Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tình sông nghĩa biển (điểm qua những bước của thi ca Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh)

23/04/201319:58(Xem: 11961)
Tình sông nghĩa biển (điểm qua những bước của thi ca Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh)
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Tình Sông Nghĩa Biển (Điểm Qua Những Bước Của Thi Ca Phật Giáo Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh)

Hạnh Phương
Nguồn: Hạnh Phương


Việt Nam và Phật giáo
Phật giáo và Việt Nam
Ngàn năm xương thịt kết liền
Tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng.

Những câu thơ này của nhà thơ Trụ Vũ đã nói lên được tính chất keo sơn cố kết của Phật giáo (PG) Việt Nam với quê hương đất nước. Truyền thống keo sơn ấy đã được phát huy tốt đẹp suốt chiều dài lịch sử tiến hóa của dân tộc ta, đặc biệt trong quá trình Nam tiến từ 3 thế kỷ trước.

Theo bước lưu dân Thuận-Quảng mở mang bờ cõi phương Nam, ngay từ thuở ban đầu đã có những Thiền sư với tấm áo nâu sồng đạm bạc, với tấm lòng từ bi nhân ái, thương người như thể thương thân đến đây, đồng cam cộng khổ với nhân dân trên vùng đất mới.

Những Thiền sư Việt Nam phát tích từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam... và cả những Thiền sư người Hoa phát tích từ lục địa Trung Quốc, đã trở thành những người bạn tình thân thiết của đám dân hiền. Có thể họ là một ông thầy châm cứu, chích lể, cho thuốc Nam. Có thể họ là một nông dân đổ mồ hôi trên nương trên rẫy làm ra hạt lúa hạt bắp, san sẻ khó khăn với mọi người dân. Ban sơ các Thiền sư chỉ dựng những am cốc tạm trú thân tu học. Dần dần những am lá đơn sơ ấy đã biến thành những già Lam phạm vũ. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam 1698, nhận chức Kinh lược, thực sự vùng đất Sài Gòn-Gia Định hiện nay đã có những ngôi đại tự được dựng xây, với tư thế trầm lắng uy nghi muôn thuở.

Thiền sư Phật Ý khai sơn chùa Từ Ân (1744) ; cư sĩ Lý Thoại Long lập chùa Giác Lâm, sau đó cung thỉnh Thiền sư Viên Quang trụ trì. Thiền sư Pháp Nhân khai sơn chùa Thiên Trường (1755). Thiền sư Đạt Bổn lập chùa Kim Chương (1756). Thiền sư Toàn Tánh lập chùa Tập Phước. Có những ngôi cổ tự tồn tại từ thuở ấy đến nay.

Có những ngôi chùa hôm nay chỉ còn tìm thấy bóng dáng trong tư liệu văn học, trong những bài thơ ngân vịnh ví dụ như chùa Ân Tôn, tức chùa Gò Cây Mai ngày nay, chỉ còn thấy bóng dáng nó ẩn hiện trong thơ Trịnh Hoài Đức:

Cửa cao thanh sạ bá vu thiên
Chuyển hướng Mai khâu hảo khế miên
Chín tầng tiếng hạc vẳng lưng trời
Đổi hướng Gò Mai đến ngủ ngơi.
(Mai Khâu Túc Hạc - Nguyễn Khuê dịch)

Chùa Hội Sơn tức Khánh Long, nay thuộc xã Long Bình, huyện Thủ Đức, một thuở xa xưa đã từng có một du khách làm thơ ca ngợi:

Tiêu sơ lãnh thọ quải tà dương
Bộ nhận khuê nham phỏng đạo trường
Chữ dánh vô yên sào hạc tỉnh
Khả liên thiền vị chính khê lương
(Khuyết danh)

Tiên sơ mây núi bóng tà dương
Khe đá vào chơi cảnh đạo trường
Hạc ngủ đun trà không chút khói
Mùi thiền phảng phất mấy thanh lương
(Hạnh Phương phỏng dịch)

Có lẽ tự ngàn xưa, hình bóng ngôi chùa đã hằn in đậm nét lên tâm thức người Việt Nam. Mái chùa che chở hồn dân tộc. Mái chùa là chốn là quê, là nơi thanh thoát ta về trụ tâm. Mái chùa tổ ấm gia đình, cho ta với bậu bắc niềm cảm thông. Mái chùa là chốn thong dong, cho ta rũ sạch bụi hồng về thăm. Và có lẽ tự ngàn xưa, mái chùa là nơi tao nhân mặc khách tới lui tìm nguồn thi hứng, gặp gỡ tri giao, khơi nguồn cảm xúc.

