Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 19: Pháp sư công đức

23/10/201016:00(Xem: 6424)
Phẩm 19: Pháp sư công đức

PHẨM 19

PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC

Ở trước, Phật đã nói công đứccủa kinh Pháp Hoa, công đức người thọ trì kinh Pháp Hoa, công đức người tùy hỉkhi nghe kinh Pháp Hoa. Tới phẩm Pháp Sư, Phật nói công đức của người giảngkinh Pháp Hoa. Người giảng kinh Pháp Hoa cho người khác tin hiểu, thì người đóphải tin hiểu thọ trì trước rồi sau mới giảng nói được.

CHÁNH VĂN:

1.- Lúcbấy giờ, Phật bảo ngài Thường Tinh Tấn đại Bồ-tát rằng:

- Nếucó thiện nam tử, thiện nữ nhơn thọ trì kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc, hoặc tụng,hoặc giải nói, hoặc biên chép, người đó sẽ được tám trăm công đức nơi mắt, mộtnghìn hai trăm công đức nơi tai, tám trăm công đức nơi mũi, một nghìn hai trămcông đức nơi lưỡi, tám trăm công đức nơi thân, một nghìn hai trăm công đức nơiý, dùng những công đức này trang nghiêm sáu căn đều được thanh tịnh.

Thiệnnam tử và thiện nữ nhơn đó, nhục nhãn thanh tịnh của cha mẹ sanh ra,thấy khắp cõi tam thiên đại thiên, trong ngoài có những núi, rừng, sông, biển,dưới đến địa ngục A-tỳ, trên đến cõi trời Hữu đảnh, cũng thấy tất cả chúng sanhtrong đó và nghiệp nhơn duyên quả báo chỗ sanh ra thảy đều thấy biết.

Khi đó, đức Thế Tôn muốntuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

2.-

Nếu người ở trong chúng
Dùng tâm không sợ sệt
Nói kinh Pháp Hoa này
Ông nghe công đức đó
Người đó được tám trăm
Công đức thù thắng nhãn
Do dùng đây trang nghiêm
Mắt kia rất thanh tịnh.
Mắt thịt cha mẹ sanh
Thấy cả cõi tam thiên
Trong ngoài núi Di-lâu
Núi Tu-di, Thiết Vi
Và các núi rừng khác
Biển lớn nước sông ngòi
Dưới đến ngục A-tỳ
Trên đến trời Hữu đảnh
Chúng sanh ở trong đó
Tất cả đều thấy rõ
Dầu chưa được thiên nhãn
Sức nhục nhãnnhư thế.

GIẢNG:

Đoạn nàycó hai phần, phần đầu nói tổng quát, phần sau nói chi tiết. Mở đầu Phật nói,người trì kinh Pháp Hoa rồi đem giảng cho người khác nghe, thì ngay nơi thânnày được tám trăm công đức ở mắt, một ngàn hai trăm công đức ở tai, tám trămcông đức ở mũi, một ngàn hai trăm công đức ở lưỡi, tám trăm công đức ở thân,một ngàn hai trăm công đức ở ý. Công đức là chỉ cho khả năng của từng giácquan. Mắt thấy trước và thấy hai bên, không thấy phía sau, bốn phía mà mắt thấycó ba phía khả năng của mắt có giới hạn, nên nói có tám trăm công đức. Thân vàmũi khả năng cũng giới hạn nên có tám trăm công đức. Tai thì âm thanh ở trước,sau, hai bên đều nghe được khắp, không ngăn ngại nên nói có một ngàn hai trămcông đức. Lưỡi và ý thì chuyện trên trời dưới đất, bên Đông bên Tây, lưỡi và ýmuốn nói muốn nghĩ đều nói nghĩ được cả, nên có một ngàn hai trăm công đức.Phật nói, nếu người nào biết trì kinh Pháp Hoa, hay biết sống với Tri kiến Phậtcó sẵn nơi thân năm uẩn, thì ngay nơi sáu căn này có đầy đủ công đức. Nếu sáucăn rong ruổi theo sáu trần thì bị lục tặc hoành hành quấy nhiễu, khi biết sốngvới Tri kiến Phật thì sáu căn trở thành thanh tịnh đầy đủ công đức.

