Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tinh thần Phật giáo trong sân khấu dân tộc ở Việt Nam và một số nước Đông-Nam Á

23/04/201319:51(Xem: 14163)
Tinh thần Phật giáo trong sân khấu dân tộc ở Việt Nam và một số nước Đông-Nam Á
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Tinh Thần Phật Giáo Trong Sân Khấu Dân Tộc Ở Việt Nam Và Một Số Nước Đông-Nam Á

Nghệ sĩ Bạch Tuyết
Nguồn: Nghệ sĩ Bạch Tuyết


Sân khấu Đông Nam Á (ĐNÁ) có đặc điểm dùng ngôn ngữ văn học làm cơ sở với cách hát và động tác cách điệu, với trang trí mang tính ước lệ. Khác với sân khấu kịch phương Tây theo lý luận của Aritote, những câu chuyện được diễn tả như thật, mỗi chi tiết được cụ thể hóa, cơ học hóa trên sàn diễn đã được công nghiệp hóa. Sân khấu tao nhã phương Đông thường là những tích truyện cổ truyền miệng từ trong dân gian được khái quát hóa, nghệ thuật hóa; thường được bày ra ở các sân chùa, sân đình, bờ ruộng bãi mía... nơi có số đông dân chúng tụ họp thành làng xã, tài nghệ cá nhân của diễn viên và ban nhạc nền với các nhạc cụ dân tộc là yếu tố chính thu hút người xem trong mỗi đêm diễn.

Yếu tố tôn giáo hình thành tư tưởng triết ý trong hầu hết các vở diễn xuất phát từ tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật. Tinh thần Phật giáo (PG) là một trong những nhân tố tiềm ẩn của dòng ý thức ăn sâu bén rễ cấu tạo nền văn hóa chung gắn bó các dân tộc trong khu vực để từ đó sân khấu ĐNÁ mang đến cho công chúng khán giả những bài học, những kinh nghiệm mang tính khái quát thông qua tác phẩm, quan niệm về cái đẹp đồng nghĩa với cái thiện và cái chân.

