Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài Thứ 8. 10 món ma về thọ ấm, 10 món ma về tưởng ấm

02/05/201313:49(Xem: 17559)
Bài Thứ 8. 10 món ma về thọ ấm, 10 món ma về tưởng ấm


Phật Học Phổ Thông

HT. Thích Thiện Hoa


Mục Lục Khóa Thứ bảy

Triết Lý Ðạo Phật hay là
Ðại Cương Kinh Lăng Nghiêm
(tiếp theo)


--- o0o ---

Bài Thứ Tám

I. MƯỜI MÓN MA VỀ THỌ ẤM :

1. Thấy loài vật, thương khóc

Này A Nan, người tu thiền định khi phá trừ sắc ấm rồi, tâm trí sáng suốt, do hàng giả dụng công dằn ép các vọng tưởng thái hóa, nên phát sanh lòng thương xót các loài vật vô cùng, cho đến thấy loài mòng muỗi, thương cũng như con ruột, thương cho đến nỗi sa nước mắt khóc ròng. Nếu hành giả giác ngộ thì cảnh ấy lần lần tiêu hết, không có hại chi; còn mê lầm không biết, thì bị ma sầu bi ám ảnh vào tâm, rồi thấy người tự khóc ròng, tâm mất chánh định, sau khi chết rồi đọa vào cảnh ma.

2. Chí dõng mãnh bằng Phật

Này A Nan, người tu thiền định khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, thấy có nhiều điều linh ứng và những cảnh tốt đẹp hiện ra. Vì trong lòng cảm khích thái quá, nên hành gỉả phát tâm đại dõng mãnh, lập chí đồng với chư Phật, quyết tu một đời thành Phật, không chịu trải qua bao vô số kiếp. Nếu hành giả giác ngộ thì cảnh ấy lần lần tiêu diệt; còn mê lầm không biết cho mình chứng Thánh thì bị ma nhập tâm, thấy người hay khoe khoang hống hách, ngã mạn không ai bằng, cho đến trên thấy không có Phật, dưới thấy không có người, mất chánh định, sau khi chết rồi bị đọa vào ác đạo. 

3. Tâm nghĩ tưởng khô khan

Lại nữa, người tu thiền định, khi địa vị cũ đã qua khỏi, địa vị mới chưa chứng, lúc ấy bơ vơ giữa chừng, vị trí lực suy kém, nên trong tâm sanh ra rất khô khan, tất cả thời nhớ nghĩ vẩn vơ, rồi tự cho đó là tinh tấn. Đây vì trong lúc tu thiền, không có trí tuệ sáng suốt để phán đóan. Nếu hành giả hiểu biết thì không có hại; còn mê lầm không biết, cho mình chứng Thánh thì bị ma ám ảnh vào tâm, sớm chiều bóc quăng trái tim của mính, mất chánh định, chết rồi đọa vào ác đạo. 

4. Đặng chút ít cho là đầy đủ

Người tu thiền định khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, vì dùng huệ nhiều hơn định, mất sự thăng bằng, nên gặp những cảnh thù thắng hiện ra, sanh lòng nghi ngờ cho là Đức Tỳ Lô Giá Na Phật, mới đặng chút ít cho là đầy đủ. Nếu hành giả hiểu biết thì không có hại; còn mê lầm không biết cho mình là Thánh, thì bị ma ám ảnh, khi gặp người tự xưng: “Ta đặng đạo vô thượng Bồ đề”, sẽ mất chánh định, sau đọa vào đường ma. 

5. Tâm buồn rầu vô hạn

Người tu thiền định, khi cảnh cũ đã mất, địa vị mới chưa chứng, tự thấy bơ vơ; gặp cảnh giannan nguy hiểm, sanh tâm buồn rầu vô hạn, như ngồi trên chông sắt, như uống thốc độc, tâm chẳng muốn sống, thường cầu xin người giết giúp thân mạng mình, đặng sớm được giải thóat. Đây là do trong khi tu hành, hành giả thiếu phương tiện để lướt qua những cảnh ấy. Nếu liễu ngộ thì không hại; còn mê lầm chẳng biết, hành giả cho mình chứng Thánh, thời bị ma u sầu ám ảnh, rồi tự cầm gươm dao lóc lấy thịt mình, ưa bỏ thân mạng, thường hay lo rầu hoặc vào ở trong núi non rừng rú, không muốn thấy người, mất tâm chánh định, sau chết rồi đọa vào đường ma. 