Sau đây làphần chi tiết, Phật phân biệt công đức từng căn một. Thứ nhất là nhãn căn thanhtịnh. Ngay nơi nhục nhãn do cha mẹ sanh ra, người nào biết thọ trì giảng nóikinh Pháp Hoa, thì sẽ có khả năng thấy khắp cõi tam thiên đại thiên, trên từcõi trời Hữu đảnh dưới đến địa ngục A-tỳ, thấy tất cả mọi loài chúng sanh vàthấy suốt nghiệp duyên quả báo của họ. Như vậy là sao? Vì Tri kiến Phật là cáithể không tướng mạo, không giới hạn, bởi không giới hạn nên người sống được vớiTri kiến Phật xuyên suốt tất cả, vì vậy mà nói thấy khắp tất cả.

CHÁNH VĂN:

3.- Lại nữa, Thường TinhTấn! Nếu người thiện nam tử, thiện nữ nhơn, thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng,hoặc biên chép, hoặc giải nói, được một nghìn hai trăm nhĩ công đức, dùng tai thanh tịnh đó, nghekhắp cõi tam thiên, dưới đến địa ngục Vô gián, trên đến trời Hữu đảnh, trongngoài các thứ lời lẽ giọng tiếng.

Tiếng voi, tiếng ngựa,tiếng xe, tiếng trâu, tiếng khóc la, tiếng buồn than, tiếng ốc, tiếng trống,tiếng chuông, tiếng linh, tiếng cười, tiếng nói, tiếng trai, tiếng gái, tiếngđồng tử, tiếng đồng nữ, tiếng pháp, tiếng phi pháp, tiếng khổ, tiếng vui, tiếngphàm phu, tiếng Thánh nhơn,tiếng đáng ưa, tiếng chẳng đáng ưa, tiếngtrời, tiếng rồng, tiếng dạ-xoa, tiếng càn-thát-bà, tiếng a-tu-la, tiếngca-lâu-la, tiếng khẩn-na-la, tiếng ma-hầu-la-dà, tiếng lửa, tiếng nước, tiếnggió, tiếng địa ngục, tiếng súc sanh, tiếng ngạ quỉ, tiếng Tỳ-kheo, tiếng Tỳ-kheoni, tiếng Thanh văn, tiếng Bích-chi Phật, tiếng Bồ-tát, tiếng Phật.

Nói tóm đó, trong cõi tamthiên đại thiên, tất cả trong ngoài có các thứ tiếng, dầu chưa được thiên nhĩdùng tai tầm thường thanh tịnh của cha mẹ sanh, thảy đều nghe biết, phânbiệt các thứ tiếng tăm như thế, mà chẳng hư nhĩcăn.

Lúc đó, đức Thế Tôn muốntuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

4.-

Tai cha mẹ sanh ra
Trong sạch không đục nhơ
Dùng tai thường này nghe
Cả tiếng cõi tam thiên
Tiếng voi, ngựa, trâu, xe
Tiếng chung, linh, loa cổ
Tiếng cầm, sắc, không hầu
Tiếng ống tiêu, ống địch
Tiếng ca hay thanh tịnh
Nghe đó mà chẳng ham.
Tiếng vô số giống người
Nghe đều hiểu rõ được
Lại nghe tiếng các trời
Tiếng ca rất nhiệm mầu
Và nghe tiếng trai, gái,
Tiếng đồng tử, đồng nữ
Trong núi sông hang hiểm
Tiếng ca-lăng-tần-già
Cọng mạng các chim thảy
Đều nghe tiếng của nó.
Địa ngục các đau đớn
Các thứ tiếng độc khổ
Ngạ quỉ đói khát bức
Tiếng tìm cầu uống ăn
Các hàng a-tu-la
Ở nơi bên biển lớn
Lúc cùng nhau nói năng
Vang ra tiếng tăm lớn
Như thế người nói pháp
An trụ ở trong đây
Xa nghe các tiếng đó
Mà chẳng hư nhĩcăn.
Trong cõi nước mười phương
Cầm thú kêu hô nhau
Người nói kinh Pháp Hoa
Ở đây đều nghe đó.
Trên các trời Phạm thiên
Quang âm cùng Biến tịnh
Nhẫn đến trời Hữu đảnh
Tiếng tăm của kia nói
Pháp sư ở nơi đây
Thảy đều được nghe đó.
Tất cả chúng Tỳ-kheo
Và các Tỳ-kheo ni
Hoặc đọc tụng kinh điển,
Hoặc vì người khác nói
Pháp sư ở nơi đây
Thảy đều được nghe đó.
Lại có các Bồ-tát
Đọc tụng nơi kinh pháp
Hoặc vì người khác nói
Soạn tập giải nghĩa kinh
Các tiếng tăm như thế
Thảy đều được nghe đó.
Các Phật đấng Đại thánh
Giáo hóa hàng chúng sanh
Ở trong các đại hội
Diễn nói pháp nhiệm mầu
Người trì Pháp Hoa này
Thảy đều được nghe đó.
Cõi tam thiên đại thiên
Các tiếng tăm trong ngoài
Dưới đến ngục A-tỳ
Trên đến trời Hữu đảnh
Đều nghe tiếng tăm kia
Mà chẳng hư nhĩcăn.
Vì tai kia sáng lẹ
Đều hay phân biệt biết
Người trì kinh Pháp Hoa
Dầu chưa được thiên nhĩ
Chỉ dùng tai sanh ra
Công đức đã như thế.

