Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Phẩm Pháp sư (L’Interprète de la Loi)

06/05/201312:49(Xem: 14123)
10. Phẩm Pháp sư (L’Interprète de la Loi)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển IV

10. Phẩm Pháp sư (L’Interprète de la Loi)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Để dạy 8 muôn Đại-sĩ (Bồ-tát), Thế-Tôn nói với Bồ-tát Dược-Sư: Trong hàng Thiên Long bát bộ, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di bất luận cầu Thanh-văn, Bồ-tát hay Phật-đạo, hễ ai trước Phật mà nghe được một kệ, một câu của Kinh Diệu-Pháp, thậm chí có một tư tưởng vui nghe, ta đều thọ-ký cho sẽ đặng Chánh-giác. Lại nữa, sau khi Như-Lai diệt-độ, nếu có người nghe Kinh Diệu-Pháp, dầu là một kệ hay một câu, hoặc chỉ có một ý tưởng vui nghe, ta cũng thọ ký Chánh-giác cho.
Nếu lại có người lãnh giữ, đọc tụng, giải nói, biên chép Kinh Diệu-Pháp, dầu là một bài kệ, kính trọng Kinh như kính trọng Phật mà cúng-dường hương hoa, Dược-Vương nên biết, đó là những người đã từng cúng-dường mười muôn ức Phật, đã thành tựu đại nguyện nơi Phật ở, rồi vì thương xót chúng-sanh mà sanh nơi nhân-gian.
Dược-Vương! Nếu có người hỏi, trong đời vị lai, những chúng-sanh nào sẽ thành Phật, thì nên chỉ những người vừa kể trên mà nói rằng họ sẽ thành Phật. Tại sao? Nếu có trai lành gái tốt nào thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép , dầu là một câu của Kinh Diệu-Pháp, và dùng hương hoa….cúng dường, người đó đáng được thế-gian chiêm ngưỡng, sùng-phụng và cúng dường như Như-Lai. Đó là hàng Đại-Bồ-tát đã thành tựu Chánh-giác, nhưng vì thương xót chúng-sanh mà nguyện sanh trên đời để rộng nói, phân biệt Kinh Diệu-Pháp.
Dược-Vương! Thiện-nam, thiện-nữ nào mà sau khi ta diệt độ tự bỏ nghiệp-báo thanh-tịnh, nhận sanh ra trong đời ác để vì chúng-sanh mà nói Kinh Pháp-Hoa, dầu là vì có một người hay chỉ nói có một câu, phải biết người ấy là sứ của Như-Lai, được Như-Lai sai làm việc Như-Lai, hà huống nói cho nhiều người nghe.
Dược-Vương! Chê mắng Phật nhẹ tội hơn chê mắng người tại-gia hay xuất-gia đọc tụng Kinh Pháp-Hoa. Công-đức xưng tán Phật không bằng công-đức khen ngợi người trì Kinh Pháp-Hoa….
*
* *
Phật lại bảo Dược-Vương: Trong vô lượng kinh của ta đã nói, hiện nói và sẽ nói, Pháp-Hoa là khó tin, khó hiểu nhất vì đó là “kho tàng bí yếu” của chư Phật, được chư Phật giữ-gìn tư xưa đến nay, chưa từng đem ra nói. Bởi cớ không nên chia sớt trao đưa một cách bừa bãi. Chính khi Như-Lai hiện tại, Kinh này còn bị oán ghét, huống sau khi Như-Lai diệt độ.
Dược-Vương nên biết, sau khi Như-Lai diệt độ, người nào làm được việc biên chép, lãnh giữ, đọc tụng, cúng dường và vì người khác nói Kinh này, người ấy được Như-Lai lấy áo trùm lên mình và được chư Phật ở phương khác hộ niệm. Ngưới ấy có đức tin lớn, chí nguyện mạnh và căn lành sâu, người ấy ở chung với Như-Lai, được Như-Lai rờ đầu.
Dược-Vương! Nơi nào mà có người nói, đọc, tụng, chép kinh Diệu-Pháp, hoặc chỗ nào có kinh này, thì nên dựng tháp cao bảy báu mà thờ, nhưng trong lòng tháp khỏi để xá lợi. Vì sao? Vì trong tháp ấy có toàn thân Như-Lai.
Dược-Vương! Bất luận tại-gia, xuất-gia, nếu có người hành đạo Bồ-tát mà chẳng có khả năng thấy, nghe, đọc, tụng, biên chép, lãnh nắm, cúng dường kinh Pháp-Hoa, nên biết người ấy chưa khéo tu đạo Bồ-tát. Nghe xong mà tin hiểu, lãnh giữ, nên biết đó là người gần Vô-thương chánh giác.
Thí như khát nước mà đào giếng trên gò cao. Thấy đất khô phải biết nước còn xa mà ra công đào, không thôi. Lần thấy đất ướt rồi thấy đất bùn, là biết nước gần. Bồ-tát nào chưa nghe hiểu Kinh Pháp-Hoa là người còn cách đạo Vô-thượng rất xa. Được nghe hiểu, suy gẫm, tu tập Kinh này, đó là người gần Chánh-giác.
Bồ-tát nghe Kinh Pháp-Hoa mà kinh nghi sợ sệt, là Bồ-tát mới phát tâm. Thanh-văn nghe mà kinh sợ, là hàng tăng thượng-mạn.
*
* *
Dược-Vương! Thiện-nam, thiện-nữ nào muốn nói Kinh Pháp-Hoa, sau khi Như-Lai diệt độ, thì phải vào nhà Như-Lai, mặc áo Như-Lai, ngồi ghế cao Như-Lai, rồi mới vì bốn chúng mà rộng nói.
Nhà Như-Lai là tâm từ-bi.
Áo Như-Lai là lòng nhu-hoà, nhẫn-nhục.
Ghế cao (toà) Như-Lai là chân-lý “Tất cả sự vật là Không”.
Phải đứng yên trên lập-trường ba tâm ấy mà nói pháp.
Dược-Vương! Được như vậy thì từ nơi nước khác, ta sẽ khiến hàng “hoá nhân” đến nghe pháp, ta cũng sẽ khiến các hàng hoá-tỳ-khưu, hoá-tỳ-khưu-ni, hoá-ưu-bà-tắc, hoá-ưu-bà-di đến nghe pháp.
Nếu người nói pháp ở chỗ vắng-vẻ, ta sẽ khiến Bát-bộ Thiên, Long đến nghe.
Ta dầu ở nước khác, luôn luôn khiến người nói pháp đặng thấy thân ta, và nếu người ấy quên câu mất chữ, ta sẽ khiến cho được nói đầy đủ, thông suốt.
*
* *

