Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương I - DẪN NHẬP

24/04/201313:59(Xem: 4450)
Chương I - DẪN NHẬP

Chương I

DẪN NHẬP

Khuynh hướng thời đại là hiện nay tại Hoa Kỳ và nhiều nước Tây Phương có nhiều chương trình thực hành Thiền để phát triển sức khỏe, sự thành công và giảm trừ bệnh tật. Vào thế kỷ 20, Thiền có mặt khắp nơi qua các chương trình tu tập của các thiền viện thuộc nhiều tông phái Phật Giáo và Ấn Giáo. Đến cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhiều người Âu Mỹ đã trở thành các thiền sư bên cạnh những thiền sư Á Châu. Điều quan trọng hơn nữa, có nhiều người cư sĩ học Thiền và sau khi nắm vững tinh yếu của Thiền đã đem Thiền vào trong nhiều ngành sinh hoạt khác nhau như y khoa, khoa học, giáo dục, xã hội, kinh tế, thể thao, v.v qua những hoạt động bình thường, nên phổ biến hữu hiệu hơn là những sinh hoạt giới hạn trong sự phát triển đời sống tôn giáo và tâm linh tại các thiền viện. Có những nhóm thực hành Thiền phối hợp Thiền Hoạt Động và Thiền Tĩnh Lặng, có nghĩa là phối hợp một phần tập luyện và một phần phát triển đời sống tâm linh, chẳng hạn như những nhóm tập Thái Cực Quyền hay Taichi, Khí Công và Thiền, Khí Công Tâm Pháp. Lại có những tổ chức đi xa hơn, hoàn toàn cởi bỏ màu sắc tâm linh và chỉ chú trọng đến những hoạt động cụ thể trong đời sống hàng ngày. Do đó, trước khi đi sâu vào Khí Công Tâm Pháp, chúng ta nên biết rõ những ích lợi của các chương trình tập luyện thuần túy về phát triển sức khỏe và an vui đang cống hiến khắp nơi để thấy rõ những ích lợi đặc biệt của các chương trình này đồng thời có cơ hội so sánh với những lợi ích cụ thể của Khí Công Tâm Pháp nhiều người đang hay sẽ thực hành.

1. Thiền Tỉnh Thức

Hiện nay có nhiều tổ chức hướng dẫn Thiền để phát triển sức khỏe và sống đời an vui. Trước hết phải kể tổ chức Giảm Căng Thẳng Bằng Tỉnh Thức (Minhdfulness-Based Stress Reduction hay MBSR), một tổ chức tư nhân do tiến sĩ Jon Kabat-Zinn thuộc viện đại họcy khoa Massachussetts Umass Medical School đã thành lập trên 25 năm qua. Điều đặc biệt tổ chức Thiền làm giảm căng thẳng MBSR có những chuyên viên như bác sĩ, y tá, cán sự xã hội, bác sĩ tâm thần, những người hướng dẫn cùng hợp tác với nhau để xây dựng thành những tổ chức địa phương khắp nơi cung ứng các dịch vụ cho các chương trình chữa trị bệnh tật và phát triển sức khỏe. Hiện nay có đến 250 trường đại học và nhà thương khắp nơi trên thế giới trong đó có những đại học lớn như Duke, Umass, Stanford, UC San Francisco đều có chương trình MBSR này. Uy tín của chương trình này càng lúc càng gia tăng vì qua nhiều cuộc nghiên cứu người ta thấy rõ những người thực hành các chương trình thiền tập của MBSR có khả năng làm cho sự căng thẳng tinh thần và thể chất giảm đi, các cảm xúc tiêu cực bớt đi và sức khỏe tổng quát gia tăng. Tiến sĩ Kabat Zinn và các đồng nghiệp của ông trong chương trình MBSR đã chữa trị cho trên 16, 000 người và dạy cho trên 2,000 chuyên viên sức khỏe về chương trình Thiền Tỉnh Thức để họ hướng dẫn lại bệnh nhân.

Trong khi thực hành Thiền, chúng ta thường được khuyến khích� phải chú tâm thoải mái vào hơi thở hay thực hành chánh niệm. Nói khác đi, chúng ta chú tâm vào giây phút hiện tại thay vì để Tâm của chúng ta chạy theo những chuyện đã qua trong quá khứ hay những điều chưa xảy đến trong tương lai. Đó là thực hành Thiền Tỉnh Thức: Chú tâm vào hơi thở hay quán niệm hơi thở và sống trọn vẹn trong hiện tại đã được Đức Phật nói rõ trong Kinh Người Biết Sống Một Mình như sau:

Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại

Kẻ thức giả an trú

Vững chãi và thảnh thơi.

Phải tinh tiến hôm nay

Kẻo ngày mai không kịp

Cái chết đến bất ngờ

Không thể nào mặc cả.

Người nào biết an trú

Đêm ngày trong chánh niệm

Thì Mâu Ni gọi là

Người biết sống một mình.

(Thiền Sư Nhất Hạnh dịch)

Ngoài ra, trong kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật chỉ dạy cách chú tâm thoải mái về thân thể, về cảm giác, về những cảm xúc, những tâm tư cùng mọi thứ đối tượng thấy biết hàng ngày. Từ đó, sự thấy biết chân thật, niềm an vui và tình thương yêu tỏa sáng đời sống chúng ta.

Chương trình Giảm Căng Thẳng Bằng Tỉnh Thức MBSR cũng ứng dụng các nguyên tắc Thiền nói trên, nhưng soạn ra một chương trình giản dị về phương diện thực hành mà ai cũng có thể làm được và các kết quả được khảo cứu cẩn thận để tạo một nền tảng khoa học vững chắc. Đây là một chương trình cung cấp dịch vụ bình thường nên những người hưởng dụng phải đóng lệ phí, thường là từ 300 đến 500 mỹ kim cho một khóa trong tám tuần lễ, mỗi tuần lễ có một ngày đến thực hành chung và có hướng dẫn độ hai giờ rưởi, rồi nguyên một ngày thực hành chung vào tuần lễ thứ sáu hay thứ bảy, tổng cộng là 27 giờ được hướng dẫn thực hành trong lớp. Ngoài ra học viên còn phải thực hành tại nhà hay trong bệnh viện. Và để cho hiệu quả của chương tình MBSR được gia tăng, người ta tổ chức một ngày họp mặt thực hành chung miễn phí hàng năm cho những người đã tốt nghiệp trong vùng họ cư ngụ.

