Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III: Phật Khai Thị Về Mật Giáo

23/11/201217:05(Xem: 12248)
Chương III: Phật Khai Thị Về Mật Giáo

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG III: PHẬT KHAI THỊ VỀ MẬT GIÁO

 

I. KHAI THỊ ĐẠO TRÀNG TU CHỨNG

Kinh: “Anan! Ông hỏi về nhiếp tâm, Ta nay đã nói: “Để vào Tam Ma Địa tu học pháp môn nhiệm mầu, cầu Đạo Bồ Đề, trước hết phải giữ bốn thứ Luật Nghi này trong trắng như sương tuyết, tự không còn sanh mảy mún cành lá. Ba cái của Tâm, bốn cái của Miệng không có nhân để sanh ra.

“Anan, nếu chẳng sai mất bốn Luật Nghi đó thì tâm còn chẳng duyên theo Sắc, Hương, Vị, Xúc, cả thảy ma sự làm sao phát sanh? Nếu có tập khí cũ không thể diệt trừ, ông dạy người đó nhất tâm trì tụng Thần Chú Vô Thượng Phật Đảnh Quang Minh “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra” của Ta. Đây là Tâm Chú Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng, Phật Tâm Vô Vi, từ đảnh phát huy, ngồi đài sen báu mà tuyên thuyết ra.

“Như ông đời trước cùng Cô Ma Đăng Già nhân duyên nhiều kiếp, tập khí ân ái chẳng phải một đời hay một kiếp, song Ta một phen tuyên dương Thần Chú thì vĩnh viễn thoát khỏi lòng yêu, thành A La Hán. Nàng kia là dâm nữ, không tâm tu hành, chỉ nhờ thần lực của Chú ngầm giúp mà thành liền quả Vô Học, huống gì các ông, những hàng Thanh Văn trong hội, cầu Tối Thượng Thừa, quyết định thành Phật, ví như tung bụi vào gió thuận, nào khó khăn gì.

“Nếu ở đời mạt thế, có người muốn ngồi đạo tràng tu hành, trước hãy giữ Cấm Giới Tỳ Khưu trong sạch. Cần phải chọn lựa vị Sa Môn Giới Hạnh trong sạch bậc nhất làm thầy. Nếu chẳng gặp được vị tăng chân thật thanh tịnh thì Giới Luật Nghi của người tu tất không thành tựu.

“Sau khi Giới được thành tựu, mặc áo mới, sạch, đốt hương, ở chỗ vắng mà trì tụng Thần Chú nói ra từ Tâm Phật này, một trăm lẻ tám biến. Sau đó kiết giới, dựng lập đạo tràng, cầu xin Chư Vô Thượng Như Lai mười phương hiện trụ các quốc độ phóng quang Đại Bi đến rọi đỉnh đầu.

“Anan, những hàng Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni hay hàng cư sĩ, thí chủ trong sạch như thế, vào đời mạt thế, tâm dứt tham dâm, giữ tịnh giới Phật, ở trong đạo tràng, phát nguyện Bồ Đề, ra vào tắm rửa, sáu thời hành đạo, không lo ngủ nghỉ, như thế trải qua ba lần bảy ngày, Ta tự hiện thân đến trước người ấy, xoa đỉnh an ủi, khiến nên Giác Ngộ”.

Thông rằng: Hiện nghiệp dễ chế phục, vì tự mình có thể làm trái ngược với nó. Nghiệp xưa khó trừ dứt, phải mượn thần lực nên nói Thần Chú có thể phá trừ tập khí đời trước. Tập khí như bụi thì tan rã dễ dàng. Ấy là do thần lực thầm trợ giúp, chẳng thể nghĩ bàn vậy.

Lấy cái Phật Huệ chẳng thể nghĩ bàn để tiêu tan cái Vô Minh chẳng thể nghĩ bàn, như thế cầu Tối Thượng Thừa quyết định phải thành tựu. Chú này hầu như siêu xuất Giới Định Huệ mà làm một nhánh riêng, nhưng nếu Giới Định Huệ chẳng tinh nghiêm thì không thể được linh ứng. Do đó, kinh nói “Nếu chẳng gặp được vị tăng chân thật thanh tịnh thì Giới Luật Nghi của người tu tất không thành tựu”. Lại nói “Không lo ngủ nghỉ, như thế trải qua hai mươi mốt ngày, Ta tự hiện thân, khiến nên khai ngộ”. Đó gọi là “Suy xét đi, suy xét đi, suy xét nữa đi! Suy xét đến chỗ chẳng được thì Quỷ Thần cùng thông vậy”. Phật vốn là Không, tâm tịnh mà có. Nước trong trăng hiện, lý ấy hẳn nhiên. Định Huệ cùng cực, thì tiếp thông với khí phần Chư Phật, há chẳng hiện hình an ủi hay sao? Nếu thấy tướng ấy, chỉ quán Không Tịch: nếu là Phật thì rõ ràng tự tại; nếu là ma thì diệt mất. Người tu tập thiền định phải biết điều này.

Thiền sư Vĩnh Minh Thọ tu Sám Hối Pháp Hoa ở chùa Quốc Thanh, ban đêm thấy một vị thần cầm kích đi vào, Ngài quở rằng: “Sao được tự ý vào đây?”

Đáp rằng: “Chứa nghiệp lành đã lâu, mới vào được trong này”.

Nửa đêm, Ngài đi quanh thánh tượng, thấy Đức Phổ Hiền ở trước, tay cầm hoa sen.

Ngài lại ở đỉnh Kim Hoa Đại Trụ, tụng kinh ba năm, trong lúc thiền quán thấy Đức Quan Âm rót nuớc cam lồ vào miệng, bèn được biện tài. Từ đó viết bộ Tông Cảnh Lục và Vạn Thiện Đồng Quy lưu hành ở đời.

Thiền sư Minh Giáo Tung ban đêm đầu đội tượng Quan Âm mà niệm danh hiệu, đầy đủ mười vạn lần mới nghỉ. Ngài cũng thấy Đức Quan Âm rưới nước cam lồ cho. Từ đó, bao nhiêu kinh sách thế gian chẳng học mà hiểu. Ngài có viết Thiền Môn Định Tổ Đồ, Truyền Pháp Chánh Tông Ký và Nguyên Giáo Luận. Vua Tống Nhân Tông than khen, chiếu lệnh chép vào Đại Tạng Kinh.

Đây là những chứng nghiệm rõ ràng của việc “Xoa đầu an ủi, khiến nên khai ngộ” vậy.

II. KHAI THỊ ĐẠO TRÀNG TU CHỨNG

Kinh: Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, tôi nhớ lời dạy bảo Từ Bi Vô Thượng của Như Lai, tâm tự khai ngộ, tự biết tu chứng, thành Đạo Vô Học. Còn người tu hành đời mạt pháp muốn lập đạo tràng, thế nào mà kiết giới cho hợp với pháp tắc trong sạch của Chư Phật Thế Tôn?”