Mái chùa Việt Nam, với những ông thầy tu đạo Phật Việt Nam;

Ôi! hình bóng một vị Thiền sư sao mà từ hòa nhã đạm, sao mà thanh thoát oai nghiêm. Tấm áo nâu sồng bình dị vải tám vải thô. Bữa ăn bát cơm hạt muối nắm rau. Nhưng cao cả thay là một tấm lòng. Họ ở lẫn giữa nhân dân. Họ trộn mình với quần chúng. Họ san sẻ vui buồn với bất cứ ai.

Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức nhân buổi nhàn hành, viếng chùa Giác Lâm, gặp người bạn cũ ấu thời, nay đã là một vị Thiền sư. Chính là Thiền sư Viên Quang trụ trì chùa ấy. Ông bàng hoàng cảm xúc nhã tặng một bài thơ ngũ ngôn cổ phong:

Ức tích thái bình thì
Lộc đổng phượng thịnh mỹ
Thích Ca giáo hưng sùng
Lâm ngoại tổ phú quý
.....
Bình ngạnh nhậm phù trầm
Bào ảnh đẳng sanh tử
Yểm tứ thập dư niên
Hoảng thuấn tức gian sự
.....
Ngã hiệp biện trấn công
Sư đại hòa thượng vị
Chấp thủ nghỉ mộng hồn
Đàm tâm tạp kinh quý
Vãng sự hà túc luận
Đại đạo hợp như thị
* * *
Nhớ xưa thời thái bình
Đất Đồng Nai thịnh mỹ
Đạo Phật được hưng sùng
Nhà ngoại thêm phú quý.
.....
Ta trôi nổi vào ra
Bọt bèo biển sanh tử
Mới đó bốn mươi năm
Chớp nhoáng chuyện thế sự.
.....
Ta hiệp biện trấn công
Sư cao tăng thượng sĩ
Nhắc lại chuyện ngày qua
Tâm cùng tâm tương nghị
Chuyện xưa nói sao cùng
Đại đạo vốn như thị.
Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức (Nguyễn Lang dịch)
(Lược trích từ VNPGLS tập 2 NXB Văn Học - HN, 1992, trang 331)

Từ những bước chân khai phá ban đầu, đến thời điểm ấy, rõ ràng PG đã cắm sâu cội rễ trên vùng đất Gia Định-Sài Gòn. Tiếp tục bước chân hoằng hóa của các Thiền sư đi trước, các Thiền sư thế hệ sau cũng đã về đây trụ tích. Thiền tông nơi đây đã có mặt các dòng phái lớn Tổ Đạo, Bổn Nguyên, Chúc Thánh, Liễu Quán. Và sinh hoạt PG đã góp phần làm cho khuôn mặt văn hóa của vùng đất Gia Định-Sài Gòn phong phú, đa dạng.

Đến những năm Pháp xâm lược Nam Kỳ, chính trên mảnh đất Gia Định đã dấy lên phong trào chư Tăng dấn thân tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó cũng chính là giai đoạn phát sinh dòng thi ca yêu nước trong dòng thi ca PG Gia Định-Sài Gòn.

Giở trang lịch sử mà coi
Từ năm ba sáu, bốn mươi thuở nầy
Là thời mưu sự đánh Tây
Trong hàng tu sĩ có thầy Pháp Linh
Từ xa thầy đến giảng kinh
Còn có Thiện Chiếu đồng tình cả hai
.....
Lòng ta đã quyết hi sinh
Trước sau ta cũng đinh ninh một lời.
Thích Bổn Châu (Việt Nam anh kiệt)

Công cuộc vận động chấn hưng PG trên toàn quốc, từ những năm 1920 trở về sau, thực sự đã đem đến cho PG Gia Định-Sài Gòn một khuôn mặt mới. Với sự có mặt của các Thiền sư Khánh Hòa, Thiện Chiếu, Huệ Quang, Khánh Anh... dấn thân hoằng hóa triệt để thực hiện lý tưởng đem đạo vào đời. PG thực sự xứng đáng có mặt như một thành tố cốt lõi trong khuôn mặt văn hóa đa dạng của mảnh đất Gia Định-Sài Gòn.

