Kinh Tạp A Hàm
Tạp A-hàm quyển 28 (748 - 758)
Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
KINH 748. NHẬT XUẤT[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như khi mặt trời mọc có tiền tướng của nó, là minh tướng, ánh sáng ban đầu. Cũng vậy, Tỳ-kheo tận cùng biên tế khổ, cứu cánh biên tế khổ có tiền tướng là chánh kiến[2]. Chánh kiến này có thể phát khởi lên chánh chí[3], chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Vì nhờ phát khởi định chánh thọ, nên Thánh đệ tử tâm chánh giải thoát tham dục, sân nhuế, ngu si. Với tâm khéo giải thoát như vậy, Thánh đệ tử đạt được Chánh tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không tái sanh kiếp sau’.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 749. VÔ MINH (1)[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vô minh làm tiền tướng nên sanh ra các pháp ác bất thiện. Rồi theo đó sanh ra vô tàm, vô quý. Vô tàm, vô quý đã sanh ra rồi, theo đó sanh ra tà kiến. Tà kiến đã sanh ra rồi, có thể khởi lên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định.
“Nếu khởi lên minh làm tiền tướng sanh ra các pháp thiện, thì theo đó sanh ra tàm quý. Tàm quý đã sanh ra rồi, có thể sanh ra chánh kiến. Chánh kiến đã sanh ra rồi, sẽ theo thứ tự khởi lên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Chánh định đã khởi lên rồi, Thánh đệ tử được chánh giải thoát tham dục, sân nhuế, ngu si. Như vậy, Thánh đệ tử khi đã được chánh giải thoát rồi sẽ được chánh tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh vào đời sau’.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 750. VÔ MINH (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu, Tỳ-kheo, các pháp ác bất thiện sanh khởi, tất cả đều do vô minh làm gốc, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh khởi. Vì sao? Vì vô minh là vô tri, không biết như thật đối với pháp thiện, pháp bất thiện; không biết như thật có tội, không có tội, pháp thấp, pháp cao, nhiễm ô, không nhiễm ô, phân biệt, không phân biệt, duyên khởi, không duyên khởi. Vì không biết như thật nên khởi lên tà kiến; khi đã khởi tà kiến rồi, thì có khả năng khởi lên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định.
“Nếu các pháp thiện sanh, tất cả đều do minh làm gốc, minh tập, minh sanh, minh khởi. Vì minh, biết như thật đối với pháp thiện, bất thiện; tất cả đều biết như thật về tội, không tội, thân cận, không thân cận, pháp thấp, pháp cao, ô uế, bạch tịnh, có phân biệt, không phân biệt, duyên khởi, không duyên khởi, biết như thật, đó là chánh kiến. Chánh kiến hay khởi lên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Khi đã khởi lên chánh định rồi, Thánh đệ tử được chánh giải thoát tham, nhuế, si; khi tham, nhuế, si đã giải thoát rồi, Thánh đệ tử được chánh tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau’.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 751. KHỞI[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu người xuất gia hay tại gia mà khởi lên việc tà[6], Ta sẽ không nói đến. Vì sao? Vì nếu người xuất gia hay tại gia mà còn khởi lên việc tà, thì không vui thích Chánh pháp. Những gì là việc tà? Đó là tà kiến… cho đến tà định.
“Nếu là người xuất gia hay tại gia mà khởi lên việc chánh, Ta sẽ tán thán. Vì sao? Vì người khởi lên việc chánh, là người vui thích Chánh pháp, thiện xảo nơi Chánh pháp. Những gì là việc chánh? Đó là chánh kiến… cho đến chánh định. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Tại gia cùng xuất gia,
Mà khởi lên việc tà;
Người kia không vui thích
Chánh pháp tối vô thượng.
Tại gia cùng xuất gia,
Mà khởi lên việc chánh;
Thì tâm luôn vui thích,
Chánh pháp tối vô thượng.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 752. CA-MA[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tỳ-kheo Ca-ma[8] đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, gọi là dục; thế nào là dục?”
Phật bảo Ca-ma:
“Dục là chỉ cho năm công năng của dục. Những gì là năm? Sắc được thấy bởi mắt, đáng yêu, đáng thích ý, đáng nhớ, khiến nuôi lớn dục lạc. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi; xúc biết bởi thân thức đáng yêu, vừa ý, đáng nhớ, khiến nuôi lớn dục lạc. Đó gọi là dục. Nhưng chúng không phải là dục, sự tham đắm nơi chúng, đó gọi là dục.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Năm sắc tạp thế gian,
Tự chúng phi ái dục.
Cái giác tưởng tham dục,
Là dục của con người.
Các sắc thường ở đời,
Hành giả đoạn tâm dục.
Tỳ-kheo Ca-ma bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, có con đường đưa đến đoạn trừ ái dục này không?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Có tám Thánh đạo, có thể đoạn trừ ái dục, đó là chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Ca-ma nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 753. A-LÊ-SẮT-TRA[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là A-lê-sắt-tra[10] đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, gọi là cam lộ[11]; thế nào gọi là cam lộ?”
Phật bảo A-lê-sắt-tra:
“Cam lộ là một danh thuyết của giới[12], nhưng Ta vì người đã đoạn tận hữu lậu mà hiện nói danh từ này.”
Tỳ-kheo A-lê-sắt-tra bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có con đường nào mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ được pháp cam lộ không?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Có, đó là tám Thánh đạo phần: Từ chánh kiến… cho đến chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 754. XÁ-LỢI-PHẤT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, nói là các tư cụ căn bản cho chánh tam-muội[13] của bậc Hiền thánh; thế nào là các tư cụ căn bản cho chánh tam-muội của bậc Hiền thánh?”
