Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ðiều Giác Ngộ 4

21/08/201113:58(Xem: 5431)
Ðiều Giác Ngộ 4

KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC DẪN GIẢI
Phổ Nguyệt

Điều Giác Ngộ 4 và Pháp Giải Thoát Tri Kiến Kinh Bát Đại Nhân Giác

Điều Giác Ngộ 4: Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng.

Phiên âm:

Đệ tứ giác tri: Giải đãi trụy lạc, thường hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục.

Dịch nghĩa:

Điều giác ngộ thứ tư: Giải đãi phải sa đọa, nên thường hành tinh tấn, để phá phiền não ác, chiết phục cả bốn ma, ra khỏi ngục ấm giới.

Giải đải trụy lạc phải sa đọa

Điều giác ngộ thứ tư là lười biếng giải đãi thì bị sa đọa trầm luân.

Giải Đãi: Kausidya (skt)—Lười biếng hay không hết sức với việc trì giới. Giải đãi là chỉ sự không hết lòng, hết sức trong viêc đoạn ác tu thiện. Giải là căn thân mệt mỏi; đãi là tâm thức phóng túng.

Giải đãi là bê tha lười biếng. Người ham mê ngũ dục muốn có nhiều tiền của là người chỉ biết cho có nhiều tiền của, để được thỏa mãn dục lạc thế gian, mà không biết phát huy đức hạnh trí tuệ, đó chỉ là người giải đãi trụy lạc, chớ không phải là người biết thiểu dục, tri túc Như sắc dục là sự ham muốn các sắc tướng bề ngoài, sắc đẹp; thính dục thích nghe những âm thanh êm dịu như lời ca tiếng hát; hương dục ham thích nước hoa, mùi thơm; vị dục ham thích cắc thức ăn, món uống có vị ngon; và xúc dục thích cọ xát thân thể, tay chơn, ái ân. Người giải đãi trụy lạc bị dục lưu là dòng thác tham dục, một trong tứ lưu, như tư hoặc, tham, sân, si, vân vân, giữ mãi cá nhân trong vòng dục giới. Dục lậu là tham dục, tà kiến, và tà tư khuấy động dòng luân hồi sanh tử luân hồi, sa đọa trầm luân vào vòng ma chướng,ngục tù ấm giới. Giải đãi là căn bệnh chung của chúng sinh, mà thuốc trị nó chính là tinh tấn.

Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng

Tinh tấn là một nỗ lực, ý chí mạnh vượt qua mọi trở ngại để đạt mục đích. Trong Lục Độ Balamật, tinh tấn làm tích cực Bố Thí Balamật, duy trì Tịnh Giới, bền vững Nhẫn Nhục Balamật, thường trụ Thiền Định Balamật, và luôn phát triển Trí Huệ Balamật. Tinh tấn Balamật liên hệ mật thiết với tứ chánh cần và thất giác chi, siêng năng sám hối các tội lỗi quá khứ, cố gắng tu các pháp lành, lập công đức, làm việc lợi tha, trong mọi nỗ lực, tuyệt nhiên không nghĩ đến mình, đến pháp đang hành. Tinh tấn Ba la mật còn là cửa ngõ đi vào hào quang chư pháp, vì nhờ đó mà chúng ta đạt được những pháp cao thượng, và cũng nhờ đó mà tu sĩ có thể dạy dỗ và hướng dẫn những chúng sanh chây lười. Đây là Ba La Mật thứ tư trong lục Ba La Mật.

Tinh tấn đúng với tinh thần của Phật dạy là phải biết dừng và ngăn chận điều xấu, làm và phát triển điều tốt. Tứ chánh cần trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Phật dạy về tinh tấn như sau:

1- Điều thiện chưa sanh, phải siêng năng làm cho sanh khởi.

2- Điều thiện đã sanh, phải cố gắng phát huy cho tăng trưởng.

3- Điều ác chưa sanh, phải thường kiểm soát canh chừng ngăn chận không cho sanh khởi.

4- Điều ác đã sanh, phải cố gắng chặn đứng, diệt trừ không cho sanh nữa.