2. Kết Quả Tốt Đẹp Của MBSR

MBSR là một chương trình được xử dụng tại nhiều trường đại học y khoa cũng như tại các nhà thương, nên trong suốt 25 năm qua, các chuyên viên đã nghiên cứu rất nhiều và rất khoa học để xác nhận nhiều kết quả tốt đẹp, cũng như tìm hiểu trên căn bản khảo cứu y khoa (xin đọc thêm các tài liệu viện dẫn nơi phần các cuộc nghiên cứu dài hạn phía sau).

1.Làm Gia Tăng Sức Khỏe, Giảm Đau

  • Làm cho hệ thống miễn nhiễm mạnh lên

  • Làm bớt các loại đau nhức kinh niên

  • Làm giảm sự cần thiết uống thuốc bớt đau nhức

  • Làm cho sức khỏe gia tăng

  • Làm giảm đau đầu

  • Làm giảm huyết áp

  • Làm giảm bệnh tim mạch khi phối hợp với dinh dưỡng

  • Làm giảm đau đớn khi bị ung thư và đóng góp vào sự chữa trị bên cạnh thuốc men và sự chăm sóc bác sĩ

2.Làm Giảm Các Chứng Bệnh Tâm Thần

  • Làm giảm chứng lo âu

  • Làm giảm bệnh trầm cảm

  • Làm giảm chứng hoảng sợ

  • Làm giảm chứng giận dữ, căng thẳng tinh thần

  • Làm giảm những khó khăn trong tương giao

  • Làm giảm số ngày phải vào bệnh viện tâm thần

  • Làm giảm các thái độ nguy hiểm

3.Làm Tăng Sự Tốt Đẹp Trong Đời Sống

  • Làm cho sức khỏe gia tăng

  • Làm cho ý nghĩa tốt đẹp đời sống gia tăng

  • Làm cho sự tự quý trọng (self esteem) gia tăng

  • Làm cho sự buông thư và bén nhạy gia tăng

  • Làm cho các sinh hoạt xã hội gia tăng cả phẩm lẫn lượng

  • Làm cho đời sống gia đình tăng hạnh phúc

  • Làm cho sinh viên, học sinh học giỏi hơn

  • Làm cho công nhân có an lạc, làm việc có kết quả tốt.

Càng ngày, càng có thêm nhiều cuộc nghiên cứu xác nhận những lợi ích gia tăng này. Riêng về cá nhân người thực hành, họ tự lượng giá và thấy có sự thay đổi tốt đẹp trong đời sống như gia tăng sự thanh thản, bao dung và cảm thông hơn đối với những người trong gia đình hay sở làm, thoải mái sống trong hiện tại, bớt sự dính mắc vào những ý tưởng hay cảm xúc tiêu cực, trí óc trong sáng hơn, cảm nhận được nhiều điều tốt đẹp trong đời sống.

3. Duyên Khởi Và Trùng Trùng Duyên Khởi

Duyên là những yếu tố kết hợp với nhau như chúng ta có một hạt lúa, gieo hạt lúa xuống đất, tưới nước, bón phân và có ánh sáng ấm áp của mặt trời thì cây mạ hay lúa non xuất hiện. Cây mạ được chuyển sang trồng trên ruộng lúa, cách xa nhau hơn để có khoảng cách đủ cho cây phát triển. Với sự chăm sóc đầy đủ, phân bón, nước, ánh sáng mặt trời, cùng trừ sâu bọ thì cây lúa mọc tốt tươi cho đến lúc chín vàng và người nông dân gặt lúa về. Người nông dân bán lúa để mua thực phẩm, áo quần, phân bón cũ�ng như trang trải các chi phí khác. Người đi thâu mua lúa tập trung lúa lại rồi chuyển đến nhà máy xay. Sau đó cho vào bao và đem xuất cảng. Những người mua gạo ở các nước khác có thể nấu cơm hay làm bánh. Như vậy một cái nhân như hạt lúa, có những cái duyên thuận lợi, như đất, nước, phân bón, mặt trời thì đưa đến cái quả tốt như thóc lúa. Như thế� là nhân hợp với duyên đưa đến quả, đó là duyên khởi. Quả này lại trở thành một nhân mới để hợp với các duyên khác mà đưa đến những quả khác, như người mua lúa xuất cảng gạo, nuôi sống những người ở nước khác hoặc làm bánh kẹo, và cứ thế mà tiếp nối không cùng. Đó là trùng trùng duyên khởi. Các nhà khoa học hiện nay chú trọng nhiều đến tính cách nhân đưa đến quả, tính cách duyên khởi và trùng trùng duyên khởi trong các cuộc nghiên cứu về khoa học, nhất là trong sự ứng dụng vào việc bảo vệ sinh môi. Những chương trình Thiền để chữa trị bệnh tật hiện nay cũng nằm trong định luật duyên khởi và trùng trùng duyên khởinói trên.

Vào ngày 8, 9 và 10 tháng Mười Một năm 2005 Viện Nghiên Cứu Thân và Tâm (Mind and Body Institute), trường đại học y khoa John Hopkins University, School of Medecine và trung tâm y khoa viện đại học Georgetown University Medecine Center cùng bảo trợ tổ chức một cuộc hội luận với sự tham dự của ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV để các nhà khoa học nổi danh và các người tu thiền nhiều nơi trên thế giới trình bày và thảo luận qua năm đề tài chính:

1.Can thiệp lâm sàng bằng Thiền tập: khoa học, thực hành.

2.Nền tảng khả hữu sinh học nơi Thiền

3.Nghiên cứu lâm sàng I: Thiền và sức khỏe tâm thần

4.Nghiên cứu lâm sàng II : Thiền và sức khoẻ thể chất

5.Tổng kết và phát biểu cảm tưởng.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma tham dự thảo luận trong cả năm đề tài. Đây là thành quả của một chuỗi dài nhân duyên tốt đẹp được ngài Đạt Lai Lạt Ma và các nhà khoa học gieo trồng cách đây trên hai thập niên. Chúng ta hãy tìm hiểu về những yếu tố nhân và duyên sinh khởi này qua phần tóm lược tin tức trình bày của ký giả Stephen S. Hall trong tờ The New York Times số ngày 14 tháng Chín, năm 2000 như sau.

Vào năm 1992 ngài Đạt Lai Lạt Ma chuyển một lá thư qua máy fax đến tiến sĩ Richard Davidson để mời ông ta nghiên cứu về trạng thái thần kinh hay não bộ và hoạt động của các tế bào thần kinh khi thực hành Thiền. Tại sao lại mời giáo sư Davidson? Vì ông là một nhà khoa học được huấn luyện về thần kinh học tại trường đại học nổi tiếng Harvard và cũng là một nhà khoa học nổi tiếng về nghiên cứu tánh chất các cảm xúc tích cực, điều rất phù hợp với sự thực hành Thiền đem lại hạnh phúc, tình thương yêu và sự lành mạnh trong đời sống của Phật Giáo.

