Tam tạng pháp sư Trúc Pháp Hộ (người nước Nhục-chi)
dịch từ Phạn văn ra Hán văn tại Trung-quốc,
vào đời Tây-Tấn (265-316).
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn
tại Gia-nã-đại, năm 2011.
Chính tôi nghe như vầy:
Một thời đức Thế Tôn
Ngự tại khu vườn rừng
Kì-đà Cấp-cô-độc
(Tức tinh xá Kì-viên),
Ở kinh thành Xá-vệ.
*
Tại tinh xá, bấy giờ,
Tôn giả Đại Mục Liên
Vừa chứng sáu thần thông,
Muốn cứu độ cha mẹ,
Đền đáp ơn sinh dưỡng;
Nên dùng sức thiên nhãn
Quan sát khắp thế gian,
Nhìn thấy thân mẫu mình
Sinh trong chốn ngạ quỉ,
Không có gì ăn uống,
Hình hài trông tiều tụy,
Gầy ốm da liền xương.
Tôn giả lòng đau xót,
Liền bưng bát cơm đầy,
Đem đến dâng lên mẹ.
Bà chụp ngay bát cơm,
Tay trái thì che đậy,
Tay phải vốc cơm ăn;
Nhưng cơm chưa vào miệng
Đã hóa thành than lửa!
Bà không thể ăn được.
Tôn giả quá thương tâm,
Kêu khóc thật bi thảm;
Liền mau về trước Phật,
Bạch rõ cảnh tượng này.
*
Nghe xong, đức Phật dạy:
Này, thầy Mục Kiền Liên!
Tội chướng của mẹ thầy,
Gốc rễ kết đã sâu;
Năng lực một mình thầy
Không thể nào giải cứu!
Tâm hiếu thuận của thầy,
Dù rúng động trời đất,
Nhưng ở trong thế gian,
Những vị uy lực lớn
Như thiên thần, địa thần,
Chúng ma vương tà ngụy,
Các đạo sĩ ngoại đạo,
Cả bốn vị Thiên Vương,
Cũng không làm gì được!
Phải nhờ sức uy thần
Của Tăng Chúng mười phương,
Mẹ thầy mới siêu thoát.
Như Lai nhân dịp này,
Sẽ chỉ dạy cho thầy
Một phương pháp cứu tế,
Giúp những kẻ khổ nạn
Tiêu trừ mọi tội chướng,
Thoát khỏi cảnh khổ đau.
*
Phật bảo Đại Mục Liên:
Trong ngày lễ Tự Tứ
Của Tăng Chúng mười phương
Vào ngày Rằm tháng Bảy,
Quí thầy hãy thành tâm
Vì cha mẹ hiện tại
Đến bảy đời quá khứ,
Và bà con quyến thuộc
Đang trong vòng khổ nạn,
Mà sắm sửa trai phạn
Đủ mùi vị thơm ngon,
Đặt vào trong chiếc bồn;
Cùng các loại trái cây;
Và các vật cần dùng
Như thau bồn đựng nước,
Đồ dùng múc, rưới nước;
Thuốc men, hương, đèn, dầu;
Giường, chiếu, gối, chăn, màn ...
Đem tất cả dâng cúng
Đại Đức Tăng mười phương.
*
Tất cả chư Thánh Chúng
Vào ngày Tự Tứ ấy,
Hoặc đang tu thiền định
Nơi núi non thanh vắng;
Hoặc thường đi kinh hành
Trong rừng cây thâm u;
Hoặc chứng bốn quả Thánh;
Hoặc Thanh-văn, Duyên-giác,
Đã chứng sáu thần thông,
Đang giáo hóa tự tại;
Hoặc chư Bồ-tát lớn
Đã lên hàng Thập-địa,
Nhưng phương tiện thị hiện
Làm thân tướng tì kheo ...
Tất cả những vị ấy
Tụ hội trong Tăng Chúng,
Đều đồng đẳng nhất tâm
Thọ dụng bữa trai tăng
Cúng dường Tăng Tự Tứ.(*)
Chúng Tăng Tự Tứ này,
Đủ giới pháp thanh tịnh,
Nên phước đức mênh mông.
Người nào được cúng dường
Tăng Chúng Tự Tứ trên,
Thì cha mẹ bà con
Đời này của người ấy:
Nếu đã quá vãng rồi,
Tức thì được thoát khỏi
Cảnh khổ ba đường dữ,
Sinh về cảnh giới lành,
Cơm áo có tự nhiên;
Nếu còn đang tại thế
Được hưởng nhiều phước lạc,
Sống lâu đến trăm tuổi.
Còn các bậc cha mẹ
Trong bảy đời quá khứ,
Thì tự tại hóa sinh
Lên ở các cõi trời,
Đầy ánh sáng hoa lệ,
Hưởng phước lạc vô biên.
