Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ 23: Phẩm thứ 22 Bồ tát Quang minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương

26/04/201311:39(Xem: 11520)
Quyển thứ 23: Phẩm thứ 22 Bồ tát Quang minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương

Kinh Đại Bát Niết Bàn

Quyển thứ 23: Phẩm thứ 22 Bồ tát Quang minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương

Cư sĩ Tuệ Khai Việt dịch

Nguồn: Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm - Việt dịch: Cư Sĩ Tuệ Khai - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích
Đỗng Minh

Phần thứ V. - Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ bảy ? Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu tác khởi suy nghĩ này : “Pháp nào có thể vì Đại Bát Niết Bàn mà tạo tác nhân gần ?” thì liền biết có bốn thứ pháp vì Đại Niết Bàn mà làm nhân gần. Nếu nói rằng, siêng tu tất cả khổ hạnh là nhân duyên gần Đại Niết Bàn thì nghĩa này chẳng đúng. Sở dĩ vì sao ? Vì nếu lìa khỏi bốn pháp mà được Niết Bàn thì không có điều này. Những gì là bốn pháp ? Một là thân cận bạn lành, hai là chuyên tâm nghe pháp, ba là buộc ý niệm tư duy, bốn là như pháp tu hành. Này thiện nam tử ! Ví như có người, thân mắc mọi thứ bệnh hoặc nóng, hoặc lạnh, ho lao, sốt rét và mọi thứ tà quỉ độc hại... đi đến chỗ thầy thuốc giỏi. Thầy thuốc giỏi liền vì người ấy, theo bệnh nói toa thuốc. Người này chí tâm khéo thọ lời dạy của thầy thuốc, rồi theo lời dạy hòa hợp thuốc, theo đúng như pháp uống thuốc, uống xong bệnh khỏi, thân được an vui. Người có bệnh là ví các Bồ tát. Vị đại lương y là ví cho thiện tri thức. Lời nói của lương y là ví kinh Phương Đẳng. Khéo thọ lời dạy của thầy thuốc là ví cho sự khéo suy nghĩ nghĩa của kinh Phương Đẳng. Theo lời dạy hòa hợp thuốc là ví cho việc theo đúng như pháp tu hành ba mươi bảy pháp trợ đạo. Bịnh trừ khỏi là ví cho việc diệt phiền não. Được an vui là ví cho việc được Niết Bàn Thường Lạc Ngã Tịnh. Này thiện nam tử ! Ví như có vị vua muốn theo đúng như pháp cai trị khiến cho dân an vui. Ngài hỏi các bề tôi trí tuệ, pháp ấy là gì ? Các bề tôi liền đem pháp xưa của tiên vương mà vì vua nói ra. Vua đã nghe rồi, chí tâm tin làm, đúng như pháp trị nước, không có các oán địch. Vậy nên khiến cho dân an vui, không hoạn nạn. Này thiện nam tử ! Vua là ví các vị Bồ tát. Các bề tôi trí tuệ là ví thiện tri thức. Lời nói pháp trị của bề tôi trí tuệ vì vua là ví mười hai bộ kinh. Vua đã nghe rồi chí tâm tin làm là ví các vị Bồ tát ràng buộc lòng suy nghĩ thậm thâm sở hữu của mười hai bộ kinh. Theo đúng như pháp trị nước là ví các Bồ tát theo đúng như pháp tu hành như là sáu Balamật. Do có thể tu tập sáu Balamật nên không các oán địch là vì các Bồ tát đã lìa khỏi những ác tặc phiền não kết. Được an vui là ví các Bồ tát được Đại Niết Bàn Thường Lạc Ngã Tịnh. Này thiện nam tử ! Ví như có người mắc bệnh hủi. Có người thiện tri thức nói với ông rằng : “Ngươi nếu có thể đến bên núi Tu Di thì bệnh có thể được khỏi. Sở dĩ vì sao ? Vì ở đó có thuốc hay, vị như cam lộ. Nếu có thể được uống thì bệnh không gì chẳng khỏi”. Người bệnh ấy chí tâm tin việc này, rồi liền đi đến núi đó, tìm uống cam lộ thì bệnh ấy trừ khỏi, thân được an vui. Người bệnh hủi ví cho các phàm phu. Thiện tri thức ví cho các Đại Bồ tát.v.v... Chí tâm tín thọ ví cho bốn vô lượng tâm. Núi Tu Di ví cho tám Thánh đạo. Vị cam lộ ví cho Phật tính. Bệnh hủi trừ khỏi ví cho diệt phiền não. Được yên vui ví cho được Niết Bàn Thường Lạc Ngã Tịnh. Này thiện nam tử ! Ví như có người nuôi các đệ tử thông minh đại trí. Người này ngày đêm thường dạy bảo họ chẳng mệt mỏi. Các Bồ tát .v.v.. cũng lại như vậy, tất cả chúng sinh có tin hay chẳng tin đều thường giáo hóa không có mệt chán. Này thiện nam tử ! Thiện tri thức là gọi Phật, Bồ tát, Bích Chi Phật, Thanh Văn, kẻ tin Phương Đẳng trong loài người. Vì sao gọi là thiện tri thức vậy ? Thiện tri thức thì có thể dạy bảo chúng sinh xa lìa mười ác, tu hành mười thiện. Do nghĩa này nên gọi là thiện tri thức. Lại nữa, thiện tri thức là theo đúng như pháp mà nói, theo đúng như nói mà làm. Sao gọi là theo đúng như pháp mà nói, theo đúng như lời nói mà làm ? Tự chẳng sát sinh, dạy người chẳng sát sinh... cho đến tự làm theo chánh kiến, dạy người chánh kiến. Người nếu có thể như vậy thì được gọi là chân thiện tri thức. Tự tu Bồ Đề, cũng dạy người tu hành Bồ Đề, do nghĩa này nên gọi là thiện tri thức. Tự có thể tu hành Tín, Giới, Bố thí, Đa văn, Trí tuệ... cũng có thể dạy người Tín, Giới, Bố thí, Đa văn, Trí tuệ... lại do nghĩa này nên gọi là thiện tri thức. Người thiện tri thức thì có thiện pháp vậy. Những gì là thiện pháp ? Việc mình làm chẳng cầu vui cho mình, thường vì chúng sinh mà cầu an vui. Thấy người khác có lỗi chẳng nói ra sở đoản của họ. Miệng thường tuyên nói toàn là việc thiện. Do những nghĩa này nên gọi là thiện tri thức. Này thiện nam tử ! Như vầng trăng trong không từ ngày mùng một đầu tiên đến ngày mười lăm tăng trưởng dần dần. Thiện tri thức cũng lại như vậy, khiến cho những người học xa dần ác pháp, tăng trưởng thiện pháp. Này thiện nam tử ! Nếu có người thân cận thiện tri thức mà vốn chưa có giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến thì liền có những thứ đó, chưa đầy đủ thì được rộng thêm. Vì sao vậy ? Vì do thân cận thiện tri thức ấy. Nhân sự thân cận này được liễu đạt nghĩa thậm thâm của mười hai bộ kinh. Nếu người có thể nghe nghĩa thậm thâm của mười hai bộ kinh này thì gọi là Thính pháp (nghe pháp).

Nghe pháp thì tức là nghe kinh điển Đại Thừa Phương Đẳng này. Nghe kinh Phương Đẳng thì gọi là chân thính pháp. Chân thính pháp thì tức là thính thọ kinh Đại Niết Bàn. Trong kinh Đại Niết Bàn nghe có Phật tính, Như Lai rốt ráo chẳng Bát Niết Bàn. Vậy nên gọi là chuyên tâm thính pháp mà chuyên tâm thính pháp gọi tám Thánh đạo. Do tám Thánh đạo có thể đoạn trừ tham dục, sân nhuế, ngu si nên gọi là Thính pháp. Luận về thính pháp thì gọi là mười một không. Do những không này đối với tất cả pháp chẳng tạo tác tướng mạo. Luận về thính pháp thì gọi sự bắt đầu phát tâm đến rốt ráo tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do nhân tâm ban đầu mà được Đại Niết Bàn, chẳng do nghe được Đại Niết Bàn mà do tu tập nên được Đại Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Ví như người bệnh tuy nghe lời dạy bảo của thầy thuốc và tên các vị thuốc thì chẳng thể khỏi bệnh mà cần phải uống thuốc mới được trừ khỏi bệnh. Tuy nghe pháp mười hai nhân duyên thậm thâm thì chẳng thể đoạn diệt tất cả phiền não mà cần phải ràng buộc ý niệm khéo suy nghĩ mới có thể được đoạn trừ. Đó gọi là ràng buộc tư duy thứ ba.

Lại nữa, do nghĩa gì gọi là ràng buộc ý niệm tư duy ? Đó gọi là ba tam muội : Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội. Không là đối với hai mươi lăm cõi hữu chẳng thấy một cái gì thật cả. Vô tác là đối với hai mươi lăm cõi hữu chẳng tác khởi nguyện cầu. Vô tướng là không có mười tướng, là sắc tướng, thanh tướng, hương tướng, vị tướng, xúc tướng, sinh tướng, trụ tướng, diệt tướng, nam tướng, nữ tướng. Tu tập ba tam muội như vậy thì đó gọi là Bồ tát ràng buộc ý niệm tư duy.

