Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. 05/04/95 - 11/04/95 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

23/04/201320:21(Xem: 3177)
16. 05/04/95 - 11/04/95 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

DUY LỰC NGỮ LỤC

QUYỂN HẠ

(Bài giảng trong các năm (1992 - 1999)

HT. THÍCH DUY LỰC

----o0o---

Bài giảng trong các năm 1992 - 1999

16.

05/04/1995 – 11/04/1995 tại Chùa Từ Ân, quận.11

Hỏi: Ánh chớp phương nam xẹt lông mày, chập chùng cây lá rã tan ngay, trời đất sinh tử buông tay thẳng, bản lai mặt mũi chẳng khác mày.

Đáp: Ý thầy muốn hỏi gì?

Hỏi: sinh tử bản lai không.

Đáp: Bài kệ trên có phải đáp thầy làm không?

Hỏi: Chính là con.

Đáp: Nếu do thầy làm, hãy tham thêm ba mươi năm rồi mới trình lại.

Gọi là “kiến tánh thành Phật”, là tự tánh (tâm linh mình) toàn vẹn hiện ra khắp không gian thời gian; nói “khắp không gian thời gian” cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Nếu nói theo tự tánh bất nhị thì không gian thời gian tức tâm mình, tâm mình tức không gian thời gian, chẳng những như thế, tất cả ở trong không gian thời gian đó cũng là tâm mình. Đã vậy thì làm sao còn có kiến giải để nói! Bởi vì hễ có cái gì để trình tức chẳng phải rồi!

Tôi kể câu chuyện: Một vị Tăng đi cùng một vị Thị giả đã kiến tánh, vị Tăng ấy cũng tự cho mình đã kiến tánh, nhưng qua cách nói chuyện, Thị giả biết vì này chưa kiến tánh, mà vị Tăng lại không phục Thị giả. Dọc đường lên núi, Thị giả lượm một miếng đá để trên tảng đá, bảo vị Tăng ấy hãy nói ra một lời chuyển ngữ. Tăng chừng chờ suy nghĩ, Thị giả nói:

- Như vậy là không phải rồi.

Lúc đó vị Tăng mới chịu công phu thêm.

Tôi chưa kiến tánh, mà quí vị đến hỏi tôi còn không cần suy nghĩ. Các vị Tổ sau khi kiến tánh thường làm ra bài kệ, nhưng không nhất thiết, không làm cũng được, cũng không cần ai biết. Nay nhiều người xem ngữ lục của chư Tổ rồi muốn bắt chước, cũng làm bài kệ cho là mình kiến tánh, ấy là hiểu theo lời nói văn tự, thời xưa chư Tổ hay mắng là “Ăn phẩn của người khác, chẳng phải con chó tốt”, ý nói bắt chước không được, đó là của người khác. Hễ ngộ là ngộ tâm của mình, tâm mình như hư không, vốn chẳng có gì, nay đặt ra một nghĩa lý, cho đó là nghĩa lý cao siêu, có nghĩa lý đã chẳng phải bản tâm rồi.

Hỏi: Trong hàng Phật tử có những vị phát tâm trì Ngọ, tức sau giờ Ngọ không dùng thức ăn đặc, chỉ dùng chất lỏng như sữa, nước cháo, nước trái cây v.v... Vậy trì Ngọ có cần thiết đối với hàng cư sĩ chúng con không? Trì Ngọ có lợi ích gì? Sau giờ Ngọ chỉ được uống nước hay có thể dùng những thức ăn lỏng nói trên?

Đáp: Theo giới luật nhà Phật, trì Ngọ chỉ đối với hàng tu sĩ; đã thọ giới Sa di, một trong mười điều giới là không ăn phi thời, tức từ lúc mặt trời đứng bóng cho đến rạng đông là không ăn, chứ Phật không yêu cầu cư sĩ phải trì Ngọ.

Lại nữa, Thọ bát cũng là dành cho tu sĩ, sở dĩ tổ chức Thọ bát quan trai, là muốn cho cư sĩ học tập cuộc sống của tu sĩ trong một ngày đêm. Do đó, trong mười giới thọ bát quan trai của cư sĩ, có chín điều chỉ giới hạn trong một ngày đêm, đến giờ không không cần xả giới, nó tự xả.

Còn nói cư sĩ thọ Bồ Tát giới, hàng tháng có sáu ngày là không ăn phi thời, điều đó không quan trọng, vì cư sĩ phải làm việc thế gian, đói bụng thì làm không nổi, nhất là ở xứ lạnh, nên có thể xả giới trì Ngọ và được ăn sau khi đã báo cho người khác.

Hỏi: Trước khi Sư phụ ra hoằng pháp Tổ Sư Thiền này, chúng con chỉ biết cách dụng công tham thiền qua cuốn Yếu Chỉ Tham Thiền của ngài Hư Vân do Hòa thượng Thanh Từ dịch. Theo ngài Hư vân thì đề một câu thoại đầu lên, phát ra nghi tình, rồi nghi tình dần dần yếu đi, lúc sắp tắt lại đề lên một câu nữa.

Vào cuối năm 1981, con gặp Sư phụ dạy cách tham như sau: Đề khởi câu thoại, không hiểu không biết rồi cứ hỏi nữa, hỏi mãi như thế. Con thấy cách dụng công như vậy rất hữu ích, vì luôn giữ được nghi tình ở mức độ cao.

Đến cuối năm 1984-1985, ở chùa Huệ Quang, thỉnh thoảng Sư phụ nhắc nhở đến vấn đề “khán và nhìn vào chỗ tối tăm mờ mịt”, con vẫn cứ đề câu thoại đầu liên tục, chỉ khi nào nhức đầu, không khỏe mới đề chầm chậm, chứ không để ý đến việc “khán thoại đầu”.

