Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

LUẬN BỐN

25/04/201317:19(Xem: 8724)
LUẬN BỐN

THIỀN LUẬN

Quyển Hạ

Tác giả:
Daisetz Teitaro Suzuki
Dịch giả:Tuệ Sỹ

---o0o---

LUẬN BỐN

GANDAVYÙHA NÓI VỀMONG CẦU GIÁC NGỘ

1

Chứng giác ngộ tối thưng (anuttarasamyaksambodhi) là cứu cánh của đời sống người theo đạo Phật; dù Đại thừa hay Tiểu thừa, đó là một sự kiện mà hết thảy những người học Phật đều biết rõ: bởi vì thành tố của Phật giáo chính là sự giác ngộ, mà Phật đã đạt đươc dưới gốc cây Bồ đề, bên dòng sông Ni liên thuyền (Nairanjana) trên 25 thế kỷ về trước. Tất cả giáo thuyết của Phật giáo được truyền dạy tại Đông phương ngày nay cùng bắt nguồn cảm hứng nơi chân lý này, cái chân lý vừa có tính cách lịch sử vùa mang chất siêu hình. Nếu không vì sự giác ngộ đó thì không có Phật, không có đạo Phật, không có Thanh văn (Sravaka), không có Duyên giác (Pratyekabuddha), không có A la hán, không có Bồ tát. Giác ngộ là nền tảng của tất cả triết học Phật giáo, cũng như tất cả hoạt dụng Phật giáo, đạo đức và tâm linh.

Phật tử nguyên thủy đi tìm sự giác ngô cho chính mình, cho lợi lạc tâm tinh của riêng mình, và hiển nhiên không nghĩ đến những kẻ khác, không nghĩ đến tất cả mọi người, mọi loài. Ngay dù họ có nghĩ đến, thì họ đòi hỏi mỗi cá nhân Phật tử phải tự nỗ lực cho sự giải thoát tức là giác ngộ cho riêng mình, bởi theo họ, vô minh cản trở không để họ thành tựu giác ngộ và nghiệp ràng buộc họ vào luân hồi, hai thứ đó nương tựa trên khái niệm về những thực tại cá biệt

Với các nhà Đại thừa, ngược lại. Khát vọng giác ngộ của họ trước hết là vì thế giới. Chính bởi họ mong cầu sự giác ngộ và giải thoát của cả thế giới nên trước hết họ nổ lực tụ giác ngộ, tụ giải thoát, tự mình cởi bỏ sự ràng buộc của nghiệp và những chướng ngại do tri thức (sở tri chướng). Chuẩn bị như thế rồi họ mới cất bước đi vào thế gian và công bố chánh pháp của Phật cho các loại hữu tình.

Vì lý do đó, Đại thừa nhấn mạnh trên ý nghĩa tâm nguyện đại bi (mahakaruna). Cứ giở bất cứ quyển kinh nào của Đại thừa, lúc nào chúng ta cũng phải ghi nhận những chữ thuộc loại bi (karuna), mẫn (anukampana) hướng đến hết thảy chúng sinh (sarvasattva; jagat) hầu mang lại cho chúng sự nương tựa (paritrana), hộ trì (samgraha), hứng khởi (paricodana), thành thục (paripaka), luật nghi (vinaya), thanh tịnh (parisuddha),

Rồi lý tưởng Bồ tát - một chúng sinh (sattva) đi tìm sự giác ngộ (bodhi) - như tôi đã từng nói, bắt rễ trong đạo Phật; và một thứ Phật giáo thế tục thay thế học phái cổ của chế độ tăng lữ khổ hạnh và nghiêm khắc. Người tại gia không chỉ để phục vụ cho vị bất sĩ vô gia đình; giáo thuyết của Phật phải được thực hành không riêng cho tập đoàn ưu tú, và khuynh hướng dân chủ xã hội đó đã làm thay đổi rất nhiều tư tưởng Phật giáo. Một trong những thay đổi đó là phân tích một cách thực tiễn quá trình giác ngộ.

Các nhà bác học Tiểu thừa chuyên tâm những vấn đề tinh tế, về thế giới của sắc, hữu hình (rupaloka), về thuyết vô ngã (anatmya), về nhân cách của Phật, về phân tích tâm, v.v... Họ có xu hướng quá siêu hình, quá học thuật, quá duy lý, với kết quả là những vấn đề thực tiễn liên quan đến sự thành tựu giác ngộ và sự ứng dụng hiệu nghiệm của nó trong môi trường sinh hoạt thường nhật của chúng ta bị bỏ quên. Mối bận tâm chủ yếu của các nhà Đại thừa là chính cái đời sống đó.

Khi khảo sát về quá trình hiện thực của giác ngộ. Đại thừa thấy ra rằng nó gồm có hai bước quyết định. Khởi đầu cần phải tạo nên một khát vọng giác ngộ vì kẻ khác, thì mục đích tối hậu mới có thể thành tựu được. Khát vọng đó cũng quan trọng và rất có ý nghĩa như sự thành tựu, vì không thể có thành tựu nếu không có khát vọng kia; quả thực, sự thành tựu luôn luôn được xác định bởi khát vọng; tức là, thời gian, nỗ lực, hiệu quả, .v.v.. của giác ngộ, hoàn toàn dựa trên phẩm chất của ý nguyện ban sơ được phát khởi cho sự thành tựu chủ đích tối hậu. Động lực xác định diễn trình, cá tính, và năng lực của hành động. Mong cầu giải thoát được thúc bách kịch liệt có nghĩa rằng, quả vậy, cái phần lớn và khó khăn của sự nghiệp đã được làm xong. Người ta cũng nói, khởi sự tức là hoàn tất.

Dù vậy, các nhà Đại thừa ý thức rõ giá trị của tâm nguyện ban sơ, khát vọng chứng thành giác ngộ. Sau cuộc phát tâm lần đầu này, vẫn còn nhiều cuộc tu tập; nhưng khóa trình mà Bồ tát bấy giờ phải hạ thủ đã được xác định trọn vẹn và chắc chắn. Công trình quả là tân khổ, nhưng ngài không còn ở trong bóng tối của nghi ngờ và ngu dốt. Vì vậy, trong các kinh điển Đại thừa, sư trỗi dậy ban sơ của khát vọng giác ngộ đó được coi là một biến cố trọng đại trong đời sống của một Phật tử, và được nhắc nhở một cách đặc biệt.

Coi Bồ tát như một kẻ trên thì mong cầu giác ngộ, mà dưới thì do tấm lòng lân tuất nhiệt tình muốn cho khắp cả thế gian thọ hưởng pháp lạc, cái lý tưởng đó được kiên trì trong tất cả những người theo Đại thừa giáo. Thượng cầu Bồ đề, hạ hóa chúng sinh như thế đã là nguyên tắc quy phạm của đời sống đạo Phật ở Viễn đông. Trong tất cả các Thiền viện, người ta xướng lên bốn đại nguyện vào mọi cơ hội, sau một công tác, sau một thời kinh, sau một bữa cơm, sau một buổi giảng:

Chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ;

Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn;

Pháp môn vô lượng, thệ nguyện nguyện học;

Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành.

Không rõ các “thệ nguyện” này được quy định và được nối kết vào đời sống của thiền tăng vào lúc nào, nhưng cái tinh thần sung mãn trong chúng là tinh thần của đại thừa cũng như tinh thần Thiền, và hiển nhiên, kể từ khi đạo Phật truyền vào Trung Hoa và Nhật Bản, nguyên tắc các thệ nguyện đó đã ảnh hưởng đời sống văn hóa Đông phương trong mọi ngành.

Ganda có mô tả hai sắc thái của đời sống Phật tử. Thứ nhất, phát Bồ đề tâm hay làm trổi dậy khát vọng mong cầu giác ngộ tối thượng; thứ hai, thực hành đạo của Bồ tát, tức là Bồ tát Phổ Hiền (Samantabhadra). Thiện Tài đồng tử (.Sudhana) sau khi đã phát tâm (cittotpada) dưới sự chỉ dẫn của ngài Văn Thù, từ đó cuộc hành hương hoàn toàn nhắm vào việc hỏi thăm cách thức thực hành bồ đề hạnh (bodhicaryà). Cho nên ngài Văn Thù nói với đệ tử của mình, khi ngài chỉ thị Thiện Tài đồng tử ra đi cho một cuộc lữ hành trường kỳ và gian khổ: “Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Sau khi đã phát tâm mong cầu giác ngộ tối thượng[1], bây giờ lại muốn tìm học hạnh của Bồ tát, Thiện nam tử, ít thấy có ai phát tâm mong cầu giác ngộ tối thượng, mà những ai sau khi đã phát tâm mong cầu giác ngộ tối thượng lại còn tìm học hạnh của Bồ tát, càng ít thấy hơn. Vì vậy, thiện nam tử, nếu muốn thành tựu Nhất thiết chủng trí, hãy tinh tiến thân cận các bậc thiện hữu tri thức (kalyanamitra)...”

Trong kinh Bát nhã Ba La mật, sắc thái thứ hai của đời sống Phật tử, sau khi phát tâm Bồ đề, là thực hành Bát nhã Ba La mật. Trong Ganda, sự thực hành đó được thắt chặt với công hạnh của Bồ tát Phổ Hiền (Samantabhadra); và Bồ đề hạnh (Bodhicaryà), sinh hoạt của sự giác ngộ, được đồng hóa với Phổ Hiền hạnh (Bhadracaryà). Như thế, Phổ Hiền (Samntabnadra) đứng đối với Văn Thù (Manjusri) trong Ganda. Có thể nói: ý tưởng về nhân cách hữu ngã đã xâm nhập ở đây.

Trong các kinh Bát nhã Ba La mật Bát nhã văn hoàn toàn vô ngã. Một đoạn kinh nói như sau[2]: “Trong thế gian này ít ai có thể nhận biết sáng tỏ Phật, Pháp, Tăng là gì, ít ai thành tín bước theo Phật Pháp Tăng... ít ai có thể phát tâm vô thượng bồ đề[3]... Tu hành Bát nhã lại càng ít nữa... Tinh tiến tu hành Bát nhã cho đến địa vị Bất thối chuyển và an trụ trong Bồ tát địa, lại càng ít gấp bội...”.

“Phát bồ đề tâm” trong Phạn ngữ là bodhicittotpàda, mà nói đủ là “anuttaràyàm samyaksambodhau cittam utpàdam”, tức là : Phát khởi vô thượng chánh giác tâm.

Nếu dịch thành: khởi cái tâm tưởng về giác ngộ, là sai và lầm, như sẽ giải thích sau. Bởi vi nó tương đương vớI “Anuttaram samyaksambodbim àkànksamàna”[4]Mong cầu giác ngộ tối thượng; hay “anuttaràyam samyaksambodhau pranidhanam”[5]Kiên trì khát vọng giác ngộ tối thượng. Trong Ganda, chúng ta thấy có những diễn tả như trên đây, chúng cùng mang một ý:

“vipula-kripa-karana-manasa, paryesase' nuttmam Bodhim”,[6]phát khởi lòng từ xa rộng, rồi tìm cầu giác ngộ tối thượng; “ye bodhiprarthayante”, những ai mong cầu giác ngộ tối thượng[7]

“Anuttarayam samyaksambodhau cittam utpadam”, mà hình thức rút gọn của nó, như đã nhắc đến, là: “bodhicittotpadam”, cũng tương đương với: “anuttarayam samyaksambodhau pranidadahanti.”.[8]Pranidadhàti có nghĩa: “dồn hết chú tâm vào” tức là “quyết tâm thành tựu công trình”. Cái Pranidhana (thệ nguyện) của Bồ tát là cái quyết định cùng độ của ngài quyết thực hiện kế hoạch cứu rỗi tất cả.

Dĩ nhiên, ở đây cần phải có một cái biết chính đáng hay một cái nhìn tri thức trọn vẹn về công trình mà ngài cố thành tựu, nhưng một Pranidhàna còn xa hơn thế nữa, nó là ý chí phải thực thi. Tri thức suông không phải là cứ địa của năng lục ý chí; ý tưởng suông không bao giờ có thể là một tác viên thực thi hữu hiệu. Cittotpàda (Phát tâm) là một hình thái của Pranidhàna. “Hoài bảo một ý tưởng hay “phát khởi một tâm niệm” là một chuyện, mà thực hiện nó lại là một chuyện khác, nhất là khi nó được thực hiện một cách hăng say và nhiệt thành.

Đối với “anuttaràyam samyaksambodhau cittam utpadam”, các dịch giả Trung Hoa có một câu mà nghĩa đen là “phát vôthượng bồ đề tâm”. Tuy nhiên, đây không phải là một lối dịch chính xác. Nghĩa đen nguyên thủy là “có một cái tâm được cất lên cho sự giác ngộ” chứ không phải là cất lên “cái tâm giác ngộ”: Nếu dịch như thế, chúng ta có thể nghĩ rằng, có một tính chất tâm lý đặc biệt được gọi là “cái tâm giác ngộ”, và nhờ khả năng đó mà tâm của ta mở ra cho giác ngộ, hay chính cái tâm đó là sự giác ngộ. Nhưng ý nghĩa của nó thực ra là “ấp ủ ước vọng mong cầu giác ngộ”. Nó là một kiểu đảo ngược, quy hướng về sự giác ngộ của tâm mà trước kia vốn dĩ đã bị khoác cho một bản sắc trần tục; hay nó là sự trỗi dậy của một khát vọng tâm linh mới đã từng yên ngủ; hay nó là một sự định hướng mới của những hoạt động tinh thần mà ta chưa hề mơ tưởng đến; hay nó là cái thấy về một trung tâm mới của năng lực mở ra một viễn tượng tâm linh hoàn toàn mới mẻ. Chúng ta có thể nói rằng, ở đây, người ta đã nói tới sự giác ngộ, và sự giác ngộ đó giúp cho xác định con đường hành xử ngày mai của mình; và rằng, ở đây, một Bồ tát đang bước vào giai đoạn phát khởi.

Còn có những ngộ nhận khác về hình thức giản lựợc của anuttaràyàm samyaksambodhaucittam utpàdam; tôi muốn nói đến lối diễn giải thông thường của các học giả, về thành ngữ bodhicittotpàda trong tiếng Phạn. Nếu khinh suất, như người ta thường mắc phải, nó dường như có nghĩa rằng: “làm trỗi dậy cái tư tưởng về sự giác ngộ? Nhưng đó là nhầm, bởi vì thành ngữ đó chỉ muốn nói rằng: “ấp ủ ước vọng mong cầu giác ngộ”, nghĩa là, ấp ủ một khát vọng tâm linh mong thành tựu giác ngộ tối thượng. Citta ở đây không phải là “tư tưởng” hay “tâm tưởng” mà là “ước vọng”….Và bodhicittotpàdam kỳ công là một lối tỉnh lược của anuttarayàm samyaksambodhau[9]cittam utpàdam.