Sân khấu cổ truyền của một số quốc gia ĐNÁ còn ghi nhận sự hiện diện của hai bộ Sử thi đồ sộ của người khổng lồ Valmiki (Ấn Độ). “Ramayana” hầu hết như được cả thế giới biết đến cùng với “Mahabharata” mang nội dung ca ngợi cái Đẹp của đạo đức, tinh thần anh dũng, hy sinh vì chính nghĩa, ca ngợi những vị thần, những con người sống trung thực, liên kết nhau, giúp đỡ nhau chống lại cái ác, kẻ làm điều xấu sẽ bị vạch mặt chỉ tên, bị đám đông dân chúng khinh bỉ xa lánh, người lương thiện bị hàm oan, bị hại cuối cùng được bà con xóm làng cưu mang, cứu giúp tìm cách chống lại bọn ác. Cùng với những tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Hoa như “Tam quốc chí”, “Đông Chu liệt quốc” “Tống Giang Thủy Hử”... là hàng loạt những tác phẩm được xây dựng dựa trên câu chuyện về Đức Phật Thích Ca từ lúc Ngài rời kinh thành đi tu cho đến khi thành đạo, là những nguồn cảm hứng bất tuyệt, cung cấp vật liệu trong quá trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu cổ truyền ĐNÁ. Tính kế thừa về tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại qua hai bộ sử thi và những bộ trường thiên tiểu thuyết của Trung Hoa, đối với các tác phẩm sân khấu của Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia rất sâu sắc. Riêng ở Thái Lan, những thập niên 90, đã có một số vở diễn được các tác giả và đạo diễn khai thác dựa trên tạng Kinh của Đức Phật, đó là vở “Đoc Tripikata”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật sân khấu truyền thống trong cũng như ngoài nước, ở Việt Nam thời Lý-Trần, ngôi chùa là trung tâm văn hóa của cộng đồng làng, xã, nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đậm tính chất dân gian thấm đượm hương vị PG. Sử chép rằng các vua Lý-Trần đã nhiều lần xuống chiếu đại xá các tội phạåm biết ăn năn hối cải, chiếu miễn giảm thuế cho dân bị thiên tai địch họa. Các vua cùng các hoàng hậu cũng đã ra chỉ dụ lập chùa xây đình cất miếu khắp cùng đất nước từ rừng cao núi thẳm đến vùng đồng bằng đông đúc dân cư. Tinh thần PG nổi bật lúc bấy giờ thể hiện lòng nhân ái, lượng bao dung, đức hiếu sinh (từ bi, hỷ xả), lấy hạnh phúc con người và sự giải thoát làm mục đích, không phân biệt già trẻ gái trai, cao thấp sang hèn. Tư tưởng PG, thông qua các tác phẩm sân khấu, khuyến khích, tạo điều kiện cho con người tự ý thức, hành động, tự hoàn thiện và nhất là tự định đoạt lấy số phận mình, khẳng định sự tồn tại khoảnh khắc nhưng vô cùng quý báu của mình trong dòng sống miên viễn của vũ trụ. Nghệ thuật sân khấu truyền thống thời Lý-Trần chan hòa tinh thần PG, nhân vật trung tâm xuất hiện trước khán giả là để chuyển tải ý niệm nhân ái, bao dung, tư tưởng cốt tủy của hình thức tôn giáo được Việt Nam hóa qua cuộc đời vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông, người mở lối cho Thiền tông VN hiện diện một cách tự hào trong ngôi nhà PG thế giới. Sân khấu lúc bấy giờ hướng về tin thần bất khuất của các vị cao tăng đạo cao đức trọng, tư tưởng uyên thâm, học Phật, yêu nước, yêu dân tộc... Từ nguồn cội này, sân khấu truyền thống dân tộc đi sâu, ngấm dần vào tâm thức của dân chúng, hình thành sự rung cảm đồng điệu giữa người thưởng ngoạn và người làm nghệ thuật chân chính của mọi thời đại.

Trên sân khấu ca kịch cải lương Việt Nam, hình thành từ những năm đầu thế kỷ, chủ đề PG đã được khai thác thiên về tính giáo dục. Những vở diễn được công chúng cũng như Phật tử đón nồng nhiệt và phần nào thỏa mãn trong cách lý giải và trình bày giáo lý của Đức Phật về thuyết “nhân quả báo ứng”. Thuyết này bao trùm cả vũ trụ nhân sinh, chỉ rõ người làm lành, gieo nhân thiện tất nhiên nhận được quả lành, người lỡ lầm làm điều xấu xa, ác đức phải nhận lấy hậu quả đau lòng ; nhưng nếu bản thân người ấy biết ăn năn cải hối tự mình sửa sai, tìm cáh làm nhiều điều tốt thì họ vẫn được hưởng cái tốt của họ gieo đồng thời với những quả xấu mà họ đã gây trước kia. Những vở diễn có đề tài PG vẫn được dựng đi, dựng lại mỗi hai hoặc ba thập niên tuy có sửa đổi tuỳ theo thời, nhưng tựu trung vẫn chuyển tải được cái rốt ráo của đạo pháp, như Thiện sẽ có thiện báo ứng, Ác có ác báo hiện lên đòi không bao giờ sai, nếu như chưa thấy là vì củi chưa đủ cơm chưa tới, thời gian chưa đến.

Vở “Tam Tạng thỉnh kinh” gợi mở cho người xem nhận thức phần nào hành trình gian nan qua trăm sông ngàn suối, trăm hiểm ngàn nguy để đi tìm chân lý giác ngộ, tìm lại cái bản lai diện mục của chính mình, hiểu mình, biết khả năng tự thân để từ đó sống cuộc đời có ích cho mình, cho người, chỉ ra cho mình, cho người, cái quí báu nhất ở tự nơi mỗi người, khiến người xem liên tưởng tới những nẻo tắt ngõ quanh của con đường trần gian có quá nhiều gai chông hầm hố ; và mỗi người cần phải chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang để vượt thiên sơn vạn lý về đến nơi mình mong muốn.

