Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổng-kết Kinh Pháp-Hoa

20/05/201318:57(Xem: 17815)
Tổng-kết Kinh Pháp-Hoa

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển VII

Tổng-kết Kinh Pháp-Hoa

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Đứng về mặt văn-từ mà xét, Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa thuộc về loại Kinh Đại-thừa gọi là "Đại-phương-đẳng" hay "Đại-phương-quảng". Sao gọi là "Đại-phương-quảng"? Sách Thám-Huyền-Nghĩa-Ký viết:…."Tuyên thuyết quảng đại thậm thâm pháp cố, danh vi phương quảng" ( Bày nói Pháp rộng lớn và hết sức sâu, bởi lẽ đó lấy tên là phương-quảng). Theo ông E.Burnouf, "Đại-phương-quảng" có nghĩa là "à grands développements" (giải rộng ra). Chúng tôi nghĩ ý kiến của ông E.Burnouf có lẽ đúng. Thật vậy, nếu "phương-quảng" có nghĩa là "bày nói Pháp rộng lớn và hết sức sâu" thì Kinh Đại-thừa nào không nhắm vào chủ-đích đó. Đặc-tính của Kihn Diệu-Pháp như chúng ta đã thất là lối trình-bày mà chúng tôi xin sám-hối nói là "trường thiên đại hải", nghĩa là có thể trình bày vắn tắt, nhưng Kinh lại nói dông dài. Thí dụ, thay vì khuyên người đời đừng tự khinh khả-năng thành Phật của mình, Kinh lại đưa ra sự tích Bồ-tát Thường-Bất-Khinh, vừa dài vừa khó hiểu. Nhưng có dài có khó như thế này, người đọc học mới có cố-gắng tìm hiểu và khi đã hiểu được rồi, cái ghi nhớ mới thâm thuý và dẻo dai.
Lại nữa bao nhiêu chân-lý tuyệt vời trong Kinh thường trình bày dưới hình thức những tỷ-dụ (paraboles), có giá-trị như những câu chuyện ngụ-ngôn (fables) mà người đọc cần phải nhận định và tìm hiểu cái nghĩa ẩn chứa đựng ở bên trong, chớ không nên tin theo mặt chữ. Những tỷ dụ, những ngụ ngôn ấy, Phật gọi là phương-tiện (moyens), mà phương-tiện thuộc về thế-gian. Vậy lối trình-bày trong Kinh Diệu-Pháp là lối "dĩ huyễn độ Chân", dùng sự huyễn-hoặc (illusion) để đưa đến chỗ chân-thật (Réalité), gần như lấy việc đời mà giải lý Đạo. Tại sao thế? Tại vì Đạo "ly ngôn, tuyệt tướng", hễ là Đạo thì tuyệt đối, là vô tướng, cho nên không thể lấy lời mà giải. vì lời là khí-cụ để diễn đạt cái tương đối và cái hữu hình hữu tướng. Để cho chúng-sanh có một khái-niệm về cái Chân-thật tuyệt đối ấy, không còn phương-pháp nào khác hơn là dùng những tỷ-dụ.
Đây là hai điểm quan-trọng mà thiết nghĩ người đọc Kinh Pháp-Hoa cần ghi nhớ và áp dụng trong công-phu tìm hiểu nghĩa huyền của Kinh. Không hiểu được Phật muốn nói gì, muốn chỉ gì trong những câu chuyện, sự tích….ghi trong Kinh thì dễ cho Kinh nói chuyện hoang-đường, hay dễ tin nhảm như tin những chuyện đấu phép trong tiểu thuyết xưa của Trung-Hoa. Trước khi nói Kinh, Phật đã dùng dằng và để cho Xá-lợi-Phất phải ba phen ai cầu mới chịu mở lời. Thái độ ấy chỉ rằng những gì Phật sắp nói thuộc về Chân-lý tuyệt đối khó nghe, khó hiểu, khó nhận, nói ra chỉ làm cho "tất cả Trời Người kinh sợ, còn hàng tu-sĩ tự hào sẽ sa vào hầm tội lỗi". Khó hiểu, khó nhận vì cái "thấy biết" (tri-kiến) của Phật vượt lên khỏi cái tầm hiểu biết của thế-nhân (dépasser l'entendement humain). Nhưng rồi Phật cũng nói , sau khi cặn dặn: "Không phải lấy óc suy-lường và phân-biệt mà hiểu được Pháp, vì vậy phải dùng vô số phương-tiện như nhân-duyên, lời-lẽ, tỷ-dụ mà diễn nói". Đức Phật còn dặn: "Hãy nghe kỹ, hãy nghe kỹ, và suy-gẫm cho khéo léo".
*
* *