Làm trỗi dậy hay cất dậy cái tâm tưởng về sự giác ngộ có nghĩa là, nếu nó có một ý nghĩa nhất định nào đó, là có khái niệm về sự giác ngộ, hay tìm thấy ra rằng giác ngộ có nghĩa là gì. Nhưng citta như đã đề cập, không ẩn ý một nội dung tri thức nào như thế, bởi vì nó được dùng trong ý nghĩa tự phát của nó. Cittotpàda là một dòng vận chuyển của ý chí được quyết định hướng tới sự giác ngộ. Khi nào muốn nhắc đến trí năng, các nhà Đại thừa dùng những chữ như jnàna (trí) mati (huệ) budhi (giác), vìjnàna (thức), vân vân.... Citta, hay cittasya, hay adhyasaya, trái lại, thường có một khả năng tự phát, và các dịch giả Trung Hoa đã chấp nhận chữ tâmcho nó một cách rất chính xác. Citta, hoặc được lấy từ ngữ căn ci “tính tập”, hay cit “tri nhận”, cách dùng của Đại thừa không nhất quyết có tính cách trí năng, mà là có tính cách hiệu nghiệm và chí nguyện. Citta là một cái bản hữu, hay một thái độ đặc sắc của tâm.

Do đó, Bodhicittotpàda là một sự kích phát tâm linh mới mẻ, nó thay đổi trung tâm năng lực của ta. Đó là sự trước ý về một khát vọng tôn giáo mới mẻ, tạo ra một sự đột biến trong cơ cấu tinh thần của ta. Một người trước kia vốn là kẻ bàng quan đối với đời sống tôn giáo, nay y ấp ủ một ước vọng nóng bỏng mong giác ngộ, hay mong cầu nhất thiết trí (sarvajnatà), trọn cả dòng sống ngày mai của y được xác định từ đó - đó là Bodhicittotpàda.

Luôn tiện, tôi muốn thêm một lời cước chú sau đây: Kể từ quyển Đại cương về Phật giáo Đại thừa được ấn hành năm 1907, đến nay, những quan điểm của tôi về Đại thừa có thay đổi một vài chi tiết, và có nhiều điểm trong đó mà bây giờ tôi thấy khác đi, nhất là đối với việc giải thích về rnột số từ ngữ Sanskrit. Chẳng hạn, khi trình bày về Bodhicitta, tôi đã định nghĩa nó là “tâm minh mẫn” và thêm rằng, theo lý thuyết, Bodhi hay Bodhicitta có sẵn nơi mỗi chúng sinh và thiết định bản chất cốt yếu của nó, chỉ có điều tâm đó bị bao phủ trong vô minh và vị kỷ. Như thế Bodhicitta được hiểu là một hình thái của Tathagatagarbha (Như lai tạng) hay Alayuvijnana (Tàng thức). Nếu xét lại, lối giải thích Citta như vậy là bất xác; vì rằng, theo đó, giác ngộ tối thượng là sự toàn thiện của Citta nghĩa là, khi Citta được khai triển trọn vẹn, nó đưa đến giác ngộ. Nhưng bây giờ tôi thấy rằng nó không chỉnh, nếu theo quan điểm lịch sử mà coi Bodhicitta cùng một kiểu với các thành ngữ như: Atmagrahacitta, atmaparananatvacitta, bodhimargavipravasacitta, v.v... Bởi lẽ, theo như tôi nêu ra trong thiền luận này, bodhicitta là cách tỉnh lược của anuttarayàm samyaksambodhau cittautpàdam, và nó được dùng đồng nghĩa với sarvajnatàcitta (tâm nhất thiết trí), nên bodhieittotpàda - sarvajnatàcitto tpàda. Bodhi là cái tạo nên tinh thể của Phật nên nó là Sarvajnatà, nhất thiết trí. Sự thực là về sau, mối quan hệ lịch sử đó, giữa bodhicitta và anuttarayàm samyaksambodhua cit tam của utpàtam, hoàn toàn bị quên lãng, hóa ra Bodhicitta mới được trình bày như là có một giá trị thuật ngữ biệt lập. Đó là lẽ tự nhiên, và không nhất thiết là không chính xác nếu trình bày từ ngữ đó như vậy Nhưng, tốt hơn hết là hãy nhớ lại những gì mà tôi đã giải thích ở đây.

Trong Tathàgala-guhyakahay Guhyasamàja, tôi thấy Bodhicitta được diễn tả một cách khá trừu tượng và khá khúc triết. Bản kinh đó nhất định xuất hiện trễ hơn kinh Gandavyùha. Nó pha trộn khá nhiều Mật giáo (Tạntrism), vốn phải coi là một sự thoát sáo của Đại thừa thuần túy. Rồi chúng ta sẽ thấy sự trình bày về Bodhicitta theo Ganda. Dưới đây là những định nghĩa về Citta theo các vị Phật khác nhau, các vị này lập thành đại hội Kim cang bí mật: Vairochana (Đại Nhật Như lai): “Thấy một chúng sinh như là không tự hữu, cái đó kêu bằng không thấy, thấy một chúng sinh tức không phải là chúng sinh cái đó kêu bằng bất khả đắc[10]

Một đoạn khác, đức Vairochana nói: “Bồ đề tâm vượt ngoài tất cả sự biến thành; Bồ đề tâm vừa hệ vừa không hệ trong các Uẩn (shanđha), Xứ (àvatana) và Giới (dhâtu); quán hết thảy các pháp vô ngã và bình đẳng, đó là Tâm của chính ta, từ vô sinh nguyên thủy, và bản tánh là Không (Sùnyatà).” .

Aksobhya (Bất Động Như lai): “Bồ đề tâm thấy rằng tất cả các pháp đều không sinh, không tự tánh, không tha tánh; Tâm như hư không không ngã thể; và đây là chỗ thiết lập vững chãi lý giác ngộ.”

Ratnaketu (Bảo Sanh Như lai): “Bồ đề tâm thấy rằng tất cả các pháp đều không sinh, vô tướng, chúng sinh ra từ pháp vô ngã; và đây là chỗ thiết lập vững chãi lý giác ngộ.”

Amitàyus (A Di Đà Như lai): “Các pháp không sinh, phi hậu, phi kiến; như hư không (dù không có thực tại tính), cũng vậy mới nói Tâm là hữu.”

Amoghasiddhi bất Không Thành Tựu Như Lai): “Các pháp tự bản chất vốn ngời sáng, chúng thuần tịnh như hư không; vì không có cái giác ngộ, cái chứng đắc, nên mới thiết lập vững chãi lý giác ngộ.”

2

Hoài bão ước vọng giác ngộ không phải là biến cố bình thường trong đời sống của một người theo Đại thừa, vì rằng đó là buộc quyết định phải có để hướng tới cái mục tiêu khác hẳn với đời sống của những người được mệnh danh là Tiểu thừa.

Giác ngộ không phải là một công việc riêng tư chẳng can dự gì đến khối lớn cộng đồng; điểm tựa của nó được đặt ngay trong lòng vũ trụ. Khi mà tôi giác ngộ, thì trọn cả Pháp giới (Dharmáphàtu) cũng giác ngộ; thực sự , cái lý giác ngộ của tôi là cái lý của Pháp giới (Dharmadhàtu), cả hai buộc trói lẫn nhau rất sít sao. Vì vậy, nói rằng tôi đã có thể thai nghén một hoài bão to tát cho sự giác ngộ, cái đó nghĩa là cả thế gian đều muốn được giải phóng khỏi vô minh và những dục vọng tội lỗi. Đó là ý có nghĩa của những lời được dẫn dưới đây, phát ra từ Hải Vân tỳ kheo (Sàgramegha), một trong những vị thầy mà Thiện Tài (Sudhana) đến viếng trong cuộc lữ hành cầu đạo trường kỳ của mình: “Hay thay, ông đã làm trỗi dậy ước vọng mong cầu giác ngộ tối thượng; đó là việc không thể có cho những ai chưa từng chứa nhóm đầy đủ thiện căn trong những đời quá khứ.” Cái được gọi là “thiện căn” chỉ có giá chừng nào nó làm ích lợi cho tất cả thế gian. Nếu không thể phụng sự cho toàn thể môi trường gồm những thân thuộc mà mình đứng trong đó nghĩa là, nếu cái nhìn tâm linh của mình mà không trải ra đến bờ cõi xa xôi nhất thì Thiện đức (kusala) của y không phải là “Thiện đức” thứ thiệt, và chẳng có cái lối chứa nhóm nào như vậy mà lại có thể làm trỗi dậy ước vọng giác ngộ.

Hải Vân tỳ kheo tiếp tục tán dương hoài bão khát vọng của Thiện Tài, cái hoài bão chỉ có thể có cho những ai hội đủ những đặc tính sau đây:

1. Những hành vi công đức của họ mang tính cách phổ biến và tỏa sáng (phổ môn thiện căn quang minh);

2. Sự thành đạt Tam muội (samàdhi) của họ đầy đủ ánh sáng của trí tuệ phát xuất từ bước đi trên con đường chân chánh (chân thật đạo tam muội trí quang);

3. Họ có thể làm phát sinh một đại dương công đức (phước hải quảng đại thiển căn);

4. Họ tích tập tất cả các pháp thanh tịnh không hề mệt mỏi (tăng trưởng pháp bạch tịnh không hề mệt mỏi);

5. Họ luôn luôn gần gũi những người bạn tốt và luôn luôn thờ kính;

6. Họ không phải là những người cất chứa tài sản và không hề ngần ngại thí xả thân mạng của mình cho chánh pháp;

7. Họ không còn cống cao ngã mạn, và giống như mặt đất, đối xử bình đẳng với tất cả;

8. Tim của họ đầy cả tình thương yêu và lân tuất, lúc vào cũng nghĩ đến sự ích lợi cho kẻ khác;

9. Họ luôn luôn đối xử thân thiện với tất cả chúng sinh trong các nẻo luân hồi;

10. Họ luôn luôn ước mong được tham dự chúng hội của chư Phật. Rồi Hải Vân kết luận rằng chỉ có những tâm hồn nào thụ bẩm những cảm hứng đó, những tâm tình đó, và những thái độ đó, thì mới đặc cách có hoài bão ước vọng giác ngộ. Bởi vì khát vọng giác ngộ đó thực sự được khởi lên từ:

1. Tâm đại bi (mahãkarunãcitta), mong bảo bọc hết thảy chúng sinh;

2. Tâm đại từ (mahãmaitrĩcitta), luôn luôn muốn làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh;

3. Tâm an lạc (sukhacitta), mong làm cho kẻ khác hạnh phúc, vì thấy chúng chịu đựng đủ mọi hình thức khổ não;

4. Tâm lợi ích (hitảcitta), mong làm lợi ích cho kẻ khác, cứu rỗi họ thoát khỏi những hành vi sai quấy và tội lỗi;

5. Tâm bi mẫn (dayàcitta), mong bảo bọc hết thảy chúng sinh thoát khỏi những tâm tưởng khốn quẫn;

6. Tâm vô ngại (asamgacitta), muốn dẹp bỏ tất cả những chướng ngại cho kẻ khác;

7. Tâm quảng đại (vaipulacitta) đầy khắp cả vũ trụ;

8. Tâm vô biên (anantacitta), như hư không;

9. Tâm vô cấu nhiễm (vimalacitta), thấy hết thảy chư Phật

10. Tâm thanh tịnh (visuddhacitta), ứng hợp với trí tuệ của quá khứ, hiện tại và vị lai;

11. Tâm trí tuệ (jnànacitta), nhờ đó có thể bước vào biển lớn nhất thiết trí.

Dẫn chứng thêm, từ kinh Thập địa (Dsabhùmika)[11]sẽ soi sáng thêm về những bước khởi đầu đưa đến ước vọng giác ngộ, hay phát Bồ đề tâm, cho thấy những lý do sự giác ngộ được ước vọng, cho thấy những yếu tố của giác ngộ, và cho thấy công hiệu của giác ngộ. Cả Dasabhùmika và Ganda đều thuộc vào một bộ kinh Hoa nghiêm trong Tam tạng Đại thừa của Trung Hoa.[12]

Đâu là những điều kiện khởi đầu đưa đến hoài bão ước vọng giác ngộ tối thượng? Đó là:

1. Đầy đủ các thiện căn (kusalamùla);

2. Tu tập các hạnh (carana);

3. Chúa nhóm đầy đủ các tu lơng (sambhàra);

4. Cung kính cúng dường (paryupàsita) các đức Phật; 5. Thành tựu đầy đủ các thiện pháp (sukladharma);

6. Thân cận các thiện tri thức (kalyànamitra);

7. Tâm hoàn toàn thanh tịnh (visuddhàsaya);

8. Tâm quảng đại (vipulàdhyasaya) đợc kiên cố;

9. Tín căn (adhimukti) được bền vững;

10. Sẵn sàng tâm đại bi (karunà).

Theo kinh Thập địa (Dasabhùmika), mười sự kiện này cần thiết cho sự phát khởi Bồ đề tâm. Đó chính là một kinh nghiệm vĩ đại của người theo đạo Phật. Kinh nghiệm này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị của tâm linh mới có thể xuất hiện. Nó trào vọt từ hạt giống cắm sâu trong lòng đất và được vun trồng kỹ lưỡng. Một trong những ý tưởng cần phải đặc biệt lư ý trong bảng liệt kê ở đây là các thiện tri thức, những người bạn tốt. Thiện chí và trợ lực của họ là những dụng cụ đắc lực trong việc gieo trồng khát vọng của người theo đạo Phật, Ganda nhấn mạnh về khía cạnh này.

Tất cả các kinh điển thuộc văn học Hoa nghiêm đều có khuynh hướng cố ý là tính số thập phân, và ngay cả khi trông có vẻ không cần thiết phải thỏa mãn cái công thức vạch sẵn, mà tác giả hay soạn giả cũng cẩn thận tính đủ chuỗi số mười. Như thế, trong bảng toát lượt trên đây, những ý trung trực thuộc dưới một phạm trù được phân thành nhiều thủ, dĩ nhiên không có mục đích nào khác hơn là để giữ đúng pháp thúc. “Thiện căn”, “thiện hạnh”, “tư lương”, “thiện pháp” có thể được tóm thâu vào dưới thủ hành vi đạo đức. Nếu có thể làm thế, nhng điều kiện tất yếu cho việc làm trỗi dậy ước vọng giác ngộ có thể được tóm tắt như vậy: 1.hành vi đạo đức, 2.thân cận chư Phật và các thiện tri thức; và 3.tâm thanh tịnh, chân thật, và từ bi. Khi làm tròn ba điều kiện này, Bồ đề tâm (Bodhicitta) được coi là đã ngóc đầu đậy và sẵn sàng để tăng tiến.

