Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 3: Phẩm Học Quán 1

22/06/201519:50(Xem: 14692)
Quyển 3: Phẩm Học Quán 1
TẬP 01 - QUYỂN 03
 
PHẨM HỌC QUÁN
 01




Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn biết các thế giới: Như là Thiên-ma-phạm, như là các Sa-môn, như là Bà-la-môn, như là Kiền-đạt-phược, như là A-tố-lạc, như là các Thần rồng, như là các chúng đại Bồ-tát những vị ở thân sau cùng, nối ngôi vị Phật; ngoài ra, còn có tất cả người chẳng phải người, có duyên đối với Pháp, đều đã tập hộp, liền bảo Cụ thọ Xá Lợi Tử: Nếu đại Bồ-tát, đối với tất cả pháp, muốn giác ngộ cùng tột tất cả tướng, nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Khi ấy, Xá Lợi Tử nghe Phật nói rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vui mừng nhảy nhót, đi đến trước Phật, đầu lạy hai chân Phật, phủ kín vai bên trái, gối phải quỳ xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát, đối với tất cả pháp, muốn giác ngộ cùng tột tất cả tướng, phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế nào?

Phật bảo Cụ thọ Xá Lợi Tử: Xá Lợi Tử! Các đại Bồ-tát nên lấy vô trụ làm phương tiện, để an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa; vì sở trụ, năng trụ đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô xả làm phương tiện, để hoàn thành Bố thí Ba-la-mật-đa; vì người cho, kẻ nhận và vật cho, đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô hộ làm phương tiện, để hoàn thành tịnh giới Ba-la-mật-đa; vì cái tướng phạm, không phạm đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô thủ làm phương tiện, để hoàn thành an nhẫn Ba-la-mật-đa; vì tướng động, không động đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô cần làm phương tiện, để hoàn thành tinh tấn Ba-la-mật-đa; vì thân tâm siêng, lười đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô tư làm phương tiện, để hoàn thành tịnh lự Ba-la-mật-đa; vì có thiền vị, không có thiền vị đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô trước làm phương tiện, để hoàn thành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; vì tánh, tướng của các pháp đều không thể nắm bắt được.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành: Bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi giác ngộ, tám chi thánh đạo; vì ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành pháp môn không giải thoát, vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát; vì ba môn giải thoát này, đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định; vì tịnh lự, vô lượng, vô sắc định đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; vì giải thoát, thắng xứ … cho đến biến xứ đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện, để hoàn thành chín tưởng là Tưởng phình bụng, tưởng chảy mủ, tưởng đỏ bầm, tưởng tím xanh, tưởng chim mổ nuốt, tưởng tan rã, tưởng bộ xương, tưởng thiêu đốt, tưởng tất cả thế gian không thể bảo tồn được; vì các tưởng ấy, đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành mười tùy niệm, đó là Tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm xả, tùy niệm thiên, tùy niệm nhập xuất tức, tùy niệm yểm, tùy niệm tử, tùy niệm thân; vì các tùy niệm này, không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành mười phép quán tưởng đó là: Quán tưởng vô thường, quán tưởng khổ, quán tưởng vô ngã, quán tưởng bất tịnh, quán tưởng chết, quán tưởng tất cả thế gian không có gì thích thú, quán tưởng nhàm chán ăn uống, quán tưởng dứt trừ, quán tưởng xa lìa, quán tưởng tiêu diệt; vì các quán tưởng này, không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành mười một trí, đó là Trí biết khổ, trí biết tập, trí biết diệt, trí biết đạo, trí dứt phiền não, trí chứng vô sanh, trí biết pháp, trí phân loại pháp, trí thế gian, trí biết tâm kẻ khác, trí biết đúng lời Phật dạy; vì các trí ấy không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên hoàn thành định có tầm có từ, định không tầm chỉ có từ, định không tầm không từ; vì ba cảnh định ấy không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên hoàn thành điều chưa biết nên biết, biết rõ điều đã biết, biết đủ điều đã biết; vì các điều ấy không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên hoàn thành quán bất tịnh, quán không gian vô biên, trí hơn tất cả trí, định, tuệ; vì năm thứ ấy không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên hoàn thành bốn điều nhiếp phục, bốn nơi an trú thù thắng, ba loại minh, năm thứ mắt, sáu loại thần thông, sáu phép ba la mật; vì sáu thứ ấy không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên hoàn thành bảy pháp giúp thành Phật, tám điều giác ngộ của đại sĩ, chín loại trí của chín loài hữu tình, pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; vì năm loại ấy