Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. 12/08/94 - 18/08/94 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

23/04/201320:16(Xem: 3227)
10. 12/08/94 - 18/08/94 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

DUY LỰC NGỮ LỤC

QUYỂN HẠ

(Bài giảng trong các năm (1992 - 1999)

HT. THÍCH DUY LỰC

----o0o---

Bài giảng trong các năm 1992 - 1999

10.

12/08/94 tại Chùa Từ Ân, Q. 11

Hỏi: Phật tánh là sanh hay chẳng sanh? Nếu nói sanh thì đồng với nghĩa thức tâm phan duyên, sanh các loại hiển thức lưu chú; nếu nói chẳng sanh thì đồng với lý rỗng không tịch diệt của Thanh văn Nhị thừa. Người trí nơi các duyên sanh khởi các loại thức tưởng thì làm sao giác được tự tâm hiện lượng? Xin Hòa thượng giải nghi cho cơn chỗ này.

Đáp: Phật tánh chẳng phải sanh hay vô sanh, nói “Phật tánh” cũng chẳng phải Phật tánh nữa. Tất cả Phật pháp đều nói về cái tâm, tại tâm có tánh giác ngộ, nên gọi là Phật tánh. Bản thể của tâm cùng khắp không gian chẳng khứ lai, nên gọi Như Lai; vì vốn chẳng sanh diệt, nên gọi Niết bàn. Đã không sanh không diệt thì làm sao có sanh và vô sanh? Sanh, vô sanh là do có bệnh chấp, co chúng sinh chấp thật sự sanh nên Phật nói vô sanh, nếu chấp vào vô sanh thì bệnh chấp vẫn còn.

Không trụ chỗ sanh, cũng không trụ chỗ vô sanh, đó là nghĩa vô trụ, hễ trụ vào sanh hoặc vô sanh tức có sở trụ, có sở trụ thì mất hết cái dụng của tâm. Kinh Kim Cangnói “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, vô sở trụ là thể của tâm, sanh kỳ tâm là dụng của tâm, thể và dụng là một chứ chẳng phải hai. (Sư phụ ví dụ sự dụng của cánh tay, lược qua).

Hỏi: Thiền thất là khai thị ngộ nhập tri kiến Phật cho chúng sinh để đi đến thành tựu đạo quả của Bồ đề, vậy xin hỏi: Người ngộ đạo là do công phu miên mật, một phen liễu ngộ, ngộ được tự tánh như cùng với Phật không hai không khác, nhưng vì tập khí vọng tưởng huân tập nhiều đời kiếp, chẳng thể một lần nhảy thẳng vào biển thanh tịnh giác của Như Lai, thì các vị đó phải dùng phương tiện gì, tu hành như thế nào để lột bỏ những tập khí hữu lậu?

Đáp: Thiền thất không phải để khai thị, không cần khai thị, khai thị cũng là vọng. Thiền thất cũng như trường thi, hồi xưa người ta khổ học mười năm rồi vào trường thi là muốn thi đậu, chứ đâu phải vào trường thi để nghe khai thị! Xưa kia chư Tổ trong khi dự Thiền thất, có người ngay nơi thất thứ nhất khai ngộ, có người ở thất thứ nhì ngộ, người thì thất thứ ba ngộ … tức bình thường đã có công phu, đã đến mức rồi, như qua mười năm khổ học tất cả đều biết hết, bây giờ là đi thi, mong cho được đậu chứ chẳng phải đến trường thi để học.

Đối với tâm và Tự tánh, nay tôi hỏi ông:
- Có tin lời của Phật Thích Ca không?

- Dạ, dĩ nhiên con tin rồi, qua các Tam tạng Giáo điển, qua lịch sử tu chứng của chư Tổ cho nên rất tin tưởng về lời dạy của Đức Phật.

- Đức Phật nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, có tin không?

- Dạ tin.

- Mà ông tin ông có Phật tánh không?

- Dạ tin.

Phật tánh có thể giảm bớt không?

- Dạ không thể giảm bớt.

Phật tánh có gián đoạn không?

- Dạ cũng không gián đoạn.

Nếu ông nói vậy thì ông còn muốn nghe khai thị để làm gì? Phật tánh không thể giảm bớt thì bây giờ tất cả thần thông trí huệ năng lực đều bằng với Phật Thích Ca, chẳng kém hơn một tí nào phải không? Ông đã nhìn nhận ông có Phật tánh rồi, nếu có kém hơn tức là giảm bớt; nếu bây giờ ông không phải là Phật thì là gián đoạn! Tất cả đã sẵn, đâu phải nhờ khai thị? Tại ông học rồi đuổi theo văn tự lời nói, quên mất Phật tánh sẵn có của mình. Do lòng tin chưa đầy đủ, mặc dù nói là tin, sự thật chỉ tin một phần nào thôi. Nay chỉ cần tăng trưởng lòng tin tự tâm cho đầy đủ, phát hiện cái sẵn có của mình.

Tôithí dụ cái sẵn sàng đó cho ông biết để tẳng trưởng lòng tin:

Phật tánh khắp không gian thời gian, mặc dầu chẳng hình tướng số lượng, nhưng đã sẵn sàng. Trong Bát Nhã Tâm Kinh nói “Tánh không” tức là cái tâm này. Nói đến tánh không, nhiều người hiểu lầm Phật Giáo và tu sĩ chúng chúng tôi chán đời tiêu cực mới đi vào cửa không, nhưng sự thật thì Phật pháp rất tích cực, phàm nói đến chữ KHÔNG là hiển bày sự dụng. Tại sao? Vì bất cứ cái gì, muốn dùng phải có cái Không, chẳng có cái không thì chẳng thể dùng. (Sư phụ nói về nghĩa không của cái tách, cái bình, lược qua).

