Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

194. Kinh Bạt-đà-hòa-lợi [1]

10/05/201313:50(Xem: 18550)
194. Kinh Bạt-đà-hòa-lợi [1]

Kinh Trung A Hàm

194. Kinh Bạt-đà-hòa-lợi [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc, cùng với đại chúng Tỳ-kheo an cư trong mùa mưa.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, Ta chỉ ăn trong một lần ngồi[2]. Do chỉ ăn trong một ăn trong một lần ngồi, Ta vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên chỉ ăn trong một lần ngồi; do chỉ ăn trong một lần ngồi, các ngươi sẽ vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường an ổn khoái lạc.

Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi[3] cũng ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không thể kham nổi, sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con chỉ ăn trong một lần ngồi thì chẳng khác nào làm một việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nhận lời mời, ngươi cũng đi theo Ta và nếu Ta chấp nhận cho ngươi mang đồ ăn được mời ấy đi nhưng chỉ ăn trong một lần ngồi, như vậy cũng có thể sống được an lành[4].”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi lại bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, dù vậy con cũng không thể kham nổi sự việc chỉ ăn trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con chỉ ăn trong một lần ngồi, chẳng khác nào làm một việc chưa xong, cảm thấy ảo não trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc chỉ ăn trong một lần ngồi.”

Đức Thế Tôn đến ba lần nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta chỉ ăn trong một lần ngồi. Do ăn chỉ trong mọt lần ngồi, Ta vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên học chỉ ăn trong một lần ngồi. Do ăn chỉ trong một lần ngồi, các ngươi sẽ vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn khoái lạc.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi cũng đến ba lần từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con ăn chỉ trong một lần ngồi thì không khác nào làm một công việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”

Đức Thế Tôn cũng đến ba lần nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nhận lời mời, ngươi cũng đi theo; và nếu ta chấp thuận cho ngươi mang đồ ăn được mời ấy đi, nhưng ăn chỉ trong một lần ngồi, như vậy cũng có thể sống được an lành.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi cũng đến lần thứ ba bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, mặc dù như vậy, nhưng con cũng không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con ăn chỉ trong một lần ngồi thì chẳng khác nào làm việc một công việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo[5]. Chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Chỉ trừ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi tuyên bố là không thể kham nổi, từ chỗ ngồi đứng dậy và bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc[6] và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Rồi Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi suốt trong một mùa mưa ấy lánh mình không gặp Đức Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới Thế Tôn.

Vào một lúc, chư Tỳ-kheo làm y cho Đức Phật, để sau ba tháng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ và khâu vá lại y áo xong, Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi được nghe rằng chư Tỳ-kheo đang làm y cho Đức Phật để sau ba tháng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ và khâu vá lại các y áo xong, Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Sau khi nghe như vậy, Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bèn đi đến chỗ các Tỳ-kheo. Chư Tỳ-kheo từ xa trông thấy Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đang đi đến, bèn nói như vầy:

“Hiền giả Bạt-đà-hòa-lợi, nên biết ở đây chúng tôi đang làm y cho Thế Tôn, để sau ba tháng an cư vào mùa mưa tại nước Xá-vệ, và khâu vá y xong Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Này Bạt-đà-hòa-lợi, hãy tự khéo gìn giữ trong trường hợp này, đừng để về sau xảy ra nhiều sự phiền nhọc.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi nghe những lời ấy xong, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thật sự con đã sai lầm! Thật sự con đã sai lầm! Con như ngu, như si, như khờ dại, như bất thiện. Vì sao? Vì Thế Tôn thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Duy chỉ con tuyên bố là không kham nổi, từ chỗ ngồi đứng dậy và bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc ấy ngươi không biết rằng, ‘Một số đông các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đang an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, những vị ấy biết ta[7], thấy ta, rằng ‘Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Thế Tôn, không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết rằng, ‘Một số đông Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di tại nước Xá-vệ, những người này biết ta, gặp ta, rằng ‘Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Thế Tôn không học theo giới cụ túc, và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ngươi lúc ấy không biết rằng, ‘Một số đông các Sa-môn Phạm chí dị học đang an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, những vị này biết ta, thấy ta, rằng ‘Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, một bậc danh đức, nhưng không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu có Tỳ-kheo chứng câu giải thoát[8] mà ta nói với vị ấy rằng, ‘Ngươi hãy xuống vũng bùn![9]’. Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Ta dạy Tỳ-kheo ấy như vậy Tỳ-kheo ấy há thể đứng im hay tránh đi chỗ khác chăng?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, giả sử không phải là Tỳ-kheo câu giải thoát nhưng là Tỳ-kheo tuệ giải thoát[10]; hoặc giả sử không phải là Tỳ-kheo tuệ giải thoát, nhưng Tỳ-kheo thân chứng[11]; hoặc giả sử không phải Tỳ-kheo thân chứng, nhưng là kiến đáo[12]; hoặc giả sử không phải là kiến đáo nhưng là tín giải thoát[13]; hoặc giả sử không phải là tín giải thoát nhưng là tùy pháp hành[14]; hoặc giả sử không phải là tùy pháp hành, nhưng là tùy ý hành[15], mà ta nói với vị Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy xuống vũng bùn’. Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Ta dạy Tỳ-kheo ấy như vậy, Tỳ-kheo ấy há có thể đứng im hay tránh đi nơi khác chăng?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Lúc bấy giờ ngươi đã chứng đắc tùy tín hành, tùy pháp hành, kiến đáo, thân chứng, tuệ giải thoát hay câu giải thoát chăng?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không phải như ngôi nhà trống chăng?”

