Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 08: Kinh Ðao-Lợi Thiên

12/03/201211:11(Xem: 6679)
Phẩm 08: Kinh Ðao-Lợi Thiên
Phat thuyet phap-2
KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán Dịch: Đại Sư Phật Đà Da Xá & Đại Sư Trúc Phật Niệm

(佛 陀 耶 舍 共 竹 佛 念 譯)
Việt dịch: Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh


PHẦN IV

30. KINH THẾ KÝ

PHẨM 8. ĐAO-LỢI THIÊN









 

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Trên đỉnh Tu-di sơn vương có thành của trời Tam thập tam. Thành dọc ngang rộng tám vạn do-tuần; có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Thành cao một trăm do-tuần, phần trên rộng sáu mươi do-tuần. Cửa thành cao sáu mươi do-tuần, rộng ba mươi do-tuần. Cách nhau năm trăm do-tuần là có một cái cửa; tại mỗi cửa này có năm trăm quỷ thần giữ gìn bảo vệ trời Tam thập tam. Thành bằng vàng thì cửa bằng bạc, thành bạc thì cửa vàng. cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót bi thương, cũng lại như vậy.

“Trong thành lớn này lại có thành nhỏ, dọc ngang rộng sáu vạn do-tuần. Thành có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Thành cao một trăm do-tuần, rộng sáu mươi do-tuần. Cửa thành cách nhau năm trăm do-tuần, cao sáu mươi do-tuần, rộng ba mươi do-tuần; tại mỗi cửa thành có năm trăm quỷ thần thị vệ tại bên cửa, để giữ gìn trời Tam thập tam. Thành bằng vàng thì cửa bằng bạc, thành bằng bạc thì cửa bằng vàng; thành bằng thủy tinh thì cửa bằng lưu ly, thành bằng lưu ly thì cửa bằng thủy tinh; thành bằng xích châu thì cửa bằng mã não, thành bằng mã não thì cửa bằng xích châu; thành bằng xa cừ thì cửa bằng các thứ báu khác.

“Về lan can này: nếu lan can bằng vàng thì tam cấp bằng bạc, lan can bằng bạc thì tam cấp bằng vàng; lan can bằng thủy tinh thì tam cấp bằng lưu ly, lan can bằng lưu ly thì tam cấp bằng thủy tinh; lan can bằng xích châu thì tam cấp bằng mã não, lan can bằng mã não thì tam cấp bằng xích châu; lan can bằng xa cừ thì tam cấp bằng các thứ báu khác. Trên những lan can này có lưới báu; dưới lưới vàng thì treo linh bạc, dưới lưới bạc thì treo linh vàng; lưới bằng lưu ly thì treo linh bằng thủy tinh, lưới bằng thủy tinh thì treo linh bằng lưu ly; lưới bằng xích châu thì treo linh bằng mã não, lưới bằng mã não thì treo linh bằng xích châu; lưới bằng xa cừ thì treo linh bằng các thứ báu khác. Về cây vàng: nếu rễ vàng, cành vàng thì lá hoa bằng bạc ròng. Về cây bạc: nếu rễ bạc, cành bạc thì lá hoa bằng vàng ròng. Về cây thủy tinh: nếu rễ, cành bằng thủy tinh thì lá, hoa bằng lưu ly. Về cây lưu ly: nếu rễ, cành bằng lưu ly thì lá hoa bằng thủy tinh. Về cây xích châu: nếu rễ, cành bằng xích châu thì lá hoa bằng mã não. Về cây mã não: nếu rễ, cành bằng mã não thì lá hoa bằng xích châu. Về cây xa cừ: nếu rễ, cành bằng xa cừ thì lá hoa bằng các thứ báu khác.

“Về bảy lớp thành này: thành có bốn cửa, cửa có lan can. Trên bảy lớp thành đều có đền đài, lầu các bao bọc chung quanh, có vườn rừng ao tắm, sinh ra các loài hoa quý nhiều màu sắc xen lẫn nhau, cây báu thành hàng, hoa trái tốt tươi đầy dẫy, hương thơm bay phảng phất khắp nơi làm đẹp lòng mọi người. Có chim le, chim nhạn, uyên ương, cùng các loài chim kỳ lạ, vô số hàng ngàn loại, cùng nhau ca hót.

“Khoảng giữa bên ngoài thành nhỏ này có cung điện của Long vương Y-la-bát, dọc ngang rộng sáu ngàn do-tuần. Vách tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Trong thành Thiện kiến này có Thiện pháp đường, dọc ngang một trăm do-tuần; có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Nền nhà hoàn toàn bằng vàng ròng, trên mặt phủ lưu ly. Chu vi những cây cột trong nhà này là mười do-tuần, cao một trăm do-tuần, dưới những trụ cột của ngôi nhà này là nơi đặt ngự tòa của Thiên đế , bề ngang rộng độ một do-tuần, có nhiều màu sắc xen lẫn nhau được tạo thành bởi bảy thứ báu. Ngự tòa này êm ái, mềm mại như lụa trời và bên tả bên hữu, giáp hai bên tòa, có mười sáu chỗ ngồi.

“Pháp đường này có bốn cửa; chung quanh là lan can bằng bảy thứ báu. Đường cấp của ngôi nhà này dọc ngang năm trăm do-tuần, có bảy lớp cửa ngoài, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có cung điện Đế Thích, dọc ngang một ngàn do-tuần; tường vách cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía đĐông ngôi nhà Thiện kiến có vườn rừng tên là Thô sáp, ngang rộng độ một ngàn do-tuần; tường vách cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn Thô sáp có hai ụ đá do vàng trời trang sức, một gọi là Hiền, hai gọi là Thiện hiền, bề ngang mỗi ụ rộng năm mươi do-tuần, đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như vải trời.

“Phía Nam cung điện Thiện kiến có khu vườn tên là Họa lạc , ngang rộng một ngàn do-tuần; vách tường của khu vườn có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn này có hai ụ đá bằng bảy thứ báu, một là Họa, hai là Thiện họa, bề ngang mỗi ụ rộng độ năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như thiên y.

“Phía Tây ngôi nhà Thiện kiến có khu vườn tên là Tạp, ngang rộng một ngàn do-tuần, bờ tường của khu vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong khu vườn này có hai ụ đá, một là Thiện kiến, hai là Thuận thiện kiến, do vàng trời trang sức và do bảy báu tạo thành, bề ngang mỗi ụ rộng độ năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại và độ mềm mại của nó như thiên y.

“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có khu vườn tên là Đại hỷ, ngang rộng một ngàn do-tuần, bờ tường của khu vườn có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Trong vườn này có hai ụ đá, một gọi là Hỷ, hai gọi là Đại hỷ, do xa cừ trang sức, ngang rộng năm mươi do-tuần, ụ đá này mềm mại, độ mềm mại của nó như thiên y.

“Ở quãng giữa vườn Thô sáp và vườn Họa nhạc có ao Nan-đà, ngang rộng một trăm do-tuần; nước của nó lắng trong, không có một chút bợn nhơ, chung quanh bên cạnh thềm là bảy lớp hào báu, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu. Bốn phía hồ này có bốn bậc thang, chung quanh lan can làm bằng bảy báu,. cho đến có vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, lại cũng như vậy.

“Lại nữa trong ao này lại sinh ra bốn loại hoa xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, xanh nhạt, nhiều màu xen lẫn nhau; bóng rợp của một lá hoa này che một do-tuần; hương thơm phảng phất khắp một do-tuần; rễ của nó như ổ trục xe, nhựa của nó lưu xuất ra có màu trắng như sữa, vị ngọt như mật. Bốn phía ao này lại có những khu vườn.

“Giữa hai khu vườn Tạp và khu vườn Đại hỷ có cây tên là Trú độ, chu vi độ bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá bao trùm ra bốn phía độ năm mươi do-tuần, ngoài cây có ngôi đình trống, bề ngang rộng năm trăm do-tuần, bờ tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Ngoài ra các cung điện khác của Đao-lợi thiên, ngang rộng một ngàn do-tuần, tường cung điện có bảy lớp với bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Những cung điện này ngang rộng từ chín trăm, tám trăm cho đến nhỏ nhất là một trăm do-tuần, bờ tường cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Những cung điện nhỏ, ngang rộng từ một trăm do-tuần, chín mươi, tám mươi, cho đến cực nhỏ là mười hai do-tuần, bờ tường của cung điện có bảy lớp, bảy lớp lan can, bảy lớp võng lưới, bảy lớp hàng cây, trang hoàng chung quanh bằng bảy thứ báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy.

“Phía Bắc ngôi nhà Thiện kiến có hai đường cấp dẫn đến cung điện Đế Thích. Phía Đông ngôi nhà Thiện kiến có hai đường cấp dẫn đến khu vườn Thô sáp; lại có hai đường cấp dẫn đến vườn Họa lạc; lại có đường cấp dẫn đến trong khu vườn Tạp; lại có đường cấp dẫn đến khu vườn Đại hỷ; lại có đường cấp dẫn đến ao Đại hỷ ; lại có đường cấp dẫn đến cây Trú độ; lại có đường cấp dẫn đến cung điện Tam thập tam thiên; lại có đường cấp dẫn đến cung điện chư Thiên; lại có đường cấp dẫn đến cung điện Y-la-bát Long vương. Nếu khi Thiên Đế Thích muốn du ngoạn đến trong vườn Thô sáp, liền nghĩ đến vị đại thần của trời Tam thập tam, thì đại thần Tam thập tam thiên lại tự nghĩ rằng: Hiện nay Đế Thích đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị, đóng ngựa vào xe báu, cùng với vô số mọi người vây quanh trước sau đến đứng một bên trước Đế Thích. Khi Đế Thích nghĩ đến chư Thiên khác, thì chư Thiên nghĩ rằng: Hiện nay Đế Thích đang nghĩ đến ta. Liền tự mình sửa soạn trang bị, cùng với vô số chúng chư Thiên theo nhau đến đứng một bên trước Đế Thích. Khi Đế Thích nghĩ đến Y-la-bát Long vương, thì Y-la-bát Long vương lại tự nghĩ rằng: Hiện nay Đế Thích đang nghĩ đến ta. Long vương liền tự biến hóa thân hình ra ba mươi ba cái đầu, mỗi cái đầu có sáu cái răng, mỗi cái răng có bảy hồ tắm, mỗi hồ tắm có bảy hoa sen lớn, mỗi hoa sen có một trăm lá, mỗi lá hoa có bảy ngọc nữ, ca nhạc, múa xướng, đánh trống, khảy đàn, vỗ nhịp ở trên đó. Sau khi vị Long vương biến hóa như vậy rồi, đi đến đứng một bên trước Đế Thích.

“Lúc này, Thích-đề-hoàn Nhân mặc vào thân mình những đồ trang sức quý báu cùng anh lạc, ngồi trên đầu thứ nhất của Y-la-bát Long vương, kế đó, hai bên mỗi đầu còn có mười sáu vị Thiên vương ở trên đỉnh đầu Long vương này, theo thứ tự mà ngồi. Bấy giờ, Thiên Đế Thích cùng với vô số quyến thuộc chư Thiên vây quanh đến vườn Thô sáp, tự nhiên có gió thổi cửa tự động mở, tự nhiên có gió thổi khiến cho đất sạch; tự nhiên có gió thổi làm những đóa hoa rơi khắp mặt đất và tích tụ hoa rụng lại ngập đến cả đầu gối. Lúc này Thiên Đế Thích ngồi trên hai ụ đá Hiền và Thiện hiền theo ý thích, còn Ba mươi ba vị Thiên vương mỗi người tự theo thứ tự mà ngồi. Lại nữa, có những chư Thiên không được phép theo hầu để đến tham quan viên quán này, không được vào vườn để vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những chư Thiên thấy được khu vườn mà không vào được và không được cùng nhau vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những chư Thiên thấy được, vào được, nhưng không được cùng nhau vui đùa ngũ dục. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành không đồng. Lại có những chư Thiên vào được, thấy được và vui đùa ngũ dục được. Vì sao? Vì công đức mà họ vốn thực hành đồng nhau.

“Sau thời gian du hí trong vườn, chư Thiên đã tự vui ngũ dục, từ một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, họ đã cùng nhau vui đùa xong và mỗi người tự trở về cung điện. Khi Thiên Đế Thích du ngoạn vườn Họa lạc, vườn Tạp, vườn Đại hỷ cũng lại như vậy.