Cái không này chẳng nhúc nhích, nhưng tuụ nhiên hiển bày sự dụng: Vũ trụ vạn vật, mặt trăng mặt trời, nhà cửa cây cối … đều phải nhờ cái không này mới hiển bày sự dụng.

Chính cái Không, túc cái tâm, do tâm có sức dụng nên gọi “Tánh không”, sự dụng sẵn sàng và vô biên, tất cả dùng đều phải nhờ nó. Nó vốn hoàn toàn chẳng có cái gì hết, nhưng chính vì vậy mới hiển bày sự dụng được. Cho nên, Ngài Long Thọ, Tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ trong Trung Quán Luận nói: “Vì có nghĩa Không, nên thành tựu tất cả pháp”, nếu chẳng có cái không thì thế giới này thế giới chết.

Bây giờ con người thông minh, đem cái Không này hạn chế thành cái tách, rồi giải thích sự dụng của cái tách; đem hạn chế thành cái bình rồi giải thích sự dụng của cái bình, cho rằng cái không của tách khác hơn cái không của bình; cái không của bình khác hơn cái không của căn nhà v.v... mà chẳng biết đều cùng một cái không. Bây giờ cái tách này vỡ đi, cái bình này bể đi, căn nhà này sụp đổ, cái Không vẫn y như cũ, chẳng có thêm bớt, cho đến một quả bom nguyên tử làm nổ tung trái đất này, mặt trăng mặt trời tan rã hết, đối với cái không cũng vẫn y như cũ, chẳng bị ảnh hưởng, chẳng bị tổn thương một chút nào. Vậy đâu có nghĩa lý gì? Nay cứ đặt ra nghĩa lý của cái tách cái bình, đối với cái không này đâu ăn thua gì? Tại con người thông minh, cứ tự mình đặt ra để tự hạn chế.

Hỏi: Tự tánh chơn không, mọi hiện tượng đều từ chơn tánh lưu xuất, nhưng tại sao nói tâm không rồi, lại sanh các pháp phiền não, lại phải nhọc nhằn để độ thoát?

Đáp: Tại do ông đem cái không này hạn chế thành cái tách, rồi đặt ra nghĩa lý của cái tách, thì tách này hư cũng là phiền não … ấy do tự mình tạo ra, đối với cái không đâu dính dáng! (Sư phụ thí dụ dẫm chân lên cứt sình và trừ nghiệp chướng phiền não, lược qua).

Hỏi:Tham Thiền này có giống thiền Yoga của phương Tây không?

Đáp: Yoga là thiền Ấn Độ, chẳng phải của phương Tây, đó là phương pháp tập để trị bệnh, còn tham thiền là muốn đạt đến kiến tánh để vĩnh viễn tự do tựtại, giải thoát tất cả khổ. Tập Yoga là để hết bệnh, nhưng bệnh này hết thì bệnh kia đến, tuổi già chừng nào bệnh nhiều chừng nấy, đến tập Yoga cũng không trị được thì phải chết, còn tham thiền là muốn trị cho triệt để, chẳng còn bệnh nữa.

Hỏi: Khai quang điểm nhãn có lợi ích gì?

Đáp: Chư Phật Bồ tát nếu phải nhờ khai quang điểm nhãn thì đâu có giá trị gì? Ấy là sự mê tín.

Hỏi: Gia đình có người mất, con cháu cúng heo quay thì người cúng có tội hay người chết có tội?

Đáp: Người cúng có tội trực tiếp, vong linh nếu có biết sẽ ham thích muốn ăn, cũng bị liên lụy, vì hễ giết một mạng phải trả một mạng, ăn một miếng thịt phải trả một miếng.

Hỏi: Tham thiền cần chú trọng nghi tình và khán thoại đầu, nhìn về một niệm chưa sanh khởi và hướng về tự tánh cùng khắp mà không hiểu không biết, đúng không?

Đáp: Tôi chỉ nói là nhìn chỗ thoại đầu, đâu có bảo là hướng về Tự tánh! Tự tánh làm sao có chỗ để hướng? Vì bản thể Tự tánh khắp không gian thời gian, nếu cố chỗ hướng tức chẳng phải Tự tánh.

Hỏi: Sư phụ thường khai thị là pháp môn Tổ Sư Thiền là Tối thượng thừa, dùng để tu giải thoát, nếu như đã biết mà không tu là tự làm chướng ngại cho mình, tức đọa địa ngục?

Đáp: Ai nói câu này? Có tạo nghiệp địa ngục mới phải đọa địa ngục, chứ “Không tu Tổ Sư Thiền phải đọa địa ngục” là ai nói vậy? Khi nào phỉ báng Tổ Sư Thiền, tự mình phỉ báng không dám tu, ấy là tội phỉ báng, chứ đâu phải tội không dám tu, Không tu chỉ là không được kiến tánh mà thôi, nếu không phỉ báng thì làm sao tạo tội địa ngục?

“Phỉ báng Tổ Sư Thiền mà tự mình không dám tu, ấy là tội địa ngục, một đại kiếp; còn phỉ báng Tổ Sư Thiền khiến người khác không dám tu, là tội địa ngục bốn đại kiếp”, đó là lời của Ngài Lai Quả, chứ tôi có nói là “Không tu Tổ Sư Thiền tức tạo tội địa ngục” đâu! Ấy là phỉ báng tôi vậy.