Trong đời này, không luận làm việc gì cũng cần phải có tinh thần đại hùng, đại lực, đại vô úy mới có thể thành công. Chúng ta dù xây dựng sự nghiệp trong xã hội, hay tu học đạo nghiệp trong Phật Pháp, đều gặp không ít chướng ngại hay ma nạn. Nếu ta do dự không tiến tới, hoặc có chút ít giải đãi, sẽ không thành tựu được một việc gì cả! Nên trong đoạn Kinh này, chúng tôi sẽ giảng đến đề tài: Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng. Giải đãi là chỉ sự không hết lòng, hết sức trong viêc đoạn ác tu thiện.

Giải đãi hay tinh tấn đều tùy nơi mình, nếu giải đãi thì bị trầm luân, còn tinh tấn tu hành thì phá trừ được phiền não, đoạn dứt nghiệp ác. Ma mà Phật nói ở đây là những gì làm ngăn ngại phá hoại sự tiến đạo của người tu hành chân chánh, đại lược có bốn thứ: Ma Phiền Não (tham sân si mạn nghi); Ma Ngũ Ấm (Ma ngũ ấm: đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm món ngăn che làm cho con người không nhận ra chân lý, không sống được với trí tuệ, cứ mê mờ tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử khổ đau, và thường xuất hiện khi hành giả nhập định); Ma Chết; Ma Thiên (là chúng ma dưới quyền của Ma Vương).

Tinh Tấn Lực: Viryabala (skt)—Một trong ngũ lực (Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực, Huệ lực); lực giúp chúng ta luôn tiến mà không thối chuyển, hay là nghị lực giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại.

chúng sanh đang thọ hưởng dục lạc trong ba cõi, mà không biết ngũ dục là vô thường, cứ mải mê thọ hưởng không biết tìm đường thoát ra, giống như đang ở trong nhà tù vậy. Người tu cốt yếu là thoát ra ngoài vòng luân hồi sanh tử của tam giới, để được tự do tự tại, chớ đâu phải chỉ quanh quẩn trong tam giới hưởng dục lạc thế gian! Vì thế mà Phật dạy phải tinh tấn tu hành, để thoát khỏi nhà năm ấm và nhà tam giới đang trói buộc chúng ta.

Giải Thoát Tri Kiến

Tinh tấn Ba la mật còn là cửa ngõ đi vào hào quang chư pháp, vì nhờ đó mà chúng ta đạt được những pháp cao thượng, và cũng nhờ đó mà chúng ta có thể dạy dỗ và hướng dẫn những chúng sanh trây lười. Đây là Ba La Mật thứ tư trong lục Ba La Mật.

Tinh tấn có nghĩa: Tâm thiện của chúng ta chưa phát sinh, thì nỗ lực khiến cho sớm phát sinh; tâm thiện đã sinh, thì nỗ lực làm cho được tăng trưởng; niệm ác chưa sinh thì cố gắng giữ đừng cho sinh: niệm ác đã sinh, thì cố gắng sớm dứt trừ. Thế gian này là cảnh giới ma. Tinh tấn có thể thành Phật, giải đãi sẽ đọa vào ma giới.

Tinh Tấn Tu Tập: Diligent Cultivation—Trong tu tập theo Phật giáo, tinh tấn tu tập không chỉ đơn thuần là thiền quán, ngồi cho đúng, kiểm soát hơi thở, đọc tụng kinh điển, hoặc chúng ta không lười biếng cho thời gian trôi qua vô ích, mà còn là biết tri túc thiểu dục để cuối cùng chấm dứt tham dục hoàn toàn. Tinh tấn tu học còn có nghĩa là chúng ta phải dùng hết thì giờ vào việc quán chiếu tứ diệu đế, vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh. Tinh tấn tu học cũng là quán sâu vào chân nghĩa của Tứ niệm xứ để thấy rằng vạn hữu cũng như thân nầy luôn thay đổi, từ sanh, rồi đến trụ, dị, và diệt. Tinh tấn tu học còn có nghĩa là chúng ta phải tu tập cho được chánh kiến và chánh định để tận diệt thiển kiến. Trong nhân sinh, thiển kiến là cội rễ sâu nhất. Vì thế mà khi thiển kiến bị nhỗ thì tham dục, sân, si, mạn, nghi đều bị nhỗ tận gốc..

