Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VII - CÁC HỆ THỐNG TRONG CƠ THỂ THEO TÂY Y

24/04/201315:56(Xem: 3543)
Chương VII - CÁC HỆ THỐNG TRONG CƠ THỂ THEO TÂY Y

Chương VII

CÁC HỆ THỐNG TRONG CƠ THỂ
THEO TÂY Y

Khi nói đến kinh lạc thì chúng ta nói đến chức năng của các kinh cùng tạng phủ chứ không phải giới hạn trong bộ phận liên hệ như tim hay phổi. Đông Y xác quyết là hệ thống các kinh có thật, các huyệt đạo được định vị trí một cách chuẩn xác, hiệu quả của việc châm cứu rất rõ ràng và khoa học. Ngay đến nhiều bác sĩ Tây Y tại các bệnh viện hay phòng mạch tư cũng đang áp dụng châm huyệt để chữa trị một số bệnh tật. Các nhà nghiên cứu cho biết phải chờ đợi một thời gian dài mới biết được kết luận của Tây Y về vấn đề này dù cho có nhiều bác sĩ thuộc các cơ quan y tế hay viện đại học khác nhau đã khởi đầu những cuộc nghiên cứu rộng lớn hơn về Đông Y.

Như vậy, có một điều rõ ràng là tuy Tây Y không đề cập đến chân khí và kinh lạc nhưng lại thừa nhận tác dụng chữa trị của châm cứu hay đốt (hơ nóng) các huyệt đạo cũng như sự thực hành các phương pháp tạo ra sự buông thư, là trạng thái thuận tiện cho sự sản xuất các chất thần kinh dẫn truyền, vốn rất lợi ích cho sự chữa trị bệnh tật và gia tăng sức khỏe.

Trong phạm vi này, chúng ta sẽ tự hỏi có sự liên hệ giữa Khí Công Tâm Pháp và Tây Y không? Hiện nay rất nhiều bác sĩ, nhiều trường đại học y khoa, nhiều nhà thương, nhiều chương trình bảo hiểm sức khỏe và ngay cả Bộ Y Tế Hoa Kỳ khuyến khích tập Thiền, tập Tai-Chi (là một môn Khí Công nhẹ), vận động thể lực để phát triển sức khỏe và đóng góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa cũng như chữa trị bệnh tật. Tất cả đều thừa nhận Thiền làm gia tăng sự bình an trong Tâm, giảm căng thẳng, giúp cho hệ thống miễn nhiễm mạnh hơn, hệ thần kinh lắng dịu, qua đó mà người bị bệnh thấy rõ mình tham gia tích cực vào sự chữa trị bệnh tật và làm cho các hội chứng đau nhức trong nhiều loại bệnh tật giảm bớt rất nhiều, đó là chưa kể làm cho chính bệnh tật cũng giảm bớt. Tai-Chi hay Thái Cực Quyền, là một môn Khí Công nhẹ, giúp cho người cao niên gia tăng khả năng chú ý, gia tăng sự quân bình thân thể, gia tăng tính dẻo dai và mạnh mẽ của các bắp thịt và gân, đóng góp tích cực vào việc gia tăng sức khỏe tổng quát của người lớn tuổi. Trong Khí Công Tâm Pháp, cách tập Dưỡng Sinh phối hợp với lời niệm dễ tập và dễ nhớ hơn Tai-Chi. Các cử động nhẹ nhàng của chân tay phối hợp với lời niệm theo tiếng nhạc trầm bổng giúp cho hệ thần kinh lắng dịu.

Tây Y khuyến khích vận động thể lực như tập hiếu khí, vận động tay chân, tập Yoga để duy trì, phát triển sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật vì vận động thể lực đưa đến ba kết quả tốt đẹp: (1) Gia tăng sức khỏe hệ tim mạch, (2) hệ thống bắp thịt gia tăng sức mạnh và (3) toàn thể cơ thể gia tăng sự dẻo dai. Hệ thống tim mạch mạnh khỏe nên tim và phổi hoạt động hữu hiệu hơn, nhờ đó máu lưu thông nhiều hơn và đem dưỡng khí đến khắp nơi trong cơ thể nhiều hơn. Bộ não chúng ta tiêu thụ rất nhiều dưỡng khí, nếu có nhiều dưỡng khí thì bộ não hoạt động hữu hiệu hơn, nhờ đó mà trí nhớ, nói năng, quyết định cùng cách tương quan với những người chung quanh tốt đẹp hơn. Vận động thể lực cũng giúp chúng ta thở khỏe hơn, ngủ ngon hơn, chóng lành khi bị bệnh và sức khỏe tổng quát gia tăng. Đó là chưa nói đến các chất thần kinh dẫn truyền tốt như endorphin, dopamine làm giảm các chứng đau nhức và đưa đến cảm giác khỏe mạnh và an lạc.