Thường thì các nhà khoa học về thần kinh rất thận trọng trong vấn đề nghiên cứu và ít khi chọn một đối tượng nghiên cứu như Thiền Phật giáo vì nghe mơ hồ và không có vẻ gì là có nền tảng rõ ràng về khoa học. Tuy nhiên, tiến sĩ Davidson là một người thực hành Thiền, ông ta biết rõ về Thiền tập nên ông ta lập tức nhận lời đến vùng chân núi Hy Mã Lạp Sơn với các máy vi tính, máy điện não ký, máy phát điện để thu xếp một chương trình khảo cứu bộ não của các vị thiền sư Tây Tạng khi Thiền.

Sau khi vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, nhóm nghiên cứu càng lúc càng phát triển và được sự tham dự của nhiều nhà khoa học khác cùng với những thiền sư nổi tiếng trong đó có thiền sư Pháp Matthieu Ricard, có bằng tiến sĩ về phân tử sinh vật học. Không những vậy, máy móc nghiên cứu càng ngày càng tân kỳ hơn như máy chụp hình cọng hưởng họa hình các chuyển động trong bộ não qua các tiếng dội từ trường (Functional Magnetic Resonance Imaging), giúp cho thấy không những các hoạt động trong bộ não khi Thiền mà cả ảnh hưởng tốt đẹp tồn tại sau nhiều tháng kế đó. Các nhà khoa học khác như Paul Ekman thuộc viện đại học University of California vùng San Francisco và Stephen Kosslyn của trường đại học Harvard cũng nghiên cứu về Thiền.

Cứ hai năm một lần, dưới sự chủ tọa cũng như tham dự thảo luận của ngài Đạt Lai Lạt Ma, các nhà khoa học đến nơi ngài cư trú dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn hay các nơi khác để cùng hội luận về những ích lợi cụ thể của Thiền và những cảm xúc tích cực như lòng từ bi, niềm an lạc cũng như các phương thức chuyển hóa các cảm xúc tiêu cực như giận dữ, thù hận, bất an, phiền muộn qua sự thực hành đời sống tâm linh để đóng góp vào hòa bình và hạnh phúc nhân loại. Cách đây hai năm, năm 2003, có chương trình hội luận tại viện kỹ thuật nổi tiếng M.I.T, (Massachussetts Institute of Technology), mà tiến sĩ Kabat-Zinn, người khai sinh chương trình giải trừ căng thẳng qua thiền MBSR, cũng là một thành phần tham dự với những nhà nghiên cứu thần kinh tên tuổi khác như giáo sư Joathan D. Cohen, chuyên gia về sự chú ý và nhận thức của viện đại học Princeton, giáo sư Eric Lander, một trong những người lãnh đạo về chương trình nghiên cứu toàn bộ hệ gen con người, giáo sư Daniel Khaneman, nhà kinh tế được giải Nobel qua chương trình nghiên cứu về tâm lý liên hệ đến kinh tế, cùng nhiều nhà khoa học khác. Chúng ta nên nhớ đây là một quyết định quan trọng khi họ tham dự vào cuộc thảo luận về Thiền vì các nhà khoa học đứng đắn không bao giờ muốn tên tuổi mình bị dính líu vào những vấn đề trừu tượng, mơ hồ hay không khoa học. Những đề tài trình bày trong cuộc hội luận vào tháng 11 năm 2005 là sự đúc kết các cuộc nghiên cứu quan trọng trong ngành thần kinh học liên hệ đến sức khoẻ thể chất và tinh thần mà các viện đại học, các tổ chức y tế cũng như những cơ quan cung ứng dịch vụ chữa trị thân và tâm đang mong chờ. Điều quan trọng hơn hết cho những người thực hành thiền và tập khí công, yoga và dưỡng sinh là các nhà khoa học và các thiền sư trình bày cho chúng ta thấy rõ sự liên hệ mật thiết giữa bộ não và tâm, nền tảng sự thực hành Thiền có gốc rễ nơi thân thể cùng những phương thức thực hành đưa đến những kết quả cụ thể. Như vậy khi nói về Tâm thì không chỉ nói đến tâm lý, mà còn nói đến hoạt động của các tế bào thần kinh nơi bộ não mà người ta có thể đo lường, huấn luyện và làm cho thành tốt đẹp hơn.

4. Tam Muội Hỏa

Trong các cuộc nghiên cứu các nhà khoa học thường chọn quý thầy Tây Tạng thường là các vị thiền sư hay các vị Lạt Ma Tây Tạng làm đối tượng nghiên cứu vì họ thực hành những phương pháp tu tập đặ�c biệt như ngồi ngoài tuyết lạnh giá tám giờ đồng hồ không nhúc nhích với một chiếc tăng bào mỏng manh trên người gọi là Tam Muội Hỏa hay Tummo, quán tưởng rất chi tiết với nhiều màu sắc các hình ảnh của chư Phật, chư Bồ tát hay thực hành chú tâm nhiều giờ vào một đối tượng, điều mà các nhà khoa học đang muốn tìm hiểu, lý do là sự chú tâm và sự tưởng tượng các chi tiết về hình thể và màu sắc của người thường so với các vị Lạt Ma này rất giới hạn. Bác sĩ Herbert Benson, dạy tại trường đại học y khoa Harvard và sau này là giám đốc trung tâm chữa trị thân và tâm, là người tiên phong trong vấn đề nghiên cứu sự buông thư, mà ông gọi là relaxation response, qua sự thực hành Thiền, cùng sự ứng dụng sự buông thư này vào trong các chương trình chữa trị bệnh tật, gia tăng sức khỏe, giảm sự hiếm muộn sinh con, chăm sóc thai nhi, chăm sóc con cái để mẹ con đều an lạc, giúp học sinh học giỏi, giúp thợ thuyền gia tăng hiệu năng làm việc. Chính bác sĩ Herbert Benson vào năm 1979 cũng cầm đầu một phái đoàn nghiên cứu y khoa đến tận vùng núi Hy Mã Lạp Sơn để nghiên cứu Tam Muội Hỏa và sau đó vào năm 2004, tiếp tục chương trình nghiên cứu này với các vị Lạt Ma Tây Tạng tại Pháp. Ông ta là một tín đồ Thiên Chúa Giáo thuần thành nhưng nghiên cứu rất tường tận và khoa học về Thiền và cách ứng dụng vào các sinh hoạt thường ngày như thể thao, học hành, tâm linh, nghệ thuật, chữa trị bệnh tật, gia tăng sức khỏe và hạnh phúc trong đời sống cho mọi người thuộc mọi tôn giáo.

