Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần [12]

22/04/201317:56(Xem: 4075)
Phần [12]


Tạng Luật
Vinaya Pitaka

Tiểu Phẩm
Cullavagga

Tỳ kheo Indachanda Nguyệt Thiêndịch

----oOo----

VII. Chương Chia Rẽ Hội Chúng (Saṅghabhedakkhandhakaṃ)

1. Tụng phẩm thứ nhất:

[337] Vào lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngụ tại Anupiyā. Anupiyā là tên của một thị trấn của xứ Malla. Vào lúc bấy giờ, nhiều vương tử rất danh tiếng thuộc giòng dõi Thích Ca (Sākya) đã xuất gia noi theo gương đức Thế Tôn.

[338] Vào lúc bấy giờ, Mahānāma giòng Sākya và Anuruddha giòng Sākya là hai anh em. Anuruddha là người mảnh mai. Chàng trai có ba tòa lâu đài: một dành cho mùa lạnh, một dành cho mùa nóng, và một dành cho mùa mưa. Ở trong tòa lâu đài trong bốn tháng mùa mưa, chàng luôn được vây quanh bởi các nữ công tấu nhạc và không bước xuống phía dưới của tòa lâu đài. Khi ấy, Manānāma giòng Sākya đã khởi ý rằng: "Hiện nay nhiều vương tử rất danh tiếng thuộc giòng dõi Thích Ca (Sākya) đã xuất gia noi theo gương đức Thế Tôn. Còn gia tộc của chúng ta thì không có người nào rời nhà xuất gia sống không nhà cả. Như vậy thì ta hoặc là Anuruddha nên xuất gia." Khi ấy, Mahānāma giòng Sākya đã đi đến gặp Anuruddha giòng Sākya, đến rồi đã nói với Anuruddha giòng Sākya rằng:

- Này Anuruddha yêu quý, hiện nay nhiều vương tử rất danh tiếng thuộc giòng dõi Thích Ca (Sākya) đã xuất gia noi theo gương đức Thế Tôn. Còn gia tộc của chúng ta thì không có người nào rời nhà xuất gia sống không nhà cả. Như vậy thì em hãy xuất gia hoặc anh sẽ xuất gia.

- Em thì mảnh mai, em không thể rời nhà xuất gia sống không nhà. Anh hãy xuất gia đi.

- Vậy hãy đến đây, Anuruddha yêu quý, anh sẽ chỉ dạy công việc gia đình. Trước tiên, ruộng nương cần bảo người cày xới; sau khi cho cày xới rồi cần bảo người gieo hạt; sau khi cho gieo hạt rồi cần bảo người đưa nước vào; sau khi cho đưa nước vào rồi cần bảo người tưới nước đều khắp các ruộng; sau khi cho tưới nước đều khắp các ruộng cần bảo người nhổ cỏ; sau khi cho nhổ cỏ rồi cần bảo người gặt hái; sau khi cho gặt hái rồi cần bảo người thâu hoạch; sau khi cho thâu hoạch rồi cần bảo người chất thành đống; sau khi cho chất thành đống rồi cần bảo người đập giũ; sau khi cho đập giũ rồi cần bảo người tách rơm ra; sau khi cho tách rơm ra cần bảo người tách trấu ra; sau khi cho tách trấu ra cần bảo người sàng sảy; sau khi cho sàng sảy rồi cần bảo người đem cất vào kho; sau khi cho đem cất vào kho rồi vào mùa tới cũng cần được làm y như thế; vào mùa tới cũng cần được làm y như thế.

- Thế các công việc không được chấm dứt sao? Sự chấm dứt của các công việc không được biết đến hay sao? Khi nào thì các công việc được chấm dứt? Khi nào thì sự chấm dứt các công việc được biết đến? Khi nào chúng ta mới được rảnh rỗi mà hưởng thụ năm phần dục lạc đã được ban cho và cung ứng?

- Này Anuruddha yêu quý, công việc không được chấm dứt. Sự chấm dứt của các công việc không được biết đến. Cha và ông đã qua đời nhưng công việc vẫn không chấm dứt.

- Nếu vậy thì anh hãy quản lý công việc gia đình. Em sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.

[339] Sau đó, Anuruddha giòng Sākya đã đi đến gặp người mẹ, đến rồi đã nói với người mẹ rằng:

- Mẹ à, con muốn rời nhà xuất gia sống không nhà. Mẹ hãy cho phép con rời nhà xuất gia sống không nhà.

Nghe nói vậy, mẹ của Anuruddha giòng Sākya đã nói với Anuruddha giòng Sākya rằng:

- Này Anuruddha yêu quý, các con là hai người con trai cưng, yêu dấu, dễ thương của mẹ. Cho dù là chết đi, mẹ cũng vẫn không muốn xa các con. Làm sao trong lúc đang còn sống, mẹ lại cho phép con rời nhà xuất gia sống không nhà?

Đến lần thứ nhì, …(như trên)…

Đến lần thứ ba, Anuruddha giòng Sākya đã đi đến gặp người mẹ, đến rồi đã nói với người mẹ rằng:

- Mẹ à, con muốn rời nhà xuất gia sống không nhà. Mẹ hãy cho phép con rời nhà xuất gia sống không nhà.

[340] Vào lúc bấy giờ, Bhaddiya là đức vua giòng Sākya đang trị vì lãnh thổ Sākya. Đức vua là bạn thân của Anuruddha giòng Sākya. Khi ấy, mẹ của Anuruddha giòng Sākya (nghĩ rằng): "Có Bhaddiya, đức vua giòng Sākya, đang trị vì lãnh thổ Saky là bạn thân của Anuruddha giòng Sākya. Vị ấy không nhiệt tình rời nhà xuất gia sống không nhà," nên đã nói với Anuruddha giòng Sākya rằng:

- Này Anuruddha yêu quý, nếu Bhaddiya đức vua giòng Sākya rời nhà xuất gia sống không nhà, thì con cũng xuất gia như vậy.

Sau đó, Anuruddha giòng Sākya đã đi đến gặp Bhaddiya đức vua giòng Sākya, đến rồi đã nói với Bhaddiya đức vua giòng Sākya rằng:

- Này bạn, việc xuất gia của tôi tùy thuộc vào bạn đó.

- Này bạn, nếu việc xuất gia của bạn tùy thuộc vào tôi, hãy làm cho nó không còn tùy thuộc nữa. Tôi với bạn ..., cứ việc xuất gia một cách thỏai mái.

[Buddhaghosa giải thích rằng: Bhaddiya vì thương mến bạn muốn nói rằng: "Tôi với bạn sẽ xuất gia, bạn cứ việc xuất gia một cách thoải mái" nhưng vì lòng ham muốn làm vua ngăn cản trái tim lại nên không thể nói hết câu được.]

- Này bạn, giờ hãy đi. Cả hai ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.

- Không được đâu, bạn à. Tôi không thể rời nhà xuất gia sống không nhà. Điều gì khác tôi có thể làm cho bạn thì tôi sẽ làm ngay. Giờ bạn hãy xuất gia đi.

- Này bạn, nhưng vì mẹ nói với tôi như vầy: "Nếu Bhaddiya đức vua giòng Sākya rời nhà xuất gia sống không nhà, thì con cũng xuất gia như vậy." Này bạn, bạn đã nói lời nói này: "Này bạn, nếu việc xuất gia của bạn tùy thuộc vào tôi, hãy làm cho nó không còn tùy thuộc nữa. Tôi với bạn ..., cứ việc xuất gia một cách thỏai mái." Này bạn, giờ hãy đi. Cả hai ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.

Vào lúc bấy giờ, con người nói năng chân thật, tôn trọng sự chân thật. Khi ấy, Bhaddiya đức vua giòng Sākya đã nói với Anuruddha giòng Sākya rằng:

- Này bạn, hãy chờ bảy năm. Sau bảy năm, chúng ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.

- Này bạn, bảy năm lâu quá. Tôi không thể chờ bảy năm.

- Này bạn, hãy chờ sáu năm. …(như trên)… năm năm. …(như trên)… bốn năm. …(như trên)… ba năm. …(như trên)… hai năm. …(như trên) …một năm. Sau một năm, chúng ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.

- Này bạn, một năm lâu quá. Tôi không thể chờ một năm.

- Này bạn, hãy chờ bảy tháng. Sau bảy tháng, chúng ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.

- Này bạn, bảy tháng lâu quá. Tôi không thể chờ bảy tháng.

- Này bạn, hãy chờ sáu tháng. …(như trên)… năm tháng. … bốn tháng. … ba tháng. … hai tháng. … một tháng. … nửa tháng. Sau nửa tháng, chúng ta sẽ rời nhà xuất gia sống không nhà.

- Này bạn, nửa tháng lâu quá. Tôi không thể chờ nửa tháng.

- Này bạn, hãy chờ bảy ngày đến khi tôi trao lại vương quốc cho các người con trai và các người em trai xong.

- Này bạn, bảy ngày không lâu lắm. Tôi sẽ chờ.

[341] Khi ấy, Bhaddiya đức vua giòng Sākya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimila, Devadatta, với thợ cạo Upāli là người thứ bảy. Giống như trước đây họ đã đưa nhau đi đến vườn hoa cùng với bốn loại quân binh, giờ cũng như thế họ đã đưa nhau đi cùng với bốn loại quân binh. Khi đi đã xa, họ đã cho quân binh trở về. Khi đi đến một khu vực khác, họ đã cởi các đồ trang sức ra và lấy y khoác ngoài cột lại thành một gói rồi nói với thợ cạo Upāli rằng:

- Này Upāli, ngươi nên trở lại. Nhiêu đây cũng đủ cho cả đời của ngươi.

[342] Sau đó, thợ cạo Upāli trong khi đi trở về đã khởi ý rằng: "Những người giòng Sākya thì ác độc, (họ nghĩ rằng): ‘Gã này đã làm cho các vương tử trở thành bần cùng!’ thậm chí có thể ra lệnh giết ta. Các vương tử giòng Sākya này còn rời nhà xuất gia sống không nhà được, việc gì ta lại không?" Vị ấy đã mở gói đồ ra treo các thứ ở trên cây nói rằng: "Ai thấy được cứ việc lấy món quà," rồi đi đến gặp các vương tử giòng Sākya. Các vương tử ấy đã thấy người thợ cạo đang từ đàng xa đi lại. Khi gặp lại thợ cạo Upāli, các vị đã nói rằng:

- Này Upāli, ngươi quay lại vì chuyện gì vậy?

- Thưa các vương tử, trong trường hợp này, khi quay trở về tôi đã khởi ý rằng: "Những người giòng Sākya thì ác độc, (nghĩ rằng): ‘Gã này đã làm cho các vương tử trở thành bần cùng!’ thậm chí có thể ra lệnh giết ta. Các vương tử giòng Sākya này còn rời nhà xuất gia sống không nhà được, việc gì ta lại không?" Thưa các vương tử, sau đó tôi đã mở gói đồ ra treo các thứ ở trên cây nói rằng: "Ai thấy được cứ việc lấy món quà," rồi từ đó tôi quay lại đây.

- Này Upāli, ngươi đã hành động đúng khi không quay về vì những người giòng Sākya đúng là ác độc, (nghĩ rằng): "Gã này đã làm cho các vương tử trở thành bần cùng!" thậm chí có thể ra lệnh giết ngươi.

