- Duyên Khởi Tự
- Phẩm 1: Tựa
- Phẩm 2: Phương tiện
- Phẩm 3: Thí dụ
- Phẩm 4: Tín giải
- Phẩm 5: Dược Thảo Dụ
- Phẩm 6: Thọ Ký
- Phẩm 7: Hóa Thành Dụ
- Phẩm 8: Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Ký
- Phẩm 9: Thọ Học Vô Học Nhân Ký
- Phẩm 10: Pháp sư
- Phẩm 11: Hiện Bảo Tháp
- Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13: Khuyến Trì
- Phẩm 14: An Lạc Hạnh
- Phẩm 15: Tùng Địa Dũng Xuất
- Phẩm 16: Như Lai Thọ Lượng
- Phẩm 17: Phân biệt công đức
- Phẩm 18: Tùy hỷ công đức
- Phẩm 19: Pháp Sư Công Đức
- Phẩm 20: Thường bất khinh Bồ Tát
- Phẩm 21: Như Lai thần lực
- Phẩm 22: Chúc Lụy
- Phẩm 23: Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- Phẩm 24: Diệu Âm Bồ Tát Vãng Lai
- Phẩm 25: Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- Phẩm 26: Đà La Ni
- Phẩm 27: Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- Phẩm 28: Phổ Hiền, Bồ Tát Khuyến Phát
Pháp Hoa Kinh
Phẩm 11: Hiện Bảo Tháp
Nguồn: Thâm Nghĩa Đề Cương (Giáo án Cao Cấp Phật Học)
Lúc bấy giờ trước Phật, có một ngôi tháp bằng thất bảo cao 500, rộng 250 do tuần từ dưới đất hiện lên rồi trụ lơ lửng giữa hư không. Ngôi tháp cực kỳ tráng lệ tỏa ra mùi thơm "ly cấu chiên đàn" khắp cùng cõi nước. Các hàng Thiên long bát bộ cùng đem các thứ phan lọng, hương hoa, chuỗi ngọc...của cõi trời để cúng dường tôn trọng và ngợi khen.
Bấy giờ trong tháp báu vang ra tiếng khen rằng: Hay lắm! Hay lắm! Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, có thể dùng tuệ bình đẳng vì đại chúng nói kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Đúng vậy! Lời Thích Ca Mâu Ni nói là chân lý chân thật!
Trước sự kiện hi hữu nầy, đại chúng đều được pháp hỉ, đồng thời cho là chuyện lạ nhưng không ai nói ra, đều cung kính chấp tay đứng qua một bên.
Bồ tát Đại Nhạo Thuyết biết tâm niệm tứ chúng bèn bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn! Do duyên cớ gì mà có tháp từ đất hiện lên lại từ phía trong có tiếng vang ra như thế ?"
Đức Phật đáp: Trong tháp báu nầy có toàn thân Như Lai. Thời quá khứ cách nay vô lượng lâu xa, tại nước Bảo Tịnh có Phật Đa Bảo, lúc còn hành đạo Bồ tát, đã có lời thệ rằng, nếu được thành Phật thì, sau khi diệt độ, chỗ nào có nói kinh Pháp Hoa, tháp báu của Ngài sẽ hiện ra khen ngợi để chứng minh. Vì vậy, bất luận chỗ nào trong mười phương hễ có nói kinh Pháp Hoa thì tháp báu hiện ra, toàn thân Phật trong tháp nói: "Hay lắm! Hay lắm!
Bồ tát Đại Nhạo Thuyết thay lời đại chúng bạch: "Chúng con muốn thấy thân của đức Phật Đa Bảo".
Phật Thích Ca đáp: Theo đại nguyện của Phật Đa Bảo, khi tháp của Ngài hiện ra mà có đức Phật nào muốn chỉ cho tứ chúng thấy thân của Ngài thì đức Phật ấy phải nhóm lại một chỗ tất cả "phân thân" của mình, rồi sau đó thân Phật Đa Bảo mới hiện ra. Vậy nay ta sẽ nhóm tất cả "phân thân" của ta hiện đang thuyết pháp ở các cõi nước trong mười phương.
Bấy giờ đức Thích Ca phóng một đạo hào quang từ tướng lông trắng giữa đôi mày, hằng sa cõi nước ở mười phương hiện bày, trong đó vô lượng Bồ tát đang vì chúng sanh nói pháp.