Điều quan trọng chúng ta cần nhớ là trong đạo Phật các câu chuyện về phép lạ hay thần không không được xem là quan trọng nhiều, mà chính sự giải thoát hay giác ngộ của mỗi người thực hành tu học mới thường được đề cao. Vậy tại sao Phật Giáo Tây tạng lại chú ý nhiều đến thần thông? Thật ra bên ngoài sự kỳ bí mà người ta thường khoác lên các môn tu tập, cốt tủy của sự thực hành của chư tăng ni Tây Tạng là sự giải thoát viên mãn ngay trong kiếp sống này mà quý ngài thường hay nhắc nhở: �Tức thân thành Phật�. Đó là một thông điệp dõng mãnh gởi đến mọi Phật tử. Tuy nhiên, điều đó có ý nghĩa gì trên nền tảng khoa học ? Những yếu tố tâm lý và cơ thể biểu lộ ra sao khi các vị thiền sư Tây tạng thực hành các phép thần thông và ở trong trạng thái hỷ lạc của tâm giác ngộ ?

Trong tác phẩm về sự thực hành buông thư qua Thiền tập cùng những kết quả kỳ diệu của nó (Beyond the Relaxation Response), bác sĩ Herbert Benson có trình bày về kết quả cuộc nghiên cứu của phái đoàn y khoa về Tam Muội Hỏa hay Tummo là một trong sáu phép thần thông của các vị thiền sư Tây Tạng từ ngài Naropa truyền xuống. Các ngài ngồi thiền trên tuyết vào một ngày giá buốt tại vùng núi Hy Mã Lạp Sơn và có khả năng làm cho da của họ tăng lên 15 độ Farenheit (khoảng hơn 9 độ bách phân) nhất là nơi các vùng tay và chân, hai bàn tay, hai bàn chân, hai tai, mũi là những vùng dễ bị đông lạnh hay bị hư hại nếu để ra ngoài khí hậu quá lạnh trong thời gian dài. Nhiều cuộc khảo cứu sau đó họ lại đến các vùng lạnh hơn và các vị thiền sư Tây Tạng ngồi liên tiếp tám giờ ngoài trời lạnh buốt dưới không độ Farenheit hay trừ 18 độ (âm) bách phân mà không động đậy, hoặc họ có thể làm thân thể phát ra sức nóng, do các luồng 'chân khí' hay 'khí' (wind, air hay prana) chuyển động nơi các đường kinh mạch, làm cho những tấm khăn nhúng nước đắp lên người họ bốc lên thành hơi và khô đi.

Điều quan trọng khi thực hành Tam Muội Hỏa là các vị thiền sư đi vào một trạng thái Đại Lạc, niềm an vui vô cùng kỳ diệu mà thiền gọi là Hỷ Lạc, Tịnh Độ gọi là Cực Lạc, do sự 'đốt cháy' hay tiêu trừ mọi cội gốc của nghiệp chướng hay các trở ngại trong tâm như tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Thân và Tâm các ngài trong trạng thái buông xả tuyệt đối mà người ta ghi nhận là mức độ hơi thở giảm xuống rất nhiều, 15 hơi thở trung bình trong một phút, có vị chỉ thở 6 hơi thở trong một phút, và mức độ chuyển hóa năng lượng giảm còn 64 phần trăm. Đó là một thành quả đặc biệt so với những người bình thường như chúng ta khi thực hành sự buông xả. Nhờ những cuộc nghiên cứu đó mà chúng ta hiểu rõ hơn về sự ích lợi của Thiền giúp cho phát triển sức khỏe, gia tăng những khả năng chữa trị bệnh tật của cơ thể và niềm hạnh phúc kỳ diệu có sẵn nơi mỗi con người.

5. Nền Tảng Thực Hành Thiền Phát Triển Sức Khỏe

Hiện nay có hàng trăm nhóm thực hành Thiền và phát triển sức khỏe khắp nơi. Tuy nhiên, có hai nhóm rất quan trọng mà chúng ta cần biết đến vì hai nhóm này hợp tác với các viện đại học và các nhà thương lớn, có cơ sở và chương trình hoạt động quy mô, đã chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân và có chương trình nghiên cứu khoa học liên tục về những tác dụng hữu ích của chương trình họ đang cống hiến cho quần chúng. Chúng ta đã biết qua về chương trình giảm căng thẳng qua Thiền MBSR của tiến sĩ Kabat-Zin, nay chúng ta tìm hiểu chương trình Thiền chữa trị bệnh tật của Viện Y Khoa Thân Tâm do bác sĩ Herbert Benson làm giám đốc.

Bác sĩ Herbert Benson rất quan tâm đến tác dụng của sự căng thẳng gây ra đủ thứ bệnh tật, làm gia tăng những cơn đau nhức và ngay cả chứng hiếm muộn con cái cũng như những hội chứng của người phụ nữ lớn tuổi. Bác sĩ Benson viện dẫn các cuộc nghiên cứu y khoa cho biết những bệnh nhân đến bác sĩ khám bệnh thì có từ 60 đến 90 phần trăm liên hệ đến sự căng thẳng mà họ có thể biết hay không biết tới. Viện này đã hợp tác với các bác sĩ khác để làm các cuộc nghiên cứu y khoa và thấy chương trình giảm trừ căng thẳng đã giúp cho trên 80% bệnh nhân tham dự chương trình trong sáu tháng bớt các chứng bệnh như đau kinh niên, đau đầu đông, bệnh tim mạch, huyết áp, đau các khớp, hiếm muộn, tiểu đường, hội chứng mãn kinh, bệnh đường ruột, chóng mặt, ù tai, đau lưng, mất ngũ, tim hồi hộp, xuyễn và nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác.