“Vì sao gọi là vườn Thô sáp? Vì lúc vào trong vườn này, thì thân thể trở nên thô nhám. Vì sao gọi là vườn Họa lạc? Vì lúc vào vườn này, thì thân thể tự nhiên có những sắc màu như vẽ dùng để vui đùa. Vì sao gọi là vườn Tạp? Vì thường những ngày mùng tám, ngày mười bốn, ngày mười lăm của mỗi tháng, ngoại trừ người nữ A-tu-luân, các thể nữ được thả tự do để cùng các Thiên tử ở trong vườn này cùng du hí hỗn tạp với nhau, cho nên gọi là vườn Tạp. Vì sao gọi là vườn Đại hỷ? Vì lúc vào vườn này, thì có thể vui đùa một cách hoan hỷ, cho nên gọi là Đại hỷ. Vì sao gọi là nhà Thiện pháp? Vì ở trên ngôi nhà này mà tư duy về pháp vi diệu, nhận lãnh cái vui thanh tịnh, cho nên gọi là nhà Thiện pháp. Vì sao gọi là cây Trú độ? Vì cây này có vị thần tên là Mạn-đà thường thường tấu nhạc để tự vui đùa, cho nên gọi là Trú độ. Lại nữa, cành nhánh của cây lớn này vươn ra bốn phía, hoa lá rậm rạp tốt tươi như đám mây báu lớn, cho nên gọi là Trú độ.

“Hai bên tả hữu của Thích Đề-hoàn Nhân thường có mười đại Thiên tử theo sau để hầu hạ và bảo vệ đó là: một tên là Nhân-đà-la, hai tên là Cù-di, ba tên là Tỳ-lâu, bốn tên là Tỳ-lâu-bà-đề, năm tên là Đà-la, sáu tên là Bà-la, bảy tên là Kỳ-bà, tám tên là Linh-hê-nậu, chín tên là Vật-la, mười tên là Nan-đầu. Thích Đề-hoàn Nhân có thần lực lớn và oai đức như vậy.

Các loại hoa mọc trong nước mà người Diêm-phù-đề quý như: Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-vật-đầu, Phân-đà-lỵ, Tu-càn-đầu, hương thơm của chúng thanh khiết nhẹ nhàng. Cũng vậy, các loại hoa mọc ra trên đất liền; đó là: Giải thoát hoa, Đảm-bặc-hoa, Bà-la-đà-hoa, Tu-mạn-châu-na hoa, Bà-sư hoa, Đồng nữ hoa. Giống như những hoa sinh ra ở nước, ở đất liền, thì những hoa sinh ra ở Câu-da-ni, Uất-đan-viết, Phất-vu-đãi, Long cung, Kim sí điểu cung cũng lại như vậy. Những hoa sinh ra ở trong thủy cung của A-tu-luân: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lỵ, hương thơm của chúng nhẹ nhàng thanh khiết. Những hoa sinh ra nơi đất liền: hoa Thù-hảo, hoa Tần-phù, hoa đại Tần-phù, hoa Già-già-lợi, hoa đại Già-già-lợi, hoa Mạn-đà-la, hoa đại Mạn-đà-la. Những hoa sinh ra ở nước, ở đất liền này được Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên, Diễm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên yêu quý cũng lại như vậy.

“Cõi Trời có mười loại pháp; đó là: một, bay đi không hạn số; hai, bay đến không hạn số; ba, đi vô ngại; bốn, đến vô ngại; năm, thân Trời không có da, xương, gân, mạch, máu, thịt; sáu, thân không có việc đại, tiểu tiện bất tịnh; bảy, thân không mệt nhọc; tám, Thiên nữ không sinh đẻ; chín, mắt Trời không nháy; mười, thân tùy thuộc vào màu sắc của ý mình, như thích xanh thì hiện xanh, thích vàng thì vàng, đỏ, trắng và các màu khác tùy theo ý mình mà hiện. Đó là mười pháp của chư Thiên.

“Con người có bảy màu sắc, đó là: có người màu lửa, có người màu xanh, có người màu vàng, có người màu đỏ, có người màu đen, có người màu trắng. Chư Thiên, A-tu-luân cũng có bảy màu sắc như vậy.

“Các Tỳ-kheo, ánh sáng của con đom đóm không bằng đèn, nến; ánh sáng của đèn, nến không bằng bó đuốc; ánh sáng của bó đuốc không bằng đống lửa; ánh sáng của đống lửa không bằng ánh sáng của sắc thân, y phục, anh lạc, thành quách, cung điện của Tứ thiên vương; ánh sáng của sắc thân, y phục, anh lạc, thành quách, cung điện của Tứ thiên vương không bằng ánh sáng của Tam thập tam thiên; ánh sáng của Tam thập tam thiên không bằng ánh sáng của Diệm-ma thiên; ánh sáng của Diệm-ma thiên không bằng ánh sáng của Đâu-suất thiên, ánh sáng của Đâu-suất thiên không bằng ánh sáng của Hóa tự tại thiên; ánh sáng của Hóa tự tại thiên không bằng ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên; ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên không bằng ánh sáng của sắc thân, y phục, cung điện Phạm-ca-di thiên; ánh sáng của sắc thân, y phục, cung điện Phạm-ca-di thiên không bằng ánh sáng của Quang âm thiên; ánh sáng của Quang âm thiên không bằng ánh sáng của Biến tịnh thiên; ánh sáng của Biến tịnh thiên không bằng ánh sáng của Quả thật thiên; ánh sáng của Quả thật thiên không bằng ánh sáng của Vô tưởng thiên; ánh sáng của Vô tưởng thiên không bằng ánh sáng của Vô tạo thiên; ánh sáng của Vô tạo thiên không bằng ánh sáng của Vô nhiệt thiên; ánh sáng của Vô nhiệt thiên không bằng ánh sáng của Thiện kiến thiên; ánh sáng của Thiện kiến thiên không bằng ánh sáng của Đại Thiện kiến thiên; ánh sáng của Đại Thiện kiến thiên không bằng ánh sáng của Cứu cánh thiên; ánh sáng của Cứu cánh thiên không bằng ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên; ánh sáng của Tha hóa tự tại thiên không bằng ánh sáng của Phật. Từ ánh sáng của con đom đóm đến ánh sáng của Phật, mà kết hợp những thứ ánh sáng như vậy lại, thì cũng không bằng ánh sáng của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Cho nên, các Tỳ-kheo! Muốn tìm cầu ánh sáng, thì phải cầu ánh sáng của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Các ngươi nên như vậy mà tu hành.

“Thân người ở cõi Diêm-phù-đề cao ba khuỷu tay rưỡi; y dài bảy khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay rưỡi. Thân người ở Cù-da-ni, Phất-vu-đãi cũng cao ba khuỷu tay; y dài bảy khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay rưỡi. Thân người Uất-đan-viết cao bảy khuỷu tay; y dài mười bốn khuỷu tay, rộng bảy khuỷu tay. Thân A-tu-luân cao một do-tuần; y dài hai do-tuần, rộng một do-tuần, y dày sáu lạng. Thân của Tứ thiên vương cao nửa do-tuần; y dài một do-tuần, rộng nửa do-tuần, y dày nửa lạng. Thân của Đao-lợi thiên cao một do-tuần; y dài hai do-tuần, rộng một do-tuần, y dày sáu lạng. Thân của Diệm-ma thiên cao hai do-tuần; y dài bốn do-tuần, rộng hai do-tuần, y dày ba lạng. Thân của Đâu-suất thiên cao bốn do-tuần; y dài tám do-tuần, rộng bốn do-tuần, y dày một lạng rưỡi. Hóa tự tại thiên cao tám do-tuần; y dài mười sáu do-tuần, rộng tám do-tuần, y dày một lạng. Thân của Tha hóa tự tại thiên cao mười sáu do-tuần; y dài ba mươi hai do-tuần, rộng mười sáu do-tuần, y dày nửa lạng. Từ chư Thiên trở lên, mỗi nơi tùy theo thân hình của họ mà mặc y phục.

“Tuổi thọ của người Diêm-phù-đề là một trăm năm, ít ai vượt qua khỏi; mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Câu-da-ni là hai trăm năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Phất-vu-đãi là ba trăm năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của người Uất-đan-viết là một ngàn năm, không có tăng hay giảm. Tuổi thọ của ngạ quỷ là bảy vạn năm, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của loài rồng và Kim sí điểu là một kiếp, hoặc có giảm đi. Tuổi thọ của A-tu-luân là một ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Tứ thiên vương là năm trăm năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Đao-lợi thiên là một ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Diệm-ma thiên là hai ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Đâu-suất thiên là bốn ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Hóa tự tại thiên là tám ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Tha hóa tự tại thiên là sáu ngàn năm của cõi trời, ít ai vượt qua khỏi, mà phần nhiều là dưới. Tuổi thọ của Phạm-ca-di thiên là một kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Quang âm thiên là hai kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Biến tịnh thiên là ba kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Quả thật thiên là bốn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô tưởng thiên là năm trăm kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô tạo thiên là một ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Vô nhiệt thiên là hai ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Thiện kiến thiên là ba ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Đại Thiện kiến thiên là bốn ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Sắc cứu cánh thiên là năm ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Không xứ thiên là một vạn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Thức xứ thiên là hai vạn một ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Bất dụng xứ thiên là bốn vạn hai ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Tuổi thọ của Hữu tưởng vô tưởng thiên là tám vạn bốn ngàn kiếp, hoặc có giảm bớt. Trong giới hạn ấy, được gọi là chúng sanh; trong giới hạn ấy được gọi làlà tuổi thọ; trong giới hạn ấy được gọi là thế giới; trong giới hạn ấy là sự luân chuyển của tập hợp uẩn, xứ, giới, qua lại trong các cõi, sanh, già, bệnh, chết.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tất cả chúng sanh do bốn loại thức ăn mà tồn tại. Một là đoàn tế hoạt thực. Hai là xúc thực. Ba là niệm thực. Bốn là thức thực. Những loại thức ăn này chúng sanh ăn không giống nhau. Như người cõi Diêm-phù-đề dùng các loại cơm, bún mì, cá thịt, gọi là loại đoàn thực. Y phục, tắm giặt, được gọi là tế hoạt thực. Người Câu-da-ni, Phất-vu-đãi cũng ăn các loại cơm, bún mì, cá thịt được gọi là đoàn thực; y phục, tắm giặt là tế hoạt thực. Người Uất-đan-viết thì chỉ ăn lúa gạo chín tự nhiên, đầy đủ vị trời lấy là đoàn thực; cũng lấy y phục, tắm giặt làm tế hoạt thực. Loài rồng, Kim sí điểu, thì ăn các con giải, con đà, con cá, con ba-ba lấy làm đoàn thực và tắm gội, y phục làm tế hoạt thực. A-tu-luân thì ăn đoàn thực sạch lấy làm đoàn thực và lấy tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực. Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên ăn loại đoàn thực sạch lấy làm đoàn thực và tắm giặt, y phục làm tế hoạt thực. Chư Thiên từ đây trở lên dùng hỷ lạc thiền định làm thức ăn.

“Những chúng sanh nào dùng xúc thực? Những chúng sanh, sinh ra từ trứng dùng xúc thực.

“Những chúng sanh nào dùng niệm thực? Có chúng sanh nhờ vào niệm thực mà được tồn tại, tăng trưởng các căn, tuổi thọ không dứt, đó là niệm thực.

“Những chúng sanh nào dùng thức thực? Những chúng sanh ở địa ngục và cõi Vô sắc thiên, những loại chúng sanh này dùng thức thực.

“Người cõi Diêm-phù-đề dùng các thứ vàng bạc, đồ quý báu, lúa gạo, lụa là, nô bộc để mưu sinh buôn bán mà tự nuôi sống. Người Câu-da-ni dùng bò, dê, châu báu để trao đổi mà nuôi sống. Người Phất-vu-đãi dùng thóc, vải, châu ngọc để trao đổi mà tự nuôi sống. Người Uất-đan-viết tuy không dùng cách trao đổi nhưng cũng mưu sinh để tự nuôi sống.

“Người cõi Diêm-phù-đề có sự mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Câu-da-ni và người Phất-vu-đãi, cũng có mai mối hôn nhân, con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Người Uất-đan-viết, thì không có vấn đề hôn nhân, không có sự lấy chồng, lấy vợ của con trai và con gái. Loài rồng và Kim sí điểu cùng A-tu-luân, thì cũng có hôn nhân, có giá thú giữa con trai và con gái. Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên. cho đến Tha hóa tự tại thiên cũng có hôn nhân và có giá thú giữa người nam và người nữ. Chư Thiên từ đây trở lên không còn có nam và nữ.