Vở “Mục Liên Thanh Đề” là bài học nhắc nhở mọi người đừng nghĩ điều xấu, đừng mở miệng nói lời ác độc, đừng làm việc ác như ngườâi mẹ u mê đối với các Tỳ kheo, đồng thời nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo của một vị Bồ Tát dành cho mẫu thân, người cho mình thịt xương trí não. Ngài xả thân cầu đạo, dốc lòng tinh tấn kiên trì khiến các Tỳ kheo, các vị Bồ tát, Trời, Người cảm động. Ngài nhất quyết cứu mẹ dù biết rằng mẹ mình có lầm lỗi.

“Quan Âm Diệu Thiện” là tấm gương sáng ngời của một công nương lá ngọc cành vàng, chịu oan uổng, chịu bị hành hạ khổ sở để cứu nhân độ thế. Quan trọng hơn nữa là tấm lòng hiếu thảo muốn giác ngộ thân sinh vốn là một vị vua kém hiểu biết về Phật pháp. Bà đã hoán cải được vua cha bằng lòng nhẫn nhục, đức hy sinh của mình, và đã trị quốc, an dân bằng lòng bao dung nhân từ độ lượng của một vị cha già. Chủ đề tư tưởng của vở thấm nhuần tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật. Nhắc nhở trong mỗi con người có sẵn tánh Phật; và, đạo Phật là biểu hiện tuyệt vời của tự do và dân chủ. Đức Phật đã từng nói chính bản thân mỗi người phải hiểu biết chính xác sự việc đó là tốt đẹp thiện lương, lúc bấy giờ hãy tin thọ và phụng hành. Qua hành động cao đẹp hy sinh vì mọi người của Ni cô Diệu Thiện mà vua cha thấy được lỗi lầm của mình và tự giác trở thành vị vua tốt, người cha hiền.

Ở vở “Quan Âm Thị Kính”, từ những giây phút đầu, tác giả khiến người xem cảm kích trước tấm tình chung thủy và lòng kính trọng của người vợ dành cho chồng mình, lònghiếu đễ của một cô con dâu ngoan hiền thảo ngay, một mực thương yêu chìu chuộng, dâng cơm dời nước, cung phụng đầy đủ cho người mẹ chồng lúc nào cũng mang lòng hằn thù đối với nàng dâu. Vào phút cuối, người xem cảm kích kính phục lượng từ bi cao cả của vị Bồ Tát nhận hết về mình vô vàn đau thương tủi nhục để làm tấm gương sáng rực soi tỏ đức hiếu sinh với đời, giúp con người có cơ hội quay về với chánh pháp. Hai trong số nhiều vở viết về lịch sử đức Phật như “Phật nhập Niết bàn”, “Thích Ca đắc đạo”... của gánh Tân Thinh vào những năm 30, và mới gần đây được đưa lên phim ảnh... tuy chưa phải là một tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật như mọi người mong muốn, nhưng dù sao cũng là những tác phẩm giúp cho công chúng khán giả tiếp cận với giáo lý của đức Phật một cách đơn giản, dễ hiểu và hấp dẫn. Người xem có dịp nghe, thấy kể lại con đường đi tìm sự giác ngộ của một người được sinh thành như bao người, có nhiều phước báo thế gian hơn bao người, nhưng can đảm từ bỏ những phương tiện vật chất quí giá, ly gia cắt ái, đội nắng che mưa, áo mỏng thân gầy, nhịn ăn nhịn mặc, nhịn đói nhịn khát, kiên nhẫn miệt mài cho đến khi sở nguyện đạt thành đem lợi lạc cho nhân loại trải suốt mấy ngàn năm nay. Tuy nhiên, từ thập niên 60 trở lại đây, trong một số vở cải lương có đề tài PG, người xem chưa đồng tình với cách luận giải thiếu nghiêm túc, chính xác bởi một số tác giả không có điều kiện nghiên cứu giáo lý PG một cách xuyên suốt, khiến cho cái nhìn PG đôi khi tiêu cực. Nhân vật trung tâm thường khi rơi vào nghịch cảnh, rời bỏ cuộc đời nương về cửa Phật ; do vậy, tính chất giải thoát vốn thuộc về cốt tủy của đạo Phật đã ít nhiều bị sai lạc.