Sao gọi là đúng như pháp tu hành ? Như pháp tu hành tức là tu Đàn Balamật... cho đến bát nhã Balamật, biết tướng chân thật của ấm, giới, nhập cũng biết Thanh Văn, Duyên Giác và chư Phật đồng ở một đạo, mà pháp Niết Bàn tức là Thường Lạc Ngã Tịnh, chẳng sinh, chẳng già, chẳng bệnh, chẳng chết, chẳng đói, chẳng khát, chẳng khổ, chẳng não, chẳng thoái, chẳng mất. Này thiện nam tử ! Giải được nghĩa thậm thâm của Đại Niết Bàn thì biết các đức Phật nhất định chẳng rốt ráo vào Niết Bàn.

Này thiện nam tử ! Thiện tri thức chân thật đệ nhất là gọi Bồ tát chư Phật Thế Tôn. Vì sao vậy ? Vì các ngài thường dùng ba thứ thiện để điều ngự. Những gì là ba ? Một là lời nói êm dịu rốt ráo, hai là lời quở trách rốt ráo, ba là lời êm dịu quở trách. Do nghĩa này nên Bồ tát, chư Phật tức là thiện tri thức rốt ráo vậy. Lại nữa, này thiện nam tử ! Phật và Bồ tát là bậc Đại y (thầy thuốc) nên gọi là Thiện tri thức. Vì sao vậy ? Vì các vị biết bệnh, biết thuốc và ứng với bệnh mà cho thuốc. Ví như vị lương y giỏi tám thứ thuật; trước tiên xem tướng của bệnh. Tướng bệnh có ba thứ. Những gì là ba ? Đó là phong, nhiệt, thủy. Người bệnh về phong (gió) thì trao cho tô du (dầu váng sữa). Người bệnh về nhiệt thì trao cho thạch mật (đường táng). Người bệnh về nước thì trao cho nước nấu gừng. Do biết căn bệnh cho thuốc được khỏi nên gọi là lương y. Phật và Bồ tát cũng lại như vậy, biết bệnh của các phàm phu có ba thứ, một là tham dục, hai là sân nhuế, ba là ngu si. Người bệnh tham dục thì dạy quán tướng xương khô. Người bệnh sân nhuế thì dạy quán tướng từ bi. Người bệnh ngu si thì dạy quán tướng mười hai nhân duyên. Do nghĩa này nên các đức Phật Bồ tát gọi là thiện tri thức. Này thiện nam tử ! Ví như vị thuyền sư giỏi đưa người nên gọi là Đại thuyền sư. Các đức Phật, Bồ tát cũng lại như vậy, đưa các chúng sinh qua biển lớn sinh tử. Do nghĩa này nên gọi là thiện tri thức. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nhân Phật, Bồ tát khiến cho các chúng sinh tu được đầy đủ căn bản thiện pháp nên này thiện nam tử ! Ví như núi Tuyết mới là chỗ của đủ thứ cội rễ thượng dược vi diệu. Phật và Bồ tát cũng lại như vậy, đều là chỗ căn bản của tất cả thiện căn. Do nghĩa này nên gọi là thiện tri thức. Này thiện nam tử ! Trong núi Tuyết có thứ thượng hương dược tên là Tatta mà có người nhìn thấy nó thì được sống lâu không lường, không có bệnh khổ, tuy có bốn thứ độc nhưng chẳng thể gây tổn thương. Nếu có người chạm đến nó thì tăng trưởng thọ mạng đầy một trăm hai mươi năm. Nếu có người nghĩ đến nó thì được trí túc mạng (trí biết đời trước). Vì sao vậy ? Vì thế lực của thuốc vậy. Các đức Phật Bồ tát cũng lại như vậy, nếu có người thấy liền đoạn trừ tất cả phiền não, tuy có bốn ma nhưng chẳng thể can loạn. Nếu có người chạm được thì mạng chẳng thể chết yểu, chẳng sinh, chẳng chết, chẳng thoái, chẳng mất. Như là người chạm xúc, nếu ở bên đức Phật thính thọ diệu pháp. Nếu có người nghĩ đến thì được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên các đức Phật, Bồ tát gọi là thiện tri thức. Này thiện nam tử ! Như trong núi Hương có cái ao A nậu đạt. Do cái ao này nên có bốn dòng sông lớn, gọi là Hằng Hà, Tân Đầu, Tư Đà, Bác Xoa. Chúng sinh ở thế gian thường nói rằng : “Nếu người có tội tắm ở bốn dòng sông này thì mọi tội được trừ diệt”. Ông phải biết là lời nói này hư dối chẳng thật. Trừ việc đã qua này, thì những gì là thật ? Các đức Phật, Bồ tát mới chính là thật. Sở dĩ vì sao ? Vì nếu người thân cận các vị ấy thì được diệt trừ tất cả mọi tội. Do nghĩa này nên gọi là thiện tri thức. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như những thứ thuộc sở hữu của đại địa như cây thuốc, tất cả rừng rậm, trăm thứ lúa, mía đường, hoa quả.... gặp thời tiết nóng hạn lớn, sắp muốn khô chết. Vua rồng Nan Đà và Bà Nan Đà thương xót chúng sinh, từ biển cả xuất hiện, tuông xuống mưa cam lộ thì tất cả rừng rậm, trăm thứ lúa, cỏ cây thấm nhuần mà sống trở lại. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, sở hữu thiện căn của họ sắp muốn tiêu diệt. Các đức Phật Bồ tát phát sinh đại từ bi, từ biển trí tuệ, tuông mưa cam lộ, khiến cho các chúng sinh trở lại được đầy đủ mười pháp thiện. Do nghĩa này nên các đức Phật, Bồ tát gọi là thiện tri thức. Này thiện nam tử ! Ví như vị lương y giỏi tám thứ thuật, thấy các người bệnh, chẳng quan sát phân biệt dòng họ, đoan chính, xấu hèn, tiền tài, của báu... mà đều vì họ trị liệu. Vậy nên đời xưng tụng là bậc đại lương y. Các đức Phật, Bồ tát cũng lại như vậy, thấy các chúng sinh có bệnh phiền não, chẳng cần quan sát dòng họ, đoan chính, xấu hèn, tiền tài, của báu đều sinh lòng thương xót vì họ nói pháp. Chúng sinh nghe rồi, bệnh phiền não tiêu trừ. Do nghĩa này nên các đức Phật, Bồ tát gọi là thiện tri thức. Do nhân duyên gần gũi bạn lành này nên được gần với Đại Bát Niết Bàn.

Sao gọi là nhân duyên Bồ tát nghe pháp mà được gần với Đại Bát Niết Bàn ? Tất cả chúng sinh do nghe pháp nên đủ tín căn mà được tín căn nên ưa hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ... được quả Tu đà hoàn... cho đến quả Phật. Vậy nên phải biết rằng, được các thiện pháp đều là thế lực của nhân duyên thính pháp này. Này thiện nam tử ! Ví như ông trưởng giả chỉ có một đứa con. Ông sai con đi đến nước khác để trao đổi những điều cần thiết. Ông đưa con ra chỗ đường giao thông đông đúc mà lại răn dạy rằng, nếu gặp dâm nữ thì dè chừng chớ thân ái. Nếu thân ái thì chôn thân mất mạng và cả của báu ! Người tệ ác cũng chớ giao du. Người con ấy kính thuận lời dạy bảo của cha nên thân tâm yên ổn, thu hoạch được nhiều của cải quí báu. Đại Bồ tát vì các chúng sinh phu diễn pháp yếu cũng lại như vậy, hiện bày cho các chúng sinh và bốn bộ chúng sự thông suốt hay tắc nghẽn của các con đường để những chúng này, do nghe pháp nên xa lìa các ác, đầy đủ thiện pháp. Do nghĩa này nên nhân duyên nghe pháp thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Ví như gương sáng soi dáng mặt người thì không gì chẳng sáng rõ. Gương sáng nghe pháp cũng lại như vậy, có người soi vào đó thì thấy thiện, ác rõ ràng, không bị ngăn che. Do nghĩa này nên nhân duyên nghe pháp thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Ví như người thương nhân muốn đến bến báu mà chẳng biết đường đi, có người chỉ đường, người ấy theo lời chỉ liền đến được bến báu, thu hoạch được nhiều trân bảo chẳng thể kể xiết. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, muốn đến chỗ thiện để thu nhặt lấy sự quí báu của đạo mà chẳng biết tướng thông suốt hay tắt nghẽn của con đường ấy, được Bồ tát bày đường, chúng sinh theo rồi được đến chỗ thiện, thu hoạch được báu Đại Niết Bàn Vô Thượng. Do nghĩa này nên nhân duyên nghe pháp thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Ví như con voi say điên cuồng lồng lộn, bạo ác muốn giết hại nhiều. Có người quản tượng dùng móc sắt lớn, thiện nghệ móc vào đỉnh đầu voi ấy thì tức thời nó điều thuận, lòng ác hết sạch. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, vì say mê tham dục, sân nhuế, ngu si nên muốn tạo nhiều việc ác. Các vị Bồ tát dùng móc nghe pháp, khéo léo móc lấy khiến cho họ trụ dừng, lại chẳng được khởi tâm tạo các việc ác. Do nghĩa này nên nhân duyên nghe pháp thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Vậy nên ở khắp nơi nơi trong kinh, ta nói rằng, đệ tử của ta chuyên tâm thính thọ mười hai bộ kinh thì lìa khỏi năm ấm, tu thất giác phận. Do tu tập bảy giác phận nên được gần với Đại Bát Niết Bàn. Do nghe pháp nên người Tu đà hoàn lìa khỏi các khủng bố. Sở dĩ vì sao ? Vì như ông trưởng giả Tu Đạt, thân gặp trọng bệnh, lòng buồn rầu lo sợ. Ông nghe ông Xá Lợi Phất nói về Tu đà hoàn có bốn công đức và mười thứ an ủi dỗ dành. Nghe những điều này rồi, thì sự khủng bố liền trừ diệt. Do nghĩa này nên nhân duyên nghe pháp thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì ông được mở pháp nhãn vậy. Đời có ba loại người, một là người không mắt, hai là người một mắt, ba là người hai mắt. Người không mắt thì thường chẳng nghe pháp. Người một mắt thì tuy tạm nghe pháp nhưng lòng họ chẳng trụ. Người hai mắt thì chuyên tâm thính thọ, theo đúng điều đã nghe mà thực hành. Do nghe pháp nên được biết ba loại người như vậy của thế gian. Do nghĩa này nên nhân duyên nghe pháp thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Như ta thuở trước khi ở thành Câu Thi Na, ông Xá Lợi Phất, thân gặp bệnh khổ. Khi ta để lại lời dặn dò Tỳ-kheo A Nan, rộng vì mọi người nói pháp. Ông Xá Lợi Phất nghe việc này rồi, bảo bốn người đệ tử rằng : “Các ông hãy khiêng giường của ta đi đến chỗ đức Phật, ta muốn nghe pháp!” Bốn người đệ tử vâng lệnh khiêng đến, ông đã nghe được pháp, nhờ lực nghe pháp nên bệnh khổ trừ khỏi, thân được yên ổn. Do nghĩa này nên nhân duyên nghe được gần với Đại Bát Niết Bàn.