Hỏi: Ví như mình có một ngôi chùa hoặc một phương tiện nào để cho người khác tu hành, có người đến xin tu mà mình không cho ở, vậy có nhân quả gì?

Đáp: Chùa là đạo tràng, lập đạo tràng có hai mục đích: Một là để cho chúng tu, hai là hoằng dương chánh pháp, còn nếu đi quyên tiền thí chủ mười phương để lập đạo tráng mà không cho người ta tu chánh pháp, cho tu theo pháp tà ma, thì dẫu có tu cũng không được. Phải tu đúng theo chánh pháp, phải hoằng dương chánh pháp, chứ không phải lấy bảng hiệu Phật pháp mà tu theo tà ma ngoại đạo, ấy là tội địa ngục, thầy và trò đều có tội.

Hỏi: Nếu còn khởi niệm là chưa đến thoại đầu, phải không?

Đáp: Niệm cũng như nghi tình, nếu chỉ có nghi tình, không có niệm khác là tới thoại đầu, nếu có niệm khác là chưa tới thoại đầu.

Hỏi: Đức Phật trong Kinh Bát Đại Nhơn Giác nói “Khi trả lời vấn đáp, người xuất gia phải đầy đủ bốn yếu tố: Tự tha, chánh tha, tùy nghi vấn đáp, theo ý nhân duyên”. Vậy thế nào là tự tha?

Đáp: Về vấn đề này, trong Kinh Bát Đại Nhơn Giácnói chưa rõ bằng Kinh Lăng Già: Bốn thứ đáp ấy là: Quyết định đáp, đáp hai mặt, hỏi ngược và im lặng, tức không đáp mà đáp, nhưng đến cuối cùng thì Phật nói: “Từ lúc đắc đạo đến khi nhập Niết bàn, ở khoảng giữa chẳng có nói một chữ, cũng chẳng đáp một chữ”. Vì sở dĩ có hỏi là do có bệnh nhưng là bệnh giả, cái đáp đó là thuốc giả để trị bệnh của người hỏi, nên có bốn cách trả lời.

Tất cả kinh Phật đều là phương tiện giả lập để phá chấp của chúng sinh, ví như có thứ kinh phá chấp của Bồ tát, có thứ kinh phá chấp của Thừa Duyên giác, thứ thì phá chấp của Thừa Thanh Văn, thứ thì phá chấp của các tôn giáo khác, như Kinh Lăng Giàlà phá chấp của tôn giáo khác, cho nên dù lời kinh chẳng giống nhau, nhưng ý vẫn không khác, chỉ là dùng thuốc giả để trị bệnh giả, bệnh giả hết thuốc giả cũng phải bỏ.

Hỏi: Trong tám thức có A lại da thức, Mạt na thức, tâm sở và tâm vương, thế nào là tâm sở và tâm vương?

Đáp: ám thức đều là tâm vương: Tiền ngũ thức, thức thứ sáu, thức thức bảy và thức thứ tám đều gọi là tâm vương, vì nó chủ động. Tám thức chẳng phải có tám người, chỉ là chia thành tám nhiệm vụ, mỗi thứ đảm trách một nhiệm vụ, cũng có thức lãnh hai nhiệm vụ:

Ví như nhãn thức lãnh nhiệm vụ xem, nhĩ thức lãnh nhiệm vụ nghe, tỷ thức về ngửi, thiệt thức về nếm, thân thức về xúc, ý thức về biết, còn thức thứ bảy lãnh hai nhiệm vụ, một là ngày đêm chấp thức thứ tám là ta, hai là lãnh nhiệm vụ truyền tống, thức thứ sáu làm những việc thiện việc ác, làm thiện tạo chủng thiện, làm ác tạo chủng tử ác, thức thứ bảy đem hạt giống này chứa vào tạng thức (thức thứ tám), khi chín mùi rồi đem trở ra giao cho thức thức sáu thi hành. Đưa ra đưa vào nên gọi là truyền tống, còn thức thứ tám chỉ có nhiệm vụ kho tàng, nên gọi là tạng thức.

Tám thức này trong Duy Thức gọi là Tâm vương, thuộc về năng, có năng ắt có sở, cũng như nhãn thức là năng xem, và ngoại cảnh là sở xem; nhĩ thức là năng nghe, âm thanh là sở nghe; thức thứ sáu là phân biệt, là năng biết, như nhãn thức năng xem, qua thức thứ sáu phân biệt thấy cái đẹp thì ham thích, thấy cái xấu thì chê ghét, sự yêu ghét ấy gọi là tâm sở. Trong Duy Thức phân tích buồn vui yêu ghét … tính chung gồm 51 thứ tâm sở.

Hỏi: Thế nào là nhân sinh quan và vũ trụ quan?

Đáp: Tuúc hủ quan của mình cho là nhân sinh phải như vậy, như vậy, còn người khác lại cho là nhân sinh phải như vậy như vậy … Cũng như nhân sinh quan giữa nhà khoa học với nhà triết học đã khác nhau, rồi, vũ trụ quan cũng vậy. Làm thế nào hình thành vũ trụ. Vũ trụ có tác dụng gì? Làm thế nào thành lập nhân sinh! Nhân sinh có tác dụng gì? … Nhà triết học thì muốn biết tại sao, còn nhà khoa học thì muốn biết bắt đầu từ chỗ nào, muốn truy cứu nguồn gốc sanh ra vũ trụ, nguồn gốc sanh ra con người.