Gần đây, theo con được biết, vì những người đã nhầm lẫn chấp vào câu thoại “khán câu thoại” chứ chẳng phải khán thoại đầu, nên Sư phụ thường nhấn mạnh phải “khán thoại đầu”, tức chỗ “ trước khi có câu thoại” không phải tham câu thoại, vì câu thoại chỉ là phương tiện công phu mà thôi.

Lại nữa, Sư phụ cũng nói nhiều về “chiếu cố thoại đầu” và “nhìn vào chỗ tối tăm mịt mù”. Bạch Sư phụ, ngay từ những ngày đầu tiên thọ pháp Sư phụ, chúng con chỉ biết giữ nghi tình, con biết nghi tình chưa phải là đầu câu thoại, vậy chỗ mà Sư phụ nói “tối tăm mịt mù” đó, có phải là nghi tình không?

Đáp: Chư Tổ cần chúng ta công phu miên mật chứ không cần ra sức cố gắng, nếu đề câu thoại đầu rồi cách một khoảng thời gian mới hỏi nữa thì có kẽ hở, vọng tưởng sẽ từ đó nổi lên, nên phải hỏi tới mãi, giữ cho miên mật.

Khán thoại đầu và chiếu cố thoại đầu là một nghĩa, chiếu cố cũng là nhìn, nhưng vì nhìn thì khó hơn, có người không nhìn được, nếu hỏi thì dễ hơn. Nói là nhìn vào chỗ tối tăm mịt mù cũng không đúng, nhưng vì mọi người không biết nhìn thoại đầu là nhìn vào chỗ nào, nên phải nhắm mắt lại, tạm mượn chỗ đen tối để nhìn, đến khi nhìn được rồi thì khỏi cần nhìn vào chỗ đen tối nữa. Tôi thường thí dụ như tập đi xe đạp, lúc đầu tập phải nhờ người khác vịn, đẩy, khi đi được rồi thì không cần nữa.

Chùa Cao Mân là Tổ đình của Thiền tông, ngài Lai Quả ở đó cũng đã mấy mươi năm. Khi tôi đến đó vào năm 1992, mọi người nói với tôi rằng:

- Khi đề khởi câu thoại đầu hỏi tới, nghi tình không kéo dài, vừa hỏi xong là mất, chẳng thể thành khối.

Tôi nói: Phải chiếu cố thoại đầu mới được, chiếu cố tức là nhìn.

Mọi người nghe theo và nhìn vào thoại đầu thì nghi tình được kéo dài hơn.

Sự thật cho tôi thấy, đại chúng ở đó luôn có sự thay đổi: lớp thì mới đến rồi lớp cũ ra đi, kể cả vị Duy na quản chúng ở chùa cũng bỏ đi. Bởi do hằng ngày, ở đó chỉ có khai thị mà không cho chúng hỏi, chúng có hiểu lời khai thị hay không cũng chẳng biết. Đối với pháp môn này, cách thực hành như thế nào phải cho người ta hỏi, hiểu rồi mới có lòng tin, nhất là lòng tin tự tâm.

Rồi sợ mọi người chán, lại kể qua công án, chính ngài Lai Quả không cho kể công án, không cho giải thích công án, e đánh mất sự nghi. Nhiều người ngồi ở đó ngủ gục, và có năm, mười người thường ở ngoài không vào, thầy Trụ trì là Hòa thượng Đức Lâm chỉ chăm lo việc xây cất chùa. Thầy năm nay đã hơn tám mươi tuổi, lúc trước tu học theo tông Thiên Thai, có cho tôi mấy lời của Thiên Thai về không, giả, trung … nói đến lịch sử Thiền Tông thì chưa từng xem một chữ.

Khi tôi đến hỏi thăm, thầy đem giáo lý ra giải thích, thật ra Tổ Sư Thiền đâu cho đem giáo lý vào? Ngài Lai Quả đã quở: “Các ngươi chứa đầy bụng Kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm… ở đây một chữ cũng xài không được!”. Nay thầy trụ trì lại giải theo Giáo môn thì đã nghịch với Thiền môn rồi, nhưng tôi làm sao nói được! Trước tình hình này, tôi chỉ biết lo tự tu thôi.

Hỏi: Như vậy chỗ đen tối mà Sư phụ nói đó không phải là nghi tình?

Đáp: Bây giờ nói tham thoại đầu, khán thoại đầu, nhưng sự thật cách thoại đầu còn xa lắm, phải nhờ đến cái hỏi, hỏi câu thoại đầu đã là thoại vĩ rồi. Phải hỏi để kích thích cái không biết tức nghi tình, nhờ nghi tình đưa mình đến thoại đầu. Cho nên, phải vừa hỏi vừa nhìn, nhìn vào chỗ không biết đó, muốn biết mà biết không nỗi, chứ chẳng phải hoàn toàn không biết. Nếu không nhấn mạnh cái nhìn, chỉ hỏi không là không được.

Hỏi: Vậy chúng con phải nhìn vào chỗ nào?

Đáp: Vì không có chỗ nên tôi nói nhắm mắt thấy đen tối, ví như mở mắt thấy biết đủ thứ, nhắm mắt thì không thấy, không thấy nên không biết, chỉ thấy đen tối. Nói “đen tối” là dùng để thay thế cái không hiểu không biết, chứ chẳng phải mục đích là nhìn đen tối. Nếu nhìn được chỗ không biết rồi hãy bỏ cái đen tối đó đi.

Một vị trình công phu: Kính bạch Sư phụ, khắp trời khắp đất sao lại có chỗ để lạy?

Đáp: Cái gì khắp trời khắp đất?

- Tự tánh.

- Tự tánh đã chẳng có, lấy gì để khắp? Phải mâu thuẫn không? Bô não của con người, nếu nói theo lời thế gian gọi là “tự làm tài khôn”, nó đặt ra đủ thứ nghĩa lý, cho là như vậy mới đúng, như thế không đúng; rồi có người nghiên cứu đi sâu, cho là đúng với không đúng đều chẳng có … tất cả đều là ý của mình, đều là tạo tác của bộ não.