không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên hoàn thành mười địa vị tu hành, mười hạnh tu hành, mười điều nhẫn nhục, hai mươi niềm vui tu hành thăng tiến; vì bốn thứ ấy, không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên hoàn thành mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp chỉ Phật riêng có, ba mươi hai tướng của bậc đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp kèm theo; vì sáu loại ấy, không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên hoàn thành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, trí biết tất cả, trí biết tướng đạo, trí biết tất cả tướng, trí biết tất cả sự mầu nhiệm của tướng; vì sáu pháp ấy, không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, nên hoàn thành đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả và vô lượng vô biên pháp Phật khác; vì các pháp ấy, không thể nắm bắt được.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các đại Bồ-tát muốn mau chứng trí vượt hơn tất cả trí, nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu Các đại Bồ-tát muốn mau hoàn thành trí biết tất cả, trí biết tướng đạo, trí biết tướng tất cả, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn mau hoàn thành trí biết tướng về tâm hành của tất cả hữu tình, trí biết sự mầu nhiệm của tướng, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn bứng gốc phiền não và thói xấu nhiều đời, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn lìa phiền não, vào Niết-bàn của Bồ-tát, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn vượt khỏi bậc Thanh văn và Độc giác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn an trú ở bậc không thối chuyển của Bồ-tát, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn chứng sáu phép thần thông nhanh chóng, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn biết sự sai khác về tâm hành và chỗ đến của tất cả hữu tình, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn hơn tất cả Thanh văn, Độc giác về tác dụng của trí tuệ, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn chứng tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn dùng nhất niệm với tâm tùy hỷ, vượt hơn sự bố thí của cải của Thanh văn, Độc giác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn dùng nhất niệm với tâm tùy hỷ, vượt hơn tịnh giới đang giữ của tất cả Thanh văn, Độc giác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn dùng nhất niệm với tâm tùy hỷ, vượt hơn định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của tất cả Thanh văn, Độc giác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn dùng nhất niệm với tâm tùy hỷ, vượt hơn tịnh lự, giải thoát, các cảnh định v.v… và các pháp lành khác của tất cả Thanh văn, Độc giác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn dùng nhất niệm của pháp lành đang tu, để vượt hơn pháp lành của tất cả bậc Thanh văn, Độc giác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn thực hành một phần nhỏ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, trí tuệ cho các hữu tình, phương tiện khéo léo, hồi hướng về quả vị Giác ngộ cao tột, để được công đức vô lượng vô biên, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát muốn khiến cho việc thực hành sáu phép Ba-la-mật: Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, trí tuệ, lìa các chướng ngại, mau được thành tựu, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn đời đời thường gặp chư Phật, luôn được nghe Chánh pháp, được giác ngộ như Phật, nhờ Phật mà nhớ lại lời dạy bảo, trao truyền, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn được đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, và tám mươi vẻ đẹp kèm theo viên mãn, trang nghiêm của thân Phật, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn được đời đời thường nhớ lại đời trước, hoàn toàn không quên mất tâm đại Bồ-đề, xa lìa bạn ác, gần gũi bạn lành, thường tu hạnh đại Bồ-tát, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn đời đời đầy đủ đại oai đức, xua đuổi các ma oán, điều phục các ngoại đạo, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn đời đời vĩnh viễn xa lìa tất cả phiền não nghiệp chướng, thông đạt các pháp, tâm không chướng ngại, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn đời đời tâm lành, nguyện lành, làm lành được liên tục, không biếng lười bỏ phế, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn sinh vào nhà tin Phật, vào bậc đồng chơn, thường không xa lìa chư Phật và Bồ-tát, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn đời đời được đầy đủ các tướng tốt đoan nghiêm như Phật, tất cả hũu tình thấy được hoan hỷ, phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, nhanh chóng thành tựu công đức chư Phật, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn dùng các sức mạnh của căn lành thù thắng, tùy ý thường đem vật cúng dường quí nhất, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen tất cả Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, khiến cho các căn lành mau được viên mãn, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn thỏa mãn tất cả nhu cầu của hữu tình như ăn uống, y phục, giường chõng, đồ nằm, thuốc men chữa bệnh, các món hoa hương, đèn sáng, xe cộ, vườn rừng, nhà cửa, của cải, lúa gạo, ngọc quý, đồ trang sức quý, kỹ nhạc và các loại nhạc cụ quý khác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát muốn khéo an lập tất cả hữu tình trong khắp cõi hư không, cõi pháp, cõi đời, khiến họ đều an trú các pháp Ba-la-mật-đa: Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, trí tuệ, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn được chỉ phát nhất niệm thiện tâm, mà có được công đức lớn, cho đến lúc ngồi trên tòa Bồ-đề cao quí, chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, cũng không hết được, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn được tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các chúng đại Bồ-tát, trong các cõi Phật ở mười phương, cùng khen ngợi, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn một lần phát tâm, liền có thể biến khắp vô số thế giới trong mười phương, để cúng dường chư Phật, lợi lạc hữu tình, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn, một lần phát ra tiếng, liền có thể biến khắp vô số thế giới trong mười phương, để tán thán chư Phật, giáo hóa hữu tình, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn, trong khoảng một niệm, an lập tất cả hữu tình, ở vô số cõi Phật trong mười phương, đều khiến họ học tập con đường mười việc làm lành, thọ ba quy y, giữ gìn giới cấm, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn, trong khoảng một niệm, an lập tất cả hữu tình, ở vô số thế giới chư Phật trong mười phương, đều khiến họ học tập bốn phép thiền, bốn tâm rộng lớn, bốn định vô sắc, đạt được năm phép thần thông, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn, trong khoảng một niệm, an lập tất cả hữu tình, ở vô số thế giới chư Phật trong mười phương, khiến họ an trụ Đại thừa, tu hạnh Bồ-tát, không hủy báng các thừa khác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn nối giống Phật, không để đoạn tuyệt, giữ gìn dòng dõi Bồ-tát, khiến không thối chuyển, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau hoàn thành, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát muốn thông đạt cái không trong, cái không ngoài, cái không trong ngoài, cái không không, cái không lớn, cái không thắng nghĩa, cái không hữu vi, cái không vô vi, cái không rốt ráo, cái không giới hạn, cái không rộng lớn, cái không không đổi khác, cái không bản tính, cái không tự tánh, cái không cộng tướng, cái không tất cả pháp, cái không không thể nắm bắt được, cái không không tánh, cái không tự tánh, cái không không tánh tự tánh, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn thông đạt tất cả pháp, pháp giới chơn như, tánh pháp, tánh không hư vọng, tánh không đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cõi hư không, cõi không thể nghĩ bàn, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn thông đạt tánh tận sở hữu, tánh như sở hữu của tất cả các pháp, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn thông đạt tánh nhân duyên, tánh đẳng vô gián duyên, tánh sở duyên duyên, tánh tăng thượng duyên của tất cả các pháp, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn thông đạt tất cả các pháp là như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như ảnh, như bóng sáng, như quáng nắng, như hoa đốm trên không, như ảo thành, như trò ảo thuật, chỉ do tâm hiện, tánh tướng đều không, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn biết hư không đại địa, các núi, biển lớn, các sông, ao, hồ, khe, suối, vũng nước, đất, nước, gió, lửa, và các thứ nhỏ nhiệm nhất, trong thế giới ba lần ngàn, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn chẻ một sợi lông làm trăm phần, rồi lấy một phần của sợi lông ấy, đưa hết nước trong biển lớn, các sông, ao, hồ, khe suối, vũng nước, ở thế giới ba lần ngàn, trút vào vô biên thế giới ở phương khác, mà không làm tổn hại đến các loài sống dưới nước, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát thấy có hỏa hoạn đốt cháy khắp trời đất, trong thế giới ba lần ngàn, muốn một hơi thổi, khiến cho tắt ngay, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát thấy có phong luân, ở trong thế giới ba lần ngàn, phát bùng lên, sắp thổi núi Tô-mê-lô, núi Tô-mê-lô lớn, núi Luân-vi, núi Luân-vi lớn, và các núi nhỏ khác, vạn vật trong đại địa, ở thế giới ba lần ngàn, nát ra như cám, muốn dùng một ngón tay ngăn sức gió