Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

154. Kinh Bà-la-bà đường [1]

10/05/201312:31(Xem: 17610)
154. Kinh Bà-la-bà đường [1]

Kinh Trung A Hàm

154. Kinh Bà-la-bà đường [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa nước Xá-vệ, trú tại Đông viên, trong giảng đường Lộc tử mẫu[2].

Bấy giờ, có hai người thuộc dòng Phạm chí là Bà-tư-tra[3] và Bà-la-bà[4], cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Các Phạm chí khác thấy vậy, chỉ trích họ dữ dội, nói những lời rất gay gắt và cay đắng, rằng: “Dòng Phạm chí là hơn hết, không dòng nào bằng; dòng Phạm chí là da trắng, ngoài ra đều là da đen; Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh; Phạm chí con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên. Các ông bỏ nơi thù thắng mà đi theo chỗ thấp hèn, bỏ trắng theo đen. Bọn Sa-môn đầu trọc kia bị trói buộc vào da đen, nên tuyệt tự, không con cái. Cho nên, các ông đã làm chuyện đại cực ác, phạm việc đại sai lầm."

Bấy giờ, vào buổi chiều, Đức Thế Tôn từ thiền tọa dậy, bước xuống giảng đường. Ngài kinh hành trên khoảng đất trống trong bóng mát của giảng đường, rồi nói pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo.

Tôn giả Bà-tư-tra từ xa trông thấy Đức Thế Tôn vào buổi chiều từ thiền tọa dậy, bước xuống giảng đường. Ngài kinh hành trên khoảng đất trống trong bóng mát của giảng đường, rồi nói pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo. Sau khi thấy như vậy, Tôn giả Bà-tư-tra nói:

“Này Hiền giả Bà-la-bà, nên biết, Đức Thế Tôn, vào buổi chiều, từ thiền tọa dậy, bước xuống giảng đường. Ngài kinh hành trên khoảng đất trống trong bóng mát của giảng đường, rồi nói pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo. Này Hiền giả Bà-la-bà, chúng ta nên đến chỗ Đức Phật, hoặc có thể nhân đây mà được nghe Ngài nói pháp.”

Khi ấy, Bà-tư-tra và Bà-la-bà liền đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ, rồi đi kinh hành theo sau.

Đức Thế Tôn quay lại nói với hai người kia:

“Bà-tư-tra, hai Phạm chí, các ngươi từ bỏ chủng tộc Phạm chí, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; các Phạm chí khác thấy như vậy, không chỉ trích các ngươi sao?”

Hai người kia liền bạch:

“Quả thật vậy, bạch Đức Thế Tôn. Các Phạm chí thấy như vậy, chỉ trích dữ dội, gay gắt, cay đắng.”

Đức Thế tôn hỏi:

“Này Bà-tư-tra, các Phạm chí thấy như vậy, đã chỉ trích dữ dội, gay gắt, cay đắng như thế nào?”

Bà-tư-tra thưa:

“Bạch Thế Tôn, các Phạm chí thấy chúng con như vậy, nói như thế này, ‘Dòng Phạm chí là hơn hết, không dòng nào bằng; dòng Phạm chí là da trắng, ngoài ra đều là da đen; Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh; Phạm chí con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên. Các ông bỏ nơi thù thắng mà đi theo chỗ thấp hèn, bỏ trắng theo đen. Bọn Sa-môn đầu trọc kia bị trói buộc vào da đen, nên tuyệt tự, không con cái. Cho nên, các ông đã làm chuyện đại cực ác, phạm việc đại sai lầm.’ Bạch Thế Tôn, các Phạm chí thấy chúng con như vậy, đã chỉ trích dữ dội, gay gắt, cay đắng như vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bà-tư-tra, những lời của các Phạm chí quá độc ác, hết sức vô lại. Vì sao? Vì họ ngu si, không khéo hiểu rõ, không biết ruộng tốt, không thể tự biết mình, dó đó mới nói như thế này, ‘Phạm chí chúng ta là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên.’ Vì sao? Này Bà-tư-tra, chính Ta, với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng này không chủ trương thọ sanh ưu thắng, không chủ trương chủng tộc, không chủ trương kiêu mạn, nói rắng ‘Nó đẹp lòng Ta; nó không đẹp lòng Ta[5],’ không vì chỗ ngồi, không vì nước[6], không vì sở học kinh sách.

“Này Bà-tư-tra, chỗ nào có hôn nhân[7], nơi đó mới có thể nói về thọ sanh, về chủng tộc, về kiêu mạn, nói, ‘Nó đẹp lòng Ta, không đẹp lòng Ta; vì chỗ ngồi, vì nước uống và vì sở học kinh sách.

“Này Bà-tư-tra, nếu ai chủ trương thọ sanh, chủ trương chủng tộc, chủ trương kiêu mạn, người ấy cách biệt quá xa đối với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của Ta.

Này Bà-tư-tra, nói về thọ sanh, về chủng tộc, về kiêu mạn, nói: ‘Nó đẹp lòng Ta, không đẹp lòng ta,’ vì chỗ ngồi, vì nước uống và vì sở học kinh sách thì cách biệt với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của ta.

