Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 60: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

23/11/201712:24(Xem: 5044)
Bài 60: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

KINH VĂN 12:

BỒ TÁT VĂN THÙ

CHỌN CĂN ƯU VIỆT NHẤT


     Bấy giờ, Thế Tôn nơi tòa Sư Tử, từ ngũ thể (1) cùng phóng hào quang, chiếu soi đỉnh đầu của mười phương vô số Như Lai, với các Pháp Vương Tử và chư Bồ Tát; các Như Lai ấy cũng trong ngũ thể cùng phóng hào quang, từ mọi nơi chiếu đến đỉnh đầu của Phật, với chư Đại Bồ Tát và A La Hán trong hội. Rừng cây, ao hồ đều diễn pháp âm, hào quang giao xen như lưới báu, đại chúng được pháp chưa từng có, tất cả đều được Kim Cang Tam Muội (2). Tức thời, trời mưa bách bửu liên hoa, xanh, vàng, đỏ, trắng, xen lộn lẫn nhau; mười phương hư không hóa thành màu sắc thất bửu, núi sông, đất đai nơi cõi Ta Bà này đều ẩn mất, chỉ thấy mười phương vô số quốc độ hợp thành một cõi, ca nhạc vang lừng, tự nhiên hòa tấu.
     Lúc đó, Như Lai bảo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử rằng:
- Ông hãy xem 25 vị vô học Đại Bồ Tát và A La Hán này, mỗi mỗi trình bày phương tiện thành đạo lúc ban đầu, đều nói tu tập viên thông chân thật, lối tu của họ thật chẳng hơn kém và chẳng trước sau sai biệt. Nay ta muốn khiến A Nan khai ngộ, trong 25 lối tu, lối nào thích hợp, và sau khi ta diệt độ, chúng sanh trong cõi này muốn vào Bồ Tát thừa, cầu đạo Vô Thượng, từ cửa phương tiện nào để được thành tựu?

1). NHƯỢC ĐIỂM CỦA SÁU TRẦN,

NĂM CĂN, SÁU THỨC VÀ BẢY ĐẠI:

     Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử vâng theo ý chỉ của Phật, liền đứng dậy đảnh lễ chân Phật, thừa oai thần của Phật, nói kệ đáp rằng:

 

1. TÍNH GIÁC MINH TRONG

    SÁNG NHIỆM MẦU:


1- Biển giác tánh trong lặng,
Vốn đầy đủ vi diệu,
Chấp sáng sinh sở chiếu,
Sở lập tánh chiếu mất.
2- Mê vọng có hư không.
Do Không lập thế giới (3),
Tưởng lặng thành Quốc Độ,
Tri giác là chúng sanh.
3- Không sinh nơi Đại Giác
Như biển nổi một bọt.
Vô số nước hữu lậu (4),
Đều từ Không sinh khởi,
4- Bọt bể Không đã diệt,
Đâu thể còn tam giới,

Về cội tánh chẳng hai,
Phương tiện có nhiều lối,
5- Bậc Thánh chẳng ngăn ngại,
Thuận nghịch đều tùy nghi.
Sơ cơ vào chánh định,
Nhanh chậm chẳng đồng nhau.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Ngũ thể cùng phóng hào quang: Là năm phần gồm: đầu, mình, hai chân và hai tay, cùng phóng ra ánh sáng chiếu soi. 

(2) Kim cang tam muội: Kim cang là kim cương, một kim loại rất cứng, thường để chỉ cho phép tu cứng chắc vững bền không phá hoại được. Tam muội là định, khi ở trong định đến thanh tịnh tuyệt đối sẽ thông suốt các pháp. Kim cang tam muội là loại tam muội cao nhất mà người tu Phật có thể đạt được, nhờ vậy mà có thể đoạn diệt phiền não nhỏ nhiệm (vi tế) nhất.  

(3) Thế giới: Thế là dời đổi, là thời gian, gồm: Qúa khứ, hiện tại, tương lai; Giới là giới hạn, phương vị, là không gian, gồm 10 phương. Thế giới là không gian và thời gian cùng sự dời đổi trong thân của tất cả chúng sinh giao lộn lẫn nhau thành thế giới

(4) Hữu lậu: Là các dính mắc của dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

 

     Đoạn kệ thứ nhất diễn tả Tính Biết trong sáng nhiệm màu như sau:

1- Biển giác tánh trong lặng,
Vốn đầy đủ vi diệu,
Chấp sáng sinh sở chiếu,
Sở lập tánh chiếu mất.
     Bốn câu kệ đầu nói: Chúng sinh vốn có cái biết rộng lớn (Biển giác) tính của cái biết trong lặng vi diệu nhiệm mầu; khi chấp tính biết sáng suốt sẽ sinh ra nơi chiếu (sở chiếu), khi có nơi chiếu thì tính trong lặng biến mất.

2- Mê vọng có hư không.
Do Không lập thế giới,
Tưởng lặng thành Quốc Độ,
Tri giác là chúng sanh.
     Bốn câu kệ thứ hai nói: Khi mê vọng nên thấy có hư không, nghĩa là Sáu Căn vì nhận lầm cái vọng tâm (mê vọng) cho là tâm tánh, bèn bị mê, mất diệu tâm sáng tỏ, trở thành vô minh, nên thấy có hư không. Từ có hư không thành lập ra thế giới, tại sao? Vì không gian và thời gian cùng sự dời đổi trong thân của tất cả chúng sinh giao lộn lẫn nhau thành thế giới; từ tư tưởng kết hợp lắng đọng thành đất nước (quốc độ), và từ có cái biết (tri giác) mà thành chúng sinh, do chấp thấy (kiến chấp) chỗ trong sáng (sở minh) nên sinh khởi hình sắc (sắc tướng), do sức trong sáng (năng minh) của chấp thấy (kiến chấp) thì thành ý kiến tư tưởng. (Xin đọc lại Kinh Văn 8 nơi Mục 2 “Gốc vọng tưởng về tâm lý” và Mục 3 “Gốc vọng tưởng về vật chất”).