Sao gọi là Bồ tát nhân duyên tư duy mà được với Đại Bát Niết Bàn ? Nhân tư duy này mà lòng được giải thoát. Vì sao vậy ? Vì tất cả chúng sinh thường bị sự trói buộc của năm dục nhờ tư duy nên được giải thoát. Do nghĩa này nên nhân duyên tư duy thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh thường bị sự điên đảo của bốn pháp Thường Lạc Ngã Tịnh. Do tư duy nên được thấy các pháp vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Thấy như vậy rồi thì bốn điên đảo liền đoạn trừ. Do nghĩa này nên nhân duyên tư duy thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này thiện nam tử ! Tất cả các pháp có bốn thứ tướng. Những gì là bốn? Một là sinh tướng, hai là lão tướng, ba là bệnh tướng, bốn là diệt tướng. Do bốn tướng này có thể khiến cho tất cả chúng sinh phàm phu cho đến Tu đà hoàn sinh ra đại khổ não. Nếu người có thể ràng buộc ý niệm khéo tư duy thì tuy gặp bốn tướng này nhưng chẳng sinh ra mọi khổ não. Do nghĩa này nên nhân duyên tư duy thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này thiện nam tử ! Tất cả thiện pháp không gì chẳng nhân tư duy này mà được. Vì sao vậy ? Vì có người tuy ở vô lượng vô biên atăngkỳ kiếp chuyên tâm nghe pháp, nhưng nếu chẳng tư duy thì nhất định chẳng thể được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên nhân duyên tư duy thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh tin Phật, Pháp, Tăng không có biến dịch mà sinh lòng cung kính thì phải biết đều chính là sức của nhân duyên ràng buộc ý niệm tư duy và nhân được đoạn trừ tất cả phiền não. Do nghĩa này nên nhân duyên tư duy thì được gần với Đại Bát Niết Bàn.

Sao gọi là Bồ tát như pháp tu hành ? Này thiện nam tử ! Đoạn trừ ác pháp, tu tập thiện pháp. Đó gọi là Bồ tát như pháp tu hành. Lại nữa, sao gọi là như pháp tu hành ? Thấy tất cả pháp trống rỗng, không sở hữu, vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Do sự thấy này nên thà xả bỏ thân mạng, chẳng phạm cấm giới. Đó gọi là Bồ tát như pháp tu hành. Lại nữa, sao gọi là như pháp tu hành ? Tu có hai thứ, một là chân thật, hai là chẳng thật. Chẳng thật thì chẳng biết Niết Bàn, Phật tính, Như Lai, Pháp, Tăng thật tướng, hư không.v.v... Đó gọi là chẳng thật. Sao gọi là chân thật ? Có thể biết Niết Bàn, Phật tính, Như Lai, Pháp, Tăng, thật tướng, hư không.v.v... Đó gọi là chân thật. Sao gọi là biết tướng Niết Bàn ? Tướng Niết Bàn, phàm có tám việc. Những gì là tám ? Một là tận (hết), hai là thiện tính, ba là thật, bốn là chân, năm là thường, sáu là lạc, bảy là ngã, tám là tịnh. Đó gọi là Niết Bàn. Lại có tám việc. Những gì là tám ? Một là giải thoát, hai là thiện tính, ba là chẳng thật, bốn là chẳng chân, năm là vô thường, sáu là vô lạc, bảy là vô ngã, tám là vô tịnh. Lại có sáu tướng, một là giải thoát, hai là thiện tính, ba là chẳng thật, bốn là chẳng chân, năm là an lạc, sáu là thanh tịnh. Nếu có chúng sinh nương theo đạo thế tục, đoạn trừ phiền não thì Niết Bàn như vậy có tám việc giải thoát chẳng thật. Vì sao vậy? Vì chẳng thường vậy. Do vô thường nên không có thật, không có thật thì không có chân; tuy đoạn phiền não nhưng rồi sẽ khởi trở lại nên vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Đó gọi là tám việc giải thoát của Niết Bàn. Sao gọi là sáu tướng ? Thanh Văn, Duyên Giác đoạn được phiền não nên gọi là giải thoát mà chưa có thể được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nên gọi là chẳng thật. Do chẳng thật nên gọi là chẳng chân, đời vị lai sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nên gọi là vô thường. Do được tám Thánh đạo vô lậu nên gọi là tịnh lạc. Này thiện nam tử ! Nếu biết như vậy thì chính là biết Niết Bàn, chẳng gọi là Phật tính, Như Lai, Pháp, Tăng, thật tính, hư không. Sao gọi là Bồ tát biết Phật tính ? Phật tính có sáu. Những gì là sáu ? Một là thường, hai là tịnh, ba là thật, bốn là thiện, năm là sẽ thấy, sáu là chân. Lại có bảy việc, một là khả chứng, sáu cái còn lại như trên. Đó gọi là Bồ tát biết đến Phật tính. Sao gọi là Bồ tát biết tướng Như Lai ? Như Lai tức là tướng giác, tướng thiện, Thường Lạc Ngã Tịnh, giải thoát, chân thật thị hiện đạo có thể thấy. Đó gọi là Bồ tát biết tướng Như Lai. Sao gọi là Bồ tát biết tướng của pháp ? Pháp thì hoặc thiện hay chẳng thiện, hoặc thường hay chẳng thường, hoặc lạc hay chẳng lạc (vui), hoặc ngã hay vô ngã, hoặc tịnh hay bất tịnh, hoặc biết hay chẳng biết, hoặc giải hay chẳng giải, hoặc chân hay chẳng chân, hoặc tu hay chẳng tu, hoặc thầy (sư) hay chẳng phải thầy, hoặc thật hay chẳng thật. Đó gọi là Bồ tát biết đến tướng của pháp. Sao gọi là Bồ tát biết đến tướng của Tăng? Tăng thì hoặc là Thường, lạc, ngã, tịnh, là tướng đệ tử, tướng có thể thấy, thiện, chân, chẳng thật. Vì sao vậy ? Vì tất cả Thanh Văn đều đắc Phật đạo vậy. Vì sao gọi là chân ? Vì giác ngộ pháp tính. Đó gọi là Bồ tát biết đến tướng của Tăng. Sao gọi là Bồ tát biết đến thật tướng ? Thật tướng thì hoặc thường hay vô thường, hoặc lạc hay vô lạc, hoặc ngã hay vô ngã, hoặc tịnh hay vô tịnh, hoặc thiện hay bất thiện, hoặc có hay không, hoặc Niết Bàn hay chẳng phải Niết Bàn, hoặc giải thoát hay chẳng phải giải thoát, hoặc biết hay chẳng biết, hoặc đoạn hay chẳng đoạn, hoặc chứng hay chẳng chứng, hoặc tu hay chẳng tu, hoặc thấy hay chẳng thấy. Đó gọi là thật tướng, chẳng phải là Niết Bàn, Phật tính, Như Lai, Pháp, Tăng, hư không. Đó gọi là Bồ tát nhân tu Đại Niết Bàn như vậy nên biết được Niết Bàn, Phật tính, Như Lai, Pháp, Tăng, thật tướng, hư không..v.v... tướng pháp sai biệt. Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu chẳng thấy hư không. Vì sao vậy ? Vì Phật và Bồ tát tuy có năm mắt nhưng đã chẳng thấy. Chỉ có tuệ nhãn mới có thể thấy hư không đó. Sự thấy của tuệ nhãn là không có pháp có thể thấy. Vậy nên gọi là thấy. Nếu thấy không có vật gọi là hư không thì hư không như vậy mới gọi là thật. Do sự thật này nên gọi là vô thường. Do vô thường nên không lạc, ngã, tịnh. Này thiện nam tử ! Trống không gọi là không có pháp, không có pháp gọi là trống không (không). Ví như thế gian không có vật gọi là trống không. Tính hư không cũng lại như vậy, không sở hữu nên gọi là hư không. Này thiện nam tử ! Tính của chúng sinh cùng tính hư không đều không thật tính. Vì sao vậy ? Vì như người nói rằng, trừ diệt vật có, nhiên hậu làm ra không, nhưng mà hư không này thật chẳng thể làm. Vì sao vậy ? Vì không sở hữu vậy. Do không có nên phải biết là không có không. Tính của hư không này nếu có thể làm thì gọi là vô thường mà nếu vô thường thì chẳng gọi là hư không. Này thiện nam tử ! Như người thế gian nói rằng, hư không không sắc, không ngăn ngại, thường trụ chẳng biến dịch. Vậy nên đời xưng pháp hư không là “đại” thứ năm. Này thiện nam tử ! Mà hư không này thật không có tính. Do ánh sáng nên gọi là hư không, thật ra không có hư không. Giống như thế đế thật ra không có tính ấy, nhưng vì chúng sinh nên nói có thế đế. Này thiện nam tử ! Thể của Niết Bàn cũng lại như vậy, không có trụ xứ, những là chỗ đoạn phiền não của các đức Phật nên gọi là Niết Bàn. Niết Bàn tức là Thường, lạc, ngã, tịnh. Niết Bàn tuy lạc nhưng chẳng phải thọ lạc mới là niềm vui Tịch diệt thượng diệu. Các đức Phật Như Lai có hai thứ lạc, một là Tịch diệt lạc, hai là Giác tri lạc. Thể của Thật tướng có ba thứ lạc, một là Thọ lạc, hai là Tịch diệt lạc, ba là Giác tri lạc. Phật tính có một lạc, do thường kiến nên khi được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì gọi là Bồ Đề lạc.