GIẢNG:

Tới đây, Phật nói công đức nhĩcăn thanh tịnh. Người mà biết sống với Tri kiến Phật thì được nhĩ căn thanhtịnh. Do nhĩ căn thanh tịnh nên nghe được tất cả tiếng. Song, nhĩ căn thanhtịnh đây không phải do tu chứng thiên nhĩ thông, mà là do hằng sống với Trikiến Phật nên cái nghe ở nơi tai cũng thanh tịnh, và cái nghe thanh tịnh đókhông giới hạn, nên nghe tất cả tiếng ở khắp mọi nơi.

CHÁNH VĂN:

5.- Lạinữa Thường Tinh Tấn! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn, thọ trì kinh này, hoặcđọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, trọn nên tám trăm tỹ côngđức, dùng tỹ căn thanh tịnh đó nghe khắp cõi tam thiên đại thiên, trêndưới trong ngoài các thứ mùi: mùi bông tu-mạn-na, mùi bông xà-đề, mùi bôngmạt-lợi, mùi bông chiêm-bặc, mùi bông ba-la-la, mùi bông sen đỏ, mùi bông senxanh, mùi bông sen trắng, mùi cây có bông, mùi cây có trái, mùi chiên-đàn, mùitrầm thủy, mùi đa-ma-la-bạt, mùi đa-dà-la, đến nghìn muôn thứ hòa lộn, hoặc làbột, hoặc là viên, hoặc là hương xoa, người trì kinh này ở trong đây đều có thểphân biệt.

Và lại rõ biết mùi chúngsanh: mùi voi, mùi ngựa, mùi dê, trâu v.v... mùi trai, mùi gái, mùi đồng tử,mùi đồng nữ và mùi cỏ cây lùm rừng, hoặc gần, hoặc xa, bao nhiêu thứ mùi có ra,thảy đều được nghe rõ biết chẳng lầm.

Người trì kinh này dầu ởnơi đây cũng nghe mùi trên các cõi trời: mùi cây ba-lợi-chất-đa-la, câycâu-bệ-đà-la, cùng mùi bông mạn-đà-la, bông đại mạn-đà-la, bông mạn-thù-sa,bông đại mạn-thù-sa, mùi gỗ chiên-đàn, trầm thủy, các thứ hương bột, mùi cáchoa đẹp. Các thứ hương trời như thế hòa hiệp thoảng ra mùi thơm đều nghe biết.

Lạinghe mùi nơi thân của các vị trời: mùi của Thích đề-hoàn nhơn, lúc ở trên thắngđiện, năm món dục vui chơi, hoặc mùi lúc ở trên diệu pháp đường vì các vị trờiĐao-lợi nói pháp, hoặc mùi lúc dạo chơi trong vườn, cùng mùi nơi thân của cácvị trời nam nữ khác, thảy đều xa nghe biết. Xoay vần như thế nhẫn đến trời Phạmthế, trên đến mùi nơi thân các vị trời Hữu đảnh cũng đều nghe biết.

Và nghemùi hương của các vị trời đốt và mùi Thanh văn, mùi Bích-chi Phật, mùi Bồ-tát,mùi nơi thân các đức Phật, cũng đều xa nghe biết chỗ ở của đó. Dầu nghe biếthương ấy, nhưng nơi tỹcăn không hư không sai, nếu muốn phân biệt vìngười khác nói, ghi nhớ không lầm.

