Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Kinh Hoa Nghiêm với pháp môn Tịnh Độ

02/04/201320:22(Xem: 7968)
18. Kinh Hoa Nghiêm với pháp môn Tịnh Độ
Ý Nghĩa Vía Phật - Bồ Tát Trong Năm

18. Kinh Hoa Nghiêm Với Pháp Môn Tịnh Độ

Thích Nguyên Bình
Nguồn: Nhiều tác giả

Khi nói đến Pháp môn Tịnh Độ người ta đều nghĩ đến các kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, và Luận Vãng Sanh Tịnh Độ của Bồ Tát Thế Thân hoặc kinh Niệm Phật Ba La Mật là các bộ kinh tông yếu nói về Pháp môn Tịnh Độ. Ít người biết rằng kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh nói về pháp nhất thừa viên giáo cũng nói đến Tịnh Độ, dạy tu Tịnh Độ, khuyên nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Điều này cho thấy nguyện sanh Tịnh Độ không chỉ là bổn nguyện của thường nhơn mà cũng chính là bổn nguyện của bậc thượng căn đại trí. Nhưng Hoa Nghiêm nói đến Tịnh Độ như thế nào ? Người tu Tịnh Độ theo Hoa Nghiêm có giống như người tu Tịnh Độ thông thường hay không ? Có chống trái hay tương đồng cùng một bản nguyện ?

Trước hết, kinh Hoa Nghiêm cho ta biết tất cả quốc độ đều tùy nghiệp lực sanh hay do công đức nguyện lực của chư Phật thành tựu. Hoa Nghiêm đứng trên Pháp Giới Nhất Chơn nhìn thấy Thật tướng tất cả Pháp là Chân Không Diệu Hữu, tâm và cảnh tương quan như nhất. Tâm thanh tịnh thì cảnh thanh tịnh, tâm nhiễm ô thì dù cảnh trang nghiêm cũng biến thành uế trược xấu xa.

Đặc biệt Hoa Nghiêm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chư Phật và Bồ Tát. Các Ngài đến cõi nào, nơi đó biến thành thanh tịnh. Khi các Ngài nhập diệt hay ra đi thì cõi đó hết trang nghiêm. Như vậy, kinh Hoa Nghiêm chỉ rõ sự hình thành các thế giới nhiễm tịnh cho ta thấy. Đặc biệt về cõi nước Tịnh Độ thì thế giới Hoa tạng gồm có vô lượng thế giới cũng hình thành.

Ta Bà hay Cực Lạc cũng chỉ là một trong vô số cõi nước trong Hoa Tạng thế giới. Trong thế giới đó, có vô lượng cảnh Phật trang nghiêm thanh tịnh, chứ không phải chỉ có một thế giới Cực Lạc. Thế nhưng, chúng sanh cõi Ta Bà phần đông chỉ khế hợp với Cực Lạc nên Phật nói rõ về cảnh Cực Lạc cho chúng sanh tiến tu.

Kinh Di Đà chỉ tán thán cõi Tịnh Độ trang nghiêm để cho người phát khởi niềm tin, phát nguyện tu hành, cầu sanh Tịnh Độ qua hạnh nhất tâm niệm Phật. Kinh Vô Lượng Thọ chỉ rõ tiền thân Phật A Di Đà phát ra 48 lời nguyện kiến tạo Cực Lạc rước người vãng sanh, và cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm thanh tịnh, phân định rõ chín phẩm vãng sanh cho người học Phật. Kinh Quán Vô Lượng Thọ chỉ 16 pháp quán cho Vi Đề Hy cùng 500 thị nữ rõ ràng tường tận để quán sát nguyện về Cực Lạc. Kinh Niệm Phật Ba La Mật chỉ cặn kẻ pháp tu cho người được Chánh định niệm Phật, thành tựu thật tướng niệm Phật.