Phật bảo Xá-lợi-phất:
“Đó là Bảy chánh đạo phần, là căn bản, là các tư cụ cho chánh tam-muội của bậc Hiền thánh. Những gì là bảy? Là chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm. Này Xá-lợi-phất, sau khi lấy bảy Đạo phần này làm tác nghiệp căn cơ[14] rồi, tâm được chuyên nhất; đó gọi là những tư cụ căn bản cho chánh tam-muội bậc Hiền thánh.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 755–757. TỲ-KHEO
Tôi nghe như vầy:
Như ba kinh trên, cũng vậy ba kinh Phật hỏi các Tỳ-kheo cũng nói như vậy.
KINH 758. ÚY[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Sự sợ hãi của con không mẹ. Sự sợ hãi của con có mẹ. Đó là điều mà kẻ phàm ngu si không học, nói đến. Nhưng không hiểu gì về sự sợ hãi của con không mẹ, sự sợ hãi của con có mẹ.
“Này các Tỳ-kheo, có ba sự sợ hãi của con không mẹ[16], mà phàm phu ngu si, không học đã nói. Những gì là ba? Này các Tỳ-kheo, khi có binh biến loạn lạc xảy ra, tàn hại đất nước, bị sóng cuốn theo dòng, con thất lạc mẹ, mẹ thất lạc con. Đó gọi là sự sợ hãi của con không mẹ thứ nhất, mà kẻ phàm ngu si, vô học nói.
“Lại nữa, này Tỳ-kheo, khi có hỏa hoạn lớn bất chợt xảy ra, thiêu đốt thành ấp, xóm làng; dân chúng chạy loạn khắp nơi, mẹ con thất lạc nhau. Đó gọi là sựï sợ hãi của con không mẹ thứ hai mà kẻ phàm ngu si, vô học đã nói.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, có một lúc trong núi có mưa to, nước lớn đổ ra, làm tràn ngập xóm làng, dân chúng lánh chạy khắp nơi, mẹ con thất lạc nhau. Đó gọi sựï sợ hãi của con không mẹ thứ ba, mà kẻ phàm ngu si, vô học đã nói.
“Song tất cả những sự sợ hãi này là sự sợ hãi của con có mẹ, mà kẻ phàm ngu si, vô học lại nói là sự sợ hãi của con không mẹ. Khi có binh biến loạn lạc xảy ra, tàn hại đất nước; mọi người bôn ba lưu lạc, mẹ con thất lạc nhau. Có khi mẹ con gặp lại nhau. Đó là sự sợ hãi của con có mẹ thứ nhất mà kẻ phàm ngu si, vô học nói là sựï sợ hãi của con không mẹ. Lại nữa, khi hỏa hoạn lớn bất chợt xảy ra, thiêu đốt thành ấp, làng xóm, dân chúng chạy loạn khắp nơi, mẹ con thất lạc nhau. Có khi mẹ con gặp lại nhau. Đó là sự sợ hãi của con có mẹ thứ hai mà kẻ phàm ngu si, vô học nói là sựï sợ hãi của con không mẹ. Lại nữa, khi ở trong núi có mưa to, nước lớn đổ ra, làm tràn ngập xóm làng, dân chúng lánh chạy khắp nơi, mẹ con thất lạc nhau. Có khi mẹ con gặp lại nhau. Đó là sự sợ hãi của con có mẹ thứ ba mà kẻ phàm ngu si, vô học nói là sựï sợ hãi của con không mẹ.
“Này Tỳ-kheo, có ba thứ sợ hãi của con không mẹ mà Ta tự mình giác ngộ thành đạo vô thượng đã ký thuyết. Những gì là ba? Này Tỳ-kheo, khi người con già, không có người mẹ nào có thể nói: ‘Con, con chớ già, để mẹ sẽ thay con!’ Hoặc khi người mẹ già, cũng không có người con nào bảo: ‘Mẹ, mong mẹ chớ già! Con già thay mẹ cho!’ Đó gọi là cái sợ hãi của con không mẹ thứ nhất mà Ta tự mình giác ngộ thành đạo Vô thượng đã ký thuyết.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, khi người con bị bệnh, người mẹ không thể nói: ‘Con đừng bệnh! Mẹ sẽ thay con!’ Hoặc khi mẹ bị bệnh, con cũng không thể bảo: ‘Mẹ đừng bệnh, để con bệnh thay mẹ!’ Đó gọi là cái sợ hãi của con không mẹ thứ hai mà Ta tự mình giác ngộ thành đạo Vô thượng đã ký thuyết.
“Lại nữa, khi người con chết, người mẹ không thể nói: ‘Con, đừng chết! Nay mẹ sẽ thay con!’ Hoặc khi người mẹ chết, người con cũng không thể bảo: ‘Mẹ, đừng chết! Con sẽ thay mẹ!’ Đó gọi là cái sợ hãi của con không mẹ thứ ba mà Ta tự mình giác ngộ thành đạo Vô thượng đã ký thuyết.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Có đạo lộ nào, có hành trì nào[17] để tu tập, tu tập nhiều, dẫn đến đoạn trừ được ba thứ sợ hãi của con có mẹ ở trước và đoạn trừ được ba thứ sợ hãi của con không mẹ ở sau không?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Có đạo lộ, có hành trì dẫn đến đoạn trừ được ba sự sợ hãi này. Những gì là đạo lộ? Những gì là hành trì mà tu tập, tu tập nhiều, dẫn đến đoạn trừ được ba thứ sợ hãi của con có mẹ ở trước và đoạn trừ được ba thứ sợ hãi của con không mẹ ở sau? Đó là tám Thánh đạo phần: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.