Lúc ấy Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bị Thế Tôn khiển trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời để biện bạch, suy nghĩ mông lung. Đức Thế Tôn sau khi khiển trách Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi ngay mặt rồi, lại muốn làm cho Tôn giả được hoan hỷ bèn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ngươi lúc bấy giờ đối với Ta mà không có sự tịch tịnh của sự tín pháp, không có sự tịch tịnh của ái pháp, không có sự tịch tịnh của tĩnh pháp[16]. Vì sao vậy? Trong lúc ta thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Duy chỉ riêng ngươi tuyên bố là không kham nổi, và từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc, và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bạch rằng:

“Quả thật như vậy. Vì sao vậy? Vì trong lúc Thế Tôn thiết lập học giới cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ, duy chỉ riêng con tuyên bố là không kham nổi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con. Con đã thấy lỗi lầm rồi sẽ tự mình ăn năn hối cải, và từ nay trở đi sẽ giữ gìn không tái phạm nữa.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, như vậy, ngươi thật sự như ngu, như si, như khờ dại, như bất thiện. Vì sao vậy? Vì trong lúc ta thiết lập học giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn, chỉ riêng ngươi tuyên bố là không kham nổi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì ngươi không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu ngươi có lỗi lầm, đã thấy và tự hối từ nay về sau gìn giữ, không thể để tái phạm. Này Bạt-đà-hòa-lợi, như vậy ở trong Thánh pháp luật có ích lợi chớ không tổn hại. Nếu ngươi có lầm lỗi, đã thấy và tự hối, từ nay về sau gìn giữ không để tái phạm nữa, thì này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao, nếu có Tỳ-kheo không học theo giới cụ túc[17], vị ấy sống trong rừng vắng, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Vị ấy sau khi sống tại một nơi xa vắng, tu hành tinh cần để chứng đắc tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trụ[18]. Nhưng vị ấy sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần như vậy mà chê bai học giới của Thế Tôn[19], xuyên tạc chê bai chư Thiên và các phạm hạnh có trí và cũng xuyên tạc học giới của chính mình. Vị ấy sau khi xuyên tạc học giới của Thế Tôn, xuyên tạc chư Thiên và các vị Phạm hạnh có trí, và cũng xuyên tạc học giới của chính mình rồi, bèn không sanh tâm hoan duyệt; do không sanh tâm hoan duyệt nên không sanh hỷ; do không sanh hỷ nên thân không khinh an; do thân không khinh an, nên không cảm thọ lạc; do không cảm thọ lạc, nên tâm bất định. Này Bạt-đà-hòa-lợi, Hiền Thánh đệ tử khi tâm bất định, thì không thể thấy như thật, biết như thật.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao, nếu có Tỳ-kheo học giới cụ túc, sống trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Vị ấy sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần, để chứng đắc tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú. Vị ấy sau khi sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần, an ổn khoái lạc rồi, không xuyên tạc học giới của Thế Tôn, cũng không xuyên tạc chư Thiên và các vị Phạm hạnh có trí, cũng không xuyên tạc học giới của chính mình. Vị ấy sau khi không xuyên tạc học giới của Thế Tôn, không xuyên tạc chư Thiên và các vị Phạm hạnh có trí, cũng không xuyên tạc học giới của chính mình rồi bèn sanh hoan duyệt, do sanh hoan duyệt nên sanh hỷ, do sanh hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an nên cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên tâm định. Này Bạt-đà-hòa-lợi, Hiền Thánh đệ tử tâm định rồi bèn thấy như thật, biết như thật. Sau khi thấy như thật, biết như thật, bèn ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ nhất, ngay trong đời hiện tại sống an lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy an ổn khoái lạc và thăng tiến đến Niết-bàn. Rồi vị ấy giác và quán đã tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ hai, ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn. Rồi vị ấy ly hỷ, xả dục, xả, an trú vô cầu, với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà Thánh nói là Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ ba, ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn. Rồi vị ấy lạc diệt khổ diệt, ưu và hỷ vốn cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ tư ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó an trú trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn.

