Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ðiều Giác Ngộ 1

21/08/201113:58(Xem: 5496)
Ðiều Giác Ngộ 1

KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC DẪN GIẢI
Phổ Nguyệt

Điều Giác Ngộ 1 và Pháp Giải Thoát Tri Kiến Kinh Bát Đại Nhân Giác

Kinh này có tám phương pháp tu hành thành Phật, mà bậc Đại nhân gánh vác sự nghiệp lớn liễu sinh thoát tử, hóa độ chúng sinh cần phải giác ngộ, nên gọi là Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân (Bát Đại Nhân Giác Kinh). Từ tiếng Pali, Ngài An Thế Cao dịch ra Hán văn, rồi có những vị đạo học dịch ra Việt văn và diễn giảng, trong đó có bản của dịch giả Thích Minh Quang, Thích Thanh Từ , v.vv mà Phổ Nguyệt sẽ trình bày điều giác ngộ 1 nhận định về thế giới quan và pháp giải thoát tri kiến sau. Xuất xứ kinh Đại Nhân Giác và tác gỉả dịch ra Hán văn được các dịch giả trên đã trình bày rõ ràng, nên sự lập lại không cần thiết.

Chánh Tri Kiến

Chánh tri kiến là thấy biết một cách sáng suốt. Mọi sự việc muốn được thấy biết phân biệt rõ ràng, tốt xấu, thiện ác, phải quấy thì cần phải trau dồi học hỏi. Trau dồi trí tuệ, nói theo thế tục, gọi là học hỏi ở trong trường hay ngoài đời để tư tưởng ngày thêm phong phú; nói theo đạo pháp, đó là thanh lọc dòng tâm thức vốn chứa những mầm móng của vô minh-- là hành trình tu dưỡng thân tâm theo Bát Chánh Đạo. Tinh túy của trau dồi Trí Tuệ là thanh lọc dòng tâm thức luôn trôi chảy và giảm trừ nghiệp chướng trong Tàng Thức đã chất chứa nhiều đời nhiều kiếp. Đó là một hành động thực hiện phương pháp chuyển Thức (Vô Minh: sự tối tăm) thành Trí (Giác Ngộ: sự sáng suốt) hay pháp chánh tri kiến. Quán sát điều giác ngộ 1 về thế giới quan của Phật Giáo vô thường, khổ, không, và vô ngã thì con đường tìm đến chơn thường, chơn lạc, chơn tịnh, và chơn ngã dễ dàng hơn.

Điều giác ngộ 1: tư tưởng về thế giới quan của Phật Giáo

Phiên Âm (Hán văn)

Đệ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu; như thị quán sát, tiệm ly sinh tử.

Dịch Nghĩa (Việt văn)

Điều giác ngộ thứ nhất: Thế gian vốn vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn việc ác, thân là rừng nghiệp tội; nếu quán sát như thế, lần lần lìa sinh tử.

a). Thế gian vô thường.

Thế gian cũng đồng nghĩa với vũ trụ. Thời gian từ xưa đến nay gọi là vũ; không gian bốn phương trên dưới gọi là trụ. Chúng ta sống trong không gian vô cùng và thời gian vô tận tất phải có nhận thức về thế gian. Thế gian là một thế giới hiện tượng lưu chuyển mãi không ngừng nghỉ từng sát-na sanh diệt bất thường như vậy. Không gian luôn biến đổi. Chúng ta cũng chứng kiến được ruộng dâu biến thành bể cả và ngược lại. Thời gian huyễn hóa làm cho sự vật trở thành sanh trụ hoại diệt; con người thì sanh già bịnh chết. Chúng ta nhận thức đúng đắn và chơn thật rằng thế gian quả là vô thường. Thế giới hiện tượng vô thường mà sự vật hiện hữu do nhân duyên kết hợp, do đó chúng không có lúc nào tự mình độc lập tồn tại.

