Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Nương Cái Thấy, Gạn Hỏi Cái Tâm

23/11/201217:05(Xem: 9862)
04. Nương Cái Thấy, Gạn Hỏi Cái Tâm

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

Mục 2: Chỉ Rõ Tánh Thấy

 

IV. NƯƠNG CÁI THẤY, GẠN HỎI CÁI TÂM.

Kinh: “Anan, nay ông muốn biết đường tu Xa Ma Tha, nguyện ra khỏi sống chết, thì Ta lại hỏi ông. Liền đó, Như Lai đưa cánh tay kim sắc lên, co năm ngón lại, bảo Ông Anan: “Ông có thấy không?”

Ông Anan đáp: “Có thấy”.

Phật bảo: “Ông thấy cái gì?”

Anan trả lời: “Tôi thấy Như Lai đưa tay lên, co ngón thành nắm tay sáng ngời, sáng chói tâm và mắt của tôi”.

Phật hỏi: “Ông lấy cái gì mà thấy?”

Anan trả lời: “Tôi và đại chúng đều lấy con mắt mà thấy”.

Phật bảo Ông Anan: “Nay ông trả lời: Như Lai co ngón tay làm thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của ông. Con mắt ông thì thấy, còn ông lấy cái gì làm tâm đối với nắm tay chói sáng của Ta?”

Ông Anan thưa: “Nay Như Lai gạn hỏi tâm ở chỗ nào, mà tôi thì lấy tâm suy nghĩ xét tìm. Tức là Cái Năng Biết Suy Nghĩ đó, tôi lấy nó làm tâm”.

Phật bảo: “Ôi, Anan! Cái đó chẳng phải là Tâm ông đâu”.

Ông Anan hoảng hốt rời chỗ ngồi, đứng dậy chắp tay mà thưa rằng: “Cái ấy không phải là tâm tôi thì gọi là cái gì?”

Phật bảo Ông Anan: “Đó là cái Tưởng tạo nên các tướng hư vọng của tiền trần, nó làm mê lầm Chân Tánh của ông. Do từ vô thủy cho đến nay, ông nhận tên giặc đó làm con, mất đi cái Vốn Là Thường Hằng (Nguyên Thường) của ông nên phải chịu luân hồi”.

Thông rằng: Đây là lần dẫn dụ từng bước lần thứ hai của Thế Tôn. Ngài hỏi “Ông nay có thấy không?” Anan đáp “Thấy”. Chỉ ở chỗ này mà đột nhiên tỉnh ngộ, bèn thấy Bản Tánh Nguyên Minh, chẳng cho phép luận bàn, chẳng đợi chỗ xếp đặt. Bồ Đề Niết Bàn vốn tự đầy đủ, vừa mống khởi phân biệt đã lọt vào tỷ lượng [So sánh, phân biệt], bị buộc vào sự sai sử của Lục Thức, chìm sâu vào trí thức, bỏ mất Chân Tánh xa lắm vậy. Cho nên Phật mới quở rằng “Cái đó chẳng phải là tâm của ông”. Nếu trong khi bị quở, rỗng rang mà tự mất bặt, bỗng nhiên hồi quang, thì ngay liền đó là Bổn Giác tự tại. Chứ sao lại nói “Rời cái Hay Biết (Giác Tri) đó, thì hoàn toàn không có gì?” Cái giác tri đó, đối đãi với Trần Tướng trước mắt mà có phân biệt, trần mất thì không có nữa, nên gọi là “Cái Tưởng hư vọng bám chấp lấy tướng”. Còn cái Bổn Giác thì chẳng nương theo Trần mà sanh diệt theo, nên mới gọi là Chân Tánh. Nhưng Chân Tánh chỉ có một mà thôi. Vì cái giác tri này che đậy cái Bổn Giác trước mắt, nên cái giác tri ấy thật là tên giặc của Bổn Giác. Nếu nhận cái giác tri đó làm Tự Tâm, tức là nhận giặc cướp làm con, bỏ cái chẳng sanh diệt mà ôm lấy cái sanh diệt, thì sự luân chuyển còn nghi ngờ gì. Tuy nhiên, lìa cái giác tri hay biết này mà tìm riêng cái Bổn Giác ở nơi khác, lại không thể được.