Nếu theo Phật Giáo thì Đức Phật nói những người này đều là ngu si. Nói nhà khoa học là ngu si thì mọi người đều phản đối, vì mọi người đều sùng bái khoa học, thế thì tại sao nói như thế? Vì Đức Phật nói là vô thỉ, bất cứ cái gì đều không có sự bắt đầu, không có lý bắt đầu, gọi là nghĩa vô sanh. Tại sao? Tôi thường lấy con gà và trứng gà làm thí dụ: con gà thì khác với trứng gà, trứng gà khác với con gà, vậy thì con gà bắt đầu trước hay trứng gà bắt đầu trước? Không có con gà làm sao có trứng gà? Mà không có trứng gà làm sao ấp ra con gà? Sự thật chứng tỏ, hai cái đều không thể bắt đầu, ấy là nghĩa vô sanh.

Nhà khoa học tìm sự bắt đầu không được thì cho là tự nhiên, còn Phật thì phủ nhận tự nhiện, mặc dầu Phật nói là nhân duyên, nhưng nhân duyên chẳng phải thật, cho nên Kinh Lăng Nghiêm nói “Phi nhân duyên, phi tự nhiên”. Tại sao? Vì chẳng có nhân đầu tiên thì nhân thứ nhì, thứ ba làm sao có? Cũng như con gà và trứng gà làm nhân với nhau nhưng không có cái nhân bắt đầu; nếu nói tự nhiên cũng không được, vì chẳng thể tự nhiên có gà, muốn có con gà phải có trứng gà, chẳng thể tự nhiên có trứng gà, muốn có trứng gà phải có con gà.

Hỏi: Con đã thọ giới Bồ tát mà chưa hiểu giới Bồ tát là gì, muốn giữa được dâm giới trong giới Bồ tát phải làm gì?

Đáp: Kinh Lăng Nghiêmnói” Chẳng những thân không phạm, luôn cả cái “không phạm” cũng không còn”, tức thân tâm đều dứt, luôn cả cái dứt cũng không có, như thế đối với Vô thượng Bồ đề mới có hy vọng. Lại nữa, trong kinh nói: “Có sát đạo dâm là trong tam ác đạo, mà không có sát đạo dâm là tam thiện đạo, vẫn còn ở trong luân hồi”; vì có và không là đối đãi, thành có luân hồi, còn Vô thương Bồ đề là không đối đãi, chẳng những cái có, luôn cả cái không có cũng không còn, tức dứt sạch thân dâm, dứt sạch tâm dâm, luôn cái “dứt sạch” cũng không còn, mới là thật trong sạch.

Hỏi: Kính bạch Sư phụ, con tham câu “niệm Phật là ai” sau một thời gian, con thấy tâm được thanh tịnh, cho đến liễu liễu thường tri. Như vậy nghi tình con vậy vẫn tiếp tục tham đến cứu cánh hay là thế nào?

Đáp: Tôi đã nói Tổ Sư Thiền là không biết để tu, nghi tình là biết, là nghịch với tham thiền. Thiền tông nói “Tri chi nhất tự, chúng họa chi môn,” nếu có liễu liễu thường tri thì làm sao nói la tu Tổ Sư Thiền!

Đó là vì ông lấy câu thoại làm mục tiêu chứ không phải lấy thoại tiêu, ấy là tham thoại đầu. Thoại đầu là chưa có câu thoại, đã có câu thoại thì chẳng phải thoại đầu rồi.

Tôi phát hiện những người tham câu “Niệm Phật là ai” không có nghi tình. Tại sao? Vì nếu thật không biết niệm Phật là ai thì mặc áo ăn cơm cũng không bíết, nói chuyện cũng không biết. Nếu như tất cả đều biết, chỉ không biết niệm Phật là ai, ấy là tự dối. Ví như ăn cơm biết là tôi ăn, mặc, chỉ có niệm Phật lại không biết là tôi niệm vậy có mâu thuẫn không?

Hỏi: Loài hữu tình như con người khi tạo tội có đọa thành loài vô tình như con người khi tạo tội có đọa thành loài vô tình để trả quả không ? Trong chuyện Quy Ngươn Trực Chỉ có đoạn viết:

Một hôm Đức Phật và A Nan đi ngang một cây cổ thụ, A nan thấy có loài sâu đục từ trong thân cây ra và ăn thân cây. A Nan bạch Phật “Loài sâu này tạo nhân gì mà hôm nay phải làm thân sâu ở trong bọng cây?” Phật bảo “Không chi lạ trước đây vị trụ trì lấy cho thân bằng quyến thuôc lợi dưỡng của thường trụ mà không tu, nên hiện giờ đọa làm thân cây, và những con sâu chính là thân bằng quyến thuộc”. Có phải vậy không? Xin Sư Phụ từ bi khai thị.

Đáp: Tất cả lời nói của chư Phật đều là phương tiện tạm thời. Kinh Lăng Nghiêmnói: “Cái thân này với cái tách này, bình này đều bình đẳng, đều do Diệu tâm biến hiện”. Nhưng nay con người chấp cái thân này là ta, còn cái tách thì chẳng phải ta, ấy là do ý phân biệt, đã là che khuất cái tâm.

Thật ra, tất cả vũ trụ vạn vật, hữu tình vô tình, đều do Diệu tâm biến hiện, hễ kiến tánh thì tất cả đều là ta, tất cả hữu tình vô tình đều không ngoài tánh không, tức hư không này là tâm. Do tâm tạo ra đủ thứ núi sông đất đai, nhà cửa cây cối v.v... rồi lại phân biệt cái này là ta, cái kia chẳng phải ta, cái này là hữu tình, cái kia là vô tình … đều là vọng chấp, là bệnh mới có sự phân biệt như vậy. (Sư phụ ví dụ một trăm cây đèn, lược qua).