“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm thanh tịnh như vậy, không nhuế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, học và chứng đắc Túc mạng trí thông. Vị ấy với hành vi, với tướng mạo, nhớ lại về trước vô lượng trăm nghìn đời sống đã trải qua, một đời, hai đời trăm đời, nghìn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô lượng thành kiếp hoại kiếp; chúng sanh ấy có tên như vậy, mà vị ấy xưa kia đã từng trải, biết rằng ‘Ta đã từng sanh làm người ấy, với tên như vậy, họ như vậy, tự như vậy, sanh như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, tồn tại như vậy, mạng chung như vậy, chết ở đây sanh ở chỗ kia, chết ở chỗ kia sanh ở đây. Ta sanh tại chỗ này với tên như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, tử như vậy, sanh như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, tồn tại như vậy, mạng chung như vậy.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị kia lúc bấy giờ, chứng đắc minh đạt[20] thứ nhất này, do trước kia không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh cần, cho đến vô trí diệt, và trí tuệ phát sanh, bóng tối biến mất mà ánh sáng xuất sanh, vô minh diệt mà minh phát sanh, tức là chứng ngộ minh đạt Ức túc mạng trí[21].

“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm như vậy, không nhuế, không phiền an trụ vững vàng. Đạt đến bất động tâm, học và chứng sanh tử trí thông. Vị ấy với thiên nhãn thanh tịnh, vượt hẳn trên người thường, thấy chúng sanh này, lúc tử lúc sanh, sắc đẹp sắc xấu, diệu hay chẳng diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ. Tùy theo tác nghiệp của chúng sanh này mà thấy đúng như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hành, khẩu và ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu tà kiến; do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung tất sanh đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, không phỉ báng chánh nhân, chánh kiến, thành tựu chánh kiến; do nhân duyên khi thân hoại mạng chung tất đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc minh đạt thứ hai, do trước kia không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh cần, vô trí diệt và trí sanh, bóng tối biến mất và ánh sáng hiện thành, vô minh diệt và minh sanh, tức chứng ngộ minh đạt Sanh tử trí[22].

“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm thanh tịnh như vậy, không uế, không phiền, an trụ vững vàng, đạt được bất động tâm, học và chứng ngộ Lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật rằng ‘Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, biết như thật đây là Khổ diệt đạo’; biết như thật rằng ‘Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, biết như thật đây là lậu diệt đạo.’ Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu và vô minh lậu. Đã giải thoát thì biết mình đã giải thoát. Biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc minh đạt thứ ba, do trước không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh tấn, vô trí diệt và trí sanh, bóng tối biến mất và ánh sáng hiện thành, vô minh diệt và minh sanh chứng chứng ngộ minh đạt Lậu tận trí[23].”

Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, khi các Tỳ-kheo cùng phạm giới, nhưng có trường hợp khổ trị, có trường hợp không khổ trị.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, hoặc có Tỳ-kheo thường xuyên phạm giới; do bởi thường xuyên hay phạm giới nên các Tỳ-kheo đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, bèn nói lãng sang vấn đề khác, những việc ngoài vấn đề; sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất mãn, xúc nhiễu chúng Tăng, khinh mạn chúng Tăng, nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ mà vui lòng.’ Với ý nghĩ như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nhưng Hiền giả này thường hay phạm giới. Và do thường hay phạm giới, nên bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị này sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy được nghe hay từ người khác mà nghi ngờ, bèn nói sang vấn đề khác, những sự việc ngoài vấn đề, sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất mãn, xúc nhiễu chúng Tăng, khinh mạn chúng Tăng, nói như vầy ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng được hoan hỷ mà hài lòng.’ Sau khi thấy vậy, bèn nói rằng: “Này chư Tôn, hãy xem xét khiến để kéo dài một thời gian[24].