“Lại nữa, này Bà-tư-tra, ở đây có ba giai cấp[8] khiến cho không phải tất cả mọi người cùng tranh luận với nhau, thiện và bất thiện lẫn lộn, được các bậc Thánh khen ngợi hoặc không khen ngợi. Thế nào là ba? Đó là: dòng Sát-lợi, dòng Phạm chí, dòng Cư sĩ.

“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Người Sát-lợi có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà khiến; người Cư sĩ cũng vậy, chứ không phải Phạm chí (mới làm những chuyện đó chăng)?”

Bà-tư-tra rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, dòng Sát-lợi cũng có người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến và dòng Phạm chí, Cư sĩ cũng vậy.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Chỉ có người Phạm chí mới xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến; còn Sát-lợi, Cư sĩ thì không như vậy chăng?”

Bà-tư-tra thưa rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, Phạm chí cũng có người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến, và Sát-lợi, Cư sĩ cũng vậy.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Nếu có vô lượng pháp ác, bất thiện, thì đó chỉ là việc làm của Sát-lợi, Cư sĩ, chứ không phải Phạm chí chăng? Và nếu có vô lượng pháp thiện, thì đó chỉ là việc làm của Phạm chí chứ chẳng phải Sát-lợi, Cư sĩ?”

Bà-tư-tra thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có vô lượng pháp ác, bất thiện thì hàng Sát-lợi, Cư sĩ kia cũng có thể làm, mà Phạm chí cũng vậy. Nếu có vô lượng pháp thiện, thì Phạm chí cũng có thể làm, và Sát-lợi, Cư sĩ cũng vậy.”

“Này Bà-tư-tra, nếu có vô lượng pháp ác, bất thiện, mà tuyệt đối chỉ có Sát-lợi làm, chứ không phải Phạm chí làm, và nếu có vô lượng pháp thiện, mà tuyệt đối chỉ có Phạm chí làm chứ không phải Sát-lợi, Cư sĩ làm, thì các Phạm chí kia có thể nói như thế này, ‘Phạm chí chúng ta là con Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên.’ Vì sao? Này Bà-tư-tra, người ta thấy một nữ Phạm chí vừa mới lấy chồng, sau khi lấy chồng thì nàng mang thai và sau đó lại thấy nàng sanh ra một bé trai, hoăc là một bé gái. Này Bà-tư-tra, như vậy, các Phạm chí cũng y theo pháp thế gian sanh ra từ sản đạo, thế nhưng họ lại nói láo, vu báng Phạm thiên mà nói như thế này, ‘Phạm chí chúng ta là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên.’

“Này Bà-tư-tra, nếu một Thiện nam tử, bất luận chủng tộc hay tánh danh nào, từ bỏ chủng tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, theo Ta học đạo, thì có thể nói như thế này, ‘Phạm chí chúng tôi là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên[9].’ Vì sao? Này Bà-tư-tra, vì Thiện nam tử ấy vào trong Chánh pháp luật của Ta, thọ lãnh Chánh pháp và Giới luật, đến được bờ bên kia, đoạn nghi, trừ hoặc, không có do dự, đối với Pháp của Đấng Thế Tôn đã được vô sở úy. Cho nên, người ấy đáng nói như thế này, ‘Phạm chí chúng ta là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên.’

“Này Bà-tư-tra, Phạm thiên đó là nói Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Bởi vì Phạm là Như Lai, Mát lạnh là Như Lai, Không phiền không nhiệt, Không lìa Như là Như Lai[10].

“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Những người họ Thích có hạ ý yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Ba-tư-nặc, vua nước Câu-tát-la chăng?”

Bà-tư-tra thưa:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Nếu những người họ Thích hạ ý yêu kính, quý trọng, cúng dường, phụng sự vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la thì như vậy, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la đối với bản thân có hạ ý, yêu kính, quý trọng, cúng dường, phụng sự Ta chăng?”

Đáp rằng:

“Những người họ Thích mà hạ ý, yêu kính, quý trọng, cúng dường, phụng sự vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, thì việc này không có gì lạ. Nếu vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la mà hạ ý, yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Đức Thế Tôn, thì việc này rất kỳ lạ.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bà-tư-tra, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la đối với bản thân Ta mà hạ ý, yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Ta, không phải với ý nghĩ rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm thuộc chủng tộc rất cao, còn ta chủng tộc quá thấp. Sa-môn Cù-đàm tài bảo rất nhiều, còn ta tài bảo quá ít. Sa-môn Cù-đàm hình sắc rất đẹp, còn ta hình sắc thô kịch. Sa-môn Cù-đàm có oai thần lớn, còn ta oai thần quá ít. Sa-môn Cù-đàm có trí tuệ thiện còn ta có trí tuệ ác.’ Nhưng này Bà-tư-tra, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-là chỉ vì yêu kính, tôn trọng Pháp và cúng dường Pháp, vì phụng sự Pháp cho nên đối với bản thân Ta, mà hạ ý, yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Ta.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với Tỳ-kheo rằng:

“Này Bà-tư-tra, có một lúc tất cả thế gian này đều hoại diệt. Khi thế gian này hoại, các chúng sanh sanh lên cõi trời Hoảng dục[11]; ở trong cõi ấy, sắc vi diệu, do ý hóa sanh. Tất cả chi tiết và các căn đều đầy đủ, dùng hỷ làm món ăn, tự thân phát sáng, bay lên hư không, sống lâu trong tịnh sắc[12].