Ngài Thiên Đồng nêu sơ lược rằng: “Nếu cái hay suy nghĩ đó là tâm của ông, tức là nhận giặc làm con!”

Ngài Tu Sơn Chủ nói: “Nếu cái hay suy nghĩ đó chẳng phải là tâm của ông, tức là nhận giặc làm con!”

Ngài Thiên Đồng đưa ra rằng: “Như giờ hãy xét là con, là giặc: mua nón vừa đầu, ăn cá bỏ xương”.

Bèn như Thiên Đồng, lại chọn lựa không?

Đức Lục Tổ dạy: “Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là Bồ Đề. Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau ngộ là Phật. Niệm trước bám cảnh là phiền não, niệm sau lìa cảnh, tức là Bồ Đề”. Điều này cũng như nói lật sấp lật ngữa cũng là bàn tay vậy. [Đức Lục Tổ Huệ Năng đại sư, họ Lư Thị, người xứ Tân Hưng. Từ giã mẹ, thẳng đến Huỳnh Mai Động Sơn. Sau khi đắc pháp, trở về Chùa Pháp Tánh tại Nam Hải. Mở cửa pháp Động Sơn. Sau về Bửu Lâm tự. Ngài tọa tịch, có tháp tại Tào Khê, nay là Nam Hoa Tự.]

Ngài Vĩnh Gia nói: “Thật tánh của Vô Minh tức là Phật Tánh. Huyễn hóa không thân tức Pháp Thân”. Quả là tỏ suốt cái cửa Bất Nhị vậy.

Kinh: Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, tôi là em yêu của Phật, vì lòng mến mộ Phật nên tôi xuất gia. Tâm tôi nào phải chỉ cúng dường Như Lai, mà còn khắp trải hằng sa quốc độ, thừa sự Chư Phật và các thiện trí thức. Phát đại dũng mãnh làm tất cả những pháp sự khó làm, đều dùng cái tâm này. Dầu cho hủy báng Chánh Pháp, đời đời lui sụt căn lành, cũng bởi cái tâm này.

“Nay Phật phát minh cái này chẳng phải là tâm, tôi bèn không có tâm, giống như gỗ đá. Lìa cái giác tri này, rốt chẳng còn gì nữa. Tại sao Như Lai nói cái ấy không phải là tâm? Tôi thật kinh sợ. Cùng với đại chúng đây, không ai là không nghi hoặc. Xin Phật rủ lòng từ bi, chỉ bày cho người chưa ngộ”.

Thông rằng: Ông Anan tình thức và sở kiến khô kiệt, mới nói là “Không có Tâm”, giống như gỗ đá. Chỗ này chính là nên thừa thọ đảm đương, thì đỡ được biết bao tâm lực. Sá gì một cái giác tri mà cứ ôm giữ lấy, sao chẳng chịu bỏ quách.

Xưa, thầy Đại Lãng, mới đầu đến tham vấn Đức Mã Tổ.

Ngài hỏi: “Đến đây cầu gì?”

Đáp: “Cầu Tri Kiến Phật”.

Tổ nói rằng: “Phật không có tri kiến, tri kiến [Thấy biết] là Ma. Ông từ đâu tới?”

Bạch rằng: “Từ Nam Nhạc đến”. [Tổ Hoài Nhượng thiền sư, đời Đường, ở Hành Nhạc, Chùa Bát Nhã, nên xưng là Nam Nhạc. Lục Tổ Huệ Năng có hai đại đệ tử là Nam Nhạc và Thanh Lương]

Tổ nói rằng: “Ông từ Nam Nhạc đến, mà chưa biết tâm yếu của Tào Khê [Hiệu riêng của Lục Tổ Huệ Năng]. Ông mau trở về đó, chẳng nên đi nơi khác”.