“Người cõi Diêm-phù-đề, vì giữa nam và nữ giao hội nhau, thân và thân xúc chạm nhau, nên sanh ra âm dương. Những người Câu-da-ni, người Phất-vu-đãi, người Uất-đan-viết cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Các loài rồng, Kim sí điểu cũng dùng thân với thân xúc chạm nhau nên cũng sanh ra âm dương. Loài A-tu-luân thì thân với thân gần gũi nhau phát sanh khí mà trở thành âm dương. Tứ thiên vương, Đao-lợi thiên thì cũng lại như vậy. Diệm-ma thiên, thì gần gũi nhau mà thành âm dương. Đâu-suất thiên thì cầm tay nhau mà thành âm dương. Hóa tự tại thiên thì nhìn kỹ nhau mà thành âm dương. Tha hóa tự tại thiên thì láy mắt nhìn nhau mà thành âm dương. Chư Thiên từ đây trở lên thì không còn dâm dục nữa.

“Nếu có chúng sanh nào, với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, thức người đời diệt mất; thức nê-lê bắt đầu sinh ra. Nhân thức nên có danh sắc. Nhân danh sắc nên có sáu nhập. Hoặc có chúng sanh với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, bị đọa vào trong loài súc sanh; sau đó thức người đời bị diệt; thức súc sanh bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập. Hoặc có chúng sanh với thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đọa vào trong ngạ quỷ; sau đó thức người đời bị diệt, thức ngạ quỷ bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập. Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói những lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sinh vào trong cõi người; sau đó thức đời trước diệt, thức loài người bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập.

“Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sinh về cõi Tứ thiên vương; sau đó thức đời trước diệt; thức loài trời Tứ thiên vương bắt đầu sinh ra; nhân thức nên có danh sắc; nhân danh sắc nên có sáu nhập.

“Lúc bắt đầu sinh ở cõi Trời, hình dạng cũng giống hệt như con nít chừng hai, ba tuổi của cõi người này, tự nhiên hóa hiện, ngồi trên đầu gối Trời. Vị Trời ấy liền nói: Đây là con ta. Do quả báo của hành vi, nên tự nhiên mà có nhận thức; liền tự nghĩ rằng: Ta do đã làm những gì, mà nay ta sinh ra nơi này? Rồi tự nhớ lại: Đời trước ta ở nhân gian, thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện. Vì đã làm những việc này nên nay được sanh về cõi Trời. Giả như ở đây ta mạng chung, mà sinh vào cõi nhân gian trở lại, thì phải thanh tịnh thân, khẩu, ý và siêng năng gấp đôi trong việc tu tập các hạnh lành. Sau khi sinh ra chưa lâu, hài nhi tự biết đói, thì tự nhiên trước mặt hài nhi này có đồ đựng quý, trong đó đựng thức ăn thanh tịnh của cõi Trời, tự nhiên có, đủ cả trăm mùi vị. Nếu phước báo nhiều thì thức ăn màu trắng. Nếu phước báo vừa thì thức ăn có màu xanh. Còn nếu phước báo ít thì thức ăn có màu đỏ. Đứa trẻ này dùng tay lấy thức ăn đưa vào miệng, thức ăn tự nhiên tiêu mất, như váng sữa được chế vào trong lửa. Khi đứa trẻ ăn xong, mới tự cảm thấy khát, thì tự nhiên có đồ đựng quý, đựng đầy nước cam lồ. Nếu là người có nhiều phước báo thì nước này có màu trắng; nếu người này phước báo vừa vừa thì nước này có màu xanh; nếu là ngưới có phước báo ít thì nước này có màu đỏ. Đứa trẻ này lấy nước uống; nước tự động tiêu mất như váng sữa được chế vào lửa vậy.

“Đứa trẻ này sau khi ăn uống xong, thì thân thể cao lớn cũng như các chư Thiên khác, liền vào trong hồ nước mà tự mình thưởng thức sự tắm gội rửa ráy. Khi đã tự mình thưởng thức xong thì ra khỏi hồ tắm, đến dưới cây hương. Cây hương sẽ cong xuống; nó dùng tay lấy các loại hương tự thoa vào thân mình. Sau đó lại đến cây y-kiếp-bối. Cây cong xuống, nó lấy các loại y mặc vào thân mình. Tiếp đến nơi cây trang nghiêm. Cây cong xuống, nó lấy các thứ đồ trang sức, để tự trang điểm thân. Tiếp đến cây Hoa man, cây nghiêng xuống môt bên, lấy tràng hoa đội lên đầu. Tiếp đến cây đồ vật, cây nghiêng xuống một bên, để lấy các thứ đồ vật báu. Tiếp đến cây có trái, cây nghiêng xuống một bên, hái trái tự nhiên, hoặc ăn hay ngậm, hoặc lọc nước mà uống. Tiếp đến cây nhạc khí, cây nghiêng xuống một bên, lấy nhạc khí Trời, khảy lên âm thanh trong trẻo vi diệu hòa cùng lời ca. Khi đứa trẻ cõi Trời hướng đến các khu vườn, thì thấy vô số Thiên nữ đang khảy đàn đánh trống ca hát nói cười với nhau. Bấy giờ đứa trẻ cõi Trời dạo chơi thấy những cảnh như vậy, bèn sinh lòng đắm nhiễm, nhìn Đông mà quên Tây, nhìn Tây mà quên Đông. Lúc mà đứa trẻ này mới sinh, tự biết mà tự nghĩ rằng: Do hành vi gì mà nay ta được sinh ra nơi này? Khi đang dạo chơi xem cảnh nơi kia, thì lại quên hết ý nghĩ này. Thế rồi, liền có thể nữ theo hầu.

“Hoặc có chúng sanh với thân làm thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Đao-lợi thiên; sau đó thức đời trước diệt; thức kia bắt đầu sinh ra; nhân thức này nên có danh sắc, nhân danh sắc nên có sáu nhập. Kẻ mới bắt đầu sinh của cõi Trời kia, giống như đứa trẻ hai hay ba tuổi ở cõi Diêm-phù-đề, tự nhiên biến hiện ra ở trên đầu gối của Trời và vị Trời ấy nói: Đây là con trai của ta. Đây là con gái của ta. Cũng lại như đã kể trên.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Diệm-ma thiên; kẻ mới bắt đầu sinh của cõi trời kia, giống như đứa trẻ ba, bốn tuổi ở cõi Diêm-phù-đề này.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Đâu-suất thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ bốn, năm tuổi ở thế gian này.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Hóa tự tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi trời này, giống như đứa trẻ năm, sáu tuổi ở thế gian này.

“Hoặc có chúng sanh với thân, miệng, ý đều thiện, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về cõi Tha hóa tự tại thiên; kẻ mới sinh ở cõi Trời này, giống như đứa trẻ sáu, bảy tuổi ở thế gian này, cũng lại như vậy.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Mỗi nửa tháng có ba ngày trai, đó là: ngày mồng tám, ngày mười bốn và ngày mười lăm. Đó là ba ngày trai. Vì sao trong mỗi nửa tháng lấy ngày mùng tám làm ngày trai? Vì vào ngày mồng tám của mỗi nửa tháng là ngày Tứ thiên vương thường bảo sứ giả rằng: Các ngươi nên đi khảo sát thế gian, xem xét mọi người, có biết hiếu thuận với cha mẹ, có kính thuận với Sa-môn, Bà-la-môn, có tôn kính các bậc trưởng lão, có trai giới, bố thí, có cứu giúp người nghèo thiếu hay không? Sau khi sứ giả nghe những lời dạy này rồi, liền đi khảo sát khắp trong thiên hạ, để biết có người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính Sa-môn, Bà-la-môn, kính trọng các bậc trưởng lão, trì giới giữ trai, bố thí cho người nghèo thiếu. Sau khi xem xét đầy đủ rồi, thấy có những người bất hiếu với cha mẹ, bất kính sư trưởng, không tu trai giới, không cứu giúp người nghèo thiếu, về thưa với nhà vua rằng: Tâu Thiên vương, ở thế gian những người hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng sư trưởng, tịnh tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu thì rất ít! rất ít! Sau khi Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo không vui, đáp rằng: Than ôi! nếu người thế gian, có nhiều kẻ ác, bất hiếu với cha mẹ, không kính trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ người nghèo thiếu! thì chúng chư Thiên sẽ tổn giảm và chúng A-tu-luân sẽ tăng thêm. Trường hợp nếu sứ giả thấy ở thế gian mà có người hiếu kính mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo, thì trở về bạch với Thiên vương rằng: Ở thế gian có người hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu. Thì Tứ thiên vương sau khi nghe xong rất là hoan hỷ, xướng lên rằng: Lành thay! Ta đã nghe những lời tốt lành, thế gian nếu có những người có thể hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng thêm và chúng A-tu-luân sẽ giảm bớt.

“Vì sao lấy ngày mười bốn làm ngày trai? Vì ngày mười bốn là ngày mà Tứ thiên vương bảo thái tử rằng: Ngươi nên đi khảo sát khắp thiên hạ, xem xét mọi người, để biết có người hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu hay không? Sau khi vâng lời dạy của vua xong, thái tử liền đi khảo sát thiên hạ, xem xét mọi người, có biết hiếu thuận mẹ cha, tôn trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ người nghèo thiếu hay không. Khi đã quán sát tất cả rồi, nhận thấy thế gian có người không hiếu thuận mẹ cha, không kính sư trưởng, không tu trai giới, không giúp đỡ người nghèo thiếu, trở về thưa vua rằng: Tâu Thiên vương, ở thế gian người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, tu hành trai giới thanh tịnh, giúp đỡ những người nghèo thiếu thì rất ít! rất ít! Tứ thiên vương nghe xong, sầu lo không vui, bảo rằng: Than ôi! Nếu thế gian có nhiều kẻ ác, không hiếu thuận mẹ cha, không tôn trọng sư trưởng, không tu tập trai giới, không giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ giảm bớt, chúng A-tu-luân sẽ tăng thêm. Nếu thái tử nhận thấy thế gian có người hiếu thuận mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì liền trở về thưa vua rằng: Tâu Thiên vương, ở thế gian có người hiếu thuận với mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu. Tứ thiên vương nghe xong, lòng rất vui mừng, xướng lên rằng: Lành thay! Ta nghe được những lời tốt lành, là ở thế gian nếu có những người hiếu thuận với mẹ cha, tôn trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng thêm, chúng A-tu-luân sẽ giảm bớt. Cho nên ngày mười bốn là ngày trai.

“Vì sao lấy ngày mười lăm làm ngày trai? Vì ngày mười lăm là ngày Tứ thiên vương đích thân tự đi khảo sát thiên hạ, xem xét mọi người ở trong thế gian, có hiếu thuận mẹ cha, kính trọng sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ những người nghèo thiếu hay không? Nếu nhận thấy người thế gian phần nhiều bất hiếu với mẹ cha, không tôn trọng sư trưởng, không siêng trai giới, không giúp đỡ kẻ nghèo thiếu, thì Tứ thiên vương đến điện Thiện pháp thưa với Đế Thích: Đại vương biết cho, chúng sanh ở thế gian phần nhiều bất hiếu với mẹ cha, không kính trọng sư trưởng, không tu trai giới, không giúp đỡ kẻ nghèo thiếu! Sau khi Đế Thích và chư Thiên Đao-lợi nghe xong lòng buồn lo không vui nói rằng: Than ôi! Nếu chúng sanh ở thế gian phần nhiều là ác, không hiếu thuận mẹ cha, không tôn kính sư trưởng, không tu trai giới, không giúp kẻ nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ giảm bớt, chúng A-tu-luân sẽ tăng lên. Nếu Tứ thiên vương nhận thấy thế gian có người hiếu thuận với mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp đỡ kẻ nghèo thiếu, thì trở về điện Thiện pháp tâu với Đế Thích: Người thế gian có kẻ hiếu thuận với mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp kẻ nghèo thiếu. Sau khi Đế Thích và chư Thiên Đao-lợi nghe xong lòng rất là hoan hỷ, xướng lên rằng: Lành thay! Nếu ở thế gian mà có kẻ hiếu thuận mẹ cha, tôn kính sư trưởng, siêng tu trai giới, giúp kẻ nghèo thiếu, thì chúng chư Thiên sẽ tăng, chúng A-tu-luân sẽ giảm. Cho nên lấy ngày mười lăm là ngày trai giới. Vì lý do trên nên có ba ngày trai. Bấy giờ, Đế Thích muốn cho chư Thiên càng thêm hoan hỷ hơn, liền nói bài kệ:

Thường lấy ngày mồng tám,

Mười bốn, rằm mỗi tháng,

Cải hóa, tu trai giới,

Người này đồng với Ta.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Đế Thích nói bài kệ này, không phải là khéo thọ, không phải là khéo nói; Ta cũng không ấn khả. Vì sao? Vì Đế Thích chưa dứt hết dâm dục, sân hận, si mê, chưa thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Ta bảo người này chưa lìa khỏi gốc khổ. Tỳ-kheo nào của Ta, nếu lậu hoặc đã hết, được A-la-hán, những gì cần làm đã làm xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã được tự lợi, đã hết kết sử các hữu, bình đẳng giải thoát, thì Tỳ-kheo đó mới đáng nói bài kệ này:

