Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo Với Nhân Dân Gia Định-Sài Gòn Và TP Hồ Chí Minh

23/04/201318:31(Xem: 11181)
Phật Giáo Với Nhân Dân Gia Định-Sài Gòn Và TP Hồ Chí Minh
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phật Giáo Với Nhân Dân Gia Định-Sài Gòn Và TP Hồ Chí Minh

Hòa thượng Thích Như Niệm
Nguồn: Hòa thượng Thích Như Niệm


Gia Định - Sài Gòn xưa và TP. Hồ Chí Minh ngày nay là một địa danh vinh quang đã đi vào lịch sử dân tộc. Ngược dòng thời gian, thì vào năm 1698, khi lập ra phủ Gia Định, chỉ có hai huyện Tân Bình và Phước Long. Ước tính lúc đó số dân chỉ có vài chục vạn người, chủ yếu là dân di cư từ miền Thuận-Quảng. Vì cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn nên họ lâm vào cảnh đói rét, chết chóc, buộc phải đi “tha phương cầu thực”. Với việc sắp đặt thành lập địa giới thì đình và chùa cũng được dựng lên. Đình ở đây là biểu tượng của đời sống thế tục, chùa là biểu tượng của đời sống tinh thần, thiêng liêng - thiêng liêng nhưng không xa cách, không có sai biệt, cũng như linh thể và tục thể không đối lập mà thống nhất đồng quy về một mục đích, đạt tới chân lý con người. Hiện nay đình làng Phú Nhuận (Phú Long), chùa Từ Ân, chùa Khải Tường, Giác Lâm, Giác Viên... và biết bao nhiêu đình, chùa khác nữa không phải là một bằng chứng lịch sử Phật giáo (PG) có mặt sớm từ buổi đầu hình thành Gia Định - Sài Gòn đó sao?

Tôi không dám bàn sâu về mối quan hệ PG với cộng đồng dân cư đã và đang sống trên mảnh đất Gia Định-Sài Gòn này, nhưng có một số điều rõ nét xin đưa ra:

- Ở đình, ngoài sự ảnh hưởng của PG trong lễ tống ôn, tống khách, các lễ nghi liên quan đến vong hồn cô độc, còn thâm nhập nghi thức tụng kinh cầu an. Cầu an như là một nghi thức đầu tiên nhằm mục đích cầu xin sự an lành cho dân làng, cho một cộng đồng dân cư địa phương. Người đứng lễ không ai khác chính là nhà sư hoặc thầy cúng, tụng kinh Phổ Môn, đọc sớ... Bàn thờ cúng, thờ ảnh Phật Quan Âm. Gặp hoàn cảnh khó khăn nhất, ngặt nghèo nhất, tiếng phát ra đầu tiên ở miệng người ta là: “Nam mô A Di Đà Phật”, “cầu Trời, khẩn Phật”, “lạy Phật”. Ở đất Gia Định - Sài Gòn này từ xưa đến nay đại bộ phận tín đồ theo đạo Phật, và những gia đình mới hiểu ít về đạo Phật họ đều thờ ảnh Phật. Thờ Phật như là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu được, vì họ tin Phật, muốn gởi gắm nơi đức Phật một ngưỡng vọng, cầu sự yên ổn, tốt lành, hạnh phúc. Tất nhiên đâu phải người nào cũng hiểu ý niệm về cái Bi, cái Trí, cái Dũng, về Vô thường, Vô ngã... của đạo Phật.

Song song với sự phát triển kinh tế, chính trị thì chùa, thiền viện cũng được xây dựng khắp nơi. Ở đâu có dân sinh sống ở đó có chùa, có thầy. Như đã nêu ở trên, con người ta ngoài nhu cầu ăn mặc, còn phải tĩnh lặng chiêm nghiệm cuộc đời, gỡ rối khó khăn bằng tâm linh, thường họ đến chùa. Xin đưa ra một vài con số để minh chứng. Chùa, Tăng sĩ, tín đồ ngày một phát triển: - Năm 1899: Ở Gia Định có 305 ngôi chùa; Tăng sĩ: 82; Sư cô: 49 và 211.057 Phật tử. Năm 1963: Ở Gia Định có 246 chùa, ở đô thành Sài Gòn: 180 chùa. Năm 1994: TP Hồ Chí Minh có 921 chùa và hàng triệu tín đồ. (Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II và Thành hội PG TP. Hồ Chí Minh).