“Này Bà-tư-tra, trong một thời gian quả đất này tràn ngập nước[13], do gió thổi qua và khuấy động trên mặt nước đóng lại một lớp tinh, hòa hiệp giống như sữa chín đóng váng và đông lại thành một lớp tinh. Cũng vậy, Bà-tư-tra, có một thời gian quả đất này tràn ngập nước, do gió thổi và khuấy động, trên mặt nước đông lại và hợp tụ hòa hợp thành một lớp tinh, từ đó sanh ra vị của đất[14], có sắc, có hương vị. Sắc nó như thế nào? Giống như sắc của sanh tô, và sắc của thục tô. Và vị của nó như thế nào? Như vị mật ong.

“Này Bà-tư-tra, có một thời gian khi thế giới này trở lại thời kỳ thành lập, có những chúng sanh, sanh trên cõi trời Hoảng dục, tuổi thọ hết, nghiệp hết, phước hết, mạng chung, sanh trở lại làm người, sanh vào thế gian này, cũng với sắc tướng thù diệu và do hóa sanh; tất cả chi tiết và các căn đều đầy đủ, dùng hỷ lạc làm thức ăn, tự thân phát sáng, bay trong hư không, sống lâu dài trong tịnh sắc.

“Này Bà-tư-tra, bấy giờ ở trong thế giới đó không có mặt trời, mặt trăng, cũng không có tinh tú, không có ngày đêm, không có một tháng hay nửa tháng, không có ngày giờ, không có năm. Này Bà-tư-tra, ngay vào lúc đó, không có cha, không có mẹ, không có trai hay gái, lại cũng không có chủ nhân và tôi tớ, chỉ một loại chúng sanh như nhau mà thôi. Rồi có một chúng sanh tham ăn, không liêm khiết, đã nghĩ như thế này, ‘Vị của đất như thế nào? Ta thử dùng ngón tay móc một ít đất này nếm thử.’ Khi ấy chúng sanh này bèn dùng ngón tay móc đất đó mà nếm thử. Như vậy, chúng sanh đã biết vị của đất. Người ấy lại muốn được ăn. Bấy giờ chúng sanh đó lại nghĩ như thế này, ‘Sao lại phải nếm vị của đất bằng ngón tay cho nhọc sức. Ta hãy dùng bàn tay vóc lấy vị đất này mà ăn.’ Khi đó chúng sanh này bèn dùng tay vóc lấy vị đất này mà ăn.

“Trong số các chúng sanh kia lại có những chúng sanh khác thấy các chúng sanh này mỗi người dùng tay vóc lấy vị đất mà ăn, bèn nghĩ như thế này, ‘Cái này thật là hay, cái này thật là khoái, chúng ta có thể dùng tay vóc lấy vị đất này để ăn.’ Rồi các chúng sanh liền dùng tay vóc lấy vị đất này để ăn. Khi họ đã dùng tay vóc lấy vị đất này để ăn như vậy và như vậy, thân họ trở thành dày, trở thành nặng, thành cứng. Nếu trước kia họ có sắc thanh tịnh, thì lúc ấy bị mất, tự nhiên sanh ra tối tăm.

“Này Bà-tư-tra, pháp của thế gian tự nhiên có điều này: nếu sự tối tăm đã sanh ra, thì mặt trời, mặt trăng tất xuất hiện. Mặt trời, mặt trăng đã xuất hiện, thì các tinh tú cũng xuất hiện; tinh tú xuất hiện, tức thì thành ngày đêm, thành ngày đêm rồi, thì liền có một tháng hay nửa tháng có ngày giờ và có năm. Họ ăn vị của đất và sống đời rất lâu.

“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào ăn nhiều vị của đất, thì sắc da thành xấu, nếu ăn ít vị của đất thì sắc da đẹp; từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Nhân màu sắc hơn kém cho nên mỗi mỗi chúng sanh có những lời khinh mạn lẫn nhau, ‘Sắc da của ta hơn, sắc của ông không bằng.’ Nhân màu sắc hơn kém mà sanh ra sự khimh mạn và ác pháp, cho nên vị của đất liền mất. Khi vị của đất đã mất, các chúng sanh kia liền tụ tập nhau lại, khóc lóc não nề và nói như thế này, ‘Hỡi ôi vị đất! Hỡi ôi vị đất!’ Cũng như người đời nay ngậm tan vật ngon; chúng không nói chữ của thời xưa, tuy thọ trì mà không biết nghĩa[15]. Sự quán sát ý nghĩa cũng được nói như vậy.