“Hoặc giả có Tỳ-kheo thường hay phạm giới; do thường hay phạm giới cho nên bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, không nói lãng sang vấn đề khác, những sự việc ngoài vấn đề, không sân hận, thù nghịch chúng Tăng, phẫn nộ, bất mãn, xúc nhiễu và khinh, mạn, không nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để Tăng chúng hoan hỷ mà hài lòng.’ Không có ý nghĩ như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nhưng Hiền giả này thường hay phạm giới, do bởi thường hay phạm giới nên các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, vị ấy không nói lãng sang vấn đề khác, những sự việc ngoài vấn đề không sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất mãn, không xúc nhiễu chúng Tăng, không khinh mạn chúng Tăng, không nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ mà hài lòng.’ Sau khi thấy như vậy bèn nói rằng, ‘Này chư Tôn, hãy xem xét mà khiến cho diệt sớm.’ Trường hợp phạm các cấm giới nhẹ cũng vậy.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, hoặc giả có Tỳ-kheo có tín, có ái, có tĩnh[25]. ‘Nay Tỳ-kheo này còn có tín, có ái, có tĩnh. Nếu chúng ta khổ trị Tỳ-kheo này, thì Hiền giả này vốn có tín, ái và tĩnh, do đây mà dứt mất vậy. Chúng ta hãy cùng nhau cẩn thận gìn giữ cho Hiền giả này. Rồi các Tỳ-kheo bèn cùng nhau gìn giữ hộ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng như một người kia chỉ có một con mắt các bà con quyến thuộc, vì thương tưởng, yêu mến, mong cầu cho được sự thiện lợi và hữu ích, sự an ổn khoái lạc, nên cùng nhau cẩn thận gìn giữ hộ, không để cho người này bị lạnh nóng, đói, khát, đau yếu, ưu sầu, vừa đau yếu vừa ưu sầu, không để cho phải bụi, không để cho khói, không để cho phải bụi và khói. Vì sao vậy? Vì sợ ấy mất luôn một con mắt nữa. Cho nên thân thuộc cẩn thận gìn giữ hộ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng vậy, với Tỳ-kheo chỉ còn một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nay Tỳ-kheo chỉ có một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh nếu chúng ta khổ trị Tỳ-kheo này thì Tỳ-kheo này sẽ do đây mà đứt mất một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh ấy. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn hộ, cũng như thân thuộc gìn giữ người một mắt vậy.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo sang bên, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, ngày xưa ít có thiết lập học giới nhưng được nhiều Tỳ-kheo vâng lĩnh phụng trì? Và do nhân gì, duyên gì, bạch Thế Tôn, ngày nay thiết lập nhiều học giới, nhưng ít có Tỳ-kheo vâng lãnh phụng trì?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi chúng Tỳ-kheo không được thịnh lợi, trong chúng không có pháp hỉ hảo[26]; nhưng khi chúng Tỳ-kheo được thịnh lợi, trong chúng phát sanh pháp hỉ hảo. Khi pháp hỉ hảo đã phát sanh, Thế Tôn muốn đoạn trừ pháp hỉ hảo đó, bèn thiết lập học giới cho đệ tử.

“Cũng vậy, khi chúng Tỳ-kheo được tán thán, được lớn mạnh, có những bậc Thượng tôn được hàng vương giả biết đến và có phước đức lớn, học vấn nhiều[27].

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi chúng Tỳ-kheo không có những người đa văn, trong chúng không phát sanh pháp hỉ hảo. Nhưng khi chúng Tỳ-kheo có những người đa văn, trong chúng phát sanh pháp hỉ hảo. Vì pháp hỉ hảo đã phát sanh, Thế Tôn muốn đoạn trừ pháp hỉ hảo ấy, cho nên thiết lập học giới cho các đệ tử.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, không phải vì để đoạn trừ hữu lậu trong hiện tại mà Ta thiết lập học giới cho các đệ tử. Nhưng vì để đoạn trừ hữu lậu trong đời sau mà Ta thiết lập học giới cho các đệ tử. Bạt-đà-hòa-lợi, vì vậy, vì để đoạn trừ hữu lậu nên Ta thiết lập học giới đệ tử, khi đến vâng lãnh lời dạy của Ta.

