Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Quyển Thứ Nhất

07/11/201421:47(Xem: 5704)
1. Quyển Thứ Nhất
Mật Tạng Bộ 2_ No.997 (Tr.525_Tr.529)
 
KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

_QUYỂN THỨ NHẤT_
 
Hán dịch: Nước Kế Tân_ Tam Tạng Sa Môn BÁT NHÃ (Prajña: Trí Tuệ) cùng với MÂU NI THẤT LỢI (Muni-śrī:Tịch Mặc) dịch
Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH
 
 
 
TỰA
_PHẨM THỨ NHẤT_


 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Bạc Già Phạm (Bhagavaṃ:Thế Tôn) trụ tại thành Già Gia (Gayā), ngồi dưới cây Bồ Đề (Bodhi-vṛkṣa) cách cái thành chẳng xa cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm bảy ngàn người đến dự, đều là Đại A La Hán, đã tận hết các lậu (Āsrava:sự chảy rỉ, là tên gọi khác của phiền não), không có trở lại phiền não, đã làm chỗ cần làm, đã đủ chỗ cần đủ, Tâm khéo giải thoát, Tuệ khéo giải thoát, giống như con Rồng lớn được Túc Trụ Trí, đã buông bỏ gánh nặng đợi được lợi mình, dứt hết ba Hữu Kết (các phiền não của nhóm Tham, Sân, Si), không có trở lại Hậu Hữu (Punar-bhava: quả báo của đời vị lai), đối với tất cả Pháp (Dharma) được Trí chân thật, vào sâu trong Pháp Tính (Dharmatā) đến ở bờ kia (Pāra: Bỉ ngạn, cảnh giới Niết Bàn là bờ kia), nơi Pháp khéo léo, từ Pháp hóa sinh, nơi thuận nơi nghịch Tâm không có nhiễm dính, nói lời hòa nhã, ý liệu trước sự thăm hỏi, Phạm Hạnh (Brahma-caryā) trong sạch, Chính Niệm trong sáng, nơi Đại giải thoát đã được viên mãn. Chỉ có A Nan (Ānanda) trụ ở Học Địa

_Lại có Bồ Tát Ma Ha Tát (Bodhisatva-mahāsatva) gồm tám vạn bốn ngàn người, đều ở một đời sẽ được Bồ Đề (Bodhi). Đối với Nhất Thiết Trí (Sarva-Jñā) nhậm vận (tùy thuận sự tự nhiên của các Pháp mà vận làm) vào sâu đến tận nguồn cội, chư Phật mười phương thường hiện ngay trước mặt, được Vô Nhiễm Trước Đà La Ni, trụ các Môn Tam Muội của Thủ Lăng Nghiêm (Śuraṃgama). Được Đại Tự Tại Du Hý Thần Thông, các Môn giải thoát. Đã lìa tất cả phiền não chướng ngại. Dùng Đại Từ Bi che khắp tất cả Thế Giới ở mười phương, dạo khắp vô biên biển cõi của Pháp Giới (Dharma-dhātu), dùng tướng Vô Trụ vào Tính hư không, thường siêng năng lợi ích cho tất cả chúng sinh, nơi cảnh giới Phật đã được thiện xảo. Tâm, Ý, Trí Tuệ rộng lớn vô lượng giống như hư không, thâm sâu không có bờ mé giống như biển lớn, an trụ chẳng động giống như núi Tu Di (Sumeru), không có chỗ nhiễm dính giống như hoa sen, trong ngài thanh tịnh như báu Ma Ni, ánh sáng rực rỡ như vàng ròng nấu đúc, đầy đủ vô lượng vô biên các nhóm Công Đức như vậy.

Các vị ấy tên là: Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát, Phổ Nhãn Bồ Tát Ma Ha Tát, Phổ Quán Bồ Tát Ma Ha Tát, Phổ Quang Bồ Tát Ma Ha Tát, Phổ Diệm Bồ Tát Ma Ha Tát, Thắng Ý Bồ Tát Ma Ha Tát, Tăng Trưởng Ý Bồ Tát Ma Ha Tát, Vô Biên Ý Bồ Tát, Phương Quảng Ý Bồ Tát, Quảng Đại Ý Bồ Tát, Vô Tận Ý Bồ Tát, Trì Địa Ý Bồ Tát, Trì Chúng Sinh Ý Bồ Tát, Đắc Thắng Ý Bồ Tát, Thiện Phân Biệt Ý Bồ Tát, Đà La Ni Tự Tại Vương Bồ Tát, Chấp Bảo Cự Bồ Tát, Bảo Ấn Thủ Bồ Tát, Bảo Quan Bồ Tát, Bảo Kế Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Bảo Sinh Bồ Tát, Bảo Phong Bồ Tát, Bảo Tràng Bồ Tát, Kim Cương Tạng Bồ Tát, Cát Tường Tạng Bồ Tát, Vô Cấu Tạng Bồ Tát, Thanh Tịnh Tạng Bồ Tát, Như Lai Tạng Bồ Tát, Trí Tạng Bồ Tát, Nhật Tạng Bồ Tát, Tam Muội Tạng Bồ Tát, Liên Hoa Tạng Bồ Tát, Giải Thoát Nguyệt Bồ Tát, Phổ Nguyệt Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Phổ Kiến Bồ Tát, Liên Hoa Nhãn Bồ Tát, Quảng Nghiêm Nhãn Bồ Tát, Phổ Uy Nghi Bồ Tát, Phổ Đoan Nghiêm Bồ Tát, Phổ Hành Ý Bồ Tát, Trí Tuệ Ý Bồ Tát, Pháp Ý Bồ Tát, Kim Cương Ý Bồ Tát, Sư Tử Du Hý Bồ Tát, Đại Vân Tự Tại Vương Bồ Tát, Sư Tử Uy Mãnh Âm Bồ Tát, Quảng Đại Thâm Diệu Thanh Bồ Tát, Vô Nhiễm Trước Bồ Tát, Ly Chư Cấu Bồ Tát, Nguyệt Quang Diệm Bồ Tát, Nhật Quang Diệm Bồ Tát, Trí Quang Diệm Bồ Tát, Trí Cát Tường Bồ Tát, Nguyệt Cát Tường Bồ Tát, Liên Hoa Cát Tường Bồ Tát, Hiền Cát Tường Bồ Tát, Bảo Cát Tường Bồ Tát, Diệu Cát Tường Đồng Tử Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát….là bậc Thượng Thủ (Pramukha) đều ở Hiền Kiếp (Bhadra-kalpa) sẽ được Bồ Đề cùng với nhóm Bồ Tát Ma Ha Tát như vậy gồm tám vạn bốn ngàn người.

Lại có vô lượng Tứ Đại Vương Chúng Thiên do bốn vị Đại Thiên Vương (Catvāsraḥ mahā-rājikāḥ) làm Thượng Thủ

Lại có vô lượng Đao Lợi Thiên Tử do Thích Đề Hoàn Nhân (Śakra-devānāṃ-indra) làm Thượng Thủ

Lại có vô lượng Tu Dạ Ma Thiên Tử do Dạ Ma Thiên Vương (Yāma-deva-rāja) làm Thượng Thủ

Lại có vô lượng Đâu Suất Đà Thiên Tử do Đâu Suất Đà Thiên Vương (Tuṣita-deva-rāja) làm Thượng Thủ

Lại có vô lượng Hóa Lạc Thiên Tử do Diệu Hóa Lạc Thiên Vương (Sunirmāṇa-rati -deva-rāja) làm Thượng Thủ

Lại có vô lượng Tha Hóa Tự Thiên Tử do Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương (Paranirmita-vaśa-vartin-deva-rāja) làm Thượng Thủ

Lại có Nhật Quang Thiên Tử, Mãn Nguyệt Thiên Tử, Thương Chủ Thiên Tử đều cùng với vô lượng Thiên Tử (Devaputra) quyến thuộc đến dự.

Lại có Đại Phạm Thiên Vương (Mahā-brahma-deva-rāja) cùng với vô lượng Phạm Chúng (Brahma-pāriṣadya) đến dự.

