- 01. Phẩm Tựa
- 02. Phẩm Phương Tiện
- 03. Phẩm Thí Dụ
- 04. Phẩm Tín Giải
- 05. Phẩm Dược Thảo Dụ
- 06. Phẩm Thọ Ký
- 07. Phẩm Hóa Thành Dụ
- 08. Phẩm Ngũ Bá Ðệ Tử Thọ Ký
- 09. Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký
- 10. Phẩm Pháp Sư
- 11. Phẩm Hiện Bảo Tháp
- 12. Phẩm Ðề Bà Ðạt Ða
- 13. Phẩm Trì
- 14. Phẩm An Lạc Hạnh
- 15. Phẩm Tùng Ðịa Dũng Xuất
- 16. Phẩm Như Lai Thọ Lượng
- 17. Phẩm Phân Biệt Công Ðức
- 18. Phẩm Tùy Hỷ Công Ðức
- 19. Phẩm Pháp Sư Công Ðức
- 20. Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát
- 21. Phẩm Như Lai Thần Lực
- 22. Phẩm Chúc Lụy
- 23. Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- 24. Phẩm Diệu Âm Bồ Tát
- 25. Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- 26. Phẩm Ðà La Ni
- 27. Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- 28. Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất Thứ Mười Lăm
Sau khi đã nhận được mỗi hành vi tạo tác đều kết hợp với “diệu trí viên minh” hiển hiện nơi “diệu giác quả địa”. Nghĩa là mỗi hành vi đều xuất từ “thể tánh nhiệm mầu” nơi ấy có đủ từ bi, hỷ xả, nhẫn nhục, tinh tấn... “tự tánh nhiệm mầu” chính là “tâm địa nhiệm mầu” của chúng sinh.
Mỗi chúng sinh đều có khả năng thành Phật, mỗi chúng sinh đều tự mình làm bậc đạo sư cho chính mình. Hằng sa công đức có được không phải từ bên ngoài đem vào, mà vốn đã có từ trong giác tánh nhiệm mầu của chúng sinh vậy.
Do đó mà Phẩm Tùng Địa Dõng Xuất được thiết lập.
“Lúc bấy giờ các vị Đại Bồ Tát ở cõi nước phương khác đông hơn số cát của tám sông Hằng ở trong đại chúng đứng dậy chắp tay làm lễ mà bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu bằng lòng cho chúng con, lúc sau khi Phật diệt độ ở tại cõi Ta bà này siêng tu tinh tấn giữ gìn đọc tụng, biên chép, cúng dường kinh điển này thời cúng con sẽ ở trong cõi đây mà rộng nói đây”.
Đây là sự kiện vi diệu mà Đức Thế Tôn thương xót chúng hội về sau. Nếu chưa nhận rõ “tự tánh nhiệm mầu” vốn đầy đủ hằng sa công đức, không phải do tu tập muôn hạnh lành từ bên ngoài mà đem vào được. Mặc dù chúng sinh đang đắm chìm trong ngũ dục, nhưng hạt giống vô lậu chẳng bao giờ mai một.
Sự từ bi, hỷ xả, tinh tấn... tượng trưng cho hằng sa Bồ Tát. Nếu cho rằng từ “phương khác đến” hay từ “bên ngoài” mà vào, như đoạn kinh đã viện dẫn: “Bồ tát ở cõi nước khác đông hơn số cát sông Hằng” là một vấn đề được đặt ra. Có phải những hành vi tạo tác vi diệu khi thể hiện thì thành tựu công đức chăng? Bởi vì, nếu chúng sinh biết siêng năng, tinh tấn, giữ gìn, đọc tụng kinh điển này, chính là bước vào “lý đạo Nhất thừa”. Vì đây là chỗ chứa đựng và chỉ bày “chân lý tối thượng” để cho chúng sinh thể nhập.
Nhưng có phải sự thể nhập ấy là do lập hạnh tinh tấn, đọc tụng, biên chép, diễn giảng tu niệm suốt ngày mà đạt thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Để khai mở sự phân vân ấy mà đoạn kinh đã viện dẫn: “Thế Tôn, nếu bằng lòng cho chúng con lúc sau khi Phật diệt độ ở cõi Ta bà này siêng tu tinh tấn giữ gìn đọc tụng... thì chúng con sẽ ở trong cõi đây mà rộng nơi đấy”.