Thầy Lãng trở về Tổ Thạch Đầu, bạch hỏi: “Thế nào là Phật?”

Tổ Thạch Đầu nói rằng: “Ngươi không có Phật Tánh”. [Hy Thiên thiền sư, ở Hành Sơn Nam Tự. Phía Đông chùa có tảng đá hình cái đài, cất am trên đó, người đời ấy kêu là Thạch Đầu Hòa Thượng]

Thầy Lãng nói rằng: “Các loài cựa quậy, bay nhảy lại ra làm sao?”

Tổ Đầu nói: “Các loài cựa quậy, bay nhảy đều có Phật Tánh”.

Bạch rằng: “Huệ Lãng này vì sao không có?”

Tổ Đầu nói: “Vì ông không chịu nhận lãnh”.

Thầy Huệ Lãng nghe xong, tin nhập.

Về sau, hễ có người học đạo đi đến, đều nói rằng: “Đi đi! Ngươi không có Phật Tánh”.

Sự tiếp cơ dạy dỗ đại khái như thế. Há đâu phải lìa cái giác tri là không có gì nữa sao?

Kinh: Khi ấy, Thế Tôn khai thị cho Ông Anan và đại chúng, muốn cho được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Nơi tòa sư tử xoa đầu Ông Anan mà nói: “Như Lai thường nói: các pháp sanh ra đều duy tâm hiện. Tất cả nhân quả, thế giới, vi trần đều do tâm mà thành thể. Anan, như trong các thế giới, hết thảy sự vật hiện có, cả đến ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, thắt nút....tìm hỏi nguồn gốc thì đều có thể tánh. Ngay cả hư không còn có tên, có tướng, huống là cái Chân Tâm sáng suốt, trong sạch, nhiệm mầu, tánh của hết thảy tâm mà lại không có tự thể sao?

“Nếu ông quyết chấp cái phân biệt giác quan, hiểu biết là Tâm thì cái tâm ấy phải rời hành tướng của các trần: Sắc, Hương, Vị, Xúc, Pháp... riêng có Toàn Tính. Chứ như hiện nay, ông vâng nghe pháp âm của Ta, đó là nhân cái Tiếng mà có phân biệt: dầu cho có diệt hết tất cả cái Thấy, Nghe, Hay, Biết, bên trong giữ lấy trống rỗng u nhàn, thì đó cũng còn là sự phân biệt bóng dáng pháp trần [Một trong sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp). Tất cả pháp là chỗ duyên (sở duyên) Của ý thức, gọi chung là pháp trần] mà thôi.

“Ta không bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải chính nơi tâm ông, suy xét chín chắn. Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt, thì đó mới là Chân Tâm của ông. Còn nếu cái tánh phân biệt mà lìa tiền trần không có tự thể, thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không thường trụ, vậy khi chúng biến diệt, thì cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ, ắt Pháp Thân của ông cũng đồng với đoạn diệt. Còn gì để chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn?”

Thông rằng: Chỗ các pháp sanh ra, là độc chỉ do tâm biến hiện, như bóng hình trùng trùng đều độc chỉ trong cái gương hiện bày ra. Sáu trần như hình, cái phân biệt (Thức Tâm) như bóng. Bóng nhờ hình mà có, tâm thức nhờ cái trần mà có. Cái này đây ắt là sự phân biệt bóng dáng tiền trần [Là lục trần, cảnh hiện bày trước cái vọng tâm]. Dao động thuộc về tiền trần, yên tịnh thuộc về pháp trần. Cho nên, ở trong giữ cái trống rỗng u nhàn thì tuy không có bóng dáng tiền trần nhưng vẫn còn cái bóng dáng trống rỗng u nhàn, đó còn là sự phân biệt bóng dáng của pháp trần.