Thường lấy ngày mồng tám,

Mười bốn, rằm mỗi tháng,

Vâng lời tu trai giới,

Người này đồng với Ta.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo kia nói bài kệ này mới gọi là khéo thọ, mới gọi là khéo nói, được Ta ấn khả. Vì sao? Vì Tỳ-kheo kia đã dứt sạch dâm dục, sân hận, si mê, đã thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Ta bảo người kia đã lìa khỏi gốc khổ.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tất cả chỗ ở như nhà cửa của mọi người đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có cả. Tất cả mọi đường sá, mọi ngã tư, hàng thịt, chợ búa, cùng bãi tha ma đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có cả. Phàm các loài quỷ thần đều tùy thuộc vào chỗ nương náu mà có tên. Như nếu nương vào người thì gọi là người; nương vào thôn thì gọi là thôn; nương vào thành thì gọi là thành; nương vào nước thì gọi là nước; nương vào đất thì gọi là đất; nương vào núi thì gọi là núi, nương vào sông thì gọi là sông.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Tất cả mọi loại cây cối dù là cực nhỏ như trục xe cũng đều có quỷ thần nương tựa, không có chỗ nào là không có. Tất cả mọi người nam, người nữ khi mới bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên ủng hộ; nếu khi nào họ chết thì quỷ thần giữ gìn họ, thu nhiếp tinh khí của họ, nên người này sẽ chết ngay.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Giả như có Phạm-chí ngoại đạo hỏi rằng: Chư Hiền! Nếu như tất cả nam nữ khi bắt đầu sinh ra đều có quỷ thần theo bên giữ gìn, ủng hộ; khi người kia sắp chết, quỷ thần giữ gìn ủng hộ kia sẽ thu nhiếp tinh khí họ, thì người này chết. Nhưng tại sao người hiện nay lại có người bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu? Nếu có người hỏi câu này, thì các Thầy nên trả lời cho họ rằng: Người thế gian hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, những người như vậy, thì trong trăm hay ngàn mới có một thần theo bảo hộ thôi. Giống như đàn bò, đàn dê, trong trăm hay ngàn con cũng chỉ có một người chăn giữ; thì việc này cũng như vậy, vì hành động phi pháp, tà kiến điên đảo, tạo ra mười nghiệp ác, nên những người như vậy, trong trăm hay ngàn người mới có một thần bảo hộ thôi. Nếu có người nào tu hành pháp thiện, chánh kiến, chánh tín, chánh hạnh, đầy đủ mười nghiệp thiện, chỉ một người như vậy, thì cũng có trăm ngàn thần bảo hộ rồi. Giống như quốc vương, đại thần của quốc vương có trăm ngàn người hộ vệ một người; thì việc này cũng như vậy, người tu hành pháp thiện, đầy đủ mười nghiệp thiện, như một người có trăm ngàn thần hộ vệ. Vì nhân duyên này cho nên, người thế gian có người bị quỷ thần quấy nhiễu, có người không bị quỷ thần quấy nhiễu.

“Người cõi Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Câu-da-ni, đó là: một, dõng mãnh, nhớ dai, có khả năng tạo nghiệp hành; hai, dõng mãnh, nhớ dai, siêng tu phạm hạnh; ba, vì dõng mãnh, nhớ dai, nên Phật ra đời ở cõi này. Do có ba điều này nên hơn người Câu-da-ni. Người Câu-da-ni có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, nhiều bò; hai, nhiều dê; ba, nhiều châu ngọc. Do có ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Phất-vu-đãi, đó là: một, dõng mãnh, nhớ dai, có khả năng tạo ra nghiệp hành; hai, dõng mãnh, nhớ dai, thường tu phạm hạnh; ba, dõng mãnh, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này. Vì ba điều này nên hơn Phất-vu-đãi. Người Phất-vu-đãi có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, cõi này rất rộng; hai, cõi này rất lớn; ba, đất đai cõi này rất vi diệu. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề có ba điều hơn người Uất-đan-viết, đó là: một, mạnh mẽ, nhớ dai, có khả năng tạo ra hành nghiệp; hai, mạnh mẽ, nhớ dai, thường tu hành phạm hạnh; ba, mạnh mẽ, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này. Đó là ba điều hơn người Uất-đan-viết. Người Uất-đan-viết có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, không bị ràng buộc lệ thuộc; hai, không có vật sở hữu của ngã; ba, tuổi thọ cố định là ngàn năm. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề. “Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên mà hơn đường ngạ quỷ. Đường ngạ quỷ có ba điều hơn Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, thân to lớn; ba, người khác làm mà mình chịu. Vì ba điều này nên hơn Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên nên hơn loài rồng, Kim sí điểu. Loài rồng, Kim sí điểu lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, thân to lớn; ba, cung điện. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề vì ba điều trên nên hơn A-tu-luân. A-tu-luân lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, cung điện cao, rộng; hai, cung điện trang nhiêm; ba, cung điện thanh tịnh. Vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề vì ba điều trên mà hơn Tứ thiên vương. Tứ thiên vương lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, đoan chánh; ba, an vui nhiều; vì ba điều này nên hơn người Diêm-phù-đề.

“Người Diêm-phù-đề cũng vì ba điều trên mà hơn Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên. Các hàng chư Thiên này lại có ba điều hơn người Diêm-phù-đề, đó là: một, sống lâu; hai, đoan chánh; ba, an vui nhiều.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Chúng sanh cõi Dục có mười hai loại, đó là:

“1. Địa ngục.

“2. Súc sanh.

“3. Ngạ quỷ.

“4. Người.

“5. A-tu-luân.

“6. Tứ thiên vương.

“7. Đao-lợi thiên.

“8. Diệm-ma thiên.

“9. Đâu-suất thiên.

“10. Hóa tự tại thiên.

“11. Tha hóa tự tại thiên.

“12. Ma thiên.

“Chúng sanh cõi Sắc có hai mươi hai loại, đó là:

“1. Phạm thân thiên.

“2. Phạm phụ thiên.

“3. Phạm chúng thiên.

“4. Đại Phạm thiên.

“5. Quang thiên.

“6. Thiểu quang thiên.

“7. Vô lượng quang thiên.

“8. Quang âm thiên.

“9. Tịnh thiên.

“10. Thiểu tịnh thiên.

“11. Vô lượng tịnh thiên.

“12. Biến tịnh thiên.

“13. Nghiêm sức thiên.

“14. Tiểu nghiêm sức thiên.

“15. Vô lượng nghiêm sức thiên.

“16. Nghiêm thắng quả thật thiên.

“17. Vô tưởng thiên.

“18. Vô phiền thiên.

“19. Vô nhiệt thiên.

“20. Thiện kiến thiên.

“21. Đại Thiện kiến thiên.

“22. A-ca-nị-trá thiên.

“Chúng sanh cõi Vô sắc có bốn loại, đó là:

“1. Không trí thiên.

“2. Thức trí thiên.

“3. Vô sở hữu trí thiên.

“4. Hữu tưởng vô tưởng trí thiên.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Có bốn loại Đại Thiên thần, đó là:

“1. Địa thần.

“2. Thủy thần.

“3. Phong thần.

“4. Hỏa thần.

Xưa kia Địa thần nảy sinh ra nhận thức sai lầm rằng: Trong đất không có nước, lửa và gió. Lúc đó Ta biết rõ tâm niệm của thần đất này, liền đến bảo rằng: Ngươi đang nảy sanh ra ý nghĩ: Trong đất không có nước, lửa và gió phải không? Địa thần đáp: Trong đất quả thực không có nước, lửa và gió. Lúc ấy Ta bảo rằng: Ngươi chớ nảy sanh ý niệm này là trong đất không có nước, lửa và gió. Vì sao? Vì trong đất có nước, lửa và gió, chỉ vì yếu tố đất nhiều nên lấy đất mà gọi tên.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc ấy Ta vì Địa thần mà lần lượt nói pháp, để dứt trừ nhận thức sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy Ta biết rõ tâm niệm Địa thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, Ta chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Địa thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Địa thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với Ta rằng: Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, cho phép con được làm Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xưa kia, Thủy thần nảy sanh ác kiến, nói rằng: Trong nước không có đất, lửa và gió. Lúc ấy Địa thần biết rõ tâm niệm Thủy thần sinh ra nhận thức này, nên đến nói với Thủy thần rằng: Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này, là trong nước không có đất, lửa và gió phải không? Đáp rằng: Có thật như vậy. Địa thần nói: Ngươi chớ sinh ra kiến giải này, là trong nước không có đất, lửa và gió. Vì sao? Vì trong nước có đất, lửa và gió, nhưng chỉ vì yếu tố nước nhiều quá, nên dùng yếu tố nước để gọi tên. Bấy giờ, Địa thần liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy Địa thần biết rõ tâm niệm Thủy thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Thủy thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Thủy thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với Địa thần rằng: Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xưa kia Hỏa thần nảy sanh ra ác kiến, nói rằng: Trong lửa không có đất, nước và gió. Lúc ấy Địa thần và Thủy thần biết rõ tâm niệm Hỏa thần sinh ra nhận thức này, nên cùng nói với Hỏa thần rằng: Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này phải không? Đáp rằng: Có thật như vậy. Hai thần nói: Ngươi chớ sinh ra kiến giải này. Vì sao? Vì trong lửa có đất, nước và gió, nhưng chỉ vì yếu tố lửa nhiều quá, nên dùng yếu tố lửa để gọi tên. Bấy giờ, hai vị thần Địa và Thủy liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy hai thần biết rõ tâm niệm Hỏa thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Hỏa thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như áo trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Hỏa thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với hai thần rằng: Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xưa kia Phong thần nảy sanh ra nhận thức sai lầm rằng: Trong gió không có đất, nước và lửa. Lúc ấy Địa thần, Thủy thần, Hỏa thần biết rõ tâm niệm Phong thần sinh ra nhận thức này, nên đến nói rằng: Thật sự ngươi có sinh ra kiến giải này phải không? Đáp rằng: Có thật như vậy. Ba vị thần nói: Ngươi chớ sinh ra kiến giải này. Vì sao? Vì trong gió có đất, nước và lửa, nhưng chỉ vì yếu tố gió nhiều quá, nên dùng yếu tố gió để gọi tên. Bấy giờ, ba vị thần liền vì y mà nói pháp, dứt trừ kiến giải sai lầm này và chỉ bày, khuyến khích, làm cho lợi ích, làm cho hoan hỷ; nói về thí, về giới, về sinh thiên; nói dục là bất tịnh, là ô nhiễm, là tai họa; xuất yếu là trên hết và trình bày khai mở phạm hạnh thanh tịnh. Lúc ấy ba thần biết rõ tâm niệm của Phong thần đã thanh tịnh, nhu nhuyến, không còn năm ấm cái, dễ dàng khai hóa. Như pháp thường của chư Phật, chỉ bày giảng rộng về Khổ thánh đế, Khổ tập đế, Khổ diệt đế và Khổ xuất yếu thánh đế. Bấy giờ Phong thần liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Ví như tấm vải trắng sạch sẽ dễ được nhuộm màu, Phong thần cũng như vậy, lòng tin đã thanh tịnh, nên được mắt pháp, không còn hồ nghi, thấy pháp quyết định, không còn rơi vào đường ác, không theo đường khác, thành tựu được pháp vô úy, mà bạch với ba thần rằng: Nay tôi xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, xin nhận tôi là Ưu-bà-di ở trong Chánh pháp.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Mây có bốn thứ, đó là: một là màu trắng; hai là màu đen; ba là màu đỏ; bốn là màu hồng. Mây có màu trắng vì yếu tố đất đặc biệt nhiều; mây có màu đen vì yếu tố nước đặc biệt nhiều hơn; mây có màu đỏ vì yếu tố lửa đặc biệt nhiều hơn; mây có màu hồng vì yếu tố gió đặc biệt nhiều hơn. Mây cách mặt đất từ hai mươi dặm, ba mươi dặm, bốn mươi dặm. cho đến bốn ngàn dặm; ngoại trừ kiếp sơ, còn sau đó thì mây lên đến cõi Quang âm thiên. Chớp có bốn loại, đó là: Chớp ở phương Đông gọi là thân quang; chớp ở phương Nam gọi là nan hủy; chớp ở phương Tây gọi là lưu diễm; chớp ở phương Bắc gọi là định minh. Vì sao mây ở trong hư không có hiện tượng ánh chớp này? Có lúc thân quang cùng nan hủy chạm nhau, có khi thân quang cùng với lưu diễm chạm nhau, có khi thân quang cùng với định minh chạm nhau, có khi nan hủy cùng với lưu diễm chạm nhau, có khi nan hủy cùng với định minh chạm nhau, có khi lưu diễm cùng với định minh chạm nhau; vì những nhân duyên này nên mây giữa hư không sinh ra ánh chớp. Và vì sao mây ở giữa hư không lại sinh ra sấm chớp? Vì ở giữa hư không có khi địa đại cùng với thủy đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi địa đại cùng với phong đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với hỏa đại chạm nhau, có khi thủy đại cùng với phong đại chạm nhau; vì những nhân duyên này mà mây giữa hư không sinh ra sấm chớp.