6. Vui cười không thôi

Người tu thiền định, khi tâm được thanh tịnh an ổn rồi, bỗng nhiên sanh ra vui mừng vô hạn không thể ngăn được. Nếu hiểu biết thời không có hại; còn mê lầm cho mình chứng Thánh, thì bị ma nhập vào tâm phủ, Thấy người cười hòai, đi trên đường sá một mình ca múa, tự cho rằng “Ta đã đặng vô ngại giải thóat”, mất chánh định, sẽ đọa vào đường tà. 

7. Sanh đại ngã mạn

Người tu thiền định, khi thấy sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, tự cho mình được như thế là đầy đủ rồi, sanh tâm ngã mạn, đối với mười phương chư Phật còn khinh khi, huống hồ là Thinh-văn, Duyên-giác. Nếu hiểu ngộ thì chẳng hại; còn hành giả mê lầm không biết cho là chứng Thánh, thì bị ma đại ngã mạn nó nhập tâm, không lạy Phật tổ, hủy họai kinh tượng. Hạng người ấy thường nói với tín đồ rằng: “Phật bằng cây, đất, đồng, chì; còn kinh tượng là giấy mực, có gì mà kính lạy; nhục thân này mới là chơn thật thường còn, sao chẳng cung kính, thật là điên đảo”. Tín đồ nghe rồi tin theo, đốt kinh chôn Phật. Người làm cho chúng sanh nghi lầm như thế, sau khi chết rồi bị đọa vào địa ngục vô gián. 

8. Tâm sanh khinh an

Người tu thiền định, khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, trong tâm sanh ra vô lượng khinh an rồi tự cho mình đã chứng Thánh, đặng đại tự tại. Nếu hành giả hiểu biết thời không hại; còn mê lầm không biết thì bị ma nhập tâm, rồi tự cho mình đã đầy đủ, không cần tu tấn, mất chánh định, sau khi chết rồi bị đọa vào đường tà. 

9. Chấp không

Người tu thiền định, khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, trong tâm bỗng sáng, rồi sanh ra chấp đọan diệt, bác không nhân quả, không tội phước, tất cả đều không. Nếu hành giả hiểu biết thời không hại; còn mê lầm không biết chấp mình chứng Thánh thì bị ma nhập tâm, rồi chê bai người trì giới cho là tu hành Tiểu thừa, tự xưng mình là Bồ-tát ngộ chơn lý chơn không rồi, không còn trì giới và phạm giới nữa, vẫn ăn thịt và uống rượu làm những việc tà dục. Do thần lực của ma nó làm cho tín đồ say mê, thương yêu cung phụng, luôn luôn trung thành, chẳng sanh lòng nghi ngờ hủy báng. Vì ma nhập lâu ngày làm cho phải điên, đến nỗi ăn uống những đồ nhơ uế, mà cho cũng như là uống rượu ăn thịt, phá các giới cấm của Phật, hòan toàn chấp không, làm mất chánh kiến của mình, sau khi chết rồi đọa vào đường tà. 

10. Vì quá tham ái nên sanh ra cuồng

Người tu thiền định, khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bày, sanh ra vô cùng ái dục, đến đỗi phát cuồng. Nếu hành giả giác ngộ thì cảnh đó hết dần, còn mê lầm không biết cho là chứng Thánh, thì bị ma nhập tâm, rồi khuyến hóa người đời bình đẳng hành dục, bảo họ rằng: “Hành dục là đạo Bồ-đề, người hành dâm dục là kẻ duy trì chánh pháp’. Do thần lực của ma làm cho người cuồng kia chinh phục được cả ngàn muôn người, đến chừng ma nhàm chán, bỏ người tu thiền kia rồi, lúc bấy giờ hành giả không còn oai đức gì nữa, bị luật nước gaim cầm, đến khi lâm chung đọa vào địa ngục vô gián. 

Tóm lại

A Nan, mười cảnh ma này, đều do trong lúc tu thiền, hành giả dụng tâm phá trừ thọ ấm, nên tự hiện ra các cảnh như vậy. Nếu hành giả mê lầm không biết, cho rằng chứng Thánh, thì bị ma dựa vào, làm nhiều hại đến thế; chết rồi đọa vào địa ngục vô gián. 