Thấy ánh sáng ấy, chư Phật mười phương đều bảo các Bồ tát: "Chúng ta phải qua thế giới Ta bà, chỗ của đức Phật Thích Ca để cùng cúng dường tháp báu của Đa Bảo Như Lai". Chư Phật ấy đều là phân thân của đức Thích Ca.
Lúc bấy giờ, cõi Ta bà biến thành thanh tịnh, đất bằng lưu ly, có cây báu, vàng ròng trang nghiêm, không có tụ lạc thành ấp, xóm làng, biển cả, sông ngòi, rừng núi.
Mỗi đức Phật có một Bồ tát làm thị giả, các đức "phân thân" qua đến Ta bà, lên ngồi kiết già trên tòa sư tử đặt dưới cội mỗi cây báu, lần lượt như thế khắp tam thiên đại thiên thế giới mà vẫn không đủ chỗ ngồi.
Để dung chứa tất cả các phân thân, đức Thích Ca bèn biến thêm ở tám phương, 200 muôn ức na do tha nước, nước nào cũng thanh tịnh trang nghiêm.
Lại để có chỗ cho các phân thân Phật sẽ đến, đức Thích Ca dời Trời, người đi nơi khác, biến thêm 200 muôn ức na do tha nước khác, nước nào cũng thanh tịnh, trang nghiêm, bình đẳng như trên.
Chư phân thân Phật trong mười phương tuần tự về đủ nhóm ngồi ở tám phương. Chư Như Lai ngồi đầy khắp 400 muôn ức na do tha cõi nước.
Khi đâu vào đấy rồi, các phân thân Phật sai thị giả qua cõi Ta bà dâng hoa cúng dường Phật Thích Ca và dạy thị giả bạch rằng: "Như Lai có được ít bệnh, ít khổ, sức khỏe an vui và các Bồ tát Thanh Văn đều được an ổn chăng ?". Sau khi cúng dường hoa, các thị giả bạch với đức Thích Ca là chư phân thân Phật đều muốn mở tháp báu đang lơ lửng trên không. Đức Thích Ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy ngón tay mặt mở cửa tháp, làm vang ra một tiếng lớn như tháo khóa một cửa thành.
Tức thì tất cả chúng sanh trong hội đều thấy Đa Bảo Như Lai trong tháp báu ngồi trên tòa sư tử toàn thân nguyên vẹn như người nhập định. Lại nghe Đa Bảo Như Lai nói: "Hay lắm! Hay lắm! Thích Ca Mâu Ni Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa hay quá. Vì muốn nghe kinh nên ta mới đến đây". Hàng tứ chúng thấy việc chưa từng có, hân hoan đem các thứ hoa báu tung rải lên cúng dường Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca.
Chia nửa tòa sư tử trong tháp báu, Phật Đa Bảo nói: "Phật Thích Ca! Xin mời lên ngồi trên tòa nầy". Tức thời đức Thích Ca vào trong tháp ngồi kiết già trên chỗ được Phật Đa Bảo nhường.
Thấy hai Như Lai cùng ngồi xếp bằng trên tòa sư tử trong tháp, đại chúng thầm nguyện: "Phật ngồi cao quá, cúi mong Như Lai dùng sức thần thông làm cho bọn chúng con đều được gần Như Lai ở trên hư không".
Đức Thích Ca bèn dùng thần thông tiếp đại chúng lên hư không, rồi nói lớn khắp bảo: "Nay chính là lúc nói kinh Pháp Hoa cho những ai ở Ta bà, có khả năng nói kinh ấy".
Để diễn lại ý trên, đức Thích Ca nói một bài kệ mà đại ý như sau:
"Đức Phật Đa Bảo diệt độ đã lâu, nay vì muốn nghe kinh Pháp Hoa khó gặp mà hiện ra trong tháp báu, hà huống các người mà chẳng siêng nghe.
Ai nói được kinh nầy là đã thấy ta cùng Phật Đa Bảo và các vị phân thân Phật.
Các thiện nam tử! Nên suy nghĩ, phải phát nguyện rộng lớn mới nói được kinh Pháp Hoa. Đó là một cái khó hơng tất cả các thứ khó khác. Thật vậy, nói được tất cả các kinh điển khác: dời núi Tu Di, lấy chân hất ba ngàn đại thiên thế giới, dùng sự tướng mà rộng chỉ chân lý, lấy tay nắm bắt hư không, đemcả đại địa để lên móng chân rồi bay lên cõi trời Phạm Thiên, mang cỏ khô vào lửa mà không bị cháy, trì tám muôn bốn ngàn kinh điển rồi vì người đem nói ra, khiến chứng được sáu thần thông, nói pháp làm cho vô lượng chúng sanh đều đắc quả A La Hán, tất cả những việc làm ấy rất khó, nhưng chưa khó bằng sau khi Phật diệt độ mà nói kinh Diệu Pháp, trong đời ác trược, biên chép nắm giữ được kinh nầy, vì một người mà nói kinh nầy, nghe lãnh và tìm thâm nghĩa trong kinh nầy, tôn trọng và thực hành kinh nầy.