Phật dạy Ông Anan: “Người đời mạt pháp, nguyện lập đạo tràng, trước hết kiếm con trâu trắng sức mạnh ở núi Tuyết Sơn, sống bằng cỏ thơm non mướt, loài trâu trắng này chỉ uống nước trong của núi Tuyết Sơn, phân rất nhuyễn mịn. Nên lấy phân đó hòa trộn với bột hương Chiên Đàn để tráng nền đất. Nếu không phải là loài trâu trắng ở Tuyết Sơn thì phân hôi bẩn, không thể tráng nền. Riêng ở đồng bằng, có thể đào bỏ lớp đất trên mặt, lấy đất sét vàng từ năm thước trở xuống rồi hòa trộn với hương Chiên Đàn, trầm thủy, tô hợp, huân lục, uất kim, bạch giao, thanh mộc, linh lăng, can tùng và kê thiệt. Mười thứ ấy rây nghiền thành bột, trộn với đất sét để làm nền đàn tràng, mỗi bề một trượng sáu, thành cái đàn bát giác.

“Trung tâm đàn đặt một cái bát, trong bát đựng nước sương móc tháng Tám. Trong nước tùy ý để các hoa lá hiện có. Lấy tám cái gương tròn, mỗi cái để theo mỗi hướng, chung quanh cái bát hoa. Bên ngoài gương, dựng lập mười sáu hoa sen, mười sáu lư hương, giữa chúng bày hoa. Các lư hương đều trang nghiêm, đốt thuần bằng trầm thủy, không cho thấy lửa.

“Lấy sữa trâu trắng để trong mười sáu đồ chứa. Lấy sữa làm bánh với đường cát, bánh rán, váng sữa, tô hợp, mật gừng, thuần kem, thuần mật, mỗi thứ mười sáu cái đặt quanh ngoài hoa sen để cùng dâng Chư Phật và các Đại Bồ Tát. Mỗi giờ ăn cơm và lúc nửa đêm dùng nửa thăng mật hòa với thăng rưỡi váng sữa (bơ).

“Trước đàn để riêng một lò lửa nhỏ, lấy hương Đâu Lâu Bà [Trầm thủy loại thô, màu đỏ] nấu lấy nước thơm mà rửa than, đốt cho cháy hừng, rót mật bỏ vào, đốt cho hết khói, cúng dường Phật và Bồ Tát.

“Ở bốn phía ngoài, treo khắp phan, hoa; ở trong nhà đàn, bốn vách chưng bày các hình tượng của mười phương Như Lai và các vị Bồ Tát. Chính giữa để tượng Phật Lô Xá Na, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật A Súc, Phật A Di Đà; hai bên đặt tượng Đức Quan Âm Đại Biến Hóa và Kim Cang Tạng Bồ Tát. Hai bên cửa để hình tượng Đế Thích, Phạm Vương, Ô Sô Sắt Ma, Lam Địa Ca, Quân Trà Lợi, Tỳ Câu Chi, bốn vị Thiên Vương, Tần Na Dạ Ca...

“Lại dùng tám cái gương treo úp giữa hư không, đối chiếu với tám gương trước trong đàn tràng, khiến cho hình ảnh lồng nhập vào nhau nhiều lớp.

“Trong bảy ngày đầu, chí thành đảnh lễ danh hiệu mười phương Như Lai, Chư Đại Bồ Tát, Chư A La Hán. Thường trong sáu thời đi quanh đàn tụng Chú, hết lòng hành Đạo, mỗi thời trì một trăm lẻ tám biến.

“Trong bảy ngày thứ hai, một mặt chuyên tâm phát nguyện Bồ Tát, tâm không gián đoạn. Trong Luật Tạng của Ta đã có chỉ dạy về nguyện.

“Trong bảy ngày thứ ba, trong cả mười hai thời, một bề trì Chú Bát Đát Ra của Phật. Cho đến ngày thứ bảy, mười phương Như Lai nhất thời xuất hiện chỗ ánh sáng của gương giao nhau, được Phật xoa đảnh; bèn ở nơi đạo tràng tu Tam Ma Địa, có thể khiến cho hạng tu học đời mạt thế thân tâm sáng sạch như ngọc lưu ly.

“Anan, nếu vị Giới Sư mà vị Tỳ Kheo thọ giới hay một trong mười vị Giới Sư chứng minh không được thanh tịnh thì những đạo tràng đó phần nhiều chẳng được thành tựu.

“Sau hai mươi mốt ngày, ngồi nghiêm chỉnh an cư. Trải qua một trăm ngày, những người có lợi căn không rời khỏi chỗ ngồi mà đắc quả Tu Đà Hoàn. Dầu cho thân tâm thánh quả chưa thành, vẫn quyết định tự biết thành Phật không sai lầm.

“Ông hỏi về Đạo Tràng, kiến lập như thế”.

Thông rằng: Kiến lập Đạo Tràng cốt ở tinh khiết, ngoài thì trọn vẹn nghi thức, trong thì hết sức thành. Được vậy thì trong ngoài là một, tâm cảnh không hai. Các nhà giải thích mỗi mỗi miễn cưỡng so sánh, hoặc Tín hoặc Trí, hoặc Đức hoặc Hạnh. Nếu như vậy thì chỉ giữ Đạo Tràng tịch diệt là đủ rồi, cần gì kiến lập Đạo Tràng ư?

Duy mười thứ hương, mỗi thứ đều có nghĩa. Bạch Giao Hương hay trừ ác khí, trị ghẻ ban nên tương tự với Giới Hương trừ những bất thiện của Thân. Thanh Mộc Hương hay đánh thức ma ngủ nên tương tự với Tinh Tấn Hương xa lìa ngủ nghỉ. Huân Lục hay dứt đau nên tương tự với Định Hương hay trì giữ. Tô Hợp sát quỷ, trừ tà nên tương tự với Nhẫn Hương chế ngự ma quỷ. Linh Lăng hay giữ mắt sáng nên tương tự với Huệ Hương làm sáng suốt. Chiên Đàn hay thơm xa nên tương tự với Bố Thí Hương. Cam Tùng hay hòa hợp các hương nên tương tự với Giải Thoát Hương hay hòa hợp các công đức. Uất Kim hay trừ độc, đuổi tà nên tương tự với Pháp Hương diệt ám, phá chấp. Kê Thiệt hay khiến thân thể người ta thơm nên tương tự với Giải Thoát Tri Kiến Hương hay dùng tất cả phương tiện vào khắp các cảnh giới. Trầm Thủy thì như Bồ Đề Hương cùng tột vực thẳm của pháp vậy.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Khi Phật tử thoa hương thì nguyện cho mười thứ hương Ba La Mật xông khắp”, là gốc ở chỗ này vậy. Chư Phật, Bồ Tát chưa hẳn đã hưởng sự cúng dường này, mà muốn khiến cho người tu hành phước huệ đều đầy đủ. Như Phật nhận sự cúng dường sau cùng của Ông Thuần Đà. Phật thọ thực vào giữa trưa nên lấy nửa đêm so định giữa trưa. Hoặc gọi nửa đêm khoảng giữa giờ Hợi và giờ Tý, lúc ấy Dương mới động, chẳng lìa Bổn Tánh, cũng như Tam Ma Địa, hai bên không chỗ bám níu, đó là Trung Đạo, do đó nên cúng Phật.