ấy, khiến ngưng ngay, không khởi, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn một lần ngồi kiết già, đầy cả hư không, trong thế giới ba lần ngàn, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn dùng một sợi lông buộc núi Tô-mê-lô, núi Tô-mê-lô lớn, núi Luân-vi, núi Luân-vi lớn và các núi nhỏ khác, vạn vật trong đại địa, trong thế giới ba lần ngàn, ném qua vô lượng, vô số, vô biên thế giới phương khác, mà không tổn hại các loài hữu tình, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn dùng một món ăn, một đóa hoa, một nén hương, một cái tràng, một cái lọng, một cái phan, một cái trướng, một ngọn đèn, một chiếc áo, một bản nhạc hay v.v…, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, tất cả các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các chúng đệ tử trong vô số thế giới ở mười phương một cách đầy đủ, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn cùng an lập các loài hữu tình, trong vô số thế giới ở mười phương, khiến họ trụ vào nhóm giới, hoặc nhóm định, hoặc nhóm huệ, hoặc nhóm giải thoát, hoặc nhóm giải thoát tri kiến, hoặc trụ vào quả Dự-lưu, hoặc trụ vào quả Nhất-lai, hoặc trụ vào quả Bất-hoàn, hoăc trụ vào quả A-la-hán, hoặc trụ quả vị Độc-giác, cho đến, hoặc khiến nhập cảnh giới Vô dư y Niết-bàn, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, có khả năng biết như thật: Bố thí như vậy thì được quả báo lớn, gọi là biết như thật; bố thí như vậy thì được sanh vào dòng dõi lớn Sát-đế-lợi; bố thí như vậy thì được sanh vào dòng dõi lớn Bà-la-môn; bố thí như vậy thì được sanh vào dòng dõi lớn Trưởng giả; bố thí như vậy thì được sanh vào dòng dõi lớn Cư sĩ; bố thí như vậy thì được sanh vào các cảnh trời ở cõi Tứ-đại-thiên-vương, hoặc sanh vào cõi trời Ba-mươi-ba, hoặc sanh vào cõi trời Dạ-ma, hoặc sanh vào cõi trời Đổ-sử-đa, hoặc sanh vào cõi trời Lạc biến hóa, hoặc sanh vào cõi trời Tha-hóa-tự-tại. Do bố thí ấy, mà được Sơ-thiền, hoặc Đệ-nhị-thiền, hoặc Đệ-tam-thiền, hoặc Đệ-tứ-thiền. Do bố thí ấy, mà được định Không-vô-biên-xứ, hoặc định Thức-vô-biên-xứ, hoặc định Vô-sở-hữu-xứ, hoặc định Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ. Do bố thí ấy, mà được ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề. Do bố thí ấy, mà được ba môn giải thoát. Do bố thí ấy, mà được tám giải thoát, hoặc tám thắng xứ, hoặc chín định liên tục, mười biến xứ. Do bố thí ấy, mà được pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Do bố thí ấy, mà được lìa phiền não, nhập Niết-bàn của Bồ-tát. Do bố thí ấy, mà được bậc Cực hỷ, hoặc bậc Ly cấu, hoặc bậc Phát quang, hoặc bậc Diệm tuệ, hoặc bậc Cực nan thắng, hoặc bậc Hiện tiền, hoặc bậc Viễn hành, hoặc bậc Bất động, hoặc bậc Thiện tuệ, hoặc bậc Pháp vân. Do bố thí ấy, mà được năm thứ mắt Phật, hoặc sáu phép thần thông. Do bố thí ấy, mà được mười lực Phật, hoặc bốn điều không sợ, hoặc bốn hiểu biết không chướng ngại, hoặc mười tám pháp chỉ Phật riêng có, hoặc đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Do bố thí ấy, mà được ba mươi hai tướng của bậc đại trượng phu, hoặc tám mươi vẻ đẹp kèm theo. Do bố thí ấy, mà được pháp không quên mất, hoặc thường trụ trong tánh xả. Do bố thí ấy, mà được trí biết tất cả, trí biết tướng đạo, hoặc trí biết tất cả tướng. Do bố thí ấy, mà được quả Dự-lưu, hoặc quả Nhất-lai, hoặc quả Bất-hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc quả Độc giác Bồ-đề, hoặc được quả vị Giác ngộ cao tột; và có khả năng biết như thật: tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, trí tuệ, được quả báo lớn, cũng như vậy.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa: Có khả năng biết như thật: Khéo léo dùng phương tiện bố thí như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bố thí Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện bố thí như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh giới Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện bố thí như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ an nhẫn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện bố thí như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tinh tấn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện bố thí như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh lự Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện bố thí như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Có khả năng biết như thật: Khéo léo dùng phương tiện giữ tịnh giới như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh giới Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện giữ tịnh giới như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ an nhẫn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện giữ tịnh giới như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tinh tấn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện giữ tịnh giới như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh lự Ba-la-mật-đa, khéo léo dùng phương tiện giữ tịnh giới như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, khéo léo dùng phương tiện giữ tịnh giới như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ bố thí Ba-la-mật-đa.