Vấn đề tiếp theo là tại sao ước vọng giác ngộ tối thượng lại quá cần thiết trong đời sống của một nhà Đại thừa thành tín? Hoặc, một cách đơn giản. Sự giác ngộ của đạo Phật có can dụ gì đến đời sống chúng ta? Dasabhùmika[13]đưa ra các lý do sau đây:

1. Vì để chứng được Phật Trí (jnàna);

2. Vì để đạt được mười oai lực (dasabala);

3. Vì để đạt được đại vô úy (mahàvaisaradya);

4. Vì để đạt được pháp bình đẳng của Phật (samatabuddhadharma);

5. Vì để hộ trì và cứu bạt cả thế gian (sarvajagatparitràna);

6. Vì để làm thanh tịnh tâm từ bi (kritpàkaruna);

7. Vì để đạt được vô phân biệt trí (asesajnâna) khắp mười phương thế giới không gì là không biết đến;

8. Vì để làm thanh tịnh Phật độ khiến cho tất cả không còn vướng mắc (asamga);

9. Vì để trong khoảng một niệm (ksanabodha) mà tri nhân cùng khắp quá khứ hiện tại và vì lai;

10. Vì để quay bánh xe lớn của Chánh pháp (dharmacakrapavarta) trong tinh thần không khiếp sợ. Rồi từ đó chúng ta có thể hé thấy đâu là những yếu tố của giác ngộ tối thượng, vì trong đó sẵn chứa những lý do được nêu lên cho sự thành đạt của giác ngộ, chúng như là những thành tố của sự giác ngộ. Rồi, những thành tố đó là gì? Và đây:

1. Trì tuệ nơi quả vị Phật, trí đó thấy hết mọi sự trong không gian và thời gian; cái trí vượt ngoài cảnh giới tương đối và sai biệt vì nó thâm nhập khắp mọi biên tế của vũ trụ và trực nhận cái chân thường trong chớp mắt;

2. Năng lực ý chí đốn ngã mọi chướng ngại nằm cản trở đường đi khi nó muốn đạt tới mục đích tối hậu, nó giải thoát tất cả thế gian ra khỏi sự trói buộc của sống và chết;

3. Đại từ và đại bi, song song với trí và lực không ngớt thi thiết các phương tiện đem lại an lành cho hết thảy chúng sinh.

Để rõ thêm bản chất của giác ngộ theo nhận định của các nhà Đại thừa, chúng ta lại dẫn thêm Dasabhùmika, theo đó, ước vọng giác ngộ bao gồm trong các yếu tố như sau:[14]

1. Tâm đại bi là yếu tố dẫn đầu;

2. Trí siêu việt là yếu tố chỉ đạo;

3. Phương tiện là yếu tố hộ trì ,

4. Thâm tâm là chỗ nương tựa;

Và thêm nữa, Bồ đề tâm là:

5. Kho tàng đồng đẳng với oai lực của Như lai;

6. Có khả năng phân biệt lực và trí của hết thảy chúng sinh (sattvabalabuddhi);

7. Hướng tới trí vô ngại (asambhinnajnàna);

8. Tùy thuận với trí tự nhiên (svayambhùjnàna);

9. Có thể giáo hóa Phật đạo cho hết thảy chúng sinh tùy thuận với trí siêu việt;

10. Trải rộng khắp biên tế của Pháp giới (Dharmadhàtu) rộng lớn như hư không.

Rồi ngay trong những đặc tính được quy định đó người ta có thể thấy đâu là ý nghĩa của hoài bão ước vọng giác ngộ. Cái hoài bão của ước vọng lập tức ấn chứng ai là Bồ tát và thế là phân biệt người ấy với những người theo đạo Phật khác; bởi vì y mang một tâm nguyện đại bi đối với hết thảy chúng sinh và y cũng có cái nhìn trong sáng của tâm linh soi thấy bản tính của hiện hữu, và y cũng có khả năng phối hợp tình thương để có thể tự thích ứng với những điều kiện biến đổi không ngừng của hiện hữu..

Bởi vì cái ước vọng giác ngộ gồm tất cả những tính chất như được mô tả đó, cho nên Bồ tát có thể tạo những thành quả dưới đây, ngay khi uớc vọng ấy thấm sâu trong lòng tánh thể của ngài.[15]

1. Vượt qua khỏi địa vị phàm phu;

2. Buộc vào ngôi vị Bồ tát;

3. Sinh vào trong gia tộc Như lai;

4. Không có chỗ chê và không có lỗi lầm trong vinh dự gia tộc của ngài;

5. Đứng ngoài tất cả dòng nước thế gian;

6. Buộc vào đời sống xuất thế gian;

7. Vững vàng trong pháp của Bồ tát;

8. An trụ nơi trụ xứ của Bồ tát;

9. được bình đẳng tham dự chủng tánh của các Như lai trong quá khứ, hiện tại và vị lai;

10. Quyết định hướng tới giác ngộ tối thượng.

Khi đã an trụ trong những sự kiện như thế rồi, được coi là đã đạt tới địa vị đầu tiên của Bồ tát. Đó là Hoan hỉ địa (pramuditabhùmi). Vì rằng, kể từ bây giờ, tín tâm không còn bị lay chuyển nữa.

Những đoạn trên, dẫn từ Dasabhùmika xác định căn nguyên, bản tính, chủ hướng và thành quả của Bồ đề tâm (Bodhicitta), khá minh bạch. Chúng ta có thể nhận ra đâu là ý nghĩa trọng đại của khát vọng này đối với các nhà Đại thừa. Nó ngang tầm mức với sự chứng đạt. Khi nó được dựng dậy một cách khá kiên quyết, thì đường đi của người theo đạo Phật cũng được vạch ra từ đó. Nếu Phật Bồ đề tâm (Bodhicittatpàda) hay Bồ đề tâm (Bodhicitta) mà chẳng có gì khác với tư niệm suông về giác ngộ ngay dù với tư cách là cái quan trọng bậc nhất trong đời sống của một người theo đạo Phật. Citta như là “tư tưởng” không dễ gì thành công lớn như đã nói trên. Citta không phải là một ý tưởng, không phải là sự tư tưởng suông, nó là một ước vọng hay một hứng khởi sôi nổi tạo nên một hoạch định mới hay một kiến thiết mới của tất cả những kinh nghiệm từ trước đã có sẵn nơi một Phật tử. Citta là lý tánh của thể tánh ta, nó là ý chí nguyện khởi đặt để nền móng cho cá tính. Ngoài ra thì, như những trang kế tiếp sẽ chứng tỏ, khó mà hiểu nổi cái phương thế đắc lực, được diễn giả của Ganda dùng để cố nói lên bản tính của Bồ đề tâm (Bodhicitta).

3

Khi Thiện Tài đồng tử khẩn cầu Bồ tát Di Lặc (Bodhisatta Maitreya) giảng dạy cho, Bồ tát Di Lặc trước hết tán dương Thiện Tài đã có quyết tâm tìm cầu đạo lý cứu cánh của Phật pháp; và trước khi ngài mở tháp Tì lô trang nghiêm cho Thiện Tài chiêm ngưỡng, ngài ca ngợi những đức tính của Bồ đề tâm, mà chính cái đó đã thúc đẩy Thiện Tài đi tham bái từ vị thầy này đến vị thầy khác cho tới cuối cùng, hội kiến đức Di Lặc. Nếu không do ước vọng giác ngộ nóng bỏng đó, Thiện Tài đã chẳng hề đảm đương sứ mệnh du hành gian khổ giữa những đạo gia và triết gia, những ông thức giả và những bà thức giả, những vị có lẽ là đại diện cho những nhân vật lịch sử đương thời trong một giới hạn nào đó. Ganda quả là một bản truyện ký của những nỗ lực trí thức và tâm linh xuất hiện quanh câu hỏi: “Hạnh của Bồ tát là gì?”, nghĩa là, “ý nghĩa của đời sống con người là gì?”. Sự trỗi đậy của Bồ đề tâm là cái chìa khóa mở vào bí ẩn muôn đời đó, chính đó là chỗ ngài Di Lặc nói hết sức cặn kẽ và rộng rãi về Bồ đề tâm.

Ngài nói với Thiện Tài:

“Lành thay, lành thay, thiện nam tử? Người đã phát tâm vô thượng bồ đề, vì để làm lợi ích thế gian, vì để mang hạnh phúc đến cho thế gian, vì để chữa trị những khổ não cho hết thảy chúng sinh, và vì để tìm cầu tất cả đạo lý của Phật pháp.

Này thiện nam tử, ngươi đã có nhiều điều thiện lợi, vui sướng được sinh làm thân người, được sống trong thế giới của những loài có sống, và lại được sống trong thời gian có Như lai xuất hiện, đã được tham bái thiện tri thức Văn Thù (mãnjusrì). Nguơi quả là một pháp khí tốt đẹp, đã gieo trồng đầy đủ các thiện căn, được vững bền bởi các thiện hạnh, tri kiến đã được thanh tịnh, chánh quán đã sâu xa, đã được hết thảy các chư Phật hộ trì, đã được các thiện tri thức cảnh giác, bởi lẽ ngươi đã thành khẩn phát tâm bồ đề. Ta sẽ nói cho ngươi biết đâu là ý nghĩa của Bồ đề tâm đối với chúng ta những người theo Đại thừa”.[16]Bồ đề tâm (nghĩa là, ước vọng giác ngộ) như hạt giống vì từ đó sinh ra hết thảy Phật pháp. Bồ đề tâm như ruộng tốt vì nơi đây sản xuất tất cả các thứ thuần tịnh cho thế gian.

Bồ đề tâm như cõi đất vì gìn giữ tất cả thế gian. Bồ đê tâm như dòng nước vì rửa sạch tất cả cáu bẩn của tham dục. Bồ đề tâm như ngọn gió vì thổi khắp thế gian không có gì làm trở ngại. Bồ đề tâm như ngọn lửa vì đốt cháy tất cả củi hí luận. Bồ đề tâm như mặt trời vì chiếu sáng tất cả mọi thứ trên mặt đất. Bồ đề tâm như trăng vì đầy đặn tất cả những pháp thuần tịnh. Bồ đề tâm như ngọn đèn vì soi sáng hết mọi thứ.

Bồ đề tâm như con mắt vì nhận ra con đường nào bằng phẳng hay gập ghềnh.

Bồ đề tâm như con đường cái vì dẫn đến thành trì trí tuệ.

Bồ đề tâm như suối thiêng vì gột rửa hết thảy những gì không sạch sẽ. Bồ đề tâm như cỗ xe vì chuyên chở hết thảy các Bồ tát Bồ đề tâm như cánh cửa vì mở ra hết thảy hành vi của Bồ tát

Bồ đề tâm như gian nhà lớn vì là nơi trú ngụ để tụ tập Tam muội (Samàdhi) và tư duy. Bồ đề tâm như khu vườn vì là nơi thọ hưởng pháp lạc. Bồ đề tâm như nhà ở vì là chỗ an ổn của thế gian. Bồ đề tâm như chỗ về vì là chỗ nghỉ ngơi của hết thảy chúng sinh. Bồ đề tâm như chỗ tựa vì là nơi nương tựa của hạnh Bồ tát.

Bồ đề tâm như cha lành vì bảo hộ hết thảy các Bồ tát. Bồ đề tâm như mẹ hiền vì dưỡng dục hết thảy các Bồ tát. Bồ đề tâm như nhũ mẫu vì chăm sóc hết thảy các Bồ tát. Bồ đề tâm như người bạn tốt, vì khuyên bảo hết thảy các Bồ tát. Bồ đề tâm như quốc vương vì vượt lên các tâm của Thanh văn (Sràvaka) và Duyên giác (Pratyekabuddha). Bồ đề tâm như đại đế vì đầy đủ tất cả các ước muốn tuyệt diệu.

Bồ đề tâm như đại dương vì chứa tất cả các hạt ngọc công đức Bồ đề tâm như núi Tu di (Sumeru) bình đẳng đứng cao trên tất cả mọi vật. Bồ đề tâm như núi Thiết vi (Cakravada) vì bảo trì hết thảy thế gian. Bồ đề tâm như núi Tuyết (Himàlaya) vì sản xuất đủ tất cả cây thuốc trí tuệ. Bồ đề tâm như núi Hương (Gandhamàdana) vì xuất sinh tất cả các thứ hạng công đức Bồ đề tâm như hư không vì trải rộng vô biên phước đúc.

Bồ đề tâm như hoa sen vì không hề bị nhiễm ô các pháp thế gian. Bồ đề tâm như voi vì tánh thuần hậu. Bồ đề tâm như ngựa chặt cương vì xa lìa tánh ác. Bồ đề tâm như người đánh xe vì canh giữ hết thảy pháp Đại thừa.

Bồ đề tâm như thầy thuốc vì chữa trị hết thảy các bịnh phiền não. Bồ đề tâm như hố sâu vì làm sụp hết thảy các ác pháp. Bồ đề tâm như kim cương (vajra) vì xuyên thủng hết thảy mọi thứ.

Bồ đề tâm như trập hương vì chứa hương công đức. Bồ đề tâm như hoa đẹp vì ai nhìn thấy cũng ưa thích. Bồ đề tâm như đàn hương vì làm nguội lạnh hơi nóng tham ái. Bồ đề tâm như hắc trầm hương (Kàlapa) vì hương thơm của nó xông khắp tất cả Pháp giới (Dharmadhàtu). Bồ đề tâm như Thiện kiến được vương (Sudarsana) vì hủy diệt tất cả những bịnh khởi lên từ phiền não (klésa). Bồ đề tâm như thuốc cao Vigama vì nhổ ra hết thảy các mũi tên tham dục (anusaya).[17]

Bồ đề tâm như trời Indra vì là Chúa của hết thảy thánh thần. Bồ đề tâm là trời Vaisravana vì hủy diệt hết thảy đau khổ của bần cùng. Bồ đề tâm như trời Srì vì trang điểm bằng tất cả các công đức.

Bồ đề tâm như một phẩm vật trang nghiêm vì hết thảy các Bồ tát được trang điểm bởi nó. Bồ đề tâm như lửa thời kiếp thiêu vì đtcháy hết thảy các thứ bại hoại. Bồ đề tâm như dược thảo lớn Anirvritamula (vô sinh căn) vì nuôi lớn hết thảy Phật pháp.