Sân khấu ĐNÁ, trong đó có VN, có thể nói là sân khấu ít nhiều chịu ảnh hưởng đậm đà màu sắc tôn giáo. Từ Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Laos, Campuchia... Hồi giáo, Ấn giáo, đặc biệt là tư tưởng Bi, Trí, Dũng của PG hiện diện trong hầu hết các tác phẩm kinh điển của nhiều loại hình sân khấu dân tộc trong khu vực. Nó như dòng suối nguồn nhân hậu thủy chung chảy giữa lòng các dân tộc, đem ánh sáng mát rượi tươi tắn, ấm nồng, thiện lương đến những vùng đất khô hạn bẩn chật lòng nhân, lan tràn bạo lực. Riêng Lào là quốc gia có nền sân khấu truyền thống đậm đặc sắc màu PG so với các nước bạn trong vùng. Các kịch mục đa phần dành giới thiệu quảng bá một cách ấn tượng năm điều thuộc giới Phật của nhà chùa dành cho Phật tử như không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu nhằm giáo dục người dân Lào sống theo tinh thần PG.

Sân khấu lễ hội phương Đông vốn dĩ không tách rời hai yếu tố bi - hài mà sân khấu Aristotle nhìn nhận như hai phạm trù riêng biệt. Nó hướng về tinh thần bi kịch lạc quan, do đó có một sự gặp gỡ hồn nhiên giữa nền sân khấu chính thống với tưởng PG bằng lối kết thúc có hậu, đoàn viên, tự tại... Bước hội tụ và phát triển các hệ nhân vật trong sân khấu truyền thống ĐNÁ phần nào tiếp cận một cách hiện thực, trung thành với triết học Phật giáo thông qua sự đa dạng, đa diện của các mẫu - nhân vật, như thần thánh - ma quỷ, minh quân - bạo chúa, quan trung - quan nịnh, người hiền - kẻ ác... như là mối quan hệ biện chứng trong quy luật Sinh, Thành, Hoại, Diệt của thế giới con người.

Chúng ta vui mừng với thành phố ba trăm năm, trong đó thâm sâu cội nguồn văn hóa dân tộc chưa bao giờ bị ngắt quãng ngăn chia, và tinh thần PG đã tự bao đời vốn là một thành tố hiện diện hài hòa giữa cấu trúc văn hóa truyền thống của dân tộc VN cũng ở như các quốc gia ĐNÁ, và sân khấu cổ truyền mang sứ mạng chuyển tải. Cách giáo dục con người của sân khấu dân tộc không xa lạ với tính chất “trực chỉ nhân tâm” như ta thường cảm nhận khi nghiên cứu công án của các vị Tổ sư Thiền dùng khai ngộ đệ tử. Công chúng tham gia vở diễn vui buồn, thương ghét, căm giận hoặc nức lòng với các nhân vật, vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí vừa thấm nhuần tư tưởng tốt đẹp an lành của PG. Khán giả tự nhìn lại mình không chỉ sống, hoặc phản ứng đơn thuần cái bản năng sinh học, mà qua đó nhân vật có thật, hiện diện ngay trong chính thân mình, những con người đáng yêu quí đáng tha thứ. Với giọt nước mắt, với tiếng cười hồn nhiên, sau khi rời khán phòng, khán giả tự chọn cho mình một thái độ, tự sắm sửa cho mình hành trang cần thiết để tiếp tục dấn thân đảm nhận vai diễn của mình trong vở kịch duy nhất của mỗi đời người.

