không biết hổ, chẳng biết thẹn thì, bị những cơn bịnh phiền não làm hại; cũng như làm cho vô số chúng sanh trong a tăng kỳ kiếp mất chỗ trụ an ổn ở Niết Bàn. Xá Lợi Phất, nếu người phá hủy ao A Nậu Ðạt là giết đại long vương, nên biết rằng kẻ ấy làm hủy hoại chúng sanh hai chân, bốn chân khao khát nước tám công đức. Như thế Xá Lợi Phất, nếu người quấy loạn tâm Bồ Tát cũng hủy diệt luôn vô số chúng sanh đang thèm khát nước bát thánh đạo. Này Xá Lợi Phất, nếu có người phá hủy mặt trời người ấy làm tiêu luôn ánh sáng của chúng sanh trong bốn châu thiên hạ. Như thế Xá Lợi Phất, nếu có người quấy nhiễu tâm Bồ Tát, nên biết rằng người ấy cũng hủy diệt luôn ánh sáng giác ngộ của tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới. Xá Lợi Phất, như người phá hủy chất ngọc báu, nên biết kẻ ấy cũng phá luôn vô số trân bảo của chúng sanh. Như thế Xá Lợi Phất nếu người quấy nhiễu tâm Bồ Tát, nên biết rằng kẻ ấy phá luôn phần pháp bảo của vô số chúng sanh; cũng như làm hủy diệt hết các kinh điển làm cho không còn lưu hành nữa. Này Xá Lợi Phất, cũng như từ ngọc báu làm ra đủ món đồ cung cấp cho chúng sanh. Cũng thế Xá Lợi Phất, tâm chư Bồ Tát là tánh pháp bảo; từ pháp bảo sanh Phật pháp không thể suy cùng thần thông trí lực. Vì thế, Xá Lợi Phất, ông nên biết rằng, phá hoại tâm Bồ Tát tạo vô lượng vô biên tội báo sâu dày. Xá Lợi Phất, như có kẻ ác tâm làm cho thân Phật chảy máu, hoặc có người phá giới không tin nên hủy hoại, xa lià tâm Bồ Tát tội càng sâu dày.

Xá Lợi Phất, kẻ dùng ác tâm làm cho thân Phật ra máu, ta gọi đủ là phạm năm tội vô gián (19), nếu người hủy hoại tâm Bồ Tát tội còn nặng hơn thế nữa. Tại sao thế? Vì tạo năm tội vô gián chỉ phá hoại pháp của một đức Phật; còn người hủy hoại tâm Bồ Tát là làm đoạn diệt Phật pháp. Xá Lợi Phất, như người giết bò là làm tiêu hủy mở bò và sữa bò. Như thế Xá Lợi Phất, nếu người phá hủy tâm Bồ Tát là làm đoạn diệt Phật tuệ. Vì thế, Xá Lợi Phất, nếu người phá giới không tin, mắng rủa làm hủy hoại tâm Bồ Tát thì, nên biết rằng tội đây còn hơn năm tội vô gián kia. Xá Lợi Phất, tội vô gián là nếu có một người nào trong bốn châu thiên hạ giết hại các bậc A La Hán. Ý ông nghĩ sao? Người ấy đắc tội có nặng không?

- Rất nặng, thưa Thế Tôn, Xá Lợi Phất nói.

- Phật bảo: Nay ta cho ông hay, nếu người nào làm hại quấy loạn Bồ Tát làm cho tín tâm họ xa lià tâm Bồ Tát là làm mất Phật tuệ, nếu đem so với tội trước thì trăm phần, nghìn phần, trăm nghìn vạn phần không bằng một, cho đến dùng thí dụ cũng không thể sánh bằng. Tại sao thế? Tuy giết bậc A La Hán như thế mà không làm cản trở mười lực của Phật, bốn vô sở úy (20), bốn trí vô ngại (21), 18 pháp bất cộng, đại từ đại bi chẳng hư hạnh Phật, không làm trở ngại phép quán vô kiến đảnh tướng, như sư tử hùng mãnh tượng vương của Như Lai, không làm ngăn cản tiếng thổi trăm ngàn loại pháp cụ của Phật, cũng không làm phương hại đến việc truyền bá chánh pháp vô thượng, không làm cản trở thần lực thánh chúa tự tại; cũng không làm cản trở trí huệ nhận biết các căn lợi, độn (22) của chúng sanh có mỗi mỗi dục lạc khác nhau.