Đến ngày thứ hai mươi mốt, ở chỗ ánh sáng của gương giao nhau, được Phật xoa đảnh, tức là cảnh giới Lý Sự vô ngại vậy. Người tu hành đến địa vị Quán Đảnh thì Phật dùng hào quang nhiếp thọ. Biên giới của Giác giao nhập, ánh sáng chiếu soi nhau, nên lấy thí dụ “Chỗ ánh sáng của gương giao nhau” rất là xác đáng. Cho nên người đắc quả, bên trong sự chói sáng phát ra, thân tâm sáng sạch như ngọc lưu ly, Tánh Trí sáng khắp suốt thông với Phật Huệ. Đây là bằng cớ rất hiệu nghiệm của sức Thần Chú vậy.

Dầu chưa đắc quả vẫn quyết định tự biết thành Phật không sai lầm vì rằng ngồi nghiêm chỉnh an cư, tiêu trừ trần cấu cũng thoáng thấy được cái Tâm Thể tròn đầy sáng suốt, cùng Phật không hai. Chỉ vì tập khí đời trước buộc ràng, nên chưa dễ thấu thoát, nhưng trải qua tháng, năm chưa có ai là chẳng thành.

Luật Sư Linh Chi tạo lại Giới Đàn Ngũ Đài ở Minh Châu. Khi đàn thành rồi, có một ông lão thần khí siêu phàm, mày râu trắng phau, tiến đến thưa rằng: “Đệ tử có ba hạt minh châu xin dâng để mừng Giới Đàn thành tựu”. Nói xong biến mất. Ngài cho để minh châu ở chính giữa đàn thì hạt châu càng sáng. Sau đó, vị Đàn Chủ mời mười vị sư để mở Giới Pháp. Sau ba ngày, vào lúc nửa đêm, có một nhà sư đăng đàn bỗng thấy hào quang hạt châu tỏ suốt ra ngoài, bên trong hiện hình Thiện Tài Đồng Tử. Nhà sư kinh ngạc hô hoán, mọi người dậy thấy vậy đều vây quanh làm lễ. Mỗi đêm tăng chúng càng thành khẩn lễ bái. Nơi hạt châu khi thì hiện Phật sắc vàng, hoặc Quan Âm sáu tay, hoặc trúc tía, hoặc liễu xanh, hoặc cây, đá lạ kỳ, hoặc chim Ca Lăng Tần Già bay múa trái, phải, hoặc nguyệt cái, hoặc Long Thần dâng châu... thần biến nhiều thứ. Ai thấy nghe cũng bảo hy hữu.

Tuy thế, cùng tột trong sạch, tâm như tâm Phật thì phóng quang hiện điềm lành cũng là việc bình thường vậy.

III. TUYÊN THUYẾT THẦN CHÚ

Kinh : Ông Anan đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Từ khi xuất gia, tôi ỷ lại sự thương yêu của Phật, vì cầu sự đa văn nên chưa chứng vô vi. Gặp sự trói buộc của tà thuật Phạm Thiên, tâm tuy sáng suốt mà sức chẳng tự do. Nhờ gặp Ngài Văn Thù khiến tôi được giải thoát. Tuy nhờ Phật Đảnh Thần Chú Như Lai âm thầm giúp sức, nhưng chính mình chưa được nghe. Mong Bậc Đại Từ tuyên thuyết trở lại, thương xót cứu giúp cho những người tu hành trong hội này cho đến những người còn trong luân hồi ở đời sau nhờ mật âm Phật mà thân ý giải thoát”.

Khi ấy, hết thảy đại chúng trong hội đều làm lễ, chờ nghe chương cú bí mật của Như Lai.

Bấy giờ, Thế Tôn từ đảnh phóng ra hào quang trăm báu, trong hào quang phóng ra hoa sen báu ngàn cánh, có Hóa Thân Như Lai ngồi trong hoa sen, đảnh phóng mười đạo hào quang trăm báu, mỗi mỗi hào quang đều thị hiện khắp mười hằng hà sa Kim Cang Mật Tích đỡ núi, cầm chữ khắp cõi hư không. Đại chúng ngước trông, sợ mừng hòa lẫn, xin Phật thương che, nhất tâm lắng nghe Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng phóng quang Phật tuyên thuyết Thần Chú.

Thông rằng: Vì sao Thần Chú có thể khiến Ông Anan tức thời giải thoát? Bởi vì Vô Kiến Đảnh Tướng phóng quang Như Lai tức là thị hiện của Diệu Trạm Tổng Trì Thủ Lăng Nghiêm Vương vậy. Cái ấy đã hằng giữ được tánh trong lặng nên hóa giải cái phân chia Tánh trong lặng, đã kiên cố nên phá tan cái chẳng kiên cố. Như lửa làm tiêu băng tự có cái lý thầm lặng mà thắng đoạt vậy. Sau là Kim Cang Bồ Tát, tâm tinh thuần thì lặng lẽ nhanh chóng phát mở thần thức kẻ kia, người ấy bấy giờ tâm có thể ghi nhớ, đắc túc mạng thông. Huống gì thần lực Như Lai toàn khắp hằng sa thế giới, đâu đâu cũng quang minh, đâu đâu đều giải thoát. Các thứ tà thuật cũng như bụi tuyết rớt vào lò lửa hồng, lập tức tiêu tan.

Ông Cung Phụng Hạo Nguyệt hỏi Tổ Trường Sa Sầm: “Như sao là Đà La Ni?”

Tổ Sa chỉ phía bên mặt thiền sàng, nói: “Cái ấy sư tăng tụng được đấy”.

Hỏi rằng: “Lại còn ai khác tụng được chăng?”

Tổ Sa lại chỉ phía bên trái thiền sàng, nói: “Cái ấy sư tăng cũng tụng được đấy”.

Hỏi rằng: “Vì sao tôi chẳng có nghe?”

Tổ Sa nói: “Đại Đức há chẳng nghe nói, “Chân tụng không vang, chân thính [Nghe thật] không nghe”, ư?

Hỏi rằng: “Như thế thì âm thanh chẳng nhập pháp giới tánh vậy?”