Lại có chư Thiên của cõi Tịnh Cư (Śuddha-vāsa), Ma Hề Thủ La Thiên Vương (Maheśvara-deva-rāja) đều cùng với vô lượng quyến thuộc (Parivāra) đến dự

Như vậy vô lượng Trời (Deva), Rồng (Nāga), Dạ Xoa (Yakṣa), Càn Thát Bà (Gandharva), A Tu La (Asura), Ca Lâu La (Garuḍa), Khẩn Na La (Kiṃnara), Ma Hầu La Già (Mahoraga) đều cùng với vô lượng trăm ngàn quyến thuộc đến dự.

Lại có vô lượng Tỳ Kheo (Bhikṣu), Tỳ Kheo Ni (Bhikṣuṇi), Ưu Bà Tắc (Upāsaka), Ưu Bà Di (Upāsikā) đều cùng với quyến thuộc đến dự.

Như vậy vô biên tất cả Chúng Hội đều đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi lui về ngồi một bên, cung kính vây quanh

 

_Bấy giờ Đức Như Lai ở trong Chúng Hội, ngồi trên tòa Kim Cương (Vajrāsana), Uy Đức cao vòi vọi vượt qua tất cả như núi Tu Di (Sumeru) ló ra khỏi biển lớn, tướng ánh sáng rực rỡ tỏ rõ ví như mặt trời lên cao tỏa sáng khắp hư không, người nhìn thấy trong mát như trăng Thu tròn đầy, Thân Tâm vắng lặng như Đại Phạm Vương (Mahā-brahma-rāja), nơi Chúng kính sợ như Thiên Đế Thích (Indra), đầy đủ bảy báu Thánh như Chuyển Luân Vương (Cakra-varti-rāja), quyết định tuyên nói Pháp: Không (Śūnya:trống rỗng), Vô Ngã (Nirātman, hay Anātman) như tiếng sư tử rống (Siṃha-nāda), hào quang chiếu thông suốt tất cả Thế Giới như trong đêm tối mà đốt lửa lớn, phóng mọi loại ánh sáng chiếu khắp tất cả Thế Giới ở mười phương như ngọc Ma Ni (Maṇi) với mọi nhóm báu của cõi Trời, không có chỗ phân biệt. Giáng phục Ma Oán, đập nát các Dị Kiến như voi chúa to lớn (Mahā-gaja-rāja: Đại Tượng Vương). Nơi thuận, nơi nghịch, Tâm không có vẩn đục (cấu trược) như cái ao trong sạch. Ở trong Chúng không có sợ hãi giống như Sư Tử (Siṃha). Trí Tuệ sâu rộng vô lượng vô biên không thể đến được đáy, hay sinh tất cả nhóm báu Công Đức giống như biển lớn. Tuôn khắp cơn mưa Pháp thấm ướt tất cả, sinh trưởng thành thục giống như Rồng lớn (Mahā-nāga: Đại Long)...Đầy đủ vô lượng Công Đức của nhóm như vậy.

Khi ấy, tất cả Chúng Hội một lòng chắp tay, chiêm ngưỡng Đức Như Lai, sinh Tưởng khó gặp. Đức Như Lai dùng con mắt Đại Bi Từ quán khắp cả, Thân tỏa ánh sáng soi chiếu khắp.

Ngay lúc đó thời Bồ Đề Thụ Vương (cây vua Bồ Đề) ở bốn mặt đều cao bảy Do Tuần (Yojana). Trong hư không trên mặt đất: tám Bộ Trời Rồng, tất cả Chúng Hội giáp vòng tràn đầy khắp; không có chỗ nào khoảng như hạt bụi nhỏ, đầu sợi lông mà không có Thánh Chúng.

Tòa Kim Cương (Vajrāsana) mà Đức Như Lai đã ngồi, cao một Do Tuần, dài rộng đều bằng nửa Do Tuần. Dùng vô lượng loại, trăm ngàn vạn ức áo Trời vi diệu trải phủ bên trên. Treo mọi lọng báu, rũ các lưới chuông, mọi lụa là báu dùng làm phướng phan, chia bày dựng lập giáp vòng rũ treo ở bốn chung quanh cái Tòa, đều dùng Kim Cương (Vajra) làm mặt đất, bằng phẳng như lòng bàn tay, trong sạch, sáng bóng, thơm tho, mềm mại, chân đạp lên liền lún xuống, nhấc chân lên thì trở lại như cũ. Chúng sinh nhìn thấy vui thích không có chán ghét.

Bấy giờ chư Thiên vì cúng dường Đức Phật, tuôn mưa hoa màu nhiệm của cõi Trời là: hoa Chiêm Bác Ca (Caṃpakā), hoa A Đề Mục Đa Già (Adhimuktāya), hoa Bà Lợi Sư Ca (Vārṣika), hoa Mạn Đà La (Māndāra), hoa Ma Ha Mạn Đà La (Mahā-māndāra), hoa Mạn Thù Sa (Mañjūṣaka), hoa Ma Ha Mạn Thù Sa (Mahā-mañjūṣaka). Dùng mọi nhóm hoa Trời như vậy tán rải trên Đức Phật với các Đại Chúng, che trùm khắp mặt đất, gió nhẹ thổi qua thì phát ra mùi thơm màu nhiệm thổi sạch các uế.

Đột nhiên ở mặt đất ấy mọc lên vô số hoa sen trăm báu, lớn như bánh xe, vàng ròng làm lá đều có trăm ngàn vạn, dùng Phệ Lưu Ly (Vaiḍurya) làm cọng, dùng ngọc Ma Ni (Maṇi), Đế Thanh (Nīla-muktā:ngọc báu màu xanh) làm đài, dùng báu A Thấp Ma Kiệt Ma (Aśma-garbha:Mã não) làm râu nhụy…phát ra mọi mùi thơm màu nhiệm vượt hơn các cõi Trời. Hoa ấy mềm mại, sáng sạch, trơn mềm vi diệu. Chúng sinh nhìn thấy không hề biết đủ, nếu có người tiếp chạm thì hay trừ được nhiệt não, Thân Tâm trong mát. Như vậy đều vì cúng dường Đức Như Lai cho nên hiện ra điềm lành này.

Ngay lúc ấy thời, cách tòa Kim Cương, ở bốn góc ấy, chẳng gần chẳng xa đều có cây báu từ dưới đất mọc lên. Cây ấy đều do bảy báu tạo thành, thân cây cao hai Do Tuần, một nửa là cành lá giáp vòng che trùm một Do Tuần.

 

_Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát Ma Ha Tát (Mañjuśrī-dharma-rāja-putra) ở trong Chúng Hội chiêm ngưỡng Đức Như Lai ngồi trên tòa Kim Cương, Uy Đức đặc biệt tôn nghiêm, hào quang sáng tỏ che lấp Đại Chúng vượt hơn cả trăm ngàn mặt trời, bóng râm còn lại chiếu soi tất cả Chúng Hội.

(Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát) xem xét không hề biết đủ, phát Tâm thanh tịnh, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chắp tay dùng Diệu Già Tha khen Đức Phật rằng

_Uy dung Như Lai chẳng thể lường

Vượt hơn Người, Trời với chúng Thánh

Ví như trăng tròn, lọc hư không

Đoạt ánh sáng của mọi Tinh Tú

_Phật ở trong biển lớn Từ Bi

Phóng trăm ngàn ánh sáng chiếu soi

Ví như Tu Di rời biển lớn

Chư Thiên y trụ, phóng quang minh

_Đang trụ trong Thiền Định giải thoát

Ánh sáng tự tại chiếu tất cả

Ví như Tam Thiên Đại Phạm Chủ

Ánh sáng vắng lặng vượt Phạm Thiên

_Công Đức, Trí Tuệ dùng nghiêm Tâm

Tướng báu nghiêm Thân, chiếu sáng khắp

Như hào quang, Trí Tuệ Đế Thích

Vượt qua tất cả Trời Đao Lợi

_Ý Đại Từ Bi tự trang nghiêm

An lập chúng sinh nơi Thánh Đạo

Như bốn Thiên Vương hộ giúp đời

Ủy dụ, giáo hóa các chúng sinh

_Mặt trời Phật phóng ánh sáng Pháp

Chiếu khắp chúng sinh, diệt Tà Kiến

Ví như ngàn mặt trời chiếu sáng

Bóng đoạt ánh sáng lửa Ma Ni

_Mặt Phật tròn đầy, tướng trang nghiêm

Người thấy vui thích, Tâm thanh tịnh

Ví như trăng tròn sáng nửa đêm

Chúng sinh ưa nhìn được trong mát

_Đại Tiên luôn phóng ánh sáng Trí

Diệt trừ tất cả ám vô minh

Như đêm, núi cao đốt lửa lớn

Không xa chẳng chiếu, phát sáng tỏ

_Phật nói Vô Ngã, các Pháp Không

Tất cả Ngoại Đạo đều kinh sợ

Như trong hang núi, sư tử rống

Trăm thú nghe thấy, mất tinh quang

_Thân Phật như núi Tử Kim đúc

Ánh sáng chiếu che khắp Đại Chúng

Cũng như ánh sáng báu Ma Ni

Đoạt hết ánh sáng tất cả báu

_Phước Đức, Trí Tuệ, Môn phương tiện

Siêng năng tất cả đều khéo léo

Quán khắp Thế Giới không gì sánh

Huống chi có thể hơn Thế Tôn

_Con thấy Đại Hùng (Đức Phật) thương Thế Gian

Ánh sáng biển lớn Trí Tuệ chiếu

Năm vóc cúi lạy dưới chân Phật

Hớn hở, vui mừng khó tự giữ

_Con khen Như Lai, đèn Thế Gian

Hay sinh Công Đức, Trí tối thắng

Dùng nhóm Phước này lợi hàm thức

Tất cả mau chứng Đại Bồ Đề.

Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử Bồ Tát Ma Ha Tát nói Già Tha (Gāthā:Kệ tụng) này xưng tán Đức Phật xong, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng Đức Như Lai chẳng chớp mắt, một lòng suy nghĩ chỗ mà Đức Như Lai đã trụ, Pháp Tính (Dharmatā) vi diệu thâm sâu khó vào, chẳng phải là tướng có thể nhìn thấy, khó thấy khó hiểu, chẳng phải là cảnh giới của Phàm Phu Ngoại Đạo, vắng lặng vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, hay sinh Vô Đẳng Đẳng Trí (Asamasama-Jñāna:Trí không có gì ngang bằng được) chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật, tuôn ra Giáo Pháp sai biệt chẳng thể nghĩ bàn của Pháp Giới. Chỉ có Đức Như Lai mới thấu đáo cùng tận, trụ cảnh giới hư không không có chỗ trụ, hiện chứng Bản Tính của các Pháp, bờ mé chân thật thanh tịnh, được nơi giải thoát không có ngăn ngại của chư Phật, thường trụ chẳng biến đổi, an vui, vắng lặng. Thân ấy tràn đầy tất cả cõi nước, hiện trước mặt tất cả chúng sinh, vào cội nguồn bình đẳng của ba đời [tam tế gồm có: tiền tế (Pūrvānta) chỉ quá khứ, trung tế (Madhyānta) chỉ hiện tại, hậu tế (Aparānta) chỉ vị lai], chẳng phải là cảnh giới xưng lượng của Tâm Thức, ở vô lượng kiếp suy tư tuyên nói chẳng thể cùng tận.

Văn Thù Sư Lợi xét đoán kỹ lưỡng như vậy, quán sát nhỏ nhiệm Pháp Tính sâu xa xong, yên lặng mà trụ

 

KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ

ĐÀ LA NI

_PHẨM THỨ HAI_ CHI MỘT_

 

Bấy giờ Đức Thế Tôn thường trụ Pháp Tính bình đẳng của ba đời mà nhập vào Tam Muội tên là Tùy Thuận Chúng Sinh Tâm Hạnh. Dùng sức Tam Muội ở trong Hội đó, tất cả Đại Chúng đáng được điều phục, mỗi mỗi đều thấy mọi loại chẳng đồng của Đức Phật. Ấy là: hoặc có chúng sinh thấy thân tướng tốt của Như Lai, hoặc có chúng sinh thấy thân Thanh Văn, hoặc có chúng sinh thấy thân Bồ Tát, hoặc có chúng sinh thấy thân Phạm Thiên, hoặc có chúng sinh thấy thân Đại Tự Tại Thiên, hoặc có chúng sinh thấy thân Na La Diên Thiên, cho đến tám Bộ Trời Rồng, người, Phi Nhân…mọi loại sai biệt.

Người không có niềm tin đều không nhìn thấy, giống như sinh ra đã bị mù, chẳng thấy mặt trời mặt trăng. Người được nhìn thấy, tùy theo chủng loại ấy mà thấy mọi loại uy nghi của thân ấy, tùy theo âm thanh của loài ấy mà nghe mọi loại tiếng, tùy theo chỗ ưa thích ấy mà nghe mọi loại Pháp, tùy theo sức ấy mà hay sinh mọi loại hiểu biết. Tuy tùy theo chúng sinh, thấy biết như vậy nhưng thân Như Lai chỉ có một Vị không có hai, ấy là một vị giải thoát. Giống như hư không lìa tất cả thô tế, phân biệt với không phân biệt. Cũng như Địa Đại hay vì tất cả Thế (Loka, hay Laukika) Xuất Thế Gian (Lokottara), tám Bộ Trời Rồng nương giữ mà trụ, sinh trưởng thành thục mà không có mệt mỏi chán nản. Lại như Hỏa Đại hay thiêu đốt tất cả bụi dơ phiền não của chúng sinh cũng không có mệt mỏi chán nản. Lại như Thủy Đại đều hay sinh trưởng hết thảy căn lành của tất cả chúng sinh, diệt trừ sức nóng phiền não, được niềm vui trong mát cũng không có mệt mỏi chán nản.

 

_Bấy giờ, Đức Thế Tôn: đột nhiên ở trên đỉnh đầu, trong Nhục Kế (Uṣṇīṣa), da, xương, lỗ chân lông phóng ánh sáng lớn. Ấy sáng ấy trắng tinh, lại dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc (Parivāra) chiếu khắp Thế Gian, bên dưới đến Địa Ngục A Tỳ (Avīci), bên trên đến cõi Trời A Ca Ni Tra (Akaniṣṭha-deva: Sắc Cứu Cánh Thiên), tất cả hết thảy đều đồng màu trắng. Chúng sinh trong ấy đều thấy tất cả núi, rừng, sông, biển, vật Tình Phi Tình đều đồng màu trắng tinh giống như màu sữa, cũng như núi Tuyết.

Lại từ trong miệng phóng ánh sáng lớn như màu ngọc xanh (Đế Thanh), cũng dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc, chiếu soi phương Đông, từ phía Đông của tòa Kim Cương đến tận hằng hà sa Thế Giới. Trong ấy, hết thảy núi, sông, đá, tường vách, cỏ, cây, rừng rậm, cảnh Tình Phi Tình đều đồng màu ngọc xanh. Chúng sinh trong ấy đều thấy tất cả như màu ngọc xanh.

Lại ở vai phải phóng ánh sáng lớn như màu vàng nấu đúc (dong kim), cũng dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc, chiếu soi phương Nam, từ phía Nam của tòa Kim Cương đến tận hằng hà sa Thế Giới ở phương Nam. Trong ấy, hết thảy đều đồng màu vàng nấu đúc. Các chúng sinh ấy cũng thấy tất cả đều như màu vàng nấu đúc

Lại ở trên lưng phóng ánh sáng lớn như màu pha lê hồng, cũng dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc, chiếu soi phương Tây, từ phía Nam của tòa Kim Cương đến tận hằng hà sa Thế Giới ở phương Tây. Trong ấy, hết thảy đều đồng màu pha lê hồng. Chúng sinh trong ấy cũng thấy tất cả đều như màu pha lê hồng

Lại ở vai trái phóng ánh sáng năm màu là màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng với màu xanh lục….cũng dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc, chiếu soi phương này, từ phía Bắc của tòa Kim Cương đến tận hằng hà sa Thế Giới ở phương Bắc. Trong ấy, hết thảy đều đồng năm màu, chúng sinh ấy cũng thấy tất cả đều đủ năm màu

Như vậy chiếu soi tất cả thế giới, mỗi mỗi bên dưới đến Địa Ngục A Tỳ, bên trên đến cõi Trời A Ca Ni Trá… chiếu các Thế Giới làm việc Phật xong, thu ánh sáng quay về cội nguồn

Ánh sáng màu trắng ấy quay lại từ bên trên xuống dưới, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh Đức Như Lai theo bên phải ba vòng xong, nhập vào đỉnh đầu của Đức Phật.