Lúc bấy giờ, Đại Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu chỗ đoạn phiền não là Niết Bàn thì việc này chẳng vậy ! Vì sao ? Vì đức Như Lai thuở trước mới thành đạo Phật, đến bên dòng sông Ni Liền Thiền. Bấy giờ, ma vương cùng quyến thuộc đến chỗ đức Phật mà nói lên rằng : “Thưa đức Thế Tôn ! Thời gian Niết Bàn đến rồi ! Vì sao đức Phật chẳng vào Niết Bàn ?” Đức Phật bảo rằng : “Này ma vương ! Ta nay chưa có nhiều đệ tử đa văn, giỏi giữ gìn cấm giới, trí thông minh, linh lợi, có thể giáo hóa chúng sinh. Vậy nên ta chẳng vào !” Nếu nói rằng, chỗ đoạn phiền não là Niết Bàn thì các Bồ tát.v.v... ở vô lượng kiếp đã đoạn dứt phiền não thì vì sao chẳng được xưng là Niết Bàn. Cùng đều là chỗ đoạn nhưng vì duyên gì độc xưng chư Phật có Niết Bàn còn Bồ tát thì không vậy ? Nêu đoạn phiền não chẳng phải Niết Bàn thì vì sao đức Như Lai thuở trước bảo ông Bàlamôn Sinh Danh rằng : “Thân này của ta hôm nay tức là Niết Bàn !” Lại khi đức Như Lai ở tại nước Tỳ Xá Ly, Ma vương lại khải thỉnh đức Như Lai, thuở xưa vì chưa có đệ tử đa văn, trì giới, trí thông minh, linh lợi có thể giáo hóa chúng sinh nên chẳng vào Niết Bàn, nay đã đầy đủ vì sao chẳng vào ? Bấy giờ, đức Như Lai liền bảo Ma rằng : “Ông nay chớ sinh tư tưởng lo chậm ! Lùi về sau ba tháng nữa, ta sẽ vào Niết Bàn !” Thưa đức Thế Tôn ! Nếu giả sử diệt độ chẳng phải là Niết Bàn thì vì sao đức Như Lai tự hẹn ba tháng sẽ Bát Niết Bàn ? Thưa đức Thế Tôn ! Nếu đoạn phiền não là Niết Bàn thì đức Như Lai thuở trước mới ở tại dưới cây Bồ Đề Đạo Tràng, khi đoạn trừ phiền não liền chính là Niết Bàn thì vì sao nay lại nói lùi về sau ba tháng, sẽ bát Niết Bàn ? Thưa đức Thế Tôn ! Nếu giả sử, bấy giờ Niết Bàn thì sao mới vì các lực sĩ của thành Câu Thi Na mà nói rằng, hậu dạ sẽ Bát Niết Bàn ? Đức Như Lai thành thật mà sao phát ra lời nói hư dối này ?

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Đại Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương rằng :