[343] Sau đó, các vương tử giòng Sākya đã đưa người thợ cạo đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các vương tử giòng Sākya ấy đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, chúng tôi thuộc giòng Sākya thường ngã mạn. Bạch ngài, thợ cạo Upāli này là người hầu cận của chúng tôi đã lâu nay. Xin đức Thế Tôn cho ông ta xuất gia trước tiên. Chúng tôi sẽ thực hành bổn phận nghiêm chỉnh là sự đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay lại đối với ông ta. Như vậy sự ngã mạn của giòng Sākya trong những người Sākya chúng tôi sẽ không còn nữa.

Rồi đức Thế Tôn đã cho người thợ cạo Upāli xuất gia trước tiên kế đến là các vương tử giòng Sākya ấy.

[344] Sau đó, đại đức Bhaddiya đã chứng tam minh trong năm ấy. Đại đức Anuruddha chứng thiên nhãn. Đại đức Ānanda chứng quả Nhập Lưu. Devadatta đạt được thần thông của phàm nhân.

[345] Vào lúc bấy giờ, đại đức Bhaddiya khi ở trong rừng, ở dưới cội cây, ở nơi đồng trống thường xuyên thốt lên lời cảm hứng rằng: "Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!" Khi ấy, một số đông tỷ-kheo đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các tỷ-kheo ấy đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, đại đức Bhaddiya khi ở trong rừng, ở dưới cội cây, ở nơi đồng trống thường xuyên thốt lên lời cảm hứng rằng: "Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!" Bạch ngài, chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya thực hành phạm hạnh không được hoan hỷ. Mặc dù ở trong rừng, ở dưới cội cây, ở nơi đồng trống, vị ấy trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương quyền trước đây nên đã thường xuyên thốt lên lời cảm hứng rằng: "Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!"

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỷ-kheo rằng:

- Này tỷ-kheo, ngươi hãy nhân danh ta đi đến nói với tỷ-kheo Bhaddiya rằng: "Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư cho gọi đại đức."

- Thưa vâng, bạch ngài.

Vị tỷ-kheo ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Bhaddiya, đến rồi đã nói với đại đức Bhaddiya rằng:

- Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư cho gọi đại đức.

[346] - Bạch đại đức, xin vâng.

Đại đức Bhaddiya nghe theo vị tỷ-kheo ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn đã nói với đại đức Bhaddiya đang ngồi ở một bên rằng:

- Này Bhaddiya, nghe nói ngươi khi ở trong rừng, ở dưới cội cây, ở nơi đồng trống thường xuyên thốt lên lời cảm hứng rằng: "Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!"

- Thưa vâng, bạch ngài.

- Này Bhaddiya, ngươi cảm nhận được lợi ích gì khi ở trong rừng, ở dưới cội cây, ở nơi đồng trống mà thường xuyên thốt lên lời cảm hứng: "Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!" vậy?

- Bạch ngài, trước đây con là một vị vua có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong hậu cung, có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài hậu cung, có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong thành phố, có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài thành phố, có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong xứ sở, có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài xứ sở. Bạch ngài, tuy được bảo vệ và bảo hộ như vậy, con đây sống vẫn cảm thấy khiếp đảm, sợ hãi, lo âu, hồi hộp. Bạch ngài, thế mà giờ đây, con chỉ một mình, ở trong rừng, ở dưới cội cây, ở nơi đồng trống lại không khiếp đảm, không sợ hãi, không lo âu, không hồi hộp, vô tư lự, điềm tĩnh, không lệ thuộc sự chăm sóc của người khác, sống với tâm như loài thú rừng. Bạch ngài, con đây cảm nhận được sự lợi ích khi ở trong rừng, ở dưới cội cây, ở nơi đồng trống nên thường xuyên thốt lên lời cảm hứng rằng: "Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!"

Khi đó, đức Thế Tôn, sau khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi vào lúc ấy đã thốt lên lời cảm hứng rằng:

[347]

Sân hận không hiện hữu
trong tâm của người nào,
như thế đã vượt qua
khỏi hữu và phi hữu,
là người hết sợ hãi,
an lạc, không sầu muộn,
chư thiên không thành tựu
việc thấy được vị ấy.

[348] Sau khi đã ngụ ở Anupiyā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã lên đường du hành đến Kosambī. Tuần tự du hành, ngài đã ngự đến Kosambī. Ở đó, tại Kosambī, đức Thế Tôn đã ngự ở tu viện Ghosita.

[349] Khi ấy, trong lúc Devadatta độc cư thiền tịnh, có một tư tưởng suy tầm như vầy đã khởi lên: "Ta nên làm cho ai tin tưởng để khi người ấy đã đặt niềm tin nơi ta rồi thì sẽ có nhiều lợi lộc và vinh quang sanh khởi?" Khi ấy, ý này đã khởi lên cho Devadatta: "Hoàng tử Ajātasattu này còn trẻ và tương lai chắc chắn sẽ rạng rỡ. Vậy ta nên làm cho hoàng tử Ajātasattu này tin tưởng để khi hoàng tử đã đặt niềm tin nơi ta rồi thì sẽ có nhiều lợi lộc và vinh quang sanh khởi."

Khi ấy, Devadatta đã thu xếp sàng tọa rồi cầm y bát đi đến thành Vương Xá (Rājagaha). Tuần tự, vị ấy đã đến được Rājagaha. Lúc bấy giờ, Devadatta đã thay đổi hình dạng của mình và biến thành hình dạng một bé trai thân quấn đầy rắn xuất hiện ở trên bắp vế của hoàng tử Ajātasattu. Khi đó, hoàng tử Ajātasattu đã trở nên khiếp đảm, sợ hãi, lo âu, hồi hộp. Rồi Devadatta đã nói với hoàng tử Ajātasattu rằng:

- Hoàng tử, ngài sợ tôi hay sao?

- Vâng, ta sợ lắm. Ngươi là ai?

- Tôi là Devadatta.

- Thưa ngài, nếu ngươi là ngài Devadatta, xin hãy hiện ra với hình dáng của chính ngài đi.

Sau khi đã thay đổi hình dạng đứa bé trai đó, Devadatta mang y hai lớp (saṅghāti) và y bát đã hiện ra trước hoàng tử Ajātasattu. Lúc bấy giờ, hoàng tử Ajātasattu vô cùng ngưỡng mộ thần thông kỳ diệu ấy của Devadatta nên sáng chiều đã đi đến phục vụ cùng với đoàn xe năm trăm chiếc và còn cho mang lại cúng dường năm trăm phần ăn là cơm nấu với sữa. Khi ấy, Devadatta với tâm đã bị ám ảnh và đã bị chế ngự bởi lợi lộc, vinh quang, và danh vọng khiến điều tham muốn như vầy đã khởi lên: "Ta sẽ quản trị hội chúng tỷ-kheo." Ngay khi ý nghĩ ấy sanh khởi, Devadatta đã bị mất đi thần thông của mình.

[350] Vào lúc bấy giờ, thị giả của đại đức Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna) tên là Kakudha con trai của Koliya vừa mới từ trần và tái sanh vào một thân khác do ý sanh. Vị ấy đạt được bản thể có hình dạng như là hai hay ba cánh đồng làng ở Magadha. Với sự thành tựu bản thể đó, vị ấy vẫn không làm tổn thương chính mình hay người khác. Khi ấy, thiên tử Kakudha đã đi đến gặp đại đức Mahāmoggallāna, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahāmoggallāna rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, thiên tử Kakudha đã nói với đại đức Mahāmoggallāna rằng:

- Bạch ngài, Devadatta với tâm đã bị ám ảnh và đã bị chế ngự bởi lợi lộc, vinh quang, và danh vọng chế ngự khiến điều tham muốn như vầy đã khởi lên: "Ta sẽ quản trị hội chúng tỷ-kheo." Ngay khi ý nghĩ ấy sanh khởi, Devadatta đã bị mất đi thần thông của mình.

Thiên tử Kakudha đã nói lên điều ấy. Nói điều ấy xong, vị ấy đã đảnh lễ đại đức Mahāmoggallāna, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi biến mất ngay tại chỗ ấy.

[351] Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Mahāmoggallāna đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, thị giả của con tên là Kakudha con trai giòng Koliya vừa mới từ trần và tái sanh vào một thân khác do ý sanh. Vị ấy đạt được bản thể có hình dạng như là hai hay ba cánh đồng làng ở Magadha. Với sự thành tựu bản thể đó, vị ấy vẫn không làm tổn thương chính mình hay người khác. Bạch ngài, khi ấy thiên tử Kakudha đã đi đến gặp con, sau khi đến đã đảnh lễ con rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, thiên tử Kakudha đã nói với con rằng: "Bạch ngài, Devadatta với tâm đã bị ám ảnh và đã bị chế ngự bởi lợi lộc, vinh quang, và danh vọng chế ngự khiến điều tham muốn như vầy đã khởi lên: "Ta sẽ quản trị hội chúng tỷ-kheo." Ngay khi ý nghĩ ấy sanh khởi, Devadatta đã bị mất đi thần thông của mình." Thiên tử Kakudha đã nói lên điều ấy. Nói điều ấy xong, vị ấy đã đảnh lễ con, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi biến mất ngay tại chỗ ấy.

- Này Moggallāna, phải chăng tâm của ngươi và tâm của thiên tử Kakudha hiểu biết lẫn nhau nên theo cách như thế bất cứ điều gì thiên tử Kakudha nói, ngươi biết được tất cả các điều ấy, chứ không phải là cách khác?

- Bạch ngài, tâm của con và tâm của thiên tử Kakudha hiểu biết lẫn nhau nên theo cách như thế bất cứ điều gì thiên tử Kakudha nói, con biết được tất cả các điều ấy, chứ không phải là cách khác.

- Này Moggallāna, hãy giữ kín điều vừa nói ấy. Này Moggallāna, hãy giữ kín điều vừa nói ấy. Đã đến lúc kẻ rồ dại này sẽ tự mình làm bộc lộ bản thân.

[352] Này Moggallāna, đây là năm hạng đạo sư đang hiện hữu ở trên đời. Thế nào là năm? Ở đây, này Moggallāna, có hạng đạo sư có giới không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta có giới thanh tịnh," "Giới của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này có giới không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta có giới thanh tịnh,’ ‘Giới của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này Moggallāna, như vầy là các đệ tử bảo vệ giới cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ giới từ các đệ tử.

[353] Còn điều khác nữa, này Moggallāna, ở đây có hạng đạo sư nuôi mạng không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta nuôi mạng thanh tịnh," "Sự nuôi mạng của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này nuôi mạng không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta nuôi mạng thanh tịnh,’ ‘Sự nuôi mạng của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này Moggallāna, như vầy là các đệ tử bảo vệ việc nuôi mạng cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ việc nuôi mạng từ các đệ tử.

[354] Còn điều khác nữa, này Moggallāna, ở đây có hạng đạo sư thuyết pháp không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta thuyết pháp thanh tịnh," "Sự thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này thuyết pháp không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta thuyết pháp thanh tịnh,’ ‘Sự thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này Moggallāna, như vầy là các đệ tử bảo vệ việc thuyết pháp cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ việc thuyết pháp từ các đệ tử.

[355] Còn điều khác nữa, này Moggallāna, ở đây có hạng đạo sư có lối giải thích không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta có lối giải thích thanh tịnh," "Lối giải thích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này có lối giải thích không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta có lối giải thích thanh tịnh,’ ‘Lối giải thích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này Moggallāna, như vầy là các đệ tử bảo vệ lối giải thích cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ lối giải thích từ các đệ tử.

[356] Còn điều khác nữa, này Moggallāna, ở đây có hạng đạo sư có tri kiến không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta có tri kiến thanh tịnh," "Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này có tri kiến không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta có tri kiến thanh tịnh,’ ‘Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này Moggallāna, như vầy là các đệ tử bảo vệ tri kiến cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ tri kiến từ các đệ tử.