Sau khi Ta nhập diệt, các ông nên đem lời Ta dạy đây mà truyền dạy cho chúng sanh đời sau, bảo hộ người tu hành được thành đạo Bồ-đề, chớ để cho họ gặp các lòai ma chuớng làm hại, mà phải bị đọa vào ác đạo.

II. MƯỜI MÓN MA VỀ TƯỞNG ẤM :

1. Tham cầu diệu dụng

A Nan, người tu thiền định, khi phát minh được diệu định rồi, lại khởi tâm tham cầu những việc diệu dụng và linh nghiệm. Khi đó thiên ma được biết, gặp dịp thuận tiện, nên xuất hồn nhập vào người, mà người bị nhập kia lại không biết, tự cho mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, cũng thường nói ra kinh pháp. Trong giây phút, thân mình người bị nhập kia, biến hiện ông Thầy, cô Ni, vị Đế thích hay người phụ nữ v.v… hoặc ở trong nhà tối, từ nơi thân họ chiếu ra hào quang sáng ánh. Người đời lầm cho là Bồ-tát thật, rồi tin nghe theo lời ma giáo hóa, sanh tâm buông lung, phá giới luật của Phật, lén làm việc tham dục. Người này ưa nói những điểm tai biến lạ lùng, hoặc nói chỗ kia có Phật ra đời, năm nào nổi đao binh giặc giã, năm nào có hỏa họan v.v… khủng bố tinh thần dân chúng, khiến cho người hao tài tốn của. Đến khi ma kia nhàm chán bỏ đi, thì thầy trò người bị ma nhập kia đều bị giam cầm. c1c ông nếu biết trước thời khỏi vào luân hồi; còn mê lầm không biết thì đọa vào ác đạo.

2. Tham cầu du ngọan

A Nan, hành giả khi tu thiền, trong tâm muốn xuất thần dạo chơi. Lúc bấy giờ Thiên ma Ba tuần hiểu biết, được dịp thuận tiện nhiễu hại, nên xuất hồn nhập vào người, mà người bị nhập kia lại không biết, tự nói mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, miệng cũng nói kinh pháp thông suốt, làm cho những người nghe đều tự thấy thân mình hóa ra sắc vàng sáng rỡ, ngồi trên tòa sen báu, đặng những điều chưa từng có. Người đời lầm tưởng là Bồ-tát thị hiện. Người bị ma nhập kia lại dạy người phá giới luật của Phật, âm thầm làm việc tham dục, miệng ưa nói chuyện chư Phật giáng thế, như: ở xứ kia, ông đó là Đức Phật nào thị hiện, người nọ là vị Bồ-tát chi thị hiện v.v… làm chongười thấy, nghe sanh lòng khao khát, dâm tà kiến thêm mạnh, giống trí tiêu mòn. Đến lúc ma kia nhàm chán bỏ đi, thì thầy trò người bị ma nhập ấy đều bị bắt cả. các ông nếu sớm giác ngộ thì khỏi vào luân hồi; còn mê lầm không biết thì đọa vào địa ngục.

3. Cầu ngộ chơn lý

Lại nữa, người tu thiền định, trong tâm tham, cầu ngộ chơn lý. Lúc bấy giờ Thiên ma Ba tuần biết được ý muốn, nên xuất hồn nhập cho người, mà người tự không biết, tự cho rằng ta đặng đạo vô thường niết-bàn, miệng cũng nói kinh pháp, làm cho thính giả tuy chưa nghe pháp, mà tâm tự khai ngộ, biết được việc nhiều đời trước, hoặc biết rõ được tâm tánh người, hoặc thấy các cảnh địa ngục, biết trước những họa phước ở nhơn gian, miệng tự đọc kinh hay nói kệ, mỗi người đều tự vui mừng, cho là đặng những việc chưa từng có. Người đời mê lầm cho là Bồ-tát thị hiện. Ma kia lại ưa nói: “Phật có lớn nhỏ, Phật thiệt, Phật giả, Phật nam, Phật nữ, Đức Phật kia là Đức Phật trước, Đức Phật nọ là Đức Phật sau; Bồ-tát cũng vậy”, làm cho người mầt chánh tín lại sanh tà kiến, tâm tánh buông lung, phá giới luật của Phât, lén làm việc tham dục. Đến khi chúng ma kia sanh tâm nhàm chán bỏ đi, thì thầy trò người bị ma nhập kia đềi bị bắt. Các ông biết trước thời khỏi bị luân hồi; còn mê lầm tin theo thời đọa vào địa ngục.