Cái chấp ấy là cái Thức, mà chẳng phải là cái Bổn Giác Chân Tâm Thường Trụ. Chân Tâm Thường Trụ lìa khỏi tất cả phân biệt, như cái gương lớn tròn sáng [Đại Viên Cảnh Trí của Duy Thức Tông] lìa khỏi cả hai thứ Động (sáu Trần) và Tĩnh (Thức). Cái Tâm này vốn tự không nhiễm, nên nói là Tịnh, nhiễm mà chẳng nhiễm, nên nói là Diệu Tịnh. Tất cả nhân quả, thế giới nhiều như vi trần, nhân nó mà lập thành, nó cũng là cái Bổn Tánh của vọng tâm tạo thành chín Cõi [Lục đạo, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát]. Nên nói là cái Tánh của cả thảy Tâm. Nếu thấy Tâm này, thì lìa phân biệt mà an trụ Tự Tánh, đó là cái Tự Tánh không tùy theo phân biệt mà hoặc có hoặc không. Sắc lìa Thức phân biệt như trần lìa bóng, liền là Bản Thể của gương, Thể của gương không theo bóng của trần mà sanh mà diệt. Nếu chấp cái Giác Tri Phân Biệt làm Tự Tánh, tức là chấp bóng làm gương vậy. Cái Hay Biết Phân Biệt đó, đối với trần thì có, lìa trần thì không, như bóng trong gương, vốn không tự thể, rốt là đoạn diệt, như thế làm sao chứng Vô Sanh? Cho nên, phải biết cái Tâm tự có bản thể, chẳng phải đoạn diệt.

Đoạn trước, Phật quở “Cái đó chẳng phải là Tâm ông”, vì cái chỗ Ông Anan nhìn nhận chỉ là cái tâm đoạn diệt giả dối, chẳng phải là cái tâm Xưa Nay Chân Thật vậy. Chứ đâu phải thật không có tâm ư?

Tổ Huyền Sa [Tổ Tông Nhứt thiền sư, tên Sư Bị, ở núi Huyền Sa. Khi nhỏ làm nghề chài. Ba mươi tuổi bổng ham mộ đi tu, vào học với Tổ Phù Dung, xuống tóc, lãnh cụ túc giới. Rồi tìm đến Tổ Tồn thiền sư tại núi Tuyết Phong, thâu hạp, tỏ ngộ huyền chỉ. Ban đầu trú tại Phổ Ứng Viện, sau dời về Huyền Sa] Sư Bị thượng đường rằng: “Hiện có một thuyết cho là: linh linh, sáng sáng là cái Trí Tánh linh đài, hay thấy, hay nghe, hướng vào trong miếng ruộng-thân ngũ uẩn làm chủ tể. Đó là kẻ dối gạt lớn của thiện trí thức, biết chăng? Ta nay hỏi các ông, nếu nhận cái linh linh sáng sáng đó là cái Chân Thật của các ông, thì tại sao khi ngủ mê, lại chẳng còn là sáng sáng linh linh nữa? Nếu lúc ngủ mê chẳng có thì tại sao lại có cái lúc sáng sáng, linh linh? Có hiểu chăng? Cái đó gọi là nhận giặc làm con, là căn bản của sanh tử, tập khí duyên ra Vọng Tưởng. Các ông muốn biết căn do ư? Ta nói cho nghe: Cái sáng sáng linh linh chỉ do tiền trần Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà có phân biệt, rồi nói bậy đó là cái sáng sáng linh linh. Nếu không tiền trần, thì cái sáng linh linh này của các ông, cũng như lông rùa sừng thỏ.