“Có năm lý do mà các thầy tướng không thể tiên đoán và không thể biết được một cách chắc chắn về mưa nên dẫn đến việc sai lầm trong lúc đoán, đó là: một, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa; nhưng vì hỏa đại nhiều nên nó thiêu hủy mây đi, vì vậy mà không mưa. Đó là lý do thứ nhất khiến cho các thầy tướng đoán sai lầm. Hai, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì phong đại nổi lên, thổi mây bay tứ tán vào trong các núi, vì lý do này nên khiến cho các thầy tướng đoán sai lầm. Ba, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng bấy giờ Đại A-tu-luân đem phù vân đặt giữa biển cả, vì lý do này mà thầy tướng đoán sai lầm. Bốn, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì thần mây, thần mưa đang buông lung dâm loạn, nên rốt cùng không làm mưa, vì lý do này nên thầy tướng đoán sai lầm. Năm, trong mây có sấm chớp, đoán rằng sắp mưa, nhưng vì mọi người trong thế gian hành động buông lung phi pháp, làm hạnh bất tịnh, tham lam, keo kiệt, ghen ghét, kiến giải điên đảo, nên khiến trời không mưa xuống, vì lý do này nên thầy tướng đoán sai. Đó là năm lý do làm cho các thầy tướng không thể biết để đoán mưa một cách chắc chắn được.”

-ooOoo-

PHẨM4: ĐỊA NGỤC

Phậtbảo các Tỳ-kheo:

“Bênngoài của bốn châu thiên hạ này, có tám ngàn thiên hạ baoquanh. Lại có biển lớn bao quanh tám ngàn thiên hạ. Kế đócó núi Đại Kim cang bao bọc biển lớn. Bên ngoài núi Đạikim cang này lại có núi Đại kim cang thứ hai. Giữa hai núinày là một cảnh giới mờ mịt, tối tăm; mặt trời, mặttrăng, các vị thần, trời dù có uy lực cũng không thể dùngánh sáng soi chiếu đến đó được.

“Ởnơi này có tám địa ngục lớn, mỗi địa ngục lớn có mườisáu địa ngục nhỏ. Địa ngục lớn thứ nhất gọi là Tưởng.Thứ hai là địa ngục Hắc thằng. Thứ ba là địa ngục Đôiáp. Thứ tư là địa ngục Khiếu hoán. Thứ năm là địa ngụcĐại khiếu hoán. Thứ sáu là địa ngục Thiêu chích. Thứbảy là địa ngục Đại thiêu chích. Thứ tám là địa ngụcVô gián.

“Trongđịa ngục Tưởng có mười sáu ngục nhỏ ; mỗi địa ngụcnhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Ngục nhỏ thứ nhất là Hắcsa, hai là Phất thỉ, ba là Ngũ bách đinh, bốn là Cơ, nămlà Khát, sáu là một Đồng phủ, bảy là Đa đồng phủ, támlà Thạch ma, chín là Nùng huyết, mười là Lượng hỏa, mườimột là Hôi hà, mười hai là Thiết hoàn, mười ba là Cânphủ, mười bốn là Sài lang, mười lăm là Kiếm thọ, mườisáu là Hàn băng.

“Vìsao gọi là địa ngục Tưởng? Vì chúng sanh ở trong đó, trêntay của chúng mọc móng sắt; móng này vừa dài vừa bén. Chúngthù hận nhau, luôn có ý tưởng độc hại, dùng móng tay càocấu lẫn nhau, chạm tay vào chỗ nào là chỗ đó thịt rớtxuống, tưởng là đã chết; có cơn gió lạnh thổi đến,da thịt sinh ra trở lại, giây lát chúng sống lại, đứngdậy, tự mình có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúngsanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì sự tưởngnày cho nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lạinữa, chúng sanh ở trong địa ngục Tưởng này, lúc nào cũngnghĩ đến sự độc hại, phá hại lẫn nhau. Tay họ cầm mộtloại đao kiếm tự nhiên, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫnnhau, lóc da xẻ thịt, bằm nát thân thể rớt xuống đấtvà họ tưởng mình đã chết, nhưng bỗng một cơn gió lạnhthổi đến, da thịt sanh ra lại, làm cho họ sống lại đứngdậy, tự nghĩ và nói: Ta nay đã sống lại. Chúng sanh khácnói: Ta cũng nghĩ là ngươi đã sống lại. Vì lý do đó nêngọi là địa ngục Tưởng.

“Lạinữa, những chúng sanh ở trong địa ngục Tưởng đó, lúcnào cũng ôm trong lòng ý tưởng độc hại; chúng quấy phálẫn nhau. Tay chúng cầm một loại đao kiếm tự nhiên, vừanhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau, lóc da xẻ thịt, thân thểrã rời dưới đất, tưởng là đã chết, nhưng một cơn giólạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lại,đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúngsanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đónên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lạinữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nàocũng ôm lòng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúng cầmmột loại đao kiếm, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫn nhau,lóc da xẻ thịt và tưởng là đã chết, nhưng bỗng một cơngió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sống lạiđứng dậy, tự có ý tưởng rằng: Ta nay đã sống lại. Chúngsanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống. Vì lý do đónên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lạinữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nàocũng ôm ý tưởng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúngcầm một loại dao bóng dầu, vừa nhọn vừa bén, đâm chémlẫn nhau, lóc da xẻ thịt, tưởng là đã chết, nhưng bỗngmột cơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây látsống lại, đứng dậy, tự có ý tưởng rằng: Ta nay đã sốnglại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống.Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Lạinữa, địa ngục Tưởng là nơi mà những chúng sanh lúc nàocũng ôm ý tưởng độc hại, quấy phá lẫn nhau. Tay chúngcầm một loại dao nhỏ, vừa nhọn vừa bén, đâm chém lẫnnhau, lóc da xẻ thịt, tưởng là đã chết, nhưng bỗng mộtcơn gió lạnh thổi đến, da thịt sanh ra lại, giây lát sốnglại, đứng dậy, tự mình có ý tưởng rằng: Ta nay đã sốnglại. Chúng sanh khác nói: Ta có ý tưởng ngươi đang sống.Vì lý do đó nên gọi là địa ngục Tưởng.

“Nhữngchúng sanh ở trong đó, sau khi chịu khổ lâu, ra khỏi địangục Tưởng, hoảng hốt chạy càn để tự cứu mình. Nhưngvì tội quá khứ lôi kéo, nên bất ngờ lại đến địa ngụcHắc sa. Bấy giờ, có một cơn gió nóng dữ dội bốc lên,thổi cát đen nóng dính vào thân nó, khiến toàn thân đềuđen, giống như đám mây đen. Cát nóng đốt da, hết thịt,vào tận xương. Sau đó, trong thân tội nhân có một ngọnlửa đen bộc phát, đốt cháy quanh thân rồi vào bên trong,chịu các khổ não, bị thiêu nướng, cháy nám. Vì nhân duyêntội, nên chịu khổ báo này. Nhưng vì tội chưa hết, nênkhiến cho tội nhân không chết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ khá lâu ở trong đó, nó ra khỏiđịa ngục Hắc sa, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình.Nhưng vì tội quá khứ lôi kéo, nên bất ngờ lại đến địangục Phất thỉ. Trong địa ngục này có những hòn sắt làphân sôi tự nhiên đầy dẫy trước mặt, đuổi bức tộinhân phải ôm hòn sắt nóng, đốt cháy thân và tay, đến đầuvà mặt tội nhân; không đâu là không bị đốt cháy; lạikhiến cho tội nhân bốc hòn sắt bỏ vào miệng, đốt cháycả môi, lưỡi, từ yết hầu đến bụng, từ trên đến dướiđều bị cháy tiêu hết. Có một loài trùng mỏ sắt ăn dathịt, tận cả xương tủy, đau đớn nhức nhối, lo sợ vôcùng. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân khôngchết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ lâu ở trong địa ngục Phất thỉ,tội nhân ra khỏi địa ngục này, hoảng hốt chạy càn, đểtự cứu mình, không ngờ lại đến địa ngục Thiết đinh.Sau khi đã vào đó, ngục tốt đánh tội nhân cho té xuống,nằm mọp trên sắt nóng, căng thẳng thân thể nó ra, dùngđinh đóng tay, đóng chân, đóng vào tim. Toàn thân bị đónghết thảy năm trăm cái đinh. Nó đau đớn nhức nhối, kêula rên xiết. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhânkhông chết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcThiết đinh, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, khôngngờ lại đến địa ngục Cơ. Ngục tốt đến hỏi: Các ngườiđến đây muốn điều gì? Tội nhân đáp: Tôi đói quá. Tứcthì ngục tốt bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căngthân thể ra, dùng móc câu cạy miệng cho mở ra, rồi lấyhòn sắt nóng bỏ vào trong miệng, đốt cháy môi lưỡi, từcổ cho đến bụng, chạy tuốt xuống dưới, không chỗ nàokhông đốt cháy, đau rát nhức nhối, khóc la rên xiết. Nhưngvì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcCơ, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờ lạiđến địa ngục Khát. Ngục tốt liền hỏi: Các ngươi đếnđây, muốn cầu điều gì? Tội nhân đáp: Tôi khát quá. Ngụctốt liền bắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thânthể ra rồi dùng móc câu cạy miệng tội nhân ra, lấy nướcđồng sôi rót vào trong miệng đốt cháy môi, lưỡi, từ cổcho đến bụng, suốt từ trên xuống dưới, không chỗ nàokhông đốt cháy, đau rát nhức nhối, khóc la rên xiết. Nhưngvì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcKhát, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, không ngờlại đến địa ngục một Đồng phúc. Ngục tốt trợn mắtgiận dữ, nắm chân tội nhân ném vào trong vạc đồng, theonước sôi sùng sục, trồi lên hụp xuống, từ đáy đếnmiệng, rồi từ miệng cho đến đáy, hoặc ở giữa vạc,cả thân thể bị nấu nhừ. Cũng như nấu đậu, hạt đậutùy theo nước sôi, trào lên lộn xuống, các hạt đậu cảtrong ngoài đều được nấu nhừ. Tội nhân trồi lên sụpxuống trong vạc dầu sôi cũng như vậy. Kêu gào bi thảm, hàngvạn độc hại cùng đến; nhưng vì tội chưa hết, nên khiếncho tội nhân không chết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcmột Đồng phúc, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình,nhưng bị tội đời trước lôi kéo, bất ngờ lại rơi vàođịa ngục Đa đồng phúc. Địa ngục này ngang dọc năm trămdo-tuần. Ngục tốt trợn mắt giận dữ, nắm chân tội nhânném vào trong vạc đồng, theo nước sôi sùng sục, trồi lênhụp xuống, từ đáy đến miệng, rồi từ miệng cho đếnđáy, hoặc ở giữa vạc, cả thân thể bị nấu nhừ. Cũngnhư nấu đậu, hạt đậu tùy theo nước sôi, trào lên lộnxuống, các hạt đậu cả trong ngoài đều được nấu nhừ.Tội nhân trồi lên sụp xuống trong vạc dầu sôi cũng nhưvậy, tùy theo nước sôi mà trồi lên sụp xuống, từ miệngvạc cho đến đáy vạc, rồi từ đáy cho đến miệng, hoặctay chân nổi lên, hoặc lưng bụng nổi lên, hoặc đầu mặtnổi lên. Ngục tốt dùng lưỡi câu móc để trong vạc đồngkhác. Nó kêu khóc thảm thiết, đau đớn nhức nhối. Nhưngvì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcĐa đồng phúc, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưngbị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địangục Thạch ma. Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần.Ngục tốt thịnh nộ, bắt tội nhân quăng lên tảng đá nóng,căng tay chân ra, dùng đá tảng nóng lớn đè trên thân tộinhân, mài tới mài lui làm cho xương nát vụn, máu mủ chảyra, đau đớn nhức nhối, khóc la thảm thiết. Nhưng vì tộichưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcThạch ma, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưng bịtội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địa ngụcNùng huyết. Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần. Trongđịa ngục này tự nhiên có máu mủ nóng sôi sục trào vọt.Tội nhân ở trong đó chạy Đông, chạy Tây, bị máu mủ sôinóng luộc chín toàn thân, đầu, mặt, tay, chân, tất cả đềunát nhừ. Tội nhân còn phải ăn máu mủ nóng, miệng, môiđều bị bỏng, từ cổ cho đến bụng, suốt trên xuống dướikhông chỗ nào không nát nhừ, đau đớn nhức nhối, khôngthể chịu nổi. Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tộinhân không chết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcNùng huyết, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưngbị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địangục Lượng hỏa. Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần.Trong địa ngục này có một đống lửa lớn, tự nhiên xuấthiện trước mặt, lửa cháy hừng hực. Ngục tốt hung dữ,bắt tội nhân tay cầm cái đấu bằng sắt, để đong đốnglửa ấy. Khi họ đong lửa, thì lửa đốt cháy tay chân vàcả toàn thân, họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưngvì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Saumột thời gian, chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcLượng hỏa, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưngbị tội đời trước lôi kéo, không ngờ lại rơi vào địangục Hôi hà. Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần, sâunăm trăm do-tuần. Tro sôi sùng sục, độc khí xông lên phừngphực, các dòng xoáy vỗ nhau, âm vang thật đáng sợ, từ đáylên bên trên có gai sắt dọc ngang với mũi nhọn dài tám tấc.Bên bờ sông lại có một loại dao kiếm dài, có cả ngụctốt, sài lang. Hai bên bờ sông mọc những đao kiếm dài, nhánh,lá, hoa, trái đều là đao kiếm, vừa nhọn vừa bén, cỡ támtấc, đứng bên là những ngục tốt, sài lang. Trên bờ sôngcó rừng mà cây là gươm với cành, lá, hoa, trái đều làđao kiếm, mũi nhọn tám tấc. Tội nhân vào trong sông, tùytheo lượn sóng lên xuống, mà trồi lên hụp xuống. Toàn thânđều bị gai sắt đâm thủng từ trong ra ngoài, da thịt nátbét, máu mủ dầm dề, đau đớn muôn chiều, kêu la thảm thiết.Nhưng vì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chếtđược.