Chúng tôi muốn bàn đến thời gian và không gian là yếu tố quan trọng trong vấn đề sanh diệt nhân quả (vô thường). Mọi vật trong không gian này đều bị nhân quả của năng lực Thời Không chi phối. Như trong không gian có vũ trụ, thái dương hệ..., địa cầu. Mọi vật trong địa cầu đều bị sức hút (trọng lực) làm ảnh hưởng đến chất và lượng của bản thân chúng; ngay cả trái đất cũng lệ thuộc vào vận hành của thái dương hệ và chuyển động quanh quỹ đạo v. v.. đều nằm trong không gian. Trọng lực của trái đất (không gian) và lực cản của sự vật (nội chất), dung chứa trong không gian là hai lực mâu thuẫn Hút và Cản, tạo ra sự sanh diệt của sự vật. Lực Kéo của vũ trụ vô cùng to lớn -- trong khi lực Cản của sự vật quá nhỏ, ngay cả núi Thái Sơn, đối với không gian bao la vô tận cũng không thấm vào đâu. Cho nên theo thời gian, sự vật sẽ bị lực Kéo (không gian) hủy diệt mà thôi. Chúng tôi không muốn đề cập đến những nhân duyên phụ khác (không đáng kể trong trạng thái bình thường so với trọng lực) như ánh sáng, âm thanh, không khí v. v.. . Tất cả sự vật được dung chứa trong không gian đều có lực cản của chính nó và bị trọng lực thu hút và ảnh hưởng của sáu đại khác, có thể gây thêm cho sự vật ấy di động với những tốc độ khác nhau và có thể làm tổn hại đến chính nó và các sự vật khác. Trung Không Diệu Hữu cũng có nghĩa là trong không gian chứa biết bao điều huyền diệu. Trong không gian dung chứa tất cả mầm sanh diệt hay không gian đồng hóa với mầm sanh diệt tức là không gian coi như là mầm sanh diệt, vô thường.

b). Cõi Nước Rất Mong Manh.

Cõi nước mong manh (nguy thúy) là điều tất nhiên vì quốc độ nằm trong (hư không) không gian và ảnh hưởng của thời gian, nên nó cũng biến diệt và không bền vững. Thế gian vô thường thì quốc độ làm sao an ổn. Do sự vận hành của vũ trụ mà ảnh hưởng của thời gian và không gian làm biến đổi cõi nước không được an ổn và không còn thật là nó nữa, như động đất, cháy rừng, đại hồng thủy, núi lửa, phong ba bảo tố làm làng xóm hư hại gây cảnh đau khổ và nguy hại cho con người.

c). Bốn Đại Khổ Không.

“Tứ Đại Giai Không” là tư tưởng nói đến bản chất và hiện tượng của mọi vật và con người.

Tứ Đại: Catudhatuvavatthana (p)—Mahabhuta (skt)— Four tanmatra(theo TĐVA)—Bốn yếu tố lớn cấu tạo nên vạn hữu. Bốn thành phần nầy không tách rời nhau mà liên quan chặt chẽ lẫn nhau. Tuy nhiên, thành phần nầy có thể có ưu thế hơn thành phần kia. Chúng luôn thay đổi chứ không bao giờ đứng yên một chỗ trong hai khoảnh khắc liên tiếp. Theo Phật giáo thì vật chất chỉ tồn tại được trong khoảng thời gian của 17 chập tư tưởng, trong khi các khoa học gia thì cho rằng vật chất chỉ chịu đựng được 10 phần 27 của một giây. Nói gì thì nói, thân thể của chúng ta chỉ là tạm bợ, chỉ do nơi tứ đại hòa hợp giả tạm lại mà hành, nên một khi chết đi rồi thì thân tan về cát bụi, các chất nước thì từ từ khô cạn để trả về cho thủy đại, hơi nóng tắt mất, và hơi thở hoàn lại cho gió. Chừng đó thì thần thức sẽ phải theo các nghiệp lực đã gây tạo lúc còn sanh tiền mà chuyển vào trong sáu nẻo, cải hình, đổi xác, tiếp tục luân hồi không dứt. Vì nó do nhân duyên hoà hợp, nên giả tạm, như huyễn, không chân thật. Trong cái hư giả ấy, con người lại phải chịu hành hạ bởi tám thứ khổ: Sinh, già, bệnh, chết, ân ái chia lìa, oán thù gặp gỡ, ước muốn không thành, thân tâm đều khổ. Cho nên nói: Bốn đại khổ không là vậy.

d). Ngũ Ấm Vô Ngã

Theo giáo lý Phật, vạn pháp cấu tạo hình thành theo quy luật DUYÊN SANH, Y THA KHỞI. Dù hình dạng của sự vật sai khác, nhưng căn bản do ngũ uẩn hay ng ũ ấm hợp thành. Chính đức Phật đã xác định trong các kinh điển rằng ngũ ấm hay ngũ uẩn tuy khác nhau về mặt hình thức như uẩn thì thuộc loại trược khí, ấm thì thuộc loại thanh khí (như sắc ấm là thân trung ấm), nhưng chúng giống nhau về tánh chất.

