Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc “Thần Chú trong Phật Giáo” Do Giáo Sư Lê Tự Hỷ biên soạn

12/10/201706:29(Xem: 15886)
Đọc “Thần Chú trong Phật Giáo” Do Giáo Sư Lê Tự Hỷ biên soạn

an ma ni bat di hongan ma ni bat di hong-2

Đọc “Thần Chú trong Phật Giáo”
Do Giáo Sư Lê Tự Hỷ biên soạn

Thích Như Điển

 

Cầm quyển sách trên tay với độ dày 340 trang khổ A5 do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam-Trung Tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang ấn hành và nhà xuất bản Hồng Đức tái bản lần thứ 2 năm 2015. Sách này do Phật Tử Nguyên Đạo Văn Công Tuấn trao tay cho tôi tại khóa tu Phật Thất từ ngày 24 đến 31.09.2017 vừa qua tại chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc. Tôi rất vui mừng được đọc tác phẩm thứ hai của Giáo Sư Lê Tự Hỷ. Ngắm nhìn bìa sách cũng như cách in ấn của Việt Nam trong hiện tại đã tiến được 8 phần 10 so với Đài Loan hay Đức, nên tôi lại càng vui hơn nữa. Bởi lẽ từ năm 1975 đến cuối năm 2000 tất cả những kinh sách được in ấn tại Việt Nam, kể cả đóng bìa cứng cũng rất kém về kỹ thuật và mỹ thuật, nhưng nay sau hơn 40 năm, nghề in ấn Việt Nam đã bắt đầu có cơ ngơi vươn lên cùng với thế giới sách vở rồi và hy vọng rằng nghề ấn loát nầy sẽ không dừng lại ở đây.

Than Chu trong Phat Giao_Le Tu Hy-2

Tôi vốn ưa đọc sách, nhưng cũng rất kén chọn sách hay để đọc, vì nếu lỡ đọc một quyển Kinh hay sách nào đó không bổ ích, thì cảm thấy tốn quá nhiều thời gian của mình. Sách hay Kinh điển vốn là món ăn tinh thần của tôi trong nhiều năm tháng nay. Trước đây tôi đã đọc quyển “Asoka từ huyền thoại đến sự thật” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ viết và cũng đã điểm qua sách nầy cũng như cho đăng tải lên nhiều trang nhà để độc giả khắp nơi làm quen được với tác phẩm quý hiếm nầy. Trước đó nữa thì tôi đã đọc “Chú Đại Bi giảng giải” của Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại Vạn Phật Thánh Thành, Hoa Kỳ và Thượng Tọa Thích Minh Định ở Pháp đã dịch sang Việt ngữ rất lưu loát và sách nầy tôi cũng đã điểm qua. Kế đến hôm tháng 7 vừa qua, tôi có ghé thăm chùa Kim Quang của Thượng Tọa, Thầy đã biếu cho tôi quyển “Chú Lăng Nghiêm Kệ và giảng giải tập 1” của Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng và Thầy đã dịch ra Việt Văn rất trôi chảy. Quyển nầy có hai phần: Phần đầu tiếng Việt và phần sau, Sư Cô em ruột của Thượng Tọa dịch ra tiếng Pháp cũng rất tuyệt vời. Thầy ấy bảo rằng vào  tháng 11 nầy, lúc tôi qua giảng pháp tại chùa Kim Quang thì Thầy sẽ biếu cho tập 2 để đọc. Trong khi chưa có tập 2 của chú Lăng Nghiêm thì tôi đã nhận được quyển “Thần chú trong Phật Giáo” nầy của Giáo Sư Lê Tự Hỷ, nên đã đọc trong vòng 4 tiếng đồng hồ trên xe lửa chạy nhanh từ Hannover đến Ravensburg vào ngày 9 tháng 10 năm 2017 vừa qua và tôi nghĩ rằng mình phải có bổn phận điểm lại sách nầy để giới thiệu với các độc giả khắp nơi, làm quen với những Kinh sách, chú giải quan trọng nầy. Dĩ nhiên sẽ không phải chỉ có toàn là những lời khen tặng, mà đâu đó chắc sẽ không thiếu những góp ý chân thành, nên xin tác giả và các soạn giả hoan hỷ cho về những vấn đề xây dựng nầy.