Bồ đề tâm như long châu vì tiêu diệt tất cả các độc phiền não. Bồ đề tâm như thanh thủy châu vì làm thanh tịnh tất cả các phiền não trược. Bồ đề tâm như như ý châu (cintamàni) vì cung cấp tất cả tài sản mong muốn. Bồ đề tâm như cây như ý vì tuôn xuống tất cả các trang nghiêm công đức.

Bồ đề tâm như áo lông ngỗng vì không bao giờ nhiễm bụi bặm sinh tử. Bồ đề tâm như hoa tơ bạch diệp (Karpảsa) vì bản lai trong sáng.

Bồ đề tâm như lưỡi cày vì dọn sạch ruộng tâm của hết thảy chúng sinh. Bồ đề tâm như những mũi tên sắt Na la diên (Nàràyana) vì bắn hạ kiến chấp bản ngã. Bồ đề tâm như một mũi tên vì bắn thủng cái đích khổ não. Bồ đề tâm như một ngọn mâu vì chinh phục kẻ địch phiền não. Bồ đề tâm như giáp cứng vì thủ hộ tâm như lý. Bồ đề tâm như dao bén vì chặt đầu phiền não. Bồ đề tâm như lưỡi gươm vì chặt đứt khôi giáp cống cao ngã mạn. Bồ đề tâm như một lưỡi đao vì cắt đứt các phiền não (anusaya). Bồ đề tâm như kỳ hiệu của một dũng tướng vì khuất phục kỳ hiệu của Ma vương (Mà ra). Bồ đề tâm như của bén vì cưa xẻ cây vô minh. Bồ đề tâm như búa vì đốn ngã những cây khó. Bồ đề tâm như khí giới vì bảo vệ cho khỏi bị bức hiếp.

Bồ đề tâm như một cánh tay vì nó gìn giữ thân thể Ba la mật.

Bồ đề tâm như chân vì nó chống giữ giới đức và tri kiến. Bồ đề tâm như một dụng cụ ngoại khoa vì diệt trừ màn che và bụi bặm của con mắt vô minh. Bồ đề tâm như một cái kềm vì nó tháo gỡ tấm ván ngã chấp. Bồ đề tâm như giường nằm vì nó đem lại sự dừng nghỉ cho những cùng quẫn của tham dục (anusaya).

Bồ đề tâm như một người bạn tốt vì nó cởi bỏ tất cả sự trói buộc của sinh tử. Bồ đề tâm như tư hũu vì nó dứt trừ sự nghèo khốn.

Bồ đề tâm như một đại đạo sư vì nó chỉ con đường hành đạo của Bồ tát. Bồ đề tâm như một kho chứa trân bảo vì nó chứa tâm công đức không bị hủy hoại. Bồ đề tâm như một dòng suối vì nó tuôn trào trí tuệ không bị khô cạn.

Bồ đề tâm như gương sáng vì nó ảnh hiện tất cả hình ảnh của chân lý. Bồ đề tâm như hoa sen vì nó không bị nhiễm ô. Bồ đề tâm như dòng sông lớn vì chảy ra các Ba la mật (Paramità) cũng như pháp nhiếp thọ. Bồ đề tâm như Long vương vì nó giăng bủa những đám mây của chân lý. Bồ đề tâm như mạng căn vì nó gìn giữ tâm đại bi của Bồ tát.

Bồ đề tâm như nước cam lộ vì nó làm nơi nương tựa cho cõi bất tử.

Bồ đề tâm như tấm lưới giăng khắp vì nó thâu thập và nâng cao tất cả chúng sinh dễ điều phục.

Bồ đề tâm như hộp đựng trầm hương vì nó chứa đựng tất cả hương thơm của công đức. Bồ đề tâm như thuốc Agada (a già đà) vì nó giữ gìn sức khỏe đầy đủ cho người. Bồ đề tâm như thuốc trừ độc vì nó trừ khử chất độc của dục lạc. Bồ đề tâm như thần chú vì nó làm vô hiệu hiệu năng nhiễm độc của điên đảo, tà vạy

Bồ đề tâm như gió lốc vì nó quét sạch mọi chướng ngại cản trở trước mặt. Bồ đề tâm như hải đảo châu báu vì nó sản xuất trân bảo của yếu tố giác ngộ. Bồ đề tâm như gia phong tốt vì nó làm nảy sinh mọi pháp thanh tịnh. Bồ đề tâm như nhà ở vì là nơi trú ngụ của mọi pháp công đức. Bồ đề tâm như một thị tứ vì nơi đó hết thảy Bồ tát như những thương gia thi hành nghiệp vụ của mình

Bồ đề tâm như thuốc luyện vàng vì nó gạn sạch tất cả những cặn bã của nghiệp và phiền não. Bồ đề tâm như mật tốt vì nó làm đầy đủ những lương thực cho sự thành tựu giác ngộ.

Bồ đề tâm như đường cái vì nó dẫn hết thảy các Bồ tát đến thành trì nhất thiết trí. Bồ đề tâm như kho lẫm vì nó chứa đựng tất cả các pháp bạch tịnh. Bồ đề tâm như một cơn mưa rào vì nó rửa sạch bụi bặm phiền não. Bồ đề tâm như chỗ núp vì nó cung cấp cho hết thảy các Bồ tát những lời dạy cần thiết. Bồ đề tâm như đá nam châm vì nó không chịu hút quả giải thoát của Thanh văn (Sravàka).

Bồ đề tâm như tịnh lưu ly vì bản tánh vốn không nhơ bợn.

Bồ đề tâm như ngọc xanh vì nó hơn hẳn tri kiến mà các hàng Thanh và Duyên giác cũng như tất cả mọi người trong thế gian, có thể chứng được.

Bồ đề tâm như trống tan canh vì nó đánh thức hết thảy chúng sinh tỉnh khỏi giấc ngủ say trong phiền não. Bồ đề tâm như nước sạch vì tự tánh trong suốt không cáu bợn. Bồ đề tâm như vàng diêm phù đàn (jambùnada) vì nó chói sáng tất cả pháp lành có thể có trong thế giới của các pháp hữu vi này. Bồ đề tâm như núi chúa lớn vì nó đứng cao trên tất cả thế gian.

Bồ đề tâm như chỗ về vì không hề từ chối những ai có thể về đến.

Bồ đề tâm như chất thể chân thật vì trong nó không thứ gì là bất thực. Bồ đề tâm như ngọc như ý vì nó thỏa mãn tất cả tấm lòng.

Bồ đề tâm như tế khí vì nhờ nó mà tất cả thế gian được thỏa ý.

Bồ đề tâm như một vật được rọi sáng vì không có thứ gì trong tâm niệm thế gian sánh bằng. Bồ đề tâm như một sợi dây vì nó kéo lên tất cả chân lý của Phật pháp.

Bồ đề tâm như người buộc giỏi vì buộc lại hạnh và nguyện của Bồ tát. Bồ đề tâm như người thủ hộ vì nó thủ hộ trọn cả thế gian.

Bồ đề tâm như người tỉnh thức vì đẩy lui tất cả cái xấu xa.

Bồ đề tâm như lưới trời Indra vì nó khuất phục những quỷ phiền não a tu la. Bồ đề tâm như lửa trời Indra vì nó đốt cháy tất cả công năng tập quán, tham dục (anusaya), và phiền não bất tịnh (klesa). Bồ đề tâm như Tháp thờ xá lợi (Caityà) vì hết thảy thế gian, loài người và loài a tu là kính ngưỡng.

Rồi Bồ tát Di lặc kết luận:

“Này thiện nam tử, Bồ đề tâm thành tựu vô lượng công đức tuyệt diệu như vậy.

“Tóm lại Bồ đề tâm cũng đồng như Phật pháp và các công đức của quả Phật. Tại sao thế? Bởi vì, chính từ Bồ đề tâm mà hạnh của Bồ tát bắt đầu khởi hành, và cũng chính từ đó mà hết thảy các Như lai (Tathagata) trong quá khứ, hiện tại và vị lai xuất hiện ở thế gian. Vì vậy, này thiện nam tử, một khi ước vọng giác ngộ tối thượng được phát khởi, thì vô số công đức cũng được phát sinh, và cả đến ý thức ẩn áo nhất của nhất thiết trí cũng phát khởi từ đó”

4

Bồ tát Di Lặc lại nói thêm với Thiện Tài đồng tử:

Cũng như thuốc thiêng vô úy nó tống khứ năm thứ sợ hãi: với người có thuốc đó lửa không thể đốt cháy thuốc độc không thể giết hại, gươm bén không làm tổn thương, nước không nhận chìm đuốc, và khói không làm ngộp được. Cũng vậy, khi Bồ tát được thuốc. Bồ đề tâm của nhất thiết trí, lửa tham dục không thể đốt cháy, thuốc độc sân hận không thể giết hại, gươm bén phiền não không thể làm tổn thương, biển luân hồi không thể nhấn chìm và khói tà kiến không làm ngộp thở.

Như một người có thuốc thiêng giải thoát nhờ đó mà hết thảy hoạn nạn không bén mảng tới, Bồ tát khi là kẻ sở hữu thuốc Bồ đề tâm của nhất thiết trí tránh xa được ngoài vòng sống chết.

Như một người có thuốc Maghi mà tránh khỏi tất cả các thứ rắn độc do mùi vị của nó tỏa ra, Bồ tát mà có Bồ đề tâm thì tránh được các rắn độc phiền não do hương thơm tỏa ra từ tâm (Citta).

Như một người có chú thuật Vô năng thắng nên không bao giờ bị quân thù chế thắng. Bồ tát khi có thần chú Bồ đề tâm vô năng thắng của nhất thiết trí thì không bị quân địch Ma vơng hàng phục.

Như một người nhờ có chú Vigama khiến cho hết thảy mọi mũi tên bắn tới mình đều rơi xuống đất. Bồ tát có thuốc Vigama của Bồ đề tâm nên làm rơi mọi mũi tên tham dục, sân hận và ngu si, và cả mọi mũi tên huý luận, nhắm mình bắn đến.

Nhu một người có bùa Sudarsma (Thiện kiến) trừ được mọi thứ bịnh tật, Bồ tát có đại thần chú Sudarsana Bồ đề tâm nên tránh khỏi bịnh tật tri kiến cũng như bịnh tật phiền não.

Có một cây thuốc lớn tên Santàna, vỏ của nó có công dụng lớn chữa trị tất cả các thứ bệnh ghẻ lở, nhưng cây ấy không hề biến dạng chút nào vì ngay khi bóc lớp vỏ này thì mọc ngay lớp vỏ mới. Cũng vậy, từ nơi Bồ đề tâm hoài bão của Bồ tát sinh ra cây nhất thiết trí, và những ai thấy nó và tin nó thì chữa trị lành hẳn các ghẻ lở nghiệp và phiền não; những cây nhất thiết trí từ đầu đến cuối vẫn không hề suy giảm hiệu lực.

Có loại cây thuốc tên Anirvrittamùla (vô sinh căn, nhờ nó mà hết thảy cây cối trong cõi Diêm phù (jambùdvipa) được lớn mạnh. Cũng vậy, cây Anirvritamùla của Bồ đề tâm mà Bồ tát hoài bão có công năng làm lớn mạnh tất cả các pháp lành cho hết thảy các bậc hữu học, A la hán (Arhat), Bích chi Phật (Pratyekabuddha) và Bồ tát (Bodhisattva)

Có loại cây thuốc tên Ratilambhya, nếu dùng thoa thân thể sẽ làm cho tâm và thân được mạnh khỏe. Cũng vậy, khi Bồ tát thoa cây thuốc Ratilambhya của Bồ đề tâm, thân và tâm của Bồ tát sẽ tăng trưởng khang kiện.

Có một loại cây thuốc tên là Thiện niệm. Ai được cây thuốc này, sự ghi nhớ được tăng trưởng cũng vậy, khi được cung cấp cây thuốc thiên niệm của Bồ đề tâm, Bồ tát sẽ ghi nhớ trong tâm hết thảy pháp lành của Phật pháp.

Có cây thuốc tên Đại liên hoa khiến cho mạng sống được một kiếp (kalpa). Cũng vậy khi Bồ tát có cây thuốc Đại liên hoa của Bồ đề tâm, đời sống sẽ kéo dài theo ý muốn, dài đến vô số kiếp.

Có cây thuốc tên là ẩn hình khiến cho các loài nhân vì phi nhân đều không thể thấy. Cũng vậy, khi có cây thuốc ẩn hình của Bồ đề tâm, Bồ tát dù ở trong bất cứ điều kiện nào, các loài ma đều không thể thấy.

Có một hạt châu, vua của các loại châu, ở trong biển cả gọi là Phổ tập chúng bửu (sarvamaniratnasamuccayam). Khi hạt châu nay hiện hành, ngay dù lửa của thời kiếp tận có thể hủy diệt hết thảy các thế giới khác nhưng không thể đốt cháy nó ngay dù là một giọt nước trong biển cả đó. Cũng vậy, khi Bồ tát nuôi dưỡng Bồ đề tâm trong tâm như hạt châu chúa tể Phổ tập chúng bửu (sarvamaniratnasamuccayam), thì những đại nguyện hướng tới nhất thiết trí không hề biến mất một mảy may. Nhưng nếu để cho khát vọng nhất thiết trí (sarvajnãtàcittotpãda)[18]của mình bị mất hết, thì hết thảy công đức của mình cũng tiêu tan.

Như có hạt châu tên Phổ tập quang minh (sarvaprabhsaasamuccaya), hoàng tử của hết thảy các loại châu, khi được đeo nơi cổ, nó chói khuất hết thảy các ngọc ngà trang sức khác. Cũng vậy, châu Phổ tập quang minh (sarvapâbhâsasamuccaya) được ôm ấp nơi Bồ tát, như một vòng trang súc tâm linh nơi cổ, nó chói khuất hết thảy các thứ trang nghiêm tâm của hàng Thanh văn và Duyên giác.

Như có hạt châu, khi ném vào nước đục, làm cho nước hoàn toàn trong suốt, Bồ đề tâm được ấp ủ nơi Bồ tát cũng như hạt châu tịnh thủy này nhờ đó mà hết thảy cáu bợn của nước phiền não đều được lắng trong.

Như có hạt châu giữ cho người có nó không bị chìm trong biển cả dù khi bị ném vào trong đó. Khát vọng nhất thiết trí của Bồ tát cũng như hạt châu trụ thủy này; khi có hạt châu đó Bồ tát không bị nhận chìm trong biển luân hồi.

Khi một người thợ chài mang hạt long châu mà đi vào dưới những lớp sóng thì hết thảy cửa ngõ của long cung sẽ mở ra, và y sẽ không bị các loài hải tộc làm hại. Cũng vậy, khi Bồ tát đã sẵn có khát vọng nhất thiết trí như hạt long châu tâm linh, thì có thể tự tại đi vào trong tất cả các cõi của dục giới.