Ánh sáng màu ngọc xanh quay lại từ phương Đông, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi nhập vào miệng của Đức Phật

Ánh sáng màu vàng nấu đúc quay lại từ phương Nam, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi nhập vào vai phải của Đức Phật

Ánh sáng màu pha lê hồng quay lại từ phương Tây, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi nhập vào vai phải của Đức Phật

Ánh sáng năm màu quay lại từ phương Bắc, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi nhập vào vai trái của Đức Phật

Tuy ánh sáng này triển chiếu, thu về nhưng thân thể của Đức Như Lai không có thêm bớt, ví như ánh sáng của mặt trăng chiếu khắp hư không, không có thêm bớt. Cũng như nước dầu hòa với bơ rồi ném vào trong đống cát, cũng không có thêm bớt. Lại như núi Tuyết bốc ra mây nổi tràn đầy hư không, phút chốc cuốn nhiếp quay về núi Tuyết, cực kỳ nhỏ nhiệm, không có dấu vết thừa tiếp, thể của núi Tuyết không có thêm bớt.

 

_Khi ấy, Đức Thế Tôn lại nhập vào Tam Muội (Samādhi), mà Tam Muội này không có tên gọi, không có lời, không có nói, chẳng thể nghĩ bàn. Tức là cảnh giới của chư Phật thuộc Nhất Thiết Trí Trí (Sarvajña-jñāna). Khi vào Tam Muội xong, thời Đại Địa này chấn động theo sáu cách là: phía Đông trồi lên thì phía Tây chìm xuống, phía Tây trồi lên thì phía Đông chìm xuống, phía Nam trồi lên thì phía Bắc chìm xuống, phía Bắc trồi lên thì phía Nam chìm xuống, chính giữa trồi lên thì chung quanh chìm xuống, chung quanh trồi lên thì chính giữa chìm xuống.

 

_Bấy giờ trong Hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát tên là Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương (Sarva dharmeśvara-rāja) nương theo Thần Lực của Đức Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh uy nghi của thân, trật áo hở vai phải, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, quỳ gối, chắp tay rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Do Nhân nào, Duyên nào mà phóng ánh sáng khiến cho mặt đất chấn động theo sáu cách?”

Khi ấy Đức Phật bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Nay ông hay khéo thưa hỏi điều này, Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Này Thiện Nam Tử (Kula-putra)! Có bốn nhân duyên phóng ánh sáng này khiến cho Đại Địa chấn động. Nhóm nào là bốn?

Một là: chư Phật ba đời đều do nhập vào Thắng Tam Muội này, cho nên được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi:Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác). Ta cũng như vậy, ba vô số kiếp tu đủ các Độ (Pāramitā: Ba La Mật Đa), sáu năm Khổ Hạnh (Duṣkara-caryā, hay Tapas) chẳng chứng Bồ Đề (Bodhi). Do nhập vào Định này, liền được Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề. Do nhân duyên đấy cho nên hiện ra điềm lành này.

Hai là: do Tam Muội này đã không có ngôn thuyết, Thể Tính tịch diệt chẳng thể tuyên bày. Do muốn dùng sức khéo léo của phương tiện (Upāya) này, vì chúng sinh nói, cho nên hiện ra điềm lành này

Ba là: Xưa kia, Ta ở dưới cây Bồ Đề (Bodhi-druma, Bodhi-taru, Bodhi-vṛkṣa) này được Tam Muội đấy, thành Đẳng Chính Giác (Samyaksaṃbuddha). Vì muốn báo ân cho nên nay ở chỗ đó nói Tam Muội này, nên hiện ra điềm lành này

Bốn là: muốn vì hằng sa Thế Giới ở mười phương, vô số các Bồ Tát Ma Ha Tát đi đến với chủ của nước Ma Già Đà (Maghada) là vua A Xà Thế (Ajātaśatru), Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa….các Chúng Hội này cùng với tất cả chúng sinh trong Pháp Giới, nói Tam Muội này. Do nhân duyên đó, cho nên hiện ra điềm lành này”

Lúc đó, Đại Chúng nghe nói xong thì hớn hở vui mừng, thân tâm trong mát, thương cảm ái mộ chẳng thể kềm chế được mình. Ví như có người bị trúng mũi tên độc tại trái tim, liền không có suy nghĩ gì khác ngoài việc nghĩ đến vị Lương Y nhổ trừ tên độc khiến cho ta an vui. Các chúng Bồ Tát cũng lại như vậy, Pháp chẳng thể nghĩ được thì chỉ mong Đức Như Lai nói Tam Muội này, nhổ bứt: đêm dài sinh tử, vô minh đen tối, không có chỗ thấy biết của các hữu tình; phá các phiền não, mở con mắt Chính Pháp, được ánh sáng của Trí.

Thời Chúng Hội này tuy sinh niệm này, vì Uy Đức của Phật cho nên chẳng dám thưa hỏi.

 

_Bấy giờ Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát Ma Ha Tát nương theo Thần Lực của Đức Phật, cúi năm vóc sát đất, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, quỳ gối, chắp tay rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Tam Muội Bất Khả Tư Nghị Nhất Thiết Trí Trí Chư Phật Cảnh Giới (cảnh giới của chư Phật thuộc Nhất Thiết Trí Trí chẳng thể nghĩ bàn) ấy là dùng Pháp nào để làm Nhân (Hetu)? Lại dùng Pháp nào để làm gốc rễ (Mūla)? Làm sao tu tập (Bhāvanā)? Cứu cánh (Uttara) như thế nào?”

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Nay ông khéo hay thưa hỏi nghĩa này, ở đời vị lai nhiều chỗ lợi ích, nhiều chỗ an vui tất cả chúng sinh.

Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Ta sẽ vì ông nói.

Này Thiện Nam Tử! Tam Muội sâu xa này, dùng Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta) làm nhân, dùng Đại Từ Bi (Mahā-maitra-kāruṇa) làm gốc rễ, phương tiện tu tập Vô Thượng Bồ Đề làm cứu cánh.

Này Thiện Nam Tử! Trong đây, thế nào gọi là Bồ Đề (Bodhi)?

Thiện Nam Tử! Muốn biết Bồ Đề thì nên thấu tỏ Tâm của mình, nếu thấu tỏ Tâm của mình tức thấu tỏ Bồ Đề. Tại sao thế? Vì Tâm và Bồ Đề có cùng tướng chân thật, rốt ráo suy tính tìm cầu đều chẳng thể được, đồng với hư không cho nên tướng của Bồ Đề tức là tướng của hư không. Thế nên Bồ Đề không có tướng sở chứng (chỗ để chứng), không có tướng năng chứng (người hay chứng), cũng không có tướng khế hợp của Năng (chủ thể của động tác), Sở (khách thể của động tác). Tại sao thế? Vì Bồ Đề rốt ráo không có các tướng.

Thiện Nam Tử! Do tất cả Pháp tức là tướng của hư không, thế nên Bồ Đề rốt ráo không có tướng”

 

_Lúc đó, Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu tướng của Bồ Đề này đồng với hư không thì Thể của Nhất Thiết Trí sẽ sinh ở chỗ nào?”

Đức Phật bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: “Này Thiện Nam Tử! Thể của Nhất Thiết Trí nên tìm cầu ở Tâm. Nhất Thiết Trí Trí cùng với Bồ Đề từ Tâm mà sinh. Tại sao thế? Vì Thật Tính của Tâm vốn thanh tịnh.