Nghĩa là, nếu cho hằng sa công đức có được là do sự vun trồng muôn hạnh mà có hay do Đức Thế Tôn ban cho, thì vẫn quanh quẩn ở nhân thiên. Do vậy, khi đó Phật bảo các vị chúng Đại Bồ Tát: “Thiện nam tử ! Thôi đi chẳng cần các người hộ trì kinh này. Vì sao? Vì cõi Ta bà của ta tự có chúng Đại Bồ Tát số đông bằng số cát của sáu mươi sông Hằng. Mỗi vị Bồ Tát có sáu muôn hằng sa quyến thuộc, những người đó sau khi ta diệt độ, hộ trì, đọc tụng, rộng nói khinh này”.
Điều đó cho chúng hội rõ rằng: Sáu tâm thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) dù là cưu mang phiền não chướng và sở tri chướng che lấp “tánh viên giác nhiệm mầu”. Nhưng nếu nhận chân được “tự tánh nhiệm mầu” thì sáu thức tâm kia chính là “chư vị Đại Bồ Tát nhiều như số cát của sáu mươi sông Hằng vậy”.
Bởi vì mỗi cử chỉ, mỗi hành động được soi rọi bởi “mặt trăng tự tánh” sau khi đám mây vô minh đã được xóa tan và chính vô số hành vi đó đều làm sạch, đều đầy đủ công hạnh từ bi, nhẫn nhục, mà danh xưng là Bồ Tát vậy.
Hành vi ấy chính là An lạc hạnh. An lạc hạnh này chính là “bản giác diệu minh” hiển bày chớ không do công năng tu tập mà được.
“Lúc Đức Thế Tôn nói lời đó, cõi Ta bà trong tam thiên đại thiên thế giới đều rúng nứt mà ở trong đó có vô lượng nghìn muôn ức vị Đại Bồ Tát đồng thời vọt ra. Các vị Bồ Tát thân đều sắc vàng, đủ 32 tướng tốt cùng vô lượng ánh sáng, trước đây đều ở dưới cõi Ta bà này, cõi đó trụ giữa hư không.
Các vị Bồ Tát đó chính là những đức tính từ bi, hỷ xả, nhẫn nhục, tinh tấn ... từ nơi mảnh đất tâm nhiệm mầu. Từ trước vì vô minh điên đảo, chúng sinh lầm tưởng những đức tính ấy phát sinh từ sự tụ tập hạnh mà đem vào. Nay đã giác ngộ, những đức tính kia không ngoài tánh giác, muôn đức, muôn hạnh viên dung không thêm, không bớt, không sinh, không diệt. Mỗi vị Bồ Tát tiêu biểu cho một tánh đức không tăng, không giảm, vượt cả không gian, thời gian, nên gọi là “thân sắc vàng y”. Sáng suốt viên dung nên gọi là “đầy đủ 32 tướng tốt” hào quang sáng lòa.
Ý nghĩa ấy càng thấy rõ hơn là những vị Bồ Tát ấy “trước đây đều ở cõi Ta bà này, cõi đó trụ giữa hư không”.
Nghĩa là những đức hạnh kia đều ở trong tâm địa chúng sinh. Tâm ấy không là một vật để chỉ bày, nên gọi là “trụ giữa hư không”.
Bởi vì “tâm vô tướng” do vậy đức Lục Tổ Huệ Năng cũng đã nêu rõ “tâm”trong bài kệ:
Bồ đề bổn vô thọ,
Tâm phi minh cảnh đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhá trần ai.
Dịch:
Bồ đề vốn không cội
Tâm chẳng phải đài gương
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi trần
(HT. Thiện Hoa dịch)
Và Ngài Huệ Năng cũng đã trực nhận “bản tâm” khi Tổ Hoằng Nhẫn thuyết kinh Kim Cang vừa đến chỗ “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, nghĩa là “ứng chỗ không trụ mà sinh thuở lòng”.
Nghe đến câu đó Huệ Năng đã bạch với Tổ rằng:
- Chẳng dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh
- Chẳng dè tánh mình vốn sẵn sinh diệt.
- Chẳng dè tánh mình vốn đã đủ cả.
- Chẳng dè tánh mình vốn không lay động.
- Chẳng dè tánh mình hay sinh muôn pháp.