Dòng cảm xúc thi ca bắt nguồn từ tư tưởng, tình cảm lấy đạo Phật làm nền tảng, dùng thi ca diễn đạt ý nguyện đem giáo lý đạo Phật phụng sự cuộc đời, xây dựng quê hương đất nước, xuất hiện như những hoa trái đầu mùa tươi tốt trong quá trình hình thành dòng thi PG nhập thế trên mảnh đất Gia Định-Sài Gòn:

Tiếng chuông lay bóng Bồ đề
Con chim cánh trắng bay về Tây thiên
Mong sao dân tộc bình yên
Đạo hiền che chở dân hiền thương yêu.
Tâm Kiên, Phật giáo Việt Nam, số 1, 1956

Đem tuệ giác Phật đạo soi sáng cuộc đời, đem đạo lý Từ bi phục vụ quần sanh, xây dựng quê hương đất nước, đem lý tưởng bình đẳng phục vụ nhân sinh. Tôn trọng giá trị con người, làm đẹp cho quê hương đất nước ; tất cả những khát vọng ấy, thực đã tạo ra những khuôn mặt mới trên thi đàn PG Gia Định-Sài Gòn.

Đồng hành với các thi nhân Thiền sư, nhà thơ Trúc Diệp cho ra đời thi phẩm Bóng hoa Đàm, năm Tân Sửu 1961, và theo Huyền Không giới thiệu thuở ấy: “...người ta đã trải chiếu hoa để mời thi sĩ Trúc Diệp” vào nền thi ca PG Việt Nam.

Chất Phật lưu nhuận trong thơ Trúc Diệp như một bản sắc thuần túy, chơn chất, tinh ròng, không vì hoàn cảnh mà đổi thay, không vì thời gian mà phai nhạt. Ông đã lấy Phật chất đắp nền vững chãi cho lâu đài thi ca của ông.

Nhận thức qui luật vô thường tác động lên cuộc sống đời người, không vì nó mà khổ đau chán nản. Ông lạc quan bình thản chấp nhận và viết những câu thơ để đánh động, để tỉnh thức những ai đã vì nó mà trầm kha trong đau khổ.

Hỡi ai tìm được cái ta
Ấu thơ vú mẹ, nua già gậy ông
Bốn bề Nam, Bắc, Tây, Đông
Hỏi ai tắm một khúc sông hai lần.
Thuyền về bến cũ (trang 12)

Ngợi ca Khánh đản của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, ông đã nhìn thấy sự Đản sanh của Đức Phật là Khánh đản một loài hoa. Một đóa hoa cao quí nhất giữa vườn đời:

Cũng hôm này, trên hai nghìn năm trước
Khắp vườn trời nhẹ thoảng một mùi hương
Hoa, không riêng mà chung cả mười phương
Đã nở với lòng thương đầy nhân loại
Hoa không rụng, thời gian không thể hái
Hoa miên trường rắc mãi nét xinh tươi
... ... ...
Và hôm nay được tắm ánh hào quang
Của hoa gởi cho trăm ngàn thế hệ
... ... ...
Trong sạch quá! Nên đài hoa xán lạn
Mấy nghìn năm hình dáng của mùa hoa
Mà hôm nay ban khắp cõi Ta Bà
Với tất cả hằng sa nguồn diệu dụng
Bóng hoa Đàm (trang 11)

Khí chất thơ ông trang nghiêm thanh khiết, tâm hồn và cảm xúc thơ ông vươn tới tầm cao chân trời giác ngộ. Ông đã vì cuộc đời, vì con người mà kiến tạo một mùa Xuân giải thoát, một mùa xuân vĩnh cửu. Mùa Xuân của và cho những ai đã đến bờ bên kia. Cũng có nghĩa cho những ai khát vọng đến bờ bên kia:

Xuân nơi đây toàn màu sắc hào quang
Nắng trí tuệ ấm hoa vàng chín phẩm
Sống ở đấy một chuỗi ngày vô tận
Xa bốn mùa vì Xuân ở chân tâm
Tháng ngày vui trong pháp vị cao thâm
Cười giải thoát, trầm ngâm thôi vi diệu
Xuân không đến bởi Xuân hằng tịch chiếu
Xuân không đi bởi Xuân khắp đó đây.
... ... ...
Mắt lặng nhìn không giây phút lãng say
Lòng trong sạch thơ ca vui Giải Thoát.
Xuân không mùa (Bóng hoa Đàm, trang 13)