Còn tâm linh của chúng sinh chẳng có sản phẩm, chẳng sanh cái gì, cũng chẳng tiêu diệt cái gì, tất cả vật chất đều không sanh không diệt, không tăng không giảm, đó cũng là nghĩa vô thỉ vô sanh của nhà Phật, nên người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn.

Pháp đã vô sanh thì có nghĩa lý gì để nói nữa? Có thể nói được đều là sản phẩm của bộ não, bất cứ cho là cái gì, cho là “có tự tánh” hay “chẳng có tự tánh”; cho là “khắp trời khắp đất” hay “chẳng khắp trời khắp đất” … đều là tương đối.

Tâm linh của mình, nhà khoa học gọi là năng lượng, vì tất cả sức lực, năng lượng đều trong tâm linh mọi người sẵn có, nên Đức Phật nói “Nhất thiết duy tâm tạo”. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói càng rõ hơn: “Chẳng phải phướn động, chẳng phải gió động, là tâm của hai ông động. “Do tâm động mới có gió động, tâm động mới có phướn động … nhưng tất cả đều là lời nói, miễn cưỡng nói như thế, kỳ thật tâm chẳng có động, hễ có động tức có biến đổi, nên Kinh Hoa Nghiêmnói: “Chơn như bất động”. Chẳng có biến động mới tồn tại vĩnh viễn, không thêm không bớt.

Hỏi: Tham thiền với Đệ nhất niệm là Chơn không, đệ nhị niệm là Diệu hữu của Kinh Bát Nhã có tương ưng không?

Đáp: Không. Tham thiền là trước khi chưa nổi niệm mới gọi là thoại đầu, nếu có đệ nhất niệm, đệ nhị niệm là nhất niệm vô minh, làm sao tương ưng được?

Hỏi: Vậy trực giác có thể tương ưng với Bát Nhã không?

Đáp: Trực giác cũng là sản phẩm của bộ não, cũng thuộc về nhất niệm vô minh.

Hỏi: Con có một sự thắc mắc: Con thấy quý Thầy thường nói: “Tu pháp môn Tịnh Độ niệm Phật là đệ nhất”, sau nữa là “Tu pháp môn Ba mươi bảy phẩm Trợ đạo là đệ nhất”, nhưng hôm nay đến đây, Hòa thượng dạy chúng con tham thiền, con vẫn biết là so với pháp tham thiền quán tưởng thì pháp nào cũng thua. Vậy trong ba pháp môn, Hòa thượng cho con tu pháp môn nào?

Đáp: Phật Thích Ca không phải chỉ thuyết pháp ba pháp môn, mà tám mươi bốn ngàn pháp môn là tùy theo căn cơ trình độ của mọi chúng sinh, chọn một pháp môn nào thích hợp, Đức Phật cũng chẳng chỉ định người nào phải tu pháp môn gì. Tôi còn chẳng phải Phật, làm sao có thể chỉ định cho cô?

Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật có nói đến năm thứ chủng tánh: Thanh văn chủng tánh, Duyên giác chủng tánh, ngoại đạo chủng tánh và bất định chủng tánh. Nếu thuộc Thanh văn chủng tánh thì thích hợp tu Tiểu thừa, thuộc Duyên giác chủng tánh thì thích hợp tu Trung thừa, thuộc Bồ Tát chủng tánh thích hợp tu Đại thừa. Ngoại đạo chủng tánh chẳng thể giải thoát, vì ngã chấp quá nặng, dẫu có tu cũng chỉ thành tà ma ngoại đạo, còn bất định chủng tánh thì không nhất định; gặp Tiểu thừa thành Thanh văn, gặp Đại thừa thành Bồ Tát, tùy theo cơ duyên, nên gọi bất định chủng tánh.

Tham Tổ Sư Thiền thuộc Tối thượng thừa, không nằm trong tam thừa đó. Lại nữa, Tổ Sư Thiền chẳng có quán tưởng, chẳng năng quán sở quán, chỉ chú trọng một chữ Nghi thôi, chẳng phải thiền quán tưởng. Quán tưởng thuộc giáo môn, cho đến ngoại đạo cũng có thiền quán tưởng.

Hỏi: Nghĩa Chơn không Diệu hữu như thế nào?

Đáp: Chơn không Diệu hữu thuộc Giáo môn, Diệu thì chẳng phải Hữu, nếu cái Không là chơn thì chẳng có hữu hay vô, ấy là tương đối, còn Thiền môn thì hữu và vô không dính dáng.

Hỏi: Phải từ cái Có sau đó mới thành cái Không, nếu tự nhiên nói là không thì điều đó rất phi lý.

Đáp: Trong Kinh Đại Niết Bàn, Phật có giải thích về vấn đề này. Kinh Lăng Giànói “Lìa tứ cú, tuyệt bách phi”, phàm có tương đối đều lọt vào tứ cú. Nguồn gốc của tứ cú là Hữu và Vô, tất cả tư tưởng đều bắt nguồn từ đó. Trong Kinh Pháp Bảo Đànnói đến 62 kiến chấp, thế nào là 62?

Tức ngũ uẩn x tứ cú = 62.

20 x tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai) = 60.

Cộng thêm nguồn gốc Hữu và Vô = 62.

Bất cứ chấp vào cái gì đều nằm trong phạm vi 62 kiến chấp này. Thế nào là ngũ uẩn x tứ cú? Tức sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhân với hữu, vô, chẳng hữu chẳng vô, cũng hữu cũng vô. Hễ chấp thật cái sắc là hữu thì lọt vào cú thứ nhất, chấp sắc là vô thì lọt vào thứ nhì, chấp sắc là chẳng hữu chẳng vô, lọt vào cú thứ ba, chấp sắc là cũng hữu cũng vô, lọt vào cú thứ tư. Hoặc chấp quá khứ có, hiện tại không v.v... đã gọi là chấp thì chẳng có thật.