4. Móng tâm muốn biết nguồn gốc của muôn lòai

Lại nữa, người tu thiền định, khi ở trong định, móng tâm muốn biết cùng tột căn nguyên của muôn vật, thỉo chung sanh hóa thế nào. Khi đó Thiên ma hiểu biết ý muốn, gặp dịp thuận tiện để khuấy nhiễu, nên xuất hồn đến nhập cho người, mà người nhập kia lại không biết, cho mình đặng đạo vô thường Niết-bàn, cũng thường nói kinh pháp. Chúng ma kia dùng oai thần nhiếp phục quần chúng, làm cho thính giả tuy chưa nghe pháp mà trong lòng đã tự kính phục. Chúng ma nói: “Thân thịt hiện tiền đây là Bồ-đề Niết-bàn, là Pháp thân của Phật”. Chúng ma lại nói: “ Mắt, tai, mũi, lưỡi là cảnh tịnh độ, nam căn và nữ căn tức là Bồ-đề Niết-bàn”. Nhưng người mê lầm không biết tưởng là Bồ-tát thị hiện, tin tưởng quy y theo, cho là một đấng hy hữu chưa từng có. Mất tâm chánh tín, phá giới luật của Phật, âm thầm làm hạnh tham dục. FĐến khi ma kia nhàm chán bỏ đi rồi, thì thầy trò người bị ma nhập kia đều bị bắt cả. Các ông nếu biết trước thì khỏi bị luân hồi, còn mê lầm tin theo thời đọa vào địa ngục vô gián.

5. Tham cầu cảm ứng linh nghiệm

Người tu thiền định vì móng tâm tham cầu sự cảm ứng linh nghiệm, nên Thiên ma biết được ý muốn, nó xuất hồn đến gá vào người mà người kia không biết, tự cho mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, cũng thường nói kinh pháp. Ma lại dùng thần lực khiến cho những người nghe pháp đều thấy thân thể người bị nhập kia già nua như người trăm tuổi sanh lòng thương mến, đêm ngày hầu hạ không biết mệt mỏi, và tứ sự cúng dường. Nó lại làm cho người người kính trọng là vị Tiên sư hay Thiện tri thức. Đối với người, nó ưa nói việc huyền ảo như: “Đời trước ta tế độ người kia, người nọ. Đời trước người kia là anh em hay vợ con của ta, đời nay ta tế độ, để cùng nhau sẽ sanh về thế giới kia và cúng dường Đức Phật nọ”; hoặc nói: “ Có cõi Trời Đại quang minh, tất cả các Đức Phật đều ở đó”. Những người mê muội không biết, lầm cho là Bố-tát thị hiện, tin tưởng kính trọng vô cùng, mất tâm chánh tín, phá giới luật của Phật, âm thầm al2m việc tham dục. Đến khi chúng ma kia sanh tâm nhàm bỏ. các ông biết trước thời khỏi vào luân hồi, còn tin tưởng nghe theo thì đọa vào địa ngục vô gián.

6. Tham cầu ở chỗ vắng vẻ tịch mịch

Người tu thiền định, khép mình nơi khổ hạnh tham cầu ở chỗ vắng vẻ tịch mịch. Khi đó Thiên ma Ba tuần biết được ý muốn, nên xuất hồn nhập vào người, mà người kia không biết, cho mình chứng đạo vô thượng Niết-bàn, cũng thường hay nói pháp. Ma dùng thần lực khiến cho các người nghe đều biết được đời trước của mình. Hoặc trong chỗ đông người, nó chỉ một người nào đó nói rằng: “Người này chưa chết, mà đã thành súc sanh”. Nói rồi, ma nó bảo một người khác đạp sau cái đuôi, thì người kia biến thành súc sanh, đứng dậy không được, làm cho đồ chúng hết sức kính phục. Có ai vừa móng tâm niệm gì, thì ma nó liền biết và nói ra ngay. Ngòai giới luật của Phật, chúng còn giữ thêm những điều khổ hạnh, phỉ báng các thầy Tỳ-kheo, mắng nhiếc tín đồ, làm tiết lộ việc bí mật của người mà không sợ người hiềm ghét, thường nói những việc họa phước sắp đến, không sai một mảy. Đến lúc ma kia nhàm chán bỏ rồi, thì thầy trò người bị ma nhập đều bị bắt. Các ông biết trước thời không vào luân hồi; còn mê mờ tin theo thì đọa vào địa ngục vô gián.