Này Xá Lợi Phất, như Bồ Tát phát tâm vô thượng Bồ Ðề thành Ðại Thừa bằng thệ nguyện kiên cố trang nghiêm, nếu có kẻ đến quấy phá làm lui sụt đạo tâm thì, kẻ ấy làm cản trở mười lực của Phật làm cho không thể biết được mọi dục nhiễm của chúng sanh. Xá Lợi Phất, bốn châu trong khắp tam thiên đại thiên thế giới có các bậc A La Hán như cỏ cây, lúa mè, rừng cây mà có một người tới đoạt mạng các vị ấy thì, ý ông nghĩ sao? Người ấy đắc tội có nặng chăng? Rất nhiều, thưa Thế Tôn. Xá Lợi Phất, lại có kẻ mang tâm sân hận, khinh mạn, phá giới không tin, quấy loạn tâm Bồ Tát kẻ ấy đắc tội chỉ có Phật mới biết được. Tại sao thế? Vì kẻ ấy quấy phá tâm Bồ Tát cũng hủy diệt luôn cả Phật pháp và đoạn dứt Phật chủng. Tại sao thế? Vì nếu không có Bồ Tát sơ tâm làm sao có Phật tuệ, Phật lực tự tại xuất hiện ở đời. Vì thế, Xá Lợi Phất, so sánh tâm vô thượng, đại tâm, thâm tâm, tâm Bồ Tát, tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà (23), nhơn, phi nhơn... hết thảy thế giới đều nên kính lễ. Tại sao? Vì người có tâm Bồ Tát thì biết chắc sẽ là vị Phật tương lai. Xá Lợi Phất, ý ông nghĩ sao? Như Lai tán thán tâm Bồ Tát như thế, có phân biệt thứ loại tên gọi chúng sanh như dòng Sát Ðế Lợi, Bà La Môn, đại cư sĩ, dòng vua Chuyển luân thánh vương, trời Tứ thiên vương, trời Thích Ðề Hoàn Nhân hoặc trời Ðao Lợi, Diệm Ma thiên, Ðâu Suất Ðà thiên, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa, trời Tự Tại hay Phạm Thiên vương chăng? Không thể có, thưa Thế Tôn. Tại sao thế? Vì Thế Tôn chỉ nói với tâm thanh tịnh, đại tâm, thâm tâm như thế thôi. Ý ông nghĩ sao? Nếu ta tán thán tâm ấy có thể nói hoặc đại lực sĩ có sức mạnh phi thường... hoặc trẻ, già, giàu, nghèo, có người cao quí, kẻ hạ tiện chăng? Không thể có, thưa Thế Tôn.

Này Xá Lợi Phất, ông thấy tâm trụ ở một chỗ nên phân biệt có trẻ, già, giàu, nghèo, kẻ có thế lực, người không thế lực, các vị đều nên tôn kính ủng hộ, trợ lực cho họ, vì hàng Thanh Văn báo ân vô thượng, đem giáo pháp ban rải giáo hóa cho Bồ Tát. Xá Lợi Phất, nếu chúng Thanh Văn làm được như thế là người cúng dường Như Lai một cách trọn vẹn, ấy là chỉ dạy làm cho chư Bồ Tát không thối tâm vô thượng Bồ Ðề. Xá Lợi Phất bạch Phật: bạch đức Thế Tôn: Bồ Tát có ba loại tâm: một là tâm ban đầu, hai là chuyển tâm và ba là tâm thành thục. Trong ba loại tâm ấy đức Thế Tôn tán dương, ủng hộ tâm nào? Phật bảo: như vậy, như vậy. Như lời ông nói, Bồ Tát có ba loại tâm: tâm ban đầu, chuyển tâm và tâm thành thục. Này Xá Lợi Phất trong các tâm ấy Như Lai tán thán nhiếp hộ tâm ban đầu và chuyển tâm làm cho tâm ấy được thành tựu. Tại sao thế? Nếu có người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác đều không còn thối chuyển ở quả Thanh Văn hay Bích Chi Phật. Vì tâm không còn lui sụt nên dần dần thành tựu được tâm vô thượng Bồ Ðề. Vì thế, Bồ Tát phát tâm Bồ Ðề nên quán xét cái "không tướng" của tâm ấy. Xá Lợi Phất, tâm ấy là tâm gì? Và thế nào là không tướng? Xá Lợi Phất, tâm gọi là ý thức, tức là cái biết tiềm tàng; ý vào tâm ý. Không tướng là tâm vô hình tướng, không ai tạo tác. Tại sao thế? Nếu có kẻ tạo tác có kẻ kia làm, người này nhận. Còn tâm tự tạo tác cũng chính do tâm tự thọ. Này Xá Lợi Phất, tâm vô hình tướng, không ai tạo tác, không ai sai sử; không có tác giả cũng không có tướng tạo tác. Nếu ta bàn suông cái tướng của tâm cũng chỉ nói tới cái vô tướng trống rỗng mà thôi. Nếu chỉ bàn tới cái không tướng trống rỗng vô ích kẻ kia cùng tranh luận với Như Lai, mà cùng với Như Lai tranh luận nên biết là kẻ ấy rơi vào vực thẳm. Kẻ đã rơi trong vực thẳm thì gọi là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, và thấy các cõi âm, thấy ta, thấy người, thấy chúng sanh... Này Xá Lợi Phất, nói một cách ngắn gọn trong Phật pháp có cái thấy tăng thêm và cái thấy Niết Bàn; thấy như thế đều gọi là có chỗ thấy. Những cái thấy ấy là nguồn gốc của ác thú, do chúng sanh tham chấp nên mới có ra những cái thấy ấy, là nguyên nhân đọa vào vực thẳm; cũng như làm hại kẻ khác rơi vào vực thẳm mà kẻ ở vực thẳm gọi là ở trong năm đường sanh tử vậy.