Thiện Nam Tử! Tính của Tâm này, chẳng ở bên trong, chẳng ở bên ngoài, chẳng ở khoảng giữa.

Thiện Nam Tử! Tất cả Như Lai nói tướng của Tâm này: chẳng phải xanh, chẳng phải vàng, chẳng phải đỏ, chẳng phải trắng, chẳng phải hồng, chẳng phải tím, chẳng phải màu vàng ròng, chẳng phải dài, chẳng phải ngắn, chẳng phải tròn, chẳng phải vuông, chẳng phái sáng, chẳng phải tối, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, chẳng phải là phi nam nữ, cũng lại chẳng phải là cũng nam cũng nữ.

Thiên Nam Tử! Tâm này chẳng phải là Tính của cõi Dục (Kāma-dhātu), chẳng phải là Tính của cõi Sắc (Rūpa-dhātu), chẳng phải là Tính của cõi Vô Sắc (Arūpa-dhātu), chẳng phải Trời (Deva), chẳng phải Rồng (Nāga), chẳng phải Dạ Xoa (Yakṣa), chẳng phải Càn Thát Bà (Gandharva), chẳng phải A Tu La (Asura), chẳng phải Ca Lâu La (Garuḍa), chẳng phải Khẩn Na La (Kiṃnara), chẳng phải Ma Hầu La Già (Mahoraga), Người (Manuṣa), Phi Nhân (Amanuṣa)…tất cả đồng loại

Thiện Nam Tử! Tâm này chẳng trụ ở mắt (Cakṣu); cũng chẳng trụ ở tai (Śrotra), mũi (Ghrāṇa), lưỡi (Jihva), thân (Kāya), ý (Mano). Ở trong ba đời cũng chẳng thề thấy. Tại sao thế? Vì Tâm này đồng với tướng của hư không. Do nghĩa đó cho nên xa lìa tất cả phân biệt thô tế. Tại sao thế? Vì Tính của hư không này tức là Tính của Tâm, như Tính của Tâm ấy tức là Tính của Bồ Đề, như Tính của Bồ Đề tức là Tính của Đà La Ni (Dhāraṇī:Tổng Trì)

Thiện Nam Tử! Chính vì thế cho nên Tính của Tâm, hư không, Bồ Đề, Đà La ni này không có hai, không có hai phần, không có riêng biệt, không có chặt đứt. Như vậy tất cả đều dùng Đại Từ, Đại Bi để làm gốc rể, phương tiện là chỗ nhiếp thọ của Ba La Mật (Pāramitā)

Thiện Nam Tử! Chính vì thế nên biết. Nay Ta ở trong Đại Chúng của các nhóm Bồ Tát này, nói Pháp như vậy để tịnh Tâm Bồ Đề rộng lớn, để khiến cho tất cả thấu tỏ Tâm của mình.

Thế nên, Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện muốn biết Tính chân thật của Bồ Đề thì nên thấu tỏ Tâm của mình, như Tính của Tâm ấy tức là Tính của Bồ Đề.

Làm thế nào để có thể hiểu rỏ Tính của Tâm? Ấy là: Tính của Tâm này đối với tất cả tướng: hoặc hình, hoặc hiển; hoặc lại Sắc (Rūpa-skandha:hình thể vật chất), Thọ (Vedanā-skandha:cảm giác), Tưởng (Saṃjñā-skandha:tri giác), Hành (Saṃskāra-skandha:lưu chuyển tạo ứng), Thức (Vijñāna-skandha: nhận biết phân biệt); hoặc lại sắc (Rūpa: hình sắc), thanh (Śabda: âm thanh), hương (Gandha:mùi ngửi), vị (Rasa: vị nếm), xúc (Spraṣṭavya:tiếp chạm); hoặc có chấp thọ, hoặc không có chấp thọ; hoặc mười hai Nhập (Dvādaśa āyatanani), hoặc mười tám Giới (Aṣṭādaśa dhātavaḥ). Pháp của nhóm như vậy, suy tính tìm cầu rốt ráo chẳng thể được

Này Thiện Nam Tử! Nếu các Bồ Tát biết rõ như vậy, liền được thành tựu Môn Đệ Nhất Thanh Tịnh Pháp Quang Minh. Trụ Môn này xong, nhậm vận (tùy thuận các Pháp tự nhiên mà vận làm) được Bất Khả Tư Nghị Nhất Thiết Trí Trí Chư Phật Cảnh Giới Thậm Thâm Tam Muội (Tam muội sâu xa trong cảnh giới của chư Phật thuộc Nhất Thiết Trí Trí chẳng thể nghĩ bàn) này. Bồ Tát đắc được Tam Muội này xong, cùng với tất cả Phật bình đẳng bình đẳng với được Nhất Thiết Chúng Sinh Ngữ Ngôn Đà La Ni Tam Muội, lại được Tùy Thuận Chư Chúng Sinh Tâm Đà La Ni Môn, thường hay không gián đoạn lợi ích chúng sinh, đối với Vô Vi Giới (Asaṃskṛta-dhātu) đầy đủ viên mãn, xa lìa Đoạn, Thường tất cả Tà Kiến (Mythyā-dṛṣṭi) của 62 nhóm, Chính Kiến (Samyag-dṛṣṭi) tròn sáng

Thiện Nam Tử! Nếu các Bồ Tát trụ Tam Muội đấy thì tất cả Phật Pháp chẳng cần dụng công, tự nhiên vận làm (nhậm vận) thành tựu

Thiện Nam Tử! Nay Ta lược nói. Nếu có người hay trụ Tam Muội này thì vô lượng vô số Công Đức thảy đều viên mãn

 

_Bấy giờ, Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Đức Phật đã nói: “Như Tính của hư không tức là Tính của Tâm, như ở Tính của Tâm tức là Tính của Bồ Đề, như Tính của Bồ Đề tức là Tính của Đà La Ni. Tính của hư không, Tính của Tâm, Tính của Bồ Đề, Tính của Đà La Ni ấy không có hai, không có riêng biệt”. Nghĩa như vậy rất sâu xa, rất sâu xa, khó thể thông đạt, khó thể hướng vào, chẳng thể nghĩ bàn, vượt quá đất Tâm (Citta-bhūmi: Tâm địa), chẳng phải là chỗ mà kẻ phàm ngu phân tích kém (phàm ngu liệt giải) hiểu biết được.

Ở trong Hội này có hai loại người. Một là người viên mãn địa vị của Bồ Tát liền được lợi ích. Hai là kẻ chưa được thành tựu Công Đức của Bồ Tát như vua A Xà Thế, chủ của nước Ma Già Đà với Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di…vô lượng chúng sinh, tức không có lợi ích. Các kẻ Phàm Ngu này giống như người sinh ra đã bị mù chẳng thấy được ánh sáng của ngọn đèn, lại như người điếc chẳng nghe được lời nói nhỏ nhẹ, như đất sỏi đá mặn chẳng sinh được hoa sen   

Thế Tôn! Như có quốc vương, đại thần, trưởng giả ở đời đói kém: ăn mọi thức ngon ngọt, các món ăn quý báu của cõi Trời, lên lầu gác cao báo cho vô lượng chúng sinh đói khổ, nói lời như vầy: “Ta ăn mọi loại Thượng Vị như vậy”. Tuy nói lời đấy nhưng đối với các người bị đói đều không có chỗ lợi ích. Nay điều Đức Phật đã nói, ở trong Chúng Hội này, người chưa thành tựu cũng lại như vậy, đều không có lợi ích”

Khi ấy, Đức Phật bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Khéo hay thưa hỏi Pháp sâu xa như vậy! Nhiều chỗ lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Hảy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Ta sẽ vì ông với Chúng Hội này, dùng các phương tiện chỉ dạy cho các ông, khiến cho ông được hiểu Bất Khả Tư Nghị Nhất Thiết Trí Trí Chư Phật Cảnh Giới Thậm Thâm Tam Muội (Tam muội sâu xa trong cảnh giới của chư Phật thuộc Nhất Thiết Trí Trí chẳng thể nghĩ bàn)

Này Thiện Nam Tử! Nếu các Phật Tử (Buddha-putra) muốn được thành tựu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) hoặc người muốn khéo hay biết Tâm của mình, hoặc có kẻ muốn dùng bàn tay Đại Từ Bi kéo chúng sinh ra khỏi vũng bùn sinh tử….nên trước tiên phát khởi Tâm Đại Từ Bi, vì khắp chúng sinh quy y Tam Bảo, thọ Bồ Tát Giới, phát Tâm Bồ Đề, chí thành sám hối, nói lời như vầy:

Nguyện xin tất cả chư Phật cùng với các Đại Bồ Tát trụ Địa (sinh ra Thể căn bản của Pháp) được Trí Kim Cương (Vajra-Jñāna) ở mười phương hãy chứng biết cho con, hãy nghĩ nhớ đến con

Con (tên là….) cùng với…..phát Tâm Bồ Đề, chưa trụ Diệu Đạo. Nay đem thân mệnh quy y tất cả Tam Bảo ở mười phương. Nguyện xin chư Phật, các Đại Bồ Tát khởi Tâm Từ Bi thương xót nhiếp thọ.