“Này Bà-tư-tra, sau khi vị của đất mất, chất béo của đất[16] có sắc, hương, vị sanh ra cho các chúng sanh kia. Sắc nó như thế nào? Như sắc của sanh tô và thục tô. Vị như thế nào? Như vị của mật ong. Chúng sanh kia ăn chất béo của đất này mà tồn tại ở thế gian trong một thời gian lâu dài.

“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào ăn chất béo của đất nhiều thì sắc da xanh xấu, người ăn chất béo của đất ít thì có sắc da đẹp, từ đó có sự phân biệt hơn kém về sắc da. Nhân màu sắc có hơn kém cho nên mỗi mỗi chúng sanh cùng nói nhau lời khinh mạn: ‘Sắc của ta hơn, sắc của ông không bằng.’ Do sắc hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên chất chất béo của đất liền tiêu mất. Khi chất béo của đất tiêu mất, các chúng sanh kia liền nhóm họp nhau lại, khóc lóc não nề và nói như thế này: ‘Hỡi ơi chất béo của đất! Hỡi ơi chất béo của đất!’ Cũng như người đời nay bị người khác mắng; chúng không nói chữ của thời xưa, tuy thọ trì mà không biết nghĩa[17]. Sự quán sát ý nghĩa cũng được nói như vậy.

“Này Bà-tư-tra, sau khi chất béo của đất tiêu mất, một loại bà-la[18] có sắc, có hương vị sanh ra cho các chúng sanh kia. Sắc nó như thế nào? Như sắc hoa đàm. Vị nó như thế nào? Như vị mật ong tinh chất. Họ ăn dây bà-la này mà tồn tại ở thế gian trong thời gian lâu dài.

“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào ăn bà-la nhiều thì sắc da thành xấu, người ăn ít bà-la thì có sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu da. Nhân sắc có hơn kém, cho nên mỗi mỗi chúng sanh nói lời khinh mạn với nhau rằng, ‘Sắc ta hơn, sắc ông không bằng.’ Nhân sắc có hơn kém mà sanh khinh mạn và ác pháp, cho nên bà-la liền diệt mất. Khi bà-la đã diệt mất, các chúng sanh kia liền nhóm họp nhau lại, khóc lóc não nề và nói như thế này: ‘Hỡi ơi bà-la! Hỡi ơi bà-la!’ Cũng như người đời nay bị người khác mắng; chúng không nói chữ của thời xưa, tuy thọ trì mà không biết nghĩa. Sự quán sát ý nghĩa cũng được nói như vậy.

“Này Bà-tư-tra, sau khi bà-la diệt mất, loại nếp tự nhiên[19] sanh ra cho các chúng sanh kia. Trắng tinh, không vỏ cũng không có cám, trấu; dài bốn tấc. Sớm mai cắt chiều sanh, chiều cắt sáng sanh; lúa chín có vị muối, không có mùi sống. Chúng sanh ăn loại nếp tự nhiên này. Sau khi họ ăn nếp tự nhiên này, tức thì sanh ra sự khác nhau về thân hình. Hoặc có chúng sanh trở thành hình dạng con trai, hoặc có chúng sanh trở thành hình dạng con gái. Sau khi các chúng sanh này trở thành hình trai và hình gái, họ thấy nhau bèn nói như thế này: ‘Ôi, ác chúng sanh ra đời! Ác chúng sanh ra đời!’

“Này Bà-tư-tra, ác chúng sanh đó là nói người đàn bà. Khi chúng sanh kia đã trở thành hình trai và hình gái, thì họ nhìn ngắm nhau. Nhìn ngắm nhau rồi, nhìn kỹ nhau bằng mắt; mắt nhìn kỹ rồi, thì họ nhiễm nhau; nhiễm nhau rồi, liền sanh bức rức; bức rức rồi, thì ái trước nhau; ái trước nhau rồi, họ làm chuyện dâm dục. Nếu họ bị bắt gặp trong lúc hành dục, người ta bèn dùng cây, đá, hoặc dùng gậy, đất cục mà đánh, ném, và nói như thế này: ‘Ôi, bọn họ xấu xa, làm việc phi pháp! Tại sao chúng sanh làm chung nhau chuyện như vậy?’ Cũng như người thời nay khi rước vợ mới người ta rải hoa, hay buông rũ những tràng hoa và nói như thế này: ‘Chúc cô dâu bình an! Chúc cô dâu bình an!’[20] Đó là việc mà xưa kia thì người ta ghét, còn nay thì người ta yêu.

“Này Bà-tư-tra, cũng có chúng sanh ghét pháp bất tịnh, ghê tởm, sỉ nhục, hổ thẹn, người đó liền xa đám đông[21] từ một ngày, hai ngày, đến sáu bảy ngày, nửa tháng, một thàng cho đến một năm.

“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào muốn làm việc bất tịnh này, thì người ấy bèn làm nhà và nói như thế này: ‘Ta làm chuyện xấu trong này! Ta làm chuyện xấu trong này!’ Này Bà-tư-tra, đó là nhân duyên đầu tiên trong thế gian có pháp dựng nhà. Đó là trí bậc nhất kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người[22].