Kinh Diệu Pháp là bậc nhất. Thọ trì, đọc tụng được ắt làm cho chư Phật hoan hỉ. Ai làm được là người dũng mãnh tinh tấn. Đó mới thật là người trì giới, tu khổ hạnh, là người được mau chứng quả Vô thượng Bồ đề.
Đời sau, ai đọc giữ kinh nầy là Phật tử chân chánh, là bậc thuần thiện.
Sau khi Phật diệt độ, ai hiểu được kinh nầy là mắt sáng suốt của trời, người trong thế gian.
Trong cảnh đầy sợ hãi, ai nói được kinh nầy trong chốc lát, là người đáng cho thiên, nhân cúng dường".
THÂM NGHĨA
Một ngôi tháp bằng thất bảo, cực kỳ tráng lệ nguy nga. Cao 500, rộng 250 do tuần, từ đất nổi lên trụ trong hư không rồi vang ra lời tán thán rằng: "Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa rất hay, dạy rõ về chân lý".
Để cởi mở mối kinh nghi trong lòng đại chúng, đức Phật Thích Ca nói: "Trong tháp báu nầy có toàn thân Như Lai. Đó là Phật Đa Bảo. Phật và tháp báu nầy vốn có từ vô lượng vô số hằng hà sa kiếp..."
Quả là một việc ly kỳ!
Tháp tức là Pháp. Pháp mà đã có từ vô lượng vô số hằng hà sa kiếp mà vẫn trường tồn không hoại. Thế là không phải pháp hữu vi rồi. Ở đây ý Phật muốn giới thiệu và dạy cho chúng sanh biết về Pháp tánh vậy. Chỉ có Pháp tánh mới là pháp bất hoại, chân thường.
Phật Đa Bảo Như Lai "thọ lượng" lâu đời như ngôi bảo tháp, thì không phải là "ứng thân Phật". Qua sự kiện nầy Phật muốn "chỉ" (Thị Phật Tri Kiến) cho chúng sanh biết về cái Phật tánh bất diệt là như thế đó.
Đất ở thế gian thì nay động mai chuồi, đây bồi kia lở bại hoại vô thường. Vậy đất trường tồn phải là đất bất sanh bất diệt vô thỉ vô chung, tuổi thọ của nó phải đồng với cái "thọ lượng" của Phật tánh, Pháp tánh ở trên đã nói. Có vậy mới dung chứa được cái tháp (Pháp) và Đa Bảo Như Lai (Phật)bất sanh bất diệt. Vậy đất đó phải là đất Tâm, là Tâm địa vậy.
Kinh Tâm Địa Quán nói: Trong tam giới lấy tâm làm chủ. Người năng quán tâm chắc chắn giải thoát, người không quán tâm chắc chắn trầm luân. Tâm chúng sanh ví như Đại địa. Ngũ cốc, ngũ quả từ đại địa mà sanh. Cái Tâm cũng thế, nó sanh ra pháp thế và xuất thế: Hữu học, Vô học, Độc giác, Bồ tát cho đến Như Lai. Do đó, Tam giới duy tâm. Tâm được gọi là Đất.
Vậy Pháp, Phật từ đất nổi lên, có nghĩa là Phật tánh, Pháp tánh không ngoài Tâm tánh. Tâm tánh bao trùm hàm chứa Phật tánh và Pháp tánh.
Kinh Hoa Nghiêm nói:
"Tâm ví như chàng họa sĩ
Vẽ ngũ ấm thế gian
Tất cả thế gian nầy
Vạn pháp từ đây tạo
Tâm, Phật cũng như thế
Và Phật, chúng sanh cũng vậy
Tâm Phật và chúng sanh
Ba tên mà đồng một bản thể".