- Này thiện nam tử ! Nếu nói rằng, Như Lai được tướng Quảng trường thiệc thì phải biết Như Lai ở vô lượng kiếp đã lìa khỏi vọng ngữ. Tất cả các đức Phật và các vị Bồ tát, phàm đã nói ra là thành thật chắc chắn, không hư dối. Này thiện nam tử ! Như lời ông nói, ma Ba Tuần thuở trước, khải thỉnh ta vào Niết Bàn, này thiện nam tử ! Nhưng mà vua ma này chân thật chẳng biết định tướng của Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì ý của Ba Tuần cho là chẳng giáo hóa chúng sinh, mặc nhiên mà trụ tức là Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Ví như người đời thấy người chẳng nói, không có sự tạo tác liền cho là người này như chết, không khác. Ma Ba Tuần cũng lại như vậy, ý cho là Như Lai chẳng hóa độ chúng sinh; lặng thinh không lời nói thì liền cho là Như Lai vào Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Như Lai chẳng nói Phật, Pháp, chúng Tăng không tướng sai biệt mà chỉ nói hai pháp Thường trụ, Thanh tịnh không sai biệt vậy. Này thiện nam tử ! Phật cũng chẳng nói, Phật và Phật tính, Niết Bàn không có tướng sai biệt mà chỉ nói, thường hằng, bất biến không sai biệt vậy. Này thiện nam tử ! Phật cũng chẳng nói, Niết Bàn Thật tướng không có tướng sai biệt mà chỉ nói, thường có thật chẳng biến dịch không sai biệt vậy. Này thiện nam tử ! Lúc bấy giờ, các đệ tử Thanh Văn của ta sinh ra tranh tụng như các Tỳ-kheo ác của Câu Đàm Di trái phản lời dạy của ta, phạm nhiều cấm giới, nhận vật bất tịnh, tham cầu lợi dưỡng, hướng về những người bạch y mà tự ngợi khen rằng : “Ta được vô lậu, gọi là quả Tu đà hoàn”... cho đến “Ta được quả A la hán”, hủy nhục người khác, đối với Phật, Pháp, Tăng, giới luật, hòa thượng chẳng sinh lòng cung kính. Ông ở trước ta nói rằng, những vật như vầy đức Phật cho phép nuôi chứa, những vật như vầy đức Phật cho phép nuôi chứa. Ta cũng nói rằng, những vật như vậy ta quả thật chẳng cho phép. Họ lại phản lời ta rằng, những vật như vậy quả thật là Phật cho phép. Những người ác như vậy chẳng tin lời nói của ta. Vì những người này nên ta bảo ma Ba Tuần : “Người chớ lo chậm, lui về sau ba tháng, ta sẽ bát Niết Bàn !” Này thiện nam tử ! Nhân những ác Tỳ-kheo như vậy nên khiến cho những đệ tử Thanh Văn thọ học chẳng thấy thân ta, chẳng nghe pháp của ta, liền nói rằng, đức Như Lai vào với Niết Bàn. Chỉ có các Bồ tát có thể thấy thân ta thường trụ, nghe pháp của ta nên chẳng nói rằng, ta vào Niết Bàn. Đệ tử Thanh Văn tuy lại phát ra lời rằng, Như Lai Niết Bàn. Nhưng mà ta thật chẳng vào với Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Nếu đệ tử Thanh Văn sở hữu của ta, có người nói rằng, Như Lai vào Niết Bàn thì phải biết người này chẳng phải là đệ tử của ta, đó là bè đảng của ma, là người ác tà kiến, chẳng phải là chánh kiến vậy. Nếu có người nói rằng, Như Lai chẳng vào Niết Bàn thì phải biết người đó là chân đệ tử của ta, chẳng phải là bè đảng của ma, là người chánh kiến, chẳng phải là tà kiến vậy. Này thiện nam tử ! Ta ban đầu chẳng thấy trong đệ tử có người nói rằng, Như Lai chẳng giáo hóa chúng sinh, mặc nhiên mà trụ gọi là Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Ví như ông trưởng giả có nhiều vợ con, bỏ đi đến phương khác mà chưa được khoảnh khắc trở về. Các con đều cho là người cha đã đi mãi mà ông trưởng giả này thật chẳng chết mất. Các con ông điên đảo đều sinh ra tư tưởng chết mất. Đệ tử Thanh Văn cũng lại như vậy, chẳng thấy ta nên liền cho là Như Lai đã ở vùng Ta La Song Thọ của thành Câu Thi Na mà Bát Niết Bàn, nhưng ta thật chẳng Bát Niết Bàn mà đệ tử Thanh Văn sinh ra Niết Bàn tưởng. Này thiện nam tử ! Ví như đèn sáng, có người che nó, người còn lại không biết, cho là đèn đã tắt. Nhưng ánh sáng đèn này thật ra cũng chẳng tắt mà do chẳng biết nên sinh tư tưởng đèn tắt đó thôi. Đệ tử Thanh Văn cũng lại như vậy, tuy có tuệ nhãn nhưng do phiền não che khuất nên khiến cho tâm điên đảo, chẳng thấy chân thân mà liền vọng sinh ra tư tưởng diệt độ. Nhưng ta chân thật chẳng rốt ráo diệt độ. Này thiện nam tử ! Như người mù bẩm sinh chẳng thấy mặt trời, mặt trăng. Do chẳng thấy nên họ chẳng biết tướng ngày đêm, sáng tối. Do chẳng biết nên họ liền nói không có mặt trời, mặt trăng chân thật. Thật sự có mặt trời mặt trăng mà người mù chẳng thấy. Do chẳng thấy mà sinh ra tư tưởng điên đão nên họ nói rằng, không mặt trời, mặt trăng. Đệ tử Thanh Văn cũng lại như vậy, như người mù bẩm sinh kia, chẳng thấy Như Lai, liền cho là Như Lai vào với Niết Bàn. Nhưng Như Lai thật chẳng vào Niết Bàn, do điên đảo tưởng nên họ sinh tâm như vậy. Này thiện nam tử ! Ví như mây mù che khuất mặt trời, mặt trăng. Người ngu si liền nói rằng, không có mặt trời mặt trăng mà mặt trời mặt trăng là thật có, nhưng vì bị che khuất nên chúng sinh chẳng thấy đó thôi. Đệ tử Thanh Văn cũng lại như vậy, vì các phiền não che khuất mắt trí tuệ nên chẳng thấy Như Lai, liền nói rằng Như Lai vào với Diệt Độ vậy. Này thiện nam tử ! Chính là Như Lai thị hiện hạnh Anh nhi chẳng phải là Diệt độ. Này thiện nam tử ! Như khi mặt trời của cõi Diêm phù đề lặn thì chúng sinh chẳng thấy vì núi Đen ngăn che. Nhưng mặt trời này, tính chân thật, không lặn mất, do chúng sinh chẳng thấy nên sinh ra tư tưởng lặn mất. Đệ tử Thanh Văn cũng lại như vậy, bị sự chê phủ của những núi phiền não nên chẳng thấy thân ta. Do chẳng thấy nên họ liền đối với Như Lai sinh ra tư tưởng Diệt độ mà ta chân thật chẳng rốt ráo diệt độ mãi. Vậy nên, ở thành Tỳ Xá Ly, ta bảo ma Ba Tuần rằng : “Lùi về sau ba tháng nữa, ta sẽ Niết Bàn!” Này thiện nam tử ! Như Lai huyền kiến (thấy thông qua lẽ huyền bí, thấy trước) Bồ tát Ca Diếp lùi về sau ba tháng thì căn lành sẽ thành thục, cũng thấy trước ông Tu Bạt Đà La ở núi Hương an cư xong rồi sẽ đến chỗ ta. Vậy nên ta bảo vua ma Ba Tuần, lùi về sau ba tháng sẽ vào Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Có các lực sĩ mà số họ đến năm trăm người trọn xong ba tháng nữa, cũng sẽ được phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta vì những điều đó nên bảo với Ba Tuần rằng, lùi về sau ba tháng sẽ Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Như ông Thuần Đà.v.v... và năm trăm người con gái Ly Xa Am La quả, lùi về sau ba tháng thì thiện căn của đạo tâm Vô Thượng sẽ thành thục. Vì những người đó nên ta bảo Ba Tuần, lùi về sau ba tháng sẽ Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Ông Tu Na Sát Đa gần gũi ngoại đạo Ni Kiền Tử.v.v... Ta vì người đó nói pháp trọn mười hai năm mà người đó tà kiến chẳng tin, chẳng thọ. Ta biết rễ cây tà kiến của người này lùi về sau ba tháng nhất định có thể nhổ đứt. Ta vì việc này nên bảo với Ba Tuần rằng, lùi về sau ba tháng sẽ Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Vì nhân duyên gì mà thuở trước, ở bên dòng sông Ni Liên, ta bảo với ma Ba Tuần, ta nay chưa có đệ tử nhiều trí tuệ, vậy nên chẳng được vào Niết Bàn? Khi ta muốn vì năm vị Tỳ-kheo.v.v.. ở thành Ba La Nại chuyển pháp luân. Tiếp theo ta lại muốn vì năm vị Tỳ-kheo.v.v.. như là Gia Xa, Phú Na, Tỳ Ma La Xà, Kiều Phạm Ba Đề, Tu Bà Hầu, tiếp theo lại muốn vì bọn ông trưởng giả Úc Dà gồm năm mươi người.v.v... thứ đến lại muốn vì vua Tần Bà Ta La của nước Ma Dà Đà cũng vô lượng người trời.v.v... thứ đến lại muốn vì Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp với môn đồ gồm năm trăm Tỳ-kheo, thứ đến lại muốn vì hai người anh em Na Đề Ca Diếp, Dà Gia Ca Diếp và năm trăm đệ tử, thứ đến lại muốn vì ông Xá Lợi Phất, ông Mục Kiền Liên với hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo.v.v.. chuyển bánh xe diệu pháp. Vậy nên ta bảo vua ma Ba Tuần rằng, chẳng Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Có cái tên là Niết Bàn chẳng phải Đại Niết Bàn. Sao gọi là Niết Bàn chẳng phải Đại Niết Bàn ? Do chẳng thấy Phật tính nên vô thường, vô ngã, chỉ có lạc và tịnh. Do nghĩa này nên tuy đoạn phiền não nhưng chẳng được gọi là Đại Niết Bàn. Nếu thấy Phật tính, có thể đoạn phiền não thì đó gọi là Đại Bát Niết Bàn. Do thấy Phật tính nên được gọi là Thường Lạc Ngã Tịnh. Do nghĩa này nên đoạn trừ phiền não thì cũng được xưng là Đại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Niết là nói rằng “chẳng”. Bàn là nói rằng “Diệt”. Nghĩa Chẳng Diệt (Bất Diệt) gọi là Niết Bàn. Lại chữ Bàn nghĩa là che (phú). Nghĩa Chẳng Che (Bất Phú) mới gọi là Niết Bàn. Bàn nghĩa là khứ lai, chẳng khứ, chẳng lai mới gọi là Niết Bàn. Bàn nghĩa là thủ (lấy), chẳng thủ mới gọi là Niết Bàn. Bàn nghĩa là bất định, định không bất định mới gọi là Niết Bàn. Bàn nghĩa là mới (tâm), không mới nên mới gọi là Niết Bàn. Bàn nghĩa là chướng ngại, nghĩa không chướng ngại mới gọi là Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Có đệ tử Ưu Lâu Ca Ca Tỳ La.v.v... nói rằng, Bàn là gọi tướng nghĩa không tướng thì mới gọi là Niết Bàn. Này thiện nam tử! Bàn là nói có, nghĩa không có mới gọi là Niết Bàn. Bàn gọi là hòa hợp, nghĩa không hòa hợp mới gọi là Niết Bàn. Bàn là nói khổ, nghĩa không khổ mới gọi là Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Đoạn trừ phiền não thì chẳng gọi là Niết Bàn, chẳng sinh ra phiền não mới gọi là Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Các đức Phật Như Lai chẳng khởi phiền não thì đó gọi là Niết Bàn. Trí tuệ sở hữu đối với pháp không ngăn ngại thì đó là Như Lai. Như Lai chẳng phải là phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát thì đó gọi là Phật tính. Thân tâm trí tuệ của Như Lai đầy khắp vô lượng vô biên atăngkỳ cõi, không có sự chướng ngại thì đó gọi là hư không. Như Lai thường trụ không có biến dịch thì gọi rằng Thật tướng. Do nghĩa này nên Như Lai chân thật chẳng rốt ráo Niết Bàn. Đó gọi là Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ bảy.