Một đặc điểm bao trùm, đậm nét nhất là PG Việt Nam bao giờ cũng gắn liền với dân tộc; thịnh suy, vui buồn cùng tồn tại bên nhau. Trong công cuộc chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước, chùa chiền, tu sĩ, tín đồ theo đạo Phật ở Gia Định-Sài Gòn không tách ra khỏi vòng xoáy đó. Nhiều chùa đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, làm nơi hội họp như chùa Long Thạnh, Giác Lâm, Pháp Hoa, Từ Vân, Phổ Quang... nhiều Tăng sĩ Phật giáo tùy hoàn cảnh hoặc “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” hoặc ẩn mình dưới “mái chùa che chở hồn dân tộc”, như Hòa thượng (HT) Minh Nguyệt, Sư Thiện Chiếu và hình ảnh Ni sư Huỳnh Liên cùng đoàn Ni giới PG xuống đường biểu tình chống Thiệu, đòi hòa bình.

Ngọn đuốc thiêng của HT Thích Quảng Đức và nhiều Tăng Ni ẩn tích vô danh khác là bản anh hùng ca bất tử. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định-Sài Gòn, chúng đã tuyên bố: “PG còn thì dân tộc Việt Nam còn”, nên chùa chiền, Tăng sĩ là đối tượng triệt hạ của chúng. Theo sử sách còn ghi lại, thực dân Pháp tìm cách xóa bỏ những chùa lớn, mặt đường, chỉ để lại ít chùa nhỏ trong hẻm. Mục đích của chúng là làm thay đổi đức tin. Như chùa Kim Chương, chùa Phật Lớn (đường Nguyễn Trãi ngày nay), chùa Hải Tường, chùa Pháp Võ (Bệnh viện Chợ Rẫy), chùa Chúc Thọ (xóm Thuốc, Gò Vấp)...

Tổ chức từ thiện - xã hội là bản chất vốn dĩ của Phật. Đạo Phật sớm đi vào nhân dân Gia Định-Sài Gòn và TP. Hồ Chí Minh từ buổi đầu. Chủ trương là khuyến thiện, cổ động hành vi công ích cứu tế, giúp người neo đơn, tàn tật, trẻ mồ côi, cho thuốc chữa bệnh, đã thu hút cảm tình và niềm tin tôn trọng của mọi người.

“Dù xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phước cứu cho một người”

Từ trước, hầu hết các chùa đều có phòng thuốc Nam từ thiện giúp đỡ cho đồng bào. Chỉ tính vào những năm chống Mỹ, nhiều tổ chức từ thiện PG ra đời, nhà cô nhi viện Quách Thị Trang, Lâm Tỳ Ni, Hội Từ thiện Việt-Hàn... ngoài yếu tố tích cực giúp đỡ vật chất cho người bất hạnh, còn nhiều chuyện phải bàn, phân tích sâu sắc hơn để hiểu rõ mục đích đa dụng của nó.

Tuệ Tĩnh đường, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô nhi viện, hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, trường học... được diễn ra liên tục ở các chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm Phật đường, vòng hơn 20 năm qua thật sự có ý nghĩa, xuất phát lòng từ bi, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật. Đạo đức của PG đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn trong môi trường sống hiện tại của TP. Hồ Chí Minh ngày nay; bởi vì đạo Phật là tiếng nói của một con người gởi tới những con người khác, để cùng giúp nhau vượt qua bể khổ cuộc đời. Vì vậy, đạo Phật mang tính xã hội và đạo đức rất cao. Đạo Phật đâu chỉ dừng lại công việc chia sẻ xã hội: hòa bình, thịnh vượng, công bằng; mà hướng người ta lấy điều thiện làm lẽ sống, làm phương tiện và mục đích thăng hoa cho con người - xã hội. Chỉ định luật nhân quả và nghiệp báo đủ lý giải hết bản chất của đạo Phật.

Từ phần trình bày có tính chất sơ lược ở trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: Đạo Phật đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân Gia Định-Sài Gòn và TP. Hồ Chí Minh từ ngày thành lập cho đến nay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567