- 01. Tổ Đình Sắc Tứ Liên Hoa Tự tại Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 02. Chùa Tổ Đình Thiên Quang, thôn Phú Lộc Tây, Diên Khánh, Khánh Hòa
- 03. Chùa Kim Quang tại Thủy Tú, Vĩnh Thái, Nha Trang
- 04. Chùa Long Quang, Xã Vĩnh Hiệp, Thành Phố Nha Trang
- 05. Chùa Lộc Thọ, Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 06. Chùa Hải Ấn, Xã Vĩnh Phước, Thành Phố Nha Trang
- 07. Linh Phong Cổ Tự , phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang.
- 08. Minh Phước Ni Tự, thị trấn Thành, Diên Khánh, Khánh Hòa
- 09. Chùa Huệ Quang, xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
- 10. Kỳ Viên Trung Nghĩa , số 160 Đường Sinh Trung, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang
- 11. Chùa Sắc Tứ Kim Sơn, Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 12. Chùa Hoa Quang, Vĩnh Điềm Trung, Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang
- 13. Chùa Long Sơn, Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 14. Tu Viện Giác Hải, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 15. Tịnh Xá Ngọc Phước ở Thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh
- 16. Tịnh Xá Ngọc Sơn ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang
- 17. Tịnh Xá Ngọc Tòng, Lương Hoà, Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa.
- 18. Tịnh Xá Ngọc Pháp, phường Phước Hòa, TP Nha Trang
- 19. Tịnh Xá Ngọc Trang, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang
- 20. Chùa Long Cảnh ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh
- 21. Chùa Lương Hải, làng Cát Ném, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
- 22. Chùa Diên Thọ ở Thị Trấn Diên Khánh, Khánh Hòa
- 23. Chùa Pháp Hoa ở Vạn Lương, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 24. Vạn Thạnh Ni Tư, Ngôi chùa Sư Nữ đầu tiên của Thị xã Nha Trang
- 25. Chùa Kim Sơn, Lương Hoà, Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hoà
- 26. Tổ đình Sắc tứ Hội Phước, Nha Trang
- 27. Bửu Liên Hoa Viện, Đại Điền Đông 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.
- 28. Chùa Linh Sơn Phước Điền, xã Phước Đồng (Đồng Bò xưa), TP. Nha Trang.
- 29. Chùa Long Thọ ở thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang
- 30. Chùa Linh Ứng trên đèo Rọ Tượng, Ninh Hòa, Khánh Hòa
- 31. Chùa Cổ Đại Phước ở Diên Điền, Diên Khánh
- 32. Chùa Phú Hải ven biển Nha Trang
- 33. Chùa Long Hòa, tọa lạc tại thôn Vinh Huề, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
- 34. Chùa Lộc Sơn, Đắc Lộc, Vĩnh Phương, Nha Trang
- 35. Chùa Hoa Tiên, Thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà
- 36. Chùa Thiên Bình, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
- 37. Chùa Linh Sơn Pháp Tạng (xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà)
- 38. Chùa Tân Chánh ở Thị trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa
- 39. Chùa Phổ Tế, Ngọc Hiệp, Nha Trang, Khánh Hòa
- 40. Chùa Phước Điền - Nha Trang và các Bảo Tháp trong khuôn viên Chùa
- 41. Chùa Đông Phước (đường Đông Phước, P. Phước Long, Tp. Nha Trang)
- 42. Chùa Phước Huệ toạ lạc tại số 27 đường Phước Huệ, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang.
- 43. Chùa Linh Thứu ở Thành phố Nha Trang
- 44. Chùa Kim Long từ ngôi già lam suy tàn hoang lạnh trở thành di tích cấm xâm phạm
- 45. Chùa Bảo Long ở thôn Thạnh Mỹ, xã Ninh Quang, Thị xã Ninh Hoà
- 46. Chùa Quảng Đức, Ngôi chùa đầu tiên của huyện miền núi Khánh Vĩnh - Khánh Hoà
- 47. Chùa Phú Quang: Nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh
- 48. Hoa Quang Ni Tự, cửa Từ Bi luôn rộng mở độ sanh
- 49. Chùa Long Tuyền ở thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm
- 50. Chùa Linh Sơn Pháp Quang, Đất Lành, Vĩnh Thái, Nha Trang
CHÙA LƯƠNG HẢI CÓ ĐỀN THỜ TỔNG TRẤN TRẦN ĐƯỜNG
Chùa Lương Hải, còn được gọi là chùa Cát Ném vì toạ lạc ngay trong làng Cát Ném, nay thuộc Tổ dân phố 14, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Sở dĩ làng mang tên Cát Ném là vì vùng cát trắng ven biển này có mùa gió nổi tiếng là dữ dội và khắc nghiệt, gió từng cơn thổi cát như ném vào nhà, vào mặt cư dân.