Phật Đa Bảo khi tu nhơn có lời thệ sâu nặng: "Nếu tôi được thành Phật thì sau Phật diệt độ trong mười phương ở đâu có nói kinh Pháp Hoa thì tháp của tôi sẽ hiện đến để nghe và tán thán! "Hay lắm! Hay lắm! Và nếu đức Phật đó muốn giới thiệu thân tôi cho tứ chúng thấy thì phải nhóm hết phân thân Phật của mình đang thuyết pháp trong mười phương lại. Bấy giờ thân tôi mới hiện ra".
Cái bổn thệ sâu nặng của Phật Đa Bảo nay đã thành hiện thực.
Sự kiện ấy có ý nghĩa gì ? Ta có thể hiểu sự kiện nầy qua hai ý:
Một, để chứng minh. Qua sự chứng minh nầy, nói lên ý nghĩa kinh Pháp Hoa là kinh Giáo Bồ tát Pháp Phật sở hộ niệm. Rằng kinh Pháp Hoa, đức Thích Ca đang nói là kinh của chư Phật trong hằng hà sa số kiếp đã nói. Đó là chân lý tối thượng của Phật thừa, không phải chỉ một mình Phật Thích Ca tự ý nói.
Hai, cũng qua sự chứng minh nầy, nhằm "tạo điều kiện" để Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng sanh biết rằng: "tuổi thọ" của "pháp thân Phật" về thời gian thì xuyên suốt "ba đời", về không gian thì khắp giáp "mười phương".
Đức Phật Thích Ca nhóm phân thân về cõi Ta Bà với phạm vi tam thiên đại thiên thế giới nhưng cõi Ta Bà không đủ chỗ ngồi. Phật phải biến thêm 200 muôn ức na do tha hằng hà sa cõi nước ở phương Đông, cũng không đủ chỗ ngồi. Lần lượt biến thêm ở phương Nam, phương Tây và phương Bắc số cõi nước cũng nhiều như vậy mà cũng không đủ chỗ ngồi. Phải tận dụng bốn hướng cạnh, Phật biến mỗi phương cạnh số cõi nước cũng bằng như thế. Bấy giờ mới đủ sức dung chứa số phân thân Phật của đức Thích Ca.
Kinh nói sự kiện nầy không phải để giới thiệu cái tài ảo thuật biến hóa của đức Phật với đệ tử mình. Không. Phật Thích Ca không bao giờ bằng lòng mình là nhà ảo thuật, dù là nhà ảo thuật thiên tài! Ở đây, cái "thâm nghĩa" của kinh nhằm giới thiệu dạy cho tứ chúng rằng:
Phật thường trụ và Pháp thường trụ
Sự hiện hữu của Tháp và Phật Đa Bảo tồn tại qua vô lượng vô số kiếp nhằm dạy Phật pháp thường trụ về mặt thời gian. Sự kiện Phật Thích Ca biến hóa cõi nước đầy khắp tám phương, cây báu Bồ đề, tòa sư tử (Pháp) và các phân thân Phật nhằm dạy Phật pháp thường trụ về mặt không gian vậy.
Do nghĩa đó, kinh nói: Người thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh Pháp Hoa bất cứ ở điểm không gian nào và khoảng thời gian nào thường được Phật rờ đầu, lấy y mà trùm và được cùng Phật ở chung.
Tháp của Phật Đa Bảo vốn trụ trong hư không, Phật Thích Ca muốn mở tháp cũng phải trụ trong hư không. Tứ chúng muốn ra mắt Phật Đa Bảo phải nhờ sức thần Phật trụ trong hư không mới thấy được.
Người đệ tử Phật phải học lấy bài pháp sâu xa ấy. Đó là điều kiện tiên quyết của người con Phật có ý chí cởi mở những ràng buộc vương vấn khổ đau. Là con người thì còn ăn ở thì phải còn làm. Làm thì làm tất cả, nhưng rồi phải tập luyện xả đi tất cả, đừng trụ (Thật tế lý địa, bất thọ nhất trần, sanh diệt môn trung bất xả nhất pháp). Bởi Trụ là chấp, là mắc, là dính dáng. Có chấp, có mắc, có dính dáng là có khổ đau, không thấy được Phật.
Phật pháp: vô trụ (Đa Bảo Như Lai và tháp) vốn là cái chân lý vô trụ nên lơ lững trong hư không. Còn Phật Thích Ca sở dĩ được Phật Đă Bảo chia nửa tòa mời ngồi là do có khả năng "trụ hư không" để mở cửa tháp. Tứ chúng trong hội Pháp Hoa muốn thấy được Phật phải nhờ sức thần Phật chứ không phải là sức thần của Phật, nghĩa là nhờ sức tỉnh thức, giác ngộ chân lý, phủi giũ những vô minh chấp mắc, có khả năng trụ trong hư không rồi mới thấy được Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca.