Này thiện nam tử ! Sao gọi là Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ tám ? Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn thì đoạn trừ năm việc, lìa xa năm việc, thành tựu sáu việc, tu tập năm việc, thủ hộ một việc, thân cận bốn việc, tin thuận một sự thật, lòng giỏi giải thoát, tuệ khéo giải thoát. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Bồ tát đoạn trừ năm việc ? Đó là đoạn trừ năm ấm, sắc, thọ, tưởng, hành thức. Cái gọi là ấm, nghĩa ấy thế nào ? Có thể khiến cho chúng sinh, sinh tử nối tiếp nhau, chẳng lìa khỏi gánh nặng, phân tán tụ hợp bị sự nhiếp lấy của ba đời, tìm cầu nghĩa thật của nó rõ ràng chẳng thể được... do những nghĩa này nên gọi là ấm. Đại Bồ tát tuy thấy sắc ấm nhưng chẳng thấy tướng của sắc ấy. Vì sao vậy ? Vì ở trong mười sắc mà tìm kiếm tính của nó đều chẳng thể được. Vì thế giới nên nói rằng là ấm. Thọ có một trăm lẻ tám. Tuy thấy Thọ ấm nhưng đầu tiên không có thọ tướng. Vì sao vậy ? Thọ tuy một trăm lẻ tám nhưng lý không nhất định chân thật. Vậy nên Bồ tát chẳng thấy Thọ ấm. Tưởng, Hành, Thức.v.v... cũng lại như vậy. Đại Bồ tát thấy sâu năm ấm chính là nơi phát sinh ra căn bản của phiền não vậy. Do nghĩa này nên dùng phương tiện khiến cho chúng đoạn trừ. Sao gọi là Bồ tát xa lìa năm việc ? Đó là xa lìa năm kiến. Những gì là năm ? Một là thân kiến, hai là biên kiến, ba là tà kiến, bốn là giới thủ (giới là cấm giới), năm là kiến thủ (thủ là lấy). Nhân năm kiến này sinh ra sáu mươi hai kiến. Nhân những kiến này mà sinh tử chẳng dứt. Vậy nên Bồ tát phòng hộ chẳng gần gũi. Sao gọi là Bồ tát thành tựu sáu việc ? Đó là sáu niệm xứ. Những gì là sáu ? Một là niệm Phật, hai là niệm Pháp, ba là niệm Tăng, bốn là niệm Thiên, năm là niệm Thí (bố thí), sáu là niệm Giới (giới cấm). Đó gọi là Bồ tát thành tựu sáu việc. Sao gọi là Bồ tát tu tập năm việc ? Đó là tu tập năm định, một là Tri định, hai là Tịch định, ba là thân tâm thọ khoái lạc định, bốn là Vô lạc định, năm là Thủ Lăng Nghiêm định. Tu tập năm thứ định tâm như vậy thì được gần với Đại Bát Niết Bàn. Vậy nên Bồ tát lòng phải siêng năng tu tập. Sao gọi là Bồ tát thủ hộ một việc ? Đó là thủ hộ tâm Bồ Đề. Đại Bồ tát thường phải siêng thủ hộ tâm Bồ Đề, giống như người đời thủ hộ con một, cũng như kẻ chột hộ giữ một mắt còn lại, như người đi giữa đồng trống thủ hộ kẻ dẫn đường. Bồ tát thủ hộ tâm Bồ Đề cũng lại như vậy. Nhân thủ hộ tâm Bồ Đề như vậy nên được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nhân được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nên Thường Lạc Ngã Tịnh đầy đủ mà có, tức là Đại Bát Niết Bàn Vô Thượng. Vậy nên Bồ tát thủ hộ một pháp. Sao gọi là Bồ tát thân cận bốn việc ? Đó là bốn vô lượng tâm. Những gì là bốn ? Một là Đại Từ, hai là Đại Bi, ba là Đại Hỷ, bốn là Đại Xả. Nhân bốn tâm này có thể khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh phát tâm Bồ Đề. Vậy nên Bồ tát bộc lòng thân cận. Sao gọi là Bồ tát tin thuận một thật ? Bồ tát biết rõ tất cả chúng sinh đều về một đạo. Một đạo là gọi Đại Thừa vậy. Các đức Phật, Bồ tát vì chúng sinh nên phân thừa đó làm ba. Vậy nên Bồ tát tin thuận chẳng nghịch lại. Sao gọi là Bồ tát, tâm giỏi giải thoát ? Tâm tham, sân, si đoạn diệt vĩnh viễn thì đó gọi là tâm Bồ tát giỏi giải thoát. Sao gọi là Tuệ Bồ tát giỏi giải thoát ? Đại Bồ tát đối với tất cả pháp biết không có chướng ngại. Đó gọi là tuệ Bồ tát giỏi giải thoát. Nhân tuệ giải thoát nên điều xưa chẳng nghe mà nay được nghe, điều xưa chẳng thấy mà nay được thấy, nơi xưa chẳng đến mà nay được đến.

Lúc bấy giời, Đại Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương bạch rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, tâm giải thoát thì nghĩa chẳng vậy ! Vì sao vậy ? Vì tâm vốn không ràng buộc. Sở dĩ vì sao ? Vì tâm này vốn tính chẳng bị sự trói buộc của các kết tham dục,, sân nhuế, ngu si. Nếu vốn không ràng buộc thì sao mà nói rằng, tâm khéo giải thoát ? Thưa đức Thế Tôn ! Nếu bản tính của tâm chẳng bị sự ràng buộc của tham kết thì nhờ nhân duyên gì mà có thể buộc ? Như người bấu vào sừng mà sừng vốn không tướng sữa thì tuy thêm công lực, sữa cũng không từ đó ra. Người bấu vào vú thì chẳng như vậy, sữa tuy ít nhưng thêm công lực thì ra nhiều. Tâm cũng như vậy, vốn không tham thì sao nay lại có ? Nếu tâm vốn không tham mà sau mới có thì các đức Phật, Bồ tát vốn không tướng tham thì nay đều nên có ! Thưa đức Thế Tôn ! Ví như người con gái bằng đá vốn không tướng con, tuy thêm nhiều công lực với vô lượng nhân duyên nhưng con chẳng thể được. Tâm cũng như vậy, vốn không tướng tham thì tuy tạo đủ mọi duyên nhưng tham không từ đó sinh ra. Thưa đức Thế Tôn ! Như dùi gỗ ẩm ướt thì lửa chẳng thể được. Tâm cũng như vậy, tuy dùi cầu tham nhưng chẳng thể được.... thì sao gọi là tham kết có thể ràng buộc tâm ? Thưa đức Thế Tôn ! Ví như ép cát thì dầu chẳng thể được. Tâm cũng như vậy, tuy lại ép tâm nhưng tham chẳng thể được. Phải biết rằng, tham và tâm hai lý đều khác mà giả sử lại có tham đó thì đâu có thể làm bẩn tâm ? Thưa đức Thế Tôn ! Ví như có người mắc áo ở hư không thì nhất định chẳng trụ, đặt tham vào tâm cũng lại như vậy, dù cho đủ thứ nhân duyên cũng chẳng thể khiến cho tham ràng buộc được tâm. Thưa đức Thế Tôn ! Nếu tâm không tham gọi là giải thoát thì các đức Phật, Bồ tát vì sao chẳng nhổ gai nhọn trong hư không. Thưa đức Thế Tôn ! Tâm đời quá khứ chẳng gọi là giải thoát, tâm đời vị lai cũng không gọi là giải thoát, tâm đời hiện tại chẳng cùng chung đạo thì tâm của những đời nào gọi là được giải thoát? Thưa đức Thế Tôn ! Như vậy đèn quá khứ chẳng thể diệt tối, đèn đời vị lai cũng chẳng diệt tối, đèn đời hiện tại lại chẳng diệt chẳng diệt tối. Vì sao vậy ? Vì ánh sáng cùng bóng tối, cả hai chẳng tồn tại đồng thời. Tâm cũng lại như vậy thì làm sao mà nói rằng, tâm được giải thoát ? Thưa đức Thế Tôn ! Tham cũng là có, nếu tham không có thì khi thấy tướng nữ chẳng nên sinh tham. Nếu nhân tướng nữ mà được sinh ra thì phải biết là tham chân thật là có và do có tham nên đọa ba đường ác. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như có người thấy bức vẽ hình người con gái cũng lại sinh tham. Do sinh ra tham nên được đủ thứ tội. Nếu vốn không tham thì sao thấy bức họa mà sinh ra tham ? Nếu tâm không tham thì sao đức Như Lai nói rằng, tâm Bồ tát được giải thoát ? Nếu tâm có tham thì sao thấy tướng rồi nhiên hậu mới sanh ? Còn chẳng thấy tướng thì chẳng sinh ra vậy ? Con nay hiện thấy có quả báo ác thì phải biết là có tham dục, sân nhuế, ngu si cũng lại như vậy. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như chúng sinh có thân vô ngã mà các phàm phu ngang ngược kể ngã tưởng, tuy có ngã tưởng nhưng chẳng đọa ba đường thì sao người tham đối với không tướng nữ mà khởi lên nữ tưởng thì đọa ba đường ác ? Thưa đức Thế Tôn ! Ví như dùi cây mà sinh ra lửa. Nhưng tính lửa này trong mọi duyên không có thì do nhân duyên gì mà được sinh ra vậy ? Thưa đức Thế Tôn ! Tham cũng như vậy, trong sắc không có tham và hương, vị, xúc, pháp cũng lại không tham thì sao đối với sắc, hương, vị, xúc, pháp mà sinh ra tham vậy ? Nếu trong mọi duyên đều không tham thì sao chỉ một mình chúng sinh sinh ra tham, còn các đức Phật, Bồ tát mà chẳng sinh vậy ? Thưa đức Thế Tôn ! Tâm cũng chẳng định. Nếu tâm định thì không có tham dục, sân nhuế, ngu si. Nếu tâm chẳng định thì làm sao mà nói rằng, tâm được giải thoát ? Tham cũng chẳng định mà nếu chẳng định thì làm sao nhân đó sinh ra ba đường ác ? Tham và cảnh giới, cả hai đều bất định. Vì sao vậy ? Vì đều duyên vào một sắc rồi hoặc sinh ra tham, hoặc sinh ra sân, hoặc sinh ra ngu si. Vậy nên tham cùng với cảnh giới, cả hai đều bất định. Nếu chúng đều bất định thì vì sao đức Như Lai nói rằng, Bồ tát tu Đại Niết Bàn thì tâm được giải thoát ?