Trong kinh A-hàm, Phật dạy ngũ ấm là vô ngã. Phật phân tích cho thấy thân này có năm phần, gọi là năm ấm. Năm ấm luôn luôn phủ che Phật tánh có sẵn nơi mọi người.

1- Sắc ấm: là phần thể xác con người do bốn chất đất, nước, gió, lửa hợp thành.

2- Thọ ấm: là phần cảm giác khổ vui, gặp cảnh thuận thì thân tâm cảm thấy thoải mái, vui thích đắm trước; gặp cảnh nghịch thì thân tâm cảm thấy bực bội buồn bã sân hận. Khi vui thì nói tôi vui, khi buồn thì nói tôi buồn. Chấp cái vui cái buồn đó là tâm ta.

3- Tưởng ấm: là nhớ tưởng về chuyện quá khứ, mơ ước những chuyện tương lai, rồi chấp chặt cái nhớ tưởng đó là tâm ta.

4- Hành ấm: là sự nghĩ suy tính toán phát ra hành nghiệp, rồi chấp chặt cái suy nghĩ tính toán đó là tâm ta.

5- Thức ấm: là sự phân biệt cái này tốt cái kia xấu, cái này hay cái kia dở… rồi chấp cái phân biệt đó là tâm ta.

Như thế, chấp sắc là thân ta, chấp thọ là tâm ta, chấp tưởng là tâm ta, chấp hành là tâm ta, chấp thức là tâm ta. Chấp như vậy thì một người có năm cái ta. Một người mà có năm cái ta có hợp lý không? Sắc thân có đây rồi sẽ hoại diệt tan rã. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là pháp sanh diệt, chợt hiện chợt mất, không thường không thật, lại mê chấp là thường là thật là ta. Vì vậy mà bị nó kéo đi mãi trong vòng sanh tử không dừng.

Giờ đây nghe Phật nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức là cái không thật, không thường hằng, có đó rồi mất đó, là cái sanh diệt không thật là ta, là vô ngã. Thấy biết rõ như vậy là giác ngộ. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dụ những cái sanh diệt có rồi mất là khách, vì nó đến rồi đi, nên không phải là chủ. Nếu là chủ thì không mất, lúc nào cũng hằng hữu. Thế mà chúng ta nhận cái chợt có chợt không đó là mình, tức là nhận khách làm chủ; do mê lầm như thế nên trầm luân sanh tử. Chúng ta thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải là ta, nó là tạm bợ, có rồi mất, đó là chúng ta đã thấu suốt được lý vô ngã mà Phật đã dạy.

Theo “Bát Nhã Tâm Kinh Qua Lăng Kính Thời Không: Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách.

Quán Tự Tại Bồ Tát, chủ thể quan sát, hay hành giả, trong quá trình tư duy sâu sắc (Trí quan sát) mới thấy được ngũ uẩn đều không, nên vượt qua mọi khổ ách.