Thực Hành

Tinh Tấn Ba La Mật là một trong những đề tài thiền quán quan trọng trong Phật giáo. Tinh Tấn phá biếng lười. Sau khi đã ngừng theo đuổi tham dục, sau khi đã biết thực hành tri túc để thân tâm được thảnh thơi, người hành đạo không vì sự thảnh thơi đó mà giải đãi để cho ngày tháng trôi qua một cách uổng phí. Tinh tấn là cần mẫn ngày đêm, cần mẫn dồi mài sự nghiệp trí tuệ. Phải dùng bất cứ thì giờ nào mình có được để quán chiếu “Tứ Niệm Xứ” (vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh). Tinh tấn tu tập là hành trình luôn nỗ lực Tĩnh Gíác mỗi nơi chốn, bất cứ lúc nào.

A) Tứ oai nghi:

Khi đi đứng nằm ngồi luôn tĩnh giác từng cử động. Thí dụ, thấy biết, nghe biết, ngửi biết, nếm biết, chạm biết, nghĩ biết, v.v... bao gồm hoạt động của trí năng tình năng và hoạt năng đều quán biết. Một thí dụ theo lời Phật: dạy:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, tuệ tri: "Tôi đi", hay đứng, tuệ tri: "Tôi đứng", hay ngồi, tuệ tri: "Tôi ngồi", hay nằm, tuệ tri: "Tôi nằm". Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy tuệ tri thân như thế ấy.

Vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay vị ấy sống quán thân trên ngoại thân; hay vị ấy sống quán thân trên nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời, v.v... (Lời Phật thuyết).

B) Ngồi Thiền:

1. Quán Thân

Thờ vô, biết (tuệ tri) thở vô. Thở ra, biết thở ra

Thở vô dài, biết thở vô dài. Thở ra dài, biết thở ra dài. Thở vô ngắn, biết thở vô ngắn.

Khi nghe tiếng động, biết nghe có tiếng động, khi không có tiếng động, biết nghe không có tiếng động. v.v...

Hành giả sống quán thân trên thân:

Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. (Lời Phật thuyết)

2. Quán Thọ

Khi cảm giác lạc thọ, hành giả biết có lạc thọ. Khi không cảm giác lạc thọ, biết không có lạc thọ.

Khi cảm giác khổ thọ, biết có khổ thọ. Khi không cảm giác khổ thọ, biết không có khổ thọ.

Khi có cảm giác ngứa, biết có cảm giác ngứa, khi không có cảm giác ngứa, biết không có cảm giác ngứa v.v...

Hành giả sống quán thọ trên thọ:

Như vậy, vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ, hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. "Có thọ đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.(Lời Phật thuyết)

Quán Tâm

Quán tâm có tham, biết tâm có tham. Tâm không tham, biết tâm không tham.

Tâm có sân, biết tâm có sân. Tâm không sân, biết tâm không sân.

Tâm có si, biết tâm có si. Tâm không si, biết tâm không si.

Tâm thâu nhiếp, biết được tâm thâu nhiếp. Tâm tán loạn, biết tán loạn.

Tâm được quảng đại, biết được tâm quảng đại. Tâm không quảng đại, biết tâm không được quảng đại.

Tâm hữu hạn, biết tâm hữu hạn. Tâm vô thượng, biết tâm vô thượng.

Tâm có định, biết tâm có định. Tâm không định, biết tâm không định.

Tâm giải thót, biết tâm giải thoát. Tâm kgông giải thoát, biết tâm không giải thoát. v.v..

Hành giả sống quán tâm trên tâm

Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. "Có tâm đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.(Lời Phật thuyết)

4. Quán Pháp

* Đối với năm triền cái:

Nội tâm có ái dục, biết nội tâm có ái dục. Nội tâm không có ái dục, biết nội tâm không có ái dục.