Tôi vốn sinh ra từ quê hương xứ Quảng và bản chất là nông dân, nên nghĩ sao nói vậy và tôi cũng được biết tác giả Lê Tự Hỷ cũng là người xuất thân từ quận Điện Bàn, tỉnh  Quảng Nam. Mặc dầu đang ở đâu và giảng dạy ngôn ngữ nào đi nữa thì âm điệu tiếng Quảng Nam vẫn còn nguyên vẹn. Tôi được phước duyên là đi xuất gia từ năm 1964 đến bây giờ và từ đó đến nay những thời Kinh Lăng Nghiêm vào những buổi sáng hầu như chưa bao giờ xao lãng, ngoại trừ vài ngày ốm đau cũng như ở trong bệnh viện mấy ngày tại xứ Đức trong năm 2016 vừa qua, và hầu như Lăng Nghiêm đối với tôi, việc hành trì xem ra như cơm ăn, áo mặc, không thể thiếu trong bất cứ ngày nào. Ngày xưa còn nhỏ, lứa tuổi 15 đã được xuất gia học đạo và bài Kinh đầu tiên phải trả cho Quý Chú lớn hơn ở trong chùa Phước Lâm là Kinh Lăng Nghiêm. Thuở ấy học thuộc lòng Lăng Nghiêm, tôi chẳng hiểu tại sao phải học và cứ học như thế để hành trì, cho đến bây giờ năm 2017 nầy là hơn 54 năm như thế, tôi thấy Lăng Nghiêm vẫn là Lăng Nghiêm, nhưng Lăng Nghiêm bây giờ mỗi buổi sáng tôi hành trì với Đại Chúng chùa Viên Giác, Hannover hay ở tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg nầy, tôi nhận thấy được  một oai thần mãnh liệt từ kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng ra để tuyên thuyết Thần Chú nầy, nên với tôi là một pháp hành vô cùng quan trọng.

Nhân đọc quyển “Thần chú trong Phật Giáo” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ, tôi xin nêu ra đây 3 quan điểm trong khi đọc Kinh, trì Chú hay nói đúng hơn là pháp học, pháp hành và pháp học lẫn pháp hành. Đây chỉ là quan niệm của tôi và tôi xin điểm qua từng pháp một qua các câu Thần Chú “Yết Đế, Yết Đế Ba La Tăng, Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha”, kế tiếp là câu “Án Ma Ni Bát Di Hồng” rồi “Chú Đại Bi” và Thập Chú trong Kinh Lăng Nghiêm của quyển sách nầy mà Giáo Sư Lê Tự Hỷ đã dày công nghiên cứu.

Than Chu trong Phat Giao_Le Tu Hy

Tôi xin phép xếp Giáo Sư Lê Tự Hỷ vào quan điểm thứ nhất là Pháp Học. Học là một Pháp rất quan trọng. Bởi vì Đức Phật vẫn hay dạy rằng: “Ai hiểu được Pháp kẻ đó sẽ hiểu được Phật và ai hiểu được Phật người ấy sẽ hiểu được Pháp”. Như vậy việc học và hiểu Pháp rất quan trọng. Lâu nay Kinh điển được dịch từ chữ Pali sang tiếng Việt, bên Đại Tạng Kinh Nam Truyền gồm 13 tập với 25.000 trang Kinh văn, thì có Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Minh Châu đã làm; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo) do Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Tịnh Hạnh chủ trương dịch từ Hán văn sang Việt Văn thành Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, cũng không dưới 250.000 trang Kinh, nhưng vấn đề giảng giải những Thần Chú ra tiếng Hán và tiếng Việt thì tôi thấy chỉ mới có Cố Hòa Thượng Tuyên Hóa và Giáo Sư Lê Tự Hỷ thực hiện. Tôi không rõ Giáo Sư Lê Tự Hỷ học tiếng Phạn ở đâu, nhưng khả năng phân tích và ngữ nghĩa trong Phạn ngữ của Giáo Sư thật quả là tuyệt vời. Có lẽ một phần do tự học như Hòa Thượng Thích Tuệ Sĩ mà ra. Riêng tôi phạm trù Phạn ngữ cũng như tiếng Pali thì xin chịu, bởi từ nhỏ vốn quen với nền văn học chữ Hán cũng như Anh, Pháp, Nhật và Đức ngữ, nên ở những phạm trù Phạn Ngữ thuộc về Thần Chú, thì tôi chỉ có dựa cột mà nghe chứ không dám luận bàn. Vì cuộc đời nầy có nhiều việc phải tu, phải học nữa, cho đến khi nào nắp quan tài đậy lại mới thôi.  Cho nên người xưa thường nói rằng:

                                               Học hải vô nhai cần thị ngạn

                                              Thanh không hữu lộ chí vi thê

 Giáo sư cho rằng những phiên âm Hán Việt về Thần Chú lâu nay chúng ta đọc, không sát với tiếng Việt. Do vậy nên hãy đọc âm vận được phiên âm trực tiếp từ chữ Phạn ra chữ Hán thì tương đối đúng hơn. Điều nầy hẳn tôi đồng ý với tác giả của quyển sách nầy, nhưng lâu nay ở Việt Nam chưa có vị Sư hay Cư Sĩ nào làm được điều ấy cả. Lý do là sở học về Phạn Ngữ của quý Ngài giới  hạn chăng? Hay vì lẽ gì mà các Ngài đã không cho phiên âm ra Việt ngữ. Như vậy Ngài Khương Tăng Hội, Ngài Chi Cương Lương, Ngài Mâu Bác đã ở Giao Châu chúng ta từ thế kỷ thứ 2, thứ 3 đã chẳng quan tâm về vấn đề nầy hay sao? Hay là các Ngài ấy thấy rằng cứ để nguyên mẫu âm Hán Việt như thế để trì tụng thì công đức cũng không nhỏ. Đến thế kỷ thứ 8 (750) chúng ta có Ngài Phật Triết (người Lâm Ấp) và Ngài Bồ Đề Tiên Na (người Ấn Độ) đến xứ Phù Nam nầy và vào năm 752 các Ngài được Thánh Vũ Thiên Hoàng của Nhật Bản mời sang Nara để làm lễ khai nhãn cúng dường tượng Tỳ Lô Giá Na Phật bằng đồng, chắc hẳn quý Ngài cũng rất rành tiếng Phạn, không hiểu tại sao các Ngài không dịch những câu Thần Chú trong Đại Bi, Bát Nhã hay Lăng Nghiêm ra tiếng Việt? Hẳn nhiên phải có lý do, nhưng bây giờ quý Ngài ấy đâu còn hiện diện trên cõi Ta Bà nầy nữa mà tham vấn. Do vậy, chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời. Nhưng dẫu sao đi nữa việc làm của Giáo Sư Lê Tự Hỷ là việc làm đáng khâm phục và Giáo Sư cũng khuyên là lớp Tăng Ni hay Phật Tử trẻ có cơ duyên tiếp xúc với Phạn Văn thì nên đọc các Thần Chú nầy trực tiếp từ tiếng Phạn ra âm tiếng Việt thì gần gũi với nguyên ngữ hơn. Riêng phận già gần 70 tuổi như tôi trong hiện tại thì chỉ xin chấp nhận cái cũ đã trải qua truyền thống lâu nay về Pháp Hành, chứ chưa thay đổi qua Pháp Học như Giáo Sư đề nghị được.

GS Le Tu Hy

Giáo Sư Lê Tự Hỷ

Quan điểm thứ hai là về Pháp Hành. Ví dụ như Ngài Tuyên Hóa, Ngài Tinh Vân, Ngài Ân Thuận, Ngài Thanh Từ v.v… cả Trung Hoa và Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại các Ngài nầy hầu như không có bằng cấp nào của thế gian cả, nhưng về phép Tu của các Ngài thì quả là Thầy của cả Nhân Thiên, ít ai sánh kịp. Ngài Tuyên Hóa khi giảng giải về Chú Lăng Nghiêm hay Chú Đại Bi, Ngài có bảo rằng Ngài không biết chữ Phạn, nhưng cái cảm nhận của Ngài khi giảng đến những Thần Chú nầy, do như có lực gia trì của chư Phật và chư vị Bồ Tát nên Ngài mới giảng được như vậy. Trong sách này, kể từ trang 173 trở đi tác giả Lê Tự Hỷ không đồng ý với Ngài Tuyên Hóa mấy. Tuy nhiên Ngài đã được xưng là Thánh Tăng của đương đại và Ngài cũng có bảo rằng: “Trong đời mạt pháp nầy, nếu ai đó hành trì Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm mà bị rơi vào địa ngục, thì Ngài sẽ là người xuống đó trước”. Hành giả có thể bảo đảm được việc nầy, chứ học giả thì khó có thể nói những câu tương tự được như vậy.