Này Moggallāna, năm hạng đạo sư này đang hiện hữu ở trên đời.

[357] Và này Moggallāna, ta có giới thanh tịnh và biết rằng: "Ta có giới thanh tịnh," "Giới của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử không cần bảo vệ giới cho ta, và ta cũng không mong đợi sự bảo vệ giới từ các đệ tử. Ta nuôi mạng thanh tịnh, …(như trên)… Ta thuyết Pháp thanh tịnh, …(như trên)… Ta có lối giải thích thanh tịnh, …(như trên)… Ta có tri kiến thanh tịnh và biết rằng: "Ta có tri kiến thanh tịnh," "Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử không cần bảo vệ tri kiến cho ta, và ta cũng không mong đợi sự bảo vệ tri kiến từ các đệ tử.

[358] Sau khi ngự tại Kosambī được như ý thích, đức Thế Tôn đã lên đường du hành đi đến Rājagaha. Lần lượt du hành ngài đã ngự đến Rājagaha. Ở đó, tại Rājagaha, đức Thế Tôn ngụ tại Trúc Lâm (Veluvana), nơi nuôi dưỡng các con sóc.

[359] Lúc bấy giờ, một số đông tỷ-kheo đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các tỷ-kheo ấy đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, hoàng tử Ajātasattu sáng chiều đã đi đến phục vụ Devadatta cùng với đoàn xe năm trăm chiếc, và còn cho mang lại cúng dường năm trăm phần ăn là cơm nấu với sữa.

- Này các tỷ-kheo, chớ có ganh tỵ với Devadatta về lợi lộc, vinh quang, và danh vọng. Này các tỷ-kheo, cho đến khi nào hoàng tử Ajātasattu còn sáng chiều đi đến phục vụ Devadatta cùng với đoàn xe năm trăm chiếc, và cho mang lại cúng dường năm trăm phần ăn là cơm nấu với sữa thì này các tỷ-kheo, việc suy giảm trong các thiện pháp là điều sẽ xảy đến cho Devadatta, chứ không phải sự tiến triển.

Này các tỷ-kheo, cũng giống như làm vỡ túi mật ở mũi của một con chó dữ tợn; này các tỷ-kheo, bởi vì như vậy con chó ấy sẽ trở nên dữ tợn hơn trước. Tương tợ như thế, này các tỷ-kheo, cho đến khi nào hoàng tử Ajātasattu còn sáng chiều đi đến phục vụ Devadatta cùng với đoàn xe năm trăm chiếc, và cho mang lại cúng dường năm trăm phần ăn là cơm nấu với sữa thì này các tỷ-kheo, việc suy giảm trong các thiện pháp là điều sẽ xảy đến cho Devadatta, chứ không phải sự tiến triển.

Này các tỷ-kheo, lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại của bản thân. Này các tỷ-kheo, giống như cây chuối khi trổ quả thì đưa đến sự hư hỏng của thân cây, khi trổ quả thì đưa đến sự tiêu hoại của thân cây; tương tợ như thế, lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại của bản thân.

Này các tỷ-kheo, giống như cây tre khi ra hoa thì đưa đến sự hư hỏng của thân cây, khi ra hoa thì đưa đến sự tiêu hoại của thân cây; tương tợ như thế, lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại của bản thân.

Này các tỷ-kheo, giống như cây sậy khi ra hoa thì đưa đến sự hư hỏng của thân cây, khi ra hoa thì đưa đến sự tiêu hoại của thân cây; tương tợ như thế, lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại của bản thân.

Này các tỷ-kheo, giống như con lừa cái khi mang thai thì đưa đến sự hư hỏng của bản thân, khi mang thai thì đưa đến sự tiêu hoại của bản thân; tương tợ như thế, lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự hư hỏng của bản thân; lợi lộc, vinh quang, và danh vọng đã đem lại cho Devadatta sự tiêu hoại của bản thân.

[360]

Quả hại chết cây chuối,
hoa hại chết cây tre,
hoa hại chết cây sậy,
bào thai hại chết lừa;
tương tợ như thế ấy,
vinh quang giết kẻ ngu.

Dứt Tụng Phẩm thứ nhất.

[361] Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi giữa một hội chúng đông đảo và đang thuyết giảng Giáo Pháp đến đức vua và đoàn tùy tùng. Khi ấy, Devadatta đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay xá đức Thế Tôn rồi nói rằng:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn nay đã tàn tạ, già cả, lớn tuổi, đã sống thọ, gần cuối cuộc đời. Bạch ngài, giờ đây xin đức Thế Tôn sống gắn bó và an trú trong pháp đã chứng, còn hội chúng tỷ-kheo hãy bàn giao cho tôi, tôi sẽ cai quản hội chúng tỷ-kheo.

- Này Devadatta, đủ rồi, ngươi chớ có mong để được cai quản hội chúng tỷ-kheo.

Lần thứ nhì, Devadatta …(như trên)…

Đến lần thứ ba, Devadatta đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn nay đã tàn tạ, già cả, lớn tuổi, đã sống thọ, gần cuối cuộc đời. Bạch ngài, giờ đây, xin đức Thế Tôn sống gắn bó và an trú trong pháp đã chứng, còn hội chúng tỷ-kheo hãy bàn giao cho tôi, tôi sẽ cai quản hội chúng tỷ-kheo.

- Này Devadatta, ta còn không bàn giao hội chúng tỷ-kheo cho Xá Lợi Phất (Sāriputta) và Mục Kiền Liên (Moggallāna), tại sao lại bàn giao cho kẻ tồi tệ đáng phỉ nhổ như ngươi.

Khi ấy, Devadatta (nghĩ rằng): "Đức Thế Tôn đã bôi nhọ ta bằng cách gọi là kẻ đáng phỉ nhổ trước hội chúng có cả nhà vua và còn ca tụng Sāriputta và Moggallāna nữa!" trở nên tức tối, không thỏa mãn, rồi đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi. Như thế, đây mối ác cảm thứ nhất của Devadatta đối với đức Thế Tôn.

[362] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, như vậy thì hội chúng hãy thực thi hành sự công bố (pakāsanīyakammaṃ) về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta." Và này các tỷ-kheo, nên thực thi như vậy: Hội chúng cần được thông báo bởi một tỷ-kheo có kinh nghiệm đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực thi hành sự công bố về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta." Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng lắng nghe tôi. Hội chúng thực thi hành sự công bố về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta." Đại đức nào đồng ý sự thực thi hành sự công bố về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta," xin im lặng; vị nào không thỏa thuận, có thể nói lên.

Hành sự công bố về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta" đã được hội chúng thực thi. Sự việc được hội chúng thỏa thuận nên im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

[363] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Sāriputta rằng:

- Này Sāriputta, như vậy thì ngươi hãy công bố về Devadatta ở trong thành Rājagaha.

- Bạch ngài, trước đây ở trong thành Rājagaha con đã khen ngợi về Devadatta rằng: "Con trai của Godhi có đại thần lực, con trai của Godhi có đại năng lực." Bạch ngài, làm sao con có thể công bố về Devadatta ở trong thành Rājagaha được?

- Này Sāriputta, khi ngươi khen ngợi về Devadatta ở trong thành Rājagaha rằng: "Con trai của Godhi có đại thần lực, con trai của Godhi có đại năng lực" phải chăng là đúng sự thật?

- Thưa vâng, bạch ngài.

- Này Sāriputta, cũng tương tợ như vậy, ngươi hãy công bố đúng sự thật về Devadatta ở trong thành Rājagaha.

- Thưa vâng, bạch ngài. Đại đức Sāriputta đã đáp lời đức Thế Tôn.

[364] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, nếu vậy thì hội chúng hãy chỉ định Sāriputta (làm công việc) công bố về Devadatta ở trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta." Và này các tỷ-kheo, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, Sāriputta cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông qua bởi một tỷ-kheo có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định Sāriputta (làm công việc) công bố về Devadatta ở trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta." Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định Sāriputta (làm công việc) công bố về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta." Đại đức nào đồng ý sự chỉ định Sāriputta (làm công việc) công bố về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta" xin im lặng; vị nào không thỏa thuận, có thể nói lên.

Hội chúng đã chỉ định Sāriputta (làm công việc) công bố về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta." Sự việc được hội chúng thỏa thuận nên im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

[365] Sau khi đã được chỉ định, đại đức Sāriputta cùng với số đông tỷ-kheo đã đi vào thành Rājagaha và công bố về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta." Ở nơi ấy, những người không có đức tin, không hoan hỷ, kém trí tuệ nói rằng: "Các sa-môn Thích Tử này ganh tỵ. Họ ganh tỵ với lợi lộc và vinh quang của Devadatta." Còn những người có đức tin, hoan hỷ, trí tuệ thì nói như vầy: "Việc đức Thế Tôn cho công bố về Devadatta như thế này cũng chẳng có gì sai trái cả!"

[366] Khi ấy, Devadatta đã đi đến gặp hoàng tử Ajātasattu, đến rồi đã nói với hoàng tử Ajātasattu rằng:

- Tâu hoàng tử, trước đây người ta sống thọ, bây giờ yểu thọ. Điều thực tế cần được biết là ngài cũng có thể chết đi trong lúc vẫn còn là hoàng tử; tâu hoàng tử, chính vì thế ngài hãy giết cha và lên làm vua. Ta sẽ giết đức Thế Tôn và trở thành đức Phật.

Sau đó, hoàng tử Ajātasattu (nghĩ rằng): "Ngài Devadatta có đại thần lực, đại năng lực; ngài Devadatta biết," nên vào lúc sáng sớm đã thắt một con dao găm ở đùi, rồi (với vẻ) khiếp đảm, sợ hãi, lo âu, hồi hộp, đã xông vào hậu cung một cách vội vã. Các vị quan canh gác hậu cung đã thấy hoàng tử Ajātasattu vào lúc sáng sớm (với vẻ) khiếp đảm, sợ hãi, lo âu, hồi hộp, xông vào hậu cung vội vã; thấy rồi họ đã giữ lại. Trong lúc khám xét, họ thấy con dao găm thắt ở đùi nên đã hỏi hoàng tử Ajātasattu rằng:

- Tâu hoàng tử, ngài muốn làm gì vậy?

- Muốn giết cha ta thôi.

- Do ai xúi giục?

- Do ngài Devadatta.

Một số vị quan đã đưa ý kiến như vầy:

- Hoàng tử phải bị giết chết, Devadatta và tất cả các tỷ-kheo phải bị giết chết.

Một số vị quan khác đã đưa ý kiến như vầy:

- Các tỷ-kheo không phải chết. Các vị tỷ-kheo không làm gì tổn hại. Chỉ có hoàng tử phải bị giết chết và Devadatta phải bị giết chết.

Một số vị quan khác đã đưa ý kiến như vầy:

- Hoàng tử không phải chết, Devadatta cũng không. Các tỷ-kheo cũng không phải chết. Hãy trình báo lên đức vua. Đức vua ra lệnh thế nào thì chúng ta sẽ làm theo.

[367] Sau đó, các vị quan đã đưa hoàng tử Ajātasattu đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha; đến rồi họ đã kể sự việc ấy đến đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha:

- Các khanh, các vị quan có ý kiến thế nào?