Láng Cát Ném xưa vốn hoang vu, chỉ toàn là cây cỏ dại, rồi người dân rủ nhau về đây khai khẩn, sinh cơ lập nghiệp thích hợp với nghề biển, lập nên thôn xóm vạn chài ngày càng đông đúc cư dân. Đến năm 1964, để đáp ứng nhu cầu lễ bái của đồng bào Phật tử địa phương, các vị hào lão trong làng đã họp bàn cùng nhau kiến lập một ngôi chùa nhỏ để thờ phụng. Ban đầu chùa làm bằng mái tranh, vách đất, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để làng có nơi thờ tự cầu an cầu phước cho dân trong làng bình an. Bên cạnh đó, với ý thức Đạo pháp và Dân tộc không rời nhau, ngôi chùa làng được tạo lập nên còn có mục đích làm sơ sở liên lạc với quân kháng chiến thời kỳ chống Pháp.
Chùa Lương Hải từ xưa đã có nhân duyên gắn bó với một nhân vật lịch sử mang danh Trần Đường. Vì vậy, ngày nay, khi vào bên trong khuôn viên chùa là cũng đã đến Đền Thờ Trần Đường.
Danh nhân Trần Đường cùng với Trịnh Phong và Nguyễn Khanh đương thời được tôn xưng là “Khánh Hoà Tam Kiệt” đã tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp (1885 – 1888). Ông là người thông Hán văn, giỏi võ nghệ, từng làm quan dưới triều vua Tự Đức, khi tham gia “Bình Tây cứu quốc đoàn” với khẩu hiệu “Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn; Hưng binh ứng nghĩa phục giang san”, ông được phong làm Tổng trấn, phụ trách khu vực phía Bắc Khánh Hòa, đảm nhận vai trò Phó tướng cho “Bình Tây Đại Tướng” Trịnh Phong, đóng tổng hành dinh ở núi Phổ Đà. Ông bị giặc Pháp bắt và xử chém, bêu đầu 3 ngày tại chợ Hiền Lương (có tư liệu khác ghi là ở Dốc Thị, nơi ông đóng quân) vào năm 1886 để thị uy răn đe quần chúng. Dòng họ và nghĩa quân đã lén đem phần thân của Tổng trấn về chôn gấp gáp tại khu đất vườn kín đáo trong khuôn viên chùa Lương Hải. Sau khi tình hình căng thẳng đã nguôi ngoai, nghĩa quân và dòng họ mới đưa thủ cấp của ông về an táng sau, cạnh đó. Chính vì vậy mà ngày nay sẽ thấy bên trong khu mộ của vị anh hùng yêu nước có đến hai phần mộ riêng biệt an trí gần bên nhau. Lúc đầu, mộ chỉ được xếp bằng đá xung quanh. Năm 1964, bà con dòng tộc của Tổng trấn tôn tạo mộ, xây tường bao xung quanh. Năm 2002, khu mộ tiếp tục được tôn tạo. Năm 2018, với sự đồng thuận hoan hỷ của vị trụ trì, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng thêm một đền thờ trong khuôn viên chùa để tri ân, tưởng nhớ đến công lao danh nhân Tổng Trấn Trần Đường.
Để có đủ diện tích đất có vị trí đẹp xây dựng đền thờ, chùa Lương Hải đã phải di dời một số công trình phụ, đáp ứng được nguyện vọng của đại chúng. Đền thờ có diện tích trên 50m2, được khởi công xây dựng vào tháng 7-2018 với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, với kiến trúc dựa theo mẫu của ngôi chánh điện chùa Lương Hải để phù hợp với cảnh quan xung quanh. Ngôi đền gồm 2 lầu 8 mái, xung quanh hành lang là dãy trụ tròn, mái đền lợp ngói âm dương, khoảng giữa các lầu có hình vẽ mô phỏng câu chuyện liên quan đến danh nhân Trần Đường. Bên cạnh đó, dự án còn tiến hành tôn tạo, duy tu mộ phần của danh nhân Trần Đường và nền sân xung quanh.