Lúc bấy giờ trong chúng hội có một người ăn xin tên là Tuyển Trạch từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay cung kính bạch Phật rằng, bạch đức Thế Tôn: con nay không muốn đọa vào vực thẳm, cũng không muốn tranh cải với Như Lai. Con từ xưa đến nay phát tâm là muốn đạt được đạo vô thượng Bồ Ðề, nên lại nghĩ xưa con là một người nghèo gặp bao nhiêu khổ nạn, đời sống rất là vất vả. Ðây là những dòng Sát Ðế Lợi, Bà La Môn, cư sĩ có thế lực còn chưa có thể tu tập đạo vô thượng Bồ Ðề, huống gì con là kẻ ăn xin nghèo khổ hạng bét. Nay được nghe Phật tán thán sơ tâm của Bồ Tát mà trong đó không đề cập tới dòng đại Sát Ðế Lợi, Bà La Môn, cư sĩ thế lực, và trời Tứ Thiên Vương, Thích Ðề Hoàn Nhân, trời Ðao Lợi, Diệm Ma Thiên, Ðâu Suất Ðà Thiên, trời Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại; cũng không nói tới trời Phạm Thế và Phạm Thiên Vương, cũng không đề cập đến nghèo giàu, sang hèn. Kể từ hôm nay, con quyết định phát tâm vô thượng Bồ Ðề, không dám khinh mình nữa. Phật bảo: lành thay, Tuyển Trạch! Nay ông có thể theo học pháp Như Lai nên quyết định phát tâm vô thượng như thế.

Lúc bấy giờ Tuyển Trạch ở trước Phật liền nói bài kệ:

Con không cầu tán dương

tán dương chẳng xứng đáng

mà chỉ mong ý sáng

được Phật trí vô thượng

Phật ở nơi vô lượng

các cảnh giới vô thượng;

trong chúng sanh khổ não

để làm chỗ tựa nương.

Phật chứng pháp vô lậu

nhiệm mầu sạch khó lường.

Thương chúng sanh nói pháp

sanh tử khổ độ thoát.

Thần lực Phật phổ quát

hào quang tỏa vô cùng

được trí huệ không ngằn

phước đức cao tột cùng.

Thế Tôn: bổn tâm con

là mong được thành Phật

tâm lại sanh lui sụt

ai cho kẻ nghèo hèn

được như vua, cư sĩ,

thích, phạm, các tôn thần

uy đức như trời, người

mà còn chưa thể được

huống phận kẻ nghèo hèn

xin ăn nuôi thân mạng.

Trí Phật, trí vô thượng

làm sao đạt thấu đặng?

Thế Tôn rõ tâm con

bảo Xá Lợi Phất rằng:

Ta nói phát tâm bằng

không nghèo, giàu, sang, hèn

cũng không Sát Ðế Lợi

Bà La Môn, cư sĩ,

chúng trời, rồng, thần, quỉ.

Kẻ phát tâm bền chí

nay nghe Phật diễn nói

tâm con được lợi lớn

quyết chắc sẽ thành Phật

nên phát tâm chân thật.