“Saumột thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcHôi hà, lên được trên bờ, nhưng ở trên bờ lại có nhiềugươm giáo sắc bén đâm thủng toàn thân, tay chân bị thươngtổn. Bấy giờ quỷ sứ hỏi tội nhân: Các ngươi đến đâymuốn cầu điều chi? Tội nhân đáp: Chúng tôi đói quá. Ngụctốt liền bắt tội nhân quăng lên sắt nóng, căng thân thểra rồi dùng móc câu cạy miệng tội nhân ra, lấy nước đồngsôi rót vào, cháy bỏng môi, lưỡi, từ cổ đến bụng, suốttrên xuống dưới, không chỗ nào không rục. Lại có loàilang sói răng nanh vừa dài vừa bén đến cắn tội nhân, ănthịt khi tội nhân đang sống. Rồi thì, tội nhân bị sôngtro đun nấu, bị gai nhọn đâm thủng, bị rót nước đồngsôi vào miệng và bị sài lang ăn thịt xong, thì lại leo lênrừng kiếm; khi leo lên rừng kiếm thì bị đao kiếm chỉaxuống; khi tuột xuống rừng kiếm thì bị đao kiếm chỉalên, khi tay nắm thì cụt tay, chân dẫm lên thì cụt chân;mũi nhọn đâm thủng toàn thân từ trong ra ngoài, da thịt rơixuống, máu mủ đầm đìa, chỉ còn xương trắng, gân cốtliên kết với nhau. Bấy giờ, trên cây kiếm có một loạiquạ mỏ sắt đến mổ nát đầu và xương để ăn não củatội nhân. Nó đau đớn nhức nhối kêu la thảm thiết. Nhưngvì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được,lại bị trở lại địa ngục Hôi hà. Tội nhân này theo lượnsóng lên xuống, mà trồi lên sụp xuống, gươm giáo đâm thủngtoàn thân trong ngoài, da thịt tan nát, máu mủ đầm đìa, chỉcòn xương trắng trôi nổi bên ngoài. Bấy giờ, có một cơngió lạnh thổi đến làm cho da thịt phục hồi, giây lát nóđứng dậy đi, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình, nhưngvì tội quá khứ lôi kéo, tội nhân lại không ngờ sa vàođịa ngục Thiết hoàn. Địa ngục này ngang dọc năm trămdo-tuần. Khi tội nhân vào đây, thì tự nhiên có những hònsắt nóng hiện ra trước mặt. Ngục quỷ cưỡng bức tộinhân nắm bắt, tay chân rã rời, toàn thân lửa đốt, đauđớn kêu la thảm, muôn vàn khổ độc dồn đến chết. Nhưngvì tội chưa hết, nên khiến cho tội nhân không chết được.

“Saumột thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcThiết hoàn, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình; nhưngvì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vàođịa ngục Cân phủ. Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần.Khi tội nhân vào địa ngục này, ngục tốt hung dữ, bắttội nhân để trên bàn sắt nóng, dùng búa rìu bằng sắtnóng chặt thân thể, tay, chân, cắt tai, xẻo mũi, làm cho đauđớn nhức nhối, kêu la thảm thiết; nhưng vì tội chưa hết,nên họ không chết được.

“Saumột thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcCân phủ, hoảng hốt chạy càn, để tự cứu mình; nhưng vìbị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân không ngờ lại sa vàođịa ngục Sài lang. Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần.Khi tội nhân vào địa ngục này, thì có bầy lang sói tranhnhau cắn xé tội nhân, làm cho da thịt nhầy nhụa, xương gãy,thịt rơi, máu chảy đầm đìa, làm đau đớn muôn vàn, kêula thảm thiết; nhưng vì tội cũ chưa hết, nên họ không chếtđược.

“Saumột thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcSài lang, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vìbị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vàođịa ngục Kiếm thọ. Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần.Khi tội nhân vào địa ngục này, thì có một cơn gió mãnhliệt, thổi lá cây bằng gươm dao rớt trên thân thể tộinhân, hễ chạm vào tay thì cụt tay, dính vào chân thì cụtchân, thân thể, đầu mặt không đâu là không bị thươnghoại. Có một loại quạ mỏ sắt, đứng trên đầu mổ đôimắt tội nhân, làm cho đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết;nhưng vì tội cũ chưa hết, nên không chết được.

“Saumột thời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngụcKiếm thọ, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưngvì bị tội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vàođịa ngục Hàn băng. Địa ngục này ngang dọc năm trăm do-tuần.Khi tội nhân vào địa ngục này, thì có một cơn gió lạnhbuốt, thổi đến làm cho thân thể bị lạnh cóng, máu huyếtđông đặc, da thịt nứt nẻ, rớt ra từng mảnh, làm họđau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Sau đó thì mạng chung.”

Phậtbảo các Tỳ-kheo:

“Địangục lớn Hắc thằng có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọcchung quanh, mỗi địa ngục ngang dọc năm trăm do-tuần. Vìsao gọi là địa ngục Hắc thằng? Vì ở đó các ngục tốtbắt tội nhân quăng lên bàn sắt nóng, căng thân hình ra rồidùng sợi dây sắt kéo ra cho thẳng, rồi dùng búa bằng sắtnóng xẻ theo đường sợi dây, xẻ tội nhân kia thành trămngàn đoạn. Giống như thợ mộc dùng dây kẻ vào cây rồidùng búa bén theo đường mực mà bổ ra thành trăm ngàn đoạn,thì cách hành hạ tội nhân ở đây cũng như vậy, đau đớnvô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưng vì tội cũchưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì thế nêngọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng bắt tội nhân quănglên bàn sắt nóng, căng thân hình ra, dùng dây sắt nóng kéora cho thẳng, dùng cưa để cưa tội nhân. Giống như ngườithợ mộc dùng dây mực kẻ trên thân cây, rồi dùng cưa đểcưa cây, thì cách hành hạ tội nhân ở đây cũng như vậy,đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được. Nhưngvì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được.Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng bắt tội nhân quănglên bàn sắt nóng, căng thân thể ra, dùng dây sắt nóng đểtrên thân tội nhân, làm cho da thịt bị thiêu đốt, tiêu xươngchảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hết được.Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chếtđược. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Hắc thằng dùng vô số dâysắt nóng treo ngang, rồi bắt tội nhân đi giữa những sợidây này, lúc đó lại có cơn gió lốc nổi lên, thổi nhữngsợi dây sắt nóng quấn vào thân, đốt cháy da thịt, tiêuxương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hếtđược. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thểchết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lạinữa, ngục tốt ở trong địa ngục Hắc thằng buộc tộinhân mặc áo bằng dây sắt nóng, đốt cháy da thịt, tiêuxương chảy tủy đau đớn vô cùng, không thể diễn tả hếtđược. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thểchết được. Vì thế gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Sauthời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Hắcthằng, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bịtội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địangục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng. Sau đó thì tộinhân mạng chung.”

Phậtbảo các Tỳ-kheo:

“Địangục lớn Đôi áp có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chungquanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọilà địa ngục Đôi áp? Vì trong ngục đó có núi đá lớn,từng cặp đối nhau. Khi tội nhân vào giữa thì hai hòn núitự nhiên khép lại, ép thân thể tội nhân, xương thịt nátvụn, xong rồi trở lại vị trí cũ, giống như hai thanh củicọ vào nhau, khi cọ xong dang ra, thì cách trị tội nhân củađịa ngục này cũng như vậy, đau đớn vô cùng, không thểdiễn tả hết được. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tộinhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngụcĐôi áp.

“Lạinữa, ở địa ngục Đôi áp, có voi sắt lớn, toàn thân bốclửa, vừa kêu rống, vừa chạy đến dày xéo thân thể tộinhân, dẫm đi dẫm lại, làm cho thân thể bị nghiền nát,máu mủ tuôn chảy, đau đớn muôn vàn, kêu la thảm thiết.Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chếtđược. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đôi áp.

“Lạinữa, các ngục tốt ở địa ngục Đôi áp, bắt tội nhânđặt lên bàn đá mài, rồi lấy đá mài mà mài, làm cho xươngthịt vụn nát, máu mủ chảy dầm dề, đau đớn vô cùng,kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhânkhông thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đôiáp.

“Lạinữa, các ngục tốt ở địa ngục Đôi áp, bắt tội nhânnằm trên tảng đá lớn, rồi lấy một tảng đá khác đèlên, làm cho xương thịt vụn nát, máu mủ chảy đầm đìa,đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũchưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nêngọi là địa ngục Đôi áp.

“Lạinữa, các ngục tốt ở địa ngục Đôi áp, bắt tội nhânnằm trong các cối sắt, rồi dùng chày sắt để giã tộinhân, từ đầu đến chân, làm cho xương thịt vụn nát, máumủ chảy đầm đìa, đau đớn nhức nhối, kêu la thảm thiết.Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chếtđược. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đôi áp.

“Sauthời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục Đôiáp, hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bịtội quá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địangục Hắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng, rồi sau đó thìtội nhân mạng chung.”

Phậtbảo các Tỳ-kheo:

“Địangục lớn Khiếu hoán có mười sáu địa ngục nhỏ bao quanh;mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì sao gọi làđịa ngục Khiếu hoán? Vì các ngục tốt trong ngục này bắttội nhân bỏ vào trong vạc lớn, với nước nóng sôi sục,nấu nhừ tội nhân, khiến chúng kêu la gào thét, đau đớnnhức nhối, muôn vàn độc hại. Nhưng vì tội cũ chưa hết,nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi làđịa ngục Khiếu hoán.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân bỏvào trong vò sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừtội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết.Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chếtđược. Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân bỏvào trong nồi sắt lớn, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừtội nhân, khiến họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết.Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chếtđược. Vì thế nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân némvào trong nồi nhỏ, dùng nước nóng sôi sục, nấu nhừ tộinhân, khiến chúng đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưngvì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được.Vì vậy nên gọi là địa ngục Khiếu hoán.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Khiếu hoán bắt tội nhân bỏlên trên cái nồi hầm, hầm đi hầm lại, khiến cho kêu gào,la thét, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nêntội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địangục Khiếu hoán.

“Sauthời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này,hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tộiquá khứ lôi kéo, tội nhân không ngờ lại sa vào địa ngụcHắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng và sau đó thì tội nhânmạng chung.”