Có khả năng biết như thật: Khéo léo dùng phương tiện an nhẫn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ an nhẫn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện an nhẫn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tinh tấn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện an nhẫn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh lự Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện an nhẫn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bát-nhã-ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện an nhẫn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bố thí Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện an nhẫn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh giới Ba-la-mật-đa.

Có khả năng biết như thật: Khéo léo dùng phương tiện tinh tấn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tinh tấn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tinh tấn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh lự Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tinh tấn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bát-nhã-ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tinh tấn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bố thí Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tinh tấn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh giới Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tinh tấn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ an nhẫn Ba-la-mật-đa.

Có khả năng biết như thật: Khéo léo dùng phương tiện tịnh lự như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh lự Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tịnh lự như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bát-nhã-ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tịnh lự như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bố thí Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tịnh lự như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh giới Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tịnh lự như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ an nhẫn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện tịnh lự như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tinh tấn Ba-la-mật-đa.

Có khả năng biết như thật: Khéo léo dùng phương tiện Bát nhã như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bát-nhã-ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện Bát nhã như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bố thí Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện Bát nhã như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh giới Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện Bát nhã như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ an nhẫn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện Bát nhã như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tinh tấn Ba-la-mật-đa; khéo léo dùng phương tiện Bát nhã như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh lự Ba-la-mật-đa.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, có khả năng biết như thật: Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã như thế, và do dùng phương tiện khéo léo mà hoàn thành đầy đủ: Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Phật bảo cụ thọ Xá Lợi Tử: Các đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, có khả năng biết như thât: Nếu đại Bồ-tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, thì hiểu thấu tất cả người cho, kẻ nhận, vật cho, đều không thể nắm bắt được; khéo léo dùng phương tiện bố thí như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa, thì hiểu thấu tất cả tướng phạm, không phạm đều không thể nắm bắt được; khéo léo dùng phương tiện giữ tịnh giới như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã, Bố thí Ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu hành an nhẫn Ba-la-mật-đa, thì hiểu thấu tất cả tướng động, không động, đều không thể nắm bắt được; khéo léo dùng phương tiện an nhẫn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã, Bố thí, tịnh giới Ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu hành tinh tấn Ba-la-mật-đa, thì hiểu thấu tất cả thân tâm siêng, lười đều không thể nắm bắt được; khéo léo dùng phương tiện tinh tấn như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã, Bố thí, tịnh giới, an nhẫn Ba-la-mật-đa..