Phong trào chấn hưng PG thực sự đã kết hợp một tổng số thành cho thấy tính cách khắn khít thủy chung của đạo Phật đối với quê hương đất nước. Có những Thiền sư vào chiến khu trực tiếp tham gia phong trào kháng chiến, đồng cam cộng khổ với nhân dân, với chiến sĩ cách mạng trên chiến tuyến chống quân xâm lược. Có những Thiền sư ở lại vùng địch tạm chiếm thì đã không bao giờ thỏa hiệp với chính quyền bù nhìn phản bội dân tộc ; và những nhà thơ PG, hoặc là Thiền sư, hoặc là cư sĩ, đã dùng thi ca chuyên chở lý tưởng đem đạo vào đời, đem đạo Phật phục vụ nhân sinh, đóng góp công sức bảo vệ truyền thống ngàn năm muôn thuở của cha ông.

Cuộn trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, dước ách độc tài thống trị của chế độ Ngô Đình Diệm, PG Sài-Gòn Gia Định đã cùng với PG Việt Nam và nhân dân cả nước làm nên một kì tích.

10 giờ sáng ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã châm lửa tự thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng 8, thành phố Hồ Chí Minh), với nguyện vọng tha thiết: “Yêu cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng từ bi bác ái đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo”.

Ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức làm rung chuyển lương tâm loài người tiến bộ trên khắp cả năm châu. Dư luận quốc tế nhất tề hướng đến Việt Nam, nơi tự do bị tước đoạt, nhân phẩm bị chà đạp, bị thủ tiêu bởi những con người độc tài cuồng tín.

Vũ Hoàng Chương một nhà thơ lãng mạng, đã thực sự chuyển hướng sáng tác, đã thực sự dùng thi ca làm vũ khí, bước vào lòng cuộc đấu tranh cùng nhân dân, cùng tín đồ PG Việt Nam. Ngay sau khi Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu, ông đã viết bài Lửa Từ bi.

Lửa! Lửa cháy ngất tòa sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành thơ quỳ cả xuống
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời mới mọc
Ánh Đạo Vàng phơi phới
đang bừng lên, dâng lên...
... ... ...
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro,
lụa tre dần mục nát
Với thời gian lê vết máu đi qua.
Còn mãi chứ! còn trái tim Bồ Tát
Gội hào quang xuống tận ngục A Tì.
... ... ...
Thổn thức nghe lòng trái đất
Mong thành quả phúc về cây
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Đồng loại chúng con
nắm tay nhau tràn nước mắt
Tình thương hiện Tháp Chín Từng xây.

Ngọn lửa Bồ Tát Quảng Đức làm rúng động lương tâm lương tri loài người yêu tự do trên thế giới thì bài thơ Lửa Từ bi của thi sĩ họ Vũ cũng trở thành thông điệp thi ca kịp thời đọc trước Hội nghị Thi ca Quốc tế họp tại Knokhe từ ngày 5 đến 9 tháng 9/1963 gồm các đại biểu của 50 quốc gia trên thế giới tham dự. Ở Việt Nam, bài gởi đăng trên báo Tự Do, Sài Gòn ngày 28-7-1963 bị kiểm duyệt bỏ trọn. Nhưng sau đó đã được Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG, văn phòng chùa Xá Lợi ấn hành bằng ronéo, phổ biến nhân ngày chung thất của Bồ tát Quảng Đức, và âm hưởng bài thơ còn vang dội mãi đến ngày nay, và chắc chắn còn vang dội ở mai sau.

Sau đó không bao lâu, tập thơ đã được in lại và được Thiền sư Trí Quang viết lời đề tựa, trong đó có một ý tưởng cốt tủy: “Thi sĩ không muốn nói gì hơn là nói lên ước vọng sâu xa của dân tộc và sự xây dựng với viễn tượng mà thi sĩ mơ ước: nhân gian mát rượi bóng cây Bồ đề”.

Năm 1964, Nhà Xuất bản Lá Bối được thành lập.

Bạn đọc lại được đọc Hành hương của nhà thơ Trụ Vũ.

Đọc Hành hương của Trụ Vũ, chúng ta lại thấy tính cách hoành tráng hào hùng của phong trào đấu tranh bất bạo động 1963. Tiếng thơ của Trụ Vũ qua Hành hương, và của Vũ Hoàng Chương qua Lửa Từ bi và sau này nữa là Bút nở hoa Đàm, cho chúng ta thấy quả thực hai nhà thơ là phát ngôn nhân chính thức của một thực thể. Thực thể đó là đạo Phật Việt Nam giữa lòng đất nước, dân tộc Việt Nam.