Hỏi: Con từ Phan rang vào đây dự Thiền thất đã bốn ngày mà không quên được sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật”, vậy làm sao tham thoại đầu cho dễ dàng? Xin Sư phụ từ bi khai thị?

Đáp: Cô niệm Phật đã bao lâu?

- Dạ thưa tám năm.

- Ngày đêm, không quên, phải không?

- Dạ.

- Lúc ngủ có quên không?

- Dạ quên.

- Nếu ngủ mê vẫn không quên thì có thể tham câu “Niệm Phật là ai”. Vậy cô chọn câu nào?

- Dạ thưa câu “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?”

- Khi có trời có đất thì cô có tại đây, khi chưa có trời đất cô là cái gì? Biết không?

- Dạ thưa không biết.

- Thì cái không biết đó gọi là nghi tình, cứ nhìn vào chỗ không biết đó để tham, nhưng do thói quen từ trước đã niệm Phật, còn tham thiền là mới lạ, cái nào quen thì thắng, lạ là thua, nên câu danh hiệu Phật nổi lên hoài. Bây giờ phải tập cho cái lạ thành quen, cái quen kia thành lạ chẳng phải một hai ngày là được, phải tập một tháng, hai tháng … lâu ngày rồi, như ngài Lai Quả nói: “Cái lạ đó quen được một ngày thì cái quen kia cũng lạ đi một ngày”, cái lạ đó tăng thêm thì cái quen kia giảm bớt, dần dần sáu chữ không nổi lên nữa. Nay dù có nổi lên cũng mặc kệ nó, cứ nhìn và hỏi, đừng gián đoạn, lâu ngày rồi sẽ từ lạ thành quen.

Hỏi: Thấy nghe hiểu biết là tánh hay là tâm?

Đáp: Chẳng phải tánh cũng chẳng phải tâm, là vọng. Kinh Duy Ma Cật nói: “Nếu hành theo kiến văn giác tri, ấy là kiến văn giác tri, chẳng phải cầu pháp”. Tất cả Phật pháp đều muốn hiển bày cái tâm, nói tự tánh cũng là cái tâm.

Hỏi: Có một vị hành giả tham thiền lỡ bị tẩu hỏa nhập ma, làm mất bổn tâm, vậy trong kiếp sau được làm người, có bị tiếp tục mất bổn tâm không?

Đáp: Do không phải tham Tổ Sư Thiền, không đi đúng cách thực hành nên mới có những việc đó, nếu thật tham Tổ Sư Thiền thì không bị tẩu hỏa nhập ma. Tại sao? Vì trong mười điều kiện tham Tổ Sư Thiền, điều đầu tiên là phá ngã chấp, vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sở sợ. Sở dĩ tẩu hỏa nhập ma là vì muốn cầu đắc nên có sở sợ, ma mới có thể thừa dịp mà nhập. Nếu không có TA thì ma nhập vào đâu?

Hỏi: Vậy làm thế nào hàng phục?

Đáp: Khỏi cần hàng phục, chỉ là nhìn và hỏi, giữ nghi tình mà thôi.

Hỏi: Không hàng phục làm sao sống?

Đáp: Ăn cơm thì sống, cứ đói thì ăn, buồn ngủ thì ngủ, đâu cần hàng phục!

Có một người hỏi một vị Thiền sư:

- Ông tu cách nào để đạt đến kiến tánh?

Đáp: Đói thì ăn, mệt thì ngủ.

- Thế là tôi cũng tu vậy! Tôi cũng đói ăn mệt ngủ.

Đáp: Không phải.

- Tại sao không phải?

- Tôi ăn cơm chỉ là ăn cơm, còn ông thì không chịu ăn cơm, cứ chê lên chê xuống, thứ này ngon thứ kia không ngon; tôi buồn ngủ chỉ là ngủ, còn ông thì không chịu ngủ, trăm điều suy nghĩ, cái này cái kia …

Hỏi: Phật pháp có lìa thế gian pháp không?

Đáp: Phật pháp bất nhị, nếu có lìa thế gian pháp là nhị, như tôi thường nói tâm linh của mình là hư không, thế gian có ở ngoài hư không đâu mà lìa!

Hỏi: Vậy là không lìa cũng không bỏ?

Đáp: Chẳng lấy chẳng bỏ. Tức là không tự lấy vọng tưởng của mình xen vào. Tôi kể qua một công án của Thiền Tông:

Ở Trung Quốc, Tòng lâm là nơi tu hành của mười phương, Trụ trì do chính quyền mời về, thường là người đã kiến tánh. Tỉnh trưởng có quyền mời Trụ trì, cũng có quyền thôi Trụ trì, nhưng đã mời Trụ trì rồi, việc trong chùa do Trụ trì chịu trách nhiệm, dù là Tỉnh trưởng cũng không được can thiệp.

Một ngày kia, ông Tỉnh tưởng đi dạo trên núi, đến một cái đình dành cho mọi người dừng chân nghỉ mát, gọi là “Đàm không đình”. Gặp ngài Trụ trì, Tỉnh trưởng hỏi:

- Thế nào là Đàm Không Đình?

Đáp: Thì Đàm không đình là Đàm không đình.

Tỉnh trưởng không chịu, rồi đi hỏi một Tu sĩ chưa kiến tánh, vị đó đáp:

- Chỉ nghe đình thuyết pháp, đâu cần miệng đàm không!

Do vị này chưa kiến tánh, tự xen ý mình để đặt ra cái lý, Tỉnh trưởng nghe có lý, mừng rỡ lại khen vị này cho là hay, liền thôi chức vị Trụ trì kia, rồi mời vị ấy lên làm Trụ trì.