Khí Công Tâm Pháp bao gồm hai lãnh vực Thiền tĩnh lặng (ngồi thiền) và Thiền hoạt động (vận động thể lực trong tỉnh thức). Nếu chúng ta không đề cập đến phần lý thuyết kinh lạc mà chỉ chú trọng đến phần lợi ích cụ thể của sự tập luyện thì phần tập luyện Khí Công Tâm Pháp đáp ứng rất tốt đẹp với những yêu cầu của Tây Y về phương diện Thiền và vận động thể lực liên hệ đến sức khỏe của 11 hệ thống trong thân thể theo Tây Y.

Trong chương sách này, chúng ta sẽ lược qua các hệ thống trong cơ thể con người theo Tây Y. Phần cuối sẽ đề cập đến các Luân Xa, một quan niệm bắt nguồn từ văn hóa cổ của Ấn Độ.

Theo Tây Y, trong cơ thể chúng ta có 11 hệ thống quan trọng phối hợp với nhau rất mật thiết để duy trì đời sống và sức khỏe. Mỗi hệ thống có những đặc tính riêng biệt, có những sinh hoạt riêng biệt nhưng đồng thời kết hợp với nhau trong sinh hoạt toàn diện của cơ thể trong tương quan duyên hợp: thuận duyên thì đưa đến sức khỏe và an vui, nghịch duyên thì ốm yếu và đau khổ. Chúng ta tập Khí Công Tâm Pháp là để tiếp sức tạo thêm thuận duyên cho 11 hệ thống cơ thể sinh hoạt điều hòa và khỏe mạnh.

1. Hệ Thống Thần Kinh

Hệ thần kinh gồm có bộ não, cột tủy sống và các sợi thần kinh chạy khắp thân thể. Chính nơi ý căn hay bộ não mà chúng ta nhận biết về sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, suy nghĩ, ưa ghét, và đồng hóa mọi thứ đó với cái tôi hay ngã, từ đó mà cảm thấy sướng hay khổ.

  • Bộ não chứa đựng hàng trăm tỷ tế bào thần kinh và là hệ thần kinh trung ương.

  • Từ cột sống, dây thần kinh tỏa ra khắp người: từ bên trong thân thể với các bộ phận, cho đến bên ngoài là da, có� liên hệ đến các hoạt động tự động như tim, ruột, rồi đến cảm giác như lưỡi, rồi đến vận động như� tay chân.

  • Các tế bào thân kinh chuyển các tín hiệu hay tin tức qua các khớp, tức là khoảng trống rất nhỏ giữa hai sợi thần kinh nối kết nhau, gọi là liên hợp hay khớp thần kinh (synapse). Qua khớp đó mà hàng trăm các chất hóa học khác nhau hay chất thần kinh dẫn truyền xuất hiện và chuyển động qua lại.

  • Khi thực hành sự chú tâm thoải mái, buông thư trong hoạt động hay tĩnh lặng thì các chất thần kinh dẫn truyền tốt xuất hiện khắp thân thể đưa đến cảm giác vui sướng, khỏe khoắn, an bình cùng giúp cho các bộ phận trong cơ thể hoạt động tốt đẹp.

034


Hình 24 (7-1) Hệ Thống Thần Kinh

Càng ngày khoa thần kinh học càng phát triển với các máy móc tối tân dùng trong việc nghiên cứu bộ não và các tế bào thần kinh càng giúp cho chúng ta thấy rõ sự liên hệ mật thiết của Thiền đối với niềm an vui và sức khỏe. Điều quan trọng hơn nữa, việc nghiên cứu này giúp chúng ta biết rõ những vùng phát sinh ra cảm giác an vui mà chúng ta có thể chú tâm thoải mái và cảm nhận sự biểu lộ những cảm giác vui vẻ, sung sướng, thoải mái, bình an trong một thời gian lâu dài trong ngày. Khi chúng ta an trú trong cảm giác tốt đẹp và tích cực này thì các sự đau nhức thân thể sẽ giảm đi rất nhiều và niềm an vui trong sáng tỏa đầy nơi Thân và Tâm. Khoa học ngày nay xác nhận thực hành Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động, vận động cơ thể, có đời sống tâm linh tốt đẹp, nếp sống lành mạnh, sống đời tỉnh thức, hạnh phúc và nhiều tình thương sẽ đóng góp rất nhiều cho sự khỏe mạnh của hệ thần kinh.

2. Hệ Thống Da

Da ngoài là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, không những là phần ngoài của sắc diện mỗi người, mà còn là hệ thống phòng vệ đầu tiên của cơ thể chống với các vi khuẩn hay chất độc bên ngoài có thể xâm nhập vào thân thể. Do đó, khi da bị đứt, cháy, trầy thì cánh cửa cho vi trùng bên ngoài xâm nhập đã mở ra.

Da trong hay phần da nhờn (mucous membranes) trong mũi, miệng, thực quản, bao tử, ruột, phổi, bộ phận sinh dục nữ, v.v� là lớp da thứ hai phòng vệ cơ thể. Do đó, chúng ta phải chăm sóc cả hai lớp da này cho mạnh khỏe để phòng bệnh tật.