- Tâu bệ hạ, một số vị quan đã đưa ý kiến như vầy: "Hoàng tử phải bị giết chết, Devadatta và tất cả các tỷ-kheo phải bị giết chết." Một số vị quan khác đã đưa ý kiến như vầy: "Các tỷ-kheo không phải chết. Các vị tỷ-kheo không làm gì tổn hại. Chỉ có hoàng tử phải bị giết chết và Devadatta phải bị giết chết." Một số vị quan khác đã đưa ý kiến như vầy: "Hoàng tử không phải chết, Devadatta cũng không. Các tỷ-kheo cũng không phải chết. Hãy trình báo lên đức vua. Đức vua ra lệnh thế nào thì chúng ta sẽ làm theo."

- Này các khanh, đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng sẽ làm gì đây? Không phải trước đây đức Thế Tôn đã cho công bố về Devadatta trong thành Rājagaha rằng: "Bản chất của Devadatta trước đây khác, nay đã khác. Việc gì Devadatta làm bằng thân hoặc bằng lời nói, không nên xem điều ấy là của đức Phật, đức Pháp, hoặc đức Tăng mà nên xem điều ấy là của chính Devadatta." Trong trường hợp này, những vị quan nào đã đưa ý kiến như vầy: "Hoàng tử phải bị giết chết, Devadatta và tất cả các tỷ-kheo phải bị giết chết," những vị ấy sẽ bị mất chức. Những vị quan nào đã đưa ý kiến như vầy: "Các tỷ-kheo không phải chết. Các vị tỷ-kheo không làm gì tổn hại. Chỉ có hoàng tử phải bị giết chết và Devadatta phải bị giết chết," những vị ấy sẽ bị giáng chức. Những vị quan nào đã đưa ý kiến như vầy: "Hoàng tử không phải chết, Devadatta cũng không. Các tỷ-kheo cũng không phải chết. Hãy trình báo lên đức vua. Đức vua ra lệnh thế nào thì chúng ta sẽ làm theo," những vị ấy sẽ được thăng chức.

Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với hoàng tử Ajātasattu rằng:

- Này hoàng tử, tại sao con lại muốn giết ta?

- Tâu bệ hạ, con muốn được ngai vàng.

- Này hoàng tử, nếu con muốn được ngai vàng, thì ngai vàng này là của con.

và đã trao ngai vàng cho hoàng tử Ajātasattu.

[368] Khi ấy, Devadatta đã đi đến gặp hoàng tử Ajātasatthu, đến rồi đã nói với hoàng tử Ajātasattu rằng:

- Tâu đại vương, hãy ra lệnh cho mọi người rằng: "Các ngươi hãy đoạt mạng sống của sa-môn Gotama."

Khi ấy, hoàng tử Ajātasattu đã ra lệnh cho mọi người rằng:

- Này các khanh, các khanh hãy làm theo lời dạy của ngài Devadatta.

Sau đó, Devadatta đã ra lệnh cho một người đàn ông rằng: "Này anh bạn, sa-môn Gotama đang ở nơi đó; hãy đoạt mạng sống của ông ta rồi hãy trở về bằng con đường này." Rồi trên con đường ấy, Devadatta đã xếp đặt hai người đàn ông (bảo rằng): "Người đàn ông nào một mình trở về bằng con đường này; hãy đoạt mạng sống của hắn ta rồi hãy trở về bằng con đường này." Rồi trên con đường ấy, Devadatta đã xếp đặt bốn người đàn ông (bảo rằng): "Hai người đàn ông nào trở về bằng con đường này; hãy đoạt mạng sống của chúng rồi hãy trở về bằng con đường này." Rồi trên con đường ấy, Devadatta đã xếp đặt tám người đàn ông (bảo rằng): "Bốn người đàn ông nào trở về bằng con đường này; hãy đoạt mạng sống của chúng rồi hãy trở về bằng con đường này." Rồi trên con đường ấy, Devadatta đã xếp đặt mười sáu người đàn ông (bảo rằng): "Tám người đàn ông nào trở về bằng con đường này; hãy đoạt mạng sống của chúng rồi hãy trở về bằng con đường này."

[369] Sau đó, người đàn ông ấy một mình cầm gươm và vỏ gươm, mang cung và túi tên đi đến gặp đức Thế Tôn; đến rồi đã đứng cách đức Thế Tôn một khoảng không xa và trở nên khiếp đảm, sợ hãi, lo âu, hồi hộp với thân thể cứng đơ. Đức Thế Tôn đã thấy người đàn ông ấy (với vẻ) khiếp đảm, sợ hãi, lo âu, hồi hộp, và đang đứng với thân thể cứng đơ. Thấy thế, ngài đã nói với người đàn ông ấy rằng:

- Này đạo hữu, hãy đến đây, chớ có sợ hãi.

Khi đó, người đàn ông ấy đã bỏ gươm và vỏ gươm ở một góc, tháo cung và túi tên xuống, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn; đến rồi đã đê đầu ở hai chân của đức Thế Tôn rồi bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, tội lỗi đã chiếm ngự lấy con vì con là một kẻ đần độn, ngu si, không có đạo đức; con đến đây với tâm độc ác, với tâm giết hại. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn ghi nhận sự sai trái trong tội lỗi ấy của con hầu để ngăn ngừa trong tương lai.

- Đúng như vậy, này đạo hữu, tội lỗi đã chiếm ngự lấy ngươi vì ngươi là một kẻ đần độn, ngu si, không có đạo đức, đó là việc ngươi đến đây với tâm độc ác, với tâm giết hại. Chính từ việc đó, này đạo hữu, ngươi đã thấy được sự sai trái trong tội lỗi và chừa cải đúng theo Pháp, nay chúng ta nhận biết điều ấy cho ngươi. Này đạo hữu, điều này là sự tiến bộ trong giới luật của bậc Thánh: "Người nào sau khi thấy được sự sai trái trong tội lỗi và chừa cải đúng theo Pháp sẽ thực hành sự ngăn ngừa trong tương lai."

Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ tự đến người đàn ông ấy như là: thuyết về sự bố thí, thuyết về giới, thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt đầy tội lỗi của các dục, và ngài đã chỉ rõ lợi ích của việc xuất gia. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày cho ông ta Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như một tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn, cũng như vậy ngay tại chỗ ngồi ấy, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến người đàn ông ấy: "Bất cứ điều gì có bản tánh được sanh khởi thì toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt."

Và khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư không còn cần sự trợ duyên của người khác, người đàn ông ấy đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, thắp sáng cây đèn dầu ở trong bóng tối cho những ai có mắt thấy được các hình dạng; cũng như thế ấy, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, đích thân con xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng chúng tỷ-kheo. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là cận sự nam đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Sau đó, đức Thế Tôn đã nói với người đàn ông ấy rằng:

- Này đạo hữu, chớ có đi bằng con đường ấy, hãy đi bằng con đường này.

và chỉ cho đi bằng một con đường khác.

[370] Sau đó đến phiên hai người đàn ông ấy (nghĩ rằng): "Gã đàn ông ấy một mình sao lại lâu đến quá vậy?" nên đã đi dọc theo con đường ấy và thấy đức Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây nọ. Thấy vậy, hai người đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn đã đã thuyết Pháp theo thứ tự đến hai người ấy. …(như trên)… vào Giáo Pháp của bậc đạo sư không còn cần sự trợ duyên của người khác, và họ đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! …(như trên)... Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các cận sự nam đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Sau đó, đức Thế Tôn đã nói với hai người đàn ông ấy rằng:

- Này các đạo hữu, chớ có đi bằng con đường ấy, hãy đi bằng con đường này.

và chỉ cho đi bằng một con đường khác.

[371] Sau đó đến phiên bốn người đàn ông ấy…(như trên)… Sau đó đến phiên tám người đàn ông ấy …(như trên)… Sau đó đến phiên mười sáu người đàn ông ấy (nghĩ rằng): "Tám gã đàn ông ấy sao lại lâu đến quá vậy?" nên đã đi dọc theo con đường ấy và thấy đức Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây nọ. Thấy vậy, họ đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn đã đã thuyết Pháp theo thứ tự đến các người ấy…(như trên)… vào Giáo Pháp của bậc đạo sư không còn cần sự trợ duyên của người khác, và họ đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! …(như trên)... Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các cận sự nam đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Sau đó, đức Thế Tôn đã nói với các người đàn ông ấy rằng:

- Này các đạo hữu, chớ có đi bằng con đường ấy, hãy đi bằng con đường này.

và chỉ cho đi bằng một con đường khác.

Sau đó, người đàn ông ấy một mình đã đi đến gặp Devadatta, đến rồi đã nói với Devadatta rằng:

- Bạch ngài, tôi không thể đoạt lấy mạng sống của đức Thế tôn. Đức Thế Tôn ấy có đại thần lực, đại năng lực.

- Đủ rồi, này ông bạn, ngươi đã không chịu đoạt lấy mạng sống của sa-môn Gotama; thì chính ta sẽ đoạt lấy mạng sống của sa-môn Gotama vậy.

[372] Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn đang đi kinh hành ở bóng râm của ngọn núi Linh Thứu (Gijjhakūta). Khi ấy, Devadatta đã leo lên ngọn núi Gijjhakūta và xô xuống một tảng đá lớn (nghĩ rằng): "Ta sẽ đoạt lấy mạng sống của sa-môn Gotama bằng vật này." Hai đỉnh của hai ngọn núi đã giao nhau và chận tảng đá lại. Do đó, những mảnh vụn đã văng ra và làm chảy máu ở bàn chân của đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhìn lên phía trên và nói với Devadatta rằng:

- Này kẻ rồ dại kia, ngươi đã gây nên điều bất thiện nghiêm trọng khi ngươi với tâm độc ác, với tâm giết hại đã làm đức Như Lai chảy máu.

Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, đây là nghiệp vô gián đầu tiên mà Devadatta đã tích lũy; đó là việc đã làm đức Như Lai chảy máu với tâm độc ác, với tâm giết hại.

Các vị tỷ-kheo đã nghe rằng: "Nghe nói Devadatta mưu đồ giết hại đức Thế Tôn." Và các tỷ-kheo ấy đã đi kinh hành quanh trú xá của đức Thế Tôn tạo nên âm thanh to và âm thanh lớn trong khi đọc tụng để bảo vệ, che chở, và canh gác cho đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nghe được tiếng động to, tiếng động lớn, tiếng đọc tụng. Nghe rồi, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, tiếng động to, tiếng động lớn, tiếng đọc tụng này là gì vậy?

- Bạch ngài, các tỷ-kheo nghe rằng: "Nghe nói Devadatta mưu đồ giết hại đức Thế Tôn." Bạch ngài, các tỷ-kheo ấy đã đi kinh hành quanh trú xá của đức Thế Tôn tạo nên âm thanh to và âm thanh lớn trong khi đọc tụng để bảo vệ, che chở, và canh gác cho đức Thế Tôn. Bạch ngài, tiếng động to, tiếng động lớn, tiếng đọc tụng ấy là như thế.

- Này Ānanda, như vậy thì ngươi nhân danh ta cho gọi các tỷ-kheo rằng: "Bậc Đạo Sư cho gọi các đại đức."

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Đại đức Ānanda đã nghe lời đức Thế Tôn đi đến gặp các tỷ-kheo, đến rồi đã nói với các tỷ-kheo rằng:

- Bậc Đạo Sư cho gọi các đại đức.

- Này đại đức, xin vâng.

Rồi các tỷ-kheo ấy nghe lời đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn đã nói với các tỷ-kheo đang ngồi một bên rằng:

- Này các tỷ-kheo, việc đức Như Lai bị tước đoạt mạng sống bởi sự hãm hại của kẻ khác là việc không hợp lý và không có cơ sở. Này các tỷ-kheo, các đức Như Lai Vô Dư Niết Bàn không do sự hãm hại.