Nếu đứng về quan điểm của Pháp Hành thì nên xem trang 30 của sách nầy, tác giả đã kể ra 2 câu chuyện trong Phật Giáo Tây Tạng rất hay về một vị Thầy chỉ biết trì tụng duy nhất một câu Thần Chú mà thôi. Một vị Tăng Sĩ nổi danh khác không cần Thầy dạy nữa, nên đi tìm vị Tăng Sĩ chuyên tu nầy và thấy vị nầy đọc sai âm câu Thần Chú, nên cố gắng sửa lại. Cuối cùng vị theo pháp Hành quên bẳng đi là người bạn Tăng Sĩ kia đã dạy cho mình phát âm như thế nào, nên đã lướt đi trên nước, đến cạnh bên chiếc thuyền của vị Tăng Sĩ nổi danh kia để hỏi lại về âm vận của câu chú, thì cả người chèo thuyền và vị Tăng Sĩ nổi danh kia đều hết sức kinh ngạc nên đã đáp lại rằng: “Ôi thôi! Ngài không cần gì nữa cả, không cần gì nữa cả!”.

 Câu chuyện thứ 2 ở trang 32 và 33 cũng rất hấp dẫn. Đó là câu chuyện của hai học Tăng, một thông minh và một bình thường. Người bình thường niệm câu Thần Chú Án Ma Ni Bát Di Hồng trong 3 năm liền, được 100 triệu lần và người thông minh kia chỉ bắt đầu niệm danh hiệu nầy trong ba ngày còn lại; trước khi người Tăng Sĩ bình thường kia sắp xong 100 triệu lần, người Tăng Sĩ thông minh kia quán mọi người trên thế gian nầy đều là một Đức Quan Thế Âm và mình với Ngài không khác. Cuối cùng Sư Phụ của hai Vị nầy đều rất hài lòng cho Pháp Hành nầy. Thật ra thì Phật Giáo Việt Nam của chúng ta trong hiện tại thiếu những vị chuyên tu về Pháp Hành như Tây Tạng hay Trung Hoa, chứ chúng ta không thiếu những  Pháp Học.

Bây giờ trở đi mới chính là những giờ phút Phật Giáo Việt Nam của chúng ta phải hạ thủ công phu, mới bắt kịp theo Phật Giáo Tây Tạng được. Tôi đi rất nhiều nơi và đến rất nhiều chốn, nhưng những nước còn hành trì Thần Chú Lăng Nghiêm rất ít, trong đó chỉ còn thấy ở các chùa Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn và An Nam Tông của Việt Nam ở Thái Lan cũng như những chùa Việt Đại Thừa tại ngoại quốc. Trong khi đó Phật Giáo Nhật Bản họ hành trì theo Kinh điển của Tông Phái họ và hoàn toàn không có Tông nào tụng Lăng Nghiêm cả; còn Phật Giáo ở Đức lại đa dạng hơn, nghĩa là nhóm Phật tử nào theo Tông Phái của Phật Giáo nước nào thì họ tụng theo ngôn ngữ tiếng của nước đó. Ví dụ như người Mỹ, người Đức, người Pháp theo Phật Giáo Tây Tạng thì họ tụng Kinh, Chú theo âm Tây Tạng, chứ họ chưa có thể biến đổi hoàn toàn theo âm vận của tiếng địa phương được. Ở đây chúng ta cũng đồng ý với Giáo Sư Lê Tư Hỷ rằng: “Công dụng của Thần Chú không từ ngoài mà được. Việc chính là hành giả ấy hành trì như thế nào mà thôi”.