Hỏi: Về vấn đề đi nhanh hay chậm trong lúc kinh hành có ảnh hưởng gì không?

Đáp: Không ảnh hưởng. Ở Thiền đường Trung Quốc, có lúc thấy mọi người buồn ngủ thì đánh bảng bảo hương, đi thật nhanh như bay, còn bình thường thì đi chậm. Dù đi nhanh hay chậm, trong bụng vẫn vừa nhìn vừa hỏi tham liên tiếp.

Hỏi: Thế nào Hòa thượng Duy Lực?

Đáp: Chẳng có thế nào hết. Cũng như tôi đâu phải gọi là Duy Lực? Thầy bổn sư tôi đặt tên Duy Lực thì mọi người gọi tôi là Duy Lực; người ta khen ngợi Duy Lực cũng chẳng dính dáng vói tôi, chê cười Duy Lực cũng chẳng dính dáng với tôi, không những Duy Lực là giả danh, cho đến Phật Thích Ca cũng là giả danh. Trong Kinh Pháp Hoa, Phật nói: “Nay đồng thời ở vô lượng vô biên thế giới hoằng dương Phật pháp, mỗi thế giới đều có tên họ, tuổi tác khác nhau”, vậy cho tên họ nào là chính Phật Thích Ca? Nói Phật Thích Ca cũng chẳng phải Phật Thích Ca nữa, tức Phật còn phủ nhận, huống là Duy Lực! Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật nói: “Do ta chẳng đắc Vô thượng Bồ đề nên Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta sau này thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni, nếu ta có đắc Vô thượng Bồ đề thì Phật Nhiên Đăng đã chẳng thọ ký cho ta thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni”. Tại ông có tư tưởng chấp thật, mới có những câu hỏi như vậy.

Hỏi: Đã chẳng có thì chẳng lập chơn, vậy những bậc cổ đức xưa kia ngộ đạo rồi nương vào cái gì để an thân lập hạnh?

Đáp: Hôm trước tôi đã hỏi ông Phật tánh có thể giảm bớt gián đoạn không, thì ông nói là không. Nếu Phật tánh không gián đoạn thì đâu cần thành Phật gì nữa! Chính ông cũng biết Phật tánh không gián đoạn không giảm bớt rồi, bây giờ đề ra câu hỏi nghịch lại, có phải mâu thuẫn không?

Hỏi: Thuận đã chẳng có thì làm sao có nghịch? Vậy thì đúng là Hòa thượng Duy Lực rồi!

Đáp: Vì ông có tư tưởng chấp thật quá nặng, nên phải chấp vào một chỗ nào mới được, chứ không tin Phật tánh của mình khắp không gian thời gian, dù nói tin mà không tin, hãy xem kỹ cuốn Kinh Lăng NghiêmKinh Lăng Già.

Hỏi: Trong Thiền Thất Khai Thị Lục, Ngài Lai Quả nói: “Tất cả chúng sinh cũng là chướng, phiền não cũng là chướng, Phật cũng là chướng, hư không đại địa cũng là chướng”. Đã là hư không thì làm sao bị chướng? Con không hiểu đoạn này, xin Sư phụ từ bi khai thị.

Đáp: Tại ở trong thế lưu bố tưởng sanh ra trước tưởng, thành điên đảo tưởng mới thành chướng, nếu chỉ có thế lưu bố tưởng, không có trước tưởng thì chẳng thành chướng, tất cả đều là Chơn như, tất cả đều là tuyệt đối. Nếu không sanh ra chấp trước tưởng thì Bồ đề và phiền não chẳng khác, chúng sinh với chư Phật cũng chẳng khác, cho đến tham sân si cũng là giải thoát.

Tất cả vũ trụ vạn vật, pháp thế gian pháp xuất thế gain đều do vọng tâm kiến lập, kiến lập rồi lại phủ nhận. Kinh Lăng Gia nói “Kiến lập và phủ nhận đều là vọng”, vì tâm mình chẳng thể kiến lập, kiến lập còn không thể, làm sao phủ nhận?? Nhưng bây giờ tất cả Phật phải muốn giảng ra để chúng sinh được hiểu biết và theo đó tu hành thì phải kiến lập rồi phủ nhận, tức là hai chữ “lập” và “phá”: Năm thừa gồm Tiểu thừa, Nhơn thừa Trung thừa, Đại thừa, Nhơn thừa và Thiên thừa. Nhơn thừa, Thiên thừa chỉ có lập không có phá, Tiểu thừa, Trung thừa cho đến Đại thừa đều có lập có phá, Tối thượng thừa thì không có lập chỉ có phá. Nếu đến cùng tột thì lập cũng không, phá cũng không, tức đến Diệu Giác rồi, đó mới là bản lai diện mục, chẳng có cái gì để lập, cũng chẳng có cái gì để phá.

Hỏi: Trong kinh Viên Giác nói: “Nếu dùng tâm phàm phu này đo lường cảnh giới của Như Lai, chẳng khác gì lấy lửa đom đóm đốt núi Tu di” là thế nào?

Đáp: Cũng trong Kinh Viên Giácnói: “Nếu chưa ra khỏi luân hồi mà luận bàn viên giác, thì viên giác ấy cũng là luân hồi”. Nay dùng lời nói thế gian thì nói đi nói lại cũng là pháp thế gian, chẳng thể ra ngoài thế gian được. Cho nên, dùng ngôn ngữ chẳng thể nhập tri kiến Phật.