Tổ Sa nói: “Lìa Sắc cầu thấy, chẳng phải Chánh Kiến. Lìa Thanh cầu nghe, đó là nghe tà”.

Hỏi rằng: “Như sao là “Chẳng lìa Sắc là Chánh Kiến; chẳng lìa Tiếng là Thật Nghe”?”

Tổ Sa khai thị bằng bài kệ:

“Đầy mắt vốn chẳng phải sắc

Tràn tai vốn chẳng phải thanh

Văn Thù thường chạm mắt

Quan Âm bịt Nhĩ Căn

Hiểu ba (Thân) nguyên một thể

Đạt bốn (Trí) vốn đồng Chân

Rõ ràng Pháp Giới Tánh

Không Phật cũng không nhân [Người]”.

Thế biết, chỗ Tổ Trường Sa nói là Pháp Giới Tánh bèn tùy chỗ mà tuyên tụng Chú Đà La Ni. Cái ấy thật không Phật cũng không người thì chốn nào có được ma sự ư?

IV. KHAI THỊ ĐÂY LÀ TÂM CHÚ CỦA MƯỜI PHƯƠNG NHƯ LAI

Kinh: “Anan, đây là Phật Đảnh Quang Tụ Tất Đát Đa Bát Đát Ra (SITATAPATRA), bí mật Già Đà, vi diệu chương cú, xuất sanh tất cả mười phương Chư Phật. Mười phương Như Lai nhân Chú Tâm này đắc thành Vô thượng Chánh Biến Tri Giác. Mười phương Như Lai nắm Chú Tâm này hàng phục các ma, chế dẹp ngoại đạo. Mười phương Như Lai cỡi Chú Tâm này ngồi hoa sen báu mà ứng hiện vi trần quốc độ. Mười phương Như Lai ngậm Chú Tâm này chuyển Đại Pháp Luân trong vi trần quốc độ. Mười phương Như Lai trì Chú Tâm này, ở khắp mười phương xoa đảnh thọ ký, tự quả của mình chưa thành, cũng ở nơi mười phương nhờ Phật thọ ký. Mười phương Như Lai y Chú Tâm này, thường khắp mười phương nhổ cứu các khổ như là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đui điếc, câm ngọng, oán ghét ở chung khổ, thương phải xa cách khổ, cầu chẳng được khổ, khổ vì năm ấm lẫy lừng, trái ngang lớn nhỏ đồng thời giải thoát. Nạn cướp, nạn binh, nạn vua, nạn ngục, nạn nước, gió, lửa, đói khát bần cùng ứng niệm tiêu tan. Mười phương Như Lai tùy Chú Tâm này ở khắp mười phương phụng sự thiện tri thức, trong bốn oai nghi, cúng dường như ý, trong pháp hội hằng sa Như Lai được suy tôn là Đại Pháp Vương Tử. Mười phương Như Lai được Chú Tâm này ở khắp mười phương nhiếp thọ thân nhân, khiến cho hàng Tiểu Thừa nghe tạng bí mật chẳng sanh kinh sợ. Mười phương Như Lai tụng Chú Tâm này thành Vô Thượng Giác, ngồi cội Bồ Đề, nhập Đại Niết Bàn. Mười phương Như Lai truyền Tâm Chú này, sau khi diệt độ, phó chúc Phật pháp sự, trụ trì rốt ráo, nghiêm tịnh Giới Luật, tất hẳn đắc thanh tịnh.

“Nếu Ta nói về Chú Phật Đảnh Quang Tụ Bát Đát Ra này thì dù âm thanh liên tục, câu chữ không lập lại, từ sáng đến tối, trải qua hằng sa kiếp cũng không thể cùng tận. Chú này cũng gọi tên là Như Lai Đảnh. Hàng Hữu Học các ông chưa hết luân hồi, phát tâm chí thành cầu quả A La Hán mà không trì Chú này thì không thể nào ngồi đạo tràng khiến cho thân tâm xa lìa các ma sự được.

Thông rằng : Thần Chú Phật Đảnh không thể nghĩ bàn, tuy nói là trì các danh hiệu nhưng cũng như mật lệnh trong quân đội, âm thầm phù hợp tương ứng, và cũng như lấy nước biển lớn để diệt lửa đóm. Hết thảy ma sự do tâm tạo ra, nay lấy cảnh giới không thể nghĩ bàn của Chư Phật mà tẩy rửa đi thì cũng như dùng Tâm Vương dẹp trừ Tâm Tặc, hẳn lập tức diệt ngay.

Tối Thượng Thừa, mật tu, mật chứng, chẳng mượn lời nói, tức đây là thật tế, nên bảo rằng xuất sanh hết thảy mười phương Chư Phật. Một là thành Chánh Biến Tri. Hai là chế phục tà ma, ngoại đạo. Ba là ứng hiện trong vi trần quốc độ. Bốn là chuyển Đại Pháp Luân. Năm là nhờ Phật thọ ký. Sáu là nhổ cứu các khổ. Bảy là làm Pháp Vương Tử. Tám là nhiếp thọ thân nhân. Chín là nhập Đại Niết Bàn. Mười là phó chúc Phật-Pháp sự. Tất cả đều dùng Tâm Chú này mà thành tựu. Nếu chẳng phải là Một Đường Tối Thượng thì có gì đáng hơn nữa? Cái ý của tên kinh, rốt cuộc chẳng ra ngoài chỗ đó.

Thành Chánh Biến Tri tức là thể nhập Biển-Khắp-Biết vậy. Hàng phục tà ma, ngoại đạo tức là tà chú tiêu tan vậy. Ứng hiện trong vi trần quốc độ tức là Diệu Liên Hoa Vương vậy. Chuyển Đại Pháp Luân tức là Vô Thượng Bảo Ấn vậy. Xoa đỉnh thọ ký tức là Quán Đảnh Chương Cú vậy. Nhổ cứu các khổ tức là cứu thoát Ông Anan cùng Tánh Tỳ Khưu Ni vậy. Đại Pháp Vương Tử tức là Vạn Hạnh của Chư Bồ Tát vậy. Nhiếp thọ thân nhân tức là cứu hộ thân nhân vậy. Nhập Đại Niết Bàn tức là Định Thủ Lăng Nghiêm vậy. Phó chúc Phật Pháp Sự tức là Tu Chứng Liễu Nghĩa vậy.

Tâm Chú này bao hàm nhiều nghĩa như thế. Mười phương Như Lai đều do đây mà xuất sanh, nên là Chú Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni. Chưa thấu rõ điều này thì các kiến chấp nổi lên như ong vỡ tổ mà thành tà ma, ngoại đạo, tạo nghiệp không thôi mà chịu các khổ. Đây là chỗ giống nhau của vi trần quốc độ. Thấu rõ điều này tức là Pháp Vương Tử, nhờ Phật thọ ký, phó chúc việc Phật pháp, chuyển Đại Pháp Luân, không chỉ tự độ mà còn độ người, thế tức là trước sau thành Phật vậy. Người trì Chú này kỳ hạn là ở chỗ thấy Tánh thành Phật thì loại chương cú bí mật tầm thường há có thể sánh ư?