Bày tỏ khát vọng đem diệu lực của suối nguồn từ bi xoa dịu đau thương cuộc đời và phụng sự Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, Trụ Vũ đã viết:

Chúng ta hãy dựng Phật giáo làm một Vạn lí Trường thành
Để bảo vệ cho Mẹ Việt Nam yêu quí
Chúng ta hãy trải Phật giáo làm một lớp cỏ non
Để che chở cho lớp đất mòn lao lý.
Chúng ta hãy kết Phật giáo làm một vòng hoa
Để đặt lên mái cổ trong ngần của người em thế kỷ
Chúng ta hãy xây Phật giáo thành một ngọn tháp chín tầng
Để chói rạng nhân phẩm người hùng vĩ
Chúng ta hãy đắp Phật giáo nên một con đường
Để cô gái Đông phương đi về chân thiện mỹ.
Chúng ta hãy (Hành hương, tr. 36)

Nói lên tính cách thể nhập của đạo Phật trên đất nước Việt Nam, thấm vào lòng đất Việt Nam, ngàn năm hiền hòa, ngàn năm dịu ngọt, ông viết:

Trên con đường suối đi thăm đời
Hoa ơi và lá ơi
Chim ơi và bướm ơi
Suối chưa bao giờ làm đổ máu người.
Suối (Hành hương, tr. 16)

Thơ Trụ Vũ bao giờ cũng thế, thăm thẳm một chiều sâu tư tưởng, bàng bạc một không gian thênh thang cảm xúc. Ngôn ngữ thi ca của ông khác hẳn ngôn ngữ thi ca Nhất Hạnh. Trụ Vũ diễn đạt một chiều sâu tư tưởng bằng một ngôn ngữ nghiêm trang nhưng vẫn rộng mở một ngõ vào. Người đọc dễ dàng thâm nhập vào thơ ông, dễ dàng hiểu được những gì thật sâu lắng phía sau ngôn ngữ nghiêm túc ấy.

Trong thơ ông có đạo. Vào đạo ông có thơ. Dòng thơ nhập thế, đem đạo vào đời bằng thơ và nâng thơ của mình thành đạo. Có thể nói thơ Trụ Vũ thấm đẫm vị thiền, tràn vào vị giải thoát và lâng lâng niềm an lạc.

Đọc thiền thi của ông, ta lại thấy tràn vào chất liệu tình yêu. Tình yêu nhân loại, tình yêu bản thể, tình yêu thân phận con người. Dường như với thơ, qua thơ ông là kẻ đã vượt bờ; nhưng chẳng phải vượt bờ cho chỉ riêng ông mà là cho cả loài người:


PHÁP
Ưu đàm nở trong xương
Bồ Đề phơi giữa tủy
Vũ trụ còn nhân loại
Đỉnh trầm còn lên hương
Mà dù em có chết
Liên hoa vẫn nở hường.
(Hành hương, tr. 86)

Đến Thơ Mai do Nhà Xuất bản Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, xuất bản 1997 ta lại càng thấy rõ hành trình từ thơ đến đạo, trong đạo có thơ của ông. 99 bài thơ có một chủ đề duy nhất nói về hoa mai, thế mà ông đã cho ta thấy chỉ một loài hoa ấy thôi, qua thơ, nó bỗng như thiên biến, vạn hóa, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Đọc bài số 45, là bài thơ chỉ có hai câu, chúng ta đã thấy được đỉnh cao nghệ thuật thiền thi của nhà thơ này

Một thoáng mai thị hiện
Ba đời xuân tái sinh
(Bài số 45)

Có một nhà thơ, chỉ làm thơ cộng tác với các tạp chí Phật giáo ở Sài Gòn như Từ Quang, Tư Tưởng, Hải Triều Âm, Thiện Mỹ..., hình như chưa xuất bản tập thơ nào, đó là nhà thơ Thạch Trung Giả. Thơ ông nhiều tính chất triết học. Tuy thế cảm xúc tình cảm trong thơ ông vẫn thừa đủ để lóng lại trong lòng bạn đọc. Có bốn câu thơ của Thạch Trung Giả chúng tôi cho là tuyệt bút:

Trâu đi vết lại
Thăm thẳm in trời
Ngàn ánh sao rơi
Một đời tang hải.