Nói đến tri kiến Phật, nhiều người lầm tưởng có cái kiến giải, có cái sở tri của Phật. Nếu có kiến giải, có sở tri thì chẳng phải tri kiến Phật, chẳng lập tri kiến nào cả, trống rỗng tánh không mới là tri kiến Phật. Hễ có nói lên một tri kiến nhỏ như hạt bụi cũng chẳng phải tri kiến Phật, mà ấy là vọng.

Hỏi: Thế nào là tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác?

Đáp: Ly là lìa, bây giờ muốn lìa cái gì? Đã trống rỗng tánh không rồi lấy cái gì để lìa? Biết đó là tánh không đã là lìa, biết chẳng có cái gì để lìa đã là lìa rồi! Nếu chấp thật có cái gì để lìa thì chẳng lìa được, là không dây tự trói. Cũng như Tổ Đạt ma ấn chứng cho Nhị tổ Huệ Khả:

Hệ Khả nói: Tâm con bất an, xin thầy an tâm cho.

Tổ nói: Đem tâm lại để thầy an cho.

Huệ Khả tìm một hồi rồi nói: Con tìm tâm không ra.

Tổ nói: Ta đã an tâm cho con rồi đó.

Huệ Khả liền ngộ.

Hỏi: Có một vị Phật tử, lúc trước theo phái khất sĩ, Hòa thượng Khất sĩ bảo: “Phật tử tại gia không ngồi thiền được, vì va chạm ngoài đời nhiều vọng động, không nên ngồi thiền”, còn Phật tử tại gia tu theo Tổ Sư Thiền rất dễ, con hơi thắc mắc điều này, xin Sư phụ từ bi khai thị?

Đáp: Theo Tổ Sư Thiền, ông vua cũng có kiến tánh, Thừa tướng, Bộ trưởng cũng có kiến tánh, bà già vai gánh tay bưng rao bán ngoài đường cũng có kiến tánh, đứa bé 8 tuổi như Long Nữ trong Kinh Pháp Hoacũng kiến tánh thành Phật, những người này đều là tại gia, chẳng những tu thiền được, còn kiến tánh nữa. Phái Khất sĩ nếu quyết tử tu cũng kiến tánh vậy, đâu có phân biệt tại gia xuất gia? Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói: “Xuất gia chẳng tu thì không bằng tại gia có tu” (Sư phụ kể về thân xuất gia và tâm xuất gia, và câu chuyện của gia đình ông Bàng Công Uẩn, lược qua).

Hỏi: Thế nào là “Vi thuận tương tranh, thị vi tâm bệnh. Bất thức huyền chỉ, đồ lao niệm tịnh” trong bài Tín Tâm Minh?

Đáp: Ông hãy xem lại cuốn Tín Tâm MinhTịch Nghĩa Giảisẽ rõ, chỉ cần hiểu được hai câu đầu tiên của bài này sẽ hiểu tất cả. Bài Tín tâm Minh Tịch Nghĩa Giảilà do Ngài Trung Phong thấy người ta chấp vào Tín Tâm Minhcủa Tổ Tăng Xán, dùng Tín Tâm Minhdẫn chứng là nghịch với Tín Tâm Minhvà ý của Tổ Tăng Xán, là phỉ báng Tổ.

Ý của chư Phật, chư Tổ, chẳng phải ở trong lời, nên Tứ y nói “Y nghĩa bất y ngữ”, phải y theo ý nghĩa chứ không được y theo lời nói. Bây giờ người ta cứ đuổi theo lời nói mà nghịch với ý nghĩa, nên Ngài Trung Phong mới làm ra bài Tịch Nghĩa Giải. Tịch là phủ định nghĩa giải, lời của ngài dù cao hơn nghĩa giải của Giáo môn nhiều nhưng cũng phải quét sạch.

Thật ra, nói “Ý nghĩa” đã là không đúng. lập ra nghĩa đã là sai. Như ở trên tôi đã nói, tánh Không có nghĩa lý gì đâu? Lập ra cái nghĩa không của cái tách, của cái bình, của căn nhà, đối với nghĩa không của thực tế có dính dáng gì!

Hỏi: Tại sao lúc Đức Phật ra đời trời đất rung chuyển, khi Phật nhập Niết bàn thì trời người muông thú đau thương?

Đáp: Chính Phật Thích Ca nói là vô thỉ vô sanh, thì làm sao Phật lại có sanh và nhập Niết bàn? Kinh Lăng Giànói: “Chẳng có Phật Niết bàn, chẳng có Niết bàn Phật”, nếu y theo lời nói thì rất mâu thuẫn, nên phải hiểu theo nghĩa. Tám tướng thành đạo từ Đức Phật sinh ra đến khi nhập Niết bàn, là muốn thị hiện cho người đời biết, nên có trời đất rung chuyển, sự thật thì chẳng có sanh, cũng chẳng có Niết bàn.

Hỏi: Có phải số mạng con người thể hiện trên chỉ tay?

Đáp: Tôi chỉ biết nhân quả, không biết coi chỉ tay. Nhân quả do tâm tạo, tâm mình tạo thì tâm mình cũng sửa được, chứ người khác thì sửa không được.

Hỏi: Phật tử đông có tốt không?

Đáp: Vấn đề chẳng phải là đông hay không đông, mà phải tu đúng chánh pháp ấy là tốt, còn nếu Phật tử một ngàn người, tu theo tà pháp thì không tốt. Tại sao? Vì tu đúng chánh pháp được giải thoát, một người thành Phật độ vô lượng vô biên chúng sinh; còn một ngàn người tu theo tà đạo, chẳng những không được giải thoát, còn phải đọa địa ngục, ấy là hại người, đông chừng nào hại nhiều chừng nấy.