Nếu đại Bồ-tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu hành tịnh lự Ba-la-mật-đa, thì hiểu thấu tất cả có thiền vị, không thiền vị đều không thể nắm bắt được; khéo léo dùng phương tiện tịnh lự như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ tịnh lự, Bát nhã, Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn  Ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thì hiểu thấu tánh tướng của các pháp, đều không thể nắm bắt được; khéo léo dùng phương tiện Bát nhã như thế, thì có thể hoàn thành đầy đủ Bát nhã, Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự Ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát muốn có được công đức của tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trong quá khứ, hiện tại, vị lai, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn đạt đến khắp bờ giác các pháp hữu vi, vô vi, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn đạt đến tột cùng thật tế của các pháp chơn như, pháp giới, pháp tánh, vô sanh, trong quá khứ, hiện tại, vị lai, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn làm người hướng dẫn cho tất cả Thanh văn, Độc giác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn làm thị giả thân cận cho chư Phật, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn làm bà con thân thích với chư Phật, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn đời đời đông đủ bà con, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn thường làm bà con với Bồ-tát, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn thân được thanh tịnh, để kham nhận sự cung kính cúng dường của thế gian, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn xua đuổi, chế phục các tâm xan tham, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn vĩnh viễn không khởi các tâm phạm giới, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn trừ khử vĩnh viễn các tâm tức giận, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn vĩnh viễn xả bỏ các tâm lười biếng, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn vĩnh viễn lặng dứt các tâm tán loạn, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn vĩnh viễn xa lìa các tâm thông minh, ác độc, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn an lập hết tất cả hữu tình, đối với việc làm phước mang tính bố thí, việc làm phước mang tính giữ giới, việc làm phước mang tính tu hành, việc làm phước cúng dường hầu hạ, và việc làm phước có quy y, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn được năm loại mắt, đó là mắt phàm, mắt trời, mắt tuệ, mắt pháp, mắt Phật, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát muốn dùng mắt trời chiêm ngưỡng khắp tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trong vô số thế giới chư Phật ở mười phương,thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn dùng tai trời, nghe hết lời nói pháp của tất cả các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trong vô số thế giới chư Phật ở mười phương, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn biết như thật các pháp tâm, tâm sở của tất cả các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trong vô số thế giới ở mười phương, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn được nghe Chánh pháp nơi các cõi Phật, trong vô số thế giới chư Phật ở mười phương, thường không lười bỏ, làm theo pháp đã nghe, cho đến khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, mà không quên mất, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn thấy các cõi Phật, ở quá khứ, hiện tại, vị lai, trong mười phương thế giới, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn cho các vị Thanh văn, đã nghe hoặc chưa nghe, đều có thể thông đạt được nghĩa thú sâu xa của tất cả Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Bổn sự, Bổn sanh, Phương quảng, Hy pháp, Thí dụ, Luận nghị mà chư Phật mười phương nói, trong quá khứ, hiện tại, vị lai, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn tự thọ trì, đọc tụng, thông suốt, hiểu thấu nghĩa thú, và truyền bá cho kẻ khác, những pháp môn mà chư Phật mười phương nói trong quá khứ, hiện tại, vị