Quan điểm thứ 3 là vừa có Pháp Học và có cả Pháp Hành. Đại diện cho khuynh hướng nầy có Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Minh Châu, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thánh Nghiêm và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu có ai đó đã đọc Nam Truyền Đại Tạng Kinh hay những sách của Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu viết thì chúng ta phải ngưỡng vọng một bậc Thầy đạo cao, đức trọng. Là một học giả uyên bác về tiếng Pali, Hán văn, Pháp Văn và Anh Văn, nhưng pháp Hành Thiền của Ngài không bao giờ xao lãng. Mặc dầu với cương vị của một vị Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1964 đến năm 1975, có  không biết bao nhiêu việc phải giải quyết, nhưng tâm từ và tâm bi qua sự  Hành Thiền, Ngài đã làm tỏa chiếu một bầu trời Vạn Hạnh cho đến mãi ngày nay. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh với hơn 150 tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn người ngoại quốc tu Thiền Chánh Niệm như thế nào và ở ngoại quốc ngày nay, trong giới Phật Giáo và các học giả khi nghe nhắc tới Thiền Sư Nhất Hạnh, không ai mà không biết.

Ngài Thánh Nghiêm, người Đài Loan, năm 1972 tôi đã có dịp gặp Ngài tại Nhật và sau nầy khi Thầy Hạnh Giới tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Hannover vào  năm 2003, tôi cũng đã cho Thầy ấy qua Pháp Cổ Sơn tại Đài Loan để tu học với Ngài Thánh Nghiêm trong nhiều năm. Tại đó học Tăng có thể học tư tưởng của Ngài về: Nhân Gian Tịnh Độ, Thiên Quốc Tịnh Độ, Phật Quốc Tịnh Độ và Tự Tánh Di Đà Tịnh Độ và nếu có ai đó đã đọc những sách của Ngài như: Thánh Nghiêm Tự Truyện hay So Sánh Tôn Giáo Học v.v…thì chúng ta cũng sẽ thấy được một Tiến Sĩ của Nhật Bản chịu đựng sống dưới gầm cầu ở New York suốt 6 tháng trường để thực chứng với “cái KHÔNG là gì?” sau khi đã không thành công với Ban Hộ Tự của chùa Đông Sơ ở New York. Còn Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thì khỏi phải phẩm bình, vì Ngài là một Thánh nhân trong hiện thế, nhưng mỗi ngày Ngài đều hành trì 4 tiếng đồng hồ vào mỗi buổi sáng. Còn chúng ta thì sao? Đa phần chúng ta là phàm Tăng, phàm Ni nhưng rất dễ duôi với việc hành trì qua việc trì tụng Thần Chú Lăng Nghiêm vào mỗi buổi sáng. Nếu ai đó đã đọc được những tác phẩm của Đức Đạt Lai Lạt La thì trong đó có hai quyển nên đọc trước. Đó là: “Nước tôi và dân tôi” hay “Tự do trong lưu đày” để thấy rằng một bậc Thánh Tăng đã thực hành Pháp Học và Pháp Hành như thế nào trong suốt cuộc đời của Ngài. Có như vậy chúng ta mới cố gắng để thành tựu sở tu và sở chứng của mình được, khi nhìn gương thực hiện Pháp của các Ngài.

Đọc “Nhân Sinh Yếu Nghĩa” của Ngài Tuyên Hóa giảng bằng tiếng Phổ Thông và Thượng Tọa Minh Định đã dịch sang Việt Ngữ, hay đọc “Thần Chú trong Phật Giáo” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ chúng ta sẽ thấy ngay thế nào là Pháp Học và thế nào là Pháp Hành. Riêng tôi xin chắp hai tay lại để niệm ân tất cả, vì tôi đã chưa làm được việc đó. Tôi chỉ là người nối bước theo những lối chân mòn của các bậc Tổ Đức đã từng lội qua những dòng sông sanh tử mà thôi. Từ đó chúng ta sẽ có một cái nhìn thấu triệt hơn về con đường mà chúng ta đang đi và đang phụng sự.