Hỏi: Thế nào là chuyển thức thành trí?

Đáp: Thức là tám thức, chuyển thức thành trí là kiến tánh: Thức thứ tám chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, thức thứ bảy chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí, thức thứ sáu chuyển thành Diệu Quan Sát Trí, tiền ngũ thức chuyển thành Thành Sở Tác Trí, tức tám thức chuyển thành tứ trí. Hễ chuyển thành trí rồi thì con mắt có thể nghe, lỗ tai có thể xem, tức lục căn hỗ dụng, vì tám thức chẳng phải có tám người, chỉ chia thành tám tác dụng, nay đã chuyển thành trí thì không có phân biệt nữa.

Hỏi: Ăn chay có đủ dinh dưỡng không? Mẹ con bị liệt bán thân, con muốn cho mẹ ăn chay nhưng sợ không đủ dinh dưỡng, hoặc con phải cúng dường trai Tăng, hồi hướng công đức cho mẹ con bớt nghiệp?

Đáp: Nhiều người cho là ăn chay không đủ dinh dưỡng, một số bác sĩ cũng nói vậy, nhưng ở các nước phương Tây, các nhà nghiên cứu tâm lý và vật lý học, lại khuyên mọi người dùng rau cải thay vì dùng cá thịt. Ấy só sự dẫn chứng cụ thể: như con voi, trâu, bò, ngựa … những loại động vật này đều ăn chay (ăn cỏ) mà rất khỏe mạnh. Người ta cho là dùng huyết bò, thịt bò là bổ, nhưng con bò chỉ ăn cỏ, vậy là chất bổ lấy từ cỏ, mà con người ăn chay là trực tiếp hấp thụ chất bổ.

Nhà Tâm lý học đem ra một số thí nghiệm: họ dùng một mảnh kiếng, cho người đang nổi sân hận phà hơi thở vào mảnh kiếng, thì hơi thở trên kiếng có màu hơi vàng, đem rửa ra cho con sâu nhỏ ăn, liền bị ngộ độc chết. Còn người không nổi sân hận, tâm thanh nhàn thì hơi thở phà ra có màu trắng, con sâu ăn phải không bị chết.

Thí dụ trên chứng tỏ, lúc con vật bị đưa ra giết hại thì tâm rất sân hận, tự nhiên máu thịt của nó sẽ chứa đầy chất độc.

Lại nữa, có một người Mỹ là chuyên viên kiểm dịch thực phẩm, khi được mời đi nhà hàng thì ông ấy không bao giờ dùng món thịt cá mà chỉ ăn rau cải, mọi người hỏi ông ấy là đạo Phật hay đạo gì mà không ăn thịt? Ông đáp: Tôi chẳng có đạo gì hết, sở dĩ không ăn thịt chỉ vì sức khỏe thôi.” Hỏi lý do thì ông ấy nói:

- Tôi là kiểm phẩm viên, mỗi khi tôi kiểm dịch thực phẩm đều phát hiện trên đó chứa đầy vi trùng, nếu tôi nghiêm khắc quá chắc thị trường không có thịt để bán, nên chỉ cấm những loại hàng nào quá tệ thôi, vì đó nên tôi không dám ăn.”

Qua sự thống kê hàng năm của các công thương yêu bảo hiểm nhân thọ, phát hiện rằng người ăn mặn thường có tuổi thọ ngắn hơn người ăn chay, nên khi họ nhận bảo hiểm cho người ăn chay họ sẽ lợi hơn.

Vậy đủ chứng tỏ ăn chay là dinh dưỡng trực tiếp, còn ăn thịt là dinh dưỡng trực tiếp, còn ăn thịt là gián tiếp, lại thêm vào độc tố, vi trùng, mầm bệnh …

Hỏi: Lo tham thiền không màng đến buôn bán thì cuôc sống con cái ra sao?

Đáp: Pháp sư Đàm Hư ở Hồng Kông (thọ 90 tuổi, tịch ở HK) trước khi xuất gia là một người thầy thuốc, mở một tiệm thuốc Bắc và có năm đứa con. Khi Sư phát tâm xuất gia thì đứa con nhỏ nhất chỉ mới một tuối, vì sợ bị cản trở, nên không dám báo cho vợ biết mà lén đi xuất gia.

Đang đi nữa đường, chợt nghĩ: Nếu ra đi như thế thì tiệm thuốc sẽ ra sao? Phải đóng cửa ư? Rồ làm sao duy trì cuộc sống cho cả nhà? Cả bầy con còn non dại, rủi người vợ chịu không thấu đi lấy chồng khác thì ai nuôi con?

Lại nghĩ: trên đời này thiếu gì người tái giá, nếu như ta không phải vì xuất gia là bị bệnh chết, chẳng phải mấy đứa con cũng thành mồ côi sao!

Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng cũng chọn con đường xuất gia. Vài năm sau, khi trở thành Pháp sư rồi, trên đường đi hoằng pháp có dịp đi ngang quê nhà, thì con cái đã trưởng thành, tiệm thuốc vẫn còn. Lúc đầu bà vợ rất giận, nhưng cũng ráng nuôi các con. Về sau, vợ ông ấy cũng tu theo Pháp Tịnh độ mà được vãng sanh, cũng có người con trai đi theo con đường xuất gia vậy. Lại nữa, chính lúc Phật Thích Ca lén đi xuất gia thì đứa con là La Hầu La mới chỉ ra đời mấy ngày.

Hỏi: Thế nào là ngũ phần hương?