Như vị trời Sakra đội mão ma ni chói khuất hết thảy các mão trên đầu của các thiên chúng, cũng vậy, mão ma ni của Bồ tát đuốc đội lên làm dấu hiệu cho khát vọng nhất thiết trì trên trán đại nguyện của mình, nó chói sáng hơn hết thảy cả ba cõi.

Như một người có hạt Như ý châu (Cintamani), trừ khử được mọi khả hữu của bần khổ, cũng vậy. Bồ tát khi ấp ủ khát vọng nhất thiết trí như là đại như ý châu, thì sẽ tránh khỏi những đe dọa của đời sống.

Như hạt châu nhật quang khi hướng về phía mặt trời sẽ phát sinh ra lửa. Khát vọng nhất thiết trí của Bồ tát cũng giống như hạt châu nhật quang này, vì khi nó được huống tới mặt trời Bát nhã, nó sẽ phát sinh ra lửa Bát nhã.

Như hạt châu nguyệt quang khi hướng tới mặt trăng sẽ phát sinh ra nước. Khát vọng nhất thiết trí của Bồ tát cũng như hạt châu nguyệt quang này, vì khi hướng tới mặt trăng công đức, nó sẽ phát sinh ra nước đại nguyện và công đức.

Như hạt châu như ý trang sức trên đầu Đại long vương (Màhanàga), ngăn ngừa tất cả những khủng bố của các oán địch.

Bồ đề tâm nảy sinh tâm nguyện đại bi của Bồ tát cũng giống như hạt châu như ý trang sức trên đầu mình, và sẽ cản ngăn hết thảy tai họa có thể khởi lên từ ác đạo.

Như có hạt đại bửu châu tên Trang nghiêm thế gian, nếu ai được châu này thì có thể thỏa mãn tất cả những ước mong. `Cũng vậy, Bồ tát có đại bảo châu Bồ đề tâm nên có thề thành tựu tất cả tâm nguyện, mà tâm đó không bao giờ bị tổn giảm.

Như đại bảo châu của Chuyển luân vương, để ở đâu thì phá tan bóng tối ở đó, tỏa rạng khắp mọi phía. Cũng vậy, đại bảo châu vương giả Bồ đề tâm phá tan tất cả bóng tối vô minh đang bao trùm lên mọi con đường của hiện hữu, vì nó tỏa rạng ánh sáng vĩ đại của trí tuệ trong thế giới của dục vọng.

Như hạt châu đế thanh đại ma ni rọi vào đâu thì biến đổi màu sắc của các sự vật ở đó theo màu của nó. Cũng vậy, đại ma ni đế thanh Bồ đề tâm chiếu lên trên hết thảy chúng sinh đồng thời chuyển tất cả công đức của chúng cùng một màu với châu đế thanh của Bồ đề tâm.

Như hạt châu lưu ly có thể vứt vào giữa chỗ dơ bẩn qua trăm nghìn năm mà vẫn hoàn toàn không bị nhiêm sự dơ bẩn.Cũng vậy, bảo châu Bồ đề tâm không bị nhiễm ô bởi các tội cấu của thế giới dục vọng dù bị vùi lấp trong đó bao lâu vì hạt tâm châu đó bản lai thanh tịnh.

Như hạt châu có tên Tịnh quang minh, ánh sáng của nó chói khuất tất cả các thứ châu khác. Bảo châu Bồ đề tâm chói khuất tất cả mọi công đức của hạng phàm phu, hạng Thanh văn và Độc giác.

Như đại bảo châu được gọi là Thiên hỏa diệm mà ánh sáng xóa tan mọi vết tối tăm nhỏ nhặt. Cũng vậy, đại bảo châu Bồ đề tâm cũng ngời sáng như châu Thiên hỏa diệm có thể diệt trừ mọi tối tăm do vô minh tạo ra.

Như có vô giá bảo châu ở trong biển lớn, khi thương gia bắt được và mang về kho tàng thì tất cả trăm ngàn hạt châu ở đó trở thành một đống đá tối tăm vô nghĩa. Cũng vậy, đại bảo châu Bồ đề tâm, khi đang nằm yên trong biển lớn sinh tử, Bồ tát chèo thuyền đại nguyện, tín tâm sâu và vững, mà vào thành trì giải thoát; hết thảy các công đức của Thanh văn và Độc giác trở thành hoàn toàn vô nghĩa.

Như có đại bảo châu được gọi Thiên Hoả Diệm ở Diêm phù đề (Jambudvipa) cách mặt trời và mặt trăng đến 40.000 do tuần (yojana), thế mà bao nhiêu cảnh vật trang nghiêm của mặt trời và mặt trăng đều được phản chiếu nơi đó. Cũng vậy, hạt châu Tự tại vương Bồ đề tâm ở giữa cõi luân hồi mà đầy đủ các công đức thanh tịnh và phản chiếu tất cả nhtững cảnh vật trang nghiêm cảnh giới của Bồ tát rộng lớn vô biên như Pháp giới hay hư không giới và trí tuệ vô thượng của Như lai chiếu vào đó như mặt trời và mặt trăng.

Giá trị của hạt châu Tự tại vương này có thể vượt xa, bằng với mức độ của ánh sáng mặt trời và mặt trăng, vượt lên tất cả kho tàng tích lũy của thế gian như vàng, bạc, ngọc, ngà, hương hoa, tràng hoa, y phục, vân vân. Cũng vậy, giá trị của hạt châu Tự tại vương Bồ đề tâm đó, tất cả công đức hữu vi hay vô vi của Thanh văn và Độc giác mà ánh sáng của nhất thiết trí rọi đến, đều không thể hơn nổi.

Như có đại bảo châu Hải tạng mà tất cả mọi vẻ lộng lẫy của đại dương đều được phản chiếu trong đó. Cũng vậy, đại bảo châu Hải tạng Bồ đề tâm phản chiếu tất cả vẻ huy hoàng tráng lệ của đại dương vô thượng trí vốn là cảnh giới của bậc nhất thiết trí.

Cũng như vàng diêm phù đàn (Jambudana) trên trời có giá trị vô song, chỉ trừ đại ma ni tâm vương. Cũng vậy, vàng diêm phù đàn Bồ đề tâm (có giá trị tâm linh) vô song, chỉ trừ tâm vương vô thượng trí của bậc nhất thiết trí.

Như người có tài nghệ chế phục được rồng có thể đi lại tự do không sợ hãi giữa các loại rồng và rắn. Cũng vậy, ai có Bồ đề tâm có thể đi lại tự do không sợ hãi giữa các loại rồng và rắn của tất cả phiền não, vì đã thành thục Bồ đề tâm như là nghệ thuật chế phục rồng.

Như một dũng sĩ mặc áo giáp cầm binh khí thì tất cả oán địch không thể chế phục nổi. Cũng vậy, Bồ đề tâm chẳng hề bị các thứ oán địch phiền não chế phục, vì đã được bảo vệ bằng khí giới Bồ đề tâm .

Khi một nhúm bột trầm hương của cõi trời được đốt lên, khói hương lan tỏa khắp cả tiểu thiên thế giới, giá trị vượt xa tất cả các trân báo đầy bằng ba đại thiên thế giới. Cũng vậy, loại trầm hương cõi trời của Bồ đề tâm, dù chỉ một nhúm tín tâm sâu, cũng đủ lan tỏa khắp toàn thể Pháp giới (Dharmadhatu) với khói thơm vượt xa hết thảy sở đắc và sở chứng của Thanh văn và Độc giác

Như có loại trầm hương quý giá, gọi là trầm hương trắng (bạch chiên đàn), nếu thoa lên mình, trừ diệt tất cả các chứng bịnh nhiệt và làm cho thân tâm được an ổn mát mẻ. Cũng vậy, trầm hương trắng Bồ đề tâm làm mát dịu chứng bịnh nhiệt của phiền não, lý luận, tham, sân, si và mang lại hạnh phúc cho ngồi dưỡng đường vô thượng trí.

Như núi Tu di (Sumeru), vua của tất cả các núi, tất cả những gì ở gần núi đều biến hình đồng với màu sắc của nó, cũng vậy, Bồ đề tâm làm cho Bồ tát nào ở gần nó biến hình thành màu sắc của nhất thiết trí.

Cũng như không có loại cây nào mọc ở cõi Diêm phù đề (Jambudvipa) này mà bông hoa của chúng có thể tỏa mùi hương sách nổi với vỏ cây Kovidara đợc gọi là Pariyatraka, cũng vậy, hương thơm tỏa ra từ những thiện pháp, những vô vi tâm, những giới, những định, những huệ, những giải thoát, những tri kiến của các hàng Thanh văn và Độc giác, tất cả không sao sánh được với hương thơm tỏa ra từ hạt giống Bồ đề tâm, từ các loại cây đại nguyện, từ công đức và trí tuệ của các Bồ tát.

Trong khi đài hoa Pàriyàtraka, một loại cây Kovidàra, chưa nở trọn vẹn, nhưng biết rằng chính nơi này sản xuất hằng trăm nghìn đóa hoa. Cũng vậy, trong khi đài hoa Pàriyatraka Bồ đề tâm hàm chứa các công đức dù chưa nảy nở trọn vẹn, nhưng biết rằng nơi này tụ tập vô số bông hoa chư thiên và loại người.

Hương thơm của hoa Pàriyàtraka nếu được dùng để uớp y phục dù chỉ trong một ngày, mà mùi thơm của nó sực nức vượt hẳn y phục được ướp hằng trăm nghìn ngày bằng các thứ hoa Campaka, Vàrshia hay Sumana. Cũng vậy, hương thơm công đức và trí tuệ của Bồ tát, dù chỉ được huân tập trong một đời mà thôi, cũng lan vào khắp cả mười phương cõi Phật. Loại hương thơm này không thể tìm thấy trong mọi thiện hạnh vô vi và trí tuệ nơi các hàng Thanh văn và Độc giác, dù lâu dài trải qua hằng triệu kiếp xông ướp.

Như có loại cây được gọi là Gia tử (Nàdìkerì) mọc trong bài đảo ở giữa đại dương bất cứ thứ gì nơi cây đó từ rễ cho đến hoa, trải, v.v... , luôn luôn được dùng làm đồ ăn cho dân chúng, mà không bao giờ cùng tận. Cũng vậy, Bồ đề tâm, từ lúc sơ phát đại bi tâm và đại nguyện cho đến lúc thành tựu giác ngộ và thiết lập Chánh pháp, không lúc nào ngừng cung cấp thực phẩm cho thế gian.

Như có loại nước thuốc tên là Hàtakaprabhàsa chỉ một lượng nước (pala) của nó biến đổi một nghìn lượng (pala) đồng thành vàng ròng, trong khi một nghìn lượng đồng không thể làm thay đổi loại thuốc nước thần diệu này. Cũng vậy, một lương dung dịch của Bồ đề tâm hướng tới chỗ thành tựu nhất thiết trí bằng công đức, có thể biến đổi tất cả mọi sự vật màu đồng như là phiền não chướng và nghiệp chướng thành màu vàng ròng nhất thiết trí; thế mà phiền não chướng không thể biến đổi Bồ đề tâm thành màu sắc của nó.

Như lửa bắt đầu từ một đốm nhỏ nhưng nó càng cháy sáng khi càng bỏ thêm nhiên liệu vào; lúa Bồ đề tâm cứng vậy. Nó có thể bắt đầu một nhúm nhỏ, nhưng càng thêm nhiên liệu, ngọn lửa trí tuệ càng cháy mạnh hơn.

Cũng như từ một ngọn đèn mà trăm nghìn ngọn đèn khác được thắp sáng lên những ngọn đèn nguyên thủy không hề bị tắt không hề bị suy giảm. Ngọn đèn Bồ đề tâm cũng vậy, không hề bị tắt, không hề bị suy giảm khi được đem thắp sáng tất cả các ngọn đèn Bồ đề tâm; chúng được thắp sáng từ ngọn đèn tâm nguyên thủy nơi tất cả các Như Lai trong quá khứ, hiện tai và vị lai.

Khi một ngọn đèn được mang vào căn nhà tối, bóng tối ngự trị hằng trăm nghìn năm ở đây bị xóa tan và được thay thế bằng ánh sáng. Cũng vậy, khi ngọn đề Bồ đề tâm được mang vào căn nhà tối trong nội tâm của chúng sinh, thì bóng tối của những phiền nao chướng tụ tập hằng trăm nghìn vô số kiếp nơi căn nhà đó lập tức được ngời sáng bằng ánh sáng của trí tuệ

5

Bồ tát Di Lặc không dừng lại ở những thí dụ nhiều vô tận này, mà ngài đưa ra để gợi cho chúng ta thấy sự quan trọng vô cùng của việc phát Bồ đề tâm. Bởi vì ngài vẫn không ngừng diễn tiếp dòng khởi thủy cho đến bao giờ cùng tận khả năng tưởng tượng nơi một vị Bồ tát. Ngài nói tiếp:

Cũng như ánh sáng của ngọn đèn tùy theo tim đèn lớn hay nhỏ: nếu thêm dầu vào sẽ giữ được ánh sáng đó lâu dài. Cũng vậy đèn Bồ đề tâm, nếu dùng tim đại nguyện sẽ tỏa ra ánh sáng chiếu khắp Pháp giới (Dharmadhàtu), nếu dùng dầu đại bi tâm thì sẽ thành tựu hết thảy Phật sự, giáo hóa chúng sinh và tịnh Phật quốc độ.

Như Tha hóa tự tại thiên vương đội thiên quan, được làm bằng loại vàng Jambudana tuyệt hảo, hơn hẳn mọi thiên quan đội trên đầu các thiên thần. trong thế giới dục lạc. Cũng vậy, Bồ tát đội thiên quan Bồ đề tâm, được làm bằng đại nguyện, hơn hẳn những thiên quan đội trên đầu hạng phàm ngu, các hàng hữu học và vô học, các hàng Độc giác.

Như lúc sư vương, vua các loài thú, gầm rống, thì các sư tử con được tăng thêm sức mạnh và nhờ đó mà được lớn thêm, trong khi các loài thú khác sợ hãi, bỏ chạy. Cũng.vậy khi Như Lai, sư tử của loài người, cất lên tiếng rống nhất thiết trì tán dương Bồ đề tâm, tất cả các Bồ tát, những người con của sư tử Phật, được tăng trưởng trong Phật đạo, trong khi các hạng khác vì căn tính thấp kém, nghe đến liền bỏ chạy

Như một giọt sữa của sư tử được thêm vào biển bò sữa, sữa dê, vân vân, nó xuyên qua tất cả mà không chút trở ngại. Cũng vậy khi một giọt sữa Bồ đề tâm chảy ra từ Như Lai, đăng sư tử của loài người, được thêm vào biển sữa nghiệp và phiền não chứa đựng trải qua trăm nghìn kiếp; giọt sữa Như Lai thâm nhập trong biển sữa đó và làm biến hoại tất cả; không bao giờ trụ trong quả giải thoát của tất cả Thanh văn và Độc giác, cũng không bận tâm đến.