Chính bản tâm sâu kín nhiệm mầu chứa trọn hằng sa công đức kia đã bị phiền não chướng và sở tri chướng chất chồng phủ mờ, nên đức tính không thể nào hiển lộ.
Do vậy, mà Bồ Tát trước phải ở “dưới cõi Ta bà”. Coi Ta bà chỉ cho vọng tâm, chỉ cho phiền não chướng và sở tri chướng.
Hôm nay được Đức Thế Tôn khai thị mà thể nhận được “tự tánh nhiệm mầu” không phải do lập hạnh, do cầu phước mà được.
Tự tánh ấy không rơi vọng tâm mê muội đảo điên. Bởi vì ngay trong vô minh điên mà tánh giác nhiệm mầu từ đó sáng soi.
Đức Thế Tôn đã khai mở “lý đạo Nhất thừa” hội chúng trực nhận bản tâm.
Nhận ra “tự tánh nhiệm mầu” không đâu xa lạ vốn đã có nơi tự thân mình. Hằng sa công đức từ nơi tự tánh viên dung chiếu tỏa, đi đến đều tùy duyên, bản tâm bất động. Nhưng muốn được như thế thì cần phải thiết tha trong từng niệm khởi trực nhận nơi đó một cách liên tục kiên trì. Nên đoạn kinh đã viện dẫn : “Từ lúc các vị Bồ Tát do dưới đất vọt lên dùng các điều ngợi khen của Bồ Tát mà khen ngợi Phật, Bồ Tát đầy khắp vô lượng nghìn muôn ức cõi nước hư không”.
Hay chính lúc những đức tính từ bi, hỷ xả và vô lượng đức tính khác ở nơi “tự tánh nhiệm mầu” hiển lộ.
Tuy nhiên, những đức tính tiêu biểu căn bản cần có mà phương tiện chỉ bày là: thượng hạnh, vô biên hạnh, tịnh hạnh và an lạc hạnh. Nên đoạn kinh đã viện dẫn: “Trong chúng Bồ Tát đó có bốn đạo sư: Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lạc Hạnh. Bốn vị Bồ Tát này là bậc thượng thủ xướng đạo sư trong chúng đó”.
Với ý nghĩa:
- Thượng hạnh là những hành động luôn luôn hướng về đời sống cao cả.
- Vô biên hạnh là những hành động vượt ra ngoài ngã chấp.
- Tịnh hạnh là những hành động trong sạch không bị tham lam, sân hận, si mê chi phối sai sử.
- An lạc hạnh là những hành động tùy duyên, tùy cảnh, nhưng bản tâm không hề lay động.
Bốn đức tâm tiêu biểu cần thiết dẫn đầu cho muôn đức, muôn hạnh, mà kinh đã viện dẫn là “bậc thượng thủ xướng đạo sư”.
Đến đây chúng hội vẫn còn phân vân chưa hiểu nếu đạt thành những đức tính như vậy, liệu có dễ hoán cải những vọng tâm sinh diệt hay không? Do vậy mà đoạn kinh đã viện dẫn: “Thưa Thế Tôn! có được ít bệnh, ít não, an vui luôn chăng? Những người đáng độ thọ giáo dễ chăng? có làm cho Thế Tôn sinh mỏi nhọc chăng?
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn mới trả lời: “Đúng thế! Đúng thế! Các thiện nam tử! Đức Như Lai ít bệnh, ít não, các hàng chúng sinh hóa độ được dễ, không có nhọc mệt”.
Với ý chỉ thâm diệu Đức Thế Tôn đã chỉ bày cho chúng hội là “Như Lai an vui”. Vì Như Lai là chỉ cho “tự tánh nhiệm mầu”.
Tự tánh nhiệm mầu có đủ: thượng hạnh, vô biện hạnh, tịnh hạnh, an lạc hạnh.
Do vậy mà an vui, do vậy mà ít bệnh, ít não, vọng tâm dễ hóa độ, không gì mệt nhọc.
“Vì sao? vì các chúng sinh đó từ nhiều đời nhẫn lại thường được ta dạy bảo, mà cũng từng ở nơi các Đức Phật quá khứ, cung kính, tôn trọng trồng các cội lành. Các chúng sinh đó vừa mới thấy thân ta, nghe ta nói pháp liền đều tin nhận vào được trong tuệ Như Lai”.