Này các tỷ-kheo, đây năm hạng đạo sư đang hiện hữu ở trên đời. Thế nào là năm?

Ở đây, này các tỷ-kheo, có hạng đạo sư có giới không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta có giới thanh tịnh," "Giới của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này có giới không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta có giới thanh tịnh,’ ‘Giới của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này các tỷ-kheo, như vầy là các đệ tử bảo vệ giới cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ giới từ các đệ tử.

[373] Còn điều khác nữa, này các tỷ-kheo, ở đây có hạng đạo sư nuôi mạng không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta nuôi mạng thanh tịnh," "Sự nuôi mạng của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này nuôi mạng không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta nuôi mạng thanh tịnh,’ ‘Sự nuôi mạng của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này các tỷ-kheo, như vầy là các đệ tử bảo vệ việc nuôi mạng cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ việc nuôi mạng từ các đệ tử.

[374] Còn điều khác nữa, này các tỷ-kheo, ở đây có hạng đạo sư thuyết pháp không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta thuyết pháp thanh tịnh," "Sự thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này thuyết pháp không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta thuyết pháp thanh tịnh,’ ‘Sự thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này các tỷ-kheo, như vầy là các đệ tử bảo vệ việc thuyết pháp cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ việc thuyết pháp từ các đệ tử.

[375] Còn điều khác nữa, này các tỷ-kheo, ở đây có hạng đạo sư có lối giải thích không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta có lối giải thích thanh tịnh," "Lối giải thích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này có lối giải thích không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta có lối giải thích thanh tịnh,’ ‘Lối giải thích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này các tỷ-kheo, như vầy là các đệ tử bảo vệ lối giải thích cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ lối giải thích từ các đệ tử.

[376] Còn điều khác nữa, này các tỷ-kheo, ở đây có hạng đạo sư có tri kiến không thanh tịnh lại tự cho rằng: "Ta có tri kiến thanh tịnh," "Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử của chính vị ấy biết rằng: "Vị đạo sư nổi tiếng này có tri kiến không thanh tịnh lại tự cho rằng: ‘Ta có tri kiến thanh tịnh,’ ‘Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây chuyện cho ông ta bởi điều ấy. Vả lại, ông ta đang được dâng cúng y áo, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Ông ta làm điều gì, chính ông ta sẽ biết điều ấy." Này các tỷ-kheo, như vầy là các đệ tử bảo vệ tri kiến cho vị đạo sư, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ tri kiến từ các đệ tử.

Này các tỷ-kheo, ta có giới thanh tịnh và biết rằng: "Ta có giới thanh tịnh," "Giới của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử không cần bảo vệ giới cho ta, và ta cũng không mong đợi sự bảo vệ giới từ các đệ tử. Thêm nữa, này các tỷ-kheo, ta nuôi mạng thanh tịnh, …(như trên)… Ta thuyết Pháp thanh tịnh, …(như trên)… Ta có lối giải thích thanh tịnh, …(như trên)… Ta có tri kiến thanh tịnh và biết rằng: "Ta có tri kiến thanh tịnh," "Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố." Các đệ tử không cần bảo vệ tri kiến cho ta, và ta cũng không mong đợi sự bảo vệ tri kiến từ các đệ tử.

Này các tỷ-kheo, việc đức Như Lai bị tước đoạt mạng sống bởi sự hãm hại của kẻ khác là việc không hợp lý và không có cơ sở. Này các tỷ-kheo, các đức Như Lai Vô Dư Niết Bàn không do sự hãm hại. Này các tỷ-kheo, các ngươi hãy đi về trú xá của mỗi người. Này các tỷ-kheo, các đức Như Lai không cần được bảo vệ.

[377] Vào lúc bấy giờ, ở trong thành Rājagaha có một con voi dữ tợn tên là Nālāgiri, là con thú giết người. Khi ấy, Devadatta đã đi vào thành Rājagaha đến chuồng voi và nói với những người quản tượng rằng:

- Này các quản tượng, chúng tôi là thân tín của nhà vua, có quyền lực để đưa một kẻ có chức vụ thấp lên chức vụ cao và còn làm tăng thêm thực phẩm và lương bổng nữa. Chính vì lý do đó, này các quản tượng, khi nào sa-môn Gotama đi vào con đường này, các ngươi hãy thả con voi Nālāgiri ra và cho nó đi theo con đường này.

- Thưa vâng, bạch ngài. Các gã quản tượng ấy đã trả lời Devadatta như thế.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vào buổi sáng đã mặc y cầm y bát cùng với nhiều tỷ-kheo đi vào thành Rājagaha để khất thực. Rồi đức Thế Tôn đã bước vào con đường ấy. Các gã quản tượng ấy đã thấy đức Thế Tôn đi vào con đường ấy. Thấy rồi, những gã quản tượng ấy đã thả con voi Nālāgiri và cho nó đi theo con đường ấy. Con voi Nālāgiri đã thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại gần. Thấy thế, con voi đã vươn vòi lên, tai và đuôi dựng đứng lên chạy lại đức Thế Tôn. Các vị tỷ-kheo ấy đã thấy voi Nālāgira từ đàng xa đang tiến đến. Thấy thế, các vị đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, voi Nālāgiri này dữ tợn, là con thú giết người, đã đi vào con đường này. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy trở lui, xin đấng Thiện Thệ hãy trở lui.

- Này các tỷ-kheo, hãy lại đây, chớ có sợ hãi. Này các tỷ-kheo, việc đức Như Lai bị tước đoạt mạng sống bởi sự hãm hại của kẻ khác là việc không hợp lý và không có cơ sở. Này các tỷ-kheo, các đức Như Lai Vô Dư Niết Bàn không do sự hãm hại.

Lần thứ nhì, các tỷ-kheo ấy …(như trên)…

Đến lần thứ ba, các tỷ-kheo ấy đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, voi Nālāgiri này dữ tợn, là con thú giết người, đã đi vào con đường này. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy trở lui, xin đấng Thiện Thệ hãy trở lui.

- Này các tỷ-kheo, hãy lại đây, chớ có sợ hãi. Này các tỷ-kheo, việc đức Như Lai bị tước đoạt mạng sống bởi sự hãm hại của kẻ khác là việc không hợp lý và không có cơ sở là. Này các tỷ-kheo, các đức Như Lai Vô Dư Niết Bàn không do sự hãm hại.

[378] Vào lúc bấy giờ, dân chúng trèo lên và nấp ở các lâu đài, ở các tòa nhà, ở các mái lá. Trong trường hợp này, những người không có đức tin, không hoan hỷ, kém trí tuệ nói rằng:

- Chắc chắn rằng ngài sa-môn đẹp trai này sẽ bị con long tượng gây thương tích.

Còn những người có đức tin, hoan hỷ, trí tuệ thì nói như vầy:

- Chốc nữa thôi, chắc chắn con long tượng này sẽ bị Tượng Chúa khuất phục.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã phóng một luồng tâm bác ác đến voi Nālāgiri. Và voi Nālāgiri bị tác động bởi luồng tâm bác ái của đức Thế Tôn nên đã hạ vòi xuống đi đến gần đức Thế Tôn, đến rồi đã đứng ở phía trước đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã dùng tay phải xoa ở trán của voi Nālāgiri rồi nói với voi Nālāgiri những câu kệ ngôn này:

[379]

Này voi, chớ đối đầu
với Tượng Chúa, này voi,
đối đầu Tượng Chúa khổ.
Này voi, không cõi trời
cho kẻ giết Tượng Chúa,
từ đây, sanh cõi khác.
Và chớ có ngạo mạn,
và chớ có khinh thường,
vì những ai bất cẩn
không về được cõi trời.
Nếu ngươi không làm thế,
nhờ đó ngươi về trời.

[380] Khi ấy, voi Nālāgiri đã dùng vòi lấy bụi ở bàn chân của đức Thế Tôn rắc trên đầu nó, rồi khum người xuống chào, và quay lại bước đi trong lúc vẫn nhìn đức Thế Tôn. Sau đó, voi Nālāgiri về lại chuồng và đứng tại chỗ của nó. Từ đó, voi Nālāgiri trở nên dễ dạy.

[381] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thường ngâm nga bài kệ này:

Những kẻ được dạy dỗ
bằng (cách dùng) gậy gộc,
bằng (cách dùng) roi vọt,
bằng các gậy móc câu;
long tượng được điều phục
bởi vị Đại Ẩn Sĩ,
không cần đến gậy gộc,
không cần dùng vũ khí.

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Devadatta này thật là ác độc, không biết xấu hổ, bởi vì ở nơi đây lại dám âm mưu giết hại sa-môn Gotama là vị có đại thần lực, có đại năng lực như thế này.

Từ đó, lợi lộc và vinh quang của Devadatta bị mất mát. Lợi lộc và vinh quang của đức Thế Tôn tăng trưởng.

[382] Vào lúc bấy giờ, Devadatta do lợi lộc và vinh quang bị mất mát nên phải cùng phe cánh yêu cầu nhiều lần ở các gia đình rồi đến thọ thực. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các sa-môn Thích Tử này lại yêu cầu nhiều lần ở các gia đình rồi đến thọ thực? Ai lại không thích sự sung túc? Ai lại không hài lòng với đồ ăn ngọt ngào?

Các tỷ-kheo đã nghe dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao Devadatta cùng phe cánh lại yêu cầu nhiều lần ở các gia đình rồi đến thọ thực?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này Devadatta, nghe nói ngươi cùng phe cánh yêu cầu nhiều lần ở các gia đình rồi đến thọ thực, có đúng không vậy?

- Đúng vậy, bạch Thế Tôn.

…(như trên)… Sau khi đã khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, như vậy thì ta quy định vật thực không thọ lãnh quá ba vị ở các gia đình vì ba lý do: "Nhằm kiềm chế những kẻ tồi tệ; vì sự sống an lạc của các tỷ-kheo hiền thiện, không để những kẻ có ý đồ xấu xa nương tựa vào phe cánh mà chia rẽ hội chúng; vì lòng trắc ẩn đối với các gia đình." Nên thực hành theo Pháp trong việc thọ thực thành nhóm.

[383] Sau đó, Devadatta đã đi đến gặp Kokālika, Katamorakatissaka con trai của Khandadevī, và Samuddadatto; đến rồi đã nói với Kokālika, Katamorakatissaka con trai của Khandadevī, và Samuddadatto rằng:

- Này các đệ, hãy đi. Chúng ta sẽ tiến hành việc chia rẽ hội chúng của sa-môn Gotama, tức là việc phá hoại tập thể.

Nghe nói vậy, Kokālika đã nói với Devadatta rằng:

- Này đại đức, sa-môn Gotama thật sự có đại thần lực, đại năng lực. Làm thế nào chúng ta tiến hành việc chia rẽ hội chúng của sa-môn Gotama, tức là việc phá hoại tập thể được?

- Này các đệ, hãy đi. Chúng ta sẽ đi đến gặp sa-môn Gotama và yêu cầu năm sự việc: "Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn, sự hài lòng, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, sự hài lòng, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Lành thay, bạch ngài, các tỷ-kheo nên là vị sống ở rừng cho đến trọn đời; nếu vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời là các vị khất thực; vị nào hoan hỷ sự thỉnh mời thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời là các vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, vị nào hoan hỷ y của gia chủ thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời sống ở gốc cây; vị nào đi đến mái che thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời không ăn cá thịt; vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội." Sa-môn Gotama sẽ không cho phép năm sự việc này. Và chúng ta sẽ công bố cho dân chúng biết về năm sự việc này.