Tổ Bách Trượng nói: “Nếu mà nay ở nơi tất cả các pháp hữu vô có tơ hào tâm ái nhiễm thì dù cho chân đang đạp lên hoa sen cũng đồng là ma làm. Nếu chấp vốn thanh tịnh, vốn giải thoát, tự là Phật, tự là người hiểu thiền tức là thuộc về ngoại đạo tự nhiên. Nếu chấp do Nhân Duyên mà chứng đắc tu thành thì thuộc về ngoại đạo nhân duyên. Chấp Có thì thuộc Thường Kiến đạo. Chấp Không thì thuộc Đoạn Kiến đạo. Chấp Cũng Có, Cũng Không thì thuộc Biên Kiến đạo. Chấp Chẳng phải Có, Chẳng phải Không thì thuộc Không Kiến ngoại đạo cũng gọi là ngu si ngoại đạo”.

Như nay chẳng khởi ra cái Phật Kiến, Niết Bàn Kiến... Tuyệt không có tất cả Kiến Hữu Vô và cũng không có cái Vô Kiến, thì gọi là Chánh Kiến. Không có hết thảy các cái Nghe mà cũng không có cái Không nghe, gọi là Chánh Văn. Đó là chế phục ngoại đạo. Không có ma phàm phu đến là Đại Thần Chú. Không có ma Nhị Thừa đến là Đại Minh Chú. Không có ma Bồ Tát đến là Vô Thượng Chú. Cho đến cũng không có ma Phật đến là Vô Đẳng Đẳng Chú.

Một là biến ra chúng sanh xiểm xúc Tu La; hai là biến ra Nhị Thừa xiểm xúc Tu La; ba là biến ra Bồ Tát xiểm xúc Tu La. Đây là Tịnh Độ tam biến. Hết thảy các pháp Hữu Vô phàm Thánh ví như quặng vàng, cái Chân Như của chính mình ví như vàng. Vàng và quặng tách ra, thì vàng ròng lộ bày. Bỗng có người kiếm tiền, kiếm đồ báu liền biến vàng ra tiền mà cho. Cũng như bột gạo tinh thuần không có đất cát, có người xin bánh liền biến bột ra bánh mà cho. Lại cũng như kẻ bầy tôi có trí hiểu được ý vua, nếu vua muốn đi mà đòi Tiên Đà Bà [Có bốn nghĩa: muối, đồ dùng, nước và ngựa] thì liền dâng ngựa. Khi vua ăn mà đòi Tiên Đà Bà liền dâng muối... Các thí dụ trên để chỉ người khéo thông đạt huyền chỉ nên ứng cơ chẳng sai lầm. Cũng gọi là Lục Tuyệt Sư Tử.

Tổ Chí Công nói: “Mặc người tạo tác trăm điều, hàng Thập Địa Bồ Tát không đói, không no, vào nước không chìm, vào lửa không cháy. Dù muốn cháy cũng không thể cháy được! Người ta thì bị số lượng cai quản, qui định. Phật thì chẳng phải thế, vào lửa không cháy mà muốn cháy là cháy. Vào nước không chìm, mà muốn chìm là chìm! Vì Phật sử dụng được bốn Đại tự do vậy”.

Ôi, đến địa vị Phật, sử dụng được bốn Đại tự do thì Tánh tức là Chú, Chú tức là Tánh, có chỗ nào mà chẳng thành tựu? Thật không thể nghĩ bàn vậy, đất Trung Nguyên có được chuyện ấy, chỉ có Chú mới hàng phục tà ma. Nay Tổ Bách Trượng nói: “Không có các thứ ma đến, tức đó là Chú”, thật rất có ý vị vậy.

V. SỨC CỦA THẦN CHÚ LÀM TIÊU NGHIỆP CHƯỚNG TẠO PHƯỚC ĐỨC, SỐNG CHÂN THƯỜNG

Kinh: “Này Anan, như các thế giới, theo chỗ cõi nước có chúng sanh tùy theo sản vật nước mình có: vỏ cây hoa, lá bối, giấy trắng, lụa bạch mà viết chép Chú này, đựng trong túi hương. Người này tâm u tối chưa thể tụng nhớ thì mang trong người hoặc viết trong nhà, phải biết rằng người đó suốt đời không bị tất cả các thứ độc làm hại.

“Anan, nay Ta vì ông nói lại Chú này để cứu hộ thế gian được Đại Vô Úy và thành tựu Trí Xuất Thế Gian của chúng sanh.

“Như sau khi Ta diệt độ, chúng sanh đời mạt thế có người tự tụng hay dạy người khác tụng, phải biết những chúng sanh trì tụng như thế: lửa không thể thiêu; nước chẳng thể chìm; độc yếu, độc mạnh không thể hại được. Cho đến các Chú ác dữ của Thiên, Long, Quỷ, Thần, tinh kỳ, ma mị đều không làm gì nổi, tâm được Chánh Thọ. Tất cả bùa chú, trùng độc, thuốc độc, kim khí độc địa, cỏ cây, trùng rắn, khí độc muôn thứ vào trong miệng người ấy đều thành vị cam lồ. Hết thảy ác tinh cùng các quỷ thần lòng dữ hại người, đối với người ấy không thể khởi ra niệm ác. Tần Na, Dạ Ca, các quỷ vương ác độc cùng với quyến thuộc đều chịu ơn sâu, thường ủng hộ che chở.

“Anan, phải biết Chú này thường có tám vạn bốn ngàn na do tha hằng hà sa cu chi chủng tộc Kim Cang Tạng Bồ Tát mỗi mỗi đều có các chúng Kim Cang làm quyến thuộc, ngày đêm theo hầu. Giả sử có chúng sanh tâm còn tán loạn, chưa vào Tam Ma Địa mà lòng nhớ, miệng trì Chú này thì các Kim Cang Vương thường theo bên mình. Huống là người phát tâm Bồ Đề quyết định thì các vị Kim Cang Tạng Vương Bồ Tát ấy sẽ tinh thành âm thầm phù trợ mà phát khởi thần thức người đó, khiến cho người ấy đúng lúc nhớ lại được tám mươi bốn ngàn hằng hà sa kiếp, rõ biết khắp cả, không còn nghi hoặc. Từ kiếp thứ nhất cho đến thân sau cùng, đời đời không sanh vào các loài dược xoa, la sát, phú đơn na, ca tra phú đơn na, cưu bàn trà, tỳ xá giá... và các ngạ quỷ hữu hình hay vô hình, có tưởng hay không tưởng, và những chốn dữ như thế. Người thiện nam này, hoặc đọc hoặc tụng, hoặc viết hoặc chép, hoặc đeo hoặc cất, hoặc cúng dường nhiều cách Thần Chú này thì kiếp kiếp chẳng sanh vào chỗ không vui, bần cùng hạ tiện.