7. Tham cầu biết kiếp trước

Người trong khi tu thiền định, móng tâm tham cầu biết trước của mình. Khi đó Thiên ma hiểu biết, gặp dịp thuận tiện, nên xuất hồn nhập vào người, mà người bị nhập kia không biết, tự cho mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, cũng thường nói kinh pháp, hoặc làm cho người tình cờ đặng châu báu. Nó hóa ra một con vật ngậm hột châu hay những vật kỳ quái đem đến đưa cho người. Nó chỉ ăn rau rác đơn sơ, không dùng đồ ngon quí, có khi mỗi ngày chỉ ăn một hột mè, hột bắp, mà thân hình vẫn mập tốt. Chúng thường nói: “Xứ kia có kho báu, chỗ nọ có các Thánh Hiền ẩn”. Chúng làm cho người thấy những điều kỳ dị, hoặc nói những việc tham dục, phá giới của Phật, âm thầm làm hạnh dâm dục. Đến khi ma kia nhàm bỏ rồi, thì thầy trò người bị nhập đều bị bắt cả. Các ông biết trước thì khỏi đọa vào luân hồi; còn mê lầm tin theo, thì đọa vào địa ngục.

8. Tham cầu thần thông

Người khi tu thiền định, móng tâm muốn được thần thông biến hóa. Khi đó Thiên ma liền biết, nên xuất hồn nhập cho người mà người không biết, tự cho rằng: “Đặng đạo vô thượng Bồ-đề”. Miệng nói kinh pháp và một tay cầm lửa, một tay rứt ánh sáng phân phát để trên đầu của thính giá. Mỗi người đều thấy trên đầu có ánh sáng dài đến vài thước, mà chẳng biết móng; hoặc đi trên nước hay ngồi trên hư không vẫn tự tại; hoặc vào trong bình, vô trong đãy (bọc), đi ngang qua vách tường, mà không bị chướng ngại. Chỉ trừ khi đối với binh đao, thì họ không tự tại. Họ xưng là Phật mà thân mặc đồ thế gian, thọ các thầy tỳ-kheo lễ bái, chê bai nhười tham thiền và trì giới, mắng nhiếc đồ chúng, làm tiết lộ việc nhà người mà không sợ người hiềm giận. Họ thường nói với người: “Ta đã đặng thần thông tự tại”; hoặc làm cho người thấy được cõi Phật (ma hiện ra cõi Phật) đem những điều dở hèn làm việc truyền đạo và khen ngợi việc hành dục. Đến khi ma kia nhàm bỏ, thì thấy trò người bị ma nhập kia đều bị bắt cà. Các ông biết trước thời khỏi vào luân hồi; còn mê lầm tin theo thời đọa vào địa ngục vô gián.

9. Tham cầu không không

Người khi tu thiền định, tâm ưa nhập diệt, tham cầu không không. Khi ấy Thiên ma liền biết, đặng dịp thuận tiện, nên xuất hồn nhập cho người, mà người kia chẳng biết, tự cho mình đặng đạo vô thượng Niết-bàn, miệng nói kinh pháp. Hoặc ở trong chỗ đông người, người ấy tự biến mất, không ai thấy được, rồi tình cờ từ hư không hiện ra, khi ẩn khi hiện thần diệu vô cùng, hoặc hiện thân trong suốt như ngọc lưu ly, khi duỗi tay chân ra thì thơm nực mùi hương chiên đàn, chê bai giới luật, hủy báng người xuất gia, bác không có nhơn qủa, cho rằng chết rồi mất hẳn không có đầu thai, âm thầm làm việc tham dục, khiến cho những người thọ dục, cũng chấp không có nhơn quả tội phước v.v… Đến lúc ma nhàm bỏ, thì thầy trò người bị ma nhập kia đều bị bắt cả. các ông biết trước thời khỏi vào luân hồi; còn mê lầm không biết thì đọa vào địa ngục vô gián.