Các bác sĩ thường báo động sự căng thẳng không những liên hệ đến các bệnh tật về thể chất, căng thẳng cũng làm cho đời sống trở thành không quân bình như hút thuốc, uống rượu, hoặc ăn uống quá nhiều để trốn thoát căng thẳng. Sự căng thẳng không dừng lại nơi đó, nó tác hại đến trí nhớ, cách suy luận rõ ràng hợp lý, mất dần khả năng quyết định đúng, hay chỉ trích người khác, thiếu tự tin và làm cho đời sống dần dần trở nên cô lập và gia tăng khổ đau. Vì sự tác hại lớn lao của căng thẳng như vậy nên chương trình chữa trị của Viện Y Khoa Thân Tâm là huấn luyện cho bệnh nhân thực hành Thiền để giải trừ căng thẳng, tập thể dục hay Yoga, biểu lộ cảm xúc để lòng được nhẹ đi, sinh hoạt với nhóm hỗ trợ và viết nhật ký để gia tăng sự nhận thức về đời sống. Chương trình của tổ chức này hiện cung ứng các dịch vụ sức khỏe cho nhiều nhóm khác nhau với mục đích sau đây:

  • Giảm các hội chứng hay các đau đớn bệnh tật

  • Giảm cân

  • Giúp những người bị ung thư

  • Những người bị hiếm muộn

  • Sức khỏe tim mạch

  • Gia tăng niềm vui và sức khỏe cho người mẹ và các em bé

  • Chương trình phát triển sức khỏe qua tập Yoga hay vận động, có huấn luyện viên riêng, v.v

Những người ghi danh sẽ tham dự chương trình trong 10 tuần lễ, mỗi tuần sinh hoạt một lần trong hai tiếng rưởi đồng hồ để tập thở tạo ra cảm giác buông thư, cách điều hành căng thẳng, làm giảm và chuyển đổi các ý tưởng tiêu cực, biết cách dinh dưỡng tốt cùng được hướng dẫn tập luyện thể chất để phát triển thói quen vận động tốt. Cách tập thở để tạo ra cảm giác buông thư cũng tương đối giản dị: Chú tâm vào hơi thở vào và hơi thở ra, đừng để cho các ý tưởng lôi cuốn, có thể niệm một chữ hay một câu tự mình chọn lấy duyên theo hơi thở hoặc đếm số.

Chúng ta đã biết khi một người ghi tên tham dự chương trình trong 8 tuần lễ do chương trình thiền giảm căng thẳng MBSR hướng dẫn, có tổng cọng 27 giờ sinh hoạt, tham dự viên có thể phải đóng khoảng 500 mỹ kim. So với chương trình 10 tuần lễ của Viện Y Khoa Thân Tâm, mỗi tuần đến sinh hoạt 2 giờ rưởi,� lệ phí có thể lên đến 800 mỹ kim. Sau phần thủ tục ghi danh chương trình của giảm căng thẳng bằng tỉnh thức MBSR, học viên được hướng dẫn phần chính có thể tóm lại như sau:

1.Thiền Nằm

  • Nằm thẳng lưng hay ngồi thẳng trong một tư thế thoải mái.

  • Nhắm mắt lại.

  • Thở bụng và cảm nhận bụng phình lên và xẹp xuống.

  • Cảm giác toàn thân, từ đầu đến chân, cảm giác phần lưng tiếp xúc với sàn.

  • Chú tâm vào ngón chân cái bên trái, quán thấy hơi thở đi từ mũi đến ngón chân cái rồi trở về. Tiếp tục làm như vậy đến phía trước bàn chân, bàn chân dần dần cho đến mặt và đầu.

  • Sau dó về nhà thực hành tiếp mỗi ngày độ 30 phút.

2.Tập các thế yoga với sự chú tâm tỉnh thức

3.Ngồi Thiền

  • Ngồi thoải mái, lưng thẳng.

  • Chú tâm vào mỗi hơi thở vào và hơi thở ra: Bụng phồng khi thở vào và xẹp khi thở ra.

  • Đem sự chú tâm trở về với hơi thở mỗi khi mất sự chú tâm và chạy theo ý tưởng.

  • Thực hành thiền ngồi 15 phút mỗi ngày

Sau khi phát triển khả năng họ có thể mở rộng phạm vi chú tâm nhận biết về cảm giác của thân thể hay các âm thanh xuất hiện. Những sự thực hành nói trên chúng ta thấy Đức Phật chỉ dạy rất tường tận trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Ngoài ra, họ được hướng dẫn thêm về các vấn đề liên hệ đến điều hành căng thẳng liên quan đến đời sống hay bệnh tật. Người hướng dẫn thường nhấn mạnh đây không phải chỉ là một chương trình tạo thư giản làm bớt căng thẳng mà còn là một phương pháp tốt đẹp đi sâu vào đời sống tâm linh, đưa đến những thay đổi tốt đẹp lâu dài cho người thực hành.

Như thế, các chương trình thiền và phát triển sức khỏe này có đăc điểm chung là không dùng đến danh từ 'Thiền' vì ngại dân chúng hiểu lầm đây là một chương trình của tôn giáo nào đó. Họ chỉ dùng chữ 'tỉnh thức', (mindfullness như trong MBSR) hay 'buông thư' (relaxation response như trong Mind and Body Medecine) như một nhãn hiệu hay logo đặc biệt của chương trình họ. Với hai chương trình trên, cách thở thì cũng tương tự vì tất cả nền tảng căn bản về cách thở đều phát xuất từ thiền Nam Tông hay Bắc Tông Phật Giáo, ngay đến cách quán tưởng, tưởng tượng ra trong trí hay tâm các hình ảnh hoặc cảm nhận về các cảm giác nơi thân hay các cảm xúc như sướng khổ, vui buồn, ưa ghét mà đừng phản ứng thì đó là nền tảng của thiền Quán Niệm Hơi Thở do Đức Phật dạy cùng sự thực hành đăc biệt trong Kinh Tứ Niệm Xứ hay Chú Tâm Vào Bốn Lãnh Vực của đời sống mỗi người. Cái hay của những tổ chức này là họ có tinh thần sáng tạo, biết lấy cái tinh hoa mà ứng dụng vào hoàn cảnh hiện nay mà đạo Phật gọi là Khế Lý và Khế Cơ để giúp người một cách hữu hiệu hơn. Và một trong những sáng tạo đó là Thiền Nằm của MBSR thay vì ngồi và cảm nhận những cảm giác nơi thân mà Đức Phật gọi là Niệm Thân trong sự thực hành Bốn Lãnh Vực Quán Niệm. Chương trình MBSR cũng có những khóa sinh hoạt thực hành đặc biệt gồm có tập thiền, tập Yoga, thảo luận chung, thức ăn ngon, đi bộ trong rừng do tiến sĩ Kabat Zinn hướng dẫn. Các học viên đóng lệ phí là 4,650 mỹ kim (có phòng một người). Ghi danh sớm thì đóng ít hơn: 3,950 mỹ kim và gọi điện thoại số (508) 856-5493 để ghi tên tham dự.