Về chính tả hỏi, ngã v.v… sách nầy không có lỗi, nhưng về tiếng Nhật có lẽ Giáo Sư Lê Tự Hỷ không chuyên (Dĩ nhiên là tiếng Phạn và tiếng Anh thì Giáo Sư rất rành); bởi lẽ người Nhật không bao giờ đọc là namu amida bu.(trang 88) mà họ đọc là Namu Amida Butsu (chữ Phật theo lối viết của Nhật, không giống chữ Phật viết theo chữ Hán) và ngay cả Việt Nam mình sau nầy cũng có một số người chủ trương là nên đọc “Nam Mô A Mi Đà Phật”. Như vậy cũng không ổn, vì lẽ tiếng Trung Hoa không có âm vận d và đ; nên họ đọc Di là Mi và Đà là Là. Nếu ai đó chủ trương sửa đổi, sao không đổi thành “Nam Mô A Mi Là Phật” cho đúng giọng của người Trung Quốc?

Thật ra những điều đã được nêu lên ở trên chỉ là những điều kiến giải riêng biệt của tôi mà thôi và mong rằng: Nếu bài điểm sách nầy có được lợi lạc nào đó cho cả Tác Giả lẫn  Học Giả và Hành Giả trong môi trường mà mọi việc đều được phổ biến rộng rãi trên hoàn cầu như ngày hôm nay, thì quả là một điều quá tuyệt vời đối với người viết bài điểm sách nầy vậy.

 

Viết xong vào một sáng mùa Thu tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức ngày 11 tháng 10 năm 2017

 


Phật Tử Thanh Phi, Úc Châu sửa lại lỗi chính tả.

 

 

 

 

 

 