024


Hình 25 (7-2) Hệ thống Da bảo vệ cơ thể

Vận động và tập luyện làm cho da thêm lành mạnh và trẻ trung. Những người có đời sống tâm linh tốt da mặt thường tươi nhuận.


3. Hệ Thống Các Bắp Thịt

025


Hình (7-3) Hệ Thống Các Bắp Thịt

Phía dưới da là các bắp thịt chiếm một nửa khối thân thể. Cơ th��� chúng ta có đến 650 bắp thịt lớn nhỏ từ đầu đến chân. Hệ thống các bắp thịt có các chức năng như sau.

  • Phát sinh ra năng lượng để cử động.

  • Sức mạnh của chúng ta gia tăng khi chúng ta gia tăng vận động. Trung bình người phụ nữ lúc 25 tuổi có 25% mỡ trong thân, đến 55 tuổi có 43% mỡ trong thân. Càng nhiều mỡ thì các bắp thịt càng yếu đi. Vận động làm cho mỡ bớt đi và bắp thịt gia tăng sức mạnh.

  • Phối hợp với gân và xương để thực hiện những cử động chính xác của tay, chân, thân thể như cầm đồ vật, đi, chạy hay nhảy, khiêng đồ vật hay chiến đấu bảo vệ mạng sống.

  • Có các bắp thịt thuộc hệ tự động như bắp thịt tim hoạt động liên tục để bơm máu đến khắp cơ thể, phổi, hệ tiêu hóa, hoạt động ngày đêm mà ta không biết, do đó giúp duy trì đời sống. Các sợi thần kinh lành mạnh và lượng huyết đầy đủ đóng góp cho sự khỏe mạnh của bắp thịt.

Vận động và tập luyện là yếu tố rất tốt đẹp cho sự khỏe mạnh của bắp thịt. Khi chúng ta tập đầy đủ chương trình Khí Công Tâm Pháp gồm có khí công, yoga và dưỡng sinh thì chúng ta vận động gần như hầu hết 650 bắp thịt trong cơ thể. Các bắp thịt chân (đùi trên và bắp chuối) mạnh thì giúp giảm bớt rất nhiều chứng đau nơi đầu gối. Các bắp thịt và gân nơi hệ cột sống nếu mạnh thì giúp bớt được chứng đau lưng. Lạy Hồng Danh Chư Phật theo Khí Công là phương pháp rất tốt giúp cho các bắp thịt chân và vùng cột sống được mạnh. Thực hành Thiền giúp thư giãn bắp thịt và giúp giảm bớt đau nhức.

4. Hệ Thống Xương

Xương là cái khung cho thân thể nương tựa. Xương cũng còn góp nhiều phần quan trọng khác như sau.

  • Chất tủy đỏ trong xương tạo ra các hồng và bạch huyết cầu vốn rất cần thiết cho sự sống và bảo vệ cơ thể chống bệnh tật.

  • Chứa nhiều chất khoáng� trong đó có chất calcium, khi cơ thể cần đến chất này thì xương thải ra để cơ thể xử dụng (nếu không được bù dắp thì bị chứng xốp xương).

  • Cơ thể chúng ta có 206 khúc xương lớn nhỏ.

026


Hình 27 (7-4) Hệ Thống Xương

Bên cạnh sự dinh dưỡng như ăn nhiều các loại rau xanh đậm, các thực phẩm có chất calcium, cung cấp đủ số lượng sinh tố D tương ứng, ta còn cần vận động và tập luyện, điều đó rất cần thiết cho sự cứng cáp của xương. Khi tập luyện toàn bộ chương trình Khí Công Tâm Pháp, chúng ta làm chuyển động đa số các xương trong người.

5. Hệ Thống Hô Hấp

027


Hình 28 (7-5) Hệ Thống Hô Hấp

Hệ thống hô hấp gồm hai lá phổi cùng với các bắp thịt trợ giúp cho việc thở hoạt động liên tục cho các mục đích sau đây.

  • Đem dưỡng khí vào trong cơ thể qua sự hít hơi vào và thải thán khí qua sự thở hơi ra. Phổi thở vào và ra độ chừng 23,000 lần mỗi ngày.

  • Hợp tác với hệ tuần hoàn đưa dưỡng khí đến mọi nơi trong người.

  • Tống khí dơ ra ngoài cơ thể trong đó gồm số lớn thán khí.

  • Lọc hay đối kháng các chất ô nhiễm và vi khuẩn trong không khí.

Hầu hết các thế tập trong Khí Công Tâm Pháp đều chú trọng đến cách thở và qua sự thực hành này phổi phát triển sức mạnh thêm. Do đó, vận động, tập luyện, thở sâu, thở đan điền, nhất là các thế tập thở trong khí công rất tốt cho sự khỏe mạnh của phổi, đồng thời làm gia tăng sự thư giãn đưa đến giải trừ căng thẳng. Căng thẳng hay bức xúc vốn là đầu mối của rất nhiều bệnh tật.