“Các chúng sanh ấy, dù tự mình chẳng làm nghiệp phước mà công đức của mười phương Như Lai hẳn thông cho người này. Do vậy mà trải qua a tăng kỳ bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp thường được cùng Chư Phật sanh ở một nơi, vô lượng công đức nhóm lại như chùm cây ác-xoa thành đồng một chỗ huân tu, vĩnh viễn không phân tán. Thế nên có thể khiến người đã phá Giới được Giới Căn thanh tịnh; người chưa đắc Giới khiến người cho đắc Giới; người chưa Tinh Tấn khiến đắc Tinh Tấn; người không Trí Huệ khiến đắc Trí Huệ; người không Thanh Tịnh chóng đắc Thanh Tịnh; người chẳng giữ Trai Giới tự thành Trai Giới. Anan, người thiện nam đó khi trì Chú này, giả sử có phạm Cấm Giới khi chưa thọ trì thì sau khi trì Chú hết thảy tội Phá Giới, không kể nặng nhẹ, nhất thời tiêu diệt. Dù đã từng uống rượu, ăn năm thứ rau cay, các thứ bất tịnh thì tất cả Chư Phật, Bồ Tát, Kim Cang, Tiên Thiên, Quỷ Thần không cho là lỗi. Giả sử mặc y phục không sạch rách nát thì mỗi cử chỉ đi đứng thảy đồng thanh tịnh. Dù không lập đàn, chẳng vào Đạo Tràng cũng không hành đạo mà trì tụng Chú này thì công đức so vào Đàn, hành đạo giống nhau không khác. Nếu tạo trọng tội Ngũ Nghịch, Vô Gián và tội Tứ Khí, Bát Khí của Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni mà tụng Chú này rồi thì các nghiệp nặng như vậy hẳn đều diệt hết như gió mạnh thổi tan đống cát không còn chút gì. Anan, nếu có chúng sanh chưa hề sám hối hết thảy tội chướng nặng nhẹ từ vô lượng vô số kiếp đến giờ mà nay có thể đọc tụng Chú này, đeo giữ trên người hay để nơi chỗ ở như trại, nhà vườn, quán... thì những nghiệp chứa nhóm trước kia đều tiêu tan như nuớc sôi trên tuyết, chẳng bao lâu đều được ngộ Vô Sanh Nhẫn.

Thông rằng : Chỗ này nói về thành tựu Trí Xuất Thế Gian của chúng sanh, cốt yếu là ngộ Vô Sanh Nhẫn mà thôi vậy. Người ta không ngộ Vô Sanh là do chứa nhóm nghiệp làm chướng ngại vậy. Chứa nghiệp không gì qua Sát, Đạo, Dâm, Vọng, gọi là Tứ Khí. Hàng Tỳ Kheo Ni thì thêm Xúc Chạm, Hẹn Hò, Che giấu, Đi Theo gọi là Bát Khí.

Giới Luật có năm hạng tương đương với năm hình phạt của thế gian. Một là Ba La Di tương đương với tội tử hình; hai là Tăng Tàn tương đương với tội lưu đày; ba là Ba Dật Đề tương đương với khổ sai; bốn là Đề Xá Ni tương đương với tội phạt trượng; năm là Đột Kiết La tương đương với tội đánh bằng roi.

Nếu gặp nghiệp đời trước thì nước, lửa, trùng, rắn cũng đủ làm hại. Tuy Thiên, Long, ác tinh không có lòng hại người nhưng một khi chạm phải khí của các loại đó thì không khỏi bị nạn, cũng là sự chiêu cảm của nghiệp trước vậy. Nghiệp có nặng nhẹ, quả báo cũng nặng nhẹ. Nếu chìm đắm trong các nẻo ác, sanh vào chỗ chẳng vui, thì danh Phật còn chẳng nghe huống là đắc Vô Sanh Nhẫn ư? Độc chỉ trì Chú này hay tiêu tan nghiệp trước, khỏi các thứ hoạn nạn độc hại. Nếu là người phát tâm Bồ Đề quyết định thì như gió thổi cát, nước sôi trên tuyết, cầu gì mà chẳng toại ư? Chưa được Chánh Thọ liền đắc Chánh Thọ, chưa thể hành Lục Độ liền đắc Lục Độ, chưa được Túc Mạng liền đắc Túc Mạng, thường sanh cùng một chỗ với Chư Phật, đồng xứ huân tu, do đó mà ngộ Vô Sanh Nhẫn thật là dễ vậy. Công đức trì Chú lớn lao vô cùng, không thể nghĩ bàn vậy.

Thiền sư ni Vô Trước Diệu Tổng nghe Tổ Đại Huệ nêu lên nhân duyên Ngài Dược Sơn ban đầu ra mắt Tổ Thạch Đầu, sau đó đến Đức Mã Tổ, hốt nhiên tỉnh ngộ.

Tổ Đại Huệ xuống tòa giảng thì cư sĩ Phùng Công Tập đi theo đến phương trượng, nói rằng: “Tôi lý hội được công án Hòa Thượng vừa nêu”.

Tổ Huệ nói: “Thế nào?”

Đáp rằng: “Như thế cũng chẳng được, tô rô ta bà ha! Chẳng như thế cũng chẳng được, tất rị ta bà ha! Như thế, chẳng như thế rốt ráo đều chẳng được, tô rô tất rị ta bà ha!”

Tổ Đại Huệ đem chuyện này nói với ni Diệu Tổng.

Ni nói: “Chỉ từng thấy Quách Tượng chú giải Trang Tử. Người hiểu biết lại cho rằng chính Trang Tử chú giải Quách Tượng”.

Tổ Đại Huệ thấy lời nói kỳ dị, lại nêu chuyện Thạch Đầu gặp Bà Tử mà hỏi thì ni Diệu Tổng đáp bằng kệ :

“Một chiếc thuyền nan nổi mấy phương

Cấùt mái múa chèo biệt cung thương

Núi mây, trăng biển đều vất ráo

Được quá Trang Châu mộng bướm trường”.

Tổ Đại Huệ bèn thôi.

Ông Phùng Công nghi ngờ chỗ ngộ của ni Diệu Tổng chưa căn bản, sau đó qua đất Vô Tích, mới đến thuyền hỏi rằng: “Lão bà sanh bảy đứa con, sáu đứa không gặp tri âm, chỉ tại một đứa cũng chẳng tiêu tan được, bèn quăng xuống nước! Lão sư Đại Huệ bảo đạo nhân lý hội được là hiểu thế nào?”

