Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 50: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

14/09/201719:36(Xem: 5269)
Bài 50: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

2 - KHAI THỊ TÁNH NGHE

     LÀ THƯỜNG TRỤ

 

     Tức thời, Như Lai bảo La Hầu La đánh một tiếng chuông, hỏi A Nan:
- Nay ông nghe chăng?
     A Nan và đại chúng đều đáp:
- Có nghe!
     Khi tiếng chuông dứt rồi, Phật lại hỏi:
- Các ông nghe chăng?
     A Nan và đại chúng đều đáp:
- Chẳng nghe!
     Khi đó La Hầu La lại đánh thêm một tiếng, Phật lại hỏi:
- Các ông nghe chăng?
     A Nan và đại chúng đều đáp:
- Có nghe!
     Phật hỏi A Nan:
- Ông cho thế nào là có nghe, thế nào là chẳng nghe?
     A Nan và đại chúng đều bạch Phật rằng:
- Khi tiếng chuông đánh lên thì chúng con được nghe. Khi tiếng chuông ngưng rồi, âm vang đều dứt thì chẳng nghe.
     Như Lai lại bảo La Hầu La đánh chuông, rồi hỏi A Nan:
- Nay có tiếng chăng?
     A Nan và đại chúng đều đáp:
- Có tiếng.
     Ít lâu tiếng ngưng, Phật lại hỏi:
- Nay có tiếng chăng?
     A Nan và đại chúng đều đáp:
- Không tiếng.
     Lát sau, La Hầu La lại đánh một tiếng chuông. Phật lại hỏi:
- Nay có tiếng chăng?
     A Nan và đại chúng đều đáp:
- Có tiếng.
     Phật hỏi A Nan:
- Ông cho thế nào là có tiếng, thế nào là chẳng có tiếng?
     A Nan và đại chúng đều bạch Phật rằng:
- Khi tiếng chuông đánh lên thì gọi là có tiếng, khi tiếng chuông ngưng rồi, âm vang đều dứt, thì gọi là chẳng có tiếng.
     Phật bảo A Nan và đại chúng:
- Lời nói các ông sao tự càn loạn với nhau!
     Đại chúng và A Nan đồng thời bạch Phật:
- Sao gọi chúng con là càn loạn?
     Phật nói:
- Ta hỏi về nghe thì các ông nói nghe, ta hỏi về tiếng thì ông nói tiếng, cái nghe và tiếng trả lời chẳng định như thế, không phải càn loạn là gì?
- A Nan! Tiếng dứt chẳng âm vang thì ông nói là chẳng nghe, nếu thật chẳng nghe thì tánh nghe phải diệt, đồng như cây khô, khi tiếng chuông lại đánh lên, thì ông làm sao biết được? Biết có biết không ấy là thanh trần, hoặc có hoặc không đâu phải tánh nghe vì ông mà thành có thành không? Nếu tánh nghe thật không thì ai biết không nghe?
- A Nan! Thanh trần ở trong tánh nghe tự có sanh diệt, chẳng phải tánh nghe của ông theo thanh trần sanh diệt khiến tánh nghe thành có thành không. Ông còn điên đảo nhận lầm thanh trần là tánh nghe, lạ gì chẳng mê muội cho Thường là Đoạn?
- Tóm lại, chẳng nên cho rằng lìa các tướng động, tịnh, thông, nghẽn, nói chẳng có tánh nghe.
     Như người đang ngủ mê trên giường, trong nhà có người giã gạo, người ấy trong chiêm bao nghe tiếng giã gạo, tưởng thành tiếng khác, hoặc cho là tiếng trống, hoặc cho là tiếng chuông, trong chiêm bao liền lấy làm lạ, sao tiếng chuông lại như tiếng cây đập vào đá, khi chợt tỉnh dậy nghe tiếng chày, bảo với người nhà rằng, trong lúc chiêm bao đã lầm tiếng chày cho là tiếng trống. A Nan, người đó trong chiêm bao đâu nhớ những sự động, tịnh, thông, nghẽn. Thân hình dù ngủ, nhưng tánh nghe chẳng mất, vậy dẫu cho hình tướng tiêu tan, thân mạng dời đổi, làm sao tánh nghe này lại vì ông mà tiêu diệt.
- Do các chúng sanh từ vô thỉ, nương theo sắc thanh, đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển, chưa từng khai ngộ bản tánh trong sạch thường trụ, chẳng theo tánh chân thường, lại đuổi theo sanh diệt, do đó đời đời bị xoay vần trong vòng tạp nhiễm.
- Nếu bỏ sanh diệt, giữ tánh chân thường, thì ánh sáng của Chân Thường tự hiện, căn, trần, tâm thức, ngay đó liền tiêu; tướng vọng tưởng là trần, tánh phân biệt là cấu, cả hai đều xa lìa, thì pháp nhãn của ngươi liền được trong suốt, làm sao lại chẳng thành Vô Thượng Tri Giác?