MỤC TIÊU CỦA KINH

Mỗi một bộ Kinh là một bài giảng của Phật, mà hễ là bài giảng thì phải có chủ-đích. Vậy chủ-đích của Kinh Diệu-Pháp (Le Dharma Sublime, Merveilleux) hay Pháp-Hoa (La Fleur du Dharma) là gì?
Là chỉ cái "Tướng-Thật và cái Cảnh-Chân" (Thật-tướng Chân cảnh) mà mắt phàm không thấy, ngược lại với cái tướng không-thật và cái cảnh không-chân trong đó thế-nhân đang sống và lầm tưởng là chân-thật. không chân-thật là "Irréel"; Chân-thật là "Réel" và cái Chân-thật là "la Réalité".
Chúng ta chia có vật-chất tinh-thần, có sắc có tâm, có muôm loài sai biệt (trí phân-biệt; esprit discriminateur). Chúng ta lầm vì chúng ta không thấy được mọi mặt, mọi khía-cạnh của pháp-giới hay vũ-trụ vô biên. Chúng ta là những người mù rờ voi, ai rờ đâu biết đó mà thôi.
Phật đã đạt đến chỗ thấy hoàn-toàn, cho nên Phật nhận rằng phân-biệt như trên là sai. Đúng với sự thật, thời " Tất-cả là Một, Một là Tất-cả, tinh-thần và vật-chất là Một, sắc và tâm là Một".
Thấy được cái Một ấy, sẽ thấy rằng:
1.Toàn thể pháp-giới là Nhất, Chân, Bình-đẳng, nghĩa là toàn-thể vũ-trụ vô biên với tất cả những sự vật sai biệt, hữu hình vô hình, hữu tướng vô tướng chất chứa trong ấy, ngang nhau, là Một, và cái Một ấy chân-thật và luôn luôn như thế mãi, không biến đổi (l'Univers est UN, réel et identique à soi-même).
2.Toàn thể đã là Một thời chúng-sanh và Phật như nhau, vô minh và Giác-ngộ như nhau, không hai không khác (Sanh, Phật bình-đẳng vô nhị) (L'ignorance et
l' Eveil ne sont pas deux choses différentes)
Tuy chúng-sanh sống trong chỗ thân tâm động loạn bởi sự tiếp xúc giữa căn và trần gây ra (ngũ-quan và ngoại cảnh), chúng-sanh không hề tách ra và lìa khỏi cái "Sáng-Khắp-Cùng" (Phổ-Quang), Phổ-Quang này đồng thời cũng là cái "Trí-Sáng" (Minh-Trí). Đây là chỗ Kinh-điển Hán-văn nói: Chúng-sanh động loạn căn trần, bất ly Phổ-Quang Minh-Trí". Cái Ánh-Sáng Trí-Huệ ấy (Lumière-Sagesse) là Tâm, là Phật-tánh, là Như-Lai, là Phật, là Đa-Bảo…