Con (tên là….) cùng với…..từ vô thủy lưu chuyển đến nay, ở trong vòng sinh tử của ba cõi, chìm đắm tại nẻo ác, vào cái lồng đau khổ, điên đảo trong cũi tù, rơi vào các chỗ ác, cõi lưới vô minh có thế lực lớn, các đêm dài phiền não oán bức bách, không có chủ, không có sự cứu giúp, không có nơi quy về, không có chỗ nương dựa, không có chốn hướng đến, không có người chỉ đường, trụ ở trong đường hiểm ác Tà Kiến, hướng đến sinh tử, trở ngược lại buông bỏ Niết Bàn (Nirvāṇa), vào ba đường ác chẳng thể tự đi ra, rơi vào trong hầm sâu rộng lớn hiểm ác, chạy theo bạn ác, tùy thuận sự chỉ dạy ác, xa lìa tất cả các Thiện Tri Thức (Kalyāṇamitra); đều chẳng hiểu biết: điều nào gây tổn hại, điều nào tạo lợi ích, điều nào là Thiện (Kuśala), điều nào là Ác (Akuśala, hay Pāpa), làm Pháp Bất Thiện (Akuśala-dharma) cột dính chẳng buông xả, vứt bỏ tất cả Thánh Nhân (Ārya) của ba Thừa (Trīṇi-yānāni), đêm dài thường bị vây bủa bởi: sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, mọi loại Hoặc Nghiệp (Nghiệp mê mờ chẳng giải thoát, tên gọi chung của nghiệp phiền não), lo buồn sợ hãi, luôn đánh mất Tự Tính vắng lặng của Bản Tâm. Xa lìa mọi loại: Tam Ma Địa Môn (Samādhi-mukha), Đà La Ni Môn (Dhāraṇī-mukha), các Địa (Bhūmi), các Nhẫn (Kśānti), chỗ trụ sâu xa của Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajña-pāramitā); cũng lại xa lìa: Từ (Maitri), Bi (Kāruṇā), Hỷ (Muditā), Xả (Upakṣā), các Bồ Tát Giới (Giới luật của Bồ Tát), bốn Trí Vô Ngại (gồm có: Nghĩa Vô Ngại Trí, Pháp Vô Ngại Trí, Biện Vô Ngại Trí, Lạc Thuyết Vô Ngại Trí), sáu Thông [Ṣaḍ-abhijñāḥ: sáu Thần Thông gồm có: Thần Túc Thông (Ṛiddhi viṣaga-jñānaṃ), Thiên Nhãn Thông (Divyaṃ-cakṣuḥ-jñānaṃ), Thiên Nhĩ Thông (Divyaṃ-śrotraṃ-jñānaṃ), Tha Tâm Thông (Paracitta-jñānaṃ), Túc Mệnh Thông (Purvanivasānusmṛiti-jñānaṃ), Lậu Tận Thông (Āsravakṣaya-jñānaṃ)], mười Lực (Daśa balāni: gồm có Xứ Phi Xứ Trí Lực, Nghiệp Dị Thục Trí Lực, Tĩnh Lự Giải Thoát Đẳng Trì Đẳng Chí Trí Lực, Thượng Căn Hạ Trí Lực, Chủng Chủng Thắng Giải Trí Lực, Biến Thú Hành Trí Lực, Túc Trụ Tùy Niệm Trí Lực, Sinh Tử Trí Lực, Lậu Tận Trí Lực), bốn Vô Sở Úy [Catvāri vaiśāradyāni gồm có: Chư Pháp Hiện Đẳng Giác Vô Úy (Sarva-dharmābhisaṃbodhi-vaiśāradya), Nhất Thiết Lậu Tận Trí Vô Úy (Sarvāsrava-kṣaya-jñāna-vaiśāradya), Tùy Pháp Bất Hư Quyết Định Thọ Ký Vô Úy (Antarāyika-dharmānanyathātva-niścita-vyākaraṇa-vaiśāradya), Vi Chứng Nhất Thiết Cụ Túc Xuất Đạo Như Tính Vô Úy (Sarva-saṃpad-adhigamāya nairyāṇika-pratipat-tathātva-vaiśāradya)], Pháp không quên mất, Vô Trụ Niết Bàn (Aparatīṣṭhita-nirvāṇa). Thân của con đầy đủ tất cả Tùy Miên (Anuśaya: tên gọi khác của phiền não), thân của con trống rỗng không có tất cả Công Đức. Bảy Bồ Đề Phần [Sapta-bodhyaṅgāni: bảy Giác Chi gồm có Niệm Giác Chi (Smṛti-sambodhyaṅga), Trạch Pháp Giác Chi (Dharma-vicaya-sambodhyaṅga), Tinh Tiến Giác Chi (Vīrya-sambodyaṅga), Hỷ Giác Chi (Prīti-sambodhyaṅga), Khinh An Giác Chi (Prasrabdhi-sambodhyaṅga), Định Giác Chi (Samādhi-sambodhyaṅga), Xả Giác Chi (Upekṣā-sambodhyaṅga)] tám Thánh Đạo Phần [Aṣṭāṅgika: tám Chính Đạo gồm có Chính Kiến (Samyag-dṛṣṭi), Chính Tư Duy (Samyak-saṃkalpa), Chính Ngữ (Samyag-vāc), Chính Nghiệp (Samyak-karmānta), Chính Mệnh (Samyag-ājīva), Chính Tinh Tiến (Samyag-vyāyāma), Chính Niệm (Samyag-smṛti), Chính Định (Samyak-samādhi)], trăm ngàn vạn loại Pháp của nhóm như vậy thảy đều xa lìa. Vô số khổ não, chướng ngại, lưu nạn…luôn gây não hại.

Nguyện xin chư Phật, các Đại Bồ Tát khởi Đại Từ Bi thương xót, hộ niệm. Vì con làm chủ, làm người cứu giúp, làm chỗ quy về, làm nơi nương dựa.