Ðổi thay luật trời đất

núi Tu Di tan tác

hư không dù biến diệt

tâm con khó chuyển dời.

Nếu chúng sanh mọi loài

tất cả đều là ma

ắt đến quấy phá ta.

Tâm con định bất động

Có người trước mặt con

tự ý bèn phát ngôn:

Phật trí thật khó tròn

không ai cho kẻ hèn.

Con nghe xong đáp liền:

ngươi chính kẻ bần tiện.

Vì không có tín tâm

được làm Phật là lầm.

Chư Phật vô hữu tánh

cũng không hình nhất định

chỉ nhiếp tâm hồi hướng

đạo Ðại Thừa vô thượng

ấy là Phật tánh tướng

cũng giống Như Lai chủng

Nhất tâm cầu Phật lực

cúng dường được thành Phật.

Con chẳng tiếc thân mạng

cũng chẳng ham vui đời

chí cầu vô thượng đạo

chúng sanh thảy khắp độ.

Nay trước đấng pháp vương

chẳng sợ xin tỏ tường,

nếu có phải lỗi lầm

mong Phật thương chỉ dùm...

Lúc bấy giờ Thế Tôn dùng kệ đáp rằng:

Ông phát tâm vô thượng

vô thượng thừa quá lượng

Không sai lầm tánh tướng

nên thành đấng pháp vương.

Tuyển Trạch nghe Phật tường

lòng hoan hỷ khôn lường

Nhờ thiện tâm thanh lương

vượt hơn bảy dặm đường.

Thế Tôn nhìn mỉm cười

miệng: năm sắc quang tươi

sáng soi khắp trời, người.

Thu về nơi đảnh thượng

A Nan liền hiệp chưởng

muốn hỏi lưỡng túc tôn,

trí vô ngại tuyệt vời

đây đâu phải không nhơn?

Ở thành Vương Xá hiện

có kẻ xin bần tiện

đang ở trong không trung

chấp tay lễ Phật xong.

Nay trời, chúng long vương,

dạ xoa, nhơn phi nhơn...

đều chấp tay kính ngưỡng

chấp tay lễ người nghèo.

Dám hỏi Thế Tôn rằng:

tại sao cười, phóng quang?

Phật đạo ai chuyên tâm

mà muốn thọ ký sang?

Ai trong Phật đạo sáng

chuyên phát tâm vô thượng

chứng đắc huệ khôn lường

độ sanh, già, bịnh, chết?

Ngồi đạo tràng ai được

chúng ma quân phá diệt

đạt thành vô thượng đạo

chuyển pháp bảo huyền vi?

Ai được thành đại trí

đủ vô lượng thần thông

Trí rộng biết vô ngần

phân biệt chúng sanh tâm?

Ai được tiếng phạm âm

nói ra điều kỳ diệu

chân trí thuần vô ngại

diễn nói không hề sai.

Ai chứng đạo Như Lai

trụ thiền định hòa hài

Thấu rõ tâm ba cõi

thương giáo pháp mà nói.

Ai nghe pháp học hỏi

trời, người, chúng hân hoan.

Bất hư hạnh vẹn toàn

phép tượng vương hồi quán.

Ai dẫn đường đại chúng

nghiêm tịnh cõi thế gian

xa lìa bao chướng nạn

Ðạo tịch diệt lạc an

Ðại hiền đức Thế Tôn,

con muốn hỏi việc trên;

nguyên nhân Ngài mỉm cười

mong đáp khiến chúng mừng...

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo A Nan rằng, Như Lai do người ăn xin Tuyển Trạch này nên mỉm cười phóng hào quang rực rỡ thì, liền đó trong chúng hội cả trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, khẩn na la, ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn... có tám mươi ức na do tha chúng đều phát tâm vô thượng Bồ Ðề. Ta vì những chúng sanh đây mà thọ ký đạo vô thượng Bồ Ðề.

Lúc đó đức Thế Tôn muốn cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:

Lúc Như Lai thuyết nhân duyên này

tám mươi ức na do tha đây

chúng sanh phát tâm vô lượng thảy

Thứ tự đều thành Phật đạo cả.