Lúc đó đức Thế Tôn muốntuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

6.-

Người đó mũi thanh tịnh
Ở trong thế giới này
Hoặc vật thơm hoặc hôi
Các thứ đều nghe biết.
Tu-mạn-na, xà-đề
Đa-ma-la, chiên-đàn
Trầm thủy và mùi quế
Mùi các thứ bông trái
Và mùi các chúng sanh:
Mùi nam tử, nữ nhơn
Người nói pháp ở xa
Nghe mùi biết chỗ nào.
Đại thế Chuyển Luân vương
Tiểu Chuyển Luân và con
Bầy tôi, các cung nhơn
Nghe mùi biết chỗ nào.
Trân bửu đeo nơi thân
Cùng tạng báu trong đất
Bửu nữ của Luân vương
Nghe hương biết chỗ nào.
Mọi người đồ nghiêm thân
Y phục và chuỗi ngọc
Các thứ hương xoa thân
Nghe mùi biết thân kia.
Các trời hoặc đi, ngồi
Dạo chơi và thần biến
Người trì Pháp Hoa này
Nghe mùi đều biết được.
Các cây bông trái hột
Và mùi thơm dầu tô
Người trì kinh ở đây
Đều biết ở chỗ nào.
Các núi, chỗ sâu hiểm
Cây chiên-đàn nở hoa
Chúng sanh ở trong đó
Nghe mùi đều biết được.
Núi Thiết Vi, biển lớn
Các chúng sanh trong đất
Người trì kinh nghe mùi
Đều biết đó ở đâu.
Trai gái a-tu-la
Và quyến thuộc của chúng
Lúc đánh cãi, dạo chơi
Nghe hương đều biết được.
Đồng trống, chỗ hiểm trở
Sư tử, voi, hùm, sói
Bò rừng, trâu nước thảy
Nghe hương biết chỗ ở.
Nếu có người nghén chửa
Chưa rõ trai hay gái
Không căn và phi nhơn
Nghe mùi đều biết được.
Do vì sức nghe mùi
Biết người mới nghén chửa
Thành tựu hay chẳng thành
An vui đẻ con phước.
Do vì sức nghe mùi
Biết tâm niệm trai, gái
Lòng nhiễm dục, ngu, hờn
Cũng biết người tu lành
Các phục tàng trong đất
Vàng, bạc, các trân bửu
Đồ đồng chỗ đựng chứa
Nghe mùi đều biết được
Các thứ chuỗi ngọc báu
Không ai biết giá mấy
Nghe mùi biết mắc rẻ
Chỗ sản xuất ở đâu.
Các thứ hoa trên trời
Mạn-đà, mạn-thù-sa
Cây ba-lợi-chất-đa
Nghe mùi đều biết được.
Các cung điện trên trời
Thượng, trung, hạ sai khác
Các hoa báu trang nghiêm
Nghe hương đều biết được.
Thắng điện, vườn, rừng trời
Các nhà diệu pháp đường
Ở trong đó vui chơi
Nghe mùi đều biết được.
Các trời hoặc nghe pháp
Hoặc lúc hưởng ngũ dục
Lại, qua, đi, ngồi, nằm
Nghe mùi đều biết được.
Thiên nữ mặc y phục
Hoa hương tốt trang nghiêm
Lúc quanh khắp dạo chơi
Nghe mùi đều biết được.
Lần lựa lên như thế
Nhẫn đến trời Phạm thế
Nhập thiền cùng xuất thiền
Nghe mùi đều biết được.
Trời Quang âm, Biến tịnh
Nhẫn đến nơi Hữu đảnh
Mới sanh và lui chết
Nghe hương đều biết được.
Các hàng Tỳ-kheo chúng
Nơi pháp thường tinh tấn
Hoặc ngồi hoặc kinh hành
Và đọc tụng kinh điển
Hoặc ở dưới rừng cây
Chuyên ròng mà ngồi thiền
Người trì kinh nghe mùi
Đều biết ở tại đâu.
Bồ-tát chí bền chắc
Ngồi thiền hoặc đọc tụng
Hoặc vì người nói pháp
Nghe mùi đều biết được.
Nơi nơi chỗ Thế Tôn
Được mọi người cung kính
Thương chúng mà nói pháp
Nghe mùi đều biết được.
Chúng sanh ở trước Phật
Nghe kinh đều vui mừng
Đúng pháp mà tu hành
Nghe mùi đều biết được.
Dù chưa đặng vô lậu
Pháp sanh tỹBồ-tát
Mà người trì kinh đây
Trước được tướng mũi này.