“Ở đây, có một chúng sanh lười biếng. Người ấy nghĩ như thế này: ‘Tại sao ta phải mỗi bữa đi lấy nếp tự nhiên? Sao ta không lấy luôn cho đủ ăn một ngày?’ Người ấy bèn gom lấy gạo ăn cho một ngày. Khi ấy, có một chúng sanh khác nói với người ấy rằng: ‘Này Chúng sanh, ông đi lấy gạo với tôi chăng?’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi đã gom đủ. Ông đi lấy một mình vậy.’

“Chúng sanh kia nghe rồi, liền nghĩ như thế này: ‘Thật là hay, thật là khoái! Ta cũng có thể lấy luôn gạo ăn cho ngày mai chăng?’ Người này bèn lấy luôn gạo cho ngày mai.

“Lại có một chúng sanh khác nói với người này rằng: ‘Này Chúng sanh! Ông hãy đi lấy gạo với tôi chăng?’ Chúng sanh kia đáp: ‘Tôi đã lấy luôn gạo cho ngày mai, ông đi một mình vậy.’ Chúng sanh này nghe rồi, bèn nghĩ như thế này: ‘Thật là hay, thật là khoái! Ta nay nên lấy gạo ăn luôn trong bảy ngày.’ Khi chúng sanh này lấy loại lúa tự nhiên tích tụ rất nhiều; lúa nếp được cất bèn sanh ra vỏ và cám, cắt lấy cho đến bảy ngày cũng sanh vỏ và cám. Cắt đến đâu, chỗ ấy không còn mọc trở lại nữa.

“Bấy giờ, các chúng sanh mới cùng nhóm họp, khóc lóc não nề mà nói thế này: ‘Chúng ta đã làm phát sanh pháp ác, bất thiện; bọn chúng ta cất chứa gạo để lâu. Vì sao? Bởi lẽ, chúng ta trước kia có sắc tướng thù diệu, và do ý hóa sanh; tất cả chi tiết và các căn đều đầy đủ, dùng hỷ làm thức ăn, tự nhiên chói sáng, bay trong hư không, sống lâu dài với tịnh sắc. Chúng ta sanh ra vị của đất có sắc, hương, vị. Sắc như thế nào? Như sắc của sanh tô và thục tô. Vị thế nào? Vị như mật ong. Chúng ta ăn vị của đất và tồn tại trong một thời gian lâu dài. Chúng ta nếu ăn nhiều vị của đất, sắc da thành xấu. Người ăn vị của đất ít, thì có sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Nhân màu sắc hơn kém, cho nên chúng ta mỗi người cùng nói lời khinh mạn nhau rằng: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Nhân sắc có hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên vị của đất liền tiêu mất. Sau khi vị của đất tiêu mất, loại chất béo của đất, có sắc, hương, vị sanh ra cho chúng ta. Sắc như thế nào? Như sắc của sanh tô, thục tô. Vị như thế nào? Vị như mật ong. Chúng ta ăn chất béo của đất mà tồn tại ở thế gian trong một thời gian lâu dài. Người nào ăn chất béo của đất nhiều thì sắc da thành xấu; người ăn chất béo của đất ít thì sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Vì sắc có hơn kém, cho nên chúng ta mỗi người cùng nói lời khinh mạn nhau: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Vì sắc hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên chất béo của đất liền tiêu mất. Sau khi chất béo của đất tiêu mất, loại bà-la, có sắc, hương, vị sanh ra cho chúng ta. Sắc như thế nào? Sắc như hoa đàm. Vị như thế nào? Như vị mật ong tinh chất. Chúng ta ăn bà-la mà tồn tại ở thế gian lâu dài. Người nào nếu ăn bà-la nhiều, thì sắc da thành xấu, người ăn bà-la ít, thì có sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Nhân sắc có hơn kém cho nên chúng ta mỗi người cùng nói lời khinh mạn nhau rằng: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Nhân sắc hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên bà-la liền tiêu mất. Sau khi bà-la mất, loại nếp tự nhiên sanh ra cho chúng ta, trắng tinh, không vỏ, cũng không cám, trấu; dài bốn tấc, sáng cắt chiều sanh, chiều cắt sáng sanh, lúa chín có chất muối, không có mùi sống. Chúng ta ăn nếp tự nhiên kia. Khi chúng ta tích tụ loại nếp tự nhiên rất nhiều; nếp lúa được cất liền sanh vỏ, cám, cắt cho đến bảy ngày cũng sanh vỏ, cám; cắt đến đâu, chỗ đó không còn mọc trở lại nữa. Vậy chúng ta phải làm thành ruộng, và cắm mốc chăng?’

