Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

V. 4 Đế và 4 Quyết-thiết

17/05/201313:11(Xem: 9889)
V. 4 Đế và 4 Quyết-thiết

Kinh Đại Bát Niết Bàn [1]

V. 4 Đế và 4 Quyết-thiết

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Tâm Châu

Nguồn: Hán dịch: Đông Tấn, Sa Môn Thích Pháp Hiển

Sau đó, đức Thế-Tôn cùng các vị Tỳ-Khưu, đều từ tòa ngồi của mình đứng dậy, đi đến thôn Tượng, thôn Am-bà-la, thôn Diêm-phù, cho đến thành Thiện-già. Đến thành kia, Ngài cùng các vị Tỳ-Khưu đi quanh trước sau, rồi ngồi tại một nơi. Đức Thế-Tôn bảo các vị Tỳ-Khưu: “Có bốn Thánh-đế, các vị nên chăm quán-sát: Một là Khổ-đế. Hai là Tập-đế. Ba là, Diệt-đế. Bốn là, Đạo-đế.
Các vị Tỳ-Khưu! KHỔ-ĐẾ tức là tám-khổ: Một là, khổ về sinh, hai là, khổ về già, ba là, khổ về bệnh, bốn là, khổ về chết, năm là, khổ về mong cầu không được, sáu là, khổ về sự oán-ghét phải hội-ngộ, bảy là, khổ về tình ân-ái phải biệt-ly, tám là, khổ về năm ấm[30] rỡ-thịnh. Các vị nên biết: tám thứ khổ ấy cùng pháp hữu-lậu[31] bức-bách, nên thực là khổ.
TẬP-ĐẾ: Vô-minh tham-ái làm nhân căn-bản cho tám khổ kia, nên biết Tập-đế này thực là nhân của khổ.
DIỆT-ĐẾ: Vô-minh tham-ái diệt, ngắt dứt nhân khổ, nên biết Diệt-đế này thực là diệt.
ĐẠO-ĐẾ: Tức là bát-chính-đạo (tám con đường chính): Một là, chính-kiến (hiểu biết, tư-tưởng chân-chính), hai là, chính tư-duy (suy-nghĩ chân-chính), ba là, chính-ngữ (nói năng chân-chính), bốn là, chính-nghiệp (hành-động chân-chính) năm là, chính-mệnh (nghề sống chân-chính), sáu là, chính tinh-tiến, bảy là, chính-niệm (nhớ nghĩ chân-chính), tám là chính-định. Tám pháp ấy, thực là con đường của Thánh-nhân. Nếu ai tinh-siêng quán được bốn Thánh-đế ấy, nhất-định chóng xa được bể sinh-tử, đến nơi giải-thoát.
Các vị Tỳ-Khưu! Trong bốn Thánh-đế ấy, nếu ai đã đạt tới chỗ cứu-cánh, cũng nên cố gắng giải-thuyết cho người khác. Sau khi Tôi diệt-độ, các vị cũng nên siêng năng suy-nghĩ, tu-tập.”
Giữa lúc đức Như-Lai nói pháp này, năm trăm vị Tỳ-Khưu, lậu-nghiệp hết, ý khai-giải, thành bậc A-La-Hán; bốn vạn chư Thiên trên hư-không, do nơi pháp này, xa lìa trần-cấu, được pháp-nhãn-tịnh.
Đức Thế-Tôn lại bảo các vị Tỳ-Khưu: “Có bốn pháp quyết-định về sự nói: (quyết-thuyết): Một là, nếu có vị Tỳ-Khưu, ham thuyết-pháp, nói là: “tôi thân theo Phật, nghe Phật nói pháp như thế, tôi hiểu rành nghĩa của pháp ấy và tôi thụ-trì, đọc tụng rất thông-lợi”; các vị nên thỉnh vị ấy nói, nhưng các vị nên theo chỗ nghe được ấy, tự suy-nghĩ, rành-rẽ, đúng trong kinh, luật, luận (pháp-tướng) có pháp ấy ư? Nếu trong kinh, luật, luận có pháp ấy các vị nên thụ-trì, khen ngợi là quí lắm. Nếu trong kinh, luật, luận không có pháp ấy, các vị không nên thụ-trì, cũng không nên khen-ngợi. Các vị nên biết: pháp ấy không phải Tôi nói.”
Hai là, nếu có vị Tỳ-Khưu ham thuyết-pháp nói là: “tôi ở chỗ kia… nghe các vị Tỳ-Khưu-Tăng được pháp như thế, tôi hiểu rành nghĩa của pháp ấy. Và tôi thụ-trì, đọc-tụng rất thông-lợi”; các vị nên thỉnh vị ấy nói, nhưng, các vị nên theo chỗ nghe được pháp ấy, tự suy-nghĩ rành-rẽ, đúng trong kinh, luật, luận có pháp ấy ư? Nếu trong kinh, luật, luận có pháp ấy, các vị nên thụ-trì, khen-ngợi là quí lắm. Nếu trong kinh, luật, luận không có pháp ấy, các vị không nên thụ-trì, cũng không nên khen-ngợi. Các vị nên biết: pháp ấy không phải Tôi nói cũng không phải các vị Tỳ-Khưu kia nói”.
Ba là, nếu có vị Tỳ-Khưu, ham thuyết-pháp, nói là: “tôi theo nơi Tăng-già-lam[32] kia, nơi A-lan-nhã[33] kia, có nhiều vị Tỳ-Khưu thượng-tọa, đều là các vị nghe nhiều, học giỏi, thông-minh, trí-tuệ, nói ra pháp ấy, tôi được nghe, tôi hiểu rành nghĩa của pháp ấy và tôi thụ-trì, đọc tụng rất thông-lợi”; các vị nên thỉnh vị ấy nói, nhưng, các vị nên theo chỗ nghe được pháp ấy, tự suy-nghĩ rành-rẽ, đúng trong kinh, luật, luận có pháp ấy ư? Nếu trong kinh, luật, luận có pháp ấy, các vị nên thụ-trì, khen-ngợi là quí lắm. Nếu trong kinh, luật, luận không có pháp ấy, các vị không nên thụ-trì, cũng không nên khen-ngợi. Các vị nên biết: pháp ấy không phải Tôi nói.”
Bốn là, nếu có vị Tỳ-Khưu ham thuyết-pháp, nói là: “tôi theo nơi Tăng-già-lam kia, nơi A-lan-nhã kia, có một vị Tỳ-Khưu thượng-tọa, trí-tuệ, nghe nhiều, nói ra pháp ấy, tôi được nghe, tôi hiểu rành-rẽ nghĩa của pháp ấy và tôi thụ-trì, đọc tụng rất thông-lợi”; các vị nên thỉnh vị ấy nói, nhưng các vị nên theo chỗ nghe được pháp ấy, tự suy-nghĩ rành-rẽ, đúng trong kinh, luật, luận có pháp ấy ư? Nếu trong kinh, luật, luận có pháp ấy, các vị nên thụ-trì, khen-ngợi là quí lắm. Nếu trong kinh, luật, luận không có pháp ấy, các vị không nên thụ-trì, cũng không nên khen-ngợi! Các vị nên biết pháp ấy không phải Tôi nói.”
Các vị nên phân-biệt rõ bốn pháp quyết-định về sự nói ấy, lại cũng dùng pháp ấy phân-biệt thuyết-pháp, trao-truyền cho người khác.
Dù Tôi còn ở đời hay Tôi nhập Niết-Bàn, dối-trá hay chân-thực, các vị dùng pháp ấy, biết rõ!”
Khi ấy, các vị Tỳ-Khưu bạch Phật rằng: “Quí hóa thay, lạy đức Thế-Tôn! Từ nay về sau, chúng con xin phân-biệt lời Phật nói và lời ma nói!”