“Này các ông, cái Chân Thật ở tại chỗ nào? Nay các ông muốn thoát khỏi cái chủ tể của ruộng-thân ngũ uẩn, chỉ cần biết nắm lấy cái Thể Kim Cang Bí Mật của các ông. Cổ nhân hướng về các ông mà nói: Trọn thành Chánh Biến, khắp đầy Pháp Giới. Nay ta chút phần vì các ông, người Trí có thể qua thí dụ mà hiểu được. Các ông có thấy mặt trời của Nam Diêm Phù Đề không? Cái chỗ sanh sống của người đời: làm lụng, kinh doanh, nuôi sống sinh mạng, đủ thứ tâm hành, không gì chẳng nhờ ánh sáng mặt trời mà thành lập. Vậy mà cái thể của mặt trời có chăng bấy nhiêu tâm hành? Vậy mà có chỗ nào mà không cùng khắp?

“Muốn biết cái Thể Kim Cang, cũng phải nhìn như thế. Chỉ như hiện đây, núi sông, đất rộng, mười phương cõi nước, sắc không, sáng tối, cho đến thân tâm các ông, không có cái gì mà chẳng trọn nhờ cái Oai Quang Viên Thành ấy của các ông mà hiển bày. Ngay đến Trời, người, chúng sanh, Nghiệp Báo, Hữu Tình, Vô Tình không có cái gì chẳng trọn nhờ cái Oai Quang của các ông. Cho đến chư Phật, thành Đạo, thành Quả, tiếp vật lợi sanh, không gì mà chẳng trọn nhờ Oai Quang của các ông. Như cái Thể Kim Cương ấy, có phàm phu cùng chư Phật không ? Có tâm hành của các ông không? Không thể nói là không có, bèn tận dụng được vậy. Biết không?”

Tổ Huyền Sa nhờ xem Lăng Nghiêm mà phát minh tâm địa. Do đó, Ngài ứng cơ nhạy bén, thầm hợp với khế kinh. Đoạn Ngài nói ở trên, mỗi mỗi đều chẳng khác ý chỉ của kinh, cho đến nói “Tất cả đều nhờ vào lực của Oai Quang”, cùng với câu kinh “Các pháp sinh ra là duy một tâm hiện” lại càng thần diệu.

Lại nữa, Tổ Trúc Am Khuê [Tổ Khả Quan, hiệu Trúc Am], kế pháp của Tổ Phật Nhãn, cùng với người bác là cư sĩ Trì Nhất, cùng thích Lăng Nghiêm.

Tổ Trúc Am Khuê nói: “Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt, đó chính là căn bản của sanh tử”.

Cư sĩ hoảng hồn, nói: “Phật nói lầm hay sao?”

Tổ Am nói: “Phật cố nhiên là không lầm. Nhưng hiện giờ cái tâm đối diện hỏi han của cư sĩ quả thật ở đâu?”

Cư sĩ bèn tán thán rằng: “Phật nói: hiểu cái Đệ Nhất Không, gọi là Sư Tử Hống, Ngài làm rồi mà không vướng mắc đấy”.

Tổ Am, sau đó thượng đường mà rằng : “Khi thấy mà có tướng thấy, cái thấy ấy chẳng phải là cái Thấy Chân Thật (Chánh Kiến). Thấy do lìa tất cả tướng thấy, cái thấy ấy là siêu việt (Giải Thoát) [Từ kinh Lăng Nghiêm : Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập]. “Hoa rơi hữu ý theo giòng nước. Giòng nước vô tình đưa hoa rơi”. Các thứ có thể trả về được dĩ nhiên chẳng phải là ông. Còn ông không thể trả về được, nếu chẳng phải là ông, thì là ai? “Thường hận xuân đi không chỗ kiếm. Chẳng hay trở lại chốn xưa ra”. Hét lên một tiếng mà rằng: “Ba mươi năm sau, chớ nói Phật, Tổ dạy hư con cái nhà người!”

Theo chỗ thấy của Tổ Trúc Am, thì lìa tiền trần cũng không có cái Tự Tánh Phân Biệt nào nữa để được. Người tự khéo chuyển Lăng Nghiêm thì một đoạn chân phong “Thấy do lìa thấy, thấy ấy siêu việt” có thể cùng với Tổ Huyền Sa đồng tham vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]