Kinh Hoa Nghiêm cũng dạy người tu tin chắc vào Phật, Pháp, Tăng nhưng đi sâu hơn khi dạy ta tu niệm Phật, tin Phật với Bồ Đề tâm, khuyên phát tâm hành Đại thừa cúng dường chư Phật nhất tâm niệm Phật bất động để thấy vô lượng chư Phật, thấu suốt Pháp thân bất động của Như Lai, nguyện hành hạnh Phật cầu chứng Phật đạo. Cầu về Tịnh Độ là để thân cận cúng dường thỉnh chuyển Pháp luân, học theo hạnh Phật, để viên thành Phật quả, chứ không phải đới nghiệp vãng sanh.

Niệm Phật cũng là pháp thiết yếu đầu tiên mà hành giả muốn nhập Pháp giới phải tu. Thiện Tài Đồng Tử sau khi được Văn Thù Bồ Tát khai thị bổn tâm, chỉ rõ Chơn tâm khuyên hành Bồ Tát đạo, tu Bồ Tát hạnh đi tham học với 53 vị Thiện tri thức. Vị thầy đầu tiên Ngài đến cầu học là Đức Vân Tỳ Kheo đã dạy Ngài Thiện Tài Pháp môn "Ức niệm nhứt thiết cảnh giới chư Phật trí huệ quang minh phổ kiến", tức dùng tâm thanh tịnh nhớ nghĩ tất cả cảnh giới Phật như kệ nói kệ.

Cảnh giới Như Lai nếu muốn tầm,
Nên tịnh ý mình như hư không,
Xa lìa vọng tưởng và chấp trước,
Hướng tâm đến chỗ chẳng ngại ngăn.

Khi tâm thanh tịnh nhất như thì 10 phương cõi Phật hiện tiền, rõ biết tâm Phật không hai, ngoài tâm không có Phật, đây chính là chỗ kinh Quán Vô Lượng Thọ nói : "Tâm nầy là Phật, tâm nầy làm Phật". Khi rõ suốt lý này thì đạt được thật tướng niệm Phật biết mình và Phật đồng một thể. Thế nhưng, Thiện Tài Đồng Tử nhờ niệm Phật được Pháp định không vội nguyện sanh về Cực Lạc mà lại phát tâm cầu hành Phật pháp, hành Bồ Tát đạo, làm lợi ích chúng sanh.

Mãi đến vị Thiện tri thức thứ năm mươi ba là Phổ Hiền mới dạy Thiện Tài Đồng Tử mười hạnh nguyện của mình, phải thường thân cận chư Phật cúng dường, nghe pháp, thỉnh chuyển Pháp luân. Khi Phật sắp Niết Bàn mời trụ thế làm an lạc chúng sanh. Khi Phật sắp Niết Bàn đến hầu hạ phụng sự. Hành trí huệ và hạnh đức để đủ đạo Phổ Hiền. Lúc mạng sắp lâm chung nguyện sanh Cực Lạc thế giới của Phật Di Đà, sen nở thấy Phật liền được thọ ký đạo Bồ Đề, đầy đủ trí huệ, phương tiện nguyện lực, làm lợi ích khắp chúng sanh giới.

Như vậy, Kinh Hoa Nghiêm cũng hướng người tu hạnh Bồ Tát sanh về Cực Lạc nhưng khác biệt với các Kinh khác. Người tu Tịnh Độ chỉ cần tín sâu vào Phật, tin chắc nguyện Phật, phát tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương là như nguyện. Do không có công đức trí huệ nguyện lực sâu dày nên có khi mang nghiệp vãng sanh, sanh về Tây Phương mới chứng quả vô sanh. Trải vô lượng kiếp mới thành Phật đạo. Có thể nói người bình thường tu niệm Phật, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư để chứng quả vô sanh, phát tâm Bồ Đề tiến tu Phật đạo.