* Truyền thừa:
- Khai sơn lập tự do các vị hào lão và Phật tử làng Cát Ném.
- Hoà thượng Thích Toàn Thiện về Lương Hải trụ trì trong 2 năm 1971-1972, trùng tu Đài Quán Thế Âm & Chánh điện, lập đạo tràng và hướng dẫn Phật tử tu tập, dưới sự chứng minh của Hoà thượng Tâm Thanh - Tịch Tràng (Đệ thất Tổ Tổ Đình Linh Sơn, thôn Hiền Lương).
- Sau 1975 là Thầy Thích Thiện Quán.
- Kế tiếp là Thầy Thích Thông Đạt.
- Tiếp theo là Thầy Đồng Liên (sau đi lên Lâm Đồng trụ trì một ngôi chùa lớn). - Ni sư Thích Nữ Huệ Tâm, trụ trì từ năm 1995 đến năm 2008. - Sư cô Thích Nữ Từ Minh trụ trì từ năm 2008 đến nay 2022.
Chùa Lương Hải nằm trên vùng đất có diện tích khoảng 3.500 m2, mang kiến trúc truyền thống chùa miền Trung với ngôi Chánh điện ở giữa, bên tả là Tây lang, bên hữu là Đông lang. Phía sau Chánh điện là Tổ đường, nhà Linh.
Chánh điện có 3 gian thờ. Gian giữa có 4 trụ chạm trổ rồng tượng trưng cho Tứ Chúng, thờ Đức Phật Thích Ca, bộ Tam Thế Phật (Quá - Hiện- Vị Lai), ra trước gần cửa chính tôn thiết tượng Dược Sư Quang Như Lai. Hai gian hai bên thờ nhị vị Bồ tát Quán Thế Âm và Địa Tạng Vương. Bên trên các vách đều được trang trí phù điêu tranh ảnh về lịch sử Đức Phật Thích Ca rất công phu, thẩm mỹ.
Ngoài sân, quanh khuôn viên chùa được tôn trí nhiều tượng Phật nhỏ (Phật Nhập Diệt, Phật Thành Đạo, Di Lặc Tôn Phật...) dưới những bóng mát cổ thụ, hài hoà giữa sắc màu tươi sáng của chậu kiểng, bụi hoa... Trên một ngọn giả sơn thật cao, thiết trí tượng đức Quán Thế Âm lộ thiên đứng trên chóp đỉnh. Hòn giả sơn này là nhân tạo, chính là bệ của Đài Quán Thế Âm, bên dưới có một hang động, trong đó thiết đặt tượng Phật Hài Nhi đản sanh, và Bảo Tháp 4 mặt điêu khắc chạm trổ hình tượng Tứ Đại Thiên Vương rất uy dũng. Cạnh kề Đài Quán Thế Âm là Tháp Chuông hai tầng mái, nơi treo quả đại hồng chung ngày đêm ngân vọng khắp thôn xóm gần xa...
Những công trình phụ khác như nhà khách, nhà trù... đều khang trang rộng thoáng.
Kề bên cổng tam quan, nơi dãy tường thành phía bên trái, nhà chùa đã mở thêm một cổng phụ rất rộng để thập phương bá tánh thuận tiện vào ra viếng mộ và dâng hương tại Đền Thờ Tổng Trấn Trần Đường. Vì vậy, chỉ cần bước qua cổng này là thấy ngay khu mộ của danh nhân lịch sử.
Hàng năm, vào ngày mùng 10/6 (Âm lịch), chùa cùng với dòng tộc họ Trần, và bà con nhân nhân địa phương tổ chức cúng Giỗ Tổng Trấn Trần Đường để tri ân, tưởng nhớ đến vị anh hùng yêu nước thương dân.
Riêng về Đền Thờ Trần Đường, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 522/QĐ- CT.UBND, ngày 13/3/2020 xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh.
Tâm Không Vĩnh Hữu