Chương trình tập Khí Công Tâm Pháp thường được hướng dẫn miễn phí hàng tuần hay trong cái khóa tu tập nhiều ngày với với mục đích phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần, phòng ngừa các bệnh tật, phát triển niềm an vui cùng gia tăng phẩm chất và ý nghĩa tốt đẹp của đời sống trong mọi hoàn cảnh sinh hoạt qua bốn phần chính:

1.Khí Công Thiếu Lâm làm gia tăng sức khỏe của 12 bộ phận trong cơ thể.

2.Các thế vận nội lực.

3.Các thế Yoga làm gia tăng sức mạnh của bắp thịt, gân và xương cốt.

4.Tám thế Dưỡng Sinh Tâm Pháp tập theo lời niệm rất thoải mái.

Ngoài ra khi tham dự các khoa tập dài hạn, những người tham dự được hướng dẫn thêm:

  • Quán tưởng thân thanh tịnh để giúp phát triển sức khỏe thân và tâm.

  • Khuyến khích tham dự các khóa tu học hay tập luyện chung một hay hai kỳ một tháng để biết cách tiếp xúc với niềm vui nơi thân và tâm cùng đón nhận sự hỗ trợ của thân hữu.

  • Khuyến khích người tham dự thực hành lạy Phật (khoảng 100 lạy) theo khí công để duy trì sức khỏe tổng quát lâu dài cùng giúp cho hệ thống cột sống mạnh khỏe, bớt chứng đau lưng cùng chứng đau nơi đầu gối vì cách lạy theo khí công làm cho các bắp thịt nơi bắp đùi và bắp chuối mạnh hơn.

  • Khuyến khích mở lòng từ bi giúp tha nhân.

  • Khuyến khích phát triển sự thông minh trí tuệ và thông minh cảm xúc.

  • Khuyến khích phát triển sự thành công và hạnh phúc gia đình.

Những điều nói trên được trình bày chi tiết trong các chương kế tiếp. Đến đây, có lẽ có vị sẽ hỏi: Chương trình này so với hai chương trình nói trên có nhiều sinh hoạt khác biệt tuy cùng chung mục đích phát triển sức khỏe và an vui, vậy phí tổn tham dự mỗi khóa là bao nhiêu và trong thời hạn bao lâu? Chúng tôi xin thưa: Chương trình Khí Công Tâm Pháp hoàn toàn miễn phí và chương trình tập cống hiến vô thời hạn cho những vị nào muốn làm cho đời sống của mình khỏe mạnh và vui tươi hơn.

6. Nghiên Cứu Dài Hạn Về Thiền Trị Bệnh

Một cách tổng quát, sự thực hành chương trình tập luyện thân và tâm phối hợp có hiệu quả tốt đẹp vì:

  • Nhiều bệnh tật có gốc rễ nơi tâm hay tinh thần. Từ đó phát sinh ra những thái độ hay tánh tình đóng góp vào sự gia tăng bệnh tật.

  • Chữa trị bệnh là chữa trị tận gốc và gốc đó nơi tâm.

  • Chương trình chữa trị thân tâm cắt đứt vòng luân hồi của căng thẳng Z(đưa đến) lo âu Ztác động vào thân thể Z� phản ứng nơi thân thể Zbệnh tật Zgia tăng căng thẳng Ztiếp tục quay hoài trong vòng luân hồi miên viễn.

  • Hướng dẫn bệnh nhân ra khỏi vòng luẩn quẩn đó bằng cách nhận rõ phản ứng nơi Tâm, sự căng thẳng nơi Thân thể và Tâm, biết cách thực hành buông thư để thoát ra khỏi thói quen tai hại, phát triển các tánh tình tốt và thái độ lành mạnh.

Những chương trình điều trị phối hợp với các sự chăm sóc của chuyên viên y tế có học hỏi về Thiền buông thư nên kết quả rất tốt đẹp. Các tập san y khoa đã phổ biến các thành quả tốt đẹp của hai tổ chức Thiền giảm căng thẳng MBSR và Thiền buông thư của Viện Y Khoa Thân Tâm nói trên, qua những cuộc nghiên cứu y khoa nghiêm túc của nhiều chuyên viên sức khỏe trong hơn 20 năm mà chúng ta thử đọc qua một số tài liệu nghiên cứu (trong số trên 50 dự án nghiên cứu) được công bố trên các tập san y khoa.

a. Thành Quả Nghiên Cứu Của Tổ Chức MBSR

Các Thành Quả Nghiên Cứu Của Tổ Chức MBSR (Mindfulness-Based Stress Reduction hay Giảm Căng Thẳng Qua Tỉnh Thức) đã được thực hiện rất nhiều, và cho biết sự ứng dụng Thiền có kết quả tốt đẹp trong nhiều lãnh vực mà chúng ta có thể đọc 10 dự án trong số rất nhiều dự án đã được phổ biến trong tạp chí y khoa như sau:

1.Ứng dụng lâm sàng của Thiền để điều hành chứng đau nhức kinh niên: The clinical use of mindfulness meditation for the self regulation of chronic pain.

2.Chương trình nghiên cứu sơ bộ về Thiền, giảm bất an cùng bệnh tim: Mindfulness meditation, anxiety reduction, and heart disease: a pilot study.

3.Thực hành Thiền làm giảm căng thẳng và gia tăng cảm thông nơi các sinh viên điều dưỡng: Does mindfulness decrease stress and foster empathy among nursing student?

4.Đáp ứng của Tâm-Nội Tiết-Miễn Nhiễm đối với sự thực hành Thiền của những người bị nhiễm vi khuẩn HIV (bệnh Aids): Psyco-endocrine-immune response to mindfulness-bases stress reduction in individuals inflexted with the human immunodeficiency virus: a quasiexperimental study.

5.Giảm căng thẳng qua Thiền như là một sự kết hợp chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần bên ngoài nhà thương: Mindfulness-based stress reduction as an adjunct to outpatient psychotherapy.

6.Sự thay đổi trong bộ não cùng chức năng miễn nhiễm do Thiền tạo ra: Alteration in brain and immune function produced by mindfulness meditation.

7.Những hiệu quả của giảm căng thẳng qua Thiền đối với sinh viên y khoa và sinh viên tiền y khoa: Effects of mindfulness-based stress reduction on medical and premedical students.

8.Giảm căng thẳng qua Thiền giúp giảm bớt những căng thẳng tâm lý nơi các sinh viên y khoa: Mindful-bases stress reduction lowers psychological distress in medical students.

9.Hiệu quả của giảm căng thẳng qua Thiền trong việc chữa trị chứng bất an: Effectiveness of a meditation-based stress reduction program in the treatment of anxiety disorder.