- Này đại đức, có thể tiến hành việc chia rẽ hội chúng của sa-môn Gotama, tức là việc phá hoại tập thể với năm sự việc này. Này đại đức, bởi vì dân chúng có niềm tin với khổ hạnh.

[384] Sau đó, Devadatta cùng phe cánh đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Devadatta đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn, sự hài lòng, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, sự hài lòng, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Lành thay, bạch ngài, các tỷ-kheo nên là vị sống ở rừng cho đến trọn đời; nếu vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời là các vị khất thực; vị nào hoan hỷ sự thỉnh mời thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời là các vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, vị nào hoan hỷ y của gia chủ thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời sống ở gốc cây; vị nào đi đến mái che thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời không ăn cá thịt; vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội.

- Đủ rồi, này Devadatta. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị sống ở rừng; vị nào muốn thì cứ cư ngụ ở trong làng. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị khất thực; vị nào muốn thì cứ hoan hỷ việc thỉnh mời. Vị nào muốn thì hãy là vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ; vị nào muốn thì cứ hoan hỷ y của gia chủ. Này Devadatta, ta cho phép chỗ trú ngụ là gốc cây trong tám tháng. Cá thịt là thanh tịnh với ba điều kiện là: "Không thấy, không nghe, và không nghi ngờ."

Khi ấy, Devadatta (biết rằng): "Đức Thế Tôn đã không cho phép năm sự việc ấy," đã mừng rỡ, phấn chấn cùng phe cánh từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

[385] Sau đó, Devadatta đã cùng phe cánh đi vào thành Rājagaha công bố cho dân chúng biết về năm sự việc:

- Các đạo hữu, chúng tôi đã đi đến gặp sa-môn Gotama và yêu cầu năm sự việc: "Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn, …(như trên)…, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, …(như trên)…, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Lành thay, bạch ngài, các tỷ-kheo nên là vị sống ở rừng cho đến trọn đời; nếu vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời không ăn cá thịt; vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội." Sa-môn Gotama đã không cho phép năm sự việc này. Còn chúng tôi sẽ thọ trì và thực hành năm sự việc này.

[386] Trong vấn đề này, những người dân không có đức tin, không hoan hỷ, kém trí tuệ thì nói rằng:

- Các sa-môn Thích Tử này đúng là có sự từ bỏ, có sở hành đoạn trừ; còn sa-môn Gotama là kẻ xa hoa, có khuynh hướng xa hoa.

Còn những người có đức tin, hoan hỷ, trí tuệ, những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao Devadatta lại ra sức chia rẽ hội chúng của đức Thế Tôn, tức là việc phá hoại tập thể?

Các tỷ-kheo đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các vị tỷ-kheo ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy đã phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao Devadatta lại ra sức chia rẽ hội chúng của đức Thế Tôn, tức là việc phá hoại tập thể?

Sau đó, các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn…(như trên)…

- Này Devadatta, nghe nói ngươi ra sức chia rẽ hội chúng, tức là việc phá hoại tập thể, có đúng không vậy?

- Đúng vậy, bạch Thế Tôn.

- Đủ rồi, này Devadatta. Ngươi chớ có hoan hỷ việc chia rẽ hội chúng. Này Devadatta, chia rẽ hội chúng là việc nghiêm trọng. Này Devadatta, kẻ nào chia rẽ hội chúng đang hòa hợp, kẻ ấy gây nên tội lỗi tồn tại trọn kiếp (trái đất) và bị nung nấu trong địa ngục trọn kiếp (trái đất). Và này Devadatta, người nào hàn gắn lại hội chúng đang bị chia rẽ người ấy tạo nên phước báu của Phạm Thiên và sẽ được an vui ở cõi trời trọn kiếp (trái đất). Đủ rồi, này Devadatta. Ngươi chớ có hoan hỷ việc chia rẽ hội chúng. Này Devadatta, chia rẽ hội chúng là việc nghiêm trọng.

[387] Sau đó, đại đức Ānanda vào buổi sáng đã mặc y, cầm y bát, đi vào thành Rājagaha để khất thực. Devadatta đã thấy đại đức Ānanda đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha. Thấy vậy, Devadatta đã đi đến gần đại đức Ānanda, đến rồi đã nói với đại đức Ānanda rằng:

- Này đại đức Ānanda, từ nay trở đi tôi sẽ hành lễ Bố Tát (Uposatha) và sẽ thực hiện các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỷ-kheo.

Sau khi đã đi khất thực ở trong thành Rājagaha xong, đại đức Ānanda trên đường đi khất thực trở về, sau bữa ăn đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, nơi đây,vào buổi sáng, sau khi mặc y, cầm y bát, con đã đi vào thành Rājagaha để khất thực. Bạch ngài, Devadatta đã thấy con đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha. Thấy vậy, Devadatta đã đi đến gần con, đến rồi đã nói với con rằng: "Này đại đức Ānanda, từ nay trở đi tôi sẽ hành lễ Bố Tát (Uposatha) và sẽ thực hiện các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỷ-kheo." Bạch ngài, kể từ nay, Devadatta sẽ chia rẽ hội chúng.

Khi đó, đức Thế Tôn, sau khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi vào lúc ấy đã thốt lên lời cảm hứng rằng:

[388]

(Điều) tốt người tốt dễ làm,
(điều) tốt kẻ xấu khó làm.
(Điều) ác kẻ xấu dễ làm,
(điều) ác thánh nhân khó làm.

Dứt Tụng Phẩm thứ nhì.

[389] Sau đó, vào ngày lễ Bố Tát (Uposatha), Devadatta đã từ chỗ ngồi đứng dậy phân phát thẻ biểu quyết (nói rằng):

- Này các sư đệ, chúng tôi đã đi đến gặp sa-môn Gotama và yêu cầu năm sự việc: "Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn, …(như trên)…, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, …(như trên)…, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Lành thay, bạch ngài, các tỷ-kheo nên là vị sống ở rừng cho đến trọn đời; nếu vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. ...(như trên)... Cho đến trọn đời không ăn cá thịt; vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội." Sa-môn Gotama đã không cho phép năm sự việc này. Còn chúng tôi sẽ thọ trì và thực hành năm sự việc này. Đại đức nào đồng ý với năm sự việc này xin nhận lãnh thẻ biểu quyết.

[390] Vào lúc bấy giờ, có năm trăm tỷ-kheo người xứ Vajji ở Vesalī vừa mới xuất gia, không hiểu biết rõ sự việc. Các tỷ-kheo ấy (nghĩ rằng): "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư," và nhận lấy thẻ biểu quyết. Sau đó, Devadatta đã chia rẽ hội chúng và dẫn năm trăm tỷ-kheo ra đi về phía đỉnh đồi Gayā.

[391] Khi ấy, Sāriputta và Moggallāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, Devadatta đã chia rẽ hội chúng và dẫn năm trăm tỷ-kheo ra đi về phía đỉnh đồi Gayā.

- Này Sāriputta và Moggallāna, không lẽ các ngươi không có sự trắc ẩn đối với các tân thọ tỷ-kheo ấy hay sao? Này Sāriputta và Moggallāna, hai ngươi hãy ra đi trước khi các tỷ-kheo này bị rơi vào bất hạnh và hư hỏng.

- Thưa vâng, bạch ngài.

Rồi Sāriputta và Moggallāna nghe lời đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi về phía đỉnh đồi Gayā.

[392] Vào lúc bấy giờ, có một tỷ-kheo đứng không xa đức Thế Tôn đang khóc lóc. Khi đó, đức Thế Tôn đã nói với vị tỷ-kheo ấy rằng:

- Này tỷ-kheo, vì sao ngươi khóc?

- Bạch ngài, ngay cả hai vị thượng thủ thinh văn của đức Thế Tôn là Sāriputta và Moggallāna cũng hoan hỷ với giáo lý của Devadatta và đã đi đến với Devadatta rồi.

- Này tỷ-kheo, việc Sāriputta và Moggallāna cũng hoan hỷ với giáo lý của Devadatta là việc không hợp lý và không có cơ sở là; họ đi chính là để thâu phục các tỷ-kheo.

[393] Vào lúc bấy giờ, Devadatta đang ngồi thuyết giảng Giáo Pháp giữa một hội chúng lớn. Devadatta đã thấy Sāriputta và Moggallāna đang từ đàng xa đi đến. Thấy vậy, Devadatta đã bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, hãy nhìn xem giáo lý của ta được khéo thuyết như thế nào; ngay cả thượng thủ thinh văn của sa-môn Gotama là Sāriputta và Moggallāna cũng hoan hỷ với giáo lý của ta và đi đến với ta nữa.

Khi được nói vậy, Kokālika đã nói với Devadatta rằng:

- Này đại đức Devadatta, chớ có tin tưởng Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna có ước muốn xấu xa và bị ảnh hưởng bởi những ước muốn xấu xa.

- Đủ rồi, đại đức. Hãy chào mừng bọn họ bởi vì họ đã hoan hỷ với giáo lý của ta.

Sau đó, Devadatta đã mời đại đức Sāriputta với một nửa chỗ ngồi (của mình):

- Này đại đức Sāriputta, hãy lại đây, hãy ngồi chỗ này.

- Được rồi, đại đức.

Đại đức Sāriputta đã chọn một chỗ ngồi khác và ngồi xuống một góc. Đại đức Mahāmoggallāna cũng đã chọn một chỗ ngồi khác và ngồi xuống một góc. Khi ấy, Devadatta đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi các tỷ-kheo bằng bài Pháp thoại gần như trọn đêm rồi đã bảo đại đức Sāriputta rằng:

- Này đại đức Sāriputta, hội chúng tỷ-kheo đã hết dã dượi và buồn ngủ. Này đại đức Sāriputta, hãy nghĩ đến điều gì đó là một bài Pháp thoại cho các tỷ-kheo; vì cái lưng tôi bị mỏi nên tôi phải nằm để duỗi lưng ra.

- Xin vâng, đại đức. Đại đức Sāriputta đã trả lời Devadatta.

Sau đó, Devadatta đã xếp y hai lớp (saṅghāti) lại làm tư rồi thực hiện thế nằm ở phía bên hông phải. Trong khi mệt mỏi, thất niệm, không tỉnh giác nên chỉ một chốc lát, Devadatta đã chìm vào giấc ngủ.

[394] Khi ấy, đại đức Sāriputta đã sách tấn và giảng giải cho các tỷ-kheo bằng bài Pháp thoại phân tích về sự kỳ diệu của việc biết được ý nghĩ của người khác. Đại đức Mahāmoggallāna đã sách tấn và giảng giải cho các tỷ-kheo bằng bài Pháp thoại phân tích về sự kỳ diệu của thần thông. Sau đó, trong khi các tỷ-kheo ấy đã được đại đức Sāriputta sách tấn và giảng giải về sự kỳ diệu của việc biết được ý nghĩ của người khác và đại đức Mahāmoggallāna sách tấn và giảng giải về sự kỳ diệu của thần thông thì sự ly dục, sự không còn ô nhiễm, và sự thấy Pháp đã sanh khởi: "Bất cứ điều gì có bản tánh được sanh khởi thì toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt."

Sau đó, đại đức Sāriputta đã bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các sư đệ, chúng ta hãy đi đến với đức Thế Tôn. Vị nào hoan hỷ với Giáo Pháp của đức Thế Tôn ấy thì hãy cùng đi.