“Rồi các chúng sanh ấy làm ruộng, gieo giống và cắm mốc. Trong khi đó có một chúng sanh đã có lúa của mình, còn vào ruộng người khác mà lấy trộm lúa. Người chủ ruộng thấy vậy bèn nói như thế này: ‘Chao ôi! Chúng sanh xấu ác đã ra đời! Tại sao ngươi làm như vậy? Ngươi có lúa của ngươi mà còn vào ruộng của người khác lấy trộm lúa; hãy đi đi. Về sau đừng làm như vậy nữa.’ Song chúng sanh kia vẫn đi lấy trộm lúa của người khác hai ba lần nữa. Người chủ ruộng cũng hỏi hai ba lần, thấy rồi, liền nắm tay thoi chúng sanh kia, lôi đến chỗ đông người và nói với mọi người rằng: ‘Chúng sanh này có lúa của nó mà còn vào ruộng tôi lấy trộm lúa tôi.’ Chúng sanh kia cũng nói với mọi người rằng: ‘Chúng sanh này nắm tay tôi, thoi tôi, lôi tôi đến chỗ đông người.’ Khi ấy, các chúng sanh kia cùng nhau nhóm họp, khóc lóc não nề và nói như thế này: ‘Chúng ta sanh pháp ác bất thiện, đó là phải giữ ruộng vậy. Vì sao? Vì gìn giữ ruộng, cho nên mới cùng nhau tranh tụng, có mất mát, kiệt tận, có nói chuyện nhau bằng lời, có thoi nhau bằng nắm tay. Trong số đông này chúng ta hãy cử ra một người đoan chánh, có hình sắc rất đẹp đẽ, lập làm điền chủ. Nếu người nào đáng quở trách thì phải để cho ông ấy quở trách. Nếu người nào đáng đuổi thì để cho ông ấy đuổi. Còn lúa bọn chúng ta thu được thì nên theo đúng như pháp chở đến cho ông ấy.’

“Khi ấy trong số chúng sanh kia có một người đoan chánh, hình sắc đẹp đẽ đệ nhất, họ bèn cử ra, lập làm điền chủ. Nếu có ai đáng quở trách thì ông ấy quở trách; nếu có ai đáng đuổi, thì ông ấy đuổi. Nếu có lúa thì họ đúng như pháp chở đến cho điền chủ. Điền chủ đó tức là Sát-lợi[23]. Làm cho chúng sanh hoan lạc đúng như pháp, thủ hộ và hành giới là vua[24]. Vua được gọi là vua vậy.

“Này Bà-tư-tra, đó la nhân duyên đầu tiên của dòng Sát-lợi trong thế gian. Đó là trí bậc nhất kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người.

“Khi ấy, có chúng sanh cho rằng sự thủ hộ là bệnh, thủ hộ là ung nhọt, thủ hộ là mũi tên đâm, liền từ bỏ sự thủ hộ, nương nơi vô sự[25], làm nhà lá để ở và học Thiền. Người ấy từ chỗ vô sự, mỗi buổi sáng vào thôn ấp hay vương thành mà khất thực. Số đông chúng sanh kia thấy vậy liền bố thí cho, cung kính, tôn trọng và nói như thế này: ‘Chúng sanh này cho rằng thủ hộ là bệnh, thủ hộ là ung nhọt, thủ hộ là mũi tên đâm, nên đã từ bỏ thủ hộ, nương nơi vô sự làm nhà lá để ở và học Thiền. Này chư Tôn, người này đã xả bỏ sự gây hại, pháp ác, bất thiện.’ Đó là Phạm chí. Do đó Phạm chí được gọi là Phạm chí vậy[26].

“Chúng sanh kia học Thiền mà không đắc Thiền, học khổ hạnh mà không đắc khổ hạnh, học viễn ly mà không đắc viễn ly, học nhất tâm mà không đắc nhất tâm, học tinh tấn mà không được tinh tấn, liền bỏ chỗ vô sự, trở về thôn ấp, vương thành, làm nhà bốn trụ, tạo lập kinh sách. Các chúng sanh kia thấy vậy, bèn không bố thí, không cung kính, tôn trọng nữa và nói như thế này: ‘Chúng sanh này trước kia coi thủ hộ là bệnh, thủ hộ là ung nhọt, thủ hộ là mũi tên đâm, bèn từ bỏ sự thủ hộ, nương nơi vô sự, làm nhà lá để ở và học Thiền, nhưng không thể đắc Thiền, học khổ hạnh mà không đắc khổ hạnh, học viễn ly mà không được viễn ly, học nhất tâm mà không được nhất tâm, học tinh tấn mà không được tinh tấn liền bỏ nơi vô sự, trở về thôn ấp, vương thành, làm nhà bốn trụ, tạo lập kinh sách. Này chư Tôn, người này lại học sự bác văn, không học Thiền nữa. Bác văn do đó được gọi là bác văn vậy[27].

“Này Bà-tư-tra, đó là nhân duyên đầu tiên của dòng Phạm chí trong thế gian. Đó là trí bậc nhất kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người.

“Bấy giờ, các chúng sanh khác, mỗi người đến mỗi phương mà làm ruộng; người thì đi về phương này mà làm nghề làm ruộng; người thì đi về phương kia mà làm nghề làm ruộng. Đó là dòng Phệ-xá.

“Này Bà-tư-tra, đây là nhân duyên đầu tiên có dòng Phệ-xá trong đời. Đó là trí bậc nhất kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người.