NHẤT, CHÂN, BÌNH-ĐẲNG PHÁP-GIỚI

Với cái trí-óc hữu hạn (intellect), với cái tâm luôn luôn dao-động (mental), với cái biết tầm thường hay Thức (conscience), chúng-sanh không bao giờ nhận thấy được cái "Pháp-giới nhất, chân, bình-đẳng" được . Muốn nhận thấy được, cần phải:
1.hướng trí mình về chỗ vô-lượng vô-biên, tức là chỗ tuyệt-đối (absolu), đó là nghĩa chỗ Phật nói Kinh Vô-lượng-nghĩa.
2.đứng vững trong chỗ tuyệt-đối mà ngó, mà xét, mà thấy, đó là nghĩa của chỗ Phật "nhập Vô-lượng-nghĩa xứ";
3.phải dùng mắt trí-huệ (Eil de l'Intelligence ou de la Sagesse) mà chiếu soi (tượng trưng bằng sự phóng hào-quang).
Đây là nghĩa huyền của phẩm thứ nhất.
Cảnh giả thời có sanh, có diệt. Cảnh thật không sanh, không diệt, như Phật đã chỉ trong phẩm 11 (Hiện Bảo-Tháp); Trong Tháp có thân Phật Đa-Bảo, tuy tịch diệt từ lâu, nhưng còn nguyên vẹn.
Tất cả đã là Một, thời không có hai cảnh riêng biệt, một Tịnh, một Uế…-Ba phen biến Ta-bà thành Tịnh-độ và cho mắt phàm thấy mười phương chư Phật ngay đây (phẩm 11), đó là nghĩa của chân-lý: Uế là Tịnh, Tịnh là Uế.
Cũng vì Tất cả là Một, cho nên trong vũ-trụ vô biên, mọi sự mọi vật có một sự liên-hệ mật thiết, đây động là toàn pháp-giới đều động (Tằng-hắng và khảy móng tay là vang động 10 phương-phẩm 21: Như-Lai Thần-lực). Có biết rằng tất cả đều liên hệ với nhau dính chùm với nhau, con người mới thấu rõ cái lẽ không thể sống riêng tư, không thể làm hại người mà chẳng có sự phản-ứng lại cho tự-mình, luôn cả cái lẽ hễ làm vui cho người là làm vui cho mình.

SANH, PHẬT BÌNH-ĐẲNG, VÔ NHỊ

Tất cả là Một, thời tất cả đều bình đẳng như nhau. Bình đẳng trên nguyên-thể, ở chỗ nguồn-cội, trên Tánh, trên Tâm, trên cái Bất-sanh, Bất-diệt chung cho muôn loài. Vì vậy nên nói chúng-sanh và Phật là bình-đẳng. Nhưng đã là ngang nhau, tại sao lại chia có chúng-sanh và Phật? Trên bản-thể thời Một và bình-đẳng, nhưng trên hiện tượng, trạng thái, thời có hai, như cái tánh ướt thời có một cho cả nước và sóng, nhưng về mặt hình-tướng thì có hai cái mà mắt phàm thấy khác nhau là nước và sóng. Cũng thế, chỉ có một bản-thể, nhưng nếu bản-thể ấy ứng hiện trong Tịnh, Giác-ngộ, Giải-thoát thời gọi là Phật, ngược lại thời gọi là chúng-sanh.
Để chứng minh sự thật ai cũng có Tánh Phật và giàu công-đức như nhau, Kinh đã đưa ra cái tỷ-dụ người "Cùng tử" trong phẩm thứ 4. Cái lầm ở chúng-sanh là không biết và không dám tự nhận là con nhà giàu sang cao cả, như chàng cùng-tử, và cũng quên luôn rằng mình là một người "say trong vạt áo có hòn ngọc quí" (phẩm 8).
Vì tất cả chúng-sanh đều đồng một Tánh Giác như nhau, cho nên dầu có lạc loài ty-tiện đến đâu, một ngày kia nhất định phải trở về với quê cha đất tổ, với cái sự nghiệp to lớn của mình, nghĩa là tất cả, cuối cùng, sẽ thành Phật. Nếu không phải vậy, thời Phật đã không thọ ký cho Xá-Lợi-Phất (Phẩm 3), cho 4 đại đệ tử (Phẩm 6), cho 500 đệ-tử (Phẩm 8), cho hàng Thanh-văn đã hoặc chưa đắc quả La-hán (Phẩm 9). Thậm chí đến nữ-nhân cũng có phần thành Phật (Phẩm 13, thọ ký cho Kiều-Đàm và Da-Thâu), đến người trẻ tuổi cũng vậy (Phẩm 12-Long-nữ).
Nam, nữ, trẻ, già đều là cái tướng bề ngoài, còn cái thể trắng trong ở nội giới, thời ai cũng như ai.
*
* *
Trên đây là hai chân-lý tuyệt vời, khó nghe, khó hiểu mà Phật đã giãi bày trong Kinh Diệu-Pháp, vào lúc mà Phật thấy các hàng đệ-tử đã đủ điều-kiện thọ lãnh (Chư Phật Như-Lai đúng lúc mới nói Pháp mầu, như hoa Ưu-đàm, đúng tiết mới nở một lần).