Khi hành thâm: tức qua một thời gian thực hành nghiền ngẫm với Trí rộng khắp nhiều phương diện, lúc ấy mới thấy được ngũ uẩn đều không. Không ở đây là hai giai tầng thực tại của Tánh Không. Tánh Không thứ nhất là Tướng Không của ngũ uẩn (dung thể Không của ngũ uẩn chiếm trong không gian: Tướng không của Sắc và Sắc là Một, tức Sắc không khác Không và Không không khác Sắc) tức là Tự tính Tuyệt đối; còn Tánh Không thứ hai là không thật là nó nữa (như Sắc tức thị không nghĩa là Sắc trong 1 sát-na đã biến thành không thật là Sắc nguyên thủy: Sắc 0 tuổi và Sắc +1sát-na tuổi) là thực tại giả lập do lịch trình huyễn hóa ngũ uẩn. Cho nên suy xét kỹ thì thấy rõ mọi khổ ách (là quá khứ: Sắc tức thị không= Sắc qua 1 sát-na thì không còn thật Sắc nguyên thuỷ nữa) -- khi ở thể không tuyệt đối (hư không) -- không thể chạm vào hư không được dù hiện tại hay quá khứ. Còn ở thực tại giả lập, khổ ách quá khứ thì hiện tại không còn nữa. Sự đau khổ đã qua đi, chúng ta chỉ còn vương vấn trong ký ức và luôn lập lại bằng ảo giác âm vang trong tâm thức mà thôi.

Cái Ngã có hiện hữu trong ngũ ấm của chúng ta hay không? Ngũ ấm có thể chia ra thành những tư tưởng về Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Cái Ngã không thể là tổng số các thời liệu đó, vì lẽ nó không hề có vào bất cứ đ ịa h ạt vào thời điểm đặc biệt nào. Ngũ ấm giai không nên không thể là năm cái tôi. Quá khứ đã qua không còn nữa, làm sao cái tôi thuộc về Ký ức. Tương lai chưa đến, thì làm sao có cái Tôi được. Chỉ còn hiện tại. Để tồn tại, cái tôi cần phải có đặc tánh rõ ràng, phải thường hằng bất biến chứ không phải chợt có chợt không. Nhưng nó không có hình thể, màu sắc nơi chốn, nhất định. Càng tìm, càng không tìm ra nó. Cái Tôi chỉ là một cái nhãn hiệu dán lên ngũ ấm một sự hiện hữu liên tục. Nhận định như vậy giúp con người giảm nhẹ đi ý niệm xem "cái Tôi" như là một thực thể tối thượng bắt buộc chúng muốn những gì chúng ta thích và ghét bỏ những gì chúng ta không ưa. Cảm giác về cái Tôi đó khiến cho con người tách rời ra khỏi thiên hạ. Và cũng chính từ những tình cảm yêu ghét sai lạc đó, dấy lên những tư tưởng và tình cảm khởi điểm cho những lời nói và hành động đưa đến Đau Khổ. Khám phá bằng kinh nghiệm trực tiếp, bằng phân tích, bằng thiền định rằng cái "Ngã" không thật có (hay cái vô ngã), sẽ là một tiến trình đi đến giải thoát. Như giải thích trong kinh Bát Nhã thì ngữ uẩn hay ngũ ấm đều có tánh không hay ngũ ấm vô ngã.

e). Sinh Diệt Biến Dị.

- Sự Sanh Diệt Từ Vật Chất

Hiện tượng vô thường của sự vật hiện hữu do nhân duyên kết hợp, do đó chúng không có lúc nào tự mình độc lập tồn tại. Rõ ràng chúng có sanh ra thì có lúc phải hủy diệt vì lẽ có sự trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường chung quanh. Trong vật lý học, việc bảo tồn năng lượng cho biết năng lượng không sanh ra và không biến đi mà chỉ có thể thay đổi. Khi sự giao lưu năng lượng và vật chất của mỗi hữu thể với bên ngoài, hữu thể đó tạm thời ổn định cân bằng vì phải tiêu tán năng lượng và vật chất, nên thay cũ đổi mới để tồn tại. Sự trao đổi vật chất và năng lượng của hữu thể trong không gian là lịch trình sanh trụ hoại diệt. Sự giao lưu vật chất và năng lượng của xác thân con người với bên ngoài được tạm thời hiện hữu là lịch trình sanh lão bịnh tử. Sự vật hiện hữu do duyên hợp, khi duyên tan thì hoại không, theo lý Duyên Khởi