Nay Tuyển Trạch đây người trí sâu

hoan hỷ chấp tay tựa cúi đầu

Cung kính tán dương cúng dường Phật

mong mỏi chóng ngộ được như Phật

Do phước đức nhân duyên hoàn tất

đường ác thú trọn không đọa lạc;

kiếp kiếp xa lìa tám nạn tai

đời đời mong gặp được Như Lai

Gặp Phật rồi tịnh giới, trì trai

chứng đạo mầu vô thượng chẳng sai

đem bảo cái, phan lọng, hương hoa

cúng dường Phật tâm niệm thiết tha.

Tu hành lịch kiếp Phật trải qua

cung cấp y đẹp và mọi thứ:

giường gối, ngọa cụ, thuốc thang cả

cung cấp đầy đủ và tối đa

thứ tự gặp Phật Di Lặc ra.

Vì cầu Phật tâm càng thêm kính;

lấy bảy mươi ức na do tha

ngọc báu ma ni cúng dường Ngài.

Mỗi chuỗi trân châu rực ánh vàng

sáng soi đến tám mươi do tuần

Gom nhóm châu này càng thêm sáng

tỏa chiếu nơi nơi khắp thế gian.

Lại dùng bảy báu tạo tháp miếu

hơn bảy mươi ức na do tha.

Tháp cao rộng lớn đến cả ngàn

đem các vật báu kết trang hoàng.

Y phục, chiếu giường và gối nệm

bảy mươi ức do tha sẵn sàng

đem vật cụ sửa sang nghiêm tịnh

dâng Phật Di Lặc cùng tăng chúng

an cư ba tháng nguyện dâng cúng.

Chẳng hề mỏi mệt trải trăm năm;

sau người kia hạnh ngộ xuất gia.

Trong pháp Di Lặc tu tịnh hạnh

tâm phấn khởi với niềm cung kính.

Càng muốn cúng dường Di Lặc hơn

Thứ lớp tu hành Bồ Tát đạo

được thấy chư Phật hiền kiếp đáo.

Từ đấy lại được gặp Phật luôn

nhiều vô số như cát sông Hằng.

Gặp Phật xong tâm càng thanh tịnh

muốn cúng dường cùng cách tu hành

Tâm thanh tịnh nhờ phước báu sanh.

Ta nay lược nói không hết đặng;

Quả báo không lường khó sánh bằng.

Ai nghe Phật quả chẳng cầu nên

người ấy qua lại chốn tử sanh

hằng sa số kiếp Phật nguyện thành.

Trí vô thượng phát sanh đời mạt.

Tập Kiên Thật rõ hiệu Phật danh

tuổi thọ qua nghìn kiếp rành rành.

Thế giới ấy tịnh thanh nghiêm cụ

cõi Diêm Phù đầy đủ sáng soi

như đỉnh Tu Di, trời Ðao Lợi.

Thế Tôn Tập Kiên Thật

nhóm đại hội Thanh Văn

nghìn ức na do tha

như cát sông Hằng hà.

Số người đến tham dự

mỗi đại hội tối đa

đều thành La Hán quả

với thần thông phép lạ

nhờ thông hiểu ba tạng

nên hiểu các vấn nạn.

Như ta, Xá Lợi Phất

trí huệ vào bậc nhất

mở đại hội Bồ Tát,

còn nhiều hơn số trên.

Ðại Bồ Tát, Phật kia

cũng tên A Dật Ða

chư Bồ Tát chúng đã

được pháp nhẫn vô sanh

chuyển thân các nước sanh.

Tùy chỗ Phật đắc thành

trong mỗi một đại hội

số Bồ Tát gấp bội

được Phật kia thọ ký

nên thành vô thượng trí.

Sau khi Phật tịch diệt

pháp trụ hơn một kiếp

Xá Lợi lưu truyền khắp

cũng như sau ta diệt

xá lợi Tập Kiên Thật

trời, người muốn cúng dường

Tùy chúng sanh mến tưởng

thị hiện lực thần thông

chùa tháp tôn xá lợi.

Do bảy báu tạo nên

lan can và trụ báu,

hương hoa với tràn phan

toàn đồ báu trang hoàng

trang nghiêm tháp Phật vàng

đem tháp miếu sẵn sàng

làm đẹp cõi Diêm Phù.

Người đem đủ hương hoa

cúng dường tháp Phật tòa

liền biến thành hoa lớn

có thần lực như thế.

Tập Kiên Thật Thế Tôn

hình tượng tháp khắp chốn

tùy chúng sanh cảm mến

mỉm cười phóng hào quang

rực rỡ soi sáng lạn.

Rồi thâu về chớp nhoáng

Nhập vô kiến đảnh tướng

biết được Phật thọ ký.