Có một nhà thơ là Trúc Thiên khi tự nhận xét đời mình ông đã cho rằng đời ông cái gì cũng dang dở, viết văn dang dở, làm thơ dang dở, dịch thuật dang dở... Có lẽ đó chỉ là cách nói khiêm nhượng của ông. Với Trường ca Kalinga (Lá Bối, S. 1971) và sau đó là tập Thơ Trúc Thiên, ông đã cho độc giả thấy mỗi câu thơ ông vang lên như tiếng còi thúc quân ra trận, mỗi bài thơ ông quả là một nhát kiếm báu kim cương chặt đứt mọi dây phiền não trói buộc thân phận con người.

Ai ngàn xưa mở núi
Ai ngàn sau hành hương
Thấy chăng trong nhịp hoằng dương
Bóng người hộ pháp lồng khuôn Phật Đà.
Trường ca Kalinga (trang 19)

Khúc ca đối ảnh trong thơ Trúc Thiên, nhà thơ đã dùng nghệ thuật thi ca để dẫn dắt người đọc vào một quá trình điều tâm từ mê đến ngộ. Chuyển hóa nhận thức bản thể con người từ tợ hiện lượng đến chân hiện lượng. Tương tự như tác phẩm Thập mục Ngưu đồ, bài thơ chia làm bốn phân đoạn: Soi gương, Trông gương, Đập gương, và Bỏ gương. Chúng ta hãy đọc những câu trong phân đoạn cuối:

Lòng ta như một phiến gương
Gương còn đâu có đài gương đâu nào
Trăm năm tiếng thét câu gào
Khéo vu vơ bấy đời trao bóng hình
Cười lên ném cái bất bình
Lừa nhau chi nữa Gương mình Bóng ta
Trúc Thiên

Phạm Thiên Thư xuất hiện giữa vòm trời thi ca PG như một vì sao sáng rực rỡ giữa các vì sao. Ngay từ tập thơ đầu tay, Thơ Phạm Thiên Thư 1968, ông đã định hình khuôn mẫu cho sự nghiệp thi ca của ông; lấy đạo lý PG làm nền tảng.

Khác với những người đi trước, Phạm Thiên Thư đã thực sự làm cho đạo Phật trẻ ra và tươi mát hơn lên. Với Động Hoa vàng do Tiếng Thơ xuất bản, S. 1971, thực sự chứng minh điều đó.

Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai thường trụ trên tà áo Xuân.
.........
Nến khuya lửa hắt hiu vàng
Trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa
Ý nào hóa hiện ngàn hoa
Chữ nào ẩn nguyệt trên tà áo ni.
.........
Tay nào nghiêng nón thơ che
Tay nào lần chuỗi bồ đề xanh xao
.........
Điệu về tay giấu chùm bông
Gót chân đất Phật trổ hồng hằng sa.

Động Hoa vàng

Tập thơ Động Hoa vàng có một sức cuốn hút khá mãnh liệt tuổi trẻ thời bấy giờ và đến nay hình như âm hưởng của nó vẫn chưa hề phai nhạt.

Sự nghiệp thi ca Phạm Thiên Thư thật sự rất đáng kể. Ngày xưa người tình (cơ sở Văn Chương xuất bản 1974), Quyên từ độ bỏ thôn Đoài (1974). Đọc bài thơ Phật trong Khúc Hạ ca màu hồng, ta đã thấy hiện rõ khát vọng thực sự Việt hóa đạo Phật của ông.

Phật thả nhành sen xuống Cửu Long
Đài hoa thơm biển lúa xanh đòng
Chín rồng thiêng vươn mình phát thệ
Dâng ngàn sông một thể nước trong.

Ông đã sải những bước chân trên con đường thi ca với tất cả khả năng và khát vọng của mình. Phạm Thiên Thư táo bạo dấn thân vào con đường Việt hóa kinh điển đạo Phật.

Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật là bộ kinh cho đến bây giờ vẫn còn những Phật tử chưa dám trì tụng. Phạm Thiên Thư đã đem kinh Kim Cương thi hóa.

Ông đã khéo cô đúc hình tượng Đức Phật uy nghi giữa pháp hội:

Trên trụ đá mây đỏ
Trải chiếu cói lưu ly
Phật kết Kim Cương tọa
Chim tụng pháp diệu kỳ.