GIẢNG:

Đây làcông đức của tỹ căn thanh tịnh. Người mà hằng sống với Tâm thể thanh tịnh thìtừ Tâm thể thanh tịnh phát ra nơi mũi cũng được thanh tịnh, từ mũi thanh tịnhmà biết được tất cả mùi gần xa, mũi biết khắp giáp không giới hạn.

CHÁNH VĂN:

7.- Lại nữa Thường TinhTấn! Nếu có thiện nam tử cùng thiện nữ nhơn thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặctụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép được một nghìn hai trăm thiệt côngđức.

Những món hoặc tốt, hoặcxấu, hoặc ngon, hoặc dở và các vật đắng chát ở trên lưỡi của người đó, đều biếnthành vị ngon như vị cam lồ trên trời, không món nào là chẳng ngon.

Nếu dùng thiệtcănđó ở trong đại chúng nói pháp có chỗ diễn ra tiếng sâu mầu có thể vào tâmchúng, đều làm cho vui mừng sướng thích.

Lại các vị thiên tử, thiênnữ, các trời Thích, Phạm, nghe tiếng tăm thâm diệu này diễn nói ngôn luận thứđệ, thảy đều đến nghe, và các hàng long, long nữ, dạ-xoa, dạ-xoa nữ,càn-thát-bà, càn-thát-bà nữ, a-tu-la, a-tu-la nữ, ca-lâu-la, ca-lâu-la nữ,khẩn-na-la, khẩn-na-la nữ, ma-hầu-la-dà, ma-hầu-la-dà nữ, vì để nghe pháp màđều đến gần gũi cung kính cúng dường.

VàTỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Quốc vương, vương tử, quần thần,quyến thuộc, tiểu Chuyển Luân vương, đại Chuyển Luân vương, bảy báu, nghìnngười con, cùng quyến thuộc trong ngoài, ngồi cung điện đồng đến nghe pháp.

Vì vịBồ-tát này khéo nói pháp, nên hàng Bà-la-môn, cư sĩ, nhơn dân trong nước trọnđời theo hầu cúng dường. Lại các Thanh văn, Bích-chi Phật, Bồ-tát, các đức Phậtthường ưa thấy người đó, người đó ở chỗ nào, các đức Phật đều xoay về phía đónói pháp, người đó đều hay thọ trì tất cả Phật pháp, lại có thể nói ra tiếng phápsâu mầu.

Khi đó, đức Thế Tôn muốntuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

8.-

Người đó lưỡi thanh tịnh
Trọn không thọ vị xấu
Người đó ăn uống chi
Đều biến thành cam lộ.
Dùng tiếng hay thâm tịnh
Ở trong chúng nói pháp
Đem các nhơn duyên dụ
Dẫn dắt lòng chúng sanh
Người nghe đều vui mừng
Bày đồ cúng dường tốt.
Các trời, rồng, dạ-xoa
Cùng a-tu-la thảy
Đều dùng lòng cung kính
Mà đồng đến nghe pháp
Người nói kinh pháp đó
Nếu muốn dùng tiếng mầu
Khắp cùng cõi tam thiên
Tùy ý liền được đến.
Đại, tiểu Chuyển Luân vương
Và nghìn con quyến thuộc
Chấp tay lòng cung kính
Thường đến nghe thọ pháp,
Các trời, rồng, dạ-xoa
La-sát, tỳ-xá-xà
Cũng dùng lòng vui mừng
Thường ưa đến cúng dường,
Phạm thiên vương, Ma vương,
Tự tại, Đại tự tại
Các chúng trời như thế
Thường đến chỗ người đó.
Các Phật cùng đệ tử
Nghe người nói tiếng pháp
Thương nhớ giữ gìn cho
Hoặc lúc vì hiện thân.