Phậtbảo các Tỳ-kheo:

“Địangục Đại khiếu hoán lớn có mười sáu địa ngục nhỏbao quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì saogọilà địa ngục Đại khiếu hoán? Vì các ngục tốt trong ngụcnày bắt tội nhân bỏ vào trong nồi sắt lớn, dùng nướcnóng sôi sục, nấu nhừ tội nhân, khiến chúng kêu la gàothét, khóc lóc thảm thiết, đau đớn vô cùng. Nhưng vì tộicũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậynên gọi là địa ngục Đại khiếu hoán.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Đại khiếu hoán bắt tộinhân bỏ vào trong vò sắt lớn, dùng nước sôi sùng sục,nấu nhừ tội nhân, khiến họ đau đớn vô cùng. Nhưng vìtội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vìvậy nên gọi là địa ngục Đại khiếu hoán.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Đại khiếu hoán bắt tộinhân bỏ vào trong vạc sắt, dùng nước sôi sùng sục, nấunhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng. Nhưng vì tộicũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậynên gọi là địa ngục Đại khiếu hoán.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Đại khiếu hoán bắt tộinhân bỏ vào trong nồi nhỏ, dùng nước sôi sùng sục, nấunhừ tội nhân, khiến chúng đau đớn vô cùng. Nhưng vì tộicũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậynên gọi là địa ngục Đại khiếu hoán.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục Đại khiếu hoán, bắt tộinhân ném lên trên chảo lớn, rồi trở qua trở lại tội nhân,khiến kêu la gào thét, kêu la lớn, đau đớn vô cùng. Nhưngvì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được.Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại khiếu hoán.

“Sauthời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này,hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tộiquá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngụcHắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng, rồi sau đó thì tộinhân mạng chung.”

Phậtbảo các Tỳ-kheo:

“Địangục lớn Thiêu chích, có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọcchung quanh. Vì sao gọi là địa ngục lớn Thiêu chích? Vì cácngục tốt trong địa ngục đó bắt tội nhân vào trong thànhsắt. Thành này bốc cháy, cả trong lẫn ngoài đều đỏ rực,thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùngkêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhânkhông thể chết được. Vì vậy gọi là địa ngục Thiêuchích.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vàotrong nhà sắt, rồi cho nhà này bốc cháy, trong ngoài đềuđỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớnvô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nêntội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địangục Thiêu chích.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vàotrên lầu sắt, rồi cho lầu bốc cháy, trong ngoài đỏ rực,thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng,kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhânkhông thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Thiêuchích.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vàotrong lò gốm sắt lớn, rồi cho lò này cháy, trong ngoài đỏrực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đau đớn vôcùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tộinhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địa ngụcThiêu chích.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vàotrong nồi hầm lớn, rồi cho nồi này bốc cháy, trong ngoàiđều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, da thịt tiêu tan, đauđớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết,nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi làđịa ngục Thiêu chích.

“Sauthời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này,hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tộiquá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngụcHắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng và sau đó thì tội nhânmạng chung.”

Phậtbảo các Tỳ-kheo:

“Địangục Đại thiêu chích có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọcchung quanh; mỗi ngục nhỏ ngang dọc năm trăm do-tuần. Vì saogọi là địa ngục Đại thiêu chích? Vì các ngục tốt trongđịa ngục này, bắt tội nhân vào trong thành sắt, rồi chothành này bốc cháy, cả trong lẫn ngoài đều đỏ rực, thiêunướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêu tan,đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưahết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọilà địa ngục Đại thiêu chích.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vàotrong nhà sắt, rồi cho nhà này bốc cháy, trong ngoài đềuđỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần,da thịt tiêu tan, khiến họ đau đớn vô cùng, kêu la thảmthiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thểchết được. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại thiêu chích.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vàotrên lầu sắt, rồi cho lầu bốc cháy, trong ngoài đỏ rực,thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiều lần, da thịt tiêutan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũchưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nêngọi là địa ngục Đại thiêu chích.

“Lạinữa, ngục tốt ở địa ngục này, bắt tội nhân bỏ vàotrong lò gốm sắt lớn, rồi cho lò này bốc cháy, trong ngoàiđều đỏ rực, thiêu nướng tội nhân, thiêu nướng nhiềulần, da thịt tiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết.Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chếtđược. Vì vậy nên gọi là địa ngục Đại thiêu chích.

“Lạinữa, ở địa ngục này, thiêu nướng nhiều lần, tự nhiêncó hầm lửa lớn, lửa cháy phừng phừng, hai bên bờ hầmcó núi lửa lớn. Các ngục tốt ở đây bắt tội nhân ghimvào trên chĩa sắt, rồi dựng đứng trong lửa đỏ, làm chothân thể bị thiêu nướng, thiêu nướng nhiều lần, da thịttiêu tan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tộicũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậynên gọi là địa ngục Đại thiêu chích.

“Sauthời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này,hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tộiquá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngụcHắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng và sau đó thì tội nhânmạng chung.”

Phậtbảo các Tỳ-kheo:

“Địangục lớn Vô gián, có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọcchung quanh, mỗi địa ngục ngang dọc năm trăm do-tuần. Vìsao gọi là địa ngục lớn Vô gián? Vì các ngục tốt trongđịa ngục này, bắt tội nhân lột da từ đầu đến chân,rồi dùng da ấy cột thân tội nhân vào bánh xe lửa, rồicho xe lửa chạy đi chạy lại trên nền sắt nóng, làm chothân thể nát tan, da thịt rời ra từng mảnh, khiến đau đớnvô cùng kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nêntội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọi là địangục Vô gián.

“Lạinữa, ở địa ngục này, có thành sắt lớn, bốn mặt thànhlửa cháy dữ dội, ngọn lửa từ Đông lan sang Tây, ngọnlửa từ Tây lan sang Đông, ngọn lửa từ Nam lan đến Bắc,ngọn lửa từ Bắc lan đến Nam, ngọn lửa từ trên lan xuốngdưới, ngọn lửa từ dưới lan lên trên, lửa cháy vòng quanh,không có một chỗ nào trống. Tội nhân ở trong đây cứ chạyĐông chạy Tây, toàn thân bị thiêu nướng, da thịt cháy nám,đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũ chưahết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nên gọilà địa ngục Vô gián.

“Lạinữa, ở địa ngục Vô gián này có thành bằng sắt, lửacháy hừng hực, tội nhân bị lửa đốt thân, da thịt tiêutan, đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội cũchưa hết, nên tội nhân không thể chết được. Vì vậy nêngọi là địa ngục Vô gián.

“Lạinữa, tội nhân ở địa ngục Vô gián này, sau thời gian chịukhổ lâu, thì cửa mở và tội nhân liền chạy về hướngcửa mở, trong khi chạy thì các bộ phận của thân đều bốclửa, cũng như chàng lực sĩ tay cầm bó đuốc lớn bằng cỏ,chạy ngược gió, lửa ấy cháy phừng phực, thì khi tội nhânchạy lửa cũng bộc phát như vậy. Khi chạy đến gần cửa,thì tự nhiên cửa khép lại. Tội nhân bò càng, nằm phụctrên nền sắt nóng, toàn thân bị thiêu nướng, da thịt tiêutan, đau đớn vô cùng, như muôn thứ độc cùng kéo đến mộtlúc. Nhưng vì tội cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chếtđược. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Lạinữa, tội nhân ở địa ngục Vô gián này, những gì mà mắtthấy, chỉ thấy toàn là màu ác; những gì tai nghe, toàn làâm thanh ác; những gì mũi ngửi, toàn là mùi thối ác; nhữnggì thân xúc chạm, toàn là những sự đau đớn; những gìý nhớ, chỉ nghĩ điều ác. Lại nữa, tội nhân ở nơi đây,trong khoảnh khắc búng tay, không có một giây phút nào làkhông khổ. Vì vậy nên gọi là địa ngục Vô gián.

“Sauthời gian chịu khổ lâu, tội nhân ra khỏi địa ngục này,hoảng hốt chạy càn, mong cầu cứu hộ; nhưng vì bị tộiquá khứ lôi kéo, tội nhân bất ngờ lại sa vào địa ngụcHắc sa. cho đến địa ngục Hàn băng lạnh và sau đó thìtội nhân mạng chung.”

Bấygiờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Thânlàm nghiệp bất thiện,

Miệng,ý cũng bất thiẹn,

Đềuvào địa ngục Tưởng,

Sợhãi, lông dựng đứng.

Ýác đối cha mẹ,

Phậtvà hàng Thanh văn,

Thìvào ngục Hắc thằng,

Khổđau không thể tả.

Chỉtạo ba nghiệp ác,

Khôngtu ba hạnh lành,

Thìvào ngục Đôi áp,

Khổđau nào tả được.

Ômlòng sân độc hại,

Sátsanh máu nhơ tay,

Tạolinh tinh hạnh ác,

Vàođịa ngục Khiếu hoán.

Thườngtạo những tà kiến,

Bịlưới ái phủ kín;

Tạohạnh thấp hèn này,

Vàongục Đại khiếu hoán.

Thườnglàm việc thiêu nướng,

Thiêunướng các chúng sanh;

Sẽvào ngục Thiêu chích,

Bịthiêu nướng luôn luôn.

Từbỏ nghiệp thiện quả,

Quảthiện, đạo thanh tịnh;

Làmcác hạnh tệ ác,

Vàongục Đại thiêu chích.

Tạotác tội cực nặng,

Tấtsinh nghiệp đường ác;

Vàođịa ngục Vô gián,

Chịutội không thể tả.

NgụcTưởng và Hắc thằng,

Đôiáp, hai Khiếu hoán;

Thiêuchích, Đại thiêu chích,

Vôgián là thứ tám.

Támđịa ngục lớn này,

Hoàntoàn rực màu lửa;

Taihọa do ác xưa,

Cómười sáu ngục nhỏ.

Phậtbảo Tỳ-kheo:

“Giữahai ngọn núi Đại kim cương kia có cơn gió lớn trỗi lên,tên là Tăng-khư. Nếu như ngọn gió này thổi đến bốn châuthiên hạ và tám mươi ngàn thiên hạ khác, thì gió sẽ thổiđại địa này và các danh sơn cùng chúa Tu-di bay khỏi mặtđất từ mười dặm cho đến trăm dặm, tung lên bay liệnggiữa trời; tất cả thảy đều vỡ vụn. Giống như trángsĩ tay nắm một nắm trấu nhẹ tung lên giữa hư không. Dướingọn gió lớn kia, giả sử thổi vào thiên hạ này, cũng giốngnhư vậy. Vì có hai ngọn núi Đại kim cương ngăn chận ngọngió ấy, nên gió không đến được. Này Tỳ-kheo, nên biết,hai ngọn núi Đại kim cương này có rất nhiều lợi ích vàcũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nên.

“Lạinữa, gió ở khoảng giữa hai núi này nóng hừng hực; nếunhư gió này thổi đến bốn châu thiên hạ, thì những chúngsanh trong đó và những núi non, biển cả, sông ngòi, cây cối,rừng rậm đều sẽ bị cháy khô. Cũng như giữa cơn nắngmùa hè, cắt một nắm cỏ non để ngay dưới mặt trời, cỏliền khô héo, thì ngọn gió kia cũng như vậy; nếu ngọn gióđó thổi đến thế giới này, thì sức nóng đó sẽ tiêurụi tất cả. Vì có hai ngọn núi Kim cương này ngăn chậnđược ngọn gió đó, nên không thể đến đây được. CácTỳ-kheo, nên biết, ngọn núi Kim cương này có rất nhiềulợi ích và cũng do nghiệp báo của chúng sanh chiêu cảm nênvậy.

“Lạinữa, gió giữa hai núi này hôi thối, bất tịnh, tanh tưởinồng nặc; nếu như ngọn gió này thổi đến bốn châu thiênhạ này, thì sẽ xông lên làm cho chúng sanh bị mù lòa. Nhưngvì có hai núi Đại kim cương này ngăn chận nên ngọn gióấy không thể đến được. Tỳ-kheo, nên biết, núi Kim cươngnày có rất nhiều lợi ích và cũng do nghiệp báo của chúngsanh chiêu cảm nên vậy.