Nếu sáng từ miệng vào

thế nào cũng Duyên Giác.

Sáng vào nơi rốn khác

chứng đạt quả Thanh Văn.

Hình tượng Thế Tôn kia

có đủ sức thần thông

như thế một kiếp hơn.

Kiếp hết pháp mới diệt

vô thường, hữu vi biến

nên cần hành tinh tấn.

Lúc bấy giờ Xá Lợi Phất bạch Phật, lành thay Thế Tôn! Người ăn xin Tuyển Trạch nghèo khổ như thế mà tâm đạt được pháp bảo tối thượng, tại sao có kẻ trí lại dám khinh thường? Phật bảo Xá Lợi Phất: đúng thế, đúng thế! Thật đúng như lời ông nói, sao có kẻ trí lại khinh miệt người nghèo; trừ người phàm phu không nghe, không biết! Này Xá Lợi Phất, suy từ nghĩa đó nên trong kinh ta nói: kẻ trí không nên khinh thường người khác. Khinh thường người khác là tự làm thương tổn chính mình. Xá Lợi Phất, ý ông có cho rằng người ăn xin Tuyển Trạch này vốn đã làm cho trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn... lễ bái chăng? Không, thưa Thế Tôn. Tại sao? Vì người nghèo ấy lúc Như Lai chưa thọ ký không ai kính lễ cả. Nay được Như Lai thọ ký nên được cả trời, người, a tu la đều lễ kính. Xá Lợi Phất, đấy là chư Phật đời vị lai thấy biết không bị ngăn ngại, không như hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Vì thế, Xá Lợi Phất, các đệ tử của ta tin nhận lời Phật, hoặc lúc diễn nói pháp cho chúng sanh, trước hết nên xưng dương công đức của Phật. Chúng sanh nghe xưng tán Phật có thể hoặc phát tâm cầu Phật tuệ; nhờ phát tâm nên không mất Phật chủng. Xá Lợi Phất, tất cả thế giới ít có chúng sanh vì cầu lợi mình, lợi người thật hết sức khó. Xá Lợi Phất, cầu lợi vì kẻ khác thật ra trong số chúng sanh phần nhiều hay ưa tự lợi nên quả thật là khó. Tại sao thế? Vì người phàm phu muốn cầu tự lợi nên tự làm tổn thương. Tại sao thế? Xá Lợi Phất! Ta không thấy người nào làm hại kẻ khác mà không làm tổn thương mình cả. Vì thế ông nên biết, nhân bám theo tự lợi là điều chướng nạn. Hơn nữa trong tự lợi mà có lợi tha thì thật là khó. Này Xá Lợi Phất, như kẻ phá hoại người phát tâm Ðại Thừa kẻ ấy không có tự lợi, cũng không thể lợi tha, như thế không thể gọi là người tu hành đạo đức được. Xá Lợi Phất, người ngu si kia hành tà đạo làm mất tự lợi, cũng như mất cả lợi tha. Do nguyên nhân ấy người kia phải bị tám pháp làm tổn hại. Những gì là tám?

1- Mất sự yêu kính

2- Bạn bè, thân quyến làm hại

3- Cõi nước biến loạn

4- Tài sản cửa nhà bị hỏa hoạn thiêu hủy

5- Bị quan huyện áp bức

6- Các căn thiếu khuyết

7- Chết đọa địa ngục

8- Bị ngục tốt khảo tra hạch sách.

Ðó là tám việc, ngoài ra còn có tám pháp đại bất an nữa. Những gì là tám?

1- Sanh vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh là đại bất an

2- Nếu được thân người, sanh nhằm nơi biên địa, không biết thiện ác

3- Không gặp nơi có Phật pháp và Thánh chúng là đại bất an

4- Ðã được thân người, không được sanh vào giữa nước là đại bất an

5- Ðui mù, câm ngọng, tàn tật trăm thứ bịnh hoạn là đại bất an

6- Tuy sanh nhằm trung quốc thân người đầy đủ, lại có tâm che dấu, ưa việc gièm pha, dối trá, ngoa ngụy là đại bất an

7- Tin theo ngoại đạo, thích luận việc tà, tà kiến, hạnh xấu, làm cho ba nghiệp: thân, khẩu, ý bất tịnh. Chư Phật, chư hiền thánh không thể cứu độ, đó cũng là pháp đại bất an

8- Nếu sanh nhằm trung quốc thân người được đầy đủ mà chết đi trong đêm Phật đắc đạo không gặp được Phật pháp, cũng là một điều đại bất an.