Như chim Ca lăng tần giá (kalavinka) dù chưa ra khỏi vỏ trứng, mà khả năng ca hát tuyệt vời của nó đã hơn hẳn tất cả đàn chim trên Hi mã lạp sơn biết ca sành sỏi. Cũng vậy, khi Bồ tát Ca lăng tần già (Bodhisattva Kalavinka) bắt đầu công hạnh lúc đang ở giữa cõi luân hồi mà không lui sụt, nếu có khả năng của tâm đại bi và Bồ đề tâm; không hề bị thoái hóa vào tất cả các thành tựu của Thanh văn và Duyên giác.

Khi chim Kim súy (Garuda), vua lớn của loài chim, vùa mới sinh ra mà đã có thể bay liệng nhanh nhẹn và có mắt sáng quắc các chim khác dù trưởng thành trọn vẹn cũng không sao hơn được. Cũng vậy, khi Bồ tát vừa phát khởi Bồ đề tâm lâm vương tử của đức Như Lai kim súy (Tanh ga ta Garuda) trong chủng tộc cao quý, mà đã hiểu hiện năng lực dũng mãnh của Tâm (Citta), đã khơi dậy tâm đại bi từ cõi lòng sâu thẳm, và có tuệ nhãn sáng quắc soi chiếu rất xa; tất cả những thành tựu của Thanh văn và Duyên giác sở đắc trải qua trăm nghìn kiếp cũng không thể sánh nổi.

Khi dũng sĩ cầm một ngọn giáo nhọn trong tay, sẽ không có giáp trụ cứng nào mà không bị chọc thủng. Cũng vậy, ngọn giáo Bồ đề tâm được đặt vào cánh tay mạnh bạo của Bồ tát, nó đâm thủng giáp trụ tà kiến và phiền não (anusaya).

Khi đại lực sĩ Mahànagna nổi cơn thịnh nộ, trước trán sẽ nổi lên một cục bướu; và chừng nào cục bướu vẫn còn đó, thì không ai trong cõi Diêm phù đề này có thể xứng tay. Cũng vậy chừng nào trước trán của Bồ tát chưa tan mất cục bướu Bồ đề tâm, được kích thích bởi tâm đại từ và đại bi; thì tất cả xe ma và ác nghiệp đang khuất phục thế gian cũng không sao đấu thắng nổi.

Cũng như trong việc học bắn cung, đệ tử nào ở lại nhà thầy để chuyên tâm học, sẽ vượt xa các đệ tử khác cùng học nghệ thuật này; hơn về sự khéo léo, về sự chăm chỉ, về sự áp dụng và về sức mạnh. Cũng vậy, thánh giả Bồ tát, tự tu tập để chứng nhất thiết trí, bỏ xa tất cả các hàng hữu học và Duyên giác chưa phát Bồ đề tâm; hơn về thệ nguyện, trí tuệ, giải thoát, các hạnh và năng lực.

Trong việc tập bắn cung lão luyện, trước hết phải học cách trụ chân cho vững, sau đó mới học đầy đủ cách bắn. Cũng vậy, khi Bồ tát tự tu tập để chứng nhất thiết trí, việc cần thiết trước hết là phải trụ vững nơi Bồ đề tâm, vì đó là bước tiên khởi hướng tới chỗ thấu triệt tất cả đạo lý của Phật.

Trong việc luyện tập các huyễn thuật, bước thứ nhất là phải học thuộc nằm lòng tất cả các câu thần chú, sau đó mới có thể thi hành tất cả các loại huyễn thuật. Cũng vậy, khi Bồ tát muốn đạt tới đời sống và các hành vi kỳ diệu của chư Phật và chư Bồ tát trước phải phát khởi Bồ đề tâm và hoài bão các thệ nguyện của Bồ tát bởi vì nhờ đó mới có thể thâm nhập đời sống của hết thảy chư Phật và Bồ tát.

Cũng như các thứ được tạo ra bởi huyễn thuật đều hoàn toàn vô hình nhưng được thấy như là hữu hình. Cũng vậy Bồ để tâm vốn vô tướng, nhưng lại thấy được Pháp giới (Dharmadhàtu) vô biên trang nghiêm đầy đủ tất cả các công đức bởi vì tâm của Bồ tát đã được nhất thiết trí đánh thức dậy.

Cũng như khi vừa thấy một chú mèo đang đến gần, tất cả các chú chuột đều bỏ chạy trốn vào hang. Cũng vậy, khi Bồ tát vừa phát khởi Bồ đề tâm từ chỗ thâm sâu của tự tánh để quan sát thế gian, tất cả nghiệp và phiền nào đều bỏ chạy và lẩn trốn vào hang.

Như có người trang điểm bằng vàng ròng chiêm phù đàn (Jambùnada), tất cả các loại trang sức khác trở thành mờ nhạt. Cũng vậy, khi Bồ tát mang vào những trang sức bằng vàng ròng chiêm phù đàn Bồ đề tâm, tất cả các công đúc trang nghiêm của hàng Thanh văn và Duyên giác đều trở nên mờ nhạt.

Cũng như đá nam châm dù chỉ một lượng nhỏ cũng sẽ chẻ hai một chuỗi xích sắt; Bồ đề tâm dù chỉ một chút mà được trỗi dậy trong tâm để cũng sẽ chẻ hai những chuỗi xích sắt của tà kiến, tà hạnh, vô minh và tham dục.

Nơi nào có mẫu từ thạch, tất cả sắt ở gần đó bị rã, không đứng im, không dính chặt nhau. Cũng vậy, bất cứ nơi đâu có từ thạch Bồ đề tâm dấn bước tới nghiệp hay phiền não, tới giải thoát của Thanh Văn hay của Duyên giác, nghiệp, phiền não và giải thoát kế cận đó đều mất hút, không đứng im, không hợp nhất.

Nhu một người đánh cá rất thân thiện với các sinh vật ở biển cả, không cảm thấy có đe dọa chết chóc nào dưới các ngọn sóng dù khi phó thân vào mõm cá Makara. Cũng vậy, khi Bồ tát phát tâm Bồ đề ở giữa luân hồi vẫn thoát khỏi nghiệp chướng và phiền não chướng; thâm nhập vào chỗ sở đắc và sở chứng của hàng Thanh văn và Duyên giác mà vẫn không bị nhiễm.

Như một người uống một chén nước cam lộ thì không bị các thứ độc dược xâm hại; Bồ tát khởi tâm cầu nhất thiết trí cũng không bao giờ bị xâm hại bởi quả vị Thanh văn, không ngưng trệ nơi đó, vì có đại bi tâm và các thệ nguyện.

Như có người dùng thuốc Anjana thoa lên đôi mắt, thì không ai có thể trông thấy y được dù có đi ngang qua giữa họ. Cũng vậy khi Bồ tát khởi tâm cầu nhất thiết trí thì các ác ma sẽ không trông thấy dù có đi ở giữa bọn chúng; vì đã được hộ trì bởi trí siêu việt và các thệ nguyện.

Khi một người được đặt duới sự bảo vệ của một quốc vương có uy thế, sẽ không bị bất cứ phàm nhân nào đe dọa. Cũng vậy, khi Bồ tát được Pháp vương Bồ đề tâm bảo vệ, sẽ không bị kinh sợ bởi bất cứ chướng ngại và hiểm trở nào.

Như một người sống trong các rặng núi được đất che chở khắp bốn phía, không bị lửa đe dọa. Cũng vậy, Bồ tát sống trong sự che chở bởi công đức của Bồ đề tâm sẽ không bao giừ bị đe dọa bởi lửa giải thoát của Thanh văn và Duyên giác.

Như một người dưới sự bảo vệ của một dũng sĩ sẽ không kinh sợ bởi kẻ thù, Bồ tát dưới sự bảo vệ của dũng sĩ Bồ đề tâm không bao giờ bị kinh sợ bởi kẻ thù ác nghiệp.

Khi thiên chủ Sakra cầm khí giới Kim cương (Vajra), toàn thể bộ đội tu la (Asura) bị hủy diệt: Cũng vậy, khi chúng Bồ tát nắm giữ Bồ đề tâm được khơi dậy từ trong sâu thẳm của tự tánh, toàn thể bộ đội Ma vương và A tu la được thiết lập do các ác sư đều bị hủy diệt.

Nhu một người uống thuốc Rasayana kéo dài tuổi thọ của mình và không. bao giờ trở nên yếu đuối; Bồ tát sẵn có thuốc Rasayana, Bồ đề tâm không bao giờ cảm thấy cũng kiệt dù thọ sinh trải qua vô số kiếp luân hồi và cũng không hề bị ô nhiễm bới các ô nhiễm do luân hồi.

Như khi điều hòa thuốc rượu, trước hết phải giữ nó trong điều kiện hoàn hảo, không bao giờ để nó tiếp xúc với các thứ bất tịnh. Cũng vậy, Bồ tát khi chuẩn bị cho đời sống hành đạo và các đại nguyện của mình, trước hết phải phát khởi Bồ đề tâm không bao giờ bị ô nhiễm

Như một người muốn thành tựu một công nghiệp nào trước hết là phải giữ gìn mệnh sống của chính mình. Cũng vậy, khi Bồ tát quyết tâm tu tập các đạo lý của Phật, trước hết phải gìn giữ Bồ đề tâm.

Khi một người đánh mất mệnh sống của mình, thì không sao thành tựu nổi bất cứ công nghiệp nào cho cha mẹ và quyến thuộc. Cũng vậy khi Bồ tát bị dứt khỏi Bồ đề tâm thì sẽ đoạn tuyệt hết công đức của nhất thiết trí và không thể thành tựu Phật trí để cứu vớt chúng sinh.

Như biển cả không thể bị thứ độc dược nào xâm hại; Bồ đề tâm của Bồ tát cũng như biển cả không hề bị xâm hại bởi nghiệp và phiền não, bởi Tâm của hàng Thanh văn và Duyên giác. Như ánh sáng mặt trời không bao giờ có thể bị các tinh tú che mờ; ánh sáng mặt trời Bồ đề tâm cũng không bao giờ bị che khuất bởi các tinh tú công đức vô vi của hàng Thanh văn và Duyên giác.

Như vương tử khi vừa thọ sinh đã được kính trọng ngay, không bao giờ bị các bậc trưởng thượng hay đại thần coi rẻ, vì là sinh trong chủng tộc quyền quý cũng vậy, ngay khi Bồ đề tâm vừa được phát khởi. Bồ tát đã thác sinh ngay vào chủng tộc Như Lai, ngài là Pháp vương; chắc chắn không thể bị coi rẻ bởi các hàng Thanh văn và Duyên giác đã tụ tập các thiện nghiệp trải qua thời gian lâu dài vì Bồ đề tâm sinh ra tử chủng tộc quyền uy của đại bi.

Vương tủ dù đang trẻ dại vẫn được các bậc trưởng thượng và đại thần hết sức kính trọng, dù vương tử không kính mến họ đúng mức. Cũng vậy, các hàng Thanh văn và Duyên giác dù đã tu tập các thiện nghiệp lâu đời, nhưng vẫn phải phủ phục trước vị Bồ tát đã phát khởi Bồ đề tâm, ngay dù Bồ tát không kính trọng họ đúng mức.

Dù vương tử chưa trưởng thành đủ để làm vua mà vẫn không mất sự quý hiển của hoàng gia, vì dòng dõi cao quý không thể đặt ngang hàng với các đại thần. Cũng vậy, Bồ tát vừa phát tâm cầu nhất thiết trí, vẫn còn bị trói buộc trong nghiệp phiền não và chấp trước, nhưng không mất sự quý hiển của giác ngộ, và không bị coi ngang hàng với Thanh văn và Duyên giác, vì thuộc chủng tộc cao quý của hết thảy Như Lai.

Đối với kẻ mắt lòa và loạn tâm, hạt nhãn châu trong sáng lại thấy như là bất tịnh. Cũng vậy hạt châu Bồ đề tâm không chút tì vết lại chừng như bất tịnh đối với những ai ngu dốt và không tín tâm, vì họ như người lòa mắt và loạn tâm.

Như người ta cầm nắm, hoặc nhìn, hoặc sờ hoặc mang bùa chú thì chữa trị được các thứ tật bịnh. Cũng vậy, trong viên thuốc ma thuật của Bồ đề tâm, tất cả công đức chứa nhóm trước kia được gìn giữ cùng với trí siêu việt và các phương tiện, và nuôi dưỡng thân thể cho các nguyện và trí của Bồ tát; khi chúng sinh nghe, hoặc thấy, hoặc nhớ tưởng, hoặc sống chung với bùa chú Bồ đề tâm đó, sẽ được chữa trị các thứ tật bịnh phiền não xấu xa.

Như người mặc áo bằng lông ngỗng thì không bị bụi dính dơ; Bồ tát mặc áo lông ngỗng Bồ đề tâm cũng không bị ô nhiễm bởi bụi sinh tử và phiền não.

Như con bù nhìn bằng gỗ được kết chặt các bộ phận, không bị lỏng lẻo, và làm xong được nhiều công việc, ấy là nhờ các bộ chốt. Cũng vậy, Bồ tát muốn thành tựu các công hạnh Bồ tát đạo là do nuôi dưỡng Bồ đề tâm, như là cái chốt giữ chặt thân thể nhất thiết trì và các thệ nguyện, và chính nhờ thế mà Bồ tát không bị ly tán.

Nếu không nhờ các bộ chốt, cái máy cùng với tất cả các bộ phận của nó sẽ không bao giờ làm nổi công việc. Cũng vậy, nếu Bồ tát không cho khơi dậy Bồ đề tâm thì sẽ không bao giờ làm xong sự nghiệp thành tựu các đạo lý của Phật hay từ các thành tố của giác ngộ.

Như một loại trầm hương tên Tượng tạng (Hastigarbha) vốn là sở hữu của một vị thế giới chủ; khi hương này được đốt lên, hương thơm của nó đưa bốn binh chủng của vua đó lên đến hư không. Cũng vậy, khi trầm hương Bồ đề tâm được đốt lên, Bồ tát do công đức của mình có thể thoát khỏi sự ràng buộc của ba cõi thế gian, và làm cho trí tuệ vô vi của Như lai trải rộng đến vô hạn.