6. Hệ Thống Tuần Hoàn

Hệ thống tuần hoàn gồm có tim và vô số các mạch máu lớn nhỏ nên cũng còn gọi là hệ thống tim mạch, giúp cho cơ thể duy trì đời sống qua các hoạt động sau đây.

  • Tim bơm máu đến khắp cơ thể qua sự co và giãn, hay đập. Tim đập độ 36 triệu lần mỗi năm và trung bình chuyển đi khoảng 1 triệu thùng máu trong đời sống của mỗi người. Một thùng dầu hỏa thô thường có giá trung bình 50 mỹ kim và hiện nay đang lên đến 60 mỹ kim. Nếu nhân 50 mỹ kim cho 1 triệu thùng thì giá thấp nhứt là 50 triệu mỹ kim, hiện nay là trên 60 triệu mỹ kim. Dĩ nhiên là một lít máu giá cao hơn một lít dầu. Nếu tính bằng theo giá dầu thô, để cho cơ thể chúng ta 'chạy' đều hòa thì tối thiểu mỗi người phải mua đến 50 triệu mỹ kim hay một triệu thùng. Nếu tính theo giá dầu lọc hay xăng thì giá sẽ còn tăng hơn nhiều. Do đó, chúng ta nên nhớ sự quý giá của tim, mạch và máu hoạt động trong cơ thể của mình.

  • Máu đem dưỡng khí và chất nuôi dưỡng đến tất cả mọi nơi trong cơ thể.

  • Máu chuyển chở các chất cặn bã đến phổi, thận, da để thải ra ngoài.

028


Hình 29 (7-6) Hệ Thống Tim Mạch

Hệ thống tim mạch hoạt động rất uyển chuyển và tự điều chỉnh nhanh chóng để duy trì sự hoạt động tốt đẹp của cơ thể.

Trong một cuộc nghiên cứu của các chuyên gia tim mạch, những người được xếp vào nhân cách thuộc dạng D (type D) có những đặc điểm sau.

  • Chuyện gì cũng thành vấn đề

  • Thường cảm thấy không vui

  • Thường thấy khó khăn trong sự giao hảo với người khác

  • Thấy khó khăn khi bắt đầu chuyện trò

  • Người khép kín

  • Thường hay lo lắng

  • Khi gặp gỡ người khác, không biết nói gì cho thích hợp

Theo cuộc nghiên cứu đó, những người nhân cách thuộc dạng D này, và trong hạng tuổi từ 40 đến 70, có đến 27 % bị bệnh tim mạch và 54 % bị cao huyết áp, trong khi� tỷ lệ trung bình trong dân số là 19 %. Điều đó cho thấy tinh thần tác động mạnh mẽ vào sức khỏe của tim mạch. [1]

Vận động và tập luyện rất cần thiết cho sức khỏe của hệ thống tim mạch. Theo Viện Đại Học Berkeley (University of California, Berkeley), vận động thể lực làm giảm chất đạm C hoạt hóa (C reactive protein), khi chất này xuất hiện trong máu thì đó là dấu hiệu bị bệnh tim hay tiểu đường [2]. Thiền làm cho hệ đối giao cảm hoạt động, thân thể và tinh thần trở nên êm dịu, tim đập chậm lại và huyết áp hạ xuống, cùng lúc các chất hormone tốt được sản xuất ra trong cơ thể. Ngoài ra, khi tập Khí Công Tâm Pháp chúng ta đi vào trạng thái an vui kỳ diệu, lòng vui vẻ, trí thảnh thơi, tánh tình cởi mở và nhân cách tốt đẹp vì vùng đan điền thượng (vỏ não trán trước) gia tăng hoạt động và phát triển theo sự tập luyện mỗi ngày. Sự vui tươi tích cực này làm cho tim mạch và các bộ phận khác trong cơ thể gia tăng khỏe mạnh. Điều này có thể biểu lộ trong đời sống hàng ngày như sau:

  • Dễ dàng bắt chuyện với người khác

  • Hay nói chuyện với người lạ

  • Ít khi bị khó chịu

  • Thường thấy cái đẹp của cuộc đời

  • Ít khi quạu cọ

  • Thích thân cận với người khác, v.v. [3]

Tóm lại, vui vẻ, lạc quan, cởi mở, thương yêu, cảm thông là những yếu tố rất cần thiết cho sự khỏe mạnh tổng quát và đặc biệt cho sức khỏe tim mạch. Khi chúng ta thấy hạnh phúc thì không thấy cô đơn. Người hạnh phúc thật sự thì dù họ sống một mình trên núi xa cách mọi người hay họ sống giữa đô thị náo nhiệt họ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Có hạnh phúc thì mới có tình thương. Một người khổ đau thì không thể thương yêu được và nếu họ 'thương' ai thì sẽ đem lại khổ đau cho người họ thương vì họ sẽ bày tỏ những lo âu, giận dữ, buồn rầu, ganh ghét, ghen tương, cố chấp trong mối tương quan giữa họ và người họ 'thương'. Do đó, bác sĩ Dean Ornish trong cuốn "Thương Yêu và Sống Còn" (Love and Survival) báo động rằng những người cô đơn thường có những hành động tự hủy hoại như hút thuốc, nghiện rượu, ăn uống đưa đến bệnh tật.