“Bạt-đà-hòa-lợi, trước kia Ta đã từng nói pháp thí dụ về ngựa thuần giống[28] cho các Tỳ-kheo, ở trong đó, do nhân gì, duyên gì ngươi có nhớ không?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, trong ấy có nguyên nhân. Vì sao vậy? Thế Tôn thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo. Chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng lãnh học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Chỉ riêng con tuyên bố là không kham nổi, từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì không theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, đó gọi là trong ấy có nguyên nhân.”

Đức Thế Tôn lại nói với Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi, rằng:

“Trong đó không phải chỉ có nguyên nhân như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nói thí dụ về loài ngựa thanh tịnh cho các Tỳ-kheo, thì ngươi hẳn là không nhất tâm, không khéo cung kính, không tư niệm mà nghe. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó gọi là trong ấy lại còn có nguyên nhân khác nữa vậy.”

Lúc bầy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng lúc! Nếu Thế Tôn nói thí dụ về con ngựa thuần giống cho các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn nói, sẽ khéo léo ghi nhớ.”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng như người biết cách huấn luyện ngựa, được một con ngựa tốt thuần giống. Người giỏi huấn luyện ấy trước hết trị cái miệng của nó. Sau khi trị miệng, tất nhiên nó sẽ không thích với sự chuyển động, muốn hay không muốn. Vì sao vậy? Vì chưa từng được trị. Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu con ngựa tốt thuần giống tuân theo cách trị của người huấn luyện, cách trị thứ nhất được thành tựu. Nhưng người huấn luyện lại phải trị bằng cách dàm mõm, cùm chân; cùm chân, dàm mõm, nhưng khiến nó sãi, đi, cần phải làm cho nó dừng lại, chạy đua, có thể để vua cỡi; đi không gì hơn, trầm tĩnh không gìn hơn; trị các chi thể khác, thảy đều huấn luyện cho thành tựu. Tất nhiên nó không thích với chuyển động, hoặc muốn hay không muốn. Vì sao vậy? Vì bị sửa trị nhiều lần. Này Bạt-đà-hòa-lợi! Nếu con ngựa tốt thuần giống, với người huấn luyện, được sửa trị nhiều lần cho đến thành tựu. Lúc bấy giờ nó là con ngựa thuần thục, khéo thuần thục, được đệ nhất vô thượng thuần thục, vô thượng hành, đệ nhất hành, rồi xung vào cho vua cỡi, ăn thóc của vua, được gọi là ngựa vua.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng vậy, nếu bấy giờ có một người hiền minh, có trí, thành tựu mười pháp vô học, vô học chính kiến cho đến vô học chánh trí, người ấy lúc bấy giờ là một người thuần thục, khéo thuần thục, vô thượng thuần thục, được đệ nhất vô thượng thuần thục, vô thượng tĩnh chỉ, đệ nhất tĩnh chỉ, diệt trừ tất cả tà vạy, diệt trừ tất cả ô uế, diệt trừ tất cả sợ hãi, diệt trừ tất cả si ám, diệt trừ tất cả siểm nịnh, lặng đọng mọi trần lao, thanh tịnh mọi cấu trược, không còn gì để bị dính trước đáng kính, đáng trọng, đáng phụng, đáng thờ, là ruộng phước cho hết thảy chư Thiên và Nhân loại.”

Phật thuyết như vậy, Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi, và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Bản Hán, quyển 51. Tương đương Pāli, M.65. Bhāddāli-suttaṃ. Tham chiếu, No.125 (49.7).

[2]. Nhất tọa thực 一 坐 食. Một ngày chỉ ăn một lần giữa ngọ, và trong một lần ấy cũng chỉ ngồi một lần, nếu có duyên sự gì phải đứng dậy nửa chừng thì không ngồi ăn trở lại. Đây là một trong sáu phép tịnh thực và cũng là một trong mười hai hạnh đầu đà. Xem thêm Luật Tứ Phần 14 (No.1428, Đại 22, tr.660). Xem cht.6, kinh 193. Pāli: ekāsanabhojana.

[3]. Bạt-đà-hòa-lợi 跋 陀 和 利. Pāli: Bhaddālī.

[4]. Pāli nói: ăn một phần tại chỗ và một phần mang đi. Theo Luật Tứ Phần (sđd.,nt), trường hợp Tỳ-kheo bệnh, có thể ăn nhiều lần.

[5]. Trong Luật tạng không thấy nói đến học giới Nhất tọa thực nhưng nói là Sát sát thực (Pāli: parampara-bhojana).