Như chất kim cương chỉ sản xuất từ mỏ kim cương hoặc mỏ vàng. Cũng vậy, Bồ đề tâm như kim cương chỉ sản xuất từ mỏ công đức của kim cương đại bi, nơi Bồ tát hiện thân để cứu vớt thế gian; hay từ mỏ vàng siêu việt trí là cảnh giới thù thắng của Như Lai.

Như có loại cây vô căn, không ai tìm thấy gốc rễ của nó, nhưng tất cả cành, lá, cây trái và hoa đều thấy sinh sôi rậm rạp. Cũng vậy, không ai có thể thấy gốc rễ của Bồ đề tâm ở đâu, nhưng hoa công đức, trí tuệ và thần thông đều sầm uất, và tâm đại bi của Bồ tát rợp bóng tất cả thế gian, như một màng lưới.

Kim cương không cất giữ trong bình sứt mẻ bất toàn, mà đuợc cất giữ trong chiếc bình trong sáng kiên cố hoàn toàn. Cũng vậy, Kim cương Bồ đề tâm không cất giữ trong bình của các loài ít tín tâm, kém giới hạnh méo mó, trì trệ, tối tăm, rạn vỡ; cũng không cất giữ trong chiếc bình dành cho tâm thoái hóa và dao động vì thiếu tri kiến; mà chỉ được cất giữ trong chiếc bình được dùng để phát khởi tâm Bồ tát.

Như Kim cương xuyên thủng mọi thứ cẩm thạch; Bồ đề tâm cũng xuyên thủng kho tàng Chánh Pháp.

Như kim cương có thể đập vở mọi núi đá; kim cương Bồ đề tâm cũng đập vỡ mọi núi đá tà kiến.

Kim cuơng dù bị vỡ vẫn thù thắng hơn tất cả các thứ đá quý và quý hơn các thứ trang sức bằng vàng khác. Cũng vậy, Bồ đề tâm dù khiếm khuyết và bất toàn vẫn thù thắng hơn các thứ trang sức bằng vàng của công đức nơi các hàng Thanh văn và Duyên giác.

Kim cương dù rạn vỡ vẫn có thể trừ tuyệt tất cả sự bần cùng. Cũng vậy, Kim cương Bồ đề tâm có thể trừ tuyệt mọi bần cùng do sinh tử.

Một mẫu kim cương dù nhỏ cũng đủ sức đập vỡ mọi thứ đá quý hay tiện. Cũng vậy, một mẫu kim cương Bồ đề tâm dù nhỏ và không đáng giá vẫn đủ sức diệt trừ vô minh.

Như kim cương không ở trong tay người phàm; kim cương Bồ đề tâm cũng vậy, không phải là sở hữu của các loài trời và người có thiện căn thấp kém và thâm tâm hạ liệt.

Như người không sánh giá trị của châu ngọc thì không thể nhân ra công năng của hạt châu kim cương, và cũng không biết cách dùng công năng tối thắng của nó. Cũng vậy, ai có tâm hạ liệt thì không biết được giá trị của kim cương Bồ đề tâm và giá trị của đại kim cương siêu việt trí, cũng không định giá nổi công năng tối thắng của nó.

Như kim cương không thể nào bị dùng cho hao mòn; kim cương Bồ đề tâm cũng vậy, vì là căn nguyên và chân tánh của nhất thiết trí, không bao giờ bị hao mòn.

Như chày kim cương, người dù mạnh mẽ nhất cũng không thể mang nổi, ngoại trừ sức mạnh siêu nhiên của Na la diên (Nàràyana). Cũng vậy, cái chày kim cương vĩ đại của Bồ đề tâm, các hàng Thanh văn và Duyên giác dù có uy lực mấy cũng không bao giờ mang nổi, ngoại trừ sức mạnh Na la diên của các Đại Bồ tát được hộ trì bởi nhân duyên và uy lực của nhất thiết trí, đã hồi hướng thiện căn về nhất thiết trí, và đã đạt được uy lực đại thị hiện.

Không có khí giới nào có thể đập vỡ nổi Kim cương, nhưng Kim cương có thể hủy diệt mọi thứ và mọi thứ mà tụ nó vẫn toàn vẹn. Cũng vậy, các nguyện và trí của Thanh văn và Duyên giác không thể trải qua vô số kiếp kiên trì sự nghiệp cúu vớt giáo hóa và thành tựu tất cả chúng sinh trong thế giới ác trược này, nhưng Bồ tát không bao giờ kiệt sức trong công nghiệp đó, không bao giờ thối lui, vì cầm chặt cái chày kim cương vĩ đại của Bồ đề tâm.

Ngoài đất bằng kim cương, không có đất nào chịu nổi sức nặng của kim cương; cũng chỉ có đất kiên cố của Bồ đề tâm trong tự tánh của Bồ tát mới có thể chịu nổi sức kim cương giải thoát, nguyện, và hạnh của Bồ tát đạo chứ không phải do các hàng Thanh văn và Duyên giác.

Nước được cất trong bình kim cương cứng chắc và không nứt nó sẽ không bao giờ chảy rịn trong biển cả. Cũng vậy thiện căn của Bồ tát được tích tập và được đổ vào bình Bồ đề tâm cứng rắn và không nứt nẻ sẽ không bao giờ bị hủy hoại trong các nẻo thọ sinh.

Như cõi đại địa được nâng đỡ bởi lớp kim cương sẽ không bao giờ bị vở vụn hay rụng xuống. Cũng vậy các nguyện của Bồ tát được nâng đỡ bởi lớp kim cương Bồ đề tâm sẽ không bao giờ bị vỡ vụn hay rụng xuống khi thọ sinh vào tam giới.

Như kim cương không bao giờ bị đẫm nước; kim cương Bồ đề tâm không bao giờ bị đẫm nước nghiệp và phiền não, cũng không hề bị biến đổi khi tiếp xúc với nghiệp.

Như kim cương không bao giờ bị lửa đốt cháy , kim cương Bồ đề tâm không hề bị lửa của khổ sinh tử thiêu đốt, cũng không bị bốc cháy bởi hơi nóng của lửa phiền não.

Trong cõi đại thiên thế giới này không có tòa nào xứng đáng làm chỗ ngồi cho Như Lai, Ứng cúng Chánh biến tri cho bằng tòa kim cương, lúc ngài chiến thắng Ma Vương, thành tựu nhất thiết trí trên đài giác ngộ. Cũng vậy, chỉ có tâm kim cương kiên cố của nguyện và trí phát sinh từ Bồ đề tâm mà Bồ tát do giác ngộ vô thượng, thực hành các hạnh của nguyện, viên mãn các Ba la mật, buộc lên các nhẫn vị, chứng các Bồ tát địa, hồi hướng thiện căn, tiếp nhận sự thọ ký, thi thiết phương tiện và các trợ đạo cho Bồ tát đạo và chứa nhóm năng lực của thiện căn lớn.

Rồi Di Lặc kết luận:

“Đó là vô lượng vô biên công đức thù thắng khởi lên từ Bồ đề tâm mà Bồ tát hằng nuôi dưỡng. Và quả thực nếu ai phát tâm cầu vô thượng chánh giác thì chắc chắn sẽ có đủ các công đức đó.

Này thiện nam tử, ông đã gặp được thiện duyên, đã có các công đức kỳ diệu đó, do phát tâm cầu vô thượng chánh giác để thực hành Bồ tát hạnh. ông hỏi: “Làm sao để học hỏi được Bồ tát hạnh? Làm sao để tu tập Bồ tát hạnh?”. Vậy ông nên vào Lầu các Tì lô trang nghiêm tráng lệ huy hoàng này và khi quan sát khắp cả, thì hiểu rõ làm sao để học hỏi Bồ tát hạnh, và sau khi đã học hỏi, làm sao để thành tựu tất cả vô số công đức này.

6

Hiển nhiên Bồ tát Di Lặc (maitreya) trút hết biện tài của ngài để tán dương sự quan trọng của Bồ đề tâm (Bodhicitta) trong sự nghiệp của một bồ tát. Bởi vì, nếu Thiện Tài đồng tử không in đậm sự kiện đó trong lòng, đã không dễ gì bước vào Lầu các Tì lô (Vairochana). Cái Lầu các đó tàng ẩn tất cả những bí mật trong đời sống tâm linh của người Phật tử cao tuyệt.

Nếu đồng tử đó chưa được dọn kỹ để bắt đầu, những bí mật ấy không có nghĩa lý gì hết. Chúng có thể bị hiểu lầm nghiêm trọng, và hậu quả cố nhiên là khốc hại. Vì lý do đó, ngài Di Lặc chỉ cho Thiện Tài thấy đủ mọi góc cạnh đâu là ý nghĩa đích thực của Bồ đề tâm. Cũng nên ghi nhớ những điểm dưới đây, về Bồ đề tâm:

1. Bồ đề tâm khởi lên từ tâm đại bi; nếu không vậy, chẳng thể là Phật pháp. Coi nặng Đại bi tâm (Mahàkaruna) là nét chính của Đại thừa. Chúng ta có thể nói, toàn bộ tính chất của giáo thuyết đó quay quanh cái trụ chốt này. Nền triết lý viên dung được miêu tả rất gợi hình trong Ganda thực sự chính là cái bùng vỡ của công năng sinh động đó.

Nếu chúng ta vẫn còn dây dưa trên bình diện trí năng, những giáo thuyết của Phật như Tánh Không (Sùnyatà), Vô Ngã (Anatmya), v.v... dễ trở thành quá trừu tượng và mất hết sinh lực tâm linh vì không kích thích nổi ai cái cảm tình cuồng nhiệt. Điểm chính cần phải nhớ là, tất cả giáo thuyết của Phật đều là kết quả của một trái tim ấm áp hằng hướng tới tất cả các loại hữu tình; chứ không là một khối óc lạnh lùng muốn phủ kín những bí mật của đời sống bằng luận lý. Tức là, Phật pháp là kinh nghiệm cá nhân, không phải là triết học phi nhân.

2. Phát Bồ đề tâm không phải là biến cố trong một ngày, vì nó đòi hỏi một cuộc chuẩn bị trường kỳ không phải trong một đời mà phải qua nhiều đời. Đối với những người chưa từng tích tập thiện căn, Tâm đó vẫn đang ngủ vùi. Thiện căn phải được dồn lại để sau này gieo giống trở thành cây Bồ đề tâm rợp bóng. Thuyết nghiệp báo có thể không phải là một lối trình bày có khoa học về các sự kiện, nhưng các Phật tử Đại thừa hay Tiểu thừa đều tin tưởng tác động của nó nơi lãnh vực đạo đức trong đời sống của chúng ta. Nói rộng hơn, chừng nào chúng ta tất cả còn là những loài mang sử tính, chúng ta không trốn thoát cái nghiệp đi trước, dù đó có nghĩa là gì. Bất cứ ở đâu có khái niệm về thời gian, thì có sự tiếp nối của nghiệp. Nếu chấp nhận điều đó Bồ đề tâm không thể sinh trưởng từ mảnh đất chưa gieo trồng chắc chắn thiện căn.

3. Nếu Bồ đề tâm phát sinh từ thiện căn, chắc chắn nó phải là phì nhiêu đủ tất cả các điều tốt đẹp của các Phật và các Bồ tát, và các loài cao đại. Đồng thời nó phải là tay cự phách diệt trừ các ác trược, bởi vì không thứ gì có thể đương đầu nổi sấm chớp kinh hoàng giáng xuống từ lưỡi tầm sét Indra của Bồ đề tâm.

4. Tính chất cao quý cố hữu của Bồ đề tâm không hề bị hủy báng ngay dù nó ở giữa mọi thứ ô nhiễm; ô nhiễm của tri hay hành, hoặc phiền não. Biển lớn sinh tử nhận chìm tất cả mọi cái rơi vào đó. Nhất là các nhà triết học, họ thoả mãn với những lối giải thích mà không kể đến bản thân của sự thực, những người đó hoàn toàn không thể dứt mình ra khỏi sự trói buộc của sống và chết, bởi vì họ chưa từng cắt đứt sợi dây vô hình của nghiệp và tri kiến đang kìm hãm nọ và cõi đất nhị nguyên do óc duy trí của mình. Vì vậy, phát khởi tâm Bồ đề diễn ra từ chỗ uyên ảo của tự tánh, đó là một biến cố tôn giáo vĩ đại.

5. Lại vì lý do này nữa, Bồ đề tâm vượt ngoài tầm chinh phục của Ma vương; mà trong Phật pháp, Ma vương tượng trưng cho nguyên lý thiên chấp. Chính nó là kẻ luôn luôn mong cầu cơ hội tấn công lâu đài kiên cố của Trí (Prjnà) là Bi (Karunà). Trước khi phát tâm Bồ đề, linh hồn bị lôi kéo tới thiên chấp hữu và vô, và như thế là nằm ngoại ranh giới năng lực hộ trì của tất cả chư Phật và Bồ tát, và các thiện hữu. Tuy nhiên, phát khởi đó đánh dấu một cuộc chuyển hướng quyết định, đoạn tuyệt dòng tư tưởng cố hữu. Bồ tát bây giờ đã có con đường lớn thênh thang thuốc mắt, được canh chừng cẩn thận bởi ảnh hưởng đạo đức của tất cả các đấng hộ trì tuyệt diệu. Bồ tát bước đi trên con đường thẳng tắp, những bước chân của ngài quả quyết, Ma vương không có cơ hội nào cản trở nổi bước đi vững chải của ngài hướng tới giác ngộ viên mãn

6. Như đã được cắt nghĩa trong đoạn mở đầu của thiên luận này, Bodhicitta có nghĩa là, làm trỗi dậy khát vọng mong cầu giác ngộ tối thượng mà Phật đã thành tựu, để rồi sau đó ngài làm bậc đạo sư của một phong trào tôn giáo, được gọi là đạo Phật. Giác ngộ tối thượng chính là nhất thiết trí, Sarvajnata, thường được nhắc nhở trong các kinh điển Đại thừa.

Nhất thiết trí vốn là yếu tính của Phật đạo. Nó không có nghĩa rằng Phật biết hết mọi thứ, nhưng ngài đã nắm vững nguyên lý căn bản của hiện hữu và ngài đã vào sâu trong trọng tâm của tự tánh. Khi Bồ đề tâm được phát khởi, Bồ tát được quyết định an trụ nơi nhất thiết trí.

7. Phát bồ đề tâm tánh dấu đoạn mở đầu cho sự nghiệp của Bồ tát. Trước đó, ý niệm về Bồ tát chỉ là một lối trừu tượng Có thể tất cả chúng ta đều là Bồ tát, nhưng khái niệm đó không được ghi đậm trong tâm thức chúng ta, hình ảnh đó chưa đủ sống động để làm cho chúng ta cảm và sống sự thực. Tâm được phát khởi, và sự thực trở thành một biến cố riêng tư Bồ tát bấy giờ sống tràn như run lên. Bồ tát và Bồ đề tâm không thể tách riêng. Bồ đề tâm ở đâu, là Bồ tát ở đó. Tâm quả thực là chìa khóa mở tất cả cửa bí mật của Phật pháp.