Làm sao thoát ra khỏi sự cô đơn sầu muộn đó để tránh bệnh tật? Bác sĩ Dean Ornish khuyên:

  • Phải có một cái nhìn tích cực đối với cuộc sống và có ý thức về hiện tại.

  • Phải biết tương quan tốt đẹp với những người khác là yếu tố rất quan trọng cho sức khỏe và tuổi thọ.

  • Mở rộng con tim và thương yêu cuộc đời.

Các chuyên gia về tim mạch và hệ miễn nhiễm đều đề cao đời sống hạnh phúc trong đó có sự vui vẻ, sung sướng, thoải mái, rộng mở, thương yêu, bao dung, hiểu biết. Tập Khí Công Tâm Pháp hàng ngày qua sự phối hợp Thiền hoạt động và Thiền tĩnh lặng sẽ giúp chúng ta phát triển khả năng an trú trong hạnh phúc. Niềm an vui nơi Tâm và sự sung sướng nơi bộ não làm cho hạnh phúc trong sinh hoạt hàng ngày chúng ta tỏa sáng. Khi có hạnh phúc thì mới có thể có tình thương. Một người không có hạnh phúc thì không có tình thương, một người khổ đau mà 'thương yêu' ai thì đó chỉ là sự biểu lộ của đau khổ.

Theo bác sĩ Dean Ornish, một chuyên gia tim mạch nổi tiếng tại Hoa Kỳ có chương trình làm chuyển ngược bệnh tim mạch rất thành công, thì tình thương hạnh phúc là yếu tố quan trọng số một trong việc ngăn ngừa và phục hồi các bệnh nhân bị bệnh tim mạch.

7. Hệ Thống Tiêu Hóa

Hoạt động

Thời gian

1

Ăn vào miệng

30 giây hay ít hơn

2

Nuốt xuống thực quản đến bao tử

8 giây

3

Bao tử làm việc

2 đến 6 giờ

4

Ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng

3 đến 5 giờ

5

Đi qua ruột già để rồi tống ra ngoài chất cặn bả (phân)

4 đến 72 giờ (nếu lâu quá thì có hại cho sức khỏe, gọi là bị táo bón)

Bảng 3 (7-1) Hệ Thống Tiêu Hóa

Hệ thống tiêu hóa bắt đầu từ miệng và tận cùng ở hậu môn, có nhiều chức năng phối hợp để nuôi sống cơ thể qua một chuỗi dài hoạt động nối tiếp tóm tắt trong bảng kê trên đây.

029


Hình 30 (7-7) Hệ Thống Tiêu Hóa

Như thế, cảm giác ăn ngon chỉ trong 30 giây hay ít hơn, sau đó cơ thể phải làm việc qua một tiến trình lâu dài như sau:

  • Miệng đưa thức ăn vào, tiết ra nước miếng, lưỡi nếm thức ăn, hàm răng nhai và sau dó nuốt thức ăn hay uống nước xuống bao tử.

  • Bao tử tiết ra dịch vị làm cho thức ăn mềm và nghiền cho nhỏ. Gan, mật và lá lách góp phần quan trọng trong việc tiêu hóa. Dưỡng chất sau đó được tống xuống ruột non.

  • Ruột non hấp thụ các chất dinh dưỡng đưa vào máu.

  • Ruột già nhận lãnh chất cặn bả từ ruột non và tống ra ngoài qua hậu môn.

Sức khỏe tâm thần, hệ miễn nhiễm, hệ thần kinh, sự vận động thân thể đều ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống tiêu hóa. Vận động và tập luyện rất cần thiết cho sức khỏe của hệ này. Khi thực hành Khí Công Tâm Pháp có nhiều động tác kích thích hệ thống dinh dưỡng làm việc điều hòa, phối hợp với Thiền tĩnh lặng khi ăn uống làm gia tăng cảm giác ngon và niềm vui sống. Nhai lâu, hưởng cảm giác ăn ngon, sức khỏe tăng, tuổi trẻ dài, tuổi thọ tăng đó là lời nhắc nhở các các bác sĩ và cũng là lời Phật dạy.

8. Hệ Thống Bài Tiết

Một phần của sự bài tiết đã thể hiện ở nơi da và ruột già. Nơi đây là phần bài tiết của nước tiểu ra ngoài.

030


Hình 31 (7-8) Hệ Thống Bài Tiết

  • Thận lọc máu và đưa máu trở về mạch máu, phần còn lại là nước tiểu.

  • Tiến trình này giúp cho cơ thể duy trì quân bình lượng nước, độ 60 % sức nặng của cơ thể, cùng với các chất hóa học cần thiết.

  • Nước tiểu được đưa xuống bàng quang và thải ra ngoài.