Ni đáp: “Trên mà cùng thông khắp thì cùng đến chỗ Chân Thật!”

Ông Phùng rất kinh hoảng.

Như chỗ ngộ Vô Sanh Nhẫn của ni Diệu Tổng là Chú đấy ư? Là chẳng phải Chú đấy ư? Mà sao nhả hơi xuất lời không dễ gì đo đếm, đoán biết vậy?

VI. CHÚ LÀ PHƯỚC ĐỨC NHƯ Ý CHO MÌNH VÀ CHO CẢ NƯỚC, BẢO HỘ CHO NGƯỜI SƠ HỌC

Kinh: “Lại nữa, Anan, nếu có người nữ chưa có con mong cầu có thai mà có thể chí tâm nhớ niệm Chú này, hoặc đeo trên người Chú Tất Đát Đa Bát Đát Ra này, bèn sanh con trai con gái trí huệ phước đức. Người cầu sống lâu tức được sống lâu. Muốn cầu quả báo mau được viên mãn thì mau được viên mãn. Về thân mạng, dung mạo, sức khoẻ cũng lại như vậy. Sau khi mạng chung, tùy nguyện mà sanh qua mười phương quốc độ, nhất định không sanh nơi biên địa hạ tiện huống là các loài dị hình.

“Anan, nếu các cõi nước, châu huyện, làng xóm bị đói kém, dịch lệ hay giặc nạn mà viết Thần Chú này treo ở bốn cửa thành, các chỗ thờ tự hoặc trên các lá phướn, rồi khiến chúng sanh nơi ấy vâng đón, cung kính lễ bái, hết lòng cúng dường Chú này, khiến nhân dân mỗi người đeo trong mình hay cất trong mỗi nhà thì tất cả tai ách thảy đều tiêu diệt.

“Này, Anan, bất kỳ chỗ nào mà có Chú này thì Thiên Long hoan hỷ, mưa thuận gió hòa , mùa màng sung túc, dân chúng an vui. Chú này lại có thể trấn phục tất cả ác tinh, tùy phương hiện các điềm quái, đều khiến cho tai chướng không khởi, con người không bị chết dữ, chết yểu, thân thể không vướng xiềng xích gông cùm, ngày đêm ngủ ngon, thường không ác mộng.

“Này, Anan, cõi Ta Bà này có tám vạn bốn ngàn tai biến ác tinh, hai mươi tám đại ác tinh đứng làm đầu, lại có tám đại ác tinh làm chủ biến hiện nhiều thứ trên đời, gây ra nhiều loại tai họa dị thường cho chúng sanh. Chỗ nào có Chú này thì các thứ đó đều tiêu diệt hết, trong mười hai do-tuần làm vòng kết giới thì các điềm tai biến hung dữ vĩnh viễn không vào được.

“Thế nên, Như Lai tuyên dạy Chú này để bảo hộ các người tu hành sơ học trong đời vị lai vào được Tam Ma Địa, thân tâm rộng không, được đại an ổn, không bị hết thảy ma quỷ thần và những oan khiên, nợ nghiệp từ vô thủy tới nay đến khuấy hại. Ông với những người Hữu Học trong chúng này cùng những người tu hành đời vị lai y theo đàn tràng ta dạy, như pháp mà trì Giới, gặp được bậc Giới Chủ là vị Tăng thanh tịnh, đối với Tâm Chú này chẳng sanh nghi hối; người thiện nam tử như thế ngay nơi thân cha mẹ sanh ra này mà không được Tâm Thông thì mười phương Như Lai hóa ra là vọng ngữ!”

Thông rằng: Chỗ này nói về cứu hộ thế gian được Đại Vô Úy, đại khái giống như bốn Diệu Đức không thể nghĩ bàn của Ngài Quan Thế Âm: cầu trai được trai, cầu gái được gái, cầu sống lâu được sống lâu, cầu viên mãn được viên mãn mà cốt yếu là quy về Tâm Thông. Tâm Thông không ra ngoài ba nghĩa: Một là chứng quả, tức là ngồi nghiêm chỉnh an cư một trăm ngày đắc quả Tu Đà Hoàn; hai là tỏ hiểu, tức là tự biết nhất định thành Phật không sai; ba là Túc Mạng Thông, tức là rõ biết khắp cùng không còn nghi hoặc. Tâm Thông này cũng từ trong cái không thể nghĩ bàn mà được, huống là các thứ linh ứng để đề phòng tai họa, chế ngự hoạn nạn làm sao nghĩ bàn được?

Năm Thứ Mười Ba niên hiệu Đại Nghiệp, Đức Tứ Tổ Đạo Tín dẫn đồ chúng đến Cát Châu thì gặp bọn cướp vây thành bảy tuần (bảy mươi ngày) chẳng lui tan, mọi người đều sợ hãi. Tổ thương xót, dạy bày niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Khi ấy, bọn cướp nhìn lên trên thành như có thần binh, bèn bảo nhau: “Trong thành ắt có dị nhân, không thể đánh được”. Bèn lần lần bỏ đi.

Lại như Trần Tôn Túc (Mục Châu) ở chùa Khai Nguyên hàng ngày đan dép để nuôi mẹ, cho nên có hiệu là Trần-dép-cỏ. Giặc cướp vào xứ, Tổ treo một chiếc dép cỏ nơi cửa thành. Giặc muốn vất đi, dùng hết sức cũng chẳng nhúc nhích, bèn than: “Xứ Mục Châu này có Đại Thánh Nhân”, rồi bỏ thành mà rút lui. Dân trong thành khỏi bị tai họa.

Chỗ này quả là rõ ràng rồi vậy. Những chuyện khác thì Cao Tăng Truyện ghi lại kể ra không xiết. Còn như tất cả ác tinh tùy phương mà hiện các điềm quái thì cũng như vọng kiến đồng nghiệp ở đoạn trước, mỗi thứ đều do nghiệp cảm, chẳng phải khi không mà sanh. Ác tinh có tám mươi bốn ngàn thứ tương ứng với chừng ấy nghiệp phiền não của chúng sanh. Việc con người làm ở dưới, trời biến hiện đối ứng ở trên. Thiên tượng lớn có hai mươi tám ngôi cùng các dư khí của kinh tinh ngũ hành. Tất cả đều bẩm thọ cái tinh hoa của ngũ hành mà vận chuyển trong không trung. Hễ nghịch tánh nó thì tai họa ứng đáp như các sao Tuệ, Bộ, Phi Lưu [Sao chổi], Thái Bạch, Xi Vưu... Chú này sức Từ rộng lớn, tinh ròng chí thiện nên tất cả các khí xấu không đến gần được, bởi thế có thể tiêu diệt các tai họa dị kỳ ngoài mấy trăm dặm.

Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng sanh ra vào ngày Tám tháng Tư năm Thứ Hai niên hiệu Nghi Phụng đời Đường, cảm ứng có luồng bạch khí hiện ở trên trời khoảng xứ An Khương.

Quan Thái Sử trông thấy bèn tâu lên vua Cao Tông.

Vua hỏi : “Đây là điềm lành gì?”

Đáp rằng : “Pháp khí của đất nước, chẳng nhiễm vinh hoa thế gian”.

Vua bèn sai Thái Thú đất Kinh Châu là Hàn Giai đích thân đến vấn an gia đình.

Phàm chỗ cảm ứng của thiện ác thì lành dữ khác hẳn nhau, ai dám bảo Chú này không đủ để tiêu sạch tai họa ư?

VII. CÁC THẦN HỘ PHÁP PHÁT NGUYỆN BẢO HỘ RỘNG RÃI.

Kinh: Phật dạy lời ấy rồi, vô lượng trăm ngàn Kim Cang trong hội đều đồng thời ở trước Phật chấp tay đảnh lễ, thưa rằng: “Như lời Phật dạy, chúng tôi sẽ thành tâm bảo hộ những người tu Bồ Đề như vậy”.

Khi ấy, Phạm Vương cùng trời Đế Thích, bốn Đại Thiên Vương cùng ở trước Phật đồng thời đảnh lễ, thưa rằng: “Quả có người lành tu học như vậy chúng tôi sẽ tận tâm chí thành bảo hộ, khiến cho họ suốt đời tu hành được như nguyện”.

Lại có vô lượng Đại Tướng Dược Xoa, các vua La Sát, vua Phú Đơn Na, vua Cưu Bàn Trà, vua Tỳ Xá Giá, các Đại Quỷ Vương Tần Na Dạ Ca cùng các Quỷ Soái cũng ở trước Phật chấp tay đảnh lễ, thưa rằng: “Chúng tôi cũng thệ nguyện hộ trì người này khiến tâm Bồ Đề sớm được viên mãn”.

Lại có vô lượng Thiên Tử Nhật Nguyệt, Thần Gió, Thần Mưa, Thần Mây, Thần Sấm và các hàng Thần Điển, các quan tuần trong năm, quyến thuộc chủ tinh... cũng ở trong hội đảnh lễ chân Phật, thưa rằng: “Chúng tôi cũng bảo hộ người tu hành này để an lập Đạo Tràng, được Vô Sở Úy”.

Lại có vô lượng Thần Núi, Thần Biển, hết thảy các loài tinh kỳ muôn vật ở đất đai, trên không, dưới nuớc và Vua Thần Gió, Trời Vô Sắc Giới ở trước Như Lai đồng thời cúi đầu, thưa rằng: “Chúng tôi cũng bảo hộ người tu hành ấy đắc thành Bồ Đề, vĩnh viễn không có ma sự”.

Lúc bấy giờ, tám vạn bốn ngàn na do tha hằng hà sa câu chi Kim Cương Tạng Vương Bồ Tát ở trong Đại Hội liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, như bọn chúng tôi, công nghiệp tu hành đã thành Bồ Đề từ lâu mà chẳng giữ Niết Bàn, thường theo Chú này để cứu người chánh tu hành tu Tam Ma Đề trong đời mạt thế. Thưa Thế Tôn, người tu tâm cầu chánh định như vậy, dầu ở đạo tràng hay lúc kinh hành, cho đến tán tâm dạo chơi xóm làng thì đồ chúng của chúng tôi vẫn thường đi theo hầu hạ bảo vệ người ấy. Giả sử Ma Vương, Đại Tự Tại Thiên muốn có cơ hội để khuấy phá, rốt cuộc cũng không thể được. Các quỷ thần nhỏ cách xa người này ngoài mười do-tuần, trừ phi hạng đó phát tâm muốn tu thiền. Bạch Thế Tôn, những ác ma hay quyến thuộc của ma như vậy muốn đến quấy phá người lành này, chúng tôi sẽ dùng bảo chử [Chày báu] đánh nát đầu như tro bụi, thường khiến cho người này tu hành được như nguyện.

Thông rằng: Người trì Chú này được các Thần bảo hộ. Người trì Chú này chóng đắc Bồ Đề. Người trì Chú này vĩnh viễn không có ma sự. Nguyện lực của Bồ Tát Kim Cang Tạng thật quá sâu xa: Chẳng giữ lấy Niết Bàn, thường theo Chú này mà cứu hộ người tu hành chân chánh trong đời mạt thế, nên các ma không có được cơ hội khuấy phá.

Ma Vương Chướng Tế thống lãnh quyến thuộc theo Bồ Tát Kim Cang Tề một ngàn năm tìm kiếm chỗ khởi xứ mà chẳng được. Bỗng nhiên ngày nọ thấy được, bèn hỏi: “Ngài y trụ chỗ nào mà tôi suốt một ngàn năm tìm khởi xứ của Ngài không ra?”

Bồ Tát nói: “Ta chẳng y hữu trụ mà trụ, chẳng y vô trụ mà trụ, như thế mà trụ”.

Tổ Pháp Nhãn nói: “Ma Vương Chướng Tế chẳng thấy Kim Cang Tề bèn theo, còn như Kim Cang Tề có thấy Ma Vương chăng?”

Tổ Diệu Hỷ nói: “Đã kiếm khởi xứ không ra thì chuyện một ngàn năm đi theo là gì thế?

“Đức Kim Cang Tề nói: “Ta chẳng y hữu trụ mà trụ, chẳng y vô trụ mà trụ, như thế mà trụ”, ấy là hỗ tương lừa dối quá lắm!”

Tổ Pháp Nhãn nói: “Ma Vương Chướng Tế chẳng thấy Kim Cương Tề bèn theo, còn như Kim Cương Tề có thấy Ma Vương chăng?”

Phán đoán như thế cũng là xem lỗ mà đặt nêm!

Nay đây bộ không biết khởi xứ của Diệu Hỷ ư? Hãy theo sau mà la lên rằng: “Nói mớ gì thế?” Xét Diệu Hỷ phán đoán như vậy, quả là Ma Vương rình mò chẳng thấy! Nhưng Ma Vương khổ sở muốn kiếm khởi xứ đến đổi đi theo một ngàn năm thì Ma Vương cũng phát tâm muốn tu thiền vậy. Thế nên đối với Bồ Tát Kim Cang Tề chẳng có chi xa cách, mà Bồ Tát Kim Cang tề cũng muốn thuyết pháp cho. Những việc ấy đều không phải người tầm thường mà suy lường nổi.

Từ Quyển Bốn mời vào “Nhà hoa” cho đến đây gọi chung là phần Tu Đạo. Văn sau riêng là phần Chứng Quả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]