Huyền nghĩa

1. Kinh Pháp-Hoa là Chân-lý tối hậu, chứa đựng tất cả những bí yếu của Chân-lý, cho nên khó tin, khó hiểu. Lúc Phật hiện tiền hay sau khi Phật diệt độ, ai mà nghe được Kinh Pháp-Hoa không phải là hạng tầm thường, mà chắc chắn là người đã xa lìa vọng tưởng, trí huệ rõ thông, vì vậy mà Phật thọ ký cho.
2. Đọc tụng Kinh Pháp-Hoa là lấy đức trang-nghiêm của Phật mà trang-nghiêm tự thân. Chẳng những đọc tụng, mà giải nói, biên chép, tôn trọng, cúng dường Kinh cũng được về sau thành đạo Vô-thượng. Bởi vì đọc tụng, giải nói, biên chép Kinh là tự nhắc nhở Chân-lý, tôn trọng, cúng dường Kinh là kính mến và hy-sanh cho Chân-lý.
3. Người nghe đọc tụng Kinh Pháp-Hoa, phải sanh lòng tin kính, phải cúng-dường Kinh và người đọc Kinh như cúng-dường Như-Lai vì đó là người của Như-Lai (Chân-lý) sai để thực hành những việc làm của Chân-lý (missonnaires de la verité pour accomplir des actes de verté).
4. Vì Kinh khó tin, khó hiểu, cho nên phải thận trọng trong việc diễn nói, trao truyền. Của quý mà cho người không biết dùng thường có hại hơn có lợi.
5. Ai đọc tụng, thọ trì, cúng dường hoặc vì người khác giảng Kinh, sẽ được Phật hộ niệm.
6. Chỗ nào có Kinh Pháp-Hoa, nên xây tháp thờ, nhưng trong tháp khỏi để xá-lợi, vì trong tháp đã có toàn thân Như-Lai. Xây tháp là để thờ Phật, mà Kinh chứa đựng tròn đủ Chân-lý thì Như-Lai đã ở đây rồi, còn để xá-lợi là vật tượng trưng làm gì?
7. Nhưng muốn được Như-Lai hộ niệm, hộ trì, như quy tựu thính-giả, cho thấy Chân-lý (thân Phật), nhắc những chỗ quên (sáng suốt) người nói pháp phải có lòng từ-bi, nhẫn nhục và sống trong cái chân-lý “Pháp không”.
8. Có ba hạng người:
a) Không thể thấy nghe Kinh (đất khô).
b) Nghe mà chưa tin hiểu, thọ trì (đất ướt)
c) Nghe xong, tin hiểu, thọ trì (đất bùn gần mội).
Kết luận: Nghe đọc, như giảng nói Kinh Pháp-Hoa đều hưởng được ánh- sáng của Chân-lý và sự huân-tập. Đọc tụng, thọ trì như thế là thông-dịch, diễn đạt cho người khác hiểu được Pháp (Chân-lý) bằng lời nói, việc làm. Do đây mà Ô. Burnouf dịch Pháp-sư là “Interprète de la Loi”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]