Tư tưởng ở ngoài thế gian hiện nay ai cũng vậy, bậc Thánh chỉ có thể lưu bố tưởng, không sanh ra trước tưởng, còn người chưa kiến tánh thì sanh ra trước tưởng.

Hỏi: Những người sống trong pháp thế gian, lại tự cho mình là Bồ tát học Phật, nên bác bỏ thế gian pháp?

Đáp: Trong giới luật của Tu sĩ, Tỳ kheo cũng như Tỳ kheo ni, chưa chứng nói chứng, chưa đắc nói đắc, gọi là đại vọng ngữ. Ví như chưa chứng quả Bồ tát mà tự nói mình đã chứng quả, là tội Ba la di, đọa địa ngục chín triệu năm. Chẳng những tôi địa ngục chín triệu năm, còn là tử hình; tử hình không phải xử tử, chỉ là kiếp này mất đi thân phận Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, muốn trở lại phải đợi kiếp sau, còn nếu chỉ lừa gạt nói dối là tiểu vọng ngữ, tội nhẹ hơn.

Hỏi: Cách đây vài hôm, khi con đang công phu, tự nhiên vọng thức nổi lên, con nhìn ngay chỗ vọng thức nổi mà kềm chế không được. Trải qua thời gian khoảng một tiếng rưỡi, từ từ vọng thức lắng xuống rồi mất, lúc đó con không biết có bị lạc thiền hay không, dần dần tất cả tan biến, ngã, pháp, vũ trụ đều tan biến, con chẳng còn biết gì cả. Vậy không biết có bị lạc vào vô tưởng định hay phi phi tưởng định hay không?

Đáp: Còn xa lắm. Nay cứ giữ cái không biết, trong cái không biết phải có nghi, có thắc mắc mới được.

Hỏi: Nếu lạc vào vô tưởng định hay phi phi tưởng định thì làm cách nào ra?

Đáp: Phi tưởng phi phi tưởng định là cảnh giới cao nhất của cõi Tứ Không, nó nhập định tám muôn đại kiếp, chẳng còn thể xác nữa. Thời gian một đại kiếp bằng bốn trung kiếp; một trung kiếp bằng hai mươi tiểu kiếp, và một tiểu kiép là mười sáu triệu năm, thầy làm sao đi đến chỗ đó được! Còn cách xa lắm.

Bây giờ cứ hỏi và nhìn mãi, ngoài ra đừng cho là lọt vào định hay không định, lọt hay không lọt đều chẳng biết đến. Tham thiền không phải là muốn định, cũng chẳng nói là không muốn định; cái định của ngài Lục Tổ nói “Na già định” là đại định. Ngài nói: “Cầm gươmg ra trận vẫn là định”, ồn ào cách mấy cũng là định, chứ không phải ngồi yên lặng mới định.

Hỏi: Khi con tập tham thiền, về chùa phải tụng kinh, vậy tụng kinh có nghịch với sự tham thiền không?

Đáp: Như các ngành nghề nơi thế gian, làm thợ hồ cứ làm, tham thiền cứ tham; tụng kinh cứ tụng.

Hỏi: Nghĩa là con vẫn có thể vừa tham thiền vừa theo Trường Cơ Bản Phật Học?

Đáp: Thì cứ như vậy. Tôi cũng có dạy tại các trường Cơ bản Phật học ở Long An, Thủ Đức, Sa Đéc và Đại Tòng Lâm, nay Trường Cơ Bản Đại Tòng Lâm có mở thêm lớp Cao Đẳng. Tôi đến bất cứ trường nào cũng đề nghị sự học vói sự tu phải đi song song, vừa học vừa tu, vì nếu chỉ có học mà không tu thì Phật pháp không dùng được, phải tu rồi mới biết sự học đó đúng hay không.

Nếu đang trong lúc học chưa thể tham được thì ngưng tham thiền, đến giờ nghỉ học mới tham. Nếu thật sự đã đến mức định rồi thì lúc học cũng là định, việc đó tự động, vì tôi biết thầy còn chưa đến mức đó, hãy cứ đề khởi câu thoại đầu nhìn tới đi.

Hỏi: Con đề câu thoại đầu nhìn chỗ không biết để có nghi tình, vậy khi có nghi tình, tâm con nhìn chỗ trống rỗng mênh mông lớn bao la vô cùng tận, không có hạn lượng, không có nơi xuất phát và không có chỗ cuối cùng, như thế có đúng không?

Đáp: Không đúng. Tại biết nhiều quá! Nào là rộng lớn mênh mông … đã không biết thì làm sao biết đến những thứ này!

Hỏi: Khi cái nhìn đã quen rồi thì luôn cái tâm nhìn cũng không có, phải không?

Đáp: Tham thì phải giữ được nghi tình, luôn có sự thắc mắc, muốn biết mà biết không nổi, nhưng không có tán loạn, gọi là định, hễ có tán loạn ắt có vọng tưởng, chẳng phải định.

Nếu không có nghi tình, không biết gì hết, ấy là hôn trầm, cũng như cái không biết của người ngủ mê, cái không biết của người chết giấc, của kẻ tâm thầm v.v... ấy là cái không biết chết, gọi là hôn trầm. Khi đang công phu, bất chợt chìm vào giấc ngủ, lát sau mới tỉnh dậy, vậy không phải là định, mà là hôn trầm.

Hỏi: Khi hành giả tham thiền lên trình bất cứ vấn đề nào đó thì đó là trình biết, là không phải, khi đã ngộ thì chẳng có gì để trình. Vậy trong quá trình còn đang tham thiền chưa đến ngộ thì trình lên cái gì?

Đáp: Trong Thiền đường Trung Quốc, tất cả hành giả tham thiền đều là Tỳ kheo, đều thọ nhận sự cúng dường của mười phương, nên phải có bổn phận tu cho đúng, tu đến kiến tánh. Nói đến trình công phu, theo thường lệ, khi Thiền thất đến ngày chót phải khảo công, tức khảo sát công phu của mọi người, khiến công phu miên mật và phát khởi nghi tình. Trình là trình cái công phu đó chứ chẳng phải trình kiến giải và sự hiểu biết.