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Đại Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương rằng :

- Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Tâm cũng chẳng bị sự ràng buộc của tham kết, cũng chẳng phải chẳng ràng buộc, chẳng phải là giải thoát, chẳng phải chẳng giải thoát, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải hiện tại - chẳng phải quá khứ - chẳng phải vị lai. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Vì tất cả các pháp không tự tính. Này thiện nam tử ! Có các ngoại đạo nói rằng : “Nhân duyên hòa hợp thì có kết quả sinh ra. Nếu trong mọi duyên vốn không tính sinh mà có thể sinh ra quả thì hư không chẳng sinh cũng ứng sinh ra quả. Hư không chẳng sinh chẳng phải là nhân mà do trong mọi duyên vốn có tính quả. Vậy nên tập hợp mà được sinh ra quả. Sở dĩ vì sao ? Vì như Đề Bà Đạt muốn tạo tường vách thì lấy bùn đất chẳng lấy màu sắc, muốn tạo bức tượng vẽ thì gom màu sắc chẳng lấy cỏ cây, làm thì lấy vải lụa chẳng lấy bùn cây, làm nhà thì lấy bùn chẳng lấy vải lụa... Do người lấy nên phải biết là trong đó đều có thể sinh ra quả. Do có thể sinh ra quả nên phải biết là trong nhân nhất định trước có tính. Nếu không tính thì trong một vật cần phải sinh ra tất cả các vật. Nếu đó có thể lấy, có thể tạo tác, có thể sinh ra thì phải biết là trong đó nhất định có quả trước. Nếu không có quả thì người chẳng lấy, chẳng làm, chẳng sinh ra mà chỉ có hư không không lấy, không làm nên có thể sinh ra tất cả vạn vật. Do có nhân nên như hạt Ni câu đà trụ ở cây Ni câu đà, trong sữa có đề hồ, trong tơ có vải, trong bùn có bình”. Này thiện nam tử ! Tất cả phàm phu mù tối vô minh tạo tác ra định thuyết này : Sắc có nghĩa tham trước, tâm có tính tham, lại nói rằng, tâm phàm phu có tính tham, cũng có tính giải thoát, gặp nhân duyên tham thì tâm sinh ra tham, nếu gặp giải thoát thì tâm giải thoát. Tuy họ làm ra lý thuyết này nhưng nghĩa đó chẳng đúng. Có những phàm phu lại nói rằng : “Trong tất cả nhân đều không có quả. Nhân có hai thứ, một là vi tế, hai là thô đại. Tế (nhỏ) tức là thường, thô (to) thì vô thường. Từ nhân vi tế chuyển thành nhân thô đại, rồi từ nhân thô này chuyển lại thành quả. Nhân thô vô thường nên quả cũng vô thường”. Này thiện nam tử ! Có các phàm phu lại nói rằng : “Tâm cũng không nhân, tham cũng không nhân. Do thời tiết nên sinh ra tâm tham”. Bọn người như vậy do chẳng thể biết nhân duyên của tâm nên luân hồi trong sáu đường, chịu đủ sinh tử. Này thiện nam tử ! Ví như con chó bị cột vào trụ, trọn ngày chạy quanh cây trụ, chẳng thể được rời khỏi. Tất cả phàm phu cũng lại như vậy, bị gông vô minh trói buộc vào trụ sinh tử, chạy quanh hai mươi lăm cõi hữu, chẳng thể được rời khỏi. Này thiện nam tử ! Ví như có người rơi vào nhà xí (nhà cầu) đã được ra khỏi rồi mà lại trở vào, như người khỏi bệnh mà lại bị mầm bệnh, như người đi đường gặp nơi hoang vắng, đã qua được rồi mà lại quay trở lại, lại như rửa sạch rồi trở lại trét bùn đất. Tất cả phàm phu cũng lại như vậy, đã được giải thoát chỗ không sở hữu, chỉ chưa được thoát khỏi Phi Phi Tưởng Xứ mà lại đi đến trở lại ba đường ác. Vì sao vậy ? Vì tất cả phàm phu chỉ quan sát ở kết quả, chẳng quan sát nhân duyên. Như con chó đuổi theo hòn đất, chẳng đuổi theo người. Người phàm phu cũng lại như vậy, chỉ quan sát kết quả, chẳng quan sát nhân duyên. Do chẳng quan sát nhân duyên nên từ Phi Tưởng lùi trở lại ba đường ác. Này thiện nam tử ! Các đức Phật, Bồ tát trọn chẳng định nói, trong nhân có quả, trong nhân không quả và có không quả, chẳng phải có chẳng phải không quả. Nếu nói rằng, trong nhân trước tiên định có quả và định không quả, định có không quả, định chẳng phải có chẳng phải không quả thì phải biết những người này đều là bè đảng của ma, hệ thuộc với ma, tức là ái nhân mà ái nhân như vậy thì chẳng thể đoạn trừ vĩnh viễn sự ràng buộc của sinh tử, chẳng biết tướng của tâm và cả tướng của tham. Này thiện nam tử ! Các đức Phật, Bồ tát hiển bày Trung đạo. Vì sao vậy ? Vì các ngài tuy nói các pháp chẳng phải có, chẳng phải không mà chẳng quyết định. Sở dĩ vì sao ? Vì nhân mắt, nhân sắc, nhân ánh sáng, nhân tâm, nhân niệm thì thức được sinh ra. Thức này quyết định chẳng ở trong mắt, trong sắc, trong ánh sáng, trong tâm, trong niệm, cũng chẳng phải trung gian, chẳng phải có, chẳng phải không, từ duyên sinh ra nên gọi đó là hữu (có), không tự tính nên gọi đó là vô (không). Vậy nên Như Lai nói rằng, các pháp chẳng phải có, chẳng phải không. Này thiện nam tử ! Các đức Phật, Bồ tát trọn chẳng định nói, tâm có tịnh tính và bất tịnh tín. Tâm tịnh hay bất tịnh không trụ xứ, từ duyên sinh ra tham nên nói rằng, chẳng phải không; vốn không tính tham nên nói rằng, chẳng phải có. Này thiện nam tử ! Từ nhân duyên nên tâm sinh ra tham, từ nhân duyên nên tâm giải thoát. Này thiện nam tử ! Nhân duyên có hai, một là theo với sinh tử, hai là theo Đại Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Có nhân duyên nên tâm chung với tham sinh ra, chung với tham diệt hết. Có nhân duyên nên tâm chung với tham sinh ra, chẳng chung với tham diệt. Có nhân duyên nên tâm chẳng chung với tham sinh ra, chung với tham đều diệt. Có nhân duyên nên tâm chẳng chung với tham sinh ra, chẳng chung với tham diệt. Sao gọi là tâm chung với tham sinh ra, chung với tham đều diệt ? Này thiện nam tử ! Nếu có phàm phu chưa đoạn trừ tâm tham, tu tập tâm tham thì người như vậy, tâm chung với tham sinh ra, tâm chung với tham diệt. Tất cả chúng sinh chẳng đoạn tâm tham thì tâm chung với tham sinh ra, tâm chung với tham diệt. Như chúng sinh cõi Dục, tất cả đều có vị thiền sơ địa, hoặc tu hay chẳng tu thường được thành tựu, gặp nhân duyên nên liền được ngay, nói nhân duyên là gọi hỏa tai vậy. Tất cả phàm phu cũng lại như vậy, hoặc tu hay chẳng tu, thì tâm chung với tham sinh, tâm chung với tham diệt. Vì sao vậy ? Vì chẳng đoạn trừ tham vậy. Sao gọi là tâm chung với tham sinh, chẳng chung với tham diệt ? Đệ tử Thanh Văn có nhân duyên nên sinh ra tâm tham. Rồi họ sợ tâm tham nên tu quán tưởng xương trắng. Đó gọi là tâm chung với tham sinh, chẳng chung với tham diệt. Lại có tâm chung với tham sinh, chẳng chung với tham diệt. Như người Thanh Văn chưa chứng được bốn quả, có nhân duyên nên sinh ra tâm tham, khi chứng bốn quả thì tâm tham được diệt. Đó gọi là tâm chung với tham sinh, chẳng chung với tham diệt. Bậc Đại Bồ tát khi được Bất Động Địa thì tâm chung với tham sinh, chẳng chung với tham diệt. Sao gọi là tâm chẳng chung với tham sinh, chung với tham đều diệt ? Nếu Đại Bồ tát đoạn trừ tham tâm, rồi vì chúng sinh nên thị hiện