Vị trí xác đáng của đạo Phật trong sân khấu truyền thống là hiện thực khách quan, không phải chỉ một triều đại hoặc một thời đại nào đó, mà còn là sự hội nhập các dòng văn hóa thăng hoa sân khấu truyền thống các dân tộc trong khu vực ĐNÁ từ trong quá khứ cũng như trong tương lai.

Trở lại với lời Phật ý Tổ, chúng ta nhận ra rằng do sáu căn đắm nhiễm sáu trần sanh ra sáu thức đã dẫn chúng sanh vào mê lộ luân hồi sanh tử ; thì cũng ngay chính căn, trần, thức này sẽ đưa chúng sanh “phản vọng về chơn”. Như vậy, với tám mươi bốn ngàn pháp môn phương tiện, phải chăng loại hình nghệ thuật sân khấu với nội dung PG đúng nghĩa và hợp thời cũng là một thành tố đặc biệt đáng kể. Và chúng ta có thể thông qua lời ca, tiếng nhạc, bằng hình tượng nhân vật tạo thêm chất liệu xúc tác vào phạm trù Chân, Thiện, Mỹ để cảm hóa lòng người. Từng bước nhận ra chân tánh quí báu sẵn có xưa nay của chính mình, đó cũng là một tất yếu biện chứng của tinh thần khế lý, khế cơ của nhà Phật.

Nên chăng với nhu cầu thưởng ngoạn đồng thời với yêu cầu chuyển tải những giá trị tinh thần đạo đức cho công chúng trong thế kỷ tới đây thông qua cung cách tiếp thị hiện đại, tôi mạo muội đề đạt với các lãnh đạo PG nên đưa loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc thành một bộ môn được giảng dạy chính thức tại các Học viện PG khắp ba miền Nam Trung Bắc. Từ đó hình thành những câu lạc bộ giao lưu, biểu diễn, trao đổi nghệ thuật văn hóa dân tộc mang tinh thần PG giữa các vị tu học với công chúng Phật tử trong nước cũng như trong và ngoài khu vực ĐNÁ, nhằm phổ biến, nâng cao sự hiểu biết giáo lý Đức Phật bằng nhiều phương tiện, nhiều hình thức phong phú, bằng con đường chánh pháp, dìu dắt những ngườâi thật lòng đến với đạo. Hơn nữa, còn có thể giúp công chúng và nhất là những Phật tử thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc, học giỏi, hành trì và thâm nhập giáo lý đạo Phật một cách khoa học, vừa hồn niên vừa hấp dẫn, thích hợp với điều kiện sinh hoạt hiện đại của công chúng khán giả Phật tử thế kỷ XXI; sống một cuộc sống trong sáng, trí tuệ, kính Phật, yêu nước, yêu dân tộc, nhớ ơn tổ tiên ông bà cha mẹ, yêu thương con người, gìn giữ, bảo vệ và phát triển môi trường thiên nhiên ngày càng hài hòa, tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Tóm lại, từ những ngày đầu quá trình hình thành và phát triển, các quốc gia trong vùng đã ghi nhận sân khấu truyền thống, cùng với các tôn giáo, đặc biệt là PG, luôn tồn tại gắn bó với nhau. Trong tiến trình giao kết, vai trò của Phật giáo làm chất men thúc đẩy lòng hướng thiện của con người thông qua tác phẩm trên sân khấu truyền thống và người thể hiện trước công chúng. Tư tưởng PG, rõ ràng đã là cái nền vững chắc hỗ trợ sân khấu truyền thống khẳng định tính nhân bản của loại hình trong dòng văn hóa dân tộc. Là hai nếu xét trên bình diện hình thức, phương pháp thể hiện, nhưng nó sẽ không tách rời trước cái nhìn toàn cảnh về mục đích tối cao của con người, ước muốn vươn tới sự hoàn thiện cho cá nhân, cho cộng đồng cũng như nhân loại.

16-4-1998
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]