GIẢNG:

Người thọ trì đọc tụng giảinói kinh Pháp Hoa, hay nói cách khác là hằng sống với Tri kiến Phật thì đượcthiệt căn thanh tịnh; khi để những vị chua, đắng, chát... lên lưỡi, thì nhữngvị chua đắng chát biến thành cam lộ. Thông thường lưỡi chúng ta, khi để vị đắnglên, thì biết đắng liền nhả ra, nếu để vị ngọt thì nuốt vào. Như vậy là có niệmphân biệt, thích ngọt ghét đắng, thiệt căn chưa thanh tịnh. Nếu lưỡi nếm vịngọt biết là ngọt, nếm vị mặn biết là mặn, nếm vị đắng biết là đắng, ngangchừng đó không khởi niệm ưa thích thì vị mặn, vị đắng biến thành cam lộ.

Và khi dùng thiệt căn thanhtịnh để nói pháp, thì tất cả quỉ thần, nhân dân cho tới Thanh văn, Bích-chiPhật, Bồ-tát v.v... đồng tới nghe và hướng về vị đó. Nói cho dễ hiểu, người màhằng sống với Tri kiến Phật thì thiệt căn hằng thanh tịnh. Khi nói ra, lời nàocũng là lời Phật pháp, không nói sai, không nói dối, nên người nghe dễ chấpnhận. Sở dĩ chúng ta mở miệng ra nói sai nói bậy, là vì thiệt căn chúng ta chưathanh tịnh, còn lệch bên này thiên bên kia, không bình đẳng, nên có người nghe,có người không thích nghe. Ví dụ như trong chúng có hai vị Tăng mích lòng nhau,thầy Trụ trì đứng ra phân xử. Nếu thầy Trụ trì xử hơi lệch bên Tăng A, thì TăngB không bằng lòng, có phản ứng. Nếu thầy Trụ trì xử lệch bên Tăng B, thì Tăng Akhông bằng lòng, có phản ứng. Và nếu thầy Trụ trì phân xử công minh, khôngthiên lệch bên nào, thì cả hai đều vâng lời nghe dạy. Cũng vậy, người hằng sốngvới Tri kiến Phật tâm thường thanh tịnh bình đẳng. Do tâm thanh tịnh bình đẳng,nên nói ra lời nào cũng trong sáng bình đẳng, khiến mọi người thích nghe.

CHÁNH VĂN:

9.- Lại nữa, Thường TinhTấn! Nếu có thiện nam tử cùng thiện nữ nhơn thọ trì, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặcgiải nói, hoặc biên chép được tám trăm thâncông đức, được thân thanhtịnh như lưu-ly sạch chúng sanh ưa thấy. Vì thânđó trong sạch nên chúngsanh trong cõi tam thiên đại thiên, lúc sanh lúc chết, trên dưới, tốt xấu, sanhchỗ lành, chỗ dữ v.v... đều hiện rõ trong đó.

Và núi Thiết Vi, núi ĐạiThiết Vi, núi Di-lâu, núi Đại Di-lâu v.v... các núi cùng chúng sanh ở trong đóđều hiện rõ trong thân, dưới đến địa ngục A-tỳ, trên đến trời Hữu đảnh cảnh vậtcùng chúng sanh đều hiện rõ trong thân. Hoặc là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tátcùng chư Phật nói pháp đều hiện sắc tượng ở trong thân.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốntuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

10.-

Nếu người trì Pháp Hoa
Thân thể rất thanh tịnh
Như lưu-ly sạch kia
Chúng sanh đều ưa thấy.
Lại như gương sáng sạch
Đều thấy các sắc tượng
Bồ-tát nơi tịnh thân
Thấy cả vật trong đời
Chỉ riêng mình thấy rõ
Người khác không thấy được
Trong cõi nước tam thiên
Tất cả các chúng sanh
Trời, người, a-tu-la,
Địa ngục, quỉ, súc sanh
Các sắc tượng như thế
Đều hiện rõ trong thân.
Cung điện của các trời
Nhẫn đến trời Hữu đảnh
Núi Thiết Vi, Di-lâu
Núi Ma-ha Di-lâu
Các biển nước lớn thảy
Đều hiện ở trong thân.
Các Phật cùng Thanh văn
Phật tử, Bồ-tát thảy
Hoặc riêng, hoặc tại chúng
Nói pháp thảy đều hiện.
Dầu chưa được diệu thân
Pháp tánh sạch các lậu
Dùng thân thanh tịnh thường
Tất cả hiện trong đó.