“Này Bà-tư-tra, khi thế gian khởi lên ba chủng tánh này rồi, thì liền biết có dòng Sa-môn thứ tư[28]. Tại sao trong thế gian có ba chủng tánh này rồi liền biết có dòng Sa-môn thứ tư? Trong dòng tộc Sát-lợi có những thiện nam tử hay tự quở trách mình, ghét pháp bất thiện, tự chán ghét pháp ác, bất thiện, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình học đạo, và suy nghĩ thế này: ‘Ta nên làm Sa-môn, tu Phạm hạnh.’ Người ấy bèn làm Sa-môn, tu Phạm hạnh. Thiện nam tử trong dòng tộc Phạm chí, dòng tộc Phệ-xá cũng vậy, cũng tự quở trách, ghét pháp bất thiện, tự chán ghét pháp ác, bất thiện, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, cũng nghĩ như thế này: ‘Ta nên làm Sa-môn, tu Phạm hạnh,’ bèn làm Sa-môn và tu Phạm hạnh.

“Này Bà-tư-tra, như vậy, trong thế gian khởi lên ba chủng tánh này rồi, thì liền biết có dòng Sa-môn thứ tư.

“Này Bà-tư-tra, nay Ta nói rộng về ba chủng tánh này. Nói rộng về ba chủng tánh này thế nào? Một thiện nam tử thuộc chủng tộc Sát-lợi mà thân làm pháp bất thiện, khẩu, ý, làm pháp bất thiện, thì người đó khi thân hoại mạng chung, nhất định phải thọ khổ.

“Cũng vậy, thiện nam tử trong dòng tộc Phạm chí, dòng tộc Phệ-xá, thân làm pháp bất thiện, khẩu, ý, làm pháp bất thiện, thì người đó khi thân hoại mạng chung, nhất định phải thọ khổ.

“Này Bà-tư-tra, một thiện nam tử thuộc dòng tộc Sát-lợi mà thân làm thiện pháp, khẩu, ý làm thiện pháp, thì người đó khi thân hoại chung, nhất định sẽ thọ lạc.

“Cũng vậy, thiện nam tử dòng tộc Phạm chí, dòng tộc Phệ-xá, mà thân làm thiện pháp, khẩu, ý làm thiện pháp, thì người đó khi thân hoại mạng chung, nhất định sẽ thọ lạc.

“Này Bà-tư-tra, thiện nam tử thuộc dòng tộc Sát-lợi, thân làm hai hạnh, và giữ hộ hạnh[29], khẩu, ý làm hai hạnh và giữ hộ hạnh, thì người đó khi thân hoại mạng chung, sẽ thọ khổ và lạc.

“Cũng vậy, này Bà-tư-tra, thiện nam tử thuộc dòng tộc Phạm chí hay Phệ-xá, thân làm hai hạnh, và giữ hộ hạnh, khẩu, ý làm hai hạnh và giữ hộ hạnh, thì người đó khi thân hoại mạng chung, sẽ thọ khổ và lạc.

“Này Bà-tư-tra, thiện nam tử dòng tộc Sát-lợi tu bảy giác pháp, khéo tư duy và khéo quán sát, biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết như thật: Sự sanh đã hết, Phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, sẽ không còn tái sanh nữa.

“Cũng vậy, thiện nam tử dòng tộc Phạm chí, dòng tộc Phệ-xá tu bảy giác pháp, khéo tư duy, khéo quán sát; người ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết như thật: Sự sanh đã hết, Phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh.

“Này Bà-tư-tra, như vậy, Ta đã phân biệt rộng rãi về ba chủng tánh này vậy.

“Phạm thiên đế chúa[30] nói bài kệ:
Loài hai chân, Sát-lợi tối tôn,
Đấy là chủ trương có chủng tộc.
Những ai cầu học Minh và Hạnh,
Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.

“Này Bà-tư-tra, Phạm thiên đế chúa khéo nói bài kệ này chứ không phải không khéo, khéo ca ngơi, phúng tụng chứ không phải không khéo, khéo ngâm vịnh và nói, chứ không phải không khéo, nói như thế này:

Loài hai chân, Sát-lợi tối tôn,
Đấy là chủ trương có chủng tộc.
Những ai cầu học Minh và Hạnh,
Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.
“Vì sao? Vì Ta cũng nói như vậy:
Loài hai chân, Sát-lợi tối tôn,
Đấy là chủ trương có chủng tộc.
Những ai cầu học Minh và Hạnh,
Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.”

Đức Phật nói như vậy, Tôn giả Bà-tư-tra, Bà-la-bà và chư Tỳ-kheo nghe Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Bản Hán, quyển 39. Pāli, D.27 Agaññasuttanta. Hán, biệt dịch, Trường A-hàm 5, “Kinh Tiểu Duyên”; No.10 Phật Thuyết Bạch Y Kim Tràng Nhị Bà-la-môn Duyên Khởi Kinh, Tống, Thi Hộ dịch.

[2]. Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường 東 園 鹿 子 母 講 堂. Pāli: pubbārāme Migāra-mātu-pasāde.

[3]. Bà-tư-tra 婆 私 吒. Pāli: Vāseṭṭha.

[4]. Bà-la-bà 婆 羅 婆. Pāli: Bhāradvāja.