Sự sản xuất nước tiểu liên hệ rất nhiều đến lượng máu tuần hoàn, áp xuất huyết, các chất kích thích tố, nhiệt độ cơ thể, v.v. Uống cho đủ nước, vận động và tập luyện đều đóng góp rất nhiều cho sự tốt đẹp của hệ thống bài tiết hoạt động lâu dài và khỏe mạnh. Thế tập Thủy rất tốt cho bàng quang và thận. Ngoài ra thế Vượng Não có phần bế huyệt Hội Âm (co cơ hậu môn) giúp cho cơ hậu môn và bàng quang gia tăng sức mạnh, rất cần thiết cho người cao niên, làm giảm bớt chứng đi tiểu quá nhiều. Ngoài ra, khi tập thế Chánh Định cũng có sự phối hợp với co cơ hậu môn hay bàng quang, do đó cũng giúp nhiều cho vấn đề này.

9. Hệ Thống Hạch Nội Tiết

Các hạch và những phần trong một số các bộ phận khác hoạt động phối hợp như sau:

  • Tiết ra những hormone là những hóa chất chuyển vào máu hay chất lỏng khác trong cơ thể, nhằm duy trì sự quân bình tốt đẹp nhất cho cơ thể.

  • Điều hành phần lớn sự chuyển hóa năng lượng trong cơ thể chúng ta.

  • Chính hệ thống này tạo ra hay ảnh hưởng đến sự thay đổi mỗi giai đoạn khác nhau của đời sống nam hay nữ, từ nhỏ đến tuổi dậy thì, từ tuổi dậy thì đến phát triển quân bình, đến tuổi mãn kinh rồi trở nên già lão.

031b

031a


Hình 32 (7-9a, 9b) Hệ Thống Nội Tiết

Ba hệ thống thần kinh, miễn nhiễm và nột tiết liên hệ với nhau mật thiết để tạo ra một trạng thái quân bình và khỏe mạnh cho cơ thể. Vận động và tập luyện rất cần thiết cho hệ nội tiết. Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động giúp cho hệ thần kinh vui tươi và buông xả, từ đó ảnh hưởng tốt đẹp đến hệ nội tiết và hệ miễn nhiễm và giúp cho hoạt động tốt đẹp lâu dài, bớt đi nhiều hội chứng từ những chứng bệnh do Tâm (buồn rầu hay bị căng thẳng) sinh ra (từ 60 đến 90 %).

10. Hệ Thống Sinh Sản

032a

032b


Hình 33 (7-10a, 10b) Hệ Thống Sinh Sản

Nhiều người hay e ngại khi nói đến hệ thống sinh sản, trong khi đó hệ thống này cần được chăm sóc vệ sinh cẩn thận để tránh các bệnh tật nhiều khi rất hiểm nghèo. Đây là một hệ thống ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người nam hay người nữ, từ nhỏ cho đến già.

  • Chỉ hoạt động một thời gian kể từ tuổi dậy thì.

  • Sinh sản để nối tiếp đời sống.

  • Một hệ thống rất quan trọng cho đời người về mặt thể chất cũng như tinh thần.

Vận động, tập luyện, Thiền, có đời sống tươi vui hoạt động, giữ gìn vệ sinh để tránh các bệnh tật và có đời sống tâm linh tốt đẹp, những điều đó giúp ích rất nhiều cho sự chuyển hóa năng lượng tính dục thành niềm hạnh phúc và đời sống vị tha, có đời sống quân bình và đóng góp cho sự tốt đẹp của xã hội.

11. Hệ Thống Miễn Nhiễm

Ngoài hệ thống ngăn chặn vi khuẩn hay chất dộc vào cơ thể như da và nước mắt, hệ thống miễn nhiễm bảo vệ đời sống, giúp chống lại các vi khuẩn vào trong cơ thể tạo ra bịnh tật cùng bảo vệ cơ thể khi các bộ phận bên trong bị hư hại do những yếu tố bất thường phát sinh.

  • Những hạch bạch mạch to bằng hạt đậu giữ vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra cầu lymphô. Trong bạch huyết, những tế bào bảo vệ cơ thể, có chứa nhiều cầu lymphô.

  • Bạch huyết chảy trong bạch mạch hình thành một mạng lưới bao trùm cơ thể và đổ vào máu tĩnh mạch qua các ống tận cùng gọi là bạch mạch và ống ngực.

  • Bạch huyết chống lại các vi khuẩn cùng góp phần làm sạch những tế bào bị hư hại.

  • Tuyến ức (thymus) là một hạch rất lớn nằm phía trên quả tim, nơi vùng đan điền trung. Tuyến ức tiết ra nhiều loại hormones để điều hòa những chức năng của hệ miễn nhiễm. Tuyến này cũng sản xuất ra các cầu T (T lymphocytes) rồi chuyển chúng đi khắp cơ thể qua đường máu, tấn công các kháng nguyên (antigens) là những vật mà cơ thể xem là vật lạ hay có tiềm năng làm nguy hại và tạo ra kháng chất để chống lại chúng.