GIẢNG:

Đến đây nói về công đức củathân căn thanh tịnh. Người hằng sống với Tri kiến Phật thì tâm thanh tịnh sángsuốt. Tâm mà thanh tịnh sáng suốt thì hiển lộ ra nơi thân cũng thanh tịnh tươisáng. Ví dụ như ngọn đèn điện đang sáng được phủ lên miếng vải mầu đen. Tuy vảimầu đen, nhưng nhờ ánh sáng chiếu rọi nên miếng vải cũng hơi sáng. Ngược lại,nếu đèn tắt mà phủ vải đen thì tối đen. Cũng vậy, tâm thanh tịnh thì thân cũngtheo đó mà thanh tịnh, tâm mờ mịt buồn rầu... thì thân cũng u tối dã dượi; tâmthế nào thì hiện ra thân thế ấy. Cho nên đây Phật dạy, người trì kinh Pháp Hoa,và vì người giảng nói, tức là tự mình nhận và sống với Tri kiến Phật thanhtịnh, thì thân cũng theo đó mà được thanh tịnh. Đó là thân ảnh hưởng từ tâm.

CHÁNH VĂN:

11.- Lại nữa Thường TinhTấn! Sau khi đức Như Lai diệt độ, nếu có người thiện nam tử cùng thiện nữ nhơnthọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép thời đượcmột nghìn hai trăm ýcông đức.

Dùng ý căn thanh tịnh đónhẫn đến nghe một kệ, một câu suốt thấu vô lượng vô biên nghĩa, hiểu nghĩa đórồi, có thể diễn nói một câu, một kệ đến một tháng, bốn tháng nhẫn đến một năm.Các pháp nói ra tùy nghĩa thú kia đều cùng thiệt tướng chẳng trái nhau.

Nếu nói kinh sách trongđời, lời lẽ trị thế, nghề nghiệp nuôi sống v.v... đều thuận chánh pháp. Sáuđường chúng sanh trong cõi tam thiên đại thiên, lòng nghĩ tưởng, lòng động tác,lòng hí luận, thảy đều biết đó.

Dầu chưa được trí huệ vôlậu mà ý căn thanh tịnh như thế người đó có suy nghĩ, tính lường, nói năngnhững chi thời đều là Phật pháp cả, không có gì là chẳng chơn thiệt, cũng làlời trong kinh của các Phật thuở trước nói.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trênmà nói kệ rằng:

12.-

Ý người đó thanh tịnh
Sáng lanh không đục nhơ
Dùng ý căn tốt đó
Biết pháp: thượng, trung, hạ
Nhẫn đến nghe một kệ
Thông đạt vô lượng nghĩa
Thứ đệ nói đúng pháp
Tháng, bốn tháng, đến năm.
Trong ngoài của cõi này
Tất cả các chúng sanh
Hoặc trời rồng và người
Dạ-xoa, quỉ thần thảy
Kia ở trong sáu đường
Nghĩ tưởng bao nhiêu điều
Phước báo trì Pháp Hoa
Đồng thời thảy đều biết.
Vô số Phật mười phương
Trăm phước tướng trang nghiêm
Vì chúng sanh nói pháp
Đều nghe hay thọ trì.
Suy gẫm vô lượng nghĩa
Nói pháp cũng vô lượng
Sau trước chẳng quên lộn
Bởi thọ trì Pháp Hoa
Trọn biết các pháp tướng
Theo nghĩa rõ thứ đệ
Suốt danh tự ngữ ngôn
Như chỗ biết diễn nói.
Người đó có nói ra
Là pháp của Phật trước
Vì diễn nói pháp này
Ở trong chúng không sợ.
Người trì kinh Pháp Hoa
Ý căn tịnh như thế
Dầu chưa được vô lậu
Trước có tướng dường ấy.
Người đó trì kinh này
An trụ bậc hi hữu
Được tất cả chúng sanh
Vui mừng mà mến kính.
Hay dùng nghìn muôn thứ
Lời lẽ rất hay khéo
Phân biệt mà nói pháp
Bởi trì kinh Pháp Hoa.

