Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nụ Cười Của Tượng Phật Chùa Kim Chương

24/04/201311:08(Xem: 12723)
Nụ Cười Của Tượng Phật Chùa Kim Chương
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Nụ Cười Của Tượng Phật Chùa Kim Chương

Trương Ngọc Tường
Nguồn: Trương Ngọc Tường


Kim Chương, Sắc tứ Phổ Quang, Thiên Trường, đều là tên hiệu của chùa Hội Thọ ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Ngôi chùa này do Hòa thượng Đạt Bản quê ở Qui Nhơn vào khai sơn trong năm Ất Hợi (1755), gốc ở thôn Tân Triêm, huyện Bình Dương, nay ở vào khoảng chùa Lâm Tế, khu vực thành “Ô Ma”, đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Kim Chương có thể gọi là ngôi chùa cổ nhất nhì ở xứ Đồng Nai-Gia Định.

Vào thế kỷ thứ XVIII, khi mới thành lập, chùa Kim Chương đã là một đại già lam. Đặc biệt, vài thập niên sau đó, ngôi chùa này đã chứng kiến một màn bi kịch của vương triều nhà Nguyễn. Nguyên là khi Tây Sơn khởi nghĩa, chúa Nguyễn và đám hoàng thân quốc thích phải chạy vào Nam lánh nạn như bầy ong vỡ tổ. Khi đó, Hòa Nghĩa Đạo tướng quân Lý Tài đã tìm được Đông cung Nguyễn Phúc Dương đem về Gia Định; và trong lúc nguy cấp, đã mượn chùa Kim Chương tạm làm cung điện để tôn ông hoàng này lên ngôi. Do đó, chùa Kim Chương đã được sắc tứ lần thứ hai, nhưng bị đổi tên là Phổ Quang tự. Cuộc đời mấy ai được sung sướng vĩnh viễn; chỉ một năm sau, tức vào khoảng năm Bính Ngọ (1776), Tây Sơn đã đuổi bắt được Mục vương Nguyễn Phúc Dương và Thái Thượng vương. Hai ông chúa này bị giải về Gia Định. Trớ trêu thay, Tây Sơn cũng mượn chùa Kim Cương làm pháp trường kết thúc cuộc đời hai ông chúa này.

Gia Long khôi phục vương triều nhà Nguyễn, đến năm thứ ba (1804) chùa Kim Chương tổ chức lễ chúc thọ giới đàn báo đáp ân sâu của Đức Phật. Đây là lễ giới đàn đầu tiên trong lịch sử Phật giáo (PG) Nam Bộ. Trước kia, ở miền Nam chỉ có chùa xây dựng theo thiết chế làng xã nên chỉ có các cư sĩ đảm nhận việc nhang khói, ít có cao tăng trụ trì. Người địa phương mộ đạo xuất gia, muốn thọ đại giới thì phải vượt biển ra Trung vất vả nguy hiểm. Sự kiện chùa Sắc tứ Kim Chương mở Đại giới đàn là một sự kiện vô cùng quan trọng ở vùng đất mới này.

Đến năm Quí Dậu (1813), Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (tức vợ vua Gia Long), nhớ đến những ngày bôn ba gian khổ ở Gia Định, hỷ cúng một vạn quan tiền, và sai Thần Võ tướng quân Trần Nhân Phụng đem lính thợ đến trùng tu lại chùa Kim Chương. Sau đó triều đình thường cử nhiều vị Tăng cang đến trụ trì, nhưng đổi hiệu chùa là Sắc tứ Thiên Trường tự. Theo Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí”, thì lúc bấy giờ chùa Kim Chương rất rộng lớn: trước có sơn môn và nhà thiêu hương, trong có chánh điện, hai bên có Đông lang và Tây lang. Phía sau có phương trượng và nhà chứa kinh sách. Tăng cang Minh Giác là một trong những vị có công lớn trong việc in bộ kinh Kim Cang chú giải.

Năm 1859, thực dân Pháp xua quân tấn công Gia Định, Nguyễn Tri Phương đắp đồn Chí Hòa cầm cự suốt hai năm thì địch mới chọc thủng phòng tuyến rồi tràn sang các tỉnh lân cận. Lúc bấy giờ chùa Kim Chương là một quốc tự, Hòa thượng Minh Giác là một Tăng cang nên không thể nào ngồi yên trước mũi súng của địch. Do đó, Tăng chúng cùng bổn đạo đã gấp rút dỡ ngôi chùa và chở tượng Phật chạy về xã Mỹ Thiện (nay là Thiện Trí) vì đây là hậu phương của cuộc khởi nghĩa do Thiên hộ Dương lãnh đạo. Để che mắt địch, nhà chùa lấy cớ có nhiều cao tăng trường thọ nên đổi hiệu lại là Hội Thọ tự, xem bình thường như những ngôi chùa bình thường khác.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, vì chùa Hội Thọ ở gần lộ Đông Dương, Tăng chúng sợ thực dân Pháp sẽ trở lại chiếm chùa làm đồn bót, nên hưởng ứng lệnh kêu gọi tiêu thổ kháng chiến rồi rút vào bưng biền. Do lúc đó người thi hành nhiệm vụ có ý thức giữ gìn nên nhà chùa còn rất nhiều hiện vật. Từ đó có người gom lại tạo một am tranh gìn giữ. Bom đạn càng ngày càng ác liệt, đôi lúc người ấy phải gồng gánh chuyên chở bộ tượng thờ theo đoàn người tản cư vô cùng xúc động.

May mắn khi hòa bình lập lại, Tổ đình Hội Thọ còn giữ được nhiều bài vị và tranh chân dung của các vị Tổ sư tiền bối. Chùa còn một bộ tượng gỗ của Thừa Thiên Cao hoàng hậu cúng năm 1813 gồm có tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Địa Tạng, Đạt Ma, Già Lam, Minh Vương, Phán Quan... Bộ tượng này được tạo hình với những đường nét sống động, theo nhân dạng Việt Nam. Đặc biệt, tượng thần Già Lam hộ trì ngôi Tam bảo là hình tượng của Đức ông Cấp Cô Độc, chớ không phải là hình tượng của Quan Thánh Đế Quân như thường thấy ở các chùa Nam Bộ. Bộ tượng này do thợ Huế làm, phong cách giống như tượng Di Đà của chùa Khải Tường hiện để tại Bảo tàng Lịch sử TP. HCM. Mặc dù bộ tượng này đã gần 200 tuổi, bị long sơn nhiều chỗ, nhưng các thế hệ trước và thế hệ hiện nay đã có ý thức bảo tồn di tích của người xưa, thường chăm sóc giữ gìn không cho mối mọt đục khoét, chớ không sơn đắp tô vẽ lòe loẹt theo phong trào trùng tu vô ý thức hiện nay. Có thể gọi đây là những hiện vật quýcủa PG, đáng xếp vào hàng “quốc bảo”.

Đặc biệt nhất là chùa Kim Chương còn một tượng Phật Di Đà cao khoảng 6 tấc, bằng đất sét thô, ép khuôn, bộng ruột, bên ngoài sơn thếp. Đây là pho tượng thờ ở bàn chánh trung, có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ XIX. Pho tượng này trước kia ở Gia Định đem về Cái Bè. Pho tượng thể hiện hình ảnh Đức Phật đang tọa thiền, thân mình ngồi thẳng tự nhiên, hai mắt hé mở, miệng mỉm cười. Pho tượng này do các nghệ nhân ở địa phương làm nên mang tính dân dã. Miệng Ngài cười móm mém như một bà lão ở nông thôn. Một nụ cười bất diệt, vô cùng độc đáo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]