“Lạinữa, giữa hai núi này lại có mười địa ngục: một làHậu vân, hai là Vô vân, ba là Ha ha, bốn là Nại hà, năm làDương minh, sáu là Tu-càn-đề, bảy là Ưu-bát-la, tám là Câu-vật-đầu,chín là Phân-đà-lỵ, mười là Bát-đầu-ma. Vì sao gọi làđịa ngục Hậu vân? Vì tội nhân trong ngục này tự nhiênsinh ra thân thể như đám mây dày, cho nên gọi là Hậu vân.Vì sao gọi là Vô vân? Vì chúng sanh chịu tội trong ngục này,tự nhiên thân thể sinh ra như một cục thịt nên gọi làVô vân. Vì sao gọi là Ha ha? Vì chúng sanh chịu tội trong ngụcnày, thường thì thân thể đau đớn, rồi rên la ối ối!,nên gọi là Ha ha. Vì sao gọi là Nại hà? Vì chúng sanh chịutội trong ngục này, thường thân thể đau khổ vô cùng, khôngcó nơi nương tựa, nên thốt lên Sao bây giờ!, nên gọi làNại hà! Vì sao gọi là Dương minh? Vì chúng sanh chịu tộitrong ngục này, thường thân thể, đau đớn vô cùng, muốnthốt lên lời nhưng lưỡi không cử động được, chỉ giốngnhư dê kêu, nên gọi là Dương minh. Vì sao gọi là Tu-càn-đề?Vì trong ngục này chỉ toàn là màu đen, cũng như màu hoa Tu-càn-đề,nên gọi là Tu-càn-đề. Vì sao gọi là Ưu-bát-la? Vì trongngục này chỉ toàn là màu xanh, như màu hoa Ưu-bát-la, nêngọi là Ưu-bát-la. Vì sao gọi là Câu-vật-đầu? Vì trong ngụcnày toàn là màu hồng, như màu hoa Câu-vật-đầu, nên gọilà Câu-vật-đầu. Vì sao gọi là Phân-đà-lỵ? Vì trong ngụcnày toàn là màu trắng, như màu hoa Phân-đà-lỵ, nên gọilà Phân-đà-lỵ. Vì sao gọi là Bát-đầu-ma? Vì trong ngụcnày toàn là màu đỏ, cũng như màu hoa Bát-đầu-ma, nên gọilà Bát-đầu-ma.”

Phậtbảo các Tỳ-kheo:

“Thídụ như có một cái thùng có sáu mươi bốn hộc, mỗi hộcđựng đầy hạt mè và có một người cứ một trăm năm lấyđi một hột, như vậy cho đến hết. Thời gian này vẫn chưabằng thời gian chịu tội trong địa ngục Hậu vân. Chúngsanh hai mươi tuổi ở địa ngục Hậu vân bằng một tuổiở địa ngục Vô vân; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngụcVô vân bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Ha ha; chúngsanh hai mươi tuổi ở địa ngục Ha ha, bằng chúng sanh mộttuổi ở địa ngục Nại hà; chúng sanh hai mươi tuổi ở địangục Nại hà, bằng chúng sanh một tuổi ở địa ngục Dươngminh; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Dương minh bằngmột tuổi ở ngục Tu-càn-đề; chúng sanh hai mươi tuổi ởđịa ngục Tu-càn-đề, bằng một tuổi ở địa ngục Ưu-bát-la;chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Ưu-bát-la, bằng mộttuổi ở địa ngục Câu-vật-đầu; chúng sanh hai mươi tuổiở địa ngục Câu-vật-đầu, bằng một tuổi ở địa ngụcPhân-đà-lỵ; chúng sanh hai mươi tuổi ở địa ngục Phân-đà-lỵ,bằng môt tuổi ở địa ngục Bát-đầu-ma; chúng sanh hai mươituổi ở địa ngục Bát-đầu-ma, thì gọi là một trung kiếp;hai mươi trung kiếp thì gọi là một đại kiếp.

“Trongđịa ngục Bát-đầu-ma lửa cháy hừng hực, dù tội nhâncòn cách ngọn lửa khoảng trăm do-tuần cũng đã bị lửathiêu nướng; nếu cách tội nhân sáu mươi do-tuần, thì haitai bị điếc, không còn nghe gì cả; nếu cách năm mươi do-tuần,thì đôi mắt bị mù lòa, không còn thấy gì cả. Tỳ-kheoCù-ba-lê dùng tâm độc ác, hủy báng Tôn giả Xá-lợi-phấtvà Mục-kiền-liên, nên sau khi mạng chung phải đọa vào địangục Bát-đầu-ma này.”

Bấygiờ, vị Phạm vương liền nói bài kệ:

Phàmcon người ở đời,
Búarìu từ cửa miệng;
Sởdĩ giết chết mình,
Làdo lời nói độc.
Ngườiđáng chê thì khen,
Ngườiđáng khen thì chê;
Miệnglàm theo nghiệp ác.
Thânphải chịu tội ấy.
Mánhlới cướp của cải,
Tộiấy cũng còn nhẹ;
Nếuhủy báng Thánh hiền,
Thìtội ấy rất nặng.
Vôvân, tuổi trăm ngàn,
Hậuvân, tuổi bốn mốt;
HủyThánh mắc tội này,
Dotâm, miệng làm ác.
ĐứcPhật bảo các Tỳ-kheo:

“VịPhạm thiên đã nói bài kệ như vậy, đó là lời nói chânchánh, được Đức Phật ấn khả. Vì sao? Vì nay Ta là ĐấngNhư Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, cũng nói ý nghĩa như vậy:

Phàmcon người ở đời,
Búarìu từ cửa miệng;
Sởdĩ giết chết mình,
Làdo lời nói độc.
Ngườiđáng chê thì khen,
Ngườiđáng khen thì chê;
Miệnglàm theo nghiệp ác.
Thânphải chịu tội ấy.
Mánhlới cướp của cải,
Tộiấy cũng còn nhẹ;
Nếuhủy báng Thánh hiền,
Thìtội ấy rất nặng.
Vôvân, tuổi trăm ngàn,
Hậuvân, tuổi bốn mốt;
HủyThánh mắc tội này,
Dotâm, miệng làm ác”.
ĐứcPhật bảo các Tỳ-kheo:

“Vềphía nNam cõi Diêm-phù-đề, trong núi Đại kim cương có cungđiện của vua Diêm-la, chỗ vua cai trị ngang dọc sáu ngàndo-tuần. Thành này có bảy lớp, với bảy lớp lan can, bảylớp lưới, bảy lớp hàng cây và vô số các loài chim cùngnhau ca hót líu lo, cũng lại như vậy. Tại chỗ vua Diêm-lacai trị, ngày đêm ba thời đều có vạc đồng lớn, tự nhiênxuất hiện trước mặt. Nếu vạc đồng đã xuất hiện ởtrong cung thì nhà vua cảm thấy sợ hãi, liền bỏ ra ngoàicung; nếu vạc đồng xuất hiện ngoài cung thì vua cảm thấysợ hãi, liền bỏ vào trong cung. Có ngục tốt to lớn bắtvua Diêm-la nằm trên bàn sắt nóng, dùng móc sắt cạy miệngcho mở ra rồi rót nước đồng sôi vào, làm cháy bỏng môi,lưỡi từ cổ đến bụng, thông suốt xuống dưới, khôngchỗ nào không chín nhừ. Sau khi chịu tội xong, nhà vua cùngthể nữ vui đùa. Các vị đại thần ở đây lại cũng cùnghưởng phúc báo như vậy.”

ĐứcPhật bảo các Tỳ-kheo:

“Cóba vị sứ giả. Những gì là ba? Một là già, hai là bệnh,ba là chết. Nếu có chúng sanh nào thân làm ác, miệng nóilời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi qua đời bị đọa vàođịa ngục. Lúc này, ngục tốt dẫn tội nhân đến chỗ vuaDiêm-la. Đến nơi rồi, thưa rằng: Đây là người Thiên sứcho đòi. Vậy xin Đại vương hỏi cung hắn. Vua Diêm-la hỏingười bị tội: Ngươi không thấy sứ giả thứ nhất sao?Người bị tội đáp: Tôi không thấy. Vua Diêm-la nói tiếp:Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, có thấy người nàogià nua, đầu bạc, răng rụng, mắt lờ, da thịt nhăn nheo,lưng còm chống gậy, rên rỉ mà đi, hay thân thể run rẩy,vì khí lực hao mòn; ngươi có thấy người này không? Ngườibị tội đáp: Có thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Tại sao ngươikhông tự nghĩ rằng mình cũng sẽ như vậy? Người kia đáp:Vì lúc đó tôi buông lung, không tự hay biết được. Vua Diêm-lanói: Ngươi buông lung không tu tập thân, miệng và ý, bỏ ácmà làm lành. Nay Ta sẽ cho ngươi biết cái khổ của sự buônglung. Vua lại nói tiếp: Nay ngươi phải chịu tội, không phảilà lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng khôngphải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi củatổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầytớ, sứ giả; cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn.Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.

“Bấygiờ, vua Diêm-la cho hỏi tội nhân về vị Thiên sứ thứ nhấtxong, lại hỏi về Thiên sứ thứ hai: Thế nào, nhà ngươicó thấy vị Thiên sứ thứ hai không? Đáp rằng: Không thấy.Vua lại hỏi: Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, ngươicó thấy kẻ bị bệnh tật, khốn đốn, nằm lăn lóc trêngiường, thân thể lăn lộn trên phẩn dãi hôi thối, khôngthể đứng dậy được; cần phải có người đút cơm cho;đau nhức từng lóng xương, nước mắt chảy, rên rỉ, khôngthể nói năng được; ngươi có thấy người như thế chăng?Tội nhân đáp: Có thấy. Vua Diêm-la nói tiếp: Tại sao nhàngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũng sẽ bị tai hoạn nhưvậy? Tội nhân đáp: Vì khi ấy buông lung tôi không tự haybiết được. Vua Diêm-la nói tiếp: Vì chính ngươi buông lung,nên không thể tu tập thân, miệng và ý, không bỏ việc ácmà làm điều lành. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cáikhổ của sự buông lung. Vua lại nói: Nay ngươi phải chịutội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗicủa anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng khôngphải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi củahàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗicủa Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươiphải chịu tội.

“Khivua Diêm-la hỏi người bị tội về Thiên sứ thứ hai xong,bấy giờ lại hỏi về Thiên sứ thứ ba: Thế nào, nhà ngươikhông thấy vị Thiên sứ thứ ba chứ? Đáp: Không thấy. VuaDiêm-la hỏi tiếp: Khi còn làm người, ngươi có thấy ngườichết, thân hư hoại, mạng chung, các giác quan đều bị diệthẳn, thân thể ngay đơ cũng như cây khô, vứt bỏ ngoài gòmả để cho cầm thú ăn thịt, hoặc để trong quan tài, hoặcdùng lửa thiêu đốt chăng? Tội nhân đáp: Có thấy. Vua Diêm-lanói tiếp: Tại sao nhà ngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũngsẽ bị chết như người đó không khác gì? Người bị tộiđáp: Vì khi ấy buông lung tôi không tự hay biết được. VuaDiêm-la nói tiếp: Vì chính ngươi buông lung, nên không thểtu tập thân, miệng và ý, không cải đổi việc ác mà thựchành điều thiện. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cáikhổ của sự buông lung. Vua lại nói: Nay ngươi phải chịutội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗicủa anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng khôngphải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi củahàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗicủa Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươiphải chịu tội. Bấy giờ, vua Diêm-la hỏi về Thiên sứ thứba xong, bèn giao lại cho ngục tốt. Khi đó ngục tốt liềndẫn đến địa ngục lớn. Địa ngục lớn này ngang dọcmột trăm do-tuần, sâu một trăm do-tuần.”

Bấygiờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Bốnhướng có bốn cửa,
Ngõngách đều như nhau;
Dùngsắt làm tường ngục,
Trênche võng lưới sắt;
Dùngsắt làm nền ngục,
Tựnhiên lửa bốc cháy;
Ngangdọc trăm do-tuần,
Đứngyên không lay động.
Lửađen phừng phực cháy,
Dữdội khó mà nhìn;
Cómười sáu ngục nhỏ,
Lửacháy do ác hạnh.
ĐứcPhật bảo các Tỳ-kheo:

“Khiấy vua Diêm-la tự nghĩ: Cchúng sanh ở thế gian, vì mê lầmkhông ý thức, nên thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩđiều ác. Do đó sau khi lâm chung, ít có ai không chịu khổnày. Nếu như những chúng sanh ở thế gian, sửa đổi điềuác, sửa thân, miệng, ý để thực hành theo điều lành, thìsau khi lâm chung sẽ được an vui như hàng chư Thiên vậy. Saukhi ta lâm chung được sinh vào trong cõi người, nếu gặp đượcĐức Như Lai, thì sẽ ở trong Chánh pháp, cạo bỏ râu tóc,mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, đem lòng tin trong sạch đểtu hành Phạm hạnh thanh tịnh. Những điều cần làm đã làmxong, đã đoạn trừ sanh tử, tự mình tác chứng ngay tronghiện tại, không còn tái sinh.”

Bấygiờ, Đức Thế Tôn đọc bài kệ:

Tuylà thấy Thiên sứ,
Nhưngvẫn còn buông lung;
Ngườiấy thường âu lo,
Sanhvào nơi ti tiện.
Nếungười có trí tuệ,
Khigặp thấy Thiên sứ,
Gầngũi pháp Hiền thánh,
Màkhông còn buông lung.
Thấythụ sinh mà sợ,
Dosanh, già, bệnh, chết.
Khôngthụ sinh, giải thoát,
Hếtsanh, già, bệnh, chết.
Ngườiđó được an ổn.
Hiệntại chứng vô vi,
Đãvượt qua lo sợ,
Chắcchắn nhập Niết-bàn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]