Sự Sanh Diệt Từ Vật Chất Đến Phi Vật Chất

Sự giao lưu năng lượng và vật chất với bên ngoài nên bản thân sự vật không những lệ thuộc vào nhân duyên nội tại mà phải bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường ngoại giới. Như ảnh hưởng vật chất từ thức ăn đến sinh dục con người, mà những yếu tố sinh lý ấy ảnh hưởng lớn đến tư tưởng tình cảm và hành động. Khi không thỏa mãn dục tính hoặc đói khát, sanh ra đau khổ, phiền não; còn khi đã thỏa mãn sinh lý thì cảm thấy sung sướng và khoái lạc. Hệ thống cân bằng sinh lý của con người được tạm thời ổn định là lịch trình tiêu tán của trạng thái đau khổ và khoái lạc. Lý Duyên Khởi được nhận thức sâu sắc qua Sự sanh diệt làm biến dị sự vật và chúng sanh.

f). Thân Là Rừng Nghiệp Tội;

Nghiệp và Quả Báo—Karmas and Recompenses. Nghiệp là sản phẩm của thân, khẩu, ý, như hạt giống được gieo trồng, còn quả báo là kết quả của nghiệp, như cây trái. Khi thân làm việc tốt, khẩu nói lời hay, ý nghĩ chuyện đẹp, thì nghiệp là hạt giống thiện. Ngược lại thì nghiệp là hạt giống ác. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy: “Muốn sống một đời cao đẹp, các con phải từng ngày từng giờ cố gắng kiểm soát những hoạt động nơi thân khẩu ý chớ đừng để cho những hoạt động nầy làm hại cả ta lẫn người.” Nghiệp và quả báo tương ứng không sai chạy. Giống lành sanh cây tốt quả ngon, trong khi giống xấu thì cây xấu quả tệ là chuyện tất nhiên. Như vậy, trừ khi nào chúng ta hiểu rõ ràng và hành trì tinh chuyên theo luật nhân quả hay nghiệp báo, chúng ta không thể nào kiểm soát hay kinh qua một cuộc sống như chúng ta ao ước đâu. Theo Phật Pháp thì không có thiên thần quỷ vật nào có thể áp đặt sức mạnh lên chúng ta, mà chúng ta có hoàn toàn tự do xây dựng cuộc sống theo cách mình muốn. Nếu chúng ta tích tụ thiện nghiệp, thì quả báo phải là hạnh phúc sướng vui, chứ không có ma quỷ nào có thể làm hại được chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta gây tạo ác nghiệp, dù có lạy lục van xin thì hậu quả vẫn phải là đắng cay đau khổ, không có trời nào có thể cứu lấy chúng ta. Ý (Tâm) khởi niệm, thân làm theo, tất cả hành vi đã làm hoặc khởi niệm mà chưa làm đều gọi là nghiệp. Tạo thiện nghiệp được phước báo, tạo ác nghiệp bị khổ báo, gọi là nghiệp báo. Hành vi do thân tâm sở khởi, sở tác, huân nhiễm nơi thức thứ tám thành chủng tử, tức là nghiệp nhân. Gặp duyên mà hiện hành, tức là nghiệp quả. Bất cứ thiện nghiệp hoặc ác nghiệp đều là chướng ngại sự kiến tánh giải thoát, nên gọi là nghiệp chướng, nên điều giác ngộ 1, Phật dạy, nếu quán sát như thế, lần lần lìa sinh tử.

Giải Thoát Tri Kiến

Giải thoát là xa lìa mọi sai lầm của các pháp của tâm thức, không bị xúc thọ ái ràng buộc "trong sự giải thoát là sự hiểu biết." Rõ ràng hơn trong sự giác ngộ bằng nhận thức các tri kiến dù là chánh tri kiến đi nữa thì chỉ là những tri thức thần lý, chưa giải thoát khỏi tri thức bên trong của tâm trí. Đó là pháp học để có kiến thức, và chỉ là sự giác ngộ cái bóng dáng của tri kiến, mà cần phải thực hành để thâm nhập vào tâm trí những tri kiến thật sự, để diệt tận mọi hình thái tri kiến giả danh.Thật vậy, sự hiểu biết sáng suốt, là tuệ tri, là cái biết rõ ràng, cái biết sát na hiện tiền, cái biết vô thời không. Khi hành giả tuệ tri (biết của Trí) về tri kiến và không có thời gian, thì xúc, thọ, ái không có kẻ hở để khởi sanh. Như hành giả quán, "tuệ tri" Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa" thì dòng tâm thức ngừng chảy (vô thời không), tức là không suy nghĩ thêm quan niệm , hay tư tưởng gì về tri kiến đó. Khi xúc, thọ, ái không khởi sanh trong tâm, thì đoạn diệt được thân kiến cũng như chúng không ràng buộc và gây ba độc, thì lúc ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc và không có chấp thủ. Giác Ngộ là Biết Gặp Thực Tướng của Vạn Hữu, là Giải Thoát khỏi nhận thức sai lầm về Tự Tính Giả Lập hay Tùy Thuộc của chúng, không còn hệ lụy đến sở tri hay tự ngã, không còn dính dáng đến vô minh khổ ưu sanh tử luân hồi.