có tham. Do thị hiện nên có thể khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh hỏi han thính thọ thiện pháp, thành tựu đầy đủ. Đó gọi là chẳng chung với tham sinh, chung với tham đều diệt. Sao gọi là chẳng chung với tham sinh, chẳng chung với tham diệt ? Đó là A la hán, Duyên Giác, chư Phật, Bồ tát trừ hàng Bất Động địa. Đó gọi là chẳng chung với tham sinh, chẳng chung với tham diệt. Do nghĩa này nên các đức Phật, Bồ tát chẳng quyết định nói rằng, tâm thì tính vốn tịnh, tính vốn chẳng tịnh. Này thiện nam tử ! Tâm này chẳng cùng với tham kết hòa hợp, cũng lại chẳng cùng với sân si hòa hợp. Này thiện nam tử ! Ví như mặt trời, mặt trăng bị sự che phủ của khói, bụi, mây, mù và a tu la. Do nhân duyên này khiến cho các chúng sinh chẳng thể được thấy. Tuy họ chẳng thể thấy tính của mặt trời, mặt trăng nhưng nhất định chúng chẳng cùng năm sự che chắn kia hòa hợp. Tâm cũng như vậy, do nhân duyên nên sinh ra tham kết. Chúng sinh tuy nói tâm cùng với tâm hòa hợp nhưng mà tính của tâm này thật chẳng cùng hòa hợp. Nếu tâm tham này tức là tính tham hay tâm chẳng tham này tức là tính chẳng tham thì tâm chẳng tham chẳng thể là tham và tâm tham kết chẳng thể chẳng tham. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên tham dục kết chẳng thể làm bẩn tâm. Các đức Phật, Bồ tát phá hoại vĩnh viễn tham kết. Vậy nên nói rằng, tâm được giải thoát. tất cả chúng sinh từ nhân duyên nên sinh ra tham kết, từ nhân duyên nên tâm được giải thoát. Này thiện nam tử ! Ví như núi Tuyết, chỗ cheo leo cao chót vót, người cùng vượn đều chẳng thể đi, hoặc lại có chỗ vượn có thể đi, người chẳng thể đi, hoặc lại có chỗ người cùng vượn, cả hai có thể đi. Này thiện nam tử ! Chỗ người cùng vượn có thể đi là như nơi các thợ săn thuần dùng nhựa keo đặt lên đó dùng để bẫy bắt vượn. Con vượn dại nên đưa tay chạm vào, chạm rồi dính tay. Vượn muốn thoát tay nên lấy chân đạp thì chân lại mắc vào theo. Muốn thoát chân nên vượn dùng miệng cắn vào đó thì miệng lại dính luôn. Như vậy năm chỗ đều không được giải thoát. Đến đây, người thợ săn dùng gậy xâu qua con vượn khiêng trở về nhà. Chỗ cao của núi Tuyết ví cho sự được chánh đạo của Phật, Bồ tát. Nhỉ hầu (vượn) là ví các phàm phu. Thợ săn là ví ma Ba Tuần. Nhựa keo là ví tham dục kết. Người cùng vượn đều chẳng thể đi là ví những phàm phu, ma vương Ba Tuần đều chẳng thể đi. Vượn có thể đi, người chẳng thể đi là ví những người có trí tuệ của ngoại đạo, những ác ma.v.v... tuy do năm dục nhưng chẳng thể ràng buộc. Người cùng vượn đều có thể đi là ví tất cả phàm phu và ma Ba Tuần thường ở trong sinh tử, chẳng thể tu hành. Người phàm phu bị năm dục trói buộc, khiến cho ma Ba Tuần tự tại đem đi như người thợ săn kia đánh bẫy nhựa bắt vượn khiêng về nhà. Này thiện nam tử ! Ví như vị quốc vương an trụ ở nước mình thì thân tâm an vui, nếu đến cõi khác thì bị mọi khổ sở. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, nếu có thể tự trụ ở cảnh giới của mình thì được an vui, nếu đến cảnh giới khác thì gặp ác ma chịu những khổ não. Tự cảnh giới là gọi bốn niệm xứ. Cảnh giới khác là gọi năm dục vậy. Sao gọi là hệ thuộc với ma ? Có những chúng sinh, vô thường thấy thưòng - thường thấy vô thường, khổ thấy ra vui - vui thấy ra khổ, chẳng tịnh thấy tịnh - tịnh thấy chẳng tịnh, vô ngã thấy ngã - ngã thấy vô ngã, chẳng phải thật giải thoát dối thấy giải thoát - chân thật giải thoát thấy chẳng phải giải thoát, chẳng phải Thừa thấy Thừa - Thừa thấy chẳng phải Thừa... Người như vậy gọi là hệ thuộc ma mà hệ thuộc ma thì lòng chẳng thanh tịnh. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu thấy các pháp chân thật là có định tướng riêng biệt thì phải biết người này khi thấy sắc thì liền tạo ra sắc tướng... cho đến thấy thức cũng tạo ra thức tướng, thấy nam tạo ra nam tướng, thấy nữ tạo ra nữ tướng, thấy ngày tạo ra tướng ngày, thấy tháng tạo ra tướng tháng, thấy năm tạo ra tướng năm, thấy ấm tạo ra tướng ấm, thấy nhập tạo ra tướng nhập, thấy giới tạo ra tướng giới. Người thấy như vậy thì gọi hệ thuộc ma mà hệ thuộc ma thì tâm chẳng thanh tịnh. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu thấy ngã là sắc, trong sắc có ngã, trong ngã có sắc và sắc thuộc về ngã... cho đến thấy ngã là thức, trong thức có ngã, trong ngã có thức và thức thuộc về ngã... thì người thấy như vậy là hệ thuộc với ma, chẳng phải là đệ tử của ta. Này thiện nam tử ! Đệ tử Thanh Văn của ta xa lìa mười hai bộ kinh của Như Lai, tu tập đủ thứ kinh sách của ngoại đạo, chẳng tu nghiệp xuất gia tịch tịnh, toàn kinh doanh việc tại gia thế tục. Những gì gọi là việc tại gia ? Nhận nuôi chứa tất cả vật bất tịnh như nô tỳ, điền trạch, voi ngựa, xe cộ, la lừa, gà trỉ, chó vượn, heo dê, đủ thứ lúa, mì..., xa lìa Sư Tăng, gần gũi bạch y, trái phản lời dạy của Thánh và hướng về những người bạch y nói rằng : “Đức Phật cho phép Tỳ-kheo nhận nuôi chứa đủ thứ vật bất tịnh. Đó gọi là tu tập việc tại gia. Có các đệ tử chẳng vì Niết Bàn, chỉ vì lợi dưỡng mà thân cận thính thọ mười hai bộ kinh. Vật của Chiêu Đề tăng và vật của tăng mạn (?), áo mặc, ăn tham như tự của mình có, san tham tiếc rẻ của nhà người khác, khen ngợi gần gũi quốc vương và các vương tử, bói quẻ cát hung, tính vận đầy vơi (giàu nghèo), cờ vay, đánh bạc, đánh sư bồ (một lối đánh bạc), ném bầu (một cách đánh bạc), gần gũi Tỳ-kheo ni và những xử nữ (gái chưa chồng), nuôi hai sa di, thường giao du với nhà thợ săn, đồ tể, bán rượu và chỗ ở của bọn chiên đà la, đủ thứ buôn bán, tay tự làm ăn, nhận sự sai khiến của lân quốc, thông báo tin tức... Những người hành động như vậy thì phải biết là quyến thuộc của ma, chẳng phải đệ tử của ta. Do nhân duyên này nên tâm chung với tham sinh, tâm chung với tham diệt... cho đến tâm chung với si sinh, tâm chung với si diệt (si và tâm chung sinh, chung diệt) cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Do nhân duyên này nên tính của tâm chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh. Vậy nên ta nói rằng, tâm được giải thoát. Nếu có người chẳng nhận, chẳng nuôi chứa tất cả vật bất tịnh, vì Đại Niết Bàn thọ trì đọc tụng mười hai bộ kinh, sao chép, giải nói thì phải biết những người đó là đệ tử chân chính của ta, chẳng hành động theo cảnh giới của ác ma Ba Tuần tức là tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Do tu tập nên họ chẳng chung với tham sinh, chẳng chung với tham diệt. Đó gọi là Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ tám.



KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

- Quyển thứ hai mươi ba hết -

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]