Trụ hư không có nghĩa là "Vô sở trụ".
Kinh Kim Cang Bát Nhã nói "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, nhược tâm hữu trụ tức vi phi trụ". Tâm có chỗ trụ là xa rời chân lý phạm phải sai lầm rồi.
Phật Thích Ca tiêu biểu Thỉ giác mở tháp để ra mắt Phật Đa Bảo tiêu biểu bổn giác, bằng một chuyển biến lớn lao chớ không dễ dàng đơn giản. Yếu tố đầu tiên là khả năng "Trụ hư không". Kế đó, phải có một nghị lực thần kỳ, một động tác nhẹ nhàng mà có khả năng phá vỡ một vật thể cách ngăn kiên cố, mở cửa tháp mà như tháo chốt cửa của một đại thành.
Sự thật trên đường tu tập của chúng sanh cũng đòi hỏi và nghị lực và khả năng như vậy. Bổn giác và thỉ giác vốn không có cự ly ngăn cách, thế mà vận động thỉ giác quay về trực diện với bổn giác, đòi hỏi phải có điều kiện, phải có nghị lực phi thường mới đạt mục đích ngang hàng với bổn giác được, mặc dù bổn giác là cái sẵn có, còn thỉ giác chỉ là sự phản chiếu hồi quang, sự "trở về" chớ không phải là cái chi mới lạ.
Khi đại chúng chiêm ngưỡng hai Như Lai, Phật Thích Ca tuyên bố: "Ai ở cõi Ta bà truyền bá giảng nói kinh Pháp Hoa phải hiểu rõ ý nghĩa của sự kiện nói trên. Như Lai chẳng bao lâu nhập Niết bàn và muốn phó chúc kinh Pháp Hoa cho người thừa kế có khả năng đó".
Phải hiểu ý nghĩa những sự kiện Như Lai nói, người đó mới là người được Như Lai phó chúc kinh Pháp Hoa, mới là người có khả năng thừa kế truyền bá giảng nói kinh Pháp Hoa.
Bấy giờ Thế Tôn tuyên lại nghĩa trên bằng một bài kệ có ý nghĩa như sau:
Các thiện nam tử
Đều nên suy nghĩ
Đây là việc khó
Phải phát nguyện lớn
Bao nhiêu kinh khác
Số như hằng sa
Nói hết kinh đó
Chưa đủ làm khó
Bưng núi Tu di
Ném để phương khác
Vô số cõi Phật
Chưa lấy làm khó
Nếu dùng ngón chân
Khều cõi Đại Thiên
Ném xa cõi khác
Cũng chưa làm khó
Đứng trên hữu đảnh
Nói vô lượng kinh
Để giáo hóa người
Chưa lấy làm khó
Nếu sau Phật diệt
Ở trong đời ác
Nói được kinh nầy
Đây là rất khó
Giả sử có người
Tay nắm hư không
Để mà dạo đi
Cũng chưa là khó
Sau ta diệt độ
Nếu tự biên chép
Hoặc bảo người chép
Đây mới là khó
Hoặc đem cõi đất
Để trên móng chân
Bay lên Phạm thiên
Cũng chưa là khó
Tạm đọc kinh nầy
Đây thì rất khó
Giả sử kiếp thiêu
Mang gánh cỏ khô
Vào lửa không cháy
Cũng chưa là khó
Sau ta diệt độ
Nếu trì kinh nầy
Vì một người nói
Đây mới là khó
Nếu trì tám muôn
Bốn nghìn tạng pháp
Mười hai bộ kinh
Vì người diễn nói
Khiến các người nghe
Được sáu thần thông
Dầu được như thế
Cũng chưa là khó
Sau ta diệt độ
Nghe lãnh kinh nầy
Hỏi nghĩa thú kinh
Đây là rất khó
Hoặn người nói pháp
Làm nghìn muôn ức
Vô lượng vô số
Hằng hà chúng sanh
Chứng quả La Hán
Đủ sáu thần thông
Dầu có lợi đó
Cũng chưa là khó
Sau ta diệt độ
Nếu phụng trì được
Kinh điển nầy đây
Thế mới là khó
Ta vì Phật đạo
Ở vô lượng cõi
Từ trước đến nay
Nói rất nhiều kinh
Đối với kinh nầy
Đây là bậc nhất