lai, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn tự mình tu hành đúng như lời Phật dạy, và có thể khuyên người khác tu hành đúng như lời Phật dạy, trong các pháp môn, mà chư Phật mười phương nói, trong quá khứ, hiện tại, vị lai, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn làm ánh sáng chiếu rọi ở vô số cõi u minh, trong mười phương, và ở trong tất cả thế giới, nơi mà ánh sáng mặt trời, mặt trăng không chiếu tới được, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu trong vô số thế giới tối tăm, ngu muội, ở mười phương, có loài hữu tình tà kiến rất mạnh, không tin việc làm ác, không tin việc làm lành, không tin quả báo của việc làm ác, việc làm lành, không tin đời trước,  không tin đời sau, không tin khổ đế, không tin tập đế, không tin diệt đế, không tin đạo đế, không tin các việc làm bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã v.v… thường thu hoạch kết quả thế gian, ngoài thế gian, không nghe tên Phật, tên Pháp, tên Tăng; Bồ-tát muốn phương tiện khai hóa, khiến cho họ phát khởi Chánh kiến, nghe tên Tam bảo, hoan hỷ tin theo, bỏ các việc ác, tu các việc lành, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn khiến cho hữu tình, trong vô số thế giới ở mười phương, tự dùng oai lực mình, người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm nói được, người điên được tỉnh, người loạn được định, người nghèo được giàu, người không y phục được y phục, người đói được ăn, người khát được uống, người bệnh được lành, người xấu được đẹp, người tàn tật được lành lặn, người thiếu giác quan được đầy đủ, người sầu muộn được tỉnh ngộ, người mỏi mệt được khỏe khoắn, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn khiến hữu tình, trong vô số thế giới ở mười phương, tự dùng oai lực mình, đem lòng thương đối đãi nhau như cha như mẹ, như anh như em, như chị như em, như bạn bè, như bà con, không chống đối, hãm hại nhau, làm việc lợi ích an vui cho nhau, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn khiến hữu tình, trong vô số thế giới ở mười phương, tự dùng oai lực mình, ai đang ở chốn ác, đều thoát chốn ác, sanh về chốn lành; ai ở chỗ lành thì luôn ở chỗ lành, không đọa vào chỗ ác, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn khiến hữu tình, trong vô số thế giới ở mười phương, tự dùng oai lực mình, ai quen làm việc ác thì tu theo việc thiện, không chán nản, mỏi mệt,thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn khiến hữu tình, trong vô số thế giới ở mười phương, tự dùng oai lực mình, những ai phạm giới, đều trụ trong nhóm giới; những ai tán loạn, đều trụ trong nhóm định; những ai ngu si, đều trụ trong nhóm tuệ; những ai chưa được giải thoát, đều trụ trong nhóm giải thoát; những ai chưa được giải thoát tri kiến, đều trụ trong nhóm giải thoát tri kiến, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn khiến hữu tình, trong vô số thế giới ở mười phương, tự dùng thần lực mình, ai chưa thấy được chân lý, thấy được chân lý, trụ quả Dự-lưu, hoặc quả Nhất-lai, hoặc quả Bất-hoàn, hoặc chứng được quả A-la-hán, hoặc chứng được quả vị Độc-giác Bồ-đề, hoặc cho đến chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát muốn học oai nghi thù thắng của chư Phật, khiến cho hữu tình xem thấy không chán, dứt tất cả ác, sinh tất cả thiện, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ-tát, khởi lên tư duy: Lúc nào ta nói pháp cho chúng sanh, dung nghi cũng nghiêm nghị như voi chúa nhìn, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào nghiệp thân, ngữ, ý của ta cũng đều được thanh tịnh, theo trí tuệ mà thực hành và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào chân ta cũng không đạp đất, cách đất khoảng bốn ngón tay, tự tại mà đi và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta sẽ được, vô lượng trăm ngàn, vô số các trời, trong cõi Tứ-đại-thiên-vương, trời Ba-mươi-ba, trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha-hóa-tự-tại, trời Phạm chúng, trời Phạm-phụ, trời Phạm-hội, trời Đại-phạm, trời Quang, trời Thiểu-quang, trời Vô-lượng-quang, trời Cực-quang-tịnh, trời Tịnh, trời Thiểu-tịnh, trời Vô-lượng-tịnh, trời