10. Tham cầu sống lâu

Người tu thiền định, móng tâm tham cầu sống lâu. Lúc bấy giờ Thiên ma hiểu biết, xuất hồn nhập cho người, mà người tự không biết, nói mình đặng đạo vô thựơng Niết-bàn, miệng thường nói kinh pháp và đi qua lại các thế giới được tự tại không ngăn ngại; mặc dù đường xa muôn dặm, nhưng đi không nháy mắt đã trở về đến chỗ, lại lấy những vật ở phương xa kia đem về làm tin. Hoặc ở trong một căn nhà nhỏ, nó bảo người đi thiệt mau, từ vách bên này qua vách bên kia, đi mấy năm cũng không đến; hoặc thường nói: “Chúng sanh trong mười phương đều là con của ta, ta sanh ra chư Phật, ta sanh ra thế giới, ta là Phật đầu tiên tự nhiên có, chẳng chơn tu hành mà được”; hoặc ngồi nói lầm thầm một mình như người cuồng, khiến cho người đời tin tưởng là Phật thiệt. Các ông biết trước thì khỏi bị luân hồi, còn mê lầm tin theo thời đọa vào địa ngục vô gián.

Tóm lại

A Nan, mười món ma tưởng ấm này, ở trong đời mạt pháp, sẽ giả làm người xuất gia tu hành, trong đạo của Ta, hoặc nhập cho người, hoặc tự hiện hình, đều tự xưng rằng: “Đã chứng quả Phật”. Chúng khen ngợi việc dâm dục, phá giới luật của Phật. Ma thầy, ma trò cùng nhau tryền dạy, làm hại cho người đến nhiều đời lắm, khiến người chơn tu mất chánh kiến, bị đọa làm bà con quyến thuộc của ma.

Các ông ngày nay đã được độ ra khỏi sanh tử luân hồi rồi, vậy các ông phải khởi lòng đại bi, không nên nhập diệt sớm, pảhi nguyện ở lại đời mạt pháp để cứu độ những người chơn chánh tu hành đời sau, khỏi bị ma nhiễu hại.

Các ông tuân theo lời a dạy đây, mới gọi là đền đáp ơn Phật. Các ông gắng bảo hộ người tu hành, nên đem lời nói của Ta đây truyền dạy cho chúng sanh đời sau, khiến cho họ hiểu rõ các việc ma, để khỏi bị Thiên ma nhiễu hại và mau được thành đạo vô thượng.