Rồi, hai vị Sāriputta và Moggallāna đã dẫn năm trăm tỷ-kheo đi đến Veluvana. Lúc ấy, Kokālika đã đánh thức Devadatta dậy:

- Này đại đức Devadatta, hãy dậy đi. Sāriputta và Moggallāna đã dẫn các tỷ-kheo ấy đi rồi. Này đại đức Devadatta, không phải tôi đã nói với đại đức rằng: "Này đại đức Devadatta, chớ có tin tưởng Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna có ước muốn xấu xa và bị ảnh hưởng bởi những ước muốn xấu xa."

Lúc bấy giờ, ngay tại chỗ ấy, máu nóng đã ứa ra từ miệng của Devadatta.

[395] Sau đó, Sāriputta và Moggallāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã bạch với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, lành thay nếu các tỷ-kheo thuộc nhóm tách ly được tu lên bậc trên lại.

- Được rồi, này Sāriputta. Chớ có hoan hỷ với việc tu lên bậc trên lại của các tỷ-kheo thuộc nhóm tách ly. Này Sāriputta, như vậy thì ngươi hãy cho các tỷ-kheo trong nhóm tách ly sám hối trọng tội (thullaccayaṃ). Này Sāriputta, Devadatta đã cư xử đồi với ngươi như thế nào?

- Bạch ngài, cũng tương tợ như đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi các tỷ-kheo bằng bài Pháp thoại gần như trọn đêm rồi đã bảo con rằng: "Này Sāriputta, hội chúng tỷ-kheo đã hết dã dượi và buồn ngủ. Này Sāriputta, hãy nghĩ đến điều gì đó là một bài Pháp thoại cho các tỷ-kheo; vì cái lưng ta bị mỏi nên ta phải nằm để duỗi lưng ra." Bạch ngài, Devadatta đã thực hành đúng y như vậy.

[396] Sau đó, đức Thế tôn đã bảo các tỷ-kheo rằng:

- Này các tỷ-kheo, vào thời trước đây, có một cái hồ lớn trong khu vực toàn là rừng. Có các con long tượng nương tựa và sống ở đó. Chúng lặn xuống cái hồ ấy, dùng vòi nhổ lên cọng sen đã được rửa sạch, sau khi rửa không còn bùn, chúng đã nhai và ăn đi. Điều ấy đem lại cho chúng vóc dáng và sức mạnh. Không vì lý do đó mà chúng phải chết hoặc khổ như là chết. Nhưng này các tỷ-kheo, trong đám các con long tượng đã trưởng thành có những con còn nhỏ, trẻ, non nớt, đang học hỏi. Những con này đã lặn xuống cái hồ ấy, dùng vòi nhổ lên cọng sen đã không chịu rửa sạch, sau khi rửa vẫn còn bùn, chúng đã nhai và ăn đi. Điều ấy đã không đem lại cho chúng vóc dáng và sức mạnh. Vì lý do đó mà chúng phải chết hoặc khổ như là chết. Này các tỷ-kheo, cũng giống như thế, Devadatta là kẻ tội nghiệp, lại bắt chước ta, sẽ phải tiêu hoại.

[397]

Trong khi ăn cọng sen,
con long tượng khổng lồ
xem xét các giòng sông
và lay chuyển trái đất.
Tương tợ con voi con
chỉ ăn toàn đất bùn,
bắt chước cho giống ta,
kẻ tội nghiệp sẽ chết.

[398] Này các tỷ-kheo, vị tỷ-kheo hội đủ tám điều kiện xứng đáng để đi làm sứ giả. Tám điều kiện ấy là gì? Ở đây, này các tỷ-kheo, vị tỷ-kheo là người lắng nghe, là người làm cho kẻ khác lắng nghe, là người hướng dẫn, là người hiểu rộng, là người có sự nhận thức, là người làm cho kẻ khác có sự nhận thức, là người rành rẽ về việc tốt xấu, không phải là người gây ra tranh cãi. Này các tỷ-kheo, hội đủ tám điều kiện này, vị tỷ-kheo xứng đáng để đi làm sứ giả.

[399] Này các tỷ-kheo, Sāriputta hội đủ tám điều kiện xứng đáng để đi làm sứ giả. Tám điều kiện ấy là gì? Ở đây, này các tỷ-kheo, Sāriputta là người lắng nghe, là người làm cho kẻ khác lắng nghe, là người hướng dẫn, là người hiểu rộng, là người có sự nhận thức, là người làm cho kẻ khác có sự nhận thức, là người rành rẽ về việc tốt xấu, không phải là người gây ra tranh cãi. Này các tỷ-kheo, hội đủ tám điều kiện này, Sāriputta xứng đáng để đi làm sứ giả.

[400]

Vị nào không sợ hãi
đi vào nơi hội chúng
đang tranh cãi ồn ào,
không bỏ dở lời nói,
không dấu giếm lời dạy,
lời nói có chủ đích,
bị chất vấn không sân;
vị tỷ-kheo như thế
xứng đi làm sứ giả.

[401] Này các tỷ-kheo, Devadatta có tâm bị xâm chiếm, bị ngự trị bởi tám điều không đúng chánh Pháp là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được. Tám điều ấy là gì? Này các tỷ-kheo, vì lợi lộc Devadatta là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được. Này các tỷ-kheo, vì không có lợi lộc …(như trên)… Này các tỷ-kheo, vì danh vọng …(như trên)… Này các tỷ-kheo, vì không có danh vọng …(như trên)… Này các tỷ-kheo, vì vinh quang …(như trên)… Này các tỷ-kheo, vì không có vinh quang …(như trên)… Này các tỷ-kheo, vì ước muốn xấu xa …(như trên)… Này các tỷ-kheo, vì bạn bè xấu xa Devadatta là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được. Này các tỷ-kheo, với tám điều không đúng chánh Pháp này, Devadatta là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.

Này các tỷ-kheo, tốt đẹp thay nếu vị tỷ-kheo có thể sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… không có lợi lộc đã được sanh khởi, danh vọng đã được sanh khởi, không có danh vọng đã được sanh khởi, vinh quang đã được sanh khởi, không có vinh quang đã được sanh khởi, ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, …(như trên)… có thể sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi.

Này các tỷ-kheo, tùy thuận lợi ích và ý định gì mà vị tỷ-kheo có thể sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… không có lợi lộc đã được sanh khởi, danh vọng đã được sanh khởi, không có danh vọng đã được sanh khởi, vinh quang đã được sanh khởi, không có vinh quang đã được sanh khởi, ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, …(như trên)… có thể sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi?

Này các tỷ-kheo, chính vì vị ấy trong khi sống quan tâm đến lợi lộc đã được sanh khởi, các lậu hoặc có đặc tính phá hoại và thiêu đốt được sanh khởi; nếu vị ấy trong khi sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, như thế ấy các lậu hoặc có đặc tính phá hoại và thiêu đốt ấy không thể hình thành được. Này các tỷ-kheo, chính vì vị ấy …(như trên)… không có lợi lộc đã được sanh khởi, danh vọng đã được sanh khởi, không có danh vọng đã được sanh khởi, vinh quang đã được sanh khởi, không có vinh quang đã được sanh khởi, ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, ...(như trên)... trong khi sống quan tâm đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi, các lậu hoặc có đặc tính phá hoại và thiêu đốt được sanh khởi; nếu vị ấy trong khi sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi, như thế ấy các lậu hoặc có đặc tính phá hoại và thiêu đốt ấy không thể hình thành được.

Này các tỷ-kheo, tùy thuận lợi ích và ý định này mà vị tỷ-kheo có thể sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, ...(như trên)... không có lợi lộc đã được sanh khởi, danh vọng đã được sanh khởi, không có danh vọng đã được sanh khởi, vinh quang đã được sanh khởi, không có vinh quang đã được sanh khởi, ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, ...(như trên)... vị ấy có thể sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi.

Do đó, ở đây, này các tỷ-kheo, chúng ta sẽ sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… không có lợi lộc đã được sanh khởi, danh vọng đã được sanh khởi, không có danh vọng đã được sanh khởi, vinh quang đã được sanh khởi, không có vinh quang đã được sanh khởi, …(như trên)… ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, chúng ta sẽ sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi. Này các tỷ-kheo, các ngươi hãy học tập y như thế ấy.

[402] Này các tỷ-kheo, Devadatta có tâm bị xâm chiếm, bị ngự trị bởi ba điều không đúng chánh Pháp là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp (trái đất), không thể khác được. Ba điều ấy là gì? ước muốn xấu xa, bạn hữu xấu xa, sự dừng lại ở giữa pháp thiền và pháp siêu thế. Này các tỷ kheo, Devadatta có tâm bị xâm chiếm, bị ngự trị bởi ba điều không đúng chánh Pháp này là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp (trái đất), không thể khác được.

[403]

Ai sanh ở trên đời
chớ để ác dục sanh
hãy biết được điều ấy
ác dục sanh như thế.
Hãy biết kẻ trí tuệ,
bản thân đã chứng thiền,
được nổi danh sáng chói
là "Devadatta"
như tôi đã được nghe.
Kẻ ấy đã ra sức,
một cách không biếng nhác
để sánh với Như Lai,
để rồi vào địa ngục
Avīci bốn cửa
đầy những nỗi kinh hoàng
vì hại bậc hiền thiện,
là kẻ làm ác nghiệp.
Kẻ gây điều ác ấy,
tâm địa thật bất lương,
không còn lòng nhân ái,
nghĩ rằng sẽ đầu độc
hết cả một đại dương
bằng một hũ thuốc độc,
đã không làm gì được
đại dương thật hùng vĩ;
cũng y như thế ấy,
kẻ ấy dùng ngôn từ
quấy rối đấng Thiện Thệ
là bậc đã hoàn hảo,
tâm trí đã thanh tịnh
lời nói đã không còn
tác động đến người được.
Bậc trí hãy kết bạn
với người như thế ấy,
nên phục vụ người ấy.
Tỷ-kheo theo đường lối
của vị ấy sẽ đạt
sự chấm dứt khổ đau.

[404] Khi ấy, đại đức Upāli đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Upāli đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, có điều nói rằng: "Sự bất đồng trong hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng." Bạch ngài, cho đến như thế nào được gọi là sự bất đồng trong hội chúng mà không là sự chia rẽ hội chúng? Cho đến như thế nào được gọi là sự bất đồng trong hội chúng và là sự chia rẽ hội chúng?

- Này Upāli, một bên có một người, bên kia có hai người, và người thứ tư phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, như vậy là sự bất đồng trong hội chúng mà không là sự chia rẽ hội chúng.

Này Upāli, một bên có hai người, bên kia có hai người, và người thứ năm phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, như vậy là sự bất đồng trong hội chúng mà không sự chia rẽ hội chúng.

Này Upāli, một bên có hai người, bên kia có ba người, và người thứ sáu phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, như vậy là sự bất đồng trong hội chúng mà không sự chia rẽ hội chúng.

Này Upāli, một bên có ba người, bên kia có ba người, và người thứ bảy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, như vậy là sự bất đồng trong hội chúng mà không sự chia rẽ hội chúng.

Này Upāli, một bên có ba người, bên kia có bốn người, và người thứ tám phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, như vậy là sự bất đồng trong hội chúng mà không sự chia rẽ hội chúng.

Này Upāli, một bên có bốn người, bên kia có bốn người, và người thứ chín phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, như vậy là sự bất đồng trong hội chúng và là sự chia rẽ hội chúng.

Này Upāli, chín hoặc hơn chín là sự bất đồng trong hội chúng và là sự chia rẽ hội chúng.