10.Thiền liên hệ đến việc chữa trị bệnh ung thư: A randomized, wait list control clinical trial: The effect of a mindfulness meditation-based stressed reduction program on mood and symptoms of stress in cancer outpatient.

Nếu chúng ta muốn chia loại các cuộc nghiên cứu nói trên theo các phạm vi khác nhau, chúng ta có thể tìm đọc thêm các kết quả tốt đẹp trên các tập san y khoa về thực hành Thiền chữa trị bệnh tật của tổ chức Thiền làm giảm căng thẳng MBSR như sau.

i. Thiền Giúp Giảm Bớt Các Chứng Đau Nhức
  • Kabat-Zinn. J., An out-patient program in behavioral medicine for chronic pain patients based on the practice of mindfulness meditation: Theoretical considerations and preliminary results. General Hospital Psychiatry (1982) 4:33-47. (Thực hành thiền giúp cho bệnh nhân điều hành các đau nhức cho hữu hiệu).

  • Kabat-Zinn, J., Lipworth, L. and Burney, R. The clinical use of mindfulness meditation for the self-regulation of chronic pain. Journal of Behavioral Medecine (1985) 8:163-190. (Thực hành thiền trong 10 tuần lễ gíup giảm đau nhức).

  • Kabat-Zinn, J., Lipworth, L., Burney, R. and Sellers, W., Four year follow-up of a meditation-based program for the self-regulation of chronic pain: Treatment outcomes and compliance. Clinical Journal of Pain (1986) 2:159-173. (Sau khi thực hành Thiền làm giảm đau nhức, các bệnh nhân tiếp tục được theo dõi từ 2 tháng rưỡi đến 4 năm và thấy có kết quả dài hạn tốt đẹp).

ii. Thiền Làm Giảm Bớt Các Bệnh Tâm Thần
  • Kabat-Zinn, J., Massion, A. O., Kristeller, J., Peterson, L.G., Fletcher, K., Pbert, L., Linderking, W., Santorelli, S. F., Effectiveness of a meditation-based stress reduction program in the treatment of anxiety disorders. American Journal of Psychiatry (1992) 149:936-943. (Thiền giúp giảm bớt bệnh lo âu [anxiety], trong đó có nhiều thứ như hoảng hốt hay khiếp sợ).

  • Miller, J., Fletcher, K. and Kabat-Zin, J., Three-year follow-up and clinical implications of a mindfulness-based stress reduction intervention in the treatment of anxiety disorders. General Hospital Psychiatry (1995) 17:192-200. (Thực hành Thiền trong 8 tuần lễ, các bệnh nhân bị chứng lo âu vẫn có được những kết quả giảm bớt bệnh lâu dài sau đó).

  • �John Teasdale, Zinden Segal, Mark G. Williams, Ridgeway, Soulsby, Lau. Prevention of relapse or recurrence in major depression by mindfulness-based cognitive therapy.(A�p dụng Thiền trong nhận thức trị liệu giúp cho các bệnh nhân bị chứng trầm cảm đã lành bớt bị các ý tưởng tác động làm bệnh tái phát).

  • Fried, Robert. Breathing as a clinical tool. (2000) [Chapter] Mostofsky, David I. (Ed); Barlow, David H. (Ed). The management of stress and anxiety in medical disorders. 100-118. (Thở được xử dụng như một dụng cụ lâm sàng để điều hành căng thẳng và chứng lo âu).

  • Ma, S.H., & Teasdale, J.D. (2002). Mindfulness-based cognitive therapy for depression: Replication and exploration of differential relapse prevention effects.� Submitted for publication. (Thiền giúp chữa trị chứng trầm cảm).

  • Tacon, A. M., McComb, J., Caldera, Y., Randolph, P. (2003). Mindfulness meditation, anxiety reduction, and heart disease: A pilot study. Family & Community Health, 26(1), 25-33. (Thiền giúp cho các chứng bệnh lo âu và tim)

  • Kabat-Zinn, J. (1990) Full Catastrophe Living: using the wisdom of your body and mind to face stress, pain, and illness. New York, Dell Publishing Kabat-Zinn, J., Lipworth, L., Burney, R., and Sellers, W. (1986) (Sách hướng dẫn thực hành Thiền giảm trừ căng thẳng và giải trừ bệnh tật)

iii. Thiền Để Chữa Các Loại Bệnh Khác
  • Kabat-Zinn, J., Wheeler, E., Light, T., Skillings, A., Scharf, M., Cropley, T. G., Hosmer, D., and Bernhard, J., Influence of a mindfulness-based stress reduction intervention on rates of skin clearing in patients with moderate to severe psoriasis undergoing phototherapy (UVB) and photochemotherapy (PUVA). Psychosomatic Medecine (1998) 60:625-632 (Thiền giúp thêm vào việc chữa trị mau chóng bệnh vảy nến, là một bệnh ngoài da mãn tính, làm nổi lên những vảy ngứa nơi khuỷu tay, cánh tay trước, chân, da đầu và các nơi khác).

  • Kenneth H. Kaplan, M.D, Don L. Goldenberg, M.D., and Maureen Galvin-Nadeau, The Impact of a meditation-based stress reduction program on Fibromyalgia, General Hospital Psychiatry, 15, 284-289, 1993. (Thiền giúp giảm chứng đau nhức, mệt mỏi và mất ngủ).

  • Reibel, D.K., Greeson, J.M., Brainard, G.C., Rosenzwiscz, S. (2001). Mindfulness-based stress reduction and health-related quality of life in a heterogeneous patient population. Center for Integrative Medicine, Philadelphia. (Thiền làm giảm căng thẳng và gia tăng phẩm chất đời sống).

  • Shapiro, S. L., Bootzin, R. R., Figueredo, A. J., Lopez, A. M., and Schwartz, G. E. (2003). The efficacy of mindfulness-based stress reduction in the treatment of sleep disturbance in women with breast cancer. An exploratory study. Journal of Psychosomatic Research, 54, 85-91 (Thiền giúp cho phụ nữ bị ung thư vú ngủ tốt hơn).

  • Sharma. M. P.; Kumaraih, V.; Mishra, H.; Balodhi, J.P (1990) Therapeutic effects of Vipassana Meditation in tension headache. Journal of Personality & Clinical Studies. 6(2), 201-206. (Tác dụng chữa trị của Thiền Minh Sát (Nam Tông) cho những người bị chứng đau đầu).