Ðó là tám pháp bất an, ông nên biết người này, nếu sanh trong địa ngục chắc chắn đọa vào đại địa ngục A Tỳ mang thân hình to lớn chịu các thống khổ liên tục, vì đã tạo trọng tội. Nếu đọa vào súc sanh làm loài độc trùng, ác thú thường bị cái khổ đói khát nên tước đoạt mạng sống loài khác, ăn thịt tàn hại nhau để tự nuôi sống. Tùy nơi sanh ra ở đâu lại tiếp tục tạo thêm tội. Hoặc sinh nhằm loài dưới nước làm cá mập, cá heo, cá voi, cá kình... bị người vây bắt, sống bị dao cắt xẻ phải chịu mọi khổ bức có mong chết cũng không được, hoặc sanh nhằm loài trên đất như lạc đà, trâu, dê, heo, chó. Nếu làm trâu lừa bị người xỏ mũi, thường phải chở nặng, bị roi vọt đánh đập đau đớn rên la lớn tiếng không ai cứu giúp, đi đường mệt mỏi không thể bước tới nữa, mạng sống chưa lìa - hơi thở vẫn còn - mà bị người cắt xẻo ăn thịt; đều do tội mắng chửi, ăn thịt làm hại mình. Xá Lợi Phất, ông chớ cho rằng người kia do nghiệp tội như ta đã biết hoặc đã nói, từ kiếp này sang kiếp khác cũng không hết được.

Xá Lợi Phất, nói một cách vắn gọn, nếu người nào hủy hoại tâm Bồ Tát mà tránh khỏi tám nạn là điều không thể có được. Tại sao thế ? Vì người làm ác cứ tiếp tục tạo các nghiệp tội. Các Thầy nên biết rằng được thoát các nạn là tự cứu mình.






CHÚ THÍCH

(1) Bốn đại hay bốn yếu tố kết hợp thành thân thể. Ðó là đất (địa) như da thịt lông móng, răng tóc..., nước (thủy): chất lỏng gồm nước tiểu, nước miếng, nước mắt, nước mũi, máu mũ..., hỏa là chất ấm hay nhiệt lượng trong cơ thể và gió (phong) như hô hấp trong bộ máy tuần hoàn, tức là hơi thở ra vào giúp con người tồn tại.

(2) Tâm sở: tâm có hai phần là tâm vương và tâm sở. Tâm vương làm chúa tẻ sai sử, có quyền như ông vua ra lệnh; tâm sở tùy thuộc như các quan tùy tùng như các phiền não, kiến chấp, tham, sân, si v.v... tạo ra lỗi lầm, gây xấu ác.

(3) Tám khổ: sanh, già, bệnh, chết là bốn cái khổ lớn nhất trong đời không ai tránh khỏi, và bốn cái khổ chất chồng khác là: yêu nhau mà phải xa lìa, cầu mong không được toại nguyện, thù ghét nhau mà phải đối đầu, chung đụng nhau và đeo theo sắc thân, cảm thọ, tưởng tượng, hành vi tạo tác, ý thức bộc phát hẫy hừng thiếu quân bình gây ra cho thân tâm bất an.

(4) Giáo hạnh: chỉ dẫn, thể hiện hạnh trong sạch (hạnh lành) trong nghĩa giáo hóa cho người khác noi theo.

(5) Pháp phục: y áo của giới tăng sĩ dùng trong việc lễ bái, cầu nguyện, còn gọi là pháp y hay đạo phục.

(6) Bình bát, tích trượng: cái bình sành, đất nung hay nhôm của nhà sư dùng đựng thức ăn, hình tròn quả bí, vòng kính chừng 20 cm, chiều cao cũng gần giống nhau. Bình bát còn gọi là đồ pháp khí, nhờ đó người tu hành có phương tiện nuôi thân tâm để làm tăng trưởng trí huệ; tích trượng: cây gậy chống hay để làm hiệu lệnh thiền của các vị tăng niên trưởng trong các tăng viện.

(7) Hiền kiếp hay thiện kiếp là kiếp lớn hiện tại, trong đó có nhiều bậc Thánh hiền xuất thế, nên gọi là hiền kiếp. Kiếp đã qua gọi là quá khứ trang nghiêm, kiếp hiện tại hay hiền kiếp và kiếp vị lai hay tinh tú kiếp.