8. Bồ đề tâm là giai đoạn thứ nhất trong hạnh và nguyện của Bồ tát. Chủ đích đi cầu đạo của Thiện Tài, như được nói đến trong Ganda, là cốt nhìn ra đâu là hạnh và nguyện của Bồ tát. Rồi nhờ đức Di Lặc mà Thiện Tài đồng tử trực nhận từ trong mình tất cả những gì mình đã săn đuổi giữa các minh sư, các đạo sĩ, các thiên thần, v.v... Cuối cùng được ngài Phổ Hiền (Samantabhadra) ấn chứng, nhung nếu không có giáo huấn của đức Di Lặc về Bồ đề tâm và được ngài dẫn vào Lầu các Tì Lô, Thiện Tài hẳn là không mong gì thực sự bước lên sự nghiệp Bồ tát đạo của mình. Hạnh và nguyện, xác chứng một Phật tử có tư cách là Đại thừa chứ không phải là Tiểu thừa, không thể không phát khởi Bồ đề tâm trước tiên.

9. Ganda mô tả Bồ tát như là một người không hề mệt mỏi sống cuộc đời dâng hiến, để làm lợi ích hết thảy chúng sinh, về tinh thần cũng như vật chất. Đời sống của ngài trải rộng đến tận cùng thế giới, trong thời gian vô tận và không gian vô biên. Nếu ngài không làm xong công nghiệp của mình trong một đời hay nhiều đời, ngài sẵn sàng tái sinh trong thời gian tận cùng. Môi trường hành động của ngài không chỉ giới hạn trong thế gian của chúng ta ở đây. Có vô số thế giới tràn ngập cả hư không biên tế, ngài cũng sẽ hiện thân khắp ở đó, cho đến khi nào đạt đến mức mà mọi chúng sinh với mọi căn cơ thảy đều thoát khỏi vô minh và ngã chấp. Không bao giờ biết mệt mỏi, đó là đặc chất Bồ tát, sinh ra từ Bồ đề tâm.

10. Sau hết, khái niệm Bồ đề tâm là một tiêu chí phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa. Tính cách khép kín của tổ chức tăng lữ làm tiêu hao sinh lực Phật pháp. Khi thế hệ đó ngự trị, Phật pháp hạn chế ích lợi của nó trong một nhóm khổ tu đặc biệt.

Nói đến Tiểu thừa, không phải chỉ chừng đó. Công kích nặng nhất là nói, tiểu thừa chận đứng sự sinh trưởng của hạt giống tâm linh được vun trồng trong tâm để của mọi loài hữu tình; đáng lẽ phải sinh trưởng trong sự phát khởi Bồ đề tâm. Tâm đó có khát vọng không bao giờ bị khô héo vì sương giá lạnh lùng của cái giác ngộ trí năng. Khát vọng này kết chặt gốc rễ, và sự giác ngộ phải thỏa mãn không yêu sách của nó. Các hoạt động không hề mỏi mệt của Bồ tát là kết quả của lòng ngưỡng vọng đó, và chính cái đó duy trì tinh thần của Đại thừa vô cùng sống động ở Viễn Đông, bất chấp óc thủ cựu của xứ này.

Nói vắn tắt, Bồ đề tâm không chỉ là tình yêu thương, nó còn bao gồm cả một trực kiến của triết lý. Nó là một hóa thân cụ thể toàn nhất của Trí (Prajnà) và Bi (Karunà). Bi và Trí khởi sự thực sự ở trong Tâm đó. Chúng ta sẽ rõ ý nghĩa này hơn trong phần tới, trình bày về kinh Bát nhã (Prajnàpàramità). Kinh Bát nhã không công khai nhắc đến Bồ đề tâm, những cái học hay cái hành về Bát nhã thâm áo quả thực là phát khởi Bồ đề tâm và là khởi điểm của hạnh và nguyện của Bồ tát. Nếu Đại thừa có thể giúp ta đi sâu vào ý thức tôn giáo, thì chính là sự trực nhận của chúng về Tâm đó, như là Trí và Bi.

7

Như tôi đã mở đầu thiên luận này bằng một đoạn trích dẫn từ kinh Thập địa (Dasabhùmika), ở đây cũng sẽ kết luận bằng một đoạn trích dẫn từ kinh đó, không đến nỗi lạc đề. Kinh này, như tôi đã nói trên, nằm trong bộ Avatamsaka (Hoa nghiêm) của văn học Đại thừa, như Gandavyùha. Dưới đây[19]là những bài kệ (gàthà) cuối cùng, nói về giai đoạn thứ mười của Bồ tát đạo gọi là Pháp vân địa (Dharmamegha) trong đó, ngài Kim Cang Tạng (Vajragarbha), vị Bồ tát thượng thủ của Hội Thập địa (Dasabhùmika), nói với Bồ tát vân tập tại cung trời Tha hóa tự tại (Paranirmita-vasavartin), về khát vọng mong cầu giác ngộ:

Xin hãy nghe kỹ các thắng hạnh tuyệt vời của Bồ tát. Các ngài hưởng thọ thanh bình và tự chế, tâm đó trầm lặng và nhu thuận,

Bình đẳng và vô ngại như đường đi giữa hư không.

Lìa hẳn các uế truợc và ô nhiễm, trụ nơi tri kiến của đạo.

Các ngài đã tích tụ trăm nghìn thiện căn qua vô số kiếp,

Cúng dường trăm nghìn chư Phật và các đại trí giả (Rishi),

Và cũng cúng dường vô lượng các A la hán và Bích chi Phật (Pratyekabuddha),

Và để lợi ích hết thảy thế gian nên phát khởi Bồ đề tâm.

Các ngài đã tinh cần trì giới, thành tựu các nhẫn nhục,

Hổ thẹn “về các ác hạnh” nhưng siêng năng với các hành vi phước lạc, không ngừng tăng gia phước và trì,

Mở rộng tâm trí rộng lớn chứa đầy Phật trí,

Các ngài phát khởi Bồ đề tâm như đấng có mười uy lực.

Các ngài cung kính cúng dường chư Phật trong ba đời.

Nghiêm tịnh hết thảy quốc độ rộng lớn như hư không,

Và thấy rộng các pháp đều bình đẳng,

Các ngài phát khởi Bồ đề tâm để giải thoát toàn thể thế gian.

Các ngài đã hoan hỉ và có kiến giải sâu xa, ưa tu tập tịnh giới

Mãi mãi siêng năng làm lợi ích hết thảy thế gian.

Thích thú trong các công đức của Phật, hăng hái ngăn ngừa (các tội lỗi) cho thế gian,

Các ngài phát khởi Bồ đề tâm để làm lợi ích cho ba cõi.

Các ngài đã chấm dứt các ác nghiệp, hằng hăng hái trong các tịnh giới, ưa thích tu tập khổ hạnh, hằng khắc phục các vọng tình,

Nương tựa nơi Phật và hết lòng tu các hạnh giác ngộ,

Các ngài phát Bồ đề tâm để thực hiện các việc lợi lạc cho ba cõi

Các ngài tùy hỉ với tất cả các pháp lành và tùy thuận với các niềm vui của nhẫn nhục,

Thấu hiểu mùi vị của các hành vi công đức và ghét bỏ óc cống cao ngã mạn.

An trụ nơi đạo tâm, và trong cung cách nhu thuận và hòa duyệt,

Các ngài phát khởi Bồ đề tâm để cho toàn thể thế gian được tăng ích,

Bồ tát như sư tử thực hiện các hành vi trong sạch của mình, dũng mãnh kiên trì những gian khổ,

Cao thượng đứng trên hết thảy mọi loài,

Không ngừng thành tựu các công đức, chinh phục đội quân phiền não.

Bồ đề tâm được phát khởi vững chắc trong những tâm hồn nhu thế.

Tâm của các ngài ở trong cảnh giới hoàn toàn vắng lặng.

Làm khô cạn những đắm trước, dút trừ mọi con đường ô nhiễm.

Hạnh phúc trong niềm vui vắng lặng, cởi bỏ sự ràng buộc của sinh tử;

Bồ đề tâm được phát khởi vững chắc trong những tâm hồn như thế.

Tâm tưởng của các ngài thuần tịnh như hư không, biết rõ đâu là siêu việt trí và thế tục trí.

Các ngài đã chinh phục quân đội Ma vương, dẹp bỏ những phiền não hiểm nguy nương ta nơi ngôn giáo của Phật, đạt tới ý nghĩa của Chân như;

Bồ đề tâm được phát khởi vững chắc trong những tâm hồn như thế.

Để mang lại sự an ổn cho ba cõi, các ngài trụ vững nơi trí;

Để diệt trừ màng lưới hí luận, các ngài được trang bị bằng trí và lực;

Các ngài tán dương các công đức của đấng Thiện thệ (Sugata, chỉ cho Phật), và tâm hằng hoan hỉ;

Bồ đề tâm được phát khởi vững chắc trong những tâm hồn như thế.

Các ngài mong cấu hạnh phúc cho ba cõi, làm tròn các trợ đạo

Tâm kiên quyết thực hiện các công trình của mình, Bồ tát sẽ thực hành mọi hành vi gian khổ;

Không ngớt nỗ lực làm các pháp lành:

Bồ đề tâm được phát khởi vững chắc trong những tâm hồn như thế.

Mong cầu các công đức của đấng có mười uy lực, ưa thích các hành vi của giác ngộ,

Các ngài dũng mãnh vượt qua đại dương bị bao phủ bởi hí luận, bứt các sợi dây ngã mạn,

Bước đi theo thiện đạo, các ngài mong cầu chứng đắc Pháp tánh;

Bồ đề tâm được phát khởi vững chắc trong những tâm hồn như thế,

Cầu mong họ thực hành các giác ngộ như đã kể ở đây.

Cầu mong họ chứng được mười uy lực thần thông những ai đã nghe các ngôn giáo của Phật và các nguyện.

Cầu mong họ chứng Bồ đề tâm, những ai đã thanh tịnh trong ba đức,

Cầu mong họ là các Bồ tát đã thanh tịnh trong ba quy y (tức quy y Phật, Pháp và Tăng). 



[1]Annuttaràyai samyaksambodhaye cittam utpàdya: phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Idzuma, p.13

[2]Kinh Astasàhasrlka (Bát nhã bát thiên tụng) ấn hành bởi Raiendralàla Mi tra, p.60ff.

[3]Tebhyo> ọyalpebhyo> lpatarakàs te ye> nuttaràyàm samyaksambodhau cittànyutpàdayaotl.

[4]Saddharma. pundarlka. ấn hành bởi Kern và Nanjo, p.44.

[5]Op.ci.t, p. 43

[6]Idzumi, p.152

[7]óp.cit., p.154

[8]Lối diễn tả được ngài Di Lặc sử dụng khi ngài tán dương Thiện Tài quyết tâm tìm cầu Bồ tát đạo. Durlabhàh kulaputràs te sattvah sarvaloke ye> nuttaràyàm sàmyaksambodhau pranidadhanti. ldzumi MS. p.1321

[9]Văn pháp đây ít dùng định sở cách (locative). Thỉnh thoảng dùng theo chỉ định cách (dative), tỉ dụ, anuttaràyai samyaksambodhaye cittàm utpàdya (Bản Idzumi về Gandavyùha. p.154). Đằng khác, riêng chữ bodha thường được dùng cho sambodhi theo chỉ định cách. Thí dụ: Bodhàya cittam utpàdyate (Raher Dasabhùmika, p.11, R); bodhàya cittam utpàdya (Astasàhasrika. pp.62, 63, 71, 93 .v.v...); bodhàya cittam.utpadyate (Gandavyùha, p.169. v.v… 0

[10]Bài tụng này cần phải giải thích kỹ, vì nó được diễn tả khá trừu tượng và chuyên môn

[11]An bản Rahder, p.11, R

[12]Nhan đề sanskrit của Hoa nghiêm là Avatamsaka theo Phiên dịch danh nghĩa đại tập (Mahàvyupatti), và theo thích nguyên lục (một bản mục lục Tam Tang Trung Hoa soạn tập năm 1285-128), nhưng Pháp Tạng trong bản chú giải kinh Hoa nghiệm bộ 60 quyển nói nguyên chữ chính là Gandavyuha. Avatamsaka có nghĩa là “một tràng hoa”, và ganda là “tạp hoa” một loại hoa thường và vỳùha là Phân phối trật tự hay “trang sức”. Vậy, chữ Hoa nghiêm phù hợp sít với Gandavyùha hơn Avatamsaka. Nghiêm hay trang nghiêm trong chữ Hán tương đương với chữ vyùha. Khi khảo sát về nội dung của Hoa nghiêm bản 60 quyển hay 80 quyển, chúng ta thấy rằng khởi đầu có những bản kinh độc lập về sau được tập hợp thành một tòng thơ, vì mỗi thể tài được trình bày trong các kinh đó đều được xếp loại theo từng thủ, và được gọi chung là Hoa nghiêm. Đúng ra dùng chữ Avatamsaka cho toàn bộ tòng thơ Hoa nghiêm và chữ Gandavyùha dùng cho bản Sanskrit độc lập, dù nó thuộc chương cuối của các bản Hoa nghiêm 60 và 80 quyển. Bản Hoa nghiêm 40 quyển tương đương với Gandavyùha. Xem thêm đoạn trên, trong tập sách này.

[13]Rahder, p.11, s.

[14]lbid., p.11, T.

[15]lbid., pp. 11-12, U.

[16]Đoạn tiếp theo chủ yếu căn cứ trên các bản Hán dịch dù nguyên bản Sanskrit MSS, thường được sử dụng song song với bản Hán. Dịch thoát, cốt ý cho độc giả thấy ý nghĩa Bồ tâm trong giáo thuyết của Đại thừa.

[17]Anusaya: tùy phiền não, có nghĩa “cái ngủ chung với”, tức là klesa (phiền não).

[18]Nên ghi nhận rằng các bản Sanskrit viết: “khát vọng nhất thiết trí” chứ không phải là “khát vọng giác ngộ”. Chữ sarvajnatà đã thay cho chữ bodhi như thế nào?

[19]Phần Gàthà của Dasabhùmika, các Gàthàs cuối cùng, 1-11 The Eastern Buddhist, VI-1.1972. Xin hãy nghe kỹ các thắng hạnh tuyệt vời của Bồ tát.


---o0o---

Vi tính: Diệu Tánh - Diệu An
Trình bày: Nhị Tường - Vĩnh Thái

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567