Bài kệ cốt tủy kinh Kim Cương “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”. Trí Quang Thượng nhân Việt dịch:

Nếu đem sắc tướng
Nhìn thấy Như Lai,
Hoặc đem âm thanh
Nhận thức Như Lai.
Thì những người ấy
Đã đi lạc đường
Không còn thể nào
Thấy biết Như Lai.
Kinh Kim Cương - Trí Quang dịch, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1994, tr. 92

Phạm Thiên Thư quả đã tinh tế khi thi hóa thành một bài thơ ngũ ngôn:

Dùng thân vàng thấy Phật,
Dùng khánh ngọc cầu ta,
Người đó lạc tà đạo
Đũa ngọc gắp sao tà.
Kinh Ngọc, trang 117

Rõ ràng hai câu “Dùng thân vàng thấy Phật” và “Người đó lạc tà đạo” đã chuyển tải trung thực ý kinh. Nhưng hai câu “Dùng khánh ngọc cầu ta” và “Đũa ngọc gắp sao tà” thì hoàn toàn đã được Việt hóa và thi hóa. Đôi khi khiến người đọc khó có thể hiểu được trung thực ý kinh.

Kinh Ngọc nếu đem đối chiếu với nguyên văn Hán Việt, tuy có đẹp, nhưng không thể tránh khỏi những khuyết điểm tất yếu. Hình như Phạm Thiên Thư đã nhìn Kinh Ngọc như một tác phẩm thi ca hơn là một văn bản kinh để trì tụng. Nhưng dù sao thì việc làm của Phạm Thiên Thư rất đáng được ghi nhận và tán thán.

Phạm Thiên Thư tiếp tục thi hóa kinh Hiền Ngu thành kinh Hiền với tiểu đề phụ là Hội Hoa Đàm. Có thể nói ngay đây là một tác phẩm thi ca đồ sộ: 12.000 câu thơ lục bát, và với bề rộng bề sâu tính cách ngụ ngôn, truyền thuyết của kinh Hiền Ngu, Phạm Thiên Thư đã trải rộng cảm xúc của mình giữa một vòm trời bao la trên một con đường đầy hoa thơm cỏ lạ hướng về phía trước. Thành tựu cốt tủy của kinh Hiền cho thấy có một Đức Phật rất Việt Nam, một đạo Phật rất Việt Nam.

Ngoài những tác phẩm nói trên, Phạm Thiên Thư còn có Đoạn trường vô thanh, một tục Kiều, một tác phẩm nếu đem phân tích sẽ còn nhiều điều để bàn cãi, chưa hẳn các nhà nghiên cứu có được cách nhìn nhất quán đồng tình. Phạm Thiên Thư đem tuệ giác tánh Không soi rọi lên thân phận nàng Kiều rồi dắt dẫn tâm thức nàng về đến bến bờ giải thoát an lạc.

Lại vào Sư bác văn chương
Đem Kim Cương cắt tơ vương giấc vàng
Cho thơ hòa với mênh mang
Cho mênh mang đọng hạt đàn vô thanh.
Đoạn trường vô thanh, trang 190

Giới thiệu một tập thơ chi bằng mượn thơ của một nhà thơ đã giới thiệu: thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết tặng Phạm Thiên Thư.

Thiên cổ đoạn trường kim nhất tục
Vô thanh sáng thử kế tân thanh
Bất nan vĩ thủy vi vân hỉ
Thương hải vu sơn uổng hữu danh
Vũ Hoàng Chương
Ngàn xưa ruột đứt nay lành
Sau tân thanh có vô thanh ra đời
Làm mây làm nước như chơi
Nhắc chi non biển một thời tiếng tăm
Xuân Nhâm Tý - Vũ Hoàng Chương tự dịch

Với những tác phẩm thi ca đã để lại, chứng tỏ Phạm Thiên Thư là nhà thơ lớn của dòng thi ca PG Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Sau năm 1975, PG thành phố Hồ Chí Minh lại có thêm một sức mạnh mới. Kể từ 1981, các thành phần tổ chức các giáo hội, các tông phái đã thống nhất thành một tổ chức duy nhất hoạt động theo điều lệ Hiến chương PG Việt Nam, lấy phương châm hành động là Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh mới bừng khởi khiến cho giới làm văn nghệ PG thành phố hưng phấn hẳn lên.