[6]. Bất học cụ giới, xem cht.17 dưới.

[7]. Văn giả thiết, trực tiếp dẫn lời của Bạt-đà-hòa-lợi.

[8]. Câu giải thoát 俱 解 脫, hay Câu phần giải thoát. Pāli: ubhatobhāgavimutta. Xem kinh 195 sau.

[9]. Pāli nói: ehi me tvam bhikkhu paṅke sāṅkamo hoti, “Tỳ-kheo, lại đây, làm cầu trên bùn cho Ta”.

[10]. Tuệ giải thoát 慧 解 脫. Pāli: Paññāvimutta, xem kinh 195 ở sau.

[11]. Thân chứng 身 證. Pāli: kāyasakkhin, xem kinh 195 ở sau.

[12]. Kiến đáo 見 到. Pāli: diṭṭhipatta, xem kinh 195 ở sau.

[13]. Tín giải thoát 信 解 脫. Pāli: saddhāvimutta, nt.

[14]. Pháp hành 法 行, hay tùy pháp hành. Pāli: dhammānusārin, nt.

[15]. Tín hành 信 行, hay tùy tín hành. Pāli saddhāssussārin, nt.

[16]. Vô tín pháp tĩnh 無 信 法 靜 (hoặc 靖) vô ái pháp tĩnh 無 愛 法 靖, vô tránh pháp tĩnh 無 諍(hoặc 靖) 法 靖. Chưa rõ ý nghĩa. Xem cht.2 đoạn dưới.

[17]. Bất học cụ giới 不 學 具 戒. Pāli satthusāsane sikkhāya aparipūrakārī, sự học tập không đầy đủ trong giáo pháp của Tôn sư.

[18]. Trong nguyên bản: hiện pháp lạc cư.

[19]. Đối chiếu bản Pāli tassa tathāvūpakaṭṭhassa viharato satthāpi upavadati... devatāpi upavadanti, vị ấy trong khi sống viễn ly như vậy, nhưng Đạo sư chỉ trích,..., chư Thiên cũng chỉ trích.

[20]. Minh đạt 明 達, hay minh, tức ba minh: Pāli: tisso vijjā.

[21]. Ức túc mạng trí tác chứng minh đạt 憶 宿 命 智 作 證 明 達, hay túc mạng trí minh, hay túc trụ tùy niệm tác chứng minh; xem Tập Dị Môn Luận 6, Đại 26, tr.391a. Pāli: pubbenivāsānusatiñāṇaṃ vijjā.

[22]. Sanh tử trí tác chứng minh đạt 生 死 智 作 證 明 達, hay tử sanh trí tác chứng minh; xem Tập Dị Môn, đd. nt. Pāli: sattānaṃ cutūpapāte ñāṇaṃ vijjā.

[23]. Lậu tận trí tác chứng minh. Pāli: āsavānaṃ khaye ñāṇaṃ vijjā.

[24]. Đương quán linh cửu trụ 當 觀 令 久 住. Pāli: (...) upaparikkhatha (...) na khippameva vūpasameyyā ti, hãy tham cứu, chớ chấm dứt sớm.

[25]. Hữu tín hữu ái hữu tĩnh 有 信 有 愛 有 靖 (hay 諍? Pāli: (...) saddāmattakena vahati pemamattakena, (Tỳ-kheo ấy) tùng sự (Tăng) với một ít lòng tin, một ít yêu mến. Bản Hán nói thêm tĩnh, mà có thể là tránh chép nhầm. Đoạn này có thể hiểu: “Tỳ-kheo tuy phạm tọâi, nhưng còn một ít lòng tin, một ít thương yêu, và với một ít tranh chấp nhỏ”.

[26]. Hỷ hảo pháp 喜 好 法, “chuộng tốt”. Pāli: āsavaṭṭhāniyā dhammā, pháp được xác lập trên hữu lậu.

[27]. Năm trường hợp pháp hữu lậu phát sanh trong Tăng chúng: có thịnh lợi, tăng lớn mạnh, có danh dự, có bậc kỳ túc được kinh trọng, và có học vấn cao. So sánh Pāli: saṅgho mahattaṃ patto... lābhaggaṃ patto... yasaggaṃ... bāhusaccau... rattaññutaṃ...

[28]. Thanh tịnh mã dư pháp 清 淨 馬 喻 法. Pāli: ājāniyasusūpamaṃ dhamma-pariyāyṃ, pháp môn thí dụ lương mã (tuấn mã).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]