  • Valentine, E., Sweet, P., (1999) Meditation and attention: a comparison of the effects of concentrative and mindfulness meditation on sustained attention. Mental Health, Religion, and Culture, 2, 1, 59 � 70. (Thiền giúp cho gia tăng sự chú ý).

iv. Thiền Làm Gia Tăng Khả Năng Hoạt Động Tốt Của Hệ Thống Miễn Nhiễm
  • Katherine; Sheridan, John F. (2003). Alternations in brain and immune function produced by mindfulness meditation. Psychosomatic Medicine. Vol 65(4), 564-570. (Thiền làm gia tăng chức năng của bộ não và hệ miễn nhiễm).

  • Robinson, Frederick Patrick. Psycho-endocrine-immune response to mindfulness-based stress reduction in HIV-infected individuals. Dissertation Abstracts International Section B: the Sciences & Engineering. Vol 63(1-B), Jul 2002, 179. (Thiền giúp cho hệ miễn nhiễn mạnh lên).

b. Thành Quả Nghiên Cứu Của Viện Y Khoa Thân Tâm

Viện Y Khoa Thân Tâm (Mind and Body Medical Institute) hướng dẫn các bệnh nhân thực hành Thiền buông thư đạt được nhiều kết quả thuật lại trong các 9 tài liệu tiêu biểu sau đây.

1.Benson H, Alexander S, Eldman C. Decreased premature ventricular contractions through use of the relaxation response in patients with stable ischaemic heart disease. The Lancet. 1975; 380-386. (Giảm bớt chứng� co bóp tâm thất sớm nơi các bệnh nhân bị chứng thiếu máu cục bộ qua sự thực hành Thiền buông thư).

2.Benson H, Dryer T, Hartley LH. Decrease oxygen consumption during exercise with elicitation of the relaxation response. Journal of Human Stress. 1978; 4:38-42. (Sự giảm bớt mức tiêu thụ dưỡng khí khi thực hành Thiền buông thư)

3.Benson H, Greenwood MM, Klemchuk H. The relaxation response: Psychological aspect and clinical applications. International Journal of Psychiatry in Medicine. 1975; 6:87-98.(Thiền buông thư: Khía cạnh tâm lý và áp dụng lâm sàng).

4.Benson H. Your innate asset for combating stress. Harvard Business Review. 1974; 52:49-60. (Khả năng bẩm sinh chống lại sự căng thẳng).

5.Benson H, Lehmann JW, Malhotra MS, Goldman RF. Body temperature changes during the practice of gotummo (heat) yoga. Nature. 1982; 295:234-6. (Nhiệt độ cơ thể tăng trong khi thực hành Tam Muội Hỏa)

6.Benson H, Malhotra MS, Goldman RF, Jacobs GD, Hopkins PJ. Three case reports of the metabolic and electroencephalographic changes during advanced Buddhist meditative techniques. Behavioral Medicine. 1990; 16:90-5.(Ba trường hợp trình bày về sự chuyển hóa năng lượng cùng điện não ký thay đổi khi thực hành Thiền Phật Giáo cao cấp).

7.Benson H. Stress, Anxiety and the Relaxation Response. Behavioral Biological Medicine. 1985; 3: 1-50.(Thiền buông thư làm giảm chứng lo âu).

8.Benson, H., Kornhaber, A., Kornhaber, C., LeChanu N., Zuttermeister, P., Myers, P., Friedman, R. Increases in positive psychological characteristics with a new relaxation-response curriculum in high school students. Journal of Research & Development in Education. 1994; 27(4):226-31. (Những phát triển các cá tánh tốt khi ứng dụng chương trình dạy Thiền buông thư� cho các học sinh trung học).

9.Benson, H., Friedman, R. Harnessing the Power of the Placebo Effect and Renaming It "Remembered Wellness." Annual Review of Medicine. 1996; 47:193-99. (Năng lực Khỏe Hồi Tưởng).

Ngoài ra, trong những cuộc nghiên cứu các bệnh nhân được hướng dẫn về cách thực hành Thiền buông thư, Viện Y Khoa Thân Tâm (Mind & Body Medical Institute) đã thấy có các kết quả như sau:

  • Các bệnh nhân bị đau kinh niên giảm bớt sự viếng thăm bác sĩ độ 36% (The Clinical Journal of Pain, Volume 2, pages 305-310, 199).

  • Có sự giảm bớt đến 50% các cuộc viếng thăm bác sĩ sau khi thực hành Thiền buông thư, như vậy giúp cho sự tiết kiệm đáng kể về chi phí chữa trị y khoa. (Behavioral Medicine, Volume 16, pages 165-173, 1990).

  • 80% những bệnh nhân cao huyết áp giảm bớt huyết áp và bớt thuốc men, 16% có khả năng chấm dứt� hoàn toàn việc uống thuốc. Kết quả này kéo dài trong ba năm. (Journal of Cardiopulmonary Rehabilitation, Volume 9, pages 316-324, 1989).

  • Những bệnh nhân mổ tim giảm bớt những chứng khó khăn sau khi mổ. (Behavioral Medicine, Volume 5, pages 111-117, 1989).

  • 100% những người bị chứng mất ngủ cho biết đã gia tăng ngủ được và 91% giảm hay cả chấm dứt uống thuốc. (The American Journal of Medicine, Volume 100, pages 212-216, 1996).

  • Những phụ nữ hiếm muốn có 42% thụ thai và 38% sinh con cùng giảm bớt mức trầm cảm, lo âu và giận dữ. (Journal of American Medical Women's Association. Volume 54, pages 196-8, 1999).

  • Những phụ nữ bị các hội chứng hậu mãn kinh nặng giảm bớt 57% các triệu chứng thể chất và tâm thần. (Obstetrics and Gynecology, Volume 75, pages 649-655, April, 1990).

  • Các học sinh trung học thực hành Thiền buông thư gia tăng sự tự quý trọng đáng kể. (The Journal of Research and Development in Education, Volume 27, pages 226-231, 1994).

  • Các học sinh trong thành phố gia tăng điểm số, sự hợp tác với nhau và giảm bớt vắng mặt. (Journal of Research and Development in Education, Volume 33, pages 156-165, Spring 2000).

  • Căng thẳng liên hệ nhiều đến bệnh tim mạch. ("Stress in Cardiovascular Diseases" Esch, T., Stefano, G., Fricchione, G., Benson, H. Medical Science Monitor. Vol. 8. No. 5: RA93-101, 2002).

  • Thiền buông thư giúp giảm bớt các chứng bệnh do căng thẳng tạo ra. ("The Therapeutic Use of Relaxation Response in Stress-related Diseases" Esch, T., Fricchione, G., Stefano, G. Medical Science Monitor. Vol. 9 No. 2: RA 23-34, 2003).


Khí Công Tâm Pháp Toàn Tập
Thầy Phụng Sơn



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]