Tống Anh Nghị, một nhà thơ xuất hiện từ thời chấn hưng PG, cho ra đời thi phẩm Ngày nở hoa cuộc đời (NXB Văn Nghệ TP. HCM, 1995) thể hiện rõ nét con đường phụng sự đạo pháp, dân tộc của cả một đời người của thi nhân:

Phật pháp không là đống sách làm thinh
Nằm hứng bụi qua âm thầm ngày tháng.
Mừng đón tiếng reo xưa (Ngày nở hoa cuộc đời, trang 22)

Nam mô Quán Thế Âm
Đấng Đại Hùng, Đại Lực
Trong phong ba chưa vơi lời oan ức
Nên Pháp thuyền Ngài chưa ngớt tay chèo
Giờ phút đây, trong số người trần tục
Ngưỡng mộ Ngài, thêm một kẻ xin theo!
Qui ngưỡng (Ngày nở hoa cuộc đời, trang 44)

Nhà thơ Trần Quê Hương in lại Suối về Hoa Nghiêm (1993) và Tặng phẩm dâng đời (1996), cả hai tập thơ đều do NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành.

Suối về Hoa Nghiêm là dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp thi ca của ông; là một bản trường ca ngợi ca tình mẹ, ngợi ca tình đạo tình quê. Đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ hiện thực viết về cuộc đời mẹ ông, chúng tôi thấy trong đôi mắt ông dường như ngấn lệ:

Mỗi hạt cơm là giọt lệ khô
Vắt từ tim mẹ ướp tim thơ
Gánh dây lá chuối, phơi từng sợi
Từng sợi nuôi tằm mẹ nhả tơ.
(trang 32)

Và với Tặng phẩm dâng đời, thì phương trời giải thoát giác ngộ đã rộng mở thênh thang:

Dòng đời trôi bất tận
Nẻo đạo cũng vô biên
Xuân thiền luôn tinh tấn
Kết chuỗi hạt thiêng liêng.
(trang 30)

Tinh thần phóng khoáng, tính cách thủy chung, những nhà thơ hoặc lấy cốt tủy đạo Phật làm nền tảng chủ đạo trong sáng tạo, hoặc chịu ảnh hưởng ít nhiều nguồn tư tưởng ấy trong sự nghiệp thi ca của mình; có lẽ đã có hàng trăm nhà thơ có mặt trong dòng chảy thi ca PG thời hiện đại. Họ là những Thiền sư như Đức Nhuận, Quảng Thạc, Huyền Không, Tâm Quán, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Viên Minh... Họ là những Sư trưởng, Ni sư, Sư cô Diệu Không, Như Thanh, Huỳnh Liên, Y Sa, Tuệ Đăng, Như Đức, Thuần Bạch..., họ là những thi nhân và những cư sĩ như: Bảo Định Giang, Lưu Kỳ Linh (bào huynh Lưu Trọng Lư), Phong Sơn, Nguyễn Hải Như, Hoàng Hương Trang, Đinh Hồi Tưởng, Mang Viên Long, Đặng Hữu Ý, Bạch Tuyết... Số lượng còn rất nhiều, tuy nhiên trong dung lượng một bài tham luận chúng tôi không đề cập được hết.

Tất cả chứng tỏ có một nền thi ca PG Gia Định-Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh, rất sinh động, rất phong phú.

Và để kết thúc bài tham luận, chúng tôi xin được mượn những câu thơ của nhà thơ Trụ Vũ, những câu thơ cho chúng ta một cảm quan đạo vị ngọt ngào, thấm đẫm chất Phật trong thơ, chất đạo trong đời, phong thái thung dung an lạc, chứa chan thiền duyệt.

Phật xuất thế cho em là tất cả
Ôi trong lò sen nở sắc thường tươi
Phật xuất thế cho tôi là tất cả
Ôi ngọc thiêu trên núi sắc xanh ngời
Phật xuất thế cho quê hương mầu nhiệm
Đẹp áo vàng sen trắng đẹp trời xanh
Phật xuất thế cho bồ câu lên tiếng
Trong tâm tư nhân loại hạt gieo lành
Áo vàng sen trắng trời xanh
Quê hương ta hạt gieo lành ngàn năm
Lửa hồng dậy với sao trăng
Hải triều âm gọi Bạch Đằng giang sôi
Ba Vì với Tản Viên ơi
Tuyết Sơn một đỉnh mặt trời đôi phương
Trụ Vũ (Trẻ Thơ)
(Tuyển tập Thi nhạc họa mừng Phật Đản, Lá Bối, S.1964)

Nhân mùa Phật Đản Phật lịch 2542
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567