3- Không sinh nơi Đại Giác
Như biển nổi một bọt.
Vô số nước hữu lậu,
Đều từ Không sinh khởi,
     Bốn câu kệ thứ ba nói: Cái Không từ nơi biết nhiều (đại giác) sinh ra, tại sao? Vì do cái Có mà có cái Không, ví như một bọt nhỏ nổi giữa đại dương, có vô số ô nhiễm (hữu lậu), đều từ Không mà sinh ra.

4. Bọt bể Không đã diệt
Đâu thể còn tam giới.
Về cội tánh chẳng hai,
Phương tiện có nhiều lối,
 

     Bốn câu kệ thứ tư nói: Nếu tiêu diệt hết mọi dính mắc (bọt biển Không đã diệt), thì ba giới Dục, Sắc và Vô Sắc (tam giới) chẳng còn; sẽ trở về gốc của tự tính (tánh chẳng hai), chỉ vì do phương tiện nên phân ra nhiều cách.

5- Bậc Thánh chẳng ngăn ngại,
Thuận nghịch đều tùy nghi.
Sơ cơ vào chánh định,
Nhanh chậm chẳng đồng nhau.

     Bốn câu kệ thứ năm nói: Đối với bậc Thánh chẳng có trở ngại gì vì dù thuận hay nghịch đều tùy nghi được cả; còn đối với kẻ bắt đầu tu hành vào chính định thì sự mau chậm chẳng giống nhau.

 

2. NHƯỢC ĐIỂM CỦA SÁU TRẦN:

 

6. Quán Sắc thành nội trần,
Tinh vi chẳng thấu triệt.
Nếu đã chẳng thấu triệt,
Làm sao được viên thông?
7 - Âm thanh lộn ngữ ngôn,
Chỉ nương tựa lời Phật.
Một chẳng gồm tất cả,
Làm sao được viên thông?
8- Hương do hợp mới biết,
Ly thì chẳng có mùi.

Hợp ly tánh chẳng thường,
Làm sao được viên thông?
9- Mùi vị chẳng tự sanh,

Đợi khi nếm mới có,
Vị giác chẳng thường còn,
Làm sao được viên thông?
10- Xúc phải có sở xúc,
Chẳng sở thì chẳng xúc,
Hợp ly tánh chẳng định.
Làm sao được viên thông?
11- Pháp gọi là nội trần,
Nương trần ắt có sở.
Năng sở chẳng cùng khắp,
Làm sao được viên thông?

 

GIẢI NGHĨA:

     Đoạn thứ hai, kệ diễn tả nhược điểm của Sáu Trần như sau:       

6- Quán Sắc thành nội trần,
Tinh vi chẳng thấu triệt.
Nếu đã chẳng thấu triệt,
Làm sao được viên thông?
     Quán sát hình dạng màu sắc trong thân (nội trần) tương tự như ngoại trần, mà hình sắc do cái thấy biết trần cảnh chẳng thấu đáo, nên làm mất đi tính chân thật của sự vật, nên khó chứng viên thông.

7- Âm thanh lộn ngữ ngôn,
Chỉ nương tựa lời Phật.
Một chẳng gồm tất cả,
Làm sao được viên thông?
      Thanh âm kết hợp bởi ngôn ngữ, ngôn ngữ dựa trên danh ngôn lời Phật, ngôn ngữ biểu tượng bởi tiếng nói mà chẳng thể bao gồm được tất cả, nên tác dụng của Thanh Trần còn chưa đầy đủ, khó cho việc chứng viên thông.

8- Hương do hợp mới biết,
Ly thì chẳng có mùi.
Hợp ly tánh chẳng thường,
Làm sao được viên thông?
      Hương hòa hợp với mũi thì mới biết mùi, nếu chia cách hương với mũi thì dù có hương cũng không thể biết mùi; do đó tánh Hương Trần không tương tục nên khó có thể chứng viên thông.

9- Mùi vị chẳng tự sanh,
Đợi khi nếm mới có,
Vị giác chẳng thường còn,
Làm sao được viên thông?
      Vị không phải tự có mà cần phải nếm mới biết có vị, vị biết (giác) lại không liên tục, vì khi không nếm thì không có vị, do đó Vị Trần không tương tục nên khó chứng viên thông.

10- Xúc phải có sở xúc,
Chẳng sở thì chẳng xúc,
Hợp ly tánh chẳng định.
Làm sao được viên thông?
      Xúc có chạm mới biết, nếu không chạm thì không biết, do đó Xúc không tương tục nên khó chứng viên thông.

11- Pháp gọi là nội trần,
Nương trần ắt có sở.
Năng sở chẳng cùng khắp,
Làm sao được viên thông?

      Pháp là pháp trần, còn gọi là nội trần, nội trần là đối tượng của chỗ biết; do đó biết và chỗ biết (năng sở) của Pháp Trần chẳng cùng khắp nên khó có thể chứng viên thông.

 

3. NHƯỢC ĐIỂM CỦA NĂM CĂN:

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]