Này Upāli, một tỷ-kheo ni không chia rẽ hội chúng, và cũng không nỗ lực để đưa đến sự chia rẽ. Một cô ni tu tập sự (sikkhamānā) không chia rẽ hội chúng, …(như trên)… Một sa-di không chia rẽ hội chúng; một sa-di ni không chia rẽ hội chúng; một cận sự nam không chia rẽ hội chúng; một cận sự nữ không chia rẽ hội chúng, và cũng không nỗ lực để đưa đến sự chia rẽ. Này Upāli, một tỷ-kheo bình thường (pakatatto), là người cùng cộng trú, ở chung một ranh giới (sīmā), chia rẽ hội chúng.

[405] Bạch ngài, có điều nói rằng: "Sự chia rẽ hội chúng, sự chia rẽ hội chúng." Bạch ngài, cho đến như thế nào thì gọi là hội chúng bị chia rẽ?

- Ở đây, này Upāli, các tỷ-kheo tuyên bố phi Pháp là "Pháp;" tuyên bố Pháp là: "Phi Pháp;" tuyên bố phi Luật là: "Luật;" tuyên bố Luật là: "Phi Luật;" tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: "Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: "Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: "Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều được thực hành bởi đức Như Lai là: "Điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều không được quy định bởi đức Như Lai là: "Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều được quy định bởi đức Như Lai là: "Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;" tuyên bố vô tội là: "Phạm tội;" tuyên bố phạm tội là: "Vô tội;" tuyên bố tội nặng là: "Tội nhẹ;" tuyên bố tội nhẹ là: "Tội nặng;" tuyên bố tội đã đủ yếu tố là: "Tội chưa đủ yếu tố;" tuyên bố tội chưa đủ yếu tố là: "Tội đã đủ yếu tố;" tuyên bố tội không xấu xa là: "Tội xấu xa;" tuyên bố tội xấu xa là: "Tội không xấu xa." Với mười tám sự việc này, chúng tách ra và tách rời hẳn, chúng thực hiện lễ Bố Tát (Uposatha) riêng rẽ, chúng thực hiện lễ Tự Tứ (Pavārana) riêng rẽ, chúng thực hiện công việc của hội chúng riêng rẽ. Này Upāli, cho đến như vậy thì gọi là hội chúng bị chia rẽ.

[406] Bạch ngài, có điều nói rằng: "Hòa hợp hội chúng, hòa hợp hội chúng." Bạch ngài, cho đến như thế nào thì gọi là hội chúng được hòa hợp?

Ở đây, này Upāli, các tỷ-kheo tuyên bố phi Pháp là "Phi Pháp;" tuyên bố Pháp là: "Pháp;" tuyên bố phi Luật là: "Phi Luật;" tuyên bố Luật là: "Luật;" tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: "Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: "Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: "Điều không được thực hành bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: "Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều đã không được quy định bởi đức Như Lai là: "Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: "Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;" tuyên bố vô tội là: "Vô tội;" tuyên bố phạm tội là: "Phạm tội;" tuyên bố tội nặng là: "Tội nặng;" tuyên bố tội nhẹ là: "Tội nhẹ;" tuyên bố tội đã đủ yếu tố là: "Tội đã đủ yếu tố;" tuyên bố tội chưa đủ yếu tố là: "Tội chưa đủ yếu tố;" tuyên bố tội không xấu xa là: "Tội không xấu xa;" tuyên bố tội xấu xa là: "Tội xấu xa." Với mười tám sự việc này, chúng không tách ra và không tách rời hẳn, chúng không thực hiện lễ Bố Tát (Uposatha) riêng rẽ, chúng không thực hiện lễ Tự Tứ (Pavārana) riêng rẽ, chúng không thực hiện công việc của hội chúng riêng rẽ. Này Upāli, cho đến như vậy thì gọi là hội chúng được hòa hợp.

[407] Bạch ngài, sau khi chia rẽ hội chúng hòa hợp, kẻ ấy gây nên điều gì?

- Này Upāli, sau khi chia rẽ hội chúng hòa hợp, kẻ ấy gây nên tội lỗi tồn tại trọn kiếp (trái đất) và sẽ bị nung nấu trong địa ngục trọn kiếp (trái đất).

[408]

Kẻ chia rẽ hội chúng
phải chịu sự bất hạnh,
vào địa ngục trọn kiếp.
Vui thích với phe nhóm,
lại sống không theo Pháp,
kẻ ấy bị xa rời
sự an tịnh của thiền.
Sau khi đã chia rẽ
hội chúng đang hòa hợp
kẻ ấy bị nung nấu
trong địa ngục trọn kiếp.

[409] - Bạch ngài, vị ấy tạo được điều gì sau khi làm hòa hợp hội chúng đã bị chia rẽ?

- Này Upāli, sau khi làm hòa hợp hội chúng đã bị chia rẽ, vị ấy tạo được phước báu của Phạm Thiên và sẽ được an vui ở cõi trời trọn kiếp.

[410]

Thật là an lạc thay
sự hòa hợp hội chúng
và tán đồng cùng với
những ai sống hòa hợp.
Hoan hỷ trong hòa hợp,
và sống đúng theo Pháp,
vị ấy trú vào được
sự an tịnh của thiền.
Sau khi đã tiến hành
hòa hợp lại hội chúng,
vị ấy được vui hưởng
ở cõi trời trọn kiếp.

[411] Bạch ngài, phải chăng kẻ chia rẽ hội chúng phải gánh chịu sự bất hạnh, sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp (trái đất), không thể khác được?

- Này Upāli, kẻ chia rẽ hội chúng phải gánh chịu sự bất hạnh, sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.

- Bạch ngài, có thể nào kẻ chia rẽ hội chúng không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được?

- Này Upāli, cũng có thể một kẻ chia rẽ hội chúng không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được.

- Bạch ngài, thế nào là một kẻ chia rẽ hội chúng phải gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được?

- Ở đây, này Upāli, vị tỷ-kheo tuyên bố phi Pháp là: "Pháp." Với tri kiến phi Pháp trong điều ấy, với tri kiến phi Pháp trong việc chia rẽ, sau khi xác định lầm tri kiến, xác định lầm sự tùy thuận, xác định lầm sự liên đới, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng phải gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.

Lại nữa, này Upāli, vị tỷ-kheo tuyên bố phi Pháp là: "Pháp." Với tri kiến sai Pháp trong điều ấy, với tri kiến đúng Pháp trong việc chia rẽ, sau khi xác định lầm tri kiến, xác định lầm sự tùy thuận, xác định lầm sự liên đới, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng phải gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.

Lại nữa, này Upāli, vị tỷ-kheo tuyên bố phi Pháp là: "Pháp." Với tri kiến phi Pháp trong điều ấy, là vị hoài nghi trong việc chia rẽ, sau khi xác định lầm tri kiến, xác định lầm sự tùy thuận, xác định lầm sự liên đới, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng phải gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.

Lại nữa, này Upāli, vị tỷ-kheo tuyên bố phi Pháp là: "Pháp." Với tri kiến đúng Pháp trong điều ấy, với tri kiến sai Pháp trong việc chia rẽ, …(như trên)… Với tri kiến đúng Pháp trong điều ấy, là vị hoài nghi trong việc chia rẽ, …(như trên)… Là vị hoài nghi trong điều ấy, với tri kiến sai Pháp trong việc chia rẽ. Là vị hoài nghi trong điều ấy, với tri kiến đúng Pháp trong việc chia rẽ.Là vị hoài nghi trong điều ấy, là vị hoài nghi trong sự chia rẽ, sau khi xác định lầm tri kiến, xác định lầm sự tùy thuận, xác định lầm sự liên đới, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng phải gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.

Lại nữa, này Upāli, vị tỷ-kheo tuyên bố Pháp là "Phi Pháp;"…(như trên)… tuyên bố phi Luật là "Luật;" tuyên bố Luật là: "Phi Luật;" tuyên bố điều không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: "Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: "Điều không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: "Điều được thực hành bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều được thực hành bởi đức Như Lai là: "Điều không được thực hành bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều không được quy định bởi đức Như Lai là: "Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;" tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: "Điều không được quy định bởi đức Như Lai;" tuyên bố vô tội là: "Phạm tội;" tuyên bố phạm tội là: "Vô tội;" tuyên bố tội nhẹ là: "Tội nặng;" tuyên bố tội nặng là: "Tội nhẹ;" tuyên bố tội đã đủ yếu tố là: "Tội chưa đủ yếu tố;" tuyên bố tội chưa đủ yếu tố là: "Tội đã đủ yếu tố;" tuyên bố tội xấu xa là: "Tội không xấu xa;" tuyên bố tội không xấu xa là: "Tội xấu xa;" Với tri kiến phi Pháp trong điều ấy, với tri kiến phi Pháp trong việc chia rẽ. Với tri kiến phi Pháp trong điều ấy, với tri kiến đúng Pháp trong việc chia rẽ. Với tri kiến phi Pháp trong điều ấy, là vị hoài nghi trong việc chia rẽ. Với tri kiến đúng Pháp trong điều ấy, với tri kiến phi Pháp trong việc chia rẽ. Với tri kiến đúng Pháp trong điều ấy, là vị hoài nghi trong việc chia rẽ. Là vị hoài nghi trong điều ấy, với tri kiến phi Pháp trong việc chia rẽ. Là vị hoài nghi trong điều ấy, với tri kiến đúng Pháp trong việc chia rẽ. Là vị hoài nghi trong điều ấy, là vị hoài nghi trong sự chia rẽ, sau khi xác định lầm tri kiến, xác định lầm sự tùy thuận, xác định lầm sự liên đới, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng phải gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.

[412] - Bạch ngài, thế nào là một kẻ chia rẽ hội chúng không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được?

- Ở đây, này Upāli, vị tỷ-kheo tuyên bố phi Pháp là: "Pháp." Với tri kiến đúng Pháp trong điều ấy, với tri kiến đúng Pháp trong việc chia rẽ, sau khi không xác định lầm tri kiến, không xác định lầm sự tùy thuận, không xác định lầm sự liên đới, không xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được.

Lại nữa, này Upāli, vị tỷ-kheo tuyên bố Pháp là: "Phi Pháp,"…(như trên)… tuyên bố tội ác xấu là: "Tội không ác xấu." Với tri kiến đúng Pháp trong điều ấy, với tri kiến đúng Pháp trong việc chia rẽ, sau khi không xác định lầm tri kiến, không xác định lầm sự tùy thuận, không xác định lầm sự liên đới, không xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: "Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này." Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được.

Dứt Tụng Phẩm thứ ba.

Dứt Chương Chia Rẽ Hội Chúng là chương thứ bảy.

Tóm Lược Chương này:

[413]

Các người danh tiếng ở
xứ Anupiyā,
vị mảnh mai không chịu,
cày, gieo hạt, dẫn nước,
tưới, nhổ cỏ, gặt hái,
thâu hoạch, chất đống, đập,
tách rơm, sàng, nhập kho,
tương lai không ngừng nghỉ,
cả cha lẫn các ông.
Các vị giòng Thích Ca
(đức vua) Bhaddiya,
và Anuruddha,
Ānanda, Bhagu,
Kimila, ngã mạn.
Chuyện ở Kosambī,
thần thông bị mất hết,
thiên tử Kakudha,
Ngài giảng giải, của cha,
những sát thủ, hòn đá,
voi Nālāgiri.
Ba (lần mưu giết hại)
(yêu cầu) năm (điều kiện)
đều là việc trầm trọng.
Kẻ chia rẽ, trọng tội.
Ba rồi tám (phi Pháp),
lại ba (điều phi Pháp).
Bất đồng và chia rẽ,
có thể nào không tội?

----oOo----


Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

Source: BuddhaSasana

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]