Thiền định là phương tiện tối ưu để tuệ quán thực tướng sự vật mà giải thoát khỏi dòng sanh diệt.

Thường xuyên thực hành như sau để giác ngộ thiện pháp trong lúc ngồi thiền:

a)- Định Niệm Xứ

Tôi Tuệ tri thế giới là vô thường

Tôi Tuệ tri vũ trụ lưu chuyển và thay đổi không cố định

Tôi Tuệ tri không gian là hư ảo

Tôi Tuệ tri thời gan là huyễn hóa

Tôi Tuệ tri cõi nước thì mong manh, biến đổi không bền vững

Tôi Tuệ tri ngũ ấm thì vô ngã

Tôi Tuệ tri sanh diệt biến dị

Tôi Tuệ tri thân là rừng nghiệp tội, v.v...

Hay dùng

b)- Định Niệm Hơi Thở và Niệm Xứ

Khi thở vô, Tôi biết thế giới là vô thường

Khi thở ra, Tôi biết thế giới là vô thường

Có thể dùng một đề mục nầy trong thời thiền hoặc dùng nhiều đề mục khác nữa.

Và các niệm sau cũng kết hợp với định niệm hơi thở vô ra như trên.

Tôi biết vũ trụ lưu chuyển và thay đổi không cố định

Tôi biết không gian là hư ảo

Tôi biết thời gan là huyễn hóa

Tôi biết cõi nước thì mong manh, biến đổi không bền vững

Tôi biết ngũ ấm thì vô ngã

Tôi biết sanh diệt biến dị

Tôi biết thân là rừng nghiệp tội, v.v...

Nếu tuệ quán sát như thế, lần lần lìa sinh tử

Kết Luận.

Điều giác ngộ thứ nhất về tri kiến thuần lý đưa chúng ta đến tư tưởng thấm nhuần những bài học về thế giới quan của Phật Giáo, những chân tướng của vạn hữu mà có những tư tưởng đúng đắn về thế giới vô thường, thái độ khẳng định tin tưởng con đường đi đến Niết Bàn. Tạo ý nghĩ trong tâm để rèn luyện trí tuệ thiện pháp để được thanh thản, nhẹ nhàng dòng tâm thức không bị đè nặng bởi những pháp bất thiện.Trong thế giới quan được nhận xét là sự sống con người là mỏng manh vô thường, vô vọng và cần có những tư tưởng nhận định về cuộc sống nầy một cách tích cực không còn bị lôi kéo bởi các pháp bất thiện. và có pháp giải thoát để đạt đến cái thường hằng, thường lạc, thường tịnh và thường ngã. Khi giải thoát được tri kiến thuần lý thì mở ra con đường giác ngộ thật sự, vượt khỏi dòng bộc lưu sanh diệt, vì lẽ chúng ta không dùng tưởng tri hay quán tưởng tri kiến thuần lý vì còn liên hệ đế sở tri và tự ngã mà phải dùng tuệ tri hay tuệ quán để nhận thức tri kiến chơn thật và vô ngã, lần lần lìa sanh tử.

Tham khảo

Kinh Bát Đại Nhân Giác do HT. Thích Thanh Từ và Thích Minh Quang Việt dịch trích trong website Quảng Đức: http://www.quangduc.com

Nhất Nguyên Luận. Phổ Nguyệt trích trong websie Tạng Thư Phật Học:

http: www.tangthuphathoc.net

Thực Tại và Chí Đạo. Phổ Nguyệt, trích trong website Tạng Thư Phật Học.

TĐPHVA. Tự Điển Phật Hoc Việt Anh. Thiện Phúc trích trong website Quảng Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]