Chẳng những Thiền Đại thừa, Thiền Tiểu thừa cũng có khảo công phu. Năm 1974, tôi đến Trung tâm Thành viện Thái lan, cách thủ đô Bangkok khoảng một trăm cây số, trung tâm đó có thiền đường lớn để tu chung, chỉ mỗi người ở một cốc riêng. Trong đó có người Thái, người Hoa, và người Việt, nhưng đa số là người Thái Lan. Cứ mỗi nửa tháng, mọi người phải trình công công phu cho vị Thiền chủ, nhằm nắm được tiến độ của đại chúng, hễ ai tu sai liền sửa lại cho đúng. Vị Thiền chủ cũng dùng cơ xảo kích thích khiến cho công phu của mọi người dũng mãnh hơn.

Nhưng đối với Thiền Nhật bản thì cái trình đó thật sự là trình kiến giải, vì tu theo cách thấu công án. Ở Thiền đường bên Mỹ, có một vị hành giả người Mỹ, ông ấy đã tu tại Thiền đường Nhật Bản ba năm theo cách thấu công án, tự cảm thấy không ổn, đi tham học ở Đại Hàn bốn tháng, sau đó đi qua Trung Quốc và Hồng Kông. Do ở Hồng Kông không ai dạy tham Tổ Sư Thiền, nên sau cùng mới tìm đến tôi. Ông ấy mỗi lần hỏi tôi, đều hỏi về công phu, còn số Phật tử người Việt và người Hoa khi đến hỏi tôi là hỏi về kiến giải.

Như ngài Lai Quả khảo công phu, không khảo nơi thiền đường, mà khảo ngay nơi Phương trượng, có ai dám không vào, khi bị phát hiện phải ăn hương bảng, nhưng chùa Cao Mân ngày nay thì chẳng còn sự khảo công phu, chính thầy Trụ trì nói với tôi: “Quy củ hồi xưa thực hành 100% thì ngày nay chỉ ứng dụng được 10%”. Vì không có sự khảo công phu, nên sự tu của mọi người đúng hay sai cũng chẳng ai biết.

Ở Việt Nam vì hoàn cảnh không thích hợp, mọi người sợ bị khảo công phu, lại quý vị phần nhiều là cư sĩ, không có thọ nhận sự cúng dường, không thể bắt buộc khảo công, nên tôi cho miễn. Vả lại, người có công phu sẽ tự tìm đến và trình lên, còn những người không có công phu thì khỏi trình.

Hỏi: Người khảo công phu có phải là người đã kiến tánh?

Đáp: Ở Việt Nam gọi là Thiền chủ, dù chưa kiến tánh cũng phải nắm được cách thực hành cho đúng. Ví như thầy của ngài Lai Quả chưa kiến tánh, nhưng ngài Lai Quả tu đúng cũng kiến tánh; thầy của ngài Hư Vân chưa kiến tánh, nhưng ngài Hư Vân tu đúng cũng kiến tánh.

Hỏi: Ngoài pháp môn tham Tổ Sư Thiền, còn pháp môn nào đưa đến kiến tánh không?

Đáp: Như Lai thiền và tất cả thiền khác, nếu có phá ngã chấp, sẽ đưa đến kiến tánh, Tổ Sư Thiền gọi là pháp thiền trực tiếp, còn các pháp thiền khác gọi là pháp gián tiếp, nhưng cuối cùng cũng tự động phát nghi rồi từ nghi đến ngộ, y như Tổ Sư Thiền. Ví như pháp tu Chỉ quán thiền của Tông Thiên Thai là căn cứ theo Kinh Pháp Hoa, tông Hoa Nghiêm căn cứ theo Kinh Hoa Nghiêm, tu đến Sự sự vô ngại pháp giới cũng như tham Tổ Sư Thiền vậy.

Cho nên, nhiều người không biết, cứ nghe nói đến chữ “Thiền” thì sợ hãi bảo nhau “Hãy coi chừng tẩu hỏa nhập ma!”, làm như thế vô tình phỉ báng Phật pháp, phỉ báng Phật, Tổ, tạo tội địa ngục mà tự không hay.

Hỏi: Trong cuốn Thất Chơn Nhân Quả ghi rằng: Một hôm Đức Phật đang thuyết pháp tại Kỳ Viên, đột nhiên một mũi tên bay phất phơ trên không. Phật hiện thần thông bay lên thì mũi tên theo lên, bay xuống mũi tên cũng theo xuống, Đức Phật nói với đại chúng:

Trong tiền kiếp của Phật, một lần đi với một đoàn người năm trăm vị, trong đó có một người nảy ý giết hại tất cả để cướp đoạt tài sản, do đó Phật phải ra tay giết người đó, và hôm nay quả báo đã đến, nên Đức Phật sẵn sàng đưa bàn chân ra đón nhận mũi tên đó.

Kính bạch Sư phụ, Đức Phật là người đã giác ngộ, và xuất phát từ tấm lòng muốn cứu người, việc làm như vậy là đúng, tại sao lại phải trả quả báo như thế?

Đáp: Tất cả lời dạy của Phật chỉ là phương tiện, chứ chẳng thể chấp thật, nên nói “Tất cả lời nói chỉ là phương tiện”, Ai nói ta có thuyết pháp là phỉ báng Phật”. Tại sao? Vì nhân quả là việc trong chiêm bao, khi chưa ra khỏi chiêm bao phải chịu nhân quả trong chiêm bao, khi nào ra khỏi mở mắt chiêm bao rồi mới không bị dính mắc.