--- o0o ---

Vi tính : Trúc Oanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/09/2018(Xem: 6754)
Bất cứ ai may mắn có dịp viếng thăm Tu Viện Kopan trong 40 năm qua, có thể đã nhìn thấy được nụ cười từ hòa của Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rigsel, người đã phụng sự cho Tu Viện Kopan trong các vai trò khác nhau trong gần bốn thập niên qua. Ngài đã được Văn Phòng của Đức Dalai Lama thụ phong chức trụ trì tu viện năm 2001, mặc dù Ngài đã không chính thức giữ chức vụ này từ khi Lama Yeshe viên tịch vào năm 1984. Vào tháng Bảy năm 2011, Lama Lhundrup không tiếp tục vai trò này nữa, vì bệnh ung thư ở giai đoạn tiến triển của Ngài.
04/09/2018(Xem: 4827)
Kyabje Lama Zopa Rinpoche Tu Viện Kopan, Nepal Kyabje Lama Zopa Rinpoche giải thích cách phát khởi thực chứng về các giai đoạn của đường tu giác ngộ trong Khóa Tu Kopan Thứ Mười Hai, được tổ chức ở Tu Viện Kopan, Nepal, năm 1979. Bài này là trích đoạn trong Bài Thuyết Pháp thứ 9 trong khóa tu. Sandra Smith hiệu đính sơ.
03/09/2018(Xem: 7596)
Lama Zopa Rinpoche đã sáng tác một pháp tu Kim Cang Tát Đỏa ngắn, được ấn tốngtheo khổ sách bỏ túi. Nhờ vậy, bất cứkhi nào phạm giới, hay tạo ra bất kỳ nghiệp xấu ác nào khác thì ta có thểtịnh hóa điều tiêu cựcấy bằng bốn lực đối trị, không hề chậm trễ một phút giây.
15/03/2018(Xem: 15004)
Nhẫn nại là 10 pháp hành Ba la mật cho các vị Bồ Tát có ý nguyện trở thành Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác hoặc Phật Thinh Văn Giác. Những pháp hành đó là : 1- Bố thí 2- Trì giới 3- Xuất gia 4- Trí tuệ 5- Tinh tấn 6- NHẪN NẠI 7- Chân thật 8- Quyết tâm 9- Từ bi 10- Tâm xả
20/02/2018(Xem: 3943)
Đây là pho tượng đồng Tổ Sư Tống Khách Ba do Luật Sư Nguyễn Tân Hải (pháp danh: Thiện Vân) cúng dường Tu Viện Quảng Đức vào chiều ngày 19-02-2018 trong dịp Thượng Tọa Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng ghé nhà thăm Luật Sư vừa về nhà sau thời gian điều trị tại bệnh viện. Luật Sư Tân Hải là đệ tử của Hòa Thượng Chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, anh có duyên tiếp cận và nghiên cứu về Phật Giáo Tây Tạng, Nhật Bản… do vậy mà anh sở hữu nhiều tài liệu và pháp khí quý hiếm, mà một trong số đó là pho tượng này (xem văn bản đính kèm). Thành tâm niệm ơn và tán thán công đức bảo vệ và hộ trì Chánh pháp của anh chị Luật Sư Tân Hải – Bích Thi. Nam Mô A Di Đà Phật
12/10/2017(Xem: 16042)
Cầm quyển sách trên tay với độ dày 340 trang khổ A5 do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam-Trung Tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang ấn hành và nhà xuất bản Hồng Đức tái bản lần thứ 2 năm 2015. Sách này do Phật Tử Nguyên Đạo Văn Công Tuấn trao tay cho tôi tại khóa tu Phật Thất từ ngày 24 đến 31.09.2017 vừa qua tại chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc. Tôi rất vui mừng được đọc tác phẩm thứ hai của Giáo Sư Lê Tự Hỷ. Ngắm nhìn bìa sách cũng như cách in ấn của Việt Nam trong hiện tại đã tiến được 8 phần 10 so với Đài Loan hay Đức, nên tôi lại càng vui hơn nữa. Bởi lẽ từ năm 1975 đến cuối năm 2000 tất cả những kinh sách được in ấn tại Việt Nam, kể cả đóng bìa cứng cũng rất kém về kỹ thuật và mỹ thuật, nhưng nay sau hơn 40 năm, nghề in ấn Việt Nam đã bắt đầu có cơ ngơi vươn lên cùng với thế giới sách vở rồi và hy vọng rằng nghề ấn loát nầy sẽ không dừng lại ở đây.
20/08/2016(Xem: 11326)
Ai là người trí phải nên khéo điều phục cái tâm của mình phải luôn quán sát Tánh Không (sumyata) và Diệu Hữu (Amogha) của bản tâm và vạn pháp. Không ai có thể cứu chúng ta khỏi cảnh giới khổ đau, phiền não, nếu chính bản thân chúng ta cứ mãi bo bo ôm ấp, nâng niu chìu chuộng cái vỏ Ngã Pháp được tô điểm bởi Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Tà Kiến, và Đố kỵ.
28/04/2016(Xem: 16679)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
27/09/2015(Xem: 6370)
Phía trước, ở giữa biển mây phẩm vật cúng dường Đức Phổ Hiền, Nơi an trú của chư vị lama, Yidam, Tam Bảo và Hộ Pháp Cùng các đấng hiền thánh đã thành tựu chân lý; Xin hoan hỷ nhận mây cúng dường các phẩm vật này, và ban cho con chân lý tối thượng.
27/08/2015(Xem: 4273)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác: sự suy nghĩ truyền thống của Trung Hoa, và v.v… Có thể có sự hiểu biết sai lầm sinh khởi phổ quát hơn, qua những cảm xúc phiền não của mọi người. Có thể có sự hiểu biết sai lạc sinh khởi chỉ từ sự kiện rằng tài liệu thì khó để hiểu. Sự hiểu biết sai lạc có thể sinh khởi do bởi những vị thầy không giải thích mọi thứ một cách rõ ràng hay để những thứ hoàn toàn không được giải thích gì cả, vì thế chúng ta phóng chiếu vào chúng những gì chúng ta nghĩ chúng là như vậy. Cũng có thể là tự các vị thầy thấu hiểu sai lạc giáo huấn. Điều ấy đôi khi xảy ra. Bởi vì không phải tất cả những vị thầy đều
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567