NHƯNG THỰC-TƯỚNG CHÂN-CẢNH LÀ GÌ?

Là Tâm, là Như-Lai, .v.v… như đã nói.
Tuy biết tinh thần không lìa vật chất (la matière n'est pas différente de l'Esprit), sắc không khác tâm (sắc bất dị không) nhưng trong vòng tương-đối, tinh thần hay tâm vẫn siêu-việt, vì vậy nên ví mà nói Bảo-Tháp từ đất vọt lên và lững lơ trên hư-không (Phẩm 11). Tuy siêu-việt, nhưng không phải xa cách, riêng biệt cho nên nói từ đất (tâm) vọt lên; vì siêu-việt nên nói ở trên hư-không.
Tâm ngậm chứa tất cả, ngoài Tâm không có gì và phàm Thánh đều ở trong Tâm, do đây mà trong Phẩm 1, tất cả đều hiện ra trong ánh-sáng từ giữa đôi lông mày phóng ra (tượng-trưng cho Trí-Huệ).
Trong Tâm có đầy đủ khả năng tự giải-thoát (Phật từ khước sự giúp đỡ của Bồ-tát các phương khác - Phẩm 15). Bồ-tát các phương khác tượng-trưng cho tha-lực. Từ khước tượng-trưng cho tư-lực đầy đủ.
Trong Tâm cũng có đủ mọi công-đức, có vô số Bồ-tát (tượng-trưng cho các đức), do đây mà nói vô số Bồ-tát từ đất hiện lên (Phẩm 15).
Tâm cũng là Trí-Huệ vô biên, là Tự-tại vô ngại (Liberté absolue), là Thần-thông vô cùng (Pouvoirs illimités), là Vô-uý, can đảm vô hạn.
Tâm bất-sanh bất-diệt, không tới không lui, đâu cũng là Tâm, cho nên gọi là Như-Lai (không do đâu mà đến, cũng không hướng về đâu mà đi). Vậy Tâm là hiện-tại thường-hằng (le Présent éternel).
Tuy nói nhiều tâm, nhiều Phật, thật sự chỉ có Một. Mà Tâm, Phật cũng là Pháp, cho nên Hằng-hà-sa Phật chỉ nói có một Pháp. Lại nữa, tuy nói nhập Niết-bàn, Phật vẫn hằng ở thế-gian (Phẩm 15 và phẩm 16: Như-Lai thọ lượng), vì Pháp bất ly thế-gian-pháp, Chân-lý ở ngay trong mọi sự mọi vật của mọi thời-gian và mọi phương hướng.

LÝ DO LẬP BA THỪA

Sự-thật là như trên, nhưng vì khó giải và nan lường cho nên lúc đầu, Phật phải tạm lập ra ba Thừa, để lần hồi khuyến-hoá, dắt dẫn chúng-sanh ra khỏi ba cảnh đời lửa đốt là: 1) cảnh đời của thân vật-chất (monde physique, matériel), 2) cảnh sống của tình-cảm, tham dục (monde sentimental, émotionnel), 3) là cảnh sống của lo nghĩ, tính toán, khái niệm (monde de la conscience, de la conceptualisation). Hán-văn gọi tam giới: dục-giới, sắc-giới và vô-sắc-giới mà trong phẩm 2, Phật ví như nhà lửa, nhà bị cháy- tuy tạm chia có ba trình-độ, ba phương-thế Giải-thoát, thật ra chỉ có một, vì dầu nói đắc quả Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, tất cả những quả ấy đều như những trụ đá đánh dấu trên con đường duy-nhất là con đường dẫn đến mức cuối cùng Giác-ngộ và Giải-thoát, con đường Phật (Phật-đạo). Do đây, tuy hứa cho mỗi đứa con một chiếc khác nhau, rốt cuộc ông cha cho có một thứ xe vừa to, vừa đẹp. (Phẩm 2- Hoả-trạch).
Đường có Một, nhưng vì diệu viễn, sợ chúng-sanh chán-nản ngã lòng, cho nên lại quyền mà hứa Niết-bàn với hàng Thanh-văn. Nay đem sự thật tuyệt đối ra dạy, Phật phải điều chỉnh mà nói rằng Niết-bàn ấy chưa phải là mức cuối cùng (Phẩm 6).