Vì muốn khuyến khích người đời tin nhân quả, nên nói “Ta thành Phật rồi vẫn phải chịu quả báo”, nhưng việc đó không nhất định. Ví như câu chuyện Đức Phật bị nhức đầu ba ngày, ở Kinh này nói như vậy, ở Kinh khác Phật lại nói: “Nói như thế chứ không phải có nhức đầu”, ấy là vì muốn cho mọi người tin nhân quả.

Kiến tánh là ở trong mở mắt chiêm bao thức tỉnh, nếu cứ chấp thật cái thân này, thì phải có nhân quả, còn Phật Thích Ca đâu có chấp vào thân này, không có thân thì ai chịu nhân quả! Ví như trong Kinh Pháp Hoanói về Thiên bá ức hóa thân, Phật nói: “Nay ta đang thuyết pháp nơi vô lượng, vô biên thế giới, đồng thời giảng Kinh Pháp Hoa, có tên họ, tuổi tác khác nhau.

Hỏi: Tôi đồng ý rằng phương tiện chỉ là linh động mà thôi, nhưng nếu trong kinh đã nói như thế là có sự dẫn chứng hẳn hoi, vậy tôi cảm thấy cần phải sửa lại những kinh sách để tránh hiểu lầm Phật, đã làm điều rất phải, còn bị quả báo mũi tên thần!

Đáp: Tại tâm chấp của ông quá nặng, thần thoại của Ấn Độ là một thứ văn học theo truyền thống, Phật phá vồn chẳng thể nói, nhưng nếu không nói thì làm sao mọi người tin? Nên phải theo phong tục tập quán của địa phương, dùng thần thoại để thể hiện, đó là tùy sự nhu cầu. Ví như trong Kinh Phổ Mônnói ba mươi hai ứng thân: Gặp người nam hóa thân nam để thuyết pháp, gặp người nữ hóa thân nữ để thuyết pháp, gặp Phật hóa thân Phật thuyết pháp, gặp Bồ tát hóa thân Bồ tát để thuyết pháp …

Bồ tát muốn độ con heo thì phải đầu thai thành con heo để hóa độ. Nhân dịp này tôi kể qua câu chuyện Bồ tát đầu thai thành con heo.

Một vị Tăng du phương đến một ngôi chùa, chúng ở chùa cũng đông, trong đó có một cụ già bệnh yếu, mọi người khinh chê, chẳng ai chăm sóc, vị Tăng đến chăm sóc cho ông cụ và rất mực kính trọng. Đến khi sắp trở về kinh thành, Tăng đến từ giã, ông cụ nói:

- Tôi muốn nhờ ông đem lá thư này đến cửa Nam giùm.

Tăng nhận lời. Thư không dán lại, trên bìa thư chỉ ghi người nhận tên là Bạc hà và cửa Nam mà không ghi rõ số nhà đường phố, vị Tăng cảm thấy kỳ lạ nên rút thư ra xem, trong đó chỉ ghi mười mấy chữ, nội dung: “Hóa độ chúng sinh xong thì mau trở về, chớ ở lại tạo thêm nghiệp”.

Về đến cửa Nam, vị Tăng đang ngỡ ngàng, chẳng biết tìm người này ở đâu thì nghe mấy đứa trẻ chơi chọi nhau, gọi tên “Bạc Hà, Bạc Hà!”. Tăng liền hỏi:

- Bạc Hà ở đâu?

Mấy đứa trẻ chỉ vào con heo nằm ở góc kia. Tăng nghĩ: “Chẳng lẽ ông cụ lại bảo mình giao thư cho con heo này ư? liền hỏi một cậu bé:

- Chủ của nó là ai?

- Chủ nó họ Triệu.

Sau khi hỏi rõ địa chỉ, vị Tăng tìm đến gặp ông Triệu hỏi:

- Tại sao con heo tên Bạc Hà?

- Vì nó chỉ ăn bạc hà, nên mọi người gọi nó là Bạc Hà.

- Sao con heo già quá, nuôi đã mười mấy năm mà không bán?

- Tôi làm nghề đồ tể, nuôi rất nhiều heo, ngày thường thỉnh thoảng có những con chạy lạc cũng không hay. Từ khi nuôi con Bạc Hà thì heo không bị mất nữa. Mỗi lần nó kêu lên là các con heo khác đều quay về, tôi thương nó lắm nên không làm thịt.

Vị Tăng nghe nói, đến trước mặt con heo bỏ lá thư xuống, Bạc Hà liền dùng chân trước nhặt lên bỏ vào miệng, rồi đứng bằng hai chân sau như con người và tịch luôn. Mọi người mới biết con heo này là Bồ tát đến hóa độ những con heo khác.

Trong pháp Tứ nhiếp của Bồ tát có đồng sự nhiếp, muốn hóa độ ai thì phải cộng sự với họ, gọi là Đồng sự nhiếp, chỉ có bậc Bồ tát mới làm được, và cũng chỉ trong Phật Giáo mới có.

Hỏi: ở trên Sư phụ giảng về vấn đề nhân quả, theo con hiểu thì chư Phật thường không có vọng ngữ và cuống ngữ, chỉ theo phương tiện nói về nhân quả, đem tiền kiếp của Phật ra dẫn chứng như bị kim thương, mã mạch, nhức đầu ba ngày v.v... Nếu lấy sự hiểu biết sai biệt của chúng sinh thì thấy có thật, còn những vị đã thức tỉnh từ chiêm bao thì chuyện có hay không đều không dính dáng, phải vậy không?

Đáp: Bởi do chúng sinh ỏ trong thế lưu bố tưởng sanh ra trước tường nên có sự chấp thật, còn bậc Thánh chỉ có thế lưu bố tưởng, chẳng có trước tưởng, nên Phật nói Có cũng chẳng lọt vào cú thứ nhất, Phật nói Không cũng chẳng lọt vào cú thứ nhì, nói chẳng có chẳng không cũng chẳng lọt vào cú thứ ba, nói cũng có cũng không cũng chẳng lọt vào cú thứ tư.