Nguyện khiến cho chúng con mau được viên mãn Đạo Đại Bồ Đề (Mahā-bodhi-mārga) với ở vô lượng quyến thuộc Bồ Đề: mười Lực của Như Lai (Tathāgata-daśa balāni), bốn Vô Sở Úy (Catvāri vaiśāradyāni), bốn Vô Ngại Giải [Catasraḥ pratisaṃvidaḥ gồm có: Pháp Vô Ngại Giải (Dharma-pratisaṃvid), Nghĩa Vô Ngại Giải (Artha-pratisaṃvid), Từ Vô Ngại Giải (Nirukti pratisaṃvid), Biện Vô Ngại Giải (Pratibhāna-pratisaṃvid)], mười tám Bất Cộng (18 Pháp chẳng cộng thông với Thanh Văn Duyên Giác gồm có: Chư Phật Thân Vô Thất, Khẩu Vô Thất, Niệm Vô Thất, Vô Dị Tưởng, Vô Bất Định Tâm, Vô Bất Tri Kỷ Xả Tâm, Dục Vô Diệt, Tinh Tiến Vô Diệt, Niệm Vô Diệt, Tuệ Vô Diệt, Giải Thoát Vô Diệt, Giải Thoát Tri Kiến Vô Diệt, Nhất Thiết Thân Nghiệp Tùy Trí Tuệ Hành, Nhất Thiết Khẩu Nghiệp Tùy Trí Tuệ Hành, Trí Tuệ Tri Kiến Quá Khứ Thế Vô Ngại Vô Chướng, Trí Tuệ Tri Kiến Vị Lai Thế Vô Ngại Vô Chướng, Trí Tuệ Tri Kiến Hiện Tại Thế Vô Ngại Vô Chướng), bốn Nhiếp [Catvāri saṃgraha-vastūni gồm có: Bố Thí Nhiếp (Dāna-saṃgraha), Ái Ngữ Nhiếp (Priya-vādita-saṃgraha), Lợi Hành Nhiếp (Artha-caryā-saṃgraha), Đồng Sự Nhiếp (Samānārthatā-saṃgraha)], Tam Muội (Samādhi), Giải Thoát (Vimokṣa, hay Vimukti, mukti), Tổng Trì (Dhāraṇī), sáu Thông (Ṣaḍ-abhijñāḥ), các Độ (Pāramitā), Phước Đức (Puṇya-guṇa), Trí Tuệ (Prajñā)….Tất cả các biển Công Đức (Guṇa-sāgara) như vậy, nguyện khiến cho chúng con đều được đầy đủ.

Lại nữa tất cả chư Phật, các Đại Bồ Tát ở mười phương hãy chứng biết cho con, thương xót con, nhận sự cúng dường của con. Nguyện khiến cho vật cúng gom chứa tròn đủ cùng với Thân của con tràn đầy khắp tất cả Thế Giới ở mười phương; với nhiếp vô lượng vật cúng trang nghiêm rộng lớn không có chủ tể ở mười phương, hiện ra trước mặt cúng dường chư Phật Bồ Tát là: mọi loại báu màu nhiệm, cung điện của chư Thiên đều dùng báu màu nhiệm để trang nghiêm. Mọi lan can báu chia bày thành hàng. Cây báu, núi báu làm giải băng phản chiếu bóng sáng. Tòa báu, lọng báu, phướng báu, phan báu, vật khí báu, ngọc báu, chuông báu, lưới báu, ánh sáng báu, ánh lửa báu với Công Đức báu…mỗi mỗi vô lượng vô số viên ngọc báu, báu Ma Ni gom tụ tràn đầy trong chốn ấy. các cây đèn báu, mọi loại báu màu nhiệm sen kẽ trang nghiêm, ánh lửa vàng ròng phát sáng rực, lưới báu quây che

Lại có vô số hoa sen báu màu nhiệm, dùng vàng Diêm Phù Đàn (Jambūnada-suvarṇa) làm đài, vàng ròng (Suvarṇa) làm lá, hạm đạm (hoa sen) nở rộ. Kéo mây báu của cõi Trời, tuôn mưa báu của cõi Trời, đưa cây báu của cõi Trời xuống dưới, rải hoa báu của cõi Trời, phát ra mọi ánh sáng báu, mở mọi kho tàng báu

Lại có vô số vàng Diêm Phù Đàn, cung điện của chư Thiên, mọi báu trang nghiêm, mái hiên báu màu nhiệm, Kim Cương làm tường vách, mọi lan can báu giáp vòng vây quanh. Mọi loại vườn hoa, vườn thú màu nhiệm của Thiên Tiên. Rừng hoa, cỏ thơm tỏa hương thơm khắp. Vô số cung Rồng, cung A Tu La đều có mọi loại cây rừng, điện đường, hoa thơm, vật khí báu. Dùng vô lượng vô biên mọi vật cúng quý báu chưa từng thọ dụng của nhóm như vậy, đều cùng hồi hướng cúng dường chư Phật, Bồ Tát ở mười phương.

Lại nhiếp mọi loại thuốc màu nhiệm của tất cả Thế Giới ở mười phương với Cam Lộ (Amṛta) của cõi Trời, các món ăn quý báu có mùi vị thơm ngon tốt đẹp của cõi Trời….thảy đều đầy đủ.

Lại nhiếp các cây Diệu Hương, cây Long Não Hương, Cây Chiên Đàn Hương, cây Tùy Thời Hương, cây Đại Diệp Hương trong tất cả Thế Giới ở mười phương. Cây ấy bốn thời nở hoa, liên tục tỏa hương thơm mỹ diệu. Nếu có người ngửi thấy, liền ngưng đọng trầm lắng. Vô lượng cây hương như vậy tỏa mùi thơm tho nồng nàn, hay đoạt được tâm người.

Lại có vô lượng nhóm cây Như Ý không có chủ tể, tùy theo Tâm ước nguyện đều được đầy đủ mọi loại Ma Ni với báu Như Ý trong biển bớn.

Lại có mọi loại báu, núi Mê Lô (Meru), núi Ma Ha Mê Lô (Mahā-meru), núi Yết La Tư, núi Kiện Đà Mạt Đà (Gandhamādana), núi Ma La Gia (Malaya), núi Vĩ Nễ Gia (Vidya), núi Dân Đà La (Nimin-dhara), núi Ma Ha Dân Đà La (Mahā-nimin-dhara), núi Mục Lân Chân Đà (Mucilinda), núi Ma Ha Mục Lân Chân Đà (Mahā-mucilinda), núi Kim Cương (Vajra)…Đỉnh núi như vậy có mọi loại báu trang nghiêm, mọi loại lầu gác báu, mọi loại hang núi báu, mọi loại lọng trướng báu, mọi loại hiên nhà báu, mọi loại thềm bậc báu, mọi loại cửa sổ báu, mọi loại vật trang điểm báu, mọi loại rường cột báu, mọi loại kho tàng báu, mọi loại tường vách báu của nhóm Phệ Lưu Ly

Lại có mọi loại hình sắc kỳ diệu, cung điện của chư Thiên không có chủ thể.

Lại có mọi loại các thứ hoa màu nhiệm của cõi trời thuộc nhóm Câu Tô Ma (Kusuma). Người nhìn thấy không có nhàm chán, trong mát, ưa thích  

Lại có mọi loại các âm thanh màu nhiệm hay khiến cho người nghe, thân tâm an vui, không có các nhiệt não mà được trong mát, chặt đứt Tham Sân, diệt tan Si Độc, tồi hoại nghiệp ác khiến không có dư sót. Ấy là: tiếng của Trời Đế Thích, tiếng của Phạm Thiên Vương, mọi loại tiếng của cõi Trời, tiếng ca vịnh của các Đại Tiên Nữ, các nhạc khí của cõi Trời chẳng do vỗ đánh phát ra tiếng vi diệu; tiếng của nhóm tiêu (cái sáo thổi dọc), Địch (cái sáo thổi ngang), Không Hầu (cây đàn vīṇā), Tỳ Bà (cây đàn Tuṇava), Cầm Sắt (một loại nhạc khí), Loa Bối (nhạc khí hình xoắn ốc)…tiếng trống của trời Đao Lợi, tiếng trống Mâu Đà La (Mudrā-duṇḍubhi)

Lại có mọi loại tiếng chim của chư Thiên với tiếng chim ở núi, rừng, suối, sông. Ấy là: tiếng kêu hót của mọi loài chim xinh đẹp như: Bạch Hạc (Haṃsa), Khổng Tước (Mayūra: chim công), vịt trời, chim nhạn, chim Uyên Ương, chim Câu Chỉ La, chim Mệnh Mệnh (Jīvaṃ-jīvaka), chim Ca Lăng Tần Già (Kalaviñka) với các âm thanh màu nhiệm của nhóm Lộc Vương (Mṛga-rāja: vua nai)