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THẤY SỰ-THẬT TUYỆT ĐỐI?

Phải: 1) Triệt lục căn, tứ-đại chi chướng ngại, nghĩa là phải dẹp bỏ tất cả những chướng-ngại do sáu căn và xác thịt xây dựng án Mắt-Trí. Phải bỏ cái "thấy biết" hữu hạn và cái sai lạc của "tâm-thức", tức là cái thấy-biết tương đối (Phẩm 1: Phi tâm-thức khả tri);
2) Phải có đầy đủ sáng-suốt, nghĩa là phải có Trí-Huệ viên-mãn (Phóng-quang trong phẩm 1), vì "phi Trí bất nhập"

PHƯƠNG PHÁP HÀNH

Làm thế nào để triệt lục căn và phóng quang?
A. Ngoài: - phải đọc tụng Pháp-Hoa, để lấy đức trang-nghiêm Phật mà trang-nghiêm tự thân,
- phải sanh lòng kính tín (phẩm 10)
- phải chọn nơi giao thiệp (phẩm 14- Thân-cận xứ, An-lạc hạnh).
B. Trong: - phải vào nhà Như-Lai (có từ-bi)
- phải mặc áo Như-Lai (có nhẫn nhục)
- phải ngồi chỗ Như-Lai ngồi (đứng vững trong cái lý không (Pháp-Không)
- phải diễn đạt Pháp trong tư-tưởng, lời nói, việc làm (Phẩm 19-Phápsư công-đức)
- phải đừng khinh khả-năng thành Phật giải-thoát của mình (Phẩm 20)
- phải luôn luôn hy-vọng và tin-tưởng ở bước huy-hoàng cuối –cùng, vì dữ cho mấy rồi cũng hoá hiền và mỗi hoàn-cảnh ngang trái là một bài học giác-ngộ, người thù ta là bạn ta (Phẩm 12- Đề-bà-đạt-đa)
- phải cố-gắng luôn luôn (Phẩm 13- Trì)
- phải hướng nội, đi sâu vào "Diệu-cảnh" để:
• đắc Thanh-tịnh, vì Tịnh trị Vô-minh, phá ngã-chấp và pháp-chấp (Phẩm 23)
• giải tất cả những lời nói của thâm tâm và theo đó mà làm (giải nhất thế ngữ ngôn, dĩ vô tác diệu lực tác chư Phật-sự-Phẩm 24: Diệu-âm)
• phát đại-bi tâm, ứng hiện khắp cùng, cứu khổ cho mọi loài (Phổ môn thị hiện, tầm thanh cứu khổ-Phẩm 25: Quán-thế-âm)

TIN LÀM NHƯ THẾ CÓ LỢI ÍCH GÌ?

Tin làm như thế, sẽ đặng:
_ Nhẫn nại, nắm giữ tánh định, thích nói Pháp, biện-tài vô-ngại, giải-thoát, tinh-tấn, thanh-tịnh, sanh lòng cầu Chánh-giác.
_ Trí-huệ là công-đức to lớn hơn hết trong sáu Ba-la-mật.
_ Không thấy chúng-sanh mà thấy Phật, không thấy Ta-bà mà thấy Tịnh-độ.

KẾT LUẬN

Được như thế là đã "minh-tâm, kiến-tánh, thành Phật", sống trong Ánh-Sáng thanh-tịnh và từ-bi của Tự-tâm. Và đến đây, chủ đích thuyết Kinh Pháp-Hoa (khai, thị, ngộ, nhập) của Phật cũng hoàn mãn.
HẾT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]