Nghĩa là hạt giống vô lậu giải thoát đã có từ “vô thỉ” hay nói cách khác là “ở nơi các Đức Phật quá khứ... trồng các cội lành”. Chính đã có hạt giống vô lậu giải thoát ấy nên nay vừa mới thấy Đức Thế Tôn, nghe Đức Thế Tôn nói pháp liền trực nhận được “bản tâm thanh tịnh sáng suốt nơi chính mình”. Và ai đã có bốn đức hạnh tiêu biểu dẫn đầu cho muôn hạnh, muôn đức vừa nêu, người đó chính đã có thể đối với “Như Lai” hay đối với “bản lai diện mục” của chính mình mà tùy thuận hóa độ chúng sinh vậy.
“Khi đó Đức Thế Tôn khen ngợi các vị Đại Bồ Tát thượng thủ: Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Các ngươi đã có thể đối với Đức Như Lai mà phát lòng tùy hỷ”.
Tuy nhiên, “bản giác diệu minh” không phải chỉ một niệm suy lường mà đạt đến. Tâm cảnh chưa nhất như làm sao nhận ra được vô số đức tính cao đẹp không hình, không tướng ở nơi tâm tánh nhiệm mầu hiển hiện viên dung, cũng như làm sao nhận ra được “vô số Bồ Tát từ dưới đất vọt lên đến nơi tháp báu, chỗ của Đức Đa Bảo và Đức Thích Ca an tọa” mà làm lễ hai Đức Thế Tôn.
Do vì pháp thân bất động, đi hay đến tùy duyên, tự có đủ hằng sa công đức quý báu, như tháp Đa Bảo, sự lý viên dung, sự sự vô ngại như chỗ của hai Đức Thế Tôn cùng ngồi. Đạt như thế mới ứng hiện tùy nơi. Điều đó thức tâm không thể nào liễu tri được, vì sao? Vì tâm cảnh tương phân, so đo, tính toán, hơn thua, phải quấy, chọn lựa, suy lường, phát sinh từ ngã và pháp chấp, nên không thấu rõ được những đức tính quý báu đó là ở nơi tự tánh nhiệm mầu phát sinh mà không cần phải lập hạnh hay cầu phước mới được.
Một lần nữa Ngài Di Lặc, vị thượng thủ Bồ Tát đã thương xót chúng hội mà phương tiện thị hiện cho thức tâm thưa hỏi:
“Bấy giờ Ngài Di Lặc Bồ Tát cùng tám nghìn hằng hà sa chúng Bồ Tát đều nghĩ rằng: chúng ta từ xưa đến nay chẳng thấy, chẳng nghe các chúng Đại Bồ Tát như thế, từ dưới đất vọt lên, đứng trước Đức Như Tôn chắp tay cúng dường thăm hỏi Như Lai”.
Do đó Ngài nói kệ rằng:
Vô lượng nghìn muôn ức,
Các Bồ Tát đại chúng,
Từ xưa chưa từng thấy,
Nguyện đấng lưỡng túc nói,
Đây từ chốn nào đến,
Thân lớn đại thần thông,
Trí tuệ chẳng nghĩ bàn,
Có sức đại nhẫn nhục,
Chúng sinh chỗ ưa thấy,
Là từ chốn nào đến.
Các vị đại oai đức
Chúng Bồ Tát tinh tấn,
Ai vì đó nói pháp,
Giáo hóa cho thành tựu,
Từ ai đầu phát tâm,
Xưng dương Phật pháp nào ?
Thọ trì tu kinh gì ?
Tu tập Phật đạo nào?
Bồ Tát Di Lặc khởi nghi và hỏi. Đây không phải lời hỏi bình thường. Bởi vì hỏi về “Phật quả giác địa” nghĩa là hỏi về “bản giác diệu minh”, hỏi về “tự tánh nhiệm mầu”.
Đó là ý chỉ thâm diệu tạo cho chúng hội phát khởi lòng tin bền vững mới có thể nghe Đức Thế Tôn giải rõ nghĩa này.