GIẢNG:

Đây nóingười thọ trì đọc tụng hoặc vì người giải nói kinh Pháp Hoa thì được ý cănthanh tịnh, mà ý căn thanh tịnh thì nhớ và nói suốt hết kinh kệ đã học. Tuykinh kệ ngắn ít, mà có thể nói trong thời gian rất dài cũng không hết, và mởmiệng nói, dù chuyện thế gian cũng phù hợp với Phật pháp. Tại sao vậy? Vì tâmthanh tịnh thì ý nghĩa lời nói lúc nào cũng ở trong sự tỉnh giác, hễ tỉnh giácthì ngay nơi pháp tà cũng chuyển được thành chánh. Ở đây Phật nói người thọ trìkinh Pháp Hoa, ý căn được công đức như thế, nhưng thực tế có đúng như vậykhông? Chúng ta chớ mắc kẹt trên chữ nghĩa, mà phải hiểu qua lý kinh thì thấyrõ lẽ thật. Trong sáu căn, ý căn là chủ chốt tác động với năm căn trước, mới cóphân biệt hay dở tốt xấu... sanh ra buồn thương giận ghét... rồi tạo nghiệp!Công thì lớn mà tội cũng dẫn đầu. Ý căn chủ động và giảo hoạt như vậy, nên khitu là phải ngay nơi ý mà tu. Thiền nguyên thủy, Thiền tông hay những pháp mônkhác đều nhắm thẳng ý để điều phục, không lệ thuộc nó, không để nó sai sử dẫndắt tạo nghiệp. Không còn tạo nghiệp thì không còn đi trong luân hồi sanh tử,được giải thoát. Ngang đây chúng ta thấy rõ chủ trương của Thiền viện dạy choThiền sinh tri vọng, là nhắm ngay ý mà tu, để trở về Tánh biết của ý. Như vậy,ý căn thanh tịnh thì năm căn còn lại cũng thanh tịnh theo.

Phẩm Công Đức Pháp Sư nói rằngngười biết xoay lại sống với Tri kiến Phật, và nhắc cho chúng sanh biết mình cóTri kiến Phật thì sáu căn được thanh tịnh, có diệu dụng không thể nghĩ bàn.Diệu dụng đó không phải tu chứng A-la-hán được lục thông, biết mọi chuyện gầnxa. Mà ngay nơi thân cha mẹ sanh, thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, biết đượctất cả, không còn hạn cuộc riêng từng căn. Sở dĩ như thế là do sáu căn có cùngmột thể, ngoài dụng thì khu biệt khả năng từng căn một thấy có sai khác, cònthể thì không khác. Giống như cái nhà có sáu cửa, đêm tối trong nhà có thắp mộtbóng đèn, ánh sáng chiếu rọi ra, tùy theo hình dáng của sáu cửa vuông, tròn,lớn, nhỏ mà thấy hình dáng của ánh sáng khác nhau, nhưng ánh sáng thì khôngkhác. Cũng vậy, mắt thấy sắc cũng biết, tai nghe tiếng cũng biết, mũi ngửi mùicũng biết, lưỡi nếm vị cũng biết... sáu căn đều có cái biết. Cái biết này chưakhởi phân biệt tốt xấu, hay dở, ưa ghét... Biết nghe, biết thấy, biết ngửi,biết nếm... cái biết đó bình đẳng không hai. Nhưng qua tai chỉ nghe được tiếng,qua mắt chỉ thấy được sắc, qua mũi chỉ ngửi được mùi, qua lưỡi thì nếm được vị.Nghĩa là qua căn nào thì biết theo khả năng của căn nấy, còn Thể biết chung thìkhông khác. Thế nên chúng ta tu là tu ở sáu căn, bất luận tu ở căn nào cũng đềuquay về cái Thể biết chung là Tri kiến Phật. Tri kiến Phật hiển lộ rỡ ràng nơisáu căn, cái biết của sáu căn phát ra từ Tánh giác, nên khi nào tâm chúng tayên tịnh, vọng niệm không dấy động, thì lúc đó chúng ta cảm thấy sáu căn như cómột thôi, chớ không còn sáu nữa. Như vậy, Phật chỉ cho thấy Tánh giác hiển hiệnở sáu căn, nếu từ một căn mà nhận ra Tánh giác là trở về sống với Tri kiếnPhật. Gọi đó là ngộ Tri kiến Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]