  • Cầu T khởi động tấn công những vật lạ này, chỉ huy cuộc tấn công và sau đó ngưng sự tàn phá. Cầu T có loại trợ giúp qua cách cổ võ và thúc dục các cầu khác trong hệ thống miễn nhiễm tấn công . Còn cầu CD lại làm cho cầu T ngưng lại các hoạt động tấn công khi công việc đã hoàn tất để đừng đi quá đà.

  • Cầu B (B lympocytes) cũng phối hợp với cầu T, đi tìm những vật lạ xâm nhập vào cơ thể, đánh dấu những vật này với chất đạm gọi là kháng thể. Nhờ sự đánh dấu này mà các cầu trong hệ miễn nhiễm biết được các vật xâm nhập và tấn công chúng để bảo vệ cơ thể.

  • Cầu lùng và diệt (NK hay natural killer) chính là người lính bộ binh đối đầu với các vật xâm nhậm để tiêu diệt hay giết chúng. Cầu này sản xuất ra chất cytokines rất quan trọng cho việc chữa trị viêm gan và ung thư.

  • Đại thực bào (macrophages) là một tế bào hay cầu lớn làm cho sạch sẽ mọi nơi trong thân thể bằng cách nuốt các vật xâm nhập, các tế bào ung thư, các hồng huyết cầu chết và cũng sản xuất chất cytokines.

033


Hình 34 (7-11) Hệ Thống Miễn Nhiễm

Tóm lại, chức năng của các tế bào trong hệ miễn nhiễm là biết cơ thể bị vật lạ xâm nhập, lập ra một tuyến để phòng vệ, thông báo tin tức cho nhau, sản xuất ra chất cytokines là một loại vũ khí mạnh chống dịch quân và cuối cùng là chấm dứt các hoạt động chiến đấu khi công việc hoàn tất. Tuy nhiên, nhiều lúc các tế bào này phản ứng quá đà, tiếp tục tấn công dù không có vật bên ngoài xâm nhập, tạo ra các bệnh tật trong cơ thể gọi là bệnh tự miễn (autoimmune disease). Các bệnh tự miễn này có rất nhiều, do các kháng thể tạo ra viêm rồi tiêu hũy các mô lành mạnh trong cơ thể. Các bệnh này gồm sốt thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm thận-tiểu cầu, và nhiều dạng rối loạn chức năng giáp trạng mà cho đến ngày nay người ta chưa biết nguyên do. Nhiều bác sĩ khích lệ bệnh nhân thực hành Thiền bên cạnh thuốc men để giảm căng thẳng và tạo ra sự thư giãn trong cơ thể hầu đưa đến sự giảm đau nhức.

Lối sống lành mạnh, an vui, đời sống tâm linh tốt đẹp, vận động và tập luyện giúp ích rất nhiều cho hệ miễn nhiễm. Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động cũng đóng góp một phần tích cực cho hệ miễn nhiễm gia tăng hoạt động bảo vệ cơ thể cũng như làm giảm bớt hội chứng của các loại bệnh tự miễn.

Hai Hệ Thống Ngoài Tây Y: Luân Xa Và Đan Điền

035a

035b


Hình 35 (7-12a, 12b) Hệ Thống Chakra

Ngoài các hệ thống nói trên, Tây Y không nói đến Luân Xa và Đan Điền, mà trong Yoga có đề cập đến Hệ Thống Các Trung Tâm Năng Lượnghay các Luân Xa, cũng gọi là Liên Hoa hay Chakra. Yoga nói đến bảy Chakra mà nhiều bác sĩ tập Yoga cho rằng đó là những vùng liên hệ đến các hạch nội tiết.

001


Hình 36 (7-13) Ba Đan Điền

Trong Khí Công thì nói đến các Đan Điền trong cơ thể gồm có ba đan điền là thượng, trung và hạ.

  • Đan điền hạ nằm nơi vùng bụng, trong đó có huyệt Khí Hải là nơi mà nguồn năng lượng hay chân khí trong cơ thể tụ lại rồi được chuyển đi. Vùng này còn có hai huyệt quan trọng, một là liên hệ đến Khí Tiên Thiên hay Nguyên Khí hay chân khí do di truyền từ cha mẹ mà có, đó là huyệt Mệnh Môn, nằm phía sau lưng giữa đốt cột sống 2 và 3. Hai là liên hệ đến Khí Hậu Thiên hay chân khí có sau khi sinh ra, lấy từ sự hô hấp và dinh dưỡng, đó là huyệt Thần Khuyết.

  • Đan Điền Trung ở vùng ngực (huyệt Đản Trung), chủ khí lực, huyệt mộ của Tâm Bào. Vùng này có những cảm giác rất thoải mái và thư thới, ấm áp khi có sự buông xả, cảm thông, rộng lượng và thương yêu. Một điều rất quan trọng là vùng này liên hệ đến tuyến tùy (thymus), một hạch lớn quan trọng trong hệ miễn nhiễm, nơi sản xuất cầu T (T cell) có chức năng phối hợp với các bạch cầu khác đi lùng diệt các vi khuẩn ngoại xâm, bảo vệ cơ thể lành mạnh.