Hành giả tu theo kinh Hoa Nghiêm rõ suốt nguồn tâm cầu hành Đại thừa có phát nguyện liền được vãng sanh. Quả tu hành chắc chắn vào Thượng phẩm, trước mặt Phật liền được thọ ký đạo Bồ Đề, cảnh giới an trụ là Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Người tu Tịnh Độ chán cảnh Ta Bà uế trược nguyện sanh Tịnh Độ an lành, nương Phật lực tiến tu, trước chứng vô sanh, sau phát Bồ Đề tâm, tu Bồ Tát hạnh. Tu theo Hoa Nghiêm trước cầu Diệu Pháp, trải thân hành đạo, nguyện sanh Tịnh Độ thân cận cúng dường … để viên thành Bồ Tát đạo, thân hành tự tại, nhập uế độ để trang nghiêm cứu tế chúng sanh về Tịnh Độ thân cận cúng dường hầu cận Phật chứng viên thành hạnh quả.

Nhìn theo một khía cạnh khác, tu theo Hoa Nghiêm là con đường của Bồ Tát, hành theo Tịnh Độ là việc của Thanh Văn hồi hướng bồ đề vô thượng. Tuy lược nhìn như thế nhưng nếu hành được Thật tướng niệm Phật, ngộ được thật lý đại thừa hành trì nào có sai biệt. Kinh Pháp Hoa nói : Pháp pháp bình đẳng không có sai biệt, tu tất cả thiện pháp thì viên thành Phật đạo. Sở dĩ có sai khác là do tâm hạnh nguyện lực chẳng đồng nhau. Do đó không thể nói tu theo Hoa Nghiêm cao, tu theo Tịnh Độ thấp. Như thế, chắc chắn là Hoa Nghiêm là con đường viên đốn để thân chứng Phật thừa. Hành giả tu theo Hoa Nghiêm phải đầy đủ trí huệ, hạnh đức, đủ hạnh Phổ Hiền để khi đến nơi nào thì quốc độ đó trang nghiêm thanh tịnh.

Người tu niệm Phật tam muội viên thành như Bồ Tát Đại Thế Chí đến nơi nào thì cõi nước cũng trang nghiêm, sáu điệu vang động, rải hoa báu lớn. Như vậy, nếu thấu lý mầu, Hoa Nghiêm, Tịnh Độ nào khác biệt. Do căn cơ chủng tánh hành sai biệt khác nhau nên có ngàn sai muôn khác, cao thấp chẳng đồng.

Tóm lại ! kinh Hoa Nghiêm cũng nói về Tịnh Độ nhưng chỉ rõ cho ta thấy nguyên nhơn có uế tịnh và cội nguồn hình thành thế giới. Nếu Tịnh Độ là pháp phổ thông cho quần chúng thì Hoa Nghiêm dành cho bậc thượng căn thượng trí. Người tu Hoa Nghiêm phải tu trí huệ hạnh đức, lấy nước từ bi nuôi lớn tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát đạo để viên thành Phật đạo. Người tu Tịnh Độ rõ Phật tức tâm niệm Phật, nhớ Phật được gặp chư Phật, thân cận nghe pháp cúng dường thì cũng lần lần thành Phật không sai. Phương tiện tuy khác, nhưng lý tánh thì đồng đẳng.

Đặc biệt ta thấy khi viên mãn hạnh Phổ Hiền vẫn cầu sanh Tịnh Độ, gặp Di Đà. Đứng trên lý Di Đà là thể tánh, hành dụng đã mãn nhưng Pháp thân phải biến nhập mới phổ tế chúng sanh, viên thành Phật đạo. Niệm Phật cũng trở về tự tánh. Bao công đức thánh hạnh đều viên thành, đạt được Pháp thân như chư Phật không sai khác. Đường hành có thiên sai vạn biệt, nhưng tất cả đều nhằm viên thành Phật đạo. Kinh Hoa Nghiêm đã làm cho Diệu pháp Tịnh Độ được rõ ràng sáng lý. Tướng cảnh dung thông, đều không lìa Pháp giới nhất chơn. Nguyện tất cả người tu Phật rõ suốt Hoa Nghiêm và Tịnh Độ dung thông không chống trái để cùng chứng nhập Nhất thừa Phật đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]