TOÁT-YẾU


Qua thôn Tượng, thôn Am-bà-la, thôn Diêm-phù đức Thế-Tôn cùng các vị Tỳ-Khưu đến thành Thiện-Già. Tại đây, Ngài dạy các vị Tỳ-Khưu nên chăm quán-sát về Tứ-thánh-đế: Khổ-đế, Tập-đế, Diệt-đế và Đạo-đế.
Ngài lại dạy các vị về bốn pháp quyết-định của sự nói: Bốn pháp ấy là:
1/ Có vị Tỳ-Khưu nào nói là thân đi theo Phật, nghe được pháp ấy, hiểu nghĩa và thụ-trì đọc tụng pháp ấy rất thông-lợi, thời các vị nên đem chỗ nghe được ấy, suy-nghĩ xem pháp ấy có đúng với kinh, luật, luận hay không. Nếu đúng các vị nên thụ-trì, khen-ngợi. Bằng không đúng thì thôi, vì pháp ấy không phải Tôi nói.
2/ Có vị Tỳ-Khưu nào nói là ở nơi các vị Tỳ-Khưu-Tăng kia được nghe pháp ấy v.v… cũng cần nên suy-nghĩ như trên.
3/ Có vị Tỳ-Khưu nào nói là ở nơi Tăng-già-lam, A-lan-nhã kia, có nhiều vị Tỳ-Khưu thượng-tọa giỏi, nói ra pháp ấy và vị ấy được nghe v.v… cũng cần nên suy-nghĩ như trên.
4/ Có vị Tỳ-Khưu nào nói là ở nơi kia có một vị Tỳ-Khưu thượng-tọa giỏi, nói ra pháp ấy và vị ấy được nghe v.v… cũng cần nên suy-nghĩ như trên.
Ngài dạy tiếp: “Các vị nên phân-biệt rõ 4 pháp quyết-định về sự nói ấy và cũng dùng 4 pháp ấy phân-biệt thuyết-pháp, trao-truyền cho người khác. Dù Tôi ở đời hay nhập Niết-Bàn, dối-trá hay chân-thực, các vị dùng pháp ấy biết rõ!”



Chú thích


[30] Năm ấm: Sắc, thụ, tưởng, hành, thức.
[31] Pháp hữu-lậu: “Lậu” (dò-rỉ) tên riêng chỉ cho phiền-não. Sự-vật có hàm-tàng sự phiền-não gọi là hữu-lậu. Hết thảy sự thể trong thế-gian đều là pháp hữu-lậu.
[32] Tăng-già-lam (Samghàràma): Tàu dịch là “chúng-viên” cái vườn hay rừng chúng-tăng ở. Nay ta thường cho là chùa.
[33] A-lan-nhã (Àrinya): Tên gọi chung cho các tự-viện, là nơi ở của các vị Tỳ-Khưu. Nhưng, đúng ra A-lan-nhã là nơi xa-vắng, yên-tĩnh, nên Tàu dịch là “Nhàn-tịch”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]