  • Đan Điền Thượng nằm giữa hai lông mày, có huyệt Ấn Đường. Đan điền thượng bao gồm vùng vỏ não trước trán, vùng tân vỏ não trước trán, liên hệ đến nhiều chức năng như nói năng, suy nghĩ, cảm xúc, phản ứng lành mạnh và các hoạt động thành thục, v.v.

Khi thở đan điền (bụng) thì sự chú tâm thoải mái gia tăng đưa đến sự buông thư tự nhiên nơi bộ não. Bộ não dần dần êm dịu, trong khi đó các hoạt động liên hệ đến phân tích, quyết định, nói năng, hoạt động khéo léo, nhân cách được biểu lộ tốt đẹp, được gia tăng năng lư��ng, nhờ đó đời sống người thực hành Thiền trở nên an vui, lành mạnh và tốt đẹp hơn. Khi vùng vỏ não trước trán trở nên êm dịu thì năng lượng chú tâm thoải mái (chánh niệm) gia tăng và kéo dài. Khi chúng ta thực hành Thiền tĩnh lặng, Thiền hoạt động, vận động thân thể và tập luyện, thì do sự diễn biến nơi bộ não nói trên mà đưa ta đến niềm an vui và sự lắng dịu các ý tưởng và từ đó trạng thái hợp nhất Thân Tâm hay Thân Tâm Nhất Nhưxuất hiện.

Tóm lại, Khí Công Tâm Pháp nếu xét về mặt Đông Y thì đặt trên nên tảng quân bình Âm-Dương và tương sinh Ngũ Hành, qua cách làm thông các đường kinh lạc của lục phủ và lục tạng. Về mặt Tây Y thì sự tập luyện thường xuyên (sự phối hợp tốt đẹp giữa Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động) làm mạnh khỏe 11 hệ thống kết hợp trong thân thể, làm gia tăng sự phối hợp giữa 3 hệ thống thần kinh, hạch nội tiết và miễn nhiễm. Về mặt Yoga và Dưỡng Sinh thì phát triển sức mạnh và sự dẻo dai của xương, gân, bắp thịt cùng trạng thái thư giãn.

Điều quan trọng chúng ta cần nhớ khi tập Khí Công Tâm Pháp là tạo ra trạng thái buông thư . Khi trạng thái này xuất hiện thì hệ giao cảm dịu xuống, hệ đối giao cảm gia tăng hoạt động. Điều này đưa huyết áp hạ xuống, tim đập chậm lại, phổi thở chậm lại, mạch máu nở lớn hơn. Đồng thời các chất hóa học kích thích hành động và căng thẳng giảm đi, kéo theo việc giảm bớt các hội chứng rối loạn tự miễn (autoimmunity). Khi ta đạt được trạng thái buông xả nơi Thân và nơi Tâm, thì đó là sự phối hợp tốt đẹp giữa Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động, mục tiêu của Khí Công Tâm Pháp.

Sự tập luyện này đặt trên nền tảng của luật nhân quả trong vũ trụ: nhân lành thì quả tốt. Do đó, ngoài sự tập luyện Khí Công Tâm Pháp hàng ngày, chúng ta cần có lối sống lành mạnh như chấm dứt hút thuốc lá, rượu chè, cờ bạc, bỏ các tật hư� thói xấu khác như nóng nảy, giận hờn, nói xấu, chỉ trích, chê bai, châm chọc người khác. Về mặt dinh dưỡng thì gia tăng ăn rau đậu, giảm bớt thịt cá, gia tăng các loại đậu ngũ cốc, không ăn các loại chất béo bão hòa (saturated fat) hay chất béo nhân tạo (transfat hay hydrogenated fat), uống nhiều nước trong và ăn nhiều trái cây. Ngoài ra, chúng ta hãy mở rộng cõi lòng, giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật cũng như thông cảm những khó khăn của những người chung quanh. Như thế là phát triển đời sống tâm linh tốt đẹp qua sự hiểu biết chân thật, tình thương và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Tập luyện và sống hạnh phúc ngay bây giờ và nơi đây là con đường mà chúng ta phải bước đi hàng ngày.

Xin nhớ lại là chúng ta đang ở trong giai đoạn tập thở đan điền, do đó, trước khi đọc tiếp chương kế, xin quý vị ngồi hay nằm thoải mái và tập thở đan điền (hạ): thở vào bụng phồng, thở ra bụng xẹp. Thở thật thoải mái và càng lâu càng tốt và nhớ khi thở vào thì bụng phình ra phía trước chứ không đẩy hay nén không khí xuống dưới vùng hậu môn, vì làm như vậy có thể phát sinh bệnh trĩ.




[1]Psychosomatic Medecine, 2005

[2]University of California, Wellness Letter, February 2006

[3]University of California, Wellness Letter, February 2006


Khí Công Tâm Pháp Toàn Tập
Thầy Phụng Sơn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567