Ý kiến bạn đọc
25/05/201801:26
Khách
Xin kinh mong được giải đáp câu hỏi:
1/Trong Nam truyền Phật giáo có Chú Đại Bi hay không?
2/ Nếu có thi xin anh chị cho biết bản kinh nào của Nam truyền có bài chú đó?
01/02/201819:11
Khách
Trong Kinh Phạm Động số 21 thuộc Trường A Hàm quyển 14 Phật dạy: “như các Sa môn Bà-la-môn tuy ăn của tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như kêu gọi quỷ thần, hoặc lại đuổi đi, các thứ ếm đảo, vô số phương đạo, làm người khiếp sợ; có thể tụ, có thể tán; có thể làm cho khổ, có thể làm cho vui; có thể an thai, trục thai; hoặc phù chú người ta hóa làm lừa, ngựa; có thể khiến người điếc, đui, câm, ngọng; hiện các kỹ thuật; hoặc chắp tay hướng về mặt trời, mặt trăng; hành các khổ hạnh để cầu lợi dưỡng…hoặc vì người mà chú đảo bệnh tật, đọc ác thuật, tụng thiện chú; làm thuốc thang, châm chích, trị liệu bệnh tật, hoặc chú nước lửa, hoặc chú quỷ thần, hoặc chú Sát-lỵ, hoặc chú voi, hoặc chú chân tay, hoặc bùa chú an nhà cửa; hoặc giải chú lửa cháy, chuột gặm; hoặc đọc sách đoán việc sống chết; hoặc đọc sách giải mộng; hoặc xem tướng tay, tướng mặt; hoặc đọc sách thiên văn; hoặc đọc sách hết thảy âm….. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó." Kinh Đa Giới thuộc Trung A Hàm quyển 47: “…..hoặc có Sa môn Phạm chí, hoặc trì một câu chú, hai câu chú, ba câu chú, bốn câu chú, nhiều câu chú, trăm ngìn câu chú để mong cho tôi thoát khỏi khổ đau, như thế là đi tìm sự khổ, huân tập sự khổ, dẫn đến sự khổ mà cho là hết khổ, trường hợp này không thể xảy ra." Nguyên Mật chú là của Bà La môn hay Ấn độ giáo, được pha tạp vào Phật giáo từ thế kỷ thứ 5 trở về sau này. Đó chính là loại tầm gởi bám vào thân bồ đề, sái với luật nhân quả cũng như tâm hành đến giải thoát giác ngộ. Về Nhị thừa Phật giáo, thì đức Phật căn cứ vào thân vật lý và tâm tâm lý để chỉ cho chúng sanh về lý tính duyên sinh vô ngã, nhằm chuyển hóa và trau dồi thân tâm từ ác sang thiện, từ xấu sang tốt, từ khổ đau sang an vui theo từng nhân duyên kết hợp tương ứng (nhân nào quá ấy). Vì vậy cho nên giáo lý căn bản là "Tứ diệu đế" với phàp hành là 37 phẩm trợ đạo. Còn về an lập ý thì đức Phật chỉ dạy về "Thân hành niệm" bởi "Bốn niệm xứ" tức quán thân trên thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp (bằng trực thức vô trạch của năm thức trước), mà đừng cho ý vẽ với. Bởi ý vẽ nên "Biến kế sở chấp" tạo ra hai hành tướng tâm lý là lấy hay bỏ (tham, ưu). Vì vậy, Phật lập đi lập lại là "Để chế ngự tham ưu ở đời". Còn pháp hành để giải thoát giác ngộ, thì đức Phật đã chỉ rõ trong hệ kinh Nikaya, cũng như kinh phát triển, tức vượt thoát năm thụ uẩn (ấm); vượt lên trên "diệt thọ tưởng định" chứ không ở nơi "tứ thiền". Từ bài kinh "Nhất dạ hiền giả" với nghệ thuật vượt thoát 5 uẩn của quá khứ (đừng tìm về quá khứ), 5 uẩn của tương lai, và 5 uẩn trong hiện tại. Giáo nghĩa Bát nhã là ở đây, để giai đoạn sau hình thành hệ thống kinh bát nhã gồm 600 cuốn. Hành giả chỉ có một cái tâm mà thôi, cho nên tâm phóng thể về 3 thời gian đều là vọng. Tâm vọng phát sinh 3 hạt giống là: "Thiện, ác, hoặc nắm giữ vô ký". Về mặt vô ký khi tâm duyên theo một quán ngữ nằm ngoài thiện ác; như đem ý chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà chẳng hạn, hoặc trì một bài mật chú (lấy đá đè cỏ). Pháp hành này chỉ gạt bỏ đa niệm thiện ác, tốt xấu của ý mà thôi, nhưng chính nó huân hạt giống vô ký vào dòng tâm thức nên không thể nào đưa đến giải thoát được, chưa nói là dẫn đến ngậm cục xương khô (bất niệm tự niệm của mạt na) khi ý thức bị đè liên tục dẫn đến mất hiệu năng tư duy thiện ác. Vậy thì hành giả làm sao vượt thoát tình thức, hay vượt thoát tri kiến chúng sanh? Đức Phật dạy: "Tuệ quán chính ở đây: không động không rung chuyển" (nghi tình), tức "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không" (Kinh Bát nhã), hay "Viễn ly ư tâm thức" (K.kinh Lăng già), hay "Bất tùy phân biệt" (kinh Lăng nghiêm), hay "Xả tiền, xả hậu, xả gian việt hữu. Nhất thiết tận xả, bất thõ sinh từ" (pháp cú). Ngày xưa, muốn thu phục quần chúng, nên các Ngài phương tiện đưa tầm gởi của ngoại đạo bám vào cây bồ đề, làm cho con cháu ngày nay quên mất bồ đề mà lại dùng của ngoại đạo bằng công phu khuya (tụng đọc) với 5 đệ chú Lăng nghiêm và 11 bài chú khác (kể cả yết đế). Muốn giải thoát giác ngộ là phải lìa 4 cú "có, không, cũng có cũng không, không có không không", thì mới vượt thoát dòng samsara trong vô lượng kiếp đến nay được.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/09/2018(Xem: 4709)