Khi đó Đức Thế Tôn mới tuyên lại ý trên mà thuyết:
A Dật Da nên biết,
Các Đại Bồ Tát đây,
Từ vô số kiếp lại,
Tu lập trí tuệ Phật,
Đều là ta hóa độ,
Khiến phát đại đạo tâm,
Chúng đó là con ta,
Nương ở thế gian này,
Thường tu hạnh đầu đà,
Chỉ thích ở chỗ vắng,
Tránh đại chúng ồn náo,
Chẳng ưa nói bàn nhiều,
Các vị đó như thế,
Học tập đạo pháp ta,
Ngày đêm thường tinh tấn,
Vì để cầu Phật đạo,...
Ở phương dưới Ta bà,
Trụ giữa khoảng hư không,
Thường siêng cầu trí tuệ,
Nói các món diệu pháp,
Tâm kia không sợ sệt,
Ta ở thành Già Da,
Ngồi dưới cội Bồ Đề,
Thành bậc tối chánh giác,
Chuyển pháp luân vô lượng,
Rồi mới giáo hóa đó,
Khiến sơ phát đại tâm,
Nay đều trụ bất thối”.
Điều đó chứng tỏ rằng các vị Bồ Tát hay các đức tướng vốn sẵn có trong tâm tánh của chúng sinh, một khi đã giác ngộ, đã thấu hiểu được “tự tánh nhiệm mầu”. Nhưng muốn sống tương ưng với tự tánh ấy thì phải “ngoài lìa tướng, trong không loạn” hay gọi là “thường tu hạnh đầu đà”, thích ở chỗ vắng, tránh đại chúng ồn náo. Không cầu phước báu ở cõi nhân thiên mà chỉ mong đạt đạo Vô thượng Bồb Đề.
Đến đây Ngài Di Lặc lại đặt vấn đề khác: “Đức Như Lai lúc làm thái tử rời khỏi cung dòng Thích, ngồi nơi đạo tràng cách thành Già Da chẳng bao xa, thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, từ đó đến nay hơn 40 năm. Đức Thế Tôn nào ở trong thời gian ngắn đó làm nên Phật sự lớn lao như vậy?”
Thế Tôn! Chúng Đại Bồ Tát này, giả sử có người trong nghìn muôn ức kiếp đếm không thể hết, vịêc thế đời rất khó tin.
Thí như có người sắc đẹp tóc đen tuổi mới 25 chỉ người 100 tuổi nói là con của ta, người 100 tuổi nọ cũng chỉ gã tuổi nhỏ nói là cha tôi, đẻ nuôi tôi, việc đó khó tin.
Đức Phật cũng như thế, từ lúc thành đạo nhẫn đến nay kỳ thiệt chưa bao lâu, mà đại chúng Bồ Tát đó đã ở nơi vô lượng nghìn muôn ức kiếp vì Phật đạo siêng tu tinh tấn, khéo nhập xuất trụ nơi vô lượng nghìn muôn ức tam muội đặng đại thần thông. Ngày nay Đức Thế Tôn mới nói lúc đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bắt đầu khiến kia phát tâm giáo hóa chỉ dạy, dìu dắt làm cho kia hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Thế Tôn thành Phật chưa bao lâu mà bèn có thể làm việc công đức lớn này. Sau khi Phật diệt độ, nếu nghe lời này hoặc chẳng tin nhận sinh nhân duyên tội nghiệp phá chánh pháp. Thế Tôn! Mong vì chúng giải nói trừ lòng nghi của chúng con và các thiện nam tử đời vị lai”.
Đó là lời hỏi rốt sau khi Đức Thế Tôn đã khai thị “Tri kiến Phật” để cho chúng hội ngộ về “Tri kiến Phật”, ngộ về “tự tánh nhiệm mầu”.
Sự trực ngộ này vượt ra ngoài sự suy lường phân bịêt của thức tâm.
Đây là một sự kiện vô cùng quan yếu nhận chân được “bản lai diện mục” của chính mình là một vấn đề hệ trọng. Có trực ngộ “bản tâm” thì mới dung thông sự lý.
Từ đó mới có thể “tùy duyên bất biến”.
Chưa tỏ ngộ thì làm sao tránh khỏi sự phân biệt trẻ, già, mê, giác, Phật, chúng sinh, thánh, phàm... phân chia thứ lớp, tâm cảnh tương phân, làm sao nhận được muôn đức, muôn hạnh, vốn đã sẵn có nơi tự tánh nhiệm mầu.
Do đó, lời hỏi rốt sau của Ngài Di Lặc là cơ duyên để chúng hội ngộ về “Tri kiến Phật” vậy