GIẢI NGHĨA

 

     Theo thói quen thông thường của con người thì khi có tiếng thì có nghe, khi không tiếng thì không nghe, nên cái nghe chạy đuổi theo cái tiếng, do đó lỗ tai (căn) bị dính mắc với tiếng (thanh trần). Đây là điều mà Phật quở là “càn loạn”, vì khi tiếng chuông dứt thì nói chẳng nghe, nếu chẳng nghe thì tính nghe phải diệt, đến khi có tiếng thì làm sao mà nghe được nữa.

 

     Do đó Ngài giảng rằng: “Biết có biết không, ấy là thanh trần, hoặc có hoặc không đâu phải tánh nghe, vì ông nên thành có thành không. Nếu tánh nghe thật không thì ai biết tánh nghe?” Bởi vì biết có tiếng hay không tiếng là do có thính trần hay không thính trần, chứ đâu phải không có tính nghe, vì tính nghe luôn luôn lúc nào cũng hiện diện sẵng sàng, chỉ là chúng ta không để ý đến mà thôi. Có nghe tiếng và không nghe tiếng là do bởi chính chúng ta không biết đến tính nghe mà thôi; còn nếu tính nghe không có lúc không đánh chuông, thì không thể biết được tính nghe.

 

     Đức Phật giảng tiếp: “Thanh trần ở trong tánh nghe tự có sanh diệt, chẳng phải tánh nghe của ông theo thanh trần sanh diệt khiến tánh nghe thành có thành không. Ông còn điên đảo nhận lầm thanh trần là tánh nghe, lạ gì chẳng mê muội cho Thường là Đoạn?” Cho Thường là Đoạn, nghĩa là chấp cho rằng khi có tiếng mới là nghe, khi không có tiếng là không nghe; nhưng sự thật tiếng “không có” không phải là tính nghe không có, tiếng “có” không phải tính nghe sinh khởi.

 

     Đó là vấn đề mà ai cũng có thể hiểu được tính thường hằng của tính nghe, nên Ngài kết luận cho Nhĩ Căn này bằng câu: “Chẳng nên cho rằng lià các tướng động tĩnh, thông nghẽn nói chẳng có tánh nghe”, vì có hay không có các cặp đối đãi động tĩnh, thông nghẽn, thì tính nghe vẫn hiện diện. Khi nói đến Nhĩ Căn, chúng ta còn phải tư duy cả đến tính khác của Sáu Căn, trong Sáu Căn dù có hơn có kém không đồng đều, nhưng không có căn nào lià trần mà mất đi công năng thanh tịnh và chân thường của nó.

 

     Để cho hiểu rõ hơn, Đức Phật cho thí dụ về người ngủ mê khi nghe tiếng giã gạo lại tưởng là tiếng trống, rồi suy nghĩ sao tiếng trống mà hình như tiếng cây đập vào đá, khi tỉnh mới biết là tiếng chày giã gạo. Dù lúc ngủ người ấy không hề nhớ đến động tĩnh, thông nghẽn, dù thân thể ngủ, nhưng tính nghe vẫn hiện diện, vì vậy cho nên dù thân thể tiêu tan biến đổi, tính nghe cũng chẳng mất.

 

     Ngài dạy: “- Do các chúng sanh từ vô thỉ, nương theo sắc thanh, đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển, chưa từng khai ngộ bản tánh trong sạch thường trụ, chẳng theo tánh chân thường, lại đuổi theo sanh diệt, do đó đời đời bị xoay vần trong vòng tạp nhiễm”. Nghĩa là từ lâu đời (vô thỉ), mọi người và tất cả chúng sinh các loài đều dính theo trần cảnh, rồi chạy đuổi theo tưởng nhớ các hình bóng ảnh tượng của trần cảnh mà tạo nghiệp nên phải sinh tử luân hồi. Và cứ thế tiếp diễn luân chuyển mãi trong ô nhiễm trần lao, mà không hề biết tới gốc tính (bản tánh) trong sạch không sinh không diệt thường hằng không thay đổi.

 

     Ngài dạy tiếp: “- Nếu bỏ sanh diệt, giữ tánh chân thường, thì ánh sáng của Chân Thường tự hiện, căn, trần, tâm thức, ngay đó liền tiêu; tướng vọng tưởng là trần, tánh phân biệt là cấu, cả hai đều xa lìa, thì pháp nhãn của ông liền được trong suốt, làm sao lại chẳng thành Vô Thượng Tri Giác?” Nghĩa là nếu không theo căn trần được kiên cố, xa lià các hình bóng âm vang ảnh tượng của pháp trần (tướng vọng tưởng), tức bỏ dính cảnh trần, lià so đo phân biệt, chỉ giữ tính biết (thấy, nghe. . .) được kiên cố vững vàng. Lúc đó ánh sáng của tính biết thường hằng tự hiển hiện, tính biết sẽ bao trùm khắp không gian và suốt thời gian qúa khứ hiện tại tương lai thành vô thượng tri giác vậy.

 

(Quyển bốn hết)


(Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]