Biến-tịnh, trời Quảng, trời Thiểu-quảng, trời Vô-lượng-quảng, trời Quảng-quả, trời Vô-phiền, trời Vô-nhiệt, trời Thiện-hiện, trời Thiện-kiến, trời Sắc-cứu-cánh, và các Thần rồng, đều cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, hướng dẫn tùy tùng đến vây quanh cây Bồ-đề, và vị đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta sẽ được, vô lượng trăm ngàn vô số các trời trong cõi Tứ-đại-thiên-vương, cho đến trời Sắc cứu cánh và các Thần rồng, ở dưới cội Bồ-đề, dùng y báu làm tòa, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta ở dưới cây Bồ-đề, ngồi kiết già, lấy tay được trang nghiêm bởi các tướng tốt, vỗ xuống đất, khiến cho địa thần nơi ấy và các quyến thuộc, cùng lúc vụt hiện lên làm chứng, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta ngồi tại cây Bồ-đề, hàng phục chúng ma, chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta chứng được quả vị Giác ngộ cao tột rồi, tùy theo địa phương, đi đứng nằm ngồi, đỉnh đạt tự tại, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào là ngày ta bỏ ngôi vua xuất gia, ngay khi thành quả vị Giác ngộ cao tột, thì cũng ngay trong ngày ấy, trở lại chuyển bánh xe pháp mầu nhiệm, liền khiến vô lượng, vô số hữu tình, vĩnh viễn xa lìa trần cấu, phát sinh mắt pháp thanh tịnh; lại khiến vô lượng, vô số hữu tình, vĩnh viễn trừ hết các lậu, tâm tuệ giải thoát; cũng khiến vô lượng, vô số hữu tình, đều ở quả vị Giác ngộ cao tột, được không thối chuyển, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta sẽ được quả vị Giác ngộ cao tột, vô lượng vô số Thanh Văn, Bồ-tát là chúng đệ tử, một lần thuyết pháp, mà vô lượng vô số các loài hữu tình, không rời chỗ ngồi, cùng lúc chứng được quả A-la-hán; vô lượng vô số các loài hữu tình, không rời chỗ ngồi, cùng ở quả vị Giác ngộ cao tột, được không thối chuyển, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta sống lâu vô tận, thân có vô lượng, vô biên hào quang, tướng tốt trang nghiêm, người xem không nhàm chán; lúc đi, tuy có ngàn cành hoa sen tự nhiên nhô lên, đỡ bước chân đi, nhưng trên đất vẫn hiện ngàn vòng tròn, khi cất bước đi đại địa chấn động, nhưng không làm nhiễu loạn các loại hữu tình sống trên đất; khi muốn quay lui, toàn thân đều chuyển; chỗ chân giẫm đến, cỏ đều rạp xuống như bánh xe qua, đất cũng chuyển theo, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào các bộ phận trong toàn thân đều phóng vô lượng vô số hào quang, chiếu khắp vô biên thế giới trong mười phương, tùy nơi chiếu đến, làm lợi ích lớn cho các hữu tình, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, trong cõi Phật của ta, không có tất cả các từ: Tham dục, sân nhuế, ngu si v.v… cũng không nghe có đường ác như địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta được quả vị Giác ngộ cao tột, trong cõi Phật ta, tất cả các loài hữu tình đều thành tựu trí tuệ, như các cõi Phật khác; mỗi hữu tình khởi lên ý nghĩ: Bố thí, điều phục, an nhẫn, dũng tấn, tịch tịnh, đế quán, lìa bỏ phóng dật, siêng tu phạm hạnh, đối với loài hữu tình, từ bi hỷ xả, không gây đau khổ cho nhau, thật là tốt đẹp, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, trong cõi Phật ta, các loại hữu tình, thành tựu các loại công đức thù thắng; trong các cõi Phật khác, chư Phật và Bồ-tát cũng đều khen ngợi, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta chứng quả vị Giác ngộ cao tột, việc hóa độ đã xong, sau khi nhập Niết-bàn, Chánh pháp không có thời kỳ diệt tận, thường vì hữu tình, làm điều lợi ích, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Nếu đại Bồ-tát khởi lên tư duy: Lúc nào ta chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, các loài hữu tình, trong vô số thế giới ở mười phương, ai nghe tên Ta, nhất định đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, và đại Bồ-tát ấy, muốn thành tựu việc này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Xá Lợi Tử! Các đại Bồ-tát muốn được vô lượng vô số công đức, không thể nghĩ bàn này, thì nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.


Quyển 03
HẾT

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]