*
Bấy giờ Phật qui định:
Tăng Chúng trong mười phương
Trước hết, vì trai chủ,
Định tâm ý chú nguyện
Cho cha mẹ hiện tại
Đến bảy đời quá khứ,
Rồi sau mới thọ thực.
Và trước khi thọ thực,
Hãy đặt các thức ăn
Trước bàn Phật trai đường,
Hoặc ở nơi chùa tháp,
Sau khi chú nguyện xong,
Tăng Chúng mới thọ thực.
*
Phật dạy điều ấy xong,
Tôn giả Mục Kiền Liên
Cùng chư vị Bồ-tát,
Tất cả đều hoan hỉ.
Tiếng khóc than bi thảm
Của tôn giả Mục Liên
Tức thì không còn nữa.
Thân mẫu ngài Mục Liên,
Cũng ngay trong ngày ấy,
Thoát cảnh khổ ngạ quỉ.
*
Bấy giờ ngài Mục Liên
Lại bạch đức Thế Tôn:
Nay thân mẫu của con,
Nhờ công đức Tam Bảo,
Nhờ uy lực Tăng Chúng,
Nên đã được siêu thoát.
Nếu trong đời vị lai,
Tất cả hàng Phật tử,
Muốn hành hạnh hiếu thuận,
Cũng vâng theo cách thức
Đức Thế Tôn đã dạy
Về pháp Vu-lan-bồn,
Độ cha mẹ hiện tại
Đến cha mẹ bảy đời;
Như thế có được không?
*
Đức Thế Tôn dạy rằng:
Thầy hỏi thật đúng lúc,
Chính Như Lai muốn nói,
Mà thầy lại hỏi rồi.
Này Đại Mục Kiền Liên!
Bất luận Phật tử nào:
Dù là các tì kheo,
Hoặc giả tì kheo ni,
Hay quốc vương, vương tử,
Tể tướng và đại thần,
Các quan viên lớn nhỏ,
Cho đến cả muôn dân,
Phải có lòng từ hiếu,
Phải thực hành hiếu hạnh.
Họ phải vì cha mẹ
Hiện tại đến bảy đời,
Vào ngày Rằm tháng Bảy
(Là ngày “Phật hoan hỉ”,
Ngày “Chúng Tăng tự tứ”),
Hãy sắm sửa trai phạn,
Đầy đủ các hương vị,
Đựng trong bồn vu-lan,
Cúng dường mười phương Tăng
Vừa thọ pháp Tự Tứ.
Xin các ngài chú nguyện
Cho cha mẹ hiện tại
Được sống lâu trăm tuổi,
Không các thứ tật bệnh,
Không phiền muộn, khổ đau;
Và cha mẹ bảy đời
Thoát cảnh khổ ngạ quỉ,
Được sinh trong loài người,
Hoặc lên các cõi trời,
Hưởng phước lạc vô cùng.
*
Đức Thế Tôn dạy tiếp:
Đệ tử của Như Lai
Thực hành hạnh hiếu thuận,
Thì mỗi niệm mỗi niệm
Thường nghĩ nhớ cha mẹ
Hiện tại đến bảy đời.
Rằm tháng Bảy mỗi năm,
Đem tâm thành từ hiếu
Tưởng nhớ đến cha mẹ
Đang còn sống hiện tại
Và bảy đời quá khứ.
Hãy sắm sửa đầy đủ,
Vật thực cùng phẩm vật,
Cúng dường Phật và Tăng,
Báo đáp ơn sinh dưỡng,
Ơn yêu thương đùm bọc
Của hai đấng sinh thành.
Tất cả đệ tử Phật
Phải vâng giữ hành trì
Thắng pháp Vu Lan Bồn
Như Lai dạy trên đây.
*
Bấy giờ ngài Mục Liên
Cùng bốn chúng đệ tử,
Nghe lời dạy của Phật,
Tất cả đều vui mừng,
Nguyện vâng giữ, hành trì.
(Dịch từ bản Hán văn “Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh”,
kinh số 685, tạng Đại Chánh, quyển 16, trang 779.)
(*)Hai câu này được dịch từ câu “Thọ bát-hòa-la phạn” trong kinh văn chữ Hán. Trong câu ấy, chữ “thọ”(nhận) và chữ “phạn”(cơm) là hai chữ Hán; còn ba chữ “bát-hòa-la”là dịch âm của chữ Phạn “pravàrana”, có nghĩa là “tự tứ”. Vậy, câu kinh văn chữ Hán “thọ bát-hòa-la phạn”ánHHcó nghĩa là: thọ dụng bữa cơm tự tứ,– ở đây có nghĩa là bữa cơm do đàn việt cúng dường Phật và Chúng Tăng trong ngày Tự Tứ (tức bữa cơm trưa ngày Rằm tháng Bảy âm lịch). Trước đây có vị đã dịch cụm từ “bát-hòa-la phạn”là: “bát cơm lục hòa”, e không chính xác.