Ái dục chưa sanh nay sanh khởi, biết nội tâm chưa sanh nay sanh khởi.

Ái dục đã sanh nay đoạn diệt, biết ái dục đã sanh nay đoạn diệt.

Tương lai không sanh khởi nữa, biết tương lai không sanh khởi nữa.

Hay nội tâm có sân hận, biết nội tâm có sân hận. Nội tâm không có sân hận, biết nội tâm không có sân hận.

Sân hận chưa sanh nay sanh khởi. Sân hận đã sanh nay được đoạn diệt.

Sân hận đã đoạn diệt, biết tương lai không sanh khởi nữa.

Nội tâm có hôn trầm thụy miên, biết nội tâm có hôn trầm thụy miên. Nội tâm không có hôn trầm thụy miên, biết như vậy.

Hay tâm hôn trầm thụy miên chưa sanh nay sanh khởi, biết tâm hôn tầm thụy miên chưa sanh nay sanh khởi.

Tâm hôn trầm thụy miên đã sanh được đoạn diệt, biết tâm hôn trầm thụy miên đã đoạn diệt.

Tâm hôn trầm thụy miên đã đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa. biết tâm hôn trầm thụy miên đã đoạn diệt tương lai không sanh khhởi nữa.

Nội tâm có trạo hối, biết nội tâm có trạo hối. Nội tâm không có trạo hối, biết nội tâm không có trạo hối.

Trạo hối chưa sanh nay sanh khởi, biết trạo hối chưa sanh nay sanh khởi.

Trạo hối đã sanh nay được đoạn diệt, biết trạo hối đã sanh nay được đoạn diệt.

Trạo hối đã được đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa, biết trạo hối đã được đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa.

Nội tâm có nghi, biết nội tâm có nghi. Nội tâm không có nghi, biết nội tâm không có nghi.

Nghi chưa sanh nay sanh khởi, biết nghi chưa sanh nay sanh khởi. Nghi đã sanh nay được đoạn diệt, biết nghi đã sanh nay được đoạn diệt. Nghi đã được đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa, biết nghi đã đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa.

Rồi đến năm thủ uẩn, sáu nội ngoại xứ, bảy giác chi, trạch giác chi, v.v.. cũng tĩnh giác như vậy.

Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. (Lời Phật thuyết).

Kết Luận

Trong những thứ kể trên si là phiền não gốc. Do si mê không thấy các pháp đúng như thật, nên mới tham cầu chấp trước. Tham cầu mà không được thỏa mãn liền nổi sân hận, miệng mắng chửi, tay chân đánh đập, đấm đá… tạo nhiều nghiệp ác, gây khổ cho mình và cho người. Người tu hành phải luôn luôn tinh tấn thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, trí tuệ sáng thì vô minh lui, vô minh lui thì si mê không còn, thấy các pháp đúng như thật. Đối với pháp hữu vi biết rõ là pháp vô thường biến hoại, không bền không thật, không chấp trước đắm nhiễm, không tạo tác ác nghiệp, ngang đây mọi phiền não khổ đau không còn. Người biết giác ngộ mạng sống trong khoảng hơi thở, thì đôí với việc tu đạo, hành thiện sao dám giải đãi? Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng.Đối với việc tu đạo hành thiện, nếu không nỗ lực tinh tấn, làm sao có thể thành tựu?

Tham khảo

Đại Thừa Yếu Lược. (ĐTYL). L.H. Tịnh Huệ.. Sách xuất bản 1998,in tại Walter Bros Printing,5902 Seminary RD, Falls Church, VA 22041.

Kinh Bát Đại Nhân Giác do HT. Thích Thanh Từ và Thích Minh Quang Việt dịch trích trong website Quảng Đức: http://www.quangduc.com.

Tĩnh Giác: Chánh Tri Kiến Trong Dòng Tâm Trí. Phổ Nghuyệt. Trích (phần Tĩnh Giác) trong website Tạng Thư Phật Học: http://www.tangthuphathoc.net.

Tự Điển Phật Hoc Việt Anh. (TĐPHVA). Thiện Phúc trích trong website Quảng Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]