Kyabje Lama Zopa Rinpoche Tu Viện Kopan, Nepal Kyabje Lama Zopa Rinpoche giải thích cách phát khởi thực chứng về các giai đoạn của đường tu giác ngộ trong Khóa Tu Kopan Thứ Mười Hai, được tổ chức ở Tu Viện Kopan, Nepal, năm 1979. Bài này là trích đoạn trong Bài Thuyết Pháp thứ 9 trong khóa tu. Sandra Smith hiệu đính sơ.
03/09/2018(Xem: 7412)
Lama Zopa Rinpoche đã sáng tác một pháp tu Kim Cang Tát Đỏa ngắn, được ấn tốngtheo khổ sách bỏ túi. Nhờ vậy, bất cứkhi nào phạm giới, hay tạo ra bất kỳ nghiệp xấu ác nào khác thì ta có thểtịnh hóa điều tiêu cựcấy bằng bốn lực đối trị, không hề chậm trễ một phút giây.
15/03/2018(Xem: 14481)
Nhẫn nại là 10 pháp hành Ba la mật cho các vị Bồ Tát có ý nguyện trở thành Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác hoặc Phật Thinh Văn Giác. Những pháp hành đó là : 1- Bố thí 2- Trì giới 3- Xuất gia 4- Trí tuệ 5- Tinh tấn 6- NHẪN NẠI 7- Chân thật 8- Quyết tâm 9- Từ bi 10- Tâm xả
20/02/2018(Xem: 3826)
Đây là pho tượng đồng Tổ Sư Tống Khách Ba do Luật Sư Nguyễn Tân Hải (pháp danh: Thiện Vân) cúng dường Tu Viện Quảng Đức vào chiều ngày 19-02-2018 trong dịp Thượng Tọa Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng ghé nhà thăm Luật Sư vừa về nhà sau thời gian điều trị tại bệnh viện. Luật Sư Tân Hải là đệ tử của Hòa Thượng Chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, anh có duyên tiếp cận và nghiên cứu về Phật Giáo Tây Tạng, Nhật Bản… do vậy mà anh sở hữu nhiều tài liệu và pháp khí quý hiếm, mà một trong số đó là pho tượng này (xem văn bản đính kèm). Thành tâm niệm ơn và tán thán công đức bảo vệ và hộ trì Chánh pháp của anh chị Luật Sư Tân Hải – Bích Thi. Nam Mô A Di Đà Phật
20/08/2016(Xem: 11159)
Ai là người trí phải nên khéo điều phục cái tâm của mình phải luôn quán sát Tánh Không (sumyata) và Diệu Hữu (Amogha) của bản tâm và vạn pháp. Không ai có thể cứu chúng ta khỏi cảnh giới khổ đau, phiền não, nếu chính bản thân chúng ta cứ mãi bo bo ôm ấp, nâng niu chìu chuộng cái vỏ Ngã Pháp được tô điểm bởi Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Tà Kiến, và Đố kỵ.
28/04/2016(Xem: 16154)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
27/09/2015(Xem: 6205)
Phía trước, ở giữa biển mây phẩm vật cúng dường Đức Phổ Hiền, Nơi an trú của chư vị lama, Yidam, Tam Bảo và Hộ Pháp Cùng các đấng hiền thánh đã thành tựu chân lý; Xin hoan hỷ nhận mây cúng dường các phẩm vật này, và ban cho con chân lý tối thượng.
27/08/2015(Xem: 4182)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác: sự suy nghĩ truyền thống của Trung Hoa, và v.v… Có thể có sự hiểu biết sai lầm sinh khởi phổ quát hơn, qua những cảm xúc phiền não của mọi người. Có thể có sự hiểu biết sai lạc sinh khởi chỉ từ sự kiện rằng tài liệu thì khó để hiểu. Sự hiểu biết sai lạc có thể sinh khởi do bởi những vị thầy không giải thích mọi thứ một cách rõ ràng hay để những thứ hoàn toàn không được giải thích gì cả, vì thế chúng ta phóng chiếu vào chúng những gì chúng ta nghĩ chúng là như vậy. Cũng có thể là tự các vị thầy thấu hiểu sai lạc giáo huấn. Điều ấy đôi khi xảy ra. Bởi vì không phải tất cả những vị thầy đều
20/07/2015(Xem: 19897)
Là Đà La Ni ( thần chú ) mậu nhiệm linh diệu do Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Diễn nói trong Bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm . Hơn 60 năm về trước chư tôn túc Trưởng Lão ở Thừa Thiên đã kính Tín lời dạy của Phật và cũng vì đem sự an lành cho hàng đệ tử Phật, nên các ngài đã in trọn đủ 5 đệ chú Lăng Nghiêm thu nhỏ để cho Phật tử đeo trên thân thể mình, việc phổ lợi nầy bao năm qua đã đem lại diệu lực an lạc cho những ai tin và kính thọ.
06/07/2015(Xem: 18536)
Nếu bản Việt ngữ của pho sách “Đạo Ca Milarepa” đến được tay bạn đọc thì phải nói đây chính là đến từ tình yêu thương và sự gia trì vĩ đại của đức Milarepa cùng chư Thầy Tổ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567