(8) Xá lợi: hài cốt của Phật sau khi hỏa thiêu còn lưu lại chất tinh ba lẫn trong tro tàn, được hàng đệ tử chia nhau phụng thờ.

(9) Ðời mạt pháp: giáo pháp được chia làm 3 thời kỳ: chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Thời kỳ chót của giáo pháp sắp bị tiêu diệt. Công cuộc truyền giáo bị bức hại, đàn áp, khủng bố; Tăng, tín đồ thiếu tự do hành đạo. Ðó là thời kỳ sau khi Phật diệt độ 2000 năm trở lui, người tu chứng hầu như thưa vắng, mối giềng của đạo bị lỏng lẽo, bị thế quyền xâm lấn v.v...

(10) Pháp vương tử (Xem chú thích ở trước)

(11) Năm đường hay năm loài qua lại lên xuống trong các ngã luân hồi là cảnh giới người, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

(12) Tứ đế: bốn chân lý chân thật do đức Phật Thích Ca thuyết minh đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho 5 người bạn đồng tu với Ngài lúc trước về chân nghĩa kiếp người là khổ, tập, diệt, đạo. Người tu hành quán chiếu tự nội để thấy rõ chân ý nghĩa cuộc đời, con người trong vũ trụ vạn hữu.

(13) Bốn chánh cần: bốn pháp chánh yếu cần hành là: điều ác chưa sanh đừng cho sanh, điều ác đã sanh khiến cho tiêu diệt, điều thiện chưa sanh làm cho phát sanh, điều thiện đã sanh khiến cho tăng trưởng.

(14) Bốn như ý túc: bốn điều biết đủ như ý là ham muốn biết đủ, suy nghĩ, tinh tấn, thiền định phải thỏa đáng những điều tri túc của thân tâm.

(15) Ngũ căn, ngũ lực: năm căn là tín, tấn, niệm, định, huệ là cái gốc rễ cội nguồn tiềm tàng bên trong con người; và năm lực là sức mạnh hay năng lực của năm căn tác động mạnh mẽ trên sự vật.

(16) Thất Bồ Ðề phần hay 7 pháp trợ đạo Bồ Ðề là chọn pháp tu, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định và xã (không bận buộc, vướng mắc)

(17) Tám ngọn gió làm lay động đời sống chúng ta trong mọi trường hợp. Ðó là lợi, hủy (nói xấu), ai (thương), dự (khen), xưng (tán dương), cơ (chê), khổ (hoạn nạn), lạc (vui thú).

(18) Lậu tận: lậu là rỉ, lọt, rơi rớt, thắm rịn... chỉ cho phiền não đã hết sạch

(19) Tội ngũ nghịch: năm tội nghịch phải đọa địa ngục: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp tăng và làm cho thân Phật chảy máu.

(20) Tứ vô sở úy: bốn đức tánh không sợ sệt, chỉ chư Phật và Bồ Tát mới có. Bốn trí của Phật: 1) có trí biết tất cả nên không sợ, 2) dứt hết các phiền não nên không sợ, 3) nói rõ chỗ ngăn ngại đạo nên chẳng sợ gì cả, 4) giảng dạy đạo dứt hết mọi sự khổ nên không sợ sệt; bốn trí của Bồ Tát: 1) giữ trọn chẳng quên, thuyết pháp chẳng sợ, 2) biết món thuốc pháp lý và biết căn tánh dục của chúng sanh, nên thuyết pháp chẳng sợ, 3) tái vấn đáp giỏi nên thuyết pháp không sợ, 4) Có thể trừ các mối nghi của chúng sanh, nên thuyết pháp chẳng sợ (Xem thêm chú thích 33, Q1).

(21) Tứ vô ngại trí: bốn trí không ngại của Phật và của Bồ Tát. Ðó là: 1) Pháp vô ngại trí: trí biết các pháp và diễn giải không ngăn ngại, 2) Nghĩa vô ngại trí: trí biết nghĩa lý của các pháp, tùy tên mỗi pháp mà giảng nghĩa không bị ngăn ngại, 3) Từ ngại trí: trí biết các danh tự, ngôn từ một cách không ngăn ngại, 4) Nhạo thuyết vô ngại trí: trí biết căn tánh chúng sanh, ưa thuyết không bị chướng ngại, không lui, không sợ trở ngại chi cả.

(22) Lợi, độn: lợi là bén nhạy, độn là cùn lụt hay thông minh lanh lợi và đần độn ngu si.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]