[5]. Cf. D.3 Ambaṭiha-suttanta: jātivādo vā vuccati, gottavādo vā vuccati manavādo vā vuccati, ’arahasi vā maṃ na vā maṃ tvaṃ arahasī ti, “thuyết về thọ sanh (huyết thống), thuyết về chủng tộc, thuyết về kiêu mạn, rằng ‘Ngươi xứng với ta; ngươi không xứng với ta’.”

[6]. Chỗ ngồi và nước (Pāli: āsanaṃ vā udakaṃ vā), tiêu chuẩn ưu tiên giai cấp.

[7]. Pāli, tham chiếu D.3 Ambaṭṭha, đã dẫn.

[8]. Bản Pāli: bốn giai cấp, kể luôn cả sudda.

[9]. Bản Pāli: Bhagavato’ mhi putto oraso mukhato jāto dhammajo dhammanimito dhammadayāko, “Chúng tôi là con của Thế Tôn; sanh ra từ miệng của Thế Tôn; được sanh ra bởi Pháp; được sáng tạo bởi Pháp, là kẻ thừa tự Pháp”.

[10]. Hán: lãnh thị Như Lai, vô phiền vô nhiệt, bất ly như, thị Như Lai 冷 是 如 來, 無 煩 無 熱, 不 離 如, 是 如 來. Pāli: tathāgatassa h’etam... adhivacanaṃ, dhammakāyo iti pi brahmakāyo iti pi dhammabhūto iti pi brahmabhūto iti pi, “Những từ ngữ này đồng nghĩa với Như Lai, Pháp thân, Phạm thân, Pháp thể, Phạm thể”.

[11]. Hoảng dục thiên 晃 昱 天. Pāli: Ābhassara. cũng dịch là Quang âm thiên, hay Cực quang thiên.

[12]. Pāli: subhaṭṭhāyin, sống trong phước lạc thuần tịnh.

[13]. Bản Pāli: ekodakī-bhūtaṃ... andhakāro andhakāra-timisā, chỉ toàn nước, một màu đen sẩm tối tâm.

[14]. Pāli: rasa-paṭhavī, vị đất, hay đất dưới dạng dịch vị (thể lỏng).

[15]. Pāli: tad eva porāṇaṃ aggaññaṃ akkharaṃ anupatanti, na tv ev’ assa atthaṃ ājānanti, chúng nói theo văn tự ấy của thượng cổ, mà không biết ý nghĩa của nó.

[16]. Hán: địa phì 地 肥. Pāli: bhūmi-pappaṭaka, một thứ bánh (sửa bò trộn với gạo) của đất. No.1(5) dịch là địa bính 地 餅.

[17]. Xem cht.15 trên.

[18]. Bà-la 婆 羅. Pāli: badālatā, một loại dây leo hay bò. No.1(5) dịch là lâm đằng 林 藤, dây sắn, hay dây leo rừng.

[19]. Tự nhiên canh mễ 自 然 粳 米. Pāli: akaṭṭhapāko sāli, thứ thóc lúa tự chín, không cần canh tác.

[20]. Trong bản Pāli: bị những người khác ném tro, bùn đất, hay phân bò, và nhiếc mắng.

[21]. Trong bản Pāli, những con người hành dâm đầu tiên bị cộng đồng xa lánh.

[22]. Pāli: dhammo hi... seṭṭho jane tasmiṃ diṭṭhe c’ eva dhamme abhisamparāyañ ca, “Pháp là tối thượng trong đời, trong hiện tại, và trong đời sau”.

[23]. Định nghĩa từ sát-đế-lị; Pāli: khettānaṃ patīti...khattiyo, “Khattiya (sát-đế-lị), là người chủ của ruộng đất”.

[24]. Định nghĩa từ vua, trong Pāli, từ rājā (vua) được nói là xuất xứ từ động từ rañjeti, làm vui lòng. Pāli: dhammena pare rañjetiit... rājā, “Vua, là người đúng như pháp mà làm vui lòng mọi người”.

[25]. Pāli: araññāyatane, trong khu rừng vắng.

[26]. Định nghĩa ngữ nguyên của từ Bà-la-môn; Pāli: pāpake akusale dhamme bāhentīti... brāhmaṇā, “Bà-la-môn là những người loại bỏ pháp ác bất thiện”. Từ brāhmaṇa được giải thích là do động từ bàheti: loại bỏ, tống khứ.

[27]. Pāli, định nghĩa ajjhāyaka, hạng người có học thức: na dān’ ime jhāyantī i.. ajjhāyaka, “Họ không tu thiền, nên gọi họ là ajjhāyaka”. Theo ngữ nguyên này, ajjhāyaka (người bác văn) là do động từ jhāyati, tu thiền.

[28]. Trong bản Pāli, giai cấp thứ tư là suddā (Thủ-đà-la).

[29]. Hộ hành 護 行; chỉ hành vi thủ hộ. Bản Pāli không có từ này.

[30]. Phạm thiên đế chúa 梵 天 帝 主. Pāli: Sanaṃ-kumāra Brahaman, Thuong đồng hình Phạm thiên (Phạm thiên trong hình dáng con nít).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]