Lại có tiếng của mọi loại mây, tiếng của đất, tiếng của nước, tiếng của lửa, tiếng của gió, tiếng sóng to sóng nhỏ của biển lớn. Tiếng của nhóm như vậy, nếu người nghe thấy đều hiểu rõ, yêu thích không chán ghét, nhĩ căn (Śotrendriya:nói lược là lỗ tai) an tịnh, tiếng ấy sâu xa, tiếng chân thật thông suốt hay sinh căn lành. Văn, chữ, tên, câu thảy đều đầy đủ cùng với nghĩa tương ứng, khế hợp với Lý của Pháp thâm sâu, khéo  hợp thời nghi. Ấy là tiếng bình đẳng của ba Thừa [Trīṇi-yānāni gồm có: Thanh Văn Thừa (Śrāvaka-yāna), Duyên Giác Thừa (Pratyeka-buddha-yāna), Bồ Tát Thừa (Bodhisatva-yāna) hay Đại Thừa (Mahā-yāna)], tiếng diễn nói ba Minh [Tri-vidya gồm có: Túc Mệnh Trí Chứng Minh (Pūrva -nivāsānusmṛti-jñāna-sākṣāt-kriya-vidyā), Sinh Tử Trí Chứng Minh (Cyuty-upapatti-jñāna-sākṣāt-kriya-vidyā), Lậu Tận Trí Chứng Minh (Āsrava-kṣaya-jñāna-sākṣāt-kriya-vidyā)], tiếng trang nghiêm Đàn Ba La Mật (Dāna-pāramitā:Bố Thí Ba La Mật), tiếng thanh tịnh Thi La Ba La Mật (Śīla-pāramitā:Trì Giới Ba La Mật), tiếng hay sinh Sạn Đề Ba La Mật (Kṣānti-pāramitā:Nhẫn Nhục Ba La Mật), tiếng siêng tu Tinh Tiến Ba La Mật (Vīrya-pāramitā), tiếng thành tựu Thiền Na Ba La Mật (Dhyāna-pāramitā:Thiền Định Ba La Mật), tiếng Bát Nhã Ba La Mật (Prajña-pāramitā:Trí Tuệ Ba La Mật) rộng lớn, tiếng cho Tâm hòa hợp với Đại Từ (Mahā-maitri), tiếng cho Giác hòa hợp với Đại Bi (Mahā-kāruṇa), tiếng cho ảnh ánh sáng hòa hợp với Đại Hỷ (Māhā-muditā), tiếng đồng với Đại Xả (Mahā-upekṣa) của hư không, tiếng sinh ra ba thừa, tiếng chẳng đoạn Tam Bảo [Tri-ratna, hay Ratna-traya gồm có: Phật (Buddha), Pháp (Dharma), Tăng (Saṃgha)], tiếng phân biệt ba Tụ (gồm có Chính Định Tụ, Tà Định Tụ, Bất Định Tụ), tiếng thanh tịnh ba Không (gồm có Ngã Không, Pháp Không, Câu Không), tiếng quán sát bốn Đế [Catvary-ārya-satyāni gồm có: Khổ Đế (Duḥkhaāryasatya), Tập Đế (Samudyaāryasatya), Diệt Đế (Nirodhaāryasatya), Đạo Đế (Mārgaāryasatya)], tiếng quán sát Trí Tuệ, tiếng bậc Trí chẳng hủy, tiếng bậc Thánh xưng tán, Tiếng lượng ngang bằng với hư không… xuất ra âm thanh thanh tịnh của nhóm như vậy, hồi hướng cúng dường chư Phật Bồ Tát.

Lại có mọi loại cây hoa (hoa thụ) phát ra mùi thơm của hoa màu nhiệm, mọi loại cây vòng hoa (man thụ) rũ các dây vòng hoa, mọi loại cây phướng (tràng thụ) cao hiển dựng lập, mọi loại cây phan (phan thụ) tiếp nối bóng ảnh phát sáng. Cầm tất cả vật màu nhiệm của nhóm như vậy, dùng Tâm Vô Ngã hồi hướng cúng dường tất cả chư Phật, các Đại Bồ Tát.

Lại dùng tất cả chỗ mà mắt Phật đã nhìn thấy đám mây cúng dường lớn trong vô biên tất cả Thế Giới ở mười phương, dùng để cúng dường. Ấy là: mọi loại mây hoa, mọi loại mây hương. Mọi loại mây trướng vòng hoa, mây hương xoa bôi, mây hương bột, mây lọng báu, mây tòa báu, mây phướng báu, mây phan báu, mây quần áo báu màu nhiệm, mây vật dụng làm bằng mọi báu, mây các Thượng Vị của cõi Trời, mây nhóm báu Ma Ni…Mọi loại mây cúng vô lượng sắc loại các báu như vậy, hồi hướng cúng dường tất cả chư Phật, các hàng Bồ Tát

Lại nên nguyện dùng một Tiểu Thiên Thế Giới làm một chén đèn, bên trong tràn đầy lượng dầu thơm,  dùng khoảng một trăm núi Tu Di làm cây đuốc, dùng ánh lửa báu thắp sáng, phát ra ánh sáng lớn cúng dường tất cả chư Phật Bồ Tát. Như vậy cúng dường không có cùng tận.

Lại nên khuyến thỉnh tất cả Như Lai đến cây Bồ Đề, giáng phục chúng Ma, thành Đẳng Chính Giác (Samyaksaṃbudha), chuyển bánh xe Diệu Pháp (Saddharma-cakra), trụ lâu một Đại Kiếp (Mahā-kalpa), đừng vào Niết Bàn (Parinirvāṇa: Bát Niết Bàn)

Lại nên đem mọi loại căn lành này hồi hướng cho chúng sinh, nguyện các chúng sinh mau chứng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi:Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác).

Như vậy khi hồi hướng thời chẳng thấy Tâm hay hồi hướng, chẳng nhận lấy cảnh đã hướng đến, chẳng vào nơi đã hồi hướng căn lành, ba Luân (gồm có Thân Luân, Khẩu Luân, Ý Luân) thanh tịnh

Lại nữa tất cả Như Lai, tất cả Bồ Tát, tất cả chúng sinh. Hết thảy Công Đức của nhómloại như vậy, con đều tùy vui.

Lại tác nguyện này: “Dùng căn lành này, nguyện khiến cho tất cả các chướng, nghiệp ác rất nặng của chúng con đều được tiêu diệt”.

_Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói Hồi Hướng Đà La Ni là:

“Án (1) sa-ma la, sa-ma la (2) vi ma nẵng (3) sa la (4) ma ha chước ca-la (5) phộc (6) hồng (7)”

輆 絆捖絆捖 合亙矧 州捖 亙扣弋咒 地 猲

Oṃ_ smara smara, vimana sāra, mahā-cakra, vaḥ, hūṃ

Đức Phật nói: “Mọi loại vật cúng đã nói như trên, dùng sức của Hồi Hướng Đà La Ni này, ở trước mặt chư Phật đều được thành tựu cúng dường chân thật, tất cả chư Phật thảy đều nhiếp thọ.

Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có thể đối với Môn Đại Hồi Hướng Luân Đà La Ni này, hoặc đúng thời, chẳng đúng thời, hoặc ngày, hoặc đêm…ngầm niệm một biến, quán sát vận tưởng. đem vật cúng lúc trước cung kính cúng dường chư Phật Bồ Tát. Do sức này cho nên nghiệp tội rất nặng của nhóm năm Vô Gián đều được tiêu diệt, huống chi là tội nhẽ mà chẳng trừ diệt được sao!?...Tất cả phiền não đều được mỏng nhạt, như trước đã nói: mười Lực Vô Úy, các nhóm Công Đức thảy đều đầy đủ.

Nếu người tạm đối với Đà La Ni này, suy tư một lần, liền được trăm lần chuyển sinh trong cung Đế Thích, lại được trăm lần chuyển sinh trong cung Phạm Vương, ban đêm ở trong mộng thấy Phật Bồ Tát vì mình nói Diệu Pháp, không có các mộng ác, đối với các Tổng Trì đều được thành tựu, tùy Nguyện sinh về Tịnh Thổ của chư Phật.

 

KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

_QUYỂN THỨ NHẤT (Hết)_

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]