Phàm phu hễ mở miệng là lọt vào tứ cú, không mở miệng cũng lọt vào tứ cú: vì nói, nín, chẳng nói chẳng nín, cũng nói, cũng nín, đều lọt vào tứ cú. Nên Kinh Lăng Giàdạy chúng ta phải lìa tứ cú, nhưng vì bệnh chấp của chúng sinh không thể sửa đỗi được, ấy là tập khí từ vô thỉ. Có bài kệ:

A đà la thức thậm thâm tế,

Vô thỉ tập khí thành bộc lưu.

Ngã ư phàm phu bất khai giảng,

Khủng bỉ phân biệt chấp vi ngã.

Tập khí như nước chảy xiết, mặc dầu thấy như không chảy, nhưng thực tế chảy rất gấp, nên Phật đối với phàm phu thường không khai giảng, sợ họ chấp thật vậy.

Một số bậc trí thức ngày nay cho Kinh Kim Canglà nói bậy, vì lúc thì nói là thật, lúc thì nói là chẳng thật, nói lật đi lật lại, còn đối với Kinh Lăng Nghiêm, như ông Lương Khải Siêu là nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc lại nói kinh này là giả, vì không hiểu nổi.

Đức Phật muốn mọi người đều kiến tánh, đến chừng kiến tánh là hiểu cả. Nếu chưa chứng, cũng như Kinh Viên Giácnói: “Người chưa kiến tánh, còn ở trong luân hồi thì làm sao hiểu được!”. Nếu dùng tri kiến luân hồi để hiểu Chơn như thì hiểu cách cao siêu nhất cũng chỉ là tri kiến luân hồi, đều là việc trong chiêm bao, chẳng thể thực tế được.

Hỏi: Người bán xôi chè khi kiến tánh rồi có hoằng pháp được không?

Đáp: Có một công án như sau:

Một vị Tăng họ Châu, vị này chuyên nghiên cứu Kinh Kim Cang, là pháp sư Kinh Kim Cangthật thông suốt, và giải thích ra thành một bộ sớ giải, nên người đời tôn xưng là Châu Kim Cang.

Châu Kim Cang ở miến Bắc Trung Quốc, nghe nói Thiền Tông rất thịnh hành ở miền Nam, khiến người kiến tánh chỉ trong một sát na. Trong lòng ông rất giận vì nói theo Giáo môn là phải tu trải qua ba A tăng tỳ kiếp, muôn kiếp học oai nghi, muôn kiếp học tế hạnh của Phật, sao người tham thiền dám nói trong sát na thành Phật! Bèn nổi ý muốn quét sạch bọn Thiền hòa tử kia!

Sư gánh sớ giải lên đường đi miền Nam, dọc đường gặp một bà cụ bán điểm tâm. Đang lúc đói bụng, muốn mua điểm tâm, bà cụ hỏi:

- Thượng Tọa gánh cái gì vậy?

- Sớ giải Kim Cang.

- Trong đó nói gì?

- Giải thích Kinh Kim Cang.

Bà cụ nói: Vậy tôi xin hỏi Thượng Tọa về Kinh Kim Cang, nếu trả lời được tôi sẽ cúng dường; nếu không trả lời được thì tôi không bán, mời Thượng Tọa đi mua chỗ khác.

- Bà cụ cứ hỏi.

- Trong Kinh Kim Cang nói: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, xin hỏi Thượng Tọa muốn điểm tâm nào?”

Châu Kim Cang trả lời không được, mặt đỏ bừng, trong tâm hổ thẹn: chính mình muốn quét sạch những Thiền hòa tử ở miền Nam, nay mới gặp một bà cụ bán hàng rong mà trả lời không được, thì còn đủ tư cách nào nữa, đành trở về thôi.

Bà cụ kêu lại: Thượng Tọa chớ vội đi về, nay tôi chỉ cho một nơi, hãy đến Long Đàm gặp Thiền sư Sùng Tín, sẽ được sự giúp đỡ.

Sư nghe lời bà cụ, tìm gặp Thiền sư Sùng Tín, sau đó nối pháp của Thiền sư. Châu Kim Cang chính là ngài Đức Sơn, có tiếng tăm về Đức Sơn Phảng, vào cửa liền đánh.

Như bà cụ bán điểm tâm nói trên cũng thừa sức ra hoằng pháp, nhưng vì sự hoằng pháp phải có nhân duyên, và bà chỉ có nhân duyên với ngài Đức Sơn thôi.

Hỏi: Kinh nói “Việc quá khứ không ghi nhớ, tương lai không sắp đặt, hiện tại đừng để ý”, con nghĩ mình phải lo tương lai cho con cái mình, mà nay con bị thất nghiệp, phải lo tìm việc làm, vậy phải làm sao? Xin Sư phụ từ bi khai thị.

Đáp: người tu phải tin nhân quả, hễ tin nhân quả thì không cần lo, nhưng chẳng phải là không đi làm. Nếu trong nhân quả không bị đói thì sẽ không đói, vì theo Phật pháp , nếu là người chơn tu sẽ có Long thần Hộ pháp sắp đặt giúp, khiến được sống qua ngày để tu, ngoại trừ không tin nhân quả mới phải lo.

Hỏi: Làm sao biết mình là chơn tu hay tùy duyên tu?

Đáp: Người chơn tu thì quyết tử, còn tùy duyên tu không quyết tử với đủ thứ lý do: Nào là còn phải kiếm sống nuôi gia đình, nào là để ít năm sau con cái lớn rồi, xong việc gả cưới mới tu … những người này là không có hy vọng. Hễ quyết tâm thì phải bắt đầu ngay, tôi thường nói: “Trong cuộc sống hằng ngày, bất cứ đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm đều là tu hành cả”.

----o0o---

Vi tính: Minh Trí - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]