Đáp: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Ngài Lục Tổ giải thích năm thứ hương: Giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương.

Năm thứ hương này là hương của tâm, mọi người đều có. Nay chúng ta tham thiền, hỏi câu thoại giữ được nghi tình thì giới hương, định hương, huệ hương … năm thứ hương đều đốt. Vì nghi tình là không biết, không biết thì không phạm giới, ấy là Giới hương: không biết thì tâm chẳng tán loạn, ấy là Định hương, không biết thì chẳng phân biệt, hễ có phân biệt là thức, chẳng phân biệt là trí, ấy là Huệ hương. Không biết thì đâu còn tri kiến gì? tức giải thoát tri kiến hương, luôn cả giải thoát tri kiến cũng không còn, là đầy đủ ngũ phần hương.

Hỏi: Sư phụ dạy tham thoại đầu là đi đến chỗ vô niệm, nói Phật tánh của mọi người sẵn đủ, nhưng trong lý này, thật ra con thấy ít ai nhận được, dẫu có đem thân tu đạo nhưng tâm pháp chưa nhập đạo cũng chẳng thể thấy được lý pháp thân. Ở đây Sư phụ cho hỏi những thắc mắc, nhưng hễ có thắc mắc mắc là đã rơi vào có niệm rồi! Vậy hỏi như thế nào để khỏi rơi vào năng sở và kẹt vào chỗ có không?

Đáp: bây giờ nghi tình cũng là có niệm, nghi tình cũng là nhất niệm vô minh, đâu phải vô niệm? Tôi đâu có nói là vô niệm? Ông còn chưa biết ý nghĩa của vô niệm: Trong Pháp Bảo Đànnói: “Hữu niệm niệm thành tà, vô niệm niệm tức chánh, tà chánh đều quét sạch, thanh tịnh đến cùng tột”, tà chánh đều phải quét sạch, vô niệm cũng phải quét, đâu phải cần vô niệm? Hai câu kệ: “Chớ nói vô niệm, tức là đạo, vô niệm còn cách muôn trùng quan”, ai nói là phải vô niệm?

Tôi không có nói tham thiền cần vô niệm, chỉ nói là “Như Lai Thiền là dùng cái niệm biết để tu, còn Tổ Sư Thiền là dùng sự không biết để tu”, không biết cũng là niệm, mới thành nghi tình.

Hỏi: Vô sư trí nghĩa là không có thầy dạy, không có người chỉ mà nói ra được, ấy là của mình, phải không? Trong sự tham thoại đầu hằng ngày có được vô sư trí không? Vô sư trí và kiến tánh khác nhau như thế nào?

Đáp: Lúc kiến tánh tức hiện ra vô sư trí. Vô sư trí là cái tâm mình sẵn có, mục đích tham thiền là phát hiện cái mà mình sẵn có, còn những gì học được là của người khác, nếu muốn đem dạy lại người khác, tự phải có trí huệ phân biệt nó đúng hay sai. Lại nói là “tự mình biết”, có phải thật rõ biết hay không, ấy cũng là một vấn đề.

Theo tánh của con người thường ham làm thầy của người khác, dạy pháp thế gian nếu không đúng bất quá học không thành mà thôi, chẳng có tác hại; còn Phật pháp nếu dạy không đúng thì có hại. Thiền Tông có công án về Bá Trượng và con chồn năm trăm kiếp (lược qua). Cũng như bây giờ tôi giải đáp vì nhiều người tin tôi rồi, hễ tôi trả lời sai cũng có tội, chẳng thà nói mà chẳng ai tin thì không có tội. Cho nên, trong Phật pháp muốn dạy người không phải dễ.

Hỏi: Có phải dâng bông, thắp đèn cúng Phật thì kiếp sau sẽ được tướng hảo, được trí huệ sáng không?

Đáp: Trong Phật Giáo, tác dụng của Phật pháp là muốn người ta tu giải thoát tất cả khổ, còn nếu chỉ muốn kiếp sau được giàu sang, được tướng tốt thì đó là chướng ngại sự giải thoát, phải tự tu rồi trí huệ mới sáng, nếu khỏi tu thì không có nhân quả. Cúng bông cúng đèn cũng có cái nhân, nhưng nhân này rất nhỏ, còn tự mình tu phát hiện cái mình sẵn có, còn tự mình tu phát hiện cái mình sẵn có ấy mới là chơn thật triệt để.

Về vấn đề bố thí cúng dường, trong Kinh Kim Cangnói: “đem thất bữu chất đầy tam thiên đại thiên thế giới cúng dường chư Phật, phước đức đó không bằng giải thuyết tứ cú kệ”. Tại sao? Vì giải thuyết tứ cú kệ người ta theo đó tu được giải thoát, còn cúng dường bao nhiêu, phước lớn chừng nào, hưởng dần cũng sẽ hết. Lại nữa, trong lúc hưởng phước còn có thể gây thêm tội, kiếp sau nữa phải chịu khổ báo. Cho nên, người chơn tu chỉ cần giải thoát không cần phước, vì phước đó tự tánh sẵn có, hưởng đâu có hết!

Giáo môn dạy người phước huệ song tu, đó chỉ là phương tiện, còn tôi dạy Tổ Sư Thiền là vô sở đắc, không được phước cũng không được huệ; vô sở đắc vô sở cầu vô sở sợ là để phá ngã chấp, mau đạt đến giải thoát, tức kiến tánh thành Phật. Đã kiến tánh thì phước đó không gì bằng, vì tất cả đều đầy đủ chẳng thiếu sót.

----o0o---

Vi tính: Minh Trí - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]